"Tam thể" - Lưu Từ Hân:
"Tam thể" đã từng nhận được giải thưởng Hugo nên khỏi cần bàn cãi nhiều về chất lượng của nó, nhưng nếu mọi người muốn một chiếc review nho nhỏ để có thêm lý do đọc cuốn tiểu thuyết này, vậy thì hãy lướt tới dòng tiếp theo nhé.
"Tam Thể" mở đầu như một cuốn trinh thám hồi hộp: nhân vật chính Uông Diểu – một nhà khoa học nghiên cứu vật liệu nano – được mời đến một hội nghị bí mật bởi những thành phần cấp cao trong chính phủ để giao phó một nhiệm vụ quan trọng. Nhiệm vụ ấy được tiết lộ là liên quan đến sự sống còn của loài người trong bối cảnh hỗn loạn hiện tại: nhiều nhà khoa học tự tử hoặc bị giết hại không rõ nguyên nhân, các tổ chức vũ trang khắp thế giới rục rịch và cả sự bế tắc của giới khoa học lý thuyết trong việc tiến bộ xa hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực nguyên tử. Mọi hỗn loạn ấy vậy mà đều chỉ về một manh mối duy nhất mang tên "Tam Thể", và lần đầu tiên trong lịch sử, chính phủ của mọi đất nước trên thế giới đang phải hợp tác với nhau để đối phó với một kẻ thù duy nhất.
Thế nhưng nhiệm vụ được giao phó của Uông Diểu lại có vẻ chẳng liên quan gì tới những chuyện đao to búa lớn ấy: tham gia vào một nhóm gọi là "Tam Thể", nơi giao lưu trao đổi kiến thức của một bộ phận nhà nghiên cứu khoa học của Trung Quốc. Từ chối thực hiện nhiệm vụ vì không nhận được những thông tin cụ thể thiết thực hơn đằng sau đường dây liên kết giữa "Tam Thể" và sự sống còn của nhân loại, thế nhưng dưới sự run rủi của vận mệnh, Uông Diểu cuối cùng vẫn bị ép tham gia vào chiến dịch. Uông Diểu bắt đầu chơi trò chơi VR "Tam Thể" dưới sự giới thiệu của một thành viên nhóm, sau đó từng tầng bí mật dưới tổ chức này dần dần được lột trần.
Đây là bối cảnh làm nên cuốn tiểu thuyết "Tam Thể", và từ đây vô số tình tiết không thể tin nổi cứ thể mở ra, vẽ nên một áng văn đầy ắp kiến thức nhưng cũng vô cùng hấp dẫn hồi hộp. Những tình tiết kì ảo tưởng như chỉ xảy ra trong thế giới SF vậy mà đều được giải thích rõ ràng bằng yếu tố khoa học: bức xạ nền vũ trụ dao động dữ dội theo mã Morse đếm ngược ngày tàn, từng con số đếm ngày tháng tự động hiện ra trong những bức ảnh phim mà Uông Diểu chụp, hay cách chỉ dùng hai hạt proton là có thể khóa chết nền khoa học nguyên tử của thế giới không thể tiến bước. Những yếu tố khoa học ấy xuyên suốt trở thành nền móng để diễn biến truyện có thể triển khai một cách mượt mà, giống như đang diễn giải những kiến thức khô khan nhất bằng tình thoại lãng mạn vậy.
Thế nhưng để nói về "Tam Thể" trong cảm nhận của mình, có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất sẽ không phải là một cuốn tiểu thuyết khoa học, mà đây là một áng sử thi miệt mài ghi lại vô số mảnh đời trong những tháng năm đầy biến động đã qua. Ở trong cả một áng sử thi dài rộng mênh mông ấy, số kiếp của mỗi con người trở nên thật nhỏ bé: cho dù họ là một nhà khoa học xuất sắc hay một người lính từng chiến đấu, thời khắc lìa đời của bọn họ cũng lặng lẽ chẳng để lại chút gợn sóng lớn nào. Dòng chảy lớn ấy cuốn trôi những người yếu mềm, còn những người cứng cỏi muốn ngược dòng sẽ bị chôn chết trong phù sa bụi cát, phải qua thật nhiều năm sau mới có thể được nhìn thấy ánh sáng. "Tam Thể" đã ghi chép lại số phận của cả những kẻ xuôi dòng hay ngược dòng ấy, khách quan khắc họa họ chỉ bằng những dòng trần thuật thay vì hai chữ "xấu tốt". Có người giảng viên kiên định với lý tưởng đến khi bị vùi chết trong cuộc Cách mạng văn hóa; có cô sinh viên rắn rỏi bị biết bao biến cố từ mất cha, gia đình quay lưng đến suýt bị buộc tội phản cách mạng làm cho chai sạn nhưng lại hạnh phúc giữa cuộc sống bình yên nơi thôn quê nghèo khó; có nhà khoa học nữ đam mê công việc đến mức đánh mất chính mình khi bị tước đi lý tưởng; cũng có cả những người năm xưa từng gây tội ác giờ lại đờ đẫn trong sự chán chường vô vị của cuộc sống mới. Ở trong thế giới quan của "Tam Thể" là vô số mảnh đời đi theo rất nhiều những ngã rẽ khác nhau, thế nhưng cho dù họ có là trí thức hay lao động chân tay, có là người tốt hay xấu, họ đều có quyền được đưa ra lựa chọn và được trân trọng sự sống của bản thân.
Giá trị sinh mạng của mỗi con người, cũng nên là bình đẳng.
Thế nhưng câu chuyện của "Tam Thể" không chỉ dừng lại ở phạm vi địa cầu, cũng không chỉ giới hạn ở loài người.
Bởi Tam Thể là một hành tinh xa xôi nơi có một chủng tộc khác rất giống loài người nhưng lại có trình độ khoa học kỹ thuật vượt bậc hơn hẳn đang sinh sống, và vì lòng hiếu kì cùng những mâu thuẫn khó lòng hóa giải trong xã hội chúng ta, Trái Đất đã rơi vào tầm ngắm của họ. Sự hủy diệt đến từ một nền văn minh cao cấp hơn hẳn chúng ta là điều có thể tưởng tượng được, và có vô số nhà khoa học đã gục ngã, thậm chí là đánh mất chính mình trong cuộc chiến còn chưa diễn ra ấy. "Tam Thể" sâu cay nói những người có trí thức lại là những người dễ bị lừa gạt và đầu hàng nhanh nhất khi đứng trước một nền khoa học tiên tiến đã đi trước cả nghìn năm; để rồi ở trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng ấy, ta bỗng nhiên nhận ra một điều thật đáng ngạc nhiên.
Ấy là khi đứng trước một vấn đề mà giới khoa học bó tay, người bình thường – những người không thuộc tầng lớp trí thức hay nghiên cứu khoa học – lại trở thành lực lượng chiến đấu kiên cường nhất, sáng suốt nhất, khó có thể đánh đổ nhất.
Mỗi chúng ta đều có giá trị tồn tại của riêng mình, cũng sẽ có cách chiến đấu tốt nhất cho bản thân.
Đây giống như một lời động viên cho chúng ta khi đứng trước vô số vấn đề cấp bách mà "Tam Thể" đặt ra – những vấn đề mà có người từng nhận xét "Không phải thế lực ấy đã làm gì chúng ta, mà là chúng ta đang làm gì với chính mình đây?". Môi trường bị tàn phá nghiêm trọng, chiến tranh và thù hận không thể xóa mờ ở ranh giới giữa các quốc gia, chạy đua vũ trang, vũ khí hạt nhân được thử nghiệm; tất cả đều từng bước từng bước đẩy những người sáng suốt nhất đến bươc đường thất vọng nhất, để rồi làm ra những quyết định điên cuồng nhất. Dường như chẳng cần đến bất cứ thế lực lớn lao nào, chỉ cần tiếp tục như vậy thì loài người sẽ tự hủy diệt chính mình trong kì hạn ngắn ngủi nhất.
Bởi vì văn minh hơn không đồng nghĩa với một thế giới tốt đẹp hơn, vẫn còn quá nhiều giá trị mà người Trái Đất hay người Tam Thể cần phải trân trọng và đề cao ngoại trừ những tiến bộ khoa học: đó là tình người, là lương tri, là lòng thương, là dũng cảm, , là thấu hiểu, là kiên cường.
Cái kết của "Tam Thể" gần như một lần nữa khẳng định lại không chỉ những bài học ấy, mà còn là một lời nhắc nhở nữa về giá trị của sự sống: nếu loài người chúng ta chỉ nhỏ bé như loài sâu bọ trong mắt của văn minh bậc cao, nếu chúng ta có thể dễ dàng bị thế lực bên ngoài giẫm chết trong vòng vài trăm năm nữa, việc đấu tranh sẽ trở nên không còn ý nghĩa sao?
Câu trả lời cho nan đề mà các nhà khoa học ưu tú nhất đã bỏ cuộc buông xuôi vậy mà lại được một người đàn ông thô kệch bỗ bã không có chút nền tảng kiến thức khoa học đưa ra thật rõ ràng: đương nhiên là có, bởi cho dù loài người có thể tùy tiện dùng tay bóp chết một con châu chấu, chúng ta vẫn chưa từng có thể ép buộc loài châu chấu đến con đường tuyệt diệt.
Một câu trả lời đơn giản, nhưng lại đủ sâu sắc hơn bất cứ triết lý khoa học khô khan nào.
Điểm kết của "Tam Thể" để ngỏ mọi khả năng: tính khả thi của bài toán Ba vật thể, cuộc xâm lược của người Tam Thể sẽ đi về đâu, hay trận chiến khốc liệt vài trăm năm tới của cả nhân loại sẽ có kết quả thế nào. Nhưng dù cái kết ấy không được miêu tả rõ, "Tam Thể" vẫn tràn ngập niềm hi vọng và lòng lạc quan như một bài ca hào hùng giục chúng ta tiếp tục vững bước về tương lai.
Tiếp tục sống, tiếp tục yêu, tiếp tục đam mê, tiếp tục đóng góp, tiếp tục thay đổi chính mình và mọi người để thế giới này sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Chỉ cần như vậy, chúng ta sẽ không cần phải sợ hãi bất cứ thứ gì nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top