Bóng Ma Nhà Mê Hoát P2

Chương Mười Sáu

Một buổi sáng mùa thu có gió lạnh thổi về nhiều, trời bàng bạc và thâm thấp, có một người đàn ông mặc áo gấm chữ thọ, đội nón dứa, chống gậy tìm đến quán bánh nghệ ở xóm Cây Me Mát hỏi thăm nhà Mệ Hoát. Phương Thảo, chắp tay nói:

- Thưa bác, đó là dì cháu, ở cách đây một quãng. Cứ đi thẳng con đường này vào rồi quẹo sang bên trái, đến dãy nhà ba gian có lầu thì đúng đó. Mà chẵng hay bác có chuyện chi dạy bảo?

Người đàn ông đó là ông Ba Sạng. Ông lắc đầu cười đáp:

- Không có chi đâu, cháu à. Chỉ là vì nghe thấy nói mệ có nhiều đồ xưa quý giá lắm thì tôi tới đó thăm thôi.

Ông ba gõ cửa vào thì thấy bà đương gội đầu ở sân. Ngồi xuống ghế kê gần đó, ông đợi một lúc cho bà gọi xong xuôi, đứng dậy trình bầy:

- Tôi là người khách lạ, tìm được đến đây là nhờ có cô cháu ở ngoài quán chỉ dùm.

Thấy ông ba là người lạ, đường đột tới nhà để xin xem cổ ngoạn, Mệ Hoát có ý không sốt sắng, nhưng vì lịch sự cũng mời ngồi sơi nước rồi bảo một con nhỏ đưa xuống dưới nhà dưới coi.

Mệ ngồi ăn trầu trên sạp không muốn phiền vì cho rằng bất quá đây chỉ là người hiếu kỳ chớ cũng chẳng hiểu biết gì nhiều cho lắm. Ba Sạng đi theo con nhỏ qua cái sân vào trong nhà trong thì thấy hoa cả mắt lên vì chóe lớn, chóe con, lọ bất giác, lọ lục lăng, cái thì men chàm, cái thì giang tây, thúy hồng, thúy lục vô số kể, bầy la liệt trên những cái giá bằng trắc đánh bóng như sừng, bên cạnh những cái sập khảm đá nhìn kỹ thì rõ là xuân hạ thu đông, cầm kỳ thi họa hay lan, mai, cúc, trúc.

Ba Sạng ngắm đi ngắm lại từng thứ một rồi phê bình từng nét chấm, từng nét chạm… một mình.

Không ngờ những lời phê bình ấy lọt vài tai Mệ Hoát. Cho rằng đó cũng là một thứ người sành cổ ngoạn mà phê bình cũng xác đáng phần nào, Mệ Hoát bèn đứng dậy, mời khách ra sơi nước. Bộ đồ trà này vẽ Mai Hạc, đề hai câu thơ nôm:

“Nghêu ngao vui thú yên hà

Mai là bạn cũ, hạc là người quen”.

Ba Sạng vừa nhắp trà vừa nói:

- Thưa Mệ, đồ sứ Mai Hạc này, mệ có nhiều không?

- Sao ông hỏi vậy? Hay là ông nghĩ rằng đây là Mai Hạc giả chăng?

- Ðâu có. Tôi không thong thạo về cổ ngoạn, nhưng nhìn một lát cũng biết đây là loại Mai Hạc gì…

- Vậy ra Mai Hạc lại có nhiều kiểu khác nhau sao?

- Tôi không dám múa rìu qua mắt thợ, nhưng đại khái cũng biết rằng cái kiểu Mai Hạc đầu tiên, được coi là quý nhất, đã được những tay thợ khéo nước Trung Hoa chế tạo trước mắt cụ Nguyễn Du, khi cụ làm chánh sứ, sang Tầu vào năm Gia Long thứ mười ba, tức là năm Quý Dậu. Lò chế tạo ấy là lò Canh Ðức Trấn tại Giang Tây, nổi tiếng vì chuyên làm đồ sứ ngự dụng cho các vua Mãn Thanh.

Sau này, thấy đồ trà Mai Hạc đẹp, các sứ thần của ta qua Trung Hoa cũng đặt làm để cho các quan viên và Nội Phủ dùng, nhưng lò chế tạo không phải là “Cảnh Ðức Trấn” nữa nên cái mặt nó dại, tuy là bắt chước theo đúng kiểu vở của lò “Cảnh Ðất Trấn” nữa nên cái mặt nó dại, tuy là bắt chước theo đúng kiểu vở của lò ”Cảnh Ðức Trấn”. Nhưng nào đã hết đâu: ngoài kiểu Mai Hạc thứ nhì này, lại còn kiểu Mai Hạc thứ ba, nhưng chế riêng cho người Trung Quốc dùng, cũng vẽ cây mai, con hạc nhưng thay vì hai câu thơ nôm nói trên kia thì là hai câu chữa:

“Hàn mai xuân tin tảo

Tiên hạc tháo vi đầu”.

Có nghĩa là:

“Mai hạc sớm báo tin xuân

Hạc kêu trước tiếng chim khác”.

Tất cả các đồ trá kiểu Mai Hạc đều ký ở dưới đấy hai chữ hiệu “ngoạn ngọc”, nhưng đối với mệ là người sành sỏi, nhất định không thể nào lầm được. Ngay tôi đây là kẻ phàm phu mắt giấy, cũng đại khái biết rằng bộ đồ này là kiểu chế lần đầu, thuộc loại “đồ sứ Mai Hạc chánh hiệu” chế vào khoảng cụ Nguyễn Du đi sứ Tàu.

Mệ Hoát nghe Ba Sạng nói, gật đầu, không trả lời. Mệ đứng dậy đưa chum chìa khóa cho con nhỏ, bảo mở cửa dẫy nhà ngang để mời ông coi. Ðến lúc ấy, Ba Sạng mới biết rằng cái gian nhà đồ cổ mà ông vừa vào coi khi nãy chỉ mới là gian nhà bếp của Mệ Hoát.

Thấy Ba Sạng nói về đồ Mai Hạc tỏ ra là người hiểu biết, mệ mới đưa chìa khóa cho con nhỏ mở gian trên, mời Ba Sạng vào coi.

Gian này cón quý bằng cả trăm gian trước: có những cặp sừng tê lớn có phần hơn cả những đứa trẻ lên năm, có những bức trạm khẩn ngọc trăm màu ngàn sắc, những cây chóe da lươn bé bằng nắm tay, viết nguyên một bài “Chính Khí Ca”, những cây đèn bằng đồng đen cao bằng đầu người lớn, những cái lọ lục lăng toàn bích trắng toát màu trứng diệc, và bao nhiêu bộ đồ trà khác nhau, cái thì vẽ sơn thủy đề thơ:

“Nhứt ẩm thanh khí vị

Vật đắc thiểu nhân tri”

(Một hớp đủ thấm giọng, vật lý người biết giá (Vương Hồng Sển dịch))

Cái thì vẽ bông mai và nhành mẫu đơn một bên, còn một bên thì vẽ hai con chim hai đầu bốn cánh riêng biệt nhưng than thể dính chung làm một, kèm câu thơ”

“Tại thiên ty dực điểu

Tại địa liên lí chi”

(Trên trời làm chim liền cánh, dưới đất làm cây liền cành (VHS dịch)

Cái thì vẽ một rừng trúc không có người nào cả, mà trên sông có một con thuyền vắng lạnh cũng không có người nào lái cả, kèm một câu thơ:

Thu giang điếu nguyệt nhạn hoành phi.

(Trên sông ngắm trăng, có con nhạn bay)

Ba Sạng tưởng tượng mình đang đứng ở trong một động tiên của một thời đại xa xưa cũng chỉ quý đến thế là cùng thì Mệ Hoát đã lên tiếng mời sang coi gian cạnh đó.

Té ra Ba Sạng lại lầm! Cái gian ông vừa mới coi đây lại không có nghĩa lí gì so với gian này. Chính Mệ Hoát dẫn ông Ba đi thưởng thức các đồ mà mệ kêu là “đồ sưu tập chánh thức”.

Thôi thì đủ các loại cổ ngoạn, mắt ông hoa lên không còn biết coi thứ nào trước thứ nào sau. Từ trên xuống đến đất cao ngất những cái bực bằng gỗ mun, gỗ trầm, trên xếp thứ tự và rất sạch sẽ không thiếu mất loại mất loại cổ ngoạn nào: đây là tượng sứ Ðế Thích đánh cờ, Mạnh Mẫu gánh sách đưa con đi học, Lý Bạch say rượu giơ tay lên bắt mặt trăng trên đầu, kia là các kiểu chóe, nậm, be, bầu, ngỗng, hũ, nhạo, vò chum, lục bình, cái thì vẽ tích Nghiêm Tử Lăng đề ba chữ “Ðiếu đái đồ”, cái thì vẽ Cao Biền dậy non, cái thì trắng toát trứng điệc vẽ Bá Nha, Tử Kì đề câu thơ chữ Hán:

“Cao Sơn lưu thủy trường

Nhứt khúc ngộ tri âm”

(Cây đàn gảy Cao Sơn, Lưu Thủy, một khúc nay gặp bạn tri âm.)

Trên một cái xích đông gần đó, xếp toàn những đồ men lam của Thanh Triều, Nguyễn Triều, Mạt Minh.

Một cái tủ kiếng khác bày toàn xu hào: có đồng xu đời Mãn Thanh đem qua đây dùng, xu khác hình rồng bay (Long Phi) từ triều Mãn Thanh, đời vua Quang Tự và đời bà Tây Thái Hậu, có đồng xu Ăng-lê dầy cạnh, xu khắc hình con ó Hoa Kỳ do binh sĩ Pháp và bọn đánh giặc mướn đem qua nước ta trong trận đánh với vua Tự Ðức chầu xưa, lại có đồng xu lá bài, mặt liền, không khoét lỗ tròn ở giữa, đồng xu in hình Tôn Dật Tiên phát hành năm Tân Hợi, xu ”Onxonchem” buộc người ta nhớ lại lúc Pháp đến cướp miền Nam giết dân như giết ngóe. Ôi thôi, kể cho đến mấy đi nữa, thì cũng chẳng có cách gì hết được các quý vật ở trong gian nhà này.

Ông Ba Sạng nhức đầu vì ngó vì nhìn, chắp tay lại cáo từ Mệ Hoát sau khi đã xem hết gian này, nhưng mệ giữ lại và nói:

- Thôi, đã có công coi thì coi luôn một thể. Rất có thể lần sau ông tới, tôi không có nhà. Ông đi theo tôi lên lầu, coi chơi mấy cái đặc phẩm mà tôi cho là “khá”.

- Bẩm mệ, tôi phải nói thực là cứ ăn xong rồi đi coi thế này, tôi dám đi hết năm này sang năm khác. Nhưng tôi sợ làm mất thì giờ quý báu của mệ nên không dám lợi dụng quá mức.

- Không có sao đâu. Ông đã biết đồ cổ, tất rành tâm lý của người chơi đồ cổ như thế nào. Người chơi đồ cổ gặp kẻ nào thô lậu, không biết gì, không buồn nói không buồn trò chuyện, không buồn đưa ra cho xem món quý vật này hay vật bảo kia; nhưng nếu gặp tri âm biết thưởng thức cổ ngoạn biết chuyện xưa tích cũ, biết lịch sử của từng thứ, giá trị của từng thứ dù là công việc cấp bách đến đâu cũng cho là thường, miễn là đưa cho người bạn của mình xem hết các báu vật mà mình sưu tầm được, nói lên cái đẹp, cái quí của từng thứ và cùng thảo luận để cùng tìm thực, giả, tìm sự tích, tìm nguồn gốc xem cổ ngoạn đó là đồ quan diêu, quân diêu hay là dân diêu.

Lãnh ý của mệ, Ba Sạng bước theo mệ lên trên lầu.

Ôi chao, đến nơi đây thì quả là một thế giới cổ ngoạn mà ta có thể nói là mắt người thường chưa được thấy bao giờ.

Không. Người được thưởng thức không thể nói mình “may mắn được coi” nhưng phải nói là mình tốt phước cả một đời chỉ có một lần được hưởng cái phước đó mà thôi chớ không thể gặp hai lần được.

Bất cứ ai củng phải hoa mắt choáng đầu khi bước vào ba căn phòng ăn thông liền với nhau chứa không biết bao nhiêu bảo vật trông y như một cái động tiên. Ở bốn góc tường, có hai cặp lộc bình một người lớn ôm không giáp, cao muốn đụng trần nhà, men lam chấm ngư, tiều, canh, mục, toàn bích, toàn hảo, không có một tì ố chứ đừng nói là khờn hay mẻ.

Cứ thế thôi, người chơi biết đồ cổ một chút cũng đủ choáng hồn rồi, vậy mà chưa thấm vào đâu với những tủ kiếng có khóa đồng trạm tay to bằng cổ tay, kê dựa vào cột cái, bên trong bày không biết bao nhiêu ngọc ngà, châu báu…

Ðây là chuỗi ngọc, sắc vàng ong óng mầu mật ong, mỗi hạt to bằng đầu ngón tay cái; kia là ba viên hổ phách lớn bằng trái nhãn lồng nạm vào trong một cái vỏ bằng đồng bạch; nọ, một xâu chuỗi bồ để tiện bằng ngọc mã não bên ngoài trạm trỗ rất tinh vi. Lại còn đây nữa, còn bao nhiêu là vật lạ mà ngọn bút của ta làm cách gì tả nổi được những cái khéo, cái lạ, cái đẹp dễ khiến cho người ta phát sợ?

Thật không ai có thể ngờ được cái bàn tay con người lại có thể khéo léo một cách ghê gớm đến như vậy mà cũng không thể nào tưởng tượng rằng trước khi có nền văn minh tân tiến như ngày nay, ở thế gian này lại có nền văn minh, văn hóa siêu một cách lạ kì đến thế.

Tượng Ðông Phương Sóc ngậm một cành đào có ba trái bằng ngọc lưu li vừa đánh cắp ở vườn bà Tây Vương Mẫu. Cây “lâm vồ” thân bằng sừng u-tây, lá bằng cẩm thạch màu xanh lục có đức Phật ngồi bên dưới. Hàng chục cái bể con hình dáng khác nhau đựng những ngọn đồi bằng trầm hương. Không biết bao nhiêu ngọc bội, ngọc khánh, ngọc lien ôi không biết bao nhiêu bảo vật, không biết bao nhiêu bằng chứng cổ thời, đừng nói động đến sợ bể làm chi, chỉ riêng đứng cạnh mà nhìn cũng đã rờn rợn cả người vì cảm thấy như mình không xứng đáng được đứng cạnh các đồ vật đó.

Bao trùm tất cả, có hai cái cửa võng ngăn ba gian gác thông nhau. Ðay mới thức là đồ quý nhất và có lẽ cũng xưa nhất nữa. Khung bằng trắc “hồ bì”, vân mun từng đám y như mây mùa thu, tròng long khảm ngọc thạch nguyên miếng, mà những hạt cầm thạch to bằng những trái mù u chưa lột vỏ. Cả hai cùng trạm trỗ cả hai mặt rất khéo: Lý Nguyên Bá tung trùy, Bát Tí Na Tra bị phật bà Quan âm úm phép. Tây Thi Phạm Lãi du ngũ hồ, Quan Vân Trường đốt nến đọc sách cho Hoa Ðà lóc thịt…

Còn ở trên tường thì la liệt không biết bao nhiêu tranh cổ, vô số kể những miểng sành miểng sứ lằn lên những cách văn khác thường lồng trong những cái khung vàng bạch rất nhiều những đấu rượu làm bằng ngỗng, hũ, chai, nậm, vò có cái vẽ “kì sơn dị thảo” nhưng cũng có những cái trắng tinh chỉ khắc vẻn vẹn một bài thơ ngự chế của vua Càn Long hay di bút của vua Gia Khánh….

Chương Mười Bảy

Sợ quá lạm thời gian quý báu của người đàn bà sành sỏi, Ba Sạng một lần nữa xin kiếu từ và nói:

- Thưa mệ, tôi nói thật là tôi coi đồ xưa của mệ một đời không ngán. Nhưng biết làm sao được… muốn ham thích đến bao nhiêu đi nữa thì rồi cũng phải về. Xin cảm ơn mệ và xin thưa để mệ rõ là đời tôi chưa có một lúc nào được vui sướng như ngày hôm nay.

Mệ Hoát nói vài lời khiêm nhượng tiễn Ba Sạng ra đến cửa. Quay lại nhìn căn nhà lần chót, Ba Sạng dung dằng nói:

- Ðúng. Xin chào mệ. Nếu tôi có tài viết chữ, tôi phải tặng mệ mấy chữ mà Cao Thiên Tứ được thấy lúc viếng nhà Lưu Dung ở miền Nam: “Thiên hạ đệ nhất gia”.

Mệ Hoát xua tay:

- Bậy nào! Ông không biết rằng Cao Thiên Tứ không bằng long năm chữ vàng đó hay sao? Lưu Dung còn không xứng thì tôi đâu xứng đáng nhận câu ông tặng.

Quả như thế thật. Thấy năm chữ “Thiên hạ đệ nhất gia” đề ở trước nhà Lưu Dung, Cao Thiên Tứ không hài lòng thật và đã tìm hiểu sao Lưu Dung lại dám đề mấy chữ vàng như thế ở trên cửa nhà mình.

Bèn kêu cửa vào.

Nhà Lưu Dung rộng mênh mông, chia làm hai chục trái, chung quanh có hào lũy, và tường xây kiên cố như dinh thự của các vì vua chúa.

Bước vào trái đầu, Cao Thiên Tứ thấy cháu nội của Lưu Dung, hãy còn đi học, chưa biết gì. Bước vào trái nhì, gặp con trai của Lưu Dung, nhà vua hỏi tại sao lại dám đề năm chữ như thế ở trước cửa thì y ấp úng không thể giải thích cho dứt khoát.

Vào đến tận trái thứ năm, gặp một ông cụ đầu tóc bạc phơ, mà trong còn mạnh khỏe, dáng điệu lại thành kì, Cao Thiên Tứ đem ra hỏi mới biết là Lưu Dung treo biển đó phần nhiều hữu lý.

Thì ra ông già râu tóc bạc phơ đó là ông nội cua thừa tướng Lưu Dung, năm đó đã được một tram linh năm tuổi. Theo lời cụ, lúc cụ vừa chẵn một trăm, bà con trong xóm thấy ông khoa giáp nối tiếp năm đới liền không dứt, phú quí vinh hoa tột phẩm, trong gia đình trên thuận dưới hòa, xum vầy vui vẻ mà người nào cũng thọ cho nên họ hùn nhau tặng một bức hoành sơn thếp vàng năm chữ “Thiên hạ đệ nhất gia”.

Ông Ba đứng lặng một hồi lâu rồi tiếp:

- Thưa mệ, tôi không nghĩ mệ là Lưu Dung mà tôi là Cao Thiên Tứ đến thăm, nhưng quả thực hôm nay, tôi vừa được viếng một căn nhà xứng với năm chữ “Thiên hạ đệ nhất gia” sơn then thếp vàng treo ở trước nhà Lưu Dung.

“Ðệ nhất gia” đây, không hẳn có nghĩa là phú quý giàu sang khoa giáp tiếp nối, xum vầy trường thọ…nhưng đệ nhất gia chính là vì lẽ không có một nhà nào trên đời này lại có thể chứa nhiều trân châu bảo vệ như nhà mệ…

Mệ Hoát lại nói mấy lời khiêm nhường, hai hột kim cương đeo ở nơi tai long lánh như sao hôm mọc ở giữa đêm xanh vậy. Một lát sau, mệ nói:

- Xin cảm ơn lời khen tặng của ông. Mai sau, có dịp gì qua đây, xin quá bộ rẽ vào thăm tôi, nghe. Ông thử làm như thế để tỏ ra hơn Cao Thiên Tứ một chút chơi.

- Mệ nói gì, tôi nghe chưa kịp! hay là cái đoạn đó tôi chưa đọc cũng nên.

- Ông không biết rằng lúc Cao Thiên Tứ đứng đậy cáo từ ông nội của thừa tướng Lưu Dung ra về thì ông cụ một trăm linh năm tuổi, cũng như tôi bây giờ, mời Cao Thiên Tứ khi nào rãnh thì rẽ vào thăm cụ. Nhưng Cao Thiên Tứ như chúng ta đã biết, có phải là thường dân đâu, mà chính là vua Càn Long trá hình. Về đến trào, Cao Thiên Tứ vì quá bận rộn việc triều chính, quên bẵng mất, không bao giờ đến thăm nữa, khiến cho ông cụ. Lúc mất, cứ nhắc nhở hoài mà vẫn chẳng thấy đâu.

Ba Sạng không bao giờ quên được nhà Mệ Hoát, nhưng về nhà một ít lâu sau thì dân ta vùng lên đánh Nhật rồi đồng minh đưa Pháp trở lại Ðông Dương, gây nên cuộc chiến mấy chục năm trời chưa dứt…

Ông Ba Sạng tảng cư về Cần Ðước bốn năm, sống bằng nghề địa lý để đất để cát cho người ta không lấy tiền.

Ðến năm 1946, nhân có việc trở lại thủ đô, ông rẽ vào Chợ Quán thăm nhà cũ và định tâm đến thăm Mệ Hoát để coi “tháp ngà chứa toàn bảo vật” của mệ ra sao thì thấy chỉ còn một đống gạch ngói chất cao lên như trái núi, có tiếng quạ kêu rất buồn. Lúc đó là buổi chiều, Ba Sạng muốn đi quá vào phía trong để tìm lại một chút di tích của ngôi nhà Mệ Hoát nhưng không được, vì có những hang rào thép gai ngăn cản và một vài người lính da đen vạch mặt, tay lăm le khẩu súng, chặn ông lại.

Tiếng kèn đồng từ ở trên cao rúc lên một hồi như tiếng thở dài của một tên khổng lồ sắp chết tan và bóng hoàng hôn.

Cúi đầu đi bước một ra về, ông Ba Sạng hỏi thăm mấy người quen còn lại ở Cầu Kho thì biết đại khái rằng năm 1940, Nhật đổ bộ vào Ðông Dương, đến chiếm chỗ đất xây cái quán bánh nghệ của Phương Thảo, rào cả một vùng rộng lớn hai mẫu ở chung quanh đó, bắt giữ bất cứ người nào chống Nhật, giam ở khu có rào thép gai. Sau đó ít lâu, Ðức, Ý, bại trận, Nhật bị hai quả bom đầu hàng, khu quân sự ấy sang tay quân đội Pháp. Rồi đến quân đội Việt Nam đến đóng làm thành một xưởng dạy đóng giày và may quân phục mà bây giờ thì thành trại Yên Thế suốt ngày quân lính tấp nập ra vô….

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dị#kinh