Màn 1 - Chương 6
Tôi nằm mơ, trong mơ tôi quay trở về 10 năm trước. Khi đó tôi 12 tuổi, vừa mới lên lớp 7.
Trường của chúng tôi có một đường hoa anh đào, vào giữa tháng tư, những cây anh đào cổ thụ đang độ nở hoa rộn ràng, những bông hoa vừa thi nhau bung tỏa như không có ngày mai, vừa cùng nhau tàn lụi như đã là tận thế. Cả con đường được anh đào rụng rơi phủ kín.
Tôi vừa mới đi ra từ thư viện sau khi trả sách, tiết học đầu tiên đã bắt đầu được hai phút. Đó là giờ thể dục, mấy ngày trước tôi bị gãy tay, thầy giáo đặc biệt cho phép tôi nghỉ học thể dục, vì không có chuyện gì làm, tôi liền đi dạo trên đường hoa anh đào.
Hai giờ chiều là lúc toàn bộ sân trường yên tĩnh nhất, giữa không gian cực kì yên tĩnh ấy, đột nhiên có tiếng gọi tôi vang lên từ phía sau: "Em học sinh ơi, muốn đến hội trường phải đi thế nào?"
Tôi xoay người lại, một nam sinh cao ráo đứng cách tôi vài bước, anh ấy mặc một chiếc áo len mỏng màu nâu đậm, quần nhạt màu và đi giày thể thao, một tay đút vào túi quần, một tay cầm hai cái mô hình DNA xoắn ốc 2 màu đen trắng rất tinh xảo.
Một tay tôi bị đắp thạch cao treo trước ngực, trông có vẻ hơi buồn cười, tôi hỏi anh: "Anh không học trường này đúng không?"
Anh gật đầu.
Trước khi tôi nhập học, trường đã xây thêm một khu giảng đường mới, toàn bộ phần phía Nam đều được tu bổ lại, mà hội trường tréo ngoe thay lại ở khu Nam, đi từ đây đến đó quả thực phải trèo đèo lội suối, đi nửa vòng rồi qua cầu, tiếp đó phải vượt qua một quả núi nhân tạo làm cảnh mới đến được tòa nhà thực nghiệm, hội trường nằm sâu phía trong tòa nhà thực nghiệm, người bình thường không dễ dàng tìm được.
Tôi nói: "Chỗ đó khó tìm lắm, để em dẫn anh đi."
Hôm ấy có ánh dương ấm áp, gió thổi hiu hiu, trên đầu chúng tôi hoa anh đào nở rợp trời, chậm rãi rơi xuống như những bông tuyết trắng.
Tôi đưa anh tới hội trường vào lúc 2h25, anh tiện tay gỡ hai mô hình ra, đưa cho tôi một cái, tôi cầm nó trên tay hiếu kì nhìn ba giây đồng hồ rồi định bụng trả lại. Tôi nói: "Em chỉ dẫn đường một chút mà thôi, anh không cần cho em cái này."
Anh vẫn cắm tay trong túi quần, nói với tôi: "Chẳng qua chỉ là một vật trang trí nhỏ, lúc tôi đang cần người giúp, em liền tới tương trợ, em cứ nhận lấy đi." Nói xong không đợi tôi phản ứng đã xoay người mở cửa hội trường, tôi nghĩ phải đuổi theo anh mới được, nhưng đột nhiên nghe thấy một tràng vỗ tay vang dội như sấm nổ vọng ra từ trong khán phòng.
Tiếng vỗ tay đó khiến tôi cực kì tò mò, tôi lặng lẽ chạy tới cửa sau, tìm một chỗ nhìn lên khán đài, cả hội trường đông nghịt người, nhưng may mắn hàng ghế sau cùng vẫn còn vài chỗ trống.
Nam sinh cao ráo kia đang đứng trên đài phát biểu, ở bên cạnh là thầy hiệu trưởng của chúng tôi đang cầm micro nói cái gì đó. Tôi khom lưng nhanh nhẹn đi vào tìm một ghế ngồi xuống, cách đó hai chỗ có mấy chị khóa trên đang nhỏ to trò chuyện với nhau.
Một chị thì thầm hỏi: "Em ấy thực sự mới có 15 tuổi? Nhỏ hơn tụi mình? Đã đến Mỹ học đại học rồi?" Một chị khác thì thầm trả lời: "Bồ mới chuyển trường đến đây nên chắc không biết, Nhiếp Diệc là học sinh tiêu biểu có chỉ số thông minh cao nhất trong 50 năm qua của trường, em ấy từ trường chúng ta thi vào trường N. Nếu không thì tại sao sau khi thắng giải IGEI, hiệu trưởng lại có thể mời được em ấy đến thuyết trình cho chúng ta nghe chứ?"
Khi đó tôi còn chưa rõ IGEI là cái gì, chỉ biết cậu nam sinh đang đứng phát biểu trên kia hóa ra tên là Nhiếp Diệc, mới chỉ 15 tuổi. Mà cậu nam sinh 15 tuổi đứng trên khán đài to lớn kia có phong thái trầm tĩnh gấp nhiều lần so với bạn bè đồng trang lứa.
PPT trên màn hình có lẽ đang chiếu tên của hạng mục mà anh thắng giải, tôi xem không hiểu, anh điều chỉnh âm lượng của chiếc micro một chút, không nhanh không chậm mở mô hình trên tay ra, sau đó vừa lắp ghép lại vừa nói: "Tôi đang cầm một đồ trang trí nhỏ làm bằng các thành phần khoáng thạch khác nhau, có kết cấu mô hình hai hàng xoắn ốc như DNA, nhưng mà chưa kịp làm xong, nhưng ngày hôm nay chỉ cần có món đồ chơi này là đã đủ." Anh lấy mô hình đem phân ra ghép vào một hồi lại biến thành hình con cọp, lại phân ra ghép vào làm ra hình con chim, tiếp tục phân ra ghép vào tạo ra một con cá. 5 phút trôi qua. Cuối cùng anh cứ để mô hình ở dạng con cá, đặt nó lên bản báo cáo ở trên bàn, ngẩng đầu nhìn thính giả ở dưới hội trường, bắt đầu tiến hành thuyết trình: "Mọi người đều biết, gen của đại đa số sinh vật đều do DNA cấu thành, tuy các loại nucleotide hoàn toàn giống nhau nhưng tỉ lệ hàm lượng và trình tự sắp xếp lại khác nhau, từ đó tạo thành các loài sinh vật vô cùng đa dạng..."
Nhiếp Diệc có một đôi mắt đen trầm tĩnh, lúc thuyết trình giọng nói không nhanh không chậm, không cao không thấp, tuy tôi hoàn toàn không hiểu nổi những gì mà anh nói, thế nhưng vẫn cứ ngồi đó nghe say mê, hoàn toàn quên mất khi ấy chuông đã reo vào tiết mới.
Không biết trên đời này có ai nghe giảng không hiểu gì hết nhưng vẫn xúc động như tôi không. Khi đó Nhiếp Diệc mới 15 tuổi nhưng đã có thể cưỡi ngựa tung hoành trong vương quốc của mình, tôi 12 tuổi ngồi dưới hàng ghế thính giả thầm nghĩ, hóa ra trên đời này còn có người như thế.
Khang Tố La từng hỏi tôi, vì sao tôi lại si mê Nhiếp Diệc, tôi nghĩ tôi si mê Nhiếp Diệc vì lẽ này. Cô ấy tiếp tục hỏi tôi: "Ngày hôm đó nhất định là bồ cực kì vui vẻ cực kì mộng mơ, tối không ngủ được, cả đêm chìm đắm trong hạnh phúc vì được gặp gỡ thần tượng nhỉ?"
Thành thật mà nói, si mê Nhiếp Diệc ngày đó, vì mải ngồi nghe anh thuyết trình mà từ lúc chào đời đến nay lần đầu tiên tôi trốn học, cuối cùng phải chép phạt "Nội quy nhà trường" 50 lần. Đúng là tối đó tôi không ngủ được vì còn bận chép phạt nguyên đêm.
Giấc mơ kia bị đứt đoạn vì trợ lí gọi điện đến, hỏi tôi có còn nhớ lịch trình ngày hôm nay không? Tôi suy nghĩ hồi lâu mới nhớ ra mình đang ở đâu, mười hôm trước, sau khi vào phòng làm việc tôi vẫn chưa ra ngoài, tối hôm qua rốt cuộc cũng xử lí xong tất cả các công tác hậu kì của lần đi chụp hình ở biển N, mọi người gọi đồ ăn nhanh ở bên ngoài về chén sạch, rồi lăn ra đất ngủ khò.
Tôi sờ soạng mở cửa phòng nghỉ, gãi gãi đầu đi đến tủ lạnh ngoài phòng khách tìm đồ uống, ở đầu bên kia của điện thoại, Đồng Đồng kinh ngạc nói: "Chị Phi Phi, lịch trình quan trọng như vậy mà chị không nhớ?"
Tôi gãi đầu nói: "Em đùa à, hôm nay làm gì có lịch trình nào, những chuyện cần xử lý chẳng phải đã xử lý xong hết rồi sao?" Lúc đi tới chỗ tủ lạnh tôi đạp trúng một thứ, thứ kia rên rỉ "ôi" một tiếng, tôi nhanh chóng lách người sang bên cạnh, tiếp tục đạp trúng một thứ, lại một tiếng "ôi" rên rỉ vang lên.
Đồng Đồng nói: "Lịch trình này thực sự rất quan trọng, hôm qua anh Nhiếp gọi điện hẹn chị sau khi tan việc thì ghé qua bệnh viện thăm bà nội của anh ấy, hai người hẹn gặp trước cửa bện viện lúc 6h30."
Tôi nhất thời hồi hộp, trong nháy mắt nhớ ra đúng thật là có chuyện này.
Tôi miễn cưỡng giữ bình tĩnh nói: "Ý em là chuyện đó hả? Chị có quên đâu, mà bây giờ là mấy giờ rồi?"
Đồng Đồng nói: "Năm giờ rưỡi."
Tôi lấy môt chai nước khoáng mặn có ga, vừa vặn nắp vừa nói: "Mới có năm giờ rưỡi, còn sớm chán."
Đồng Đồng nói: "Chị Phi Phi, là năm giờ rưỡi chiều đó."
Tôi phun ngụm nước ra ngoài, nói: "Chết m* rồi."
Đồng Đồng nói: "Chị Phi Phi ơi, chị nhanh đổi qua hình tượng thục nữ đi, cứ mỗi lần ở chung với tổ hậu kỳ lâu một chút là chị lại bắt đầu nói tục."
Tôi nói: "Kệ m* nó, chị biến hình ngay đây, em mau chuẩn bị một bộ quần áo rồi kêu người đem qua đây cho chị."
Đồng Đồng thăm dò: "Giờ này mà chị còn chưa mặc đồ xong hả? Chẳng phải chị nói là chị không quên sao? Hôm qua còn bảo đảm với em hai lần là sẽ không quên nữa chứ? Em còn dán một tờ giấy nhắc nhở trên máy tính của chị, đầu giường cũng dán giấy nhắc nhở, trên tủ lạnh cũng có nốt."
Tôi thành thực nói: "Chị vừa mới ngủ dậy."
Đồng Đồng sụp đổ nói: "Vậy muốn chuyển sang trạng thái chuẩn bị chiến đấu khẩn cấp luôn không?"
Tôi nói: "Có thể nói là như vậy, m* nó."
Người làm nhiếp ảnh ít nhiều điều có điểm quái gở, sự quái gở của tôi được thể hiện ở chỗ, vào phòng làm việc xong thì tôi lập tức không thèm nhận mặt người thân, cho nên đã bỏ lỡ cuộc gặp mặt giữa Nhiếp Diệc và ba mẹ tôi, cũng bỏ lỡ luôn buổi gặp mặt giữa ba mẹ tôi và ba mẹ Nhiếp Diệc. Cũng may là tôi còn có một trợ lý đời sống tính tình cần cù thật thà, tại những thời khắc quan trọng đều kịp thời làm công tác kết nối tôi với thế giới bên ngoài.
Trong vòng mười ngày qua, có rất nhiều chuyện đã được giải quyết, ví dụ như gia đình hai bên đã đi đến quyết định thống nhất, chờ đến lúc tôi xuất quan sẽ đến gặp bà của Nhiếp Diệc, xong rồi tiến hành đính hôn luôn.
Nghe nói bà nội của Nhiếp Diệc nghe xong tin này liền phấn khởi vô cùng, đã đồng ý tiến hành phẫu thuật. Nói về chuyện này, thực tình là người ngoài đều có chút hiểu lầm, thực ra tình hình sức khỏe của Nhiếp lão phu nhân không tồi tệ như lời đồn, chỉ cần phẫu thuật tim là ổn. Đại khái là trước giờ Nhiếp Diệc không có bạn gái, khiến lòng bà kết thành một khối tâm bệnh, bà đã quỳ trước tượng Phật mà thề, ngày nào Nhiếp Diệc chưa có bạn gái thì ngày đó bà nhất quyết không chịu làm phẫu thuật. Dù sao thì cũng phải kết hôn, lại trùng hợp gặp được tôi là người cũng có quan niệm hôn nhân tương đối giống mình, cho nên Nhiếp Diệc liền dứt khoát tiến tới luôn.
Đây mới là chân tướng sự việc.
Đồng Đồng báo cáo với tôi rằng con bé lén lút thăm dò được vài tin tức, nói là ba Nhiếp Diệc rất hài lòng với hôn sự này, nhưng mà mẹ Nhiếp Diệc lại úp mở không ưng, nhưng vì ba anh là chủ gia đình nên chẳng ai để ý cái sự úp mở không ưng của mẹ anh hết. Mẹ của Nhiếp Diệc không thích tôi về làm dâu nhà họ là bởi một nguyên nhân cơ bản, đó là vì trong lòng bà ấy vốn đã âm thầm lựa chọn một cô gái tên là Giản Hề. Nghe nói cô ấy là con gái bạn thân của bà Nhiếp, chẳng may từ khi còn nhỏ ba mẹ đã bị tai nạn xe cộ qua đời, chỉ còn lại một người thân duy nhất là bà ngoại 70 tuổi, thế nên bà Nhiếp liền hành hiệp trượng nghĩa đưa cô ấy cùng bà ngoại về nhà họ Nhiếp sinh sống, cô ấy cùng Nhiếp Diệc lớn lên bên nhau, trở thành thanh mai trúc mã của Nhiếp Diệc.
Đồng Đồng giúp tôi kéo khóa đằng sau lưng, lo lắng thay cho tôi: "Chị Phi Phi, Nhiếp Diệc có một cô thanh mai trúc mã như vậy mà chị không lo lắng hả? Sao chị có thể bình tĩnh được vậy?"
Tôi nói: "Lo lắng cái gì? Đã từng nghe qua câu thơ cổ: 'Thanh mai trúc mã khó thành, kẻ thù mới dễ kết vành uyên ương' chưa? Nếu em nói nhà họ Giản với nhà họ Nhiếp là kẻ thù truyền kiếp thì chị đây mới sợ."
Đồng Đồng nói: "Cái câu thơ cổ này... là do vị cổ nhân nào sáng tác đấy ạ?"
Tôi nói: "Quý bà Trịnh Đan Trì." Quay đầu lại bổ sung: "Cũng chính là mẫu thân đại nhân của chị."
Tôi đến khu nội trú của bệnh viện thành phố S lúc 7 giờ 30, không may đến muộn đúng 1 tiếng, rõ ràng là Nhiếp Diệc không thể nào vẫn còn đứng ở cửa chờ tôi.
Lái xe được nửa đường tôi mới phát hiện mình quên mang theo di động, hoàn toàn hết cách tìm được Nhiếp Diệc rồi nhờ anh dẫn tôi đi tìm phòng bệnh, tôi buộc lòng phải đến văn phòng bệnh viện xin gọi nhờ điện thoại bảo Đồng Đồng hỏi Nhiếp Diệc xem bà của anh đang nằm ở phòng nào, sau đó đi vào khu nội trú hỏi thăm rồi trực tiếp vào luôn.
Tôi dừng chân trước phòng bệnh 1105 sửa sang lại dung nhan, đang muốn gõ cửa đi vào thì cửa lại bất ngờ mở ra, cô gái tóc ngắn mặc áo T-shirt nhìn thấy tôi thì lấy làm ngạc nhiên, buồn bực nói: "Chị là ai?" Cô gái này tóc ngắn uốn xoăn, giống phong cách của Audrey Hepburn trong phim điện ảnh "Sabrina" khi từ Paris quay lại Hoa Kỳ, trông cực kì xinh đẹp.
Tôi ôm một bó hoa lớn trong tay, nói: "Đây là phòng bệnh của bà Nhiếp phải không ạ? Tôi là Nhiếp Phi Phi, tới đây thăm bệnh."
Cô gái tóc ngắn giật mình nhìn tôi ba giây rồi nhẹ giọng nói: "Tinh thần bà không được tốt lắm, đã đi nghỉ rồi."
Tôi nói: "Tôi đem hoa vào phòng rồi đi ngay."
Cô gái tóc ngắn chần chừ một chút, nghiêng người định cho tôi đi vào, lại do dự một hồi rồi tự mình rời khỏi phòng.
Sự tình thực sự nằm ngoài dự tính của con người.
Vốn chỉ nghĩ rằng đây sẽ là một màn thăm hỏi ngắn gọn, nhưng mười phút sau khi vào phòng bệnh, tôi đứng ở trước giường bệnh của bà Nhiếp Diệc, hát cho bà nghe một đoạn kịch Tứ Xuyên tên là "Harry Potter đến trường Hogwarts", kịch bản do tôi tự biên tự diễn.
Tôi nghiêm túc nói với người bà rất ghiền hý kịch này: "Vì chỉ có một mình nên con phải vừa chơi thanh la chiêng trống vừa hát đệm, nhất định không thể nào hay bằng những nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng mà có lòng là tốt rồi phải không nội?"
Bà nội tiếc nuối nói: "Bây giờ mà diễn luôn tại chỗ cái màn Voldermort đổi mặt thì chắc là không được phải không?" Tôi nói: "Để diễn tiết mục Voldermort đổi mặt của Xuyên kịch phải chuẩn bị đạo cụ nữa, lần sau con tới, con sẽ đặc biệt biểu diễn cho nội xem, ngày hôm nay con hát một đoạn Harry Potter đến Hogwarts trước đã, bây giờ con hát luôn nha?"
Bà nội vô cùng hứng chí nói: "Con hát đi."
Tôi bắt đầu hát: "Huống hồ huống hồ huống hồ huống hồ huống huống hồ!
Ta đây, vốn chỉ là một sinh tiểu học bình thường như cây trinh nữ ven đường, ở trên trán có một vết sẹo hình tia chớp không cách nào xóa được.
Potter là họ của ta, Harry là tên của ta, Harry Potter đó mà, chính là tên họ của ta.
(Hát đệm) Harry Potter đó mà, chính là tên họ của ngươi!
Ngày đó hăm mốt tháng bảy âm lịch,
Ta ngồi xe lửa đến trường Hogward,
Ngôi trường này cực kì thú vị,
Học sinh được nhận đều là phù thủy,
Các thầy cô đều rất sắc sảo,
Có một giáo sư tên là Snape,
Ông ta có một cái mũi chim ưng.
Nhà ăn của học sinh cũng vô cùng thần kì,
Mặc kệ là khoai tây chiên hay khoai tây luộc,
Tất cả đều là đồ ăn miễn phí!
(Hát đệm) không thu tiền ah hoàn toàn miễn phí!"
Khi hát Xuyên kịch, hơi thở rất quan trọng, lúc tôi đang dài giọng ngân chữ cuối cùng của câu hát đệm kia, ngoài cửa vẳng lên ba tiếng gõ. Khi đó một tay tôi đang nắm lại, tay kia cong lên, đầu nghiêng nghiêng tạo thành một tư thế người ta vẫn làm khi kết thúc bài hí. Bà nội ở trên giường ra sức vỗ tay, Nhiếp Diệc một thân nhàn rỗi khoanh tay đứng dựa vào cửa ra vào, ý vị thâm trường, mở miệng trước: "Em đang làm gì vậy?"
Bà nội cướp lời: "Phi Phi đang hát hí kịch cho ta nghe."
Còn tôi thì ngây ngẩn cả người, thầm nghĩ: "M* nó, không phải chứ."
Khang Tố La nói rằng con người tôi thực sự là da mặt quá dày, trong từ điển dường như không hề tồn tại hai chữ "mất mặt", sự kiện tiêu biểu là năm đó bạn trai của Khang Tố La bắt cá hai tay, tôi lập tức ra mặt đánh ghen giúp Khang Tố La, kết quả là ngày đó khi vừa mới xông ra, tôi nhất thời không để ý nên vấp ngã chống vó trước mặt tên đó cũng với bạn gái mới của hắn, nhưng tất nhiên là tôi là đâu biết thế nào là mất mặt, lập tức bò dậy, vẫn như cũ lấy hết sức lực khí thế chạy qua nện cho tên kia tối tăm mặt mũi. Từ đó về sau, Khang Tố La cảm thấy tôi cực kì phong độ, nếu tôi mà là con trai thì hai chúng tôi có thể lập tức kết duyên, trăm năm hạnh phúc.
Đến lúc này tôi mới biết được một điều, tuy da mặt tôi quả thực rất dày, nhưng tôi vẫn không muốn bị một người nhìn thấy bộ dạng mất mặt của mình.
Nhiếp Diệc đi tới, tôi vội vàng thu tay rụt chân lại.
Anh ngồi lên chiếc ghế sofa trước cửa sổ, thuận tay cầm lấy cuốn sách bên tay ghế, nói: "Hai người cứ tiếp tục, con không quấy rầy hai người đâu."
Bà nội nói chen vào: "Sao bây giờ mi mới tới, Phi Phi đã đến được một lúc lâu rồi."
Tôi đang muốn nói tôi mới là người đến muộn, có thể Nhiếp Diệc bận đi tìm tôi, lại nghe Nhiếp Diệc nói: "Thưa nội, con đến trễ."
Bà nội bĩu môi nói: "Trước đây mi chưa từng trễ giờ, bây giờ lại học đâu ra cái thói đi muộn? Mi biết nội ghét nhất chuyện này."
Nhiếp Diệc nói: "Chẳng phải Phi Phi chơi với nội rất vui sao? Còn hát Harry Potter đến Hogwards nữa cơ mà?"
Lòng tôi lộp bộp, nói: "Không phải chứ... Anh nghe thấy hết à..."
Anh khen ngợi: "Hát hay lắm."
Tôi nói: "Chắc tiến sĩ Nhiếp đang dối lòng..."
Bà nội nói: "Phi Phi, đừng để ý tới nó, tới đây, hát cho nội nghe một bài nữa đi, không phải con nói là con còn đem "Kiêu hãnh và định kiến" viết thành Xuyên kịch nữa sao?"
Tôi thực sự muốn đánh vào trán mình một phát, ỉu xìu nói: "Đúng rồi nội."
Bà nội nói: "Mau mau tới đây, hát một khúc."
Tôi nói: "Muốn con hát thật ạ?"
Bà nội cười tủm tỉm gật đầu.
Tôi nghĩ nghĩ, dù sao thì cũng đã mất mặt rồi, giờ có mất thêm lần nữa thì cũng vậy, vả lại nếu tôi không hát nữa thì chưa chắc Nhiếp Diệc sẽ nghĩ là tôi không bị thần kinh, cần gì phải lấy vải thưa che mắt thánh.
Tôi xốc lại tinh thần, nói: "Nội ơi, nội còn nhớ cái khúc dì của David hay tin David thích Elizabeth liền đi xe ngựa qua nhà Elizabeth cảnh cáo Elizabeth không? Con hát nội nghe trích đoạn này nha."
Tôi hắng giọng:
"Thang nhất bát bát thái nhất bát bát thang nhất bát bát thái nhất bát bát thái thang thang!
Ta, Katherine de Bourgh, người ta đều gọi ta là phu nhân Katherine đức cao vọng trọng.
Ngày hôm nay ta hạ mình đi tới Longbourn,
Là muốn cùng cô gái trẻ Elizabeth Bennet nói cho rõ ràng,
Cháu trai William Fitz Henry Darcy Robinson của ta là bậc trâm anh,
Cô ta đừng có mơ tưởng mà trèo cao!"
Ở trước cửa sổ có một cái đèn chụp, Nhiếp Diệc ngồi đó lật sách, như là hoàn toàn không để ý đến chúng tôi, chỉ tự mình chăm chú đọc một câu chuyện gì đó, nhưng tôi để ý thấy hồi lâu mà anh không hề lật thêm trang nào. Ngay lúc quay đầu liền thấy miệng anh tựa hồ hiện lên ý cười trong tích tắc, đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Nhiếp Diệc cười. Tôi thầm nghĩ, anh đang cười nhạo tôi sao? Lại nghĩ, thôi kệ, dù sao chuyện cũng đã thành thế này rồi, ít nhất mình cũng đã trêu cho bà nội vui vẻ một chút, lớn tuổi rồi mà bị quản chặt như vậy ở bệnh viện cũng không dễ dàng gì.
Tôi ở bên này tiếp tục hát ít nhất nửa tiếng đồng hồ, mãi cho đến khi hết thời gian tiếp khách. Trong lúc bà nội chịu trách nhiệm vỗ tay, Nhiếp Diệc rót nước cho tôi, cả gian phòng tràn ngập hoan thanh tiếu ngữ. May là chỗ này nằm ở cuối hành lang, là một phòng bệnh độc lập, cách âm hiệu quả, nếu không thì y tá đã sớm chạy qua đây đuổi người rồi.
Tạm biệt bà nội, đi ra cổng khu nội trú, tôi đang muốn giải thích chuyện đến trễ với Nhiếp Diệc, anh đột nhiên nói: "Hình như em có vẻ gầy đi không ít, sắc mặt cũng không tốt như lần đầu tiên gặp mặt."
Tôi nói: "Lúc em rời khỏi phòng làm việc thì sẽ biến thành bộ dạng này, đúng rồi..."
Anh cắt ngang lời tôi: "Đi thôi, tôi đưa em đi tẩm bổ."
Tôi lơ mơ một chút, nói: "Cái gì?"
Anh nói: "Có một chỗ bán canh được lắm."
Tôi nói: "Không phải là sau 9 giờ không nên ăn gì để khỏi rối loạn tiêu hóa hả?"
Anh quay đầu nhìn tôi: "Cái đó là đối với người bình thường ăn ngày ba bữa. Trợ lý của em nói lúc năm giờ rưỡi em mới thức dậy, trong suốt 20 tiếng đồng hồ em chỉ uống nửa chai nước khoáng mặn. Em không đói bụng à?"
Tôi mặt buồn rười rượi: "Đang đói muốn chết đây."
Tôi từng xem qua một bộ phim truyền hình, trong đó thảo luận thế nào là 'thích', nam phụ nói, từ xưa đến nay, nếu ai đó mua đồ ăn cho bạn thì chính là vì người đó thích bạn. Tôi cảm thấy mấy lời này rất có lý. Nhưng phim truyền hình cũng chỉ là phim truyền hình, tôi nghĩ, đời nào có giống phim đâu chứ. Có đôi khi tôi cũng thả lỏng để bản thân tưởng bở một chút, nhưng tôi biết đó chỉ là tưởng bở, mà tưởng bở thì chẳng có ý nghĩa gì hết.
Nhiếp Diệc đã đi trước tôi 2 thước, tôi nhanh chân đuổi kịp.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top