Chương 1
Chuơng 1
Một chiều mưa ảm đạm. Mưa ướt cửa sổ, mưa rơi tí tách rỉ tai nhau những lời tạm biệt trước khi bị gió cuốn đi.
_____
Một buổi trưa hè nắng gay gắt. Nắng chói chang đổ xuống lòng đường.
Đường cao tốc. Những chiếc xe chạy vút qua nhau với tốc độ không dưới 65 dặm một giờ.
Hôm ấy, Los Angeles mưa một cách bất thường, từng hạt mưa xô vào cửa sổ dưới cái nắng gay gắt, bám víu rồi cũng bị những cơn gió thổi đi. Mưa, mưa tí tách trên nóc xe, rỉ tai nhau những lời tạm biệt trước khi bị gió cuốn đi. Mưa ướt cửa sổ, làm nhòe đi thế giới bên ngoài. Mặt trời từ khi nào đã nhường chỗ cho mây mù, những đám mây u ám đó kéo dài bất tận như một tấm chăn bông xám xịt. Dòng xe lướt trên đường cao tốc vẫn không mảy may gì, mà cứ lướt qua nhau, để lại làn nước mù mịt "bụi nước."
Bản nhạc piano buồn héo hắt với những nốt nhạc ngả nghiêng, đôi khi hai nốt chạm nhau, nốt trầm nốt cao dung hoà, một thứ âm thanh chói tai gây nghiện ngập. Tiếng vi-ô-lông gãy gọn chấm dứt bi khúc thứ nhất. Và lại một bi khúc nữa, ảm đạm, xám xịt như bầu trời Los Angeles bây giờ, bản dạ khúc của thiên tài Beethoven. Một khí nhạc nữa, rồi lại một dạ khúc—tựa hồ một vòng luân hồi lẩn quẩn không có hồi kết.
Tôi tựa đầu vào cửa sổ, môi gần như chạm vào tấm kính lạnh lẽo. Thở ra một làn khói mỏng, tôi viết tên mình lên chỗ còn đọng hơi nước. Brooklyn. Một khu vực nổi tiếng của thành phố New York, khác với Manhattan, một khu vực phồn hoa của những cửa hiệu xa xỉ, nếu quay ngược về những thập niên trước, Brooklyn khoác lên mình một chiếc áo rất đỗi ảm đạm. Là như thế, mẹ nói, tôi ảm đạm như Brooklyn, đôi mắt màu xanh phảng phất nét chững chạc trưởng thành như màu Brooklyn.
Tôi không biết mình đã ngủ từ khi nào, đã mấy tiếng từ khi tôi ngủ rồi, đã bao lâu từ khi gia đình tôi rời khỏi địa phận của hạt Los Angeles rồi. Tôi không biết. Bản dạ khúc đã ngưng, mưa cũng hết rỉ tai nhau rồi. Nhưng trời đã tối, và bố tôi vẫn đang chăm chú lái xe, ánh mắt tỉnh táo dõi theo con đường được rọi sáng trước mặt. Mẹ và chị Adelaide vẫn đang ngủ. Dòng xe vẫn chiếu sáng đường cao tốc, đỏ và vàng, đối chọi giữa đêm tối, ganh nhau xem ai sẽ sáng hơn ai.
San Francisco, một thành phố cảng nổi tiếng của California, đó là nơi chúng tôi sẽ cùng nhau đón mùa Giáng Sinh năm nay. Bố mẹ thích những thành phố cổ, những thành phố nhuộm đầy những hoài niệm xưa như San Francisco. Tôi cũng thế. Từ cây cầu Cổng Vàng kỳ vĩ, đến những bến cảng nhộn nhịp và những căn nhà với kiến trúc lạ mắt đan xen với những trung tâm mua sắm sầm uất không kém Los Angeles. Tôi yêu San Francisco, một thành phố hoài niệm tươi vui.
Chỉ là, vào năm 1989, một trận động đất kinh khủng mang tên Loma Prieta đã phá hỏng đường cao tốc nổi tiếng Embarcadero và tàn phá đoạn đường hai tầng dẫn đến cầu Cổng Vàng của cao tốc 101 và 880 ở thành phố Oakland, láng giềng của San Francisco. Tôi đã xem rất nhiều đoạn phim về đuờng cao tốc này và mong sao tôi được sinh ra vào thập niên tám mươi để chiêm ngưỡng đoạn cao tốc này, mặc dù có khá nhiều người bảo là đoạn đường này thô sơ và rất hiểm trở.
Đồng hồ điện tử trên xe chỉ tám giờ đúng. Trời tây vẫn còn hửng sáng ở đường chân trời, nhưng ở chỗ tôi đã tối mù mịt. Đường nhựa vẫn đốt cháy cao su. Tôi quay sang hỏi bố có muốn tìm chỗ nào đó nghỉ mệt rồi ăn không, nhẩm đi nhẩm lại thì bố cũng lái xe bốn tiếng liền rồi, mà luật California thì bắt buộc những người điều khiển phương tiện phải nghỉ mệt mỗi bốn tiếng.
Nhưng bố bảo không.
Tôi đã định mở miệng nhắc bố về cái quy định mà tôi đã lặp lại cả trăm nghìn lần rồi. Nhưng ánh sáng đèn đèn xe vụt qua mắt, tiếng kèn chói tai vụt qua tai. Chưa kịp định thần thì...
Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, thế giới đột nhiên chỉ còn một màu đen. Tôi nghe tiếng bố đạp mạnh phanh, tiếng kít chói tai. Bấy giờ lại là cao su ma sát với nhựa đường, tôi tưởng tượng những dấu vết do bánh xe để lại, nhưng không thể nào mở mắt được. Tiếng va chạm, tiếng của những túi khí an toàn, tiếng kính vỡ vụn cắt vào túi khí, những tiếng hét kinh hoàng. Tất cả xảy ra quá nhanh, cơn sốc vẫn còn quá mông lung, nhưng tôi biết, mình tỉnh táo hơn bao giờ hết.
Một cơn đau tê dại truyền khắp sống lưng, tôi hét, hoặc cố gắng hét. Tôi vùng vẫy, lồng ngực phập phồng vì không đủ khí ô-xy. Tôi bắt buộc chính mình phải mở mắt, mở mắt ra để nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng trước mắt.
Bật dậy trong đêm tối, mồ hôi nhễ nhại, tôi chỉ biết thở từng đợt ngắt quãng. Đồng hồ điểm ba giờ sáng. Tôi thu mình trong đêm tối, ôm gọn đầu gối trong lòng, tôi tựa vào cánh tay, và những giọt nước mắt lại tuôn. Chúng tuôn không ngừng nghỉ, tôi chỉ biết để chúng nó rơi xuống, cũng không thèm lau chúng.
Đã hai năm rồi từ khi tai nạn kinh hoàng đó xảy ra, hai năm rồi từ khi ba người họ rời tôi. Bố, mẹ, chị Adelaide. Đã hai năm rồi từ khi tai nạn ấy cướp đi sinh mạng của bốn người, bốn người nhưng lại không có tôi. Tôi quá may mắn, và tôi ghét cái may mắn ấy. Tôi ghét cái ranh giới giữa sự sống và cái chết, nó quá mong manh, bước một bước là tới ngay, nhưng một khi bước rồi, thì không quay lại được. Tôi căm thù nó, một nỗi thù hận không tên. Mái tóc dài ngày nào đã được cắt ngắn ngang vai, cũng đã hai năm rồi, tôi không bao giờ cho nó dài ngang lưng. Mái tóc nhuộm nâu bết vào cổ tôi ngứa ngáy và cực kỳ khó chịu. Không khí ẩm ướt thoảng mùi mốc meo. Gác mái yên tĩnh.
Sau năm tháng rưỡi nằm viện, tôi được mẹ đỡ đầu đón về nhà của bà ở Brooklyn. Bà là một người bạn thân của mẹ tôi, là người đã giúp mẹ sinh ra tôi. Bà từng là một y tá tại một bệnh viện ở Los Angeles, sau khi kết hôn thì chuyển qua Brooklyn. Và cũng đã sáu năm rồi tôi mới được gặp lại bà, bà trông trẻ hơn nhiều, dường như thời gian chẳng chẳng làm phai nhòa đi vẻ đẹp của bà, bà đẹp mặn mà hơn, hiền thục hơn nữa.
Tôi còn nhớ, lúc ở trên xe, nhìn ra thế giới bên ngoài chỉ cách một tấm kính, nỗi sợ về quá khứ và sự phấn khích đan xen trong tôi. Brooklyn vẫn bướng bỉnh níu lấy những tòa kiến trúc của nó, ngang nhiên đứng giữa những tòa nhà chọc trời đồ sộ. Brooklyn không còn giữ màu áo xanh của nó nữa, nhưng giữa thế kỷ hai mươi mốt, nó là những khu phố nhộn nhịp sáng đèn neon không bao giờ ngủ, là những dãy phố phồn thị đầy sức hút giữa những tòa nhà thép. Brooklyn mới mà hoài niệm, hoài niệm mà trẻ trung.
Hết chương 1
P.S. Một khởi đầu thật ngắn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top