CHAP 1 - Áo da nâu và cô nàng xúc xích

 1. ÁO DA NÂU VÀ CÔ NÀNG XÚC XÍCH

Radio thông báo lúc này là 23 độ F.

Thời tiết lạnh tưởng chừng như có thể đóng băng một con kiến lỡ sa chân vào giọt nước. Những cành cây khẳng khiu đã trở nên trắng loá, sáng lấp lánh dưới ánh nắng vàng dìu dịu, không đủ để cảm nhận hơi ấm.

Mùa đông ở New York!

Tôi ngồi xuống một trong những bậc đá cao ngất trước một trường đại học, vừa bỏ găng ra là vội chà xát hai tay vào nhau để làm dịu đi cái lạnh như cứa vào từng thớ thịt. Phải một lúc cho đỡ lạnh, tôi mới nhặt vội ổ bánh mì còn nóng thơm phức đặt sẵn phía trên ba lô, gang miệng thật rộng cho một cú ngoạm.

“A! Ngon quá đi mất”

 Người ta nói miếng ăn là miếng tồi tàn thật chẳng sai. Nhưng dù có ngon thế nào, tôi cũng chỉ nghĩ trong đầu chứ chẳng hét lên thật to. Ở cái nơi lạ nước lạ cái này, nếu không cẩn thận người ta sẽ biết tôi là kẻ từ nơi khác đến. Lúc đó thì dù có không muốn, tôi sẽ là một trong những đối tượng của bọn lang thang, cướp bóc, bán hàng dạo… À mà quên là tôi chẳng có gì để cướp bóc ngoài bộ đồ trên người và mấy thứ đồ không mấy giá trị trong ba lô. Dù sao thì cái xác này vẫn đáng lo, cẩn thận vẫn hơn.

Ổ bánh mì của tôi mới gặp được hơn nửa thì một chàng trai ngồi xuống ngay bên cạnh tôi. Trong khi tôi quay lại nhìn thì anh ta đã nhanh tay giành lấy ổ bánh mì tôi đang cầm, bẻ nó làm hai và trả cho tôi một nửa phần đuôi. Đôi mắt anh ta ánh lên nét cười như trẻ con, còn động tác “cướp giật” kia thì lại quá nhanh gọn, đến nỗi tôi không kịp phản ứng gì.

- Cảm ơn nhé. Ở cái nơi băng tuyết như thế này thật khó mà gặp được một người vùng nhiệt đới.

Tôi vẫn nhìn chằm chằm vào cái kẻ vừa cướp đi miếng ăn đáng quý của mình, rủa thầm trong đầu những câu thậm tệ. Khi đang đói thì người ta chẳng nghĩ là được điều gì sáng suốt và lịch lãm.

Có vẻ như tôi nhìn đủ lâu để kẻ mặt dày kia thấy khó chịu.

- Tôi cảm ơn rồi mà.. Cô không hiểu hả??

Tôi trừng mắt lên. Nếu anh ta thông mình thì phải hiểu là tôi đang tức giận chứ!

- A a hiểu rồi… hm.. Gamsahamnida – vừa nói anh ta vừa quơ tay trước mặt tôi – Không phải à? Hm.. Aligato? Xia xìa?

- Này – tôi hét lên, đập vào đầu anh ta – anh tưởng chỉ cần cảm ơn là được à?? Trả lại tôi những gì mà anh vừa ăn đây!

- Hoá ra là đồng hương. Giúp nhau một chút không được à?

Anh ta có vẻ khá hớn hở khi nhận ra tôi cũng là người Việt, và cũng cứ thế hớn hở đưa miếng bánh lên ngoạm một cách ngon lành.

- Tất nhiên là được, nhưng đó là khi tôi đủ ăn. Giờ đến cả miếng ăn cũng khó. Không lo được cho bản thân mình, anh nghĩ tôi dư sức lo cho anh chắc?? – nói đến đây, nước mắt tôi lại bắt đầu tuôn – Tôi đến đây bị người ta cướp tiền, mấy đồng lẻ còn lại chỉ đủ ăn uống qua bữa, tiền vé về còn không có… Thế chưa đủ bất hạnh hay sao??

Dường như miếng bánh vừa nuốt vào của anh ta bị tiếng khóc của tôi làm cho mắc nghẹn.

- Này, không phải vì tôi giành miếng bánh mà cô khóc đấy chứ?

- Anh im đi – tôi gục mặt khóc, cảm giác những gì mình mới ăn xong chẳng hề ngon lành như vẫn tưởng.

Đúng lúc ấy, học sinh từ sảnh đường lớn bắt đầu ùa ra. Đã năm giờ chiều. Từng hồi chuông nhà thờ như đánh vào trong tim.

- Chúng ta không ngồi đây được rồi – anh ta bất chợt nắm lấy tay tôi – đi cái đã.

Cú kéo mạnh bất ngờ đến nỗi tôi làm rơi cả phần bánh mì còn lại, chỉ kịp kéo ba lô lên rồi ba chân bốn cằng chạy theo kẻ lạ mặt.

- Này – tôi nói khi thấy cả hai đã chạy một đoạn khá xa mà vẫn chưa dừng lại – anh định kéo tôi đi đâu vậy? Chẳng phải chúng ta chỉ tránh chỗ cửa vào của giảng đường thôi sao?

- Cứ đi đi, chạy mệt mà sao cô hỏi dữ vậy.

Giọng gắt gỏng của anh ta khiến tôi chẳng muốn hỏi thêm câu nào. Cứ chạy như thế, nước mắt tôi cũng khô từ khi nào. Cắm cúi chạy theo, nên khi anh ta đứng lại cũng là lúc tôi đâm sầm vào lưng anh ta. Mũi cạ vào áo khoác da thô ráp khiến tôi cảm thấy khó chịu.

- Cô chờ đấy.

Anh chàng mặc áo khoác da để tôi đứng ngay đầu đường một con phố lạ. Tôi ngó quanh, chẳng nhớ nổi đường về. Trong lúc vò đầu bứt tai tự trách mình vì đã dễ đãi để kẻ lạ mặt dắt mũi thì anh ta trở lại với xiên xúc xích nướng thơm lừng trên tay.

- Trả cho cô nè, vì lúc nãy đã giành ăn.

Tôi ngập ngừng nhìn kẻ đối diện đỏ cả mũi dưới cái trời lạnh ngắt đang giơ cây xúc xích trước mặt mình.

- Anh đâu cần phải làm thế.

- Chẳng phải cô bắt tôi phải trả những gì đã ăn hay sao. Nhưng đồ ăn đã vào bụng rồi, thế nên tôi trả cho cô thứ khác.

- Nhưng – tôi ngập ngừng, hai tay đút vào túi áo cứ đưa qua đưa lại – tôi không quen nhận đồ của người lạ.

- Này – tiếng quát của anh ta làm tôi giật mình rụt cổ lại – thời đại nào rồi mà cô còn trả lời như vậy, tính làm phách với tôi hả?

- Không phải.

Thật là bực mình, tại sao càng lúc lời nói của tôi càn trở nên rụt rè thế này không biết. Rõ ràng là tôi không sợ anh ta. Bình thường tôi cũng “cứng” miệng lắm, nhưng chẳng hiểu tại sao khi đứng trước kẻ lạ mặt này, lưỡi cứ như thụt vào trong. Nhất là khi nhìn vào đôi mắt ấy…

- Này, cô có nghe tôi nói gì không vậy?

Anh ta nói với giọng giận dữ nửa đùa nửa thật rồi dúi cây xúc xích vào tay tôi, sau đó chà mạnh hay tay vào nhau cho đỡ lạnh.

- Vì mua đồ ăn cho cô mà tay tôi cóng lại cả rồi đây nè.

- Cảm ơn.

Tôi nói khi trước khi gặm miếng xúc xích đầu tiên. Cảm giấc thơm nóng, mềm mại đọng lại trong khoang miệng khiến tôi không khỏi cười mãn nguyện. Cũng phải mấy ngày rồi tôi mới có được miếng ăn cho ra hồn.

Anh chàng áo da đi lại phía băng ghế gỗ gần đấy, tôi cũng lẽo đẽo đi theo, ngồi xuống cạnh anh ta hưởng thụ nốt phần xúc xích thơm lừng còn lại, vừa ăn vừa ngắm những con người vội vã đi qua đi lại trên con phố đi bộ này.

- Trông cô như thể thiếu ăn lâu ngày rồi – anh ta chống tay một bên thái dương, làm bộ nhìn tôi chăm chú.

- Cũng không lâu lắm, tôi mới ăn sáng hôm qua.

- Hả?

Cái miệng há to thế kia cho biết cậu công tử nhà này chưa bao giờ bị bỏ đói quá hai bữa, nhìn mà tôi chỉ muốn cho anh ta ăn gọn một đấm của mình. Nhưng nghĩ lại dù sao mình cũng là người đang ăn nhờ, thế nên tôi cố kiềm chế mà quay trở lại với miếng ăn của mình.

- Tôi chỉ còn đủ tiền cầm cự mấy ngày nữa thôi – tôi trả lời, cố không để cho giọng mình chán nản như đúng ra nó phải thế.

- Nếu đã đi chơi thì tại sao không mang nhiều tiền hơn? Nếu hết rồi thì nhờ người thân chuyển tiền.

- Tôi không đi chơi… - tôi nói rồi lại thấy câu này hình như không đúng – không phải, là đi chơi, nhưng không phải là tự nguyện… À không, là tự nguyện, nhưng mà…

Dường như tôi bị anh ta làm cho rối tung đầu óc. Đến tôi nói xong còn cảm thấy mình kì cục nữa là. Tôi nhìn anh như muốn nhờ anh ta giải thích giúp điều mình muốn nói, nhưng chợt nhớ chuyện của mình, mình không biết thì còn ai biết, ánh mắt lại trở nên vô cùng đáng thương.

Anh chàng đối diện nuốt khan, chớp mắt vài cái, giọng nói đôi phần nhượng bộ.

- Tôi hơi chậm tiêu, làm ơn nói lại lần nữa được không?

Tôi thấy anh ta hoàn toàn không phải là kẻ chậm tiêu như tự nhận, thậm chí là ngược lại. Nhưng có lẽ kẻ thông minh đến mấy gặp tôi thì cũng bị làm cho rối loạn tinh thần.

- Thế này nhé. Anh đã bao giờ được họ hàng cho vé một chiều, mời đi chơi cùng nhưng khi lên máy bay mới biết là chỉ có một mình mình.  Sau đó liên lạc lại với họ, nhưng số máy liên tục không nhận được. Tiền thì hết, tiền vé thì không có…

- Tức là bị lừa? Họ hàng ai lại làm thế.

Tôi dừng lại, đắn đo suy nghĩ trong giây lát.

- Tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng có lẽ tôi là trường hơp ngoại lệ.

Tôi không muốn kể lể hoàn cảnh của mình, nhất là cho một kẻ không quen biết. Đối với anh chàng mặc áo da này lại càng không. Tôi không muốn bị anh ta thương hại hay hiểu nhầm. Ở cái nơi lạ nước lạ cái này, thiếu gì kẻ lợi dụng nhau chứ. Dù không có ý gì xấu, nhưng bản thân tôi ghét nhất trên đời là bị hiểu nhầm. Thế nên khi thấy chiếc xe bus đầu tiên, tôi đã vội đứng dậy.

- Cảm ơn anh vì cây xúc xích. Nếu sau này có gặp lại, tôi nhất định sẽ trả lại cho anh.

Nói rồi tôi quay người, chạy lên chiếc xe bus đông người.

*** *** ***

Phong nhìn theo dáng người nhỏ nhắn đang chạy vội cho đến khi nó khuất hẳn sau đám người chật cứng trên xe bus. Cậu thậm chí còn chưa kịp hỏi tên cô bé mới quen. Mỉm cười với chính mình, cậu cầm dây cặp, vắt lên vai rồi rảo bước trên con phố chập choạng tối.

Trời lạnh, nhưng trong lòng lại không lạnh chút nào.

Cô bé xúc xích – có duyên nhất định sẽ gặp lại.

* *** *

Tôi xuống một trạm bất kì, không ngờ mình lại vào sâu trung tâm hơn tưởng tượng. Thành phố đã lên đèn rực rỡ, đâu đâu cũng lấp lánh những pano, đèn quảng cáo, đèn trang trí… Những cặp đôi khoác tay tựa vào nhau để xua đi cái lạnh vào đêm. Ai cũng đẹp đẽ, gọn gàng, ở họ toát ra một cái chuẩn mực bình thường mà tôi không có: ba lô đồ đeo vai, hay tay còn nguyên mùi xúc xích ban nãy, và mắt tèm nhem vừa khô nước mắt nay lại chực chào ra.

“Không phải là như thế này!” – tôi hét to trong tâm trí, dùng cổ tay áo lau sạch những giọt nước mắt còn lại. Cuộc sống là do tôi chọn, nó sẽ không tẻ nhạt thế này.

Tôi đi dọc con phố, hỏi thăm nhắng nhít bằng thứ tiếng Anh bập bẹ quê mùa của mình cho đến tìm được trung tâm vui chơi. Dồn hết số tiền còn lại trong túi để mua xu, tôi bắt đầu lao vào những nơi bắt mắt, thử hết trò này đến trò kia. Tuổi thơ tôi không nhớ lắm, nhưng hầu như không có việc vào khu vui chơi như đáng lẽ trẻ em phải được hưởng. Bố mẹ tôi quá bận rộn để nuông chiều con gái như vậy, thế nên cái mà tôi nhớ nhất là những tối ngồi bên cửa sổ, ngắm đèn đêm và vẽ vời. Thế nên tôi chơi những trò này một cách lạ lẫm, quê mùa cũng là điều đương nhiên. Người ta nhìn vào chỉ thấy một cô bé khó hiểu, chơi đến khi mệt nhoài, hết tiền, và khản giọng, chứ không hiểu được trong lòng tôi đang đau như thế nào.

Rời khỏi khu vui chơi khi đã gần 10h tối, không phải là quá muộn, nhưng cũng là lúc nên tìm một nơi để ngủ. Tôi cười khẩy với chính mình khi chẳng biết đi đâu về đâu. Ai sẽ chứa chấp một kẻ ngoại quốc không giấy tờ, không tiền bạc và ăn nói cũng chẳng rõ ràng như tôi? Mà thậm chí, tôi cũng mệt đến nỗi để nghĩ ra cách sống cho qua đêm nay rồi.

Tôi lao vào bốt điện thoại gặp trên đường, nhét đồng xu cuối cùng vào khe, tay mơ hồ bấm những con số mình đã nhẩm thuộc bao lâu nay  trong trái thái hồi hộp và nao lòng khó tả. Chờ đợi vài giây mà tưởng chừng cả năm. Ngay lúc tôi đã chuẩn bị xong xuôi câu mở lời đầu tiên khi có người bắt máy bên kia thì những tiếng tút dài vang lên như có bàn tay ném tôi xuống biển đang bắt đầu đóng băng.

Lại cười với chính mình một cách ngớ ngẩn, chua chát, tôi rời khỏi buồng điện thoại. Những bước chân liêu xiêu, hai hàng nước mắt chảy dài.

Cứ lang thang như vậy, tôi đã bước đến sảnh toà nhà DFY từ khi nào. Cõ lẽ khi mệt và đói, tôi đã nghĩ đến dòng chữ này nhiều đến nỗi cứ nhắm hướng nó mà đi.

Đứng đối diện với khung cửa kính tự động cảm ứng của sảnh chính toà nhà, tôi thấy mình thật nhỏ bé và bất lực. Dần dần, tôi thấy mình đã quỳ xuống bằng cả hai gối từ lúc nào. Và trước khi nhận thức được hành động tiếp theo, tôi đã thấy mình đổ xuống trong tư thế hai tay ôm lấy nền nhà.

Đúng là tôi muốn ôm một người – khi mà tôi nghĩ ngày tận của mình đã đến.

Có điều người ấy không xuất hiện như trong tưởng tượng, còn tôi thì đã quá sức chịu đựng rồi.

 - Cái gì thế kia?

Người đàn ông trung niên mặc áo khoác dày ngoài comple đen sọc kim tuyến dừng bước chân khi thấy có người đổ xuống trong tư thế vái lạy ngay ngoài sảnh.

Vừa đọc biểu hiện lạ trên mặt vị chủ tịch kì cựu, người thư kí lâu năm vội vàng lên tiếng:

- Tôi sẽ đi xem thử thế nào.

- Khoan đã – vị chủ tịch giơ tay, chần chừ trong giây lát. Chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi thôi, nếu để ý, người ta sẽ đọc được bao nhiêu cảm xúc trong đôi mắt thăm thẳm ấy.

Một vài bảo vệ bên ngoài toà nhà chạy lại phía người mới ngã xuống, đỡ dậy. Khuôn mặt non nớt kia vừa xuất hiện, vị chủ tịch già thấy tim mình nhói lên.

Tôi mở mắt, đối diện với trần nhà thạch cao đầy nét chạm khắc tinh xảo. Ban ngày, nhưng ánh sáng bị che phủ bởi tấm rèm màu ngọc trai. Ánh sáng mờ ảo ấy khiến tôi cảm thấy buồn nôn.

Mà cũng thật là buồn nôn khi tôi nhìn thấy kim tiêm trên tay mình.

Bằng một động tác dứt khoát, tôi giật phăng dây truyền nước trên tay mình. Vì quá mạnh tay nên vết kim vốn nhỏ đã biến thành một vệt dài, máu bắt đầu chảy khiến tôi nôn nao trong người. Nếu như dạ dày không trống rỗng thì tôi đã ói một trận ra trò rồi. Trong lúc tìm cách đứng dậy, tôi loạng choạng gạt đổ khay đựng cháo bên cạnh khiến mọi thứ tung toé. Cháo nóng bắn lên tay làm tôi cảm thấy đau rát.

Lúc những y tá chạy vào, mọi thứ trong căn phòng đã trở nên hỗn độn không thể tả. Nhân vật chính là tôi đây đang nửa ngồi nửa quỳ, hai tay chống lên sàn, hét to trong tuyệt vọng.

- What’s wrong with her?

- Don’t know.

Tôi nghe họ thì thầm những nhận xét, nghi vấn trong lúc đỡ mình dậy. Người giúp tôi lau tay, người dọn dẹp những thứ xung quanh. Biết rõ họ không thích mình, nhưng tôi chẳng biết làm gì khác ngoài việc bất động như một con búp bê, mặc kệ người ta. Trong hoàn cảnh này, đáng lẽ phải khóc thật to thì tôi lại cạn khô nước mắt đến nỗi cứ trân trân nhìn khoảng không vô định trước mặt.

Lúc tôi định thần lại thì đã thấy mình được hai cô gái kẹp nách hai bên, dẫn đi trên hành lang dài. Trên người tôi là chiếc váy màu trắng rộng tiện lợi có túi chéo hai bên bằng vải kaki với đường khoá duy nhất chạy dọc sau lưng. Những người đi kèm chỉ nhằm giúp tôi đứng vững, nhưng tôi lại có cảm giác như họ đang dẫn tội phạm là tôi đến gặp người mà tôi không muốn gặp nhất trên đời này.

Lúc cánh cửa mở ra, tôi nhất thời bị chói mắt. Chẳng hiểu đã bao nhiêu lâu tôi mới được thấy ánh sáng rực rỡ như thế này.

Ông ấy đứng quay lưng lại với cửa, thản nhiên ngắm nhìn bầu trời như thế hôm nay là một ngày tốt lành. Đã sáu năm, nhưng cái dáng vẻ ấy chẳng thay đổi chút nào. Thứ thay đổi chính là cái mã bên ngoài: áo sơ mi vải thường đã đổi thành Levi Strauss & Co.

Tôi cười khẩy khiến hai cô gái đứng cạnh không khỏi kinh ngạc. Có thể trong mắt họ, ông ta là một thứ thần thánh quoái quỷ nào đó điều hành một tập đoàn lớn, nhưng đối với tôi, ông ấy chỉ là một con người quoái quỷ sẵn sàng từ bỏ tất cả để hướng đến mục tiêu lớn hơn: có tiền và có quyền.

Cuối cùng thì cái giây phút mà mọi người phải nín thở để chờ đợi cũng đến: ông ấy quay người lại, nhìn tôi bằng đôi mắt chăm chú, cơ mặt cứng đờ như thể con người ấy không biết cách biểu hiện cảm xúc.

- Mọi người có thể ra được rồi.

Đúng lúc hai cô gái thả tay tôi ra, tôi nhất thời mất thăng bằng đổ người xuống. Rất nhanh, con người ấy chạy lại đỡ tôi, thoáng chút lo lắng xuất hiện trên khuôn mặt đã già hơn trong trí tưởng tượng của tôi rất nhiều.

Hầu hết những người trong phòng chưa kịp rút đi đều dành cho hai chúng tôi ánh nhìn tò mò. Chỉ khi cánh cửa phòng thực sự đóng lại, tôi mới dùng chút sức quèn của mình để đẩy người trước mặt ra. Tôi ngã xuống sàn thật đau, nhưng chẳng là gì so với những gì trong lòng đang trải qua.

- Thái độ của con như thế là sao?

Người cha lạnh lùng của tôi nửa ngồi nửa quỳ trước mặt, trong đôi mắt của ông chất chứa bao câu hỏi. Đôi mắt căm phẫn của tôi cũng hiện lên nhiều nghi vấn như thế, chỉ tiếc không thể bật ra cùng lúc mà thôi.

- Đáng lẽ tôi phải hỏi tại sao mình lại ở đây, rồi bị dẫn đến căn phòng này như một con rối mới phải.

Tôi vẫn còn nhớ căn phòng này cách đây sáu năm. Thật ngạc nhiên khi sở thích và thói quen sắp xếp đồ đạc của một con người vẫn không thay đổi sau từng ấy thời gian.

- Chính con đến tìm ta trước còn gì.

- Tôi không đến tìm ông – tôi ngập ngừng trong giây lát vì nhận ra hành động trước đây của mình đang chống lại mình – chỉ là khi đói và khát đến mức chuẩn bị ngã quỵ, tôi muốn đến xem thử cái toà nhà này đã sập hay chưa thôi.

- Vậy tức là con muốn điều đó xảy ra lắm à?

- Có liên quan gì đến tôi đâu.

Tôi rụt tay lại trên sàn, cố gắng ngồi thẳng dậy, khuôn mặt hơi cúi xuống như thể đang rụt rè. Sự thực thì tôi tránh nhìn vào ánh mắt kia – ánh mắt giống tôi đến kinh ngạc.

- Ta không hiểu tại sao con phải trở nên gay gắt như thế. Có điều đã gặp nhau rồi, thì hãy vui vẻ một chút đi. Ít nhất thì ta cũng sẽ không để con trong cái bộ dạng chán chường này.

Bụng tôi chợt réo lên. Thành thật thì ngoài nước đạm vừa được truyền, có lẽ trong bụng tôi chẳng còn gì tiêu hoá được.

- Chúng ta ăn sáng nhé.

- Cũng tốt thôi – tôi hít một hơi, phải khó khắn lắm mới tự đứng dậy nhờ bám víu cái bàn làm việc – tôi chỉ có một yêu cầu duy nhất. Chúng ta cùng ăn sáng, sau đó hãy cho tôi một vé về, tôi sẽ biến mất khỏi đây ngay tức khắc.

Người cha “đáng kính” của tôi ngồi xuống ghế, chống cằm, lại nhìn tôi chăm chú.

- Con nghĩ mình đến đây trong bộ dạng sắp chết đói, rồi ra một yêu cầu mà ta sẽ đồng ý sao? Con phải hiểu mình là kẻ yếu thế chứ. Dù con có ghét ta đến thế nào thì cũng phải chấp nhận rằng con chẳng làm được gì lúc này ngoài nói năng hỗn hào và yêu cầu quá đáng.

Tôi nuốt khan, cố không để nước mắt của lòng tự trọng rơi xuống. Thật đáng giận là ông ta nói đúng. Dù sao cũng nhờ có ông ấy mà tôi được sinh ra, để rồi biết rằng không phải người cha nào cũng tốt.

- Ba à – tôi mỉm cười giả tạo – chúng ta cùng ăn sáng nhé.

Tôi lớn lên trong một gia đình ấm áp chỉ có mẹ và chú cún nhỏ. Thực sự thì gia đình của tôi không có bóng dáng của người ba, vì mẹ tôi bảo ông ấy đang hạnh phúc bên gia đình thực sự của mình. Vì mẹ tôi thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, và luôn nghĩ tốt cho ông ấy, nên tôi chẳng bao giờ hỏi bà nhiều về vấn đề này. Trong lòng tôi, ba thực sự đã đi vào cõi vĩnh hằng. Thà thế còn hơn việc chấp nhận tôi chỉ là đứa con rơi.

Mẹ tôi là một phụ nữ đảm đang và tốt bụng. Bà sẵn lòng thế chấp căn nhà đang ở để cho một người chú làm ăn ở xa, không ngờ mọi việc không thể suôn sẻ như ý muốn. Một buổi chiều lớp 4 khi tôi đi học về đã thấy nhà cửa tan hoang, đồ đạc bị ném lung tung. Những thứ có giá trị đang lần lượt được khuân ra ngoài chiếc xe chở hàng đậu phía trước. Tôi chạy vào trong nhà tìm mẹ, nhưng chưa kịp cất tiếng gọi đã bị bế bổng lên. Liền sau đó là tiếng mẹ tôi kêu gào: “Hãy tha cho đứa bé”

Gã đàn ông râu ria khẽ hừ một tiếng, trợn mắt nhìn tôi

- Hãy đi gặp ba mày, bảo nó trả tiền cho tao, không thì…

Đôi mắt hắn vằn lên tia hung dữ khiến tôi chẳng nói được câu nào, chỉ biết gật đầu lia lịa. Hẳn thả tôi xuống, đặt hai tay lên vai tôi, đọc chậm rãi một địa chỉ lạ lẫm. Tôi chỉ biết ghi nhớ thật nhanh trong sợ hãi.

- Nếu không xong việc thì đừng có trở về.

Hai vai tôi bị bóp mạnh đến nỗi như muốn rụng khỏi vai. Tôi lấm lét nhìn mẹ đang cố giấu những giọt nước mắt rồi bỏ chạy, trong lòng cầu khấn mọi việc sẽ an lành.

Tìm một địa chỉ nhà thật sự là quá khó đối với một đứa trẻ nít lúc bấy giờ, thế nên tôi cũng chẳng nhớ mình đã đến ngôi biệt thự màu xanh nhạt đằng sau cánh cổng đen nặng nề từ lúc nào. Quá thấp để chạm đến chuông, tôi đập cửa và kêu gào liên hồi. Đúng như dự đoán, chỉ chưa đầy phút sau đã có người ra mở cửa.

Đón tôi là một người phụ nữ tóc vàng mắt xanh xinh đẹp với đôi mắt lạnh lùng và khuôn miệng nghiêm nghị. Bà ta không dành cho tôi một chút thiện cảm nào, nhưng giọng nói lơ lớ lại khá nhẹ nhàng.

- Cháu tìm ai.

- Tìm… - tôi ngập ngừng, nhưng nhớ đến mẹ giàn giụa nước mắt, trầy xước khắp mình, tôi lại mạnh dạn nói thật to – tìm ba.

- What? AI?

- Tìm ba, ba cháu là chủ biệt thự này.

- Trẻ nít – đôi mắt bà ta lườm tôi một cái trước khi quay người đi. Tôi vội vàng chụp lấy tà váy của người phụ nữ ấy.

- Cháu không nói dối. Ba cháu ở đây, cháu là… là… là con riêng của ông ấy.

Mãi đến sau này, tôi mới nhận ra câu nói đó của mình không chỉ ngu xuẩn mà còn hết sức điên rồ. Bằng chứng là tôi nhận được một cái tát mạnh đến độ ngã lăn ra đất, còn sự xấu hổ và nhục nhã kéo dài đến bây giờ.

Cánh cổng đen đã khép lại nhưng tôi vẫn ra sức kêu gào đến khản cả cổ. Chỉ khi những con chó begie lông đen xám hung dữ xồ ra qua khe cửa, tôi mới hốt hoảng lùi lại rồi bỏ chạy.

Có lẽ tôi không có ba thiệt.

 Nhưng đến khi về nhà, tôi mới nhận ra từ nay mình cũng sẽ không có má.

Ba tôi luôn cố gắng sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, và tôi là sự bất lực duy nhất của ông. Người ta không thể chữa cái gì, khi nó đã bị hỏng về mục đích sử dụng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: