BỨC TRANH TỨ BÌNH TRONG BÀI VIỆT BẮC CỦA TỐ HỮU
BỨC TRANH TỨ BÌNH TRONG BÀI VIỆT BẮC CỦA TỐ HỮU
Việt Bắc được Tố Hữu viết vào tháng 10 năm 1954, giống như lời hát giã từ căn cứ địa cách mạng sau 15 năm gắn bó. Bài thơ mang tính chất một bản tổng kết lịch sử bằng nghệ thuật nhằm khép lại một thời kỳ cách mạng và hướng về một chặng đường mới của lịch sử dân tộc.
Việt Bắc là đỉnh cao trong sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu và thơ ca cách mạng Việt Nam. Bài thơ thành công cả về phương diện nội dung tư tưởng và nghệ thuật thể hiện, nhưng trong bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ phân tích cảnh bôn mùa được Tố Hữu đặc tả trong 10 dòng thơ: “Ta về, mình có nhớ ta/ … Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”. Đó là đoạn thơ gợi lên phong vị bốn mùa rất riêng của Việt Bắc. Bút pháp tả cảnh, tả tình ở đây đã đạt tới mức tinh luyện, biểu thị độ viên mãn của một phong cách nghệ thuật luôn hướng tới sự hài hoà giữa tình cảm cách mạng và nhận thức cách mạng.
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Dòng đầu tiên là một câu hỏi hướng về người ở lại. Đó là một câu hỏi tu từ có chức năng đưa đẩy hoặc gắn kết những lời đối thoại. Ảnh hưởng của thơ ca dân gian được thể hiện ở đây rất rõ. Thơ ca dân gian thường có lối thể hiện tình tứ và duyên dáng như vậy. Có thể nghĩ thêm rằng, chính câu hỏi này đã làm nổi bật tính chất hai chiều của nỗi nhớ cùng sự thiết tha của tình cảm mà người đi đã dành cho Việt Bắc, nhằm đáp lại ân tình sâu nặng mà quê hương cách mạng đã dành cho mình.
Từ hoa được dùng trong dòng thơ thứ hai thật cô đọng và gợi cảm. Đầu tiên, có lẽ nó muốn chỉ những loài hoa quen thuộc thường gặp ở núi rừng Việt Bắc. Trong nỗi nhớ nhung trìu mến của người đi, Việt Bắc như đã trở thành một xứ hoa. Có thể nói cảm xúc của người đi đã được lắng lọc trong suốt, để còn lại trong kí ức là những cái gì đẹp đẽ nhất, lung linh, tươi tắn nhất. Nhưng từ hoa cũng cần được hiểu theo nghĩa rộng. Hoa chính là thiên nhiên làm say đắm lòng người của Việt Bắc, không thể tách nó ra khỏi hình ảnh con người. Nhớ hoa cũng chính là nhớ người và ngược lại.
Trong tám dòng thơ tiếp theo, Tố Hữu đã tạo nên một bộ tranh tứ bình độc đáo về Việt Bắc theo chủ đề Xuân - Hạ - Thu - Đông. Mỗi bức tranh thơ có giá trị độc lập của nó nhưng điều này không phá vỡ sự hài hoà chung của cả bộ tranh. Trái lại, vẻ đẹp của mỗi bức chỉ bộc lộ hết trong mối quan hệ chỉnh thể với những bức còn lại. Khi lần lượt vẽ các bức tranh này, Tố Hữu đã nhất quán sử dụng bút pháp cứ câu trên tả cảnh thì câu dưới tả người. Dụng ý của tác giả là khẳng định sự thống nhất giữa cảnh và người đã nói ở trên. Nhìn chung, bộ tứ bình thơ ở đây đậm đà màu sắc cổ điển với tính chất cân xứng hoàn mỹ của nó.
Như là một sự ngẫu nhiên, bức tranh thứ nhất vẽ ra cảnh tạm quy ước là cảnh mùa đông :
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Tuy nói về rừng xanh – một đối tượng từng được nhắc tới trong thành ngữ rừng xanh núi đỏ – mà câu thơ - nét vẽ không hề gợi cảm giác buồn vắng, hiu hắt. Ta thấy hiện lên ở đây hình ảnh những bông hoa chuối đỏ tươi giống như những đốm lửa đang bập bùng cháy giữa nền xanh trầm tịch của rừng già. Nhà thơ đã khéo tạo nên sự tương phản giữa màu đỏ và màu xanh để làm tăng cường lực thị giác của màu đỏ, tức là màu có thể gợi lên cảm giác ấm áp, hưng phấn. Tiếp sau, nhà thơ tạo hình một dáng người đi trên đèo cao. Trong tỉ lệ chung của bức tranh, cái chấm tả người ấy thật bé nhỏ. Tuy vậy, ta không hề có ấn tượng hình ảnh con người bị lấn át. Tất cả là nhờ ở con dao được tác giả "gài" một cách tự nhiên, đầy "nghệ thuật" ngang thắt lưng người. Cái ánh nắng được phản chiếu trên lưỡi dao trần đã biến con người trở thành một điểm sáng di động thu hút cái nhìn của chúng ta. Phải chăng điều tác giả muốn nói ở đây là thiên nhiên không che lấp mà thực sự đang tôn lên vẻ đẹp của con người?
Trong bức tranh thứ hai - Xuân - gam màu chủ đạo là gam màu trắng:
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Đó là một màu trắng trong trẻo rất phù hợp với việc diễn tả vẻ đẹp tinh khôi, trinh bạch, huyền hoặc đến khó tin của rừng hoa mơ lúc xuân về. Âm điệu mạnh của cụm từ trắng rừng cuối dòng lục đã thể hiện được cảm giác choáng ngợp vì hạnh phúc của nhà thơ khi tâm trí bị màu trắng hoa mơ cùng vẻ xuân dâng ngập đất trời nơi núi rừng Việt Bắc thôi miên, phong toả. Trên cái nền phong cảnh đẹp đẽ ấy, hình ảnh con người cũng không kém phần quyến rũ với động tác chuốt từng sợi giang thật khoan thai, thật uyển chuyển. Quả thực, giữa người và cảnh có sự hoà hợp tuyệt đối. Ta hiểu con người được nói tới ở đây chính là chủ nhân của mùa xuân, là kẻ đang tô điểm cho sắc xuân vốn có của đất trời thêm thơ mộng, lãng mạn.
Hướng cái nhìn vào bức tranh thứ ba - Hạ - ta thấy lênh láng một sắc vàng rực rỡ:
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Câu lục xôn xao “tiếng nói” của cả màu sắc lẫn âm thanh. Trong tiếng ve kêu, ngàn lá phách hối hả thay màu. Âm thanh xao động của tiếng ve như làm cho màu vàng của rừng phách rung lên thành tiếng. Ngược lại, màu vàng của rừng phách như đã thị giác hóa tiếng ve, khiến nó trở nên chói chang hơn. Từ kêu, từ đổ đã thể hiện thật đắt cái không khí rộn rã, rạo rực rất đặc trưng của mùa hạ. Có thể hiểu đổ vàng là đồng loạt ngả vàng. Cũng có thể hiểu rừng phách đổ vàng là ào ào trút lá vàng theo một nhịp điệu dứt khoát và mạng mẽ. Sau những nét tả đầy kích thích đối với giác quan ở dòng lục, sang dòng bát, một hình ảnh đằm thắm, dịu dàng hơn được vẽ ra như để làm cân bằng lại trạng thái cảm xúc của độc giả. Cái vẻ lẻ loi của cô gái hái măng một mình đã khơi dậy trong ta những rung động ngọt ngào, sâu lắng. Bức tranh mùa hè thật hoành tráng mà cũng thật đậm tính trữ tình. Nó dung hợp được vừa những quệt bút mạnh mẽ đầy hứng khởi vừa những nét vẽ mảnh mai, tinh tế, có thể gợi ra cả một trường liên tưởng mênh mông.
Trong câu lục bát cuối cùng của đoạn thơ, tác giả tái hiện một cảnh thu mang đặc tính "ý niệm" nhiều hơn là đặc tính cụ thể, cá biệt:
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.
Cũng như nhiều nhà thơ khác, khi nói về mùa thu, tác giả không quên nhắc tới ánh trăng. Ánh trăng xanh mát đã toả lên cảnh vật một không khí thanh bình, yên ả. Từ hoà bình vừa nói được cái dịu dàng của ánh trăng giữa rừng khuya, vừa phản ánh được ước vọng hoà bình của những người kháng chiến, lại vừa gợi cho người đọc nghĩ tới bối cảnh khá yên tĩnh của An toàn khu. Trên cái nền thiên nhiên rất mực nên thơ ấy, tiếng hát ân tình thuỷ chung cất lên nghe thật ấm lòng. Trong âm điệu của nó ta nghe rung lên nỗi niềm của cả người đi lẫn kẻ ở. Tiếng hát ân tình vọng về đã khéo nói được những tâm tình đang dạt dào ở thì hiện tại...
Như vậy, chỉ bằng 5 câu lục bát mà Tố Hữu đã vẻ nên một bộ tứ bình đặc sắc về cảnh vật và con người Việt Bắc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top