LỜI CẦU NGUYỆN CỦA MADAM BÔVÊ

Ai cũng gọi bà là madam, kể cả anh chở nước thuê Phêđô. Sáng sáng Phêđô chở chiếc thùng tô-nô nước màu xanh lá cây tới biệt thự ở ngoại ô Macxơva, nơi madam ở.

Madam thường ra giúp Phêđô chuyển vào thùng con và mang mẩu bánh mì cho con ngựa chạ kéo xe già yếu. Con ngựa đang ngủ gà ngủ gật bỗng choàng tỉnh, thận trọng hươi cái mõm ấm ra đón miếng bánh trong tay madam, nhai rất lâu và hướng về phía mađam mà gật gật cái đầu.

- Ôi! - Madam cười. - Con ngựa già này nó lại cảm ơn tôi kìa!

Madam không biết rằng có những người hàng xóm cũng gọi bà, Mađam Gian Bôvê, là "con nghẽo già".

Madam đã có tuổi nhưng nói năng, đi lại vẫn nhanh nhẹn và có đôi má hồng hào đến nỗi người ta phải lầm và đoán bà ít tuổi hơn nhiều so với sự thực.

Từ lâu rồi, madam đã sống ở Nga trong những gia đình xa lạ, dạy trẻ con tiếng Pháp, ngâm nga đọc cho chúng nghe chuyện ngụ ngôn của La Fôngten (1) đưa chúng đi chơi và dạy chúng cách xử thế. Cuối cùng madam rồi cũng quên hẳn miền Normanđi, nơi đó xưa kia bà còn là một con bé cao lẳng ngẳng.

(1) Jean de la Fontaine 1621- 1695, nhà viết ngụ ngôn nổi tiếng của Pháp

Khi quân Đức từ phía bắc vòng qua chiến tuyến Maginô và ùa vào nước Pháp, khi quân đội Pháp bị các ông tướng phản bội đã đầu hàng và Pari thất thủ, madam không nói một lời. Sáng hôm ấy bà không ra ngoài uống trà.

Lũ trẻ - hai đứa con gái - thì thầm kể cho cha mẹ nghe rằng chúng nhìn thấy mađam quỳ ở trong phòng, trước cửa sổ trông ra rừng và khóc.

Trong rừng có chim cu cu kêu. Rừng rậm. Mỗi khi cu cu kêu, trong rừng sâu lại có tiếng vọng.

- Giờ thì madam chả bao giờ thôi khóc đâu.

Đứa con gái lớn có đôi đuôi tóc tết cháy nắng nói với bố.

- Tại sao?

- Bởi vì madam chẳng còn nước Pháp nữa.

Đứa con gái trả lời và nghịch đuôi tóc tết.

- Đừng làm tuột bím tóc. - Người cha trả lời. - Nước Pháp vẫn còn.

Mãi đến bữa trưa, madam mới rời phòng mình. Bà ngồi ở bàn, nghiêm nghị và lạnh lùng. Môi bà mím chặt và màu hồng đã biến mất trên đôi gò má nhỏ.

Không ai dám cất lời nói đến nước Pháp. Madam cũng im lặng.

Mùa hè năm sau, Đức tấn công Liên Xô. Phi cơ Đức ào ào bay đến Maxcơva. Những trái bom nặng rơi xuống gần biệt thự.

Trong thời gian khó khăn đó, ai cũng phải ngạc nhiên vì sự hối hả của madam. Từ sáng tinh mơ cho đến đêm bà chăm lo mọi việc: đi Maxcơva mua thực phẩm, giặt giũ, vá quần áo, làm những bữa cơm đạm bạc và khâu áo trấn thủ cho chiến sĩ. - Và lúc nào cũng vậy, madam vừa bận rộn làm vừa hát khe khẽ một bài hát Pháp: "Quand les lilas refleuriront(*)".

(*) Khi nào hoa tử đinh hương lại nở.

- "Khi những cây tử đinh hương nở hoa" -Đứa con gái lớn dịch lời bài hát - Sao lúc nào madam cũng cứ hát mãi bài ấy hở madam?

Madam trả lời:

- Ồ, đó là một bài hát cũ. Khi nào cần phải nhẫn nại chờ đợi rất lâu một cái gì đó, bà mẹ đáng thương của ta vẫn thường bảo ta: "Không hề gì, Gian ạ, con đừng nóng ruột, khi nào tử đinh hương nở hoa thì cái đó sẽ đến."

Đứa con gái hỏi:

- Thế bây giờ madam đang đợi gì?

- Đừng hỏi ta chuyện đó. - Madam trả lời và nhìn con bé bằng cặp mắt xám, nghiêm nghị.

- Hiểu không? Con bé gật đầu và chạy đi. Từ đó nó, cũng như mađam, bắt đầu hát bài hát về hoa tử đinh hương nở. Nó thích bài hát ấy. Con bé càng ngày càng mơ thấy nhiều thêm một mùa xuân huy hoàng, những khu vườn yên lặng ban mai và những bụi tử đinh hương bên hồ. Quand les lilas...quand les lilas refleuriront... refleuriront(*).

(*)Khi hoa tử đinh hương...khi hoa tử đinh hương lại nở hoa... lại nở hoa.

*

Về cuối xuân năm 1944 trời ấm áp và trong trẻo nhờ những trận mưa ngắn thường có. Đến đầu tháng sáu thì tử đinh hương đã khai hoa trong khu vườn gần biệt thự.

Sương phủ đầy những chùm tử đinh hương lạnh ngắt và nếu ai ngửi hoa, người ấy sẽ bị ướt hết mặt. Chim chóc gọi nhau ở trong rừng. Một con chim lạ được người ta đặt cho cái biệt hiệu "bác thợ đồng hồ", làm mọi người vui. "Tơ r.r.r...- tơ r.r.r...- tơ r.r.r...". Nó kêu như vậy và cái tiếng kêu lanh lảnh ấy giống hệt tiếng vặn khóa lên dây đồng hồ treo.

Nhưng đẹp nhất là những lúc trời còn tranh tối tranh sáng và mặt trăng mờ mờ hơi sương vừa nhô lên khỏi những khu rừng bạch dương ẩm thấp. Trên bầu trời buổi tối hằn rõ bóng những cành liễu mảnh dẻ. Những đêm mây trắng đứng yên trên rừng và tỏa một ánh sáng yếu ớt trong bầu không khí màu xám đen phơn phớt xanh. Rồi đêm tràn ngập không khí mát mẻ và mùi nước đưa hương bắt đầu ngự trị trên mặt đất bao la đã trở nên im lặng.

Madam đặt trẻ con ngủ rồi ra vườn, ngồi nghỉ trên chiếc ghế dài bên cạnh một bụi tử đinh hương và chăm chú nghe ngóng. Tiếng động xa xa của những con tàu ngoại ô, tiếng người đi trên đường cái lao xao vẳng đến tai bà. Không một vật gì ở chung quanh nhắc bà nghĩ đến chiến tranh nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn, nặng nề và khắc nghiệt. Và có lẽ vì thế, trong mùa hè năm nay người ta mới cảm thấy rõ hơn, mạnh hơn, cái đẹp của rừng, tiếng chim kêu, bầu trời đầy sao.

Cũng vào mùa xuân năm ấy, lần đầu tiên mađam đi tới nhà thờ làng bên. Hôm đó là ngày lễ Ba Ngôi. Nhà thờ được trang hoàng bằng bạch dương. Người ta rắc cỏ lên trên nền đá. Cỏ bị chân người dẫm nát xông lên một hương ngọt và buồn, hương mùa thu, hương lá héo.

Cha xứ già khọm làm lễ một cách vất vả, chậm chạp, nhờ đó mađam hiểu được nhiều. Bà thở dài khi nghe cha cầu nguyện "cho không khí được trong lành, cho mùa màng được bội thu và cho những thời gian yên ổn được lâu dài". Biết đến bao giờ những thời gian ấy sẽ tới với đất nước xa lắc xa lơ của bà, đất nước mà bà đã gần như quên hẳn!

Tối hôm đó madam ra vườn muộn hơn thường lệ. Bà chủ nhà đi Maxcơva vắng và madam phải làm việc nhiều hơn mọi ngày.

Trong vườn rất yên lặng. Trăng hắt những bóng trong vắt xuống mặt đất.

Madam ngồi suy nghĩ, hai tay đặt trên đầu gối. Rồi bà quay lại và đứng hẳn dậy, có ai chạy ngang biệt thự. Mađam đến bên hàng rào và trông thấy thằng bé hàng xóm Vania.

-Vania! - Madam gọi.

Thằng bé chạy qua, kêu lên:

- Cháu vừa ở Maxcơva về. Cuộc đổ bộ đã bắt đầu! Sáng hôm nay! Đổ bộ lên Normanđi! Có thế chứ!

- Sao? Sao? Madam hỏi nhưng thằng bé không trả lời cứ chạy. Madam nắm chặt tay, đi rất nhanh về phòng mình. Trong phòng ăn, ông chủ nhà, như thường lệ, đang đọc sách bên cốc nước chè lạnh ngắt.

Madam đứng lại trong khoảnh khắc và thở hổn hển, bà nói rất nhanh:

-Họ đã đổ bộ... ở nước tôi... ở Normanđi. Tôi đã bảo mà... Quand les lilas refleuriront.

Ông chủ nhà ném cuốn sách lên bàn, đứng phắt dậy ngơ ngác nhìn theo mađam. Ông xoa tóc rối bù lên và lẩm bẩm: "Cừ thật!" rồi đi sang biệt thự bên cạnh hỏi thăm tin tức.

Một giờ sau ông trở về và dừng lại ở ngay ngưỡng cửa phòng ăn. Căn phòng sáng rực. Mọi ngọn đèn đều đã được bật lên. Trên chiếc dương cầm những cây nến bằng sáp ong cháy sáng và bốc khói. Cái bàn tròn đã được phủ khăn dày trắng toát. Trên bàn lấp lánh màu thủy tinh đen của hai chai sâm banh.

Và ở khắp nơi: trên bàn, trên cửa sổ, trên dương cầm, trên sân, hoa tử đinh hương cắm đầy bình, lọ, chậu thau và cả trong chiếc xô nước bằng gỗ sồi.

Mađam đang đặt ly lên bàn. Ông chủ nhà ngạc nhiên nhìn bà và im lặng. Ông không nhận ra mađam già của ông, người lúc nào cũng lo lắng, lúc nào cũng tất tả với đôi bàn tay đỏ lên vì công việc, trong người đàn bà nhỏ nhắn, tóc bạc, bận chiếc áo dài lụa xám. Những chiếc áo dài duyên dáng nhưng đã lỗi thời ấy ông chỉ thấy trong những buổi dạ hội và những cuộc vui gia đình khi ông còn nhỏ. Chuỗi hạt trai sáng lấp lánh lên trên nền lụa và chiếc quạt đen treo lủng lẳng bằng một sợi dây chuyền vàng gập lại với một tiếng động còn trong tay bà khi mađam trông thấy ông chủ nhà, mỉm cười và ấp úng:

- Xin mơxiơ (2) tha lỗi,nhưng tôi thiết nghĩ nhân việc này ta có thể đánh thức lũ trẻ dậy một lát...

(2) Tiếng Pháp : Ông

- Vâng, tất nhiên!

Ông chủ lẩm bẩm nhưng vẫn chưa hiểu gì hết:

Madam ra khỏi phòng rồi, mà một hương thơm nhẹ nhàng, chắc là nước hoa Pari, vẫn còn lại.

"Sao thế nhỉ! - Ông chủ nghĩ - Đôi mắt sáng long lanh, nụ cười, dáng điệu thoải mái khi bà ta gập chiếc quạt lại! Những cái đó ở đâu ra? Trời, hẳn lúc còn trẻ bà ta phải đẹp lắm! Lại còn chiếc áo dài nữa. Chiếc áo duy nhất mà bà mặc trong buổi dạ hội khiêu vũ duy nhất ở Can hay ở Grăngvin. Đến giờ mà không ai trong nhà này biết madam có chiếc áo ấy, chuỗi hạt trai ấy, cái quạt ấy và nước hoa ấy. Còn những chai sâm banh này nữa, bà ta đã giấu ở đâu?"

Lũ trẻ đã xuống, ngạc nhiên và bối rối, madam nhanh nhẹn bước theo sau chúng, ngồi xuống trước chiếc dương cầm, sửa lại mái tóc và bắt đầu chơi.

Phải, ông chủ nhà đã đoán đúng! Bao giờ cũng vậy, tim ông se lại khi nghe thấy điệu nhạc ròn rã làm người nghe ngây ngất.

Vùng lên vì T quc
Ngày vinh quang đã t
i!

Ông chủ nhà vừa nghe vừa mở sâm banh. Hai đứa con gái đứng nép vào nhau ở giữa phòng ăn, mắt long lanh nhìn madam.

Hãy cầm lấy vũ khí, hỡi các công dân!

Bài Xac-xây-e (3) vang vang, tràn ngập ngôi nhà, khu vườn và hình như nó tràn ngập cả rừng và đêm tối.

(3) La Marseillaise: Quốc ca của nước Cộng hòa Pháp

Madam khóc, đầu gục xuống, mắt nhắm lại nhưng vẫn tiếp tục dạo đàn.

Cây dương cầm ca những tiếng sấm nhịp nhàng. Họ đang đi! Họ đi, con cái của nước Pháp, những đứa con trai và con gái của một đất nước đẹp tuyệt trần! Họ, những người Pháp vĩ đại, đã từ những nấm mồ đứng dậy để được trông thấy tự do, hạnh phúc và vinh quang của tổ quốc đã bị người ta làm ô nhục.

"Hãy cầm lấy vũ khí, hỡi các công dân!". Gió Normanđi, Buốcgônhơ, Sămpanhơ và Lănggơđốc thổi khô những giọt nước mắt trên má họ, những giọt nước mắt biết ơn hàng nghìn, hàng vạn người lính Anh, lính Nga và lính Mỹ đã lấy cái chết của chính mình để tiêu diệt chết chóc và giành lại cuộc sống, Tổ quốc và danh dự cho một dân tộc cao thượng và đau khổ.

Madam ngừng chơi, vòng tay ôm lấy vai hai đứa trẻ và dẫn chúng đến bên bàn. Chúng nép vào lòng bà, vuốt ve tay bà.

Ông chủ nhà ngồi trong chiếc ghế bành, lấy lòng bàn tay che mắt và cứ để nguyên như thế, không bỏ tay ra, ông uống cạn cốc sâm banh. Đứa con gái nhỏ tưởng ông bị chói mắt vì trong nhà quá sáng.

*

Trời vừa sáng thì đứa con gái lớn đã tỉnh giấc. Nó lặng lẽ trở dậy, mặc quần áo và chạy sang phòng madam

Cửa phòng bỏ ngỏ. Madam mặc chiếc áo dài bằng lụa xám đang quỳ bên cửa sổ, gục đầu vào bậu cửa, tay cũng đặt lên trên đó, thì thào nói khẽ điều gì.

Đứa con gái lắng nghe. Madam thì thầm những tiếng lạ lùng. Con bé không đoán được ngay rằng đó là những lời cầu nguyện.

- Lạy Đức Mẹ Maria Đồng trinh! - Bà thì thầm - Lạy Đức Mẹ Maria Đồng trinh! Hãy cho con lại được trông thấy nước Pháp, được hôn ngưỡng cửa nhà con và lấy hoa tô điểm nấm mồ anh Saclơ yêu dấu của con! Lạy Đức Mẹ Maria Đồng trinh!

Con bé đứng sững nghe bà cầu nguyện. Mặt trời cất mình lên bên kia rừng và những tia nắng đầu tiên đã lấp lánh trên sợi dây chuyền của chiếc quạt vẫn còn lủng lẳng nơi tay mađam.

1945

KIM ÂN dịch



Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #hyin