[5] Nếu muốn "bán hàng" hàng hóa sẽ bán chạy - Bí quyết bán hàng

Phát tờ rơi, khách hàng cũng không đến

     Nói đến cách xúc tiến bán hàng hiệu quả, có người nghĩ ngay tới tờ roi. Trong công việc buôn bán ở quán nhỏ, chúng tôi không được phép phát tờ rơi. Tôi muốn các bạn nghĩ thêm một chút. Nếu bạn phát tờ rơi ở trước nhà ga với tiêu đề “Giảm giá 50% bia", liệu sẽ có bao nhiêu người sẽ đến quán nào?
 
     Khách đến, nhân viên phát tờ rơi giảm giá và không có cuộc trò chuyện nào giữa nhân viên với khách. Thay vì tốn công sức, thời gian vào những việc như thế, nếu thấy ly rượu của khách đã cạn, hãy rót thêm và mời khách: “Quý khách thích rượu shochu imo này nhỉ?” Đây chính là dịch vụ “giảm giá 50%” hoàn toàn khác với tờ rơi.
 
     Quán nhỏ có nhiều cách xúc tiến bán hàng. Ví dụ trong thời điểm quán vừa mới khai trương, khách mới đến quán lần đầu gọi rượu shochu, bạn có thể mang đồ ăn khách gọi kèm theo một chai rượu 2 lít đặt lên bàn rồi nói: “Cảm ơn quý khách hôm nay đã đến quán. Xin tặng quý khách món quà này".
 
     Khi tặng, hãy đặt thêm điều kiện: “chúng tôi xin giữ lại món quà này ở quán và ghi tên khách trên vỏ chai. Xin quý khách hãy uống mỗi lần đến đây". Nếu nói từ “khuyến mãi", có lẽ bạn sẽ khó nói trước mặt các vị khách xung quanh. Biết đâu đến ngày hôm sau vị khách ấy lại dẫn bạn bè và đồng nghiệp đến cùng nhậu. Một chai rượu shochu 2 lít cũng tầm 2000 đến 3000 yên. Khi có người hâm mộ quán, đồng thời sẽ có thêm những vị khách mới. Như thế cũng rẻ đấy chứ.
 
     Ngày trước, có quán ăn kiểu Âu tôi rất hay đến. Một hôm đến quán, tôi được họ nói rằng: “Chúng tôi sẽ làm cho quý vị ăn món thịt bò bít tế giống với quán nổi tiếng ở Roppongi với giá chỉ bằng một nửa thôi. Hãy rủ thêm vài người bạn của quý khách đến nhé!”. Tôi cũng rủ thêm vài người đến quán ngay. Liệu quán có bị lỗ không? Chắc chắn là không rồi. Bởi vì với khuyến mãi ấy, quán có thêm người khách mới. Hơn nữa, khả năng rất cao là họ sẽ còn trở lại và trở thành khách quen của quán nữa. Mọi người còn háo hức chờ đợi xem quán còn khuyến mãi gì nữa không, và khi phục vụ món thịt bò Matsusaka loại ngon nhất với giá một nửa, cuối cùng quán không thể nào bị thiệt. Thoáng nhìn thì có vẻ quán hơi quá nhưng mà khuyến mãi kiểu này cũng là ý tưởng hay đấy chứ.
 
     Tờ rơi hay phiếu giảm giá cũng hay được các chuỗi nhà hàng lớn phát trước nhà ga. Quán tôi không nằm ngay phía trước nhà ga, mà nằm ở trên tầng hai của con đường phía sau lưng rất xa so với nhà ga. Do vậy, rõ ràng chúng tôi không thể làm những việc giống hệt với các quán nằm ngay phía trước nhà ga.
 
     Cách phù hợp cho quán nhỏ là dịch vụ để khách nghĩ rằng chỉ dành riêng cho mình. Không cần phải là những món đồ khuyến mãi kích thích mạnh như một chai rượu shochu 2 lít hay thịt bò thượng hạng Matsusaka. Đối với khách hàng gọi món mà còn phân vân không biết nên gọi cá cam hay cá ngừ, rồi cuối cùng chỉ gọi cá ngừ, thì khi bê đồ ăn ra, hãy nói cho khách biết: “Chúng tôi đã thêm một miếng cá cam đấy ạ. Hôm nay cá cam ngon nên xin mời thưởng thức nhé". Một miếng cá sống chẳng đáng là bao, nhưng với khách hàng họ sẽ thấy cực kỳ vui. Tôi nghĩ cứ thế tự nhiên khách hàng sẽ trở thành người hâm mộ quán.
 
     Cách viết thực đơn nữa, bạn có thể đầu tư công phu một chút để khách hàng dễ gọi món hơn. Tôi cũng đã nói trước đó rồi. Ví dụ là mùa cá thu đao ngon. Bạn có thể viết như một lời nói thật sự phía trên món cá thu đao rắc muối nướng rằng: “Nhân viên quán cũng ăn món này, đây là đặc sản!”.
 
     Chỉ cần những lời nói bình thường, không cần khoa trương trau chuốc. Điều đó mới đi thẳng vào trái tim khách hàng. Nếu là quán sushi, họ cũng sẽ mời chào kiểu: “Hôm nay có cá mòi cờ chấm ngon lắm". Khách hàng nghe thấy câu nói tưởng chừng bình thường ấy cũng sẽ “muốn ăn". Quán chúng tôi cũng giống vậy. Câu nói “hôm nay chúng tôi cũng thử ăn, ngon lắm!” là câu mời chào khách có sức nặng nhất mà quán nhỏ có thể tận dụng. Đó là cách quảng bá thực phẩm đúng mùa có hiệu quả hơn so với một áp phích quảng cáo dán ở chuỗi cửa hàng to được chuẩn bị từ ba tháng trước đó.
 
     Khi khách gọi món, bạn có nhiều cơ hội để quảng bá. Với những món ăn quán có thể chế biến liền một lúc cho mấy khách như đậu phụ Tứ Xuyên hay mì xào, hãy mời chào kiểu: “Bây giờ chúng tôi sẽ làm món đậu phụ Tứ Xuyên giới hạn cho 5 người. Ai ăn xin giơ tay lên ạ”. Công làm món đó tính ra một suất cũng giống như làm năm suất. Món rẻ mà được làm thêm năm suất nữa, doanh thu cũng tăng hơn nhiều rồi. Bận rộn mà vẫn có cách để tăng doanh thu một cách hiệu quả. Tại một quán trong chuỗi hệ thống của tôi, một ý tưởng từ việc nhân viên quán kêu ca: “Bận quá, bó tay thôi!”, đó là món “bó tay".
 
     Còn cách nữa: chuẩn bị những món không có trong thực đơn. Khi khách hàng hỏi: “Ngoài món mì xào (được viết trong thực đơn), còn loại mì nào khác nữa không?”, bạn hoàn toàn có thể trả lời ngay: “Chúng tôi có mì soba trà xanh và cả mì udon nữa". Nếu là các loại mì sợi khô, bạn có thể dễ dàng chuẩn bị trước. Khách hàng sẽ rất cảm kích nếu được phục vụ các món cho riêng mình mà không có trong thực đơn. Bản thân bạn cũng muốn tới những quán như thế đúng không?
 
     Tất nhiên không phải tất cả mọi thứ chúng ta làm đều trúng tủ hết. Một nửa trong số các ý tưởng của tôi đã thất bại. Dù lúc đó không có hiệu quả như mình mong đợi, tôi tin những trải nghiệm đã làm ít nhiều đều có ích trong quá trình xây dựng quán. Chắc chắn việc bạn làm sẽ đem lại kết quả.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top