Duy nhất.
Mặt trời đổ bóng xuống cánh đồng rộng lớn, nhuộm vàng từng bụi cỏ và mái tranh. Gió mang theo hương thơm của đất ẩm, của lúa chín và cả mùi bùn non từ con sông nhỏ chảy ngang làng. Ở một góc ven bờ, bốn đứa trẻ đang nô đùa, cười vang cả buổi chiều lộng gió.
An, thằng nhóc trắng trẻo nhất bọn, là con trai phú ông giàu nhất làng. Nó mặc bộ quần áo sạch sẽ, chân mang đôi dép mới tinh mà mẹ nó cứ dặn đi dặn lại là không được dẫm vào bùn. Nhưng chẳng mấy chốc, dép cũng dính đầy đất, còn nó thì cười toe toét, chạy nhảy chẳng chút bận tâm.
Linh và Lam, hai chị em gái, tóc buộc cao, quần áo vá víu đôi chỗ nhưng lúc nào cũng gọn gàng. Linh lớn hơn Lam hai tuổi, luôn là đứa dẫn đầu trong những trò chơi tinh nghịch. Còn Lam, nhỏ tuổi nhất, lúc nào cũng lon ton chạy theo chị và ba đứa bạn, đôi mắt tròn xoe ánh lên vẻ háo hức.
Cuối cùng là Nam - thằng bé mồ côi của làng. Không ai biết cha mẹ nó là ai, chỉ biết từ lúc lọt lòng, nó đã được dân làng cưu mang, ai có gì cho nấy. Nó lớn lên bằng bát cơm của nhà này, manh áo của nhà kia, và những trận đòn vô cớ của người đời khi lỡ tay làm vỡ cái chén hay chạy nhảy quá đà. Nhưng Nam chưa bao giờ than phiền. nó cười nhiều nhất, chạy nhanh nhất, và cũng là đứa nghĩ ra những trò nghịch dại khiến cả bọn cười lăn lộn.
Hôm nay, chúng lại kéo nhau ra bãi biển - nơi quen thuộc nhất với cả bốn đứa. Nước biển lấp lánh dưới ánh chiều tà, sóng vỗ nhè nhẹ vào bờ, như đang thì thầm những câu chuyện mà chỉ có lũ trẻ mới hiểu. An cười lớn, ném một hòn đá xuống nước, tạo ra những gợn sóng lan rộng.
“Xem ai ném được xa hơn nè!”, nó hô lên, rồi nhanh chóng bị Linh và Nam thách đấu.
Bãi biển rộn vang tiếng cười. Ở đây, không có giàu nghèo, không có số phận hay những lời dạy dỗ của người lớn. Chỉ có gió biển, có cát ấm dưới chân, và bốn đứa trẻ hồn nhiên nắm tay nhau chạy đùa dưới ánh hoàng hôn.
Mặt trời vừa ló dạng sau rặng tre đầu làng, ánh nắng đầu ngày còn dịu nhẹ, trải dài trên những mái tranh và cánh đồng lúa xanh mướt. Những cơn gió sớm lùa qua khiến từng nhánh lúa khẽ đung đưa như đang cất lên những khúc nhạc đồng quê.
Trên con đường đất nhỏ dẫn ra bờ sông, bốn đứa trẻ đang í ới gọi nhau.
"Nhanh lên! Không thì lũ thằng Tí mò hết cua bây giờ!", Nam vừa chạy vừa hối thúc.
"Chờ em với!", Lam thở hổn hển đuổi theo.
An cười vang, tay vắt ngang cổ Linh, kéo cô chạy nhanh hơn.
Cả bọn lao xuống bãi bùn ven sông, nơi nước rút để lộ ra những chiếc hang nhỏ lốm đốm trên mặt đất. Nam là người đầu tiên thò tay vào một cái hang sâu hun hút.
"Có rồi!", cậu reo lên, kéo ra một con cua lớn, càng nó quơ quào dữ dội.
"Trời ơi, to quá!", Lam lùi lại, mắt mở to.
"Đưa đây!", Linh nhanh tay chộp lấy, bỏ vào giỏ.
An thì không thích mò cua, nhưng hắn lại có tài bắt ốc. Hắn đi dọc bờ sông, hì hụi lật từng tảng bùn lên, lôi ra những con ốc bươu tròn lẳn, vỏ óng ánh dưới nắng.
Sau một hồi lấm lem bùn đất, cả bọn ngồi phịch xuống bãi cỏ, mở giỏ ra kiểm tra chiến lợi phẩm.
"Hôm nay được kha khá nè, đủ để tao đem về nấu bữa cơm ngon cho bà Tám!", Nam nói, mặt tươi rói.
An nhìn cậu, ánh mắt thoáng chút buồn. Hắn biết Nam chẳng có nhà cửa đàng hoàng, quanh năm sống nhờ lòng tốt của người làng. Nếu không tự kiếm cái ăn, có khi hôm nay cậu chẳng có bữa cơm nào.
"Tao cho mày thêm mấy con ốc nè.", An lặng lẽ bỏ thêm ốc vào giỏ Nam.
"Thật hả? Được đó nha, lần sau tao sẽ bắt cua giỏi hơn mày cho coi!", Nam cười toe, chẳng hề khách sáo.
Linh và Lam nhìn nhau, khúc khích cười.
Buổi tối, gió hiu hiu thổi qua cánh đồng, mang theo hương lúa chín thơm ngát. Làng quê chìm vào màn đêm yên ả, chỉ có tiếng ếch nhái kêu vang bên những con mương nhỏ.
Bốn đứa trẻ lại lén lút kéo nhau ra bãi đất trống sau làng.
"Linh, lấy hũ chưa?", An thì thầm.
"Đây nè!", Linh giơ lên một chiếc hũ thủy tinh trong veo.
"Làm gì lén lút vậy? Cứ như sắp đi ăn trộm không bằng!", Lam bật cười khúc khích, tiếng cười trong trẻo.
Nam nheo mắt nhìn xung quanh, "không phải ăn trộm, nhưng mà bắt đom đóm cũng phải nhanh, không thì chúng bay mất!"
Họ chạy tán loạn trên bãi cỏ, đôi chân trần giẫm lên những giọt sương đêm mát lạnh. Những đốm sáng lập lòe trôi lơ lửng trên không trung, lấp lánh như những vì sao lạc xuống trần gian.
An nhảy lên, chụp lấy một con đom đóm, cẩn thận bỏ vào hũ. Linh cũng bắt được một con, áp hũ lên mặt, trầm trồ:
"Đẹp quá! Cứ như có một bầu trời nhỏ trong tay vậy!"
Nam thì không bắt đom đóm. Cậu đứng lặng nhìn chúng bay quanh, ánh sáng dịu dàng phản chiếu trong mắt.
"Nam, sao không bắt đi?", Lam hỏi.
"Tao thích nhìn hơn.", Nam khẽ cười. "giống như những vì sao trên trời, nếu bắt nhốt lại, chúng không còn là sao nữa."
Ba người kia lặng đi trong giây lát.
Rồi An bật cười, giật hũ đom đóm của Linh, chọc ghẹo:
"Vậy chắc tao phải thả tụi nó ra thôi, kẻo bị Nam mắng!"
"Ê! Trả đây!", Linh giận dỗi đuổi theo.
Tiếng cười vang lên giữa đêm khuya. Đom đóm bay lượn xung quanh, như đang nhảy múa cùng họ.
Họ không biết rằng, những khoảnh khắc này sẽ trở thành ký ức đẹp nhất đời họ.
Vì một ngày nào đó, khi trưởng thành, khi mỗi người rẽ sang một con đường khác, họ sẽ mãi mãi không còn được chạy nhảy cùng nhau trên bãi cỏ, dưới bầu trời đầy sao và ánh sáng lập lòe của đom đóm nữa.
Mùa hè năm ấy, cánh đồng lúa chín vàng óng ả, hương thơm dìu dịu lan tỏa khắp không gian. Những ngày cuối cùng trước khi trời chuyển thu, lũ trẻ vẫn mải miết rong ruổi khắp làng như sợ rằng mùa hè sẽ trôi đi quá nhanh.
An và Linh thường đi cùng nhau nhiều hơn. Không ai nói gì về điều đó, nhưng cả hai đều ngầm hiểu. Có những điều dù không cần gọi tên, vẫn tồn tại rõ ràng.
Chiều hôm ấy, hoàng hôn đổ dài trên bờ biển. Linh ngồi trên một tảng đá, mắt nhìn xa xăm về phía chân trời. An đứng phía sau cô, tay khẽ siết lại.
"Sao hôm nay im lặng vậy?", An lên tiếng trước.
Linh khẽ cười, nhưng ánh mắt cô không giấu được nỗi buồn.
"Chỉ là… tao không muốn thời gian trôi đi nhanh quá."
An ngồi xuống cạnh cô, lặng lẽ nhìn về phía những con sóng.
"Mày có bao giờ nghĩ đến tương lai không?" Linh hỏi, giọng nhẹ như gió thoảng.
"Có chứ. Tao từng nghĩ… chúng ta sẽ mãi như thế này."
Linh quay sang nhìn An, đôi mắt trong veo như phản chiếu ánh hoàng hôn. Một điều gì đó vô hình len lỏi giữa hai người, thứ cảm xúc lạ lẫm nhưng lại quá đỗi quen thuộc.
An muốn nói điều gì đó, nhưng rồi hắn chỉ khẽ cười. "Mày muốn mai sau sống như thế nào?"
Linh im lặng hồi lâu, rồi khẽ đáp:
"Tao không biết… Nhưng tao chỉ muốn được tự do."
An nghe tim mình trĩu nặng. Cậu biết, cả hai sẽ không bao giờ có được thứ tự do mà họ mong muốn.
Mùa hè năm ấy, có một thứ tình cảm mong manh đã nở rộ giữa họ. Nhưng giống như những cánh hoa dại ven đường - đẹp đẽ nhưng mong manh, chỉ cần một cơn gió thổi qua là rơi rụng, chẳng để lại dấu vết gì.
Chỉ còn lại những cơn sóng, mãi mãi vỗ vào bờ.
Và cứ thế ngày qua ngày, bốn đứa trẻ vẫn cứ thế tụ tập với nhau ở bãi biển, ở cánh đồng hay tất cả mọi ngõ ngách mà chúng tìm được trong làng, chỉ để chơi đùa với nhau.
An trở về nhà khi mặt trời đã khuất sau lũy tre làng. Người nó còn dính đầy cát, tóc rối bù vì gió biển. Nó vừa bước qua cổng, chưa kịp đi vào sân thì đã nghe tiếng mẹ vang lên:
"An! Con lại đi với mấy đứa đó à?"
Giọng bà gắt gỏng, ánh mắt nghiêm nghị khiến An khựng lại. Ở gian chính, cha nó đang ngồi trên chiếc ghế gỗ chạm trổ, tay cầm chén trà nóng. Ông không nhìn nó, chỉ hờ hững đặt chén xuống bàn, giọng trầm trầm nhưng đầy uy quyền:
“Từ mai, không được chơi với tụi nó nữa.”
An bối rối nhìn cha mẹ, chưa kịp phản ứng thì mẹ nó đã tiếp lời:
“Con là con trai của nhà này, sau này phải làm chủ cả gia sản. Sao có thể suốt ngày lăn lộn với mấy đứa nghèo khổ ngoài đường? Nhất là thằng Nam, cha mẹ không biết ở đâu, chẳng ai dạy dỗ, lớn lên chỉ có phá làng phá xóm!”
An siết chặt nắm tay, giọng cậu bật ra đầy phản kháng:
“Nhưng tụi nó là bạn con!”
“Bạn bè? Con có biết người ta nói gì không? Người ta nói con là con trai phú ông mà suốt ngày chơi với con nhà nghèo, sau này cũng chẳng ra gì! Nhà mình bao nhiêu mối tốt, con phải chơi với những người xứng tầm!”
Bố An lúc này mới ngước lên, đôi mắt sắc lạnh như một lời cảnh cáo:
“Nếu con còn qua lại với tụi nó, đừng trách cha không báo trước.”
An cắn môi, trong lòng dâng lên một cảm giác xa lạ - giống như có một bức tường vô hình vừa dựng lên giữa nó và ba đứa bạn.
Nhưng An không dễ dàng từ bỏ. Mấy ngày sau đó, nó vẫn lén chạy ra biển, vẫn chơi cùng Linh, Lam và Nam như chưa có chuyện gì xảy ra. Nó nghĩ, chỉ cần nó cẩn thận, chỉ cần đừng để cha mẹ biết, thì mọi thứ vẫn có thể như cũ.
Nhưng người lớn luôn có cách của họ.
Hôm ấy, khi An đang cùng Nam chơi trò nhảy đá trên bờ biển, một nhóm người làm trong nhà nó xuất hiện. Không nói lời nào, họ kéo An về nhà, để lại Nam đứng trơ trọi với ánh mắt sững sờ.
Tối hôm đó, cha An không đánh mắng, cũng không quát tháo. Ông chỉ nhẹ nhàng đặt trước mặt An một chồng giấy - là giấy nợ của nhiều gia đình trong làng, trong đó có nhà Linh và Lam. Ông nhìn con trai, giọng điềm tĩnh nhưng sắc bén:
"Con nghĩ con đang giúp tụi nó à? Con đang hại tụi nó đấy. Chỉ cần con còn qua lại với chúng, ta có thể khiến cả nhà chúng nó mất đi miếng ăn. Còn thằng Nam, nó vốn không có gì để mất, nhưng ta có thể khiến nó chẳng còn ai để nương tựa. Con muốn thế sao?”
An lặng người. Trái tim nó như bị ai bóp nghẹt.
Lần đầu tiên trong đời, nó nhận ra mình quá nhỏ bé trước quyền lực của cha.
Hôm sau, An không ra biển. Và những ngày sau đó cũng vậy.
Bãi biển vẫn lặng lẽ, chỉ là thiếu đi một đứa trẻ.
Linh, Lam và Nam đợi mãi nhưng An không đến. Mỗi chiều, họ vẫn ra bãi biển, vẫn chơi đùa như cũ, nhưng trong lòng không ai là không cảm thấy trống trải.
Ban đầu, Nam còn nghĩ chắc An bị phạt nên không ra được. Nhưng khi một tuần trôi qua, rồi hai tuần, rồi cả tháng, nó bắt đầu hiểu rằng An đã chọn con đường khác.
"Chắc nó sợ quá rồi.", Nam bật cười, nhưng giọng cười không giấu nổi sự cay đắng.
"Chắc cha mẹ nó không cho nó đi nữa.", Lam nói nhỏ, vẫn cố bám víu vào một hy vọng.
"Là nó không muốn đi.", Linh cắt ngang, ánh mắt ráo hoảnh, "nếu nó muốn, nó đã tìm cách rồi."
Không ai nói thêm lời nào nữa.
Lần đầu tiên, bọn trẻ nhận ra rằng thế giới người lớn đáng sợ đến nhường nào. Nó có thể chia cắt cả những tình bạn đẹp nhất mà chẳng cần một lời từ biệt.
An vẫn nhìn thấy họ - từ xa, từ trên chiếc xe ngựa mà cha sai người đánh đi ngang bãi biển. Nó thấy Nam đứng đó, nhìn về phía làng với ánh mắt trống rỗng. Nó thấy Linh ngồi trên một tảng đá, tay vẽ những hình nguệch ngoạc lên cát. Nó thấy Lam ôm đầu gối, lặng lẽ.
An muốn chạy đến. Nó muốn hét lên rằng nó không hề quên họ, rằng nó đã tìm mọi cách, nhưng không thể.
Nhưng cuối cùng, An chỉ ngồi yên, để chiếc xe tiếp tục lăn bánh.
Và thế là bốn đứa trẻ, từ ngày hôm đó, đã có bốn con đường khác nhau.
Những tháng ngày vô tư trên bãi biển giờ chỉ là quá khứ. Linh và Lam lớn lên trong một ngôi nhà không còn rộn vang tiếng cười. Cha mẹ các cô không nói ra, nhưng Linh biết họ đang lo lắng.
Nợ nần chồng chất. Những khoản vay từ nhà phú ông ngày càng khó trả. Và rồi, cái ngày định mệnh cũng đến.
Một buổi sáng, mẹ gọi hai chị em lại, giọng khô khốc:
"Các con... phải lấy chồng."
Linh chết sững.
"Nhưng con mới mười bốn..." Giọng cô nghẹn lại.
Mẹ cô cúi đầu, bàn tay run rẩy nắm lấy tay con gái.
"Nhà ta không còn lựa chọn nào khác."
Lam níu chặt tay chị, đôi mắt to tròn giờ chỉ còn hoang mang và sợ hãi. Linh muốn vùng vẫy, muốn hét lên rằng cô không muốn. Nhưng rồi cô nhớ lại ánh mắt hốc hác của cha, đôi bàn tay gầy guộc của mẹ.
Cô hiểu.
Đây không phải là lựa chọn. Đây là số phận.
Nam không nhớ lần cuối mình cười là khi nào.
Không còn An, cũng không còn Linh và Lam. Bãi biển bây giờ chỉ còn sóng vỗ, mà sóng thì chẳng thể nói chuyện với nó.
Làng quê này quá nhỏ để dung nạp một thằng nhóc không nhà cửa, không ai chống lưng. Nó bị xua đuổi, bị khinh bỉ, bị đánh đập chỉ vì dám đứng gần một sạp hàng mà không mua gì.
Rồi một ngày, có người chìa tay ra với nó.
"Muốn có tiền không?"
Nam nhìn lên. Trước mặt nó là một gã đàn ông với ánh mắt sắc lạnh, đôi môi mỏng nhếch lên thành một nụ cười đầy ẩn ý.
"Chỉ cần làm vài việc vặt thôi."
Chỉ là vài việc vặt.
Những bọc hàng cần đưa đi trong đêm. Những món đồ mà người ta trao đổi trong góc tối. Những đồng tiền lần đầu tiên nằm trong tay nó - nhiều hơn bất cứ thứ gì nó từng có.
Nam biết đây không phải là con đường đúng. Nhưng đúng sai có quan trọng không, khi nó chẳng còn gì để mất?
An không còn là cậu bé chạy nhảy trên bãi biển năm nào. Giờ đây, nó đã trở thành một thiếu niên chỉnh tề trong bộ áo dài gấm, cưỡi trên lưng ngựa, học cách quản lý ruộng đất, thương thảo với các lái buôn và tiếp thu những bài học cha nó truyền dạy.
Nhưng có những bài học mà nó không muốn học.
“Làm chủ là phải biết kiểm soát, An à.”, cha nó trầm giọng khi cả hai đứng trên bậc thềm cao nhìn xuống sân, nơi gia nhân đang vội vã gánh nước, thu hoạch lúa. “Nếu con để lòng thương hại chi phối, con sẽ bị kẻ khác giẫm lên đầu.”
An không đáp. Nó không muốn nghĩ đến điều đó.
Nhưng rồi, một ngày nọ, khi đi ngang qua làng, nó thấy Linh.
Cô bé không còn nụ cười rạng rỡ như trước. Tóc Linh búi cao như một thiếu nữ đã đến tuổi gả chồng, ánh mắt trầm lặng hơn nhiều so với tuổi. Bên cạnh cô, Lam nắm chặt vạt áo chị, đôi mắt mở to đầy lo lắng.
An muốn dừng lại. Muốn hỏi thăm. Nhưng nó biết nếu làm vậy, cha nó sẽ biết, và sẽ có hậu quả.
Vậy nên, An chỉ đi qua.
Nó không ngoảnh lại.
Nhưng nó biết - đó là lần cuối cùng nó nhìn thấy Linh và Lam trong tự do. Đó là lần cuối con tim nó được phép rung động.
Hôn nhân là gì? Linh không biết. Cô chỉ biết nó là một sợi dây xích vô hình đang trói chặt lấy cuộc đời mình.
Gia đình cô nợ nần. Và cha mẹ cô đã chọn cách duy nhất để trả nợ - đem cô và Lam gả đi cho hai gia đình giàu có.
Linh không khóc. Không vùng vẫy. Cô chỉ lặng lẽ nắm tay em gái, như để giữ lại chút hơi ấm cuối cùng của những ngày tháng tự do.
Ngày xuất giá, mẹ cô dặn dò:
“Nhẫn nhịn, con à. Đừng chống đối, cũng đừng mơ mộng. Đời đàn bà, chỉ có vậy thôi.”
Linh siết chặt tay. Cô không muốn tin, nhưng sự thật vẫn là sự thật.
Những ngày sau đó, Linh sống trong căn nhà rộng lớn, nhưng cô đơn. Chồng cô là một người đàn ông hơn cô cả chục tuổi, gia trưởng và lạnh lùng. Mọi thứ cô làm đều phải đúng khuôn phép, không được sai lệch dù chỉ một chút.
Lam cũng không khá hơn. Em cô bị gả cho một người đàn ông giàu có, nhưng cộc cằn và vũ phu. Mỗi lần Linh đến thăm, cô lại thấy Lam có thêm vài vết bầm trên cánh tay.
Linh muốn bảo vệ em. Nhưng cô có thể làm gì đây?
Cô không còn là con bé có thể chạy nhảy trên bãi biển nữa.
Cô đã là một người vợ - một con rối bị nhốt trong lồng.
Lần đầu tiên Nam đánh người, tay nó run lẩy bẩy.
Lần thứ hai, nó thấy dễ dàng hơn một chút.
Lần thứ ba, nó không còn cảm giác gì nữa.
Nam không biết từ khi nào, nó trở thành một kẻ như thế này. Một kẻ mà người trong làng sợ hãi khi nhìn thấy. Một kẻ sống trong bóng tối, làm những việc mà nó từng nghĩ mình sẽ không bao giờ làm.
Nhưng tiền - nó đã có tiền.
Nhiều hơn những gì nó từng dám mơ.
Vậy mà, mỗi khi đêm xuống, nằm một mình trong góc nhà trọ chật hẹp, nó lại nhớ đến bãi biển. Nhớ đến An, đến Linh và Lam. Nhớ những ngày tháng vô lo vô nghĩ.
Nhưng nó biết, không ai trong số họ có thể quay lại ngày xưa nữa.
Cũng như nó không thể quay đầu.
Hoàng hôn đỏ rực trải dài trên mặt biển, nhuộm cả bầu trời bằng một màu cam cháy rực. Sóng vẫn vỗ vào bờ, nhịp điệu chẳng thay đổi suốt bao năm. Gió biển mang theo vị mặn, giống hệt như ngày ấy - ngày mà bốn đứa trẻ từng cười vang dưới ánh mặt trời.
Nhưng hôm nay, không còn tiếng cười nữa.
Trên bãi biển vắng lặng, bốn bóng người đứng đó. Không ai hẹn trước, nhưng họ đều có mặt.
An đến trước. Hắn đứng đó, đôi mắt đăm chiêu nhìn ra xa. Quần áo lụa là, giày da bóng loáng, dáng vẻ vững chãi của một người thành đạt. Nhưng ánh mắt hắn thì trống rỗng, như thể những gì hắn có chẳng bao giờ thực sự thuộc về hắn.
Linh và Lam đến sau. Cả hai khoác trên mình những bộ áo dài sang trọng, vải gấm óng ánh dưới ánh chiều tà. Nhưng dù có đẹp đến đâu, cũng không che giấu được sự mệt mỏi in hằn nơi khóe mắt. Linh đứng lặng, tay siết chặt nhau. Còn Lam - cô cúi mặt, vết bầm mờ mờ trên cổ tay như một dấu vết không bao giờ phai.
Nam đến cuối cùng. Không xe ngựa, không vải vóc đẹp đẽ. Chỉ là một bóng người lầm lũi bước đến. Quần áo nhàu nhĩ, gương mặt hốc hác, ánh mắt lạnh băng. Nhưng sâu bên trong, vẫn có một tia sáng vụt qua khi nhìn thấy ba người kia.
Không ai nói một lời.
Chỉ có những cơn gió thổi ngang qua, như thể muốn cuốn đi những ký ức cũ kỹ.
An nhìn Linh, rồi nhìn Lam. Hắn muốn hỏi rằng họ có hạnh phúc không, nhưng chính hắn cũng biết câu trả lời. Hắn muốn hỏi Nam rằng cậu đã đi đến đâu, nhưng hắn sợ phải nghe sự thật.
Còn Nam, cậu chỉ đứng đó, ánh mắt lặng lẽ lướt qua từng người một. Cậu biết mình không thuộc về thế giới của họ nữa. Không ai trong số họ còn thuộc về nhau nữa.
Vậy mà, ngay lúc này đây, bọn họ vẫn đứng cạnh nhau - giống như ngày xưa, chỉ là không còn ai có thể nắm lấy tay nhau mà chạy trên bờ cát được nữa.
Sóng vẫn vỗ, từng đợt từng đợt, như một bài ca bất tận của biển cả.
An bất giác nhớ lại những ngày thơ ấu. Nhớ Linh từng cười rạng rỡ khi nhặt được một con ốc biển đẹp. Nhớ Lam đã từng hồn nhiên chạy trên cát, để lại những dấu chân nhỏ bé sau lưng. Nhớ Nam từng hứa rằng một ngày nào đó sẽ tìm ra cha mẹ mình.
Nhưng không ai trong số họ thực hiện được những lời hứa năm xưa.
Thời gian đã lấy đi tất cả.
Bốn người, bốn số phận.
An thành công giàu có, nhưng đã đánh mất những người bạn của mình.
Linh và Lam có một cuộc sống đầy đủ vật chất, nhưng họ chẳng bao giờ có quyền lên tiếng trong chính cuộc đời mình.
Còn Nam - ngày mai, cậu sẽ ra đầu thú.
Không ai nói gì, nhưng họ hiểu nhau hơn bao giờ hết.
Một cơn gió mạnh thổi qua. An siết chặt bàn tay, nhưng không thể giữ lại thứ gì. Linh nhìn xuống đôi chân trần của mình trên cát, như thể muốn tìm lại dấu chân ngày xưa. Lam cúi đầu, nước mắt chảy xuống nhưng cô không lau đi. Còn Nam, cậu nhắm mắt, lắng nghe âm thanh của biển một lần cuối.
Rồi, từng người quay lưng.
Bước chân họ chậm rãi, nặng trĩu.
Bãi biển này đã từng là nơi hạnh phúc nhất của họ. Nhưng giờ đây, nó chỉ còn là một ký ức đẹp - một ký ức mà họ không bao giờ có thể chạm tới nữa.
Sóng vỗ, xóa đi dấu chân trên cát.
Biển cả không bao giờ giữ lại điều gì.
Bốn người họ cũng vậy.
Mỗi người đi một hướng, mang theo những mảnh vỡ của quá khứ.
Và khi hoàng hôn buông xuống hoàn toàn, bãi biển lại trở về với sự tĩnh lặng vốn có. Như thể chưa từng có cuộc hội ngộ này.
Như thể, những ngày tháng tuổi thơ chỉ là một giấc mơ thoáng qua.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top