boi chi ngan sach

Bội chi ngân sách: Lấy tiền đâu để bù?

ANH QUÂN

01/04/2009 09:50 (GMT+7)

Phản hồi (2) | In bài viết này | [+] Cỡ chữ [-]

Trước tình hình bội chi ngân sách, Bộ Tài chính đã đề nghị sắp xếp lại nhiệm vụ chi cho phù hợp và thực hiện nguyên tắc tiết kiệm chi - Ảnh minh họa.

Bội chi ngân sách năm 2009 sẽ vượt qua 4,82% GDP, mức đã được Quốc hội thông qua hồi cuối năm 2008. Nguyên nhân là do thu ngân sách đã giảm đáng kể, trong khi hàng loạt chính sách kích thích tài chính được ban hành.

Trong phiên họp ngày 30-31/3, Bộ Tài chính đã đưa vấn đề này ra trước Chính phủ. Với kịch bản xấu nhất, bội chi ngân sách sẽ lên tới 8% GDP. Và Chính phủ đã nhất trí sẽ sớm trình lên Quốc hội mức bội chi mới, dự kiến sẽ không vượt quá 8% GDP.

Vậy với bội chi ngân sách khoảng 8% GDP, an ninh tài chính sẽ như thế nào?

Trả lời VnEconomy tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 chiều ngày 31/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp nói:

- Hồi đầu năm nay, chúng ta xây dựng kế hoạch chi ngân sách trên cơ sở mấy yếu tố sau: tăng trưởng GDP 6,5%; giá dầu thô bình quân 70 USD/thùng; kim ngạch xuất khẩu tăng 13%. Đó là những yếu tố cơ bản liên quan đến thu chi ngân sách.

So sánh những dữ kiện đó, trong quý 1/2009, giá dầu thô dao động từ 40-50 USD/thùng; tốc độ tăng trưởng quý 1/2009, như chúng ta biết, chỉ đạt 3,1%; và xuất khẩu đã tăng rất thấp, quý 1/2009 chỉ tăng có 2,4%.

Bộ Tài chính có tính toán phương án cho cả năm thì dự kiến phương án tăng trưởng 5%. Khi mà tăng trưởng giảm từ 6,5% xuống 5% thì thu ngân sách theo đó sẽ giảm.

Thứ hai, giá dầu thô thì chúng tôi tính ba phương án: 40 USD/ thùng, 50 USD/thùng và 60 USD/thùng. Thu ngân sách chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá dầu (năm 2008, thu từ dầu thô chiếm khoảng 25% tổng thu ngân sách - PV). Ngoài ra còn một số chính sách liên quan khác nữa như giãn thu thuế thu nhập cá nhân, giãn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế VAT...

Với cả ba yếu tố này, kết quả đều dẫn tới giảm thu ngân sách khá lớn.

Tính như vậy, chúng tôi thấy rằng nếu trường hợp ta giảm chi theo thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của Nhà nước, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội.

Cho nên chủ trương của chúng tôi đã trình lên Chính phủ trong cuộc họp ngày hôm qua và ngày hôm nay (30-31/3) là không giảm chi, thậm chí một số khoản chi tăng lên, ví dụ các khoản chi cho chính sách an sinh xã hội.

Trên cơ sở như vậy, chúng tôi tính toán rằng với phương án tăng trưởng 50% và giá dầu ở mức thấp nhất là 40 USD/ thùng, thì bội chi khoảng 8%. Chúng tôi đã trình lên Chính phủ và sắp tới sẽ trình lên Quốc hội.

Bộ Tài chính có tính đến các giải pháp tăng thu, giảm chi khác không?

Chúng tôi cũng đã đề nghị sắp xếp lại nhiệm vụ chi cho phù hợp và thực hiện nguyên tắc tiết kiệm chi. Chính phủ cũng chỉ đạo năm nay chúng ta tiếp tục sẽ ngừng mua xe công, riêng ôtô chuyên dùng vẫn được tiếp tục.

Chúng tôi cũng đã tính toán kết hợp với một số biện pháp tăng thu như giảm nợ đọng thuế, hay có thể điều chỉnh một số chính sách thuế nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với lợi ích cả ba bên là Nhà nước, doanh nghiệp và của người tiêu dùng.

Xin ông cho biết nguồn tiền "tài trợ" cho khoản bội chi tăng thêm trong năm nay lấy ở đâu?

Bội chi thì phải đi vay, có thể vay kho bạc, vay qua trái phiếu, vay một số quỹ được phép vay theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, ví dụ như quỹ bảo hiểm xã hội chẳng hạn...

Bộ Tài chính có đặt vấn đề vay nợ nước ngoài để chi tiêu không, thưa ông?

Phương án của Bộ Tài chính đưa ra chưa đặt vấn đề vay nợ nước ngoài.

Ông có tính tỷ lệ nợ công so với GDP sẽ tăng lên bao nhiêu không? Theo như ADB thì nợ công năm nay sẽ chiếm tới gần 46% GDP?

Chúng tôi đã tính rồi, chưa đến 46% đâu, và vẫn đảm bảo an toàn tài chính. Tôi không nhớ con số nhưng chắc chắn không đến mức ấy.

Nợ công sẽ cao hơn năm ngoái. Vì năm 2008 bội chi 4,82%, nếu bội chi năm nay lên 8% thì như vậy mình phải vay thêm nấc tăng thêm đó. Như vậy, tính theo GDP thì nó sẽ dâng lên theo. Kiểu gì nó cũng phải lên chứ.

Nợ công tăng lên thì sau đó sẽ phải có khoản tài chính nào đó để bù đắp lại, và một số quan điểm cho rằng khi khủng hoảng qua đi, thuế và các khoản thu khác có thể sẽ được điều chỉnh tăng lên, ảnh hưởng đến lợi ích doanh nghiệp...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể yên tâm, vì Chính phủ khi thay đổi một chính sách nào đó ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, của người dân đều phải có tính toán, phải đảm bảo khuyến khích sản xuất phát triển chứ không phải cứ tăng lên dẫn tới trì hoãn sản xuất được.

Nếu trường hợp nền kinh tế tiếp tục chịu tác động xấu từ bên ngoài vào và cần phải bổ sung các chính sách kích thích kinh tế mới thì liệu Chính phủ có tiếp tục trình Quốc hội phương án bội chi cao hơn mức 8%?

Cùng với việc tính toán các biện pháp hiện hành, Bộ Tài chính cũng đã tính đến một số giải pháp bổ sung thêm và trình Chính phủ trong kỳ họp này. Nếu Chính phủ thông qua thì tính cả các chính sách đó, bội chi ngân sách là 8% GDP. Tức là đã thêm các giải pháp nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Nhưng không loại trừ trong trường hợp cần thiết, có thể phát sinh thêm các giải pháp mới thì chúng ta sẽ tiếp tục tìm nguồn để xử lý và phải xử lý cho bằng được. Tình hình hiện nay nó là như thế.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC VỀ CHỦ ĐỀ NÀY

(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết.) Long Bình

01/04/2009 15:21 (GMT+7)

Đọc phát biểu này của ông Thứ trưởng "Chúng tôi cũng đã đề nghị sắp xếp lại nhiệm vụ chi cho phù hợp và thực hiện nguyên tắc tiết kiệm chi. Chính phủ cũng chỉ đạo năm nay chúng ta tiếp tục sẽ ngừng mua xe công" làm người đọc cảm giác việc tiết kiệm chi tiêu công chủ yếu là mua sắm ô tô?

Vậy ngoài ô tô ra Bộ Tài chính không nắm về các vấn đề chi tiêu gì khác?

Trí Dũng

01/04/2009 11:20 (GMT+7)

Thật đáng ngại khi nợ công của quốc gia lên đến gần 46% GDP. Điều lo ngại nữa là đến con số quan trọng này mà vị Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng không nhớ, mà vẫn cứ khẳng định là "vẫn đảm bảo an toàn tài chính".

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top