Màn 1 - Chương 9
Người phụ nữ có có trí tuệ siêu việt nhất nhà tôi thật ra không phải là mẹ tôi mà là bà nội tôi. Nhưng lúc tôi chưa được 3 tuổi, bà đã qua đời.
Cái tên Nhiếp Phi Phi này chính là do bà nội của tôi đặt cho.
Bà nội tôi là một huyền thoại, ông nội của tôi là người chồng thứ hai của bà, nhỏ hơn bà mười tuổi. Khi tôi được sinh ra thì bà nội đã ngoài 60, bà nói với ba tôi, sống đến cái tuổi này bà mới ngộ ra được đời người có rất nhiều chuyện không thể làm hoặc phải làm, ví dụ như trong sách "Hoài Nam Tử" có viết "Không đạm bạc thì không thể minh mẫn, không yên lặng thì không nghĩ được xa, không khoan dung thì không có phúc lớn, không hiền lành thì không được lòng người, không ngay thẳng thì không sáng suốt được." Rất nhiều người nghĩ rằng làm một việc gì đó là do lựa chọn, nhưng thực ra đó không phải là lựa chọn mà là một loại quan hệ nhân quả, thậm chí là quan hệ nhân quả đi thành đôi. Cho nên bà mới đặt cho tôi cái tên Phi Phi, nói là tất cả những cái "Không" (Phi) đều nằm gọn trong cái "Có", tất cả những cái "Quả" đều nặm gọn trong "Nhân", mọi kết cục thực ra đều được báo hiệu từ lúc bắt đầu rồi.
Không thể không thừa nhận bà nội tôi có một trí tuệ thật siêu phàm, triết lý này đến người có văn hóa thâm sâu nhất gia đình nhỏ của tôi chính là mẹ tôi cũng không hiểu thấu nổi chứ đừng nói chi tôi với ba tôi. Mẹ nghiêm túc nói với tôi, "Ở đời có rất nhiều chuyện ta không thể lĩnh ngộ được khi chưa đạt đến một độ tuổi nhất định nào đó, có một số việc ta không thể làm khi chưa đủ tuổi, cho nên mẹ không lý giải nổi triết lý của bà nội không phải là do chỉ số thông minh của mẹ không cao mà là do mẹ chưa đến độ tuổi của bà khi đó, Phi Phi ơi, chị có hiểu không?"
Tôi lặng lẽ nhìn mẹ.
Mẹ trừng tôi: "Chị không tin mẹ sao?"
Tôi lập tức nói: "Con tin, con tin, con thề luôn, mẹ muốn con thề với ai thì con sẽ thề với người đó, thề với Chúa Jesus hay là thề với Ngọc Hoàng đại đế?"
Mẹ phê bình tôi: "Tục tằng! Nếu thật lòng thật dạ muốn thề thì nên hướng ông tổ của phái Trăng Non chính là nhà thơ Tagore mà thề."
Từ đó có thể thấy được mẹ tôi đích thực là một nhà thơ, hơn nữa là một nhà thơ rất có khí khái.
Tài xế nhà họ Nhiếp chở tôi tới bệnh viện, khám xong mới biết thực ra vết thương cũng không nghiêm trọng lắm, chỉ cần thoa thuốc ngoài da và uống thêm thuốc trị thương vài ngày là có thể phục hồi như cũ.
Lúc sẩm tối Ninh Trí Viễn gọi điện tới, vô cùng lo lắng quan tâm tôi: "Sao chị lại bị trẹo chân vậy? Nếu chị bảo chị bị loét mồm thì tốt rồi, ít nhất sẽ không ảnh hưởng tới việc xuống nước."
Tôi nói: "Đồng chí Tiểu Ninh, sao đồng chí dám ăn nói với chị Phi Phi kiểu đó, muốn nghỉ làm đúng không?"
Ninh Trí Viễn nói: "Chị đâu thể đuổi việc em được, hôm qua anh Duy đến đây rồi, nghe tin chị đính hôn thì lòng đau như cắt, nằng nặc đòi về nước, vẫn là em đi khuyên anh ta đấy. Chị nói xem vai trò của em quan trọng biết bao, em chính là keo kết dính 520 của team mình."
Cậu ta cầm điện thoại ra xa một chút, cao giọng nói: "Anh Duy, điện thoại của chị Phi Phi này, anh có muốn nói chuyện với chị ấy không?"
Cái người vì nghe tin tôi sắp đính hôn mà lòng đau như cắt đến nỗi đòi quay về Italia, Thuần Vu Duy, hiện giờ đang buông lời tán tỉnh một cô nàng chẳng biết là người nước nào: "Em có biết bài thơ này không? Anh muốn lại gần suối tóc xoăn mềm mượt, đang bay trong gió biển Aegean bềnh bồng, anh muốn lại gần hàng mi cong dài ấy, rồi hôn lên đôi má em ửng hồng, anh muốn..." Cô gái kia cười khanh khách.
Ninh Trí Viễn than thở: "Mắc công tôi khổ tâm giúp anh xây dựng hình tượng một con người thương tâm sa sút với Phi Phi..." Ninh Trí Viễn tức giận đến nói không ra hơi, giọng của Thuần Vu Duy từ ống nghe truyền tới, thực sự kinh hồn bạt vía như mất cha mất mẹ: "Gió xuân hung ác, tình duyên bẽo bạc, một chén tiêu sầu, vài năm ly tán! Phi Phi, nghe nói em sắp đính hôn, anh đây cõi lòng tan nát người ơi."
Tôi nói: "Không tệ, Duy thiếu gia à, hồi trước thấy khả năng sáng tác thơ cổ của anh chưa đạt đến trình độ này, thế mà bây giờ bụng anh đã có một bồ thơ văn rồi."
Anh ta cười, liên tục thở dài: "Trời ơi, chỉ tại thói đời ngày càng đen bạc, con gái các cô càng ngày càng khó chiều, khiến cho tình thánh chúng tôi cũng càng ngày càng không có đất dụng võ."
Tối ngày 8, Khang Tố La chạy tới mở tiệc pyjama với tôi, còn xách theo hai cái chân giò, dặn tôi khi bị thương ở chân thì nên ăn nhiều chân giò, có thể lấy chân bổ chân.
Tôi cầm hai cái chân giò ngắm nghía hồi lâu, nói với cô ấy: "Quà đính hôn này của bồ bình thường quá."
Cô ấy thần thần bí bí: "Cái này không giống với giò heo bình thường, là giò heo đặc biệt."
Tôi lại quan sát nghiên cứu thêm một lúc, hỏi cô ấy: "Chẳng lẽ đây là giò heo ngoài hành tinh?"
Cô ấy phê bình tôi: "Bồ thật là nông cạn, heo trái đất thì sao chứ, vì chút nguyên nhân mà heo trái đất trở nên đặt biệt không được à?" Cô ấy vô cùng đắc ý: "Đây là chân giò do chính tay mình hầm," tràn ngập trìu mến nhìn đôi chân giò trên tay tôi: "Thử nghiệm thất bại không biết bao nhiêu lần mới hầm được hai cái chân giò này, bồ có cảm động không?"
Tôi nói: "Cảm động," chia cho cô ấy một cái: "Bồ gặm bớt một chân đi."
Cô ấy nói: "Cho bồ hết đó," tỏ vẻ xúc động nói: "Phi Phi, lúc nào bồ cũng quan tâm mình thế này, thật khiến người ta cảm động."
Tôi nói: "Không cần cảm động, sau khi bồ gặm nửa tiếng mà không phải nhập viện thì mình ăn cũng chưa muộn."
Cô ấy nhìn tôi ba giây, mặt buồn rười rượi hỏi tôi: "Nhiếp Phi Phi, liệu hai ta còn có thể tiếp tục làm bạn bè với nhau được nữa hay không?"
Tôi cười vỗ vai cô ấy: "Không phải bồ bảo có chuyện nghiêm túc muốn nói với mình hay sao?"
Cô ấy lập tức quên khuấy việc cân nhắc nghỉ chơi với tôi, tự chạy đi tìm một con thú bông rồi ngồi trên giường tôi. Tôi vừa nhìn đã biết đây là một cái tư thế trường kì tám chuyện, cho nên hiểu ý đi khui một bình rượu.
Khang Tố La gối đầu mình lên thú bông, nghiêm túc nói với tôi: "Thực ra gần đây mình đang chơi game cung đấu, mình liền liên tưởng tới bồ. Phi Phi, mình thực sự lo lắng, không phải bồ nói là mẹ của Nhiếp Diệc không thích bồ sao? Mình nghĩ, hoàn cảnh này của bồ có thể phóng tác thành trò chơi cung đấu, bồ chính là tú nữ còn chưa có tiến cung mà đã bị thái hậu lão Phật gia chán ghét, hơn nữa lão Phật gia còn một lòng muốn tác hợp cho Hoàng Thượng với cháu gái phía mình, theo mình tìm hiểu thì cô cháu gái kia còn có một tiểu vương gia hậu thuẫn, nhìn kiểu nào cũng thấy tiền đồ của bồ không sáng sủa nổi!"
Tôi vừa rót rượu cho cô ấy vừa nói: "Bồ lo lắng quá rồi, chẳng phải thái thượng hoàng vẫn còn sống sao?"
Cô ấy vỗ trán một cái: "Đúng rồi, tớ quên mất là còn có thái thượng hoàng." Suy nghĩ một chút, nói: "Nhưng người mà thái thượng hoàng quan tâm thực ra đâu phải là bồ, người mà thái thượng hoàng quan tâm chính là hoàng thượng, ngộ nhỡ thái hậu gây khó khăn cho bồ và hoàng thượng, làm bồ và hoàng thượng nảy sinh hiềm khích thì bồ có khả năng bị biếm tới lãnh cung suốt đời như chơi. Không được, chúng ta phải lập mưu tính kế cho kỹ để từng bước từng bước thu phục toàn bộ hậu cung, cuối cùng sẽ cai quản toàn bộ triều đình Nhiếp thị. Bồ đưa laptop cho mình một chút, để mình lập một bản kế hoạch thật rõ ràng."
Tôi đã uống cạn một ly, lại rót thêm một ly, nói với cô ấy: "Nếu bị hoàng thượng ruồng bỏ thì mình liền ra khỏi cung đi cầu thân một tiểu hoàng tử Tây Vực, bồ nghĩ mình giống người chịu chôn chân ở lãnh cung cho tới cuối đời à?"
Cô ấy vỗ trán: "Đúng rồi, mình quên mất là bây giờ có thể ly hôn."
Tôi nói: "Bồ có nghe qua câu nói này chưa, hạnh phúc giống như một nắm cát, càng cố sức nắm lại càng không giữ được. Mình không cần bản kế hoạch gì đó đâu, mình chỉ muốn sống cùng Nhiếp Diệc, sẽ không dính líu tới chuyện của nhà họ Nhiếp."
Cô ấy vỗ trán lần nữa: "Đúng rồi, mình quên mất bồ là một nghệ thuật gia, nếu bồ phải hao tâm tổn trí vào chuyện cung đấu thì ai giúp bồ hoàn thành sứ mệnh nghệ thuật vị nhân sinh chứ?"
Cô ấy ôm cái trán bị mình vỗ đến đỏ thén: "Nhưng mà rốt cuộc thì ý hoàng thượng là sao? Thái hậu lão phật gia không thích bồ, cô cháu gái cũng không thích bồ, còn có một tiểu vương gia có vẻ yêu mến cô cháu gái cũng không thích bồ, vậy mà hoàng thượng cũng không có biểu hiện gì ư? Cũng không nghĩ ra biện pháp gì để giải quyết mâu thuẫn?"
Tôi nghĩ nghĩ một chút, nói: "Hoàng thượng bảo mình đừng qua lại tiếp xúc với bọn họ."
Cô ấy hỏi: "Hết chưa?"
Tôi nói: "Hết rồi."
Khang Tố La sửng sốt hồi lâu, nói: "Hoàng thượng, chàng ta... rất là có cá tính."
Tôi dùng một lời thề son sắt bảo đảm với Khang Tố La, đối với người nhà họ Nhiếp, tôi sẽ kính trọng nhưng không gần gũi.
Nhưng có đôi khi người ta không chủ động gây chuyện, nhưng chuyện lại chủ động tìm tới người ta.
Tiệc đính hôn giữa tôi và Nhiếp Diệc sẽ được tổ chức tại Thu thủy cộng trường thiên. "Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc" là một câu thơ, còn "Thu thủy cộng trường thiên" là khách sạn của nhà họ Nhiếp. Bà của Nhiếp Diệc vẫn còn mang bệnh trong người, nhà bên ấy bảo bà không thích náo nhiệt, vì vậy chỉ làm một bữa cơm gặp mặt giữa những người thân thích của hai nhà. Tôi nghĩ nhà bọn họ thực sự là không hiểu tính của bà nội, theo tôi thấy thì bà là người rất thích náo nhiệt, nếu như thân thể khỏe mạnh, nhân dịp cháu nội đích tôn làm lễ đính hôn thế này, bà nhất định sẽ mời một gánh hát tới nhà biểu diễn kinh kịch suốt một tháng.
Nhà họ Nhiếp rất coi trọng lễ nghi, tuy rằng không làm ầm ĩ nhưng cũng phải nhất nhất tuân theo các thủ tục đính hôn. Mẹ tôi cùng hai người mợ giúp tôi chuẩn bị trà nước điểm tâm ở nhà bà ngoại để khoản đãi khách khứa nhà họ Nhiếp, nhà bên kia cũng tặng lại mười hai món lễ vật. Mười một giờ tôi đến thẩm mĩ viện, mẹ báo với tôi là trước năm giờ, tôi phải có mặt ở thu thủy cộng trường thiên.
Nhưng lúc năm giờ rưỡi chiều, tôi lại đang nằm trên một chiếc giường lớn trong một căn gác xép tại hội quán Hồng Diệp. Không thấy bóng dáng chiếc điện thoại đâu, hai tay bị trói ngược vào cái trụ giường bằng đồng. Hội quán Hồng Diệp cách Thu thủy cộng trường thiên nửa vòng thành phố.
Đây là lần thứ hai tôi nhìn thấy Nhiếp Nhân.
Một lúc trước tôi nhận được một cú điện thoại từ phòng thư ký của Nhiếp Diệc, nói là Nhiếp Diệc hẹn tôi đến hội quán Hồng Diệp gặp mặt trước. Nhiều lần tôi với Nhiếp Diệc gặp mặt đều là do thư ký của anh cùng Đồng Đồng liên hệ, thỉnh thoảng trợ lý Chử cũng trực tiếp gọi cho tôi.
Sau đó tôi đi tới hội quán Hồng Diệp, ba mươi phút sau, người xuất hiện ở bàn ăn đặt trước lại là Nhiếp Nhân. Tay em họ này không còn cái vẻ hung thần át sát như trong lần gặp trước, hôm nay trông cậu ta rất hiền lành ngoan ngoãn, nói với tôi là trước đây cư xử thiếu lễ phép cho nên mới đặt biệt mời tôi đến để xin lỗi, nhưng vì sợ tôi không đến nên đã mượn danh nghĩa của Nhiếp Diệc. Cậu ta đưa cho tôi một ly nước chanh, tôi liền uống cạn.
Hơn ba giờ sau, tôi tỉnh lại trên chiếc giường lớn làm bằng đồng mang phong cách phương Tây hoài cổ này. Tôi thực sự sửng sốt rất lâu, loại tình tiết này thường hay xảy ra trong hý kịch, khi gặp phải trong đời thật không khỏi khiến cho con người ta có cảm giác hoang đường.
Tấm rèm nhung che kín cửa sổ, hoàn toàn ngăn trở ánh sáng tự nhiên, trong phòng chỉ bật đèn tường và đèn chụp, Nhiếp Nhân lấy một cái ghế ngồi trong bóng tối, lưng ghế hướng về phía tôi, hai tay cùng cằm cậu ta tựa lên lưng ghế, tư thế ngồi rất ngây thơ, trông có vẻ còn trẻ hơn hôm trước, giống như một cậu sinh viên còn đang đi học.
Cậu ta ngồi đó thoải mái bắt chuyện với tôi: "Cô Nhiếp, tỉnh rồi à?"
Tôi im lặng một hồi lâu, nói: "Nhiếp Nhân, cậu đang giam giữ người trái phép."
Cậu ta làm bộ nhìn đồng hồ, vờ thở dài: "Đã năm giờ rưỡi rồi, cho dù tôi có thả cô ra thì cô cũng không tới kịp buổi lễ đính hôn tối nay. Hơn nữa," cậu ta nâng tay phải lên, giơ điện thoại di động cho tôi nhìn: "Cô đã gửi tin nhắn cho anh tôi, nói là cô đổi ý rồi, không muốn đính hôn cùng anh ấy nữa." Chiếc di động đó là của tôi, cậu ta cười: "Cô Nhiếp, sao cô lại không đặt mật mã cho điện thoại của mình?" Cậu ta ở đằng kia lục lọi hộp tin nhắn của tôi: "Mấy tin nhắn mà cô với anh tôi gửi cho nhau chẳng thú vị tí nào, có thật là hai người yêu nhau không đấy?" Tôi nói: "Tôi với anh cậu đơn giản vậy đấy. Nhiếp Nhân, cậu cởi trói cho tôi, chuyện ngày hôm nay coi như là cậu chỉ đang đùa nghịch thôi."
Cậu ta nghiêng đầu nhìn tôi: "Nghe cô nói vậy thì hình như là vẫn còn muốn đính hôn với anh tôi?" Vừa dứt lời liền chẳng biết từ đâu lấy ra một phong thư, đi tới cạnh tôi, xoẹt một tiếng xé miệng phong thư ngay trước mặt tôi, lại vặn sáng đèn đầu giường hơn một chút, dù đang bận rộn mà vẫn thong dong nói với tôi: "Cô xem cái này thử đi."
Tôi cúi đầu nhìn, là một xấp ảnh. Trong ảnh, tôi nhắm mắt, hơi ngẩng cổ, cánh tay và đôi vai trần trụi lộ ra khỏi chăn, ôm một người đàn ông, người đàn ông đó đưa lưng về phía máy ảnh, không nhìn thấy mặt, áo sơ-mi cởi được một nửa vắt trên khuỷu tay.
Chụp ảnh, chiêu này xưa như trái đất, nhưng cũng là một chiêu hữu hiệu không bao giờ lỗi mốt.
Tôi ngẩng đầu nhìn Nhiếp Nhân, hỏi cậu ta: "Thừa dịp tôi ngủ mê, cậu đã làm gì tôi?"
Cậu ta giơ tay phải lên làm động tác trấn an, cười hì hì nói: "Chẳng qua là ngưỡng mộ phong thái của cô nên nhịn không được chụp chung vài tấm ảnh, cô Nhiếp, cô nghiêm túc như vậy làm người ta sợ quá đi mất." Cậu ta chậm rãi thu lại ảnh chụp: "Nếu cô cam đoan sẽ chấm dứt quan hệ với anh tôi, thì tôi cũng bảo đảm rằng ảnh chụp chung của đôi ta từ nay về sau sẽ không bao giờ xuất hiện."
Tôi nói: "Cậu thế này là đã vượt quá giới hạn đùa giỡn rồi."
Cậu ta cười: "Thì ngay từ đầu đây vốn chẳng định đùa giỡn với cô."
Tôi nói: "À, cậu muốn uy hiếp tôi." Tôi hỏi cậu ta: "Nếu tôi không đồng ý thì sao? Cậu định giao mấy tấm ảnh này cho ai?"
Cậu ta ra chiều suy nghĩ: "Không thể giao cho nội, bà lớn tuổi rồi, sợ là sẽ không chịu nổi sự đả kích này. Anh tôi, bác trai, bác gái, gửi cho mỗi người một tập đi, có muốn dành một suất cho ba mẹ cô không? A đúng rồi, dù sao thì cô cũng được coi là một nhân vật của công chúng, nhà nhiếp ảnh hải dương Bối Diệp, chắc người hâm mộ của cô cũng thích mấy tin tức ngoài lề thế này lắm nhỉ?"
Tôi nói: "Nhiếp Nhân, chuyện này là phạm pháp."
Cậu ta lắc đầu: "Tuy tung ảnh của cô đúng là xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, nhưng," cậu ta tới gần tôi: "Ai có thể chứng minh là chúng ta không qua lại với nhau? Lời đồn mới là thứ đáng sợ nhất, tôi không có gì để mất, nhưng cô Nhiếp, cô có bị ảnh hưởng hay không?" Một tay cậu ta vuốt ve mặt tôi, cười ma mãnh: "Ánh sáng thật chuẩn, ở góc nhìn này, gương mặt của cô trông thật thùy mị. Thực lòng tôi cảm thấy cô cũng được, hôm ấy lần đầu tiên chúng ta gặp mặt, cô nói chuyện kiểu đó với tôi, tôi lớn đến từng này rồi mà chưa có ai dám nói chuyện kiểu đó với tôi. Chi bằng hai ta đem mối quan hệ này biến giả thành thật, cô cứ theo tôi là được rồi, anh tôi sẽ không đời nào tranh giành phụ nữ với tôi, hai ta thành một cặp, anh tôi với Hề Hề thành một đôi, vậy chẳng phải là vẹn cả đôi đường sao?"
Đầu cậu ta chôn trên vai tôi, mái tóc ngắn cọ cọ trên cổ, đôi môi lướt qua dái tai, tôi cảm thấy lòng mình có đôi chút tê dại. Tôi nói: "Nhiếp Nhân, có biết phạm tội cưỡng bức sẽ phải chịu mức hình phạt nào không? Nếu nghiêm trọng thì có thể ngồi tù mười năm, tù chung thân, hoặc thậm chí là tử hình."
Cậu ta rời khỏi vai tôi, nghiêng đầu nhìn tôi, đột nhiên cười thành tiếng: "Thế nào? Nếu như tôi làm thật thì... cô sẽ đi tố cáo tôi? Đến tòa chỉ điểm tôi? Trước mặt quan tòa, bồi thẩm đoàn cùng với tất cả mọi người cô sẽ miêu tả... tôi khi dễ cô như thế nào?" Cậu ta tiến lại gần tai tôi: "Nghĩ đi, sau này thành phố S sẽ bàn tán gì về cô, người của giới chụp ảnh sẽ bàn tán gì về cô? Cha mẹ cô còn mặt mũi nào mà gặp người khác, cô còn mặt mũi nào mà gặp mặt người khác?"
Tôi cố gắng thả lỏng bản thân, nói với cậu ta: "Thành thật mà nói tôi đã xác định bản thân là một nghệ thuật gia, nghệ thuật gia thì ai chẳng gây tranh cãi ít nhiều? Người khác nói tôi thế nào, tôi thực sự không quan tâm lắm." Ngừng một chút, tôi còn nói: "Van Gogh vì yêu chị họ mà gặp phải bất hạnh, Stendhal vì yêu chị dâu nên gặp phải bất hạnh, tôi vì yêu một người đàn ông tài giỏi được bao nhiêu cô gái ái mộ mà gặp phải bất hạnh, thực ra tình huống này vẫn thường khiến cho người ta say mê." Tôi thở ra một hơi, tự mình trầm luân mà nói: "Tôi đã chuẩn bị tinh thần để chấp nhận thân phận mới này rồi -- một nghệ thuật gia vì sa vào lưới tình mà gặp bất hạnh, từ nay trong các tác phẩm của mình, giữa những gam màu tươi sáng, tôi sẽ điểm thêm một chút xám lạnh như có như không để biểu đạt tâm trạng lẫn lộn cùng số phận vô định của mình." Tôi giương mắt nhìn cậu ta, hơi cong khóe miệng: "Còn cậu thì sao?" Tôi hỏi cậu ta, "Nhiếp Nhân, cậu đã chuẩn bị tinh thần để ngồi tù tới già chưa?"
Tôi nói những lời này một cách trôi chảy, giọng nói không hề run rẩy, nhưng mấy ngón tay bị trói sau lưng thì lại đang bấu chặt vào nhau. Thực ra tôi cũng có chút lo lắng.
Hai chúng tôi mặt đối mặt, bàn tay đang đặt trên vai tôi thoáng dùng sức khiến tôi đau đến mức muốn cắn răng, nhưng tôi nhịn xuống, không nhúc nhích. Trong lúc này, ai động trước, người ấy thua. Cậu ta nhìn tôi hồi lâu, lúc tôi dự cảm cậu ta sắp sửa mắng: "Cô đúng là đồ thần kinh", lạch cạch một tiếng, cửa ngoài đột nhiên mở ra.
Tôi thực lòng không ngờ người tới sẽ là Nhiếp Diệc, tôi cứ nghĩ đó là đồng bọn của Nhiếp Nhân, dù sao thì cửa cũng không bị đạp ra, nghe tiếng động thì chắc chắn là quẹt thẻ để mở. Từ xưa đến nay, từ trong nước đến ngoài nước, để làm anh hùng cứu mỹ nhân, không ai dùng cách nhẹ nhàng như thế. Loáng thoáng có thể nghe thấy ai đó thấp giọng nói: "Cậu Nhiếp, cậu xem thử có nên..." Khúc cuối nghe không rõ lắm, tôi thầm nhớ lại xem nhà họ Nhiếp còn có người đàn ông nào cùng hội cùng thuyền với Nhiếp Nhân không, tiếng bước chân đã xuyên qua phòng khách.
Sau đó Nhiếp Diệc xuất hiện trước cánh cửa ngăn cách phòng khách và phòng ngủ.
Lúc đó Nhiếp Nhân đang ngồi trên giường, tay tôi vẫn bị trói ngược ra đằng sau, may mà lúc này tôi và cậu ta đang duy trì một khoảng cách an toàn.
Tôi thấy hầu kết của Nhiếp Nhân khẽ nhúc nhích, như đang khó khăn nuốt nước bọt. Hôm nay Nhiếp Diệc mặc một chiếc cardigan màu tro phối với quần đen chứ không mặc vest, dáng vẻ điềm đạm nho nhã đứng đó, toát lên vẻ hiền hòa trước nay chưa từng có, tôi không cảm giác được chút sát khí nào.
Nhiếp Nhân chủ động mở trói cho tôi, lúng túng gọi Nhiếp Diệc: "Anh..."
Hai tay đã được tự do nhưng lại có chút tê liệt, một hồi lâu mới từ từ trở lại bình thường, hai cổ tay bị hằn một vòng lại một vòng máu tụ, tôi lấy tay trái xoa tay phải, tay phải xoa tay trái hồi lâu.
Nhiếp Diệc thong thả bước tới trước cửa sổ sát đất, gạt phăng tấm rèm cửa đang che kín mít. 6 giờ, mặt trời đỏ ối, những tia sáng ấm áp tranh nhau tuôn vào phòng. Ánh mắt Nhiếp Diệc rơi trên cổ tay tôi. Dừng ba giây, cúi người gọi một cú điện thoại, kêu người ta đem một túi chườm đá lên đây.
Trong một phút đồng hồ, người phục vụ đã niềm nở đưa lên nguyên bộ dụng cụ chườm lạnh tới.
Nhiếp Nhân đi về phía cửa sổ, lại kêu Nhiếp Diệc một tiếng: "Anh..."
Nhiếp Diệc hỏi tôi: "Tự chườm được không?"
Tôi nói: "Được ạ."
Anh gật đầu: "Cứ dựa theo cách thức tối hôm đó, phải chườm đủ thời gian."
Tôi nói: "Dạ."
Anh bảo người phục vụ đem đồ chườm ra phòng khách, quay đầu nói với tôi: "Trước hết em hãy ra phòng khách xem TV, anh xử lý chút chuyện."
Kết quả, tôi vừa qua phòng khách mở TV, liền nghe tiếng động truyền ra từ phòng ngủ, tiếng va chạm, tiếng đồ rơi, còn có tiếng chát chúa của mấy chiếc ly bị đánh vỡ. Một hồi lâu sau, Nhiếp Nhân khốn khổ ho khan: "Anh, anh đánh em... Rốt cuộc thì ai mới là người nhà của anh? Anh lại vì một người ngoài mà đánh em."
Giọng nói Nhiếp Diệc cực kì bình tĩnh: "Tôi còn nhớ rõ hôm trước đã nói với chú, kêu chú tránh Phi Phi xa một chút."
Nhiếp Nhân kích động nói: "Em với Hề Hề mới là người nhà của anh, là người thân thiết nhất với anh! Nhiếp Phi Phi kia là cái thá gì chứ?"
Nhiếp Diệc nói: "Trên đời này có hai loại người nhà, một loại thì chẳng thể chọn lựa được, loại kia lại có thể theo ý mình."
Nhiếp Nhân cười nhạt: "Ý của anh là, em với Hề Hề là người nhà mà anh không mong muốn và không thể chọn? Còn Nhiếp Phi Phi mới là người nhà lý tưởng mà anh lựa chọn?"
Nhiếp Diệc nói: "Giản Hề không phải là người nhà của tôi, còn chú thì chỉ tính là một nửa thôi."
Tôi từng nghe nói, cha của Nhiếp Nhân là con ngoài giá thú, là anh em cùng cha khác mẹ với ba Nhiếp Diệc.
Nhiếp Nhân trầm mặc hai giây, lại đột nhiên bùng lên gào thét: "Anh nói bậy, anh với Nhiếp Phi Phi quen nhau mới được bao lâu, sao lại có thể coi cô ta là người nhà, anh chẳng qua chỉ là tùy tiện tìm một người để Hề Hề buông tay anh, anh cảm thấy tình yêu mà Hề Hề dành cho anh là một gánh nặng, khiến anh cảm thấy mệt mỏi, anh chẳng qua chỉ là, chỉ là..."
Nhiếp Diệc dường như không nhịn nổi nữa, ngắt lời nói: "Phi Phi không phải là người mà tôi tùy tiện tìm, hứa lại lần nữa, sau này chú cùng Giản Hề tránh xa cô ấy một chút."
Lúc này, bỗng nhiên chuông cửa reo lên mãnh liệt, một hồi lại một hồi, tôi đi chân trần ra mở cửa, Giản Hề ùa vào như một cơn gió, tôi bị cô ấy đụng trúng một chút, cô ấy tưa như là hoảng sợ, vội vội vàng vàng chắp tay trước ngực xin lỗi tôi, giây tiếp theo đã chạy ào vào phòng ngủ.
Sau đó có tiếng khóc nức nở truyền ra từ phòng ngủ.
Tôi nghe thấy Giản Hề xin lỗi Nhiếp Nhân, lại xin lỗi Nhiếp Diệc, đại khái nói là vì cô ấy nên Nhiếp Nhân mới làm ra chuyện đi quá giới hạn này, gây tổn thương cho rất nhiều người, cô ấy thấy trong lòng không yên, cô ấy cũng không biết vì sao sự việc lại thành ra như vậy.
Tôi nắm túi đá trên cổ tay tê dại, đột nhiên cảm thấy tình huống này có chút khôi hài, ngày hôm nay rõ ràng người bị giam giữ bất hợp pháp là tôi, xém chút nữa là bị người ta khi dễ cũng là tôi, bị người ta phá hủy lễ đính hôn chỉ có một lần trong đời cũng là tôi, thế mà tôi còn chưa khóc, vậy thì mấy người này vì cái gì mà khóc chứ.
Giản Hề cứ tự trách bản thân một lần lại một lần: "Đều là do em sai, Nhiếp Diệc, anh tha thứ cho Nhiếp Nhân đi, em sẽ cùng Nhiếp Nhân đi nhận lỗi với cậu dì, cũng sẽ đi nhận lỗi với người nhà của chị Nhiếp, em sẽ dốc hết sức để bù đắp cho chuyện đính hôn giữa anh và chị Nhiếp, em..."
Nhiếp Nhân không thể nhịn nổi nữa, nói: "Hề Hề, sao em lại nhận sai, người sai có phải là em đâu, là anh ấy cơ mà, anh đi guốc trong bụng anh ấy, thực ra anh ấy không yêu người nào hết, vì không yêu ai nên lấy người nào cũng được, nhưng anh ấy lại không lấy em, cố ý lấy một người xa lạ, làm cho tất cả mọi người đau khổ, bây giờ đính hôn không được, ha, đáng đời!"
Giản Hề run giọng nói: "Nhiếp Nhân!"
Nhiếp Nhân không nói gì nữa.
Nhiếp Diệc nói: "Đi ra ngoài hết đi, không cần hai người bù đắp gì hết, những chuyện còn lại cứ để tôi xử lý." Giản Hề nói: "Nhiếp Diệc, chuyện mà em có thể làm cho anh vốn đã không nhiều, chuyện lần này em..."
Nhiếp Nhân đột ngột cười một tiếng, Giản Hề cũng dừng lại.
Nhiếp Nhân chậm rãi nói: "Anh, anh thực sự là không yêu ai hết đúng không? Em nói anh như vậy, anh cũng không hề bẻ lại. Thực ra anh cũng không yêu Nhiếp Phi Phi phải không? Em cũng cảm thấy rất khó hiểu, chính anh nói tình yêu chẳng qua chỉ là phản ứng hóa học, thế thì sao anh có thể đột nhiên thích một người, hơn nữa còn tuyên bố không cưới ai ngoài cô ta. Anh không muốn tiếp nhận Hề Hề chẳng qua là vì Hề Hề quá yêu anh, nhưng anh chỉ muốn một cuộc hôn nhân nước sông không phạm nước giếng, anh muốn Nhiếp Phi Phi là bởi vì cô ta cũng không yêu anh." Tôi ngơ ngẩn hồi lâu, thầm nghĩ tên tiểu tử này cũng thông minh thật đấy.
Đột nhiên cậu ta thở dài: "Vậy thì anh càng nên cưới Hề Hề, anh, anh không biết..."
Giản Hề đột nhiên cao giọng nói: "Nhiếp Nhân, anh im ngay!"
Nhiếp Nhân không chịu im, tiếp tục nói: "Anh, anh không biết đâu, Hề Hề em ấy bị bệnh. Tháng trước bác sĩ đã xác nhận rồi, là chứng Alzheimer, rất ít bệnh nhân dưới 30 tuổi mắc bệnh, nhưng không may Hề Hề lại bị di truyền."
Trên TV đang chiếu bộ phim "Captain America", bị tôi tua đến lúc gần kết thúc. Captain America ngủ say ngoài khơi suốt 70 năm, giờ mê man nhìn thế giới mới của 70 năm sau, thương cảm nói: "Tôi đã bỏ lỡ cuộc hẹn."
Hội chứng Alzheimer, căn bệnh này tôi đã từng nghe nói, lúc đầu thì bị mất trí nhớ, không nói được, mất đi năng lực suy xét và phán đoán, theo thời gian bệnh càng nặng thêm, đến cả năng lực tự sinh hoạt cũng mất. Là căn bệnh đáng sợ từng chút từng chút một rút hết sức sống và sinh mệnh của con người.
Tôi không biết túi chườm nước đá bị rơi trên đất từ bao giờ. Căn phòng sát vách hoàn toàn yên ắng, chiếc TV trong phòng khách cũng đã chiếu xong phim, tự động chuyển về trang chủ với chế độ im lặng.
Vẫn là Giản Hề đập vỡ cục diện bế tắc trước tiên, như là đang nỗ lực bày ra bộ dạng tràn đầy sức sống, nhưng lại lộ ra vài phần miễn cưỡng, cô ấy nói: "Em đã liên hệ với bác sĩ, sẽ cố gắng tiếp nhận trị liệu, cũng, cũng không phải bệnh gì nặng lắm đâu." Ngay cả người bình thường như tôi cũng biết đây là căn bệnh hiểm nghèo, cực kỳ hiểm nghèo.
Nhiếp Nhân như ăn miếng trả miếng nói với Nhiếp Diệc: "Trí nhớ của Hề Hề cứ từng chút từng chút một mất dần, anh, không quá hai năm nữa em ấy sẽ quên anh, thậm chí chính mình là ai em ấy cũng quên mất. Cả đời em ấy cũng không nhớ được là mình đã từng yêu anh chứ đừng nói tới chuyện sẽ yêu anh lần nữa, nếu như anh quyết định cả đời này không yêu đương với ai cả thì Hề Hề mới là người bạn đời phù hợp nhất với anh."
Giản Hề kiềm nén nghẹn ngào nói: "Em đã phối hợp với bác sĩ trị liệu rồi, bác sĩ nói là có thể khống chế thời gian mất trí nhớ, Nhiếp Nhân anh..."
Nhiếp Nhân cắt lời cô ấy: "Đừng chọc cười anh nữa, mất trí vì Alzheimer căn bản là không thể chữa được, một ngày nào đó em sẽ quên hết thế thì còn làm người tốt chi nữa, từ nhỏ em đã thích Nhiếp Diệc, suốt ngày nhớ nhung anh ấy, nhưng anh ấy đã từng chủ động lo nghĩ cho em hay chưa?"
Trong khi đó, Nhiếp Diệc vẫn không nói một lời.
Chẳng biết là đụng trúng cái nút nào, TV lại bắt đầu chiếu một bộ phim điện ảnh kinh điển khác, có một giọng độc thoại khe khẽ: "Các con yêu dấu của ta, ta đã dời nhà đến New York được vài năm, không thể thường xuyên gặp các con như ý muốn..."
Tôi đi ra nhà vệ sinh rửa mặt, tiếng nước ào ào xối vào bồn rửa, nước ấm phản chiếu gương mặt tôi. Tôi nhìn lên gương, một gương mặt trẻ tuổi hiện ra. Tôi thử nở một nụ cười, một gương mặt trẻ tuổi đang mỉm cười hiện ra.
Tôi đốt một ngọn nến thơm, hai tay chống vào mặt bàn, hít vào một hơi thật sâu.
Trong màn hí kịch này, ngoại trừ sững sờ ra thì người ta không thể có phản ứng gì khác với bước ngoặc này.
Đầu óc tôi trống rỗng một hồi.
Mãi cho đến khi mùi hương bạc hà nâng cao tinh thần như có như không tỏa ra khắp phòng vệ sinh.
Tôi vặn vòi nước, dùng khăn lông lau lau tay.
Nhiếp Nhân đã đưa cho Nhiếp Diệc một sự lựa chọn mới, tôi và Giản Hề bị đặt lên hai bàn cân để chờ tuyển chọn. Một người là thanh mai trúc mã bị mắc chứng Alzheimer, một người là "vị hôn thê" quen chưa được một tháng, chỉ gặp mặt mới có năm lần. Nhiếp Diệc không yêu ai cả.
Tôi ra khỏi phòng vệ sinh, đi qua phòng khách, đẩy cửa phòng ngủ, Nhiếp Diệc và Nhiếp Nhân cùng giương mắt nhìn tôi, Giản Hề thấp giọng nói: "Nhiếp Diệc, anh không cần thương hại em, em thực tình không muốn anh khó xử..."
Tôi khoanh tay đứng dựa vào khung cửa, nói với ba người ở đó: "Tôi sẽ rút lui."
Khóe mắt Giản Hề đỏ hoe, ánh mắt ngơ ngẩn rơi trên người tôi.
Mặt Nhiếp Nhân bị đánh đến nhìn không ra, khóe miệng còn vương tơ máu, nghiêng đầu nghi hoặc hỏi tôi: "Cô rút lui? Rút lui cái gì?"
Nhiếp Diệc đứng trước của sổ sát đất, phía sau anh là ánh hoàng hôn màu đỏ đang dần biến mất ở đường chân trời, ánh sáng ấm áp bao phủ lấy dáng hình anh khiến anh càng tỏa ra vẻ xuất sắc. Anh nhìn tôi hồi lâu, hơi chau mày. Đây là người mà tôi yêu, là dreamboat (người tình lý tưởng) suốt đời của tôi. Số phận đã cho tôi bên anh 17 ngày, tôi đã từng lén lút nắm lấy tay anh, đã từng dựa vào bờ vai anh, giả vờ vô ý mà ôm lấy anh, tất cả những điều ấy đều rất đẹp, cũng đã đủ rồi.
Giản Hề nói cô ấy không muốn làm cho Nhiếp Diệc khó xử, cô ấy là một cô gái tốt, yêu Nhiếp Diệc nhiều năm như vậy, dù thân mang trọng bệnh cũng không lấy điều đó ra bức ép Nhiếp Diệc, thực sự là một lòng suy nghĩ cho Nhiếp Diệc.
Nhiếp Nhân nói tôi là một người thừa, đứng ở lập trường của cậu ta, đúng là có thể hình dung tôi như vậy.
Theo như lời Nhiếp Nhân nói, nếu Nhiếp Diệc không yêu ai cả thì Giản Hề mới là đối tượng thích hợp nhất với anh. Trước kia người thích hợp là tôi. Chứng Alzheimer sẽ làm cho Giản Hề từ từ quên hết tất cả mọi thứ có liên quan tới Nhiếp Diệc, cũng tuyệt đối không có khả năng yêu anh ấy lần nữa. Mà trong cuộc hôn nhân này, nghĩa vụ cao nhất của Nhiếp Diệc chỉ là chăm sóc Giản Hề. Khi anh ấy đồng ý chăm sóc một người thì sẽ chăm sóc người ấy rất tốt. Mà cuộc hôn nhân cô ấy có thể trao cho anh tuyệt đối phù hợp với kiểu mẫu mà anh kì vọng, chỉ là một quan hệ đơn thuần, quyền lợi và nghĩa vụ đều phân biệt rõ ràng, chắc chắn sẽ không nảy sinh thứ tình yêu mà anh ấy không muốn tiếp nhận.
Đó đích thực là những gì anh muốn.
Chưa từng rơi vào lưới tình thì sẽ không bao giờ biết yêu rốt cuộc là cái gì. Nó có thể làm cho người ta ấm áp như thế, cũng có thể làm cho người ta lạnh lùng như thế, có thể làm cho người ta khoan dung như thế, cũng có thể làm cho người ta ích kỉ như thế.
Bà nội tôi từng nói mọi cái "quả" đều đã nằm sẵn trong "nhân", mọi kết thúc đều được báo trước từ lúc bắt đầu. Giờ phút này tôi đã lờ mờ hiểu được đôi chút ý nghĩa những lời này của nội. Tôi muốn dành cho Nhiếp Diệc thật nhiều thật nhiều tình yêu, cho dù anh không muốn nhận, cho dù tình yêu này chẳng thể chạm tới trái tim anh, nhưng ít nhất nó có thể vun đắp cuộc hôn nhân của chúng tôi. Đó là cái cách được ăn cả ngã về không mà tôi từng nghĩ. Có thể thấy tình yêu tôi dành cho Nhiếp Diệc thực ra không có giới hạn, chẳng qua chỉ vì tôi chưa từng nghĩ một ngày nào đó mình có thể đến gần anh và yêu anh như vậy cho nên mới khiến cho tình cảm này dường như không nhuốm màu tham vọng.
Đây là cái "nhân" của chúng tôi, tôi hy vọng anh ấy vui vẻ, chỉ cần anh vui thì tôi cũng vui. Cái "nhân" duy nhất này từ lâu đã báo hiệu cái "quả", đó chính là, chia xa.
Phải trải qua khó khăn đau đớn mới có thể trưởng thành; phải bị thương đổ máu mới có thể giác ngộ.
Mẹ tôi vẫn dạy, đời người không phải là một sân khấu lớn với duy nhất một vở kịch, đời người gồm nhiều sân khấu nhỏ, san sát nối tiếp nhau, được dàn ra liên tục. Trong suốt cuộc đời của mình, bạn sẽ lân sân khấu vô số lần, cũng rời sân khấu vô số lượt, trong câu chuyện của chính mình, hoặc trong câu chuyện của người khác. Bất kể là câu chuyện của ai, chỉ cần đến phiên bạn lên sân khấu, bạn phải bước lên một cách xuất sắc, nếu đến lúc bạn phải xuống sân khấu, bạn cũng phải xuống một cách kiêu hãnh.
Trong câu chuyện này cùng Nhiếp Diệc, đã đến lúc tôi nên xuống sân khấu rồi.
Tôi im lặng đến gần Nhiếp Diệc, giống như đang tiếp cận một rạn san hô đẹp đẽ nhất dưới đáy biển sâu không một bóng người. Nhiếp Nhân và Giản Hề cũng tựa hồ không tồn tại. Nghi thức chia tay này chỉ có hai người chúng tôi.
Tôi đứng trước mặt anh, chúng tôi cách nhau rất gần. Đây là lần đầu tiên tôi chủ động đến gần anh như vậy. Anh cúi đầu nhìn tôi. Nhiếp Diệc vốn không phải là một người ít nói nhưng ngày hôm nay anh lại rất kiệm lời. Chúng tôi nhìn nhau rất lâu. Sau đó tôi đột nhiên ôm lấy cổ anh, nhón chân hôn lên khóe môi anh.
Tôi nhắm mắt lại, vì hồi hộp mà hàng mi rung rung, nhưng tôi vẫn dán chặt đôi môi mình lên môi anh, điềm tĩnh như một người sành sỏi. Chân tôi vẫn còn đau, khi nhón chân lên có chút chênh vênh. Đột nhiên anh đưa tay đỡ lấy eo tôi.
Đã đến lúc từ biệt, hẳn là nên có một nụ hôn chia tay.
Nguyện vọng cuối cùng liên quan đến anh cũng đã được thực hiện.
Tôi ôm lấy cổ anh thật chặt, làm ra vẻ thoải mái ghé vào tai anh trêu chọc: "Tiến sĩ Nhiếp, anh xem, anh còn nhiều việc phải làm như vậy, vì sao còn trêu chọc em?" Tôi lại hôn lên tai anh, nguyện vọng mới nảy ra này cũng đã được thực hiện. Tôi nhẹ giọng nói với anh: "Nhiếp Diệc, nhớ giữ gìn sức khỏe, anh phải hạnh phúc nhé."
Tôi có rất nhiều dũng khí, nhưng khi đó lại không dám nhìn biểu hiện của anh.
Tôi nói xong lời tạm biệt đó, buông Nhiếp Diệc ra, xoay người bước nhanh khỏi gian phòng ngủ. Lúc đi ra khỏi buồng trong, tôi còn giúp họ đóng cửa lại.
Có một bài hát thế này: "Xin cảm ơn anh vì đã cho em những hy vọng phù phiếm." Trước đây tôi vẫn nghi hoặc, tại sao lại đi cảm ơn người đem lại cho mình những hy vọng phù phiếm, cho người ta hy vọng rồi lại khiến người ta thất vọng, đây chẳng phải là tội ác tày trời hay sao. Nhưng giờ khắc này đây tôi rốt cuộc cũng đã hiểu rõ.
Nhiếp Diệc, em muốn cảm ơn anh vì anh đã tặng cho em sự hy vọng phù phiếm này. Mấy ngày qua, mỗi phút mỗi giây em đều vô cùng hạnh phúc, cho dù mấy ngày vùi đầu trong phòng làm việc em đã quên mất anh, nhưng những cảm xúc ngọt ngào nho nhỏ đó sẽ mãi mãi ở trong tim em, khiến cho cuộc sống của em không giống như trước kia nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top