Bóng Ma Nhà Mê Hoát p1
Lời Nói Đầu
Nhiều người hiện nay thiên về khoa học vật chất cho rằng linh hồn, ma quỷ hay những điềm báo trước đều là những sự tưởng tượng bịa đặt ra để mê hoặc lòng người, để lợi dụng những người cả tin. Sự thực trái hẳn: ngày nay có nhiều nhà tri thức, bác học tin rằng ngoài đời sống hiện tại của chúng ta, còn có một thế giới vô hình mà chúng ta chưa hiểu thấu được.
Chép lại câu chuyện Bóng Ma Nhà Mệ Hoát mà các bạn sắp đọc đây, tôi chỉ làm công việc của một nhà soạn tuồng Hy Lạp khi xưa, của những nhà văn La Mã, của tác giả “Ursule Mirouet” cũng như biết bao nhiêu các nhà văn hiện đại Âu – Á khác; để ghi lại một ít hiện tượng và sự việc thuộc về tâm linh”.
Tôi chỉ thuật lại câu chuyện mà các ông già bà cả ở đây nhất là ở xóm Bến Nghé cũ, chạy dài từ khu Chợ Quán tới Hiển Trung Tự và Cơ Xưởng Thủy Quân (bây giờ là khu Trần Hưng Đạo, Lý Thái Tổ, vòng thành Ô-Ma) vẫn còn nhắc nhở tới mỗi khi kể lại chuyện “Sài Gòn ngày trước”...
Vũ Bằng
Trích từ tập truyện Ma Việt Nam “Đêm Bướm Ma”
Toàn Lê & Tam Linh đánh máy.
Chương Một
Quả tình đến tận lúc bấy giờ tôi mới biết Trần Hữu Lăng là người Nhật .
Giao thiệp với ông ta mười một năm trời, tôi cũng như bao nhiêu bạn bè khác đều yên trí Lăng là người Miên lai các chú, rồi làm ăn giàu có ở Cam Bốt, rồi vì lý do gì đó trở về đây để sống một cuộc đời yên ổn. Chính vì thế điệu bộ hơi ngờ nghệch, cái giọng lơ lớ không ra Tàu không ra Việt của ông không làm cho người nào trong bọn chúng tôi phải lấy làm ngạc nhiên.
Lăng ít nói, ngồi chuyện trò ở chỗ đông người thường thường chỉ cười tán thành, ít khi chống đối ai. Nói cho đúng ai cũng thương ông và công nhận ông là người thật thà. “Mà lại hiền lành tệ!”. Nhưng cũng như hầu hết người hiền lành khác, Lăng có tính cộc. Tôi còn nhớ một hôm ngồi nhậu với nhau ở hàng hiên nhà một người bạn, chỉ vì một câu đùa cợt không đâu, Lăng không tiếc lời chửi rủa một người bạn đã nói rằng y mê gái và định lấy con gái một chủ vựa cá ở Cầu Ông Lãnh.
Lăng trợn mắt la lên:
- Tôi lấy con gái một người bán cá? Không đời nào. Nhất định là anh lầm rồi!
Thấy Lăng đỏ mặt, tía tai, tỏ ra tức giận, người bạn chọc thêm:
- Thôi mà, chỗ anh em thân cả, việc gì mà phải giấu. Chính bố cô ta đã nói thế với bà con họ hàng. Thêm một lẽ nữa, nói ra anh phải chịu, không cãi vào đâu được. Ba Quẫy, tức là bố cô gái, làm gì có tiền để mở vựa cá? Tiền ấy, cả làng biết là của anh . . .
Tuyệt nhiên không biết là bạn bè chọc mình trong lúc ngà ngà say rượu để anh em vui vẻ với nhau, Lăng cầm ly rượu ném xuống đất, đứng lên, nhất định không uống nữa.
- Tôi không thể ngồi với một người vu cáo tôi như thế.
Anh em xúm lại khuyên can giải thích đó chỉ là chuyện cà giỡn cho vui, nhưng Lăng nhất định không quan niệm anh em bè bạn với nhau lại có thể cà giỡn một cách độc ác và vô duyên như thế. “Đó là mạ lỵ nhau, đó là vu cáo!”. Chưa hả giận Lăng còn đập bàn ghế om sòm và muốn xông lại đánh người bạn vừa nói giỡn một câu vô ý thức. Những lúc đó, Lăng không còn là một người hiền lành, ngớ ngẩn như người ta vẫn tưởng, nhưng quả là một con thú dữ muốn nhảy vào con mồi để nuốt sống ăn tươi.
Sau đó, một số người cho là tại rượu. Một vài người khác lại cho là ở đời vẫn có một loại người như thế: bất cứ việc gì cũng cho là quan trọng và không thể để cho ai đùa giỡn mình về bất cứ phương diện gì.
Nhưng ý kiến của hạng sau chót này được coi như là có nhiều hy vọng đúng hơn hết: Lăng là người Miên lai các chú, nghĩa là người có 2 dòng máu; những người này tinh khôn, lèo lái và khéo chiếm được lòng người ta mỗi khi thấy có lợi tinh thần hay vật chất cho mình, nhưng cái máu du mục và hiếu chiến của ông cha họ sống không kiềm chế trên núi cao, trong rừng rậm, thỉnh thoảng lại bừng lên trong huyết quản họ và do đó phựt lên những hành động mà chính họ không thể nào kiểm soát.
Nhưng muốn phê bình Trần Hữu Lăng cách nào đi nữa thì hầu hết anh em ở trong bọn chúng tôi đều phải công nhận rằng Lăng là “một người chơi được" vì anh thẳng tính. Mà phần đông những người thẳng tính là những người không phản bội. Đáng sợ là những người không có cá tính rõ ràng lúc nào cũng tìm cách làm vui lòng tất cả mọi người làm vui lòng để rồi đến khi cần, đến khi xét ra cần phải lấy lợi cho mình thì giở mặt phản bội và nếu cần có thể giết người không thương tiếc.
Câu chuyện con gái ông chủ vựa cá ở chợ Cầu Ông Lãnh qua đi. Sự giao du giữa Lăng và chúng tôi, vì thế, vẫn nguyên vẹn không có gì thay đổi. Thường thường ngày nào chúng tôi cũng khề khà uống rượu và trò chuyện với nhau, khi ở nhà người này, khi ở nhà người nọ.
So với anh em khác, Lăng cũng có đồng ra đồng vào, nhưng kể vào lớp tuổi chúng tôi, Lăng tương đối là một người vất vả.
Anh đã bao nhiêu tuổi? Có lẻ đến năm mươi lăm, năm mươi sáu. Nhưng vóc dáng khoẻ mạnh, đôi mắt tinh tường và các bắp thịt tay rắn chắc của anh chứng tỏ anh hãy còn mạnh lắm. Chẳng thế vì công việc làm ăn, có khi anh phải đi xa đến bốn, năm ngày, hay một tuần lễ, vậy mà về đến nhà chỉ tắm rửa qua loa rồi nghỉ ngơi chừng một tiếng đồng hồ anh lại tìm đến chúng tôi nhập bọn khề khà một hai chén rượu, có khi thức đến một hai giờ sáng vào bếp làm món ăn đưa ra nhậu mà không tỏ ra mệt mỏi.
Vào những lúc đêm khuya ngày rạng, anh em trò chuyện tâm tình với nhau như vậy, có lần tôi hỏi thật Lăng thỉnh thoảng đi xa như vậy là đi đâu. Lần nào, Lăng cũng trả lời:
- Đi ra Trung thăm nhà ở dãy Trường Sơn.
- Bộ anh làm rừng sao?
- Tôi vào dãy Trường Sơn có việc. Và tôi cũng có ý muốn gặp vài người bạn làm sơn, nhưng chưa đến. Tôi mà gặp họ, chắc chắn là anh em mình giàu to.
Sợ rằng hỏi thêm nữa sẽ mang tiếng tò mò, nhiễu sự, tôi không hỏi thêm gì nữa.
Thế rồi chuyện căn nhà có bóng ma ở Chợ Quán xảy ra. Trần Hữu Lăng chết bất tử, sau khi ăn bữa tiệc tân gia ra về. Anh bị cấm khẩu liền khi ngã lăn ra ở trước cửa nhà tôi. Ba người chở anh đến bệnh viện cấp cứu, nhưng vô ích; anh chết dọc đường. Mà lạ là lúc chở anh vào nhà thương, bác sĩ khám nghiệm thì xác của anh tự nhiên đầy những vệt nhỏ lăn tăn, có chỗ bầm tím, có chỗ rươm rướm máu như bị trăm ngàn miểng sứ, miểng sành cứa nát.
Vụ này làm cho tôi mất công đi lại cò bót mấy tháng trời. Nhà chức trách thẩm vấn tất cả những người có mặt trong tiệc đó vì họ nghi ngờ là một vụ âm mưu cố sát, một vụ đầu đọc hay trả thù gì ghê gớm lắm. Nhưng rốt cuộc chẳng ăn thua gì cả: cái chết của Trần Hữu Lăng, mặc dù hết sức bí mật, hết sức khả nghi, vẫn cứ chìm vào trong lãng quên như thường.
Mấy năm đã qua rồi! Trong thời gian đó, bọn anh em chúng tôi thiếu mất đi vài người: hai người chết, một người đi ra nước ngoài, còn một người nữa thì đứt gân máu, nằm một chỗ liền ba năm trời. Chúng tôi chỉ còn lại có bốn người, vẫn hội hợp với nhau nhậu nhẹt và kể lại sự thương nhớ các bạn cũ cho nhau nghe và cùng buồn với nhau - chớ còn biết làm gì nữa? Cái thác nước nào lúc mới đầu chảy ở nguồn ra mà lại không dạt dào, dữ dội, gào thét gớm ghê? Nhưng cái thác nào chẳng vậy, đến lúc chảy xuống thung lũng, đồng bằng nhập vào sông lớn sông con cũng hiền hoà êm dịu.
Chúng tôi đang sống một đời sống êm diệu y như những con chim nằm trong tổ thò đầu xuống để nhìn cái thế giới biến đổi trong nệm cỏ bóng cây, trong phấn hoa hương gió thì ông Ômya, một buổi tối lạnh trời, đến tìm đúng nhà tôi nói chuyện…
Chương Hai
Tại sao ông Ômya lại tìm đúng nhà tôi? Mà để làm gì chứ?
Thoạt đầu, thấy ông hỏi, tôi tưởng là ông lầm địa chỉ, nhưng sau thấy ông kêu rõ tên tôi, tôi nghĩ rằng ông tìm tôi để một là nói về câu chuyện làm ăn, hai là để kiếm chuyện lôi thôi gì. Là bởi vì mặc dù tôi không quen ông Ômya bao giờ, nhưng tôi vẫn được nghe thấy bè bạn nói về ông rất nhiều mà phần nhiều câu chuyện đó lại đem lại cho những người Việt Nam biết suy nghĩ một ý niệm không lấy gì làm đẹp lắm.
Cũng như hầu hết người Nhật đến nước ta trong những năm gần đây, ông Ômya mặc áo sơ mi rằn ri, đội kết, đeo kính trắng, đi giầy păng-túp và hai ống quần thì lung thùng nhăn nhúm che lấp cả mũi giầy. Ở túi sơ mi, có ba bốn cây viết chì máy, còn ở vai thì đeo một cái máy có vẻ khá nặng, bảo là máy ảnh, máy thu băng, máy quay phim, hay là bảo là cái va li trong đựng áo mưa, bánh mì, rượu sake và cá khô đều được….
Cử chỉ đầu tiên của ông làm cho ai cũng phải vừa lòng. Ông cúi rạp đầu xuống chào tôi. Mặt ông tỏ vẻ hiền lành thành thực làm người đối thoại vừa cảm động vừa thương mến. Tôi nói:
- Thưa đúng tên tôi. Mời ông vào trong nhà nói chuyện.
Vừa nhìn ông ngồi xuống ghế, tôi vừa tính sẵn ở trong óc cách đối xử cho thích hợp. Tôi tìm rất lẹ hai giải pháp để đối phó, vì tôi nghĩ ông đến tìm tôi không ngoài hai việc tôi đã nói ở trên kia. Nhưng nghĩ ngợi làm gì vô ích. Đối với cả mà hai đề nghị ông Ômya có thể đưa ra, tôi chỉ có một cách đối phó rất nhẹm là “từ chối”. Không, tôi cảm ơn ông lắm, nhưng rất tiếc tôi không thể làm vừa lòng ông được.
Mấy năm gần đây, trong lúc bom đạn làm banh da xẻ thịt đồng bào ta, chia cành xẻ lá đất nước ta, có một số người nhật (có thể vì thương yêu dân tộc Việt Nam, nhưng cũng có thể vì yêu nước Mỹ) đã tìm đến những nhà văn, ký giả có tên tuổi, hoặc những người am hiểu thời cuộc, thông thạo tin tức, hoặc những người có bà con thân thuộc còn ở xa chưa về…để điều đình nhằm tìm một giải pháp kết thúc chiến tranh.
Điều đình thế nào? Bằng tiền, nhưng có thể khôn khéo hơn một chút là hợp tác bằng cách một bên có công, một bên có của, để làm thương mãi như buôn sắc vụng, khai thác cát trắng ở Nha Trang, Cam Ranh hay mướn đất ở thôn quê trồng chuối già xuất cảng.
Tất cả các dịch vụ đó chứng tỏ rằng họ rất tốt với người Việt nhưng riêng tôi thì “arigatô”, cảm ơn lắm lắm mà không dám.
Không phải tôi sợ họ. Không. Cái thần tượng mà tôi đặt ở nơi người Nhật lúc Thế Chiến Thứ Nhì chưa xảy ra vẫn nguyên vẹn, nhưng tôi không muốn dính tới họ vì lẽ tôi không muốn dính…Thế thôi….
Tôi chờ ông Ômya ngỏ lời là từ chối tức khắc, không một, hai gì hết. Nhưng sau khi uống nước, hút thuốc và nghe câu chuyện của ông Ômya trình bày thì việc lại hoàn toàn khác hẳn. Quả là không ai đoán trước được đối tượng câu chuyện của ông. Ômya đến tìm tôi không phải vì chính trị, không phải vì thương mãi, nhưng vì chuyện một người Nhật khác tên là Tôkubê.
- À, đến cái đó thì tôi nói thật là tôi chịu. Từ thưở cha sanh mẹ đẻ, tôi không hề biết một người Nhật nào tên thế. Quả là ông lầm địa chỉ rồi.
Ông Ômya cười khẽ, một lát sau mới nói:
- Rất có thể. Nhưng trước khi đi thẳng vào vấn đề, tôi xin một điều: gạt bỏ hết thành kiến giữa người Việt và người Nhật, gạt bỏ hết thành kiến cho rằng một số người Nhật ở đây, lúc này, làm mật vụ dưới chiêu bài dân chủ tự do, mà coi tôi như là người lương thiện như hết thảy các người lương thiện khác.
- Ông khỏi lo chuyện đó. Bao giờ tôi cũng coi người da vàng là anh em, mà không những thế, tất cả mọi người đều là anh em nếu họ không hại đất nước tôi, không đầu tư mấy chữ tự do dân chủ để thôn tính đất nước tôi.
- Xong rồi. Bây giờ tôi trở lại câu chuyện người đồng bào tôi là ông Tôkubê. Tôi đến đây để hỏi thăm ông tin tức của người bạn đó, hoàn toàn không vì vấn đề gì khác, ngoài tình bạn ra. Là vì Tôkubê và tôi là bạn. Từ khi Nhật bại trận, tôi theo quân đội Thiên Hoàng về nước, đến nay mới có dịp trở lại đây, tôi không được tin tức gì của y, nhưng tôi nghe nói y đã chết, mà chết lúc ăn cơm uống rượu ở nhà ông ra.
- Tôi xin nhắc lại, tôi không ăn cơm uống rượu với bất kỳ người Nhật nào hết. Tôi thiết nghĩ không nên quay trở lại vấn đề đó làm gì nữa.
Ômya ngồi lặng thinh, không nói gì. Năm phút sau, ông mới móc túi áo trong ra lấy một cái bóp mở ra, lấy một tập giấy, lật đi lật lại rồi lấy ra một bức hình nhỏ đưa cho tôi. Vừa đưa, ông vừa nói:
- Đây là một bức hình chụp đã lâu năm, nhưng trông nét mặt, chắc ông cũng nhận ra được phần nào.
Mặc dù hết sức giữ gìn từng lời nói, từng cử chỉ trong khi nói chuyện với người khách lạ, tôi không ngăn được mình thốt ra một tiếng ngạc nhiên: ” Ủa, ông này…”.
Ômya bình tĩnh nói, như không lạ về sự sửng sốt của tôi.
- Vâng, bức hình này chụp đã lâu năm, chắc không giống vóc dáng gần đây cho lắm nhưng chính ông này là Tôkubê.
- Tôkubê? Tôi không biết. Tôi không sợ gì mà phải chối, nhưng tôi không biết ông này là Tôkubê. Tôi chỉ biết một người giống hệt thế này, nhưng già hơn một chút, mà tên Lăng - Trần Hữu Lăng.
Chương Ba
Thì ra Trần Hữu Lăng không phải là người Minh Hương lai Khơ-me như anh em chúng tôi vẫn tưởng.
Trong một giây, tôi nghĩ ngay đến những chuyện bí mật ẩn náu sau vụ đổi họ cải tên này.
Như hiểu rõ tâm hồn tôi, ông Ômya nói:
- À! Ra là thế. Nhưng xét cho cùng thì cái việc Tôkubê lấy tên Trần Hữu Lăng và không cho ai biết cái quá khứ của anh ta, dù là đối với các bạn thân, cũng không có gì lạ hết. Các ông đã biết quá rõ ràng: Nhật thua trận Đồng Minh, một số người Nhật ở lại thành ra người “Việt Nam mới” và đổi tên họ để sống hoàn toàn như người Việt Nam. Trường hợp của Tôkubê y như vậy. Nhưng tôi đến đây không nhằm mục đích tìm biết điều đó, mà muốn được ông giúp một điều - một điều thôi: Tôkubê chết có phải đúng như biên bản của nhà thương và cò bót hồi đó hay không? Và nếu ông rộng lượng hơn, xin cho biết thêm là Tôkubê tức Trần Hữu Lăng quen biết ông thực, ông ta có trối trăn điều gì trước khi nhắm mắt không?
Tôi xin trình ông một điều: câu tôi vừa hỏi nhất định vừa hỏi là câu cật vấn, nhưng là một lời xin giữa một người da vàng với một người da vàng. Ông giúp cho tôi là mặc nhiên làm được hai việc thiện: một là giúp cho gia đình Tôkubê hiện giờ ở Nhật đang khắc khoải trông chờ tin tức của ông ta và hai là giúp cho tôi làm được một công viêc có lợi cho đất nước tôi.
Tôi nói thế mà không sợ ông tiết lộ vì mặc dù nghề nghiệp của tôi nhiều khi phải giả dối và bóp méo ý nghĩ đi. Nhưng xin thề là trong vụ này tôi hoàn toàn tin tưởng lòng cao quý của ông và chủ trương nhân bản của ông.
“Tất cả những người nói khéo đều nguy hiểm. Mật ngọt chết ruồi”.
Tôi nghĩ thầm trong đầu. Và tôi hỏi:
- Ông vừa nói rằng gia đình Tôkubê tức Lăng hiện giờ đang khắc khoải chờ tin tức của anh ta. Câu nói ấy là thật hay phỏng đoán?
- Hoàn toàn thực. Trước khi sang đây, tôi có đến thăm gia đình ảnh nhiều lần. Tôi coi vợ anh ấy như em tôi, còn hai đứa con ảnh thì chính tôi dạy dỗ và giúp đỡ tiền nong học hành. Tôi nhắc lại là trong việc này tôi lừa dối ông không có lợi gì cho tôi hết.
- Tôi cũng tin như thế, nhưng theo chỗ tôi biết thì khác, gia đình của Lăng tức Tôkubê hiện giờ ở miền Trung, tại dãy Trường Sơn, và chính anh ta vẫn nói với tôi như thế. Thỉnh thoảng anh ấy vẫn ra Trung thăm nhà…
Ômya gật đầu, hút một hơi thuốc lá dài, có lẻ như muốn thừa lúc kéo hơi thuốc để suy nghĩ một điều gì thật nhanh. Rồi nói:
- Không. Nói thế là sai, tôi đã hứa là hoàn toàn thành thật với ông, tôi xin giữ lời hứa đó. Trước khi đến đây, tôi đã ra Trung một tuần và tôi đã hỏi kỹ các nơi lân cận mà trước đây anh đã ở: Tôkubê không lấy một người vợ nào khác ngoài người vợ ở Nhật mà cũng không có thêm một đứa con nào dù là con nuôi. Tôi rất tin những lời ấy bởi vì đã nhiều lần thề thốt vời tôi như vậy, sau khi anh đã bị vướng víu vào một chuyện tình thê thảm ở dãy Trường Sơn.
Nhưng đó là chuyện đã qua của một cá nhân quá cố, tưởng rằng nên nhắc nhở lại làm gì.
Còn về việc ông ta thỉnh thoảng lại ra Trung, tôi nghĩ có lẻ là vì công việc khác mà anh ta giấu không chịu nói với bạn bè đấy thôi. Thực ra, dấu kín công việc đó cũng là hợp tình hợp lý, nhưng để chứng tỏ tôi tin ông đến bực nào và lòng tôi thành thực đến ngần nào, tôi không sợ gì mà tôi không dám nói. Công việc của Tôkubê ở dãy Trường Sơn liên hệ đến cái kho tàng của quân đội Nhật sau khi thua trận. Chắc ông đã biết chuyện kho tàng đó ra sau rồi…
- Tôi chỉ nghe đại khái và không tin là có thật.
Tin hay không là tự do của mỗi người. Nhưng riêng tôi thì biết chắc rằng có một số người Nhật có nhiệm vụ ở lại đây để canh chừng và trông số đó chỉ có một hai người biết rõ chỗ chôn giấu kho tàng ấy. Tôkubê là một trong số người hiếm hoi đó.
Bởi vì tôi với y là bạn nên tôi biết rằng y biết rất nhiều về các bí mật ấy nhưng bản đồ, tổng số báo vật và cách thức xuống được kho tàng ấy thì chưa bao giờ nói với ai. Nhưng cứ theo những lời thì thầm, đồn đại lén lút với nhau thì kho tàng ấy gồm những chiến lợi phẩm vô cùng quý giá mà một số sĩ quan Nhật đã tịch thu được ở Bắc Việt, Nam Dương, Mã Lai, Tân Gia Ba, Nam Việt, Hồng Kông... Vì chiến tranh tiếp diễn mỗi ngày mỗi ác liệt hơn, các quý vật đó không đưa được thẳng về Nhật, nên quân Nhật phải tạm chôn giấu ở các rừng cây, khe núi với hy vọng một khi trời đất yên lành thì sẽ khai quật để đưa về xứ sở.
Giá trị kho tàng ấy chừng bao nhiêu? Không ai biết. Nhưng theo lời các người Nhật “lô can” phục vụ trong quân đội Thiên Hoàng lúc đó với tư cách dân công phụ trách khuân vác trốn tránh mà về được đến cửa đến nhà ở cuối dãy núi Trường Sơn, trong riêng một cái hầm cũng đã có cả trăm toa xe lửa bảo vật chia ra làm mười chuyến, mỗi chuyến mười toa.
Có người nói rằng chiến lợi phẩm ấy chôn ở nhiều hầm bí mật khác nhau: có cái ở ven biển, có cái ở chân núi, có cái ở trong rừng mà xuống được các nơi đó phải có bản đồ rõ rệt, nếu không sẽ bị rắn độc cắn chết thì cũng bị một chứng bệnh nguy hiểm không đi được nữa, nằm lăn ra rồi chết một cách khổ sở ngay tại chỗ.
Ông Ômya nghỉ một giây rồi tiếp:
- Tôi đến đây với hy vọng được gặp ông để hỏi xem ông có được Tôkubê tâm sự gì về cái kho tàng ấy trước khi y chết hay không…
- Thật quả không. Y không bao giờ nói cho tôi biết hết. Mà lúc chết y lại cấm khẩu ngay cho nên dù có muốn dặn bảo hay tâm sự điều gì cũng không thể được.
Chương Bốn
Nghe câu chuyện của ông Ômya, tôi bắt đầu có cảm tình vì không những ông đã cởi mở mà cái giọng ông nói, xét kỹ từng li từng tí, tôi thấy có phần nhiều thành thật. Nhưng tôi hơi buồn. Là vì lúc mới đầu nghe câu chuyện kho tàng bí mật của quân đội Nhật ở dãy Trường Sơn, không hiểu sau tôi nghĩ ngay đến cái chết của anh ta, nhưng tôi thất vọng. Và tôi nói thế với người bạn mới:
- Tôi thú thực với ông là cái chết của ông Lăng đã làm cho tôi thắc mắc cả mấy năm nay. Tôi không hiểu…Nghe ông nói, tôi đã hy vọng câu chuyện của ông sẽ đem lại cho tôi một vài tia ánh sáng, nhưng tôi suy nghĩ rồi ông Ômya ạ. Tôi không thấy cái kho tàng này liên quan gì đến cái chết của ông Tôkubê, và cũng không dính líu đến cái bóng ma ở nhà tôi, cái bóng ma mà ông Tokubê đã chửi bới và hăm dọa đâm chết.
- Ủa, sao lại có chuyện Tôkubê chửi bới bóng ma ở nhà ông?
- Chuyện đã xảy ra cả chục năm nay và có lúc đã làm cho tôi vất vả, đi đi lại lại ở các cửa công môn. Nhưng sau đó ít lâu, tôi đã quên đi rồi thì bỗng đâu ông bạn tới và nhắc lại tôi cái chết ấy mà tôi cho là bí ẩn chưa từng thấy. Lập tức tôi nghĩ đến chuyện chôn vàng, đào vàng có thần giữ cửa làm cho người tìm vàng bị chết đau đớn, nhưng bây giờ tôi nhận thấy rõ là Tôkubê chết không phải vì lẻ đó. Ờ nếu không phải chết vì lẽ đó thì vì lý do gì mà lại chết bất tử như vậy? Chết cấm khẩu liền! Mà toàn thân lại trầy trượt, bầm tím và rỉ máu ra như có trăm miểng sứ miểng sành đâm chọc?
Ông Ômya, chắc ông muốn biết rõ cái chết của Tôkubê. Để tôi kể ông nghe chi tiết. May ra ông là bạn cua Tôkubê sẽ có yếu tố để biết thêm và giải thích cho tôi hiểu câu chuyện phần nào, do đó đánh tan sự thắc mắc từng ám ảnh tôi trong nhiều năm nay.
Chương Năm
Câu chuyện đầu đuôi như thế này, có sao nói vậy, không thêm, không bớt.
Tháng 7 năm 1954, tôi di cư vào Sài Gòn, trong túi có bảy trăm bạc và một cái va li trong có hai sơ mi, hai cái quần. Trên đầu, có một nón nỉ và dưới chân có một đôi giầy. Thực tình tôi ý niệm đó là một cuộc đi chơi, một vài bữa lại về. Trước đó, tôi đã đi mấy chục lần như thế; mang cái sự vụ lệnh ra lấy một cái vé máy bay đi Sài Gòn nói là đi “công tác” nhưng chính là đi chơi bời bậy bạ và đánh bạc hết ở Ðại Thế Giới lại đến Kim Chung, thua hết lại về rồi xoay được ít tiền lại đi.
Lần đó tôi cũng yên trí sẽ về rồi lại đi như thế thì xảy ra vụ quốc gia đánh Bình Xuyên. Ở một khách sạn đường Năng-xy, thấy ngọn lửa bốc lên ở chung quanh, tôi coi là trò đùa, không thu xếp đồ đạc chạy như người khác. Tôi khoanh tay đứng xem lửa cháy, và nghe súng nổ. Đến lúc cần phải lấy va li để ẩn vào một nơi tương đối yên ổn thì đã muộn.
Nhưng có một mình và còn nguyên vẹn cái đầu và hai bàn tay, có sợ gì? Tôi ở đâu chẳng được? Tôi ăn ở đâu chẳng được?
Hàng phố lên đèn đã thấy tôi đón một tắc xi vào Chợ Lớn ăn qua quít cái gì rồi tất tưởi vào sòng. Tôi vốn “không có cái số đánh bạc” mười lần thì cả chín bận thua cháy túi, về nằm lăn “như thằng chết rồi” ở trên giường. Vậy mà không biết thần đổ rác phù hộ ra sao, kể từ hôm bị cháy hết cả va li quần áo thì đánh bạc lại được hoài: tài sỉu được, ru lét được, đến đêm về, rẽ xuống Ngã Bảy đánh xóc đĩa cũng được luôn. Mà được thế không phải một vài ngày, nhưng luôn trong hai tuần liền; tiền nhiều quá đến nổi không buồn đếm, cứ cuốn lại nhét từng mớ vào khe tủ, ngăn rút hay những chồng quần áo.
Ðúng sự thật, tôi không thấy thú vị gì; trái lại, lại buồn vì đến lúc nhớ lại thân mình thì lịnh cấm không cho Nam Bắc đi lại thông thường như trước nữa.
Ngậm cái buồn thê thiết ở trong lòng, tôi đi lang thang các phố để đợi tối về thì vào ngồi ở một cái bàn nhất định của một nhà hàng nhất định uống rượu một mình để cho say khướt vì có say khướt mới ngủ được, bằng không thì thao thức cả đêm, mãi tảng sáng mới nhắm mắt chợp đi một chút.
Không phải đến lúc đó tôi mới tập uống rượu đâu: tôi chè rượu từ lúc mười lăm, mười sáu tuổi, có thời kỳ uống rượu đế một đêm một lít kèm thêm Mạcten và “A Mi Ô quả phụ sâm binh” mà không sao hết. Nhưng đến lần này thì khác hẳn.
Thôi thì các bác sĩ muốn bảo là thần kinh suy sụp, là ảo giác, là hôn mê thế nào cũng được đi, tôi chẳng cần biết làm gì cả; chỉ biết chắc một điều là những đêm không ngủ, nằm thao thức một mình trong căn phòng không có đàn bà, tôi nghe thấy rõ ràng là có tiếng nói ở bên tai!
Nhất định tôi nói đúng đắn chứ không cà rỡn một li: có khi giữa ban ngày ban mặt, tiếng nói đó cũng kề vào tai tôi nói… Mà đố ông bạn biết nói gì? Nói đi nói lại với tôi một số nhà!
Ðồng thời, tôi nghe thấy văng vẳng ở xa hơn một chút: “Chợ Quán, ở hẻm 158 trên 367, nhà Mệ Hoát hai tầng ngoài có cây y lăng… hai tầng lầu”. Nói cái gì mà nhanh thế! Nhanh quá, như thể là hối thúc, như thể là giục giã, nghe bực quá, không có cách gì chịu nổi.
Ông Ômya ngắt lời, hỏi:
Có tiếng nói ở bên tai, nhưng mắt ông có trông thấy người nói không?
- Không. Nhưng tôi nghe rõ lắm, rõ là tiếng đàn bà xứ Huế, nói rất khoan thai nhưng nặng và hơi gắt.
- Chung quanh đi quẩn lại, chỉ có mấy tiếng đó thôi ư?
- Chỉ có thế thôi. Vậy mới là lạ chứ. Thú thực với ông tôi không sợ hãi, nhưng tôi tức bực vì tôi không hiểu ra sao cả. Tiếng nói đó là tiếng nói của thần linh hay ma quái? Có phải trước đây, lúc còn đi học có tiếng nói đó phải không?
- Ông học sử ký Pháp hơi nhiều rồi lấy hiện tượng làm sự thật thành ra tiềm thức bị ảnh hưởng mà không biết.
- Vậy ư? để tôi còn duyệt lại xem lời ông có đúng không.
- Mà có khi đó chỉ là trường hợp của máu huyết lưu thông ở trong người: vì uống rượu hơi nhiều; máu dồn lên trên đầu làm cho tai ù, ông tưởng tượng nghe thấy như thế rồi lần lần bị ám ảnh vì mấy câu nói đó.
Nghe thấy thế, tôi hơi bực mình. Giả thử cũng là ý kiến đó mà một người khác diễn tả vụng về một chút, tôi rất có thể giận lẫy và lờ đi không nói tiếp, nhưng ông Ômya vừa tỏ ra lễ độ vừa nói năng tế nhị nhẹ nhàng, nên tôi không để ý và chỉ đáp một câu nhạt nhẽo:
- Vâng. Ông muốn nghĩ thế nào cũng được, nhưng tôi quả quyết tiếng nói đó có chứa cái gì khó hiểu bên trong và tôi nhất định đi hỏi cho được căn nhà hai tầng lầu của Mệ Hoát ở Chợ Quán, có trồng cây Y Lăng ở cửa, xem ra thế nào.
Một buổi sáng thấp trời, vào đầu tháng chạp năm 1955, giãi ra tê lạnh ở đường Trần Hưng Ðạo vào chợ Lớn. Những nhà cửa bị bom đạn phá phách hồi xảy ra vụ Bình Xuyên được tái thiết lâu rồi, nhưng từ ngã tư Quốc Tế đến Chợ Quán vẫn có một cái gì lạnh lẽo ứ đọng trong không khí, một cái gì mà người ta chỉ cảm thấy mà thôi chớ khó mà diễn tả bằng lời được.
Thỉnh thoảng lại có một núi rác nằm chềnh ềnh trên bãi cỏ mà không có người đến dọn đi. Ở ngã tư phía ngôi chùa thờ Quan Thánh của người Tàu có một cái chợ lèo tèo.
Tất cả nhà ở hai bên đường cái đều ọp ẹp và xây cất theo kiểu cũ, còn ở trong các ngõ hẽm họa hoằn lắm mới có một hai cái nhà bằng gạch, còn tất cả thì bằng cây sơn các màu xanh đỏ như những cái đồ chơi bằng nhựa, thứ rẻ tiền, của trẻ con chơi bây giờ.
Tôi đi mấy tiếng đồng hồ rồi? Ðã đi hết cả các hẻm vùng Chợ Quán, tôi vẫn không tìm thấy hẻm 158 trên 367.
Hỏi thăm ba bốn người đi đường cũng không biết nốt. “Thôi đích thị là mình bị ảo giác lừa rồi. Có muốn tìm suốt ngày đi nữa cũng không ra nhà Mệ Hoát ở hẻm 158 trên 367 vùng Chợ Quán”.
Tôi đút hai tay vào túi nghĩ thầm như vậy và đang tính có nên trở về hay không thì gặp một đứa trẻ đang lôi sềnh sệch một con chó lường.
- Này em, ở đây có hẻm nào kêu là hẻm 158 trên 367 không?
Thằng nhỏ đứng lại, giơ một ngón tay lên trán xem xét tôi một lúc rồi trả lời:
- Hình như có. Tôi cũng ở đâu gần đấy. Nhưng bây giờ phải đem con chó này ra chợ, tôi không thể đưa ông đi được.
- Em chỉ dùm, cảm ơn.
- Ðây nè. Ông cứ thẳng con đường này mà đi. Ðến cái xe mì, ở dưới cây trứng cá ngã ba thứ nhất, ông quẹo sang trái đến cái chạp phô thì quẹo sang phải, thế là đến nơi.
Nghe thằng nhỏ nói, lòng tôi nhẹ hẳn. Cứ đúng theo lời thằng nhỏ mà đi, vừa đi vừa nhận xét, tôi thấy một tiệm chạp phô thực. Ngay trước tiệm chạp phô đó có một con đường đá lởm chởm loằng ngoằng dây thép gai và một vài cái xe ba gát đã nát không còn dùng được. Tôi quẹo sang tay mặt. Một con đường nhỏ tương đối rộng hơn cái hẻm vừa hồi trườn ra trước mặt.
Nhìn thoáng, tôi thấy chừng mười căn phố trệt, nhưng trong mười căn đó có ba cái liền nhau sửa lại và cất lên hai tầng lầu. Tôi gõ cửa căn nhà thứ nhất lúc thoạt vào trong hẻm. Một người làm có vẻ ghiền ma túy, bước ra. Tôi hỏi:
- Ðây có phải là nhà Mệ Hoát phải không ông?
- Mệ Hoát nào? Ở đây không có ai là Mệ Hoát.
- Thế chủ nhà này là ai?
- Bán rồi.
- Mà bán cho ai?
- Bán cho người các chú ở ngoài đường lộ. Tôi là người nhà ông ấy. Muốn mua cũng bán, mà muốn mướn cũng được. Cứ ra mà nói chuyện với ông chủ là xong.
- Không có lý. Tôi biết nhà này của Mệ Hoát mà!
- Không đâu. Nhà này của ông Hồng Xương Phát. Nhưng à…tôi nhớ rồi…Tôi nhớ…nhưng mà không biết đích…người chủ nhà trước là một bà người Huế tên là Mệ Huyết chớ không phải là Mệ Hoát…à…cái người Trung họ vẫn thường có cái tục lệ cử tên như vậy: Thay vì Thành, họ kêu là Thiềng, Ðỉnh kêu là Ðiểng, Cảnh kêu là Kiểng, Mệ Hoát, ở Chợ Quán đây đã ba bốn chục năm rồi, các ông già bà cả trước đây vẫn kêu là Mệ Huyết. Lúc đó tôi còn ít tuổi cũng kêu như thế, cho nên đến lúc ông hỏi Mệ Hoát tôi không biết là ngườii nào hết. À, Mệ Hoát…….phải rồi Mệ Hoát.
- Theo lời ông nói nhà này đã bán cho chủ mới. Tôi có thể biết Mệ Hoát bây giờ ở đâu không?
- Chết lâu rồi còn gì. Mua đi bán lại mấy lần, căn nhà này đến gần đây mới về tay ông Hồng Xương Phát.
- Tính ra ông Hồng Xương Phát mua được mấy năm rồi?
- Có cả năm sáu năm nhưng ít có người đến ở, nhiều khi bỏ không cả năm bảy tháng, một năm.
- Không có ai mướn hay sao? Vì ở đây vắng vẻ?
- Nào ai có biết. Thực ra từ khi tôi đến trông coi, có một gia đình một ông làm việc ở Tân Sơn Nhất đến mướn, chồng tiền ba tháng. Nhưng không hiểu vì có việc gì xảy đến, ông ta không dọn lại.
- Thế người mướn cuối cùng là ai?
- Một ông chủ thầu mướn cho vợ nhỏ ở với đứa con trai ba tuổi.
- Thế cũng không đến ở hay sao ?
- Ðến ở chứ! Nhưng được một tuần thì có tin mẹ của bà vợ chết ở Nha Trang. Hai vợ chồng và đứa con về đưa đám rồi không thấy quay lại nữa.
- Trước ông chủ thầu đó là ai?
- Một ông làm đồ nhôm để làm xưởng chế nồi, soong, chảo…Có hai người nữa công ty với ông ta; giấy tờ xong suôi cả rồi, chỉ còn đem ra bỏ ngân hàng thì lại lôi thôi thể thức làm ăn sao đó. Công ty tan vỡ, rút cuộc tiền mướn chưa trả hết mà đồ đạc để lại chỉ có dăm ba cái bàn cái ghế đem bán chưa chắc được vài trăm đồng bạc.
“Nhà gì kỳ lạ. Hay là tại đất dữ nên không ở được chăng?”. Tôi ngỏ lời muốn người gác cho tôi vào coi thử trong nhà ra sao.
Ba căn nhà hai tầng này trông bề ngoài cùng xây một kiểu, nhưng không có cái nào ăn thông với cái nào. Ai muốn ở rộng rãi có thể đục tường ra cho ba nhà thông nhau, nhưng gia đình nào ít người, muốn mướn một căn để ở vẫn cứ được, mà không lẽ gì bị mất tự do. Tôi vào xem căn thứ nhất. Theo lời người gác già, cả ba căn nhà này kiến trúc giống nhau, cứ ngã giá với nhau đi rồi căn nhà nào cũng được. Xem một căn là đủ.
Mỗi căn rộng chừng bảy tám chục thước vuông cửa ngỏ chắc chắn, gạch hoa, nhưng tường vách cũng như sàn gạch đầy những bụi bậm.
Ðồ đạc có sẵn cho người mướn: ở dưới nhà có sa-lông, tủ rượu, một cái đi văng trải đệm, còn trên gác thì có một tủ áo, hai cái “giường một”, và một bàn lớn để viết lách cũng được luôn. Tường ở trên gác cũng như dưới nhà, không được sạch, có một vài chỗ lở cả vôi. Ðây đó gián một cái hình màu cắt ở báo Tây ra, vẽ những con chim con rùa. Sàn gác bằng gỗ thông, trải cao su, nhưng đi ở trên vẫn có chỗ kêu cót két một cách khả nghi. Trên trần, theo một ngọn đèn ống có hộp ni long xanh bao phủ, còn ở góc trái thì có một bàn thờ, dưới là một cái xích đông bộn bề báo cũ sách cũ và tranh ảnh. Tổng quát thì căn nhà này có một vẻ kỳ lạ, không có sinh khí mấy mà lại cũ kỹ, không thích hợp thời trang chút nào, nhưng không hiểu tại sao tôi lại thấy ưa.
Tôi mở cửa sổ chỗ kê hai cái gường một ra thì thấy mái nhà ở chung quanh, tương đối thấp hơn, nằm hớ hên cái nọ tiếp cái kia như xấu hổ tự thấy mình không kín đáo. Nhưng không sao: một khoảng vườn con ngay cửa sổ trông xuống dưới nhà làm cho căn nhà đỡ trần truồng nhưng làm cho đẹp lòng tôi nhất, đọt cái cây lớn ở giữa lá tốt xum xê đưa cả cành vào tới cửa sổ.
Ðó là mộ cây Y Lăng, một giống cây thuộc loại Ngọc Lan, lá to và dài, sờ vào hơi ráp, mà cành thì thay vì chổng lên trời lại cụp cả xuống phía mặt đất, như thể bị người ta bẻ vậy.
Từ lâu lắm rối tôi vẫn thích loại cây này bởi vì nó nhắc cho tôi nhiều kỷ niệm. Mồ mả người vợ tấm mẳn của tôi lúc hai đứa là tình nhân đêm chúng tôi vẫn gặp nhau trò chuyện trên một con đường trồng toàn Y Lăng. Vào bất kỳ mùa nào, nhưng nhất là mùa thu, hoa tiết vào trong gió một mùi hương ngát nhẹ không biết chừng nào, thơm không biết chừng nào. Có thể nói là cây ở cuối xóm mà hương tỏa ra không nhưng đầu xóm ngạt ngào mà cả những xóm chung quanh đều “nghe” thấy và cảm thấy lâng lâng sảng khoái.
Cây Y Lăng ở trong khoảng vườn nhỏ của căn nhà tôi đương coi bắt đầu trổ bông. Thấp thoáng trong chùm lá xanh màu ngọc bích, tôi thấy những cánh hoa màu vàng cũ, hình thù bé bỏng hé ra những cánh hoa trông từa tựa như hoa mống giồng ở Bắc, nhưng dài hơn, mềm mại hơn, uốn éo tình tứ hơn.
Tôi quay lại bảo người gác rằng tôi quyết định mướn căn nhà đó.
Chương Sáu
Nói đến đây thì vừa bữa cơm. Qua hai tiếng trò chuyện với ông Ômya, cái màn nghi kỵ, giữ gìn nhau đã được nhẹ đi vài phần. Thấy ông cũng có vẻ chân thật, chớ không giả dối như nhiều người khác, tôi nói :
- Nếu ông không bận việc, tôi mời ông ngồi lại nhậu chút đỉnh với tôi: Nhất kiến vi kiến, ông Ômya xin từ khước, nhưng có lẻ vì thấy tôi thành thật mà có lẻ cũng vì muốn nghe nốt câu chuyện xem ra thế nào, ông đứng dậy cuối đầu và nhận lời mời của tôi.
Ông không uống được rượu đế, cho là nặng quá “nặng hơn sakê rất nhiều”. Ông uống một thứ rượu khác người: pha Martini vào nước lạnh, vắt chanh, quậy với đường. Không sao, ai thích uống cái gì, tùy ý. Tôi xin kể câu chuyện đương bỏ dở. Ông ngắt lời tôi:
- Xin lỗi ông bạn. Ông quả là người lập dị. Tại sao lại thấy căn nhà như thế, ông quyết định mướn làm gì? Phần tôi, nếu gặp trường hợp đó, tôi không bao giờ chịu.
- Nói là tôi quyết định mướn thì không đúng lắm. Thực tình tôi không quyết định gì cả, mà cả kiến trúc căn nhà ấy lẫn cây Y Lăng ở ngoài vườn, tôi thấy cũng không dự một phần vào sự quyết định của tôi.
Lạ lắm ông à. Bây giờ tôi còn nhớ rất rõ ràng là lúc ấy tự nhiên có một cái gì lạ lắm, mơ hồ chạy vòng vòng như sóng điện ở ngực tôi, lên óc rồi xúi tôi bật nói ra như vậy, chớ quả là tôi không suy nghĩ và định tâm nói ra nhu thế.
Sau này nghĩ lại, tôi nhớ mang máng là ở trong đời đã thấy trạng thái từa tựa thế ba bốn bận: đi xe trông thấy tai nạn hẳn hoi, tự bảo mình đạp một cái nữa thì nguy hiểm đến tính mạng nhưng óc cứ mê đi, cứ đạp; nhận lời đi chơi xa, nhưng đến giờ chót mặc dầu vẫn thích đi mà miệng lại từ chối, mà từ chối như thế, lại hay vì tất cả những người đi bữa đó chết cháy trong một tai nạn phi cơ thảm khốc; cùng với vài người bạn dắt tay nhau chạy tìm chố tránh bom, tự nhiên giựt tay chạy trở lại, được yên lành, còn mấy người bạn kia thì chết…
Có người bảo thế là cái số, có người bảo là giác quan thứ sáu, có người bảo là linh tính. Tôi không gọi là gì cả, chỉ biết nhận thức như thế mà thôi. Tôi nhận mướn căn nhà của Mệ Hoát và tôi bảo người gác già:
- Tôi ra ngay tìm ông chủ để mướn căn nhà này. Trong khi chờ đợi, ông làm ơn lau rửa sạch sẽ cả nhà dưới lẫn nhà trên… lau bong sàn gác dùm tôi. Này mạng nhện giăng đầy cả ra kia kìa, ông quét luôn cho sạch nhé.
Vừa nói, tôi vừa dúi vào tay ông gác già tờ giấy một trăm, rồi đi lại chỗ xích đông tung hết những sách báo và giấy lộn xuống sàn gác, tiếp:
- Những cái này đem bỏ cả đi cho gọn.
Chính giữa lúc tôi đang nói như thế thì từ trong đám giấy bụi bậm rớt ra một bức hình cỡ trung bình, mà mép giấy ở chung quanh thì đã ngã sang màu bạc ố.
Tôi cầm lên xem thì đó là một bức truyền thần một bà trạc bốn mươi, búi tóc cánh tiên, mặt áo gấm huyền chữ thọ, mắt phương, mũi hơi thô nhưng trông toàn thể thì là một người đàn bà đẹp một cách phong lưu đài các.
Nguyên lúc mới học ở trường ra chưa biết theo học về thuốc, về luật hay sang Pháp học nghề in, tôi có dạo đã ngã vào trường cao đẳng Mỹ Thuật mấy năm nên cũng biết sơ sơ về hội họa và thường thường các bức hình tôi thấy đều làm cho tôi chú ý, không nhiều thì ít. Cố nhiên thấy bức hình này tôi cầm lên ngắm một giây. Người đàn bà trong bức hình cầm một bông hoa nhỏ ở bên tay phải, còn tay trái thì để lên một cái xe-lét bằng cây chạm trổ.
Tôi thổi bụi, xem màu sắc kỹ hơn một chút thì thấy đại khái người vẽ hình không phải là một họa sĩ cừ khôi: tà áo, tóc, tai, bàn tay và những cái vòng, những cái cà rá của bà này vẽ bằng một nét bút thật thà, vụng dại.
Nhưng trái lại, ở trên nét mặt, nhất là cặp mắt và đôi môi thì tiết ra một cái gì linh động lạ lùng, một sự sống khủng khiếp khiến cho người hiểu đôi chút nghệ thuật phát sợ mà không thể không say sưa ngắm đi ngắm lại. Nhất là nét ở miệng thì phải nói là thần: những đường cong thoải mái ở cặp môi và cái chấm tròn mờ mờ ở nơi cằm cho thấy rằng đó là nét mà nghệ thuật không bao giờ đạt được.
Cố nhiên những nét ấy trong một phút xuất thần, vô tình mà tạo được chứ không phải cố ý mà làm nên, thành ra người trong hình có vẻ như sống thật và thoạt nhìn ai cũng có thể thấy ngay trên nét mặt người đàn bà ấy có một vẻ khinh thế ngạo vật, hơi hơi rầu một chút, hơi sầu sầu một chút, dễ làm cho người ta thương mến vì biết tiến lùi, nhịn nhục nhưng bất thần một lúc nào đó rất có thể nổi cơn giận dữ gớm ghê mà đã giận dữ thì trời đất cũng coi là nhỏ, gươm dài, giáo bén cũng là không.
Này ông bạn, có bao giờ ông đã thấy hiện trên cái cửa kiến, một hôm sương mù, một khuôn mặt thương yêu đẹp một cách lạ thường nhưng cũng có khi xấu xa một cách kinh tởm? Ông lấy một tờ giấy cây bút cố tìm cách để phổ bức hình đó lên mặt giấy, nhưng muốn họa lại cách nào cũng không thể được. Ông xé giấy đi, lấy mực tàu họa lại cái chân dung đã làm ông xúc cảm: vẫn không thể được.
Bao nhiêu cái đẹp cái thần tiêu tán hết. Con người, dù là nghệ sĩ chân tài, không bao giờ lại cố ý có thể họa lại được những nét đó. Ðứng về phương diện toán học, sự khác biệt không xa mấy, nhưng cái thần thì không thấy đâu hết: bức vẽ chỉ còn là một cái gì nhân tạo một cách vụng về lố lỉnh.
Ấy đó, bức vẽ mà tôi nhặt được ở căn nhà tôi đến mướn cũng có một cái gì “nan tả” và “nan giải” tiết ra như vậy. Và tôi kết luận rằng cái “nan tải” và “nan giải” đó bất thần mà thể hiện được là nhờ cái thiên tài hay sự tình cờ mà có, chứ nghệ thuật không dự một phần nào trong ấy.
Thấy tôi đứng bần thần ra ở trước tấm hình, người gác già hỏi tôi:
- Ông cũng tính bỏ luôn bức tranh này?
- Không, ông giữ lấy.
- Nhưng điều cần là ông có thực tình mướn căn nhà này không đã? Nếu ông quyết định, ông nên sang ngay nhà ông chủ hiện giờ có ở nhà mà điều đình giá cả đi. Công việc dọn dẹp quét tước không lâu lắc gì đâu, tôi và lũ trẻ trần ra làm một ngày là xong hết.
Ông Hồng Lĩnh Xương Phát không khó tính.
Tôi nằn nèo bớt sớ ông mỗi tháng một nghìn đồng, ông cũng bằng lòng luôn.
Thế là ngay buổi chiều hôm sau, tôi thuê một chiếc xe ba gác dọn ba cái đồ lặc vặt đến căn nhà mới.
Ðến sẩm tối, đồ đạc đã bày biện ra đâu đấy. Tôi bảo ông Yên một ông già cùng làng với tôi trông nom bếp núc và trông coi nhà cửa mỗi khi tôi đi vắng ra phố mua một cái khung ảnh bằng cây, sơn then, và tôi lồng bức hình vào đó, treo ngay ở trên chỗ bàn viết của tôi.
Ðoạn tôi đi ăn cơm tiệm vì chưa tổ chức xong bếp núc. Vịn vào cớ mệt mỏi suốt ngày, tôi uống rượu nhiều hơn thường lệ và đúng như thường lệ, tôi lăn ra ngủ một giấc ngon lành. Nhưng khoảng hai giờ sáng thì chợt tỉnh, thao thức rất lâu, muốn ngủ lại không tài nào ngủ được.
“Kỳ cục đến thế là cùng! Tại sao bao nhiêu người dọn đến ở đây mà không ở được mà mình nói là dọn đến ở liền?”
Tôi là người tin số mệnh, tin may rủi và tin cả ma quỷ nữa. Nhưng tôi tin số mệnh mà không chờ số mệnh định đoạt đời mình, tin may rủi mà không há miệng chờ sung, tin có ma quỷ nhưng không sợ hãi.
Các ông già bà cả ở miền Nam này, ai lại còn không biết cũng như Hòa Hưng, Phú Nhuận, vùng chợ quán nổi danh là đất dữ từ ngày chợ Quán còn chia ra làm ba làng mang tên Tân Kiểng, Nhân Gian và Bình Yên.
Nhưng tại sao đổi ra là Chợ Quán? Cố gạn óc nhớ lại những tài liệu đã đọc, tôi mang máng nhớ rằng sở dĩ có cái tên “Chợ Quán” là vì ngày trước, mấy cái chợ bán thịt thà rau cải nhóm họp ở dưới gốc những cây me đại thọ ( lối nhà thương Chợ Quán) hiện nay. Vì chung quanh chợ có nhiều lều quán cất bằng cây lợp lá “lốc cốc tựu một chỗ” cho nên thiên hạ mới đặt tên là Chợ Quán.
Gần chợ, từ đường nhà nước đi đến một cái ao lớn là làng Thợ Ðúc ngày xưa: dân trong làng chuyên nghề làm đồng, nổi tiếng cũng như làng Ngũ Xá ở Bắc Việt, làm nên những cái lư kiểu đẹp và bóng loáng không kém gì lư chợ Phú Lâm.
Nhà cửa ở Chợ Quán ngày xưa đều lụp xụp và ốm yếu. Bây giờ, nhắc lại, các ông già bà cả chỉ còn nhớ mỗi cái nhà lớn của một ông nhà giàu sinh ở chợ Quán, đi Sa Ðéc làm ăn giàu có, trở về xây một cái căn nhà đồ sộ, treo một tấm biển đồng khắc mấy chữ “Biệt thự Nhân Gian”.
Nhiều người cho rằng người đặc tên ấy hơi khùng, nhưng không phải: ông ta cố ý nhắc tên làng cũ. Nhưng biệt thự “Nhân Gian” xây dựng công phu vĩ đại là thế tưởng đâu sẽ bền gan cùng tuế nguyệt, ai ngờ đâu cũng như hết thảy công trình ở thế gian này chẳng mấy chốc đã điêu tàn cùng với những lớp sóng phế hưng.
Một cuộc khủng hoảng kinh tế bộc phát sau khi thế chiến đầu chấm dứt. “Biệt thự nhân gian” đem bán đấu giá, hội “Ðức Trí Thể Dục” mua được rất rẻ.
Nhưng chẳng bao lâu quân đội Nhật nhảy lên Ðông Dương trưng dụng luôn điểm ấy. Thấy cái thế mạnh bạt sơn cử đỉnh của Nhật lúc bấy giờ, ai cũng tưởng họ sẽ ở cổ hỉ mà nước mình sẽ là một “cái mặt trời nhỏ” trong lá cờ nhỏ của “đại cường Phù Tang”, nhưng lại lầm phen nữa. Không nuốt được Việt Nam, họ xuống xin hòa. Trụ sở của “Ðức Trí Thể Dục”, tức là cái biệt thự Nhật Gian cũ lọt vào tay quân đội Pháp để rồi đến mấy năm gần đây, trước khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam lại trở thành cơ quan cố vấn quân sự Mỹ…
Rồi đây không ai biết địa điểm này còn đổi chủ nữa thôi, nhưng các người lưu tâm đến cổ tích nước ta, ở vùng Chợ Quán trước cũng như giờ, không thể chập chờn ma chơi như vậy, ai cũng không thể ở được lâu.
Những người tin địa lý, bảo rằng sở dĩ chỗ đất ấy không mấy yên ổn, không ai làm chủ được lâu là vì nó choán một đền cũ Chùa Miên ngày trước. Viện bảo tàng đã có cho người đến đó đào lên thì tìm được nhiều tảng đá lên kiểu Khờ-Me ( hiện vẫn còn đặt ngoài hành lang của Viện) và các nhà khảo cổ ngờ rằng những tảng đá ấy là táng cửa, táng cột phướn Khờ-me, vẫn ghi rằng nếu hòa bình trở lại, có dịp tìm thấy cổ tích Prei Nokor nữa.
Ngoài ra, ở một vùng rộng rãi chung quanh đó, hãy còn dấu tích một xóm cỏ của người Miên và hiện nay ở đó còn một gò đất cao hơn mặt đường cái, ai đi qua đường Trần Hưng Ðạo đều trông thấy rõ. Người ta bảo đó là nền chùa và xóm Thổ đời xưa. Nhiều phen dân cư ở đó đào được gạch cũ, tượng Phật Khờ-me, Viện bảo tàng đã xuống chỗ sưu tầm được nhiều tảng đá, Phật đồng, thần mặt trời, từ khí vụn vặt và mấy cây đèn đồng xưa của Khờ-me kiểu bông sen tạc hình một nông dân quỳ xuống, hai tay đưa bầu dầu nâng lên trên đầu.
Chương Bảy
Ông Ômya đặt chén rượu xuống, hỏi:
- Nằm suy nghĩ như vậy, có lúc nào ông đã thử đặt lại vị trí ngôi nhà ông mới dọn đến ở so sánh với Chợ Quán ngày trước không? Theo ông, nhà ông có nằm ở trong vùng Chùa Miên và xóm người Thổ không?
- Có. Nằm thao thức không ngủ được, tôi bật đèn ngồi dậy lục các sách cũ nói về cổ tích Sài Gòn, có cuốn mới viết năm 1968, có cuốn viết từ 1885, xem lại các bản đồ thì mang máng nhận ra rằng cái hẻm tôi ở đứng về phía Bắc ngôi nhà lầu của cố học giả Trương Vĩnh Ký chừng ba trăm thước và ở bìa xóm Thổ ngày trước, một đầu đi ra chùa Kim Chương, còn đầu kia đi mãi ra được đến Cầu Kho, trước đây nổi tiếng vì xóm ăn mày, tên chữ là “Tân Lộc Phương” mà người ta cho rằng nguyên thủy là ruộng lúa của người Khơ-me trồng trọt.
Thấy chỗ nào cũng nói đến dấu tích người Miên, đền chùa tượng Phật, nhang đèn… thú thực có một lúc tôi ngờ rằng cái nhà tôi đang ở có bao nhiêu người đến mướn mà không ở được có lẽ cũng vì những chuyện ân oán, choán đất chùa và ruộng lúa ngày trước chăng?
“Hừ, dị đoan…hoàn toàn là dị đoan”. Tôi tự nhủ thầm như vậy, nhưng thật tình tôi vẫn bán tín bán nghi. Tuy vậy, tôi tuyệt nhiên không sợ hãi, lo âu gì hết. “Một tiếng nói huyền bí bảo mình đến đây… rồi có gì thúc đẩy mình hỏi mướn căn nhà này. Chẳng lẽ nào bao nhiêu sự việc đó lại để đi đến một cái kết cục vô nghĩa vô lý, không đầu, không đuôi?”.
Từ thuở tôi còn nhỏ, cả họ cho tôi là một thằng lì lợm, chướng ách: ai làm gì thì tôi nhất định không làm như thế; ai khuyên tôi thế này thì tôi làm thế kia; ai chê tôi thì tôi hứng lấy và tôi lấy làm thích thú mỗi khi hành động trái ngược lại những người chung quanh. Hỏi làm như thế thì có lợi gì không? Tôi biết là có khi không có lợi, mà còn hại là khác nữa, nhưng cái thích của tôi như thế thì tôi cứ thế mà theo và cũng chính vì thế mà gần hết cả một đời người bị lao đao thất bại. Nhiều người đến lúc trời chiều bóng xế thường “nghĩ lại” và thay tâm đổi tính đi, nhưng tôi không thế.
Cái việc ở lì căn nhà Mệ Hoát, mặc dù bạn bè sa sả về đất chùa, tượng Phật của người Miên, không hề làm cho tôi lay chuyển. “Tái ông thất mã. Biết đâu ở trong cái dở lại chẳng có cái hay nẩy nở ra?” Tôi nghĩ thầm như vậy.
Thêm nữa, tôi yên chí mình là một người không căn bản mà đạo đức chẳng bằng ai, nhưng kiểm điểm lại tất cả các hành động từ khi còn nhỏ cho đến cho đến lúc gần kề miệng lổ, không làm cho ai thất cơ lỡ vận, không giết chóc, tác hại ai, không phản trên lừa dưới làm cho âm hồn dương oán, hà cớ gì lại có người hại được tôi, dù người đó còn sống hay đã chết?
Ngoài thì giờ viết lách và đọc lảm nhảm hết sách nọ đến sách kia, tôi vẫn cứ triết lý vụn với mình như thế (cố nhiên là trong khi triết lý như vậy, bao nhiêu cái gì tốt đẹp cũng để về phía tôi).
Bao nhiêu ngày đã trôi qua? Có lẻ một tuần rồi, mà có lẽ được nửa tháng rồi cũng nên. Chẳng có gì lạ hết!
Không. Nói như thế không đúng hẳn. Trong những ngày đầu đến ở, tôi thấy có một sự khác lạ rất tầm thường, nhưng tôi không thể không lưu ý: công việc làm ăn suôn sẻ, kiếm tiền như vỗ tay, đánh bạc được hoài, lại có những món tiền từ đời kiếp nghiệp lai nào, cả trăm phần chắc mất, thì ở đâu lù lù dẫn lại….
Sống trong tình trạng ấy tôi mới thấy rõ là tiền không làm cho người ta sung sướng (tôi thề không giả đạo đức lên lớp khuyên người ta coi thường tiền) nhưng quả đúng như thế thật: lúc chưa có tiền thì khổ quá chừng là khổ, nhưng nắm một mớ thật bộn ở trong tay, lập tức mình thấy không thiết tha, thú vị gì nữa; hơn thế lại chán nản hơn cả khi nào hết vì không còn thèm gì cả, không muốn gì cả mà đời sở dĩ còn hấp dẫn được người ta một phần lớn là tại người ta muốn thế này, ước thế kia. Những người thật sướng ở đời này, theo tôi, là những người rất khổ, rất túng, tự nhiên một hôm được thỏa mãn một cách nhỏ nhoi giai đoạn rồi lại khổ, rồi lại túng, rồi lại ước mong hy vọng….
Tôi vẫn nói tôi là một người không có khoa học, hay tin bậy bạ. Thấy tiền bạc cứ thong thả đi vào nhà mình như vậy, tôi thú thực là có lúc tôi giật mình lo ngại. Là rằng tôi yên trí rằng đời là một cuộc biến chuyển thường xuyên: hết sáng thì tối, nắng lắm thì mưa, một người hay một nước mà đến tột độ giàu sang, sung sướng (theo trắc lượng của người ấy, nước ấy) thì phải xuống, cũng như trèo lên đỉnh ngọn cây rồi phải tụt xuống chớ không thể trèo lên cao hơn nữa.
Biết làm sao bây giờ? Tôi suy tính trăm nghìn cách, chưa biết sử sự thế nào thì một ý tưởng nảy ra trong đầu.
Một ý tưởng rất hủ lậu, có lẽ; một ý tưởng cố nhiều chất dị đoan, nhưng tôi cứ tự cho mình là phải: sở dĩ tự độ đến ở đây được may mắn, chẳng qua là nhờ đất cát hết, chứ không phải là tháo vát, tài ba gì cả. Nhớ lại lúc còn đông đủ gia đình ở Bắc, bà nội tôi, bố mẹ tôi, tối tối ngồi trò chuyện với nhau, thường kể rằng có nhiều cái nhà tiền chủ rất dữ mà đến ở lại không việc gì, lại ăn nên làm ra thì khác vì nó “hợp” với mình, cần nhất là mình năng cúng vái để cho người ta phù hộ.
“Ờ phải. Mình quên mất hẳn điều đó. Hôm nào mình phải lập bàn thờ cúng ông thổ địa ở đây, ngày rằm mùng một lễ bà tiền chủ, khai quang tẩy uế mới được”.
Tôi xem lịch kiếm một ngày thật tốt để nhân dịp ăn tân gia, thiết lập hai cái bàn thờ đó thì Mệ Hoát một đêm lững thững hiện ra, mờ mờ sương khói, như cái bóng.
Chương Tám
Nghe đến đây, ông Ômya, một người từng xông pha trăm nguy ngàn hiểm, vượt đạn trốn bom, một người đã từng một mình vào rung rợn hãi hung hơn cả địa ngục để tìm một mảnh giấy, một hồ sơ mật, vậy mà bất thần giựt mình và hỏi:
- Ông nói gì? Mệ Hoát? Ông trông thấy thực hay là ảo giác?
Tôi nhớ lại câu chuyện con chuột khôn của ông Tô Ðông Pha và không lấy làm lạ về công việc ông Ômya giật mình khi nghe thấy nói đến bóng ma của Mệ Hoát hiện ra trong nhà tôi lúc nửa đêm.
“Người ta có thể đập nát viên ngọc bích đáng ngàn vàng mà không thể không sợ thất kinh khi nghe cái nồi đất vỡ, có thể đánh con hổ dữ mà không thể không biến sắc vì con ông đốt: đó là tại cái lòng không chuyên nhất vậy. Những điều ấy, mọi người vẫn thường nói mà quên rồi ư?”
Tôi cười một mình chậm rãi trả lời:
- Phải, cái bóng ma Mệ Hoát. Nhưng đó là thực hay ảo giác thì tôi không biết. Ông để cho tôi nói tiếp rồi ông suy luận lấy, bởi vì ông sẽ thấy không phải chỉ có một mình tôi trông thấy nhưng chính một đồng bào của ông, ông Tôkubê cũng trông thấy hai năm rõ mười. Không, tôi kể chuyện cho ông nghe, chớ tôi không có lợi lộc gì mà bịa đặt phải không?
Tôi không nhớ rõ đêm ấy là đêm thứ mười mấy kể từ khi tôi dọn đến ở căn nhà này. Chỉ biết rằng đáng lẽ đi ăn cơm với mấy người bạn ở xa về, tôi lại khước nằm khàn ở trên giường đọc báo. Lại xin thú thực với ông nữa: tôi là nhà văn kiêm ký giả nhưng ít khi đọc báo, trừ khi nào có tin tức đặc biệt gì ghê gớm lắm.
Nhưng đêm hôm ấy tôi nằm đọc báo vì một nguyên nhân khác hẳn: tại lười. Lười một cách vô nghĩa, lười không vì nguyên nhân gì hết, lười đến cái mức nằm một bên mỏi quá cũng không buồn trở mình.
Sợ rằng cứ nằm bề bệt như thế thì đau mất, tôi ngồi dậy bật cái đèn đêm ở đầu giường, đi thong thả ra cửa sổ ngồi nhìn xuống mấy cái mái nhà tôn ở sau vườn.
Hoa y lăng bây giờ trổ bông nhiều hơn; về đêm hương thơm tiết ra ngào ngạt cả không khí làm cho tôi buồn thê thiết trong lòng. Ấy là lúc tôi nhớ đến vợ con ở Bắc trước đây, vẫn dắc nhau đi chơi thong thả trên những con đường ngào ngạt hương thơm như thế này. Tôi hèn lắm, ông Ômya ạ. Tôi hèn vì tôi buồn hết sức là buồn và tôi ngồi ôm mặt khóc như đứa trẻ. Tất cả cuộc đời dĩ vãng của tôi hiện ra. Tôi nhớ lại từng li từng tí những sự việc tưởng đâu như đã chết không còn bao giờ quay trở lại; tôi tự hỏi không biết vợ con bây giờ no đói như thế nào, sống chết ra sao và tôi cố vẽ lại trong óc những đường lối đi về ngày trước, căn nhà Pháp Vân, vợ chồng con cái, cứ chiều thứ Bảy thì về đó nghỉ ngơi, có khi hợp nhau lại cầu cơ và xin thơ giáng bút.
Vào khoảng nửa đêm, gió thổi mạnh, kêu vù vù như gió mây ở Bắc. Lá cây y lăng đập vào nhau rào rào. Dưới bóng mờ của ngọn đèn đêm, tôi lấy một tờ giấy và cây viết ra định làm một bài thơ “Nhớ Nhà” nhưng nghĩ mãi không ra tứ lạ, tôi tiện có giấy bút đây vẽ bậy một hình đàn bà, vừa vẽ vừa ngâm lớn mấy câu thơ cũ:
Vạn Lí bi tha thuồng tác khách
Bách nhiên đa bệnh độc đăng đài
Gian nan khổ hận phồn sương mấn
Lạo đỏa tân đình ngọc tử bôi.
Muôn dặn thương thu, làm khác trọ
Trăm năm nhiều bệnh, dạo dài chơi
Sương in mái tóc đầy gian khổ
Nghiên ngã ngừng nâng chén rượu ôi. (Bản dịch của Trần Ngọc San)
Bốn bề im lặng. Ngọn đèn để đêm cháy mù mù như một con mắt chột kèm nhèm. Ðặt bút xuống nhìn hình người đàn bà vừa nghệch ngoạc xong, tôi chột dạ trong một thoáng vì không hiểu tại sao cái đầu người đàn bà tôi vừa vẽ lại giống y hệt cái hình tôi lồng trong khung treo trên tường.
Tự nhiên tôi rùng mình, ngoảnh mặt đi không còn muốn nhìn cả bức hình treo lẫn bức vẽ nằm ở trên bàn viết. Thì chính giữa khi ấy tôi nghe thấy có tiếng dép đi khe khẻ ở cầu thang, sau khi cái cửa ở nhà dưới kêu két lên một tiếng mơ hồ. Tôi hỏi:
- Ông Yên mở cửa đấy à?
Không có tiếng trả lời.
Tôi ngồi im không động đậy, đầu óc tôi tỉnh táo lạ thường. Chiều hôm đó tôi không uống rượu, không ăn no, không nhức đầu. Mắt tôi nhìn tin tường hết sức, có lẽ còn hơn cả bây giờ tôi đang nhìn ông, ông Ômya à…Tôi nhìn ra phía cầu thang và hỏi khẽ:
- Ai lên đó?
Tôi hỏi như thế là vì ở chỗ cầu thang lên phòng ngủ của tôi ở trên gác, lúc bấy giờ có một hàng chấn song cao làm bằng cây, treo một bức màn hoa. Kế đó là một cái cửa ra vào lắp kiếng mờ, thường đóng để cho đỡ bụi mà cũng là để cho cửa nhà kín đáo lúc đêm hôm.
Lúc ấy, trời khuya lắm. Tôi nghe rõ tiếng các bật thang cũ kỹ kêu óp ép một giây rồi sau đó, mặc dầu ngồi ở trong gác không nhìn được ra ngoài cầu thang, tôi thấy rõ rệt một người bước lên thong thả và rất nhẹ. Kỳ! Ai vậy? Mà tôi hỏi lại không trả lời? Có một lúc tôi ngỡ là ông Yên lên có việc gì, nhưng trong giây lát, tôi biết ngay là không phải. Tại sao? Tôi cảm thấy như thế, còn hỏi tại sao thì tôi không có cách gì để trả lời.
Tiếng dép đi khẽ trên sàn gần hơn một chút, gần hơn một chút. Từ ngực ra phía sau lưng tôi tự nhiên lạnh toát. Tóc ở gáy tôi không dựng đứng lên như người ta vẫn tả trong trường hợp gặp chuyện gì sợ hãi, nhưng rung động khe khẽ và làm nhột ở cổ một cách khác thường. Chính trong lúc bối rối chưa biết sử sự ra sao (chạy ra mở cửa xem sao hay cứ ngồi yên mà chờ đợi?) thì cái cửa kiếng đi xuống cầu thang mở ra từ từ êm ru, tuyệt nhiên không nghe thấy một tiếng động nhỏ nhoi nào hết. Tôi dồn hết sức mắt để nhìn: cái cửa kiếng tự nhiên mở ra thật; ở ngoài tối như bưng; một ngọn gió lạnh tê tê hiu hắt tạt vào phòng trong, chỗ tôi đang ngồi.
Tim tôi đập, đập như trống trận. Trong nháy mắt máu dồn lên cả thái dương, nhưng tôi cố ngồi yên và cố giữ bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Những chuyện ma chọc người, ma không nhát được những kẻ sĩ tâm hồn cứng rắng, ma muốn thế nào cũng không hại được những người ăn ngay ở thẳng…mà ông bà, cha mẹ vẫn kể cho tôi nghe lúc tôi còn nhỏ và đã nhiễm vào trong tim óc tôi và thành ra một chất đặt biệt hòa vào trí óc, huyết mạch, da thịt tôi rồi.
“Ngày xưa tại một bảng thượng du có một cây bàng xum xuê thường hay có ngươi đến thắt cổ ở trên cành, người ta đồn rằng có ma ở đấy.
Tại xóm ấy có một người học trò hay chữ tên là Lê Quý đêm nào cũng thắp đèn học đến tận sáng mới đi ngủ. Láng giềng có một người đàn bà còn trẻ cũng thường hay thức đêm để dệt cửi.
Một đêm vào khoảng cuối canh hai, trời sáng trăng suông mờ mờ, người học trò nghe có tiếng sột sột bên ngoài, mở cửa sổ trông ra thì thấy bóng một người đàn bà tay cầm một khúc dây chừng ba bốn thước đang giấu quanh dấu quẩn, đễ chỗ này rồi đem chỗ khác, như sợ có người biết, rồi sau cùng đến bỏ vào đóng rơm mà đi. Người học trò đem đèn ra soi, lấy cái dây thấy mùi hôi tanh, đoán chừng là của con ma thắt cổ, liền đem vào để trên án thư, lấy kinh sách đè lên rồi đóng cửa ngồi chờ thử xem ra làm sao…”
Tôi cũng ngồi chờ thử xem ra làm sao, theo đúng tinh thần bất úy, bất khuất của người học trò trong truyện cổ.
Thế rồi cái cửa kiếng mở rộng: một cái bóng bé nhỏ mặc áo rộng và dài đi dép rất êm, hiện mờ mờ rồi rõ dần dần trong khuôn cửa. Một điều rất kỳ lạ nẩy ra trong óc tôi lúc đó, và chắc chắn không ai có cách gì thấu được: thay vì nghĩ: Ủa! Ma à!” tôi lại nhớ ngay đến một câu Kiều, đoạn Kiều gặp Ðạm Tiên hôm đi tảo mộ về:
Sương in mặt, tuyết pha than
Sen vàng lững thững như gần, như xa.
Quả đúng như thế. Cái bóng hiện ra ở trước mặt tôi lúc đó quả đúng y như thế. Sau khi đã nghĩ như thế rồi, tôi mới nhìn kỹ cái bóng đương tiến nhẹ như hơi gió đến trước tôi… Ðó là một người đàn bà không có tuổi, bới tóc cánh tiên, có một dáng điệu phong lưu tuyệt trần. Mặt bà hình trái soan, mọng và đỏ thẳm, hai con mắt sáng và dài, nhưng toàn thể thì có vẻ xanh xao, mệt mỏi, chán nản không thiết tha gì hết.
Cái bóng tiến thêm lên một chút nữa.
Tôi nhìn kỹ hơn thì thấy ở chung quanh mắt bà có một quầng thâm, không linh động, nhìn thẳng phía trước mặt không mục đích mà đôi môi, măc dù mộng và đỏ thẩm nhưng không có lúc nào hé mở, trái lại luôn luôn mím chặt. Ở hai bên má, có hai hàng nếp nhăn lờ mờ.
Tôi nghĩ thầm: “Có lẻ là ma chớ không phải người”. Và tôi tự lý luận với chính mình trong một giây: “Phải bằng người thì bằng xương bằng thịt, chứ đằng này mờ mờ nhân ảnh như là khói sương. Thêm nữa, mình đóng cửa, người thường vào sao được, phải là ma mới biến thẳng vào đây thong thả như thế này!”.
Trong khi tôi nghĩ như thế, cái bóng đàn bà ấy lừ lừ lại gần, ngồi xuống cái ghế ở trước mặt tôi, cuối đầu chào một cách lạnh lùng rồi lặng im không nói gì.
Tôi lại nghĩ thầm: “Ðích là ma rồi. Mình phải can đảm đối phó thì ma nó sợ, chớ la lên hay chạy thì nó nhát và đuổi theo bóp cổ, hớp hồn mình chết”.
Tôi bèn thu hết cả lòng can đảm của tuyệt vọng, hỏi rất lớn (nhưng chính ra thì lì nhí ở trong miệng, không rõ rệt từng câu chữ):
- Thưa bà, có việc gì mà lại hạ cố tìm tôi vào giữa đêm khuya như vậy?
Chương Chín
Nghe câu chuyện đến đây, ông Ômya vùng đứng lên, tiến lại cạnh tôi và nói:
- Tôi nói câu này có điều gì không phải, xin ông tha lỗi. Rất có thể là ông không bằng lòng và cho tôi là người thiếu lễ độ với một ông bạn nhất kiến vi kiến, nhưng nếu tôi không hỏi cho ra lẽ, tôi băng khoăn trong bụng không chịu nổi.
- Không sao mà…Ông bạn cứ hỏi.
- Ở nước tôi, các ông già, bà cả, nhà thơ, nhà văn vẫn thường nói về…nhưng quả là chính mắt tôi chưa từng thấy ma quỷ bao giờ cả.
Tôi cũng không sợ ma quỷ như ông bạn, và tôi muốn được thấy ma quỷ một lần, một lần thôi cũng đủ, vì thấy ma quỷ hiện về, đối với tôi là một cái gì rất thơ mộng, rất thú vị…
Dám xin hỏi ông bạn, có thật chắc chắn là cái bóng đàn bà hiện ra, ngồi ở trước mặt ông, và nói với ông chớ không phải là ông tưởng tượng, không phải là ông nghỉ ngợi nhiều quá rồi ý nghỉ đó thành hình và diễn ra ở trong óc như sự thật, rồi truyền xuống mắt để mắt cung nhìn thấy y như thật?
- Tôi không phải nghĩ ngợi lôi thôi gì cả. Xin trả lời ngay. Tôi ngồi nói với cái bóng ấy như tôi với ông bây giờ vậy, chỉ khác có cảnh trí mà thôi: bây giờ có tiếng động mà lúc ấy thì im vắng không có tiếng gì; bây giờ sáng của mà lúc ấy thì tối tăm; bây giờ tôi trông rõ mọi vật đằng sau lưng ông, nhưng lúc ấy thì không thấy gì hết, không thấy cả bối diện của bóng đàn bà ấy.
Nhưng cái bóng ấy nhất định là có thật, tôi không bày đặt ra làm gì.
- Ông hỏi thế, cái bóng ấy có trả lời không hay chỉ có hình có bóng ngồi đấy rồi biến đi? Theo khoa học bây giờ, tôi tin chắc là không nói được.
- Khoa học khám phá được rất nhiều bí mật hiện nay và chế tạo được rất nhiều máy móc kỳ lạ y như phép tiên mà ta vẫn đọc thấy trong những truyện Tây Du, Phong Thần, Bát Tiên Quá Hải… Một ngày kia, người ta có thể chế tạo ra được ma quỷ, âm binh, thần tướng, nhưng hiện nay khoa học chắc chắn là chưa giải thích nổi sự kì lạ vô biên mà ông vừa hỏi tôi.
Ông tin chắc cái bóng ma đó nói không được? Thế là ông lầm rồi! Cái bóng đàn bà ấy ngẩn đầu lên chút nhìn tôi. “ Hổng rồi! Câu mình vừa nói làm phật ý bà này”. Tôi nghĩ thầm như vậy và tay tôi nắm chặt lại sẵn sàng. Phải, tôi sẵn sang vớ con gấu đồng dung để chặn giấy ném lên người khách lạ mà tôi không hề mời đến nhà tôi chơi lúc đêm hôm khuya khoắt, nếu bà ta có một cử chỉ gì khả nghi hay nói xấu một câu xúc phạm đến tôi.
Tôi lầm. Nói ông tha lỗi, lúc còn trẻ tuổi và cả ngay bây giờ nữa tôi quen biết đã nhiều bà, nhiều cô, nhưng thật tình chưa hề được nghe thấy một giọng nói nhỏ nhẹ, êm ái, mơ mộng đến như thế bao giờ. Sự khiêm nhường cùng với tư cách và lễ độ tiết ra những câu nói của bà làm cho tôi quý trọng liền.
Bà khách lạ trầm ngâm một giây lâu nữa. Rồi bà nhếch đi một chút trên ghế. Cái bóng trắng mờ mờ như sương mù một buổi sáng mùa đông mỗi lúc lại thay đổi đi một chút, có lúc lớn hơn, có khi to thêm ra, lại có lúc thu nhỏ lại, như một cái xác chết liệm trong vải trắng. Một lúc sau, lại trở lại nguyên hình khi mới tới.
“Ðúng rồi. Ðúng là một con ma!”
Nhưng con ma này muốn gì chớ? Sao hỏi mà không thấy nói gì? Ngờ rằng cái bóng không nghe thấy câu hỏi của tôi hoặc nghe thấy mà không nói được ra lời, tôi lập lại câu hỏi để xem trong hai giả thuyết, giả thuyết nào đúng. Một lát sau, cái bóng mới chậm rãi nói, y như thể nói một mình, để cho chính mình nghe vậy. Bà ta nói bằng tiếng Huế:
- Ngay khi thầy mới dọn đến ở đây, tôi đã hay rồi, nhưng chưa đến thăm ngay vì nhà cửa còn bề bộn, công việc chưa yên, cho nên không dám khinh động thầy. Ðêm nay, thấy thầy ngâm thơ, biết là thầy đã rãnh rỗi nên tôi mới đến thăm, trước là để chủ cũ chủ mới căn nhà này làm quen với nhau, sau là để yêu cầu thầy chấp nhận cho tôi được lui tới nơi đây dọn dẹp quét tước vườn tược cửa nhà, may ra nhờ đó mà kiếm được một ít đồ vật đã mất trước đây.
“Ðồ vật gì? Mà đồ vât gì mất trước đây?” Tôi tự hỏi nhưng không nói ra, cứ lẳng lặng nghe bà ta nói.
Bà nói tiếp:
- Nhiều lắm, đồ vật nhiều không kể siết, chính tôi cũng không biết số lượng là bao nhiêu.
Tò mò quá, không chịu nổi, tôi bèn hỏi:
- Nhưng đồ vật gì, mệ có thể cho tôi biết được không?
Nhưng không để tai đến câu hỏi của tôi, bà cứ nói tiếp, và càng nói tôi lại càng không hiểu.
Trong một thoáng, tôi cảm giác con người ta lúc chết đi mà cái hồn hiện lên được ở dương trần thì không còn minh mẫn, như lúc sinh thời nữa. Hoặc là lúc sống, chính thần kinh của bà ta đã không được thăng bằng rồi cho nên lúc mất đi, những lời do cái bóng bà phát ra không có mạch lạc mà gần như vô nghĩa lý. Bà nói tiếp:
- Phải, nhiều vô số kể, thầy à. Chẳng thế, họ lấy một lần không hết mà phải lấy bốn năm lần đem đi ấy là chưa kể bao nhiêu thứ khác mà họ đập phá, họ giày xéo, họ lấy dao, lấy búa, lấy kiếm, lấy gươm ra đập cho tan nát. Riêng những cái miểng còn sót lại cũng đầy cả ba gian nhà này, mà cao ngang đầu người!
“Ngót hai chục năm nay tôi đã đi khắp sông ngòi đồi núi, tôi đã đi khắp đầu chợ cuối thôn để tìm mà không thấy một món nào…Chẳng biết làm sao, tôi đành phải đi tìm những miếng còn sót lại ở đây để gom góp lại đem về nhắm nghía cho khuây khỏa nổi tương tư bởi vì trình với thầy, tôi tương tư những món đồ vật ấy thật tình; không có, tôi thấy cái kiếp con người hoàn toàn nhạt nhẽo, hoàn toàn vô nghĩa”.
Càng nghe càng không hiểu bà ta định nói gì, tôi kết luận thầm trong bụng: “Nhất định con ma này là con ma điên”.
Tôi chán quá, không buồn hỏi nữa, nhưng vẫn tò mò muốn nghe hết những lời bà ta nói tiếp, hy vọng sẽ tìm thấy trong những lời đó có một câu gì giúp tôi hiểu được câu chuyện của con ma kỳ dị. Nhưng nghe cho đến hết, tuyệt nhiên tôi vẫn chẳng hiểu một tí một li gì cả. Ðồ vật là đồ vật gì mà nhiều vô số kể? Mà cái gì lại có những cái miểng đầy cả ba gian nhà?
Tuy nhiên, vì kính nể bà nói năng lịch sự, cư sử phong lưu tao nhã, tôi làm ra vẻ hiểu biết câu chuyện của bà vừa nói, gật đầu ra ý tán thành triệt để ý định của bà vừa nói.
- Tôi cảm thong nỗi khắc khoải của bà. Ði kiếm tìm như thế là đúng lắm. Phải địa vị tôi, tôi cũng làm như thế. Vậy đã lấy tình thân đối xử nhau, xin bà cứ tự nhiên như ở nhà bà. Tôi xin chúc cho bà toại ý.
Cái bóng trắng khẽ cuối đầu xuống cảm ơn:
- Ngay trước khi thầy dọn đến ở đây, tôi đã biết thầy rất tốt bụng và rất hiểu biết. Tôi biết thầy không xua đuổi tôi, để cho tôi tự do đi lại tự do tìm kiếm đồ vật đã bị mất trước mát trước đây, tự do quét dọn để thu lượm những miểng còn sót lại, chớ nếu phải người khác thì ít hy vọng lắm. Nếu họ không nguyền rủa, chửi bới thì cũng tìm các cách lấy bùa trú ếm để cho tôi không vào được bên trong.
- Tôi xin cảm ơn ông thầy lần nữa và hứa sẽ tìm các cách để xin chư thần liệt thánh phù hộ cho thầy được phúc trạch dồi dào, may mắn về nhiều phiên diện.:.
Nghe đến đây, tôi chợt nhớ một điều dự định cả tuần nay mà vì nghì ngợi long bong “những cái gì ở đâu” nên quên khuấy mất. “Phải rồi, mai sáng ta phải ghi vào cuốn sổ lịch để ở trên bàn mới được: lập ngay một bàn thờ tiền chủ, một bàn thờ thổ địa và sửa một lễ tân gia”.
Có lẻ cho rằng ngồi trò chuyện như thế cũng đã lâu lắt rồi, cái bóng trắng lại cựa mình lớn hơn một chút. Ở bên cạnh, có một vật gì trắng, mờ mờ và trong suốt rung động như một hơi khói. Bà khách lạ nói tiếng Huế đứng lên, cúi đầu chào tôi lần nữa.
Cánh cửa tự nhiên khép lại từ từ lại đàng sau cái tà áo mơ hồ.
Tôi nghe thấy tiếng sàn gác rung lên như cánh con chuồn chuồn. Thế rồi, tầt cả lại trở lại im lìm như trong thế giới hỗn mang.
Máu dồn lên thái dương làm cho đầu nhức như búa bổ. Một cảm giác lạ lùng chuyển đi khắp người tôi và gâm nhấm linh hồn như con một nghiến gỗ. Tôi vừa sợ mà lại vừa bực tức, càng nghĩ càng không hiểu câu chuyện bóng ma khi nãy.
“Ðược rồi. Chắc nó muốn thử ta đây, nhưng nói cho mà biết, ta không có ngán. Ta chịu trận và sẽ chịu trận mãi cho tới khi nào con ma áo trắng phát ngán mới thôi”.
Cứ nghĩ lan man như thế, tôi ngủ thiếp đi đến lúc nào không biết. Sáng hôm sau, tôi gọi ông Yên hỏi:
- Ðêm qua, đi ngủ, ông có đóng cửa cẩn thận không ?
- Ông khỏi lo. Bao giờ tôi cũng cài then kỹ và khóa hai lần. Có chuyện gì không?
- Không. Tôi hỏi thế thôi. Ông ngủ như thường. Tôi cũng vậy.
Từ thưở bé, tôi vẫn thường hay nói dối, nói dối không có ích lợi gì nhưng cứ nói dối chơi. Lần này tôi nói dối là để lạc hướng ông Yên, cho ông ta không hay biết gì về chuyện cái bóng ma trò chuyện với tôi ở trên gác đêm trước. Tôi không muốn cho một người nào biết chuyện đó cả.
Buổi trưa, tôi uống rượu thật say, ngủ một giấc thật kỷ, đến chiều dậy ăn qua quít một mẩu bành mì với thịt nguội rồi ngồi chờ tối, sau khi đã đưa tiền cho ông Yên đi ra phố mua hai cái bàn thờ đóng sẵn cùng với cây đèn, lư hương và bài vị để đem về thờ tiền chủ và thổ địa.
Tôi lại dặn ông đi hỏi thầy cẩn thận xem hôm nào tốt để sửa một lễ tân gia:
- Ăn tân gia ở nhà hàng không được. Phải ăn ở nhà. Mà nhà mình lại không đủ nồi niêu, soong chảo, bát đĩa, tôi nghĩ rằng ông nên đi kiếm một nhà hang nào ở Sài Gòn hoặc Chợ Lớn đặt thì hơn. Tôi tính mời độ mười lăm người, ông liệu đấy.
Chừng mười hai giờ đêm, tôi xức dầu thơm vào đầu vào mặt cho tỉnh táo rồi ngồi ở ghế viết lăng nhăng một bài báo người ta đặt viết.
Tôi viết chưa được một trang giấy thì cầu thang kêu cót két khe khẽ rồi có tiếng dép đi lên, cánh cửa kiếng lại tự động mở ra và cái bóng ma lại hiện ra như đêm trước.
Nhưng lần này không ngồi lại ở bàn nữa mà cứ đi quanh đi quẩn lại ở bên ngoài, cúi đầu nhìn hết chỗ này đến chỗ kia, có khi kại ngồi xuống giơ hai bàn tay trong suốt ra bới một cái gì bí mật ở khe tủ, gầm bàn. Thế rồi khi không cái bóng đứng thẳng lên trèo thang gác êm nhẹ xuống dưới nhà hồi lâu. Tôi đang tưởng nó biến đi thì bỗng đâu lại hiện ra ngồi sụp xuống tìm kiếm nữa… mà tuyệt nhiên tôi không thấy đồ vật gì hết trọi.
Phải nói thực, ngạc nhiên hết sức, ngạc nhiên đến mức khó chịu, không hỏi không thể yên tâm được:
- Bà có kiếm được gì không?
- Chẳng có gì hết, thầy à. Chỉ có một ít miểng thôi, nhưng có một ít miểng gom góp lại để ngắm cho đỡ thèm cũng còn hơn là không có gì phải không thầy?
Vẫn chẳng hiểu gì, tôi cứ gật đầu tán thành câu nói. Bà khách lạ chép miệng, ra vẻ buồn hết sức”
- Một triệu lần như thế này bây giờ thâu lượm lại chỉ được một phần. Mà tôi tìm kiếm mấy năm nay rồi chớ có phải là ít đâu. Thầy xem, tôi bắt cả con cháu cùng đến tìm kiếm vời tôi mà củng chẳng hơn gì cả.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Cháu nào? Con cháu nào? Tôi có thấy đâu?
- Kìa, nó đứng ở cửa sổ, đang kiếm ở ngoài hành lang hiên mà thầy không thấy à?
Chân tay tôi lạnh toát. Tôi không dám quay hẳn mình lại. Chỉ ngoẹo cái đầu về phía cửa sổ để nhìn thì thấy một hình mờ mờ mà trong suốt đứng quay lưng lại phía tôi, nhìn ra ngoài gác sân (vì cái gác của tôi ăn ra một cái sân nhỏ để khi nào có trăng thì tôi kê một ghế bố ra nằm chơi nhìn trời).
- Ðây là cháu gọi bằng dì. Nó tên là Phương Thảo.
- Xin lỗi bà nói tôi mới nhớ. Tôi có một cái tội được bà đãi là chỗ quen biết mà đến bây giờ vẫn chưa được biết đến quí danh. Thêm nữa, tôi có một điều muốn trình bày: tôi đã cho làm một bàn thờ thổ địa và một bàn thờ tiền chủ. Nếu bà thấy không có gì bất tiện thì cho tôi biết quí danh để tôi ghi lên bài vị. Như thế, tôi nghĩ là cái tình nó có vẻ thân hơn mà mỗi khi tôi muốn lễ bái, cầu khẩn gì cũng tiện.
Ông làm thế thì có hơi kiểu cách, nhưng lòng của một người ở cõi dương ăn ở với một người ở cõi âm đến như thế, quả thực là chu đáo. Cháu tên là Phương Thảo, còn tôi là Mệ Huyết nhưng gì bà sơ tôi trùng tên ấy nên gọi trếch ra là Hoát. Tôi là Mệ Hoát.
Chính giữa lúc bà khách vừa nói đến đây thì người cháu tên là Phương Thảo quay lại nhìn về phía tôi.
Chương Mười
Bây giờ, không phải là tôi mời rượu nữa, mà chính ông Ômya lại rót rượu mời tôi uống.
- Chuyện của ông lạ lắm. Tôi phải uống để thưởng thức. Thế thì tại sao lại còn một con ma nữa hiện ra để làm gì? Tôi không còn hiểu ra thế nào…
- Thưa ông Ômya, chính tôi sống cái chuyện ấy tình đến nay đã ngót hai chục năm trời mà cho đến tận hôm nay tôi vẫn không hiểu, huốn chi ông.
Luôn mấy năm trời tôi suy nghĩ và tìm một ý nghĩa, tôi tìm hiểu xem người đàn bà Huế ấy tìm kiếm cái gì và tại sao lại cùng đi với một cô cháu gái tên là Phương Thảo, nhưng vô ích. Luôn mấy năm trời, tôi đi hỏi thăm những người ở khắp vùng Chợ Quán, nhưng một phần vì những người ở đó là người mới đến đây cư ngụ, mà còn trẻ tuổi nên không thể biết; một phần vì những người có thể biết chuyện lại mệnh một hay là đi xa rồi tôi nên đành chịu, rồi dần dà cũng quên đi, không lưu ý nữa.
- Thế hai cái bong ma ấy có còn hiện lên không?
- Có. Nhưng không hiện liền như trước nữa. Ðó là chuyện sau, rồi đây ông sẽ biết. Trở lại nỗi thắc mắc của tôi. Dần dần tôi cung quên đi không nhớ đến hai con ma ấy nữa thí tự nhiên ở đâu ông tới hỏi tôi về ông Tokubê tức Trần Hữu Lăng.
- Ủa, ông Tôkubê cũng dính tới vụ này sao?
- Có chứ. Nhưng ông cứ yên tâm, nghe cho có đầu đuôi mới được. Vậy chính lúc Mệ Hoát ( từ đây gọi bóng ma sắc trắng đó là Mệ Hoát), nói đến đây thì Phương Thảo ( cái bóng ma đứng ở cửa sổ nhìn ra ngoài gác sân) quay lại nhìn về phía tôi.
Trái với Mệ Hoát, Phương Thảo không có một hình sắc rõ rệt. Toàn thân nàng trong vắt, mặc dầu có một lớp gì tựa tựa như sương mù bao phủ lấy cái áo dài màu lòng chanh của nàng.
Mặt mũi, đầu tóc chỉ mờ mờ thôi, còn cặp mắt thì đờ ra như người mất hồn, tuyệt nhiên không có một tí tinh thần nào cả. Nhưng nàng có một điểm rất kỳ: mặc dù lúc ấy nàng đứng xa tôi đến ba bốn bước; từ cái thân thể trong suốt của nàng, tôi thấy tiết ra một mùi thơm mát thoảng ra, làm át hết cả mùi hương của hoa y lăng bay vào trong căn gác nhỏ. Mùi thơm ấy vuốt ve mặt tôi, vướng vít tóc tôi, trìu mến tôi.
Tôi tưởng như nghe thấy một tiếng thở dài khe khẽ. Tự nhiên, toàn thân tôi run lên một cách kỳ lạ vừa đau nhói mà lại vừa như khoan khoái. Tôi làm bộ nhìn trang giấy mà tôi viết dở, nhưng thật tình tôi có thấy chữ nào đâu.
Ấy là vì mùi thơm tiết ra từ Phương Thảo ra mê li quá, huyền ảo quá, làm cho tôi cảm thấy say như một người nghiền say á phiện: mắt vẫn mở và nhìn rõ ràng được những sự thật ở chung quanh nhưng trí óc thì lại vật vờ như bay lên cao lắm, bay đi xa lắm…
Ngửng mặt lên, tôi bỗng nhiên thấy ngời lên ở trước mắt một bộ mặt diễm kiều bao phủ trong một mớ tóc xanh mướt như đêm thu; đôi môi óng ánh hồng hé mở như van xin; còn cặp mắt thì long lanh một nỗi sầu khôn tả.
Lúc ấy Mệ Hoát lại cuối xuống tìm kiếm ở chân tường. Mặc dầu không trông thấy, tôi cảm giác rằng cái tối tăm ở bên ngoài lúc đó đặc quánh lại như có thể lấy dao mà thái ra từng khúc. Không có một tiếng chim, một tiếng lá rung cành, một tiếng lau tiếng lách rì rào trong gió. Mà cái bóng của Phương Thảo thì đứng im lìm trước mặt tôi, phản ánh lên trên tường gác như một ngôi sao hiện lên trong sương mù phương đông.
Không bao giờ, không bao giờ cõi đời này có thể tạo được một cái gì linh thiêng như vậy, tuyệt vời như vậy. Không bao giờ cái chết lại có thể hái đi một cái gì tràn trề một sự sống mãnh liệt và thiết tha như vậy. Không, Phương Thảo không phải là một con người ở trên mặt đất thô lậu này mà chính là màu sắc, là ánh sáng thay vì vóc dáng và hình thái; đó là một hơi thở ấm áp, du dương thay vì máu huyết; đó là tư tưởng thay vì tình cảm. Mà đó cũng không phải là một bóng ma giả dối và rỗng không bởi những nét mờ mờ, những dáng dấp mờ mờ ấy tiết ra sự mê li cấp bách, sự ham muốn, buồn rầu, đau khổ, xót xa, yêu đương, sợ hãi, ước mong; đó là những cái đẹp bao la tuyệt diệu mà ta vẫn thường tưởng tượng ở trong tâm óc khi còn trẻ, một trong những cái đẹp mà trong những giấc mộng não nùng, say sưa, nồng cháy mà ta vẫn quỳ xuống để hôn, ta vẫn ôm mặt khóc rồi cười, rồi lại cảm ơn trời, rồi lại khóc vì sợ có một ngày cái đẹp ấy mất đi.
Tôi không thể nào giải thích được nỗi cảm xúc lúc bây giờ, nhưng bắt đầu từ bấy giờ trở đi tôi coi hai cái bóng ma ấy như thể người nhà. Không có gì biệt âm dương, không sợ hãi; hơn thế nữa lại coi việc Mê Hoát và Phương Thảo đêm đêm đến tìm kiếm đồ vật ở trong nhà tôi như một việc rất tự nhiên.
Mệ Hoát dường như cũng cho việc đi lại, lên xuống căn nhà này là bình thường nên lần lần không còn sự giữ gìn e ấp như buổi ban đầu nữa, mặc dù lúc nào mệ cũng vẫn giữ nguyên giọng nói, tiếng cười và những cử chỉ của con người phong lưu, đài các.
Có đêm, mệ tự cầm lấy cây chổi quét nhà rồi gom lại thành đống rồi ngồi sụp xuống bới tìm; lại có lần mệ duỗi chân ra cho thân cao mãi lên, cao mãi lên để được lục lọi cả trên đầu tủ, xích đông mà khỏi phải đứng lên trên ghế đẩu.
Một người sống cần cù nhất cũng chỉ có thể làm lụng siêng năng đến thế là cùng.
Tôi tự nghĩ hẳn Mệ Hoát mất những đồ gì quý lắm, hiếm lắm cho nên mới khổ công tìm kiếm vất vả công phu như thế, chớ phải chi là đồ vật thường thường thì đâu lại có phí phạm ngày giờ, lao tâm lực tìm hết đêm này sang đêm khác như thế bao giờ.
- Ờ, những đồ vật ấy là gì vậy?
Tính ra tôi đã hỏi mệ hai lần rồi, nhưng không thấy đáp cho nên từ đó tôi không hỏi nữa. Hỏi nữa mệ có thể là cho tôi tò mò, dò dẫm và do đó liệt tôi vào hạng người “không sự thể” là điều tôi không bao giờ muốn như vậy, dù là đối tượng với người đã mệnh chung.
Tuy nhiên nói như vậy không phải là bảo rằng đêm đêm Mệ Hoát hiện lên không năng nói chuyện với tôi. Tất cả chuyện của mệ, y như buổi ban đầu, tôi nghe mà không hiểu gì hết, nhưng vì thấy tôi gật đầu, ra vẻ hiểu biết và tán đồng, mệ cứ nói, cứ nói để cho mệ hiểu một mình.
Phương Thảo thì trái hẳn. Tính từ đêm tôi thấy lần đầu,nàng chỉ nói có ba câu ngắn ngủi không rõ ràng, y như thể một người bị nghẹn ngào, tức tưởi, nhưng mùi thơm tiết từ thân thể trong suốt của nàng lúc nào cũng tỏa ra ngạt ngào mà hình như mỗi đêm lại ngào ngạt mê li hơn một chút.
Mỗi đêm, tôi ngồi viết, nhưng ít khi viết được thành văn, mà ví có thành văn đi nữa cũng chẳng có hay ho gì. Trái lại, mỗi đêm, tôi lại được chiếm ngưỡng đôi mắt, nụ cười của Phương Thảo đôi mắt nụ cười mà tôi dám hy sinh tất cả ở trên đời này để đổi lấy – dù chỉ trong giây phút. Quả đến lúc bây giờ tôi mới hiểu tại sao trên đời này bao nhiêu công hầu khanh tướng, bao nhiêu liệt sĩ, trung thần, bao nhiêu danh nhân, cao sĩ, lại có thể hy sinh công danh, phú quí vì một đôi mắt, vì một miệng cười tươi, mà khi chỉ có một nét nhăn trên mặt, một lời nói đong đưa, nhõng nhẽo, một giọt lệ chảy trên gò má thương thương.
Không Ông Ômya, ông phải thành thật thú nhận với tôi rằng chiến đấu cho một lý tưởng, cho một chủ nghĩa, cho một dòng họ, nhiều khi cũng say sưa hấp dẫn, nhưng sống theo tôi lúc bấy giờ, hàng đêm chung sống với những cái bó ma hiền lành tử tế không bao giờ hại tôi mà lại phù hộ cho tôi, đời sống như thế còn thi vị, mặn mà và còn đẹp đẽ hơn cả đời sống thực tế rất nhiều, phải không ông?
Một tháng, hai tháng trôi qua, tôi thấy không cần phải dấu diếm gắt gao như những buổi ban đầu nữa.
Trong những lúc ngà ngà chén rượu, lâng lâng trong lò tôi đem câu chuyện ấy ra tâm sự với vài ba bạn nhậu. Không một người nào tin cả. Tôi mời họ một hôm nào đó đến nghỉ đêm ở nhà tôi để xem tôi đặt điều hay nói thực thì người nào cũng tìm cớ khước từ, riêng tôi có một người ưng chịu.
Ðến đây người bạn của ông là Tôkubê mà tôi quen biết với cái tên Việt là Trần Hữu Lăng, ra trò.
Chương Mười Một
- Ông nói thế nghĩa là Tôkubê có dính líu trực tiếp đến vụ này sao?
Ông Ômya nhìn tôi với cặp mắt tò mò, hỏi như vậy.
Qua câu hỏi đó thì tôi nghe rõ thấy có một vẻ khó tin.
Ông cứ để cho tôi kể nốt, còn tin hay không tin – tôi đã trình bày với ông rồi - tin hay không tin cái đó là tùy ông.
“Ðiều đó, ông khỏi cần nhắc lại nhưng bảo là tin có ma, chưa chắc tôi đã tin hẳn, mà bảo là không tin thì tôi xin cải chính đến cùng”.
Riêng tôi thì nhất định nghĩ rằng người ta chết đi, cái linh hồn không chết, chỉ có thể xác chết đi. Hỏi tại sao quyết đoán như thế, tôi chịu, nhưng bản than tôi đã hai lần kinh nghiệm như thế rồi. Cái linh hồn ấy có thể hiện bằng nhiều cách, dưới nhiều hình thức khó nhau.
“Người ta gọi là ma, là quỉ, là hồn, là gì gì cũng được nhưng tựu trung thì âm dương vẫn cảm thông được với nhau, người chết không phải tuyệt được hết liên hệ với người sống yên ổn với những hồn oan nó theo mình báo oán, còn người làm điều thiện thì không những dương trợ mà âm còn phù (hộ), nếu họ không được sung sướng về vật chất như ai thì ít ra tâm hồn cũng đợc thư thái, không lo âu sợ hãi một ngày kia bị hồn oan trả oán.
“Nhưng tại sao bạn tôi, là Tôkubê lại dính líu đến vụ hai cái bóng mà ông đương nói chuyện? Lúc nãy nghe thấy ông nói, tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi tự đặt ra nhiều giả thuyết nhưng vẫn không có cách gì đoán được. Nghe nốt câu chuyện của ông, tôi hy vọng sẽ tìm ra được lý do…
“Tôi hồi hộp lắm, nhưng tôi xin ông một điều: kể đến đây, câu chuyện bắt đầu gây cấn ít ra đối với tôi. Tôi xin ông ngưng lại, để đến mai kể tiếp vì tôi còn ở đây lâu ít nhất là vài tuần lễ. Tôi mong ông sẽ đãi tôi vào hạng bạn như ông đối với Tôkubê ngày trước, cho tôi được đến đây hỏi thăm ông mạnh khỏe và trò chuyện với nhau.
“Tôi muốn ông ngưng câu chuyện ở đây, bởi vì thú thật là nghe ông kể tôi hồi hộp quá. Tôi muốn nghỉ để ghi câu chuyện và suy nghĩ vì tôi tin rằng mai đây, được nghe kể tiếp, câu chuyện của ông sẽ tạo cho tôi nhiều thú vị, hồi hộp hơn và tôi sẻ đủ sức minh mẫn để mà lãnh hội từng ý kiến, thấm nhuần từng chi tiết”.
Chiều hôm sau, ông Ômya đến tìm tôi vào buổi chiều, đem theo một chai rượu sakê cùng với một bịch gỏi, mắm ruột cá và một thứ bánh vỏ bằng nếp mà nhân bằng đậu đen.
Ngồi uống với nhau một cách rất trịnh trọng ở gác sân, ông Ômya hỏi tôi:
- Bây giờ ban đêm hai cái bóng trắng có còn hiện lên thường thường nữa không?
- Ðã có lần tôi nói với ông rồi thì phải. Ít lâu nay, nó ít hiện thường như trước.
- Ông có nghĩa tại sao lại có sự thay đổi như thế hay không? Tại vì họ tìm kiếm đủ rồi, nên không kiếm nữa? Hay là tại vì một cớ gì đó họ đã đi nơi khác, không còn ở đây?
- Ðiều đó, tôi không biết nên không dám nói. Nhưng theo sự nhận thấy của tôi thì hai cái bóng ít xuất hiện kể từ khi thấy ông Tôkubê tức Trần Hữu Lăng.
Ông Ômya nói:
- Ông làm cho tôi lạnh cả người. Có phải là hai cái bóng trắng không muốn thấy sự hiện diện của một người lạ ở đây không?
- Hình như ông đoán không đúng lắm. Tôi ngờ rằng hai cái bóng trắng ít xuất hiện vì một hành động của ông Tôkubê thì đúng hơn.
- Ủa, tại sao vậy? Có phải Tôkubê đã có nói một câu gì hay làm một cử chỉ gì không đúng đắn vời Mệ Hoát không cô Phương Thảo? Dám lắm. Tôi biết Tôkubê phần nào. Y có nhiều đức tính của một người hành động: cần cù, ít nói, có lương tâm phục vụ, nhưng mang một cái tật có thể làm hỏng đại sự như chơi…
- Xin lỗi, ông với ông Tôkubê là thế nào với nhau?
- Tôi không giấu ông bạn: chúng tôi là bạn cùng làm việc mật vụ trong Thế Chiến Thứ Nhì, nhưng ngoài cái đó, y với tôi còn là người đồng hương ở Kyôtô và lúc bé cùng học một trường với nhau. Ra đời, mỗi người đi một ngã, tưởng là không bao giờ gặp nhau, không ngờ cuộc chiến tranh Ðức Ý Nhật liên hiệp đánh Ðồng Minh lại khiến cho y và tôi phục vụ trong cùng cơ quan. Cùng phục vụ, biết thế mà thôi, chớ công tác của y tôi tuyệt nhiên không biết, mà đối với công tác mật của tôi thì y cũng mù. Trong mấy năm trời ở đây, tôi chỉ gặp y vài bận, nhưng theo chỗ biết ngầm của tôi thì y phụ trách một công tác mật gì đó ở Trường Sơn.
Nói cho thật đúng, điều ấy tôi mới vừa được biết mới đây thôi là vì Nhật bại trận, tôi về nước, gần đây lúc có tin lại được cử trở lại Việt Nam phụ trách về một phương diện kinh tế mới, tôi có gặp mẹ và vợ y nói nhỏ cho biết thế. Không phải là họ mở mồm miệng đâu, nhưng họ nói rành rẽ như vậy là vì muốn nhờ tôi một việc. Công việc đó là việc riêng, chắc ông chẳng muốn nghe làm gì.
Tôi nhắc lại là Tôkubê có nhiều đức tính, riêng phải một cái tật xấu có thể làm hại đến đại sự như chơi…
- Có phải ông nóng tính quá phải không?
- Về tật ấy, tôi chưa có dịp nhận xét kỹ và biết rõ. Tôi chỉ thấy là ngay từ lúc còn đi học, Tôkubê có tật ham đàn bà quá. Có phải là tôi đã nói với ông rằng lúc y công tác ở Trường Sơn, cơ quan đã nhận được một báo cáo về y có lien quan đến gái, nhưng tôi không kể lại vì là chuyện đời tư của y?
- Phải tôi còn nhớ….
- Lần nãy, nghe ông nói, tôi ngờ nữa: có phải Tokubê đã làm điều gì bất nhã, không đúng đắn nên hai cái bong trắng không xuất hiện thường thường như trước xuất hiện ở nhà ông nữa?
- Không, không phải thế, ông Ômya ạ! Nếu ông Tôkubê – tôi muốn nói ông Trần Hữu Lăng - có điều gì đáng trách, theo tôi, đó là cái tính hơi nóng nảy của ông ta. Bè bạn đã nhiều người biết thế, nhưng vì là chỗ anh em lớn tuổi mà đã giao du với nhau lâu rồi nên chín bỏ làm mười, không có ai lấy thế làm điều; hơn thế vẫn quý mến ông ta, vì cho rằng ông ta “thẳng như ruột ngựa”, có thể nào thì tỏ thái độ ngay chớ không dấu diếm tâm sự hay gian xảo.
Vậy muốn chứng tỏ tôi chân thật, tôi mời mấy ông bạn đến nghỉ đêm ở nhà tôi để nhìn tận mắt hai cái bóng ma tìm đồ vật quý, nhưng không có một người nào ưng chịu. Riêng có một mình Tôkubê bằng lòng đến thôi.
Tôi còn nhớ rõ đêm ấy có trăng, nhưng nóng như nung như nấu. Hình như là vào khoảng tháng Ba, tháng Tư gì đó. Tôkubê và tôi cũng ngồi uống rượu ở gác sân như thế này. Uống đến gần sáng, gió trở lạnh. Có mấy hạt mưa bắt đầu rơi xuống tàn lá cây y lăng ngoài vườn bên kia. Chúng tôi, người nào cầm ly của người nấy, vừa bước vào trong gác để trú mưa thì thấy Mệ Hoát và Phương Thảo đã đứng dựa vào bàn viết của tôi, nhìn ra ngoài gác sân tự bao giờ.
Vì quen thuộc quá, tôi chỉ khẻ gật đầu và không để ý. Nhưng Tôkubê thì tôi thấy ông ta trừng mắt ngó lên hai cái bóng trắng một hồi lâu mà mặt mày thì tái nhợt. Tôi thầm cười: “Còn không tin nữa hay thôi? Phen này gọi là bở vía nhé!”
Muốn cho ông ta đỡ sợ, tôi nói:
- Cứ tự nhiên đi ông bạn! Không có ai hại ông đâu mà sợ!
- Kìa, nhắm cái gì đi, chớ ngồi ì ra đấy ư, ông bạn?
Tôkubê không trả lời tôi. Bỗng nhiên tôi thấy ông hét to lên một thứ tiếng gì nghe không rõ. Bây giờ nhớ lại tôi cảm giác tiếng thét đó tựa như tiếng thét của người lính Nhật đêm chính biến hạ Pháp ở Hà Nội lúc họ tiến vào căn cứ của Pháp thực dân. Ngay lúc đó tôi không nghỉ thế. Nghe tiếng thét, tôi không hiểu lý do và ý nghĩa, thế thôi.
Tôi mở to đôi mắt để xem có gì lạ xảy ra (bởi vì rượu lúc đó bắt đầu ngấm, tôi say tằng tằng, hai con mắt nhíu lại và chỉ muốn nằm lăn ra ngủ).
Tôi đã thấy gì? Bảo là quái lạ, tôi phải nói là lạ không thể nào tưởng tượng được: rõ ràng mới đây tôi thấy hai cái bóng biến vào phía sau cửa kiếng, mà cái cửa kiếng tự động đóng lại rồi, mà không hiểu từ lúc nào và bằng cách thức nào, hai cái bóng Mệ Hoát và Phương Thảo đã hiện lên sừng sững ở cạnh Tôkubê.
Tôi trông thấy hai cái bóng rung động và mấp máy làn môi, tôi đoán là họ nói gì với nhau. Sau đó, bong Mệ Hoát rung động, cái màn vải mỏng bao trùm thân thể Mệ bay lên…. mắt mệ hết mờ, quắc lên như hai con đom đóm. Và tôi thấy môi mệ cắn chặt lại với nhau, trong khi Phương Thảo khe khẽ, nhỏ nhẹ nói vào tai Tôkubê.
Phương Thảo nói gì? Tuyệt nhiên tôi không nghe thấy gì hết. Mà Mệ Hoát tức giận như thế là tại vì sao? Tôi cũng chẳng hay gì cả.
Nhưng ông Tôkubê bây giờ thì không còn ngồi đừ ra như khi nãy nữa. Mệ Hoát nói, tôi nghe lọt được câu này:
- Khỏi cần hỏi nữa. Dì biết chắc rồi, nó muốn chối cũng không thể được. Bây giờ cháu chỉ cần hỏi một câu chót xem hắn có bằng lòng chỉ cho ta chỗ cất vật ấy không, thế thôi. Nếu không chỉ, hắn sẽ hối hận và sẽ gánh mọi hậu quả không hay.
Mệ Hoát nói đến đây thì Tôkubê thét lên một tiếng kinh khủng giữa đêm khuya thanh vắng như chúng ta vừa thấy. Rồi tôi thấy cặp mắt Tôkubê đỏ ngầu lên, ông chửi rủa, gào thét và nói:
- Tao không cần phải khai gì hết. Nếu tụi bây không ngưng phá ta, không ngưng tỏ thái độ hăm dọa, không ngưng thúc bách ta chỉ chổ kia chỗ nọ, ta quyết ăn thua đủ đêm nay.
Ðồng thời, tiếng ly chén vỡ vang lên. Tôi thấy ông Tôkubê đứng dậy, xách hai tay hai cái ghế ném vào chỗ hai cái bóng trắng vừa đứng mới đây. Miệng ông sùi bọt và không ngớt nói những câu gì mà sau này nghĩ mãi tôi không có cách nào hiểu nổi. May mà cái bàn của tôi lớn và nặng chớ nếu không thì Tôkubê cũng đã chụp lấy để ném cho chết cái bóng của Mệ Hoát và Phương Thảo rồi. Tôi kêu lên:
- Ông Lăng! Sao thế? Ông say à?
Tôkubê không nói, lấy hai bàn tay ôm chặt lấy đầu và ngồi sụp ở trên sàn gác.
Vừa lúc đó, ông Yên ở dưới nhà bước lên. Thấy tiếng đồ đạc rớt ầm ầm, ông đương ngủ vội vàng choàng dậy và lật đật chạy lên gác xem có việc gì xảy ra. Ông không dám vào ngay vì quá sợ, phải đứng đợi hồi lâu ở ngoài. Tôkubê hỏi:
- Ông lên từ bao giờ vậy? Ông có thấy hai con ma xuống dưới ấy không?
- Bẩm, ông nói gì? Không, không có người nào hết. Tôi đứng đây đã lâu rồi, nhưng quả không thấy một người nào, một bóng ma nào ra đây.
Tôkubê la lên như bị ai bóp cổ:
- Thế là nghĩa làm sao? Rõ ràng tôi thấy chúng nó, mà chúng nó lại rỉ tai tôi gắt gỏng, chửi rủa và hâm dọa tôi nữa. Tất cả những lời chúng nó thốt ra, tôi còn nhớ hết. Tôi quyết giết cho chúng nó chết. Tại sao ông không trông thấy gì?
Yên liếc mắt nhìn tôi như van nhờ tôi trả lời giùm. Tôi đưa mắt ra hiệu cho ông Yên xuống dưới nhà. Còn Tôkubê thì tôi dìu lên trên giường, khuyên nằm yên để nghỉ.
Nhưng cái bóng Mệ Hoát và Phương Thảo đã kề vào tai Tôkubê nói nhỏ những gì mà khiến cho ông giận dữ điên cuồng như thế?
Chương Mười Hai
- Ờ tại sao, tại sao lại có chuyện tự nhiên nổi nóng như thế, hở ông? Hai cái bóng trắng ấy nói nhỏ gì vào tai Tôkubê khiến cho y phát khùng lên ném bàn quăng ghế và đòi giết chết cả hai vậy? Chắc ông đã hỏi Tôkubê rồi. Thế thì Tôkubê đã nói gì với ông? Nói đi ông, tôi ham biết nguyên do câu chuyện quá!
Nóng ruột hết sức, Ômya đặt ly rượu xuống không uống nữa, thúc dục tôi tới hai lần, tôi mới thong thả đáp:
- Có chứ. Hôm sau, đợi đến lúc Tôkubê bình tĩnh, tôi đem câu chuyện ra khẻ hỏi tại sao mà tự nhiên ông lại nổi nóng lên như vậy. Thì ông có biết thái độ của Tôkubê thế nào không? Y như người bận rộn nhiều vấn đề trong óc mà bị người khác làm phiền, ông ta vặc với tôi. Tất nhiên là ông cố giữ lễ độ với anh em, vẫn cười mà mặt thì cố không để lộ ra quạu cọ, nhưng cái gì chớ cái đó thì tôi biết lắm: đúng là ông Tô không muốn nói gì hết; ông muốn để cho ông yên; hỏi nữa thì mang tiếng là tò mò, dò chuyện không hay gì hết.
Sau đó mấy ngày, ông Tôkubê không đến nhà tôi nữa. Thường thường, trước đó, cứ cách một ngày ông lại đến chơi mặc dầu tôi ở Chợ Quán mà ông thì ở mãi bên Thị Nghè.
Ông năng đến nhà tôi như vậy vì tình bạn đã đành, nhưng ông vì công việc buôn bán nữa.
Tôi cộng tác với hai người bạn khác xuất cảng sơn mày đi một vài nước Á Châu. Ông Tôkubê đại diện cho một hang buôn ở Nhật đến tìm tôi đặt hàng. Gặp khi nào rãnh rỗi, ông cùng tôi lại nhậu nhẹt với nhau, nếu không thế thì lại rủ nhau đi la cà hết Chợ Lớn, Sài Gòn, Hàng Sanh, Vĩnh Hội để tìm mua đồ cổ vì tôi cũng biết xem đồ cổ ít nhiều mà ông Tôkubê thì ham mua lắm, vì ông cho rằng đồ cổ Á Châu quý nhất trần đời, không nước nào Âu Châu có thể sản xuất được; đầu tư vào đồ cổ “ăn chắc” nhất mà lại lời vô kể.
Từ khi tôi được quen biết ông ta, riêng tôi, đã thấy ông sắm được nhiều cổ đồng ten rỉ, điếu sứ lạc tinh mòn lỳ, nhiều độc bình, chóe toàn bích da rạm đậm nét lạ lùng, nhiều ngoạn ngạc kí Càn Long, Gia Khánh cùng tô đĩa, chén trà cái thì vẽ cành mai, nhành trúc, cái thì vẽ khúc sông con đò điểm những bài thơ ngũ ngôn bát cú… Vậy mà không hiểu ông cất đâu hết cả. Bằng chứng là đến phòng ông ở, tôi chẳng thấy gì hết. Hỏi thì ông bảo đem về nhà ở miền Trung, trong dãy Trường Sơn.
Vâng, sau ngày đánh nhau với hai cái bóng trắng ở nhà tôi, ông Tôkubê bẵng đi gần lễ không lại nữa.
Vào lúc không ngờ nhất, một buổi sáng kia ông tự nhiên lại đến tìm tôi. Tôi cảm thấy tinh thần ông vẫn chưa trở lại bình thường. Ông nói nhiều câu khó hiểu. Thỉnh thoảng, nhân một hai câu chuyện không đâu, ông gắt gỏng với tôi. Lạ nhất là thỉnh thoảng ông lại nói một mình: “Tra khảo! Tra khảo! Tao lì lắm, chớ có trêu vào mà chết!”.
Vừa nói, ông vừa nắm tay lại, tỏ ra hung mạnh và can đảm. Nhưng tôi thì nghĩ ngay đến những đứa trẻ sợ ma, đứng ở trong nhà nhìn ra trời tối ở bên ngoài mà la hét, làm ra cái bộ “ta đây không sợ” nhưng chính ra là sợ quá, sở dĩ la hét như thế chỉ để tự mình đánh lừa mình mà thôi.
Thấy ông Tôkubê hành động như vậy, tôi càng ngạc nhiên hết sức. Một trăm một nghàn lần, tôi tự hỏi không biết ông Tôkubê có chuyện gì với Mệ Hoát và Phương Thảo mà từ hai hôm bên đụng nhau thì ông Tôkubê tự nhiên lại thay đổi khác hẳn đi như thế.
Người ta vẫn thường nói, những người gặp ma dữ mà hợp nó, ma nó làm. Hay là trường hợp của ông Tôkubê là thế chăng? Tôi tự nghĩ thầm như thế và chính vì thế có nhiều đêm tôi thao thức không ngủ được. Kết cục, tôi vẫn hoàn toàn chưa được hiểu biết gì về vụ Tôkubê chưa hé thấy một ức đoán nào đáng để ý thì đã đến thì đã đến ngày ăn tân gia, tôi sửa lễ thiết lập hai bàn thờ tiền chủ và thổ địa.
Mấy hôm nay, tôi buồn muốn chết, suốt ngày chẳng đi đâu. Tôi cắm đầu viết –“viết như một con trâu con ngựa”. Ở đời, thử hỏi đối với một thằng người, có gì xấu xa hơn, khổ sở hơn là làm nghề viết hay không? Không che đậy tâm trạng một li - mà tôi phải che đậy, giấu giếm tâm trạng làm gì chứ? – có rất nhiều lúc tôi cảm thấy tất cả những người đi lại cười nói ở trên đời này đều vàng khè ra cả - mà chỉ có người ta là vàng khè ra như vậy mà thôi.
Phải chi phong cảnh, đồ vật, khí trời, cây cối cùng vàng một mầu như thế thì cũng được đi, vì toàn thể cùng nhuộm chung một màu sắc như nhau cả, nhìn cũng đỡ gai con mắt…
Nhưng…trời sui khiến làm sao lại không như thế. Bao nhiêu cảnh sắc ở chung quanh tôi nguyên vẹn y như trước duy chỉ có người ta là biết đi biết nói…Tôi chán nản hết sức và chính giữa lúc ấy thì tôi nhớ hai bóng ma Mệ Hoát và Phương Thảo không biết chừng nào.
Ấy là vì từ khi xảy ra vụ ông Tôkubê ném ghế, liệng ly, chửi rủa Mệ Hoát và Phương Thảo, hai cái bóng trắng đi biền biệt đâu mất không thường xuyên xuất hiện ở nhà tôi như trước nữa. Thế rồi tự nhiên vào trước hôm tôi cúng tân gia, hai cái bóng trắng lại hiện ra đột ngột. Tôi nói:
- Chào Mệ Hoát và Phương Thảo! Sao lâu nay không thấy Mệ Hoát vào lại đây? Tôi có làm điều gì thất lễ chăng?
- Ðâu có! Cách ăn ở của thầy Tư đối với chúng tôi ít có ai theo kịp. Không nói lấy lòng thầy đâu, thầy là người xử thế ít có, nhưng….
Ðến đây, Mệ ngừng lại không nói nữa. Ðón ý Mệ, tôi hỏi:
- Nhưng có phải ông bạn tôi đá làm phật ý Mệ vào không? Nếu quả như thế, tôi xin lỗi giùm cho ông bạn. Ông ta tốt, nhưng nóng tính, có lẻ là vì rượu.
Mệ Hoát cựa mình, cái bóng lớn ra thêm rồi một lúc sau trở lại như cũ. Mệ đã quay đi từ lúc nào. Tôi nghe thấy văng vẳng ở bên tai: Thầy Tư không hiểu hết câu chuyện này đâu. Thầy không nên dính vào làm gì…vô ích…Việc đâu, rồi có đó…Trần Hữu Lăng là Tôkubê… Không có cách gì che đậy được nữa. Bây giờ tôi chắc chắn có thể nói với thầy như thế”.
Thế rồi đến ngày tôi tổ chức lễ tân gia: ăn uống từ chiều đến khuya đứng dậy ra về, ông Tôkubê gục xuống ở trước cửa nhà tôi, cấm khẩu liền, chưa chở được đến nhà thương thì chết, không trăn trối được câu gì cả.
Chương Mười Ba
Thấy ông Ômya nhổm lên, ra vẻ định hỏi gì, tôi giơ tay bảo ông ngồi yên để cho tôi nói tiếp:
- Buổi tân gia hôm đó có cả thảy mười sáu mười bảy người ăn, chớ không phải chỉ có ông Tôkubê và tôi, như ông sắp hỏi đâu.
Làm theo đúng lời tôi dạy, ông Yên đặt hai thợ nấu ăn tại một nhà hàng lớn ở đường Trần Hưng Ðạo.
Từ mười hai giờ trưa, họ chở một xe đồ nghề, soong chảo và lò dầu lửa cùng với hai mâm thịt thà đồ nấu đã cắt thái sẵn sàng; đến nơi chỉ việc nhóm lò lên thổi nấu. Trong lúc họ bắt đầu chia ra, người thì bày bàn, cắm bóng, người thì rửa rau, vo gạo, ông Yên đặt bàn thờ tiền chủ lên cái xích đông đóng sẵn ở gian trong nhà dưới, còn bàn thờ thổ địa thì để ở ngoài hàng hiên trông ra cửa rồi bày trái cây, rót rượu, đốt nhang đèn lên sáng chưng nhà.
Thay quần áo tử tế, tôi ra lễ, lầm nhẫm cầu khấn hồi lâu. Mọi việc xếp đặt chu đáo rồi, tôi ra xem lại một lần nữa hai bàn tiệc thì thấy mọi việc đều vừa ý: tất cả có mười sáu người ăn hôm ấy, thêm tôi nữa là mười bảy, ai ngồi cạnh ai, nhất nhất có ghi vào một mảnh giấy cắm ở trên bàn.
Mười sáu người khách ăn nấy đều là chỗ tôi quen biết thân mật cả.
Ông Tôkubê ngồi ở bên mặt tôi, bên trái là ông bạn có tuổi quen tôi ba chục năm nay, anh em vẫn quen gọi là ông Ba Sang, trước đây cũng ở vùng Chợ Quán nhưng vì từ ngày có cuộc đảo chánh nhà cửa bị cháy cơ nghiệp tan tành nên bỏ đô thành lên Ban Mê Thuộc làm đồn điền cà phê với con rể và con gái, ít khi về Sài Gòn chơi. Lần này nhân có việc nhà cửa đất cát và sang tên bằng khoán cho người mua, ông về đây một tuần. Thừa dịp, ông đi thăm vài bạn cũ vì nghĩ rằng có lẽ không còn dịp nào về nữa phần thì lười nhác không muốn xê dịch lôi thôi, phần thì vì tuổi đã cao rồi – ông đã bảy mươi tư tuổi – đi máy bay mệt quá mà sợ xảy ra chuyện rủi ro thì phiền phức cho con cháu.
Khách ngồi vào bàn khoảng năm giờ chiều.
Hôm ấy trời lại có gió y như gió heo may cữ vào thu ở Bắc nên ai uống rượu cũng thấy ngon. Mười bảy người vô tất cả ba lít đế và bốn năm chai Uýtki, mạc-ten gì đó, tôi cũng không nhớ nữa, nhưng không có một người nào say - kể cả ông Tôkubê nữa.
Ðến khi dùng đồ nước, hầu hết đều khen nhà hàng nấu các món ăn khéo lắm. Mười một giờ hơn, một số khảng tảng ra về - trong số đó có ông Ba Sang, ông Bảy Bích, bà Liên Phát làm xuất nhập cảng ở đường Hàm Nghi. Mười hai giờ, chỉ còn có hai người ở lại là Lăng và giáo sư toán Lê Hồng Tài. Khác hẳn mấy ngày trước đây, ông Trần Hữu Lăng mau mồm mau miệng hơn ngày thường.
Ông nói là ông ăn một bữa cơm vừa bụng lắm, ông không uống cà phê vì sợ mất ngủ và có lẽ vài hôm nữa thì đi ra miền Trung mấy ngày.
Không. Ông Lăng mạnh lắm, không có một mảy may gì tỏ ra bệnh hoạn. Ông cũng không hề đụng chạm một câu nào đến cái đêm ông đánh hai cái bóng ma ở nhà tôi. Có nhiều phần chắc chắn là ông đã bỏ qua chuyện đó, không lưu ý tới nữa.
Nhìn đồng hồ tay thấy đúng mười hai giờ rưỡi, ông đứng lên chào tôi kiếu về. Tôi giữ ông lại nghỉ, sợ rằng say rượu ra ngoài đường gió máy nhỡ xảy ra chuyện gì không hay, ông cười và bảo tôi:
- Ông lầm rồi. Hôm nay, tôi uống thật nhiều thật, nhưng không say chút nào. Ðây này, tôi đi có loạng choạng đâu.
Quả vậy, ông đi rất vững. Chính tôi, cũng lấy làm lạ sao hôm nay ông uống hay như thế. Thường thường, vào những ngày khác, uống như thế thì ông nói nhừ nhừ và đi chuệch chà chuệch choạng. Tuy nhiên, tôi không lấy thế làm lạ chút nào: ai đã uống rượu đều nhận thấy có những hôm ta uống rất nhiều mà chẳng làm sao hết, nhưng có những hôm khác chỉ làm mươi tợp thì đã say rồi, có khi không cất chân lên nổi và ngã ngay nơi bàn tiệc.
Xuống hết thang gác, ông còn đứng lại nói với tôi một giây lâu về công việc. Ông cười khá to, đi ra cửa, theo sau là giáo sư Tài cùng về một đường với ông.
Lúc ấy là mười hai giờ ba mươi lăm phút.
Tôi vừa quay lưng lại sắp bước lên thang gác thì thấy ông Yên thét lên một tiếng dữ dội trong đêm vắng. Giáo sư Tài, đi lui thủi ở đàng trước, cách đó chừng năm bước, quay trở lại xem có chuyện gì thì tôi cũng vừa chạy ra đến cửa.
Ông Trần Hữu Lăng nằm co quắp ở thềm nhà tôi như một đống giẻ rách, mồm há ra như thể muốn kêu mà kêu không được, một chân duỗi ra, một chân co lại, trong cực kỳ thê thảm.
Giáo sư Tài, ông Yên và tôi nâng ông dậy đem vào trong nhà. Người ông lạnh toát. Ông Yên giựt gió, lấy dầu thoa khắp mình mẩy ông Lăng, còn giáo sư Tài thì chạy vội kêu một cái tắc xi đưa vào nhà thương gần đó. Tôi nói với ông Yên:
“- Ông Lăng bị gió độc đấy. Thế lúc ông ấy té, ông có nhìn thấy không?”
“- Tôi nhìn thấy rõ từ đầu đến cuối. Ðúng là ông Lăng chưa bước chân ra khỏi nhà mình, một chân ông còn để ở trong, một chân đương bước qua cái thềm. Lạ không kể đâu cho hết, ông chủ à. Tôi tưởng là tôi mê, nhưng không, không phải là tôi mê đâu. Nhứt định là tôi tỉnh. Mắt tôi nhìn thấy rõ ràng mà”.
“- Nhìn thấy cái gì? Ủa, sao ông nói mà tay run lên bần bật thế?”
“- Vâng, tôi nhìn thấy rõ ràng. Ai nhìn thấy như tôi lúc bấy giờ mà không sợ? Ngay bây giờ tôi còn sợ muốn chết đây này”.
Ðể cho ông Yên thở một giây tôi hỏi:
“- Ông nhìn thấy gì mà sợ vậy? Chắc là thần hồn nát thần tính chớ gì?”
“- Ông chủ muốn nói thế nào thì nói, nhưng nhất định tôi trông thấy đúng in như thế. Ông Lăng còn đương chân trong chân ngoài, chưa ra hẳn thì tự nhiên tôi thấy có một cái gì bốc mù lên ở ngay trên đỉnh đầu ông ta rồi hình như trên trời, trên gác sân hay từ đâu không rõ, có hàng trăm cái roi quất vào mặt ông ta cho đến lúc ông ta ngã sõng soài trên mặt đất”.
Tôi nghĩ thầm: “Ðúng. Lúc khiêng ông Lăng vào trong nhà, mình cũng nhìn thấy còn hằn rất nhiều vết bầm tím trên mặt thật, nhưng không nói ra vì cứ tưởng lá hoa mắt”. Tuy nhiên, tôi cũng làm ra vẻ không tin, nói chọc ông Yên:
“- Ông nói cái gì kì quặc. Roi ở đâu? Mà ai quất. Tại làm sao lai quất ông ta?”
Tức quá, ông Yên trả lời tôi một câu thiếu bình thường:
“- Ông chủ hỏi thế thì ông cố nội tôi cũng không thể trả lời ông được. Tôi trông thấy thế nào thì trình lại đúng thế chớ hỏi tại sao, tôi chịu. Nhưng nói cho đúng y hịch cái lòng tôi nghĩ lúc đó và ngay cả bây giờ nữa, tôi cho là ma, ông ạ. Ma thật”.
Tôi không nói thêm gì nữa, khóa cửa cùng với ông Yên đi vào nhà thương. Giáo sư Tài đứng đợi tôi ở cửa, cho biết là chở ông Lăng gần đến nhà thương thì ông ta hết thở. Ðã đưa vào nhà xác rồi. Sáng mai bác sĩ mới khám nghiệm và cho chôn.
Cả đêm hôm ấy chúng tôi không ngủ được. Giáo sư Tài và tôi bàn tán cho đến sáng bạch về cái chết của ông Trần Hữu Lăng. Trưa hôm sau, bao nhiêu bè bạn xa gần đều biết hung tin đó. Lại một loạt bàn tán nữa: đa số cho là ông trúng gió, một vài người quả quyết ông đứt gân máu, lại có một vài người ngờ rằng ông bị tắc tim, máu không lưu thông được nên chết mau lẹ lắm.
Riêng bác sĩ phụ trách khám nghiệm tử thi tuyệt nhiên không cho biết là ông Lăng chết vì chứng bịnh gì. Ða số bác sĩ vẫn thường có cái tính thâm trầm như thế: biết là người xấu số chết vì bịnh gì rõ ràng rành mạch, nhưng nhất định không chịu tiết lộ cho ai biết, tưởng như nói ra thì người ta biết hết bí mật của nghề y vậy.
Ông Lăng chết rồi, nhưng biết làm sao bây giờ? Vì trước sau ông không hề cho bất cứ ai biết gia đình ông ở tỉnh nào, quận nào ở miền Trung và vợ con ông tên là chi, làm ăn buôn bán gì, nên chúng tôi không có cách nào báo cho biết để họ về đây lo liệu công việc ma chay chôn cất. Cuối cùng, chúng tôi phải góp sức nhau lại lo việc chôn cất ông ta, nhất là giấy tờ, hòm ván, khâm liệm, xin đất xin cát, đưa ra đồng, các bè bạn đều chia nhau ra làm cả, không có một điều đáng tiếc.
Tôi nhớ rõ lúc khâm liệm ở nhà xác, về phía chúng tôi có bốn người trông nom chứng kiến – trong số đó có tôi.
Ông Ômya, ông có biết tôi đã thấy gì không? Ðến cái lạ này, tôi cam đoan với ông rằng ông không thể nào tưởng tượng được.
Xin nhớ rằng lúc ông Lăng vừa té xuống, chính tôi đã khiêng ông vào trong nhà; đến lúc kêu được tắc xi chính tôi đã vực ông lên xe; nghĩa là tôi đã nhìn đã nhìn mặt mũi ông, tay chân ông kĩ lắm.
Vậy mà không hiểu tại sao lúc chứng kiến khâm liệm ông Lăng thì tôi lại thấy toàn thân ông, từ mặt đến chân, nổi lên không biết bao nhiêu vết bầm đen, có nốt ri rỉ máu đã đông lại, có nốt như bị mũi dao cứa da lủng thịt.
Không một người nào hiểu tại sao. Tôi đã thấy những người đứt gân máu, gặp thầy thuốc gà mờ chích thuốc không đúng, làm cho da thịt người bịnh nổi lên những vết tròn tròn, tim tím hay đo đỏ. Tôi lại cũng thấy có những người hoặc uống một chất thuốc gì độc quá hoặc ăn nhung bổ quá, nứt thịt ra rồi từ những vệt nứt đó rỉ ra một thứ nước vàng sanh sánh, có khi lờ mờ máu cá.
Nhưng đến cái xác của ông Lăng thì lạ không thể quan niệm được: những cái vệt trẩy ở trên da thịt ông đúng là vệt dao cắt – không, không phải thế, đúng là vết cứa, vệt đâm của những miễng sành, miểng sứ “ Thế là nghĩa làm sao? Chịu. Không thể nào hiểu nổi.”.
Khâm liệm xong rồi, tôi đem sự kiện đó ra hỏi bác sĩ. Ông đưa ra một loạt chữ la-tinh, nói về máu, về thần kinh, về tuyến để giải thích cho tôi nghe, nhưng rút lại tôi không hiểu gì hơn.
Tôi sẽ còn suy nghĩ và tự đặt nhiều ức huyết. Nhưng thâm tâm thì tôi thấy có một cái gì rờn rờn ở trong đầu; tôi cảm thấy một cách không rõ rệt rằng đây không phải là một chứng bệnh, một trạng thái nào của cái chết, mà là một cài gì huyền bí lắm có liên quan đến cái bóng ma Mệ Hoát và Phương Thảo.
Nhưng liên quan thế nào?
“Tại sao hai cái bóng đàn bà yếu ớt ấy, mà chỉ là cái bóng hư hư thực thực, tại sao hai cái bóng đàn bà yếu ớt đó đó lại có thể lấy cái gì quất vào đầu cổ mặt mũi ông Lăng cho đến chết?”.
Ðến hôm đưa đám, vẫn không có một người bà con nào thân thích của ông Lăng đi dự - trừ những anh em quen thuộc mà chúng tôi đã biết.
Khoảng một tháng sau, tất cả bạn hữu đều quên ông, trừ tôi ra. Không phải vì tôi thương nhớ ông hơn các bạn bè khác nhớ thương ông, nhưng bởi vì tôi có muốn quên đi cũng không thể được vì còn hai cái bóng trắng hiện lên trong nhà.
Chương Mười Bốn
Ấy là vì cứ khi nhìn thấy hai bóng ma đó hiện lên trong nhà thì tôi lại nhớ đến người bạn quá cố là Trần Hữu Lăng tử tế thực thà là thế mà lại đi chết tức tưởi, chết một cách vô nghĩa vô lý thế.
Nói cho đúng, không thiếu gì cái chết vô nghĩa lý ở đời, nhất là trong thời tao loạn như lúc này. Nhưng cái chết của ông Lăng lại còn gài thêm một cái gì huyền bí, kỳ quái làm cho người còn sống khó chịu, bực tức vì nghĩ mãi không thể nào hiểu nổi, không thể nào tìm ra được một ý nghĩa, một lý do.
Là vì tôi yên trí một cách chắn chắn ông Lăng không chết vì bịnh tật.
Sau đó ít lâu, vì nguyên nhân gì không rõ, nhà chức trách áng chừng cũng nghĩ như thế đã mở một cuộc điều tra làm cho tôi và một số bạn hữu phải đi lại cò bót có tới hơn tháng trời, nhưng rốt cuộc lại thì vụ này cũng xếp qua một bên.
Tuy nhiên, vì thế mà cái chết của ông Lăng đã bị quên lãng một thời gian tự nhiên nổi lên trong bọn chúng tôi sau mỗi khi đi cò bót để khai với nhà chức trách. Tôi không hề kể cho nhà chức trách nghe một chút gì về hai cái bóng hiện lên trong nhà tôi và cũng không đả động tới vụ ông Lăng chửi rủa và quăng ly liệng ghế vào hai cái bóng đó, nhưng bây giờ thì tất cả bọn chúng tôi đều biết vụ đó và thường hỏi thăm về hai con ma có còn hiện lên thường như trước nữa không?
Chắc ông bạn chưa quên là trước khi tôi làm lễ tân gia đặt bàn thờ tiền chủ và thổ địa, có một dạo Mệ Hoát và Phương Thảo không thường hiện lên ở nhà tôi. Từ ngày ông Lăng mất, hai cái bóng ấy lại hiện lên thường xuyên, nhưng bây giờ thì họ không lấy chổi quét nhà, hay moi móc trong hộc tủ, khe bàn, không ra gác sân hay với lên xích đông để tìm kiếm đồ vật như trước nữa.
Tôi thấy họ nói với nhau những cái gì lâu lắm rồi cúi xuống, đứng lên như thể bày biện những cái vật gì quý lắm, thế rồi có khi họ biến mất cả tuần lễ, rồi đột ngột một hôm trở lại ra cái vẻ vui hơn thường lệ. Một hôm, Mệ Hoát ngồi xuống cái ghế kê ở trước mặt tôi, nói:
“- Tôi đã bắt đầu tìm được chỗ nó cất giấu rồi ông ạ. Nhưng một trăm phần, may ra còn được năm sáu phần mà thôi, nhưng có còn hơn không, ông ạ. Thể nào tôi cũng trả ơn ông vì ông đối xử với tôi quý hóa vô cùng. Những quân độc ác, ỷ mạnh cậy giàu, đến cướp nhà người ta, hãm hiếp đàn bà con gái, làm cho cả gia đình người ta xáo trộn tan nát, ta không thể nào tha thức được.
Ai tát mình bên mặt, đưa má bên kia cho người ta tát luôn đi… Lấy ân trả oán, oán mới tiêu tan, lấy oán trả oán, oán kia còn mãi….Chèng ơi, tất cả những lời đó nghe đều đẹp cả nhưng có phải ai sinh ra đời cũng là Phật, là Chúa cả đâu…Thấy giáo chủ Mohamed tương đối thực tế hơn: ai đánh mình thì mình đánh lại, nếu không nhịn được…. thầy Tư à, trước khi tôi chết đi, tôi cũng là người…ai đánh thì tôi đánh lại…”
“Chết tôi rồi! Càng ngày tôi lại càng không hiểu được Mệ Hoát nói gì, càng ngày tôi càng thấy hai bóng ma này quá ư rắc rối. Không chừng mình loạn trí mất rồi”.
Tôi nói như thế với một hai người bạn. Ai cũng bảo tôi nói dại.
- Chẳng qua là tại anh cảm xúc về cái chết của Trần Hữu Lăng quá mạnh đó thôi. Thêm một lẽ nữa là vì mệt mỏi vì bận rộn nhiều việc quá. Anh nghỉ ngơi một ít lâu thì lại bình thường ngay chớ gì!
Một ông bạn khác khuyên tôi mỗi buổi tối uống một hai viên thuốc an thần. Nhưng ông Ba Sạng thì nhất định cho thuốc men là bậy hết vì, theo ông, bao nhiêu chuyện xảy ra thế này, hoàn toàn tại vì cái đất hết, cúng kiếng đã đành là tốt đấy, nhưng chẳng có gì hay hơn là dọn béng nhà đi nơi khác mà ở, có phải là chắc bụng không.
Tất cả những “ truyền thuyết” về vùng Chợ Quán, tôi đã nghe và đọc thấy trong các sách vở, tự nhiên lại trở lại trong óc tôi và tôi kêu lên những tiếng nhỏ bé như tiếng trong tổ ong lúc “chia quân”. Tôi hỏi ông Ba Sạng:
- Thưa cụ, theo cụ thì những lời truyền đó, có đúng không? Cụ có tin rằng Chợ Quán có ma nó phá vì nhà cửa ở đó choán đất chùa Miên và đồng ruộng của người Miên?
- Tôi cũng nghe thấy thế. Ngoài ra lại còn nhớ mang máng rằng các cụ ngày xưa còn cho là đất Chợ Quán ở không yên, ma hoành hành dữ dội là vì người ở đấy đã phát nát hai ngôi chùa ngang nhà Thờ Chợ Quán: một là chùa “Kiêm Tiên Tự” sau đổi là “Nhân Sơn Tự” và một là “Chùa Gia Ðiền” bị phá năm 1885.
Trước đây, lúc còn hai ngôi chùa ấy, thiên hạ làm ăn êm ả lắm. Từ ngày chùa bị phá đi, ma quỷ không còn ai coi ra gì nữa, tác ác lộng hành quá cỡ, do đó Chợ Quán thành ra một đất dữ dằn, không kém khu Thuận Kiều ngày trước. Nhưng nói thế không phải tất cả khu Thuận Kiều hay Chợ Quán đều dữ đâu. Ở khu Thuận Kiều đất dữ là cái vùng đồng ruộng khỏi Chợ “Cây Da Thằng Mọi” mà đến bây giờ người ta còn nhắc trong câu hát:
“Cây Da Thằng Mọi, coi bán đủ thuốc Xiêm cau mứt
Cái cầu Cao Miên, thấy làm nguyên cột vắp ván trai”
Còn ở Chợ Quán, đất dữ nhất là cái vùng Kim Tiên Tự ngày trước, và những cái hẻm chung quanh đấy đi ra “Chợ Hôm”, “Chợ Mai”, “Xóm Bột”, “Rạch Bà Ðô”. Lâu lắm, tôi không về đay thành ra không biết tên những con đường mới kêu là gì, nhưng tôi nhớ mang máng ngày trước ở đây có bà người Huế lập một cái Quán tên là “ Quán Bánh Nghệ” ở dưới một gốc me lớn. Bánh nổi tiếng quá đến nổi cả xóm phải lấy cây me làm mục tiêu mà gọi là “Quán Bánh Nghệ của bà người Huế ở xóm cây me mát”.
Chuyện này kéo nhằng ra chuyện nọ, tình cờ, tôi được ông Ba Sạng cho biết về Mệ Hoát - người đàn bà Huế nói vào tai tôi, hiện lên trong nhà tôi, mến thương tôi nhưng từng làm cho tôi loạn óc, muốn vào nhà thương Biên Hòa.
Chương Mười Lăm
Bà người Huế bán bánh nghệ ở xóm Cây Me Mát chính là Mệ Hoát mà chúng ta đã thấy xuất hiện lên cùng với cháu là Phương Thảo tại căn nhà nhỏ của tôi ở khu Chợ Quán. Mệ ở đâu mà lại tới đây lập quán? Theo các cụ kể lại, khu Võ Tánh hiện nay, trước đây, kêu là khu Thuận Kiều. Ở đó có trại Ô Ma, Chợ “Ðiều Khiển”, “Sở nuôi ngựa”, của binh Pháp cất trên một ngôi chùa cũ kêu là “Kim Cương Tự”. Trong thành lính tập Ô Ma, có miếu thờ các công thần nhà Nguyễn lập năm 1804, kêu là “Hiển Trung Từ” có bài vị thờ 1,015 tử sĩ liều mình vì nước. Năm 1927, miếu này được trường Bác Cổ trùng tu.
Qua năm 1930, triều đình Huế cử một đại thần vào trong này tế tự. Ngài cùng đi với phu nhân. Không hiểu vì sao hai ông bà bất đồng quan điểm ra sao (ông thì kêu một ngàn mười lăm tử sỉ ấy là những nhà ái quốc liều mình vì nước trong các trận chống Tây Sơn mà bà, trái lại, lại cho những người ấy mù quáng không biết phân biệt thù với bạn), bà ở lại không trở về Huế nữa, can đảm lập ra cái quán bánh nghệ nói trên và sống với một người cháu (kêu bằng dì nhưng thật ra là cháu nuôi).
Vì không muốn lưu lại một tàn dư với người chồng trước, bà xưng là Mệ Hoát (lấy cớ tên cố sơ là Huyết, phải cữ, nhưng chính thực để khỏi nhắc đến tên chồng cũ là Huyết) nhưng dân ở đó kêu bà là “bà người Huế bán bánh nghệ”. Ai cũng mến thương bà vì không những bà lịch sự khéo ăn khéo ở với lối xóm mà lại còn thông văn sách, đêm đêm rãnh rỗi mà ngâm thơ chữ nôm thì ai cũng phải say mê, mặc dầu không hiểu ý câu thơ phú đó.
Ngoảnh đi ngoảnh lại được mười hai năm trời, cái quán bánh nghệ của bà đã được sửa sang to tát, rồi quên đi một dạo nữa, bà đã xây thêm được ba gian nhà ở cách cái quán bánh nghệ chừng hai trăm thước.
Ba gian nhà ấy, theo lời ông Ba Sạng, tức là chỗ tôi đang mướn ở một gian bây giờ.
Năm 1940, Nhật đổ bộ lên Ðông Dương. Thấy tình hình rối ren, bà không bán quán nữa, giao cho cháu là Phương Thảo trông nom. Còn bà lúc ấy đã già rồi, vào khoảng bảy mươi tư bảy mươi lăm gì đó – thì rút về ở trong giãy nhà ba gian do bà xây cất để ngâm thơ, đọc sách và thỉnh thoảng lại làm một vài thứ mứt, kẹo để trước là thưởng thức sau là đem biếu các bà con trong thôn xóm. Vì bà là một người không những không văn hay chữ tốt mà lại tài nghệ nấu nướng, nhiều sĩ tử lúc bấy giờ thường đến sưởng họa và bàn thời thế, nhưng đặc điểm của bà không phải ở chổ đó.
Bà được nhiều người mến phục, còn vì một điềm khác mà có thể nói là ít có người đàn bà con gái nào sánh được: Mệ Hoát sành đồ cổ đến cái mức mà nhiều người đàn ông chơi đồ cổ lúc bấy giờ đã phải suy tôn là “người có ngọc nhỡn trong khoa chơi đồ ngoạn” và mỗi khi mua sắm thức gì vẫn phải đến hỏi ý kiến hay nhờ bà coi giúp.
Vào lúc bà được ngót bảy mươi hai tuổi, nhà bà là cả một kho tàng cổ ngoạn, đồ nhiều và quý có khi còn hơn cả Viện Bảo Tàng.
Thôi thì không còn thiếu thức gì: lọ lục bình đời Ðường, men Tống Ngọc, thúy hồng, thúy lục, các cỡ ấm, bình, chóe, nước da Ðông Thanh, đỉnh đồng thời Thương, Ân, Châu, Hán nhất nhất đều có, nhưng quý vào bậc nhất là những cổ vật đào tại Trường An, Hàm Dương ở nhà bà cũng có. Thậm chí những nhà chơi đồ cổ nổi tiếng ở Ðế Kinh, Bắc Việt nghe tiếng bà tìm đến, thảy thảy đều phải lấy làm ngạc nhiên sao nhà bà nhiều đồ xưa quý lạ quý đến thế và tự hỏi không biết bà sưu tập tự bao giờ mà có được một kho tàng báu vật lạ lùng đến thế. Có người sưu tập sách cổ; có người mê chim mê đoàn; có người mê tranh mê chữ; nhưng mê cổ ngoạn đến như Mệ Hoát thì có lẽ chưa thấy có ai như vậy.
Thường thường, người ta mê cổ ngoạn vì cho cổ ngoạn là đồ xưa, quý tại cách chế tạo tinh vi đến tột bực mà phương pháp đúc nặn, chế men, pha thuốc đã thất truyền; ngày nay, khoa học dù tân tiến đến cái bực bắn phi đạn lên được cung trăng, thả người xuống hang tháng trời dưới biển cũng không thể nào nhái được cách chế men, pha thuốc ấy hay tìm được phương pháp làm lại cái thể chất của món sành, món sứ y như ngày trước.
Mệ Hoát mê cổ ngoạn, sưu tầm cổ ngoạn suốt đời người không phải chỉ vì thế, nhưng chính vì tin tưởng cổ ngoạn là những cái gì thiêng liêng có muôn ngàn phép thần thông và tiềm tàng những tác dụng phi trường, kỳ bí.
Còn ai không biết chuyện viên ngọc bích Biện Hòa nước Sở đời Chiến Quốc? Sử ký Trung Hoa chép rằng: ngày xưa Tần Thủy Hoàng được ngọc ấy sai thợ gọt thành quả ấn, trên núm trạm năm con rồng và khắc ở dưới tám chữ triện, nguyên chữ của thừa tướng Lý Tư: “Thụ mang vu thiên, kí thọ Vĩnh Xương” để làm “trấn quốc chi bửu ấn”. Một hôm Tần Thủy Hoàng đi tìm thuốc trường sinh qua Dương Tử Giang bị Hà Bá làm cho sóng to gió lớn không thể nào qua được. Tần Thủy Hoàng sai quan cầm cái ấn ngọc ném xuống Dương Tử Giang. Tức thì sóng lặng gió êm; thuyền bè đi lại trên sông thong thả. Việc đó há chẳng đủ chứng tỏ rằng ngọc quý có thể trấn ếm được quỷ thần làm dữ hay ít ra chư thần sông núi thấy ngọc quý củng phải mê mẫn mà là điều tham nhũng đó ư?
Ðến chuyện ngọc tỉ trong Tam Quốc, bọn Thập Thường Thị làm loạn, hiếp bức thiên tử, đem Thiên Ðế ra Bắc Man rồi đánh mất viên ngọc tỉ.
(Tài liệu do Vương Hồng Sển thương thập được đưa ra nói chuyện tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn ngày 30-12-1957).
Sau đó ít lâu, Tôn Kiên thấy hào quang chiếu nơi giếng loạn ở sau đền Kiến Chương, bèn sai người xuống mò, thì tìm thấy ngọc tỉ do bà Hớn Hậu tránh nạn Thập Thường thị ôm ngọc tự trầm dưới giếng. Tôn Kiên vì ham giữ ngọc cho mình nên bị chư hầu hiệp nhau đánh bại, giết đi. Con của Tôn Kiên là Tôn Sách có óc thực tế hơn. Sách nối nghiệp cha, lại là người có chí lớn, đem dâng ngọc ấn cho tướng Viên Thuật, đổi được ba ngàn tinh binh, nhờ đó Sách gây dựng cơ đồ lập nên nghiệp bá, làm chúa đất Ðông Ngô. Như vậy có phải lả cổ ngoạn quý đến cái mức giúp người ta xây dưng được nghiệp lớn không?
Nhân câu chuyện này, sách cũ còn ghi rằng chỉ có người có tài có đức thì ngọc quý mới theo mình, còn những người bạc phúc, kém đức thì ngọc bỏ đi mất.
Thì đó, sau này khi họ Tư Mã đánh thắng ba nước Ngô, Ngụy, Thục tóm thâu thiên hạ làm một mối, dựng nên nước Tấn thì ngọc tỉ lại trở về nước Tấn. Có người là Anh Vương nghiệm ra rằng “luôn luôn ở nước Trung Hoa, đời này kế tiếp đời kia, hòn ngọc bích Biện Hòa, do Tần Thủy Hoàng chế nên ấn truyền quốc ngọc tỉ, ấn ấy được xem là báu, quý nhất trong nước, hễ lọt vào tay ai thì người đó làm vua cả nước Trung Quốc. Lại đến mấy viên ngọc thêu trên lá Trân Châu kì của tướng Ðịch Thanh đời Tống, đi bình Tây Liêu lấy đem về. Anh Vương ghi chép trong sách là mãi mấy trăm năm giữ kín trong kho quốc gia như bao nhiêu vật quí khác mà không biết dùng, qua đến đời nhà Thanh, gặp vua Càn Long là tay lịch duyệt phong lưu nhất đời, vừa thông thạo khoa chơi đồ cổ, vừa có óc tân ký, vua Càn Long bèn lấy ngọc ra kết làm nút áo trên chiếc ngự bào. Những hột ấy như sau:
- Tị thủy châu, có phép cản nước, ngăn nước không cho chảy lan trần ướt át.
- Tị trần châu, có phép kị bụi, kị cát, làm cho trọc khí biến thanh.
- Tị hỏa châu, có tài đón gió, kị bão tố phong ba.
- Ðịnh kiếm châu, đón ngăn kiếm khách đao thương, khiến không chạm được đến mình.
Mặc được cái áo có trạm năm hột nút báu ấy thì khỏi lo nước lửa, gió bụi, đao kiếm chi cũng động chạm đến bản thân.
Nhiều người nghe thấy chuyện ấy cho là hoang đường, dè đâu đến năm 1945, một tờ báo Pháp lại kể chuyện phế đế Phổ Nghi không được chánh phủ Nhật chu cấp đủ dùng, phải đem năm viên bảo ngọc ấy thế chân trong một ngân hàng (hình như là của Nga).
Sưu tầm cổ ngoạn, Mệ Hoát quan niệm cầu kì như thế nhưng ít khi nói ra với người khác. Người đàn bà ấy, bề ngoài khiêm nhượng nhưng thực ra thì ở trong lại cao kỳ, cho rằng có nói ra thì cũng chẳng mấy ai hiểu nổi, nên chỉ giữ ở trong lòng. Do đó, có nhiều người lạ tìm đến mệ xin coi cổ ngoạn, mệ thường cho người ra nói là đi vắng, hoặc có cho vào thì cũng chỉ tiếp cho có lệ mà thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top