Cao Vĩnh Thuỵ: Hương vị của nụ hôn đầu
Cuộc trò chuyện ngắn ngủi với An Nguyên kết thúc khi tiếng trống trường vang vọng khắp dãy hành lang dài, báo hiệu chuẩn bị vào tiết tiếng Anh. Vĩnh Thuỵ trở về lớp học, đám đông tụm năm tụm bảy khi nãy đã giải tán, anh lẳng lặng nhấc băng ghế gỗ lên và chỉnh lại bàn học ở phía sau bị xê dịch bởi lực đẩy quá mạnh của mình. Trên bục giảng tụi trực nhật đang cuống quít lau bảng và quét dọn bàn giáo viên, vài đứa học sinh bắt đầu viết từng chữ chi chít lên tấm bảng đen để giải bài tập về nhà được cô giao từ tiết trước.
Ở vùng quê nhỏ này, ngoại ngữ luôn là môn học ác mộng với đám học trò. Vĩnh Thuỵ cũng không phải là ngoại lệ. Anh có thể thức dậy từ năm giờ sáng trong tiết trời rét căm căm để tập luyện với cường độ cao, có thể thức đến khuya để giải tích phân đạo hàm hay miệt mài tính toán các phương trình đường thẳng, thậm chí có thể vừa gà gật vừa phân tích sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị và A Phủ. Nhưng cứ động đến tiếng Anh là Vĩnh Thuỵ lại mù tịt, tại sao phải chuyển đổi sang câu bị động khi câu chủ động đã đủ rõ ràng để truyền đạt thông tin? Tại sao lại bắt học sinh phải vất vả thay đổi trật tự từ chỉ để đưa ra một câu có nội dung y hệt?
Cứ mỗi lần đến giờ tiếng Anh, Vĩnh Thuỵ chỉ mong cơ thể cao lớn của mình trở nên tàng hình trong mắt giáo viên bộ môn. Nhưng rất tiếc, hôm nay cô Dung đã tóm anh đứng lên chỉ ra lỗi sai cơ bản trong một câu trên bảng. Vĩnh Thuỵ nhăn mặt khi nhận ra đó là loại bài tập về câu điều kiện, phần ngữ pháp khó hiểu nhất đối với anh, nhưng cũng rất nhanh cơ mặt của anh được thả lỏng tự nhiên đến mức như chẳng hề có chuyện gì xảy ra. Thuỵ cố gắng ê a đọc lại đề bài trong lúc thằng bạn cùng bàn lật tung quyển vở ghi lên để tìm đáp án.
Cô Dung sốt ruột gõ chiếc thước gỗ lên mặt bàn giáo viên, từ phía sau cặp kính đeo trễ, ánh mắt dò xét của cô quét qua Vĩnh Thuỵ một lượt, tư thế này ám chỉ cho tụi học trò yêu dấu biết rằng cô đang hết sức mất bình tĩnh. Lúc này Thuỵ cũng bắt đầu thấy cuống vì thằng bạn đã giở đến đoạn ghi chép lý thuyết câu điều kiện, nhưng vấn đề là nó đọc đi đọc lại cũng không biết đáp án chính xác là gì, tại sao đứa trên bảng chọn D lại bị cô mắng là sai bét.
"Anh Thuỵ, anh có biết bây giờ là tháng mấy rồi không? Còn có ba tháng nữa là các anh các chị thi Đại học, thế mà một câu chuyển đổi đơn giản như thế này cũng đứng ngậm tăm là sao? Tôi chưa từng dạy cái lớp nào lười như cái lớp này luôn đấy!"
Cô giáo tiếng Anh bắt đầu bài thuyết giảng quen thuộc của mình, quen đến mức đám học sinh bên dưới lớp chỉ biết đưa mắt lơ đễnh ngó nghiêng quanh phòng học, đứa thì nhìn chằm chằm xuống vở ghi, đứa thì mơ màng ngắm bầu trời âm u xám xịt bên ngoài cửa sổ, đứa lại chăm chú theo dõi con nhện trong kẽ tường đang rình bắt mồi.
Đột ngột, Vĩnh Thuỵ vọt miệng một cách dõng dạc và dứt khoát: "Em thưa cô, câu này phải chọn đáp án A ạ. Vì đây là câu điều kiện loại II nên mệnh đề thứ nhất phải dùng thì quá khứ đơn, mệnh đề hai dùng cấu trúc would verb ạ!"
Vẻ mặt cô Dung lộ rõ sự ngỡ ngàng khi một lần nữa quét mắt qua cậu học sinh "đội sổ" trong lớp, cô hắng hắng giọng yêu cầu: "Vậy câu này sửa lại đúng phải là?"
"Ơ... Dạ, thưa cô, íp hi cờ... cờ niu... ờ hao tu..."
Tay chân Vĩnh Thuỵ lại bắt đầu luống cuống, thì ra ban nãy trong lúc cô giáo không để ý, An Nguyên đã nhổm người lên nói cho anh đáp án đúng của câu hỏi. Nhưng ngữ pháp còn có thể giải thích bằng tiếng Việt, chứ phát âm thì thực sự không ai cứu được anh cả. Dường như cả cô Dung lẫn tụi bạn trong lớp cũng đều nín thở chờ đợi Vĩnh Thuỵ khó nhọc đọc xong một câu tiếng Anh.
An Nguyên bất đắc dĩ phải dùng quyển sách giáo khoa chắn trước mặt, cố gắng thì thầm với âm lượng đủ to để Thuỵ có thể nghe thấy, "If he knew how to speak the language, he could ask for the way."
"If he knew how to speak the language, he could ask for the way." Vĩnh Thuỵ lặp lại như một cái máy.
Cả lớp thở phào nhẹ nhõm, lần đầu tiên chứng kiến Vĩnh Thuỵ thuận lợi qua "ải" của cô Dung, nếu không mới đầu tiết mà tâm trạng cô đã bực bội khó chịu thì thể nào cả tiết học sau đó cũng sẽ không suôn sẻ.
Khi chữa đến vài câu khó giúp tụi học sinh ăn điểm 10 trong đề thi THPT quốc gia, cô Dung thường xuyên chỉ định An Nguyên đứng lên giải thích. Một phần vì cậu nắm rất chắc kiến thức ngữ pháp, thậm chí có thể gợi ý những cách đặt câu và dùng từ khác cho các bạn, một phần vì accent của Nguyên thực sự chẳng khác gì người bản xứ cả. Nghe nói khi còn học ở nước ngoài, Nguyên sử dụng thành thạo hai ngôn ngữ là tiếng Phần Lan và tiếng Anh.
Khi biết điều đó, Vĩnh Thuỵ và nhiều đứa trong lớp đã có cái nhìn khác về cậu bạn nhỏ con này. Khát khao cháy bỏng nhất của Vĩnh Thuỵ là một ngày nào đó, anh có thể đứng trong đội hình thi đấu bóng rổ tại các giải quốc gia, mơ lớn hơn nữa là được đại diện màu cờ sắc áo của Việt Nam đặt chân đến SEA Games và Thế vận hội mùa hè. Anh biết ngoài kỹ năng thể thao thì một vận động viên thi đấu quốc tế còn cần cả khả năng ngoại ngữ nữa.
Nhưng biết làm sao bây giờ, khi ngoại ngữ và anh không chịu đi chung một đường.
"Cậu phải đọc to thành tiếng chứ."
Vĩnh Thuỵ đang vò đầu bứt tai chúi đầu vào quyển sách tiếng Anh thì một giọng nói nhẹ nhàng vang lên bên tai. Anh ngạc nhiên ngẩng lên, An Nguyên đang đứng ở đầu bàn phía bên kia, ngay sát lối đi lại ở thư viện. Vì buổi chiều không phải lên lớp nên cậu ăn mặc khá đơn giản, một chiếc sweater màu xám lông chuột, bên dưới là quần thể thao dáng rộng màu kem. Vẫn mái tóc bù xù và tròng mắt xanh dương được giấu sau cặp kính đen đơn điệu, nhìn Nguyên có vẻ năng động và thoải mái hơn so với trên lớp. Trên tay cậu là cuốn truyện Doraemon cũ mèm, sờn cả gáy và có dấu hiệu rách tả tơi ở phía trong.
Từ thị xã nơi Nguyên và Vĩnh Thuỵ đang ở, muốn tìm mua sách truyện thì phải đi gần tám cây số lên thị trấn. Có lẽ vì thế mà Nguyên xuất hiện ở thư viện vào giờ này, dù mấy cuốn truyện ở đây đã cũ lắm rồi nhưng cậu cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác.
Thấy gương mặt Thuỵ còn ngẩn tò te, Nguyên không ngần ngại bước đến gần, những ngón tay thon dài, trắng trẻo nhanh nhẹn gõ gì đó trên chiếc máy tính để bàn.
"Đây này, đầu tiên cậu muốn nói tiếng Anh tốt thì phải học bảng phiên âm IPA chuẩn quốc tế này. Thứ hai, đừng ngại nói sai, cứ tự tin đọc thật to những chữ trong vở. Nếu chỉ lẩm nhẩm trong miệng thì không bao giờ cậu chỉnh được phát âm của mình đâu."
An Nguyên liếc nhanh vào quyển sách trên bàn khiến Vĩnh Thuỵ chột dạ vội vàng gấp lại. Trên đó chi chít những chữ viết tay của anh, giống như mọi đứa học trò bập bẹ học tiếng Anh, Vĩnh Thuỵ cũng viết phiên âm của từ mới bằng tiếng Việt cho dễ đọc. Nguyên chỉ cười chứ không lên tiếng trêu chọc, ngược lại cậu còn cẩn thận hướng dẫn anh cách viết của từng âm tiết một.
Sau khi đi qua một lượt bảng IPA, Vĩnh Thuỵ bắt đầu cảm thấy tiếng Anh đơn giản hơn một chút. Hóa ra từ trước đến nay anh đã học ngoại ngữ sai cách, giống như An Nguyên vừa mới khai sáng, trước hết anh cần nghe và đọc tiếng Anh càng nhiều càng tốt, tương tự như một chiếc CPU của máy tính phải có thông tin input thì mới cho ra kết quả output được. Output ở đây chính là khả năng viết và giao tiếp bằng ngoại ngữ.
Còn một ít thời gian trước khi thư viện đóng cửa, Nguyên bày cho Vĩnh Thuỵ cách lên mạng tìm nguồn nghe tiếng Anh hiệu quả. Càng trôi về cuối ngày, không khí bên ngoài cửa sổ càng trở nên u ám và lạnh hơn. Những tia nắng đầu xuân hiếm hoi cũng lụi tắt dần, gió thổi qua khoảng sân trường trơ trọi, đập rầm rầm vào cánh cửa kính đã cũ làm An Nguyên hơi giật mình, đưa mắt rời khỏi màn hình vi tính. Hình như cậu thấy lạnh nên đầu ngón tay vô thức run rẩy, Nguyên đưa tay áo lên che miệng hắt xì mấy cái liền.
Thấy vậy Vĩnh Thuỵ lập tức cởi áo khoác gió bên ngoài ra cho Nguyên mặc, còn không quên lục tìm trong túi áo chiếc kẹo gừng đã chuẩn bị từ trước.
"Cậu thích vị gừng lắm hả?" Nguyên nhét viên kẹo vào khoang miệng, nhỏ nhẹ hỏi.
"À, thói quen cũ thôi. Mẹ tôi là người thể hàn nhưng lại không thích mùi vị của gừng, chỉ ăn được mỗi loại kẹo này. Thế là mùa đông nào tôi cũng mua dự trữ sẵn vài gói trong nhà, mẹ muốn ngậm kẹo là có luôn."
Nguyên gật gù, tuy không hiểu tại sao Vĩnh Thuỵ lại dùng cụm từ "thói quen cũ" nhưng thấy anh có vẻ không muốn nhắc đến nên cậu cũng không hỏi gì thêm. Khi cậu hơi vặn vẹo vai cho đỡ mỏi thì vô tình làm chiếc áo khoác của Vĩnh Thuỵ tuột xuống đất, anh nhanh nhẹn cúi người nhặt lên rồi choàng vào vai Nguyên. Hành động đột ngột ấy khiến không ai nhận ra cả hai đã sáp lại gần nhau. Lúc này chóp mũi của An Nguyên chỉ cách bờ vai người đối diện vài xen-ti-mét.
Nguyên hồi hộp ngước mắt lên nhìn Vĩnh Thuỵ, thấy anh cũng đang ngẩn người nhìn lại mình, trong đáy mắt nâu nhàn nhạn chỉ đọng lại gương mặt nhỏ nhắn của cậu. Lẫn trong hơi thở lẩn khuất, anh còn nghe rõ mùi gừng cay nồng quấn quít nơi đầu mũi.
Chẳng để lý trí kịp định hình, rằng liệu cô thủ thư có bất chợt đi vào hay không, rằng bản thân rốt cuộc đang làm gì, và tại sao anh lại muốn làm điều này - vào ngay lúc này - hơn bất kỳ chuyện gì khác trên đời, Vĩnh Thuỵ đã vụng về ép sát miệng mình lên cánh môi hơi hé mở chờ đợi của An Nguyên. Tay phải của anh nhẹ nhàng đưa lên gỡ cặp kính cận của cậu xuống, tay trái vòng ra sau lưng Nguyên siết chặt lấy cơ thể mảnh khảnh ấy vào lồng ngực đang điên cuồng đập thình thịch, thình thịch của mình.
Trong khoảnh khắc tưởng chừng như kéo dài bất tận ấy, đầu óc Vĩnh Thuỵ chẳng còn nhận thức được bất cứ điều gì khác, ngoại trừ khoang miệng ấm áp và đượm vị kẹo gừng của An Nguyên. Thật ngọt ngào, thật dễ chịu... thì ra đó chính là hương vị của nụ hôn đầu mà người ta vẫn thường hay nói.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top