Chương 2
Chương 2
Tầng mây núi giăng sầu lên xanh xám
Đường quanh co từng đoản khúc cuộc đời
Muôn lá chết nhuốm rừng thu ảm đạm
Buồn bay theo ngược hướng của mặt trời.
—Trích "Rừng Phong Thu Đã Nhuộm" của tác giả Bạch Mai
_____
Trời Williamsburg tháng Mười có hơi lạnh, sương sớm ôm gọn khu phố nhỏ giữa một bức màn xám khói. Đường phố còn ẩm hương thơm thoang thoảng ngai ngái của trận mưa mùa thu hôm qua, mùi nhựa đường hăng hắc, cả mùi gỗ sồi dịu nhẹ; nào ai biết được, một cây gỗ sồi là nhà cho khoảng ba trăm loài côn trùng lớn nhỏ. Đường phố Williamsburg, dễ gặp nhất là cây xanh, đi đâu cũng thế, những bóng cây cổ thụ rợp bóng luôn nằm trong tầm mắt mọi du khách ở đây. Mùa thu lá rơi đầy đường, đỏ rực một góc phố, ánh đỏ le lói thắp sắng một buổi sớm tĩnh mịch.
Thường thấy nhất là phong Norway. Lá phong Norway góc cạnh và cứng nhắc, gồng mình giữa tiết trời se lạnh, lay nhẹ giữa những cơn gió thoảng qua, cứng đầu bám vào những nhánh cây khẳng khiu, nhưng một khi đã vào thu, lá phong rực đỏ rơi đầy phố, chào đón mùa thu đến, mang theo nó sắc đỏ quen thuộc. Những căn nhà mái ngói đỏ còn lẩn mình sau những lùm cây vào buổi sớm; những con phố nhỏ hẹp quanh co vẫn còn lặng mình giữa trời thu ảm đạm, lâu lâu vang lên những bước chân hối hả của những người đi tập thể dục sớm, hoặc tiếng tàu điện ngầm lao đi trong lòng đất như một con mãnh thú, hay tiếng lá cây xào xạc chống chọi với những cơn gió lạnh đầu mùa.
Một buổi sáng Thứ Năm ở Williamsburg, như mọi ngày thường bắt đầu rất sớm, có lẽ giờ này đã có thể nghe thấy tiếng bước chân giòn giã của những người đi làm sớm vang vọng khắp con đường dài quanh co rồi. Nhưng vì hôm nay là Lễ Tạ Ơn và mọi người được nghỉ nên sáng hôm nay chợt yên ắng lạ thường, chỉ có bước chân chậm chạp của tôi trên thảm lá.
Williamsburg thật ra là một trong sáu mươi sáu khu phố lớn nhỏ của quận Brooklyn, thành phố New York. Và Brooklyn là một trong năm quận chính của thành phố lớn. Với giới trẻ thì điểm nhấn rõ nét nhất của Brooklyn là khu phố thời thượng Williamsburg. Đây là nơi các nghệ sĩ trẻ thường chọn làm nơi trú ngụ. Khu phố không đẹp nhưng các cửa hiệu và phòng trưng bày nghệ thuật san sát có sức lôi cuốn không sao cưỡng nổi. Lại còn những ngôi nhà với lối kiến trúc cũ kĩ từ những thập niên năm mươi, sáu mươi với những viên gạch đỏ truyền thống đươc giữ gìn cẩn thận và những bức tường với các bức vẽ nghệ thuật nổi tiếng nằm phía bắc đuờng Số 6. Khi chiều xuống, đường phố trở nên náo nhiệt hơn với vô số quán xá lấp lánh ánh đèn nê-ông và lúc này một đời sống văn hóa đặc sắc về đêm của Williamsburg sẽ xuất hiện rất rõ nét.
Từ số 724 đường Metropolitan mất khoảng ba mươi lăm phút đi bộ và tàu điện ngầm về phía Nam để đến nhà sách yêu thích của tôi ở khu phố Park Slope. Đó là một nhà sách nhỏ lẻ, tên là "Community Bookstore." quy mô không lớn và là nhà sách tự kinh doanh nên ít ai biết tới, tôi chỉ tìm ra nó một cách tình cờ thôi, rất tình cờ.
Hiệu sách nhỏ nằm khuất sau một bóng cây rậm và một chiếc ghế dài màu xanh thẫm, với vẻ ngoài cũ kĩ của nó, những gì ở bên trong có vẻ vô giá trị và chẳng thú vị chút nào. Cánh cửa màu đỏ treo tấm bảng màu trắng đơn giản với dòng chữ màu đen, "OPEN." Hai tấm kính hai bên cánh cửa theo lẽ mà trưng bày những cuốn sách kinh điển, Macbeth, Romeo và Juliet, Kiêu Hãnh và Định Kiến, A Tree Grows in Brooklyn... Những cuốn sách này là cả tuổi thơ của tôi, tôi đã dành cả ngày Chủ Nhật đọc Romeo và Juliet sau khi cùng bố mẹ và chị Adelaide xem vở kịch cùng tên vào năm tôi tám tuổi, và tất nhiên là tôi chẳng hiểu gì cả khi đọc. Mẹ lần đầu tiên đọc cho tôi nghe Kiêu Hãnh và Định Kiến năm tôi mười tuổi, và tôi chỉ hiểu một phần. Macbeth là lúc tôi mười hai tuổi, một năm trước cái tai nạn ấy. Và cuốn sách A Tree Grows in Brooklyn của tác giả Betty Smith là cuốn sách đầu tiên tôi đọc sau khi chuyển đến Williamsburg.
Tất nhiên tôi đã đọc rất nhiều sách, rất rất nhiều.
Nhưng tất nhiên tôi không kể hết được.
Tiếng chuông hờ hững từ chiếc chuông cũ vang khắp không gian nhỏ hẹp đầy mùi giấy của cửa hiệu. Betty đứng sau quầy thu ngân cất tiếng gọi khàn khàn vào buổi sớm của chị, "Xin chào, Brooklyn." Tôi đã trở thành khách quen của Betty rồi, chị ấy còn nhận tôi là người em kết nghĩa của chị ấy nữa. Betty là con gái của ông chủ của nơi này, đã qua đời năm năm trước. Betty còn được gọi là Betty Hoài Cổ, lý do để mọi người gọi chị là Betty Hoài Cổ vì chị rất trẻ, nhưng chị chỉ thích sách, những chiếc váy xoè của những thập niên trước, bandana, và son môi màu đỏ. Hôm nay Betty quấn bandana màu đỏ, vận chiếc váy xoè màu xanh nhạt, và son môi màu đỏ tía.
Betty từng nói với tôi, "Lý do chị thích những gì thuộc về những năm tháng cũ, là vì chị thích cách sống của những năm tháng đó. Giống như câu chuyện của Francie Nolan do Betty Smith vẽ ra vậy. Tại sao bây giờ chúng ta không thể mua thịt chỉ với năm xu? Tại sao bây giờ chúng ta không thể mua những ổ bánh mì cũ chỉ với một xu?" Chị quẹt thỏi son đỏ lên môi, màu son đỏ nổi bật trên làn da rám nắng của chị. "Tại sao con nít bây giờ không thể chửi thề? Không thể chạy giữa đường phố? Tại sao mọi thứ lại bị phức tạp hoá lên như thế này? Chúng ta không thể cứ như những ngày ấy sao?"
Chị Betty ghét những thiết bị điện tử. Không hẳn là ghét, chỉ là không thích những ai suốt ngày cứ dán mắt vào cái màn hình thay vì những trang sách thơm mùi gỗ cũ kĩ này. Chị Betty ghét những trang mạng bán sách điện tử đang được phổ biến rộng rãi, với giá thành rất rẻ, trong khi những cuốn sách đang dần bị lãng quên. Tôi cũng vậy, nhưng tôi vẫn không tin những tệp tin đáng giá mười đồng ấy có thể đánh bại những cuốn sách dày đặc bụi.
"Chào chị, Betty," tôi cuối cùng cũng cất tiếng chào đầu tiên trong ngày.
Trước khi rời khỏi nhà, tôi đã để lại mảnh giấy trên bàn nhắn với mọi người tôi sẽ trở lại vào buổi trưa. Tôi thích không khí se lạnh vào buổi sáng mùa thu của Brooklyn nên thường dậy rất sớm, khi Mặt Trời vẫn còn lười biếng chỉ thắp sáng mặt đất, để bóng đêm tan biến xuống lòng đất.
Tiệm sách cũ chỉ có độc nhất ba kệ sách kín tường và ba kệ sách cách nhau không quá rộng, cũng không quá hẹp. Tôi lướt qua những gáy sách đã phai màu theo năm tháng được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái của tên tác giả, những cái tên quen thuộc, những tác giả đã quá đỗi thân quen, và những cái tên ngay cả tôi còn không biết cách phát âm. Tất cả đều chỉ có năm đồng, năm đồng cho một cuốn sách sẽ đưa bạn đến một thế giới không bao giờ biến mất.
Tiếng chuông quen thuộc lại vang lên, và tôi hoàn toàn không để tâm tới nó, cả cái giọng khàn khàn quen thuộc của Betty tôi cũng không nghe thấy, và toàn bộ tâm trí của tôi đều chú ý vào những cuốn sách dày mỏng kia. Thường thì tôi sẽ quay đầu lại, bất ngờ vì ngoài tôi ra còn có người hứng thú với những cuốn sách cũ này.
Tôi bắt đầu với cái thang gỗ để trèo lên những tầng sách cao hơn, vì Betty luôn giữ những cuốn sách hay nhất trên cao, đó là cách mà tôi đã tìm ra cuốn A Tree Grows in Brooklyn, bộ Sherlock Holmes, và cuốn sách The Giver của Lois Lowry.
Một cuốn sách màu đen mỏng và thấp lọt vào ánh mắt tôi, gáy sách có một dòng chữ duy nhất, The Outsider. Tựa sách tôi đã đọc lướt qua khi đọc danh sách những cuốn sách đã vinh dự nhận được Huân Chương Newbery, huân chương nhân danh những cuốn sách hay nhất của từng năm.
"Tìm được rồi đấy à?" Tiếng của Betty làm tôi suýt nữa té khỏi bậc thang. "Chị xin lỗi, chị cứ quên là em không được khéo léo với việc phải thăng bằng trên thang..." Chị ấy đang đùa với sự hậu đậu của tôi đấy!
"Cuốn này của S. E. Hinton, được viết năm cô mười sáu tuổi, em không đọc thì chị cạch mặt em luôn." Chị luôn biết là em sẽ đọc tất cả những cuốn sách chị để trên cao mà. "Còn nữa, cuốn kế bên nó là tổng hợp những tác phẩm kinh điển của Edgar Allan Poe đấy."
Tôi theo lời chị mà nhìn theo, cuốn sách màu đen kế bên nó, không tựa, không tên. Tôi lấy hai cuốn sách khỏi giá, đưa cho chị và leo xuống trước khi tôi bật ngã khỏi chiếc thang.
"Của em là mười đồng, như thường lệ, không thuế." Tôi đưa tờ mười đồng cho chị, và ngăn để tiền bật ra với một tiếng keng lanh lảnh.
"Tại sao chị lại không tính thuế?" Tôi hỏi với một sự tò mò nhất định, mặc dù tôi đã biết câu trả lời của chị, nhưng tôi vẫn muốn hỏi.
"Vì những cuốn sách chị mua lại với giá không quá hai đồng, chị đóng thuế bằng tiền lợi nhuận." Betty cúi xuống lấy ra một túi giấy màu cát nhỏ và bỏ hai cuốn sách vào. "Nhưng tại sao cơ," lần này thì chị ấy nhìn tôi. "Em thích mười đồng và thuế thay vì mười đồng sao? Em thích năm đồng và thuế thay vì năm đồng không sao?"
"Tất nhiên là em không thích." Tôi nhún vai.
"Thế giới bây giờ chỉ có tiền." Chị Betty lẩm bẩm.
"Và thuế. Em đồng ý."
Gần tiệm sách là một nhà hàng Ý nhỏ, và tôi đang đói cồn cào. "Chị ăn sáng chưa nhỉ?" Tôi hỏi Betty, chị đang đọc dở cuốn sách thứ hai của bộ Sherlock Holmes. "Cho chị nhiều ớt chuông và rau chân vịt một chút, chỉ pepperoni thôi, chị không ăn thịt." Chị ấy quá hiểu tôi. "À, một cappuccino nữa," Betty đẩy cho tôi tờ năm mươi đồng, mắt chị vẫn dõi theo những dòng chữ chi chít.
Tôi để lại túi giấy sau quầy thu ngân và đẩy cửa bước ra ngoài, gió lạnh nhẹ thổi, tôi theo đà rụt cổ vào khi không khí ấm áp của tiệm sách biến mất, để lại sự lạnh lẽo. Bên kia đường là nhà hàng nhỏ, góc đường xa xa là cửa hàng cà phê ngon nhất Park Slope, theo như tôi và Betty.
Một pizza cỡ lớn với nhiều ớt chuông và rau chân vịt, pepperoni, và không thịt, hai ly cappuccino một nóng một lạnh cho Betty và tôi.
"Trời lạnh nhỉ?" Betty nhướn mày cắn một miếng pizza. "Tất nhiên, đã tháng Mười rồi đấy chị." Betty gật gù. "Lần đầu chị gặp em cũng là tháng Mười của hai năm trước. Lúc đó em còn non choẹt, vậy mà bây giờ ra dáng con gái rồi," chị thở dài, tôi tưởng tượng một làn khói mỏng thoát khỏi môi chị như mỗi khi trời lạnh. "Thời gian trôi nhanh thật. Đã hai năm rồi," tôi lắc đầu mỉm cười, nghĩ lại quãng thời gian mà Betty với nụ cười gượng giới thiệu những cuốn sách mà chị cho là hay nhất cho tôi, và tôi cũng với nụ cười lịch sự miễn cưỡng. Thời gian dường như có thể thay đổi tất cả, khi mà giờ đây hai chúng tôi không cần phải nở nụ cười xã giao miễn cưỡng nữa.
Một cậu con trai trạc tuổi chị bước đến quầy thu ngân đặt một cuốn sách màu đỏ xuống. Theo tôi thì những cuốn sách màu đỏ toàn là về tình yêu, nên tôi chẳng thèm ngó cái tựa, "Năm đồng, không thuế," tôi đứng dậy thay Betty.
"Tại sao lại không thuế?"
"Anh thích mười đồng và thuế thay vì mười đồng sao? Anh thích năm đồng và thuế thay vì năm đồng không sao?" Betty với câu nói quen thuộc.
"Tất nhiên là không!" Betty chỉ cười, chàng trai lại cũng cười lại, có vẻ như là khách quen đấy nhỉ...
Tàu điện ngầm chật nức người. Tôi đứng nép vào một góc, tay níu chặt thanh sắt để giữ thăng bằng cho chính mình, tránh va vào người khác. Toa tàu nhỏ tràn ngập tiếng thì thầm nói chuyện, tiếng chuông điện thoại và tiếng vang của một bài hát ngẫu nhiên lạ lẫm qua những chiếc tai nghe với âm lượng cực lớn, cả tiếng vang của bánh xe va chạm với đường ray cũng vang dội khắp toa tàu, gần như át cả bản nhạc nổi tiếng "Claire de lune" của Debussy, Mẹ thường hay bật những bản nhạc cổ điển xung quanh nhà, và tôi chỉ nhớ những bản nhạc yêu thích. "Claire de lune" nghĩa là ánh trăng, được lấy cảm hứng từ một bài thơ cùng tên của Verlaine. Tàu dừng ở trạm Metropolitan, rồi Lorimer, và cuối cùng là Graham, trạm dừng cuối cùng của tôi.
Số 724 đường Metropolitan, đó là nơi tôi hiện đang sống. Ngôi nhà ba tầng màu đỏ rượu với tất cả mười hai phòng ngủ, và mười hai phòng tắm lớn nhỏ. Ngôi nhà đắt tiền được trang trí với phong cách thời Victorian của những năm 1830 đến 1901, với tông màu chủ đạo là những gam màu quý tộc kiêu sa đối lập với những màu sơn chìm và đồ nội thất được trạm chổ cầu kì với họa tiết trang trí chủ đạo là những loài hoa mỏng manh nhưng có vẻ đẹp kiêu sa lộng lẫy không kém. Mẹ Olivia thích những gam màu đỏ và tím, bố Edward lại chuộng những gam màu xanh xám và xanh lá đậm, nên tùy vào từng khu vực trong ngôi nhà mà những gam màu ấy là tông chủ đạo. Ngôi nhà còn có một khu vườn nhỏ mà Olivia trồng những cây leo nhỏ của bà trên những giàn thép, theo năm tháng tạo thành một mái hiên nho nhỏ ở góc vườn, chúng tôi thường hay ngồi dưới mái hiên đọc sách hoặc uống sô-cô-la nóng vào những ngày đông lạnh lẽo, nhóm một ngọn lửa và nướng kẹo marshmallow, cùng nhau thưởng thức cái vị ngọt của sữa, của đường và vani tan chảy ngay trên đầu lưỡi.
Alaska, như mọi ngày, vẫn đứng tựa vào bức tường gạch đỏ, vẫn cái dáng đứng quen thuộc đấy, một chân chống lên tường, một tay đút vào túi, nhưng hôm nay, anh lại hút thuốc, một thói quen cũ tưởng như đã bị anh lãng quên rồi. Một con người kiệm lời đến đáng ghét đứng giữa khu phố nhộn nhịp. Làn khói mỏng xung quanh anh còn thu hút ánh nhìn của các cô gái trẻ, có vẻ lạ chứ tôi quen rồi, ngày nào cũng nhìn thấy Alaska, dần dần rồi tôi cũng không thấy vẻ đẹp tiềm ẩn của anh nữa. Thường ngày khi tôi dậy sớm và đi khỏi, Alaska sẽ đứng trước nhà đợi tôi về. Tôi không hiểu lý do, anh ấy chỉ trả lời, "Vì anh thích."
Alaska là người con thứ ba trong số năm người con của Olivia và Edward, vậy đấy, đứng thứ ba mà cao nhất nhà, mà tính theo tuổi tác thì tôi lớn thứ tư trong sáu người, vậy mà chiều cao của tôi thứ hai từ dưới đếm lên, có chăng cũng tại vì dòng máu châu Á chảy trong người tôi... Alaska là con lai, và điều thú vị của Alaska là như thế này: một nửa dòng máu Ý, một phần ba là Đức, một phần ba là Hà Lan, một phần sáu dòng máu Anh, và một phần sáu còn lại đến từ Thụy Điển.
Olivia đã từng nói với chúng tôi, "Mẹ thấy chỉ có Brooklyn là hợp tính với con nhất thôi đấy, Alaska." Đúng vậy, tôi cũng kiệm lời như Alaska, tôi vẫn còn nhớ cuộc "trò chuyện" vỏn vẹn năm câu nói của chúng tôi.
"Chào Brooklyn." Alaska cho hai tay vào túi áo, mắt dõi theo những làn khói mỏng từ ngọn lửa bay lên bầu trời tối đen điểm đầy những vì sao lấp lánh. Lúc đó là một trong những ngày trời trở lạnh, chúng tôi làm một ngọn lửa nhỏ quây quần bên nhau uống sô-cô-la nóng và cùng nướng marshmallow, cũng là mùa đông đầu tiên của tôi với gia đình của Olivia và Edward, Alaska đã mở lời với tôi sau khi Olivia lên tiếng. Alaska lúc bấy giờ mười lăm tuổi, tôi mười ba.
"Chào anh, Alaska." Vốn là một kiểu người nhàm chán, tôi chỉ biết chào lấy lệ rồi lại thở từng đợt khói mỏng lạnh lẽo, im lặng.
"Trời lạnh nhỉ." Vậy đấy, tôi suýt phì cười với câu nói lãnh đạm của Alaska, có vẻ những người kiệm lời luôn như vậy, luôn vụng về trong cách ăn nói.
"Lạnh lắm luôn đó chứ." Tôi run rẩy giữa thời tiết se lạnh, rồi đột nhiên một đốm trắng rơi trên cổ áo tôi, rồi một đốm nữa rơi trên mũi tôi. Bất giác tôi hướng mắt lên trời, và vô số đốm trắng lao mình giữa đêm đông lạnh lẽo, điểm xuyết bầu trời đen tĩnh mịch.
"Eo ơi, tuyết kìa." Tôi nghe thấy Alaska nói trước khi nhận ra đó là gì, rồi anh ấy biến mất sau cánh cửa gỗ màu trắng.
"Anh lại hút thuốc nữa đấy à?" Tôi bước chầm chậm đến chỗ Alaska đang đứng, tay theo thói quen lại đút vào túi áo. Tôi đã bị nhiễm rất nhiều thói quen của Alaska, bao gồm cái kiểu nhìn đời bằng nửa con mắt.
Alaska đưa mắt qua nhìn tôi, kéo một hơi thuốc cuối cùng rồi thả điếu thuốc xuống dập tắt nó. Hai năm qua cũng đủ để chúng tôi hiểu nhau, tôi không chịu được mùi thuốc, Alaska thì nghiện thuốc, nhưng không vì thế mà anh ấy để cho tôi phải tránh xa anh ấy. Tôi đẩy cánh cửa gỗ màu trắng ra, Alaska theo sau, bóng anh đổ dài che mất bóng tôi và ánh mắt trời bấy giờ đã lấp ló sau những mái ngói.
Ngôi nhà màu đỏ tràn ngập mùi quế, mang không khí Giáng Sinh theo nó mà thấm vào từng lớp gỗ. Olivia và Edward đang cùng nhau xem tin tức buổi sáng, Olivia rúc vào lòng Edward, cả hai cùng phủ tấm chăn mỏng quanh mình, thời tiết đã trở lạnh rồi.
"Chào Brooklyn, con nói trưa con mới về mà?" Olivia cất tiếng, nhìn đồng hồ đang chỉ số tám. Tôi chỉ mới đi được ba tiếng. "Con mua đồ, không chắc chừng nào con sẽ về nên con viết như thế để mẹ không lo lắng." Tôi lắc nhẹ túi đồ trên tay, hàm ý là đã mua xong.
"Lại sách à?" Alaska nhòm vào túi giấy. "Thật phí tiền của," anh đảo mắt.
"Năm đồng một cuốn đấy, không thuế." Tôi liếc Alaska. Anh ấy bĩu môi chế nhạo và kéo tôi đi, "Đi nào, anh muốn ăn sáng." Alaska chỉ ăn sáng với món trứng chiên kiểu Hàn Quốc mà tôi hay làm và thịt nguội. Anh ấy vẫn là một ẩn số mà ngay cả Edward cũng không giải được. "Nhà hết ngò tây rồi!" Edward nói vọng từ phòng khách.
"Chúng ta đi mua ngò tây nào." Alaska lại kéo tôi ra cổng, may mà tôi đã kịp thời để túi giấy xuống cạnh ti-vi.
Ngày mai em đến nhà chị nhé? Tôi nhận được tin nhắn của Betty tối hôm đó, khi tôi đang đọc The Outsider.
Chị lại mở tiệc à? Thường thì Betty chỉ mở "tiệc" khi đến ngày sinh nhật của một trong hai người bọn tôi. Thật ra nói là "tiệc" thì gọi là phóng đại thật. "Tiệc" ở đây chỉ có hai bọn tôi, một cái pizza cỡ vừa, một chai rượu táo cho cả hai chị em, và một tấm thảm để tôi ngồi, một cái ghế sô-pha cho Betty ngủ.
Ừ, tiệc. Tối mai bảy giờ chị sẽ đến đón em.
OK chị. Em sẽ chuẩn bị trước.
Như cũ nhé?
Vâng, như cũ. Như cũ ở đây nghĩa là chúng tôi vẫn sẽ mở "tiệc" như thường lệ. Một pizza cỡ vừa, một chai rượu táo, thảm, và ghế sô-pha.
Em thích phim lãng mạn chứ?
Em chỉ không thích sách lãng mạn. Romeo và Juliet là một điều ngoại lệ.
Chị biết. Tạm biệt. Ngủ ngon nhé, Brooklyn.
Chị cũng ngủ ngon.
"Brooklyn à, chị nghĩ chị yêu anh ta mất rồi." Betty lẩm bẩm một cách chán chường.
"Em biết." Tôi thở dài, vẫn chú tâm vào bộ phim lãng mạn trên màn hình, Valentine's Day, bộ phim do cặp đôi Taylor Swift và Taylor Lautner đóng, sau này hai bạn đường ai nấy đi rồi, nhưng chuyện tình cũng khá ấn tượng đấy chứ. Nàng thích hockey, chàng cũng thích hockey. Tiếc là đã chia tay rồi.
Thú vị thật. Nhạt nhẽo nữa. Đối với một con bé mười lăm tuổi chưa biết tình yêu là gì như tôi thì nhạt nhẽo thật.
Chị Adelaide từng rất thích một anh trai khóa trên ở trong trường. Tôi đã tự hỏi tại sao chị ấy lại có thể thích một người đến như vậy. Tôi có thể không nhỉ?
Mẹ thường nói tình yêu là một thứ không tên, không màu, không mùi vị, đôi khi chúng ta nhận nhầm nó, đôi khi chúng ta còn không biết đến sự tồn tại của nó. Không có định nghĩa nào cho tình yêu, vì chính nó cũng không biết mình là gì.
Ngày hôm qua, khi thấy nụ cười đầy hàm ý của hai người, tôi đã ngờ ngợ đoán ra. Không phải là do tôi có kinh nghiệm gì cả, là do trực giác. Người ta nói phái nữ thường có giác quan thứ sáu mà. Chị Betty và chàng trai không tên đó, là duyên số, và họ có đến với nhau được hay không, là do quyết định của họ.
"Nhưng anh ấy có bạn gái rồi em à." Chị Betty nằm thở dài rũ rượi, hơi thở chị thoang thoảng vị chát của rượu táo, mùi thơm của rau chân vịt, và cả hương vị buồn ẩm ương. "Chị phải làm sao đây chứ."
"Chị có thể quyến rũ anh ấy, hoặc bỏ đi." Chị em tôi thật vô tình với nhau, nhiều khi tôi bắt gặp mình và chị nói chuyện như hai người xa lạ, nhưng trong hai chúng tôi chẳng ai quan trọng chuyện đó cả, đối với chúng tôi tuổi tác không hề quan trọng.
"Đôi khi trong đời mình phải đâm đầu vào một cái hố nào thật sâu chứ nhỉ? Như Katie Nolan ấy?"
"Đúng rồi. nếu không thì thật nhạt nhẽo."
Katie Nolan là một nhân vật trong cuốn sách A Tree Grows in Brooklyn của Betty Smith. Cô có một người bạn thân là Hildy, sau hai người giận nhau vì Katie đã cướp Johnny, người yêu của Hildy, và cưới Johnny. Đối với tôi thì tôi ngưỡng mộ Katie với một bản lĩnh thật quá sức tưởng tượng. Và tôi thương hại Hildy vì đã không giữ được Johnny. Tình yêu mà, không ai biết trước được, không ai cố thể quyết định được số phận của tình yêu, nó cũng không quyết định số phận của nó.
"Suy cho cùng thì đây cũng là một đất nước tự do mà nhỉ? Vậy tại sao lại không thử một lần?" Betty lại nhấp một ngụm rượu. Thật ra đây chỉ là nước trái cây lên men thôi, chẳng có gì đặc biệt cả.
"Cứ yêu hết mình thôi chị ơi. Cuộc đời có bao nhiêu lâu đâu." Tôi đã không còn chú ý đến những tình tiết trong phim nữa, đối với tôi bây giờ những thước phim này như một vở kịch rối nhàm chán với hai bạn trẻ yêu nhau thắm thiết, hôn nhau trước ống kính.
"Ừ, cuộc sống không phải là một nhà máy ban điều ước mà. Nếu có thì những công nhân cũng là chúng ta, tự thêu dệt tấm thảm lụa đi đến ước mơ hoài bão của mình. Tự mình ước mơ, tự mình thực hiện."
"Em không thích phim này."
"Chị chỉ thích ngắm Lautner trong phim. Cậu ta thật trẻ trung và tràn đầy năng lượng. Cả Swift nữa."
"Chị đọc sách cho em nghe chứ?" Tôi tựa đầu vào tấm đệm của ghế sô-pha. Đồng hồ phía trên ti-vi chỉ chín giờ hai mươi ba, vở kịch đã được dừng lại ngay khúc hai nhân vật chính lại đang khoá môi, tôi không ngại ngần tắt ti-vi.
"The Maze Runner nhỉ?" Chị đi dến tủ sách to lớn của chị, lấy một cuốn sách khá mỏng khỏi kệ. "Em chưa bao giờ đọc thể loại này nhỉ?"
"Em chưa." Tôi cắn một miếng pizza bấy giờ đã nguội lạnh, vị béo ngậy của phô mai tan chảy ở cuống họng. Tôi nhăn mặt, mùi béo ngậy làm tôi muốn nhả miếng bánh ra. Thật nhạt nhẽo...
Chị Betty có một giọng đọc khá là đặc biệt. Chị ấy có thể hoà mình vào nhân vật và diễn tả những lời thoại một cách không chê vào đâu được. Chị nhấn nhá khá uyển chuyển, môi đưa theo từng câu chữ, giọng đọc khàn khàn ấm áp của chị đưa tôi vào giấc ngủ trước khi Thomas được đưa ra khỏi cái thùng.
Đêm hôm ấy, tôi mơ, một giấc mơ hoài niệm, về những buổi tối Mẹ đọc Romeo và Juliet cho tôi, về những buổi chiều nắng chói chang Bố dẫn tôi và chị Adelaide đi chơi bóng chày, về những cuốn sách bám bụi trên kệ sách của Adelaide.
Và về tất cả.
Hết chương 2.
P.S. Có vẻ dài nhỉ?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top