Chương 1. Người già có suất đất
# 1
Ngày hai mươi tháng Chạp Âm lịch, nghe tin thằng con trai cả về thăm nhà, chị Duyên vui đáo để. Những năm trước, phải đến đêm hai mươi chín, nó mới thèm vác cái mặt về cơ. Chị dậy từ bốn giờ sáng dọn dẹp nhà cửa. Năm giờ, chị đã có mặt ở chợ rồi. Gớm thôi! Rau dưa xanh non ngon ngọt quá đỗi, nhưng cũng chẳng thể nào mà ngọt bằng mấy cái mồm dẻo như kẹo kéo:
- Ôi chao ôi! Chị Duyên đấy ạ! Vào đây mua cho em mớ rau lang nào! Khiếp người! Nom xa lại tưởng con gái nhà quyền quý!
- Đàn bà không phải chửa đẻ gì như chị Duyên, công nhận trẻ dai thực sự!
- Ơ kìa? Tao tưởng chị Duyên có ba đứa con rồi?
- Là ba đứa con riêng của chồng chị đó mày!
- Thật hả? Chị lấy chồng hai mươi năm rồi mà chưa đẻ nổi một mụn con à?
- Cái gì? Chị lấy chồng hai mươi năm rồi á? Vậy năm nay chị bao nhiêu tuổi?
Chị Duyên tươi cười bảo:
- Bốn mươi hai xuân xanh, già rồi em ơi!
Con Ngao trầm trồ khen ngợi:
- Vậy là chị hơn anh Xuân tận mười hai tuổi cơ à? Sao nom chị còn trẻ hơn cả anh ý vậy? Em hỏi khí không phải chứ chị là yêu quái thành tinh hả?
Con Vẹm nhắc nhở bạn thân:
- Phỉ phui cái mồm mày, xưng hô thế hả? Anh Xuân là con trai của dì Duyên mà.
- Nhưng chị Duyên trẻ quá, tao ứ thể nào mà gọi chị là dì được.
Nhờ vào cái tính thật thà dễ thương, con Ngao đã bán được cho chị Duyên một cân cua đồng và hai mớ rau mồng tơi. Chị mua thêm một con cá rô phi của con Vẹm nữa rồi phấn khởi chạy về nhà nấu nướng. Cứ háo hức nấu sớm làm gì không biết? Mới mười giờ sáng mà cơm canh đã đâu ra đấy cả rồi, nhưng nào có người ăn? Mười hai giờ, chị đem hâm nóng lại cơm canh một lần nữa, nhưng phải đến ba giờ chiều, thằng Xuân mới mở cổng bước vào sân. Chị vội vã chạy ra đón con, mùi rượu nồng nặc trên người nó khiến chị không vui cho lắm.
- Lúc nhắn tin với dì, anh thông báo rằng sẽ về sớm cơ mà?
Chị Duyên thắc mắc. Thằng Xuân gắt gỏng:
- Con về tầm này thì cũng là sớm rồi còn gì nữa? Con bận trăm công nghìn việc chứ có phải ở nhà ăn hại như dì đâu mà chính xác được từng giây?
- Bận mà vẫn đi nhậu được hả?
- Bạn bè lâu ngày không gặp, cạn với nhau vài chén rượu giải khuây, có gì đâu mà dì bắt bẻ?
Chị Duyên buồn thiu phân trần:
- Dì mong anh quá nên hỏi vậy thôi chứ không có ý trách anh. Với cả, dì đâu có ở nhà ăn hại... dì làm ruộng... cũng vất vả mà.
- Dào ôi! Làm ruộng là nhàn nhất rồi còn gì nữa? Một năm dì cấy có hai vụ lúa chứ mấy?
- Có hai vụ lúa nhưng quanh đi quẩn lại mấy cái việc đồng áng cũng hết bà nó thời gian rồi. Công việc của anh dạo này thế nào?
- Chả ra làm sao cả, năm nay kinh tế khó khăn, tiêu thì nhiều, kiếm thì ít, chán ốm ra!
- Sao năm nào dì cũng thấy anh kêu kinh tế khó khăn vậy?
- Ơ hay cái dì này hỏi buồn cười nhỉ? Khó thì bảo là khó, chứ không lẽ kêu dễ?
- Kiếm được nhiều thì ăn nhiều, kiếm được ít thì ăn ít, quan trọng tâm mình an vui là được.
- Dào ôi! Sống không có chí tiến thủ như dì thì sống làm quái gì? Nom thiên hạ người ta đua nhau xây nhà mà ham. Trên mạng còn đang có trào lưu bật đèn đó dì! Eo ôi! Nhà chúng nó to như cái cung điện ý, bật đèn lên sáng trưng, nom thích mắt dã man!
- Mình chưa gặp thời thì thèm muốn ít thôi, kẻo áp lực. Nhà to hay nhà bé thì cũng chỉ là chỗ che mưa che nắng, người trong nhà bình an mới là cái cốt yếu.
- Vợ còn chẳng cưới được, bình an cái nỗi gì?
- Sao anh bi quan thế? Sao lại không cưới được vợ?
- Có tiền đâu mà cưới? Nhà bên đó thách cưới những hai trăm triệu cơ!
- Cái gì? Hai trăm triệu? Nhà mình lấy đâu ra ngần ấy tiền?
Thằng Xuân suy tư một hồi rồi gạ chị Duyên:
- Hay là dì bán đất đi?
- Có ba suất đất ông bà để lại cho dì thì dì đã cho anh và anh Tân mỗi đứa một suất rồi, suất còn lại bé xíu, bán được mấy đồng đâu?
- Hôm trước, con hỏi giá rồi, cũng phải được năm trăm triệu đó, dì ạ. Hai trăm triệu để trả tiền thách cưới cho con, ba trăm triệu còn lại lo cỗ cưới.
- Cỗ cưới gì mà những ba trăm triệu?
- Người ta là gái thị trấn, chịu gả về quê đã là nể mặt nhà mình lắm rồi. Nhà mình đâu thể lo cỗ cưới qua loa được? Nhà mình phải đặt cỗ ở khách sạn năm sao, toàn sơn hào hải vị để còn nở mày nở mặt với thiên hạ chứ!
- Ôi dồi ôi! Nở mày nở mặt để làm gì đâu? Liệu cơm mà gắp mắm thôi!
Thằng Xuân dỗ dành chị Duyên:
- Thì thôi, một trăm triệu tiền cỗ, hai trăm triệu còn lại coi như dì mừng cưới vợ chồng con vậy.
Thấy chị Duyên có vẻ chần chừ, thằng Xuân cáu kỉnh bảo:
- Đừng nói là dì tiếc con đấy nhé!
Chị Duyên ngập ngừng giải thích:
- Suốt hai mươi năm qua, có bao giờ dì tiếc anh Xuân, anh Tân và chị Mùi cái gì đâu? Nhưng còn mỗi một suất đất để phòng khi bất trắc... không nên bán chỉ vì chuyện cưới xin.
Thằng Xuân tức điên. Nó đạp cửa lao vào bếp, giận dữ đá đổ mâm cơm chị Duyên cất công nấu cả sáng. Sau đó, nó còn bốc tro bếp ném vào người chị, vừa ném, nó vừa chửi:
- Cháy nhà mới ra mặt chuột nha! Lúc nào cái mồm bà cũng xoen xoét kêu thương tôi như con ruột, vậy mà có suất đất, bà cũng tiếc tôi hả? Đúng là khác máu tanh lòng. Tôi ghê tởm con người bà! Tôi ế vợ đến bây giờ cũng là do bà! Thứ đàn bà quỷ quyệt! Bà sống ác cho lắm vào để rồi nghiệp quật bà không có con! Cái ngữ gái độc như bà á, sau này chết già cũng chẳng có đứa nào thèm lo cho bà đâu!
#2
Chị Duyên buồn rơi nước mắt. Lần đầu tiên chị gặp thằng Xuân, nó mới chỉ là một cậu nhóc đáng yêu. Mẹ nó chẳng biết vì lý do gì mà lại cương quyết bỏ chồng con để vào Nam lập nghiệp. Nửa năm sau, nghe tin vợ ở trong đó đã có người tình, anh Lục đau khổ dữ lắm. Anh chấp nhận ly hôn chị Lụa trong cay đắng. Năm thằng Xuân mười tuổi, anh đi bước nữa với chị Duyên. Thời điểm đó, chị bị cả làng chê cười chỉ vì cái tội không đẻ được, lấy người đã có con riêng như anh là hợp lý nhất rồi. Trong ba đứa con của anh, thằng Xuân bám dì Duyên nhất. Hồi xưa, trường cách nhà có vài bước chân thôi mà ngày nào nó cũng nằng nặc bắt dì đưa đi học. Có món gì ngon, nó cũng phần dì đầu tiên. Ai chửi dì, nó chửi cả tổ tông nhà người ta. Ấy thế mà lúc nó say, nó chửi dì còn kinh hơn nó chửi thiên hạ.
- Đàn bà nhà người ta hết lòng chăm lo cho chồng con, còn con đàn bà nhà này thì chỉ biết nghĩ cho bản thân mình thôi.
- Đi khắp thế gian cũng chẳng tìm được con mẹ kế nào ích kỷ hơn bà!
- Phụ nữ ở tuổi tứ tuần giữ khư khư suất đất để làm gì? Chẳng mấy chốc sang ngũ tuần, mấy cái răng nó long ra thì còn ăn uống được gì đâu mà tham?
Chị Duyên gạt nước mắt, cố dỗ dành thằng Xuân:
- Anh vừa đi nhậu về, rượu vào lời ra, đầu óc không tỉnh táo, để hôm khác dì và anh nói chuyện sau.
Nó cao giọng trách móc:
- Tôi nói cho bà nghe, tôi đang tỉnh táo hơn bao giờ hết. Tranh thủ lúc ngáp, tôi còn đỉnh đến mức đớp được cả một con ruồi nữa là bàn tính mấy chuyện cỏn con.
- Thôi, dì ạ anh. Bếp núc dì dọn sạch sẽ, làm gì có con ruồi nào? Thứ anh vừa đớp là tro bếp đấy. Anh say quá rồi. Mau lên nhà nghỉ ngơi đi!
- Bà tiếc suất đất thì bà cứ nói ra, việc gì phải kiếm cớ?
- Dì không thèm đánh thằng say đâu nhá! Anh khôn hồn thì anh im bà cái mồm lại đi!
Chị Duyên chán nản chạy ra ngoài vườn, mặc kệ thằng Xuân càu nhàu. Nó giận dữ đuổi theo chị, hậm hực bốc một nắm đá ném về phía chị. Chị nhanh trí trốn đằng sau đống rơm. Thằng Ngỗng chẳng biết từ đâu chui ra, hòn đá sắc làm rách cả da mặt của nó. Máu chảy re re, thằng Xuân đểu cáng chơi bài chuồn. Chị Duyên đành phải đưa thằng Ngỗng đến trạm xá. Tội nghiệp thằng nhỏ phải khâu hai mũi, chị áy náy nói:
- Dì thay mặt anh Xuân xin lỗi anh.
Thằng Ngỗng khó chịu bảo:
- Chị và tôi có họ hàng gì đâu mà chị dám xưng dì? Nghe nó ngứa!
Chị Duyên phì cười suy đoán:
- Anh cũng chạc tuổi anh Xuân nhà dì chứ mấy?
Thằng Ngỗng đỏ bừng cả mặt. Chị Duyên sửng sốt hỏi nó:
- Không lẽ anh kém tuổi anh Xuân luôn hả?
Thằng Ngỗng lặng thinh không nói gì. Chị Duyên bĩu môi mắng mỏ:
- Con nít ranh mà tập tành đòi làm người lớn!
Thằng Ngỗng lí nhí bảo:
- Nhưng mà... tôi hơn tuổi thằng Tân nhà chị.
- Rồi anh hơn anh Tân những mấy tuổi?
- Xem nào... bọn tôi sinh cùng năm... nó sinh đầu tháng Hai... tôi sinh giữa tháng Giêng... tôi hơn nó... tầm... mười lăm... ngày... tuổi.
Chị Duyên cười ngất. Chị mắng nó:
- Có mấy ngày bọ mà cũng đòi sĩ diện à? Xét về tuổi tác thì anh không có cửa so với dì, nghe chửa? Người già như dì, chẳng có gì nhiều ngoài tuổi cả.
- Chị hơn tôi có mười lăm tuổi chứ mấy?
- Trời ạ! Mười lăm tuổi chứ không phải là mười lăm ngày tuổi nha. Lúc dì học cấp ba thì miệng anh vẫn còn hôi mùi sữa đấy!
Thằng Ngỗng cáu kỉnh quát ầm lên:
- Chị là cái đồ... đồ... vô văn hóa! Tôi sẽ đem chuyện này kiến nghị lên ông trưởng thôn.
Chị Duyên dúi cho nó hai triệu, ngọt giọng nịnh nọt:
- Thôi, dì xin. Xấu che, tốt khoe. Ở đây, dì có một chút... gọi là bồi bổ cho anh. Anh mau ăn, vết thương của anh chóng lành, anh khỏe, anh đẹp, anh đừng kiến nghị gì cả. Anh Xuân nhà dì bình thường ngoan lắm luôn, chẳng qua là do bữa nay nốc nhiều rượu nên mới hỗn.
- Liên quan gì tới anh Xuân?
- Ơ hay chửa? Thế "chuyện này" mà anh bảo không phải là chuyện anh Xuân ném đá vào mặt anh à?
- Không. Anh Xuân ném chị mà. Tại tôi nhảy sang vườn nhà chị, tôi cam tâm tình nguyện, tôi ngu thì tôi chịu.
- Anh bị dẩm hả? Đang yên đang lành, anh nhảy sang vườn nhà dì ăn cám à?
- Tôi mà không nhảy sang thì người ăn cám là chị đấy! Không cảm ơn thì thôi, còn bày đặt lên giọng. Ghét!
- Ghét kệ anh! Thế dì hỏi khí không phải chứ "chuyện này" là cái chuyện gì mà anh phải kiến nghị lên hẳn ông trưởng thôn?
Thằng Ngỗng ấm ức lườm chị Duyên rồi nghiêm túc trình bày:
- Chuyện chị xưng hô thiếu văn hóa.
Chị Duyên cốc đầu nó, khó chịu bảo:
- Xưng dì ngọt xớt như thế mà là thiếu văn hóa thì thôi tao cũng xin quỳ xuống, tao ạ mày luôn!
Thằng Ngỗng đồng tình:
- Như thế còn hơn. Đây! Tao trả lại mày hai triệu!
Thằng Ngỗng vứt tiền vào trong cái nón lá của chị Duyên rồi đi thẳng về nhà. Thằng con trai thứ hai của chị mồ hôi mồ kê nhễ nhại lao đến bên dì, nó thở hổn hển, nói ngắt quãng:
- May quá! Dì... dì Duyên đây rồi. Con tìm... dì... mãi... mệt bở hơi tai.
Chị Duyên bỏ tiền vào túi áo, lấy khăn mùi soa lau mồ hôi cho thằng Tân rồi cầm cái nón quạt cho nó. Thằng Tân nịnh nọt:
- Con thương dì Duyên hơn cả mẹ ruột của con đấy, dì có biết không ạ?
Chị Duyên bĩu môi mắng yêu:
- Cha bố nhà anh! Nói có một câu mà còn hơn cả rót nước đá vào bụng dì, mát hết cả ruột.
Thằng Tân phụng phịu thưa chuyện:
- Dì ơi! Dì à! Sau khi sinh em bé, con Tiến nhà con sẽ về bên ngoại ở cữ nửa năm.
- Thế hả? Sao anh không bảo nó về nhà để dì chăm, về bên ngoại làm gì cho phức tạp?
- Tại nó sợ làm phiền dì á! Sướng nhất dì nha! Mang tiếng là mẹ chồng mà ứ phải chăm con dâu ngày nào!
- Rồi hàng xóm láng giềng người ta lại đồn mẹ chồng nàng dâu bằng mặt không bằng lòng chứ sướng cái nỗi gì?
Thằng Tân thỏ thẻ gợi ý:
- Ôi dào! Mỗi tháng dì cứ cho con Tiến mười triệu thì thách thằng nào dám đồn bậy.
Chị Duyên sửng sốt hỏi:
- Hả? Mười triệu? Dì lấy đâu ra mỗi tháng mười triệu?
Thằng Tân gợi ý:
- Dì còn một suất đất mà. Chỉ cần dì bán đất đi thì có mà thừa tiền cho vợ con.
- Ôi chao ôi! Tân ơi là Tân! Có mỗi cái việc ở cữ thôi mà cũng phải bán đất hả?
- Nhà người ta đã nhận chăm con dâu cho dì rồi, dì thảnh thơi ngồi chơi xơi nước, có tí tiền cũng bủn xỉn là sao?
#3
Hồi nhỏ, hai đứa con trai của chị Duyên hồn nhiên bao nhiêu thì khi lớn lên, chúng tính toán bấy nhiêu. Phải chăng áp lực của tuổi trưởng thành đã khiến chúng biến chất? Chị thở dài bảo:
- Dì chỉ bủn xỉn thế thôi. Mẹ vợ anh không bủn xỉn thì anh bảo bà ấy mỗi tháng chuyển cho dì mười triệu đi rồi dì hứa sẽ hầu hạ con gái bà ấy đâu ra đấy!
Chẳng thể quyết được việc lớn, thằng Tân đành phải tìm cớ hoãn binh:
- Vậy con xin phép dì cho con về nhà hỏi ý vợ.
- Ừ. Về đi. Hỏi cho kỹ vào. Phận là thằng đàn ông, chuyện gì không quyết được thì cứ hỏi vợ cho chắc.
Sáng hôm sau, hai vợ chồng thằng Tân ghé qua nhà dì. Chị Duyên sốt ruột mắng con Tiến:
- Ối dồi ôi! Sắp đến ngày dự sinh rồi, chị không chịu ở nhà còn đi đâu?
Con Tiến nhỏ nhẹ bảo:
- Dạ, sắp đến Tết rồi, con đem ít hoa quả sang biếu dì cho nó phải phép ạ.
- Khiếp thôi! Nhà này có cô con dâu chu đáo quá! Anh Tân mau đỡ vợ vào nhà ngồi nghỉ đi, rót cho vợ chén nước, đợi dì quét nốt cái sân xong dì vào liền.
Con Tiến đon đả nói:
- Thôi, nước non mà làm gì đâu ạ. Hôm nay, con sang đây, trước là để hỏi thăm tình hình sức khỏe của dì, sau là có chuyện lớn muốn thương lượng với dì.
- Dì khỏe. Có chuyện gì vậy?
- Con muốn thay mặt nhà con xin lỗi dì. Chẳng hiểu bị ma xui quỷ khiến kiểu gì mà anh lại đòi dì phải cho con mỗi tháng mười triệu tiền ở cữ, thật chẳng ra cái thể thống gì cả.
- Chị đừng nghĩ nhiều. Tính anh Tân thật thà, có gì nói nấy, dì không để bụng đâu. Dì mà có tiền thì dì cũng chẳng tiếc anh chị. Nhưng chị cũng biết mà... dì làm nông dân, đào đâu ra mười triệu một tháng?
- Dạ, con hiểu mà dì. Tuổi già không có tiền tiết kiệm, kể cũng khổ. Hay là thế này đi... suất đất còn lại của dì ý... dì bán cho vợ chồng con, có được không ạ? Người nhà với nhau nên con chẳng để dì thiệt đâu. Bọn con sẽ trả dì ba trăm triệu.
Thằng Tân ngạc nhiên hỏi vợ:
- Sao lại có ba trăm triệu? Hôm trước, anh Xuân bảo suất đất đó trị giá năm trăm triệu cơ mà?
Con Tiến điên người lườm chồng. Lấy phải thằng chồng ngu khổ đến thế là cùng! Nó đành chữa thẹn:
- Năm trăm triệu là người ta thổi giá lên thế thôi, dì ạ. Chứ đất cát đang chững, lấy đâu ra người trả giá cao thế?
Thằng Xuân đang nằm ngủ trong phòng, nghe thấy chuyện bán đất liền bật dậy như lò xo. Nó chưa tỉnh ngủ hẳn nên vẫn còn ngu lắm, hắng giọng nói rõ oai:
- Có người trả năm trăm triệu rồi, chúng mày không phải khôn lỏi! Định cuỗm hết của anh mày thì cứ nói ra!
Thằng Tân cãi lời:
- Điên à mà cuỗm hết? Dì Duyên cho anh một suất đất rồi còn gì? Tại anh làm ăn thua lỗ, phải bán đất đi để trả nợ nên bây giờ mới trắng tay.
- Mày làm như mày không được xơ múi tí gì ý? Suất đất dì Duyên cho mày có diện tích hai trăm mét vuông, ba Lục xây cho hai vợ chồng chúng mày cái nhà ba tầng to tổ bố trên đó, chúng mày sống sướng như ông hoàng bà tướng, còn thiếu thốn cái gì đâu mà phải nhìn ngang ngó dọc? Tham thì nó cũng một vừa hai phải thôi chứ!
- Tham gì đâu? Con Tiến sắp đẻ rồi. Sau này, thằng Bon nhà em lớn, lấy vợ, không lẽ anh bắt vợ nó phải sống chung với mẹ chồng? Cũng phải có suất đất dành riêng cho nó chứ!
- Chúng mày muốn mua đất thì nhè năm trăm triệu ra. Không nói nhiều!
Con Tiến khéo léo gạ gẫm chị Duyên:
- Con tính như này, dì xem có hợp lý không nha. Trên giấy tờ mua bán, chúng ta sẽ ghi suất đất trị giá năm trăm triệu, vợ chồng con sẽ chuyển khoản cho dì ba trăm triệu. Còn hai trăm triệu, coi như là tiền dì cho con mua đồ tẩm bổ trong thời gian ở cữ, nha dì!
Thằng Xuân tức tối chửi:
- Cha bố nhà mày! Tẩm bổ gì mà những hai trăm triệu? Mày dát vàng vào họng hả?
Con Tiến khinh khỉnh nhìn thằng anh chồng. Mấy thằng không có học nói năng chả lọt tai tí nào. Nó chán thằng Xuân đến tận cổ, nhưng vẫn thảo mai bảo:
- Ôi dồi ôi! Anh không biết thì thôi chứ bây giờ xã hội tân tiến vô cùng, đồ cho bà đẻ đắt lắm luôn. Hôm trước, con bạn em mua có một chùm nho nhập khẩu thôi mà mất tận một triệu đấy ạ!
- Tao lạy mày! Dì Duyên trồng cả vườn cà, chăm bẵm bao nhiêu ngày tháng, tuần trước thu hoạch được hơn một tạ, thương lái chỉ trả cho dì có sáu trăm nghìn thôi à. Chúng mày đòi nốc cả chùm nho một triệu thì thôi, chúng mày lên mây mà sống cho nó giống tiên!
- Ba và dì là dân lao động, vợ chồng em đều là dân trí thức thì nó phải khác chứ.
- Trí thức cái nỗi gì chúng mày? Trưởng giả học làm sang thì có! Đời thuở nhà ai cứ có món gì ngon là lại giấu nhẹm đi như chúng mày không hả? Ba câu được con cá to cũng phải đem sang nhà chúng mày, cho con dâu tẩm bổ. Ấy thế mà có mỗi mấy con mực nướng, chúng mày cũng sợ ba ăn mất.
Thằng Tân lên tiếng thanh minh:
- Ai bảo anh là vợ chồng em sợ ba ăn mất? Bọn em sợ ba già, răng yếu, nhai không nổi mấy con mực nướng nên bọn em mới giấu đi mà.
- Ôi chao! Chúng mày có hiếu quá! Tóm lại, chuyển khoản đúng năm trăm triệu thì bán đất, không nói nhiều.
- Anh làm như đất của anh không bằng! Người quyết là dì Duyên, anh đừng chõ cái mõm thối vào chuyện của em nữa!
Chị Duyên quát ầm lên:
- Hai anh thôi ngay đi. Dì tuyệt đối không bán đất đâu.
Con Tiến nhẹ nhàng trách móc:
- Vậy mà dì nói dì thương con chồng như con ruột. Uổng công con tin lời dì. Dì khiến con quá đỗi thất vọng!
Chị Duyên điên máu quát nó:
- Dì có mượn chị hy vọng đâu mà bày đặt thất vọng? Chị nín đi cho nó sang!
Từ sáng sớm, con Tiến đã cảm thấy trong người không được khỏe rồi, nhưng vì chuyện đất cát, nó vẫn phải cố bò dậy đi sang nhà dì. Chỉ mới nói chuyện với dì một lát thôi mà nó đã tức anh ách. Mặt nó tái nhợt, nó run rẩy bảo chồng:
- Toi rồi chồng ơi... em... em... đau bụng quá... chồng ơi... hình như... thằng Bon... nó đòi ra ngoài rồi... chết em mất... cứu em với... chồng ơi!
Chị Duyên và thằng Tân gấp gáp đưa nó đến trạm xá. Thằng Xuân vội vàng gọi điện thông báo tình hình cho ba. Anh Lục đang đổ mái cho nhà người ta, nhận được tin dữ liền khẩn trương phóng xe máy đến trạm xá. Thằng Tân vừa gặp ba đã nức nở mách lẻo:
- Tại dì Duyên quát vợ con nên nó mới bị căng thẳng. Tại dì Duyên mà nó bị sinh non. Tội nghiệp vợ con quá, ba à! Ba đòi lại công bằng cho vợ con đi ba! Vớ phải bà mẹ chồng ác ôn như dì, đúng là nghiệp chướng của đời nó!
Chị Duyên bức xúc phản pháo:
- Anh đừng có mà đổ điêu cho dì. Vợ anh chỉ sinh sớm mấy hôm thôi chứ làm gì đến mức sinh non?
Trong lúc mất bình tĩnh, anh Lục chọn tin con. Anh cao giọng chửi vợ:
- Em im đi! Em cút ngay về nhà và tự kiểm điểm bản thân cho anh. Hôm nay, con dâu và cháu trai của anh mà có mệnh hệ gì thì em xác định no đòn!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top