Màn 1 - Chương 3

Ngày hôm sau trời đổ mưa, dù mưa không lớn lắm nhưng khi rơi xuống cửa sổ thủy tinh cũng đủ tạo thành từng vệt lệ dài, giống như dòng nước mắt chảy trên đôi má con người.

Trước đây mẹ tôi cực kì thích những ngày mưa, mẹ thường chứa chan tình cảm nói với tôi, thực ra mưa chính là nước mắt của thi nhân bọn mẹ. Sau này có một ngày trời mưa to, mẹ tôi nhận lời mời tham gia một buổi tiệc, không may nước mưa trên đường làm hỏng đôi giày làm bằng lông chim khổng tước mà mẹ đang mang, sau đó, mẹ không còn cảm thán thật ra mưa chính là nước mắt của thi nhân bọn mẹ nữa. Nhưng hình như mẹ vẫn rất luyến tiếc cái câu ví von này, có lần đi tản bộ vào buổi sáng, tôi nghe thấy mẹ thủ thỉ với ba: "Thực ra những giọt sương sớm ngày hè chính là nước mắt của thi nhân chúng tôi." Ba tôi nói: "Anh thực sự không hiểu nổi giới thi nhân của em, chẳng phải lần trước em nói mưa chính là nước mắt của thi nhân hay sao?" Mẹ tôi nói: "Đều là nước mắt của chúng tôi hết đó được chưa? Thi nhân chúng tôi bẩm sinh đã có nhiều nước mắt đó được chưa?" Ba tôi không tiếp lời.

Lúc nhớ tới chuyện này, tôi không khỏi nhớ nhung ba mẹ đôi chút, nhưng giây tiếp theo, lòng tôi lập tức cứng rắn.

Nguyễn Dịch Sầm có thói quen mỗi sáng thức dậy đều phải uống một tách cà phê nguyên chất, sau khi ăn sáng xong tôi liền trực tiếp đến quán cà phê của khách sạn tìm anh ta, quả nhiên nhìn thấy anh ta đang ngồi ở một góc đọc báo.

Tôi ngồi đối diện với anh ta, anh ta ngẩng đầu nhìn tôi một cái, hỏi: "Thu dọn đồ đạc xong chưa?"

Tôi gật đầu. Anh ta lật tiếp một trang báo, nói: "Chờ tôi mười phút nữa."

Tôi ừ một tiếng, tiện tay cầm lấy một cuốn tạp chí ở trên bàn.

Trời hãy còn sớm nên quán cà phê không có mấy người, trừ hai chúng tôi ra thì cũng chỉ có hai cô gái trông rất thời thượng ngồi ở một góc tán gẫu chuyện mua sắm.

Khi tôi mới lật được hai trang tạp chí, cô gái cột tóc đuôi ngựa đột nhiên lấy một quyển tạp chí, chỉ tay vào trang bìa nói với cô bạn đi cùng: "Ôi, giới thương nhân cũng có soái ca thế này sao?"

Cô bạn đi cùng nhìn một cái, nói: "A, mình biết, là cậu chủ của công ty dược phẩm Nhiếp thị, Nhiếp Diệc."

Tôi cầm cuốn tạp chí không chặt, "phịch" một tiếng đánh rơi lên bàn, Nguyễn Dịch Sầm lướt qua tờ báo liếc mắt nhìn tôi, tôi giả vờ như không có gì, nhặt cuốn tạp chí lên lại.

Tóc đuôi ngựa nói: "Chính là công ty dược phẩm Nhiếp thị đó hả?"

Cô bạn gật đầu nói: "Tấm ảnh này không lột tả hết vẻ đẹp trai của người thật, mấy năm trước khi mình còn làm ở "thời báo tin tức buổi tối", vào buổi họp báo ra mắt sản phẩm của công ty bọn họ, mình đã nhìn thấy anh ấy một lần, người thật phải nói là khí chất ngời ngời. Đúng rồi, anh ấy quả là một nhân vật xuất chúng, năm ngoái người ta quay tiếp mùa mới của series "The Big Bang theory" đó, bồ đã xem qua chưa? Nhiếp Diệc chính là Sheldon của đời thực đấy, năm 14 tuổi thi vào trường N học khoa sinh vật hệ chính quy, 16 tuổi thi đỗ trường Y học tiến sĩ ngành sinh vật học tế bào và phân tử, 19 tuổi đã lấy được bằng tiến sĩ, sau khi được trường giữ lại làm giảng viên một năm, anh ấy về nước kế thừa gia nghiệp, thực tình không phải là người thường nữa rồi."

Miệng của cô gái cột tóc đuôi ngựa đã há hốc thành hình chữ O nói: "Hình như mình cũng có chút ấn tượng, có phải anh ấy từng có scandal với ngôi sao điện ảnh Dương Nhiễm không?"

Cô bạn đi cùng nói: "Bồ nhớ lầm rồi, ở phương diện này anh Nhiếp hoàn toàn trong sạch, quả thực là một đóa hoa mọc trên núi cao, đừng nói là có scandal với ngôi sao, anh ấy chỉ có một bạn gái chính thức mà thôi."

Tóc đuôi ngựa lập tức nói: "Anh ấy mà cũng có bạn gái chính thức? Người như vậy còn mà quen bạn gái làm gì? Làm người mà đạt đến trình độ này thì cả đời cũng đừng nên có bạn gái, chỉ nên sử dụng sự phân bào nhiễm sắc thể để sinh con đẻ cái thôi." Lại hỏi: "Bạn gái của anh ấy là người thế nào? Chắc cũng là học bá nhỉ?"

Cô bạn nói: "Nghe nói là đàn em ở trường Y của anh ấy, nhưng chẳng phải là học bá gì cả, dựa vào gian lận mới trầy trật tốt nghiệp được. Bồ cũng biết đấy, thể loại con nhà giàu mới nổi ấy mà, mới đầu cô ta học ngành sinh vật biển, nhưng sau đó thi không nổi kiến thức chuyên ngành nên mới chuyển qua làm chụp ảnh, là một đứa con gái nhà giàu mà học dốt điển hình."

Tóc đuôi ngựa tỏ vẻ không tin nói: "Vậy rốt cuộc vì sao mà cậu chủ Nhiếp lại yêu cô ta? Chẳng hợp lý chút nào."

Cô bạn nói: "Có yêu đương gì cho cam, bồ cũng biết người như họ ấy mà, bạn gái chính thức trên cơ bản đều là do cha mẹ sắp đặt, vì lợi ích của gia tộc chứ làm gì được tự do lựa chọn, cũng thật đáng thương." Lại nói: "Nghe bảo lúc đó có hai cô gái được đề cử làm bạn gái của anh ấy, một người là do ba anh ấy lựa chọn, chính là cái cô nhà giàu học dốt đó, người còn lại là con gái của bạn thân mẹ anh ấy, tên là Giản Giản cái gì đó, cô con gái thì mình đã từng gặp qua rồi, khi đó cô ấy vẫn còn đang học đại học, đến thực tập ở công ty Nhiếp thị, ngoại hình cực kỳ trong sáng xinh đẹp, cô bé đó không được chọn chắc là vì gia thế không bằng rồi." Nói xong thì hai người cùng yên lặng, một lúc sau tóc đuôi ngựa thốt lên một câu: "Có tiền thì ích gì, học giỏi thì ích gì, 19 tuổi đã có bằng tiến sĩ thì ích gì, rồi thì cũng bị ba mẹ ép duyên, ép duyên thực sự là hại chết con người ta mà."

Tôi tựa người vào ghế uống nước chanh, tự hỏi liệu có chút sự thật nào trong mấy cái tin vịt này không, sao tôi lại bị biến thành một đứa con gái tồi tệ dốt nát thế này, nhưng cũng thật không ngờ, đối với chuyện hôn nhân của tầng lớp thượng lưu, quần chúng nhân dân lại có một sự đồng cảm lớn đến thế. Mà nói vậy cũng không đúng, năm ngoái có một tên nhà giàu mới nổi ngoại hình rất giống Ngưu Ma Vương trong phim Tây Du Ký bị vợ mình là một nữ minh tinh hành hung bạo lực, theo tôi được biết thì anh ta lại không được quần chúng nhân dân đồng cảm, xem ra sự đồng cảm chủ yếu vẫn là dựa vào độ đẹp trai của nhân vật chính.

Thực sự khiến người ta ngổn ngang trăm mối tơ vò.

Nguyễn Dịch Sầm ngồi ở đối diện đã bắt đầu gấp tờ báo lại, đột nhiên nói: "Chúng ta năm đó cũng có thể tính là do ba mẹ sắp đặt."

Tôi nói: "Anh hãy cho hôn nhân sắp đặt một con đường sống đi, chúng ta hồi đó dù nhìn ngang hay nhìn dọc, cũng không thể xem là bị sắp đặt."

Anh ta đứng lên đi ra hành lang trước, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, nói: "Thật ra, có đôi khi quyết định của ba mẹ... không phải lúc nào cũng sai."

Tôi đứng cách anh ta nửa thước, nhìn anh ta ít nhất mười giây, hỏi: "Bây giờ anh hiểu chuyện thế này, người nhà của anh có biết không?"

Anh ta đút một tay vào túi quần, tay kia cầm chìa khoá xe, đứng đó hỏi tôi: "Còn em, em một thân một mình theo tôi tới đảo Trường Minh, người nhà của em có biết không?"

Tôi rùng mình một cái, nói: "Nguyễn Dịch Sầm, anh không gọi điện nói cho ba mẹ tôi biết đấy chứ?"

Anh ta nhíu mày nói: "Tôi không biết phương thức liên lạc với ba mẹ em." Đoạn nhìn tôi thật kĩ nói: "Tại sao lại không thể nói cho hai bác biết?"

Tôi chưa kịp nghĩ ngợi đã thốt ra: "Vì hai người họ sẽ nói cho..." Cái tên Nhiếp Diệc đã lên tới đầu lưỡi liền được tôi kịp thời nuốt lại.

Nguyễn Dịch Sầm lại tới gần nói: "Hai người họ sẽ nói cho ai?"

Tôi đứng đó sững sờ.

Thần sắc của anh ta bỗng trở nên phức tạp, giọng nói bị ép xuống cực thấp, nói: "Họ sẽ nói cho... bạn trai em?"

Tôi hoảng hốt nửa giây, Nguyễn Dịch Sầm đâu có khờ, đã đến nước này, chắc chắn anh ta không tin là tôi tới đảo Trường Minh du lịch.

Tôi lấy lại bình tĩnh, nói: "Nguyễn Dịch Sầm, không giấu gì anh, tôi cãi nhau với bạn trai nên mới bỏ nhà đi, mẹ tôi vẫn chưa biết, anh giúp tôi chuyện này nhé, đừng gọi điện làm bà lo lắng."

Anh ta nhíu mày nhìn tôi hồi lâu, nói: "Em bỏ đi, bạn trai em không nói cho mẹ em biết ư?"

Tôi nói: "Không đâu, chưa đến bước đường cùng, anh ấy sẽ không để cho ba mẹ tôi phải lo lắng."

Anh ta đột nhiên cười nhạt: "Nhiếp Phi Phi, em ích kỉ vừa vừa thôi, em cũng biết là ba mẹ ở nhà sẽ lo lắng?"

Tôi nói: "Có một số việc anh không hiểu được đâu."

Anh ta nắm chặt tay: "Vậy em phải có trách nhiệm nói cho tôi biết."

Tôi cười một tiếng, nói: "Có nói chuyện này với anh thì anh cũng không hiểu được."

Anh ta nhướn mày, nói: "Nhiếp Phi Phi, em vẫn như ngày xưa, có chuyện gì xảy ra thì đầu tiên cũng chỉ nghĩ đến việc bỏ đi, đã sáu năm rồi mà cũng không tiến bộ chút nào."

Tôi nói: "Nguyễn Dịch Sầm, xem ra đã tới lúc hai chúng ta đường ai nấy đi rồi."

Anh ta nhíu chặt lông mày, cứ như vậy nhìn tôi. Tôi không hề sợ hãi cùng anh ta mặt đối mặt. Anh ta dùng sức siết chặt chiếc chìa khóa trong tay, hơi khàn giọng hỏi tôi: "Em cãi nhau với anh ta, em muốn bắt anh ta chạy ra tận đảo Trường Minh nhận sai với em à? Nếu vậy thì em sẽ tha thứ cho anh ta? Em muốn có một màn làm hòa lãng mạn, cho nên mới bỏ nhà ra đi?"

Tôi biết anh ta đang hiểu lầm, những vẫn nói 'đúng vậy'.

Anh ta móc ra một bao thuốc lá từ túi áo khoác, rút một điếu cầm trên tay, nhưng thấy gần đó có biển cấm hút thuốc nên đành phải nhét lại vào bao. Anh ta nói: "Anh ta có thể đoán được em đi đến đảo Trường Minh không?"

Tôi nói: "Có thể."

Nhưng tôi biết, Nhiếp Diệc sẽ không đoán ra được là tôi đi đến đảo Trường Minh. Mà nếu anh ấy có đoán được, thì, cũng không kịp nữa rồi.

Nguyễn Dịch Sầm yên lặng hồi lâu, nói: "Để tôi đưa em đi, như vậy sẽ an toàn hơn, tôi sẽ không tiết lộ với ai đâu."

Lúc lên xe, Nguyễn Dịch Sầm hỏi tôi: "Thực ra hồi trước, em cũng hi vọng tôi sẽ đến Mỹ tìm em phải không?"

Tôi đang cài dây an toàn, ngoảnh đầu lại hỏi anh ta: "Anh nói gì cơ?"

Anh ta không nói gì nữa, chỉ mím chặt môi.

Ô tô lên đường trong cơn mưa phùn nhẹ, phần cuối của hành trình cũng chính là đường trở về của tôi.

Trên xe có treo một cái bùa bình an bằng ngọc lưu ly, giống như đồ nghề mà mấy nhà thôi miên hay sử dụng, lắc qua lắc lại ở trước mắt tôi một cách có quy luật.

Tôi nhớ lại mình và Nhiếp Diệc quen nhau thế nào.

Tất nhiên không phải như người ta đồn đại rằng chúng tôi quen nhau ở trường Y, chúng tôi không thể nào quen nhau tại trường Y được, bởi lẽ: khi tôi đến học ở trường Y thì Nhiếp Diệc đã về nước được hơn một năm rồi.

Từ khi 12 tuổi tôi đã bắt đầu quyết tâm trở thành một nhiếp ảnh gia dưới nước, cho nên mới chọn chuyên ngành chính là sinh vật đại dương. Học hành gian khổ ở trường Y ba năm, sau khi hoàn thành hết các học phần trước thời hạn và nhận được bằng tốt nghiệp, tôi vô cùng phấn khởi theo đuổi giấc mơ của mình.

Đó là chuyện của ba năm trước.

Bùa bình an lắc qua lắc lại, bên ngoài khung cửa thủy tinh, cần gạt nước đi tới đi lui, tôi nghĩ hay là mình ngủ một giấc, trong tiểu thuyết chẳng phải thường có loại tình tiết này hay sao? Một nhân vật nào đó rơi vào bước đường cùng, ngủ một giấc tỉnh dậy liền phát hiện mình đã xuyên không, tất cả những chuyện không hay đều chưa từng xảy ra, tiếp theo, nhân vật đó sẽ một lần nữa thay đổi số phận của chính mình. Tuy rằng trừ khi tôi xuyên đến một thế giới mà khoa học kĩ thuật dẫn trước người trái đất ít nhất một trăm năm thì chẳng có cách nào thay đổi vận mệnh của mình, nhưng nếu thật sự có hiện tượng xuyên không, xin hãy cho tôi trở về ngày 21 tháng 5 năm 2017. Tôi muốn được trải qua tất cả mọi chuyện một lần nữa.

Ý thức dần dần mơ hồ, ngày 21 tháng 5 năm 2017, tôi đã trải qua ngày hôm đó thế nào nhỉ?

Đúng rồi, hôm đó tôi vừa hoàn thành chuyến chụp ảnh đáy biển N kéo dài suốt một tháng ròng rã, đáp chuyến bay lúc 5:40 chiều trở về thành phố S, mẹ tôi đem theo một bộ lễ phục đến sân bay đón tôi, câu nói đầu tiên khi gặp tôi là: "Con gái, có một cái party, chị phải cùng mẹ đi xã giao một chút, chúng ta có 20 phút cho chị trang điểm làm tóc, trang phục thì chị cứ thay trên xe luôn cũng được, gấp lắm."

Tôi đang mang một cái balo khổng lồ trên lưng, đầu đội một chiếc mũ lưỡi trai, vành mũ quay ngược ra đằng sau, nói: "Không phải chứ, bình thường con trang điểm mắt đã tốn nửa tiếng đồng hồ, đó là chưa tính thời gian dán mắt hai mí."

Mẹ tôi nói: "Đến bữa tiệc này chị không cần phải trang điểm đẹp đẽ gì đâu, có mặt là được rồi, chẳng qua chỉ là một bữa tiệc tại nhà của một người quen của ba chị thôi. Dù bề ngoài là tiệc gia đình nhưng mẹ nghe nói lão phu nhân nhà họ sức khỏe không tốt, trước khi nhắm mắt chỉ hy vọng được nhìn thấy cảnh thằng cháu đích tôn cưới vợ, cho nên mới đặc biệt sắp xếp một buổi tiệc để con trai nhà ấy xem mắt."

Tôi nói: "Giống câu chuyện cổ tích 'Thái tử tuyển phi' nhỉ? Vậy con càng nên ăn mặc trang điểm thật đẹp chứ?"

Mẹ tôi nhíu mày nói: "Nếu tránh được thì nên tránh đi thôi, vì thằng nhỏ đó tính tình rất tệ, thực sự mẹ cũng không muốn đưa chị đi đâu. Nhưng không đi thì cũng không hay lắm, thôi thì chúng ta chỉ tới điểm danh chào hỏi qua loa rồi về, chị cũng không xinh tới mức chỉ để mặt mộc mà có thể đẹp nghiêng nước nghiêng thành, mẹ nghĩ chị không cần trang điểm kĩ càng làm chi, ở đó có biết bao nhiêu là gái đẹp, con trai nhà đó sẽ không thể vừa gặp đã yêu chị được."

Tôi nói: "Vậy khỏi trang điểm luôn cho khỏe."

Mẹ tôi sợ run cả người, nói: "Chị không thấy trên phim người ta diễn thế nào à, trong khi tất cả mọi người đều trang điểm mà chị lại đi để mặt mộc, không phải người ta liếc mắt một cái liền chú ý tới chị, cảm thấy chị rất đặt biệt sao? Chim đầu đàn thường bị người ta bắn chết đầu tiên đấy chị có biết không?"

Tôi nói: "Vậy ba mẹ cứ nói là con đi công tác chưa về đi."

Mẹ tôi thở dài nói: "Ba chị đúng là đồ đầu heo, người ta hỏi có phải ông ấy có một cô con gái không, con gái đang làm gì, ông ấy liền hết sức vui vẻ khoe khoang với người ta là chị đi chụp ảnh ở biển N, chiều nay sẽ về, còn khai luôn là chị ngồi máy bay của hãng hàng không quốc gia, mấy năm nay chưa từng trễ giờ, năm giờ rưỡi là có thể về tới thành phố S, cho nên người ta mới nói là ô, khéo thật, hôm đó đúng lúc nhà tôi định tổ chức một cái party, dẫn bà xã với con gái ông qua tham gia nha, càng đông càng vui."

Tôi nói: "Giờ ba con đâu?"

Mẹ tôi hời hợt nói: "Ở nhà quỳ ván giặt đồ."

Lúc tài xế đưa chúng tôi đến một trang viên ở ngoại thành thì đã bảy giờ rưỡi, trong nhà đã lên đèn, từ xa đã nghe thấy tiếng nhạc xập xình. Tôi làm bạn với cảnh vật hoang sơ cùng các loại sinh vật biển ở biển N đã tròn một tháng, đến khi trở về, nhìn thấy đèn đóm lộng lẫy của xã hội loài người, nhất thời không thích ứng kịp.

Phòng khách được thiết kế theo phong cách châu Âu, tập trung toàn trai thanh gái lịch, đa số tôi đều không biết mặt. Mẹ đưa tôi đi chào hỏi chủ nhân của bữa tiệc, mẹ tôi gọi bà ấy là chị Nhiếp, kêu tôi gọi là bác Nhiếp. Tôi thầm nghĩ thì ra nhà này cũng họ Nhiếp, thành phố S có nhiều thương nhân họ Nhiếp thật.

Mẹ dẫn tôi đi gặp mặt mấy người bạn của mình, sau đó thả tôi tự do đi tìm đồ ăn, hẹn với tôi là nửa tiếng sau chúng tôi sẽ xin phép về trước, mượn cái cớ có sẵn: Ba tôi đang bị bệnh, để ông ấy ở nhà một mình không yên tâm.

Được nửa thời gian thì tôi đi toilet, lúc ra ngoài rửa tay bỗng thấy có cái gì xẹt qua mắt, mở toang cửa sổ nhìn xuống thì thấy sâu trong vườn cây có một dải sáng màu xanh lam. Đêm nay trời có sao, dưới những ánh sao lấp lánh có thể thấy được những bóng cây tầng tầng lớp lớp, mà dải sáng màu xanh lam ấy lại ẩn mình dưới những bóng cây kia.

Tất cả các nhiếp ảnh gia dưới nước đều có tinh thần thám hiểm, đặc biệt là những nhà nhiếp ảnh hải dương. Tôi nhìn đồng hồ một chút, còn khoảng mười phút nữa mới tới thời gian đã hẹn với mẹ, liền không chút chần chừ phăng phăng chạy xuống lầu, xăm xăm đi vào vườn.

Thực ra tôi rất hay lạc đường.

Thế nhưng tối hôm đó tôi lại không đi lạc.

Trong vườn có trồng rất nhiều cây, tôi tìm thấy một dòng suối nhỏ, lần theo con đường lát đá dọc dòng suối tiến vào khu vườn như thể đi vào mê cung. Suối nước róc rách, trên bờ, những bông hoa lưu ly xanh (*) nở đầy. Lưu ly trải dài theo dòng suối tạo thành một lối đi quanh co khúc khuỷu rồi mất hút trong màn đêm.

(*Hoa lưu ly xanh có tên tiếng Anh là forget-me-not, tiếng Trung là 'bất-vong-ngã': đừng quên tôi)

Mà dải sáng màu lam ấy lại nằm ở cuối con suối nhỏ.

Tới nơi tôi mới phát hiện đó là một căn phòng thủy tinh, nhưng nó không giống với bất cứ căn phòng thủy tinh nào mà tôi từng được thấy. Cách bức tường kính bao bên ngoài chừng 20 cm lại có một bức tường kép, bên trong đổ đầy nước, tạo thành một thế giới dưới nước hoàn chỉnh, có rong bèo, san hô, đá vũ hoa ánh màu lên những con cá cảnh nhiệt đới lộng lẫy, dải sáng màu xanh u tĩnh đó đích thị là hắt ra từ bức tường thủy tinh này.

Tôi thử đưa tay chạm vào, bức tường thủy tinh và tay tôi sát lại cùng một chỗ, tạo nên một bóng đen lạnh lẽo. Tôi đứng đó tự nói với mình: "Sao người ta có thể tạo ra được căn phòng này nhỉ, giống như vương cung dưới đáy biển trong truyện cổ tích Andersen." Tôi vừa đi dọc theo tấm kính, vừa điểm danh từng loại cá nhiệt đới đang bơi lội: "Cá Đuôi Kiếm, Lam Trâm Châu, Hồng Mỹ Nhân, Thất Thải Nghê Hồng, Hoàng Kim Tước, Bạch Vân Sơn, Cà Phê Thử, cá Pha Lê..."

Đột nhiên nghe thấy tiếng người nói: "Cô biết hết những loại cá này sao?"

Tôi sợ hết hồn, khi ngẩng đầu lên bỗng thấy có một bóng người tựa vào bức tường thủy tinh phía đối diện, quần tây đen, sơ mi trắng, tay áo được xăn lên. Trong phòng không có đèn, tất cả đều mơ hồ đến mức gần như là thần bí. Cách một tầng thủy tinh với nước, âm thanh vẫn có thể truyền tới rõ ràng như vậy, không biết là khoa học kĩ thuật gì nữa.

Tôi hỏi người đó: "Anh cũng là khách mời à?"

Sau bức tường thủy tinh có trồng vài cây cau cảnh, người ấy đứng dưới bóng cây, bị những chiếc lá khổng lồ rũ xuống che khuất gương mặt. Những con cá cảnh nhiệt đới trong bồn thủy tinh cứ tụ lại rồi tản ra khiến cho bóng dáng của người ấy có phần rời rạc, anh ta không trả lời tôi, chỉ giơ tay chỉ chỉ một chỗ trên mặt kính, hỏi tôi: "Đây là cá gì?" Giọng nói vừa trầm vừa lạnh.

Những con cá được nuôi trong mỗi ô thủy tinh ở đây đều được kết hợp rất chuyên nghiệp, nhưng người này lại không nhận ra bất cứ loại cá nào nên tôi nghĩ anh ta nhất định là khách mời rồi, trả lời: "Hồng Đỗ Phượng Hoàng, có thấy hoa văn trên vây của nó không? Giống như phượng hoàng vậy."

Anh ta chỉ tay vào một hướng khác: "Con này thì sao?"

Tôi nói: "Wow, Lam Molly."

Anh ta ngừng một chút, nói: "Cá này rất đặc biệt ư?"

Tôi nói: "Anh không cảm thấy nó rất đẹp mắt sao? Trong tất cả các loài cá cảnh, tôi thích loại này nhất," Tôi bắt chuyện với anh ta: "Chỗ này thật tốt, thú vị hơn trong kia nhiều, anh cũng cảm thấy nhàm chán nên mới ra đây phải không?"

Anh ta đồng ý nói: "Trong kia đúng là rất nhàm chán."

Tôi thở dài nói: "Con trai nhà này thật đáng thương."

Anh ta nói: "Đáng thương?"

Tôi nói: "Thực chất đây chẳng phải là một buổi xem mắt sao?"

Anh ta dừng một chút, hỏi tôi: "Xem mắt không tốt?"

Tôi thẳng thắn nói: "Không phải là không tốt, nhưng vì phải lập tức kết hôn mà tiến hành xem mắt cũng không hay, cho nên tôi mới thấy con trai nhà này đáng thương."

Một đàn cá Bạch Vân Sơn bơi qua trước mắt, mặt nước bỗng trở nên thông thoáng, tôi nhìn thấy chiếc cằm của người đang nói chuyện với mình qua tấm kính. Cúc áo sơ mi bật ra, mơ hồ ẩn hiện một chút xương quai xanh, người này có xương quai xanh đẹp thật.

Chắc anh ta không để ý tới ánh nhìn trắng trợn bất lễ của tôi, tiếp lời mà tôi vừa nói: "Cô cũng tới xem mắt đó thôi, cũng có thể bị người ta nhìn trúng, nếu bị lựa chọn thì chẳng phải cô cũng đáng thương như cậu ta hay sao?"

Tôi nói đùa: "Cũng chưa chắc là như vậy, tôi làm bên chụp ảnh hải dương, rất tốn tiền, nếu con trai nhà này thực sự vừa ý tôi thì tôi sẽ có tiền mua đồ lặn để ra ngoài biển sâu chụp hình rồi."

Nhưng có vẻ anh ta không nghe ra đó là một lời nói đùa, nói: "Cho nên, cô có thể kết hôn vì tiền?"

Tôi suy nghĩ một chút, nói: "Không biết anh đã từng xem qua một cuốn tiểu thuyết như thế này chưa, nữ chính trong truyện nói rằng điều cô ấy khao khát nhất chính là tình yêu, thật nhiều thật nhiều tình yêu, nếu như không có tình yêu thì có tiền cũng tốt, nếu như vẫn không có tiền thì ít nhất cô ấy vẫn còn sức khỏe."

Anh ta nói: "Hỉ bảo".

Tôi nói: "Đúng rồi, dĩ nhiên tôi cũng muốn có được tình yêu, nếu như không có tình yêu thì hãy cho tôi tiền, nếu như không có tiền, chỉ cần có sức khỏe thì tôi đã cảm thấy hạnh phúc rồi."

Anh ta không lên tiếng, không gian bị bóng cây trùm lên đột nhiên yên tĩnh lạ, chỉ có ánh sáng màu xanh lam yếu ớt, bầy cá thong thả bơi, và những khóm hoa anh thảo bên ngoài căn phòng thủy tinh... Hoa anh thảo đã nở rộ rồi.

Lúc tôi đang định nói gì đó để đánh tan sự yên tĩnh, chiếc điện thoại để trong túi xách bỗng đổ chuông, là mẹ gọi tới, tôi vội nói: "Tôi có chuyện phải đi trước, hôm khác nói chuyện tiếp ha."

Trên đường đi dọc theo dòng suối nhỏ trở về tôi mới chợt nhớ ra, tôi còn chưa hỏi người ấy tên gì, mặt cũng không thấy rõ, dù có gặp lại thì cũng chưa chắc đã nhận ra được, vậy thì nói chuyện tiếp kiểu gì đây.

Thế nhưng căn phòng thủy tinh kia tựa như một giấc mộng, cuộc nói chuyện đó cũng giống như một giấc mơ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top