VƯỜN NHÀ BÀ


Từ ngày bố Nikita của Masa ra trận, trong thửa vườn già ở gần nhà bà nội những con đường và các luống đất đã mọc đầy ngưu bàng và thìa là, còn cây tầm ma thì dựng thành một bức tường đầy gai góc đến nỗi Masa chẳng dám lại gần.

Bà nội Xêraphima chỉ còn biết thở dài - bà già nua thế sức lực còn đâu mà dẹp cái đám cỏ ấy với những cây cối và bụi rậm ương bướng ấy.

Trong đám cỏ rậm ấy tụ tập những con ong đất suốt ngày kêu vu vu. Đôi khi chúng vụt lên khỏi đám cỏ, và bay thẳng va vào mặt Masa đánh độp rồi bay vút lên cao, cao hơn cả tổ sáo, thích thú vì đã làm Masa sợ hãi. Nhưng chúng khoái chí vô ích, ở trên cao, nơi có những sợi tơ bồ công anh luôn lơ lửng, những con ong đất cũng hết đời. Ở đó những con sáo nhanh nhảu bay tới tớp lấy chúng và nuốt chửng. Và không có con sáo nào bị nghẹn cả mặc dù ong đất con nào cũng béo núc ních.

Trong cái thùng đựng nước mưa ở bên tam cấp có một con ếch sống. Trước đây nước trong vại vẫn dùng để tưới hoa, nhưng bây giờ không ai lấy nước nữa và nước để đọng lâu ngày đã trở nên xanh lè và nóng ấm. Masa thích nhìn vào trong vại, nơi có những con vật gì đó bé tí xíu bơi lặn. Chúng giống như những cái đinh ghim đầu đen bằng thủy tinh bà vẫn thường cắm vào tấm thảm ở đầu giường. Con ếch chiều tối mới chui ra khỏi thùng va phồng má ra ngồi chồm hỗm ở bậc tam cấp nhìn các con sáo. Nó sợ chúng.

Những con sáo thường đánh nhau với các con quạ con và khi đã bình tĩnh lại chúng ngồi rải ra trên các cành cây đoạn bách niên hót ríu rít như những tràng liên thanh. Cái tiếng ríu rít ấy không chỉ làm cho con ếch vốn quen với yên tĩnh mà cả bà cũng phải thấy đau đầu. Bà ra tam cấp mắng lũ sáo, lấy khăn mặt xua chúng. Khi đó những con sáo nhảy lên cành cao hơn, im hơi một lúc, rồi lại bắt chước những người tiều phu cưa gỗ. Như thế lại còn tệ hơn cả những tràng liên thanh.

Con ếch sợ con ễnh ương - thứ ếch nhỏ chuyên sống bám vào gỗ, đùi

to. Nó ngồi trên cành cây dương mắt nhìn và im lặng. Ít khi nó kêu lắm, chỉ họa lúc trời sắp mưa. Lúc đó trong rừng im phăng phắc và nghe thấy tiếng sấm từ bầu trời xa vang lại.

Con chó hung Buinưi lục xục trong chuồng mãi không yên, xéo nát cỏ chán rồi lại thở dài hậm hực - nó hoàn toàn không cần đến những trận mưa.

Buinưi là con vật dút dát - hễ thấy người lạ là nó chui ngay vào ống thông hơi bên nhà và không cách nào nhử nó ra được. Dỗ dành thế nào nó cũng chỉ vẫy đuôi và càng rúc sâu hơn vào bóng tối.

Thế rồi bọn Đức tiến đến gần khu vườn của bà. Lúc đó cụ già Xêmiôn nặng tai đến nhà và đào ở sau bụi tử đinh hương một cái hố lớn.

Cụ Xêmiôn vừa đào vừa chửi bọn Đức, bảo với Masa: "Cháu cứ nhìn ông nhổ nước bọt vào tay đào hố thế này làm gì, tốt hơn là vào nhà giúp bà đóng gói hòm xiểng. Ông sẽ đem chôn xuống đất. Ngày mai ông thắng ngựa, ta đi về Prôlưxôvô."

"Thế sau đó thì sao?" - Masa hỏi. "Bọn Đức không thể đi quá

Prôlưxôvô được," - cụ Xêmiôn trả lời. "- Ở đó có quân ta giữ rồi, bọn

Đức không thể có đường đi được..."

Cụ Xêmiôn đào xong, lại gần cái giếng, múc lên một gầu nước, định uống, nhưng nghĩ sao lại thôi, cụ gọi bà Xêraphima ra chỉ vào gầu nước nói: "Bà xem đấy, đến phải đi khỏi đây thật..."

Bà nhìn vào gầu nước, lắc đầu. Nước giếng bao giờ cũng trong vắt mà bây giờ đầy đất, vỏ cây mục và cả những cây nấm con nữa. Masa không hiểu gì. Bà giải thích là ban đêm đất rung, từ thành giếng rác rưởi rơi xuống. Mặt đất rung như vậy là có đánh nhau ở gần.

Buổi tối cụ Xêmiôn chôn chiếc hòm với các đồ dùng của bà xuống, những chiếc khăn san, chiếc đồng hồ báo thức cũ, những tấm ảnh, những chiếc thìa bạc và cái đồ chơi yêu quý nhất của Masa - hai con gà sống gỗ trên tấm bảng. Một con đen, một con đỏ, cả hai đều có thể mổ hạt tanh tách được.

Buổi sáng cụ Xêmiôn cưỡi con ngựa Tsalô tới, buộc nó vào chiếc xe ở sân rồi đi vào nhà

- để chia tay với ngôi nhà. Nhưng cụ đã không phải chia tay với nó. Một đoàn chiến sĩ đông đúc đi ngang qua nhà. Tất cả đều đội mũ sắt, đen sạm, đầy bụi bặm và vui vẻ. Cụ Xêmiôn xách ra cổng nhà một xô nước uống. Masa mang ra chiếc ca.

Các chiến sĩ dừng lại lau mồ hôi, uống nước và kể chuyện đêm qua mặt trận quân Đức đã bị chọc thủng, chúng đang rút lui, vứt bỏ cả đại bác và tiểu liên, và bây giờ - hoàn toàn yên tĩnh rồi - có thể đào chiếc hòm lên và sống bình yên được rồi. Đất của ta quyết không để cho quân Đức chiếm!

Bà Xêraphima cứ khóc mãi, nhìn theo các anh chiến sĩ, nhìn vào đằng lưng cháy nắng đầy bụi của các anh làm dấu phép như trước đây đã làm dấu phép cho bố Nikita của Masa. Cụ Xêmiôn lại nổi cáu bảo: "Bà Xêraphima Petrôpna. Bà chẳng hiểu đúng tí nào cả. Buồn bà cũng khóc, vui bà cũng khóc, như thế theo tôi không được đâu".

Sau đó những chiếc máy bay bay đến lượn trên các thửa rừng, trên các nóc nhà, thân lấp lánh, tiếng máy gầm rú đến nỗi những con ong đất trong vườn nằm ngửa cả người lên và giả vờ chết vì sợ quá. Masa biết rõ quá cái tính láu vặt của chúng.

Những con sáo tụ lại ở tít trên ngọn cây đoạn đùa nghịch với Masa, làm rụng cả hoa đoạn, ngửa cổ lên nhìn những chiếc máy bay và kêu ríu rít: "A, a quân ta, a, a, quân ta...".

Sáng hôm sau một anh chiến sĩ tay buộc băng bước vào sân ngồi xuống bên bậc tam cấp, bỏ chiếc mũ sắt ra và nói:

- Xin bà con cho phép chiến sĩ cận vệ bị thương ngồi nghỉ nhờ một lát. Bà gọi anh chiến sĩ vào nhà, đưa anh đến bên bàn.

Anh đi lại trong phòng, nhẹ nhàng nhấc đôi ủng. Căn phòng lập tức xực lên mùi bánh mỳ mùi thuốc và ngải cứu.

Anh chiến sĩ xin lỗi vì đã làm rơi vụn bánh xuống sàn nhà, anh ăn

bằng một tay nên lúng túng. Masa cắt bánh và thức ăn cho anh ăn. Bà hí hoáy đun ấm xamôva, lấy ra từ trong tầng ong thứ mật ong đen xẫm.

Anh chiến sĩ thấy mật hít thở căng cả lồng ngực - thứ mật này mới thật quý!

Buinưi ngồi ngoài bậc cửa, bối rối nhìn anh chiến sĩ rồi lại nhìn những mẩu bánh vụn trên sàn, nhưng không dám lại nhặt, chắc nó nghĩ làm thế là không lịch sự với anh chiến sĩ.

Ăn xong anh chiến sĩ cảm ơn rồi lại ra bậc tam cấp ngồi nghỉ hút thuốc. Khói lam tỏa trên thửa vườn. Hàng chục con nhện treo mình lộn ngược trên những sợi tơ lơ lửng trên đầu, kinh hãi chạy tít lên cao, cuốn theo những sợi tơ. Những con sáo lặng yên nhìn anh chiến sĩ từ bên trái, bên phải rồi chúng cười, ríu rít nhả ra hàng tràng liên thanh. Anh chiến sĩ nhìn vào thùng nước thấy những con vật nhỏ tí đầu đinh ghim và con ếch bèn cười và bảo:

- Đấy, chú làm những cái thìa như thế này, - anh chiến sĩ nói: Đẽo từ gỗ đoạn. Chỉ có tô màu thì chú không biết làm. Cái đó thì cô em gái chú là Đasa hay làm

Bà phàn nàn với anh chiến sĩ là vườn mọc hoang dại hết cả, nhưng anh chiến sĩ không lấy thế làm phiền lòng, ngược lại lại vỗ về bà, anh bảo:

- Vườn của cụ thích lắm. Cứ để cho nó nghỉ ngơi cho đến khi con trai cụ ở mặt trận về. Cả đất đai và cây cỏ đều cần phải nghỉ ngơi, để lấy lại sức lực.

Ở ngoài nắng ấm áp và buồn ngủ, từ trên những bậc tam cấp nhựa cây đoạn rỏ xuống. Người anh chiến sĩ đu đưa; anh ngủ gật. Bà định đưa anh vào ngủ trên đivăng trong phòng, nhưng anh chiến sĩ nhất định không chịu và xin nếu có thể cho anh lên ngủ trên gác xép.

- Con thích ngủ ở trên gác xép. Co duỗi thoải mái. Trên đó khô ráo lại gần mặt trời nó ấm áp. Lại có gió thổi vào cửa thông gió. Tuyệt lắm.

Masa đưa anh chiến sĩ lên gác xép. Ở đó trải đầy cỏ khô. Anh trải tấm áo choàng lên đó và nằm xuống. Lập tức từ ống khói bay ra những con ong trắng và bắt đầu lượn tròn trên đầu anh chiến sĩ. Masa kinh hãi:

- Chúng không cho chú ngủ đâu! - Em nói, - chúng nó đốt đấy.

- Nó không động đến người chú đâu, - anh chiến sĩ nói, vì vết thương của chú có bôi thuốc. Chúng sợ mùi thuốc mà. Còn muốn ngủ mau chú đã có cách rồi.

- Cách à? - Masa hỏi.

- Chú sẽ đếm những chiếc lá cây, - anh chiến sĩ trả lời. - Kìa, trên cây đoạn sau ống thông gió kia kìa. Chú đếm đến một trăm là ngủ thôi.

Masa chào anh chiến sĩ, thận trọng bước xuống cầu thang gác xép cọt kẹt. Qua cửa sổ kính mùi hoa đoạn ngọt ngào bay vào.

Khi Masa dừng lại ở cuối cầu thang đã nghe thấy tiếng ngáy khe khẽ; những con ong vò vẽ đã yên lặng bay vào ống khói bếp lò.

Masa bước ra vườn và nhìn lên cây đoạn bật cười: Ôi làm sao mà đếm hết những chiếc lá đoạn được! Chúng nhiều đến hàng nghìn, hàng nghìn, đến nỗi nắng cũng không thể xuyên qua được. Chú chiến sĩ này ngộ thật.

1945

MỘNG QUỲNH dịch


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #hyin