Màn 1 - Chương 13

Dường như tôi đã ngủ rất lâu, khi tỉnh lại, tôi đang vùi mình ở ghế phụ trong xe, trên người đắp chiếc áo da màu xám nhạt. Xe đang đậu, ghế lái không có người.

Ngây ngẩn hồi lâu tôi mới nhớ ra mình đang chạy trốn, trên đường xe bị hỏng, tương phùng với Nguyễn Dịch Sầm nhiều năm không gặp, anh ta cũng tới đảo Trường Minh, tiện đường cho tôi quá giang một đoạn. Chúng tôi nghỉ ngơi một đêm ở khách sạn thành phố C, sau đó tiếp tục hành trình trong cơn mưa phùn nhẹ, chiếc bùa bình an lay động trên xe đưa tôi vào mộng đẹp. Trong giấc mơ tôi hoài niệm lại quá khứ, hòn đảo an tĩnh ngoài khơi xa, pháo hoa lộng lẫy sáng chói trên bầu trời, dưới màn mưa pháo hoa rực rỡ là Nhiếp Diệc, nhưng đây là chuyện của ba năm trước, vào tháng 8 năm 2017.

Mà hôm nay là ngày 27 tháng 11 năm 2020.

Tôi hạ cửa sổ xe, đập vào mắt là những hàng cây cao vút bên đường. Mùa đông ở miền Nam dù sao cũng sót lại một ít màu xanh, chẳng như một mảng xơ xác tiêu điều tại phương Bắc. Nguyễn Dịch Sầm đang tựa người vào xe hút thuốc.

Tôi thò đầu ra hỏi anh ta: "Anh có mệt không? Hay là để tôi lái xe tiếp cho."

Anh ta không đáp lời, dập tàn thuốc, mở cửa xe ngồi vào, thắt dây an toàn rồi khởi động xe lần nữa, một loạt động tác không chút dư thừa.

Sáu năm trước, anh ta còn là một cậu thanh niên anh tuấn cưỡi xe máy phân khối lớn, mà giờ đây lại dũng mãnh chạy con xe việt dã cấp G, nhiều năm đã qua nhưng phẩm vị lại không mảy may biến đổi, anh ta có một gương mặt khôi ngô, nhưng lại thích những thứ mạnh bạo.

Tôi thở ra một hơi, cảm thán: "Ngầu quá."

Anh ta đột nhiên nói: "Lúc ngủ em đã khóc."

Tôi dừng hai giây, nói: "Có phải anh nhìn lầm rồi không?"

Anh nói: "Em còn gọi tên 'Yi' (*). "

Tôi dừng hai giây nữa, nói: "Yi? À, chẳng phải là gọi anh sao? Chắc do anh đưa tôi đi đảo Trường Minh làm tôi cảm động quá đỗi, ngay cả trong mơ cũng không quên cảm ơn anh."

Anh ta trầm mặc trong chốc lát: "Nếu như người em gọi chính là tôi, thì em đã không cầu xin tôi hãy để em đi."

(*) Cả Dịch và Diệc đều có phiên âm là Yi.

Tôi dựa vào lưng ghế, một lúc lâu, hỏi anh ta: "Tôi còn nói gì nữa?"

Anh ta nhìn tôi một cái, rồi thu hồi ánh mắt: "Em nói không có thời gian, không chữa khỏi được, em xin anh ta hãy để em đi."

Tôi mặt không biểu cảm nói: "Ừm."

Mắt anh ta nhìn về phía trước, như đang cân nhắc dùng từ, một lát sau, nói: "Chắc anh ta là bạn trai của em, có vẻ hai người xảy ra vấn đề không nhỏ."

Tôi thở dài: "Được rồi, bị anh nhìn ra rồi, đúng đó, vấn đề rất lớn."

Trong xe nhất thời tĩnh lặng, qua 30 giây, anh ta nói: "Em không phải là người bốc đồng, cho nên anh ta hẳn là người gây chuyện?"

Tôi không muốn tiếp tục đề tài này, nói qua loa: "Hiếm khi thấy anh khen tôi như thế."

Anh ta đột nhiên nói: "Năm đó khi hai chúng ta quen nhau, em cũng không sai, là do tôi cả."

Tôi kinh ngạc nhìn anh ta.

Dường như anh ta còn muốn nói gì đó, bỗng tiếng chuông di động vang lên trong không gian nhỏ hẹp, anh ta vươn một tay lấy điện thoại, đầu bên kia là một người phụ nữ nói lớn tiếng như đang phát điên, lời nói mơ hồ lọt khỏi ống nghe.

Tôi quay đầu nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ, nghe thấy Nguyễn Dịch Sầm lạnh lùng mở miệng: "Hôm qua đã nói xong hết với em, chúng ta chia tay rồi." Có thể đối phương hỏi anh ta lý do, anh ta nói: "Không lý do gì hết, chỉ là đã tới lúc thôi." Không biết người ta tiếp tục nói gì, anh ta đáp: "Đừng khiến cho cả hai chúng ta cùng khó xử." Người ta hình như đang khóc, cũng có thể là ảo giác của tôi.

Có một hồ nước nhỏ yên tĩnh xẹt qua cửa sổ, giữa hồ có một con thuyền gỗ đang đậu. Lần gần đây nhất tôi được ngồi thuyền vọc nước là khi nào nhỉ? Phân nửa cuộc đời, tôi đã từng lênh đênh trên những chiếc du thuyền ngoài biển rộng, nhưng đã một năm không được ra ngoài, ngay cả thú vui nhàn nhã nơi thôn quê này cũng khiến cho tôi cảm thấy tươi mới.

Nguyễn Dịch Sầm đã ngắt điện thoại nhưng vẫn không quên tiếp tục đề tài chúng tôi vừa nói, anh ta hỏi tôi: "Nếu như năm đó tôi qua Mỹ tìm em..."

Chúng tôi vẫn phải đi cùng nhau ít nhất hai ngày nữa, nhưng đề tài này hiển nhiên là không thích hợp để tiếp tục bàn luận thêm, tôi ngắt lời anh ta: "Nói chia tay với phụ nữ thì phải dịu dàng một chút, một người bạn của tôi nói, chia tay cũng là một môn nghệ thuật, phải làm thế nào để hai người cùng vui vẻ mới hay, anh chia tay người ta như thế kia thật là thất bại."

Anh ta nói: "Không có tình yêu thì chia tay thế nào cũng được, nếu có tình yêu, chia tay kiểu gì mới có thể vui vẻ?"

Tôi nói: "Đây là một câu hỏi hay, khi nào đó tôi sẽ giới thiệu để hai người thảo luận với nhau." Nói xong liền đem áo da nhấc cao phủ qua đầu, thì thào nói với anh ta: "Tôi đi ngủ một chút, người lại thấy hơi mệt rồi."

Trên cơ bản thì tôi đã hiểu, khi một người đã cố ý bàn luận một vấn đề gì đó thì dù mình có tránh né cỡ nào cũng không ngăn nổi, ngày hôm nay không biết Nguyễn Dịch Sầm uống nhầm thuốc gì mà cứ hở một tí là lại đả động lại chuyện của chúng tôi năm đó. Nếu cứ tiếp tục trò chuyện với nhau, thể nào anh ta cũng sẽ hỏi "Năm đó sau khi chúng ta chia tay, em cảm thấy thế nào", nhưng có một số việc nên kết thúc ở nơi mà nó nên kết thúc, không cần thiết phải nhắc lại. Giống như sương mù trong rừng rậm, cần phải mãi mãi quanh quẩn trong rừng rậm thì mới đẹp.

Đến thành phố tiếp theo đã là gần hai giờ, chúng tôi tùy ý tìm một quán cóc để ăn lót dạ, khi tiếp tục lên đường thì có đi qua một công viên nhỏ.

Mưa mùa đông vẫn hay thất thường như thế, dù ở thành phố C mưa có to đến mấy thì tại thành phố E lại không có lấy một giọt mưa nhỏ. Hôm nay bầu trời thành phố E xanh thẳm ôn hòa, lúc đi qua công viên, qua cửa sổ có thể thấy được rất nhiều thị dân ra ngoài phơi nắng.

Tôi nhìn chằm chằm bên ngoài, nói: "Này, anh đi chậm một chút."

Nguyễn Dịch Sầm hỏi tôi: "Có người quen sao?"

Không có người quen, chỉ là thấy hai cụ già đang dìu nhau tản bộ. Tôi đã từng đọc một tản văn, nói rằng những lời yêu đương oanh liệt mùi mẫn treo trên miệng của những người trẻ tuổi làm sao địch nổi cái sánh vai đơn giản của những ông lão bà lão tóc bạc trắng dạo bước trong công viên.

Sao có thể địch nổi được chứ, thế gian này có biết bao người yêu nhau, nhưng sống với nhau đến khi bạc đầu thì liệu được mấy người? Không phải là tình yêu oanh liệt không chịu nổi thử thách, nhưng nếu chỉ cần yêu nhau là có thể cùng nhau bách niên giai lão thì đã không có bi kịch Lương Chúc, không có trái ngang Bảo Đại, không có đau thương Tiết Thiệu - Thái Bình. Có đôi khi vận mệnh lại sắp đặt người ở người đi, đó âu cũng là chuyện lực bất tòng tâm.

Cạnh bồn hoa có một cục cưng dễ thương như hạt đậu đỏ trong chiếc bánh trôi nước, đậu đỏ đột nhiên loạng choạng ngã một cái, người mẹ trẻ nhanh chóng chạy tới đỡ con, đậu đỏ nhào vào lòng mẹ mếu máo, dù khóc thút thít nhưng lại không có nước mắt, nhìn là biết cô bé đang giả khóc, cô bé mang một chiếc mũ tai thỏ trên đầu, theo tiếng thút thít của bé mà lắc lên lắc xuống. Tôi không ý thức được là mình đang cười, Nguyễn Dịch Sầm hỏi tôi: "Có gì vui sao?"

Tôi quay đầu hỏi anh ta: "Nhìn tôi rất vui à?"

Anh ta không nói tiếp, đưa chiếc điện thoại mặt sau có ốp gương cho tôi soi, trên gương phản chiếu một gương mặt tươi cười.

Tôi ngẩn người, lấy son môi từ chiếc túi phía sau, nói với anh ta: "Anh lái xe êm một chút, để tôi dặm lại lớp trang điểm."

Từ miền Nam ngược ra phương Bắc, những ngọn cây xanh mướt cứ từ từ khuất lại sau lưng, mùa đông phương Bắc hiu quạnh và trầm mặc, nhìn ra ngoài cửa sổ xe, đập vào mắt là hàng cây đã rụng trụi lá hoặc gần hết lá, nước trong sông và hồ nhân tạo cũng đã đóng băng hết cả. Đảo Trường Minh chỉ còn cách 200 cây số, ngày mai là có thể đến nơi.

Mấy ngày nay, vừa lên xe là tôi liền giả bộ ngủ, lúc dùng bữa thì luôn cố tình tìm một quán cơm thật náo nhiệt, đến khách sạn check in xong liền lập tức trốn biệt vào phòng nên chưa từng có một cuộc nói chuyện đàng hoàng với Nguyễn Dịch Sầm. Thật không ngờ tối nay anh ta lại tới gõ cửa phòng tôi.

Tôi tới gần của phòng nói với anh ta: "Tôi chuẩn bị ngủ rồi."

Anh ta không thèm nể mặt: "Mới có 9 giờ."

Tôi nói: "Tôi vẫn hay ngủ sớm."

Anh ta đáp: "Tôi chờ em ở phòng trà trên tầng cao nhất." Bổ sung một câu: "Tôi sẽ một mực chờ em."

Nói chung tôi có thể đoán được Nguyễn Dịch Sầm chờ tôi làm gì, năm đó tôi không cảm thấy anh ta là một người cố chấp đến vậy. Thời gian thật thần kì, chỉ cần bạn còn sống, nó luôn tồn tại bên bạn, giống như một bậc thầy điêu khắc, dùng tháng năm đằng đẵng, chạm trổ mỗi người thành một dáng vẻ hoàn toàn bất đồng so với lúc ban đầu.

9 giờ 20′, tôi đúng hẹn đi tới phòng trà trên tầng cao nhất. Mái vòm làm bằng thủy tinh được ghép lại từ những ô kính to trong suốt, ở phần rìa còn được khảm pha lê nhiều màu. Qua mái vòm có thể nhìn thấy vầng trăng cô đơn treo trên bầu trời lạnh lẽo hoang vắng . Nguyễn Dịch Sầm chọn một chỗ hơi khuất ngồi uống rượu.

Tôi đi tới rồi ngồi xuống, chờ anh ta nói trước.

Uống nửa ly rượu vang tới cạn đáy, anh ta mới lên tiếng: "Sau khi em đi Mỹ tôi cũng bay qua Pháp." Anh ta dừng một chút: "Có lẽ khi đó em cũng thích tôi, nhưng vẫn chưa thể nói đó là yêu."

Trên bàn đã bày đủ trà cụ, tôi dùng thìa xúc ra một chút hồng trà, tự pha cho chính mình. Tôi nói: "Sau khi uống rượu lại dùng trà không tốt đâu, tôi gọi cho anh một ly nước chanh nhé?"

Anh ta lắc đầu, chúng tôi đều đã mở lời nhưng lại không giống như đang trò chuyện với nhau. Anh ta tiếp tục: "Chia tay với em làm tôi cảm thấy mình rất thất bại, sau đó tôi cũng hẹn hò với nhiều cô gái khác nhưng đều không duy trì được lâu."

Tôi nói: "....Việc này không thể đổ lên đầu tôi được."

Anh ta nói: "Nhiếp Phi Phi, em là mối tình đầu của anh. Khi đó anh rất thích em."

Tôi nghi ngờ tai mình không được bình thường, tôi cầm chén trà hồi lâu, không tiếp lời.

Anh ta dường như cũng không cần câu trả lời của tôi, tiếp tục nói: "Lúc còn ở Pháp anh chưa từng nghĩ đến việc đi tìm em, năm ngoái anh về nước, sau khi về cũng chưa từng nghĩ chúng ta có thể gặp lại nhau. Em vốn chậm chạp, anh thì lại có lòng tự tôn quá cao.

Tôi gật đầu, nói: "Tôi hiểu."

Anh nói: "Dáng vẻ của em vẫn y như thời đại học."

Tôi nói: "Chắc phải đẹp hơn hồi đó chứ."

Anh ta nhìn tôi rất lâu, nói: "Phi Phi, chúng ta có thể bắt đầu lại không?"

Trà bị sặc trong cổ họng, tôi thật sự không ngờ anh ta lại nói những lời này, thực ra từ lúc anh ta nói tôi là mối tình đầu của mình, tôi đã bất ngờ lắm rồi, trước khi tới đây tôi chỉ nghĩ, năm đó hai chúng tôi chia tay quá mơ hồ, thậm chí hai bên còn chưa kịp nói lời chia tay nhau, có lẽ có vài chuyện anh ta cần làm rõ, cần tìm tôi xác nhận, để đặt một dấu chấm hết viên mãn cho một thời tuổi trẻ của mình.

Một lát sau, tôi nói: "So với thời đại học thì anh thẳng thắn hơn nhiều."

Anh ta hơi ngửa đầu nhìn ánh trăng trên trời, chậm rãi nói: "Lúc đó lẽ ra nên tặng em hoa hồng, hẹn em đi nghe ca kịch, từng bước từng bước chậm rãi theo đuổi em, chờ đến một ngày nào đó em hỏi anh có ý gì, có phải anh thích em không? Em không bao giờ hỏi, anh đã từng đau khổ rất nhiều, đối mặt với em vẫn nên trực tiếp một chút thì hơn."

Tôi nói: "Nguyễn Dịch Sầm."

Anh ta ngắt lời tôi: "Anh biết giờ em đã có bạn trai, nhưng anh vẫn cho rằng chuyện đó và việc anh theo đuổi em không có gì mâu thuẫn cả."

Tôi lại tự rót cho mình một ly trà, khi đặt ấm trà xuống tôi nói: "Nguyễn Dịch Sầm, năm nay tôi đã 26 tuổi."

Anh ta nói: "Anh biết."

Tôi nhìn anh ta: "Tôi đã có một đứa con gái, một tuổi rưỡi, đi đứng rất vững, nói chuyện cũng giỏi, lúc tôi bị bệnh con bé liền ôm tôi, vỗ về tôi, bập bà bập bẹ gọi tôi ma ma."

Anh ta ngồi đó sững sờ.

Tôi nói: "Thực ra tôi không có bạn trai, nhưng tôi đã có chồng rồi, anh ấy tuyệt lắm."

Trong phòng trà vẫn đang phát nhạc cổ điển, âm thanh cực kì nhỏ.

Anh ta lặng người hồi lâu, đưa tay móc ra một bao thuốc lá, ở đây cấm hút thuốc cho nên anh ta không khui gói thuốc ra, chỉ cầm cầm trong tay ngắm nghía. Lúc bao thuốc lá trong tay anh ta bị xoay vòng đến lần thứ 15, anh ta mới ngẩng đầu hỏi tôi: "Em kết hôn rồi? Là do ba mẹ em sắp đặt?"

Tôi đặt ly trà lên bàn: "Chúng tôi tự do yêu đương."

Anh ta lại rót nửa ly rượu vang, vừa uống vừa nói: "Là người như thế nào?"

Tôi trả lời quy củ: "Là một nhà khoa học."

Anh ta nói: "Hừm, nhà khoa học, nhà khoa học thì có gì tốt chứ?"

Tôi nói: "Cưới một nhà khoa học có nhiều chỗ tốt, anh có biết Robbert Ettinger, người sáng lập hiệp hội đông lạnh cơ thể người không, khi ông ta qua đời đã dùng dung dịch ni tơ lỏng đông lạnh cơ thể, tất nhiên, hai người vợ qua đời trước ông ấy cũng đã được ông ta ướp lạnh. Nếu một ngày nào đó có thể thực hiện rã đông cơ thể mà sống lại, hai người vợ ấy có thể ở bên ông ta cùng nhau nhìn thấy thế giới trong tương lai."

Ly rượu đỏ đã bị uống nửa, anh ta nói: "Loại chuyện khó tin này... Em cưới người kia, chắc không phải là vì anh ta có thể dùng em làm thí nghiệm đấy chứ."

Tôi nói: "Đương nhiên là vì tôi yêu anh ấy."

Anh ta giương mắt: "Em biết thế nào là yêu ư?"

Tôi nói: "Đương nhiên, đương nhiên là tôi biết."

Anh ta xoa nhẹ huyệt thái dương hỏi tôi: "Em yêu anh ta vì cái gì?"

Tôi lấy bã trà bỏ ra khỏi chiếc ấm sứ, nói: "Anh ấy là một thiên tài, nghiên cứu những đề tài sinh vật học phức tạp, thành thật mà nói, anh ấy nghiên cứu cái gì tôi hoàn toàn không hiểu, nhưng cũng may anh ấy không phải là nhà khoa học dành toàn bộ thời gian để cống hiến cho học thuật. Anh ấy cảm thấy giải đáp những câu hỏi liên quan đến sinh mệnh tất nhiên là rất thú vị, nhưng không cần tranh giải, không cần cùng người khác ganh đua cao thấp, cho nên anh ấy dành rất nhiều thời gian để làm những việc khác. Tạ ơn trời đất, nhờ những việc này mà chúng tôi có thể có tiếng nói chung." Tôi cười. "Anh ấy chơi bonsai, nuôi cá cảnh, nghiên cứu sách dạy đánh cờ, sưu tầm trà cụ, xem sách giải trí, bắn cung, chạy xe việt dã nữa."

Giống như đang kể một câu chuyện không có hồi kết, không tự chủ được càng nói nhiều hơn: "Thầy giáo dạy anh ấy lúc học tiến sĩ rất bất mãn với quan điểm này của anh, thầy là một nhà khoa học từng rất khao khát giải Nobel, đã ân cần dạy bảo anh: 'Nếu như con dành nhiều thời giờ hơn cho việc nghiên cứu thì con sẽ đạt được thành tựu mà người khác không thể nào tưởng tượng nổi.' Anh ấy hỏi thầy: 'Sau đó thì sao?' Thầy thành tâm thành ý nói với anh: 'Con cống hiến cho nhân loại nhiều bao nhiêu thì địa vị của con cũng cao bấy nhiêu.' Kết quả anh lại vô cùng bình thản nói với thầy: 'Chuyện của nhân loại thì cứ để nhân loại giải quyết, mục tiêu gần đây của con là nâng cao địa vị của mình trong gia đình, con đường duy nhất để thực hiện được việc đó là học cách thay tã cho Nhiếp Vũ Thì.' Thầy tức giận đến đứng không vững."

Tôi vừa nói vừa cười, Nguyễn Dịch Sầm nhìn thẳng vào tôi: "Em rất sùng bái anh ta."

Tôi mở miệng nói: "Anh ấy cũng có sở đoản của mình, Vũ Thì được hai tháng tuổi anh ấy mới dám bế nó, mà bế cũng không nên hồn nên dáng, mỗi khi anh ấy bế thì Vũ Thì đều khóc, câu đầu tiên mà trẻ con nhà người khác nói đều là ba ba hoặc ma ma, nhưng câu đầu tiên mà Vũ Thì tập được lại là ba ba hư." Khi kể chuyện, tôi có thể cảm nhận được khóe môi mình đang không ngừng nhếch lên, tôi nhớ trong ví của mình có một tấm ảnh, chủ động đưa cho Nguyễn Dịch Sầm xem.

Trong ảnh là bờ biển khi mặt trời ngả về Tây, ánh nắng vàng kim nhuộm toàn bộ bãi biển thành một màu đỏ như lửa đốt, Nhiếp Diệc ngồi xếp bằng trên bờ cát, ngồi xiêu vẹo bên cạnh là Nhiếp Vũ Thì bé bỏng. Trong hình là bóng lưng của hai người họ.

Nguyễn Dịch Sầm nhìn một lúc lâu, nói: "Sao lại không có em?"

Tôi hứng thú bừng bừng: "Tôi đang cầm máy ảnh mà. Nhiếp Diệc thực tình không biết cách chăm sóc con, tôi chỉnh cho hai cha con ngồi tư thế này, cuối cùng anh ấy không biết trông Vũ Thì, chỉ tự mình ngồi thật vững, Vũ Thì chống đỡ được 30 giây là bắt đầu nghiêng nghiêng ngả ngả, kết quả đập trán vào một cái vỏ sò, nước mắt nước mũi tèm lèm khóc lóc kêu gào ba ba hư, đó là lần đầu tiên Vũ Thì nói được, thực sự khiến người ta vừa khiếp sợ vừa buồn cười." Nhìn tấm ảnh trước mặt, lòng tôi bất giác mềm lại.

Nguyễn Dịch Sầm trầm mặc một lúc lâu, hỏi tôi: "Nếu anh ta thực sự tốt như vậy, sao em lại rời khỏi anh ta, rời khỏi con gái của mình?"

Tựa như đột ngột bị giội một chậu nước lạnh, cả người tôi phát rét. Tôi thu hồi nụ cười, một lát sau, nói: "Có chút chuyện gia đình, trước sau gì cũng sẽ giải quyết. Muộn quá rồi, tôi về ngủ đây, anh cũng nên nghỉ ngơi sớm đi."

Trong phòng không bật đèn, tôi tựa vào ô cửa sổ, chiếc rèm cửa bị kéo ra, có thể thấy được ánh trăng trơ trọi trên bầu trời. Bầu trời trong trẻo vắng lặng, nhân gian lại có ánh đèn sáng của vạn nhà.

Những khu chung cư gần xa ngoài ô cửa kính vươn cao như măng mọc, ánh sáng ấm áp lọt ra từ từng khung cửa sổ, mỗi đốm sáng là một gia đình.

Gia đình là đơn vị nhỏ nhất cấu thành xã hội loại người, là nơi ấm áp nhất thế gian.

Vì sao tôi phải rời bỏ gia đình mình?

Từ khi rời khỏi nhà, tôi đã cố gắng không nghĩ tới vấn đề này, không nhớ tới Nhiếp Diệc, không nhớ tới Vũ Thì, không nhớ tới ba mẹ tôi, không nhớ tới bất kì người bạn nào của tôi nữa, chỉ có như vậy tôi mới có thể không chùn bước mà tiếp tục chạy trốn.

Lần chạy trốn này cũng không phải là vì chuyện gia đình, chỉ là trước sau gì tôi cũng phải ra đi, chẳng qua là sớm hay muộn mà thôi, chậm nhất là một tháng hoặc nửa tháng sau, sớm là bất cứ lúc nào trước thời hạn chậm nhất kia.

Tôi bị bệnh, bệnh rất nặng, vì nó tôi đã vật lộn gần mười tháng trời.

Trong cuộc nói chuyện nửa tiếng đồng hồ trước, tôi đã kể cho Nguyễn Dịch Sầm nghe về kĩ thuật ướp lạnh di thể, anh ta nói đó là chuyện không thể tin được, đúng vậy, trước khi phát bệnh, tôi cũng cảm thấy cái cụm danh từ đó chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết viễn tưởng mà thôi.

Thật là thú vị, cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi những đề tài nghiên cứu khoa học của Nhiếp Diệc, mãi cho đến khi bị bệnh tôi mới hiểu thêm về nghề nghiệp của anh, đột nhiên chúng tôi lại có thể nói chuyện với nhau về lĩnh vực này.

Căn nguyên bệnh tình của tôi là vì khiếm khuyết gene.

Đến lúc này tôi vẫn không thể cắt nghĩa được cụm từ "Khiếm khuyết gene", sao nó có thể làm cho cơ thể tôi suy yếu thế này, những nguyên lý cơ bản tôi cũng chỉ hiểu sơ sơ.

Bằng kiến thức nông cạn của mình, tôi hiểu rằng gene giống như là nền móng trong cơ thể, nhờ nền móng này mà một tòa Trường Thành mới được xây dựng, trong cơ thể mỗi người đều có một tòa Trường Thành, sau Trường Thành lại có một đội quân chống lại virus cùng vi khuẩn muốn tấn công gây hại chúng ta. Theo thuật ngữ khoa học thì đó chính là hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Nhưng bẩm sinh gene của tôi có chỗ bị khiếm khuyết, nền móng bất ổn, tháng hai năm nay, Trường Thành xây trên đó đã bị sụp đổ lần đầu.

Nguyễn Dịch Sầm hỏi tôi kết hôn với nhà khoa học có gì tốt. Chỗ tốt của việc lấy một nhà khoa học đó là ngay khi sinh bệnh thì có thể lập tức mời các chuyên gia cao cấp nhất đến tiến hành hội chẩn.

Mỗi lần hội chẩn, Nhiếp Diệc đều tham dự từ đầu tới cuối, bọn họ rất nhanh chóng tìm ra chỗ thiếu hụt nhưng lại không có cách nào khắc phục được, bọn họ thậm chí còn không tìm được từ ngữ thích hợp để đặt tên cho căn bệnh này. Tổ chuyên gia tiến triển rất chậm, không đuổi kịp tốc độ sụp đổ của Trường Thành, hệ thống miễn dịch cứ hết lần này tới lần khác bãi công khiến cho virus tấn công hàng loạt, đoạn ký ức này thực sự đau đớn tới mức tôi không muốn nhớ lại. Muốn sống sót, tôi phải làm mạnh hệ miễn dịch bằng các uống các loại thuốc giết virus. Uống thuốc kháng sinh là việc phải làm, nhưng bản thân thuốc kháng sinh cũng gây tổn thương cho các cơ quan nội tạng cùng cơ thể của tôi, khiến cho hệ thống miễn dịch lại càng bất ổn. Đây là một vòng tuần hoàn lấy độc trị độc.

Nửa tháng trước tôi lại phát bệnh, Kent nói tôi không được sử dụng thuốc kháng sinh với số lượng lớn thêm được nữa, nếu lại bị lây nhiễm vi khuẩn thì thuốc kháng sinh sẽ làm tổn thương cơ quan nội tạng, đến lúc đó phải tiến hành phẫu thuật nội tạng có vấn đề, nhưng trong lúc phẫu thuật, tôi có thể bị phơn nhiễm mà chết. Đối mặt với tình huống như vậy, cho dù là ông ấy hay Nhiếp Diệc cũng đều phải bó tay, mà đúng là bây giờ ông ấy đã hết cách.

Kent là nhà khoa học duy nhất có thể khiến Nhiếp Diệc cúi đầu, nói xong câu kia, ông ấy liền trở về nước Mỹ.

Thực ra hai tháng trước khi Kent về Mỹ, tôi đã tự dự liệu được kết quả này, chuyên ngành của họ tôi không hiểu lắm, nhưng tôi biết rõ thân thể của chính mình, giống như một ngọn đèn dầu, có thể thấy được ngọn đèn đến hồi u ám, có thể dự tính khi nào thì nó sẽ lụi tàn.

Sau lần phát bệnh đầu tiên, tôi phải nằm trong phòng bệnh vô trùng rất lâu, nhưng phòng bệnh vô trùng hiện có cũng không phải là vô trùng 100%. Nhiếp Diệc đã nghiên cứu một căn phòng thủy tinh hoàn toàn vô trùng vì tôi.

Năm ngày trước khi trốn đi tôi nhận được điện thoại của Kent, lược bớt chuyện hàn huyên, ông ấy nói: "Chắc cô cũng hiểu rõ tình trạng cơ thể mình, Nhiếp Diệc muốn thực hiện đông lạnh đối với cô, đây là phương án cuối cùng, cho nên sắp tới cậu ta sẽ tới Mỹ một chuyến. Nhưng tôi rất lấy làm tiếc, với các chỉ tiêu thân thể hiện giờ của cô, khả năng đông lạnh thành công gần như bằng không. Xin lỗi, tôi không cứu được cô, Nhiếp Diệc cũng không thể, tuy rằng cậu ấy còn chưa chịu thừa nhận." Ông ấy cho tôi ba giây để tiêu hóa sự thật này rồi mới tiếp tục nói: "Đây là một kết quả rất khó chịu, cả về mặt tình cảm lẫn chuyên môn. Nếu như cô còn điều gì muốn làm thì hãy nhanh chóng hoàn thành đi, nếu cần tôi giúp đỡ điều gì thì cứ nói, tôi sẽ hết sức hỗ trợ cô."

Tôi cầm điện thoại một lúc lâu mới có thể nói nên lời, tôi hỏi ông ấy: "Vì sao ngài lại gọi điện thoại cho tôi, nói với tôi chuyện này."

Ông ấy trầm mặc một lát, nói: "Trước lúc bà xã tôi qua đời, tôi cũng nghĩ mình có thể cứu được bà ấy, giam bà ấy trên giường bệnh, cuối cùng bà ấy ra đi trong lòng tôi, nói thật tiếc vì không đi xem cây sam đỏ mới hoàn thành ở California năm ấy."

Trước khi tôi nói chuyện với Kent rất lâu, tôi cũng đã quyết định, nếu như hành trình đời người đã sắp đến trạm cuối cùng, Nhiếp Diệc có ý kiến của anh ấy, tôi cũng có ước nguyện của riêng mình.

Chuyện cuối cùng mà tôi muốn làm có chút khó khăn, nếu có sự giúp đỡ của Kent sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Hai ngày sau tôi gọi điện cho Kent, nói với ông ấy, tôi muốn đến Bạch Hải lặn xuống nước đóng băng một lần để chụp ảnh cá voi trắng dưới băng. Tôi vẫn muốn lặn dưới băng một lần, nhưng vì quá nguy hiểm nên hồi thân thể còn khỏe mạnh Nhiếp Diệc nhất quyết không đồng ý.

Đây là tiếc nuối duy nhất đời tôi, nếu như sinh mệnh sắp kết thúc thì tôi chỉ vọng nó sẽ kết thúc tại biển khơi.

Tôi hẹn gặp Kent ở đảo Trường Minh gần nước R, đây là nguyên nhân khiến tôi cố ý đến đảo Trường Minh.

Chết đi rốt cuộc là một chuyện thế nào. Tôi có hơn 9 tháng để suy nghĩ.

Tôi đã từng sợ hãi, đã từng nức nở khóc giữa đêm. Đó cũng cũng là một khoảng thời gian không hề dễ chịu.

Thực ra bây giờ nhớ lại, khi đó Nhiếp Diệc phải chịu đựng đau khổ còn nhiều hơn cả tôi, thế mà tôi lại còn ngốc nghếch nói với anh: "Nếu như em chết, anh hãy đem thi thể em đốt thành tro, đặt trong một cái bình sứ trắng, lưu lại ở nhà có được không? Vì nếu người chết đi mà có linh hồn, bị chôn trong bùn đất lạnh lẽo đen kịt, em sẽ sợ, em sẽ sợ lắm."

Lúc đó ở nhà đã xây một phòng bệnh vô trùng, tôi nằm ở trong đó, ai đến thăm tôi đều phải tiến hành tiêu độc toàn thân.

Khi đó anh ôm tôi, không nói gì cả nhưng lại lấy tay che mắt. Tôi không biết anh có khóc không. Có thể anh đã khóc, động tác kia đích thị là không dám để nước mắt rơi trên người tôi, vì nước mắt cũng chứa đựng vi khuẩn. Sau đó anh lập tức ra ngoài, lúc đó không biết anh ra ngoài làm gì, bây giờ ngẫm lại, chắc là đi tiêu độc.

Đây là kiểu gia đình gì? Hằng đêm người chồng phải tiêu độc khử trùng mới có thể ngủ cùng vợ mình.

Thậm chí chỉ một nụ hôn đơn giản mà chúng tôi cũng không thể trao nhau.

Rốt cuộc sau khi rời khỏi nhà tôi mới được sinh hoạt như người bình thường lần nữa, để níu kéo cơ thể với hệ thống miễn dịch đã hoàn toàn tan vỡ, tôi phải dựa vào việc uống rất nhiều rất nhiều thuốc mới có thể sờ bất cứ vật gì, ăn bất cứ món nào trên đường.

Trước khi chết, con người thường chè chén say sưa lần cuối.

Chết rốt cuộc là một chuyện như thế nào. Tôi đã suy nghĩ suốt chín tháng trời, tuy rằng cho đến giờ tôi vẫn cảm thấy nó không chân thực nhưng cũng đã có một đáp án trong lòng. Chết tức là chia lìa, là sự chia lìa vô vọng nhất thế gian. Nếu người chết đi mà không có linh hồn, sự chia lìa đó đối với tôi mà nói cũng không có gì thống khổ cho lắm. Nhưng nếu người chết mà có linh hồn, tôi cảm thấy những người còn sống không có cách nào nhìn thấy được tôi, vậy thì chắc chắn họ sẽ thống khổ hơn tôi nhiều.

Tôi chợt nghĩ tới "Dữ thê thư" (Thư từ biệt vợ) của Lâm Giác Dân, "So với việc để tôi chết trước, chi bằng cứ để mình chết trước tôi thì hơn, bời vì với thân thể mình gầy yếu, chắc chắn sẽ không thể chịu đựng được nỗi đau khổ vì mất đi tôi, nếu như tôi chết trước, để lại sự bi thống cho mình, thì tôi không đành lòng, cho nên thà rằng mình chết trước, cứ để cho tôi gánh chịu nỗi đau này."

Chết đi là một tai họa, nhưng người còn sống phải chịu đựng tai họa này nhiều hơn.

Hai ngày sau, tôi cùng Nguyễn Dịch Sầm đúng hẹn chia tay nhau tại đảo Trường Minh. Chúng tôi nói với nhau: hẹn gặp lại.

Thuyền của Kent sẽ tới vào lúc chạng vạng tối.

Tôi mua một cây bút ghi âm, lại đến siêu thị mua một chiếc bình thủy tinh. Cô gái thu ngân rất dễ thương, gương mặt tươi cười, nói chuyện phiếm với tôi: "Trời âm u cả một tuần, đến hôm nay cuối cùng cũng nhìn thấy mặt trời, giờ cơm trưa chị có thể ghé quán Waiting uống cà phê, phơi nắng tại quán đó là tuyệt nhất.

Chạng vạng tối, tôi đặt cây bút ghi âm vào trong bình thủy tinh, lặng nhìn sóng biển bạc đầu cuốn nó đi xa mãi.

Biết đâu nhiều năm sau sẽ có ai đó vớt được nó, bật nguồn lên họ sẽ nghe được một đoạn ghi âm, ẩn chứa một câu chuyện cũ.

Tôi đã nói gì trong cây bút ghi âm?

Tôi nói:

Tôi không có thời gian viết hồi ký, nhưng tôi muốn tìm một phương thức lưu lại những điều tốt đẹp trong cuộc đời mình.

Thực ra, nếu như tôi viết hồi ký thì chỉ muốn một người xem, cho nên hiện tại tôi nói những lời này cũng chỉ muốn cho một người nghe thấy.

Nhưng bây giờ không thể để cho anh ấy nghe được, tôi hy vọng mình sẽ mãi là mối bận lòng của anh ấy, chứ không chỉ là một kết quả tàn khốc.

Còn bận lòng người ta vẫn sẽ phải sống.

Tôi không muốn mang những lời này ra đi, để nó vĩnh viễn bị chôn vùi dưới biển sâu cùng tôi. Tôi hy vọng một ngày nào đó anh ấy có thể nghe được, lúc đó anh ấy sẽ biết, trên đời này, rốt cuộc tôi đã để lại cho anh ấy thứ gì. Cho nên tôi lựa chọn phương thức lãng mạn này.

Tôi không biết ai sẽ nhặt được chiếc bình trôi nổi này, nhưng xin hãy nghe tôi nói, hôm nay là ngày 30 tháng 11 năm 2020, nếu như bạn nhặt được chiếc bình này chưa phải là mười năm sau, vậy xin giữ bí mật giúp tôi, chờ 10 năm sau hẵng giao cái này cho người mà tôi muốn nhắn gửi.

Mười năm là khoảng thời gian mà anh ấy cần vượt qua. Mười năm sau, cho dù anh ấy biết tôi đã yên giấc ngàn thu dưới đáy biển thì chắc cũng đã có dũng khí đối mặt với cuộc đời.

Bất kể bạn là ai, tôi cũng xin được cảm tạ và chúc bạn hạnh phúc.

Vậy thì tiếp theo, Nhiếp Diệc, giờ là thời gian của chúng mình.

Đúng vậy, em muốn nói cho anh biết, cho đến ngày cuối cùng trong sinh mệnh của mình, em vẫn đang nghĩ về anh.

Em mua cây bút ghi âm này và một chiếc bình thủy tinh, buổi chiều em nằm cạnh quán Waiting vừa phơi nắng vừa hồi tưởng lại quá khứ của chúng ta.

Bất kể nơi nào trên thế giới dường như cũng có một quán waiting, chờ đợi một người nào đó, hoặc có thể là một số kiếp không biết trước. Đúng vậy, quá khứ của chúng ta, nhất định là anh không biết em bắt đầu thích anh từ lúc nào, khi đó anh chỉ mới 15 tuổi. Năm 15 tuổi anh có dáng vẻ như thế nào, em vẫn luôn nhớ rõ. Em không phải là thiên tài như anh, không có khả năng xem qua là nhớ, nhưng mỗi một việc liên quan tới anh, đều như là dùng bàn ủi in dấu trong đầu.

...

...

...

Lúc mới phát bệnh em thực sự rất khổ sở, nhưng Nhiếp Diệc, bây giờ nghĩ lại, cuộc đời này của em rất đáng giá, tuy rằng ngắn ngủi, nhưng em đã sống một cách vô cùng rực rỡ, phải không anh? Em còn lấy được anh nữa.

Tagore có một câu thơ, ông ấy nói, sinh mệnh giống như vượt qua biển rộng mênh mông, chúng ta gặp nhau trên con thuyền chật hẹp. Khi chết đi, chúng ta cùng lên trên bờ, nhưng lại đi những con đường khác nhau tới những thế giới khác nhau.

Nhưng em không muốn như vậy, em rất may mắn vì có thể ở cùng với anh trên cùng một con thuyền chật hẹp trong kiếp này, cho dù em cập bờ trước, nhưng em sẽ mãi mãi đứng ở bờ bên kia chờ đợi anh.

Hôm nay mặt trời ló dạng, có thể đây là lần cuối cùng em được nhìn ngắm mặt trời lặn, em đã thấy con thuyền tới đón em đi. Đã đến lúc chia xa rồi, Nhiếp Diệc.

Anh biết em yêu biển rộng chỉ sau yêu anh. Kết thúc sinh mệnh này tại biển khơi, đây là cái kết đẹp nhất.

Em sẽ ở chỗ sâu nhất, sâu nhất nơi biển rộng, dành tình yêu sâu đậm, sâu đậm nhất cho anh. Em yêu anh, Nhiếp Diệc."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top