ĐÁM ĐÔNG TRÊN ĐẠI LỘ BỜ BIỂN
Con tôi, một thiếu phụ trẻ, vốn thích gây ra những chuyện bất ngờ, nói với tôi:
- Khi nào cha đặt chân lên bờ biển Nêapôn thì xin cha hãy đem con matơriôska này tặng em bé gái Ý đầu tiên mà cha gặp.
Tôi đồng ý. Biết đâu việc con tôi nhờ lại chả dẫn đến một sự kiện trữ tình nào đó. Chúng ta đã mất hết thói quen đối với những sự kiện loại đó.
Rất có thể không phải ai cũng hình dung được matơriôska là cái gì. Đó là một con búp bê gỗ, giống như con lật đật. Nó mang hình một cô thôn nữ Nga. Matơrioska rỗng ruột và dễ dàng tách ra làm đôi. Ở trong matơriôska người ta đặt vài Matơriôska nhỏ hơn, đặt theo độ lớn của từng con. Nếu ta đem matơrioska cho một người lạ mặt, thí dụ như một người ngoại quốc, thì chưa chắc anh đã đoán được rằng trong con matơriôska kia còn giấu nhiều con matơriôska giống như thế.
Trước ngày tôi lên đường, con matơriôska choàng khăn san đỏ thắm vẫn đứng trên bàn làm việc của tôi. Thân nó được quét một lượt dày và lấp lánh như làm bằng thủy tinh.
Trong mình con matơriôska còn giấu năm con matơriôska nữa, mỗi con quàng một chiếc khăn san màu khác nhau: xanh lá cây, vàng, xanh lam, tím và sau rốt là con matơriôska nhỏ nhất, nhỏ bằng cái đê, quàng khăn trang kim.
Người thợ cả nông thôn đã tặng cho các matơriôska sắc đẹp Nga: những đôi lông mày đen nhánh như lông hắc điểu thử và màu da hồng như những hòn than rực cháy. Trên đôi mắt xanh của các matơriôska ông vẽ những hàng lông mi dài đến nỗi chúng chỉ cần chớp một cái thôi cũng đủ để những trái tim đàn ông tan nát.
Từ thuở còn thơ tôi đã hình dung Nêapôn một cách khá rõ ràng, thậm chí còn với một số chi tiết.
Trong thực tế Nêapôn hình như đã xê dịch trong không gian và trong màu sắc. Mọi cái mà tôi quen hình dung là ở bên phải thì lại ở bên trái, cái có màu trắng trong tưởng tượng thì lại là màu ô- liu hay màu nâu, còn những đám khói cổ điển trên núi của Vêduyvơ thì đã biến mất hoàn toàn. Vêduyvơ không phun khói đã hai năm. Người ta nói rằng nó vĩnh viễn tắt.
Tàu của chúng tôi cập bến(1) gần lâu đài Caxten - Nuôvô vào lúc sáng sớm. Trên bến túm tụm những cô mụ bận đồ đen và đội khăn trắng(2). Từ xa họ đã hối hả làm dấu và ban phước lành cho tàu chúng tôi.
(1) Đập chắn sóng, động thời dùng làm bến đỗ.
(2) Loại khăn riêng, là cứng bẻ thành hình xòe ra trên đầu nhẵng cô mụ, bà mụ( phụ nữ đi tu kín theo đạo Thiên Chúa).
Bất thình lình một bà Nhất già to béo đi xcutơ(3) đến gần các cô mụ và giận dữ thét lớn. Các cô mụ sợ hãi nhìn quanh rồi lon ton chạy nước kiệu khỏi tàu chúng tôi và lẩn vào trong màn sương sớm của phố phường Nêapôn. Bà Nhất rú máy xcutơ, phóng theo họ.
(3) Loại xe thấp hai bánh hơi, chạy bằng mấy nổ, gọi chung cho các loại xe như
Vespa; Lambretta.
Chắc là đã xảy ra một sự nhầm lẫn, các cô mụ đã đón tiếp và ban phước lành cho một con tàu hoàn toàn không phải là con tàu mà họ chờ đợi.
Đúng như vậy, một lát sau chiếc Palécmô già cỗi, vẹo một bên thành, đến cập bến bên cạnh chúng tôi. Lá cờ Ý đã bạc màu ủ rũ treo phía lái. Tàu Palécmô chở những người hành hương từ Palextin đến viếng mộ Chúa.
Từ tàu Palécmô bay ra mùi bã cà phê và mùi lađan(4). Trong các phòng treo những cây thánh giá đen và những bó nhỏ cỏ gai. Đó là những giống mao thảo và cỏ gai, thức ăn thảm hại của lạc đà, cừu, những loại cỏ cứng như gỗ của sa mạc.
(4) Một thứ nhựa cây ở đảo Crếp dùng làm thuốc hay hương phẩm.
Palécmô đổ những người hành hương lên bộ rồi lập tức dựa vào bến, ngủ thiếp đi. Thỉnh thoảng nó lại khoan khoái xả hơi nước. Những cây rong biển xù xì rậm rịt treo mình lủng lẳng nơi đáy tàu sơn đỏ, tưởng chừng con tàu già khọm này đã mệt mỏi với chuyến đi dài kia đến nỗi nó chẳng còn đủ sức để cạo rêu.
Nhưng rủi cho Palécmô. Người ta không cho nó ngủ được lấy nửa
tiếng. Hai chiếc tàu dắt lỗ mãng với những ống khói lệch về một phía đến bên Palécmô, móc dây cáp vào con tàu còn đang mê ngủ, kéo nó ra khỏi bến để lấy chỗ cho chiếc tàu Hoa Kỳ "Tổng thống Huve"(5).
(5) Herbert Charles Hoover: Tổng thống Hoa Kỳ từ 1929- 1933.
Anh chàng Hoa Kỳ nọ trắng, dài và đáng ngán. Nó chở tới Nêapôn các du khách, phần lớn là những người đứng tuổi. Trên boong, những bà quý phái bự phấn đi đi lại lại, lạch bạch trong những bộ quần áo tắm nhăn nhúm với những cặp kính râm đủ mọi hình thù quái dị: hình con dơi, hình bình hành, hình những con bướm nhiệt đới và hình dù nhảy. Bọn đàn ông mặc quần đùi đi lại không hề ngượng ngập với đôi chân gà trống xanh lợt của mình.
Nhưng ở đây, ở Nêapôn nơi màu sắc trời mây và biển đang biến toàn thế giới hữu hình thành một làn khói lam uyển chuyển, và đêm đêm nức nở giọng những người hát rong trên các phố, cái lạ đồng thời cũng khó chịu nhất chính là ở chỗ lũ đàn ông và đàn bà Hoa Kỳ kia hóa ra là những kẻ đáng ngán và vô vị hết chỗ nói và tất nhiên, là những kẻ không chịu từ bỏ lấy một chút gì trong những thói quen hủ lậu của họ. Đối với họ, thế giới này chẳng có gì đáng ngạc nhiên hết. Đất đai đã không cho họ đủ sở cứ để mà khâm phục, mặc dầu thỉnh thoảng nó cũng xứng với những cái vỗ vai khích lệ.
Qua gian phòng hải quan rộng lớn với hình những con thuyền buôn đời xưa bằng gạch chắp trên nền, chúng tôi bước ra đập chắn sóng và đặt chân lên đất Ý. Đất lát đá củ đậu thông thường. Từng đàn bồ câu lang thang trên những hòn đá.
Những viên cảnh sát đội mũ cát trắng, thắt lưng trắng nhìn chúng tôi một cách chăm chú chờ đợi. Thỉnh thoảng cặp mắt của họ như cầu khẩn chúng tôi điều gì mà chúng tôi không sao hiểu. Một lát sau mới vỡ lẽ rằng những viên cảnh sát muốn xin chúng tôi đồ lưu niệm Maxcơva ("Suveniro đe Moska"), nhất là những huy hiệu có cảnh cung Kremli. Hỏi thẳng thì họ không dám.
Tôi đi ra đại lộ Bờ Biển. Tôi không quên em bé gái người Ý và mang theo con matơriôska bọc trong giấy mỏng. Những nhà sưu tầm đồ lưu niệm còn lặng lẽ lẽo đẽo đi theo chúng tôi với vẻ trách móc một lát rồi mới chịu rớt lại.
Tôi không gặp ngay lúc đó một em bé gái nào hết. Nói cho đúng, rất có thể tôi đã bỏ quên mà không thấy em bé đó vì tôi cứ dừng lại và nhìn vào mãi trong những phố rẽ ra đại lộ Bờ Biển.
Những đường phố sâu thẳm có vẻ bí hiểm và lôi cuốn. Nó lôi cuốn bởi sự hỗn tạp chằng chịt một cách dị kỳ những cột cuốn lớn với những cành thủy tùng đen, những biển quảng cáo ầm ĩ với những tia nước hoàn toàn trong vắt tựa pha lê ở các bồn phun những nữ thần vú nở có cánh ở mặt tiền các nhà với ánh lấp lánh nhiều màu cửa kính của nhà thờ, những mái che bằng vải kẻ xọc trên những quán cà phê với mùi hoa trúc đào ngào ngạt làm ta mê mẩn. Những bông hoa màu hồng của chúng khẽ lung lay trước những cơn gió xe hơi liên tiếp. Như những dòng sông, phố phường mang ra đại lộ Bờ Biển nóng bỏng một luồng không khí lạnh lẽo từ những tòa nhà cẩm thạch.
Vẫn không thấy em bé gái nào. Tôi hờn giận mà nghĩ rằng hẳn em bé đã lẩn qua tôi mà tôi không nhận thấy. Cuối cùng tôi buộc lòng phải phớt lờ cảnh phố phường ven bờ và nhìn dọc theo đại lộ Bờ Biển. Trước tiên, mắt tôi tối sầm lại vì ánh nắng đậm đặc, rồi lại hoa lên trước những cành hoa lạ được bày bán ở dọc đường, để rồi cuối cùng tôi đã gặp em.
Trên đường đi tới những bờ biển của nước Ý, đôi lúc tôi đã hình dung ra em bé gái đầu tiên mà tôi sẽ gặp ở Nêapôn. Trong trí tôi, em giống như cô gái hái nho trẻ trong bức tranh nổi tiếng của Briulốp, cũng mớ tóc xanh lấp lánh tràn trề ánh nắng ấy, cũng đôi mắt tinh quái và đôi má đào ngăm đen ấy.
Cô bé lúc này đang đi về phía tôi hoàn toàn không giống như thế. Em độ lên mười. Em dắt theo một chú nhóc. Chú bé cứ liếc mãi một cái gì đó đang làm trí tưởng tượng của chú sửng sốt và vì thế chú đi ngang như cua. Cô bé phải lôi chú xềnh xệch và giận dữ mắng mỏ chú.
Cảnh tượng sau lưng chú tất nhiên không phải là cảnh hoàn toàn bình thường. Người ta đang kéo một anh lừa đầu hói lên một chiếc tàu thủy nhỏ (chắc chiếc tàu ấy đi không xa, nó chỉ đến Xorrientô hoặc Caxtellamarê). Anh lừa không chịu bước lên cầu gỗ, anh ta chống cả bốn chân xuống mà cưỡng lại, rồi nấc lên một cách đáng tởm vì tức giận. Cuối cùng người ta buộc dải đeo vào thân anh ta và câu lên tàu bằng một trục kéo hơi nước. Hẳn người ta làm như vậy chỉ để nghịch chơi.
Cái trục kéo kêu kèn kẹt. Hơi nước phả ra từ cần trục. Những tay khuân vác ở bến cảng bận sơ mi sặc sỡ huýt sáo và vỗ tay hoan hô anh lừa, nhưng anh ta không mảy may chú ý đến chuyện đó.
Tôi nhìn cô bé. Em đẹp hơn cô gái hái nho của Briulốp - giản dị, nghèo và đẹp hơn hẳn.
Em mặc quần áo đen cũ kỹ đã sờn hai khuỷu tay, đi đôi tất màu sáng đã mạng và một đôi dép cũ, cũng đen. Và tất cả những vật màu đen ấy ăn nhập một cách kỳ lạ với khuôn mặt gầy, xanh và đôi bím tóc không ngờ lại sáng và hơi hung đỏ tết bằng những nút cẩu thả buông lơi trên ngực.
Khi em lại gần, tôi gỡ lần giấy bọc mỏng tang và lôi ở trong đó ra con matơriôska.
Em bé nhìn thấy con matơriôska thì dừng lại và mỉm cười, những ngón tay ngăm đen ôm lấy ngực. Vì sao em cười, tôi không rõ. Có thể em cười với sắc đẹp của cái đồ chơi lạ mắt đang rực lên trong nắng Nêapôn. Người ta thường cười như thế khi những giấc mơ mà họ yêu mến hoặc những giấc mơ tức cười của họ biến thành sự thực.
Tôi chìa con matơriôska cho em. Em không cầm. Em thôi không cười nữa, em nhíu đôi lông mày màu sẫm lại và sợ sệt chạy tạt qua một bên. Tôi nắm lấy tay em và gần như cưỡng ép bắt em phải cầm lấy.
Em cúi đầu, ngồi xuống và nói rất khẽ:
- Graxiê, xinhôrô.(6)
(6) Cảm ơn ông ( tiếng Ý).
Em lại ngồi xuống và ngước đôi mắt ướt sáng long lanh lên nhìn tôi. Lúc đó tôi khó mà tin được rằng em lại có thể mừng rỡ đến thế chỉ vì một vật nhỏ nhặt như con matơriôska. Nhưng rồi nhìn gần, tôi thấy cặp xương quai xanh gầy guộc hiện lên dưới lần áo mỏng nặc mùi madút, tôi còn nhìn thấy những dấu hiệu khác của sự nghèo nàn nhẫn nhục và tôi tin rằng đối với một em bé gái như thế con matơriôska quả thực đã là một niềm vui lớn. Lúc đó tôi chưa được thấy những khu phố hôi thối vì rau mục của Nêapôn, chưa thấy cả khu ngoại ô phía bắc thành phố, nơi khói vàng tươi sặc mùi a- xít lơ lửng trên những vùng hoang vắng. Thế mà ở tất cả những nơi đó người ta đang sống. Tất cả những cái đó sau này tôi mới thấy, còn ngay giờ đây Nêapôn đang lấp lánh một cách tư lự, hào phóng trả lại cho biển ánh lấp lánh mà biển đã đổ tràn lên thành phố.
Cô bé cứ cám ơn tôi mãi. Chú bé thì còn nhỏ quá đến nỗi chú có ngẩng đầu lên mấy, có cố gắng mấy chú cũng không nhìn thấy được chuyện gì đã xảy ra với chị chú, không nhìn thấy con matơriôska. Nhưng dù sao mặc lòng, chú cũng cứ bắt chước chị, từ phía dưới, từ đầu gối chị chú, chú ồm ồm nói lên bằng giọng trầm.
Tôi cúi xuống chú bé, nhưng cùng lúc đó có người nào đó đứng bên đã ôm lấy cổ tôi, nhìn vào mặt tôi và tôi trông thấy bên mình một đôi môi rắn chắc đang cười và một cặp mắt to sung sướng.
Một thiếu phụ trẻ, chắc là một cô gái nông thôn, mặc váy xanh có viền ren ở gấu với chiếc khăn voan mỏng màu đen choàng trên vai, áp một bên má nóng hổi của cô vào má tôi trong giây lát và nói bằng một giọng cổ êm ái cũng những chữ ấy:
Đó là một trong những cô bán hoa ở đại lộ Bờ Biển. Cô đã chạy đến bên tôi và cảm ơn tôi vì tôi đã tặng một em bé gái người Ý, thứ đồ chơi hiếm có như thế. Một phút sau, cái đám đông đủ mọi màu sắc của những cô bán hàng đã ơi ới gọi nhau xung quanh tôi. Họ bỏ liều những mẹt cam, những mẹt san hô rẻ tiền, những mẹt hoa, băng lụa, kẹo cao su Mỹ và thuốc lá. Họ vỗ vai tôi, ôm lấy tôi, lớn tiếng nói thẳng vào mặt tôi một điều gì đó và mắt họ cười tít.
Con matơriôska được chuyền từ tay này qua tay khác. Những người đàn bà nhìn nó như nhìn vào mặt trời, lấy lòng bàn tay che mắt và chặc chặc lưỡi vì thán phục. Họ hỏi săn hỏi đón em bé, chúc mừng em và sửa lại bộ áo cũ kỹ cho em. Một thiếu phụ trong bọn nhanh nhẹn tết lại bím tóc cho em và thắt vào đó một dải băng màu da cam.
Những người đàn bà ra sức trang điểm cho em bé, thậm chí họ còn gài vào áo em một nụ hồng vàng. Và thực vậy, em bé như tươi tỉnh hẳn lên dưới những ngón tay họ.
Trong tất cả sự săn sóc ồn ào ấy ta thấy rõ nỗi băn khoăn của những người đàn bà trước một người ngoại quốc, trước "một xinhôrô xô viết" nỗi băn khoăn vì khuôn mặt hốc hác của em bé, vì bộ quần áo tơi tả và toàn thể bộ dạng nghèo túng của em.
Đám đông lớn dần. Những chiếc xe tăcxi đang phóng nhanh trên đại lộ Bờ Biển đỗ lại bên chúng tôi. Những tay lái xe hỏi xem chuyện gì đã xảy ra rồi vội vàng cùng với hành khách trong xe nhảy xuống, len vào gần em bé. Công nhân cảng, những người vừa huýt sáo hoan hô con lừa già, chen vào phía sau. Các em học sinh không biết từ đâu tràn đến. Chúng lấy những cuốn sách đập vào nhau hoan hô con matơriôska và từ trong đó rơi ra những trang giấy. Những chàng lính chiến sĩ mũ lưỡi trai có gắn lông đuôi gà trắng nhảy từ trên xe nhà binh xuống và lẫn vào đám đông.
Bác xà ích già leo lên bậc ngồi của chiếc vêturinô - chiếc xe trang hoàng hoa và nhạc như thể một rạp xiếc lưu động - giơ hai tay lên trời và hát bằng một giọng the thé của đàn bà một bài nào đó.
Cô bé cứ tươi hơn hớn lên vì tất cả cái chuyện bất thường ở cảng ấy.
Bất thình lình mọi người lặng hẳn đi. Tôi ngoảnh lại, một kiểm soát viên hải quan đội mũ lưỡi trai đính lon vàng và đeo một khẩu súng lục nhỏ xíu như đồ chơi trẻ con đựng trong bao da sơn trắng ở thắt lưng chậm chạp tiến về phía đám đông.
Ông ta rẽ đám đông ra mà đi một cách đường bệ. Khuôn mặt với bộ ria cắt ngắn hoàn toàn lãnh đạm.
Viên kiểm soát hải quan đến bên em bé, giằng lấy con matơriôska và nhíu đôi lông mày lại, bắt đầu xem xét một cách tỉ mỉ. Cô bé cầu khẩn nhìn ông ta. Mấy lần em rụt rè đưa tay về phía con matơriôska nhưng rồi lại rụt ngay lại.
Viên kiểm soát hải quan ngẩng đầu lên và đưa mắt nhìn bao quát cả đám đông. Đến lượt hàng chục đôi mắt chăm chú và lo lắng nhìn lại ông. Tức thì ông ta tủm tỉm cười và bật tay đánh tách. Đám đông lập tức làm ồn lên một cách khó hiểu.
Viên kiểm soát hải quan giơ con matơriôska lên trên đầu, xoay nó về đủ mọi phía như một người làm trò quỷ thuật: "Ô la la!" rồi bằng một cử động nhanh và hoàn toàn kín đáo, ông mở con matơriôska và lôi ra con thứ hai - con choàng khăn màu xanh lá cây tươi tắn.
Một tiếng ồn ào khâm phục lan khắp đám đông. Viên kiểm soát hải quan lại tặc lưỡi cái nữa và từ trong con matơriôska xanh lá cây lại hiện ra nhanh như chớp con matơriôska vàng, rồi con xanh, con tím, và sau hết ông dùng hai ngón tay cặp lấy và nâng lên con matơriôska cuối cùng, con bé nhất choàng khăn trang kim.
Đến lúc ấy thì đám đông như nổ tung. Một cơn lốc tiếng reo hò lướt ào ào trên đám đông. Người ta vỗ tay, người ta huýt sáo, người ta vỗ vào đùi, dậm chân và cười ha hả.
Viên kiểm soát hải quan, cũng vẫn điềm tĩnh như thế lắp tất cả sáu con matơriôska vào làm một và trả lại cho em bé. Em không áp con matơriôska vào ngực, mà áp thẳng vào cái cổ họng đang phập phồng vì sung sướng, nắm lấy tay thằng bé em và chạy thẳng.
Viên kiểm soát hải quan nói với tôi một cách kẻ cả và khô khan bằng một thứ tiếng Pháp cọc cạch của ông:
- Ngài đã phạm một lỗi nhỏ, thưa mơxiơ.
- Lỗi gì vậy?
- Ngài có thể tặng thứ đồ chơi nọ không phải cho một mà cho sáu cô bé thành Nêapôn.
Tất nhiên về cái điểm cho sáu cô bé thì ông ta có lý. Có lẽ vì thế mà ông ta đã trịnh trọng đưa bàn tay đeo găng trắng lên ngang mũ chào tôi và bỏ đi một cách rất kiêu hãnh.
Có thể nói đó là tất cả những gì đã xảy ra với con matơriôska ở hải cảng Nêapôn vào buổi sáng hôm ấy, nếu không kể đến một điểm nữa. Điểm đó thuộc về loại những hiện tượng có lẽ chỉ có trong trí tưởng tượng của chúng ta và nó là kết quả của những gì ta mong ước. Nhưng mặc dầu vậy, chúng cũng vẫn cứ tác động đến dòng ngày tháng sau này của chúng ta với một sức mạnh không thể nào phủ định được.
Cô bé chạy đi, quên bẵng mất cảm ơn tôi lần cuối. Cũng vẫn cô thôn nữ trẻ mặc váy xanh viền ren nọ đã đền bù lại khuyết điểm của em. Cô lại ôm lấy tôi lần nữa, lại áp một bên má nóng rực ngăm ngăm đen của cô vào má tôi và nói với tôi, nhưng giờ đây khẽ và bối rối:
- Graxiê, mia cara xinhôrô (7).
(7) Cảm ơn, ông thân mến.
Rồi ngay đấy cùng với những chị bán hàng, cô chạy về với những dành hoa của mình, nhưng trên má tôi vẫn còn phảng phất mùi thơm đăng đắng kéo dài của mặt cô. Nó giống như mùi cỏ cải hương. Mùi thơm đó thực là bền, nó còn mãi mấy ngày sau và chỉ mất đi ở Rôma nơi tôi rời Nêapôn đến ở trong mấy hôm. Có lẽ tôi cảm thấy mùi thơm ấy lâu đến thế chỉ vì tôi muốn được thấy nó. Khi con tàu Nêapôn Rôma suốt đường lúc nào cũng định văng khỏi đường ray để đổ xầm xuống những khe núi Apenin màu vàng, nó lao băng băng đến Rôma, tôi nhìn qua cửa sổ ra những thành phố nhỏ bé trên núi và nghĩ rằng mỗi thành phố ấy có thể là quê hương của cô thôn nữ kia. Đó là những thành phố rất cổ kính trên đỉnh những trái núi, là những pháo đài lởm chởm, bao bọc những bức tường răng ngựa. Ở đó những quả chuông trên những thánh đường sâu thẳm đổ hồi, nơi chưa biết chừng những bức bích họa của Đjôttô(8) hay của chính Rafael(9) vẫn còn sáng lên trong khoảng tối mờ những bàn thờ Chúa.
(8) 1276- 1337, danh họa người Ý, một trong những người đầu tiên của trào lưu hiện thực thời kỳ Phục hưng.
(9) Một trong những danh họa lớn nhất thế giới, người Ý (1466- 1524).
Những con đường trắng ngoằn ngoèo và hoang vắng từ những thung lũng bị hạn hán thiêu đốt chạy lên trên những thành phố ấy, và trên đường, những chú lừa lon ton chạy. Ta trông rõ hơn cả những đôi tai sẫm màu của chúng. Chân lừa khẳng khiu lẫn vào trong màu bụi đá đen và vì thế không thể nào trông thấy.
Tôi ngắm mãi những thành phố ấy, những phố hẹp bên những mặt nhà héo khô vì già lão, những biển quảng cáo chiếu bóng sặc sỡ và đá cẩm thạch nứt nẻ trong những bồn phun nước vỡ, những cây ô liu xù xì như đúc bằng thiếc xốp trong các vườn, và nghĩ rằng có thể, trong thành phố kia tôi đã có một trái tim gần gụi trái tim kia cũng êm dịu như hơi ấm của bên má nhỏ bé và rực đỏ của cô thôn nữ nọ. Và nếu như trong cuộc sống có lúc nào lòng tôi trĩu nặng thì trái tim hồn nhiên kia sẽ chẳng khi nào từ chối giúp đỡ và an ủi tôi.
Tôi tin chắc ở điều đó. Và niềm tin đó làm cho cuộc sống trở nên vô cùng nhẹ nhàng.
Trên đường về, xe lửa từ Rôma đến Nêapôn vào đêm khuya. Gió biển ấm áp thoảng mùi dầu hỏa thổi vào các cửa sổ bỏ ngỏ của toa tàu. Trong những ngôi nhà chật hẹp dọc đường sắt tất nhiên đã không còn ánh sáng và chỉ ở trong trạm gác đường rực đèn còn một thanh niên có râu và khuôn mặt của Yvơ Môngtăng(10) đang ngồi trên bậc cửa chơi măngđôlin.
(10) Diễn viên kịch, điện ảnh và danh ca nổi tiếng của Pháp ( hiện đại).
Đó là ấn tượng cuối cùng của tôi về Nêapôn.
Xe lửa ra thẳng bến tàu và tàu lập tức rời bến. Trong ánh sáng chói lọi của những cây đèn lồng từ trên boong tôi nhìn rõ chỗ ngồi của những chị, những cô bán hàng ban ngày trên đại lộ Bờ Biển. Tôi chăm chú nhìn vào đó, không dám thú nhận với mình rằng tôi đang chờ một sự mầu nhiệm, tôi đang chờ cho trên con đường hiu quạnh kia bỗng hiện ra cô thôn nữ bận váy xanh viền ren và cô sẽ chạy trên bến đuổi theo con tàu lúc đó đã chậm chạp lấy mũi thép cắt màn đêm tăm tối và nước vịnh màu đen.
Trong giây lát tôi tưởng chừng đã như thấy bóng dáng lờ mờ một thôn nữ. Nhưng đó chỉ là một trong vô vàn những cái bóng mỏng manh thường có trên bến cảng về đêm.
Tôi ngồi trên boong cho tới tận bình minh, mãi đến khi những ánh đèn đảo Xacđinhơ hiện ra trong nước biển bao la đang dần xanh lên màu da trời nhợt nhạt.
Tôi đón bình minh với cảm giác tiếc rẻ trong lòng. Tôi biết mỗi ngày qua sẽ đẩy lùi quá khứ xa thêm và nhận chìm nó trong bóng tối cũng chậm chạp và chắc chắn như một ánh sáng điện qua máy biến trở đang tắt dần trên sân khấu.
Taxura 1957
KIM ÂN dịch
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top