Bố Già

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Tựa

The Godfather

Độc giả Mỹ chẳng lạ gì tựa sách đó. Xuất bản năm 1969 với 11 triệu bản in được bán sạch, nó là quyển tiểu thuyết hay nhất viết về giới giang hồ, giới Mafia tại Mỹ. Thật nhiều lời khen chê về nó. Và như vẫn thường xảy ra ở Mỹ, mọi quyển sách "best-seller" đều được quay thành phim. "The Godfather" đã được hãng Paramount dựng thành phim, tài tử lừng danh Marlon Brando thủ vai chính, và cũng nhanh chóng trở thành cuốn phim ăn khách nhất lúc bấy giờ.

Trong tiểu thuyết của Mario Puzo, "Bố Già" là Ông trùm Don Vito Corleone, người gốc Sicily, một trong những thủ lĩnh tối cao của giới Mafia Mỹ. Kẻ thù căm ghét ông, khiếp sợ ông, khinh bỉ ông; ông như con rắn hổ mang nguy hiểm có đôi mắt chứa đựng một uy lực tối thượng nhìn thấy hết, biết hết, làm được hết. Nhưng đối với bạn bè, thân quyến, "Bố Già" gần như là một đấng toàn năng có thể cứu họ thoát khỏi những thế kẹt và nỗi oan ức mà ngay cả luật pháp cũng chẳng gỡ được. Ông đúng là "Mafia" theo cái nghĩa nguyên thủy của nó thuở ban đầu hình thành, nơi ẩn náu.

Sự toàn năng tối thượng của "Bố Già" một phần do cái dũng trí khác thường của ông đem lại, phần khác là do những đồng đô-la trong tài sản đồ sộ của ông tạo ra.

Balzac đã viết:"Đằng sau mọi gia sản kếch sù là một tội ác". Đó cũng chính là câu mà Mario Puzo đã trích dẫn ở đầu chương I của tiểu thuyết như lời bình giới thiệu nhân vật "Bố Già" của mình. Ông còn cẩn thận ghi chú thêm: Tất cả nhân vật trong truyện đều là hư cấu, và bất kỳ sự trùng hợp nào nếu có... đều là ngẫu nhiên. Ngày nay, chúng ta hiểu được sự thận trọng của tác giả khi viết lời ghi chú đó. Tiểu thuyết của ông quả thực đã dựa trên những chi tiết có thực về những con người có thực.

Nhiều tư liệu gần đây về Mafia và "The Godfather" cho chúng ta biết rằng nhân vật "Bố Già" ngoài đời chính là Don Vito Cascio Ferro, một trong những thủ lĩnh quan trọng đầu tiên của giới Mafia Ý di cư sang Mỹ. Ông cầm đầu giới giang hồ ở Sicily, và sau đó thống lãnh nhóm "Mano Nero" (Bàn tay đen), một nhóm chuyên tống tiền và cưỡng đoạt. Nhóm này chính là tiền thân của giới Mafia Mỹ, hiện nay được gọi là tổ chức "La Cosa Nostra" (Chuyện làm ăn của chúng ta). Những người nghiên cứu về vấn đề Mafia viết rằng cách đây hơn 50 năm, trong bè đảng của Don Vito Cascio Ferro đã sản sinh ra các thủ lãnh Mafia mới ở Mỹ và họ đã du nhập những ngành làm ăn bất chính vào Mỹ rồi phát triển chúng lên.

Ngoài "Bố Già" thực Don Vito Cascio Ferro, trong truyện còn có một nhân vật thực khác rất thú vị. "Kép" Johnny Fontane lại chính là Frank Sinatra, ca sĩ và tài tử nổi tiếng của Mỹ trong thập niên 60, bạn thân của Tổng Thống Reagan và là một trong những nghệ sĩ Mỹ giàu nhất hiện nay.

...Tuy Mario Puzo vẽ lên những nhân vật tiểu thuyết là cái bóng phản của ông X, ông Y...sừng sỏ có thực ngoài đời như đã dẫn ở trên, những điều ông tiết lộ chẳng phải là cái gì khiến độc giả bàng hoàng, sửng sốt lắm. Ngay cả những cảnh bạo lực, bắn giết trong truyện cũng vậy. Họ thích thú đọc, hồi hộp theo dõi, và dường như sẵn sàng tin vào tính chất xác thực của nó. Tin dễ dàng. Tin thanh thản. Báo chí Mỹ ngày ấy viết rằng tuy có rất nhiều máu chảy trong "Bố Già", nó dường như lại bao phủ lên giới giang hồ một màu sắc lãng mạn nào đó. Trong khía cạnh này thì "Bố Già" cũng giống phần lớn các sách, phim Mỹ viết về đề tài các tổ chức tội ác. Các nhân vật chính trong đó không chỉ là bọn găng-tơ, hay găng-tơ mại bản, mà còn mang dáng dấp của một anh hùng, một thần tượng. Họ có những cá tính độc đáo, họ sống trong những gia đình quyền quý xây dựng trên một nền tảng gia tộc chặt chẽ, vợ họ sùng đạo và cương trực, v.v... Hơn hết, người viết không lên giọng miệt thị tố cáo giới giang hồ, cái mầm độc gây nguy hại cho xã hội Mỹ. Bằng một cách nào đó, người đọc hay người xem được cho thấy rằng tội ác rõ ràng không thể tiêu diệt được, nó là một bộ phận không xoá bỏ được. "Thời Báo" đã có lần nhận xét: chính sự lãng mạn hoá các ông Trùm Mafia và giới giang hồ đó đã khiến cho nó trở thành một hiện tượng xã hội chấp nhận được và giúp nó phát triển."

Phải chăng Mario Puzo chỉ dừng lại ở chỗ lãng mạn hoá một ông Trùm Mafia và những sự kiện bạo lực ác liệt chung quanh ông Trùm đó? Xây dựng nhân vật dựa trên những chất liệu có thật, ông đã tiểu thuyết hoá các con người thật dưới những nét miêu tả chân chất. Và chúng ta cũng không quên chủ định của tác giả ẩn sau câu trích dẫn đầu quyển sách: "Đằng sau mọi gia sản kếch xù là một tội ác."

Giới thiệu "Bố Già" lần này, chúng tôi mong sẽ đem đến cho độc giả một hình ảnh xưa với những suy nghĩ mới về một hiện tượng phức tạp đang tồn tại trong xã hội Mỹ hiện nay.

Đã xem 384574 lần.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 1

The Godfather

Amerigo Bonasera có việc ra Toà, Toà Đại-hình Nữu-Ước, Phòng 3 để nghe công lý phán xét, trừng trị hai thằng khốn can tội bạo hành, toan cưỡng dâm con gái lão. Ngài Chánh án uy nghi, bệ vệ vén áo thụng đen làm như sắp đích thân ra tay trị hai thằng nhãi ranh đang đứng xớ rớ trước Toà. Giọng ngài sang sảng, lạnh tanh:

- Tụi bây hành động như những quân côn đồ tồi tệ nhất. Tụi bây làm như thú dữ ở rừng vậy! Cũng may mà cô bé đáng thương kia chưa bị tụi bây xâm phạm tiết hạnh, bằng không thì mỗi đứa 20 năm chắc...

Cả hai thằng cúi mặt làm như tủi hổ, hối hận. Tóc chúng hớt cao, mặt mũi sáng sủa quá. Nhưng chúng quả là thú vật, thú vật lắm mới dám càn rỡ vậy. Bonasera nghĩ thế, nhưng không hiểu sao lão vẫn mang máng cảm thấy có một cái gì giả trá bên trong vụ xử nầy.

Dưới cặp lông mày chổi xể, đôi mắt sáng lóng lánh của ngài Chánh án khẽ liếc nhìn khuôn mặt bí xị của Bonasera rồi dừng lại trên chồng đơn xin khoan hồng trước mặt. Ngài cau mặt, rồi nhún vai như sắp phải có một quyết định ngược với chính lòng mình.

- Xét vì tụi bây còn nhỏ, chưa có tiền án và con nhà đàng hoàng... Vả lại xét vì luật pháp đặt ra chẳng phải để trả thù nên toà tuyên phạt mỗi đứa 3 năm tù, cho hưởng án treo!

Bốn mươi năm hành nghề chủ xe đòn, chôn người chết đã quen nên Bonasera giận sôi sùng sục vẫn ngậm miệng làm thinh. Con nhỏ xinh đẹp là thế ngày giờ này còn nằm liệt giường, chiếc cằm bể còn kẹp chưa lành mà cả hai thằng khốn, hai con vật lại ra về thong thả. Vậy là toà phường tuồng còn gì? Kìa cha mẹ chúng đang tíu tít bao quanh hai cậu quý tử. Họ sung sướng, họ cười hả hê.

Bonasera nghiến răng nghe nỗi đắng cay trào lên nghẹn họng. Lão đưa chiếc khăn tay trắng lên bụm chặt miệng, ngó hai thằng khốn đi tà tà trở ra. Mặt chúng tươi rói, chúng tỉnh bơ không thèm nhìn lão một phát. Đành đứng trơ ra vậy. Cha mẹ chúng tò tò đi theo: hai cặp vợ chồng Mỹ trạc tuổi lão, bề ngoài Mỹ rặt bẽn lẽn ra mặt nhưng ánh mắt vẫn cứ vênh váo ngầm.

Không nhịn nổi, Bonasera vuột ra khỏi hàng ghế hét toáng lên: "Được rồi! Tụi mày sẽ được khóc như tao. Con cái tụi mày làm khổ tao thì tao sẽ cho tụi mày thử nếm mùi đau khổ!"

Thấy vậy mấy ông luật sư đi sau cùng vội đẩy các thân chủ đi tới, đi nhập một với hai thằng con đang chậm bước hẳn lại làm như chúng sẵn sàng đứng ra bảo vệ cha mẹ vậy. Một bố lục sự đồ sộ còn đứng ra chắn lối Bonasera, sợ lão làm hoảng... nhưng có chuyện gì xảy ra đâu?

Bao nhiêu năm lập nghiệp ở đất này, ăn nên làm ra được cũng vì Bonasera một mặt tin tưởng ở công lý, ở trật tự xã hội. Đứng ngơ ngẩn trước toà, căm thù đến toé khói, đầu óc chỉ lởn vởn ý định trả thù, nghĩa là sắm ngay một khẩu súng, bắn bỏ cả hai thằng khốn, nhưng Bonasera cứ phải cắn răng an ủi mụ vợ đang đứng lặng người chưa hiểu chuyện gì: "Thôi vậy là mình bị chúng giỡn mặt rồi! Điệu này đành phải lết tới ông Trùm mới xong..."

Lão quyết định tìm tới cố nhân Corleone, tốn bao nhiêu thì tốn...

oOo

Một mình trong căn phòng khách sạn diêm dúa ởLos Angeles, kép Johnny Fontane cũng mượn rượu giải sầu như bất cứ thằng đàn ông nào bị vợ bỏ trên cõi đời này. Nằm bật ngửa trên tấm nệm đó, hắn đưa chai húyt-ky lên uống ừng ực, rồi vớ xô nước đá lạnh tợp vài ngụm đưa cay.

Bốn giờ khuya rồi men rượu bốc lên, đầu óc hắn chỉ lởn vởn ý định "thịt" con vợ, nếu nó về đây.Nếu nó còn về . Không lẽ giờ này "phôn" về cho con vợ cũ, thăm hỏi mấy đứa con hay phá mấy thằng bạn, gọi dựng nó dậy? Kỳ cục quá. Mình xuống dốc rồi. Chớ hồi đang lên thì nửa đêm chợt nhớ ra "phôn" chơi chơi cho bạn bè mới là tình sâu nghĩa nặng. Chán mớ đời. Hắn mỉm cười chua chát, nhớ ngày nào chỉ nội chuyện lên, xuống của chàng Johnny Fontane cũng làm nhức tim mấy cô đào lớn nhất nước Mỹ.

Mãi mới nghe tiếng khoá mở lách cách. Johnny biết là nó về, nhưng vẫn làm bộ tỉnh bơ nốc rượu. Nó bước vô, nó đứng sững ngay trước mặt, hắn cũng cứ ỳ ra. Coi, con này còn đẹp quá chớ? Khuôn mặt thiên thần, đôi mắt tím mơ huyền, khổ người mình dây vô cùng cân đối. Trên màn bạc nó càng lộng lẫy, mỹ miều nữa. Trách nào cả triệu anh mê, sẵn sàng bỏ tiền mua vé xi-nê chỉ cốt để chiêm ngưỡng dung nhan Margot Ashton.

Johnny lè nhè hỏi: "Mày đi đâu về giờ này?" Nó buông một câu: "Đi ngủ với trai". Giận quá, hắn gạt tung cái bàn, nhảy dựng lên túm cổ. Toan đập thì khựng lại, buông xuôi tay. Con khốn nạn cười ngặt nghẽo, cười phá lên. Đành phải đập. Họng nó la lớn: "Ê, không đánh vào mặt. Tao đang đóng phim nghe!"

Thế là Johnny cứ bụng mà loi. Nó té ngửa, hắn nhào theo, đè cứng. Nó nghẹt thở, há miệng thở hồng hộc, hơi thở nghe lại thơm thơm nữa! Hắn bèn lựa mấy chỗ thịt non, phơi nắng đỏ hồng ở đùi, ở vai để cứ thế mà giộng túi bụi, giộng ồ ạt như hồi còn nhỏ quen bắt nạt mấy đứa nhỏ đầu đường xó chợ. Cái lối "tẩm quất" này thấm đòn đáo để mà khỏi sợ để lại vết tích, tang chứng như gãy răng, bể miệng.

Nhưng làm sao "tẩm quất" nó mãi được. Johnny chịu. Con khốn nạn biết vậy nên cười hăng hắc, cười thách thức. Lớp váy lụa thêu bên trong lộ ra, nó nằm xoạc cẳng, nằm tô hô ra, miệng la lớn: "Đây này. Mày cứ đánh đi, đánh nữa đi... Mày thì chỉ có thế!"

Chán quá, Johnny lồm cồm bò dậy. Hận lắm nhưng lại đánh không nổi con điếm này chỉ vì nó đẹp quá, đẹp quá đi. Margot cũng vùng dậy theo, nhún một phát là đứng phắt dậy, đứng chống nạnh trước mặt... rồi đi một đường vũ ưỡn ẹo, nhún nhẩy "chọc quê".

- Mày đập tao... ăn thua gì! Như con nít vậy... Cái thứ mày thì làm ăn gì? Không bằng một đứa con nít! Vậy mà cũng đàn ông. Bộ mày tưởng làm tình cũng như mày "sủa" mấy bài máy nước ấy hả? Còn lâu! Thôi nhé,bái bai Johnny...

Thế là nó biến vào phòng ngủ, khoá cứng cửa lại. Johnny ngồi bệt xuống sàn, chán nản úp mặt vào hai bàn tay, mệt mỏi, nhục nhã đến rã rời người.

Một lúc sau, nhờ chịu đựng thất bại đã quen nên gắng gượng lấy lại tinh thần, Johnny nhấc điện thoại lên, gọi một chiếc tắc-xi ra phi trường cấp tốc. Phải bay về Nữu-Ước ngay. Tình hình này nguy ngập quá. Chỉ có một người cứu vãn nổi hắn. Chỉ có một người đủ thế lực, đủ sáng suốt và còn thực lòng thương yêu hắn. Đó là bố già Corleone.

oOo

Ông chủ lò bánh Nazorine người mập mạp in hệt một ổ bánh mì Ý. Quần áo bám đầy bột, hắn bực bội cằn nhằn vợ con. Chú làm công Enzo đâm hoảng hồn vì vụ này: bộ đồ tù binh mặc vô rồi, đeo băng tay chữ xanh đàng hoàng rồi mà trễ giờ sang trại tập hợp thì nguy quá! Hắn thuộc đám vài ngàn tù binh Ý được trưng dụng làm thợ để phục vụ kỹ nghệ sản xuất nên lỡ có chuyện lộn xộn phải trở về nghiệp tù thì đau khổ lắm lắm.

Ông chủ lớn tiếng chất vấn: "Mày tính bêu xấu gia đình tao? Mày biết là hết chiến tranh này mày sớm muộn cũng bị tống cổ vềSicilynên mày cố tình để lại cho con gái tao một cái bầu kỷ niệm chứ gì?". Cu cậu Enzo người thấp lùn, vạm vỡ vội cuốn quýt đưa tay lên ngực thề: "Thưa ông chủ... Tôi xin thề có Đức Mẹ, tôi không dám lợi dụng lòng tốt của ông chủ. Tôi thương cô chủ thiệt tình, tôi muốn xin cưới hỏi đàng hoàng. Tôi thật không nên không phải, nhưng nếu bị tống về xứ thì chẳng thế nào trở qua được. Đành phải xa Katherine vĩnh viễn".

Lúc bấy giờ bà chủ mới gắt: "Thôi im đi, đừng vớ vẩn nữa. Anh biết phải làm gì mà? Thằng Enzo cứ việc ở lại, có gì gởi nó quaLong Islandvới bà con mình".

Katherine chỉ có khóc. Con bé mập tròn, quê mùa và trông như có ria mép thế kia thì kiếm sao nổi một thằng chồng bảnh như Enzo? Cái thằng lại biết chiều chuộng đúng cách, đúng chỗ nữa! Quay sang phía bố, con bé nức nở: "Ba không có cách gì giữ Enzo thì con sẽ bỏ nhà này đi theo anh ấy. Con về Ý liền..."

Nazorine ngắm con nhỏ. Đúng týp con gái bố. Nó hăng lắm. Có lần rõ ràng, ban ngày ban mặt nó dám âu yếm cạ bàn toạ vào trán thằng Enzo lúc thằng này cúi phía sau lom khom bưng khay bánh chất vô quầy. Vụ này không khéo dàn xếp thì tụi nó dám làm bậy lắm. Đành phải kiếm cách vận động cho nó ở lại, nhập tịch dân Mỹ. Chỉ có một người thu xếp nổi. Bố già Corleone chớ ai?

oOo

Ba người nói trên cũng như nhiều người khác đều nhận được thiếp mời của bố già Corleone dự lễ vu quy của cô gái út Constanzia vào thứ Bảy cuối tháng Tám năm 1945. Dù bây giờ nhà cao cửa rộng bênLong Islandnhưng một người như Vito Corleone đâu thể quên bạn bè cũ, láng giềng xưa.

Đám cưới linh đình, khách đến đông, ăn uống suốt ngày. Một dịp vui đúng lúc quá. Chiến tranh với Nhật vừa dứt xong, đâu còn nơm nớp sợ tin dữ chợt tới cho đứa con ngoài mặt trận nên ai nấy cùng vui thả dàn. Muốn vui thì còn gì bằng đi đám cưới?

Vì lẽ đó sáng thứ Bảy bạn bè Ông Trùm từ Nữu-Ước kéo rốc sang. Đồ mừng cô dâu là những phong bao màu kem đầy tiền, tiền mặt chớ ngân phiếu thì khỏi. Kèm theo là tấm thiếp ghi rành rẽ tên người mừng, càng tôn kính ông bố bao nhiêu thì tiền mừng cô dâu càng bộn bấy nhiêu.

Ông trùm Vito Corleone típ Mạnh thường quân, ai có chuyện nhờ vả cũng không để cho thất vọng. Không hứa hão, không có lối chối từ "Tôi không đủ sức". Không cứ bạn bè quen biết mà cũng chẳng cần sau này có thể đền đáp được hay không. Chỉ cần mỗi một thứ, đó là tình bạn, do đích thân đương sự nói lên. Chừng đó thì bất luận giàu nghèo sang hèn, Ông Trùm cũng lưu ý giải quyết giùm kỳ được, san bằng mọi trở ngại cho lúc thành toàn mới thôi.

Vì đức tính đó, Vito Corleone có nhiều bạn và được tôn xưng Ông Trùm, thình thoảng còn có người thân mật gọi Bố Già. Và để tỏ lòng tôn kính thì một món quà nhỏ mọn đủ rồi, đừng nói đến lợi. Một bình rượu chát nhà cất lấy, một giỏ bánh caytaralles ngày lễ Giáng Sinh. Cùng lúc đó nếu biết điều thì nên kín đáo tự coi như mình có nợ để ân nhân có quyền cho gọi tới, mỗi khi có chút việc muốn nhờ lại.

Ngày gả con gái là ngày trọng đại, đích thân Ông Trùm ra đón khách tận bậc cửa lớn. Toàn bạn bè quen thân, tin cậy cả, trong số đó thiếu gì kẻ nhờ giúp đỡ mà làm nên sự nghiệp, nhân dịp vui mừng này mới dám gọi tiếngBố-Già thân mật? Giúp đỡ đám cưới toàn là bạn bè tự động chạy tới. Chẳng hạn như khoản rượu, tất cả mọi thứ rượu đã có một ông bạn già bao hết, lại còn xung phong lãnh chânbarman . Dọn bàn ghế, bưng thức ăn là đám bạn của mấy đứa con trai. Nấu cỗ là Bà Trùm và mấy bà bạn trong khi bồ bịch cô dâu lãnh vụ treo đèn kết hoa tưng bừng đầy một khu vươn nửa mẫu.

Đã là khách thì Ông Trùm tiếp đón như nhau hết, tuyệt không có kẻ khinh người trọng. Xưa này vẫn vậy. Đặc biệt hôm nay Ông Trùm lên bộ đồ lớn cắt thật khéo, chạy tới chạy lui lăng xăng nên anh nào không biết dám tưởng bậy là chú rể lắm!

Đứng sau Ông Trùm là hai trong số ba đứa con trai. Đứa lớn tên Santino nhưng trừ ông bố ra ai cũng gọi tắt Sonny. Cậu cả này bị các bậc cha chú kỵ lắm nhưng bọn trẻ lại khoái. Gốc Ý, mới nhập tịch dân Mỹ có một đời mà vóc dáng được như hắn có thể gọi là lớn con: Sonny cỡ thước tám nhưng nhờ mớ tóc quăn dày cộm trông cao hơn nhiều.

Khuôn mặt hắn đều đặn và rõ nét đa tình, miệng rộng môi dày và cằm lại lẹm vô một chút nên trông càng dâm. Người hắn hùng hục như trâu đến nỗi mụ vợ khốn khổ cứ nhác thấy cái giường là hết hồn! Người ta còn đồn rằng hồi còn nhỏ cậu Sonny đi chơi bời đã vô động nào thì chỉ những em lỳ lợm, gân guốc nhất mới dám tiếp và chị em nào cũng nằng nặc tăng giá gấp đôi hết.

Mấy bà sồn sồn hông to miệng rộng thấy cậu cả là tha hồ ngắm nhưng đặc biệt trong đám cưới này có ngắm cũng vô ích. Vì dù có mặt cả vợ hắn và ba đứa con nhỏ, Sonny vẫn ngấp nghé cô bé phù dâu Lucy Mancini đang ngồi đây kia, rực rỡ trong bộ phù dâu màu hồng, mớ tóc đen nhánh cài một vòng hoa. Làm gì cô nàng không biết? Suốt một tuần nay hai đứa nhấm nháy nhau chán chê và sáng hôm diễn tập trước bàn thờ Chúa nàng còn bấm tay chàng một phát. Phù dâu bạo đến thế là cùng.

Đối với em Lucy thì chẳng cần anh Sonny phải hách như ông già. Mạnh khoẻ, gan dạ đủ rồi. Tính hắn rộng rãi, bụng dạ cũng hào sảng chớ đâu phải chỉ giỏi cái khoản kia? So với Ông Trùm thì Sonny thiếu đứt nết khiêm nhượng, dễ giận, dễ cáu, quyết định nông nổi. Vì vậy trong công việc làm ăn hắn giúp bố rất đắc lực mà ít ai tin một ngày kia hắn sẽ là người kế vị.

Cậu hai Frederico, gọi tắt là Fred có thể nói là đứa con trai trong mộng của mọi gia đình Ý. Chăm chỉ, có hiếu, bố gọi đến là dạ ngay. Ba mươi tuổi đầu vẫn chưa vợ, vẫn ở chung với bố mẹ. Không hề cãi lại, không dám dây dưa với cô nào để gây phiền phức cho gia đình. Người tầm thước, mặt mũi không được bảnh trai nhưng cũng phảng phất nét đa tình nghĩa là mái tóc xoăn rậm, cặp môi chì dầy thưỡi ra.

Típ người Fred chẳng phải trời sinh ra để chỉ huy. Hắn mềm quá, thiếu hẳn cái dũng lực buộc người khác phải tuân lệnh nên chắc chắn việc kế nghiệp chẳng bao giờ đến hắn.

Đứa con trai út trong nhà, cậu ba Michael không đứng cùng hai anh phía sau lưng Ông Già mà ngồi riêng một nơi, ở tuốt góc vườn. Nhưng có ngồi tách ra vẫn cứ bị thiên hạ chú ý như thường vì cả nhà chỉ có một mình hắn là dám cưỡng lệnh Ông Trùm. Trông hắn không đa tình như hai anh, mái tóc đen láng chớ không xoăn. Da mịn như con gái nên hắn đẹp trai một cách thanh tú. Hồi còn nhỏ Ông Trùm cứ e ngại thằng út quá nhiều nữ tính, mãi đến năm nó 17 tuổi ông mới yên chí.

Chủ ý của Michael là tuyệt đối không muốn dính dáng đến việc nhà, không dây dưa vào công việc làm ăn của bố nên ngồi cũng ngồi tách ra một nơi. Bên cạnh hắn là cô bồ cả nhà chỉ nghe nói, mãi hôm nay hắn mới dẫn về. Michael giới thiệu rất chững chạc nhưng xem ra chẳng ai khoái vì nhà này quả không hạp với típ đàn bà con gái Mỹ. Họ chê cô này gầy quá, mặt mũi "trí thức" quá mà cứ chỉ quá luông tuồng. Ngay cái tên nghe cũng lạ tai rồi, đàn bà con gái gì mà tên Kay Adams? Nó Mỹ quá, ngắn ngủn quá... nghe không vô.

Ông Trùm làm như không chịu Michael, điều đó thấy rõ. Chẳng là hồi trước hắn là con cưng trong nhà, sẵn sàng kế nghiệp sau này vì hắn giống bố in hệt ở chỗ ngoài sự khôn ngoan còn có một quyền lực tiềm ẩn, làm như trời sinh ra để làm lãnh tụ, hễ cất tiếng nói là thiên hạ không nghe không xong vậy.

Có điều chiến tranh vừa bùng nổ là cậu ba Michael hăng hái nhảy ngay vô Thủy quân lục chiến, coi lệnh cấm của bố như không có. Ai chớ Ông Trùm đời nào chấp nhận để cho thằng con trai út nhào đầu vô chỗ chết, phục vụ chonhững thằng ở đâu đâu và hy sinh lãng nhách như vậy? Lập tức có màn tung tiền ra vận động ngầm, lo lót bác sĩ nhà binh. Vận động đủ mọi mặt, tốn kém kể gì nhưng làm sao cản nổi một gã con trai 21 tuổi khi nó nhất định xung phong?

Sau đó Michael đi tác chiến, đánh trận tùm lum miền Thái bình dương, lên lon Đại úy và bắt nhiều huy chương. Năm 1944, tạp chíLife đi nguyên một phóng sự bằng hình ca ngợi chiến công hiển hách của Đại úy Michael Corleone. Tờ báo được một ông bạn đưa cho Ông Trùm coi chứ người nhà đâu dám? Ông bố chỉ nhún vai lẩm bẩm: "Cái thằng... chỉ hùng chongười ngoài !"

Đầu năm 1945, sau thời gian nghỉ dưỡng thương, Michael được giải ngũ mà không ngờ chính ông bố đã vận động vụ này. Nhưng về nhà mới có vài tuần thì chẳng cần bàn bạc hỏi ý kiến ai, cậu Út đã mau mau ghi tên họcDartmouth. Để có cớ không phải ở nhà. Phải vụ đám cưới con em gái, Michael mới bò về nhà để luôn thể trình diện vị hôn thê.

Ngồi sóng vai ở tuốt một góc vườn, Kay lấy làm khoái chí nghe chàng kể những mẩu "chuyện vui" về mấy ông khách kỳ dị hiện có mặt trong đám cưới ngày hôm nay. Với cô nàng thì bất cứ chuyện gì vui lạ, ngồ ngộ đều khoái nghe lắm. Michael càng ham kể...

Sau cùng Kay nhận ra một đám bốn ông khách đang quanh quẩn quanh hũ rượu chát tổ bố. Nàng đoán mấy ông này phải có chuyện bối rối, bứt rứt chớ chẳng đi ăn cưới khơi khơi. Michael khen ngay: "Em nhận xét tinh lắm. Mấy cha đó chắc có chuyện nan giải, muốn gặp riêng ông già để nhờ vả đấy. Thấy không, ông già đi đến đâu là mắt họ dõi theo theo đến đấy". Ông Trùm Corleone đang đứng đón khách thì một chiếc Chevy đen ở đâu chạy tới tốp ở vỉa hè bên kia phía ngoài cư xá. Có hai thằng ngồi băng trước. Chúng lấy sổ tay ghi từng số xe một, không cần dấu diếm.

Sonny vội phi báo: "Cớm, bố ạ!"

Ông Trùm nhún vai: "Kệ chúng nó... Ngoài lộ thì chúng làm gì tha hồ. Mình đâu có mua hết đất nhà nước?"

Sonny giận đỏ mặt. "Mấy thằng khốn... không nể nang gì hết!" Nó hăm hở nhảy mấy bậc cửa, chạy băng ngang cư xá tới kế bên chiếcChevy đen, thò cổ vào toan hùng hổ với mấy thằng lái xe. Thằng cớm phớt tỉnh móc ví chìa tấm thẻ hình sự. Sonny làm thinh lùi lại, nhằm cửa sau xe nhổ một phát nước bọt rồi quay lưng tà tà đi. Hắn cố ý mong cho thằng lái xe bực mình chạy theo để lọt vào cư xá là có chầu ăn đòn hội chợ, nhưng đời nào nó mắc mưu.

Vừa bước lên Sonny vừa cằn nhằn: "Bọn FBI bố ạ! Nó lấy hết số xe."

Vụ FBI cho a-giăng tới "đi đám cưới" đã được tiên liệu rồi nên theo lời khuyến cáo của Ông Trùm, bọn đàn em và mấy ông bạn thân nhất bữa nay đều xài xe đi mượn hết. Thằng Sonny nóng giận vô lý thật nhưng xét ra cũng có lợi là chứng minh cho bà con anh em biết chẳng ai mời cớm đến mà e ngại.

Giận thì Ông Trùm không giận vì từ bao lâu rồi ông vẫn chủ trương là trên cõi đời này có nhiều khi bị người ta chửi vào tận mặt cũng vẫn phải nhịn nhục lờ đi với niềm an ủi miễn còn sống được, còn mở mắt ra được thì còn có ngày một thằng hèn yếu nhất có quyền rửa hận một tay thế lực nhất. Nhiều anh phải phục lăn Vito Corleone ở điểm nhịn nhục này.

Ở sân sau ban nhạc bắt đầu chơi. Khách khứa đủ mặt rồi. Ông Trùm Corleone bèn quên béng vụ FBI để hớn hở dẫn hai thằng con trở vô.

Khu vườn rộng đen nghẹt cả trăm người. Ai khoái khiêu vũ thì nhảy lên chiếc sàn gỗ kê cao khỏi mặt đất chung quanh treo đèn kết hoa. Bằng không thì ngồi dài dài khắp vườn vì chỗ nào cũng có bàn, thức ăn thơm ngon chất như núi và rượu chát, thứ nhà làm đặc biệt thì từng hũ lớn 5 lít một.

Bàn danh dự của cô dâu chú rể dĩ nhiên phải cao hơn một chút. Bọn phù dâu phù rể đứng ngồi quây quần quanh cô dâu Connie. Đám cưới tổ chức đặc biệt theo phong tục cổ của người Ý, dĩ nhiên cô dâu chẳng hài lòng chút nào. Nhưng có "nhà quê" cũng phải chịu, phải chìu vì nội cái vụ chọn thằng Carlo Rizzi làm chồng cũng đã nghịch ý ông bố quá xá rồi! Vì đối với gia đình này thì Carlo Rizzi "lai" 50%. Cha nó gốcSicilythật nhưng mẹ người miền Bắc nên mới có mớ tóc vàng và cặp mắt xanh thế kia. Cha mẹ nó lập nghiệp ởNevadanhưng cu cậu phải bỏ xứ đi vì có chuyện lộn xộn với pháp luật. Lên Nữu-Ước sống nó gặp Sonny và chớp luôn con em. Trước khi gả con, dĩ nhiên Ông Trùm phải cử một số đàn em tin cẩn điNevadađể điều tra về gia thế cậu rể tương lai. Thì ra Carlo bị dính vô một vụ súng ống sao đó nên phải trốn chứ thực ra vụ này giải quyết dễ cái một. Nhưng cái hay trong vụ này là Ông Trùm đã đánh hơi ra vụ thầu sòng bạc ởNevadakiếm ăn rất ngon nên tiện thể sai bọn đàn em đi làm một công hai việc.

Connie Corleone thực ra không đẹp vì thuộc típ con gái thì gầy nhưng lấy chồng ít năm sẽ mập thù lù. Tuy nhiên nhờ còn con gái và nhờ bộ đồ cô dâu trắng muốt, cô bé trông lộng lẫy, xinh đáo để. Ngồi bàn danh dự mà tay nó cứ luồn xuống phía dưới bấm đùi chú rể, môi còn chúm lại hôn gió lia lịa.

Vì Connie chịu thằng Carlo ở khoản nó vừa đẹp trai, vừa lực sĩ.Taynó, vai nó bắp thịt vun lên, cái lưng làm như căng rách bộ đồ đến nơi. Cứ như điệu nó biểu diễn thì Carlo cưng vợ lắm, chìu vợ lắm, rót rượu nó cũng rót hầu. Tuy nhiên tất cả cũng chỉ là kịch, cặp mắt nó chỉ nhấm nháy ngó chiếc túi lụa trắng con nhỏ đeo một bên vai. Cái túi bây lớn và căng ra như thế kia thì phải biết là bộn tiền phong bao! Dám 10.000 hay 20.000 đô không chừng... Carlo mỉm cười. Bấy nhiêu đó đủ rồi. Giai đoạn đầu mà. Chớp được con nhỏ này thì cả đời cứ nằm dài ra cũng không lo đói.

Trong đám quan khách cũng có một vị trẻ tuổi, "lên cây" rất hách đang bận tâm "nghiên cứu" túi bạc kè kè của Connie. Đó là thằng Paulie Gatto mặt lưỡi cày. Thì ra vì quen nghề "ngánh" nên thấy túi bạc ngon ăn là nó động lòng ngó chơi tưởng tượng đớp cách nào ăn chắc cho đỡ buồn, chớ ở đây thì ông nội nó cũng không dám biểu diễn nghề nghiệp.

Vì xếp Peter Clemenza của nó đây kia! Xếp đang hăng máu khiêu vũ loạn. Già rồi, có bụng rồi mà Clemenza cứ thấy em nào ngon mắt là ôm bừa, nhảy loạn. Ban nhạc chơi một bảnTarantella siêu bình dân nên cô bác hoan nghênh ầm ĩ. Xếp Clemenza lại có dịp biểu diễn những bước lả lướt vô cùng điệu nghệ, nên dù có sừng sững như một ông hộ pháp cũng không "thất nghiệp" một giây một phút. Các cô khoái đã đành, mấy bà sồn sồn cũng bám lấy Xếp, không cho nghỉ! Rốt cuộc mấy cặp trẻ đành rút lui, nhường sàn nhảy cho một mình Xếp quay cuồng. Gặp một bà nhỏ con thì ngực vừa đụng đến cái bụng phệ của Clemenza và hai bên cứ cạ qua cạ lại giữa tiếng rên rỉ của một câymandoline : hoạt cảnh vừa tục tĩu, dâm đãng lại vừa tức cười nên cử toạ hò reo như sấm.

Rốt cuộc Clemenza mệt bở hơi tai, mồ hôi vã ra, mặt nhợt nhạt đành rút lui và té ngồi trong lòng ghế, đàn em Paulie Gatto vừa kịp thời đưa ra đỡ! Rất mau mắn thằng Gatto bưng ly rượu chát lên tận miệng Xếp, một tay rút chiếc mùi xoa lụa lau hầu lia lịa. Cứ uống một hớp rượu là Xếp lại nghỉ mệt một hơi và thở rống như trâu. Vừa lấy lại tý hơi sức là Xếp quay ra sửa lưng thằng đàn em: "Đây đâu phải chỗ mày đứng làm giám khảo khiêu vũ? Đi cha mày ra ngoài kia, coi xem có gì lộn xộn không nào?". Đàn em Paulie bèn lỉnh gấp.

Ban nhạc cũng nghỉ xả hơi. Lúc bấy giờ thằng Nino Valenti mới nhẩy lên khán đài, vớ lấy một chiếcmandoline rồi chân trái ghếch lên một chiếc ghế, nó vừa vê đàn vừa gân cổ biểu diễn một bản tình ca độc đáo của dânSicily. Thằng Nino khá đẹp trai nhưng mặt nó say rượu đỏ nhừ. Nó vừa nháy mắt vừa dùng lưỡi điểm lóc chóc những chỗ lời ca tục tĩu nên mấy bà mấy cô ôm bụng cười rũ, còn bọn đàn ông thì khoái chí rống lên phụ hoạ theo từng chập.

Bà Trùm khoái chí bắt nhịp theo như điên nhưng ông Trùm xưa nay đâu có chịu những vụ trai gái lẳng lơ nên lỉnh vào nhà để khỏi phải nghe tiếp. Thấy vậy cậu cả Sonny bèn mắt trước mắt sau xề lại em phù dâu Lucy Mancini. Hắn chỉ ngán có Ông Già và biết dư mụ vợ giờ này còn phải ở dưới bếp sửa lại chiếc bánh cưới. Do đó không biết hắn rỉ tai cái gì mà con nhỏ đứng ngay lên, biến vô trong nhà. Sonny làm bộ đợi vài phút, nói dăm ba câu chuyện bâng quơ rồi theo hút em bé gấp. Vậy mà không dấu được ai vì xét ra em phù dâu Lucy đâu có phải tay vừa? Em Mỹ hoá đến độ vô đại học ba năm là cóc cần tai tiếng nữa. Lucy mấy bữa nay cứ đeo cứng cậu cả Sonny và lả lơi ra mặt vì phù dâuvới lại phù rể mà! Mặc dầu thiên hạ thừa biết nhưng em cứ ngây thơ vén váy cười ngỏn ngoẻn khi leo thang lầu lên phòng tắm. Chỉ một loáng sau đã thấy đàn anh Sonny đưa tay ngoắc rồi.

Cái vụ móc ngoéo tưởng là bí mật này có một người biết hết: Đứng trên lầu hé rèm cửa nhìn xuống thì còn cái gì qua mắt nổi Thomas Hagen? Nãy giờ hắn đứng trong phòng Ông Trùm "theo dõi nội vụ" từ đầu đến cuối.

Trên nguyên tắcHagenlà luật sư riêng của nhà này nhưng trên thực tế lại là xử lý thường vụconsigliori tức cố vấn kiêm phụ tá, nghĩa là nhân vật tối quan trọng, chỉ đứng dưới một mình Ông Trùm. Cho nên vừa thấy ổng đi vô làHagenđã mau mắn có mặt sẵn trong văn phòng. Đâu phải chỉ vì bận đám cưới mà Ông Trùm Corleone buông xuôi hết công việc?

Việc đầu tiên màHagenmuốn báo cáo gấp là vụ "làm ăn" của cậu cả Sonny nhưng sau khi cân nhắc lợi hại hắn nhăn mặt gác qua một bên. Lờ đi thì hại thật xong cho ông bố biết cái vụ này thì Sonny chỉ có chết. Hắn còn lạ gì tính nết của Bố Già? Ngay trong căn phòng bốn bề toàn sách luật này hắn đã từng phụ tá và cố vấn cho Ông Trùm biết bao nhiêu là vụ điên đầu nên hợp "giơ" quá rồi!

Hagenđi tới bàn bureau, cầm miếng giấy ghi tên những người Ông Trùm bằng lòng tiếp hôm nay. Bố Già vừa bước vô là hắn đưa liền để nghe một lệnh ngắn ngủn: "Để Bonasera sau cùng nghe".Hagenvội chạy đi kiếm ông chủ lò bánh mì Nazorine và hướng dẫn vô văn phòng. Thấy dạng Nazorine, Ông Trùm vui mừng đứng lên ôm hôn. Hai thằng chơi với nhau từ thuở còn bé tí ở quê nhà mà? Sang đất Mỹ hai gia đình còn qua lại thân thiết. Bất cứ lúc nào nhà Corleone cần đến bánh là có ngay cả xe do ông bạn Nazorine vui vẻ cung cấp. Năm nào cũng vậy, nhiều ít Nazorine cũng đóng niên liễm thật hăng cho nghiệp đoàn làm bánh của Ông Trùm sáng lập từ lâu lắm rồi. Vậy mà trừ mấy cái "bông" đường hồi còn chợ đen Nazorine đâu có xin xỏ đòi hỏi gì? Chỗ thân tình như vậy, trung thành như vậy thì Ông Trùm chỉ chờ hỏi đến là giúp đỡ liền.

Đưa mời điếu xì gàDi Nobili và tự tay đưa một lyStrega , Ông Trùm thân mật khoác vai để hai người tâm tình thân mật, khiến Nazorine mạnh miệng hỏi han. Ông chủ lò bánh mang vụ thằng rể tương lai Enzo ra kể lể. Nó người gốcSicily, bị quân Mỹ bắt làm tù binh nhưng tạm thời được ở lại làm thợ chuyên môn. Nó tới giúp việc lò bánh và quyến luyến con bé Katherine. Tụi nó thương nhau quá, nếu thằng này mà bị tống về thì con bé đến chết mất. Và bây giờ chỉ có mình Bố Già Corleone là có thể cứu được chúng.

Hai người đi lại quanh phòng, Nazorine kể đến đâu Bố Già Corleone gật gù đến đấy và sau cùng vỗ vai cười mỉm: "Có vậy thôi ư? Cái vụ này dễ quá mà. Tiếp xúc một ông dân biểu rồi ông dân biểu sẽ đưa nội vụ này ra Hạ viện, nhờ các bồ bịch thông qua một đạo luật nhập tịch là đâu vào đấy hết. Có điều phải xì tiền ra, theo thời giá cỡ 2 ngàn đô la chớ mấy? Bảo đảm là xong và chỗ anh em với nhau thì 2 ngàn đô đâu ăn nhằm gì mà đặt cọc hay đưa trước?

Ông chủ lò bánh mì gật đầu gấp, và không ngờ mọi việc lại dễ dàng và Bố Già lại nhân đức đến thế. Lão cám ơn tíu tít, nước mắt rưng rưng khi được đưa ra tận cửa và nghe Ông Trùm xác nhận lại: "Bạn đừng lo nghĩ vớ vẩn nữa. Sẽ có người đến tận nhà bạn lo dùm mọi thủ tục".

Hagenmỉm cười: "Khi không được một thằng rể, một chuyên viên giúp việc đắc lực mà lại có người chỉ dùm cho hai ngàn đô xong việc mới trả sau thì cha Nazorine sướng quá còn gì? Vụ này mình giao cho ai thưa bác?"

Ông Trùm cau mày suy nghĩ. "Chớ có giao cho thằng nhà quê Luteco nghe. Để thằng Fisher làm hay hơn. Nếu cần thì bảo Enzo đổi địa chỉ đi. À, chiến tranh chấm dứt tất nhiên sẽ có rất nhiều vụ tương tự. Mi nhớ gài sẵn người của mình ở Hoa-Thịnh-Đốn để có áp-phe nhập tịch là bắt liền. Mỗi vụ tối thiểu 2 ngàn đô đâu phải đồ bỏ".

Người thứ hai bước vô là Anthony Coppola. Vụ nhờ vả của nó giản dị hơn nhiều vì nó là chỗ con cháu nhà, xưa kia cha nó cùng làm phu hoả xa với Ông Trùm hồi còn đói khổ. Bây giờ cu cậu cần có 5 trăm đô để mở cửa tiệm bánh chiên, mua lò, sắm đồ vặt vãnh mà đào không ra tiền. Nhưng đối với Ông Trùm thì vụ này quá dễ. Người móc túi rút ra mớ bạc nhỏ đếm vừa vặn 4 trăm bèn quay sang phíaHagen: "Mi cho mượn đỡ 100 đô, sáng thứ hai ra băng lấy tiền nhớ nhắc". Coppola thấy vì mình mà Bố Già phải ngửa tay đi mượn đã ấp úng "Dạ 4 trăm cũng đủ rồi" nhưng Ông Trùm vỗ vai âu yếm: "Cháu thông cảm. Đám cưới tốn quá xá nên bác hết tiền mặt".

Hagenlấy tiền túi đưa ra 1 trăm cho đủ số, đưa thằng Coppola ra mà phục lăn lối xử thế khôn khéo của Bố Già. Ra điều vì mình mà một nhân vật cỡ Bố Già phải đi vay trăm bạc để cho mượn vốn làm ăn thì cu cậu cảm động để đâu cho hết! Có mấy ông triệu phú chịu làm cái việc phiền phức này bao giờ?

Ông Trùm vừa ngước mắt lên làHagenbáo cáo tiếp:

- Cháu không ghi sẵn... nhưng thằng Luca Brasi nói muốn vô gặp bác. Chắc có chuyện cần.

- Có gì cần đâu?

- Vụ này chắc bác hiểu nó hơn cháu nhưng cháu đoán nó nhận được thiếp mời nên lấy làm cảm động, muốn gặp bác để cám ơn chắc.

Ông Trùm gật đầu ra hiệu đồng ý.

Đúng lúc đó ở ngoài vườn Kay Adams cũng đang hỏi thăm Michael về ông khách lạ có bản mặt thật cô hồn mang tên Luca Brasi. Trước sau cũng phải giải thích cho cô bé vị hôn thê hiểu sơ qua về gia thế mình nhưng Michael áp dụng chiến thuật tiết lộ từ từ để Kay khỏi sửng sốt hết hồn vì cho tới ngày giờ này cô bé vẫn cứ tưởng Ông Già là người làm ăn, tuy hơi khác thường một chút. Rất thản nhiên, Michael giới thiệu Luca Brasi như một hung thần của giới giang hồ miền Đông. Nét độc đáo trong việc làm ăn của nó là giết người khỏi cần ai phụ giúp và một khi nó đã làm thì pháp luật có biết cũng bó tay vì kiếm được bằng chứng sát nhân của Luca Brasi là một việc xưa nay chưa ai làm được. "Không hiểu có đúng như vậy không nhưng nó đối với Ông Già thì trung thành lắm."

Kay trợn mắt ngạc nhiên "Bộ Ông Già xài cả những người như vậy sao anh?" Cái vụ này chẳng thể trả lời trực tiếp nên Michael đành vòng vo:

- Cỡ 15 năm về trước hình như vụ nhập cảng dầu ăn của ông già bị một bọn toan cưỡng đoạt. Chúng mưu sát ổng tới mấy lần và chút xíu nữa là rồi. May nhờ có Luca Brasi. Người ta kể rằng hồi đó hắn hạ một hơi 6 mạng, vỏn vẹn trong 2 tuần. Phe bên kia ngán quá bỏ cuộc luôn.

- Nói vậy ông già bị bọn găng-tơ mưu sát sao?

- Ấy là chuyện 15 năm về trước kìa chứ bây giờ đâu có chuyện gì?

Rất hóm hỉnh, Kay hích cho Michael một cú: "Thôi bồ đừng bịa chuyện để tôi rét, tôi né là bồ khỏi phải làm đám cưới chứ gì? Bồ láu quá!"

- Không, anh nói thật đó.

- Nghĩa là Luca Brasi thủ tiêu 6 mạng thật sao?

- Thì người ta đồn đại, báo chí đăng tùm lum vậy... chớ có bằng chứng gì đâu. Nhưng hình như nó còn làm một vụ gì ghê gớm hơn thế, hãi hùng đến nỗi chính ông già cũng không dám nhắc đến. Vụ này thằngHagencũng biết, anh có hỏi mấy lần mà lần nào nó cũng gạt đi. Do đó anh chắc nó phải ghê gớm lắm.

Luca Brasi quả thực là người ma quỉ cũng phải chê. Cứ thấy dạng nó là thiên hạ đã hết hồn vì cả khổ người chắc nịch của nó toát ra sự kinh khủng, cái sọ tổ bố, bản mặt lầm lì rất ư là cô hồn. Cặp mắt nâu lờ đờ không sinh khí mà miệng nó tàn ác ở đôi môi mỏng quẹt như hai miếng thịt bò sống gắn vô.

Trong giới giang hồ, Luca Brasi nổi danh hung thần cực kỳ tàn bạo nhưng cả nước biết nó một lòng thần phục Ông Trùm Corleone. Một trung thần hiếm có, một trong những cột trụ chống đỡ đắc lực. Luca Brasi không sợ trời sợ đất, địa ngục thiên đường nó đều coi như zê-rô. Không có cảm tình với bất cứ một ai, không ngán một người nào, kể cả Cảnh sát. Nhưng riêng với Ông Trùm thì nó tự quyết định phải yêu, phải sợ và do đó, phải phục vụ hết mình!

Được đưa vào văn phòng, tự nhiên hung thần đâm khép nép, kính cẩn trước mặt Ông Trùm. Nó ấp úng mãi mới ngỏ được lời chúc mừng, đại để mong sao Người sớm có cháu bế, cháu trai. Rồi mới vụng về đưa ra một bao thư lớn mừng cô dâu chú rể, song đích thân Ông Trùm phải nhận cho mới quý! Nó chỉ muốn có bấy nhiêu mà!

Đứng bên cạnh,Hagenlưu ý cung cách Bố Già tiếp Luca Brasi. Hay thật! Rõ ra là quý mến, từng lời nói cử chỉ đều bộc lộ rõ. Có đều không hề thân mật, làm như đấng quân vương sẵn lòng chấp nhận sự cung kính của một bầy tôi và nó có đích thân đòi đưa đồ mừng tận tay cũng là lẽ tự nhiên vậy.

Một phong dày cộm thế kia thì hiển nhiên phải bộn tiền hơn bất cứ một phong bao nào khác. Luca Brasi đã suy tính cả giờ về vụ phải "đi" cỡ bao nhiêu để hơn hết mọi người và phải đưa tận tay để Bố Già biết cho là nó cung kính hơn ai hết. Biết vậy nên nó có ăn nói vụng về, ngớ ngẩn Ông Trùm cũng vẫn lờ đi

Hagennhận thấy rõ bong là được hậu đãi quý hoá như vậy, vẻ mặt cô hồn của Luca Brasi bỗng dưng hiền hậu, ngờ nghệch hẳn đi. Làm như nó khoan khoái lắm, vinh hạnh lắm. Trước khi xin từ biệt nó còn kính cẩn hôn tay Ông Trùm rồi mới theoHagenđi ra. Mở cửa cho thằng cô hồn nàyHagencũng cẩn thận áp dụng chiến thuật tay mở cửa, miệng nở sẵn nụ cười cảm tình. Vậy mà cái đầu bự của Luca Brasi chỉ sẽ gục gặc và cặp môi thịt thì chỉ khẽ vén lên, đủ để biểu diễn một nụ cười nhạt.

Không riêng gìHagen, ngay Ông Trùm Corleone đối với Luca Brasi xem ra vẫn cứ "kính nhi viễn chi". Thấy mặt nó là phải lưu ý, chừng nó đi khuất mới nhẹ nhõm thở ra. Chẳng là Luca Brasi tính nết ngang tàng, như ngựa hoang vậy. Không dễ gì "nắm" được nên dùng nó dễ sợ như phải sử dụng cốt mìn. Sơ sẩy là không xong nhưng vẫn cứ phải dùng... và dùng rất hiệu quả.

Khi cửa đóng lại, Ông Trùm hất hàm hỏi: "Còn một mình Bonasera hả? Nếu vậy đi kiếm thằng Santino (Sonny), biểu nó vô đây trước. Có thể nó sẽ có một bài học hữu ích".

Hagentất tả trở ra ngoài vườn. Bảo thằng cha Bonasera gắng chờ thêm ít phút rồi hỏi Michael và Kay coi có thấy nó đâu không. Michael lắc đầu là hắn bắt đầu ngại. Thằng Sonny dám lôi con nhỏ vào một xó nào "quất" bừa lắm. Nó đi theo con nhỏ đến nửa giờ còn gì? Sơ sẩy mà đổ bể là mất mặt với gia đình Mancini và con vợ Sonny cũng chẳng hiền gì!

Hắn vừa đi khuất là Kay hỏi ngay: "Ai đấy anh? Anh giới thiệu là anh em... nhưng tên hắn đâu có giống, mà coi chẳng có vẻ người Ý nữa!"

- Vì thằng Tom ở nhà này từ năm nó 12 tuổi mà. Nó mồ côi cha mẹ, và đau mắt tưởng đâu mù luôn. Nó đang sống lang thang thì Sonny bắt gặp và đưa về nhà ở luôn từ hồi đó. Lấy vợ rồi nó cũng không đi đâu hết.

- Nếu vậy thì ông già nhân đức đấy chứ? Có tới 4 mặt con mà còn nuôi thêm thằng con nuôi nữa.

Chẳng buồn giải thích là đối với một gia đình Ý có 4 con chưa phải là nhiều, Michael chỉ cải chính:

- Đâu phải con nuôi? Tom chỉ ở lại, coi nhà này như nhà hắn vậy thôi.

- Ủa, sao không nhận nuôi cho rồi?

- À, tại ông già không muốn. Theo ổng thì bắt con nhà người ta đổi họ đổi tên đi là hỗn xược. Nhất là đối với những người đã khuất.

Lúc bấy giờ họ nhìn lên thấyHagenđang đẩy Sonny bước vô căn phòng và đưa tay ngoắc Bonasera. Cô bé Kay ngạc nhiên lắm. "Ô hay, sao mấy người này lại kỳ cục vậy? Nhè đúng bữa nhà người ta có đám cưới mà bàn chuyện làm ăn!"

Michael lại phải tươi cười giải thích:

- Phong tục xứSicilyđấy! Đúng truyền thống thì chẳng ai nỡ từ chối ai điều gì trong ngày gả con. Biết vậy nên họ cứ nhè ngày này mà nhờ vả cho chắc ăn.

oOo

Lucy Mancini vén cao chiếc váy hồng, tất tả bước lên thang. Cứ tưởng tượng ra khuôn mặt bì bì và đa tình của Sonny giờ này đỏ nhừ vì hơi rượu thì quả thực dễ sợ quá... Nhưng cả tuần nay cô phù dâu chỉ nhắm có bấy nhiêu đó mà? Hồi ở Đại học, Lucy có hai kép thật song anh trước anh sau đều "chạy", chỉ một tuần lễ du dương là tối đa. Thằng bồ thứ hai còn phê phán: "Đàn bà con gái gì mà... vĩ đại kinh khủng thế" làm nàng hiểu ngay thân phận khác người của mình, không bắt bồ thêm thằng nào nữa trong suốt cả một niên học.

Dịp nghỉ hè được mời làm phù dâu cho bồ Connie, nàng nghe thiếu gì chuyện về kỳ tích của đàn anh Sonny. Hôm chiều Chúa nhật, lúc bọn đàn bà con gái quây quần dưới bếp, chính miệng mụ vợ hắn nói ra mà? Mụ Sandra coi mập mạp, tốt tướng, gốc Ý song sang Mỹ từ hồi còn để chỏm. Cao lớn, vú bự như mụ thì lấy chồng 5 năm 3 mặt con là phải.

Sandra doạ dẫm cô em chồng Connie về vụ động phòng kinh khủng.

Mọi người cười ầm lên, riêng Lucy chỉ cảm thấy nhột nhạt cả một khoảng người.

Chính sự nhột nhạt đó làm người nàng bốc lửa lúc bước lên thang lầu. Chừng Sonny ló mặt ra, kéo tuốt nàng qua hành lang, vô một căn phòng trống trơn và đóng sập cửa lại thì Lucy rùng mình, hai chân đứng không nổi. Coi, miệng hắn toàn mùi thuốc lá khét lẹt! Nàng hé môi nín thở vì dưới lớp lụa mát dịu, bàn tay hắn bỗng nóng như lửa, tới chỗ nào là nhột nhạt, khó chịu chỗ ấy.

Tụi nó còn ôm nhau đứng nữa, đứng mãi nếu không có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, thận trọng. Rất lẹ làng, Sonny đẩy Lucy về phía sau, rồi sửa sơ qua quần áo hắn đi vội ra phía cửa nhưng cố ý chắn lối... để cửa có mở ra thì thằng ở ngoài vẫn không vô lọt! Trong lúc Lucy cuống quít vuốt lại xiêm y, mắt nhấp nháy mở ra chờ đợi thì có tiếngHagenhỏi khẽ: "Sonny, phải mày trong đó không?"

Mừng ra mặt, Sonny vừa nháy nhó vừa hỏi: "Có chuyện gì đó Tom?"

"Ông Già sai tao kêu mày gấp. Lên buya-rô ngay đi". Chỉ mới nghe loáng thoáng như vậy đã thấy tiếng chân bước đi xa dần. Sonny chỉ kịp hôn từ biệt em bé một phát là mở cửa hối hả chạy theo.

Còn một mình. Lucy bình tĩnh chải lại mớ tóc, móc lại dây nịt coóc-xê, vuốt thẳng nếp váy. Người thì mệt rã rời nhưng nghe ngây ngây ở môi, ở má. Tuy thấy rõ cảm giác vướng víu, nhớp nhúa ở mỗi bước chân đi nhưng không ghé qua phòng tắm mà mở cửa ra tất tả đi một mạch xuống vườn. Thản nhiên như không có chuyện gì, Lucy vừa ghé mông ngồi xuống chỗ cũ đã nghe tiếng bồ Connie trách yêu: "Mày đi đâu về... mà coi lừ đừ như say rượu vậy? Ngồi bên tao này, cấm đi nghe!"

Chú rể Carlo bèn xốc tới, hóm hỉnh bưng ly rượu chát tới mời cô phù dâu nhưng cười cái điệu biết hết... Lucy phớt tỉnh nâng ly uống ngon lành. Cảm giác nhớp nhúa vẫn còn, nàng bèn cặp rõ chặt, xiết cứng đùi lại. Cả người chợt run run, nàng kín đáo phóng tầm mắt qua vành ly để kiếm thử hình bóng Sonny nhưng chẳng thấy hắn đâu. Ngoài Sonny ra còn kiếm ai làm chi mất công?

Rất hóm hỉnh, Lucy ghé tai bồ Connie tâm sự: "Mày đừng nôn nóng! Ráng đợi vài giờ đồng hồ nữa là biết hết. Thú vị lắm nghe!" Cô dâu phát cười sằng sặc trong khi Lucy ra vẻ rất đàn chị, rất nghiêm trang ngồi hai tay đặt trên bàn đàng hoàng. Như không hề có chuyện gì xảy ra.

Lúc Bonasera đượcHagenđưa vô thì Ông Trùm đang ngồi sau chiếc buya-rô rộng thênh thang và Sonny đứng ở cửa sổ nhìn xuống vườn. Trọn ngày hôm nay mới thấy nét mặt bố già thản nhiên, lạnh nhạt là một. Không có vụ ôm hôn, một cái bắt tay cũng không vì nếu Bà Trùm và vợ lão nhà đòn đám ma chẳng phải bạn từ hồi con gái thì sức mấy Bonasera được mời đi ăn đám cưới? Mà chính lão Bonasera cũng chẳng thèm chơi, chẳng dám dây dưa với ông bạn Vito Corleone!

Lão chủ xe đòn nhập đề xéo, rất có chiến thuật sau khi đưa mắt nhìnHagenvà Sonny, rõ ràng không muốn có mặt hai thằng này trong phòng nhưng Ông Trùm vẫn cứ lờ đi.

- Xin ông bạn tha lỗi cho con bé cháu không đến dự lễ cưới để chia vui cùng mẹ đỡ đầu của nó được vì cháu còn nằm bệnh viện.

- Chúng tôi biết. Tội nghiệp con nhỏ... Nếu chúng tôi có thể giúp đỡ cháu phần nào thì ông bạn cứ việc cho biết. Bề nào nó cũng là con đỡ đầu của bà nhà tôi mà?

Cái vụ này là ăn miếng trả miếng! Ra điều "Vợ tôi là mẹ đỡ đầu của nó nhưng ông bạn đâu thèm cho nó nhận thằng này là cha đỡ đầu!" Khuôn mặt bí xị của Bonasera xám như tro. Lão đành nói huỵch toẹt: "Tôi có chút chuyện muốnnói riêng với ông bạn được không". Ông Trùm lắc đầu: "Không được. Hai thằng này không những là phụ tá mà còn là con cháu trong nhà... tôi không tin chúng thì con biết tin ai? Đuổi chúng ra đâu được?"

Bonasera đành nhắm mắt lại bắt đầu kể lể. Giọng lão đều đều như mọi lần vẫn "Xin thành thật có lời chia buồn cùng tang quyến" vậy.

- Tôi chỉ có một mụn con gái là nó. Tôi tin tưởng ở Mỹ-quốc nên làm ăn có tiền là nuôi con thật đàng hoàng, như bất cứ người Mỹ nào. Tôi không giữ rịt nó ở trong nhà vì tin là đã giáo huấn nó về danh dự gia đình. Nó có thằng bạn thân, không phải người Ý. Đi xi-nê với nhau, đi chơi tối với nhau, mà thằng kia chẳng thèm biết đến vợ chồng tôi là ai. Tôi công nhận tôi sơ xuất chỗ đó. Cách đây 2 tháng một hôm nó lái xe rủ con nhỏ đi chơi cùng một thằng bạn nữa. Chúng cho con nhỏ uống huýt-ky rồi toan làm hỗn. Dĩ nhiên con nhỏ chống cự. Không chịu là tụi nó đập, như đập một con vật vậy. Khốn nạn, lúc tôi vô nhà thương thì con nhỏ mặt mũi tím bầm, mũi dập hàm bể phải kẹp không biết bao nhiêu chỗ! Thấy tôi con nhỏ cứ nức nở: "Bố ơi, con có làm gì đâu mà chúng nỡ... làm con thế này? Sao chúng nó hành hạ con vậy này?". Chao ơi, tôi trả lời nó thế nào được? Tôi đành nhìn con mà ôm mặt khóc!

Bonasera ôm mặt khóc thật. Khóc nức nở, nghẹn ngào không nói nên lời thật, dù tiếng khóc quả tình chẳng có vẻ khóc bao nhiêu! Tuy nhiên, Ông Trùm vẫn phải có một cử chỉ an ủi để lão kể lể thêm chút nữa. Khuôn mặt Bonasera chảy dài ra, mắt lão đỏ ngầu...

- Tôi khóc vì con nhỏ là cuộc đời tôi. Nó đẹp, hiền hậu, dễ thương biết chừng nào... lại tin người có một. Bây giờ thì nó hết tin ai... và còn đẹp với ai được nữa!

Thế rồi tôi mang nội vụ đi thưa Cảnh sát. Cả hai thằng bị bắt ngay và bị truy tố ra toà, đúng theo luật pháp Mỹ quốc. Tang chứng rành rành, cả hai thằng cùng nhận tội hết. Vậy mà toà xử chúng 3 năm tù, cho hưởng án treo.

Chúng ung dung ra về ngay sau phiên xử. Tôi đứng ngơ ngẩn trước toà còn bị hai thằng súc sinh cười vào mặt nữa. Tôi bèn nói với nhà tôi: "Việc này phải nhờ đến Ông Trùm mới xong..."

Ông Trùm khẽ cúi đầu thông cảm nỗi đau khổ của lão. Nhưng khi lên tiếng thì tiếng nào cũng gằn giọng, bực bội: "Biết thế thì ông bạn sao lại đi thưa với Cảnh sát? Tại sao không đến tôi ngay chứ?"

Bonasera không trả lời mà chỉ sụt sịt: "Bây giờ tôi nhờ ông bạn. Ông bạn muốn thế nào xin cứ cho biết. Bao nhiêu cũng được, miễn xong công việc..."Muốn thế nào, bao nhiêu cũng được . Cái thằng chỉ có tiền, chẳng biết đến tình, chẳng còn biết cái gì nữa. Ông Trùm bèn gằn giọng: "Ông bạn nhờ cái gì mới được chứ?"

Bonasera liếc nhìnHagen, Sonny và lắc đầu quầy quậy. Không nỡ lòng, Ông Trùm bèn xích người gần lại chút nữa và chìa tai ra để cho hắn thầm thì. Lão chồm tới, rỉ tai khe khẽ. Người thì thào, người chìa tai lơ đãng ngó mông lung như linh mục nghe xưng tội vậy. Một lát sau, Bonasera mới ngồi ngay người lại, chờ đợi. Ông Trùm ngó ngay mặt làm lão đỏ mặt nhưng mắt vẫn cứ giương lên...

"Cái vụ đó làm thế nào được. Ông bạn điên đầu rồi!" Vậy mà lão còn đề nghị với một phát "Ông bạn muốn bao nhiêu tôi cũng chịu hết".

Giọng rành rẽ, tỉnh bơ của Bonasera làmHagenkhẽ nhăn mặt, lắc đầu. Thằng Sonny nãy giờ đứng quay lưng nhìn ra cửa sổ cũng phải quay quắt lại ngó sững. Đang ngồi ở sau buya-rô. Ông Trùm đứng dậy lên tiếng. Giọng không hề giận dữ mà tiếng nào tiếng đó như búa bổ:

- Ông bạn và tôi, tụi mình biết nhau quá lâu rồi. Nhưng có bao giờ ông bạn thèm hạ cố tới chơi, hay nhờ vả chuyện gì? Mà ông bạn cũng chẳng thèm mời lại nhà chơi, dù chỉ để uống một chén trà. Mà vợ tôi lại là mẹ đỡ đầu của con bé cháu đấy! Xin lỗi, tôi nói đâu có sai? Ông bạn không thèm chơi, không thèm dây dưa... làm gì tôi chẳng biết.

- Tại tính tôi không muốn rắc rối...

- Không, ông bạn nghe tôi nói. Ông bạn sang Mỹ lập nghiệp làm ăn chín chắn như vậy thì giàu có là phải, xứ sở này thiên đường là phải. Ông bạn lương thiện, có sợ gì ai đụng chạm mà cần phải kết bạn? Thằng nào, đụng đến thì đi thưa lính, lôi cổ nó ra toà. Đâu phải nhờ vả đến một thằng Vito Corleone? Đúng lắm! Sự thực tôi cũng có va chạm tự ái đấy nhưng xét lại, tôi cũng chẳng phải hạng nhắm mắt kết giao bừa, nhất là với những kẻ coi mình rẻ rúng. Tôi không thèm có những ông bạn không đáng bạn như vậy.

Bữa nay ông bạn có chuyện muốn nhờ vả đến tôi song không nhân danh tình bạn mà đến. Ông bạn nhè lựa đúng ngày tôi gả con để tới chơi và đề nghị tôi giết người dùm. Và còn ra giá "Tốn bao nhiêu thì tốn". Chao ơi đau quá! Tôi không đau vì bị ông bạn xúc phạm... nhưng tôi muốn biết tôi đã làm những gì mà ông bạn nỡ lòng đánh giá tôi quá rẻ nhường ấy?

Sợ tái người, Bonasera ôm mặt khóc, rên rỉ: "Khổ thân tôi quá. Đất Mỹ này đãi tôi quá hậu đi. Tôi chỉ muốn yên thân làm ăn đàng hoàng, nuôi con nên người".

Ông Trùm vỗ tay một phát, gật gù đồng ý:

- Đúng quá! Ông bạn nói nghe hay thiệt. Vậy thì than thở mà chi? Đất Mỹ có pháp luật, ông bạn đã nhờ pháp luật phân xử và pháp luật đã phán xét vậy đó. Còn muốn gì nữa? Thôi thì ông bạn có vô bệnh viện thăm con cháu nhớ mang cho con nhỏ bó hoa, hộp kẹo cho nó khỏi tủi lòng và chính mình cũng hài lòng luôn thể. Xét cho cùng chẳng qua cũng chỉ là chuyện nhỏ nhặt đâu có đáng gì? Bọn con nít làm bậy mà! Chúng còn say rượu và một thằng còn có ông bố làm lớn nữa. Ông bạn Bonasera thân mến, tôi công nhận ông bạn là người lương thiện và dù ông bạn không thèm chơi với... thì một lời ông bạn nói ra tôi vẫn cứ trọn tin, tôi tin hơn ai hết. Vậy chỉ xin ông bạn một lời là... hãy bỏ qua vụ này đi. Đừng bận tâm vì nó, người Mỹ có lối sống vậy đó! Hãy cố quên đi. Quên để tha thứ hết. Cuộc đời này còn thiếu gì chuyện đau khổ?

Bonasera ngồi ngơ ngẩn mất hồn vì những lời quyết liệt, nặng như búa bổ nhưng vẫn cứ gắng gượng năn nỉ: "Nhờ ông bạn giải quyết dùm".

- Coi, pháp luật giải quyết rồi mà?

- Giải quyết quái gì! Họ giải quyếtcho chúng ... chứ chẳng phải cho tôi.

- Đồng ý. Ông bạn muốn giải quyết cách nào?

- Nợ máu trả bằng máu.

- Đâu được? Con nhỏ còn sống thì đòi nợ máu sao ổn?

Bonasera cố vớt vát:

- Thôi thì... ăn miếng trả miếng vậy? Con nhỏ đau đớn thế nào thì bắt chúng đau đớn in hệt vậy! Vậy thì...vậy thì... ông bạn tính bao nhiêu xin cho biết? Xin ông bạn cứ cho biết...

Ông Trùm quay lưng đi. Vậy là hỏng việc rồi, Bonasera ngồi chết dí. Lát sau làm như một người nhân từ thì không nỡ lòng nào đối xử tuyệt tình với một người từng quen biết, nhất là gặp khi hoạn nạn, Ông Trùm thản nhiên quay mặt lại. Mặt Bonasera nhợt nhạt như những cái xác mà lão khâm liệm hàng ngày. Không nỡ làm lão đau khổ nữa, Ông Trùm đành gạn hỏi:

- Sao, ông bạn vẫn còn sợ không muốn kết giao bằng hữu với tôi nên không thèm nhờ vả suông, nhân danh tình bạn chớ gì. Nói thực để ông bạn biết, ông bạn đã ngửa cổ đợi cả tháng để chờ công lý phán xét. Ông bạn chi tiền cho những thằng thầy cãi nó biết trước, biết dư là ông bạn sẽ bị lỡm. Ông bạn trông cậy ở sự phán xét công minh của thằng cha chánh án sẵn sàng bán đứng lương tâm như đĩ bán trôn vậy. Những năm về trước, mỗi khi cần tiền làm ăn ông bạn vác xác chạy lại mấy thằng nhà băng năn nỉ, xin xỏ chúng cho vay với giá cắt cổ mà còn phải chờ lên chờ xuống để chúng "đánh hơi" coi liệu có trả nổi hay không đã.

Phải chi hồi đó ông bạn nhớ đến thằng này thì dễ quá! Tiền của tôi sẽ là tiền của ông bạn, chẳng điều kiện quái gì hết. Vụ vừa rồi nếu ông bạn nhờ đến thì ngày giờ hai thằng súc sinh kia chắc chắn sẽ khốn nạn hơn con nhỏ nhiều. Bạn cứ tin đi. Ông bạn làm ăn lương thiện đến như thế mà thằng nào dám đụng tới thì nó sẽ biết tay tôi. Nhưng nếu ông bạn làbạn tôi thì nói thực... cha nó cũng chẳng dám!

Ông Trùm vừa xuống giọng thì Bonasera gật đầu gấp, nói lí nhí trong miệng:

- Dạ, xin bác hãy coi tôi như bạn. Chỗ anh em bạn với nhau...

Lúc bấy giờ, Ông Trùm mới thân mật đặt tay lên vai ông bạn mới. "Vậy có phải hay không? Bạn sẽ được thoả nguyện. Rất có thể một ngày kia tôi sẽ có việc nhờ lại bạn, mà ngày đó có thể chẳng bao giờ có. Cứ tạm coi như một món quà nho nhỏ của nhà tôi tặng cho đứa con gái đỡ đầu đi. Được không?"

Bonasera cảm ơn gấp. Tiễn lão ra cửa xong,Hagenquay vô nghe Ông Trùm chỉ thị: "Giao vụ này cho thằng Clemenza. Bảo nó lựa mấy thằng đàng hoàng chớ đừng xài những quân cứ thấy máu là nổi hung nghe. Thây kệ thằng cha chôn người chết đó nó muốn nghĩ sao thì nghĩ... chớ mình đâu phải bọn giết mướn?"

Quay sang phía cậu cả nãy giờ quay lưng ngó ra ngoài, Ông Trùm không khỏi buồn. Thằng Santino này... hết trông cậy. Không chịu nghe thì làm sao nối nghiệp nhà, làm sao chỉ huy nổi? Đành phải lo kiếm sẵn một thằng... chứ sống đời mãi sao?

Phía dưới vườn đột nhiên có tiếng cười nói ầm ầm làm cả 3 người cùng giật mình. Sonny vươn cổ ra ngoài cửa sổ ngó và hí hửng quay phắt vô. Miệng cười toe toét, nó chạy ra mở cửa: "Thằng Johnny, bố à! Con đã nói... thế nào nó cũng về ăn cưới mà?"Hagencũng chạy ra cửa sổ nhìn xuống: "Đúng nó rồi! Cháu xuống dẫn nó lên đây nghe bác?"

Ông Trùm lắc đầu: "Khỏi... Nó về ăn cưới thì để bà con mình mừng nó xong xả đã. Mi thấy không... thằng con đỡ đầu của tao coi vậy cũng ngoan đấy chớ?"

Hagencó ý ghen nên buông một câu: "Hai năm nay mới thấy mặt nó. Chắc cu cậu lại có chuyện gì đó chạy về nhờ vả". Ông Trùm quắc mắt: "Ô hay, nó là con đỡ đầu thì không nhờ Bố Già nó thì còn nhờ ai, mi?"

oOo

Người thứ nhất thấy Johnny bước vô là cô dâu Connie. Mừng quá xá, quên phắt cả chú rể, quên cả thể thống của một cô dâu, nó chạy ào lại ôm cứng lấy "anh Johnny" để cho đàn anh hôn môi âu yếm trong khi bà con reo mừng bu quanh. Đối với họ thì Johnny là bà con nhà, thân thiết đã lâu chớ đâu phải người ngoài?

Connie hối hả cầm tay Johnny kéo lại giới thiệu với Carlo. Rất tinh tế Johnny vừa nhìn chú rể đã biết ngay tẩy cu cậu bèn làm bộ tươi tỉnh tự tay nâng ly lên đòi cụng, còn bắt tay thật chặt cho nó đỡ tủi.

"Ê, Johnny... sủa chơi một bản mừng bà con chớ mày?" Mới nghe vậy nhà kép hát lớn nhất nước vội quay phắt lại, nhảy phắt lên khán đài ôm cứng Nino Valenti. Ôi, cặp bài trùng ngày nào! Hai đứa đi đâu chẳng có nhau, một cặp song ca đã đành mà đi cua gái cũng còn đi chung dài dài mà?

Cho đến ngày Johnny lên ca đài, nổi tiếng ngang, rồi nhảy một cú một sangHollywoodlàm đại danh ca, đại minh tinh. Từ hồi đó lâu lâu cũng có phôn một cú về bồ Nino, hứa hẹn thế nào cũng kiếm cách giới thiệu, dắt díu nhau nhưng có quái gì đâu? Thét rồi quên luôn. Tình cờ gặp lại Nino, nghe giọng lè nhè rượu, thấy miệng nó cười hề hề như ngày nào, Johnny không khỏi cảm động.

Nino Valenti hứng chí dạo một đườngmandoline để Johnny bá cổ nó, chân giậm nhịp, miệng la "Bài này đặc biệt tặng cô dâu". Dĩ nhiên phải là một bản tình caSicily, lời ướt át đến tục tĩu nhưng hát đám cưới thì tuyệt.

Giọng Johnny đã lẳng lơ mà Nino còn uốn éo người ra điệu bộ hấp dẫn nên cô dâu Connie đỏ bừng mặt và quý vị cử toạ vỗ tay hoan hô như sấm. Đến điệp khúc là chẳng cần phải mời, bà con cũng dậm chân vỗ tay rầm rập, gân cổ hò rống lên phụ hoạ. Cứ thế màbis đibis lại... đến nỗi Johnny phải hét lên, yêu cầu tốp để sửa giọng bắt qua bài khác.

Bà con chịu Johnny hết mình. Vì nó ngườicùng xứ sở . Vì nó là tài tử vĩ đại, đệ nhất danh ca, cả thế giới biết, bao nhiêu mỹ nhân mê lên mê xuống. Nhưng nó vẫn nhớ đếnBố Già . Ngày cưới con em, nó vẫn đi 5 ngàn cây số về dự. Nó vẫn không quên bà con mình, như Nino Valenti kia kìa. Hồi hai đứa còn nhỏ đi đâu cũng hát cặp với nhau thật tuyệt... có ai ngờ mai sau thằng Johnny Fontane thành thần tượng của 50 triệu đàn bà con gái?

Johnny cúi xuống xốc nách cô dâu Connie lên rồi nó một bên, Nino một bên, hai thằng gân cổ biểu diễn một màn "ruột".

Thằng Nino vừa búng vài nốtmandoline là bà con biết ngay chúng sắp biểu diễn... màn đánh võ mồm. Nghĩa là hai thằng bên hò đối đáp thế nào để thằng nào thắng có quyền bế người đẹp. Hai bên đả nhau hăng lắm, thằng sủa qua thằng sủa lại thật găng nhưng dĩ nhiên bữa nay Nino toàn thắng. Johnny cố tình để nó át giọng, nhường cho nó giật mỹ nhân và ca bài chiến thắng oai hùng còn mình thì chỉ phụ hoạ theo cho có. Bài ca dứt là 3 đứa ôm nhau hôn, bà con phía dưới lại gào lên "Bis...bis".

Đứng nghe từ hồi nào không biết Ông Trùm bèn sang sảng lên tiếng trách yêu: "Bà con mình tệ lắm nghe! Thằng con đỡ đầu của tôi nó nhớ ngày cưới con bé em, nó dám vượt cả 5 ngàn cây số để về chung vui với bà con mình... mà rượu mời đâu không thấy, chỉ bắt nó hát không! Tôi nói có phải không ạ!"

Bà con hoan hô ầm ầm. Cả chục ly rượu tới tấp chìa ra làm Johnny luống cuống, cứ mỗi ly làm một hớp cũng phát mệt. Nó chạy lại ôm lấy Bố Già rồi khẽ rỉ tai điều gì mà Ông Trùm dẫn ngay nó đi trở vô.

Thấy mặt Johnny ló vô làHagenđưa tay bắt. Nó cũng đưa tay ra và mau mắn thăm hỏi nhưng coi bộ mặt vẫn lợt lạt thế nào khiếnHagenkhông khỏi bực. Có điều hắn hiểu ngay: "Có thằng phụ tá nào được Ông Trùm tin cậy... mà chẳng bị chúng kỵ đâu?"

Miệng thằng Johnny lém nhém: "Bố à, bữa con nhận được thiệp cưới... bố biết con nghĩ sao không? Con đoán bố hết giận con rồi, phải không? Chứ từ ngày tụi con thôi nhau con "phôn" tới năm lần chứ có ít đâu? Lần nào Tom cũng nói bố đi khỏi, bố bận, nên con biết ngay là bố giận".

Tự tay rót cho mỗi đứa một lyStrega , Ông Trùm gạt đi: "Chuyện đó bỏ! Bây giờ mày còn cần đến bố giúp thiệt à? Mày giàu đến thế, hách đến thế mà vẫn còn cần bố giúp thiệt sao?"

Vừa cạn ly Johnny đã chìa ra đòi rót nữa rồi liến thoắng: "Đâu có bố? Con đâu có tiền mà hồi này còn xuống dốc ấy chứ? Bố nói đúng. Con bỏ vợ bỏ con chạy theo con điếm đó, lấy nó làm vợ thiệt bậy hết sức. Bố giận con là đáng lắm".

Ông Trùm nhún vai: "Giận gì... Bởi mày là con đỡ đầu nên tao lưu tâm vậy thôi". Johnny bèn đi tới đi lui kể lể:

- Đúng là con điên đầu vì con điếm đó. Đệ nhất nữ minh tinhHollywood, nhan sắc thiên thần nhé! Nhưng con không ngờ nó hạ cấp đến thế. Nó ngủ bậy tùm lum, sợ còn trên điếm một bậc! Thằng chuyên viên vẽ mặt cho nó được được một chút là nó cho ngủ. Thằngca-mê-ra lấy hình coi bộ kha khá nó cũng dắt vô phòng. Đúng như vậy. Thì ra nó cho ngủ cũng như mình sẵn sàng cho bồi puộc-poa! Gật một cái là xong!

- Chuyện đó bỏ đi. Còn gia đình, vợ con mày sao?

- ... Thì con vẫn nuôi. Con vẫn chu cấp đầy đủ cho Ginny và các cháu, chu cấpnhiều hơn toà dạy nữa kia. Mỗi tuần con thăm một lần. Con nhớ mấy đứa nhỏ quá, nhớ thiệt tình! Con đến phát điên lên mất vậy mà con điếm khốn nạn đó còn cười vào mặt, nó còn chê con ghen là "nhà quê"... Một thằngcả đẫn , chuyên viên sủa những bài ca máy nước! Mới tối qua con vừa giộng cho một trận nên thân. Không lẽ nó đang đi đóng phim mà đập cho nó bể mặt? Con cứ người nó mà loi thẳng cánh, tẩm quất cho một trận ra gì. Vậy mà nó vẫn không tởn, nó vẫn còn chọc quê nữa chứ? Con chán quá bố! Chán hết muốn sống nữa...

Nghe Johnny than thở ông Trùm vẫn thản nhiên. "Mấy cái vụ đó là của mày, việc riêng của mày. Chẳng ai lo dùm mày được. Còn nghề nghiệp, còn giọng ca của mày hồi này sao?"

Mới nhắc có thế Johnny đã đổi hẳn sắc mặt. Đang kể lể cái điệu diễu cợt, phường tuồng nó xị hẳn mặt làm như bị đụng đúng chỗ thương tâm nhất vậy. Nó nói như người đứt hơi: "Bố ạ, con phải bỏ nghề. Giọng con mất đứt vì cổ họng khi không nó làm sao đó... mà mấy ông bác sĩ kiếm mãi không ra!"

Sự thú nhận của Johnny làm ông Trùm vàHagengiật mình. Thằng này có bao giờ bi đến thế đâu? Chết đến đít nó vẫn còn hùng, vẫn nhất nó mà? Vậy ắt phải có chuyện gì...

Johnny bèn than thở tới: "Cả hai cuốn phim con đóng đều có hạng, tiền lời vô số kể. Con kể nhưtài tử lớn của hãng kia mà! Vậy mà bị hãng cho nghỉ cái một mới đau. Chẳng là thằng cha chủ hãng kỵ con ra mặt. Hắn không chịu con là hắn đuổi, khỏi nói năng gì hết!"

Ông Trùm gặng hỏi:

- Nhưng tại sao người ta lại kỵ mi? Phải có một nguyên nhân gì mới đến nỗi thế chứ?

- Thì tính con ưa hát thí cho nghiệp đoàn, bố cũng biết đó. Chính bố cũng không ưa vụ này nhưng... Thế rồi hắn có con bồ nhỏ "giấm" mãi để xài một mình nào ngờ bị con cướp mất. Sự thực con nhỏ chạy theo con và giữa con với nó chỉ có một đêm một! Bố bảo con làm gì khác được? Rồi đến con điếm vợ con nó cũng lên mặt. Trong khi đó thì nhà con và các cháu cũng lờ hẳn con đi, muốn trở về, nó bắt con phải lết chắc? Và đau nhất là tự nhiên con mất giọng. Tình hình như vậy đó thì bố bảo con làm sao bây giờ?

Mặt ông Trùm bỗng dưng lạnh tanh, tuyệt không cảm tình rồi gằn giọng: "Làm sao hả? Mày phải làm lại, làm cho rangười lớn ".

Vừa nói đến "làm cho ra người lớn" Ông Trùm ngồi nhỏm dậy vươn tay qua bàn buya-rô nắm đầu Johnny và ghì xuống. "Trời đất ơi, từ hồi nào mày vẫn ở gần tao mà ngày giờ này mày vẫn yếu thế này sao? Mày là thằng bù nhìn khóc lóc, năn nỉ người ta thương hại sao? Mày có thể than van như đàn bà con gái rằng: "Bố ơi bố bảo con làm sao bây giờ" sao?"

Sự hung hãn đột ngột nhưng bên trong chứa đầy vẻ trách móc thân yêu làmHagenvà Johnny cùng phát cười sằng sặc. Còn la lối như vậy là Bố Già còn thương đấy! Sự thực ông Trùm tuy la lối nhưng cũng hài lòng ở chỗ thằng Johnny chẳng phải con mà nó chịu nghe, chịu la mắng hơn 3 thằng con đẻ. Nếu bị nắm đầu, 3 thằng khốn đâu có cười? Chúng nó sẽ có phản ứng khác. Thằng Santino chắc chắn sẽ lầm lì, cả tuần lễ sau cạy răng không nói. Thằng Fred sẽ năn nỉ lạy van một cách hèn hạ. Còn thằng Michael? Thằng này thì chắc chắn sẽ nhếch miệng cười nhạt rồi lừ lừ ra khỏi nhà. Muốn thấy mặt nó là cả mấy tháng sau kìa! Nhưng Johnny, thằng con đỡ đầu thân yêu này thì có đánh nó, đánh nó vì muốn sửa chữa cho nó thì nó cũng chỉ cười ha hả.

Sau khi hành hạ nó một hồi, ông Trùm bèn cao giọng chất vấn:

- Nó là chủ mày, nó muốn đuổi mày giờ nào cũng được... mà mày nhè cướp con bồ cưng nhất của nó, rồi mày la là tại nó kỵ mày. Mày bỏ vợ cái con cột đi rước một con điếm về làm vợ rồi mày than tụi nó lờ mày đi! Mày đập cho con vợ tồi bại một trận mà còn chừa cái mặt vì nó đẹp quá, nó đang đóng phim nên nó cười vào mặt mày còn ấm ức vì bị nó "chọc quê". Coi, mày khùng như vậy đó thì còn... đến phát điên cái quái gì kia?

Nồ một hơi cho nó nín khe, Bố Già mới mở cho nó một lối thoát:

- Bây giờ mày có chịu nghe lời tao chỉ bảo không?

- Không được đâu, bố ơi! Con không thể trở về với Ginny theo điều kiện nó muốn đâu. Con phải nhậu, phải đánh bài, phải chơi với bạn bè chớ! Gái đẹp chạy theo thì từ chối sao nổi? Con thú thực vậy. Bây giờ mà chui trở lại cái tròng gia đình thì con chỉ có nước chết!

Có mấy khi Ông Trùm nóng nẩy đâu? Cái thằng ngu quá nên phải chặn ngang, phải gắt lên:

- Ô hay, tao có bảo mày phảilấy lại nó đâu. Cái đó là quyền của mày. Mày còn nhớ mấy đứa nhỏ là tốt lắm. Có con mà không làm cha thì làm người đâu được? Mày phải buộc con đàn bà chấp nhận mày chớ?

Tao hỏi ai cấm mày về thăm con mỗi ngày? Ai cấm mày ở chung một nhà? Ai cấm mày không được quyền sống theo sở thích, như mày vừa nói?

Johnny cười phá lên: "Bố ơi đàn bà con gái đời nay khác! Họ đâu có chấp nhận, nhường nhịn vẫn như mấy bà già xưa! Ngay con Ginny cũng còn..." Không để cho nó nói hết ông Trùm đã móc họng:

- Đúng, họ không chấp nhận vì màybù nhìn ! Mày không phảimột thằng chồng chớ có gì lạ? Vì mày chu cấpnhiều hơn toà dạy. Vì mày đập một con đàn bà còn chừa cái mặt cho nó đi đóng phim mà? Mày để cho đàn bà xỏ mũi dẫn đi trong khi cả thiên hạ cùng đồng ý là có dở cách mấy cũng là đàn ông và có bảnh bao nhiêu cũng chỉ là đàn bà. Biết chưa?

Mấy năm nay tao có lưu ý cung cách sống của mày. Với Bố Già thì mày xử sự đúng cách, hiếu thảo đấy. Nhưng với bạn bè cố cựu thì mày đâu thèm gần gũi thằng nào phải không? Mày lên rồi, mày đâu cần chơi với bọn khố rách áo ôm ngày nào cho nhẹ thể? Như thằng hề gì đó... vào nghề nó cũng ngon lành song lúc nó chẳng may xuống dốc, mày có thèm nhìn đến nó bao giờ? Còn thằng Nino đấy, học chung, chơi chung, ca chung với từ mày hồi bé tí nhé. Mày lên như thế mà nó cứ lẹt đẹt mãi, hùng hục tối ngày với chiếc xe đổ cát thật tội nghiệp. Nhưng nó có kêu ca gì đâu nào? Nó chẳng hề phiền trách mày! Buồn đời thì nhậu cho quên, thứ Bảy, Chủ nhật ai kêu đi hát kiếm tí tiền còm thì đi. Tại sao mày không kiếm cách nâng đỡ cho nó, một chút xíu thôi? Mày dư sức quá và giọng ca nó cũng đỡ đấy chứ?

Ông Trùm lim dim mắt nghe Johnny lúng túng tìm cách chống chế. Chừng nó cho là tại thằng Nino hơi ca còn yếu, chưa đủ tư cách trở thành nhà nghề, chẳng thế lên sân khấu bắt bạc được thì ông mới quạt lại:

- Có quái gì "yếu"... "chưa đủ tư cách" với lại "chẳng thể"? Nói vậy mày mạnh hả? Như lái xe đổ cát thì mày đủ tư cách không? Láo hết! Ăn thua ở chỗ tình cảm, ở tình bạn đối xử với nhau. Tình bạn trên hết và là tất cả vì... Đã bồ bịch với nhau thì còn cái gì không xong? Nó mạnh hơn công lực và xem xém tình máu mủ, ruột thịt. Thấy không, mày đâu cần đến tao giúp, nếu mày có bạn, chỗ nào cũng có bạn?

Nhưng thôi... hãy cho tao biết tại sao mày hư giọng, không hát được? Vừa rồi mày ca với thằng Nino tao nghe tuyệt đấy chớ?

Hagennhìn thằng Johnny và phục lăn nghệ thuật vừa tung vừa hứng của Bố Già! Cu cậu vừa bị một mách mất mặt lại có dịp than thở ngay.

- Giọng không hư hẳn nhưng sa sút ghê lắm. Ca một hai bài xong là chịu. Mấy giờ, mấy ngày liền lên không nổi. Nó yếu đến nỗi con không tập được, không vô đĩa được kia mà!

- Vậy là mày vợ con lục đục là một, mất giọng ca là hai. Còn vụ thứ ba là bị chủ đuổi ngang chớ gì? Bây giờ nói tao nghe cái vụ rắc rối giữa mày và thằng cha chủ hãng coi...

- Thằng cha này không phải chủ hãng phim lớn nhất nước mà thôi. Nó thực sựcó cỡ lớn ... to đầu lắm lắm. Cố vấn điện ảnh tâm lý chiến của Tổng Thống. Tháng trước nó vớ được độc quyền quay phim bộ tiểu thuyết lớn, ăn khách nhất hiện giờ. Vai chính trong truyện thật tuyệt vời, bắt được là ăn chắcOscar năm nay và còn lên nhiều nữa. Cả nước đồng ý là vai chính gần như tác giả cấu tạo nên để dành riêng cho con đóng, như "com măng" sẵn để lăng-xê vậy. Nó hạp đến nỗi con chẳng phải diễn xuất mà cứ sống thế nào lập lại in hệt là ô kê rồi. Lại không phải ca hát nữa mới là độc đáo! Tóm lại ai cũng yên chí vai trò ấy là của con, như đo sẵn cho con để con có dịp trổ tài cho xứng danh kịch sĩ lớn vậy.

Nhưng thằng chủ Jack Woltz gạch tên con cái một. Nó giao cho thằng khác, thằng nào cũng được mới đau! Xin đóng với thù lao tượng trưng, xin đóng thí nó cũng không chịu. Nó bắn tin có tới phim trường quỳ lạy... liếm gót nó chưa chắc nó đã bằng lòng!

Nghe ông con đỡ đầu tả oán kỹ đến thế, Ông Trùm bèn ngoắc tay ra hiệu tốp. Cái thằng con nít, nói được là nói thả dàn chớ công chuyện làm ăn đâu thể có vụ kỵ phi lý, ngớ ngẩn như nó tưởng? Ông Trùm vỗ vai ra lệnh cho Johnny:

- Nghe tao nói đây. Mày sợ xuống dốc quá đâm bi quan láo! Thảo nào người mày mới gầy rạc thế kia. Rượu cho lắm vào, thuốc ngủ thuốc thức giộng vào! Bây giờ mày hãy nghe tao về đây ở một tháng, ăn ngủ điều độ, nghỉ ngơi đi. Không ca hát, uống rượu, không gái gì hết. Mày ở chơi với tao, ở chơi cho tao vui vậy thôi. Đúng một tháng thì mày vềHollywood, khỏi nghĩ ngợi gì hết. Mày muốn đóng cái phim đó chớ gì? Thằng cha chủcó cỡ lớn vàto đầu của mày sẽ giao vai trò đó cho mày, chịu không.

Johnny nghe ông Bố Già nói chắc, nói gọn ơ đâm nghi ngờ. Coi, đâu có dễ ăn vậy và... làm như ổng có phép lạ không bằng! Nhưng Bố Già nói có sai bao giờ với nó bất cứ điều gì! Nói để đấy và hứa suông càng không nữa! Có vụ gì ổng biểuđược mà thànhkhông đâu nào?

Nó ấp úng:

- Thằng cha đó bạn thân của ông Tổng Giám Đốc FBI. Con sợ bố khó thuyết phục nổi. Mà dùng áp lực sợ không xong...

- Ô hay, làm vậy làm chi? Nó là người làm ăn sinh lợi thì tao sẽ đưa lợi ra chứ có gì lạ?

- Cũng không được! Trễ rồi bố à. Giao kèo ký xong hết cả rồi chỉ còn một tuần nữa là khởi sự quay. Chắc chắn không được đâu!

- Thôi được. Mày đi xuống vui chơi với bà con, chúng bạn đi. Mọi việc đã có tao lo hết, khỏi nói nhiều!

Để nó "khỏi nói nhiều", đích thân Ông Trùm phải kéo tay Johnny, tống xuất nó ra khỏi phòng để quay sang hỏiHagen:

- Còn việc gì cần không?

- Còn vụ thằng Sollozzo. Có lẽ bác phải cho nó gặp nội tuần này, chứ bắt nó đợi hoài e không tiện.

- À, đám cưới xong thì mi muốn hẹn nó lúc nào chẳng được.

Ông Trùm nói giản dị có vậy nhưngHagenđoán ngay thấy chỗ tâm cơ tính toán. Trước hết, chắc chắn ổng sẽ từ chối đề nghị của nó. Sau nữa ổng biết rằng từ chối là thế nào cũng sanh chuyện nên mới lần lữa hẹn cho qua ngày gả con Connie đã,Hagenbèn thử mở đường: "Có cần bảo Clemenza cử vài thằng tới nhà mình không ạ?" Ông Trùm gạt phắt:

- Ủa, chi vậy? Tao muốn hẹn nó sang ngày gả con Connie là vì không muốn có chuyện phải suy nghĩ lôi thôi trong những ngày có con sắp về nhà chồng đó thôi. Vả lại cũng phải có thời giờ điều tra đích xác coi nó đề nghị cái gì chớ? Bây giờ thì biết rồi. Chuyện đóbẩn , không thể dính vô!

- Nghĩa là mình từ chối? Nhưng theo cháu nghĩ... sao bác không mang ra bàn với bộ tham mưu mình coi đã?

- Mi thấy nên bàn? Ừ thì bàn... nhưng phải làm xong vụHollywoodcho thằng Johnny cái đã. Mai mi điLos Angelesgặp thằng cha chủ hãng phim. Trở về hãy hẹn thằng Sollozzo và mình họp hội nghị "gia đình" trước! Nào, còn việc gì nữa?

- Dạ, còn vụ bệnh viện vừa gọi dây nói cho hay bệnh tình Abbandando nguy kịch. Sợ khó thoát đêm nay.

Genco Abbandando mới chính thức làconsigliori của nhà Corleone. Hắn bị ung thư nặng, nằm bệnh viện gần 1 năm nay nênHagenmới được cử tạm thời thay thế. Từ xử lý thường vụ lên chính thức đâu phải dễ dàng,Hagenmuốn lắm, nhưng vai tròconsigliori đâu được giao cho một kẻ không 100% máuSicily? Ở với gia đình Corleone từ năm 12 tuổi, hoàn toàn là con cháu màHagenmới được cử tạm thời vào chức cố vấn kiêm phụ tá đã gặp bao nhiêu chống đối ngầm rồi. Vả lại mới 35 tuổi màconsigliori thì non quá, non choẹt!

- Này, chừng nào rước dâu?

- Dạ, còn vài phút là cắt bánh cưới. Cỡ nửa giờ nữa là rước dâu.Hagenchợt nhớ ra chú rể Carlo nên rụt rè đề nghị:

- Thằng chồng con Connie có nên giao cho nó một công việc gì kha khá một chút trong những vụ làm ăn của mình không?

Tự nhiên Ông Trùm giận dữ đập tay đánh "chát" một phát trên mặt bàn làmHagengiật nẩy mình... Mấy tiếng "Không... không bao giờ cả!" nghe quyết liệt dữ dội quá. Ông nhấn mạnh từng chữ:

- Nhớ là không bao giờ! Cho nó một chân gì đơ đỡ một chút cho chúng có đủ tiền sống vậy thôi. Còn mọi việc nhà này tuyệt đối không thể cho nó hay biết gì hết. Mi nhớ chưa? Phải dặn mấy thằng con tao... dặn cả Clemenza nữa.

Bây giờ mi biểu cả 3 đứa phải sửa soạn cùng tao vô nhà thương để nhìn mặt Genco lần chót. Thằng Fred lái xe và bảo Johnny là tao muốn cả nó đi nữa. Còn mi thì sửa soạn điLos Angelesngay, khuya nay đi. Vô nhà thương thăm không kịp thời giờ sửa soạn đâu. Ở nhà sửa soạn, đợi tao về là đi mới vừa. Xong cả chưa?

- Dạ, chừng khách về hết thì Fred đánh xe ra là vừa. Có ông Thượng nghị sĩ vừa mới phôn tới xin lỗi không đến dự lễ cưới được. Chắc e ngại tai mắt... nhưng ổng có cho người thân tín mang đồ mừng đến.

- Vậy càng hay. Đồ mừng khá không, mi?

- Dạ, đồ bạc quý lắm... Thứ đồ cổ như vậy thì tụi nó có bán vứt đi cũng phải được trên một ngàn đô! Ổng còn nói phải đích thân đi chọn mãi mới có món ưng ý như vậy. Cái đó mới là quý nhất!

Chưa thấy tận mắt món cổ vật nhưng nghe giọng hí hửng củaHagen, Ông Trùm vô cùng hể hả. Một ông Thượng nghị sĩ mà phải cất công đi chọn đồ mừng đám cưới lại phải cho người thân tín đem lại tận nhà đâu phải là chuyện chơi? Huống hồ giá trị của món đồ thì "tụi nó có bán vứt đi cũng phải trên một ngàn đô!".

Tình bạn quý hoá của ông bạn Thượng nghị sĩ cũng như cung cách kính mến của thằng người nhà Luca Brasi là thứ mà Ông Trùm chịu nhất xưa nay. Họ còn nhớ đến, con gởi đồ mừng tất nhiên là còn trông cậy, còn nhờ nhau được nhiều thứ. Đó là thế mạnh của Vito Corleone.

oOo

Lúc Johnny Fontane xuất hiện là Kay nhận ra ngay bèn trách yêu Michael: "Ô hay, gia đình anh có quen với Johnny hả? Em biết vậy thì lấy anh từ khuya rồi.

- Có muốn giới thiệu không?

- Để khi khác! Anh biết không, em mê Johnny từ 3 năm nay lận! Có Johnny trình diễn ở Capitol thì thế nào cũng phải đi nghe.

Thấy Johnny từ khán đài nhảy xuống ôm hôn Ông Trùm rồi cũng đi theo vô trong, Kay bèn hỏi móc họng:

- Không lẽ một tài tử lớn, một đại danh ca cỡ Johnny mà cũng phải chọn bữa nay để tới nhờ vả ông Già?

- Còn hỏi! Nó là con đỡ đầu của ông mà! Không có ổng... sức mấy mà nó là đại danh ca!

- Vậy nữa? Lại một chuyện lạ nữa chắc? Kể nghe coi?

Dù lắc đầu quầy quậy "Vụ này chẳng thể kể được" nhưng thấy con bé nài nỉ quá không thể từ chối rồi, Michael bèn đủng đỉnh kể lại câu chuyện của 8 năm về trước, sau khi rào đón trước rằng hồi đó Ông Già hăng hơn bây giờ nhiều, vả lại thằng Johnny là con đỡ đầu nên ổng mới phải bênh vực nó hết mình

Hồi đó Johnny mới bước vào địa hạt ca nhạc, tên tuổi bắt đầu nổi, nhất là trên làn sóng điện. Hát cho ban Les Halley hắn được hoan nghênh quá xá, tiền cát-xê tăng vùn vụt. Bao nhiêu nơi cầu cạnh nhưng hắn kẹt giao kèo 5 năm với bầu Halley nên không những đã không tự do bay nhảy được mà đi hát ngoài bao nhiêu thì cát-xê cũng chạy gần trọn vào túi ông bầu.

Vì thằng con đỡ đầu, Bố Già phải đứng ra đích thân "thu xếp" vụ hủy giao kèo và đồng ý chung 20 ngàn đô la tiền chuộc. Bầu Halley không chịu. Không thể xé giao kèo nhưng từ nay hắn chỉ ăn 50% hoa hồng thôi. Thấy hay hay, Bố Già bèn "tăng giá" 20 ngàn đô la, không chịu thì 10 ngàn vậy? Bầu Halley chỉ quen đớp cát-xê nghệ sĩ chứ đâu hiểu nổi ý nghĩa vụ "tăng giá" độc đáo của giới giang hồ? Bèn từ chối...

Hôm sau, Bố Già trở lại để "bàn" tiếp chuyện xé công tra với ông bầu, nhưng cùng đi theo có cố vấn Genco và có cả "chú em" Luca Brasi. Chỉ có 4 người trong phòngvới nhau . Bố Già chìa ra tấm séc 10 ngàn đô có đóng dấu bảo chứng của nhà băng đàng hoàng và tờ thoả thuận hủy bỏ công tra cho danh ca Johnny Fontane. Ở chỗ thái dương ông bầu bỗng có một họng súng lạnh ngắt kê vô, cùng lúc đó có tiếng Bố Già rỉ rả:

"Một là cho xin ông bầu một chữ ký vào chỗ để trắng trong tờ thoả thuận này. Hai là một tí óc của ông bầu sẽ văng ra đúng vào chỗ trống đó.Một hayhai thì ngã ngũ trong một phút thôi".

Chữ ký của ông bầu Halley bèn thòi ra ngay. Đổi lấy tấm séc 10 ngàn và để khẩu súng đi chỗ khác chơi!

Nhờ vậy Johnny Fontane mới có cơ hội làm nên sự nghiệp. Một sự nghiệp lẫy lừng cả nước biết, phim hốt bạc, đĩa bán số triệu! Lên đến tột đỉnh vinh quang thì Johnny bỏ 1 vợ 2 con để bắt một nữ minh tinh tóc vàng lớn nhất thế giới.

Nào ngờ cô đào lớn còn... hơn điếm một bậc! Johnny ghen tức giải khuây bằng rượu, cờ bạc và đàn bà. Đến nỗi giọng ca mất, dĩa ế ẩm và hãng phim cho nghỉ ngang. Đó là lý do hắn chạy về cầu cứu Bố Già!

Nghĩa là Bố Già lại phải sắp ra tay nữa, sắp cứu người hoạn nạn nữa. Nghĩ vậy, Kay bèn khen một phát:

- Này anh, như anh kể thì ông già chỉ chuyên giúp người không? Vậy thì ổng tốt quá trời quá đất còn gì? Có điều là phải nhìn nhận những biện pháp "cứu nhân độ thế" của ổng không hợp hiến lắm đâu nghe!

- Em phải hiểu là ổng thi ân cái điệu mấy bố thám hiểm Bắc cực lo đói đấy! Rải rác dọc đường có thừa tí thực phẩm nào thì họ cứ vùi đại vào mấy cái hang hốc giữa khoảng băng tuyết mênh mông, rồi đánh dấu thật kỹ. Biết đâu chừng có ngày bắt gặp lại chúng trong lúc đói rã ruột? Nhưng đừng tưởng bở vội! Mấy người được ổng cứu giúp biết đâu chừng một ngày kia bị ổng ghé vô đòi nợ ơn nghĩa lại không khóc thét lên: "Biết thế bố bảo cũng cóc dám nhờ vả!"

Mãi đến sập tối chiếc bánh cưới mới được mang ra cho bà con chiêm ngưỡng. Tự tay ông chủ lò Nazorine o bế, nó lộng lẫy quá, kem phết nhiều quá và ngon quá nên cô dâu trước khi lên xe hoa còn thưởng thức cố năm bảy miếng. Ông Trùm thân mật tiễn khách, kín đáo xác nhận chiếc xe FBI đã đi từ nãy giờ rồi, bà con về khỏi lo!

Chỉ còn một chiếcCadillac đen tổ bố do thằng Fred lái đậu đằng trước. Ông Trùm nhanh nhẹn lên chiếm băng trước, nhường cho Sonny, Michael và Johnny ngồi đằng sau.

Quay xuống hỏi Michael "Con nhỏ về một mình hay có người đưa". Nó trả lờiHagenlo xong rồi. Ít ra cũng phải vậy chớ!

Xa lộ đi vô trung tâmManhattanlúc bấy giờ vắng hoe. Xăng nhớt hồi đó còn phải mua bông mà! Cỡ hơn nửa giờ sau chiếcCadillac ngừng trước y viện Pháp. Dọc đường Bố Già có hỏi Michael học hành ra sao nó cũng chỉ gật gù là được.

Sonny hỏi vọng lên:

- Johnny nói bố hứa giúp nó thu xếp vụ cha chủ hãng phim. Để con đi sang

Hollywoodlo giùm nó nghe bố?

- Khỏi... Khuya nayHagenđi đủ rồi. Việc đó có gì khó khăn đâu?

- Johnny sợ không xong quá! Nên con mới đề nghị để con đi chớ!

Nó vừa nói vừa cười, khiến Ông Trùm phải quay lại, hỏi tận mặt Johnny:

- Coi, mày không tin là Bố làm được cho mày? Xưa nay Bố có nói cái gì mà không làm đâu? Bộ tao nói giỡn chơi hả?

- Đâu có! Con đâu dám không tin Bố? Có điều thằng cha chủ con nócó cỡ thiệt tình. Tiền bạc nó coi không ra gì hết mà thế lực thì nó có thừa. Nó lại hận con lắm lắm nên con không hiểu Bố sẽ thu xếp cách nào mà được việc cho con vậy thôi!

- Nhưng tao nói mày sẽ có làmày sẽ có. Bố Già mà hứa bậy với mày sao, Johnny? Hỏi Michael coi phải không?

Dĩ nhiên Michael gật đầu. Đúng vậy, xưa nay bố nói có là có thiệt. Lúc mấy cha con đi vào cổng nhà thương, Ông Trùm để cho mấy đứa kia đi lên trước, một mình nắm tay nói riêng với nó: "Chừng học hành xong... bố sẽ có việc nhờ mày. Một việc mà mày sẽ khoái..." Michael gật đầu ừ hử. Biết tính nết nó. Bố Già phải gài thêm:

- Dĩ nhiên không bao giờ bố ép mày làm bất cứ việc gì! Mày lớn rồi, mày có quyền tự lập chớ? Nhưng đặc biệt lần này bố muốn vậy. Vả lại con cái học hành xong thì ít ra cũng phải tới nơi cho bố mẹ hay một tiếng chứ?

Bên trong bệnh viện hành lang gạch men trắng muốt. Vợ con Genco đủ mặt. Bà mẹ và 3 cô gái lớn cùng mặc đồ đen trông in hệt đàn quạ, thấy Ông Trùm vừa ló ra khỏi thang máy là chạy ùa cả lại. Mẹ mập mạp, con mũm mĩm trông ngộ đáo để.

Bà mẹ reo lên: "Trời đất... Ngày hôm nay nhà có đám mà Ông Trùm cũng đến thăm bố cháu... thật quý hoá quá!" Mụ vừa nói vừa bệu bạo, mếu máo làm Ông Trùm phải gạt đi: "Bậy nào... Genco và tôi tình nghĩa anh em hai mươi năm chớ ít gì!"

Vậy là mụ chưa biết ông chồng trở bệnh, khó qua khỏi đêm nay. Genco Abbandando bị ung thư nằm đây ngót năm, vợ con đi lại nuôi nấng đã thành nếp, quen quá rồi nên chắc mụ tưởng đâu đêm nay cũng như mọi lần đây! Mụ chùi nước mắt ấp úng:

- Để mời Ông Trùm vô thăm bố cháu. Khốn nạn, bố cháu cứ nhắc đến hoài, cứ một hai đòi đi ăn cưới đằng Ông Trùm làm bác sĩ phải cấm đấy ạ! Bố cháu biểu vậy thì thế nào Ông Trùm cũng đến, nội ngày hôm nay. Tôi đâu dám tin... vậy mà có thật. Ra bọn đàn bà tụi tôi đâu hiểu nổi chỗ thân tình của các ông với nhau. Thấy Ông Trùm, bố cháu phải mừng lắm!

Bác sĩ và y tá bước ra. Bác sĩ trông còn trẻ nhưng chững chạc oai nghiêm ra mặt, rõ ra cấp chỉ huy, rõ ra týp suốt đời giàu sang phú quý. Nghe một cô con bệnh nhân rụt rè hỏi có vô thăm được không, ông bác sĩ trố mắt ngó cả bọn

Bấy nhiêu người vô thăm? Họ không biết con bệnh trong phòng sắp chết đến nơi và sẽ chết đau khổ, chết thương tâm thế nào chắc? Chứng kiến đâu được... tốt hơn là để con bệnh "đi" một mình! Nhưng không nỡ từ chối nên đành phải trả lời: "Vài ba người thân... thì được".

Bác sĩ không hiểu sao vợ con bệnh nhân bữa nay lại quay sang giành quyền quyết định cho một lão già thấp lùn, bệ vệ mặc bộ đồ lớn cắt rất chững chạc. Lão thong thả cất tiếng, nghe kỹ mới biết pha chút giọng Ý:

- Xin bác sĩ cho biết... có phải bữa nay hoàn toàn tuyệt vọng, bệnh nhân sắp "đi" trong một chốc lát phải không ạ? Dạ, nếu thế thì khỏi phải phiền đến bác sĩ nữa, giờ đến phần chúng tôi lo. Chúng tôi sẽ có mặt bên cạnh an ủi, sẽ vuốt mắt hắn. Sẽ lo liệu tang ma chôn cất người chết và trong nom cho người sống...

Nghe Ông Trùm nói sát sạt như vậy, mụ vợ Genco choáng người, thút thít khóc. Bác sĩ nhún vai. Khó lòng giải thích cho mấy người này hiểu... nhưng lão già nói vậy mà hợp lý đấy chớ? Bây giờ đâu cần thầy cần thuốc gì nữa? Tốt hơn là để cho họ thu xếp với nhau. Bác sĩ gật đầu: "Nếu vậy cũng được. Để chờ cô y tá vào dọn sơ qua cái đã. Nhiệm vụ của tôi đến đây là hết".

Lát sau cô y tá trở ra, mở rộng cửa cho cả bọn bước vô phòng bệnh sau khi khe khẽ dặn: "Người bệnh đang mê sảng, tránh xúc động đấy. Trừ bà vợ thì mấy ông mấy cô thăm vài phút rồi ra ngay dùm!"

Lúc đi trở ra đụng đầu "thần tượng" Johnny Fontane, cô y tá mở tròn mắt ngạc nhiên rồi ngó sững, ngó "mết" rõ. Johnny đáp lễ bằng nụ cười rất tình, ra cái điều "khi khác nghe em". Hắn còn phải theo Bố Già vô thăm bệnh chớ?

Bệnh nhân Genco vật vã với cái chết lâu quá nên phút lâm chung nằm miết trên giường, thân hình chỉ còn xương bọc da. Đến mớ tóc mới đây còn đen mượt mà cũng xuống màu coi rối nùi, bẩn mắt lạ! Ông Trùm cúi xuống thăm hỏi:

- Genco bạn... Tôi đến thăm bạn đây. Có cả ba thằng cháu và cả Johnny nữa. Nó từHollywoodsang đấy!

Người bệnh cảm động đưa mắt ngó Ông Trùm... để mấy thằng con trai ông bạn nắm bàn tay gầy guộc. Vợ con hắn tíu tít bu quanh kẻ cúi hôn má, người vuốt ve tay. Ông Trùm thương cảm nắm tay, luôn miệng an ủi: "Genco... ráng lên chút nữa thôi cho qua khỏi. Mình còn về thăm quê hương với nhau mà? Hai đứa mình sẽ về làng, ra cái quán rượu đó chơi với nhau vài ván banh chớ?

Genco lắc đầu, đưa tay ra hiệu cho mọi người né ra hết, để bàn tay xương xẩu nắm cứng lấy Ông Trùm. Hắn muốn nói điều gì đây. Vito Corleone bèn cúi xuống, ghé tai nghe rồi vớ tay lấy chiếc ghế ngồi cho gần gụi. Giọng Genco tiếng được tiếng mất, ấm ớ toàn nói chuyện ngày xưa. Mặt thẫn thờ, con mắt dại hẳn, hắn thở dài não nuột.

Ông Trùm cúi đầu xuống, ghé tai sát nữa cho Genco nói đỡ mệt. Mọi người kinh ngạc thấy ổng lắc đầu quầy quậy rồi nước mắt dàn dụa, chảy dài trên gò má. Genco cất cao giọng rồi tận lực cất cao đầu lên, ú ớ: "Bố Già"..."Bố Già"...Cứu tôi với, đừng để tôi chết...nghe bạn? Tôi chết đến nơi rồi, chết từ xương chết ra, chết từ khúc ruột đây! Ráng cứu tôi nghe bạn, tội nghiệp con vợ tôi. Tụi mình chơi với nhau từ nhỏ ở quê nhà mà bạn nỡ để tôi chết bỏ vợ bỏ con sao? Tụi mình với nhau mà?"

Không nghe tiếng Ông Trùm trả lời, Genco vụt nói lớn:

- Bạn... hôm nay là ngày bạn gả con mà?... Bạn từ chối... bạn không cứu tôi thật sao? Tôi chết... tôi sợ chết quá. Sợ tội lỗi quá!

Ông Trùm đột nhiên nghiêm giọng, không để nó nói sảng nữa: "Coi, tôi làm thế nào được... mà bảo từ chối? Đó là quyền của Thượng đế tối cao. Nhưng có tôi đây bạn đừng sợ chết. Chết thì có quái gì mà sợ? Tội lỗi cũng khỏi sợ. Sẽ có người cầu nguyện cho linh hồn bạn hàng ngày thì bao nhiêu tội cũng chẳng sợ!"

Khuôn mặt hốc hác của Genco bỗng sáng lên một cách láu lỉnh: "Nói vậy bạn đã lo xong dùm tôi cái vụ đó thiệt sao?"

Giọng Ông Trùm lạnh tanh, không còn gì là âu yếm nữa:

- Thôi bạn nghỉ đi. Đừng nói sảng nữa, Genco!

Chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ làm Genco thất vọng, chán nản buông người xuống nệm, lặng đi một lúc.

Cô y tá quay trở lại, thẳng thắn mời tất cả trở ra cho người bệnh nghỉ ngơi. Ông Trùm vừa dợm đứng dậy Genco đã đưa tay ra giữ lại: "Bạn ở lại, ở lại với tôi đi. Biết đâu chừng có bạn bên cạnh... Thần chết chừa tôi ra, tôi qua khỏi chăng? Bạn dư sức nói dùm tôi một tiếng, can thiệp thẳng cho tôi mà! Tôi biết bạn thừa thế lực!"

Như sợ mất lòng ông bạn cứu tinh, Genco cố nhếch một nụ cười làm bộ nửa đùa nửa thực. Nhưng tay nó vẫn bám cứng Ông Trùm không chịu rời. "Bạn đừng đi, đừng bỏ tôi một mình. Bạn để tôi nắm tay, rồi có gì mình sát cánh chơi lại Thần chết mình cũng chơi, như mình từng chơi và từng hạ biết bao nhiêu thằng, phải không? Miễn bạn đừng bỏ tôi, tội nghiệp!"

Biết sao bây giờ, Ông Trùm bèn ra hiệu cho mọi người đi ra hết. Hai tay nâng bàn tay khô đét của Genco, ấp lấy rõ chặt rồi ngồi một mình lựa lời an ủi, cho hắn yên lòng trước giờ lâm chung. Làm như ngồi sẵn đấy để Thần Chết xông tới là can thiệp tức khắc, không cho đoạt mạng thằng anh em thân thiết.

oOo

Với cô dâu Connie thì ngày cưới diễn ra như vậy là đẹp rồi. Chú rể Carlo chơi vai trò tròn trịa, chững chạc đấy chứ! Lại có phần hăng hái, nhờ túi "phong bao" cô dâu kè kè cặp nách. Mở ra đếm có trên 20 ngàn đô la tiền mặt chớ đâu ít? Có điều kỳ cục là con nhỏ chịu hiến dâng đời con gái quá dễ đi mà giật được túi bạc của nó thật gay go. Phải đập cho thâm tím mặt mũi nó mới chịu nạp nguyên con.

Em bé phù dâu Lucy Mancini thì cứ ở nhà gác máy chờ anh Sonny phôn tới hẹn hò. Mãi không thấy đành thử kêu lại nhà nhưng vừa nghe tiếng đàn bà trả lời là cúp máy gấp. Tôi vạ gì "Lạy ông tôi ở bụi này", khi bà con hầu hết không lạ gì hai đứa cùng vắng mặt một lúc, cặp nhau cả nửa giờ đồng hồ? Mấy cái miệng ưa tọc mạch không xì xào cam đoan là cậu cả nhà Corleone đã "quất" con bé phù dâu rồi.

Phần ông chủ xe đòn Bonasera thì đêm hôm đi ăn cưới về nằm mơ một trận kinh khủng quá. Rõ ràng Ông Trùm Corleone mặc đồbaseball , đeo găng đội kết đàng hoàng đứng trên xe hùng hục thảy mấy cái xác đạn ghim lỗ chỗ như tổ ong xuống trước nhà cho hắn nhận. Lại còn tỉnh bơ dặn: "Thủ tiêu gấp đi. Đừng hé môi nghe". Ôi chao, hắn la om sòm, xuất hạn đầy mình, sợ điếng cả người làm mụ vợ lay gọi mãi mới hoàn hồn!

Về phần Kay Adams thì tối hôm đó, do sự cắt cử củaHagen, đích thân xếp Clemenza phải đưa về. Chiếc xedeluxe , đồ sộ Kay ngồi lọt thỏm trên băng trước, một mình Clemenza ngồi sau và Paulie lái vùn vụt. Ba người chuyện trò vui đáo để, dù hai thầy trò Clemenza đối xử quá cung kính. Tụi nó xài ngôn ngữ thật giang hồ nhưng có một điều Kay nhận ra ngay là cả hai cùng rất kính nể, quý mến Michael, dù theo lời Clemenza thì cậu út hoàn toàn không muốn dính dáng đến công việc làm ăn của Bố Già. Ngay Bố Già cũng nhìn nhận hắn xuất sắc hơn hẳn hai anh, mai sau chắc chắn sẽ nối nghiệp nhà kia mà!

Làm như rất ngây thơ, Kay hỏi lại:

- Việc nhà? Nhưng việc gì mới được chứ?

Đang chăm chú lái xe, Paulie liếc sang cô bé một phát. Từ băng sau xếp Clemenza bèn ồ ồ sủa vọng lên, làm như vô cùng ngạc nhiên: "Ô hay, thế Michael chưa nói cho cô biết sao?"

Ông già độc quyền nhập cảng dầu ăn từ Ý qua, phân phát toàn thị trường Mỹ quốc mà? Hết chiến tranh là phát đạt lắm, chỉ việc ngồi mà quơ bạc. Một thằng con khôn ngoan như Michael thì giúp bố được nhiều việc lắm chớ?"

Về tới khách sạn Kay tưởng đâu từ giã là vừa. Nào ngờ nói thế nào thì nói, Clemenza vẫn nhất định đòi phải đưa tận nơi.

"Ông già biểu đưa về tận nhà... là tụi này phải thấy tận mắt cô vô nhà đàng hoàng rồi có về mới dám về. Xin cảm phiền!"

Chừng Kay lấy chìa khoá ở quầy Quản lý, bước vô thang máy và đóng cửa lại thì Clemenza mới vẫy tay chào từ giã. Quái lạ, mặt hắn hớn hở như vừa làm xong một việc tốt đẹp thiệt tình, chẳng kịch chút nào.

Nhưng thang máy vừa lên khuất, xếp Clemenza đã tới đứng sừng sững trước quầy quản lý "Cô nhỏ vừa rồi ghi tên gì ở sổ đó bồ?" Thằng cha thư ký giữ sổ sách còn giương mắt ngó thì Clemenza đã mau mắn búng ra một tờ giấy bạc xanh xanh cuộn tròn lại thật khéo. Cu cậu chớp vội bỏ túi và mở sổ lẹ lẹ: "Đâu phải cô? Ông bà Michael Corleone mà?"

Trở lại xe, Paulie khen: "Cô bé ngoan đấy chứ?" Xếp Clemenza ậm ừ: "Đồng ý là ngoan... nhưng bị cậu út "quất" rồi, tin tao đi! À, sáng mai phải đến tao sớm nghe.Hagendặn có công chuyện cần lại gấp đó!"

Mãi khuya lắm cố vấn Thomas Hagen mới sửa soạn xong để lên xe ra phi trường. Nhưng lên máy bay điLos Angelesthì mau lắm, chuyến sớm nhất, chỗ tốt nhất, nhờ tấm thẻưu tiên một mà một ông bạn cấp tướng ở Ngũ-Giác-Đào biếu để xài chơi.

Quả là mệt nhọc điên đầu suốt ngày nhưng đối vớiHagenthì ngày cưới Connie quả là đại cát. Mãi 3 giờ khuya ông Genco Abbandando mới chịu nhắm mắt và vừa ở bệnh viện về, Ông Trùm đã nghiêm nghị cho biết kể từ nay vai tròconsigliori của nhà Corleone chính thức về tay Thomas Hagen. Nghĩa là giàu sang quyền thế cầm chắc trong tay!

Cử Tom Hagen làm cố vấn kiêm phụ tá là Ông Trùm Vito Corleone quả đã dám đặc biệt phá lệ, gạt sang một bên cả một truyền thống ngàn năm. Vì dù có được nuôi như con cháu nhà ngay từ hồi còn nhỏ, Tom vẫn bị kể làngười ngoài . Nó đâu có máuSicily100% mà chức vụconsigliori đòi hỏi điều kiện huyết thống! Phải là dân chính cống gốcSicily, phải lớn lên trong khuôn khổ của luậtomerta nghĩa là im lặng khi cần đến, không nghe, không thấy, không biết gì hết.

Theo nguyên tắc tổ chức Mafia thì Ông Trùm là bộ phận đầu não, là người chủ trương đại cuộc. Từ Ông Trùm hiệu lệnh được truyền xuống các bộ phận hành sự ít ra cũng quaBacấp,Ba lớp lót. Chẳng có cách nào bới lông tìm vết để "gài" được Ông Trùm, chỉ trừ khi thằngconsigliori phản bội, một điều chưa từng có!

Chẳng hạn tầm thường như vụ của lão Bonasera. Đích thân Ông Trùm ra lệnh phải cho hai thằng súc sinh nếm mùi đau khổtới cỡ nào . Nhưng lệnh chỉ là lệnh miệng cho một mìnhHagen. Rồi Hagen ủy nhiệm lại cho xếp Clemenza, cũng chẳng ai nghe được. Xếp Clemenza sẽ trao cho đàn em Pauline Gatto nghiên cứu, thi hành. Đích thân Paulie sẽ sắp đặt chi tiết, tính kế hoạch và chịu trách nhiệm chọn người đi sai đi đấm đá. Những "chuyên viên" này thì thiên lôi Pauline chỉ đâu đánh đấy, không hề thắc mắc đánh ai, đánh ở đâu, tại sao đánh. Nhưng đánhtới cỡ nào thì phải triệt để đúng chỉ thị!

Như vậy thì nội vụ có đổ bể cũng khó lòng phăng tới ông Trùm. Khó lắm lắm. Nhưng vẫncó thể bị . Có điều chưa ông Trùm nào bị vì lẽ giản dị là trong sợi dây xích thì chỉ cần thiếu một mắt xích là vô phương buộc tội. Mà thủ tiêu một mắt xích quá dễ!

Vai trò củaconsigliori vô cùng phức tạp. Cố vấn kiêm phụ tá là nguyên tắc. Còn là bạn đồng hành tin cẩn, còn suy nghĩ thay cho ông Trùm. Đi xe thì đích thân làm tài xế, dự "hội nghị" thì vừa làm bí thư gom hồ sơ, vừa là bồi mang đồ ăn thức uống và đốt thuốc. Biết hết những gì ông Trùm biết, nên chỉ một mình hắn là "phá" được ông Trùm và cả tổ chức. Chỉ ngán có một mình hắn phản bội, nhưng chuyện đó chưa hề xảy ra! Cứ một mực trung thành thìconsigliori sẽ có hết. Giàu sang quyền thế và...hạnh phúc nữa. Có chết hay "kẹt", vợ con chắc chắn có người lo chu đáo.

Có những vụconsigliori phải đại diện cho thủ lãnh để đứng ra thu xếp một vụ...nhưng lại chẳng thể công khai để gây phiền phức sau này. Hagen đã lãnh nhiệm vụ thay mặt ngầm cho ông Trùm trong chuyến đi Hollywood thương thuyết và biết dư rằng chứcconsigliori của hắn còn mất, nghĩa là đời hắn lên hương hay xuống dốc cũng do vụ này định đoạt.

Nếu tính chuyện làm ăn thuần túy thì vụ thu xếp cho Johnny Fontane đâu có ăn chung gì, đâu có nghĩa gì so với vụ sắp đặt đối phó với thằng Sollozzo thứ Sáu này? Nhưng Bố Già khác. Một thằngconsigliori thì phải biết đủ mọi cung cách làm ăn, dù lớn, dù nhỏ.

Ngồi trên máy bayHagennghe rối ruột, phải kiếm một lyMartini uống chơi. Nếu cần phải "biết mình biết người" thì hắn không lạ gì con người "đối phương": tính nết lão Jack Woltz thì bố ai thuyết phục nổi? Nhưng Ông Trùm cũng chẳng nói chơi bao giờ và đã hứa là thế nào cũng có cách thu xếp cho thằng con đỡ đầu. Giữa hai thế đối đầu như vậy thì vai trò củaHagenchỉ hoàn toàn có tính cách trung gian, tiếp xúc.

Hắn bình tĩnh mổ xẻ sự kiện. Jack Woltz là một trong 3 chủ nhân lớn nhấtHollywood, phim trường lớn nhất và nhiều đào kép cừ nhất. Hắn có chân trong Ủy ban Tư vấn Bạch cung về điện ảnh Tâm lý chiến thực... nhưng đúng nghĩa thì chỉ là một tay sản xuất phim tuyên truyền cho chính phủ chớ có gì? Hắn có vô Bạch cung dự tiệc hay mời ông Tổng FBI về nhà ăn nhậu? Nghe thì ghê gớm lắm nhưng chẳng qua chỉ là vấn đề giao tế. Thế lực thực sự, chẳng hạn hậu thuẫn chánh trị, đảng phái thì Jack Woltz lấy đâu ra? Người lập dị như hắn kết nạp được ai? Nhiều quyền hành, thích sai phái cái điệu làm cha người ta thì chỉ tổ nhiều kẻ thù!

Nói vậy nhưng chơi Jack Woltz thì khó quá. Hãy cứ biết vậy,Hagenlấy mớ giấy tờ ra coi cho khỏi mất công suy nghĩ nhức đầu nhưng mệt mỏi quá, đọc không vô bèn gọi thêm lyMartini nữa để nhâm nhi xả hơi, gợi nhớ chuyện đời...

Cho đến bây giờHagenvẫn hài lòng là đi đúng đường và ngay từ ngày vào đời chỉ có "lên" không. Được như thế này là phúc đức quá rồi, không mong muốn gì hơn. Ba mươi lăm tuổi, cao ráo, dong dỏng. Rất nhanh nhảu và trông bề ngoài chẳng có gì đặc biệt. Hành nghề luật sư nhưng trên nguyên tắc thôi, dù sau khi ra trường hắn cũng có 3 năm thực tập rất cừ. Ở gia đình Corleone hắn lo nhiều việc khác, quan trọng hơn luật nhiều!

Tom Hagen nhớ lại hồi 11 tuổi cùng học cùng chơi với một thằng bạn tên Sonny, chơi thân lắm. Hai đứa bằng tuổi nhau mà! Năm đó bà mẹ hắn khi không đau mắt nặng đến loà luôn rồi tạ thế. Ông bố bợm nhậu càng say sưa tối ngày. Ông có nghề thợ mộc, chịu làm ăn lắm, lương thiện không ai bằng nhưng chỉ vì ma men mà tan nát gia đình và sau cùng cũng tàn đời trong đói khổ, bỏ lại hai đứa con một trai một gái.

Con bé em được một gia đình nhận nuôi nhưng thằng Tom thì đành lang thang đầu đường xó chợ. Hội Dục Anh thời đó đâu thèm nuôi những thằng ranh mới nứt mắt ra đã dám "bỏ hội" đi hoang mà cho người kiếm nó về? Lối xóm thấy nó là chạy, chỉ sợ lây chứng đau mắt ghê gớm mà Tom "thừa hưởng" của bà mẹ lòa.

Giữa lúc đang cầu bơ cầu bất thì trời run rủi nó gặp bồ Sonny. Thương bạn quá, Sonny lôi nó về nhà, dõng dọc yêu cầu cha mẹ cho nó cơm ăn nhà ở. Có ngay! Ôi, có bao giờ Tom quên nổi hương vị ngọt béo của dĩaspaghetti đánh sốt cà chua nóng sốt và sự êm ấm của chiếc giường sắt ngả ra cho nằm đỡ tối hôm ấy?

Thế rồi chẳng nói chẳng rằng, Bố Già Corleone cho thằng nhỏ ở lại luôn. Nó đau mắt nặng thì đích thân đưa đi bác sĩ nhãn khoa chữa bằng hết. Nuôi ăn học đàng hoàng, hết Trung học lên Đại học, coi như con cái trong nhà nhưng tuyệt đối không "bố nuôi mẹ nuôi" gì hết! Không yêu thương như con đẻ thật nhưng quý mến hơn tụi nó nhiều... có bao giờ buộc nó phải làm một cái gì theo ý mình đâu? Ngay hồi học hết Trung học cũng để cho nó muốn theo ngành nào tùy thích. Cu cậu chọn luật chỉ vì nhớ mang máng Bố già có nói một câu "Một trăm thằng cướp có súng "làm ăn" đâu có lại một thằng luật sư xách chiếc cặp-táp ranh con!"

Hagennhớ lại hồi học xong trung học cả hai anh em thằng Sonny cùng năn nỉ xin bố cho thôi học để làm việc nhà, Ông Trùm đành chấp thuận dù rất buồn. Chỉ có thằng Michael tiếp tục lên Đại học. Vụ Trân Châu Cảng bùng nổ là nó đăng ngay Thủy Quân Lục Chiến.

Năm thi ra trường Luật,Hagenlấy vợ, một con nhỏ nữ sinh viên gốc Ý, người bênNew Jersey. Hồi đó con gái học Đại học hiếm lắm... Dĩ nhiên là Ông Bà Trùm cưới cho, làm đám cưới ở nhà chớ còn ở đâu nữa? Nó muốn mở văn phòng thì sẽ có văn phòng. Bố Già còn hứa "lãnh mối" giùm, hứa cho nhiều áp phe địa ốc là đằng khác!

Ôi, còn gì hứa hẹn hơn nữa nào? Vậy mà thằngHagentrầm ngâm suy nghĩ rồi lắc đầu: "Không... Bác cho cháu... làm với Bác cơ!" Ngạc nhiên lắm nhưng rất hài lòng. Ông Trùm gặng hỏi: "Mi biết làm với Bác là... làm những gì chớ?"

Hagengật đầu. Sự thực hắn cũng biết, nhưng chỉ biết đại khái, biết phần nào. Hắn đâu ngờ thế lực Bố Già mạnh đến thế? Cho đến 10 năm nay, lúc được cử tạm làmconsigliori thay thế Genco.

Hồi đó,Hagenđã nói thẳng: "Cháu muốn làm với Bác... như thằng Sonny, thằng Fred". Nghĩa là hoàn toàn như một đứa con, Bố bảo sao làm vậy. Ôi, lớn lên trong nhà này... làm con cháu đã bao năm mãi đến lúc bây giờHagenmới thấy Bố Già tỏ vẻ xúc động, biểu lộ tình cảm với nó là lần thứ nhứt. Bố Già ôm lấy hắn và từ đó trở đi coiHagencòn hơn con đẻ, dù không xưng Bố và lâu lâu còn nhắc chừng: "Mi không được quên ông già bà già mi đó!"

Ôi, công đức sinh thành thì phận làm con làm sao quên được? Quên sao được, dù mẹ là một bà mẹ đầu óc khù khờ như trẻ lên mười, tứ thời bệnh hoạn rề rề, đau khổ đến độ hết biết thương yêu con cái là gì! Còn cha? Một ông bố chỉ biết có rượu nên nghĩ tới chỉ thấy hận.

Ôi, cả một tuổi thơ kinh hoàng! Thấy gương mẹ mù loà đến chết còn nhục thằng Tom hết hồn, đinh ninh mắt nó đau thế này thì mù chắc: đời nó rồi đây cũng đến chống gậy đi ăn mày! Bố chết thì nó bắt đầu đi lang thang ngủ đường ngủ chợ và sắp đi ăn mày thực nếu tình cờ không run rủi thằng Sonny bắt gặp nó.

Thế rồi đời nó như lật qua một trang mới toanh, tưởng đâu phép lạ! Sống trong tình thương mến của gia đình Corleone, no ấm yên vui là thế mà bao nhiêu năm sauHagenvẫn còn bị ám ảnh bởi những giấc mơ hãi hùng, khủng khiếp. Nó là một thằng mù, chống cây gậy trắng lọc cọc khắp các ngả đường xin ăn. Con cái nó cũng mù loà, cũng lọc cọc chống gậy theo cha đi hành khất. Nó hoảng sợ hét ầm và y như rằng lúc đó khuôn mặt Bố Già bao giờ cũng hiện ra, xua bằng hết những cơn ác mộng. Biết bao nhiêu lần rồi!

Hồi đó, Bố Già tiếng là chấp nhận nhưng đâu cho phép nó làm "công việc nhà" liền? Phải ra hành nghề Luật sư 3 năm lấy kinh nghiệm đã, trút bỏ bằng hết mặc cảm "chỉ có thể làm cho người nhà" cái đã. Rồi phải gài nó vô một văn phòng toàn những luật sư thượng thặng, chuyên giải quyết những vụ án Đại hình, học tập thêm 2 năm cho thật lão luyện.Nghề nhà cần bấy nhiêu đó mà?

Sau đó, Tom mới bắt đầu làmviệc nhà , chỉ giải quyết công việc nhà. Coi, thấm thoát 6 năm trời... nó có sơ xuất một điều gì để Ông Trùm phải cảnh cáo, dạy bảo đâu? Nặng lời cũng chưa hề có nữa!

Vậy mà lúcHagenđược cử xử lý thường vụconsigliori, mấy gia đình Mafia khác đâu có chịu? Họ chê bọn nhà Corleone "lai căng" chất Ái Nhĩ Lan. Họ gọicánh Ái Nhĩ Lan ! Sự chụp mũ đó làm Tom bật cười nhưng cùng lúc đó cũng cho thấy rõ ràng chớ có chàng màng, mơ mộng làm Trùm mà hố nặng. Thân phận nó thìconsigliori là hết cỡ, là quá đáng lắm rồi! Sự thật thìHagenđược địa vị này cũng... ngàn đời không quên, có đâu dám có ý nghĩ trèo đèo, phạm thượng với chính những người đã cứu vớt, cưu mang nó còn hơn ruột thịt!

oOo

Lúc đáp xuống phi trườngLos Angelestrời còn tối mò.Hagenkiếm phòng lữ quán, tắm rửa, cạo râu cho tỉnh táo, chờ sáng. Kêu điểm tâm lên tận phòng, hắn vừa ăn vừa đọc báo lai rai đợi đúng 10 giờ sáng mới y hẹn tới gặp Jack Woltz. Không ngờ lão ô kê chịu gặp mau mắn vậy!

Chẳng là tuân lệnh Ông Trùm, trước khi lên máy bayHagenđã phôn tới Billy Goff nhờ đánh tiếng trước với ông chủ hãng phim. ỞHollywoodthì Billy đâu phải tay vừa? Thủ lãnh nghiệp đoàn công nhân điện ảnh, thợ thuyền các phim trường có đình công hay không cũng ở một tay nó! Ông chủ Jack Woltz có lớn thật nhưng còn làm ăn thì đâu có muốn sinh chuyện lôi thôi? Ông Billy đã có lời giới thiệu rằng nếu không chìu ý ông bạn từ Nữu-Ước sang thì công nhân phim trường dám đình công lắm đấy!

Theo lời thủ lãnh nghiệp đoàn Billy thì thằng cha chủ có vẻ cóc ngán lắm nên đề nghị nếu có phải đình công thì hãy để đàn anh đích thân tiếp xúc với Ông Trùm cái đã, nhưngHagengạt đi ngay: "Khỏi cần, nếu cần thì Ông Trùm sẽ cho biết ý kiến ngay!"

Đã mang danh cố vấn thìHagencòn lạ quái gì mối tương quan tốt đẹp giữa Bố Già với đủ mặt lãnh tụ lao động toàn quốc. Thằng Billy Goff cỡ gì mà đòi tiếp xúc? Chỉ bảo sao nghe vậy... vì phạm vi ảnh hưởng của gia đình Corleone chưa lan sang đến Hollywood thực nhưng thiếu gì thằng thủ lãnh công nhân ở đây cũng như trên toàn quốc còn thiếu Bố Già một chút nợ tình?

Gặp gỡ có chuyện làm ăn mà nó cho cái hẹn giấc 10 giờ sáng là yếu rồi. Rõ ràng thằng cha Jack Woltz cóc muốn chơi, cóc muốn nghe, cóc muốn bàn bạc gì hết. Mười giờ sáng thì có cần gì cứ nói ra rồi cút. Nếu muốn bàn bạc thì nó đã lùi lại vài giờ để nếu chưa trò chuyện xong thì "Mời bạn ở lại dùng bữa trưa để ta vừa ăn nhậu vừa thảo luận với nhau cho tiện".

Rõ ràng là Jack Woltz cóc coi "Sứ giả"Hagenra gì vì một là thằng Billy chưa đủ tư cách làm áp lực nó, hai là nó đã cho cu cậu ăn đớp ngập mặt nên khó nói.

Nhưng không lẽ nó không biếtHagenlà người của ai và người đó thế lực cỡ nào? Kể ra Ông Trùm giữ kín tiếng trong việc làm ăn cũng có lợi thật. Nhưng kín quá, kín đến độ thiên hạ không biết đến tên tuổi, uy danh... như trường hợp này thì coi bộ bất lợi trông thấy!

Hagensuy luận quả không sai. Quả nhiên nó cho đợi cỡ nửa giờ đồng hồ mới thèm tiếp kiến. Biết vậy nhưngHagentừ cứ phớt tỉnh, vả lại "ngồi chơi" ở phòng đợi của ông chủ lớn cũng khoẻ lắm chớ? Mát mẻ, êm ái, lịch sự và ôi chao, trước mặtHagensao lại có một bé gái xinh đẹp, dễ thương đến thế? Nó ngồi trên tấm nệm màu mận, con nhà ai kháu khỉnh lạ. Xiêm y lộng lẫy, chững chạc cứ như người lớn vậy!

Thật tuyệt vời,Hagenngó sững mái tóc vàng óng ả. Đôi mắt xanh lơ tinh anh, cặp môi mòng mọng tươi như trái dâu chín đỏ. Nhưng con mụ đi theo nó, đúng là hai mẹ con, mới khoằm khoặm, dễ ghét làm sao. Chỉ muốn đấm vào mặt. Rõ ra mẹ cú, con tiên!

Đợi mãi, đợi mãi mới có một mụ thư ký mập tròn hướng dẫn đi quanh co tới văn phòng ông chủ.Hagenmỉm cười đi theo. Chà, hãng phim có khác: người làm chững chạc, trang trí tiện nghi ngoại hạng. Đông đảo mỹ nhân quá, chắc mấy em đếnHollywoodthử thời vận nhưng đóng phim không ra gì nên mới bị nhét vào làm văn phòng cho thơm tho cuộc đời đây. Không bị đá đít văng ra vỉa hè là đẹp rồi!

Jack Woltz dễ nhận ra quá, báo điện ảnh đăng hình hoài mà? Người lão đồ sộ vạm vỡ. Có bụng nhưng bộ đồ cắt tuyệt vời che đi hay quá!

Còn cuộc đời hắn? Mười tuổi đi vác két la-de, đẩy xe cút kít kiếm ăn ở vỉa hè Nữu-Ước. Hai mươi tuổi giúp bố ăn chận, rút rỉa nghiệp đoàn thợ may. Ba mươi bỏ Nữu-Ước sang miền Tây tìm mỏ kền và thử nhào vô điện ảnh. Năm 48 tuổi thì hắn nghiễm nhiên làm vua Hollywood nhưng ăn nói vẫn cứ hàng tôm hàng cá và làm tình vẫn khoẻ như hùm giữa bầy nai tơ là các em đào non, đào thịt vô cùng đông đảo.

Từ năm 50 trở đi, Jack Woltz "làm lại con người". Học ăn học nói cho ra dáng trí thức, mướn bồi Ăng-lê và quản gia Ăng-lê chính cống để học làm sang, từ bộ y phục cho đến tác phong sao cho đúng mốt trưởng giả. Lão ly dị vợ, lấy một em đệ nhất đào văm. Qua năm 60 trở đi thì cả nước biết Jack Woltz sưu tầm tranh quý, làm cố vấn điện ảnh cho Tổng Thống và sáng lập viên cơ sở Jack Woltz, tốn kém cả chục triệu đô la chỉ cốt để nghệ thuật hoá điện ảnh. Và có rể quý tộc Anh, có dâu công chúa Ý...

Gần đây nhất thì báo nào chẳng có tin ông Chủ hãng phim Jack Woltz đâm mê ngựa đua, nội năm ngoái dám bỏ ra một lúc 10 triệu đô la để lập tàu ngựa đua J.W.? Hùng nhất là người dám chi 600 ngàn đô la để chớp bằng được chú ngựa đua siêu vô địch rặt giống Ăng-lê tênKhartoum. Và ngông ở chỗ bắtKhartoumnghỉ đua hẳn để chỉ phục vụ đặc biệt cho những chị ngựa cái lò J.W.!

Kể ra ông chủ tiếpHagencũng nhã nhặn. Khuôn mặt rám nắng vô cùng tốt lái và được săn sóc từ lỗ chân lông đã dúm dó lại để o bế một nụ cười xã giao. Coi, có đốt cả kho bạc cũng chẳng cướp được tuổi trời nên da mặt người có tô vẽ cách nào cũng cứ có lớp... như đèn xếp vậy! Nhưng phải nhìn nhận rằng lão cử động nhanh lẹ, sung sức và giống hệt Bố Già Vito Corleone ở dáng dấp chỉ huy nghĩa là thoạt trông cũng biết là xếp sòng rồi.

Hagenvô đề tức khắc, tự giới thiệu là người màbạn ông Johnny Fontane cử tới để xin ông chủ cho một đặc ân là để cho Johnny sắm vai chính trong cuốn phim chiến tranh hãng khởi quay đầu tuần sau. Nhân vật đó dĩ nhiên là có thế lực lắm nhưng nếu ông chủ ra ơn cho lần này thì sẽ muôn đời không quên, thế nào cũng có phen đền đáp.

Khuôn mặt nhăn nheo tỉnh bơ hỏi lại:

- Ông bạn thế lực đó sẽ đền đáp tôi? Đền đáp cách nào xin cho biết...

Làm gì không biết lão hỏi xỏ... nhưngHagencũng phớt lờ đi giải thích:

- Chẳng hạn như quý hãng sắp có đình công thì ông bạn của Johnny cam kết sẽ vô hiệu hoá dùm tức khắc. Quý hãng có ông kép "cây tiền cây bạc" vừa từ "cua" cần sa nhảy lên bắt bằng bạch phiến... thì nếu ông chủ muốn, sẽ có người chặn đứng hắn lại được không? Những vụ phiền phức như vậy ông chủ chỉ phôn một cú cho tôi là xong hết.

Coi, lão chăm chú nghe giải thích cái điệu nghe con nít la làng rồi thình lình giộng một câu thật đúng ngôn ngữ giang hồ:

- Ra ông bạn tính áp lực kẻ hèn này đấy?

- Chẳng dám! Tôi chỉ có ý xin ông chủ ra ơn một lần, cho một người bạn. Làm ơn dĩ nhiên chỉ có lợi chớ có hại sao được ạ?

Giọng Hagen ngọt ngào như vậy đó. Nhưng vẫn làm Jack Woltz nổi sùng, nhăn mặt nhíu mày, rồi quắc mắt lên làm như lão sắp nhảy chồm qua buya-rô vậy! Lão gằn từng tiếng:

- Nói vắn tắt thế này này... tôi đéo cần biết anh là ai và thằng củ c... nào sai anh lại... nhưng thằng Johnny Fontane thì cho nó de đi, khỏi đóng gì hết! Mấy thằng Bàn Tay Đen kia là cái thá gì kìa? Cho anh hay điều này. Nếu tôi cho ông bạn tôi hay là anh tới đâytoan làm áp lực thôi thì anh cũng đã khó sống rồi! Chắc anh có nghe tên Edgar Hoover chớ?

Ôi chao, không ngờ một đấng chủ nhân ông cỡ Jack Woltz mà có thể tầm thường đến thế! Thế mà cũng cầm đầu cả một cơ sở cả trăm triệu, thế mà cũngVua Điện ảnh! Nếu Hollywood chỉ rặt những cỡ chủ hạng bét này thì bấy lâu nay Bố Già nhà mình cứ nuôi dưỡng ý định tung tiền, nhảy xổ vào địa hạt này để bắt bạc là phải!

Mới đụng có thế mà một tayto đầu như lão đã nổi giận sao? Thì ra lâu nay không ngờ đã luyện được bí quyết chịu đựng của Bố Già! Lão cáu giận, lão văng tục bừa bãi màHagencó cảm thấy gì đâu nào?

Chủ trương ruột của Bố Già cừ thật: "Chớ doạ dẫm, chớ nổi giận". Đối phương có chửi bới, hăm he cứ ráng chịu để từ từnói chuyện phải quấy. Một lần nữaHagenlại hình dung lại tấm gương nhịn nhục của Bố Già ngày nào: giữa bàn hội bị một thằngthứ dữ ông ổng mạt sát, chửi bới tận mặt. Vậy mà ông cứ tươi tỉnh cố gắng thuyết phục cho đến cùng.Tám giờ đồng hồ nhẫn nhục có phải ít đâu?

Chừng coi bộ hết đường thuyết phục. Bố Già mới chán nản đưa hai tay lên than van với đông đủ cử toạ: "Vậy là hết thuốc. Ông bạn của chúng ta hếtnói chuyện phải quấy được rồi! Nói xong là lạnh lùng rời bàn hội đi ra làm ôngthứ dữ xanh mặt. Lập tức mấy ông sứ giả được cử ra mời ông vô trở lại đểnói chuyện phải quấy. Dĩ nhiên công việc bữa đó giàn xếp xong. Có điều hai tháng sau ôngthứ dữ ăn no đạn chì, gục trên ghế hớt tóc.

Nhớ lại vụ "phải quấy" đó,Hagenbình tĩnh hỏi lại:

- Xin đừng quên nghề tôi là luật sư! Một con nhà luật mà... áp lực? Mà lại buông lời hăm doạ ai sao? Tôi chỉ đưa ra một đề nghị xin ông vui lòng chấp thuận và chúng tôi sẽ có cách đền ơn xứng đáng. Một việc quá dễ dàng đối với ông và sau đó chỉ có lợi... phải không nào?

Johnny nói chính ông xác nhận hắn đóng vai đó thì tuyệt. Bằng không tôi đã chẳng dám dựa đề nghị vô lý, ông thấy chớ? Vả lại nếu ông e ngại hắn đóng dở, phim có thể thất bại khiến hãng lỗ lã thì ông bạn hắn nghĩa là thân chủ tôi, sẵn sàng đầu tư trọn phim. Chúng tôi cũng đồng ý ông đã nói không là không, chẳng ai ép buộc được. Chẳng ai dám! Chúng tôi cũng biết chỗ quen biết giữa ông và ngài Tổng giám đốc FBI chớ? Đó là một sự kiện dễ nể thiệt...

Nãy giờ Jack Woltz loay hoay nghịch cây viết lông trên buya-rô. Lão có nghe gì? Nhưng vừa đá động đến đầu tư nghĩa là có hơi tiền là lập tức lão buông cây bút ra để hù một câu: "Chi phí cuốn phim tạm ấn định 5 triệu đô la đấy, ông bạn"!

Hagenlàm bộ huýt gió se sẽ một lát ra điều thán phục nhưng thong thả tiếp: "Bằng ấy thì thân chủ tôi có thể đầu tư lắm"!

Lúc này lão mới ngả người ra sau ghế ngóHagenvà có vẻ lưu tâm đến chớ không hờ hững như nãy giờ. Lão thong thả đặt câu hỏi:

- Ông bạn là luật sư? Xin lỗi tôi không nghe nói nhưng mấy luật sư có danh ở Nữu-Ước tôi đều biết hết. Vậy xin hỏi ông bạn là ai?

- Tôi là luật sư, từng có nhiều hoạt động trong ngành tổ hợp công ty. Tôi được làm mướn vụ này... nhưng xét ra chẳng muốn làm mất thời giờ thêm của ông nữa. Vậy xin tạm biệt.

Dứt lời làHagenđứng dậy chìa tay ra. Đi vài ba bước ra phía cửa mới quay lại nói rất nhỏ nhẹ: "Theo tôi nhận xét thì ông có lẽ đã gặp nhiều ca nói lớn lối mà thực lực chẳng có gì. Lần này thì ngược lại đấy! Xin ông vui lòng hỏi qua ông bạn chung của chúng ta. Có gì hay xin phôn lại tôi ở khách sạn".

Thấy lão ta tần ngần,Hagentiếp luôn:

- Xin thưa thực để ông biết là có những vụ thân chủ tôi làm mà quý hữuHoovercó muốn can thiệp cũng không đi đến đâu. Xin ông cảm phiền vì sự thật là vậy. Có điều nãy giờ tôi chưa kịp nói là tôi thành thực hâm mộ mấy cuốn phim mà quý hãng thực hiện. Mong quý hãng cứ tiếp tục đường lối ấy thì xứ sở này có phận nhờ nhiều!

Mới hé sơ sơ vậy đã có ép-phê ngay. Vào xế chiềuHagenđã nhận được 1 cú phôn từ hãng phim cho hay cỡ một giờ nữa sẽ có xe lại đón tới chơibiệt xá của ông chủ. Xe đi cũng phải mất 3 giờ nhưng trên xe cóbar rượu, có đồ nguội dọn sẵn.

Như vậy là Jack Woltz đã đáp máy bay về nhà trước. Không hiểu sao hắn không mời đi cùng chuyến cho tiện việc? Cô thư ký hãng phim cho hay: "Xin ông mang hành lý theo để sáng mai ông chủ tôi cho xe đưa ông ra thẳng phi trường về Nữu-Ước cho đỡ mất công".

Hagengật đầu ngay. Vậy là lão đã điều tra kỹ lắm và biết cả thời khoá biểu đi về của "sứ giả" rồi. Mau thật! Bây giờ hẳn lão biết rõ gốc tích "ông thân chủ", nghĩa là không lạ gì thế lực của Ông Trùm nữa. Có vậy mới có vụ mời mọc đặc biệt thế này sau lần hội kiến ban sáng. Hắn mời về nhà chơi để làm gì nếu chẳng phải để thương thuyết đàng hoàng, đứng đắn? Vậy thì thế nào cũng phải đi đến một kết quả, hay dở còn tùy...

oOo

Biệt xá của ông chủ hãng phim có khác. Trông cứ như xem quay phim vậy. Kiểu nhà là kiểu "đồn điền", đứng chơ vơ giữa một khoảng rộng mênh mông có hàng rào, tàu ngựa, đồng cỏ...

Trước nhà thì hàng rào hay luống hoa, bồn cỏ cũng cắt xén chi li, kỹ càng như được sửa sắc đẹp vậy! Ông chủ Jack Woltz đứng đón khách trước vòm cửa, bên trong nhà điều hoà không khí. Lão đi xăng-đan nhẹ, quần màu cứt ngựa và áo sơ-mi lụa xanh để hở cổ thật trẻ trung, nhàn hạ... nhưng đâm tức cười vì quá mâu thuẫn với làn da mặt "đèn xếp".

Lão đưa mờiHagenmột lyMartini tổ bố và nâng một ly cụng thân mật, trái ngược hẳn hồi sáng. Lại còn quàng vai đưa đi chơi "Chưa cơm tối đâu"... Mình ra tàu ngựa chơi. Vừa đi lão vừa cho biết:

- Xin lỗi về cái vụ hồi sáng nghe Tom! Lẽ ra bạn phải cho biết ngay thân chủ của bạn là Vito Corleone chớ? Làm tôi cứ tưởng đâu Johnny mướn một thằng thầy cãi hạng bét nào lại nồ tôi chớ? Tôi không chịu cái lối nồ như vậy mà cũng chẳng thích mua thù chuốc oán. Mà thôi, để vụ đó bàn sau bữa cơm. Bây giờ mình dạo chơi mà?

Xét phương diện chủ nhân thừa tiếp khách quý thì Jack Woltz thật khỏi chê. Lão thủng thỉnh nói chuyện ngựa đua, tổ chức sản xuất thế nào cho ngon nhất nước nghe thật hay. Chuồng ngựa nào cũng kỵ hoả, vệ sinh tối đa lại mướn thám tử tư canh gác ngày đêm. Đến một chuồng đặc biệt, vách có gắn bảng đồng sáng loáng chữKhartoum.

Hagencó biết gì về ngựa đua đâu nhưng phải công nhận ngay nó là một con vật tuyệt đẹp. Sắc lông một màu đen láng bóng, láng nhẫy trừ một ô quả trám trắng toát là cái đầu bự và cặp mắt như hai trái táo lớn, tròn xoe. Da nó căng lên như lụa khiến Jack Woltz cứ mân mê như con nít:

- Nói về ngựa đua thì nó vô địch: nó nhất thế giới nghe bạn. Sáu trăm ngàn đô-la mua tận bên Ăng-lê nghe! Vua chúa Nga có lẽ cũng không dám chơi một con ngựa ngần ấy tiền. Nhưng về tay tôi, tôi thì không cho đua nữa. Chỉ để đúc giống đặc biệt cho chuồng ngựa nhà.Camđoan ngựa lò J.W sẽ nhất nước...

Lão vừa nói vừa vuốt ve bờm ngựa, vỗ về nó hết mực thương yêu rồi se sẽ gọi tên "Khartoum,Khartoum". Con vật biết ý chủ, khe khẽ rùng mình trả lời làm cho lão càng hí hửng, phát cười ha hả:

- Xin nói là năm mươi tuổi tôi mới học cưỡi ngựa lần thứ nhất nhưng mê ngựa, cưỡi ngựa ngon lành đến như tôi là nhất. Tôi dám có máu kỵ sĩ Cốt-xắc trong người lắm. Biết đâu chừng bà cụ tổ mấy đời của tôi ở bên Nga chẳng bị một đấng Cốt-xắc nào hãm hiếp nên dòng máu mới lưu truyền đến thằng cháu chắt mấy đời này? Bạn thử coi cái gậy của nó có ngon không kìa? Phải chi mình có một cái... cỡ đó thì đỡ khổ lắm nghe!

Bữa cơm tối diễn ra thật trưởng giả. Hai người ăn mà ba thằng bồi đứng hầu, thêm ông quản gia Ăng-lê chầu chực sai phái. Khăn bàn cũng thêu chỉ vàng, còn nói gì muỗng nĩa, dĩa chén?

Nhưng thức ăn thì tồi quá! Dân độc thân mấy thằng cần ăn ngon đâu? Đợi mãi mà không thấy lão nói gì, đến lúc ăn xong mỗi đứa một điếu xì gàHavanatổ bố thìHagenđành phải hỏi: "Thế nào? Johnny liệu có được... hay không?"

Jack Woltz nghiêm giọng trả lời:

- Câu trả lời là không. Tôi không thể làm được. Dù có muốn gài cho Johnny vô cũng không kịp nữa rồi. Giao kèo đã ký xong hết và chỉ tuần sau là khởi sự quay mà?

- Ông Woltz... cái vụ "trễ" đó đâu có nghĩa lý gì? Mình là xếp sòng thì muốn cái quái gì chẳng được, huống hồ cái việc nhỏ mọn đó? Ông chỉ việc ra lệnh là rồi! Hay ông không tin là thân chủ tôi thủ tín, nghĩa là nói sao làm vậy.

- Đâu có, tin lắm chớ? Tôi biết là hãng tôi sắp có đình công đến nơi! Cứ như giọng lưỡi thằng Goff, thằng chó đẻ đó... bạn có thể ngờ mỗi năm tôi phải cúng cho nó đúng một trăm nghìn đô không? Tôi cũng biết bạn có thể cúp bạch phiến dùm thằng kép "cây tiền" của hãng tôi hoặc đầu tư cả cuốn phim dễ như chơi... Có điều không được là không được. Vì tôi hận thằng Fontane. Bạn nói dùm ông xếp bạn trừ dùm cái vụ thằng chó đẻ này thì cái gì tôi cũng chịu hết, bất cứ cái gì!

Coi, nếu vậy lão mời mình tới đây làm gì cho mất công thêm? Chắc phải có một cái gì đề nghị chớ?Hagenbèn giải thích lý do phải cầu cạnh năn nỉ. Chỉ vì Johnny là con đỡ đầu. Đứa con hờ từ thuở lọt lòng thật nhưng cha nó qua đời rồi thì Bố Già càng phải nâng đỡ nó. Cha đỡ đầu mà?

Jack Woltz gật gù, thông cảm lắm nhưng vẫn nhún vai:

- Tôi không muốn mất lòng xếp bạn nhưng vụ này thật không thể được. Tiện có bạn đây xin hỏi thẳng về vụ can thiệp đình công. Tốn cỡ bao nhiêu nào? Tiền mặt. Chi ngay bây giờ?

Có vậy chớ! Có vậy lão mới chịu khó tốn thì giờ, sau khi đã nhất quyết từ chối vụ Johnny chớ?

Rõ ràng lão không muốn có chuyện rắc rối nhưng lão cóc ngán Vito Corleone. Lão ỷ quen biết lớn, thế lực mạnh, tiền bạc đông nên...chẳng có gì để ngán một thằng ở đâu đâu như vậy. Xét ra lão có lý. Nếu có đình công thì đình công, lão gồng mình chịu... thì Ông Trùm còn làm gì được? Tuy nhiên có một sự kiện lão chưa biết là tính nết Bố Già: đã hứa có là phải có. Không thể nào là không được. Rắc rối ở chỗ đó...

Hagennhẫn nhục giải thích:

- Về cái vụ đình công thì xếp tôi có hứa sẽ thu xếp dùm nhân danh tình bạn, nếu ông bạn ra ơn cho Johnny. Chớ đâu có đe doạ gì mà ông bạn xoay ra sang chuyện tiền... mà hỏi tốn kém bao nhiêu? Vậy là ông bạn hiểu lầm, ông bạn đánh giá tôi quá thấp. Ông bạn lầm thực rồi!

Hình như Jack Woltz chỉ đợi có vậy để la lớn:

- Phải, tôi lầm! Chớ không phải lề lối xưa nay của mấy thằng Mafia nói ngon nói ngọt mà bóp cổ chết người? Xin nói rõ lần chót này: thằng Johnny Fontane cừ lắm, nó chơi vai đó thật tuyệt, nó sẽ lên ghê lắm. Nhưng tôi đá đít nó, tôi không thí cho nó và tôi sẽ tống cổ nó ra khỏiHollywoodnữa kìa. Vì tôi hận nó, tôi phải chơi cho nó mạt luôn.

Vì nó chơi ngang. Nó chơi qua mặt tôi. Tôi có một con đào non 5 năm nay ra sức nuôi nấng, đào tạo tốn hết bao nhiêu công phu, tiền bạc để lăng-xê một phát là đại tài tử. Cả trăm ngàn đô la đầu tư vô nó, với bao nhiêu hy vọng. Dĩ nhiên chẳng phải vì nhân đức, vì nghệ thuật khơi khơi... phải nói ngay như vậy! Con nhỏ đẹp lắm mà lại không thể tưởng tượng, ngon chưa từng thấy trên cõi đời này mà nghệ thuật chìu đàn ông của nó thì khỏi nói.

Vậy mà thằng chó đẻ òn ỉ, tán tỉnh thế nào mà con nhỏ chạy theo nó, cho tôi de luôn. Nó còn liệng bỏ tất cả chỉ cốt để thằng già xấu mặt! Anh bạn nghĩ coi... một thằng địa vị tôi mà xấu mặt thì có chịu đời nổi không?

Ôi, một chủ nhân như ông Jack Woltz lại cay cú để cho tình cảm xen vô chuyện làm ăn quan trọng như vậy. Chỉ vỉ chuyện đàn bà con gái? Xưa nay với những típ người như Vito Corleone, Thomas Hagen thì có đẹp như tiên cũng chẳng có kí lô nào trong công chuyện làm ăn. Hoàn toàn là việc tư, việc cá nhân...

Dù sao cũng phải thử thách lần chót.Hagenbèn xác nhận ông chủ Jack Woltz căm hận vậy là đúng lắm, đá đít thằng Johnny cũng vừa nhưng ác một nỗi nó lại là con đỡ đầu của Ông Trùm nên đã hứa là không thể không giúp nó, dù phải cầu cạnh, dù phải năn nỉ. Nhưng Woltz đứng phắt lên, gạt ngang:

- Thôi, nói vậy quá đủ. Có đời nào thằng này chịu thua quân điếm đàng, trộm cắp! Cho anh bạn hay tôi chỉ nhấc cái tê-lê-phôn này lên là đêm nay anh bạn có chầu nằm khám. Và tôi chẳng còn là thằng bầu ban nhạc hồi đó mà hòng Corleone chơi dữ, đúng thế. Tôi biết chớ? Nếu cần thì tôi cũng dám chơi Ông Trùm, chơi không biết đằng nào mà đỡ kìa. Nếu cần thì có cả thế lực Bạch Cung cũng chưa biết chừng...

Lão càng hùng hổHagencàng lì. Coi, vậy mà cũng chủ nhân ông, cố vấn tổng thống, vua điện ảnh!Một nhân vật có cỡ mà chỉ có bấy nhiêu đó thì Bố Già nhảy sangHollywoodlàm ăn gấp là phải. Lão già đầu rồi mà chẳng biết lợi hại quái gì, chỉ nhắm mắt để tình cảm chi phối.

Vậy từ biệt là vừa. Rất tươi tỉnh,Hagenđứng lên: "Xin cảm ơn ông chủ đã vui lòng thừa tiếp tối nay. Ông chủ chịu phiền cho mượn xe đi phi trường liền bây giờ thì hay quá. Tôi ở lại đêm không được vì tính nết ông xếp tôi kỳ cục lắm. Làm việc gì không xong là phải cho hay liền."

Lúc đứng đợi xe ở cửa lớn đèn chiếu sáng choang.Hagennhác thấy 2 bóng người đang bước lên chiếc xe du lịch mui kín chờ sẵn. Hai mẹ con con nhỏ mới lớn hồi sáng còn tuyệt vời, ngây thơ là thế mà bây giờ sao ủ rũ, đau khổ vậy? Mặt nó nhợt nhạt, đôi mắt thẫn thờ, chân bước có mấy bước ra xe mà run lập cập, run lẩy bẩy... lết không muốn nổi? Mẹ nó phải cặp kè đi sát một bên, xốc nách đỡ nó lên xe và ghé tai thì thầm. Trước khi lên xe mụ còn ngoái cổ lại liếc nhanh về phíaHagen, đôi mắt mụ sáng lên độc ác lạ!

Hagennhớ ngay ra tại sao hồi chiều Woltz không mời đi chung máy bay cho tiện mà phải cho xe hơi đi đón sau. Phải dành chỗ cho mẹ con mụ này vàHagenphải đến trễ vài giờ đồng hồ để ông chủ hãng phim còn có đủ thời gian "làm thịt" con nhỏ chớ? Ôi, cả một sự bẩn thỉu nhơ nhớp là cái xã hội điện ảnhHollywood, thế giới đặc biệt của những con người như Johnny Fontane, như Jack Woltz!

oOo

Nếu cần phải đánh đấm thì xưa nay Paulie Gatto kỵ lối đánh ào ào, đánh bừa đánh ẩu. Phải đánh có kế hoạch đàng hoàng, đánh cho chắc ăn. Dù đánh dằn mặt cũng vậy. Sơ sẩy "sai một ly đi một dặm" thì sao?

Khuya nay nó ngồi nhấm nhí ly la-de, kín đáo liếc chừng coi hai thằng súc sinh gạ gẫm mấy con chiêu đãi tới cỡ nào rồi. Hồ sơ lý lịch của hai đứa nó đã nắm trong tay. Thằng Jerry Wagner, thằng Kevin Moonan cùng 20 tuổi, đẹp trai, to con, mặt mũi sáng sủa ra dáng con nhà.

Tụi nó nghỉ hè về nhà chơi, cỡ 2 tuần nữa là vô làng Đại học hết. Nhờ quen biết thần thế, nhờ con ghi danh ở Phân khoa nào đó nên còn được hoãn dịch. Thứ học để trốn lính chớ sinh viên quái gì! Bản án treo còn sờ sờ đó mà đã vôbar ăn nhậu, tán gái là láo, láo quá rồi!

Paulie Gatto hầm những thứ con ông cháu cha... trốn lính này lắm. Dù chính nó... nó cũng né quân dịch! Hai mươi sáu tuổi, khoẻ như voi, không vợ con, không học hành gì hết màhoãn dịch vì lý do sức khoẻ mới ngon. Có y chứng mắc bệnh thần kinh, từng phải chạy điện nhiều lần, bác sĩ nhà nước ký và đóng dấu thì còn lính tráng khố nào?

Dĩ nhiên bệnh láo nhưng giấy là giấy thiệt. Do xếp Clemenza vận động... nhưng phải cỡ thế nào các đàn anh mới thu xếp cho chớ? Phải có chiến công, phải lấy mạng một thằng lậpđầu danh trạng chớ bộ giỡn?

Xếp Clemenza đã giao vụ này và cho chỉ thị rõ: "Làm gấp, làm ngay ở Nữu-Ước... chớ tụi nó sắp vô trường là bỏ luôn". Phải có lý do gì xếp mới kỹ như vậy. Khuya nay tụi nó cặp hai con điếm ra về cùng một lượt thì lại hỏng ăn nữa!

May quá, tự tay Paulie nghe một con cười sằng sặc, õng ẹo: "Thôi cho em xin đi... anh Jerry! Lên xe về với anh để anh mần như con nhỏ bữa đó hả? Bọn này biết quá mà?"

Chúng cười ầm lên. Vậy là các con sắp có chầu lãnh đủ, ngay khuya nay, ngay trước cửabar này! Paulie ung dung bước ra khỏi quán, nhìn trước nhìn sau. Tuyệt quá... Mười hai giờ hơn rồi, chỉ còn mộtbar nữa sáng đèn. Phố xá tối thui thế này chơi mới chắc! Xe tuần tiễu thì xếp đã cho đi tuần ở khu khác rồi. Có ra-đi-ô cấp cứu nó cũng bò lại rất chậm. Tha hồ thừa thì giờ... cứ tà tà "làm" rồi vù cũng còn kịp chán.

Paulie thủng thỉnh bước tới, dựa lưng vô chiếcChevy đen đậu sẵn lề đường, bên trong ngồi chồm chỗm 2 thằng hộ pháp. "Tụi nó ra là làm liền. Đúng y tao dặn".

Chỉ vắn tắt vậy thôi.

Có hình ảnh "nghiên cứu" đàng hoàng, giờ giấc chúng ưa chơi, địa điểm chúng bắt gái... mọi chi tiết đều thuộc lòng mà cặp hộ pháp cũng là thứ tuyển lựa đặc biệt. Chúng chỉ cần biết mặt "hàng họ" là đủ. Phần còn lại là nghề mà?

Nãy giờ hai thằng cao lớn dềnh dàng vậy mà có ai thấy đâu? Chúng ngồi kín lắm và sắp đặt đúng như đàn anh Paulie căn dặn: Đỉnh đầu, sau ót để ra ngoài. Tuyệt đối cấm đụng, ngoài ra tha hồ.Camđoan không chết. Chỉ nát người, mặt mũi hết nhìn ra và nằm nhà thương 30 ngày sắp lên. Ba mươi mốt cũng được nhưng kém một ngày thì cặp hộ pháp lại xin mời về nhiệm sở cũ, tối ngày lái xe vận tải mệt thấy mẹ!

Nhiệm sở hiện tại của chúng là chuyên viên đấm đá. Cựu võ sĩ hạng nặng, chúng được cậu cả Sonny cất nhắc để thằng nào vay nợ lười trả góp, trễ hẹn là dượt như hồi còn mang găng dượt bao cát vậy. Nhờ cậu cất nhắc mà ngày giờ này vợ con no đủ, khỏi phải vác xác lên đài cho chúng đập dài dài nên công ơn để đâu cho hết? Có việc sai đi là vô cùng hể hả, đấm đúng, đấm đàng hoàng lắm!

Hai cậu con ông cháu cha đụng cặp hung thần quả thực là xui. Coi, đang bực bội vì em không chịu đi còn giễu... nhè vừa bước ra khỏi quán lại có thằng ranh con chọc quê! "Ô hay, đẹp trai vậy mà bị mấy em đá hả" thì cậu Jerry, cậu Kevin cùng lồng lộn lên. Phải xông lại đập cho hả giận, nhất là thằng ranh con mặt lưỡi cày vừa sủa bậy trông ngon ăn quá.

Nó có một mình thì nó nát xương. Hai cậu bèn chia hai bên, cười hề hề xích tới. Thằng câu cổ, thằng dang thẳng cánh... nhưng chưa đập được một cú đã hết hồn vi bị hai thằng to con quá đứng phía sau, nắm ót, hết cục cựa. Đàn anh Paulie xỏ đồ nghề vô tay mặt, biểu diễn quả đấm đồng trang bị mấy hàng gai 2 ly cho cậu Jerry coi chơi. Mỗi tuần nó đến võ đường dượt 3 lần, đập có thằng giữ thì còn gì là mặt mũi? Chát... chát... chát... là xong phần mặt. Thằng hộ pháp bèn xốc bổng lên, chìa bụng cậu Jerry ra cho đàn anh vung tay quạt. Bịch... bịch... Nó buông ra là cậu nằm một đống, trước sau vừa vặn 6 giây.

Hai đứa quay sang cậu Kevin. Khốn nạn, vuột chạy không nổi mà hả họng la thì cánh tay hộ pháp đằng sau xiết cứng quá.

Paulie tà tà leo lên chiếcChevy mở máy ngồi ngó, để mặc chú nhỏ cho hai ông hộ pháp quần đích đáng, quần "pát xê" nhau kiểu đánh banh. Phải công nhận hai thằng này chơi tỉnh, chơi đẹp. Không túi bụi, ào ào mà buông từng cú đích đáng, có nơi có chỗ đàng hoàng... không đi đâu mà vội! Tụi nó đâu có đấm bằng tay? Quạng là quạng bằng cả sức người lao theo nên bung ra một đòn là có thịt rách và xương gãy, đứng ngoàiNghe cũng thấy.

Cỡ năm bảy giây sau thì Kevin được buông tha. Nằm nhũn ra, mặt mũi bầy hầy. Cậu Jerry ngất ngư, cố lóp ngóp bò bốn chân bèn được một thằng câu cổ lên. Nó vặn tréo tay và giộng một đá đúng gốc xương sống thế nào mà cu cậu hộc một phát như đánh thức hàng phố vậy. Có ánh đèn thật!

Hai thằng bảo nhau lẹ tay. Một thằng cưỡi lưng, mỗi tay xoắn một bên tóc để nâng bản mặt cậu lên, chìa ra cho đồng nghiệp dượt hai tay, chơi chày máy. Một hai... ba bốn... Nếu đàn anh Paulie không sủa "Đủ rồi... Biến tụi mày..." có lẽ nó "đếm" đến sáng chắc? Cửa xe mở sẵn, hai ông hộ pháp chỉ việc nhào lên và Paulie nhận lút ga xăng là chiếcChevy lồng lên, biến mất hút.

Lúc bấy giờ mới có bóng người dám ló ra trước cửa quán. Tụi nó chơi thấy ghê, chớ có dây dưa vào! Có thằng nào sắc mắc ghi số xe cũng chỉ mất công! Bảng số xe láo, xe ăn cắp và đất Nữu-Ước này cứ kểChevy đen thì có khoảng một trăm ngàn chiếc chớ đâu ít?

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 2

Sáng thứ Năm,Hagenphải tới văn phòng thanh toán bằng hết công việc để dành trọn thì giờ chuẩn bị tiếp đón Sollozzo. Đây là một công việc sinh tử, bằng không hắn đã chẳng đề nghị triệu tập "Hội nghị gia đình" để tính toán kỹ đề nghị mà đối phương sắp sửa đưa ra. Với týp Sollozzo chẳng thể khinh xuất.

Vụ điều đình cho thằng Johnny thất bại không làm Ông Trùm ngạc nhiên chút nào. Chiều thứ Ba vừa ởHollywoodvề tới nhà, ổng bắtHagenkể lại đầu đuôi câu chuyện tiếp xúc với lão Woltz, không bỏ sót chi tiết nào. Nghe chuyện con bé 12 tuổi, ổng cau mặt chê: "Bẩn thỉu quá" rồi đột ngột hỏiHagen: "...nhưng theo ý mi nhận xét... lão ta có tư cách không, có dám chơi không?"

Sống với Bố Già bao nhiêu năm,Hagenđâu lạ gì ngôn ngữ đặc biệt của Ông Trùm Corleone, cũng như tiêu chuẩn đánh giá người rất đặc biệt của Ông Già này. Những danh từtư cách... dám chơi chẳng hiểu theo nghĩa thông thường. Mà phải hiểu theo nghĩa "giang hồ" là: liệu hắn có phải là người dám gồng mình chịu, dám liều hy sinh bất cứ cái gì một khi danh dự bị đụng chạm, thể diện bị tổn thương? Nghĩa là liệu hắn có dám ăn thua đủ, tới đâu thì tới chỉ vì bị thằng con nít Johnny hạ nhục, do đó phải rửa nhục với bất cứ giá nào?

Hagenmỉm cười: "Chắc bác muốn hỏi... lão có dám chơinhư mình , chơi như dânSicilychính cống... phải không?"

Ông Trùm hể hả gật đầu. Cái thằng thông minh, biết đoán ý, biết chuyện đấy chớ? "Nếu vậy thì.. thưa bácKhông ".

Bố Già chỉ cần biết có vậy. Kể như xong rồi. Một giải pháp sẽ nảy ra, sau một ngày suy tính, cân nhắc. Quả nhiên chiều thứ Tư ổng đã gọi tới, cho chỉ thị rành rẽ để cứ thế mà thi hành. Chỉ thị đóHagentiếp nhận và phải mất nửa ngày mới phân phối xong nhưng phục lăn Bố Già, phục sát đất!

Chẳng phải suy tính gì hết,Hagenbiết chắc rằng chơi như vậy chơi kiểu đó... thì ông nội lão Jack Woltz cũng phải đầu hàng. Lão không còn cách nào hơn là ô kê lẹ lẹ và kết quả sẽ cho thấy ngay nội buổi sáng hôm sau. Nghĩa là lão sẽ phải phôn tới... mời ông Johnny Fontane tới ký giao kèo đóng phim!

Có phôn thật. Nhưng người kêu tới là Bonasera. Lão chủ nhà giàu cảm ơn rối rít và nhờ thưa lại Ông Trùm là hắn ghi ơn đến muôn đời và chừng nào có việc cần tới chỉ việc một cú phôn là lão sẵn sàng đáp ứng.

Lật tờDaily News ra quả nhiên thấy hình hai cậu Jerry Wagner và Kevin Moonan nằm nguyên hai trang giữa. Ghê tớm quá, hai đống thịt nằm lù lù chẳng còn hình thù người ngợm. Người nát ngướu ra như vậy mà còn thoi thóp sống được thì nạn nhân phải mạnh sức lắm và có phúc lắm. Điệu này thì không đến nỗi chết đâu nhưng nằm nhà thương cả mấy tháng chắc chắn và còn phải nhờ giải phẩu chỉnh hình vá víu nhiều chỗ.

Hagenbèn ghi sổ tay. Nhớ phải biểu Clemenza cất nhắc chút đỉnh cho đàn em Paulie Gatto. Nó làm ăn coi được. Ba giờ liền sau đó hắn cắm cúi thanh toán cho xong cả đống hồ sơ, báo cáo chi thu của các cơ sở làm ăn trong nhà: Công ty địa ốc, hãng nhập cảng dầu ăn, hãng thầu kiến trúc... Cơ sở nào hiện cũng chỉ kiếm chác chút đỉnh nhưng hết chiến tranh là phải hết!

Mãi loay hoay với những con số,Hagenquên béng vụ Johnny. Mãi đến lúc con nhỏ thư ký cho hay điện thoạiHollywoodkêu, hắn mới hồi hộp nhắc phôn lên: "Hagennghe đây"

Giọng trong tê-lê-phôn hối hả, giận dữ làm sao! Chẳng nhận ra tiếng ai... nhưng còn ai ngoài lão? Jack Woltz gầm lên: "Bọn chó đẻ khốn nạn! Ông tống cha chúng mày vào tù hết, cho chúng mày rũ tù cả đám. Ông chơi chúng mày xả láng, chơi hết nghiệp ông cũng chơi! Thằng Johnny Fontane ông sẽ thiến nó, nhớ vậy quân chó đẻ...."

Hagentỉnh bơ: "Coi, tôi có cha có mẹ đàng hoàng". Tiếng cúp máy giận dữ. Lão Woltz này hay thực... Vẫn còn biết né, vẫn không dám nhắc đến cái tên Vito Corleone!

oOo

Jack Woltz quen lệ ngủ một mình từ 10 năm nay, từ ngày bà vợ từ trần. Cái giường 10 người nằm cũng vừa và phòng ngủ thì đặt máy quay phim còn rộng nhưng chỉ có độc một mình lão. Đâu phải chê đàn bà? Xài nhiều là khác... nhưng ở chỗ khác, giờ khác. Không chơi cái lối ấp hơi suốt đêm cho phí sức. Một vài giờ buổi chập tối là quá đủ... mà phải là thứ gái non, gái rất non mới gợi hứng.

Sáng thứ Năm, không hiểu sao lão thức giấc sớm hơn thường lệ. Cả một căn phòng mênh mông như còn phảng phất hơi sương. In hình ở cuối giường một dáng dấp quen thuộc quá? Vội chống cùi chỏ ngồi lên chú mục nhìn. Thì ra một cái đầu ngựa! Còn ngái ngủ, tay lão quờ quạng bật đèn.

Ôi chao ánh đèn nháng lên cho thấy rõ mồn một và Woltz chết lặng người, như vừa lãnh một cú búa bổ vào đúng giữa ngực, tim nhảy loạn xạ và cứ thế mà nôn oẹ.

Coi, conKhartoum! Nhưng chỉ có một cái đầu của nó, một cái đầu đồ sộ lông đen láng. Cái đầu ngựa đứng sững trên vũng máu đặc, mấy sợi gân trắng lòi lòng thòng. Hai lỗ mũi bự còn đóng hơi sương và cặp mắt tròn xoe như hai trái táo lồ lộ tinh anh bây giờ rõ ra nguyên cặp mắt chết, lờ lờ sọng máu.

Sợ choáng người, sợ điếng hồn... lão réo gọi đầy tớ om sòm đoạn vớ tê-lê-phôn chửiHagenầm ĩ. Lão quản gia cuống quít cho gọi bác sĩ, gọi cả ông phó nhưng may quá họ chưa tới ông chủ đã gượng dậy được.

Ôi, cú cắt đầu ngựa này nặng quá, độc quá! Một con ngựa thì có tội tình gì... mà 600 ngàn đô la đâu phải ít... chúng nỡ lòng xuống tay cái rụp. Khỏi cảnh cáo, khỏi nói qua nói lại! Thế này thì còn pháp luật gì, còn trời đất gì... và còn cái gì ngăn cản được chúng nữa, trời! Vậy là chúng dư sức chơi, chúng sẵn sàng chơi và chúng chẳng coi an ninh chung, thám tử riêng ra quái gì?

Muốn cúp cổ conKhartoumđâu phải dễ! Phải có tay trong, phải có người gài sẵn mới có thể ngấm ngầm đầu độc con vật rồi thản nhiên chặt phập cho đầu rời khỏi cổ. Và tà tà xách lên, đặt nhẹ ở cuối giường ông chủ! Mấy thằng canh gác đêm dám khai không nghe thấy gì hết! Còn lâu! Chúng mày không câm thì chúng mày sẽ phải nói, phải khai bằng hết những thằng nào mua đứt chúng mày chơi tao một cú như thế này.

Một người như Woltz mà dại sao? Lão biết Vito Corleone mạnh lắm, mạnh ghê gớm... Nhưng thế lực như lão mà đành chịu thua sao? Giang sơn của lão mà chúng dám giở trò sao, dám ngồi lên đầu lão chắc? Quả thực óc tự tôn, tính tự cao tự đại đã hại Jack Woltz phen này! Chỉ cần xáng một búa cái rụp là có thế lực váng trời cũng phải mở mắt.

Vito Corleone chơi cú này quá rõ rồi. Ra điều bảo thẳng vào mặt lão rằng... mày cỡ lớn thật, mày thế lực thật, mày có Cố vấn Tổng Thống và bồ bịch ông Tổng FBI thì thằng lái buôn dầu ăn gốc Ý hạng bét này muốn lấy mạng lúc nào là mày phải chết lúc ấy. Nếu tao muốn thì mày phải chết!

Điệu này thì chết thực chớ còn mơ hồ gì? Mạng mình kể như nó nắm. Nhưng nó dám lấy mạng mình chỉ vì mình không cho thằng Johnny đóng phim thì trời đất ơi, láo quá! Ai cho phép nó chơi ngang vậy? Có thứ thế giới nào chấp nhận thứ quyền sinh sát láo đến vậy? Thôi đến thế là hết! Mình có tiền, mình có công ty, mình có toàn quyền ra lệnh. Vậy mà mình không được làm theo ý mình! Phải tuân lệnh của nó? Mười lần độc hơn Cộng Sản! Vậy phải chơi lại, đập nát chúng nó. Không thể chấp nhận được!

Bác sĩ ép Woltz uống ít thuốc an thần. Để lão dằn bớt cơn xúc động và suy nghĩ hợp lý hơn. Cái làm lão ngán hơn cả là thằng khốn kiếp Corleone đã khơi khơi ra lệnh cúp cổ một con ngựa đua cả thế giới biết tiếng và trị giá đến 600 ngàn đô la. Ấy là mới sơ sơ dằn mặt đấy. Lão rùng mình... Lão nghĩ giàu sang thế lực như mình thì đàn bà đẹp muốn bao nhiêu chẳng có? Ngoắc tay một phát, chìa tấm thẻ giao kèo ra là xong. Chơi với vua chúa không! Có tiền và biết hưởng thụ đến như lão quả là sung sướng nhất trần gian! Bây giờ mà lăn cổ ra chết thì hết chơi, hết hưởng thụ. Mà rút cuộc mất mạng chỉ vì một đứa con gái thì uổng quá, lão nghĩ thế. Hay là "chơi" thằng Corleone? Có chơi nó cũng chẳng được, chẳng bõ! Ôi, cái tội giết ngựa, dù ngựa đua vô địch 600 ngàn đô la thì trước pháp luật quả thật nhẹ hều! Cũng chỉ là một mạng... ngựa!

Nghĩ đến đó Woltz cười sằng sặc, cười như điên. Cái vụ này mà lọt ra ngoài thì thiên hạ cười lão đến thối đầu, dânCaliforniachắc chắn kháo nhau bằng thích. Chịu sao nổi? Vả lại xét cho cùng thì chúng có thể chơi mình thực, chúng thừa sức mà? Thôi, tốt hơn là lo giải quyết êm đẹp cho xong!

Jack Woltz bèn tỉnh táo ra lệnh cho bộ tham mưu thi hành, thi hành cấp tốc. Mấy thằng đầy tớ và cả ông bác sĩ nữa đều phải thề độc là không tiết lộ bí mật. Một thông cáo được gởi đi các báo cho hay ngựaKhartoumđắt nhất thế giới vừa từ giã cõi đời vì một chứng bệnh lạ chắc nhiễm phải trong khi chuyên chở từ Anh sang. Xác nó sẽ được chôn trong trang trại J.W.

Sáu giờ đồng hồ sau, kép Johnny Fontane bỗng nhận được cú phôn của ông giám đốc sản xuất mời sáng thứ hai tuần tớiphải có mặt ở phim trường để nhận "rôn".

oOo

Ngay chiều tốiHagensang nhà Ông Trùm họp "hội nghị gia đình". Có mặt cả Sonny. Thấy nó coi bộ mệt mỏi nâng ly đá lạnh lên uống,Hagenchán quá. Chắc nó vẫn đi líp với con nhỏ phù dâu. Lại rắc rối nữa.

Ông Trùm ngả người ra ghế phô-tơi hút xì gàDi Nobili . Thứ này hút ra gì,Hagenđề nghị ổng đổi guHavananhưng Bố Già hút thử chê gắt cổ, chê ho. Đành để nguyên hộpDi Nobili trong phòng.

- Mình đã có hết các chi tiết cần biết chưa?

Hagen "Dạ, có" rồi kéo hộc tủ, lấy ra hồ sơ Sollozzo. Gọi là hồ sơ nhưng thực sự chẳng có biên chép, dấu vết gì đáng ngại. Chỉ giản dị mấy chữ tắt vô hại để ghi nhớ mấy điều quan trọng cho khỏi quên,Hagencoi qua rồi lên tiếng:

- Sollozzo có chuyện nhờ vả gia đình mình. Nó đề nghị mình chung vốn cỡ 1 triệu đô trở lên và đảm bảo an ninh. Do đó mình sẽ có phần chia, chưa biết bao nhiêu. Đằng sau Sollozzo có gia đình Tattaglia, cũng ăn chia một phần.

Vấn đề nó đề nghị là ma túy. Nó đã nắm gốc sản xuất là mấy nhà vườn trồng thẩu bên Thổ-Nhĩ-Kỳ. Chuyên chở từ gốc sangSicilykhông thành vấn đề. ỞSicily, Sollozzo có lò biến chế nhựa thẩu thành "mọt-phin" và nếu cần, cất luôn thành bạch phiến.Camđoan đến đây vẫn chẳng có gì trở ngại. Cái khó là mang "hàng" vào nội địa Mỹ quốc và phân phối. Và tiền bạc bỏ ra cũng là vấn đề vì xét ra một triệu đô la thời buổi này chẳng phải quơ đâu cũng có!

Hagenkhẽ liếc thấy Bố Già nhăn mặt. Ổng ghét cái lối văn chương chủ nghĩa vớ vẩn trong việc làm ăn lắm.

- ... Sollozzo có ngoại hiệu "dân Thổ" vì hai lý do. Một là nó ở bển lâu năm, nghe nói có vợ Thổ-Nhĩ-Kỳ và mấy mặt con.Hai là nó chơi dao rất chì, ít nhất cũng có một thời tung hoành bằng dao... nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi nghề nghiệp, khi không thể xài biện pháp gì khác. Rất có khả năng, không làm cho ai, dưới quyền ai. Có hai tiền án: một ở Ý, một ở Mỹ. Ai cũng biết về ma túy nó là gốc bự. Mình có lợi ở điểm này, xét vì nó chẳng thể "bán đứng" nổi, nó có tố cáo cũng chẳng ai nghe. Có vợ Mỹ, 3 con nuôi nấng tử tế. Nó chưa đứng ra làm. Nó chỉ làm khi sơ sẩy vợ con nó đảm bảo ấm nó.

Ông Trùm vừa kéo khói xì gà vừa hỏi:

- Santino, mi nghĩ sao về vụ này?

Thằng Sonny nghĩ sao... thìHagenbiết từ khuya. Xưa nay cứ phải núp bóng Bố Già hoài. Nó vẫn muốn có một cái gì để làm xếp... thì vụ này nó chịu quá còn gì! Trước khi trả lời, nó làm một hơi Whisky.

- Cái chất bột trắng này ra tiền. Song cũng nguy hiểm không vừa. Dính là dám hai mươi năm như chơi! Theo con nghĩ nếu mình không phải bắt tay vô mà chỉ xuất vốn và đứng bên lề vận động, chạy chọt là một ý kiến hay.

Thằng này khôn!... Những điều nó nói toàn sự thực ai cũng biết.Hagenthấy Sonny khoái vụ này rõ. Mà nó nói đúng.

- Còn mi... mi nghĩ sao Tom?

Khó nói quá! Biết Bố Già thế nào cũng từ chối... không lẽ bây giờ nói "nên làm"? Xét raNên mới đúng. Đồng ý Bố Già xưa nay chưa hề có một quyết định sai lầm. Nhưng phải công nhận là lâu lâu ổng có vẻ... hơi lạc hậu, không viễn kiến chút nào!

- Mi nghĩ sao cứ thành thật nói ra,Consigliori mà? Một thằngConsigliori chính gốcSicilycũng bất đồng ý kiến với Ông Trùm là thường mà? Tom?

Ba người cùng cười hề hề.

- Theo ý cháu... bác nên ô-kê! Tại sao nên thì Bác biết rõ rồi. Cháu chỉ nhấn mạnh vụ lợi tức. Vì chẳng có ngành nào ngon ăn bằng ma túy. Mà mình không làm thì thằng khác làm, có thể bọn Tattaglia. Chúng sẽ nhảy vô liền. Lợi tức nhiều thì thế lực lớn, chúng sẽ tung tiền ra mua cớm, mua chính khứa. Chúng sẽ mạnh hơn mình, qua mặt mình. Chừng đó chúng sẽ ăn bớt... và dám nuốt sống mình luôn. Căn bản của luật mạnh, yếu là thế mà! Cho nên bây giờ mình còn thế mạnh mình còn nắm vững hai mục ngon nhất làsòng bạc vànghiệp đoàn . Nhưng so với lợi tức của ma túy thì chỉ là hạt bụi. Vậy ý cháu là mình phải nhào vô ăn có với chúng... Bằng không chúng đớp trọn và sau đó sẽ nuốt luôn mình. Cái nguy hiểm nằm ở chỗ đó. Chẳng phải bây giờ mà... 10 năm nữa kìa!

Ông Trùm ngồi yên lặng kéo khói nhưng quả thực quan tâm lâu lắm. "Đúng, đó là vấn đề quan trọng, tối quan trọng!... Mai mấy giờ thằng khốn tới đây?"

- Cháu đã hẹn nó 10 giờ sáng.

Hagenthấy có tia hy vọng. May ra Bố Già đổi ý không chừng. Ông đứng dậy và kéo tay Sonny. "Vậy sáng mai hai đứa mi cũng có mặt ở đây. Thằng Santino coi phờ phạc quá. Đêm nay mày ráng ngủ cái coi? Mày phải liệu đấy, có ai trẻ trung, mạnh khoẻ mãi mãi bao giờ"?

Thấy bữa nay được bố cưng, Sonny đánh bạo hỏi một câu mà chínhHagencũng muốn hỏi lắm mà không dám: "Bố à, bố quyết định sao về vụ này?". Ông Trùm mỉm cười:

- Coi, quyết định gì được... khi chưa biết tỷ lệ lợi tức, chưa rõ hết mọi chi tiết? Vả lại tao còn phải suy nghĩ về những ý kiến thằng Tom vừa đưa ra. Vội vàng, lớp chớp sao được mi?

Rồi thủng thỉnh đi ra cửa, Bố Già nhắc khéoHagen... "Hồ sơ, mi có ghi khoản này không Tom? Là hồi trước thế chiến thằng Sollozzo từng khai thác mãi dâm... cũng như gia đình Tattaglia hiện giờ. Nếu sơ sót nhớ bổ túc vô cho khỏi quên nghe?"

Ông chỉ nhẹ nhàng "nhắc cho khỏi quên" màHagenđỏ bừng mặt! Hắn đâu có quên? Hắn cố tình sơ sót. Cứ kể như "chẳng có gì quan trọng". Chẳng có gì quan trọng thực, nhưng với Bố Già thì khác. Xưa nay ổng tối kỵ những mụcbẩn thỉu . Để vô có khi chỉ vì chút xíu đó mà ổng gạch bỏ chương trình làm ăn thì sao?

Virgil Sollozzo tự Sollozzođường Thổ trông cứ như dân Thổ-Nhĩ-Kỳ thứ thiệt. Nước da nâu bánh mật, người tầm thước, to ngang, mũi khoằm khoặm đôi mắt thật đen và thật dữ. Trông nó có nét oai vệ thiệt tình.

Sonny ra cửa đón khách và hướng dẫn vô văn phòng, Ông Trùm vàHagenchờ sẵn. Chủ khách bắt tay nhau thân thiết. Cảm giác đầu tiên củaHagenlà thằng này rõ ràng có chất cô hồn, chỉ thua Luca Brasi chút đỉnh. Nếu Bố Già có hỏi thì phải công nhận ngay là Sollozzo thuộc týp "dám ăn dám chịu" và để lộ hẳn ra... coi còn ngon hơn, hùng hơn ổng là khác! Nhưng so sánh vậy đâu được vì ổng thuộc thế hệ già, bình dị hơn, nông dân hơn, ngay cái vụ tiếp khách cũng rõ ra một bố-già nhà quê.

Chưa thấy ai vô đề thẳng thừng như thằng Sollozzo. Nó xác nhận ngay là làm ăn ma túy. Cái gì cũng thu xếp xong, chu đáo cả rồi. Vườn thẩu Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo số lượng cung cấp hàng năm. Mang sang Pháp có lò chuyển thành mọt-phin an toàn và bênSicilycó cơ sở phụ trách chế biến tiếp thành bạch phiến tinh chất. Vấn đề kho "hàng", chuyển vận "hàng" khỏi phải đặt ra, trong khu vực này kể như líp.

Nhưng "hàng" làm sao chuyển sang đất Mỹ mới là khó. Cứ cho là trung bình hư hao 5% đi vì chẳng có cách nào "lo lót" FBI hết. Nhưng vẫn lời nhiều, lời vĩ đại... khỏi lỗ.

- ... Nếu vậy thì mấy ông cần đến bọn tôi làm gì? Bọn tôi có làm gì đáng để chia phần?

Sollozzo nghiêm trang giải thích:

- Dạ có chớ? Trước hết tôi cần vốn, cỡ hai triệu đô tiền mặt. Sau cần có một nhân vật thần thế, quen biết lớn. Mấy thằng em "đi hàng" tránh sao khỏi sơ sẩy? Tôi chọn toàn những thằng chưa hề có "phích", đảm bảo chưa hề cóphích - để lỡ có bị vồ thì ra toà, ông toàcủa mình còn có thẩm quyền và lý do để xử nhè nhẹ tay một chút. Mình sẽ vận động để thằng nào dính là 1 hay 2 năm thôi. Có đảm bảo vậy thì chúng mới câm. Chớ 10 năm, 20 năm thì chúng rét... chắc chắn sẽ khai tùm lum, đổ bể hết. Hư việc mà có thể dây dưa tới tận gốc. Do đó không bảo đảm từ ngọn là không xong. Về mặt pháp lý thì tôi nghe anh em giang hồ ca tụng Ông Trùm Corleone trong túi có nhiều ông toà.

Còn một sự "bốc" nào cao điệu hơn? Ông Trùm chẳng màng mà đặt vấn đề ngay bong: "Phần chia của bọn tôi... bao nhiêu phần trăm?"

Sollozzo đáp gấp "Năm mươi". Mắt nó sáng lên, tính toán rất ngọt rằng: "Năm mươi phần trăm thì nội năm đầu cũng 3 triệu, 4 triệu rồi. Còn vô nhiều, nhiều nữa!"

- ... Còn phần chia của cánh nhà Tattaglia?

- Cái đó tính phần tôi. Tôi cần phải có... yểm trợ về mặt làm ăn...

Nãy giờ mới thấy Sollozzo hơi lúng túng một chút. Biết vậy, Ông Trùm gạn hỏi lại:

- Nghĩa là bên tôi được chia 50%, nhờ chút vốn bỏ ra và lo bảo đảm pháp lý. Có vậy thôi, còn bao nhiêu việc khác khỏi lo tới, phải vậy không?

- Nếu 2 triệu đô la đối với Ông Trùm chỉ là "chút vốn bỏ ra" thì tôi xin ngỏ lời ngưỡng mộ!

- Bây giờ đến lượt tôi cho biết ý kiến... Sáng nay ông Sollozzo có mặt ở đây một phần vì chỗ giao hảo giữa bọn tôi và gia đình Tattaglia và một phần vì tôi cũng nghe nói ông là người làm ăn đứng đắn, đàng hoàng. Đề nghị của ông tôi phải từ chối nên phải giải thích cho đôi bên thông cảm chớ? Đồng ý là vụ đó lời vô số kể... nhưng nguy hiểm cũng khó lường. Nếu tôi đi chung với ông được mặt này thì hỏng nhiều mặt khác. Tôi có nhiều anh em quen biết trong giới thẩm quyền thực... nhưng nếu tôi đụng đến ma túy thì hết anh em. Mở sòng bạc được, bất quá tệ hơn nấu rượu một chút, họ sẵn sàng che chở. Ma túy thì không. Nếu họ không che chở thì dính vô địa hạt ma túyđối với bọn tôi thật lợi bất cập hại, do đó không thể làm ăn chung với ông được, chắc ông thông cảm? Mười năm nay người nhà tôi lớn nhỏ làm ăn suông sẻ, trót lọt... Không thể vì một mối lợi mà bắt anh em mạo hiểm.

Nếu cặp mắt nó không loáng nhoáng nhìn hết Sonny rồi Hagen để có ý chờ "đồng minh" lên tiếng nói đỡ giùm thì chẳng có ai có thể hiểu là Sollozzo thất vọng! Nó thủng thỉnh hỏi:

- Ông Trùm không sợ mất hai triệu vốn bỏ ra chớ?

- Không, hoàn toàn không!

- Bề nào cũng còn gia đình Tattaglia bảo đảm nữa!

Đúng lúc ấy Sonny bỗng chen vô một câu. Một lỗi quá trầm trọng. Nói leo đã bậy mà mù tịt không biết gì cũng đòi nói thì chẳng tha thứ nổi. Nó xớn xác hỏi:

- Bộ bọn Tattaglia bảo đảm số vốn bên tôi bỏ ra mà không đòi chia chác gì sao?

Nó buông có mỗi một câu đó mà Hagen hoảng hồn. Ông Trùm chỉ lạnh lùng đưa mắt nhìn thằng con cả, không nói không rằng làm cu cậu chỉ choáng cả người, sợ co vòi nhưng chẳng hiểu ất giáp gì nên cứ ngồi ngay mặt.

Rõ ràng cặp mắt Sollozzo bỗng nháng lên, hoan hỉ. Nó đã chớp ra được một kẽ hở tối yếu của gia đình Corleone. Nó không nói nhưng Ông Trùm biết. Bèn mắng át đi:

- Mấy thằng nhỏ bây giờ... cứ thấy lợi mà ham. Nói bừa nói leo, hết tôn ti trật tự! Cũng tại cưng chiều quá đâm hư hết! Xin ông Sollozzo hiểu cho... tôi buộc lòng phải từ chối làm ông buồn. Nhưng riêng tôi, xin có lời chúc ông được làm ăn phát đạt. Mình vẫn cứ thân thiện vì mỗi người mỗi ngành đâu có dẫm chân nhau?

Sollozzo đứng lên, cúi đầu bắt tay từ giã và theo Hagen đi ra. Mặt nó tỉnh bơ

Hagen vừa trở lại. Ông Trùm hỏi ngay: "Mi thấy nó thế nào?"

- Nó Sicily chính cống!

Ông Trùm gật đầu ngồi suy nghĩ một hơi trước khi quay sang cho thằng con cả một bài học:

- Mày nhớ nghe Santino! Chớ có để cho người khác thấy được đầu óc mày. Tay chân mày có cái gì cũng không nữa! Có lẽ ít lâu nay mày mải đóng trò mùi mẫn với con nhỏ đó nên đầu óc mày yếu xèo chắc? Bỏ đi. Lo làm ăn đi! Bây giờ cút đi đâu thì cút cho khuất mắt tao.

Bị bố la, Sonny ngớ mặt ra một lúc rồi ấm ức. Bộ nó tưởng nó cặp con nhỏ cách vậy mà qua mặt nổi Bố Già? Nó ngu đến nỗi không biết là vừa hỏi ngớ ngẩn một câu mà tai hại vô vàn cho cả gia đình? Ôi, một thằng ngu như vậy thì có nó một bên chỉ có hại, hại vô phương cứu gỡ!

Đợi cho nó cút khỏi Bố Già mới chán nản gieo mình xuống ghế phô tơi, đưa tay ngoắc Hagen. Biết điệu, hắn pha gấp một lyanisette bưng lại, Ông Trùm ngước lên dặn:

- Mi kiếm Luca Brasi cho tao gấp.

oOo

Ba tháng sau, lễ Giáng sinh gần kề nên ngồi ở văn phòng Hagen mở hết tốc lực, làm mau mau cho hết việc để chiều nay ra về sớm một chút mua tí quà cho vợ con. Đang bận bù đầu thì thằng Johnny Fontane còn phôn sang, khoe nhắng lên là cuốn phim đang quay cừ lắm, nhiều trò xôm lắm. Nó khoe luôn đã mua biếu Bố Già một món quà Giáng sinh kinh khủng lắm, cam đoan ngó thấy dám lé liền. Nó sẽ đích thân đưa tận tay Bố Già nhưng phải đợi làm xong hết mấy vụ lặt vặt đã.

Nghe Johnny đía tùm lum hắn mấy lần toan cúp máy nhưng lại thôi. Thằng này có khoa tán tỉnh hay sao mà đang nóng lòng cũng cứ "chuyện dứt không ra?" Nó lại còn làm Hagen nôn nóng muốn biết món quà gì, hỏi nó để nó ấm a ấm ớ là "Bí mật... vô cùng bí mật" nữa! Chán quá, Hagen bèn kiếm cách cúp.

Cỡ 10 phút sau, Connie gọi tới. Con nhỏ này hồi còn ở nhà dễ thương bao nhiêu thì đi lấy chồng nhiều chuyện bấy nhiêu. Cứ than phiền chuyện chồng con hoài. Hai ba ngày lại bò về nhà một lần.

Mà chồng nó, thằng Carlo Rizzi xem ra cũng vô tài, bất đức và vô duyên. Có một cơ sở mần ăn ranh con, con nít làm cũng được, giao cho nó để kiếm cơm ăn hàng ngày nó cũng điều khiển không xong. Lỗ mới tức cười chớ?

Đã thế nó còn nhậu nhẹt, đánh bạc và chơi điếm tùm lum. Lâu lâu về đập vợ một mách ra gì! Con nhỏ cũng đâu dám mách ai, bất cứ ai về vụ chồng hành hạ? Chỉ có một mình anh Tom là nó dám thở than. Cũng may là hôm nay nó không phôn lại để khóc lóc hay mách anh Tom điều gì... mà chỉ hỏi ý kiến nên mua thứ quà gì để mừng bố, mừng 3 ông anh. Quà của mẹ thì nó có ý kiến rồi! Tom đề nghị món nào nó cũng gạt đi nên sau cùng bực quá Tom phải la lên nó mới chịu cúp máy.

Hagen nhất định mặc áo ra về, chuông điện thoại cũng không nghe nữa nhưng khi con thư ký cho hay cậu Michael phôn tới thì hắn lại vui vẻ, hoan hỉ nhấc máy lên.

- Tom hả? Ngày mai, Kay và tao tính về Nữu-Ước. Có chuyện muốn nói ông già... trước ngày Giáng sinh. Liệu tối mai ổng có nhà hay đi đâu?

- Coi, suya là có ổng! Có đi đâu cũng phải về sau ngày lễ chớ? Có chuyện gì đó? Nhờ vả gì tao không?

- Không! Tụi mình ngày lễ sẽ gặp nhau. Cả nhà về Long Beach chớ?

Nghe hắn "Ừ" là thằng Michael cúp máy liền. Hagen xưa nay chịu nó ở khoản ít lời, đàn ông khỏi có nói vớ vẩn. Nó kín tiếng in hệt Bố Già.

Trước khi ra về Hagen dặn cô thư ký phôn về nhà cho vợ hắn hay sẽ về trễ nhưng vẫn ăn cơm nhà. Ra khỏi bin-đinh là chăm chú đi tới nhà hàng bách hoáMacy . Bỗng nhiên có kẻ chận đường và kẻ đó lại là Sollozzo!

Nó nắm cứng tay Hagen khẽ nói: "Tôi có chút chuyện với ông bạn. Khỏi sợ hoảng".

Hất tay nó ra, hắn chẳng thấy sợ mà chỉ bực mình "Tôi mắc bận". Có hai thằng cô hồn lù lù đằng sau làm Hagen hơi hoảng, đầu gối đã thấy yếu. Nhưng Sollozzo vẫn nhỏ nhẹ: "Lên xe đi! Nếu tôi muốn chơi thì ông bạn đâu còn sống được nữa? Phải không?"

Hagen đành lên xe vậy.

oOo

Cú phôn vừa rồi Michael cố tình bịp Hagen. Sự thực hắn đã về Nữu-Ước rồi, đang ở phòng đằng lữ quán Pennsylvania, cách có 10 dãy nhà. Buông phôn xuống là được em Kay khen ngay: "Nói dóc hay quá"

Michael xề xuống giường cạnh nàng: "Tại em hết! Nói về rồi thì phải về nhà, bỏ em ở đây cho ai? Ở đây mình tự do đi ăn cơm, đi coi hát và về ngủ với nhau. Chớ ở nhà là kỵ! Chưa cưới là khỏi ngủ chung nghe!"

Michael ôm hôn em bé, nghe môi Kay ngọt lịm là dằn ra giữa giường. Mắt Kay nhắm lại, sẵn sàng chấp nhận ái ân và Michael cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Bao nhiêu năm đánh nhau tơi bời, đánh rùng rợn trên mấy hòn đảo Thái bình dương chỉ mơ ước một hình bóng mỹ nhân, một người đàn bà như thế này đây. Mình dây, da mềm mại và đụng yêu là bốc lửa.

Kay mở mắt ra, chớp chớp và ôm đầu chàng kéo xuống hôn mùi mẫn. Họ ôm cứng lấy nhau và yêu nhau cho đến lúc phải đi ăn cơm, coi hát. Ở nhà hàng ra, hai đứa đi ngang qua khu cửa tiệm sáng trưng, đầy quà Giáng sinh. Michael âu yếm hỏi:

- Nào, em khoái cái gì để anh mua tặng nào?

- Mình anh đủ rồi! Anh... anh liệu ông già có chịu em không?

- Cái đó thực không ngại... Ngại phía ông già bà già em kìa!

- Em khỏi cần.

Michael nói nửa đùa, nửa thực:

- Ngay cái tên họ anh lắm lúc anh cũng muốn đổi phức. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại nếu có chuyện gì xảy ra thì có đổi cũng chẳng có nghĩa lý gì. Nên mới thôi đấy. Còn em nhất định muốn nhập họ Corleone thật sao?

Kay nói "nhất định" rất đứng đắn. Hai đứa đi sát vào nhau, bàn vụ đám cưới ngay trong tuần Giáng sinh. Ra Toà Đốc lý làm thủ tục có hai đứa bạn làm chứng đủ rồi... nhưng dù sao cũng phải cho ông già hay. Michael cam đoan cái gì ổng cũng ô-kê hết, miễn đừng có lén lút. Kay không tin. Nàng đề nghị cưới đã rồi cho ông già bà già biết sau. "Thế nào ông cụ bà cụ chẳng cho là có bầu?"

Có một điều cả hai cùng không đá động tới là lấy vợ kiểu này Michael đành phải cắt đứt mọi liên lạc gia đình. Như thế này cũng đã cúp phần nào còn gì? Hai đứa cùng không muốn. Họ bàn nhau hai đứa chỉ làm vợ chồng thứ Bảy, Chúa nhật và mấy tháng nghỉ hè thôi để học cho xong Đại Học. Thế cũng sướng chán!

Vô coi hát, tuồng ca nhạc kịchCarousel có gã ăn trộm mồm mép tía lia làm hai đứa nhìn nhau cười ngất. Chừng ở rạp hát ra trời khuya lạnh quá, Kay nũng nịu bá vai bá cổ chàng "Coi, bọn mình cưới nhau rồi... anh dám đập em và chạy theo một con đào hát lắm! Dám không?"

Michael cười: "Lấy nhau xong anh sẽ đi dạy học, dạy Toán! Nhưng bây giờ em đói chưa? Đi ăn một cái gì đi?"

Kay ngó chàng lắc đầu. Điệu này con nhỏ chẳng thiết cái gì... ngoài cái vụ đó! Biết ý, Michael cười, thưởng một cái hôn. Thôi cứ về phòng, có đói kêu săng-uých lên cũng được.

Về tới lữ quán, Michael đẩy Kay đi tới sạp báo mua ít tờ lên coi, chàng đi lấy chìa khoá phòng. Đợi lấy được cái chìa khoá xong chưa thấy Kay trở lại. Coi, con nhỏ làm gì lạ không kìa? Trước sạp báo cứ đứng sừng sững người ra như trời trồng để đọc cái quái gì không biết? Michael chạy lại thì nó chìa tờ báo ra, mặt đầm đìa nước mắt: "Coi, anh coi này?"

Michael vội cầm tờ báo. Hắn tối mắt tối mũi vì tấm hình Bố Già nằm gục lề đường, phía dưới đầu là vũng máu lênh láng. Có thằng nào ngồi kế bên bụm mặt khóc như con nít. Thằng Fred, anh hắn chớ còn ai? Michael có cảm giác vụt biến thành cây nước đá lạnh. Không cuống quít sợ hãi, không thương xót... mà chỉ căm thù. Chỉ hận đến tái tê người.

Hắn phải đỡ Kay vô thang máy, lên phòng. Không nói không rằng Michael ngồi xuống giường mở rộng tờ báo ra coi. Mấy hàng tít bự như đập vào mặt hắn:

"Xếp sòng Vito Corleone bị ám sát, thương tích cực kỳ trầm trọng. Đang phải chịu giải phẫu gắp đạn. Cảnh sát canh chừng cẩn mật. Dám đổ máu lớn trong giới giang hồ".

Lúc bấy giờ Michael mới thấy mệt! Hắn bảo Kay: "Chưa, bọn chúng chưa hạ nổi ổng". Theo tin các báo thì Bố Già bị chúng rình chơi vào đúng 5 giờ chiều, đúng vào lúc Michael đang ôm ấp nàng, hai đứa cặp kè nhau bát phố, coi hát, ăn cơm. Coi, giữa lúc bố bị bắn gần chết thì thằng con... vậy đó! Michael hối hận, cảm thấy tội lỗi đầy người!

Kay đề nghị: "Bây giờ tụi mình đến nhà thương nghe?"

Michael lắc đầu: "Không, để anh phôn về nhà cái đã! Mấy thằng làm vụ này điên đầu. Nghe tin ổng thoát chết là tụi nó rét lắm lắm. Biết đâu tụi nó không liều mạng làm tới nữa?"

Ở Long Beach nhà có hai số phôn mà gọi hoài không được. Phải 20 phút sau, mới có tiếng Sonny ở đầu dây. Nhận ra Michael, hắn mừng quá:

- Coi, mày đấy hả? Trời đất ơi, cả nhà đang lo! Mày ở đâu đấy? Tao có sai mấy đứa cấp tốc đi kiếm mày tùm lum.

- Ông già bịnh tình sao? Nặng lắm không?

- Nặng lắm chớ? 5 cú liền mà... nhưng ổng không chịu thua chúng. Ổng không chết, bác sĩ bảo vậy! Tao còn bận lắm, cúp nghe? Mày đang ở đâu?

- Ở Nữu-Ước. Bộ thằng Tom không nói lại sao?

Giọng Sonny hạ thấp hẳn:

- Tom bị tụi nó vồ chưa có tin gì cả nên cả nhà mới lo cho mày chớ? Vợ nó ở đây này nhưng chẳng biết gì hết, Cảnh sát cũng vậy. Càng hay! Bọn chúng làm cú này điên đầu hết cả! Vậy mày mau bò về nhà gấp, chớ có hó hé gì hết, nhớ chưa?

- Ô-kê! Mà bọn nào làm biết chưa?

- Dĩ nhiên biết. Đợi tin Luca Brasi coi sao... rồi chúng nó có chạy lên trời! Người của mình nhiều quá mà?

- Rồi, cỡ 1 giờ nữa tôi sẽ về nhà. Đi tắc-xi...

Michael gác máy lên suy nghĩ. Vụ này báo đăng ít ra cũng 3 giờ rồi, ra-đi-ô, ti-vi thế nào chẳng loan tin? Thằng Luca Brasi không thể không biết... vậy sao chưa có tin gì về nó? Nó ở đâu? Tại sao chưa thấy nó?

Những câu hỏi làm cho Michael thắc mắc. Đúng lúc ấy Hagen cũng thắc mắc in hệt. Và ở tuốt bên Long Island, cậu cả Sonny Corleone cũng đang điên đầu chỉ vì tại sao không nghe tung tích, không thấy tăm hơi Luca Brasi kìa?

oOo

Chiều hôm ấy, cỡ 5 giờ thiếu 15 là Ông Trùm coi xong mớ sổ sách lão quản lý công ty nhập cảnh dầu ăn đệ trình. Mặc áo vô, ổng khõ đầu thằng Fred đang chúi mũi đọc báo: "Mi bảo thằng Paulie đánh xe ra sẵn. Cỡ vài phút nữa bố con mình về".

Thằng Fred càu nhàu: "Con xuống... chớ thằng Paulie từ sáng có đi làm đâu? Nó phôn tới kêu đau, xin nghỉ mà? Lại đau nữa!"

Ông Trùm lắc đầu suy nghĩ: "Coi, tháng này nó xin nghỉ, nó bịnh tới ba lần rồi. Mi lo kiếm thằng khác thế đi. Đừng có mai ốm, mai đau phiền lắm. Bảo thằng Tom nghe?"

Fred không chịu. Nó nói ngay: "Khỏi, bố à! Thằng Paulie nó đàng hoàng. Nó nói ốm là ốm thiệt. Để con lái xe đưa bố cũng được mà?"

Nó nói là đi liền. Đứng cửa số, Ông Trùm thấy bóng Fred tất tả băng ngang đại lộ số 9, sang chỗ để xe. Quay vô gọi điện thoại cho văn phòng Hagen không được, gọi về nhà cũng không được. Bực bội ngó ra cửa sổ đã thấy chiếcBuick đậu sẵn đằng trước, thằng Fred đứng dựa lưng vô cửa xe ngó thiên hạ tíu tít đi mua bán. Thằng quản lý mau mắn đỡ chiếc áo khoác ngoài cho Ông Trùm mặc vô. Ông cảm ơn đoạn lật đật xuống thang, bước ra cửa.

Trời vào đông có khác, giờ này đã xâm xẩm tối. Thấy bóng ổng đi ra, Fred vòng một tua mở cửa xe chui vô chờ. Ông Trùm sắp lên xe thì chần chừ quay lại. Mua mấy trái cây cái đã. Ít lâu nay ổng khoái trái cây trái mùa; mấy trái cam trái đào tươi tuyệt diệu! Thằng bán hàng chạy ngay ra và ổng đưa tay trỏ trái nào lấy trái ấy, trừ một trái phía dưới bị ủng thì để sang một bên. Ông Trùm đỡ túi trái cây, đưa tờ 5 đô và lấy tiền thối bỏ túi.

Vừa quay lưng định ra xe thì có hai thằng chợt ló mặt ra. Thấy chúng từ sau sạp trái cây bước ra là Ông Trùm có linh tính liền. Hai thằng mặc áo ngoài đen, mũ nỉ đen đội sụp xuống cố ý che phân nửa mặt. Chúng đâu dè ổng phản ứng lẹ quá vậy?

Ổng liệng túi trái cây chạy như bay ra chiếcBuick , lẹ như sức trai vậy, miệng la lớn: "Fred... Fred con!" Lúc bấy giờ 2 thằng kia mới kịp rút súng nổ.

Chúng nổ liên tiếp. Phát đầu Ông Trùm bị ngang lưng, bị như búa bổ, bị đẩy nhào tới. Hai phát sau trúng bụng hết nên ổng té nằm vật ra đường. Hai thằng lật đật rượt theo, gặp đống trái cây văng la liệt chỉ sợ trượt té. Chúng nhào tới toan kết thúc đúng lúc thằng Fred nghe tiếng bố kêu từ trong xe nhào ra. Thế là chúng nhắm đại vào người ổng đang nằm còng queo kề miệng cống thảy 2 phát nữa: một ghim vô bắp tay, một trúng bắp chuối chân mặt. Hai chỗ này ăn thua gì nhưng máu ra lênh láng dễ sợ. Ông Trùm ngất luôn, đâu còn biết gì nữa?

Thằng Fred nghe tiếng bố kêu tên và nghe hai tiếng súng rõ nhưng lúc ở xe chui ra, nó cuống quá, sợ quá không rút nổi khẩu súng. Nếu hai thằng kia tính chơi thì nó bị rồi nhưng chúng hoảng hồn. Cũng ngán vậy chớ? Chúng biết thằng Fred có súng vả lại chơi bấy nhiêucó lẽ đủ rồi , chậm chân dám bị bắn lắm nên bảo nhau chuồn êm.

Ông Trùm nằm sóng soài trên vũng máu và thằng Fred cuống quít đứng bên, không biết phải làm gì? Người đi đường dừng lại, người trong nhà túa ra. Họ bu tới coi, đứng tụm năm tụm ba bàn tán. Trong khi đó thấy bố nằm cong queo máu ra ghê quá, thằng Fred hết hồn. Nó đứng ngẩn ngơ, chết lặng người và nếu không có người trông thấy đỡ kịp nó dám té xỉu luôn.

Fred được đặt ngồi đại trên vỉa hè và nó sợ thất thần, ngồi ngay như phỗng đá. Lúc thiên hạ bu quanh coi thì một xe Cảnh sát cứu cấp rú còi chạy tới làm họ dạt ra hết. Chiếc "ra-đi-ô-car" của báoDaily News bám theo sau, một thằng phóng viên nhiếp ảnh nhào xuống bấm máy lia lịa, nhằm Ông Già đang nằm bất tỉnh. Rồi nó quay sang một gã đàn ông bận đồ lớn, mặt to tai lớn trong thật dềnh dàng dễ nể nhưng khóc bù lu bù loa như con nít, nước mắt nước mũi chàm ngoàm trông vừa tức cười vừa chẳng ra thể thống gì.

Xe cứu thương chạy tới, nạn nhân được khiêng đi. Xe Cảnh sát chạy tới ào ào, nhân viên bủa ra lăng xăng. Một gã cớm chìm chạy tới hỏi Fred, nhưng nó thẫn thờ cóc biết gì đành phải móc ví nó ra coi giấy tờ. Chừng biết nó là ai thì lập tức một toán cớm chìm lo "lập hàng rào" gấp! Một thằng mò lấy khẩu súng nó vẫn đeo trong bao da dưới nách. Rồi mấy thằng hè nhau xốc nó lên chiếc xe bót mang số ẩn tế, chạy vù đi. Chiếc ra-đi-ô-car của nhà báo đeo dính, bỏ thằng nhiếp ảnh viên ở lại làm nhiệm vụ, nghĩa là bấm máy lia lịa, chụp loạn xà ngầu.

Nửa giờ sau vụ ám sát Ông Trùm là Sonny ngồi nhà nhận liên tiếp năm cú phôn. Cú thứ nhất của thầy chú John Philips, người nhà nước nhưng lãnh lương tháng của Ông Trùm. Hắn ở toán cớm chìm số một có mặt sớm nhất mà?

Đang ngủ trưa quá trễ bị vợ dựng dậy, Sonny sợ choáng người.

Ông Già bị chúng chơi nặng lắm, chở vô y viện Pháp rồi, không biết sống chết thế nào. Thằng Fred còn bị cớm chìm hốt về quận Chelsea, nó sợ lạc tinh thần, phải nhớ lo gấp nó ra ngay đi.

Sandra thấy chồng nghe phôn không biết có tin gì mà thình lình mặt đỏ tía tai, mắt long lên dễ sợ quá. Hất hàm hỏi, hắn gạt phắt mà còn quay đi, hỏi gặng trong máy: "Chắc chắn... còn sống chớ?"

- Chắc chắn. Tôi đứng kế bên. Mất máu nhiều coi dễ sợ lắm nhưng tính mạng thực sự coi không đến nỗi nào!

- Rồi, 8 giờ sáng mai lại đây. Sẽ có thưởng...

Đặt máy xuống, Sonny cố dằn không cho cơn giận bốc lên. Tính hắn xưa nay nóng quá dễ hư việc. Mà hư việc lần này thì chết. Bèn quay máy gọiHagencái đã. Chưa nhấc ống lên chuông đã reo lần thứ 2.

Thằng em bao đề khu đó hối hả báo cáo. Chúng vừa chơi Ông Trùm nằm ngay đơ giữa đường. Chết rồi. Sonny vặn hỏi vài câu là biết ngay cu cậu chỉ đứng xa xa ngó... Làm sao đúng bằng thầy chú Philips.

Chuông reo lần thứ ba, hắn nhấc phôn lên nghe báo danh "Đây nhà báoDaily News " là hắn cúp máy cái rụp.

Gọi lại nhàHagenthì vợ hắn cho biết hắn vẫn chưa về. Đành phải dặn "Nó về bảo tới ngay. Cần lắm nghe!" Sonny ngồi một mình suy tính. Chẳng hạn Ông Già gặp trường hợp này phản ứng thế nào. Hắn biết vụ này không ai ngoài thằng Sollozzo. Chính nó chơi. Nhưng cỡ nó chẳng dại gì chống đối với một Ông Trùm. Còn ám sát thì cha nó cũng không dám nghĩ tới! Phải có một thế lực, một nhóm khá mạnh đứng sau lưng yểm trợ ngầm thì thằng Sollozzo mới dám chơi liều mạng.

Sonny giật mình vì cú phôn thứ 4. Giọng thằng nào ở đầu dây nghe lịch sự êm ái quá! "Phải ông Santino Corleone không ạ? Cho ông hay là ông Tom Hagen hiện ở trong tay bọn tôi và 3 giờ nữa sẽ ra về, mang theo một đề nghị. Trước khi biết cái đề nghị đó xin chớ vọng động, bằng không sẽ có đổ máu lớn, vô ích. Đằng nào thì sự việc cũng đã rồi và chuyện làm ăn thì đâu còn đó. Biết tính ông nóng lắm bọn tôi phải dặn hờ đó vậy đó". Nó cố ý sửa tiếng giễu cợt thật đểu... Nghe giọng điệu có vẻ Sollozzo lắm! Hắn cố dằn "Được, tôi sẽ chờ" rồi cúp máy. Nhìn đồng hồ Sonny ghi giờ ngay cho khỏi quên.

Lúc hắn mò xuống bếp mụ vợ hỏi ngay: "Cái gì đó mình?" Hắn bình tĩnh: "Ông Già bị chúng bắn". Thấy nó hốt hoảng, sợ xanh mặt, Sonny phải trấn an: "Ổng không chết! Đừng bấn lên chớ. Không có gì nữa đâu mà sợ hoảng!"

Chẳng nên cho nó biết vụHagenlàm gì, Sonny nghĩ vậy đúng vào lúc chuông reo lần thứ năm: Clemenza gọi lại. Coi, giọng lão sao như nghẹt thở vậy kìa? Lão hỏi biết vụ ông Già chưa? Sonny bèn nói: "Nhưng ổng không chết, vậy mới hay!"

Đầu dây đằng kia lặng đi một chút rồi có hơi thở hổn hển: "Có thật không? Thật vậy hả? Tạ ơn trời đất. Tao nghe ổng bị gục ở giữa đường, "đi" luôn rồi mới sợ chớ!"

Sonny xác nhận: "Ổng còn sống" sau khi chú ý nghe để phân tích giọng điệu của lão này. Nghe chân thành, xúc động lắm... nhưng cả nước này còn ai không biết Clemenza kịch sĩ nhà nghề?

- Vậy mi phải cáng đáng công việc đi. Mi cần gì tao, Sonny?

- Tôi muốn chú tới ngay. Biểu cả thằng Paulie nữa.

- Có vậy thôi? Mi không muốn tao cử vài thằng xuống nhà thương hay lại đằng nhà cho chắc ăn?

- Khỏi, chú và thằng Paulie đến gấp đủ rồi.

Sonny ngừng lại để Clemenza "đánh hơi" ra có chuyện lạ đã. Rồi cũng đóng kịch, cũng làm ra vẻ in như mọi lần... hỏi tới tấp, hỏi một hơi: "Cái thằng Paulie sao kỳ quá? Nó biệt mặt luôn. Nó ở nhà làm cái thá gì kìa?"

Clemenza giải thích ngay. Rất tinh ý, Sonny lắng nghe không thấy những tiếng phụ thuộc bên ngoài lẫn vô máy nữa nên biết ngay cha nội này đã đề cao cảnh giác. Lão đang bít kín ống đây!

- Paulie hả? Nó cúm... nó xin nghỉ bữa nay, từ hồi sáng mà? Cái thằng cứ chớm lạnh là cúm mới kỳ!

- Kỳ thiệt! Nó cúm mấy lần cả thảy... ít lâu nay?

- Đâu 3 lần, 4 lần thì phải. Tao hỏi thằng Fred cần kiếm thằng nào thay không thì nó bảo khỏi mà? Ấy, trò đời cứ nhàn nhã là sinh bệnh sinh tật hết: 10 năm nay đâu có chuyện gì?

- Đúng thế. Chú lại ngay đằng nhà Ông Già. Tôi cũng đến ngay. Nhớ kêu thằng Paulie đi cùng, tiện xe chú cho nó quá giang luôn. Ốm với đau gì! Chú nhớ nghe...

Không đợi trả lời, Sonny gác máy. Ngó mụ vợ nãy giờ cứ ngồi thút thít khóc, nó dặn kỹ càng:

- Có người nào của mình phôn tới thì biểu nó gọi qua bên Ông Già cho tôi gấp. Số riêng nghe? Còn bất cứ ai khác thì cứ không biết gì hết. Vợ thằng Tom có hỏi thì biểu nó bận đi công việc.

Biết mụ vợ hắn xưa nay chỉ ngán "có chuyện" Sonny nghĩ ngợi một lát rồi nói rất tự nhiên:

- Tôi sẽ cho mấy đứa lại đây ở... Có gì đâu mà sợ? Mình phòng bị mà? Tụi nó biểu gì mình cứ làm in vậy. Có việc thật cần, bắt buộc phải cho hay... hãy gọi tôi ở đằng Ông Già, số đặc biệt. Đừng có cuống quít lên.

Đêm xuống từ lúc nào, gió lồng lộng trong cư xá tối om. Trong cư xá thì có tối nữa Sonny cũng chẳng ngại. Cả khu phố 8 ngôi nhà của Ông Trùm hết mà? Hai căn ngay cổng vô do hai tay em mướn, chúng "làm" cho nhà này từ lâu và mấy thằng em út dưới quyền cũng ở lại luôn, tin được cả. Qua một cái sân tới 6 căn xếp thành hình bán nguyệt thì gia đìnhHagenmột, gia đình Sonny một và Ông Bà Trùm ở căn phố nhỏ nhất. Ba căn bên kia hiện cho mấy ông bạn già ở đậu, chừng cần đến mới lấy lại. Coi bề ngoài hiền lành vậy mà cư xá kín bưng như pháo đài.

Tám căn nhà quây lại thì cả 8 đều có đèn pha. Bật lên hết thì sáng rực như ban ngày! Sonny lẹ làng băng ngang qua sân, kín đáo lỏn vô nhà bố mẹ bằng chìa khoá riêng. Chừng nó cất tiếng gọi, bà mẹ đang nấu ăn trong bếp mới chạy ra. Hắn tỉnh táo kéo Bà Trùm vô trong nhà, mời ngồi đàng hoàng, mới thong thả nói:

- Có người vừa phôn con biết chuyện này. Hồi chiều bố bị thương nên phải đưa vô bệnh viện. Mẹ thay đồ đi thăm bố nghe? Con sai một thằng lái xe đưa mẹ đi liền...

Bà Trùm ngó sững nó giây lát rồi mới hỏi bằng tiếng Ý:

- Bị chúng nó bắn phải không?

Sonny gật đầu. Bà mẹ cúi đầu ngẫm nghĩ một lúc rồi đứng dậy đi vô. Đi đâu thì cũng phải vô bếp tắt ga cái đã. Trong khi bà lên lầu thay đồ thì Sonny chớp vội miếng bánh, cặp thịt làm miếng săng-uých ăn đỡ. Thịt béo quá mỡ dây ra đầy tay.

Nó đi thẳng vô "văn phòng" mở một ngăn tủ khoá kín, lôi ra một máy điện thoại thứ đặc biệt. Máy này gắn riêng, số là số của người khác đứng tên và địa chỉ cũng... nằm ở một chỗ nào khác. Hắn gọi Luca Brasi trước. Không nghe trả lời.

Rồi mới tới vịcaporegime tin cẩn Tessio. Cho lão hay tự sự và ra lệnh cho mang ngay lập tức 50 thủ hạ đến hai nơi: nhà thương, cư xá. Chia đều ra, tới cấp tốc. Lão hỏi Clemenza tới chưa và Sonny cho hay "Hiện chưa phải dùng đến toán Clemenza vội" thì lão trưởng toán này hiểu ngay. Lão suy nghĩ một chút rồi mới có lời:

- Xin lỗi cho tao nói câu này... và chắc ông già mi có nói cũng nói như vậy... Có làm mi cứ từ từ, coi trước sau cho cẩn thận, chắc chắn đã. Một thằng như Clemenza không dễ gì phản mình đâu!

- Cảm ơn chú! Tôi cũng nghĩ vậy... nhưng ở địa vị tôi thì phải lo trước chớ? Chú nghĩ sao?

- Mi nói đúng! Còn gì nữa?

- À, nhờ chú cho người của mình nhắnDartmouthcho thằng Michael em tôi hay, rồi đưa nó về đây dùm. Tôi sẽ phôn cho nó hay trước chú cứ yên chí, tôi sẽ cân nhắc kỹ càng.

- Ô-kê. Để tao ra lệnh cho tụi nó xong là tới nhà Ông Già mi liền. Mi nhớ mặt mấy thằng đàn em tao chớ?

Sonny "ô-kê" là cúp phôn. Nó đi tới một chiếc két sắt đặt ngầm trong vách, hí hoáy mở khoá lôi ra một cuốn sổ đóng bìa da xanh, chia từng trang thứ tự a b c... Nó kiếm phần chữ T và đọc lướt một hồi, cho tới chỗ muốn tìm. Có ghi sẵn "Ray Farrel, 5 ngàn đô, trước Giáng Sinh" và một số điện thoại mật.

Sonny quay số đó gấp và lên tiếng:

- Farrel hả? Sonny Corleone đây... Tôi nhờ anh việc này, làm gấp, làm liền nghe? Có hai số phôn này... anh làm ơncheck lại dùm tôi coi trong 3 tháng vừa qua có nhữngai gọi tới và chúnggọi đi những đâu . Tất cả mọi liên lạc điện thoại của chúng, không bỏ sót một cú nào nghe? Xin cho biết kết quả trước 12 giờ khuya nay, gọi số đặc biệt của tôi. Yên chí sẽ hậu tạ nữa!

Nó đọc rõ ràng, rành mạch hai số phôn của Clemenza và Paulie Gatto. Gác phôn xuống Sonny thử gọi Luca Brasi lần nữa. Vẫn không trả lời. Vậy là dám có chuyện bất thường nhưng tạm thời hãy cứ biết như vậy. Còn biết bao nhiêu chuyện gấp rút nữa mà chỉ có một mình nó phải giải quyết. Cỡ 1 giờ nữa là nhà này sẽ đầy người, sẽ phải bố trí, phải phân phối từng việc cho từng người... Đâu phải chuyện chơi?

Ngồi thừ người trên chiếc ghế xoay, Sonny bây giờ mới "thấm" tính cách quan trọng sinh tử của hiện trạng. Coi, mười mấy năm nay gia đình Corleone mới lại gặp tình cảnh "dầu sôi lửa bỏng" này. Người gây ra sóng gió rõ ràng là thằng Sollozzo và chắc chắn nó phải núp sau lưng một trongngũ đại gia đình Nữu-Ước. Cánh nhà Tattaglia. Vậy là phải đổ máu lớn. Hoặc phải bọc xuôi theo đề nghị của nó.

Sonny nhếch mép cười. Mày tính hay tuyệt vời, nhưng mày xui tận mạng vì ổng đâu có chết? Ông còn sống thì tụi mày chết hết. Với hung thần Luca Brasi, với lực lượng đánh đấm của họ nhà Corleone... thì kết quả ra sao ai cũng biết!

Nhưng Luca Brasi đi biệt đâu kìa?

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 3

Để vồ Tom Hagen, tụi nó đi nguyên một xe 4 đứa. Hắn bị đẩy lên xe ngồi băng dưới, ngồi kẹt giữa hai thằng cô hồn. Sollozzo ngồi cạnh thằng lái xe. Thằng ngồi bên mặt nhanh nhẹn đi một đường cũ soát khắp ngườiHagenrồi kéo sụp chiếc nón nỉ, không cho hắn nhìn và cấm cục cựa.

Xe chạy cỡ 20 phút là ngừng. Bị đẩy xuốngHagenkhông nhìn ra địa điểm vì tối quá. Bọn nó dẫn hắn vô gian nhà lầu, ngồi trên chiếc ghế gỗ. Sollozzo ngồi đối diện, cách một cái bàn, mặt nó khoằm khoặm dễ sợ. Nó đánh đèn ngoại giao trước:

- Bọn này không muốn làm anh bạn sợ. Anh bạn thuộc ngànhvăn chớ đâu phải ngànhvõ nhà Corleone? Tôi muốn anh bạn giúp tôi và giúp luôn Ông Trùm.

Hagenrút điếu thuốc đưa lên môi, tay run run. Một thằng xách ra chai rượu hạng bét, một cái ly sành.Hagenlàm một hơi cho tay chân đỡ run rẩy, luống cuống.

Sollozzo điềm đạm mở lời: "Ông Trùm của bạn chết rồi". Nó ngừng lại, ngạc nhiên thấyHagenđầm đìa nước mắt. "Người của tôi hạ ổng ngay khi ổng ở văn phòng ra. Xong cú ấy tôi mới đến mời anh bạn để anh bạn làm "cây cầu hoà bình" giữa Sonny và tôi".

Hagennín thinh. Tự nhiên hắn cảm thấy rầu rĩ, chán nản như trời vừa sập. Và sợ chết hơn bao giờ hết.

"Tôi biết Sonny "mặn" đề nghị của tôi lắm. Và anh bạn cũng thấy rõ sự lợi hại của vấn đề. Ma túy mới là ngành ngon ăn nhất. Biết làm ăn, biết chụp lấy cơ hội này thì chỉ mấy năm là thằng nào cũng giàu lớn. Nhưng Ông Trùm của anh bạn không chịu hiểu, ổng lạc hậu quá và gàn bướng thiệt tình. Bây giờ ổng không còn nữa thì công việc làm ăn mình thu xếp lại với nhau dễ quá mà ? Tôi muốn có Sonny và anh bạn. Mình làm ăn chung..."

- Không xong đâu! Thằng Sonny đời nào chịu. Nó sẽ chơi xả láng...

- Vì vậy mới cần phải có anh bạn ở đây, anh bạn sẽ cho nó biết chuyệnphải quấy . Cánh nhà Tattaglia đâu có yếu ? Và dân giang hồ Nữu-Ước thực sự chỉ cần "hai chữ bình yên" chớ có đổ máu lớn thì học chỉ có thua thiệt, mất người mất của! Miễn Sonny chịu ô-kê thì mọi phe nhóm toàn quốc sẽ đồng ý bỏ qua vụ này, ngay cả những thằng xưa nay bồ bịch nhất với nhà Corleone.

Hagenngồi ngơ ngẩn vặn tay. Sollozzo biết thóp nhấn mạnh thêm:

- Anh bạn dư biết là Ông Trùm xuống dốc. Bằng không thì bố tôi cũng chẳng dám đụng. Các phe nhóm anh em đâu có chịu vụ chọn anh bạn làmconsigliori ngang xương vậy? Anh bạn đâu phải dânSicilymà một tí máu Ý cũng không! Bây giờ có đổ máu lớn thì cánh Corleone mất hết đã đành mà chẳng thằng nào thắng hết. Ngất ngư cả đám với nhau. Anh bạn biết tôi cần thế lực, đến uy tín nhà Corleone chớ đâu cần họ bỏ vốn? Vậy nhờ anh bạn đánh tiếng với cáccaporegime để tránh đổ máu lãng.

Hagenchìa ly ra đòi rượu nữa, trả lời xuôi:

- Tôi sẽ thử coi... những thằng Sonny ngang bướng lắm. Và còn thằng Luca Brasi nữa. Sức mấy Sonny kềm nổi nó? Chính nó mới đáng ngại. Chính tôi cũng phải ngán nó huống hồ các ông?

- Thằng Luca để tôi tính. Anh bạn đừng thắc mắc. Chỉ nhờ anh kềm giùm Sonny và hai thằng em nó. Anh bạn có thể bảo thằng Fred rằng nếu bọn tôi định chơi thì nó sống nổi không? Bọn tôi thực tình không muốn gây chuyện lôi thôi đổ máu vô ích mà chỉ muốn làm ăn. Cùng lắm mới phải làm vậy.

Hagensuy nghĩ nhanh như chớp. Đúng, điệu này thằng Sollozzo muốn nhờ nó làm "trung gian" thiệt. Đâu nó có nghĩ tới thủ tiêu hay bắt giữ làm con tin làm chi? Vậy mà đã sợ run rẩy cả chân tay, hèn hạ quá độ!

Cảm nghĩ của hắn không lọt nổi tầm mắt Sollozzo. Nó biết hết! Bây giờ mà cưỡng lại, không chịu đứng làm trung gian nó dám "cho đi" lắm chớ? Vả lại nó chỉ muốn mìnhnói chuyện phải quấy cho bọn Sonny nghe... tức là làm bổn phận của một thằngconsigliori chớ có gì khác đâu? Mà nó nói có lý. Phải tránh với bất cứ giá nào vụ đổ máu, một vụ đánh xả láng giữa hai nhà Corleone - Tattaglia! Vậy phen bên Sonny chỉ còn cách chôn người chết, tạm thời quên hết để bắt tay làm ăn. Chừng thời gian chín muồi thì "hỏi tội" thằng Sollozzo vẫn không muộn.

Một thằng cáo già như Sollozzo có dễ gì qua mặt?Hagennghĩ gì là nó biết hết, bằng không nó đã chẳng mỉm cười thế kia!

Bỗng hắn hoảng hồn: Nó nói "Luca Brasi để tôi tính" mà nó chẳng dám ung dung, tự tại đến thế kia thì hẳn là nó đã "thu xếp" xong thằng hung thần này rồi. Nó đã "nắm" được Luca?... Thằng Luca phản phé thiệt sao? Ngay sau khi từ chối thằng Sollozzo, Ông Trùm đã chẳng biểu hắn đi kiếm thằng Luca Brasi gấp sao?

Vụ này khó hiểu nhưng đành hậu xét. Vấn đề là phải làm cách nào ra thoát, về lọt "pháo đài"Long Beach, càng sớm càng tốt. An toàn cái đã! Nghĩ vậy,Hagenhứa với nó:

- Tôi sẽ cố thu xếp vấn đề như ý mấy ông muốn. Ông nói đúng và Ông Trùm già còn sống cũng phải đồng ý. Phải tránh đổ máu bất lợi.

- Đúng thế! Tôi là người làm ăn... tôi tối kỵ đổ máu. Thấy máu là thấy tốn tiền, tốn quá nhiều tiền!

Có tiếng chuông reo. Một đàn em Sollozzo chạy tới nhấc ống nghe. Nghe xong nó chạy lại rỉ tai xếp. Coi, khi không mặt thằngĐường-Thổ sao nhợt nhạt hẳn, mắt nó quắc lên thấy ghê? Tự nhiênHagenrét. Nó nhìn chòng chọc, nhìn cái điệu cân nhắc thế kia thì hết hy vọng được chúng thả về rồi. Tình hình này chết dễ như chơi!

Quả nhiên Sollozzo lên tiếng, giọng nó hằn học, chán nản:

- Ổng hãy còn sống! Ghê thật... lãnh một lúc 5 viên gần như vậy mà vẫn không chết... thì bảnh thật. Vậy là xui cùng mình. Tôi cũng xui mà anh bạn cũng xui!

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 4

Về đến cư xá Long Beach vật đầu tiên làm Michael ngạc nhiên là sợi xích sắt chăng ngang cổng. Cả 8 căn đều bật pha chiếu sáng trưng, chiếu rõ mồn một cả 10 chiếc xe đậu dài dài bên lề.

Có hai thằng lạ mặt chặn nó lại, một thằng xài giọngBrooklyncật vấn. Một thằng từ "điếm canh" chạy ra, nhận diện ra cậu út bèn chịu trách nhiệm đưa vô. Trước nhà ông bà Trùm còn có hai thằng đứng canh và bên trong nhà đầy những người lạ. Vô đến phòng khách mới thấy mụ vợHagenđang ngồi ngay người hút thuốc, trên bàn trước mặt còn để ly húyt-ky. Ngồi đối diện là lão Clemenza mập mạp, mặt thản nhiên nhưng mồ hôi ra cùng mình, điếu xì gà cầm tay một đầu ướt đẫm nước bọt.

Clemenza đứng dậy đón, niềm nở cho hay: "May quá, Ông Trùm nhiều hy vọng qua khỏi! Bà Trùm ở nhà thương lo săn sóc..." Liền sau đó Paulie Gatto đứng dậy bắt tay, điệu bộ nó lạ khác hẳn! Biết nó là cận vệ của ổng nhưng Michael đâu đã hay nó bị cảm, xin nghỉ từ sáng? Vẻ khác lạ trên khuôn mặt nó không dấu nổi Michael: thằng này xưa nay chơi kỹ nổi tiếng khôn ngoan, ai cũng biết sao nó lại nhè đúng lúc tai hoạ đổ ập xuống nhà này để vắng mặt nhỉ?

Trong phòng khách còn mấy thằng nữa đứng dựa vách đứng góc nhà nhưng toàn mặt mới không. Điệu này chẳng cần ai nói Michael cũng đoán ra là hai thầy trò Clemenza đang bị nghi ngờ! Làm như chưa hay biết gì, Michael hỏi thăm Paulie: "Fred đâu? Bệnh tình sao?"

Clemenza trả lời thay: "Chích thuốc ngủ cho nó làm một giấc rồi!" Michael tới bên cúi xuống hôn bên má Theresa. Nó hạp với vợ chồngHagenlắm. "Yên chí đi. Tom không sao đâu. Đã nói với Sonny chưa?"

Theresa lắc đầu, vẻ hốt hoảng ra mặt. Ngày thường nàng đẹp lắm, người nhỏ nhắn tính nết tế nhị và Mỹ hoá rất nặng. Michael kéo nàng đứng dậy, đưa vô văn phòng Ông Trùm.

Sonny ngồi chồm hổm sau buya-rô, tay cầm viết chì tay thủ tập giấy. Ngồi với nó chỉ có một mình trưởng toán Tessio. Thì ra mấy thằng lạ mặt vừa rồi đều là đàn em của lão, hiện giờ phụ trách an ninh, bảo vệ cư xá. Tessio cũng giấy viết cầm sẵn nơi tay.

Thấy vợHagenbước vô, Sonny chạy tới ôm hôn và an ủi: "Tom khoẻ rồi! Tụi nó muốn nhờ chuyển một đề nghị nên nó sắp về rồi. Ai chẳng biết trong nhà này Tom thuộcphe văn chứ đâu phảiphe võ nên ai nỡ hại đến nó làm gì!"

Buông Theresa ra, Sonny quay sang mừng thằng em Michael thật khác thường, nghĩa là cũng ôm và cũng hôn lên má. Nó gạt đi cười hề hề: "Thôi đi, đập nhau chán bây giờ lại bày đặt trò hôn hít à?" Hồi còn nhỏ hai anh em đánh nhau bằng thích!

- Đang ngóng tin mày thì mày phôn về làm cho tao mừng quá! Đỡ phải lo ngay ngáy! Không phải tao lo cho mày bị chúng thịt đâu... Tao chỉ ngán phải loan tin buồn cho Bố Già thôi. Tao đã phải thông báo vụ Bố rồi!

- Bà Già có xúc động lắm không?

- Vừa phải thôi! Tại bả quen rồi... cũng như tao vậy. Chỉ có mày mới lớn lên đây nên đâu có biết những cơn phong ba bão táp trong nhà mình hồi đó? Giờ này bả đang lo cho Ông Già ở nhà thương.

- Ủa, sao tụi mình không đi thăm bố?

- Tao đi đâu được? Giải quyết êm thấm mọi việc tao mới có thể thò mặt ra khỏi cư xá này!

Chuông điện thoại reo. Sonny vớ ống nghe chăm chú. Michael thong thả tới buya-rô, liếc nhìn tập giấy vàng xem nó viết những gì. Có 7 cái tên đi một dọc. Có Sollozzo, Philips Tattaglia, John Tattaglia... Bản án tử hình đấy! Ra lúc nó bước vô, thằng anh nó đang ấn định với lão Tessio phải thủ tiêu những mạng nào.

Nghe xong Sonny gác máy, yêu cầu hai người ra ngoài một chút để nó và Tessio còn thanh toán gấp công việc đang làm dở. Theresa mếu máo hỏi có phải vừa có tin Tom không nhưng Sonny lắc đầu "Không phải đâu. Có gì lạ tôi cho biết ngay mà?" Nó vừa nói vừa đưa Theresa ra cửa. Thay vì đi ra theo lệnh thằng anh thì Michael ngang nhiên ngả người xuống một chiếc phô-tơi. Sonny ngó nó một phát rồi mới quay lại buya rô.

- Coi, mày ở trong này làm gì? Tui tao có những chuyện cần phải bàn mà mày đâu có thích nghe?

- Tôi giúp một tay được.

- Đâu được! Tao mà để mày dính vô những công việc này là bị Ông Già chửi chết!

Đang hút dở điếu thuốc, Michael quăng đi, quắc mắc lên:

- Ô hay, bố bị bắn gần chết mà con không giúp một tay được hả? Tôi cũng con ổng vậy, tôi cũng có bổn phận chớ? Tôi không bắn người giết người được nhưng còn thiếu gì việc khác? Bộ tôi con nít hả? Cũng đánh giặc cũng bắn chết vô số người, cũng ăn đạn vài lần chớ bộ? Bộ anh tưởng thấy anh giết người, tôi té ra chết ngất đi chắc? Còn lâu!

- À, thằng này bữa nay ngon nhỉ? Hay mày nhảy đại vô chỗ tao này này? Trong khi chờ đợi... chịu khó gác tê-lê-phôn nghe?

Đùa Michael chơi thôi, Sonny nghiêm sắc mặt hết ngó Tessio lại quay sang Michael và chững chạc giải thích:

- Tôi chờ đợi cú phôn vừa rồi để có thể hội đủ sự kiện chính xác, tìm đích danh thằng đã phản bội "bán đứng" Ông Già. Phải có một trong 2 thằng: có thể là Clemenza mà cũng có thể Paulie Gatto, ông cận vệ cúm đúng vào hôm xếp bị chúng thịt! Cú phôn vừa rồi đã cho tôi thấy ngay boong... nhưng Michael mày thử sử dụng vốn liếng học thức của mày để đoán coi thằng nào "bán" Ông Già cho Sollozzo. Thằng Paulie Gatto hay xếp Clemenza?

Michael ngồi xuống ngẫm nghĩ. Bao nhiêu năm làmcaporegime cho nhà này Clemenza có cơ nghiệp bạc triệu. Bạn nối khố với Ông Già trên 20 năm. Một trong vài người có thực quyền, thực lực, dễ nể nhất. Phản bội để làm gì? Vì tiền? Lão có bạc triệu rồi... nhưng thiếu gì thằng triệu phú thấy tiền là ham? Hay lão tham quyền? Hay lão bị một cú gì mất mặt, chạm tự ái? Có thể lão bực vì vụ cửHagenlàmconsigliori lắm chớ? Không lẽ lão phản vì trở cờ chạy theo phe mạnh và tưởng là phe Sollozzo chắc chắn thắng?

Không, một người như Clemenza chẳng thể phản Ông Già, với bất cứ giá nào! Michael nghĩ không lẽ mình lại lầm chỉ vì Clemenza đối với nhà này thân thiết quá và cá nhân mình có cảm tình với lão quá? Từ hồi mình còn bé tí, lão vẫn hay cho quà và những khi Ông Già mắc bận,chú Clemenza thường dắt đi chơi mà? Bảo Clemenza phản bội thì Michael không tin nổi! Ngược lại thì cũng chính vì vậy mà Sollozzo phải cần đến và phải trả giá mắc cho một tay cỡ Clemenza chớ sao?

Còn thằng Paulie Gatto? Chưa gọi là giàu được, chỉ dư dả. Có chân đứng và còn lên nữa chỉ cần kiên nhẫn một chút. Thế yếu của nó đấy: Trẻ người nhưng thích làm lớn! Có thể thằng Paulie bị nhử lắm nhưng nếu vậy cũng đáng tiếc. Hồi nhỏ, còn học lớp 6 Michael và nó chẳng học cùng lớp đó sao?

Nếu bỏ phiếu kín, chắc chắn Michael sẽ gạch tên Paulie. Nó chớ không thể Clemenza được! Nhưng nếu Sonny nóibiết rồi thì Michael lại không thể chỉ định ai hết.

"Cả hai đứa chẳng thằng nào phản cả!"

Sonny cười cười:

- Đâu được! Clemenza không. Thằng phản bội là Paulie Gatto. Suya là nó!

Michael lặng ngắm Tessio và thấy lão thở ra nhẹ nhõm. Không phải Clemenza thì đỡ quá, hai thằng cùngcaporegime . Từ bao lâu nay với nhau mà? Vả lại, nếu tụi nó mua được một tay cao cấp cỡ Clemenza thì dám có biến lắm. Paulie chỉ là cấp thừa hành! Tessio đề nghị:

- Vậy mấy thằng đàn em tao ở đây có thể cho về chớ?

- Để mai mốt đã! Tôi không muốn để lộ tin Paulie sớm quá. Bây giờ tôi có chút việc nhà bàn với thằng Michael. Chú chịu phiền đợi ngoài phòng khách để mình lập xong danh sách những thằng phải hạ. Chú và Clemenza chia công việc.

Tessio ra khuất thì Michael hỏi ngay:

- Sao anh biết chắc thằng Paulie phản?

- Thì cú phôn vừa rồi đó? Mình có người ở hãng điện thoại, tao đã nhờcheck gấp tất cả mọi liên lạc điện thoại của Paulie và Clemenza. Tháng này thằng Paulie xin nghỉ bệnh 3 ngày thì trong ba ngày đó ngày nào cũng có điện thoạikhông phải của nhà gọi đến cho nó. Như muốn kiểm soát xem nó có...ốm đúng kế hoạch và nằm nhà nghỉ không vậy! Ngay ngày hôm nay, trước lúc Ông Già bị chơi, thằng Paulie cũng nhận được một cú phôn từ phòng điện thoại công cộng ở trước buya-rô của Ông Già. Để coi Paulie có nghỉ thật... để dò hỏi xem có thằng nào tới thế nó chưa chớ gì? Cũng may không phải Clemenza vì hiện giờ mình cần lão quá.

- Nghĩa là... thế nào cũng có đánh lớn... đổ máu tùm lum?

- Tao chỉ đợi thằng Tom về là đánh ngay, đánh lớn. Chỉ trừ ổng bảo tốp.

- Vậy sao anh không đợi bố, coi ổng quyết định thế nào?

Sonny nghinh nó một phát rồi lên giọng kể cả:

- Vậy mà cũng mang tiếng đánh giặc... lại có mề đay nữa! Hoàn cảnh này, không chơi lại thì chết mà còn đợi nữa thì nạp mạng hả? Tao còn sợ nó chơi luôn thằng Tom ấy chớ?

- Ô hay, sao vậy?

- ... Tụi nó cốt ý vồ thằng Tom vì tưởng Ông Già chết chắc, có nó là dễ bắt đầu điều đình với tao về chuyện làm ăn. Bây giờ ông không chết thì tao đâu có thẩm quyền gì mà điều đình? Nên ở giữa thằng Tom "kẹt"! Sống chết bây giờ hoàn toàn tùy hứng thằng Sollozzo. Mà theo tao mạng thằng Tom hỏng chỉ vì tụi nó sẽ ra tay mạnh, thật mạnh để nồ mình!

Michael lẹ làng đặt dấu hỏi:

- Nhưng tại sao thằng Sollozzo lại nghĩ rằng có thể điều đình với anh?

Câu hỏi ngay tình nhưng đánh trúng vào hiểm huyệt làm Sonny ngồi ngay mặt, lúng túng và không biết giải quyết cách nào cho xuôi. Nó ngẫm nghĩ mãi rồi sau cùng đành nói thiệt:

- Cách đây ít tháng thằng Sollozzo tới nhà mình đề nghị làm ăn ngành ma túy. Ông Già từ chối thẳng. Hôm đó tao buộc miệng sủa ẩu một câu khiến nó biết tao ham. Nghĩa là tao ngu ngốc chìa lưng ra cho nó thấy gia đình mình không trước sau như một. Cái vụ này Bố kỵ nhất xưa nay!

Có thể vì vậy mà thằng Sollozzo cho rằng nếu quất được ổng thì ép taophải làm ăn với nó. Một là không có ổng lực lượng nhà mình mất một nửa, tao có xuất toàn lực thì may ra mới vá víu được phần nào.Hai là ma túy đang lên, lợi tức khổng lồ thì trước sau mình cũng phải nhảy vô.

Đối với một thằng như Sollozzo và trong vụ hạ sát Ông Già thì vấn đề tình cảm không hề được đặt ra. Thuần túy chỉ là vấn đề làm ăn. Nên nó nghĩ thế nào tao cũng hợp tác. Dĩ nhiên sẽ hợp tác, nhưng nó sẽ dự phòng trường hợp tao lợi dụng tiếp xúc gần gũi để sau này chơi nó trả thù. Nó yên chí ở sự ủng hộ của cánh Tattaglia đã đành. Tất cả mọi cánh khác vì quyền lợi chung lúc bấy giờ cũng không cho phép tao làm hoảng nữa.

- Giả thử Ông Già chết thì sao?

- Thì thằng Sollozzo không thể sống được, bất cứ với giá nào! Có phải một mình chống lại tất cả mọi cánh Nữu-Ước tao cũng chơi. Cánh nhà Tattaglia phải chết trước và dù biết chết hết tao cũng chơi.

Michael nhắc khéo nó: "Ở trường hợp Bố... tôi tin bố không làm vậy đâu" thì Sonny la lớn:

- Dĩ nhiên ổng khác, tao khác... Cho mày hay tao là thằng dám chơi, biết chơi thì có việc phải làm. Cái đó ổng biết và những thằng như Clemenza, Tessio, Sollozzo cũng biết như vậy. Mày nhớ rằng năm 19 tuổi tao đã giết người rồi, hồi đó gia đình mình đánh lớn trận cuối cùng và tao giúp ổng rất được việc. Nên bây giờ cần phải làm thì tao sợ quái gì? Nhà mình nhiều người quá mà? Tao chỉ đợi tin Luca Brasi.

- Nói vậy Luca chơi ngon, chơi bảnh lắm sao?

- Dĩ nhiên. Nó đứng trên thiên hạ. Không thằng nào so với nó được kìa. Tao sẽ cử nó chơi cả 3 anh em nhà Tattaglia còn thằng Sollozzo để tao giải quyết lấy.

Nghe lời lẽ nó, ngó bộ dạng nó, Michael ngồi nhấp nhổm không yên. Anh em sống với nhau từ nhỏ, nó thấy Sonny lâu lâu cũng dữ và hung hãn lắm nhưng bản chất vẫn là người tốt. Dễ thương là đằng khác. Không thể ngờ từ miệng nó nói chuyện giết người khơi khơi, tự tay viết ra một danh sách những đối thủ cần thủ tiêu làm như nó có cái độc quyền ghê gớm đó vậy.

Cũng may mà xưa nay Michael không dính vô thứ việc đó và bây giờ cũng chẳng đến lượt nó làm, xét vì Ông Già còn sống. Nếu cần Michael cũng chỉ giúp được mấy công việc lặt vặt, mấy việc hiền lành không dính máu. Đã có Sonny đứng bên Ông Già và phía sau là hung thần Luca Brasi.

Từ ngoài phòng khách có tiếng đàn bà la lớn. Rõ ràng tiếng mụ vợHagen. Nó chạy bay ra cửa và giữa đám người đứng lố nhố thấy Tom đang đứng ôm vợ. Mụ khóc nức nở, khóc mùi mẫn làm anh chồng coi bộ lúng túng, ngượng ngùng!

Thấy dáng Michael,Hagenlúng túng gỡ tay vợ ra, đặt ngồi xuống đi-văn để mỉm cười với nó rồi bước luôn vô phòng, không buồn ngoái cổ lại. Mười mấy năm trời sống trong nhà này thì phải vậy chớ? Đối với Ông Già thằng này quả là tình sâu nghĩa nặng, Michael cảm thấy một niềm kiêu hãnh và cùng lúc đó nhận ra rằng không riêng gì Tom và Sonny mà hình như bên trong con người của nó cũng có phảng phất một nét gì của Ông Già lưu lại.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 5

Sau khi đẩy được mụ vợ về nhà gần đó,Hagenvô phòng họp tới gần 4 giờ sáng với bọn Sonny, Michael, Clemenza, Tessio. Một mình Paulie Gatto ngồi cu ky ngoài phòng khách, không ngờ đang bị đàn em của Tessio giám sát ngầm, đi một bước cũng không xong.

Tom Hagen nhắc lại đề nghị của Sollozzo và kể lại nghe tin Bố Già còn sống nó đã tính thịt luôn nếu không trổ tài hùng biện, thuyết phục còn hăng hơn trước Tối cao Pháp viện! Phải bịp nó là dù ổng còn sống vẫn có thể điều đình nổi, là "nắm" được Sonny dễ như lấy đồ chơi trong túi vì hai thằng chơi với nhau thân thiết từ hồi nhỏ. Còn bốc đại là Sonny muốn nhảy vào ngồi cái ghế Ông Già nữa chớ!

Hagen mỉm cười có ý xin lỗi về vụ bắt buộc phải bịa chuyện láo nhưng Sonny gạt phắt đi ngay, chỗ anh em thông cảm quá! Ngồi canh điện thoại, Michael ngó hai đứa và thấy Sonny và Tom thân nhau thiệt tình, thân yêu còn hơn nó là thằng em ruột. Thấy Tom trở về, Sonny không mừng cuống quít nhảy lên ôm chặt lấy nó đó sao?

- Bây giờ phải bắt tay vô việc, sắp đặt kế hoạch là vừa... Mày thử coi cái danh sách Tessio và tao làm. Đưa Clemenza một bản luôn.

- Nếu sắp đặt kế hoạch... phải có Fred nữa chứ?

Michael vừa lên tiếng đã bị Sonny gạt phắt:

- Thằng Fred không làm ăn gì được đâu! Bác sĩ biểu nó bị kích ngất, phải nghỉ hoàn toàn. Không hiểu tại sao nó tệ vậy, chớ thằng Fred xưa nay đâu có bết? Hay nó bị mất tinh thần vì chứng kiến cảnh tụi nó thịt Ông Già? Đối với nó Ông Già là trời... nó không như mày với tao đâu Michael!

Hagen cũng đồng ý:

- Đúng, thằng Fred phải để ra ngoài, không thể cho nó dính vô bất cứ việc gì. Theo tao thì tình hình này Sonny phải ở nhà, khó đi đâu một bước. Ra một bước cũng nguy, chớ coi thường Sollozzo! Ở bệnh viện mình có người không?

- Có chớ, canh thường trực. Bọn cớm cũng không rời Ông Già một bước! Mày thấy cái danh sách tao làm thế nào, Tom?

- Ôi chao, mày làm như báo cừu rửa hận không bằng! Phải coi như một rắc rối trong công việc làm ăn thôi chớ? Một mình thằng Sollozzo gây ra thì chơi một mình nó là xong, mọi sự sẽ đâu vào đấy hết. Việc gì phải làm cả bọn nhà Tattaglia?

Sonny đưa mắt nhìn hai lãocaporegime . Tessio nhún vai "Gay go đấy!" Còn Clemenza nín thinh. Sonny nói thẳng với lão:

- Có một vụ phải làm liền, khỏi bàn cãi. Đó là vụ Paulie Gatto. Tôi không muốn thấy mặt nó ở đây nữa. Phải cho nó "đi" trước hết!

Clemenza gật đầu. Hagen sực nhớ ra:

- Còn Luca Brasi thế nào? Có tin gì không? Thằng Sollozzo sao coi bộ không ngán gì Luca hết, vậy tao mới ngán chớ? Nếu thực sự nó phản thì bọn mình mệt hết, mệt lắm. Phải hỏi ngay cho ra lẽ đi. Có ai tiếp xúc với Luca không?

- Tao phôn lại nhà nó không biết bao nhiêu lần rồi! Hay nó đi ngủ bậy ở đâu?

- Vụ đó khỏi có! Luca không ở lại qua đêm bao giờ cả, vô chơi là ra liền. Michael thử phôn vài lần nữa coi?

Michael quay số và nghe rõ tiếng chuông reo đầu dây đằng kia. Không ai trả lời đành cúp máy. "Cứ 15 phút kêu nó một lần... chừng nào được mới thôi" Sonny hấp tấp nói:

- Tom, mày làconsigliori thì có ý kiến gì cho ra đi. Tụi mình phải làm gì bây giờ?

Trước khi trả lời, Hagen rót một ly huýt-ky uống rồi thong thả lên tiếng:

- Mình sẽ tiếp tục điều đình với Sollozzo cho đến lúc Ông Già bình phục. Có thể đi với nó tạm thời. Chừng Ông Già khỏi hẳn thì ổng sẽ có biện pháp cái rụp, đâu sẽ vô đó hết và tất cả các cánh kia sẽ ô-kê gấp theo ổng.

- Nói vậy mày cho tao không chơi nổi thằng Sollozzo?

- Mày đánh được chớ, sức mấy nó chơi lại? Lực lượng mình có mà! Có Tessio, Clemenza là có cả ngàn tay súng, nếu cần phải đánh lớn. Nhưng sau đó thì tan hoang hết, giới giang hồ miền Đông sẽ lãnh đủ và chúng sẽ đổ hết trách nhiệm vào mình. Khi không chuốc thêm bao nhiêu là kẻ thù. Ông Già không bao giờ làm vậy, mày nhớ thế!

Michael ngó Sonny, tưởng đâu nó thế nào cũng ô-kê. Nào ngờ ngó vặn hỏi Hagen:

- Bây giờ ví dụ như Ông Già không qua khỏi thì mày tính sao?

- Tao biết mày không nghe... nhưng tao vẫn đề nghị thực tình đi với Sollozzo về vụ ma túy. Thiếu sự điều khiển, sự quen biết lớn của Ông Già thì nhà này mất đứt nửa lực lượng. Không có Ông Già thì các cánh Nữu-Ước trước sau sẽ về phe Tattaglia và Sollozzo hết, chỉ để khỏi đổ máu dài dài bất lợi. Nghĩa là nếu chẳng may Ông Già mất thì phải hợp tác với chúng và chờ coi...

Sonny nổi giận trắng bệch cả mặt:

- Mày nói nghe dễ quá! Tụi nó đâu có bắn bỏ Ông Già mày?

Hagen nói thẳng, nói lớn lên:

- Thật ra đối với Ông Già thì tao còn hơn tụi mày nữa kìa! Tao muốn bắn bỏ hết tụi nó kìa. Nhưng chuyện làm ăn thì tao phải cân nhắc lợi hại chớ!

Sonny hơi sượng vì phản ứng của Hagen. Miệng nó nói "Bỏ đi...tao không định nói vậy đâu, Tom" nhưng sự thật là vậy, chẳng gì đau xót bằng tình máu mủ. Nó suy nghĩ một lát trong khi mấy đứa kia ngồi yên. Sau cùng nó đành gật đầu chấp nhận và phân phối công tác:

- Ô-kê, chờ Ông Già thì chờ. Vậy thì mày cũng đừng đi đâu hết, Tom. Còn Michael thì phải cảnh giác dù biết thằng Sollozzo không tính chơi sát ván... Nếu nó chơi cả mày thì nó mạt luôn! Chú Tessio vẫn giữ hờ mấy thằng đàn em, bảo chúng nó thử đi ra ngoài nghe ngóng... Còn Clemenza sau khi "làm" xong vụ Paulie, chú cho tụi nó về đây để đưa ê-kíp Tessio lên nhà thương. Sáng mai Tom lo khởi sự tiếp xúc bằng phôn hay cho liên lạc viên tới thằng Sollozzo. Còn Michael mai nhớ đưa hai thằng em của Clemenza tới tận nhà Luca Brasi, kiếm ra bằng được coi nó ở đâu. Tao chỉ sợ nghe tin Ông Già, nó nóng lòng một mình xách súng đi kiếm Sollozzo là hư hết việc! Chứ phản bội thì khỏi lo vì Luca chẳng phải týp phản, nhất là với Ông Già! Thằng Sollozzo "mua" nó sao nổi?

Hagen không muốn để Michael dính vô nên thấy Sonny cắt cử nó là yêu cầu xét lại. Sonny ô-kê ngay. Phần vụ nó chỉ là gác tê-lê-phôn trong nhà vậy thôi.

Muốn thế nào cũng được. Michael chỉ gật đầu. Rõ ràng nó có cảm giác ngượng ngùng. Nó đọc được ý nghĩ của 2 lãocaporegime : coi cả hai thằng cùng lì lì thế kia là Clemenza và Tessio đều bất mãn rõ có điều họ không nói ra.

Gác phôn cũng được. Michael bèn thi hành nhiệm vụ "liên lạc viên điện thoại": thử gọi số của Luca Brasi thì nó vẫn biệt tăm.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 6

Đêm hôm đó Peter Clemenza khó ngủ quá.Sáng sớm lão đã mò dậy, tự làm điểm tâm: một ly nước cốt nho, một lát xúc xíchsalami , một khúc bánh mì, thứ bánh có người mang đến tận nhà mỗi sáng. Cà phê thì lão pha cả bình lớn, đổ rượuanisette vô...

Mặc chiếc áo khoác rộng thùng thình, chân đi đôi dép nhung đỏ, lão đi quanh quẩn trong nhà sắp đặt công việc ngày hôm nay. Hồi khuya thằng Sonny đã nói thẳng thừng như vậy thì phải "giải quyết" thằng Paulie ngay ngày hôm nay.

Vụ Paulie làm Clemenza mất tinh thần. Không phải vì nó là người của lão và nó phản. Mà chỉ vì sự phản bội ở ngoài suy đoán của lão. Xưa nay Paulie vẫn là thằng có gốc, nó người Sicily, nó lớn lên in hệt con cái nhà Corleone và từng học cùng lớp với thằng Michael mà!

Paulie đã từ cấp bậc nhỏ nhất đi lên, đi đúng cách, chịu thử thách nhiều phen. Sau khi lậpđầu danh trạng thì ngoài số lương khá cao nó còn được gia đình Corleone cho bao một sòng đề nguyên một khu Nữu-Ước và một nghiệp đoàn để làm đầu nậu kiếm tiền thêm. Vậy mà thỉnh thoảng nó còn dám nhảy dù kiếm ăn lẻ, trái hẳn nội quy của nhà này. Xếp Clemenza biết và cố tình lờ đi. "Thằng nàobiết làm ăn chẳng vậy? Ngựa hay là ngựa bất kham mà!"

Được cái Paulie đã làm ăn lẻ là lo dàn xếp đâu đó đàng hoàng chu đáo, không để tai tiếng, không ai thắc mắc khiếu nại gì hết. Chẳng hạn như một nhà thầu may đồ ở Manhattan nó nhận đảm bảo "an ninh lao động" để lãnh một năm 3 ngàn đô-la. Còn một lò sản xuất đồ sứ ở Brooklyn nữa.

Làm ăn lẻ thì Paulie dám lắm. Nhưng ai mà ngờ nó dám "bán đứng" gia đình Corleone?

Bây giờ thủ tiêu Paulie thì dễ rồi. Bắt buộc phải thủ tiêu và thế nào cũng phải xong. Vấn đề là phải kiếm người thay thế, kiếm thằng nào trám ngay chỗ trống của nó. Một thằng "chủ chốt" để nắm bọn chuyên viên đánh đấm, chém giết đâu phải dễ, lúc nào muốn thay là thay".

Thằng "chủ chốt" phải dữ đã đành mà còn phải "ngon" nữa. Nó phải đủ lỳ lợm để cớm có vồ được và điều tra thế nào cũng cứ lắc đầu không nghe, không biết, đúng luậtomerta . Một thằng như vậy thì đời sống của nó phải bảo đảm, lương nó phải lớn. Đã nhiều lần Clemenza từng đề nghị Ông Trùm tăng lương cho những tay "chủ chốt" để nếu có đụng chạm, tụi nó sẽ nhảy hăng hái chịu trận. Ông Trùm không chấp nhận. Giả thử Paulie có nhiều quyền lợi hơn thì chưa chắc ngày giờ này nó đã ngả theo đề nghị của Sollozzo.

Thay thế được Paulie Gatto xem ra chỉ có ba thằng. Một là thằng đàn em xưa nay vẫn thi hành kỷ luật trong đám bao đề, bao xổ số người da đen khu Harlem. Nó lực lưỡng và ra đòn nặng hơn đô vật chuyên nghiệp hạng nặng nhưng tính tình hào phóng, đàng hoàng. Chơi rất có cảm tình mà thiên hạ thấy nó vẫn nể. Kể về phương diện làm ăn thì ô-kê lắm nhưng sau 30 phút suy nghĩ Clemenza đành phải gạt bỏ. Đương sự coi bộ thân thiết, nặng tình cảm với bọn da đen: Vậy là yếu rồi! Vả lại nếu cân nhắc nó lên thì lại phải kiếm cho ra một thằng thay thế nó mất công lắm.

Nhân vật thứ hai còn được xếp Clemenza chịu nữa. Chịu khó làm ăn, trung kiên và giữ kỷ luật hơn ai hết. Xưa nay nó chuyên lãnh giải quyết những con nợ chạy làng cho mấy thằng cho vay nợ góp lấy vốn làm ăn của nhà Corleone trong khu Manhattan. Hồi mới đầu nó chỉ là thằng đi biên số đề chớ gì? Nhưng đó cũng là điểm kẹt của nó: Làm sao cất nhấc một thằng đòi nợ mướn lên làm "chủ chốt" ngay cái một được? Còn vấn đề tôn ti trật tự và thời gian...

Sau cùng Clemenza đành chọn Rocco Lampone. Thằng này tương đối là lính mới trong tổ chức nhưng là tay chơi ngon. Từng phục vụ trong quân đội, năm 1943 bị thương ở mặt trận Bắc Phi nên được giải ngũ. Hồi đó thời buổi chiến tranh thiếu người Clemenza phải xài tạm thằng Rocco, dù nó mang thương tích, chân đi hơi khập khiễng. Nó được cử công tác tiếp xúc với mấy nhà thầu may đồ để tiêu thụ vải chợ đen và mấy ông công chức phát "bông" mua thực phẩm. Sau đó nó được ủy nhiệm "lãnh" cả 2 địa hạt này.

Ưu điểm của Rocco được xếp Clemenza chịu nhất là tính nhanh và tính đúng. Có áp-phe là bắt ngay, vốn bỏ ra một mà lời bạc ngàn là thường. Không hùng hổ ẩu, thí mạng không đáng, không đúng chỗ. Một khi xàivăn được thì không bao giờ dùngvõ . Nó cứ nhẹ nhàng làm ăn mà được việc lớn lúc nào chẳng ai hay. Vậy mới là thực sự ngon.

Chọn được một thằng như Rocco Lampone, xếp Clemenza lấy làm thoải mái, yên chí lắm. Phải cho nó cơ hội Paulie Gatto này để lậpđầu danh trạng , có lão đứng bên chứng kiến. Bề nào Paulie cũng là người của lão. Nó phản bội thì Clemenza phải đứng ra thanh toán. Nó được cất nhắc quá hậu, vọt qua mặt bao nhiêu thằng ngon hơn và hồi đó đích thân lão kiếm cho nóđầu danh trạng mà! Chơi cú phản phé này, thằng Paulie không những đã bán đứng Ông Trùm mà còn đá đít ông thầy Clemenza thật đau! Đó là món nợ mà học trò phải trả.

Chương trình thì có ngay. Xếp Clemenza chẳng hẹn nó 3 giờ chiều phải đánh xecủa nó lên đón rồi hai thầy trò đi có việc cần sao? Còn nghi ngờ vào đâu? Hãy cứ phôn xuống cho Rocco đã, khỏi cần xưng danh. Chỉ nhắn: "Xuống nhà tao, có chuyện hay cho mày". Clemenza chịu nhất là mới sáng bảnh mắt ra giọng Rocco đã tỉnh bơ không có vẻ buồn ngủ hay ngạc nhiên chút nào. Nó chỉ vắn tắt ô-kê... làm xếp phải dặn thêm: "Không có gì gấp, ăn trưa xong đến cũng vừa, miễn đừng quá 2 giờ". Rocco vẫn chỉ ô-kê.

Clemenza gác phôn. Bây giờ bọn đàn em lão chắc đã khởi sự thay thế nhóm Tessio rồi. Chỉ cần ra lệnh chớ theo dõi thì khỏi. Còn sớm quá lão mò xuống ga-ra lau xe. Clemenza cưng chiếcCadillac màu xanh chì của lão lắm. Lái đã ngon tuyệt mà nệm xe còn dày dặn, êm ái ngồi khoái hơn cả sa-lông trong nhà. Có lần đang ngồi trong nhà lão chạy ra ngoài xe ngồi cả giờ chỉ cốt để có cái khoái cảm đệm êm quá! Lão săn sóc, o bế xe hệt như hồi còn ở quê nhà vẫn thấy ông già chăm mấy con lừa cưng vậy.

Vừa tưng tiu xe, Clemenza vừa mổ xẻ chi tiết cho thằng Paulie vào bẫy. Nó khôn như chuột, khác ý một chút là đánh hơi ra liền. Huống hồ bây giờ nó đang lo đái ra quần vì Ông Trùm không chịu chết. Có hùng đến mấy giờ cũng bấn lên như ngồi trên lửa. Có điều ông thầy đã giương bẫy thì trò còn chạy đi đâu?

Kể ra mạng thằng Paulie nắm chắc trong tay, giết lúc nào chẳng được, có chạy đằng trời! Tuy nhiên quen nếp làm ăn kín, làm ăn kỹ, Clemenza không muốn để sơ sẩy một ly. Đồng ý sức mấy nó dám ngang nhiên chơi lại... nhưng trước hoàn cảnh một sống, hai chết nó giở trò liều mạng thì sao đây?

Tốt hơn là cứ tìm sẵn lý do để giải thích sự hiện diện của Rocco Lampone. Phải bịa ra là một công tác 3 người làm một lúc mới xong. Nghĩa là phải chơi kịch, từ giọng nói đến nét mặt. Phải làm mặt lạnh, ra vẻ hơi bực mình với nó thôi. Không giận dữ cáu kỉnh... để đa nghi như nó cũng chẳng biết đường nào mà mò. Mà thân thiện như mọi lần cũng không được: nó sẽ đoán biết ngaycó cái gì đây . Một thằng khôn như Paulie thì phải để cho nó băn khoăn tự hỏi: "Không biết có gì không?" thì mới chắc ăn.

Tự nhiên thấy thằng Rocco ngồi lù lù, lại ngồi băng sau nữa thì nó phải hoảng chắc! Tội gì nó ngồi đánh vật với "vô lăng" đợi thằng kia rảnh tay thịt? Dám hỏng hết kế hoạch chỉ vì chi tiết nhỏ nhặt này... nhưng không lẽ giờ chót lại thay đổi hết, tìm một thằng nào khác? Thời buổi này đâu cho phép tìm thêm một thằng phụ tá cộng tác vào những vụ "chết người" này? Càng nhiều đàn em thì càng dễ bị: lỡ có chuyện ra toà, nó khai tùm lum thì sao? Một thằng tố cáo còn mệt... huống hồ hai thằng, ba thằng? Tốt hơn bớttrước thằng nào... đỡ lo thằng ấy... Điểm gay go nhất trong vụ Paulie là giết thật kín nhưng xác nó phải hở. Phải chìa xác nó ra mới có tác dụng cảnh cáo những thằng có mầm mống phản bội trong đầu để chúng hết hồn: "Cứ coi gương thằng Paulie"... Phải vậy đối phương mới ngán: cánh nhà Corleone đâu có hiền như chúng tưởng? Và chính thằng Sollozzo cũng phải chùn, không ngờ bọn này phăng ra nhanh thế và có biện pháp quyết liệt, tức tốc đến thế. Ít ra cũng phải dùng xác thằng Paulie để gỡ lại phần nào uy lực. Không lẽ chúng vừa mần Ông Trùm chết hụt mà đã bấn loạn, đã rét hết cả đám?

Nếu cho Paulie "đi tàu suốt" như thường lệ, không để lại một tí tang tích thì dễ quá! Chỉ cần thảy xuống biển cho cá ăn... hay vùi đại dưới mấy đám đồng lầy bên New Jersey thì trời kiếm. Thiếu gì địa điểm thủ tiêu, thiếu gì phương pháp tân kỳ?

Một lát sau Clemenza hân hoan ngừng tay lau, đứng xa xa nhìn chiếc xe choáng lộn đến soi gương được. Lão gật gù khoái chí vì nước sơn bóng loáng mà cũng vì một ý kiến chợt nảy ra. Rồi! Công tác này thì phải biết là mật và cấp tốc, cả ba cùng phải làm...

Bây giờ mà bịa chuyện 3 thằng phải chia nhau kiếm gấp một căn nhà thật kín đáo làm căn cứ, lập tổng hành dinh để khai chiến đánh lớn là có sẵn ngay thì trăm phần trăm Pauliephảitin! Chuẩn bị sẵn sàng đểtrải nệm mà?

Trải nệmlà một truyền thống Mafia. Cótrải nệm là có đổ máu. Thế nào cũng phải lo kiếm một chỗ kín, một căn nhà trống để các chiến sĩ tập hợp lại...trải nệm ở đỡ. Một phần vì chết chóc là công việc của người lớn với nhau, đàn bà con nít phải để ra ngoài, đâu có thể bắt chết lây? Giết cả đàn bà con nít thì giết đến bao giờ? Nhưng lý do chính là vì trước và trong khi đại chiến bên nào cũng bắt buộc phải có căn cứ mật để che mắt địch quân... lỡ cớm can thiệp bậy vô thì sao?

Xưa nay công việc kiếm chỗtrải nệm không do một taycaporegime tin cẩn - hoặc vài đàn em thân cận - chịu trách nhiệm thì còn ai? Bữa nay Clemenza xách hai đàn em đi sắp đặttrải nệm thì hợp lý và đúng điệu quá trời. Đàn em Paulie sẽ mau mắn phục vụ hết mình. Còn được xếp cho làm vụ "tối mật" này tất còn đầy đủ tín nhiệm. Vậy là lại có quyền bắt thêm mớ bạc - một mớ bạc rất lớn - của Sollozzo vì cung cấp ngay boong địa điểm đối phương đang chuẩn bịtrải nệm đâu phải chuyện tầm thường?

Rocco đến sớm một chút. Lập tức có mục giải thích và phân phối công tác. Rõ ràng Clemenza thấy khuôn mặt nó sáng lên khi có lời cảm tạ công ơn cất nhắc của xếp. Công việc vậy là phải hoàn thành tốt đẹp... Nhưng Clemenza vẫn thân mật vỗ vai:

- Từ hôm nay trở đi thì lương mày sẽ lên nhiều, rất nhiều. Cái đó mình tính sau vì mày biết hiện có nhiều công việc gấp quá, quan trọng quá!

Rocco vội khoát tay ra điều cái vụ đó thì quá chắc rồi, xếp khỏi nói. Clemenza bèn đưa nó vô phòng riêng, mở két sắt kín lấy ra một khẩu súng đưa cho Rocco và căn dặn:

- Mày phải xài thứ này cho chắc ăn. Súng không số, không kiểm kê... có điều tra cũng cóc ra! Chơi xong là để lại trong xe nó. Xong việc thì mày tự tiện đưa vợ con xuống Florida du hí một thời gian, ăn chơi cho ngon đi. Tạm thời cứ xài tiền túi, rồi tao sẽ hoàn lại đủ. Nhớ ở lữ quán nhà ở Miami Beach để có gì tao còn biết chỗ liên lạc gấp.

Có tiếng gõ cửa. Mụ vợ Clemenza thò đầu vô báo có Paulie Gatto tới. Nó cho xe đậu sẵn ngoài cửa chờ. Rocco theo chân xếp bước ra.

Lúc mở cửa xe lên ngồi bên cạnh nó, Clemenza làm mặt lạnh. Thay vì chào hỏi lão chỉ ậm à ậm ừ đưa tay ngó đồng hồ làm như hơi bực mình vì có việc gấp quá mà nó đến trễ.

Khuôn mặt lưỡi cày của Paulie ngước lên, mắt nó ngó xếp đăm đăm và chột dạ rõ khi thấy Rocco Lampone khơi khơi mở cửa xe, bước lên ngồi băng sau. Nó thắc mắc hỏi: "Bữa nay sao lại có cả mày? Ngồi băng dưới mày phải xích qua bên một chút chớ? Mày chắn cha nó kính chiếu hậu".

Nó nói đúng quá nên Rocco ngoan ngoãn né qua một bên, ngồi sau lưng xếp vừa lúc Clemenza cằn nhằn giải thích:

- Thằng Sonny điên đầu rồi. Nó hoảng quá chắc. Chưa gì hết đã bắt tao lotrải nệm ! Bây giờ tụi mình phải kiếm một căn ngon lành ở mé Tây, Paulie và Rocco, tụi bây lo người sẵn, lo sắp đặt đủ thứ trước... để có lệnh là anh em chỉ việc kéo đến. Có đứa nào biết một căn lầu thật ngon không?

Không cần phải nhìn, Clemenza cũng biết Paulie mừng như mở cờ trong bụng. Cá đã cắn câu chỉ vì mải nghĩ đến món mồi Sollozzo sắp cung ứng nên quên phắt mất hiểm hoạ Rocco ngồi sát bên. Mà quên cũng phải. Nãy giờ thằng Rocco chơi vai trò rất trội, nó bơ bơ ngó qua cửa sổ, nó có để ý đến cái quái gì đâu?

Paulie nhún vai trả lời: Cái đó còn phải nghĩ một chút.

Clemenza nói vắn tắt: "Mày vừa lái xe vừa nghĩ. Bữa nay mình lên Nữu-Ước..."

Paulie cho xe băng vùn vụt, và vào giờ ấy đường cũng ít xe nên chập choạng tối đã tới. Dọc đường chẳng buồn nói chuyện. Clemenza biểu lái đến khu cao ốc Hoa-Thịnh-Đốn thử kiếm và ba căn trên bin-đin rồi bảo ngừng xe đợi ở đại lộ Arthur. Thằng Rocco cũng ở lại trong xe đợi luôn.

Một mình Clemenza xuống xe, thả bộ lại nhà hàngVera Mario kêu một đĩa xà lách bí-tết bò con. Một giờ sau mới thủng thỉnh trở lại xe.

Mở cửa bước vô là cằn nhằn:

- Đ.M... lại có thay đổi giờ chót. Tạm đình cái vụtrải nệm . Paulie và tao về Long Beach lãnh công tác khác. Còn Rocco... mày ở Nữu-Ước thì tụi tao thảy mày xuống đây cho tiện.

- Ấy, đâu được? Xe tôi còn để nhà xếp lúc nãy mà? Tưởng xong vụ này về lấy... chớ mụ vợ tôi sáng mai phải cần gấp.

- Vậy chịu khó về Long Beach với tụi tao rồi tạt về nhà tao lấy xe sau.

Trên đường về Long Beach cũng chẳng thằng nào buồn trò chuyện. Gần đến đoạn đường rẽ vô thị xã, Clemenza đột nhiên nói: "Paulie, ngừng xe lại cho tao làmcái vụ kia cái đã".

Thầy trò đi với nhau bao nhiêu lâu, thân cận quá rồi nên Paulie còn lạ gìcái vụ kia ? Clemenza hồi này có tuổi, có bụng nên uống vô chút rượu ưa đi đái hoảng. Đang lái xe phom phom cũng phải kiếm chỗ tốp gấp cho xếp "trút bầu tâm sự" là thường!

Nó bèn lách xe vô khoảng đất trống dẫn vô đám sình lầy rồi tốp lại. Clemenza lật đật bước xuống, đi thẳng lại bụi cây xả một bãi thật sự. Xong đâu đấy lão lẹ làng đi trở lại, đưa tay mở cửa xe. Cặp mắt đảo rất nhanh nhìn hai đầu đường. Không thấy một ánh đèn pha.

Lão vắn tắt "Làm đi" thì tiếng súng đã nổ chát chúa, nổ nghe nhức đầu. Thân hình thằng Paulie như bốc lên, đổ vật trên vô lăng xe, rồi lăn xuống nệm. Clemenza hấp tấp nhảy lui lại, làm như không muốn để cho máu, óc và xương sọ nó văng phải.

Rocco Lampone từ băng sau nhảy ra, liệng khẩu súng ra thật xa, cho mất hút giữa đám sình lầy. Có chiếc xe chờ sẵn sau bụi cây kế bên. Rocco lẹ làng bước tới mở cửa, luồn tay dưới ghế lấy ra một chiếc chìa khoá công tắc. Nó nhanh nhẹn ngồi sau vô lăng, mở máy cho xe vọt gấp. Thay vì quay trở lại đường cũ, nó cũng về Nữu-Ước nhưng lái vòng qua một ngả khác xa hơn nhiều, xa hơn rất nhiều...

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 7

Không đầy hai mươi bốn giờ đồng hồ trước khi Ông Trùm bị ám sát, thằng người nhà thân tín nhất, dễ nể nhất chuẩn bị tiếp xúc đối phương. Dĩ nhiên phải là đêm tối và dĩ nhiên phải do Ông Trùm sắp đặt chớ? Luca Brasi đã được lệnh ngầm tiếp xúc và bắt tay vô việc nầy cả tháng trước. Nó la cà đi nhậu ở mấy quán rượu của nhà Tattaglia, lại bắt bồ với một con điếm có cỡ nữa. Nó chán đời, nó bất mãn... Bao nhiêu năm phục vụ gia đình Corleone mà cứ lẹt đẹt mãi.

Cỡ một tuần sau khi xì tin ra thì ông chủ quán tức cậu út Bruno bèn tới gặp liền. Trong gia đình Tattaglia thì Bruno bề ngoài không hềlàm việc nhà , tức nuôi đĩ. Có điều quán của cậu út rất đông "nghệ sĩ trình diễn" và chiêu đãi cẳng dài. Nhiều em bédeluxe Nữu-Ước xuất thân từ quán này.

Cuộc tiếp xúc rất mau lẹ, thẳng thắn. Bất mãn với cánh Corleone thì sẽ có việc làm ngay, một chân "giám sát" thì làm gì chẳng có? Vì mê em bé quá, muốn gần gụi nên Luca Brasi cũng muốn làm lắm chớ? Những mục dò dẫm cứ thế mà tiến hành.

Tuy nhiên Luca chỉ nhận làm với một điều kiện rõ ràng: không đả động tới, không chống lại Bố Già Corleone cổ kính.

Cậu út Bruno thuộc đám mới lớn lên, tối kỵ "mấy anh già vớ vấn, nhà quê" kiểu Luca Brasi nhưng cũng ráng tiếp xúc thử. Đến Vito Corleone hay ông thân sinh cậu cũng chẳng là cái thá gì kia mà? "Ô hay sao Ông Già tôi lại muốn ông chống lại Ông Trùm Corleone nhỉ? Thời buổi này đường ai nấy đi chớ chống đối nhau như ngày xưa thì ăn giải gì. Nếu ông cần một chỗ làm ngon lành thì tôi sẵn lòng giới thiệu với Ông Già. Công việc của ổng bao giờ chẳng cần những người biết làm vàdám làm như ông? Nếu muốn thì ông cứ việc đến.

Luca Brasi nhún vai: "Tôi hiện giờ cũng chưa đến nỗi phải đi tìm việc".

Theo đúng kế hoạch, Luca làm ra vẻ muốn làm và từng có ít nhiều kinh nghiệm ma túy nên nếu có làm thì phải cũng có tí gì làm ăn riêng. Chỉ cốt để "đánh hơi" xem đứng sau lưng nhà Tattaglia, thằng Sollozzo có tính toán gì không, có định chơi cánh Corleone không. Việc cứ dây dưa tới 2 tháng mà vẫn chưa thâu thập được tin tức gì nên Luca báo cáo lại là không nghe nói Sollozzo có mưu toan. Tuy nhiên Ông Trùm ra lệnh tiếp tục giữ đường dây, không đi đâu mà vội.

Ngay buổi chiều hôm trước Ông Trùm bị sát hại, Luca Brasi cũng mò lại quán và được Bruno tới ghé tai cho biết:

- Tôi có người bạn muốn tiếp xúc với ông.

- Rất sẵn sàng... Biểu hắn tới đây...

- Đâu được. Hắn muốn gặp riêng kia.

- Ai vậy?

- Một người bạn. Hắn có một đề nghị muốn nói với ông khuya nay được không?

- Được. Lúc nào, ở đâu?...

Bruno Tattaglia ngẫm nghĩ rồi nói:

- Quán sẽ đóng cửa 4 giờ sáng. Tại sao không hẹn gặp ở đây ngay sau giờ ấy... lúc tụi nó sắp công tác dọn dẹp?

Nó hẹn gặp lúc 4 giờ sáng là nó đã điều tra kỹ về lối sống của mình rồi. Luca Brasi nghĩ vậy.

Vì Luca Brasi khác người ở chỗ quen lệ 4 giờ chiều mới ngủ dậy, rồi giải trí bằng cách đánh bạc cò con với mấy anh em nhà hay "bắt" một em nào đó. Thỉnh thoảng đi coi hát, vôbar nhậu một mách và không bao giờ chịu ngủ trước lúc trời tờ mờ sáng. Như vậy cái hẹn 4 giờ khuya đâu có gì ngược đời?

Chiều hôm đó, sau khi y hẹn Luca trở về nhà, một căn phòng ở trọ trong gia đình một bà con có họ xa ở trong khu nhà ga Đại lộ số 10. Nó ở riêng một mình hai phòng nhưng muốn vô phòng nó thì bắt buộc phải đi qua nhà ngoài nên Luca Brasi khoái địa điểm này. Vừa có không khí gia đình lại vừa an ninh bảo đảm. Muốn thịt Luca Brasi ở nhà đâu phải dễ?

Nó biết "người bạn" của Bruno lắm chớ? Khuya nay thế nào thằngđường Thổ chẳng ló đuôi chồn? Nếu nó hé cho biết điều gì thì tốt quá. Còn món quà mừng Giáng sinh nào Ông Trùm khoái bằng?

Luca Brasi sửa soạn kỹ. Giường nó phía dưới có một ngăn kín, nó kéo ra lấy chiếc "áo lót". Thứ áo đỡ đạn dày cộm, nặng kinh khủng. Mặc vô rồi mới đến sơ mi, vét tông. Mấy lần đã định phôn về Ông Trùm thông báo gấp cái hẹn khuya nay nhưng không dám. Bố Già tuyệt đối ít chịu xài điện thoại. Ổng lại giao công tác này chomột mình nó, ngay đến Tom Hagen và cậu cả Sonny cũng không được quyền biết đến thì thông báo với ai?

Luca Brasi lúc nào chẳng kè kè khẩu súng trong người? Đâu phải súng lậu mà súng có giấy tờ đàng hoàng. Cái giấy phép mang súng của nó có lẽ mắc nhất thế giới vì khó cấp nhất. Mười ngàn đô la, thần thế lắm mới có. Nhưng vẫn phải có vì không lẽ tay súng số 1 của gia đình Corleone lại không có súng hay xài súng lậu để rớ tới là ở tù?

Khuya nay nếu mọi việc xong hết và cần đến súng thì Luca Brasi phải xài một khẩu khác, thứ súng "an toàn" nghĩa là không có gốc nào để phăng ra kìa! Nhưng mới lần sơ ngộ thì có lẽ chưa cần nổ. Cứ lắng nghe và về kể lại cho Ông Trùm là tốt rồi.

Luca Brasi trở lại quán nhưng không nhậu nữa. Một mình nó thả bộ đến đường số 48, chén một bữa ở Pasy, nhà hàng chuyên bán toàn món Ý. Nơi đây bán suốt đêm, ông khách quen có quyền kề cà đến sáng! Gần đến giờ hẹn Luca Brasi mới mò tới, lúc quán vừa đóng cửa người làm bắt đầu về.

Chủ quán Bruno đích thân ra đón, đưa nó vô cáibar vắng ngắt bên cạnh phòng ăn. Luca Brasi đưa mắt nhìn ra cả một khoảng mông mênh bàn ghế để lổng chổng và ở giữa là sàn nhảy đánh si bóng láng. Giàn nhạc trống trơn, mấy cái mi-crô đứng trơ trụi.

Luca tới ngồi quầy rượu, ông chủ Bruno ngồi phía trong bồi tiếp. Nó nhất định từ chối, không chịu uống mà chỉ đốt thuốc hút. Biết đâu lỡ người hẹn gặp không phải Sollozzo thì sao?

Đúng lúc đó nó đề cao cảnh giác thì từ bóng tối đầu phòng đằng kia Sollozzo thủng thỉnh bước tới. Nó ngồi cạnh Luca. Thằng Bruno bưng rượu lại. Sollozzo gật đầu rồi lên tiếng: "Chắc ông biết tôi là ai rồi?"

Luca gật đầu cười lạnh. Tao biết mày là con chồn ở hang và bây giờ con chồn ló ra. Tao biết mày là thằng dễ nễ và chơi với mày là phải coi chừng kịch liệt... nhưng có vậy mới thú!

- Ông biết tôi sắp thưa chuyện gì không?

Luca Brasi lắc đầu.

- Tôi đề nghị một chuyện làm ăn, làm ăn lớn... làm ăn bạc triệu. Ngay chuyến đầu phần ông đảm bảo là 50 ngàn đô-la. Tôi muốn nói ma túy chỉ có ma túy mới ngon ăn như vậy!

- Ủa, sao lại đề nghị với tôi? Chắc ông muốn nhờ chuyển lời lên Ông Trùm?

- Không, Ông Trùm tôi đã nói rồi nhưng ổng không chịu nghe. Ổng từ chối thẳng. Dĩ nhiên không có ông tôi cũng vẫn làm và làm được chớ? Nhưng tôi cần một tay chì, rất chì để đứng đằng sau yểm trợ cho công cuộc làm ăn. Tôi biết ông có chỗ không hài lòng với gia đình Corleone và có thể bỏ đi làm ăn nơi khác.

- Nếu quyền lợi đúng mức.

Cặp mắt Sollozzo nãy giờ nhìn nó chòng chọc. Hình như nó đã có quyết định rồi.

- Quyền lợi thì cứ như con số tôi vừa nói. Ông suy nghĩ vài ba bữa cho chín chắn rồi ta sẽ gặp nhau sau.

Nói dứt là Sollozzo chìa tay ra bắt nhưng Luca lờ đi, làm như không thấy mà cứ chăm chú vào điếu thuốc vừa gắn lên môi. Bên kia quầy rượu, Bruno bèn mau mắn chìa bật lửa ra. Coi, bật lửa chưa tới đã rớt cái độp. Ra nó cố tình buông để nắm cứng lấy tay mặt Luca Brasi. Hai tay giữ một, kềm cho chặt.

Luca có phản ứng ngay. Người nó tuột ra khỏi ghế và vặn mình một cái là vượt. Nhưng hai tay Sollozzo lập tức kẹp cứng tay trái, đúng chỗ cổ tay. Hai thằng 4 tay giữ nó cũng khó quá! Nó vùng vẫy và chắc sẽ sút cái một nếu đúng lúc đó nhân vật thứ 3 không xuất hiện.

Từ khoảng tối phía sau lưng Luca một thằng vọt ra, cấp tốc "đi một đường dây lụa" quanh cổ hung thần. Sợi dây lẹ làng xiết lại, xiết gọn. Còn thở sao nổi?

Mặt Luca tím, tím bầm. Sức vùng vẫy ở hai bên tay đi đâu mất. Sollozzo và Bruno Tattaglia hai thằng nắm hai bên bỗng nhàn nhã quá. Gần như khỏi cần xuất lực mà chỉ đứng yên, đứng ngay người ngó thằng cô hồn phía sau nghiến răng xiết cứng sợi dây, xiết cứng nữa.

Đột nhiên mặt sàn ướt sũng nước và cả phòng bỗng thối hoăng. Cứt đái văng tứ tung. Người Luca Brasi nhũn ra, gối lỏng và sụm xuống. Bruno và Sollozzo vội buông nó ra gấp để một mình thằng em ghì chặt lấy và hạ người thấp dần theo cái thân xác nặng nề. Nó xiết chặt đến nỗi sợi dây lụa văng tuốt luốt vô cần cổ, không trông thấy đâu nữa kia mà? Đôi mắt Luca lồi ra, như muốn nhảy khỏi tròng. Làm như nó ngạc nhiên, ngạc nhiên lắm và vừa kịp ngạc nhiên là chết.

- Phải thủ tiêu nó gấp. Bây giờ tuyệt đối chưa thể lộ một tí gì về nó.

Buông xong khẩu lệnh vắn tắt, Sollozzo quay phắt đi, biến vào bóng tối.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 8

Ngày hôm sau gia đình Corleone bận tíu tít. Michael ngồi ôm máy điện thoại suốt ngày giùm Sonny và Hagen thì lo kiếm cho ra một thằng trung gian mà Sollozzo chịu tiếp để chuẩn bị cho hai bên gặp nhau. Công việc đâu phải dễ vì Sollozzo đa nghi hơn bao giờ hết: chỗ nào cũng thấy đầy những người của Tessio và Clemenza nghe ngóng, dò xét tin tức nó. Dĩ nhiên nó "lặn" rất kỹ, cũng như bọn chủ chốt cánh Tattaglia dại gì thò mặt ra cho bọn Sonny làm thịt?

Clemenza đảm trách thằng Paulie còn Tessio phải lo tìm cho bằng được Luca Brasi vì đêm Ông Trùm bị ám sát nó cũng không về nhà. Vậy ắt có chuyện chẳng lành nhưng Sonny vẫn không tin bọn Sollozzo có thể mua được hay chơi được nó bất ngờ.

Bà Trùm lên hẳn Nữu-Ước ở đậu nhà bà con ít hôm để vô nhà thương săn sóc cho tiện. Cậu rể Carlo cũng xung phong xin giúp đỡ "việc nhà" nhưng được nhắn lời hãy cứ lo làm tròn vụ làm ăn hàng ngày là phụ trách biên đề, biên xổ số trọn một khu có nhiều dân Ý ở trung tâm Manhattan. Trong khi đó Connie ở chung với Bà Trùm để phụ giúp công việc.

Còn Fred vẫn phải nằm tĩnh dưỡng ở nhà, vẫn phải chích thuốc an thần. Có lần đến thăm nó tận giường, cả Sonny và Michael cùng ngạc nhiên, không ngờ người Fred xanh lè, bết bát đến vậy: "Coi nó còn tệ hơn Ông Già nữa!"

Thấy Sonny chê Fred quá, Michael nhún vai. Ngoài mặt trận nó từng thấy thiếu gì thằng vì quá sợ mà mất tinh thần tệ hại nhưng không ngờ ông anh thứ hai hồi nhỏ đô con, khoẻ mạnh là vậy mà xuống mau đến thế. Ai chẳng biết thằng Fred coi bố như trời, dù ổng chê nó yếu, nhát gan nên không có mảy may hy vọng làm lớn?

Xế chiều có phôn của Johnny Fontane từ Hollywood gọi sang. Sonny la lối: "Đâu được? Mày về thăm ổng không tiện chút nào đâu. Ổng còn mệt lắm, vả lại thấy mày đến là bọn nhà báo sẽ làm ào ào chắc chắn bất lợi cho mày, ổng không chịu đâu. Chừng nào ổng về nhà mày tới thăm có phải hơn không? Được thế nào tao cũng nói lại".

Sonny gác máy, quay sang Michael: "Bố mà biết thằng Johnny đòi từ Hollywood bay về thăm thì bố khoái lắm".

Lát nữa có thằng thủ hạ Clemenza kêu Michael xuống bếp nghe phôn, máy riêng của gia đình xài. Thì ra Kay gọi tới hỏi thăm. Nghe giọng nàng thiếu tự nhiên, có phần giả tạo. Không lẽ nàng không tin là "bố anh Mike" lại có thể là một tướng cướp, một Ông Trùm vừa bị đối phương thanh toán?

- Ông Già bệnh tình thế nào, anh?

- Ông sẽ qua khỏi.

- Lúc anh vô nhà thương thăm Ông Già cho em vô theo với nghe?

Michael cười xoà gạt đi. Có lẽ Kay nhớ lại có lần nghe nó kể đối với người Ý những vụ thăm viếng đi lại như vậy quan trọng lắm.

- Nhưng trường hợp này lại khác! Em mà lò dò vô với anh đụng đầu cha nhà báo nào tới săn tin thì dám có tên trong "Tin Trong Nước" tờDaily News lắm đó. Đại để sẽ có tin "cô con gái một dòng họ danh giá Huê-Kỳ mê con lão tướng cướp "Bàn Tay Đen" đấy! Liệu ông già bà già em có chịu không?

- Ba má em đâu có đọcDaily News ! Nhưng được rồi... Anh bình yên chớ? Anh không có gì nguy hiểm chớ?

- Ồ, anh thì ăn nhậu gì ở trong nhà? Thứ gà chết mà tụi nó theo dõi, đe doạ làm chi cho mất công! Nhưng em yên chí đi, mọi việc xong đâu vào đấy hết cả rồi. Khỏi có chuyện gì nữa đâu. Bất quá chỉ như một tai nạn vậy mà? Chừng gặp nhau anh sẽ nói sau.

- Nhưng bao giờ gặp mới được chớ?

- Thì tối nay nghe? Anh sẽ tới phòng em rồi tụi mình đi chơi trước khi anh vô bệnh viện thăm Ông Già.

Nói thiệt là anh chán cảnh ngồi nhà canh tê-lê-phôn lắm rồi. Anh sẽ tới em... nhưng chớ có cho ai hay nghe? Khi không đụng một thằng phó nháy chặn đường, chụp hình cả hai đứa mình đăng báo là phiền lắm đấy. Bộ anh giỡn sao? Phiền nhất là đối với ba má em kìa!

- Yên chí! Em đợi anh. Mà anh có cần mua quà Giáng sinh gì không?

- Không. Mình em đợi... và sẵn sàng là đủ.

Trong máy tiếng Kay cười nghe khanh khách.

- Thì... sẵn sàng! Có bao giờ em không sẵn sàng với anh nào?

- Có vậy mình mới là bồ bịch chớ?

- Bồ lắm! Em yêu anh lắm! Anh thử nói yêu em coi nào?

Michael lúng túng đưa mắt ngó 4 thằng cô hồn đang ngồi lù lù, ngồi đầy cả bếp. Nói "yêu em" thế nào được? Đành "ô-kê" rồi gác máy.

Trở về văn phòng, Michael gật đầu chào Clemenza lúc lão đang dở tay nấu một nồi sốt cà chua khổng lồ. Vừa bước vô nghe Sonny hỏi đến lão, nó cười đáp: "Đang o bế một thùngspaghetti ... làm như thứ cho lính ăn vậy!". Sonny gắt lên:

- Bảo lão ấy làm ơn vô đây gấp, liệng mấy thứ vớ vẩn ấy đi! Bao nhiêu chuyện cần quá mà? Bảo cả Tessio nữa...

Vài phút sau, đông đủ mọi người Sonny hỏi vắn tắt: "Xong cái vụ đó chưa?". Clemenza gật đầu: "Rồi! Khỏi thấy nó nữa...". Họ đối đáp vắn tắt, giản dị có vậy mà Michael nghe như có luồng điện chạy qua! Vậy là Paulie Gatto không còn nữa! Thằng Pauliengười nhà đã bị ông thầy Clemenza bụng bự thủ tiêu êm rồi

Đưa mắt qua Hagen, Sonny hỏi: "Vụ tiếp xúc Sollozzo mày tiến hành đến đâu rồi?". Nó lắc đầu giải thích:

- Thằng này coi bộ nguội cái vụ điều đình. In hình nó cũng không có vẻ lo ngại nữa. Có thể chỉ vì nó chơi rất kỹ để mấy thằng đàn em của mình mất hút nó luôn. Nó không tin bất cứ sứ giả nào mình nhờ làm trung gian. Nó phải hiểu là nó bắt buộc phải điều đình chớ? Nó liều chơi Ông Già mà ổng còn sống sót là nó xui tận mạng rồi!

- Thằng Sollozzo quả thực chì. Có lẽ nó là đối thủ chì nhất mà cánh mình đụng độ hồi nào đến giờ! Nó nghi tụi mình chơi trò kiên trì đợi Ông Già bình phục... hay nó sợ tụi mình giàn xếp chơi nó?

- Đương nhiên nó phải nghĩ vậy... nhưng nó vẫn chẳng có cách khác hơn là điều đình. Tao đã đưa ra hạn định nội ngày mai.

Một đàn em Clemenza gõ cửa bước vô báo cáo: "Ra-đi-ô loan tin cớm vừa tìm ra xác thằng Paulie. Chết gục trong xe".

Clemenza gật đầu: "Biết rồi. Bỏ vụ đó đi...". Thằng đàn em trợn tròn mắt ngạc nhiên nhưng nhìn xếp một cái là biết ngay. Nó thản nhiên như không có chuyện gì, lật đật bước ra.

Công việc lại tiếp tục. Sonny hỏi bệnh tình Ông Già thì Hagen đáp:

- Ổng không có gì đáng ngại... nhưng phải mấy bữa nữa mới nói được. Ổng bị cú này nặng lắm, phải mổ nên còn lâu mới lại sức. Bà già và Connie chầu chực săn sóc tối ngày. Chung quanh phòng ổng đầy những cớm chìm và giàn ngoài là bọn đàn em Tessio nằm phòng hờ. Ít hôm nữa ổng bình phục, lúc bấy giờ ổng muốn gì sẽ ra lệnh. Trong khi đó mình vẫn phải kềm Sollozzo, không cho nó là hoảng. Vậy tao mới đề nghị mình thử điều đình.

- Trong khi chờ đợi thì Clemenza và Tessio vẫn tiếp tục "chiếu cố" nó. Biết đâu chừng may mắn một chút là mình giải quyết mọi vấn đề cái rụp?

- Không có vụ may mắn đó đâu, Sonny! Sollozzo là thằng khôn lắm. Nó biết chấp nhận điều đình là nó ở thế kém làm sao trên chân mình nổi? Nên nó cố kéo dài thì giờ. Theo tao nghĩ là để kéo mấy cánh Nữu-Ước về phe nó đấy. Để tụi mình không dám làm hoảng, dù sao cũng phải đợi Ông Già đích thân ra lệnh!

- Ủa, sao mấy cánh kia lại làm vậy nhỉ?

- Thì họ không muốn có đổ máu lớn. Đổ máu lớn thì cánh nào cũng lãnh đủ. Báo chí, chánh quyền sẽ nhảy vô. Vả lại họ cũng đói nữa và Sollozzo mang mối lợi tận miệng mà? Cánh nào cũng được chia phần hết! Mình chưa cần đến mối lợi ma túy vì mình có sòng bạc nhưng những cánh khác đâu có gì? Họ biết khả năng Sollozzo lắm chớ? Nó là "cây tiền cây bạc" của họ... thì tại sao họ lại để cho nó chết lãng vậy kìa?

Chưa bao giờ Michael thấy mặt Sonny lì lợm đến thế: cặp môi nó trễ ra, da mặt nó xám ngoét. Nó gằn giọng: "Đói no gì thây kệ tụi nó. Xía vô chuyện này là không xong với tao!"

Nghe giọng hằn học của Sonny, cả Tessio và Clemenza cũng đứng ngồi không yên. Hai lão nhấp nhổm không khác gì mấy thằng chỉ huy đơn vị xung kích nghe ông tướng đòi cương quyết triệt hạ một căn cứ quá hiểm, hy sinh bao nhiêu cũng cứ đành vậy! Hagen đành phải lên tiếng:

- Coi, cái lối giải quyết của mày Ông Già đâu có chịu? Ông sẽ hạ một câu: "Không đáng, chẳng bõ" liền! Đồng ý là nếu Ông Già ra lệnh thịt thằng Sollozzo thì thằng nào xía vô mình cũng chơi hết! Nhưng đây đâu phải vấn đề trả thù... mà thuần túy chỉ là chuyện làm ăn.

Nếu mình nhất quyết chơi Sollozzo mà cánh khác nhào vô can thiệp thì sẽ có một sự giàn xếp. Chằng hạn họ sẽ né đi... để mình sẽ đền bù họ cách khác sau này. Phải đặt vấn đề bình tĩnh, tỉnh táo như vậy chớ đừng nóng lòng làm hoảng.

- Đồng ý! Tao cũng hiểu vậy chớ? Chỉ cần lúc mình nhất quyết chơi nó thì đừng thằng nào xen vô...

Sonny nói vậy nhưng mắt nó vẫn quắc lên dễ sợ. Nó quay sang hỏi Tessio:

- Có tin gì về Luca chưa?

- Chẳng thấy gì! Nó dám bị thằng Sollozzo vồ lắm!

- Có thể. Vì một thằng khôn như nó không thể không e ngại thằng Luca. Nó cóc thèm để ý đến nữa thì rất có thể nó đã nắm được rồi.

- Coi, nếu thật vậy thì tao ngán quá. Tao ngán nhất vụ Luca chơi lại mình. Về vụ này ý kiến hai ôngcaporegime thế nào?

Clemenza vẫn cái điệu chậm rãi:

- Chuyện phản bội thì xét ra thằng nào cũng có thể phản lắm. Như thằng Paulie đấy? Nhưng riêng thằng Luca Brasi thì khỏi lo. Nó là týp chỉ đi một chiều, xưa nay nó chỉ biết có một mình Ông Trùm, nó chỉ sợ có một mình ổng. Làm như trên đời không còn một ai khác khả dĩ nó có thể nể vì đôi phần vậy. Tao nhất quyết Luca không làm phản. Mà khôn như nó, đa nghi như nó thì Sollozzo sức mấy cho vào bẫy nổi? Thằng Luca có tin ai bao giờ? Nó cái gì cũng nghi hết... bao giờ cũng cảnh giác tối đa. Khỏi có vụ nó bị lừa! Theo tao thì nó đi đâu xa ít ngày đó. Mai mốt sẽ có tin chắc...

Sonny ngó qua Tessio. Lãocaporegime cáo già nhún vai:

- Thằng nào chẳng có thể phản? Tính thằng Luca kỳ cục lắm. Biết đâu chừng Ông Trùm không làm nó bất mãn điều gì? Có thể lắm. Cũng như thằng Sollozzo có thể chơi một trò đột ngột và Luca vẫn bị như thường chớ? Theo tao thì Tom nói đúng: mình phải phòng bị cả trường hợp cùng mạt nhất!

- Thôi được. Bây giờ chắc chắn Sollozzo biết vụ Paulie rồi. Nó sẽ có phản ứng gì đây?

Clemenza nghiêm giọng:

- Chắc chắn nó phải suy nghĩ để hiểu rằng cánh Corleone mình đâu có dễ chơi! Cũng hên cho nó hôm nó chơi trộm Ông Trùm đấy...

- Đâu phải chuyện hên xui? Nó phải sắp đặt cả mấy tuần lễ trước. Nó phải rình Ông Già ở văn phòng hàng ngày, theo dõi từng tí một. Rồi nó mới mua đứt thằng Paulie, dám cả Luca Brasi luôn. Nó vồ thằng Tom đâu có hụt? Nghĩa là cái gì nó cũng sắp đặt ngon lành cả. Phải nói nó không hên... mà xui tận mạng! Phải nhìn nhận là hai thằng cô hồn của nó chơi chưa tới, vả lại Ông Già phản ứng quá lẹ đi. Bằng không thì mạng ổng còn gì và thế nào tôi chẳng phải cộng tác với nó làm ăn chung? Vậy là nó thắng rõ, thấy không? Có muốn chơi được nó, trả thù cũng phải đợi 5 hay 10 năm sau! Chú mày phải nhớ rằng lâu nay mình trót chủ quan khinh địch, nên mới đánh giá nó thấp vậy...

Một đàn em bưng thức ăn vô. Một dĩaspaghetti bự, mấy chai rượu chát. Michael lặng lẽ ngó họ vừa ăn vừa bàn tính. Nó chịu. Ăn không vô. Hagen cũng vậy. Song Sonny và hai lãocaporegime đớp ào ào, vét nước sốt kỹ. Đúng là một trò hề!

Theo Tessio thì Sollozzo đâu thèm quan tâm đến mạng thằng Paulie? Nó biết trước chắc và dám nó còn chịu vậy là khác. Chẳng gì cũng phải đỡ chi thêm cho một mạng thừa! Còn sợ thì khỏi! "Ở trường hợp mình, mình sợ không nào?"

Michael cũng bàn góp và lý luận như sau:

- Về cái vụ này tôi chỉ a-ma-tơ. Như căn cứ vào con người Sollozzo như mấy ông vừa nói và cộng thêm sự kiện đột nhiên nó dãn ra không chịu tiếp xúc với người của mình thì tôi tin chắc nó đang âm thầm tính một cú gì tuyệt lắm. Một đòn độc mình không thể ngờ tới và chừng nó tung ra là ăn chắc, mình hết đỡ. Phần thắng về nó, mình chỉ có khóc. Ngược lại, nếu mình phăng ra trước thì nó mạt!

Sonny miễn cưỡng đồng ý:

- Cái đòn độc mày nói tao đã nghĩ rồi. Tao vẫn nghi là giờ chót nó sẽ đưa Luca Brasi ra để chơi mình. Nên tao đã có tối hậu thư để Luca phải xuất hiện, buộc lòng phải xuất hiện. Cũng có thể thằng Sollozzo đã ngấm ngầm liên kết được tất cả mọi phe, mọi cánh Nữu-Ước để bất thình lình tụi nó hè nhau ra mặt chính thức chơi lại mình. Thế là mình buộc lòng phải cộng tác, phải vậy không Tom?

- Quan điểm của tao cũng vậy. Chúng nó ra mặt liên kết thì mình đành đợi Ông Già có thái độ sau vậy chớ đâu dám vọng động? Chơi lại tất cả mọi phe mọi cánh thì chỉ có mình ổng. Vì ổng có cái mà chúng nó thiếu, chúng nó ham số một là...thế lực chính trị . Ổng sẽ phải hoá giải bằng những móc nối với các cấp thẩm quyền.

- Có một điều tao biết chắc là thằng Sollozzo khỏi dám héo lánh đến đây, đến cái nhà này...

Clemenza tuyên bố nghe ngon thật nhưng có điều hơi việt vị: cái thằng phản bội đầu tiên chẳng phải học tròruột của lão sao? Sonny giương mắt ngó rồi quay sang hỏi Tessio:

- Ở bệnh viện chú cho canh chừng kỹ đấy chứ?

Tiếng "dĩ nhiên" Tessio buông ra nghe chắc ăn quá! Nãy giờ lão có ngỏ lời hay cho biết ý kiến một cách rõ ràng, chắc chắn vậy đâu? Lần này lão "nắm vững vấn đề" thiệt tình:

- Tao cắt cử tụi nó chia nhau canh chừng từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài và thường trực 24 trên 24! Ngoài ra bọn cớm cũng bao gắt lắm chớ bộ? Mấy thằng cớm chìm lúc nào lại chẳng chầu chực ngay cửa phòng bệnh để chờ ổng tỉnh táo là vô thẩm vấn liền? Ấy là ổng còn bất tỉnh, thở còn phải đút ống dưỡng khí, ăn uống còn toàn bằng ống đấy! Cũng may là khỏi phải đề phòng nạn đầu độc bằng miếng ăn thức uống vì bọn Thổ Nhĩ Kỳ thiện nghệ này lắm! Tóm lại, tụi nó vô phương chơi ổng ở đây!

Sonny ngả người ra chiếc ghế xoay:

- Nếu vậy hay! Còn tôi... tôi chẳng sợ rồi. Vì lẽ giản dị là cho tôi "đi" thì tụi nó làm ăn với ai... ở trong cái nhà này? Hay nó chơi thằng Michael? Thằng Sollozzo dám vồ mày làm con tin để điều đình lắm chớ?

Michael nghe nói vậy đã chán. Hết hy vọng gặp em bé tối nay. Đời nào Sonny cho nó mò ra khỏi nhà? Nhưng Hagen không đồng ý:

- Đâu có cái vụ đó! Vồ thằng Michael thì tụi nó làm lúc nào chẳng được? Có điều thằng Michael đâu có dính vô công chuyện nhà này. Đụng đến một thằngvô can như nó là trái luật giang hồ, đứa chủ xướng sẽ bị tẩy chay ngay. Thằng Sollozzo mà làm thằng Michael thì ngay cánh Tattaglia cũng chơi lại nó! Tao chỉ sợ ngày mai đây các cánh Nữu-Ước sẽ cử một thằng đại diện chung đến ép mình phải chấp nhận đề nghị của thằng Sollozzo mới là mệt. Đấy mới là đường độc của thằngđường Thổ ... chớ vồ thằng Michael thì nó vồ làm gì!

Michael nghe nói bèn thở ra nhẹ nhõm: "Nếu vậy may quá! Tối nay tao định lên Nữu-Ước có chút chuyện". Sonny cật vấn liền: "Chi vậy?"

- Ủa, tôi vô thăm bố không được sao? Có nhiều chuyện phải làm chớ?

Hệt như tính nết Ông Già, Michael chẳng nói toạc sự thật bao giờ! Chẳng bao giờ mấy người biết cái vụ nó hẹn hò với Kay. Nó cũng chẳng nói cho Sonny. Nó không dấu mà không muốn nói, không thích nói vậy thôi.

Giữa lúc đó, bên ngoài có tiếng người bàn tán xôn xao. Clemenza đứng dậy bước ra ngoài coi có chuyện gì. Lúc trở lại "văn phòng", tay lão xách theo một vật lạ. Một áo lót chắn đạn mà mọi người nhận ra ngay của Luca Brasi. Bên trong áo gói nguyên một con cá chết thật bự.

Lão cất tiếng chua chát: "thằngđường Thổ thế là đã biết tin Paulie Gatto". Cũng không kém chua chát, Tessio nói như than:

- Và Luca Brasi ra sao thì giờ đây tụi mình cũng chẳng lạ gì!

Sonny lặng lẽ đi làm một hơi huýt-ky và đốt một điếu xì gà. Không biết vụ con cá chết này có ý nghĩa quái gì, nó cất tiếng hỏi. Người đáp là Thomas Hagen, gãconsigliori gốc Ái-Nhĩ-Lan:

- À, đấy là một lối đưa tin đúngtruyền thống Sicily. Đại ý Luca Brasi giờ đây cũng là một con cá chết nằm đâu đó dưới đáy biển sâu.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 9

Tối hôm đó Michael lên Nữu-Ước gặp Kay mà trong lòng rầu rĩ. Nó cảm thấy bị lôi cuốn vào "việc nhà" lại bực mình bị Sonny cử vào việc canh điện thoại. Phiền nhất là bọn họ họp bàn với nhau và bằng lòng để nó được dự nghe những bí mật, chẳng hạn những vụ giết người. Ra điều đủ tín nhiệm!

Nhìn thấy mặt Kay nó cũng có mặc cảm lừa dối, không thành thật mỗi khi nói về gia đình. Michael cũng có nói qua thật nhưng bao giờ cũng nửa đùa nửa thật như kể chuyện xi-nê-ma chớ chẳng phải nhân vật có thật. Trong khi đó ông bố bị bắn gục giữa đường và ông anh cả thì sắp đặt kế hoạch giết người! Sự thật là vậy nhưng kể cho em bé nghe sao được? Nó nói "bất quá chỉ là tai nạn" và mọi mọi sự xong cả rồi... trong khi biết bao nhiêu chuyện sắp nổ bùng!

Bây giờ mới là lúc lo đối phó. Dù Sonny đã công nhận là nguy hiểm nhưng xem ra tụi nó vẫn đánh giá thấp đối phương, Michael không thể không thắc mắc về ngón đòn hiểm: với một thằng liều lĩnh và cáo già như Sollozzo thì phải coi chừng yếu tố bất ngờ. Quả thực là Michael lo lắm nhưng cả 4 thằng chuyên nghiệp Sonny, Hagen, Tessio, Clemenza cùng cho là đã "nắm vững tình hình" một thằngvô can a-ma-tơ như nó còn biết nói gì? Vả lại có cho nó cả đống mề đay gấp mấy lần số mề đay Thế Chiến II của nó thì Michael cũng chẳng ham nhập trận!

Sự hờ hững làm Michael có mặc cảm bất hiếu với Bố Già. Ô hay, ông bố đẻ bị bắn nát người mà nghe giải thích "chỉ là một tai nạn thuần túy nghề nghiệp" nó lại có vẻ thông cảm hơn ai hết mới kỳ lạ. Làm như một đời quyền thế như ổng thì phải chịu như vậy đó.

Michael xưa nay vẫn muốn tách rời gia đình, tự lập cuộc đời nhưng nhè lúc sóng gió thế này thoát ly sao nổi? Nó bắt buộc phải ở lại, bắt buộc phải làm một cái gì vì nghĩa vụ con cái nhưng đặc biệt chỉ làm những vụphi quân sự, nghĩa là khỏi có trách nhiệm với những vụ chiến đấu chém giết.

Từ nhà lên Nữu-Ước, Michael đi xe hơi có đàn em Clemenza hộ tống, xuống xe có người nhìn trước nhìn sau cho đến khi nó bước vô lữ quán. Kay đợi sẵn ở dưới nhà, hai đứa dẫn nhau đi ăn tối.

- Chừng nào anh đi thăm Ông Già?

- Tám rưỡi hết giờ vô thăm. Anh đợi mọi người về hết đã. Ổng nằm phòng riêng có y tá riêng nên anh có thể ở lại một lát. Dù chẳng để làm gì cũng ở lại vì ổng đã tỉnh táo, đã nói được gì đâu?

- Tự nhiên em thấy thương Ông Già, nhất là bữa đám cưới ổng coi bộ hiền lành đấy chớ? Làm sao tin nổi những chuyện mấy ông nhà báo vẽ vời? Em chắc không đúng sự thật quá!

- Thì anh cũng tin vậy!

Michael chỉ vắn tắt có vậy. Dù với Kay là người mà nó thương yêu, tin tưởng cũng chẳng cho biết điều gì về Ông Già hoặc gia đình. Nàng vẫn là người ngoài. Khi Kay hỏi "Anh có dính vô vụ đánh lớn nay mai" thì nó cười hề hề, đứng lên mở nút áo vét ra: "Coi đi... có súng đâu mà đánh lớn?"

Lúc trở lên phòng đã khá trễ nhưng hai đứa vẫn uống chung nhau ly cốc-tay. Michael đặt nàng trên đùi. Lớp hàng lụa lót trong thật mịn mà làn da Kay còn mịn màng hơn nhiều. Hai đứa ôm nhau, yêu nhau khỏi cần cởi đồ, cặp môi gắn chặt không rời. Chừng lúc buông nhau ra nằm lăn trên giường với đầy đủ cảm giác nóng bỏng còn nuối lại, Kay khẽ rỉ tai: "Dân nhà binh gọi cái vụ này là... ái ân cấp tốc phải không ? Kể cũng không đến nỗi tệ!"

Hai đứa nằm bên nhau mơ mơ màng màng cho đến lúc Michael chợt nhỏm người vùng dậy: "Chết cha... gần 10 giờ rồi. Phải đến nhà thương cấp tốc chớ?"

Nó lật đật chạy vô phòng tắm để lau mặt, chải đầu. Kay chạy theo đứng phía sau ôm choàng ngang lưng nũng nịu hỏi:

- Chừng nào tụi mình làm đám cưới?

- Bao giờ chẳng được? Đợi Ông Già bình phục, tình hình yên tĩnh một chút... Chắc em phải giải thích cho ông già bà già trước quá!

- Giải thích cái gì?

Vừa ngó gương chải đầu, Michael vừa cà rỡn:

- Đại để em phải nói con gặp một chàng trẻ tuổi gốc Ý, đẹp trai, hào hùng. Sinh viên Dartmouth ngon lành. Từng phục vụ Tổ quốc trên chiến trường. Có Anh dũng Bội tinh, Chiến thương Bội tinh, đàng hoàng, chăm chỉ. Có điều ông thân sinh ra chàng là một tay tổ Mafia, từng giết người như bỡn và hối lộ nhà nghề. Vừa bị "thanh toán nát bay người". Cam đoan không có vụ "cha nào con nấy". Cha tướng cướp thật nhưng con chịu khó làm ăn vô cùng. Liệu em có thuộc lòng bằng ấy bài không?

Kay buông chàng ra, đứng dựa cửa phòng tắm, cất tiếng hỏi:

- Bộ ổng tay tổ Mafia thiệt... và ổng dám giết người thiệt sao?

- Sự thật anh đâu biết! Mà có ai biết được đâu? Nhưng nếu có thực anh cũng chẳng ngạc nhiên!

- Bao giờ mình gặp lại nhau anh?

- Bây giờ em nên về nhà suy nghĩ lại cho chín chắn. Quên hết mọi chuyện vớ vẩn đi. Rồi nghỉ Giáng sinh xong chúng ta sẽ gặp nhau trở lại ở trường. Chừng ấy hãy nói...

Kay "đồng ý" và đứng ngó Michael đi khuất, trước khi chui vô thang máy chàng còn vẫy tay chào. Chưa bao giờ nàng có cảm giác gần gũi, gắn bó tha thiết với Michael đến thế. Giá có ai bảo hai đứa sắp phải xa nhau 3 năm đằng đẵng Kay đâu chịu tin. Và chịu sao nổi kìa?

oOo

Từ tắc-xi lật đật chui ra, Michael ngạc nhiên vì đường phố vắng ngắt mà bên trong nhà thương cũng chẳng thấy một mạng nào. Vậy mà gọi là "có canh chừng" thì chết thật! Mấy thằng đàn em Tessio, Clemenza đi đâu cả? Không học West Point ra nhưng ít nhất hai lãocaporegime cũng phải biết đặt người chỗ nào ở một địa điểm như thế này chớ? Ngay hành lang cũng có thằng nào đâu?

Giờ này 10 giờ 30, còn ai thăm viếng gì nữa? Hoảng quá Michael khỏi vô Phòng Đợi hỏi. Biết số phòng Ông Già rồi, nó nhảy đại vô thang máy của nhân viên, phóng thẳng lên lầu 4. Kỳ quá, chẳng ai hỏi han gì đến nó cả! Đứng ngay trước phòng Ông Già cũng chưa thấy mặt con y tá mướn riêng để săn sóc ổng và hai thằng cớm chìm thường trực ngày đêm để chuẩn bị lấy cung cũng đi đằng nào mất biệt!

Thế này thì bọn đàn em Tessio, Clemenza cắt gác biến đi đâu? Cửa phòng bệnh mở toang mà Michael ló đầu vô chẳng thấy ma nào, ngoài một bóng người lù lù nằm trên giường. Nhờ ánh trăng vàng úa hắt qua khung cửa sổ, nó nhận ra khuôn mặt đau khổ của Ông Già, bộ ngực phập phồng lên xuống coi bộ mệt mỏi quá! Từ chiếc tủ kê đầu giường, mấy ống dưỡng khí ngòng ngoèo chạy chui vào lỗ mũi ổng và dưới chân giường là cái chậu để nhận đồ dơ do cơ thể ổng bài tiết ra, cũng do mấy ống thông hơi dẫn xuống. Ngó một lát coi ổng vẫn còn thở, Michael yên chí quay trở ra và đụng đầu con y tá.

Michael tự giới thiệu:

- Tôi là con Ông Già... Tôi muốn thăm bố tôi một lát. Mấy ông cảnh sát vẫn canh chừng đây đi đâu cả?

Con nhỏ mặt còn non choẹt nhưng coi bộ rành nghề, biết bổn phận lắm. Nó chững chạc giải thích:

- Người bệnh mệt vì quá nhiều người vô thăm, vượt ra ngoài thể lệ bệnh viện. Cách đây chừng 10 phút, cảnh sát vô mời ra hết. Mấy ông bận thường phục vẫn canh chừng ở đây thì có điện thoại của Ty Cảnh sát kêu cách đây lối 5 phút. Tôi đưa máy cho họ nghe thì không hiểu có chuyện gì họ cũng lật đật về luôn.

Nhưng ông yên chí đi, tôi ngồi ngoài canh chừng Ông Già cũng được. Có gì trong phòng là tôi biết ngay. Tôi để ngỏ cửa vì vậy mà!

- Cô chịu phiền cho tôi ngồi với bố tôi một lát có được không?

- Ít phút thì được. Xong, ông nhớ ra ngay. Luật lệ nhà thương là vậy, có gì tôi bị la.

Michael trở vô, kiếm điện thoại, nhẹ nhàng nhấc lên nhờ tổng đài bệnh viện cho gọi ra ngoài. Nó quay số phôn nhà, số phôn đặt ngay trong văn phòng ổng ở Long Beach để thông báo gấp cho Sonny.

- Sonny đấy hả? Kỳ quá, tôi ghé bệnh viện thăm bố mà chẳng thấy ai hết trọi! Người của Tessio không có một thằng, mà cớm chìm cớm nổi cũng tuyệt không thấy một đứa. Nghĩa là Ông Già hoàn toàn nằm trơ một mình, hoàn toàn chẳng có ai bảo vệ. Tại sao vậy kìa? Vô lý quá, dám sắp có chuyện.

Giọng Michael run run mà đầu dây đằng kia hơi thở thằng Sonny nghe cũng hồi hộp, căng thẳng dữ. Ít phút sau mới nghe tiếng nó:

- Nghe tao nói đây. Cái vụ này đúng là đòn thằng Sollozzo...

- Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng nó làm cách nào mà cớm vô xua hết cả mọi người ra, kể cả người của Tessio? Và mấy thằng an ninh chìm cũng lật đật đi hết... tại sao vậy? Không lẽ thằng cáo già Sollozzo đã mua đứt được Sở Cảnh sát Nữu-Ước? Nếu vậy thì mình nguy lắm.

- Đúng, nguy lắm! Nhưng mày đừng bấn lên chớ? Cũng may mà tình cờ mày có mặt đúng lúc. Vậy mày ở trong phòng khoá cứng cửa lại và khỏi đi đâu hết. Tao sẽ điều động người của mình tới ngay trong vòng 15 phút. Tao sẽ phôn ngay bây giờ. Mày nghe tao cứ ở trong phòng với bố, chớ có sợ hoảng.

- OK. Sợ quái gì mà sợ?

Michael gác phôn lên. Tự nhiên chẳng cảm thấy sợ hãi gì hết mà chỉ thấy cả một nỗi căm hờn dâng lên trong con người nó, lần đầu tiên. Tụi nó sắp đặt chơi thế này là tận tình, không nổi giận sao được? Đầu óc nó quyết định nhanh như máy, nhưng quyết định theo ý nó... Chớ nghe thằng Sonny sao được? Michael bấm chuông kêu y tá vô.

- Tôi nói điều này cô đừng sợ nghe! Ông Già tôi bây giờ phải chuyển đi chỗ khác, chuyển liền tức thời. Sang phòng khác lầu khác cũng được. Nhờ cô tháo gấp mấy ống thông hơi kia... để tôi đẩy giường đi được không?

Con nhỏ trố mắt ngạc nhiên: "Ô hay, sao khi không di chuyển kỳ cục vậy? Bác sĩ biết là chết". Michael đành lẹ làng giải thích:

- Chắc cô có đọc báo nói về ổng chớ? Cô thấy không, đêm nay tự nhiên chẳng có ai canh gác gì hết! Lại có tin chúng sắp cho mấy thằng tới đây ngay bây giờ để... cho ổng đi luôn. Mình không di chuyển gấp là không kịp. Vậy cô sẵn lòng giúp tôi chớ?

Phải nhìn nhận là Michael có biệt tài chỉ huy. Nó mới có vắn tắt có vậy mà đang ngơ ngác sợ hãi, con bé y tá đồng ý liền:

- Mình đâu cần phải tháo ống? Đẩy giường đi... và đẩy cái tủ theo được mà?

Michael bắt tay vô việc liền. Thật nhanh nhẹn, nó đẩy tuốt giường Ông Già sang một căn phòng trống ở cuối hành lang. Con nhỏ trợ giúp rất đắc lực nên Michael căn dặn: "Cô nhớ ở trong phòng với ổng. Chờ "viện binh" tới ngay bây giờ... chớ cô đi ra dám "bị" oan lắm!"

Giữa lúc ấy tự nhiên Ông Già lên tiếng. Dĩ nhiên giọng ổng còn ồ ề, ngượng nghịu nhưng chẳng yếu chút nào: "Michael đấy hả? Có chuyện gì vậy con?"

Mừng quá nó cúi sát xuống mặt giường, nắm lấy tay ổng: "Con đây bố! Bố đừng sợ nghe! Bố cứ nằm yên, bố đừng cục cựa... có ai gọi bố đừng lên tiếng nghe! Tụi nó tính "thịt" bố... nhưng có con ở đây, bố yên chí, bố khỏi sợ!"

Dĩ nhiên Ông Trùm đang đau đớn lắm và chết ngất từ chiều hôm qua, vừa hồi tỉnh dậy có biết chuyện gì đâu? Nghe thằng con đứng bên giường nói vậy thì cũng biết đại để vậy... những vẫn cố ráng mỉm cười để trả lời tỉnh khô:

- Ô hay, sao bố lại sợ nhỉ? Từ năm 12 tuổi đến giờ... thiếu gì thằng muốn giết bố mà bố sợ quái gì chúng?

Đã xem 384583 lần.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 10

Bệnh viện tư, tương đối nhỏ nên chỉ có một cửa. Michael đứng trên lầu nhìn xuống quan sát thấy rõ, muốn vô bắt buộc phải đi hết những bậc thang cuốn, không còn một lối nào khác. Hết bậc thang là ra tới ngoài đường lúc bấy giờ còn đèn sáng nhưng vắng tanh không có lấy một chiếc xe.

Thời giờ gấp rút nó chạy như bay như biến xuống 4 tầng lầu, xuống dưới nhà, chạy thẳng ra cửa, ngó hai bên thì xe Hồng-thập-tự cũng không có!

Michael đốt một điếu thuốc, bước ra đường, tỉnh táo mở nút áo vét phanh ra, đứng dựa cột đèn cố ý để ai cũng phải thấy. Mắt nó ngó lia và chợt giật mình vì từ Đại Lộ số 9 có bóng người lầm lũi bước tới. Rõ ràng là một thằng đàn ông, tay ôm gói đồ dài dài, lại mặc đồ trận nữa! Mớ tóc dài đen láng, khuôn mặt thằng này ngó quen quen nhưng nó tới sát bên cột đèn Michael vẫn chưa nhận ra là ai. Nó đứng sừng sững trước mặt, tay chìa ra tính bắt-sua và giọng đặc sệt tiếng Ý nhà quê:

- Cậu Michael... cậu không nhớ cháu ạ? Cháu là rể ông Nazorine, chủ lò bánh. Cháu là Enzo đây. Cháu nhờ Ông Trùm vận động mới được như thế này.

À, nhớ ra rồi. Michael bèn đưa tay bắt. Enzo hỏi ngay: "Thưa cậu... cháu muốn vô thăm Ông Trùm chút mà giờ này trễ rồi, không biết họ có cho không?"

Michael cười: "Không được đâu! Mai mốt tôi sẽ nói lại là chú có tới được rồi". Có chiếc xe rú máy từ đầu đằng kia chạy vọt tới nên Michael lưu ý ngay. Bèn nói nhanh: "Bây giờ chú lo về đi. Sắp có chuyện lộn xộn... bọn cớm dám kiếm chuyện khó chịu lắm đấy".

Cu cậu nghe tiếng "cớm" mặt đã tái nhợt. Cớm mà kiếm chuyện thì làm sao nhập quốc tịchMỹ được? Bị tống về xứ chắc! Nhưng Enzo chỉ hoảng có lúc đầu thôi. Sau đó nó lắc đầu quầy quậy: "Cháu khỏi về! Nếu lộn xộn thì cháu phải ở lại chớ? Chỗ Ông Trùm đối với chúng cháu thì về sao được?"

Michael nghe mủi lòng. Biểu nó về mà nó nhất định đòi ở lại thì... ở lại cũng chẳng sao! Có hai đứa bao giờ chẳng an toàn hơn một? Biết đâu chừng bọn cô hồn của Sollozzo tới toan làm ẩu chợt thấy hai thằng đứng gác ngoài cửa nên dám khớp mà dông luôn? Một thằng thì chúng khỏi sợ!

Nghĩ vậy Michael mời Enzo hút thuốc, tự tay mồi lửa. Hai thằng đứng dựa cột đèn hút thuốc trong đêm vắng. Ánh đèn chiếu hắt từ nhà thương ra coi tụi nó thật kỳ dị. Chưa hút xong điếu thuốc thì có chiếc xe đen mui kín xuất hiện. Nó vọt tới và chạy sát lề, chạy ngang chỗ hai đứa đứng làm như muốn ngừng lại.

Michael cúi thấp đầu, liếc thật nhanh mấy thằng trong xe. Người nó nổi gai ốc. Xe ngừng lại thiệt nhưng chỉ một tích tắc vọt ngay. Rất có thể người trên xe đã nhận ra nó! Michael đưa mời Enzo thêm điếu thuốc và để ý thấy tay cu cậu run run.

Cỡ 10 phút sau còi hụ ầm ĩ, chiếc xe cảnh sát trờ tới, thắng đứng trước cửa nhà thương. Theo sau còn hai chiếc nữa. Chỉ một loáng sau cửa vô đầy những cớm nổi cớm chìm. Michael mừng như mở cờ trong bụng bước tới. Thằng Sonny can thiệp cũng nhanh đấy chớ?

Ô hay, khi không hai thằng mang sắc phục đàng hoàng nắm cứng lấy Michael. Một thằng khác chạy lại lục soát khắp người. Một gã đồ sộ mang lon vàng Đại úy xuất hiện. Bọn đàn em dạt ra. Trông gã to con, chững chạc, cỡ tuổi trung niên song rất lẹ. Mặt đỏ bừng bừng, giận dữ, gã xông tới Michael la lối.

- Tao đã cho hốt hết mấy thằng đầu trộm đuôi cướp mà sao còn lọt mày? Mày thằng nào? Mày lảng vảng ở đây làm gì?

Gã cớm chìm đứng sau lưng báo cáo: "Người hắn không có gì, đại úy". Michael đứng yên ngó, chăm chăm ngó cặp mắt xanh sáng loáng. "Hắn là Michael Corleone, con trai của Ông Trùm". Michael lên tiếng:

- Lạ nhỉ... khi không thấy mấy thầy chú đang canh gác kỹ vậy mà đi đâu mất hết. Dám có lệnh đổi gác bất tử lắm.

Lão đại úy hùng hổ trợn mắt:

- Thứ chó chết của mày mà dám sủa bậy vô công việc của tao? Tao cho lệnh tụi nó rút đấy. Canh gác cho mấy thằng ăn cướp hả? Có giết nhau chết tao cũng đéo cần, Ông Già mày bị chúng nó quất trước mặt tao... tao cũng thây kệ! Cút cha mày đi! Không phải giờ thăm nuôi cấm héo lánh đến đây...

Dù bị chửi vào mặt tàn nhẫn vậy. Michael vẫn chỉ ngó lão, đăm đăm. Nó nghĩ nhanh như điện chớp.

Cứ điệu bộ hùng hổ của thằng đại úy này thì đúng bị thằng Sollozzo mua đứt... Lão hốt bằng hết bọn người của Tessio, ra lệnh rút bọn cớm chìm đang canh gác để nó ngang nhiên vô "kết thúc" Ông Già. Lão quơ một cú hết sạch, nhưng nào ngờ Michael lò dò tới, lại thêm thằng Enzo nữa! Trên chiếc xe lúc nãy dám có thằng Sollozzo. Thấy bóng Michael nó đành vọt luôn, hỏng ăn và bực bội cự lão đớp bạc mà làm hư việc nên mới có màn la lối ngang ngược này!

Vì vậy Michael cưỡng lại:

- Tôi không đi đâu hết nếu ông không cho người bảo vệ Ông Già tôi đàng hoàng.

Lão không thèm nói mà ra lệnh cho thằng cớm chìm: "Mày nắm đầu nó cho tao".

Gã cớm ấp úng: "Trình đại úy, nó đâu có vũ khí? Nó là anh hùng TQLC (Thuỷ Quân Lục Chiến). Nó không dính dáng vô mấy vụ này! Sợ báo chí moi móc..."

Lão đại úy hét lớn: "Thây kệ nó. Tao biểu mày nắm đầu nó!"

Rất tỉnh táo, Michael hỏi xỏ: "Vậy là thằngđường Thổ đã mướn ông thịt Ông Già tôi? Nó chi bao nhiêu mà làm dữ vậy?"

Uất quá, lão gầm lên: "Nắm đầu nó". Hai thằng mang sắc phục bèn chia hai bên giữ Michael thật chặt. Quả đấm khổng lồ của lão tung lên xáng ngay mặt nhưng Michael kịp né qua một bên nên lãnh trọn cú nháng lửa ngay gò má. Michael nghe như lựu đạn nổ trong đầu, miệng nó toé máu và lổn nhổn những răng gãy. Rõ ràng nó có cảm giác trẹo quai hàm, chân nó khuỵu xuống, nếu không bị giữ đã bị té rồi.

Đau lắm nhưng Michael vẫn tỉnh táo. Gã cớm chìm nhảy ra, ngăn lão Đại úy: "Đại úy, nó bị nặng đấy!"

Lập tức lão vênh váo: "Tao đụng nó hồi nào? Nó tấn công tao và nó té. Tụi bây không hiểu vậy sao? Nó chống cự lại, nó không cho bắt mà?"

Mắt Michael hoa lên nhưng vẫn kịp thấy mấy chiếc xe lao tới vun vút. Mấy bóng người nhảy ra. Gã luật sư quen của Clemenza chạy tới trước mặt Đại úy, thông báo một cách dõng dạc:

- Xin cho hay là gia đình Corleone đã mướn một công ty trinh thám tư bảo vệ an ninh cho Ông Trùm. Những vị thám tử tư này có giấy phép mang vũ khí đàng hoàng. Nếu Đại úy câu lưu họ thì sáng mai xin mời ra biện lý cuộc giải thích lý do.

Luật sư quay tiếp sang Michael: "Còn ông, ông có cần vô đơn thưa kẻ nào vừa bạo hành?"

Michael ấp úng mãi mới bật ra một câu ấm ớ. Hàm nó bể rồi, cất tiếng nói khó quá: "Không... Tôi trượt chân... Tôi té..."

Lão Đại úy ngó Michael một phát thật hách song nó vẫn cười nhạt. Tội gì để lộ luồng phẫn nộ, uất ức đang làm tê dại cả đầu óc, thân xác nó? Tội gì để người ta biết nó nghĩ gì, nó định làm gì sau khi lãnh cú đấm vừa rồi? Bố Già in hệt vậy! Michael chỉ kịp nghĩ đến đấy là vừa ngất đi.

Sáng mai nó tỉnh dậy trên bệnh viện, chỗ gò má bể đã kẹp lại và mất một lúc 4 cái răng hàm trên bên trái. Hagen đang ngồi bên.

- Thế nào... phải đánh thuốc mê kia à?

- Chớ sao? Bác sĩ phải mổ hàm trên để lấy ra bằng hết những mảnh xương vụn mà? Bề nào mày cũng ngất đi trước!

- Tao chỉ bị có vậy thôi?

- Đúng. Nên Sonny muốn mày về Long Beach. Ngay bây giờ có nổi không?

- Được chớ? Ông Già ra sao?

Hagen lúng túng:

- Bây giờ yên chí rồi. Có thám tử tư canh chừng và chung quanh còn nhiều người của mình. Để về nhà nói...

Người lái xe đưa hai đứa về Long Beach là Clemenza. Tuy đầu nhức nhưng Michael nôn nóng muốn biết sự thực đêm qua nên Hagen phải kể lại:

- Mày có nhớ thằng cớm chìm nhảy ra bênh mày hồi hôm? Người của Sonny, thằng Philips đó. Nó cho biết rất rõ về thằng Đại úy Mc Closkey. Vô cùng nham nhở, chỉ thích tiền và từ hồi mới vô lính đã "nhám tay" nặng. Mình cũng phải chi tiền tháng cho nó nhưng Mc Closkey thuộc týp tham, không thể tin nổi. Chắc Sollozzo phải chi nặng lắm nên thình lình nó viện lý do hết giờ để đuổi hết bọn đàn em Tessio mà thằng nào có súng còn bị hốt về bót. Rồi khi không nó ra lệnh rút cả ê-kíp an ninh chìm đang canh Ông Già về làm công tác khẩn. Sẽ có ê-kíp khác thay thế có điều chúng cố tình tà tà tới trễ để rộng chỗ cho bọn Sollozzo nhào vô thịt ổng. Độc chưa? Theo Philips thì thằng Mc Closkey dễ nể ở chỗ không bao giờ nó chịu thất bại. Hỏng một lần thì thế nào nó cũng chơi lại bằng được. Chắc thằng Sollozzo cho nó ăn đẫm và còn hứa hẹn ghê gớm lắm!

- À, vụ của tao có báo đăng không?

- Khỏi! Mình ém mà bọn cớm cũng lo nhận chìm luôn.

- Còn cu cậu Enzo?

- Nó láu lắm. Cớm đến nhà là nó tà tà lỉnh. Có phải nó cùng đứng với mày lúc xe thằng Sollozzo chạy ngang?

- Đúng thế. Cái thằng vậy mà được lắm!

- Sẽ có người chiếu cố nó. Còn mày thế nào? Tao thấy chỗ gò má kỳ cục thế nào ấy.

- Không sao! Mày nói thằng Đại úy tên gì?

- Nó là Mc Closkey. À, cũng nên cho mày biết tin này cho đỡ tủi. Người của mình vừa quất xong thằng Bruno Tattaglia, đúng 4 giờ sáng nay.

- Ô hay, sao bảo cánh mình tạm thời nằm êm?

Thằng Sonny điên lên về vụ đêm qua ở nhà thương. Nó tung đàn em ra khắp Nữu-Ước và New Jersey, cứ chiếu theo "danh sách" của nó mà bắn. Mày thử hỏi lại với nó coi chớ tao kềm hết nổi. Vụ này vẫn chưa cần đánh lớn mà.

- Tao sẽ nói. Sáng nay có hội hả?

- Đúng. Vì đã tiếp xúc được với Sollozzo. Nó muốn điều đình. Có thằng được cử đi lo sắp đặt rồi. Nghĩa là chúng mình thắng. Thằng Sollozzo biết là không nuốt nổi nên chỉ mong toàn mạng. Có lẽ cái chết của thằng Bruno làm nó khớp, nó biết mình dám đánh và đánh thật chớ khỏi nhịn nhục nữa... Về vụ Luca Brasi thì mình biết rồi: Nó bị chơi hồi khuya thì chiều hôm sau tụi nó mới bắn Ông Già. Luca bị ngay trong quán thằng Bruno.

- Phải vậy tụi nó mới dám đụng đến ổng!

Về đến cư xá Long Beach là thấy ngay tình trạng chiến tranh. Cửa vô không ngăn dây xích mà cả một chiếc xe tổ bố nằm chình ình chắn lối. Hai bên hai thằng gác. Hai căn bìa cửa sổ trên lầu mở tung. Vậy là Sonny đã lo thủ sẵn!

Clemenza ngừng xe, cả ba đi bộ vô, hai thằng gác là người của lão. Chẳng chào hỏi mà chỉ ậm ừ ra dấu. Cười nói, hỏi han là miễn! Tới cánh cửa lớn thì lão chưa gọi đã mở: thằng gác đã để ý quan sát từ lâu. Vô "văn phòng" có Sonny, Tessio ngồi đợi.

Sonny đứng dậy nựng chỗ đầu bể của Michael, khen "đẹp" rối rít. Nó gạt phăng, ra buya-rô ngồi rót một lyscotch uống cho cái cằm bể bớt nhức nhối.

Cũng vẫn 5 đứa hội họp trong phòng nhưng lần này không khí khác hẳn. Sonny không lì lì bực bội nữa mà vui cười hể hả. Làm như nó bắt buộc phải nhập trận rồi nên vứt hết thắc mắc, chẳng ai cản lại nổi. Với nó thì sau vụ Ông Già suýt chết lần nữa, ở nhà thương thì chẳng có điều đình gì nữa.

- Mày vừa đi thì có phôn của "sứ giả", Tom! Thằngđường Thổ đề nghị điều đình. Thằng cáo già! Nó vừa chơi đấy đã bắn tin nghị hoà được rồi. Không lẽ mình cứ ỳ ra thụ động?

- Thế mày trả lời...?

Sonny vùng cười lớn:

- Thì tao bảo muốn sao cũng được, muốn bao giờ cũng được. Tao chẳng đi đâu mà vội, cả trăm đàn em tao đã gài sẵn cho nằm đầy đường rồi. Nó muốn kéo dài bao nhiêu lâu thì kéo. Có điều đừng thò mặt ra, ló một sợi tóc cũng chết cha nó với tao!

- Mà nó đề nghị cụ thể những gì?

- Nó chỉ đích danh, yêu cầu tụi mình cử thằng Michael tới tiếp xúc nghe đề nghị của nó. Dĩ nhiên thằng trung gian phải bảo đảm sinh mạng Michael còn nó thì chẳng dám đặt vấn đề bảo đảm. Bảo đảm thế quái nào được? Nhưng nó yêu cầu người của nó đưa thẳng Michael đến địa điểm do nó chọn. Sau khi nghe nó nói thì Michael ra về thong thả. Nó giữ bí mật nơi gặp gỡ nhưng cho hay trước là đề nghị của nó rất biết điều, chắc chắn mình sẽ chấp thuận...

- ... Nhưng còn cánh Tattaglia? Còn mạng thằng Bruno bỏ hả?

- Cánh Tattaglia bọc xuôi theo Sollozzo, không gợi vụ Bruno ra nữa. Kể như huề! Chúng dám chơi Ông Già thì một thằng của chúng phải nạp mạng.

- Mình phải tới coi nó đề nghị cái gì.

Dù Hagen lên tiếng rất thận trọng nhưng Sonny vẫn gạt phắt. Nó lắc đầu quầy quậy, bắt chước điệu bộ Ông Già:

- Thôi ôngconsigliori ! Khỏi điều đình, đề nghị gì hết. Tao không có gì để nói đi nói lại với thằng Sollozzo! Chừng thằng sứ giả trở lại thì tao sẽ trả lời thẳng: nạp thằng Sollozzo... bằng không thì đổ máu lớn.Nệm sẽ trải ra và đạn bay đầy đường. Chừng đó thì thằng nào cũng đau hết.

- Đời nào các cánh khác chịu đổ máu lớn? Tốn kém lắm!

- ... Vậy thì nạp mạng thằng Sollozzo, có vậy!

Sau khi buông vắn tắt, Sonny quay sang Hagen:

- Mày khỏi cần cố vấn về cái vụ điều đình nghe Tom! Quyết định tao đã có rồi và bổn phận của mày là giúp tao thắng. Mày hiểu chớ?

Hagen cúi đầu suy nghĩ một lát rồi lên tiếng:

- Tao đã tiếp xúc với người của mày đằng bót. Ra thằng Mc Closkey bị Sollozzo mua đứt và nó chi nặng lắm. Nó còn hứa hẹn cho "ăn chia" vào vụ ma túy sau này nên thân danh Đại úy Cảnh sát mà chịu làm cận vệ cho nó. Nghĩa là Sollozzo đi đâu cũng cặp kè Mc Closkey một bên. Đi gặp Michael cũng phải có nó ngồi cạnh, có vậy thằngĐường Thổ mới dám ló mặt ra. Dĩ nhiên nó đâu cần mặt sắc phục, nhưng súng lúc nào chẳng kè kè và như vậy thì chơi thằng Sollozzo sao nổi. Đụng vào nó là có chuyện với Mc Closkey mà xưa nay cha thằng nào dám nổ một thằng Đại úy Cảnh sát rồi rút êm? Đụng đến một Sĩ quan Cảnh sát giữa Nữu-Ước thì không riêng họ nhà cớm phản ứng tàn nhẫn mà cả nước sẽ ồn ào phản đối. Toàn thể giới giang hồ sẽ nghẹt thở, chịu hết nổi và cứ cánh Corleone mình mà đổ vạ! Lúc bấy giờ tụi mình sẽ thành một thứ hủi, chẳng ai dám gần. Ông Già có tạo được bao nhiêu thế lực chính trị cũng vứt đi, họ sẽ lờ cái một! Mày đã tính trước cái hậu quả đó chưa, Sonny?

Cả hai ôngcaporegime Tessio và Clemenza cùng ngồi thừ người, ngồi đổ mồ hôi hột, lặng yên kéo khói xì gà. Chẳng dám có ý kiến gì vì sơ sẩy một chút thì mạng dám đi luôn. Dân dao búa, chịu trận bao giờ chẳng lãnh đủ trước? Rốt cuộc Michael phải lên tiếng:

- Mình có thể đưa Ông Già về nhà điều trị không Tom?

- Không thể được. Ổng còn cần nhiều thứ săn sóc, còn bắt buộc phải nằm lại. Có thể phải giải phẫu nữa không chừng. Tao đã tính rồi mà không thể!

- Như vậy mình chơi thằng Sollozzo tức thời. Chờ đợi là chết với nó vì thua keo này nó sẽ bày keo khác. Mình không biết đường nào mà đề phòng trong khi nó nhất định thịt Ông Già bằng được. Nó phải thịt vì tình hình bất lợi cho nó rõ. Nó thấy trước mắt, đằng nào cũng bị... thì chơi Ông Già biết đâu chừng lật ngược tình hình? Nó lại có thằng Đại úy Cảnh sát yểm trợ sát sạt như vậy thì nguy hiểm cho ổng lắm. Không thể đợi được...

Sonny đưa tay gãi cằm:

- Mày nói đúng. Mình không thể chờ đợi, không thể để nó thí mạng Ông Già.

Hagen đặt vấn đề: "Nhưng còn thằng Mc Closkey đó. Giải quyết cách nào?" Sonny quay sang Michael mỉm cười: "Ừ, mày tính sao về Mc Closkey?". Michael chậm rãi lý luận:

- Mc Closkey là một ca đặc biệt, mộtquá độ phải không? Nhưng nhiều khi... biết làquá độ mình vẫn cứ phải làm. Chẳng hạn nếu bó buộc phải nổ Mc Closkey thì mình vẫn nổ chứ? Nhưng mình nổ một thằng cớm bẩn, một thằng cớm bán đứt lương tâm, dính vô áp-phe ma túy để ăn chia chớ chẳng phải một sĩ quan Cảnh sát gương mẫu, làm công vụ đàng hoàng. Mình có móc nối sẵn với báo chí thì phải mớm cho chúng nó đủ sự kiện để chúng vạch ra những thối nát rành rành của thằng cớm bẩn Mc Closkey. Nghĩa là mình chuẩn bị dư luận chu đáo để phản ứng sẽ tới yếu đi phần nào... Tôi nói vậy nghe được không?

Michael ngừng lại để nhìn từng mặt dò hỏi. Tessio và Clemenza làm ra vẻ quan tâm nhưng vẫn ngồi im. Một mình Sonny nói như reo lên:

- Mày bàn nghe được đấy. Nói tiếp đi... Ông Già chẳng thường nói: "Miệng trẻ nhiều khi linh lắm sao?". Rồi sau đó làm gì... Michael?

Thấy Hagen nhìn nó gật đầu mỉm cười, Michael đỏ mặt tiếp:

- Sollozzo muốn tôi đến gặp nó thì tôi đi. Chỉ có 3 thằng: Sollozzo, tôi và Mc Closkey ngồi một bên chớ gì? Mình cứ hẹn cỡ hai ngày, nó giữ bí mật địa điểm thì mình cố dò tìm bằng được. Buộc nó phải gặp gỡ ở một chỗ nào công cộng... chớ đi vô nhà riêng thì khỏi! Mộtbar rượu, một nhà hàng nào đó vào giờ đông khách thì khỏi sợ thằng nào làm ẩu, phải không?

Thấy không? Thằng Sollozzo sẽ yên chí lớn... đời nào mình dám nổ một thằng Đại úy Cảnh sát! Trước lúc gặp gỡ nó vẫn phải đi kiếm cách củ soát cả người tôi. Vậy mình phải lo "đặt" đồ nghề ở ngay địa điểm họp, giấu sẵn đâu đó. Tôi sẽ chớp lấy để thình lình cho cả hai thằng đi luôn.

Cả bốn thằng cùng giật mình nhìn Michael trừng trừng. Hai lãocaporegime sững sờ. Hagen không lạ mà chỉ hơi buồn. Sonny lõ mắt ngó nó rồi cười ngặt nghẽo, cười sặc sụa. Nó cười tưởng đến nghẹt thở vỡ bụng, đưa tay trỏ Michael:

- Lạ không này! Một thằng học trò, nhóc con là mày... xưa kia không muốn dính vô bất cứ chuyện gì của nhà bây giờ đòi khơi khơi nổ một lúc hai đứa! Nổ cả Đại úy Cảnh sát chỉ vì bị nó đấm bể mặt! Vậy là mày trả hận chớ đâu phải giải quyết chuyện làm ăn? Coi, mới bị có một cú ngay mặt mà đòi thịt hai mạng... bộ mày giỡn chơi?

Hai lãocaporegime có hiểu gì đâu? Cứ tưởng cậu cả Sonny bật cười chế giễu thằng em út bốc đồng bậy nên ngó Michael coi bộ thương hại. Hagen lẳng lặng không nói trong khi Michael đưa mắt nhìn quanh và Sonny ôm bụng cười sặc sụa:

- Mầy tính hạ cả hai thằng... thiệt saoem ? Không có mề đay đâu, ghế điện đấy! Đây đâu phải chiến trường nổ súng ầm ầm, quân thù cách cả cây số? Nó ở sát nách mày, mày phải nhìn thấy tròng mắt nó trợn ngược lên. Ngón tay mày nhấn cò là chân mày phải mau mau nhảy qua một bên, nếu không muốn óc nó văng ra tứ tung, dính đầy cả vô bộ đồ lớn kìa! Đấy, nổ là phải như vậy... chớ đâu phải để trả hận một cú đấm của một thằng cớm?

Cho đến lúc ấy Sonny vẫn còn cười ngạo. Nhưng đột nhiên Michael đứng phắt dậy, gắt: " Đừng mở miệng cười nữa!"

Giọng nó nghiêm lạ. Làm Tessio, Clemenza không dám cười nữa thật. Người nó đâu có vạm vỡ, cao lớn gì nhưng trông Michael thật dễ sợ, in hệt Bố Già hồi nào! Mặt nó không còn chút máu, cặp mắt nó lì lợm làm như nếu Sonny còn cười nó dám xông tới đập chết liền tại chỗ. Khỏi nói nếu tay nó sẵn súng thì mệt với nó rồi!

Quả nhiên Sonny khựng lại khi giọng Michael cất lên hằn học, gay gắt! "Màytưởngtao không dám làm hả?" Sonny vội cải chính: - Coi, tao đâu cười... mày không dám? Tao biết mày dám chớ? Tao chỉ bật cười vì khi không có chuyện thay đổi tức cười vậy thôi. Chớ hồi nào đến giờ tao vẫn biết mày là thằng lì, mày lì còn hơn Ông Già nữa kìa! Cả nhà xưa nay chỉ có mình mày dám cưỡng lại ổng, phải không? Hồi nhỏ, mày có chút xíu mà mày dám chơi tay đôi cả với tao, còn thằng Fred với mày thì có tuần nào không đập lộn.

Vậy mà thằng cáo già Sollozzo cứ tưởng đâu mày là thằng yếu, mày để cho thằng cớm đập mà không dám phản ứng và mày không muốn dây dưa đến những vụ đánh đấm ở nhà này! Nó tưởng đâu nuốt sống mày như không và thằng cớm thì cứ đinh ninh mày là thằng chết nhát...

Ngừng lại một chút, Sonny ôn tồn nói:

- ... Nhưng mày mới là con của bố, khỏi có ai biết ngoài tao! Mấy bữa nay, từ hôm ổng bị chúng chơi... tao vẫn có ý chờ mày tự ý chui ra khỏi tháp ngà, vứt bỏ cái vỏ trí thức dấm dớ bấy lâu nay. Tao vẫn chờ mày đổi lốt để sát cánh cùng tao thịt bằng hết những thằng dám chơi Ông Già, dám đụng đến nhà mình! Hà hà... chỉ nhờ có một cú đấm thôi... một cú đấm như thế này mà được việc quá!

Sonny ra điệu bộ coi thật tức cười làm tất cả cùng cười ồ lên, Michael lắc đầu giải thích:

- Không, nếu tao làm vụ này thì chỉ vì mình kẹt. Mình không thể chờ coi thằng chó chết Sollozzo ám hại ổng lần nữa... Mà cả nhà này chỉ có một mình tao là có thể tới gần nó. Nếu chơi nó mà phải thịt luôn một thằng Đại úy Cảnh sát thì tao sợ rằng mày có kiếm cả năm cũng không ra một thằng dám làm đâu! Mày làm thì được chớ Sonny? Nhưng mày còn vợ con, còn phải điều khiển công việc cho đến ngày bố bình phục. Thằng Fred đâu còn hồn vía gì? Chỉ còn mình tao. Tao làm là hợp lý quá rồi chớ đâu phải vì một cú đấm bể mặt?

Sonny chạy lại ôm Michael: "Mày lý luận vậy mà đúng boong. Phải không Tom?"

Hagen nhún vai đáp:

- Trên lý thuyết thì vững đấy! Tao đồng ý vì tao cho rằng thằng Sollozzo không thật lòng muốn gặp mình điều đình mà nó chỉ chờ cơ hội làm cú nữa. Con người của nó như vậy, thành tích của nó cho thấy. Nếu nó còn định thịt Ông Già thì mình đành phải chơi nó trước, dù có phải nổ luôn cả thằng Mc Closkey. Vấn đề là thằng nào đứng ra chơi nó sẽ khó sống lắm. Sao lại cứ phải thằng Michael?

Sonny nói khẽ: "Tao chơi được", nhưng bị Hagen gạt ngay:

- Mày thì có 10 thằng Mc Closkey làm cận vệ nó cũng chẳng dám cho lại gần cả cây số! Vả lại mày còn phải tạm thời gánh công việc nhà đâu liều mạng được, Sonny? Để hỏi Tessio và Clemenza coi có thằng nào dám lãnh vụ này không? Một thằng thật chì. Dĩ nhiên mình phải bảo đảm vật chất cho nó sau này...

Clemenza từ chối: "Không được! Thằng cáo già nó biết mặt hết. Còn tao và Tessio đi thì thấy mặt nó đã lặn gấp còn làm gì được?"

Hagen đề nghị hay là thử chọn một thằng a-ma-tơ, chưa phải người nhà nhưng chơi có nét thì hai lãocaporegime cũng lắc đầu quầy quậy. Tessio giễu một câu: "Cử một thằng a-ma-tơ đi sao được? Kể như nó đang đá chân đất bắt lên đá Hội tuyển tranh cúp vậy!"

Rút cuộc Sonny đi đến kết luận:

- Vụ này phải cử Michael đi! Có cả triệu lý do, song lợi hại nhất ở điểm tụi nó vẫn tưởng đâu thằng này chết nhát. Còn tôi, tôi dám đảm bảo Michael làm được, làm ngon lành là khác! Đó là chi tiết tối quan trọng vì với thằng Sollozzo mình chỉ có một cơ hội này mà thôi. Bây giờ mình phải dồn nỗ lực yểm trợ cho Michael. Địa điểm tụi nó giấu thì mình phải cấp tốc tung người ra, buộc tụi nó phải nghe ngóng, phăng ra bằng được, với bất cứ giá nào. Phải biết chắc chỗ đó rồi mới giấu được "đồ nghề" chớ?

Sau đó Clemenza phải kiếm cho ra một khẩu "an toàn" nhất, nòng thật ngắn. Đạn chì, nhồi thuốc lấy, phải có sức công phá tối đa. Nghĩa là thật dữ. Khỏi cần phải chính xác vì mình chơi gần quá mà? Kể như dí sát vào đầu chúng mà nổ và nổ xong làbuông súng tức khắc, buông ngay lập tức. Khỏi lo để lại dấu tay. Mình đã có đồ thoa sẵn ở nòng cũng như ở cò súng cho trơn lu. Quan trọng nhất là chớ để nó vồ được quả tang mày đang cầm súng, mày còn cầm súng. Bao nhiêu nhân chứng mình cũng cóc cần, miễn là mày buông được súng ra. Ngược lại thì trời gỡ! Nhớ chưa Michael? Sẽ có người bảo vệ mày, đưa mày đi cấp tốc và mày có quyền "lặn" luôn, chừng êm xuôi hết mới ló ra. Có thể mày phải biến một thời gian khá lâu, nhưng chớ có giở trò từ biệt, nhắn nhe con nhỏ đó. Gọi điện thoại cũng khỏi! Chừng mày ra khỏi xứ này, an toàn rồi... tụi tao sẽ có tin cho nó sau. Mày cứ in vậy mà thi hành.

Nói đến đấy, Sonny ngó thằng em út cười mỉm rồi ôn tồn nói tiếp:

- Ngay từ bây giờ mày khỏi đi đâu hết. Mày phải ở cạnh Clemenza và chú ấy đưa khẩu nào mày ráng sử dụng cho quen tay. Nếu cần phải bắn tập. Còn mọi việc khác sẽ có người lo cho mày hết. Yên chí chưa?

Tự nhiên Michael nghe một luồng khoái cảm rạt rào chạy ngang cơ thể. Nó phải "chỉnh" thằng anh một cú. Nó quắc mắt lên:

- Bộ mày phải dạy tao "phòng gian bảo mật" nữa sao? Bằng không tao sẽ chạy lại nó nắm tay dặn dò, từ biệt chắc? Bỏ mấy cái trò sơ đẳng con nít ấy đi chớ?

- À, xin lỗichú mày ... Tao cứ nghĩ mày a-ma-tơ nên dặn cho chắc ăn!

Michael vùng nói lớn:

- Mày nói sao? Tao mà... a-ma-tơ? Ông Già truyền cho mày cái gì thì tao cũng lãnh vậy... chớ tao đui, tao điếc sao? Tao cũng chơi ngon lắm chớ bộ?

Hai anh em nhìn nhau cười ha hả làm mọi người cũng bật cười theo. Hagen tự động lãnh chân rót rượu, pha cho mỗi đứa một ly. Mặt nó rầu rầu. Vậy là con nhàvăn sắp phải giởvõ đến nơi. Một thằng học Luật đầy mình nay phải chơi luật rừng đây! Nhưng trong thâm tâm nó tự an ủi:

- Bề nào cũng đỡ khổ ở chỗ mình còn nắm được phần nào chủ động!

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 11

Ngồi ngày buya-rô trong bót, Đại Uý Cảnh sát Mark Mc Closkey mân mê ba chiếc phong bì dầy cộm, bên trong toàn cuống giấy biên đề. Lão nhăn nhó, phải chi biết được ám hiệu của mấy thằng bao đề này thì đỡ khổ biết mấy! Hồi hôm đi hành quân tảo thanh, lão đã ghé ngang một ổ chơi đề của cánh Corleone và chớp được bao nhiêu cuống "tang vật" là nhét hết cả vô đây.

Thằng chủ đề chắc chắn sẽ phải lạy để chuộc bằng được ba cái phong bì quý giá này. Không có cuống để so... thằng nào cũng chìa giấy biên ẩu ra đòi chung thì tiền đâu ra mà chung cho đủ? Vậy là toàn quyền ra giá... nhưng nó ghi lằng nhằng điệu này thì biết tổng số tiền có biên cỡ bao nhiêu mà đòi? Nếu tiền quyện năm chục ngàn đô-la thì cho chuộc năm ngàn là điệu rồi. Nhưng biết đâu ngần này cuống dám một trăm ngàn... vài trăm ngàn? Đòi năm giấy lớn để mà "hố" với nó sao?

Mc Closkey nắn nắn mớ giấy bên trong. Tốt hơn là cứ để cho nó rét, nó chạy tới năn nỉ lạy van xin chuộc thì có quyền bắt thóp, đớp của nó một cú cho ra gì chớ? Cứ để nó bấn lên xin nạp!

Lão nhìn đồng hồ trên vách. Sắp tới giờ hẹn đưa thằngđường Thổ đi gặp đại diện cánh Corleone rồi! Muốn đi đâu thì đi, lo cởi bộ đồ lính để mặc thường phục cái đã. Xong ngay. Lão nhấc phôn gọi về nhà tối nay đi công tác, đừng chờ cơm. Mụ vợ đâu biết công tác gì, ngay tiền lão đưa về chi tiêu cũng tưởng lương lính kia mà? Mc Closkey mỉm cười thú vị. Bà mẹ lão ngày xưa cũng in hệt! Lão được ông bố đích thân "truyền nghề" từ hồi còn bé tí, nghề lính là cha truyền con nối mà!

Hồi đó ông bố đội Cảnh sát có lệ mỗi tuần dẫn thằng con lên sáu đi một tua, hết buya-rô trong sở đến tất cả mọi cửa hàng trong vùng trách nhiệm. Hai bố con "đi tuần" đến tiệm nào chủ tiệm chẳng xoa đầu chú nhỏ khen ngoan rồi mở két lấy tiền lẻ biếu chú 5 đô, 10 đôtiền mới ? Chú nhỏ mỗi lần được cha cho đi tuần như vậy là đầy túi tiền mới nên càng yêu nghề lính, mai sau "nhất định làm lính giống bố" nên các chú, các bác trong bót lấy làm khoái chí, chầu lương nào chẳng lì xì cho cháu tí tiền lẻ xài chơi! Có điều tối đa chú Mc Closkey cũng chỉ được bố phát cho 5 cắc, còn bao nhiêu phải gởi vô băng hết để sau này lấy tiền ăn học lên Đại học.

Ông bố tính xa như vậy nhưng cậu con ham làm lính hơn theo Đại học nhiều! Hết Trung học, đủ tuổi là hăm hở nhảy vào ngành Cảnh sát tức thì. Làm lính mà bắt bạc ngon lành thì cần quái gì mấy cái bằng Đại học?

Cậu Mc Closkey ham vô nghề lắm nên được mặc bộ sắc phục vô là phải biết! Phục vụ gương mẫu, nghề nghiệp trên hết. Mấy thằng ma cà bông đứng đường thấy bóng cậu cớm trẻ là lặn gấp và hết giờ cậu đi tuần mới dám thò mặt ra. Cậu có ông bố để noi gương "phục vụ và bắt bạc"!

Khỏi cần phạt vạ đổ rác bậy, đậu xe láo. Tiền phạt cứ đưa đây, cho vào túi. Đâu thèm nhào vô rạp hát bóng coi cọp hay vô nhà hàng ăn đớp miễn phí? Tiền mặt mới quý, nhưng lo phục vụ đúng mức quý vị chủ tiệm trước. Thằng nào ăn quịt, phá phách thì chỉ cần cấp báo: cậu Mc Closkey sẽ có mặt để nhân danh pháp luật và trật tự công cộng, đập cho một trận thừa sống thiếu chết. Bị trừng trị một lần thì cạch luôn, hết dám lai vãng: vậy là tháng tháng cậu cớm có quyền tới quý vị chủ tiệm bắt tí tiền "bảo vệ" thật chính đáng.

Với giới giang hồ, nghĩa là dân làm ăn không hợp pháp lắm trong vùng trách nhiệm thì cậu Mc Closkey vô cùng điệu nghệ ở chỗ đi đúng sách "ai sao ta vậy". Cứ anh em trong "lít" chi bao nhiêu thì cậu cũng cứ bằng đó mà đưa. Con số đã có sẵn, khỏi thèm đòi hỏi chấm mút thêm mà đại kỵ vụ kiếm chuyện đòi "ăn bẩn". Do đó công vụ chạy vo vo, chẳng ai phiền trách thưa kiện nên làm gì không lên lon mau?

Thời gian qua... Cậu Mc Closkey lập gia đình rồi lần lượt có 4 mặt con. Từ trung sĩ nhảy lên trung úy, đại úy... Nghề nghiệp thăng tiến rõ, nhưng cả 4 đứa con đều phải lên Đại học, không được nhảy vô lính. Có tốn kém thật nhưng lương nhà nước không đủ thì ông bố Đại úy đã có cách cho con cái khỏi thiếu một thứ gì. Giới giang hồ trong quận của Đại úy Mc Closkey chỉ phải "chi nặng" thêm chút đỉnh, nặng hơn bất cứ một quận nào khác vì cái phí khoản Đại học đặc biệt này.

Số tiền "ngoại tài" hàng tháng được Đại úy Mc Closkey kể như một thứ phụ cấp, chẳng kể bẩn sạch. Coi, nếu không thì lấy đâu cho đủ để nuôi 4 thằng con leo lên Đại học? Lương lính ít, phụ cấp gia đình nghèo nàn thì bắt vợ nhịn, con thất học hay sao đây?

Đâu phải tự nhiên mà có "ngoại tài"? Muốn được ăn no đủ thì ngoài bộ áo lính cũng phải mang thân ra phục vụ, phải đánh đấm và lâu lâu cũng phải nổ để lãnh tiền của các "thân chủ" cho đáng chớ? Trong đời lính của Mc Closkey hồ sơ ghi thiếu gì những vụ đụng độ nặng với du đãng "bắt địa", anh chị đứng bến và ma cô nuôi điếm? Phải nhìn nhận là những vụ "mất trật tự" này lão dẹp mau lắm. Không lẽ phục vụ hết mình, bảo đảm trật tự cho cả một khu vực xã hội đắc lực như vậy mà chỉ có quyền trông cậy ở đồng lương chết đói của nhà nước?

Trong gia đình Tattaglia thì Đại úy Mc Closkey quen với Bruno, bạn học của một thằng con lão ở Fordham. Gia đình Mc Closkey lâu lâu có quyền tới hộp đêm du hí miễn phí một chầu. Đầu năm dương lịch hay có dịp mời mọc thế nào chủ quán Bruno cũng nhớ đến gia đình ông Đại úy bồ bịch. Có thiệp mời, ngồi bàn danh dự, lại còn được giới thiệu trang trọng với quan khách và đám nghệ sĩ nổi tiếng tới giúp vui. Đổi lại lâu lâu có chuyện nhờ vả, chẳng hạn giấy phép hành nghề cho các em chiêu đãi, nhất là các em có "phích" chơi bời ở se-vít kiểm lục.

Nguyên tắc làm ăn của Mc Closkey là không bao giờ thắc mắc đến công việc của "thân chủ". Không hỏitại sao, để làm gì ... Khi Sollozzo đến nhờ lão vô hiệu hoá hàng rào an ninh của một lão già tên Corleone hiện đang nằm trên giường bệnh thì Đại úy Mc Closkey gật đầu liền và hỏi "Bao nhiêu?" Nó nói mười ngàn đô la là ô-kê ngay, khỏi nghĩ ngợi. Phải vậy mới xứng với sinh mạng triệt một tay Mafia gộc, thế lực qua mặt Al Capone ngày nào! Mà triệt được còn đỡ cho xã hội Mỹ nhiều lắm.

Do đó Mc Closkey làm liền, làm thật chu đáo. Lãnh tiền trước mà? Chừng thằng Sollozzo gọi lại trách "làm ăn thế nào mà ngay trước cửa còn 2 đứa đứng khơi khơi" thì ông Đại úy nổi giận. Đã đích thân đi xúc từng thằng cô hồn về bót lại rút cả ê-kíp gác rõ ràng mà bây giờ phải trả lại tiền thì còn cái đau nào hơn? Nỗi đau mang 10 ngàn bỏ băng rồi mà lại phải rút ra trả bèn trút hết vào cú đấm bể mặt thằng Michael.

Nào ngờ đã không phải trả lại tiền mà Sollozzo còn đề nghị làm ăn lớn làm Mc Closkey hứng chí. Làm gì cũng được huống hồ làm gạc-đờ-co! Miễn có tiền, còn nguy hiểm thì khỏi lo. Bố bảo một dân chơi cũng chẳng dám rớ tới một ông Đại úy Cảnh sát giữa Nữu-Ước! Một thằng Mafia chì nhất cũng phải đứng yên một chỗ nếu một thằng cớm hạng bét muốn kiếm chuyện hành hạ. Còn một thằng cớm bị giết? Lập tức bao "tai nạn" sẽ đổ lên đầu giới giang hồ: Năm bảy thằng bỗng bị bắn bỏ khơi khơi vì những lý do vớ vẩn như chống cự nhà chức trách hoặc chạy trốn... Chịu sao thấu?

Yên chí lắm Mc Closkey chuẩn bị lên đường. Sao hồi này nhiều chuyện tốn tiền thế? Bà chị vợ bên Ái-Nhĩ-Lan vừa lăn cổ ra chết. Lại tốn tiền làm ma, biết bao nhiêu tiền thuốc men rồi!

Còn những ông chú bà bác ở nhà quê gởi thư dài dài sang xin tiền thằng cháu làm ăn bên Mỹ nữa? Cái gì cũng tiền, mà không có không xong! Được cái vợ chồng lão mỗi dịp về làng là bà con trọng vọng cứ như vua chúa. Hè sang năm về thăm quê thì tốt quá, vừa hết giặc xong lại gặp lúc vừa có ít tiền "ngoại tài" này...

Đi ngang bàn giấy thằng đội trực nhật Mc Closkey dặn hờ nếu có việc cần gấp thì tới kiếm ở đâu. Cái vụ này sợ gì phải giấu? Sợ gì ai? Không lẽ một ông Đại úy Cảnh sát mà không có quyền hẹn gặp một thằng mật báo viên để lấy một tuy-ô gì đó?

Ra khỏi bót, lão đi bộ một khoảng trước khi kêu tắc-xi đến chỗ thằng Sollozzo hẹn trước.

oOo

Vấn đề lo cho Michael biến khỏi nước Mỹ không tăm tích là do Tom Hagen đảm nhận hết từ sổ thông hành giả, thẻ thủy thủ đến chỗ ăn nằm kín đáo trên một chiếc tàu chở hàng ghé qua Sicily. Có người tức tốc đáp máy bay sang trước để lo sắp đặt một chỗ trú ngụ an toàn ở một miền quê, có Ông Trùm địa phương đích thân che chở.

Ngay lúc Michael "xong việc" nhảy ra thì trước quán rượu đã có chiếc xe thật ngon chờ sẵn mà chân tài xế do Tessio tình nguyện. Xe bề ngoài cũ rích, máy móc cực kỳ tốt, mang bảng số giả. Thứ xe đặc biệt chỉ để xài vào những vụ quan trọng, chẳng có cách nào nhận diện nổi.

Trước khi lên đường, Michael được Clemenza đưa khẩu súng nhỏ xíu tập sử dụng cho quen tay. Một khẩu 22 nòng ngắn, xài thứ đạn chì đặc biệt, vô lỗ nhỏ xíu nhưng trổ ra toác hoác. Không chính xác lắm nhưng cách năm bước thì không thể trật nổi! Cò hơi cứng một chút nhưng vặn vài con ốc là ngon. Xài làm chi hãm thanh cho mệt? Cần phải cho nó nổ lớn để khỏi có vụ tự nhiên một thằng đi đường chẳng biết quái gì cũng nổi máu anh hùng xông vô can thiệp hoảng là hư hết việc! Phải nổ chúng mới hoảng.

Dù Sonny từng căn dặn nhưng Clemenza vẫn luôn miệng dượt: - ... Xài xong làcho súng rơi . Nhớ là buông xuôi tay xuống đã, rồi mới thả súng cho nó rớt nhẹ bên cạnh. Để người ngoài vừa ngó thấy cứ tưởng đâu mình còn súng trong tay, cóc dám vô. Tụi nó chỉ ngó lom khom cái mặt mà! Rất tự nhiên nhanh chân bước ra. Chớ có chạy. Không nhìn tận mắt thằng nào hết mà cũng không ngó lảng đi đâu hết. Vững tin là chúng nó hết hồn, chẳng điên dại mà nhào vô. Đi tà tà ra, lên xe đàng hoàng, cửa mở sẵn mà? Có Tessio lái thì yên chí đi, đừng sợ gì hết, khỏi có tai nạn xe cộ! Cái vụ này tưởng vậy mà không có gì khó đâu. Nào, bây giờ mày thử đội cái nón này tao coi?

Vừa nói lão vừa chụp lên đầu Michael một cái nón nỉ. Cả đời có đội nón bao giờ, Michael nhăn mặt thì lão giải thích:

- Cần lắm đấy. Có cái nón là đỡ lắm: nếu cần phải cho nhân chứng nhận diện! Mày đừng lo dấu tay, khỏi có chắc. Báng súng, cò súng đều trét thứ đồ nghề đặc biệt, nhưng chớ có rờ mó bậy vào những bộ phận khác nghe?

Michael chỉ thắc mắc một điều. Không hiểu Sonny đã dò ra địa điểm mật của Sollozzo chưa? Clemenza lắc đầu:

- Có dễ gì? Nó cáo già quá mà! Nhưng mày yên chí đi. Bề nào mày cũng đi về an toàn vì con tin là chính thằng trung gian. Mày về rồi mới thả nó ra.

- Ủa, sao lại có thằng chịu làm con tin ngu vậy?

- Để lấy tiền. Nhiều lắm lắm chớ bộ giỡn sao? Có phải ai cũng làm được đâu? Phải uy tín. Đối với Sollozzo mạng nó phải quý hơn mạng mày chắc. Có vậy tụi mình mới tin là nó không dám hại mày để liên lụy đến thằng kia. Tóm lại phần mày chẳng lo ngại gì hết. Tụi tao mới là... lãnh đủ!

- Tới cỡ nào?

- Khủng khiếp! Sẽ có đổ máu tùm lum giữa hai cánh Corleone - Tattaglia mà tụi nó còn nhiều cánh khác ủng hộ. Chắc chắn sẽ có màn thấy ngã chôn không kịp...

Như một triết nhân. Clemenza suy luận:

- ... Có điều mươi, mười hai năm là phải có đổ máu lớn một lần. Kể như một dịp để tẩy bớt thứ máu ở dơ, máu vô dụng! Bề nào cũng phải đổ máu một lần vì không chặn ngay từ đầu, tụi nó tỉa dần mình rồi cũng nuốt sống luôn chớ đâu có tha? Như Hitler vậy, nếu chặn lại ngay từ hồi Munich thì đâu nó có thể làm điên đảo toàn thế giới?

Nghe lão nói, Michael nhớ lại một lần duy nhất, trước khi Thế chiến II bùng nổ năm 1939, Bố Già cũng từng lý luận in hệt. Phải chi hồi đó Mafia nắm bộ Ngoại giao thì làm gì có chiến tranh! Ý nghĩ làm Michael mỉm cười.

Clemenza đưa Michael trở về cư xá, về nhà Ông Trùm đại bản doanh hiện thời của Sonny. Không hiểu nó còn ở lì một chỗ bao lâu nữa? Thế nào nó chẳng phải mò ra ngoài? Nó đang ngủ trên đi-văn trong "văn phòng", trên bàn bữa bãi bữa cơm trưa còn dư lại và nguyên ½ chai huýt-ky. Căn phòng Ông Trùm giữ ngăn nắp là vậy bây giờ trông bừa bãi như nhà trọ. Michael đánh thức nó: "Coi, sao mày không ăn ở cho sạch sẽ một chút mà để dơ dáy cỡ này?"

Sonny ngồi dậy ngáp dài:

- Bộ mày ông tướng đi khám trại hả? Vụ đặt súng cho mày chắc không xong vì bây giờ vẫn chưa biết tụi nó đưa mày đi đâu họp. Tụi nó giữ kín quá!

- Nếu vậy tao dắt luôn trong người được không? Có chắc gì tụi nó củ soát người tao và nếu mình dắt cho kỹ, cho thật khéo thì chắc đâu đã mò ra? Mà nói cho cùng tụi nó mò ra thì cũng làm gì tao? Bất quá tụi nó "giữ giùm" đến lúc tao ra về chớ có sao đâu nào?

- Đâu được! Với thằng Sollozzo thì phải chơi cho chắc, không thể nói như mày! Nổ được là nổ liền, không ngần ngại. Nó trước, thằng cớm sau vì Mc Closkey chơi chậm, không đáng ngại bằng. Mày có dư thì giờ quá mà! Clemenza đã chỉ cho mày cách buông súng chưa?

- Cỡ 1 triệu lần!

- Thế gò má còn đau không?

Sonny hỏi và đứng lên ngó. Michael vắn tắt: "Đau chớ" rồi cầm chai huýt-ky dở trên bàn tu một hơi. Có chất men vô thấy dịu ngay, nguyên nửa mặt bên trái nó ê ẩm, nhức nhối. Chỉ trừ mấy chỗ kẹp sắt có thuốc tê là cứng ngắt.

- Thôi mày, rượu từ từ chứ Michael? Lúc này...

- Im đi! Đừng lên mặt dạy dỗ. Tao từng chơi nhiều thằng bảnh gấp mấy lần Sollozzo và từng ở thế yếu hơn nhiều. Nó đã là cái thá gì? Nó có bích kích pháo, cà nông hạng nặng không? Nó có phi pháo yểm trợ... nó có mìn cả bãi không? Bất quá chỉ là một thằng láu cá, có thằng cớm gộc ngồi một bên chớ gì? Khi đã quyết định chơi thì tụi nó phải chết, khỏi có vấn đề gì hết. Quan trọng là mình quyết định và tụi nó thì chết đến đít chưa hay.

Hagen bước vô gật đầu chào rồi tới mở tủ, lấy chiếc máy điện thoại đặc biệt ra. Nó quay lại mấy lượt rồi nhìn Sonny lắc đầu: "Chẳng có tin gì hết. Thằng Sollozzo không rỉ răng".

Có chuông reo. Sonny nhấc phôn lên, giơ tay ra hiệu yên lặng. Nó cầm bút ghi mấy chữ rồi trả lời vắn tắt: "Được... sẽ y hẹn". Sonny gác phôn cười hề hề:

- Thằng khốn Sollozzo chơi kỹ thật. Nó tính khỏi còn sót điều gì! Đúng 8 giờ tối nó và Mc Closkey sẽ đón Michael ở trước cửa quánJack Dempsey . Rồi đi đến một nơi khác nói chuyện. Hai thằng nói với nhau bằng thổ ngữ Sicily và thằng Mc Closkey thì nó cam đoan là "tiếng Ý cũng cóc biết chữ gì ngoàiSoldi là lính." Nó còn điều tra mày xài qua loại thổ ngữ được kia mà, Michael?

- Cũng may là cóc phải nói lâu!

Hagen nhắc: "Còn thằng "trung gian" đến chưa? Phải nắm con tin rồi mới để thằng Michael đi được chớ?". Clemenza xác nhận ngay:

- Đúng thế, "con tin" đang ngồi đánh các-tê với 3 thằng đàn em tin cẩn của tao, trong nhà tao. Đích thân tao phôn về tụi nó mới cho đi!

Sonny mệt mỏi ngồi ngả ra ghế bành:

- Bây giờ chỉ còn vấn đề địa điểm. Này Tom, mình có người gài bên cánh Tattaglia mà vẫn chịu, không moi nổi tin sao?

- Chịu luôn. Thằng Sollozzo cấm có hé môi, vậy mới quỷ quyệt! Nó chẳng cần thằng vệ sĩ nào. Mình thằng Mc Closkey đủ rồi. Về cái vụ này bao nhiêu súng cũng chẳng bằng một màn bí mật. Đúng lắm. Có lẽ mình đành phải cho người theo dõi Michael rồi tới đâu thì tới vậy...

- Không được! Một là tụi nó cho rơi mấy hồi? Hai là đời nào nó chịu cho mình bám theo? Nó sẽ củ soát vụ "đuôi" trước!

Lúc bấy giờ đã 5 giờ chiều. Sonny nóng ruột mặt mày nhăn nhó, đưa đề nghị: "Hay mình đành chơi rừng vậy? Đợi xe nó vừa xề lại đón là thằng Michael quất bừa một loạt vào để thằng nào ngồi trong cũng lãnh đủ?"

Hagen lắc đầu: "Không được. Có chắc gì Sollozzo có mặt trên xe lúc này bây giờ? Thằng khác thì sao? Có phải chưa gì hết mà mình đã lỗ nặng không? Trời, phải làm cách nào biết được chỗ nó dẫn Michael đến!"

Clemenza bỗng dưng có ý kiến:

- Hay là mình thử đặt lại vấn đề. Tại sao nó phải chơi quá kỹ như vậy?

Michael nôn nả giải đáp ngay:

- Vì nó không thể chơi trò may rủi mà phải nắm chắc "an ninh tối đa" cái đã. Nó "phòng gian bảo mật" được đến đâu hay đến đó chớ đâu thể "đánh đu" với mình? Nó đánh hơi thấy nguy hiểm nên có "bùa" Mc Closkey bên cạnh mà vẫn chưa trọn tin.

Bỗng nhiên Hagen búng tay "tách" một cái rồi nói như reo:

- Có vậy mà cũng quên! Thằng Philips, người của mày ở đằng bót! Sonny, sao mày không phôn cho nó một cú hỏi dò coi? Nó là nhân viên thì phải biết xếp Mc Closkey giờ đó ở chỗ nào để có việc khẩn còn kịp liên lạc che chứ? Phải rồi, thằng cớm phải biết chỗ nó sắp tới... mà ở đằng bót thì nó có sợ gì mà không cho biết địa điểm? Phải không, gọi thằng Philips liền đi!

Sonny nhấc điện thoại, quay số và nói khe khẽ vào ống. Nó đặt máy xuống: "Nó sẽ gọi lại cho mình".

Cả bọn chờ đến nửa giờ mới có phôn của thằng cớm. Sonny hối hả ghi mấy chữ rồi cúp máy. Mặt nó như căng thẳng ra "Rồi, vậy là chắc ăn. Trừ khi ở nhà... ngoài giờ làm việc muốn đi đâu xếp Mc Closkey cũng phải cho biết để tiện kiếm. Xếp cho hay từ 8 đến 10 giờ tối nay có việc gì cứ lại đằng quánLuna Azure trong khu Bronx. Có ai biết quán này?

Tessio hớn hở:

- Có tao đây!Luna Azure thì tao rành quá! Một chỗ tuyệt đẹp cho mình chơi. Quán nhỏ, chia từng ngăn ngồi cho ấm cúng. Thức ăn chiến. Kín đáo. Thực khách chẳng ai buồn để ý đến ai. Tuyệt diệu!

Nói rồi lão đứng phắt dậy, bẻ vụn mấy điếu thuốc lá ra để lập "bản đồ hành quân" ngay trên buya-rô Sonny.

- Đây là cửa ra vào nghe Michael? Chơi xong mày tà tà đi ra, quẹo tay trái, tới góc đường quẹo trái nữa. Thấy mày là tao bật pha lên cho xe vọt tới, mở cửa sẵn để mày nhào lên. Có gì nguy hiểm thì mày la lên tao sẽ nhào vô tiếp cứu... Còn Clemenza phải cho người đi "đặt" gấp khẩu 22 đi. Trong cầu tiêu của quán này có cái khe không ai để ý tới, ở giữa vách tường và bồn nước xả cầu. Lấy băng keo dính cứng nó phía sau bồn nước là tha hồ chắc, Michael nhớ sau khi xét người mày không thấy gì... tụi nó sẽ ỷ y. Đang ngồi ăn nhậu mày làm bộ nhăn nhó mót đi tiểu. Lại ấp úng xin phép đứng lên thì cha chúng nó cũng chẳng biết gì! Đi ra, có đồ nghề trong tay là mày nổ liền, khỏi chần chừ. Nổ ngay, đừng ngồi vô bàn. Chơi vào đầu, mỗi đứa 2 phát. Rồi giông lẹ lẹ...

Sonny gật gù ngồi nghe coi bộ đồng ý lắm. Nhưng vẫn phải dặn Clemenza:

- "Đặt" súng chú phải lựa thằng nào thật đàng hoàng, tín nhiệm 100% nghe? Đừng có để thằng em tôi vô rồi ra tay không là không xong đâu!

- Yên chí đi! Khẩu 22 này sẽ nằm đó liền tức thời!

- Nếu vậy thì hay. Nào, tiến hành!

Tessio và Clemenza lật đật đi trước. Hagen đề nghị đích thân lái xe đưa Michael lên Nữu-Ước, tới nơi hẹn song Sonny không chịu. "Mày phải ở đây. Thằng Michael chơi xong là tới lượt tụi mình mệt. Tao cần mày ở đây. Đã lo "mớm" đầy đủ cho mấy thằng nhà báo của mình chưa Tom?"

- Kể như xong. Đã có móc nối sẵn... Tin tức bài vở sẽ ra đều, đúng như ý mình.

Sonny đứng lên, lại trước mặt Michael, đưa tay ra bắt: "Thôi, mày lên đường đi! Tao sẽ lựa lời nói với má và con nhỏ của mày cũng sẽ có tin đúng lúc. Ô-kê?"

- Ô-kê. Tao sẽ vắng mặt cỡ bao lâu?

- Ít ra một năm.

Đứng bên cạnh Hagen lên tiếng:

- Ông Già có thể thu xếp mau hơn nhưng mày cứ kể một năm đi. Có thể rất nhanh... hay rất chậm, tùy thuộc nhiều yếu tố. Ăn thua mấy thằng nhà báo viết bài. Ăn thua ở phản ứng của bọn cớm. Ăn thua ở thực lực của mấy cánh kia... Còn nhiều thứ có thể xảy ra nhưng chắc chắn nhất là tụi mày sẽ khó sống, nghẹt thở lắm lắm.

Michael nắm tay Hagen:

- ... Ăn thua ở mày cố lo giùm tao. Chớ lại tái diễn vụ 3 năm xa nhà nữa thì tao khổ lắm đấy!

- Nếu mày ngại thì... mình thay đổi chương trình liền bây giờ còn kịp chán! Mình thiếu gì biện pháp khác? Hà tất cứ phải nổ thằng Sollozzo?

- Biện pháp thì thiếu gì thật... nhưng tao đã suy nghĩ kỹ rồi. Cả đời chăn ấm nệm êm thì lâm nguy cũng phải gồng mình chớ?

- Đồng ý vậy. Nhưng chớ để tình cảm lấn vô. Đừng vì một cú đấm mà liều mạng, chắc mày hiểu vậy? Tình cảm và công chuyện làm ăn...

Tom ngước nhìn lên và đây là lần thứ hai nó thấy khuôn mặt Michael lạnh tanh, in hệt Ông Trùm. Nó nói chững chạc:

- Tom, mày mà còn phân biệt tình cảm với công chuyện làm ăn? Trên đời này cái quái gì chẳng là làm ăn, và tình cảm với làm ăn chẳng qua chỉ là một. Gọi là làm ăn thì gọi chớ tình cảm vẫn nằm sẵn ở trong. Mày biết tao học ở đâu không? Ở Ông Trùm, ở Bố Già, bố tao đấy.

Ổngngười lớn , ổngngon chính ở chỗ nhận ra lẽ tình cảm bên trong bất cứ mọi sự việc. Một thằng bạn già bị sét đánh, một thằng con cứng đầu nhào vô TQLC rõ ràng là việc cá nhân. Kẹt chút tình cảm lại là việc của ổng. Ổng xem ra biết hết và lo hết. Một khi coi như chuyện rủi ro cá nhân thì tai nạn đâu có nghĩa lý gì nữa? Tao hiểu vậy hơi trễ nhưng còn hơn không chớ? Nếu cái mặt bể thì việc riêng của tao thì vụ Sollozzo thịt Ông Già còn là việc của ai? Cũng của tao vậy!

Nhờ mày nói lại Ông Già là tao học được ở ổng rất nhiều và hoan hỉ có vụ này đền đáp lại. Ổng cho tao hưởng nhiều, ổng xứng là cha hiền, đúng vậy...

Michael ngừng dặn dò, ngó ngay mặt Hagen hỏi:

- ... Nhưng có vụ này tao chưa hiểu. Ông Già đối với tụi tao hiền khô. Tao cũng như Sonny, Fred có mấy khi bị ổng đập? Mà con Connie thì chẳng bị la bao giờ. Nhưng với những người khác thì sao Tom? Tổng cộng ổng đã thịt cỡ bao nhiêu mạng?

Hagen nhìn lảng ra chỗ khác, thong thả đáp:

- Michael, có một cái mày chưa học được ổng. Đó là khoa nói. Có bao giờ ổng nói như mày, hỏi như mày đâu? Trên đời này thiếu gì việc bắt buộc phải làm và làm xong là phải quên luôn, khỏi nhắc tới? Lý luận giải thích làm gì? Có giải thích, lý luận được đâu? Cứ làm và quên phứt.

Trán Michael Corleone cau lại. Nó nghiêm giọng hỏi:

- Tao hỏi thật mày, trên cương vịconsigliori mày có đồng ý để thằng Sollozzo sống là nguy hiểm cho Ông Già, cho cả mình?

- Đúng.

- Đúng hả? Tao phải giết nó.

Trước cửa nhà hàngJack Dempsey , Michael đứng đợi nãy giờ. Tám giờ thiếu 5. Nó sắp đến đón, thằng Sollozzo đúng hẹn lắm. Biết vậy nhưng Michael vẫn cứ để dư cả 15 phút.

Từ nhà sang Nữu-Ước, nó cố quên những lời vừa nói với Hagen. Nếu nó nói sao tin vậy thì cuộc đời của chính nó bắt buộc phải lái theo một chiều, không thể có một ngả thoát nào khác? Mai đây đời nó sẽ ra sao? Coi, cứ biết tối nay, lát nữa đây này. Cứ nghĩ vẩn vơ, dấm dớ thì chết liền tại chỗ, hết mai! Phải vứt bỏ hết để chỉ còn nhớ có hai đứa: một thằng cáo già và một thằng cớm gộc. Gò má Michael bỗng nhức nhối. Cũng may! Phải đau đớn thế này mới khỏi quên...

Tám giờ, sắp đến giờ hát mà khu Broadway chẳng bao nhiêu người. Có lẽ vì lạnh. Đột nhiên có chiếc xe đen mui kín cúp cua chạy tới, chạy sát lề. Thằng lái xe nhoài người sang đẩy cửa kêu "Lên đi". Không biết nó là ai, Michael nhanh nhẹn lên. Băng sau nguyên cặp Sollozzo - Mc Closkey.

Thằngđường Thổ nhoài người lên đưa tay bắt. Bàn tay rắn chắc, ấm nhưng khô khan.

- Rất mừng gặp anh bạn tối nay để ta giải quyết công việc cho xong. Mình phải làm lại... chớ để tình hình này nguy quá. Tôi không muốn công việc diễn tiến kỳ cục thế này. Bất lợi quá!

- Tôi cũng muốn sắp đặt cho êm tối nay. Tôi không muốn Ông Già bị thêm nữa!

Sollozzo lên tiếng rất chân thành:

- Không có vụ đó đâu, anh bạn! Tôi dám thề trên đầu mấy đứa con tôi đấy. Chỉ mong anh bạn thông cảm... chớ đừng nóng nảy bốc đồng như ông anh Sonny thì mình chẳng có cách nào nói chuyện được!

Tự nhiên Mc Closkey cũng nhoài người lên thân mật vỗ vai Michael:

- Không... cậu này người đàng hoàng! Xin lỗi về vụ lộn xộn tối hôm ấy nghe Michael? Tôi nóng bậy quá... mà hồi này in hình có tuổi ưa nổi sùng bất tử, không dằn nổi. Đến phải cởi trả áo lính chớ điệu này tinh thần căng thẳng chịu hết nổi. Càng ngày càng chịu không nổi.

Thằng đểu. Lão vừa cười nham nhở vừa đưa bàn tay vỗ vai, rờ rẫm coi bộ thân tình để đâu cho hết... nhưng bàn tay thô bỉ sục sạo một vòng củ soát nghề nghiệp khắp người Michael, những chỗ có thể dắt súng được là không bỏ sót. Thằng lái xe liếc sang cười nhạt. Nó cho xe chạy miết ra xa lộ ngoại thành, lúc lách ra lúc lách vô rất tự nhiên nhưng thằng nào lái xe bám theo là bại lộ liền!

Ô hay, nó cho xe vọt lên cầu Hoa-Thịnh-Đốn. Vậy là qua bên New Jersey? Vậy là ngay thằng cho tin Sonny cũng hố?

Nó cho xe phom phom lên dốc cầu rồi lên cầu thật, bỏ lại sau lưng thành phố chói chan ánh đèn. Michael cố giữ mặt tỉnh bơ. Điệu này thằngđường Thổ dám cho nó sang cánh đồng lầy New Jersey ngủ với giun... hay chỉ là một thay đổi chương trình giờ chót của nó để đánh lạc hướng tất cả mọi người?

Xe chạy hết phân nửa cầu.

Thình lình thằng lái xe biểu diễn một phát quay đầu xe độc đáo, người Michael muốn lật nhào một bên. Đang chạy ngon trớn nó xoay một phát vô-lăng cho xe chồm qua lằn ranh nổi giữa cầu và khi trả lại tay lái thì chiếc xe đã quay đầu ngược hẳn lại, hướng về phía Nữu-Ước như không có chuyện gì xảy ra.

Ở băng sau, cùng một lúc Sollozzo và Mc Closkey quay đầu lại ngó coi có chiếc xe nào cũng bất thần xoay một vòng 180 độ tương tự? Khỏi có. Xe tà tà xuống cầu nhằm đúng hướng khu Bronx. Nó còn lách thử qua vài con đường nhỏ chắn ngang để chắc chắn không có đuôi bám đã nên cứ vòng vo chạy đến gần 9 giờ. Sollozzo hoan hỉ đưa gói thuốc lá mời, rút một điếu hút và khen thằng tài xế: "Mày chạy ngon đấy!"

Đúng 10 phút sau xe ngừng trước một nhà hàng nhỏ, ở giữa một khu phố tầm thường của kiều dân Ý, ngoài phố vắng tanh, bên trong quán loe hoe vài khách ăn khuya. Michael đã sợ thằng tài xế cùng bước vô là hỏng hết, nhưng may quá nó được lệnh ở ngoài xe. Cái vụ mang theo tài xế này cũng hơi bất hợp lệ vì như đã ước định qua trung gian, chỉ có 2 người nói chuyện với nhau và gã cớm ngồi bên mà thôi. Nhưng thây kệ nó ngồi ngoài, Michael cố tình lờ đi. Vậy là quá đẹp, tội gì để tụi nó nghi ngờ?

Ba người ngồi ở chiếc bàn tròn độc nhất chính giữa quán, Sollozzo không chịu vô những bàn có ngăn kín. Cả quán còn có hai người khách, không biết có phải người của nó bố trí không? Mà bố trí cũng chẳng đỡ kịp!

Mc Closkey hỏi quán này có gì hấp dẫn không thì Sollozzo đề nghị: "Thử gọi món bê con coi? Số một Nữu-Ước!" Gã bồi duy nhất trong quán xách lại chai rượu chát, mở nút. Nó chậm rãi rót ra 3 ly đầy nhưng lạ quá, Mc Closkey không uống. Lão phân bua: "Có lẽ dân Ái-Nhĩ-Lan chỉ mình thằng tôi chê rượu! Tôi sợ rượu thì đúng hơn. Bao nhiêu người chỉ vì nhậu mà chết cả cuộc đời!"

Sollozzo quay sang Mc Closkey giải thích:

- Xin lỗi Đại úy trước nghe. Câu chuyện giữa anh bạn Michael và tôi tối nay... tụi tôi xài tiếng Ý. Chẳng phải có gì quan trọng muốn giấu giếm mà chỉ vì có những danh từ làm ăn nói tiếng Anh không trôi vậy thôi. Tôi chỉ muốn thuyết phục anh bạn dàn xếp nội đêm nay cho xong mọi chuyện lộn xộn bất lợi cho tất cả mọi người mà? Đại úy đồng ý chớ?

- Ô, có gì đâu! Hai người muốn nói với nhau cái gì thì nói. Tôi chỉ "nói" với cái đĩa bí-tếtspaghetti này!

Thế là Sollozzo giở thổ ngữ Sicily ra nói:

- Xin anh bạn hiểu cho những gì đã xảy ra giữa Ông già và tôi hoàn toàn chỉ do vụ làm ăn mà ra. Ông Trùm là người tôi hằng ngưỡng mộ và chỉ mong có ngày được ổng sai bảo. Đó là một sự thật. Có điều ổng cổ quá, ổng không chịu làm ăn theo thời thế, ổng không chịu đi vào ngành ma túy, dù ai cũng phải thừa nhận rằng chẳng có thứ gì sinh lợi lớn bằng, le bằng! Ông Trùm nhất định không làm và bảo tôi: "Tôi không thể làm ăn với ông được nhưng phần ông cứ làm đi chớ?"

Ổng nói vậy... nhưng sự thực đâu có giản dị thế? Tôi phải hiểu "cứ làm đi chớ" thế nào được, mình dân giang hồ mà? Không lẽ ổng nói ngay "Anh không làm chuyện đó được" đó thôi.

Xin nói thực tôi kính mến và e ngại thế lớn của Ông Già thiệt... nhưng không thểvì ổng không muốn mà phải bỏ dở một công cuộc làm ăn sinh lợi, đó là lẽ tự nhiên. Do đó mới xảy ra chuyện đáng tiếc... Chắc anh bạn không lạ gì các cánh Nữu-Ước ủng hộ tôi, dù họ chưa công bố. Nhưng cánh Tattaglia thì đi hẳn với tôi, cùng ăn cùng chịu. Bây giờ không hoà giải gấp thì thế nào cũng có đụng độ lớn: Cánh Corleone sẽ phải chống tất cả mọi phe nhóm khác. Nếu Ông Trùm còn mạnh thì có thể chống được đấy. Nhưng giờ đây cỡ Sonny thay thế sao nổi vàconsigliori Hagen sức mấy mà được như Genco Abbandando ngày nào?

Đó là lý do tôi đề nghị tạm hoà, tạm ngưng chống đối nhau chờ Ông Trùm bình phục đặng đích thân ổng thương nghị sau. Tôi đã thuyết phục cánh Tattaglia đồng ý bỏ qua vụ Bruno để tránh đổ máu nữa. Trong thời gian này tôi vẫn phải có ít việc làm ăn kiếm sống, trong ngành của tôi. Tôi không đề nghị cánh Corleone hợp tác làm ăn mà chỉ xin mấy ông đừng phá. Có vậy thôi, rồi ra sau này chuyện gì chẳng giải quyết được? Đề nghị của tôi có bấy nhiêu, tôi chắc anh bạn đủ thẩm quyền đại diện cánh Corleone để ta nghị hoà với nhau chớ?

- Xin cho biết thêm về đề nghị khởi sự làm ăn của quý ông. Nghĩa là trong công cuộc làm ăn đó, gia đình tôi giữ vai trò gì... và được hưởng những gì đã chớ?

- Nghĩa là anh bạn muốn biết chi tiết đề nghị của tôi?

- Quan trọng nhất là điểm tôi muốn có những đảm bảo chắc chắn rằng sinh mạng Ông Già tôi khỏi bị đe doạ nữa...

Sollozzo đưa cả hai tay lên than:

- Trời đất! Tôi mà đảm bảo gì được? Trái lại mạng tôi đang bị săn đuổi là khác. Tôi đã bị hụt giò... mà anh bạn còn đề cao quá đáng! Tôi đâu ghê gớm đến vậy!

Chỉ cần nghe đến đây là Michael cầm chắc Sollozzo chỉ cần gặp mặt lần này để cố tình kéo dài thời gian vài ba bữa nữa. Nó rình thịt Ông Già và nhất định làm bằng được. Có điều khoái nhất là cho đến bây giờ thằngđường Thổ vẫn liệt nó vào hạng chết nhát! Một khoái cảm nhè nhẹ dâng trong người, nó thấy gây gấy sướng lạ. Michael làm bộ bần thần để Sollozzo cất tiếng hỏi: "Coi, sao thế?"

Nó ấp úng, lúng túng mãi mới trả lời: "Tôi uống rượu không quen... Mới bấy nhiêu đó đã mắc tiểu tiện... Xin phép, tôi vô đi tiểu chút... được chớ?"

Sollozzo ngó ngay mặt nó: "Mắc đái hả?". Rồi nửa đùa nửa thực đưa tay sang rà rà chỗ bụng dưới Michael. Nó bèn làm bộ bực mình nhưng Mc Closkey trấn an: "Khỏi mò! Nó không có gì đâu, củ soát rồi. Kinh nghiệm quá mà?"

Sollozzo rõ ràng không khoái những vụ đi tiểu tiện này. Không hiểu tại sao... nhưng không yên tâm. Nó đưa mắt nhìn gã ngồi bàn bên, cặp lông mày nhướng lên hướng về phía phòng vệ sinh. Lập tức thằng đó sẽ gật đầu ý hắn đã coi qua rồi, trong đó không có ai. Biết vậy Sollozzo cũng chấp nhận một cách miễn cưỡng: "Đi lẹ lên nghe!" Rõ ràng nó ngửi thấy một cái gì khác lạ...

Michael đứng lên, đi về phía phòng vệ sinh. Vô trong là lại bồn tiểu xả lẹ lẹ một bãi cho đỡ tức bụng rồi thong thả bước tới cầu tiêu, đưa tay mò phía sau bồn nước xả cầu. Có ngay! Khẩu 22 nòng cụt, nằm ngoan ngoãn nhờ lớp băng keo. Nó giựt ra, nhét vô cạp quần, cài nút áo lại. Clemenza biểu xài súng khỏi sợ dấu tay nhưng sau khi ra la-va-bô rửa tay, vuốt tóc nó lấy khăn tay chùi kỹ chỗ vòi nước...

Mở cửa bước ra đi trở lại bàn, nó thấy ánh mắt Sollozzo nhìn trừng trừng. Michael tươi cười: "Giờ muốn nói gì thì nói ". Mc Closkey lúi húi đớp đĩa bí-tếtspaghetti vừa mang ra. Gã ngồi bàn bên nãy giờ hồi hộp đã thở ra khoan khoái.

Michael ra ngồi bàn. Nó nhớ Clemenza dặn đi ra là nổ liền nhưng không hiểu vì có linh tính hay vì chết nhát mà chưa dám. Rõ ràng nó có cảm giác bây giờ mà có một cử động khác lạ là bị quất sụm ngay. Ngồi xuống yên chí hơn nhiều, ít ra không đến nỗi chân run run đứng hết nổi.

Sollozzo vươn người tới nói. Nhờ khuất cái mặt bàn, Michael khẽ mở nút áo, ngồi nghe ngoan ngoãn nhưng thực sự có biết nó nói gì? Mạch máu chạy quá mạnh, nghe chỉ thấy ù ù...

Bàn tay mặt ở dưới bàn từ từ rút khẩu súng nhét cạp quần ra cầm tay. Đúng lúc đó gã bồi bước tới, đứng bên chờ và Sollozzo quay mặt ra kêu thức ăn Michael lập tức đứng lên tay trái hất bàn, tay mặt đưa khẩu súng kê sát đầu thằngđường Thổ . Phản ứng của nó đã lẹ. Michael vùng đứng lên thì nó đã né. Không kịp. Làm sao chơi lại tuổi trẻ?

Michael nhấn cò. Viên đạn đi ngay màng tang và lúc chui ra phía bên kia đã phá một lỗ toang hoác. Máu, óc, xương sọ nó văng tùm lum đầy áo gã bồi. Khỏi cần phát thứ hai. Đầu Sollozzo nghẹo một bên, ánh mắt nó là ánh mắt người chết, rõ ràng nhìn đời lần cuối.

Một giây đồng hồ sau, mũi súng hướng về Mc Closkey. Lão kinh ngạc ngó Sollozzo gục, không ngờ có chuyện. Làm như lão không dính dấp gì tới, không tin bản thân lão cũng lâm nguy. Mắt lão giương lên ngó Michael, cái nĩa xiên miếng bí-tết còn cầm tay. Dường như lão có vẻ bực bội... tại sao nó dám làm ngay trước mặt mình và không hiểu tại sao còn chưa vùng chạy hoặc nạp súng đầu hàng cho rồi.

Michael mỉm cười nhìn lão và xiết cò. Viên đạn đặt đúng chỗ cổ họng bự như cổ trâu nhưng chưa đủ sức kết thúc Mc Closkey. Lão thở ằng ặc làm như mắc nghẹn miếng bí-tết quá lớn rồi hộc lên phun phè phè những tia máu li ti. Rất tỉnh táo, Michael thản nhiên đẩy tới phát nữa, nhằm giữa cái đỉnh đầu có mớ tóc bạc phất phơ.

Đột nhiên chỗ nào cũng thấy máu. Michael quay phắt sang thằng ngồi dựa vách. Nó ngồi một đống, ngồi chết điếng không hó hé cục cựa mà quay nhìn chỗ khác, hai tay đặt ngay ngắn trên mặt bàn. Gã bồi ôm đầu chạy vô bếp, mặt trắng nhợt, mắt thất thần, hoảng hốt. Rất tự nhiên. Michael đưa mắt quan sát: thằng Sollozzo ngồi chết gục đầu trên bàn nhưng cả cái thân xác nặng nề của Mc Closkey đã nằm vật ra sàn nhà.

Michael nhẹ nhàng buông súng, cho nó rớt trên mình Mc Closkey, lăn xuống sàn không tiếng động. Cả hai thằng có mặt trong phòng có thấy nó thảy lúc nào? Nó mau chân đi ra, đẩy cửa. Xe thằng Sollozzo còn đậu đây nhưng không thấy dạng tài xế. Nó quẹo tay trái tới góc đường quẹo nữa... và choá mắt vì pha đèn sáng rực của một chiếc xe cà tàng đang phóng tới, cửa xe mở toang. Nó nhảy lên, sập cửa là cả chiếc xe vọt cấp kỳ. Tessio ôm vô-lăng, mặt lạnh như tiền.

- Mày làm xong Sollozzo chưa?

"Làm xong chưa"! Làm như "làm" xong một con nào vậy. Lão hỏi kỳ cục quá. Michael lạnh lùng:

- Cả hai thằng.

- Chắc không đấy?

- Óc tụi nó văng tùm lum.

Trên băng xe đầy đủ quần áo thay. Xe lao vun vút. Cỡ 20 phút sau Michael tà tà ngồi trong ca-bin một chiếc tàu hàng sửa soạn nhổ neo sang Ý. Cỡ hai giờ sau tàu hướng mũi ra biển cả, bỏ lại phía sau cả một đô thị Nữu-Ước sáng rực ánh đèn hoả ngục...

Michael thấy nhẹ cả người. Vậy là thoát. Cảm giác nhẹ nhõm, khoan khoái in hệt ngày nào... sư đoàn nó đổ bộ lên đảo đánh cận chiến ác liệt và vì một vết thương nhỏ, nó được cáng xuống xuồng cấp tốc chở ra tàu bệnh viện ngoài khơi. Thoát khỏi hỏa ngục. Đúng vậy, phong ba sắp nổi dậy ầm ầm nhưng nó có ở đấy đâu mà lo?

oOo

Ngay sau ngày Sollozzo và Đại úy Cảnh sát Mc Closkey bị hạ sát, toàn thể giới giang hồ Nữu-Ước được cấp báo ngưng hết làm ăn! Khỏi có sòng bạc, ổ điếm nào được hoạt động. Phải tốp bằng hết... cho đến ngày tìm ra thằng khốn đã dám nổ một Sĩ quan Cảnh sát. Cả thành phố bố ráp tùm lum, tảo thanh liên miên. Dân giang hồ bắt buộc lặn hết.

Ngay sau đó cánh Corleone được các phe nhóm bạn cử đại diện tới. Liệu đã sửa soạn nạp thằng sát nhân chưa. "Coi, cái vụ này đâu có ăn nhập gì với tụi tôi?" Thế là cư xá Long Beach ăn bom. Trong đêm tối một chiếc xe lạ phóng tới, thảy một trái nổ ngay trước cửa rồi vọt mất. Cũng trong đêm đó, hai gã đàn em thân tín cánh Corleone bị hạ một lượt. Đang ngồi ăn nhậu trong một nhà hàng Ý trong khu Greenwich thì bị quất sụm. Đó là khởi đầu cuộc Ngũ gia đại chiến của Mafia năm 1946.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 12

"Mai tới nghe..." Johnny Fontane ngoắc tay ra hiệu cho gã quản gia. Gã da đen cúi đầu chào, rút lui khỏi căn phòng ăn rộng mênh mông ngó thẳng ra Thái Bình Dương. Hiệu lệnh không có vẻ chủ tớ mà thân mật, đại để tối nay mắc khách về sớm đi.

Khách tối nay là Sharon Moore, một con nhỏ týp chịu chơi khu bụi đời Greenwich Nữu-Ước qua Hollywood đóng một vai nho nhỏ trong cuốn phim do một tên tuổi lớn sản xuất. Nó đi thăm phim trường và bắt gặp Johnny đang đóng phim cho lão Woltz. Con nhỏ dễ thương, duyên dáng và láu lỉnh nên được anh Johnny mời về nhà chơi, dùng cơm tối. Johnny Fontane mời về nhà chơi thì còn hân hạnh nào bằng!

Nghe danh Johnny hào hoa, em Sharon cứ tưởng đâu đàn anh phải tấn công hăng lắm nào ngờ đàn anh kỵ món thuế thịt Hollywood. Con mồi phải có điểm gì hạp nhãn, trừ khi nhậu say vô thấy gái lại khác. Huống hồ 35 tuổi, một đời vợ ly dị, một đời vợ ngoại tình và em bé bám theo cả đàn thì Johnny còn tha thiết gì? Thấy em Sharon hay hay thì gạ vậy thôi...

Trên bàn đầy thức ăn. Johnny còn lạ gì mấy em quen bóp bụng để dành tiền ăn diện, có dịp đớp thả dàn là phải biết! Rượu cũng sẵn, đủ thứ. Sâm banh ướp lạnh, huýt-ky, cô-nhắc, và bao nhiêu thứ khai vị. Món ăn sắp sẵn, Johnny chỉ việc rót rượu.

Ăn xong, nó đưa em bé sang phòng khách: một phòng thênh thang, có tấm vách thuỷ tinh trong suốt nhìn ra biển. Nó lấy cả chồng dĩa Ella Fitzgerald đặt lên chiếc hi-fi rồi ra nệm ngả người cạnh em. Hai đứa nói chuyện tâm tình, chuyện lăng nhăng... toàn những chuyện ngày xưa chuyện xấu đẹp, vui buồn.... Lẩm cẩm thật, nhưng với Johnny như vậy mới gợi hứng.

Nằm dài ra bên nhau, êm ái thú vị biết mấy! Johnny khe khẽ hôn môi. Em nhận cái hôn nhưng không thích tiến thêm thì tạm thời cứ sơ sơ mé ngoài vậy đó. Xa xa ngoài kia mặt Thái Bình Dương êm ả gờn gợn ánh trăng. "Sao không chơi dĩa của anh?" Giọng nó nũng nịu, vuốt ve lạ. "Đâu cần khoe, em?" Nhưng Sharon nài nỉ.

- Thì không khoe... nhưng dành riêng cho em nghe được không? Hay anh hát cho em nghe... như trên xi-nê anh cất tiếng ca làm bao nhiêu cô rạo rực lên, chết mê chết mệt đó!

Johnny bật cười. Hồi còn trai trẻ... cái mục "anh hát em nghe" này nó biểu diễn biết bao nhiêu lần! Giọng cao cất lên là các em rạo rực bằng thích, giở hết điệu bộ màu mè con gái, mắt sáng lên như đâu đây có sẵn mấy quay phim. Bây giờ thì hết ham. Cả tháng nay sợ thử giọng. Vả lại cóc ở trong nghề các em đâu biết... kỹ thuật phụ hoạ nó quan trọng như thế nào, có phải muốn ca lúc nào cũng được? Giờ nghe lại dĩa mình, nghe giọng lả lướt quyến rũ, làn hơi phong phú, trẻ trung ngày nào quả có thê thảm, khác gì anh kép già sói đầu, bụng bự cho chiếu lại những hình ảnh hào hùng của buổi thiếu thời?

Johnny thú thật: "Giọng anh bây giờ dở lắm. Nghe mình hát chán không thể tưởng tượng."

- Nghe nói cuốn phim đang đóng anh hy sinh mọi quyền lợi... Anh đóng không lấy tiền phải không?

- Đúng. Cát-xê tượng trưng, danh dự thôi!

Nó đứng dậy rót rượu thêm cho em, đưa điếu thuốc chữ vàng bật lửa cho em mồi. Sharon thong thả kéo khói, lót từng ngụm brandy. Johnny ngồi bên, ly của nó rõ ràng đậm hơn. Nó cần nhiều chất men cho máu chảy phừng phừng, cho bùng lên...

Đó là một sự ngược đời. Thông thường phải cho em say để mình tỉnh táo. Cần phải cho người đẹp bốc. Nhưng người cần bốc lại là Johnny!

Vì hai năm nay nó quá phung phí sức lực, cần có hơi men hỗ trợ. Hai năm nay cứ thấy em nào vừa mắt là mời đi ăn nhậu du dương vài hôm, rồi tặng em món quà đích đáng để... cho em de cái một, khỏi lộn xộn. Thiếu gì em tự an ủiđược sống những giây phút thần tiên với Johnny Fontane? Gái đẹp nhiều như vậy thì yêu đương gì? Nhưng chối bỏ sao nổi, một khi các em duyên dáng, mặn mà và tự nguyện đông như vậy?

Johnny tối kỵ những týp núi lửa chỉ chờ "cơ hội" gần gụi một lần để mấy ngày sau kháo ầm lên: "Johnny Fontane hả? Tao vừa ngủ với nó xong. Yếu xèo. Còn thua tao xa." Lại có những thằng chồng không lạ gì con vợ ngủ với nó mà mặt vẫn cứ nhơn nhơn ra được, thiếu điều muốn bảo thẳng nó rằng ai chớ ông đại tài tử đại ca sĩ Johnny Fontane thìchấp nhận được! Đó là những vụ lạ nhất trong đời nó.

Nó khoái nghe giọng ca Ella Fitzgerald. Rõ ràng, chắc nịch. Ca ra ca, nó hiểu giọng ca rành mạch của ca sĩ này hơn hết mọi thứ và cảm thông thì còn ai cảm thông bằng? Nằm dài ra nệm nghe hơi rượu bốc hừng hực, rõ ràng Johnny muốn cất tiếng ca theo Ella, khỏi cần nhịp điệu gì hết... nhưng có mặt người lạ làm sao thử thách? Một tay nâng ly rượu, một tay nó vuốt ve đùi con nhỏ, luồn dưới lụa tìm đến sự ấm áp, mềm dịu của lớp đùi non. Làn da nõn nà vẫn có mãnh lực khêu gợi thiệt sự! Chán chê thừa mứa đàn bà đến như nó vẫn không khỏi rùng mình rạo rực. Cũng may mà nó còn rạo rực... chớ cứ như giọng ca khi không đi đâu mất biệt thì hỏng!

Johnny khẽ đặt ly rượu xuống bàn, quay mặt lại đối diện Sharon. Mục vuốt ve, tiếp tục nhưng nó tiến hành chậm rãi, chững chạc... Chắc chắn nhưng vẫn nhẹ nhàng, êm dịu. Tuyệt không hối hả, hăm hở. Môi vẫn gắn môi, tay Johnny lần tìm lên khoảng ngực có làn da vô cùng mềm mại, dịu mát như tơ. Con nhỏ có hôn trả những cái hôn vừa đủ thân tình nhưng chưa đến độ mê say. Johnny cũng vậy. Nó ghét những týp đàn bà con gái sớm bốc như kiểu chiếc mô-tơ điện! Chỉ cần một nháng lửa xẹt đúng chỗ là máy chạy vo vo, rung lên từng bộ phận một.

Bàn tay Johnny tự động chạy theo đường cũ, quen lệ rồi...

Dĩ nhiên phản ứng mỗi đứa mỗi khác. Có đứa làm như không hề hay biết, chẳng hề cảm thấy có sự đụng chạm giữa lúc đang hôn mải miết đam mê. Có đứa giật mình, uốn cong người. Có đứa vùng cho anh vài cái tát tai, nhất là hồi Johnny còn chưa có tên! Đó là cả một công trình, cả một kỹ thuật.

Phản ứng của Sharon thật bất thường. Phải nói là kỳ dị. Cái gì nó cũng chấp nhận, cho phép hết. Không hề phản đối, chống cự. Có điều gỡ nụ hôn ra là nó khẽ ngã người về phía sau để nhẹ nhàng đưa tay ra bắt ly rượu làm một hơi dài. Thản nhiên như vậy nhưng rõ ràng một yêu cầu tốp. Johnny biết điệu. Vụ này đã từng có mà? Nó cũng nâng ly rượu, đốt thuốc hút.

Giọng Sharon thật ngoan và dễ thương:

- Không phải tại em không thích anh đâu. Anh dễ thương hơn em tưởng nhiều! Cũng không phải em sợ hay chưa thử, nói thực đấy. Em phải bốc mới thấy hứng, còn không thì...

- Và anh không làm em bốc?

Johnny mỉm cười hỏi, coi bộ chẳng có gì buồn hết làm con nhỏ lúng túng...

- Sự thực thì hồi anh lên... em còn nhỏ xíu. Em mê giọng ca, mê anh đóng phim lắm chớ? Mê lắm lắm... nhưng có điều mình không cùng một thế hệ. Phải chi mình cùng một trang lứa thì xong ngay.

Nghe nó nói, Johnny không thấy ham mấy nữa. Con nhỏ duyên dáng, láu lỉnh thật. Nó không mê anh Johnny đến độ hiến dâng hay sẵn sàng nạp thuế thịt để tiến thân sau này. Nó là thứ đàng hoàng. Nó không như con nhỏ hồi nào, đi với nhau lu bù nhưng đã nuôi sẵn định ý. Có ham đến mấy cũng từ chối để tự hào với mình hay với chúng bạn: "Biết sao không? Johnny Fontane mê tao, gạ tao quá xá... nhưng tao thèm vào!"

Có lẽ vì cảm thấy già rồi nên Johnny không bực bội. Không ham thì càng đỡ mệt. Nó tỉnh bơ uống rượu nhìn trời. Sharon thỏ thẻ:

- Anh đừng buồn em nhe, Johnny? Tại em hơi quê, em chưa hạp cái lối sống Hollywood.

Nó mỉm cười vuốt má con nhỏ. Đưa tay kéo cái váy lụa xuống cho nó trùm quá đầu gối, nó nói dịu dàng:

- Buồn gì mà buồn? Lâu lâu cũng phải có vụ yêu đương chay tịnh lành mạnh một chút chứ!

Sự thực Johnny có cảm thấy thoải mái sau vụ "làm ăn" thất bại chính bởi vì nó khỏi phải hùng hục đóng vai trò si tình đòi yêu, đã nhập trận là phải gạ gẫm yêu bằng được. Phải chiến thắng đàn bà con gái bằng được như trên màn ảnh. Cái lối yêu thật mệt mỏi!

Sau một tua rượu và một chầu hôn sơ sài nữa là Sharon đứng dậy đòi về. Lịch sự như thường lệ, Johnny hỏi: "Lần khác mình sẽ gặp lại nhau nghe em" thì con nhỏ đáp thẳng băng, thành thực:

- Thôi, mất thì giờ của anh... và chẳng đi đến đâu hết! Cảm ơn anh! Mai sau về già biết đâu chừng em chẳng có quyền kể lại cho đám con cháu nghe rằng ngày xưa đã có lần tao và Johnny Fontane hai đứa ở với nhau một phòng gần trọn đêm và chẳng có gì xảy ra.

- ... Chẳng có gì xảy ra vì tao nhất định không chịu.

- Nhất định... là chúng nó khỏi tin!

Hứng chí Johnny khôi hài:

- Không tin thì để anh cấp cho em cái giấy chứng nhận? Viết tay đàng hoàng.

Con nhỏ lắc đầu cười. Johnny tiếp:

- ... Hay có thằng nào dám nghi ngờ lời em thì em phôn cho anh một cú? Anh sẽ vạch mặt chúng! Anh sẽ bảo rằng anh đã rượt bắt em cả đêm trong phòng mà em nhất định không chịu là không chịu.

Đùa quá hoá ác thật! Con nhỏ hơi nhăn mặt khiến Johnny biết ngay là đã đi quá lố. Nói như vậy có khác nào bảo thẳng nó rằng tại tao không muốn nên không thèm gạ gẫm tới, bằng không mà phải bị rơi? Hay vì mày người ngợm chẳng ra gì nên tao không thèm? Nghĩa là nếu có kể lại con cháu nghe thì phải thêm vô: "Tao còn giữ gìn được hôm đó vì Johnny coi bộ không tha thiết lắm."

Cảm thấy hơi thương hại, nó vỗ về con nhỏ:

- Đùa đấy thôi em! Có phải cứ đụng gặp cô nào là làm cô ấy đâu? Có chuyện gì cần đến em cứ phôn cho anh một cú.

Sharon chỉ "Dạ" rồi rút lui.

Đêm còn dài quá biết làm gì cho hết? Dĩ nhiên Johhny có quyền sử dụng cái mà lão Woltz gọi làxưởng thịt , đám đào non Hollywood lúc nào chẳng sẵn sàng gật? Nó muốn một bạn chung chăn gối và tâm tình kia! Tự nhiên nó nghĩ đến con vợ đầu tiên Virginia. Phim quay sắp xong, nó sẽ rảnh rang nhiều. Có quyền về thăm, săn sóc mấy đứa nhỏ chớ?

Sự thực nó cũng e ngại Virginia. Nó đâu đã đủ tư cách đối phó với những quân săn gái, mấy thằng bảnh bao cố đeo bằng được để tán tỉnh gạ gẫm? Tụi này làm được là dám khoe ầm lên "Tao vừa quất con vợ thằng Johnny Fontane, con vợ chính của nó." Tuy nhiên dù sao Virginia cho đến giờ vẫn còn giữ gìn được, chưa thằng nào dám ấm ớ. Còn con Margot thì thôi... khỏi nói!

Johnny bèn nhấc phôn lên. Tiếng Ginny nó nhận ra ngay. Nó đã nhận ra từ năm lên 10, từ năm hai đứa cùng học lớp Nhì với nhau kia mà?

- Ginny hả? Có bận gì không? Về thăm bây giờ được không?

- Được. Bọn nhỏ ngủ cả rồi... tôi không muốn đánh thức.

- Không sao, tôi muốn nói chuyện với cô kia.

Đầu dây đằng kia có chút ngập ngừng. Làm như nó cố trấn tĩnh để giữ giọng bình thản, không cần quan tâm cho lắm.

- Có chuyện gì đấy? Có quan trọng không?

- Không, bữa nay phim vừa quay xong. Tôi muốn về thăm cô và tụi nhỏ một chút. Có chắc tụi nó ngủ hết chưa?

- Anh muốn về thì về. Tôi cũng mừng cho anh đóng được phim đó.

- Cám ơn. Nửa giờ nữa tôi sẽ tới.

Ngồi trong tắc-xi ngó vô căn nhà xưa ở Beverly Hills, nó ngẫm nghĩ lờiBố-Già . Thằng đàn ông có quyền sống theo ý mình muốn. Cái khó là biết mình muốn gì. Nó muốn gì, chẳng hạn.

Ginny đón nó ngoài cửa. Người nó nhỏ nhắn, xinh đẹp, mớ tóc nâu nâu rõ ràng gái Ý. Đúng týp nội trợ và vợ hiền, khỏi có anh nào chàng màng. Đối với Johnny đó là điều quan trọng. Dù tình yêu không còn nữa! Nó không còn thấy khoái cảm gì trong vụ ăn nằm với vợ cũ. Có lẽ vì chán chường nhau quá. Giữa hai đứa bây giờ tuy chưa phải kẻ thù nhưng Ginny vẫn hận, chẳng bao giờ tha thứ.

Ginny pha cà phê, dọn mấy cái bánh nhà làm. Johnny cởi áo, cởi giầy nằm dài ra đi-văng, mệt mỏi quá. Ginny ngồi trước mặt, cười ngỏn ngoẻn: "Lạ quá!"

- Cái gì lạ?

- Johnny Fontane mà chịu "thất nghiệp" một đêm, không có em nào mà không lạ sao?

- ... Thì Johnny Fontane cũng phải có lúc mệt mỏi, hết hứng chớ? Có một em lúc nãy, nhưng bị em đá đít còn mừng nữa!

Ít khi Johnny nói thẳng thừng như vậy. Nó cũng ngạc nhiên thấy vợ cũ có vẻ tức tối: "Không biết chừng nó làm bộ màu mè vậy để anh kết thêm!" Ginny làm như còn ghen tức nữa mới lạ!

- Kết cái gì! Chán đến mang tai rồi, mệt mỏi quá. Bây giờ mất giọng ca rồi làm sao mà bừa bãi mãi được? Cũng phải giữ sức khoẻ.

- Thảo nào! Trông anh hồi này đỏ da thắm thịt đấy. Hơn hình chụp nhiều.

- Đâu có? Thêm nhiều mỡ, sói đầu thêm mới đúng. Chỉ còn trông cậy ở cuốn phim này, nếu không lên nổi thì giải nghệ về nhà mở quán ăn mất. Có cô đỏ da thắm thịt thì có. Không chừng cô đi đóng phim lại hay!

Johnny nói vậy thôi chớ làm gì nó chẳng biết vợ cũ 35 tuổi và ở đất Hollywood này đàn bà tuổi 35 có giữ gìn đến đâu cũng vẫn bị liệt vào hạng "lão bà". Chỉ vì mấy con nhãi con xinh như mộng đổ về đây nhiều quá, đứa nào cũng trẻ đẹp, căng nhựa sống chỉ cần một năm hai năm thử thời vận. Có đứa lộng lẫy đến đứng tim đàn ông, nếu đừng mở miệng, nếu đừng để sự thèm khát tên tuổi làm nhạt nhoà đôi mắt đẹp như nhung.

Một trung niên thiếu phụ làm sao cạnh tranh cho nổi? Có duyên dáng, lịch thiệp, thông minh đến đâu cũng đành phải chịu thua tuổi trời, nghĩa là đầu hàng tuổi thanh xuân mơn mởn. Phải chi những thứ gái non không nhan nhản thì một thiếu phụ xinh xắn như Ginny cũng có nhiều hy vọng lắm chớ? Nhưng với anh Johnny Fontane thì chúng sẵn sàng quá, đâu đến lượt Ginny đóng phim?

Vì vậy, nghe Johnny Fontane nói chuyện "đi đóng phim", Ginny làm gì không biết nó nói lấy lòng? Bản chất của Johnny là vậy, dù lên bao nhiêu, dù bao nhiêu nàng chạy theo, nó vẫn quý trọng đàn bà. Lúc nào cũng sẵn sàng khen đẹp, khen duyên dáng, mau mắn bật lửa cho người đẹp hút thuốc, mở cửa nhường đi trước. Với bất kỳ cô nào, dù không biết đến tên, dù chỉ tình nghĩa một đêm Johnny cũng thực lòng quý mến. Chìu chuộng khéo đến như vậy thì làm sao không nhiều cô chết mê chết mệt?

Còn lạ gì tính nết nó nên Ginny mỉm cười:

- Thôi, cho tôi xin đi ông! Ông "ngọt" với tôi 12 năm nay... tôi còn lạ gì mà phải bốc?

- Không, tôi nói thực đấy! Tôi chỉ mong được như cô hồi này...

Johnny gật gù nằm dài ra đi-văn trông có vẻ mệt mỏi thật nên Ginny không cãi nữa... mà hỏi một câu an ủi:

- Cuốn phim có khá không? Liệu có mang lại cho anh cái gì không?

- Nhất định có chớ? Nhờ nó tôi có thể lên trở lại cái một. Nếu bắt được mộtOscar và chịu khó vận động thì có thể chẳng cần phải ca hát, tôi cũng có thể thành công lớn. Nghĩa là có thể chu cấp cho cô và các con thêm chút nữa.

- Mẹ con tôi đủ rồi. Thừa là khác!

- Tôi cũng muốn săn sóc tụi nhỏ nhiều hơn nữa. Nghỉ ngơi một chút cũng là vừa. Chẳng hạn mỗi thứ Sáu mỗi về nhà ăn cơm với tụi nó, xa đến đâu, bận bao nhiêu cũng về. Rồi mấy ngày nghỉ cuối tuần bố con đi chơi với nhau, rồi nghỉ hè nữa...

Ginny bước tới đặt cái gạt tàn lên trên ngực cho nó gạt tàn thuốc. "Vụ đó tôi đồng ý. Anh biết không, sở dĩ tôi không đi lấy chồng là vì tôi muốn anh còn được làm cha chúng nó."

Ginny nói thật tỉnh táo, tuyệt không xúc động nhưng nằm ngó nhìn lên trần nhà. Johnny cảm thấy hết nỗi cay đắng chất chứa, sự oán hận giằn vặt đã có lần nó đổ lên đầu thằng chồng bỏ vợ bỏ con xé giấy giá thú để chạy theo một con điếm... để rồi sự nghiệp bắt đầu suy sụp theo.

Để lảng sang chuyện khác, bất thần Ginny hỏi: "Có người vừa điện thoại cho tôi... đố anh biết ai đây?" Cái trò đố biết, úp mở là Johnny không khoái. Nó nằm yên, không trả lời, không đoán. Rốt cuộc Ginny phải xì ra: "Bố-Giàanh đấy!"

Johnny ngồi nhỏm dậy:

-Bố-Già ? Quái lạ, ổng có xài phôn bao giờ? Mà ổng nói gì?

- Ổng biểu tôi phải giúp anh. Là anh có thể lên trở lại, anh đang lên... anh cần phải có người trọn tin anh. Tôi có hỏi tại sao tôi phải làm vậy thì ổng nói... vì anh là cha sắp nhỏ, có vậy thôi. Ổng nói nghe dễ thương hết sức vậy mà báo chí đăng những chuyện ghê gớm gì đâu không!

Ginny cũng thuộc týp ghét tê-lê-phôn. Trong nhà bắt buộc phải có thì chỉ để dưới bếp một, trong phòng ngủ một còn bao nhiêu cho gỡ hết. Chợt nghe điện thoại reo dưới bếp. Nó chạy xuống nghe, và trở lại liền, vẻ ngạc nhiên còn hiện rõ trên khuôn mặt:

- Điện thoại của anh mới lạ! Tom Hagen kêu... biểu có chuyện quan trọng lắm.

Johnny lật đật chạy xuống bếp nhấc phôn lên:

- Johnny nghe đây, Tom.

- Ông già muốn tao gặp mày, thu xếp vài công chuyện cho mày khi cuốn phim vừa quay xong. Ổng biểu tao phải đáp phi cơ sang Los Angeles ngay sáng mai. Mày ra phi trường đón tao được chớ? Rồi tao phải trở về Nữu-Ước liền, mày khỏi phải sợ uổng một đêm vui vẻ vì có mặt tao...

- Bậy nào, Tom! Cái gì mà uổng một đêm vui vẻ! Mày ở lại đêm tao còn mừng chớ! Tao sẽ tổ chức một chầu gặp mặt vui vẻ và giới thiệu vài nhân vật có cỡ Hollywood...

Johnny muốn vậy thực tình. Hắn chỉ sợBố-Già trách hay bà con phàn nàn lên chân rồi không thèm nhớ đến ai, có gặp chỉ sợ mất mặt với khách sang... nhưng Hagen từ chối:

- Tao phải lên phi cơ về ngay thật. Sáng sớm cũng phải về. Mày nhớ ra phi trường đón tao chuyến 11 giờ 30 từ Nữu-Ước sang nghe?

- Chắc chắn tao sẽ ra.

- Mày cứ ngồi nguyên trên xe. Nhớ cho thằng nào ra đón. Lúc thấy tao ra khỏi máy bay nó sẽ đưa đến xe mày.

Johnny OK rồi gác phôn, đi ra phòng khách. Ginny ngước nhìn muốn biết chuyện gì xảy ra. "Ông Già muốn giúp tôi một vài việc nữa. Cái vụ đóng phim này cũng ổng lo giùm mới được... mà chẳng hiểu ổng làm cách nào hay tuyệt! Nhưng sự thực mình chẳng muốn ổng dính dáng thêm vô nữa."

Johnny ngả người ra đi-văn. Mệt mỏi thiệt tình. Ginny bèn đề nghị:

- Khuya rồi, nếu mệt anh chẳng cần về nhà mất công. Anh có thể ngủ đỡ ở phòng vẫn dành cho bạn bè được mà? Sáng mai anh có thể ăn sáng với bọn nhỏ. Về bây giờ thật buồn. Anh không thấy sợ cô đơn hả? Tôi không muốn anh phải cô độc... một mình một nhà ở đằng ấy.

- Tôi có ở nhà bao nhiêu đâu mà sợ?

- Cái đó tôi biết, anh khỏi nói! Để tôi đi dọn phòng cho anh.

- Ủa, mình không cùng phòng được sao?

Ginny đỏ mặt "không". Cả hai đứa cùng cười, không hận nhau nữa dù không ngủ chung phòng.

Sáng mai Johnny ngủ dậy quá trễ. Có lẽ gần trưa rồi, nếu không ánh nắng đâu có chiếu xuyên qua mành cái điệu kia? Nó đánh tiếng lớn: "Ginny... dậy rồi! Có còn được điểm tâm không đây?" Có tiếng vọng vào "Chờ chút... Có ngay!"

Mà có ngay thật. Có lẽ Ginny đã sửa soạn chu đáo sẵn, chỉ đợi nó dậy là mang vô. Nó vừa châm hút điếu thuốc đầu tiên trong ngày thì cửa phòng bật mở, hai đứa con gái tà tà đẩy cái xe vô.

Chao, hai đứa con gái lớn! Johnny ngồi sững sờ cảm động. Tụi nó lớn khiếp, mà càng lớn càng xinh. Những con mắt mở lớn sáng long lanh, ngạc nhiên... chỉ chờ một hiệu lệnh là nhảy vô ôm lấy bố. Tóc chúng để dài, cột đuôi ngựa vắt vẻo. Dép da trắng, quấn ngang người tấm khăn làm bếp lối các bà già ngày xưa thấy dễ thương hết sức! Hai đứa đẩy xe tới, đợi bố kêu. Johnny vội dụi điếu thuốc, mở rộng vòng tay là chúng reo lên, nhảy vào lòng.

Johnny ôm chặt hai con, áp má vào những cái má mũm mĩm hồng hào và cà bộ râu chưa cạo lởm chởm vô cho chúng nhột. Lúc bấy giờ Ginny mới vô đẩy tiếp cái xe tới tận giường. Nó chỉ việc nhích người lên chút xíu mọi việc đã có người hầu. Ginny ngồi mép giường đổ cà-phê, trét bơ vô bánh...

Hai đứa nhỏ ngồi sang một bên ngó bố ăn. Coi, tụi nó lớn bộn rồi, hết chơi trò ném gối mà bố cũng hết tung lên đỡ nổi! Chóng quá, mới ngày nào... Sắp sửa đến cái tuổi ra ngoài đường có thằng chọc ghẹo, phá phách rồi đây!

Tụi nó há mồm để bố đút từng miếng bánh, sì sụp hút cà-phê của bố! Hệt như ngày nào Johnny còn theo ban nhạc đi ca, bận rộn tối ngày nên ăn uống chẳng có giờ giấc. Mò được về nhà lúc nào là Johnny khoái mấy bố con ăn chung. Hồi đó tụi nhỏ thích dẫu 7 giờ sáng được ăn bít-tết khoai chiên, chiều tối mới trứng gà chiên thịt muối thì lạ lùng quá, không thích sao được?

Johnny cưng con lắm. Đó là một vụ chỉ mẹ chúng nó và mấy anh em thân thích biết. Đó là nỗi khổ tâm cực độ khi phải ly dị nhau và rời khỏi mái nhà này. Johnny đã tranh chấp kịch liệt để giữ nguyên vẹn quyền làm cha và đã làm đủ mọi cách để Ginny phải chấp nhận sự thực này: Tôi không muốn thấy cô đi lấy chồng khác chẳng phải vì ghen hoặc không muốn cô sung sướng. Mà chỉ vì mấy đứa con tôi, tôi không muốn thằng nào làm cha chúng nó.

Chính vì lẽ đó tờ cam kết cấp dưỡng đã gài Ginny vào điều kiện tài chính: còn ở vậy nuôi con thì còn thừa tiền mà đi lấy chồng là khỏi. Có quyền hiểu ngầm rằng bắt bồ ở một chỗ nào khác cũng vẫn được, miễn đừng chính thức vác một thằng nào về nhà bắt mấy đứa nhỏ gọi bằng cha! Về khoản "bồ" thì còn lạ gì tính nết Ginny? Mấy thằng đĩ đực Hollywood có đánh hơi thấy bà vợ lớn Johnny Fontane là cả một mỏ vàng kếch sù chạy theo tán tỉnh chắc chắn chỉ có lỗ vốn. Nó thuộc týp ái tình lạc hậu, như mấy bà già xưa!

Ấy thế mà nối lại duyên xưa thì khỏi có. Hai đứa cùng không muốn vì không lạ gì nhau. Ginny chịu sao nổi tính nết hoang đàng đĩ bợm của một thằng chồng cứ thấy con nào trẻ đẹp hơn vợ mình là mê? Còn ai lạ gì đóng phim với cô nào là Johnny quất cô ấy, ít nhất cũng một lần? Nếu nó chạy theo sắc đẹp như điên thì mấy cô cũng chịu anh chàng bô trai bằng thích!

Ginny xua mấy đứa nhỏ đi, hối thúc "Anh mặc quần áo lên phi trường đón Tom là vừa." Johnny đợi đến lúc này mới cho biết: "Cô biết sao không? Tôi đang làm thủ tục ly dị. Lại sắp độc thân."

Johnny mặc quần áo vô. Từ hôm đám cưới Connie, hai đứa chẳng đồng ý là nó có quyền để ở nhà này mấy bộ đồ để những lúc cần là có ngay hay sao? Ginny ngó nó mặc quần áo, không buồn để ý vấn đề ly dị mà chỉ hỏi: "Còn hai tuần nữa đến Giáng Sinh rồi. Anh có về nhà không... để tôi còn lo sửa soạn?"

Nghe nó hỏi, Johnny ngẫm nghĩ. Từ hồi nào đến giờ, Giáng Sinh đối với nó là mùa làm ăn, được mời đi ca hát liên miên. Nhưng đúng ngày lễ là bao giờ cũng ở nhà với vợ con. Năm ngoái nó đã mắc sang Tây-Ban-Nha đeo theo con đào hát bóng nên xa nhà rồi. Nếu năm nay không về thì lại phải đợi đến sang năm chắc?

"Được, tôi sẽ về nhà đêm Giáng Sinh và trọn ngày hôm sau." Johnny không nhắc đến đêm Giao Thừa vì đã có thông lệ. Khoảng thời gian ngắn ngủi giữa năm cũ và năm mới dành để đi lông bông, ăn nhậu thả giàn với mấy thằng bạn thân. Đâu thể để vợ con dính vô những vụ đi hoang này?

Lúc Johnny khoác áo vét vô, Ginny đứng bên vuốt áo, phủi bụi dùm. Nó thích ăn diện chững chạc. Ginny để ý thấy nó hơi cau mặt khi thấy cổ sơ-mi ủi không đúng ý thích mà cặp khuy măng-xết để ở nhà từ hồi đó nay xài đỡ chẳng hài lòng chút nào. Bộ khuy có vẻ "ăn diện", bây giờ không đúng mốt Johnny nữa. Ginny cười mỉm: "Anh đừng ngại. Ai chứ Tom không để ý đến những cái vụ này đâu!"

Johnny được ba mẹ con đưa ra tận xe. Hai đứa con gái đi hai bên, mỗi đứa nắm một tay bố vung vẩy, mẹ tà tà đi sau. Ginny lấy làm mừng vì nó có vẻ hạnh phúc tràn trề. Johnny nhấc bổng từng đứa lên, hôn mỗi đứa một cái. Hôn phớt vợ cũ một cái tạm biệt, nó nhảy vào xe. Xưa nay Johnny đâu có chịu những màn từ biệt bịn rịn, lẩm cẩm?

oOo

Vụ ra đón Hagen ở phi trường đã có thằng bí thư phụ trách báo chí của nó lo liệu trước. Johnny về nhà đã thấy chiếc xe cho mướn với tài xế chờ sẵn. Cùng với một gã đàn em nữa, cả bọn lên xe ra phi trường.

Đúng như Hagen đã dặn, vừa thấy dạng nó là Johnny sai thằng bí thư chạy ra đón. Hagen bước vô xe, sai một cái bắt tay là lo chạy một mạch về nhà.

Chỉ còn hai đứa ở phòng khách. Tuy có thân thiện đến mấy thì giữa hai đứa vẫn có một cái gì lạnh nhạt. Johnny vẫn không quên hồi còn bịBố-Già giận, chính thằng Tom đã chận đầu nó mấy lần. Mà Tom dù biết vậy cũng lờ đi, coi như đó là một trong những bổn phận chính đáng của một thằngconsigliori . Vẫn biết là chỗ bà con thân thuộc song có phải muốn phá khuấy Ông Trùm lúc nào cũng được đâu?

- Ông già sai tao qua đây để giúp mày một vài việc. Tao muốn làm cho xong, trước Giáng Sinh.

- Phim xong rồi. Thằng cha đạo diễn người đứng đắn, đối với tao tử tế. Nó quay đàng hoàng và tao là vai chánh... không lẽ cắt hết cả, vứt đi cho lão Woltz và hãng đốt bỏ 10 triệu đô-la? Bây giờ phim thành công hay thất bại ăn thua ở khán giả coi tao đóng có khoái hay không mà thôi.

Hagen nhóng hỏi:

- Đối với một thằng diễn viên thì giảiOscar có quan hệ tối yếu cho tương lai, sự nghiệp thiệt sự... hay chỉ là một trò quảng cáo, nghĩa là có hay không cũng chẳng ăn thua gì? Tao không nói đến vấn đề vinh quang, tên tuổi. Cái đó ai chả ham!

Johnny cười lớn:

- Ai chẳng ham có tên tuổi thật, trừBố-Già! Và mày nữa. Một cáiOscar đâu phải trò quảng cáo, mày? Nó ghê gớm lắm chớ? Bắt đượcOscar là kể như lên trong vòng 10 năm đi, tha hồ kén chọn vai trò với hãng mà quần chúng cứ thấy tên là đi coi ào ào. Dĩ nhiên không phải cóOscar là có đủ mọi thứ, nhưng nó quan trọng nhất trong sự nghiệp diễn viên. Năm nay tao cũng dám bắt một cái lắm, chẳng phải tao diễn xuất hay ho gì... nhưng vì xưa nay quần chúng chỉ coi tao như ca sĩ mà cuốn phim này tao đóng cũng có nét lắm.

- ... Nhưng ông già biểu tao rằng cứ như hiện tình thì mày cóc có tí ti hy vọng gì!

Johnny Fontane gân cổ cãi:

- Mày nói thế đâu được? Phim đã chiếu đâu... cắt xét còn chưa xong mà? Ông-Già đâu có ở trong nghề mà biết? Bộ ổng sai mày đi 5 ngàn cây số sang đây chỉ để nói với tao có vậy?

Nó uất ức thật sự nên giọng nói nghe như muốn khóc. Hagen phải lựa lời giải thích:

- Johnny, tao đâu biết quái gì về điện ảnh? Tao chỉ nhắc lại lời ổng, mày nhớ vậy! Ổng có mang vụ làm ăn, nghề nghiệp của mày ra thảo luận với tao nhiều lần, coi bộ ổng lo cho mày, cho tương lai mày. Theo ổng thì mày còn phải cần ổng giúp nên ổng muốn lo cho mày một lần cho xong. Đó là lý do tao được cử sang đây. Ông già muốn mày với cao lên, chớ đừng nghĩ mình chỉ là một ca-sĩ, chỉ là một diễn viên. Mày phải coi như mình là chủ, mình có thế lực thử coi?

Johnny rót rượu ra ly cười hề hề:

- Thế lực! Nếu tao hụt cáiOscar năm nay thì thế lực dám bằng hai đứa con gái tao lắm. Giọng ca tao đâu còn nữa? Phải chi còn thì còn xoay sở đỡ được! Nhưng tại sao ông già biết chắc tao cần? Trời đất, ổng phải biết nên ổng mới nói chớ? Có bao giờ ổng lầm đâu mà không tin?

Hagen đốt một điếu xì gà nhỏ:

- Có tin Jack Woltz không chịu chi tiền để vận độngOscar cho mày. Đúng hơn là lão rỉ tai những thằng có thẩm quyền bỏ phiếu lờ mày đi. Thay vì vận động cho mày, lão chỉ tung tiền quảng cáo phim. Cho dù phim có kém vì mày hụt giải lão cũng chỉ thua thiệt phần nào. Chỉ chết mày! Nghe nói lão còn sắp xếp để mày không hy vọng được đề nghị tranh giải nữa kia! Bằng đủ mọi thủ đoạn hối lộ: tiền, gái, hứa hẹn cho việc...

Johnny nhún vai. Nó rót ồng ộc huýt-ky vào ly nốc một hơi. "Nếu vậy thì tao chết chắc!" Hagen nhếch mép, chán chường ngó nó: "Mày uống làm gì nhiều thế? Rượu đâu có chữa lại được giọng mày?" Tự nhiên Johnny bật một câu: "Thôi... đi cha mày đi!"

Khuôn mặt Hagen thoáng lạnh tanh. Nó không nổi giận mà chỉ nhỏ nhẹ: "Thôi được... Tao chỉ nói chuyện công việc thôi vậy!"

Biết quá lỡ lời, Johnny bèn cầm ly rượu đứng dậy ra trước mặt Hagen:

- Xin lỗi mày, Tom. Tao không định nói thế... tao cáu mày lãng xẹt. Tại tao... ức thằng khốn nạn Jack Woltz quá. Tao chỉ muốn giết nó mà tao không dám nói với ông già. Nên tao sủa bậy với mày...

Không hiểu có kịch không mà giọng Johnny nghẹn ngào có nước mắt cẩn thận. Nó cầm ly huýt-ky liệng vô vách nhưng vì đuối sức và phần vì gặp thứ ly dầy tổ bố nên không những đụng vô tường đã không bể mà còn tà tà lăn trở ra vừa vặn tới chân cu cậu. Nó bực bội há miệng ngó rồi la "Trời đất" và phát cười ha hả.

Nó chậm rãi đi sang bên kia ngồi xuống ghế, đối diện với Hagen.

- Mày biết không, đời tao đã lên hương một thời! Tao bỏ vợ bỏ con đâm xuống dốc ngang. Giọng mất, dĩa bán ế, mất việc ở hãng phim.Bố-Già buồn... tao phôn không thèm nghe, xin gặp không thèm tiếp. Tao bực bội, giận hờn mày là thằng kỳ đà cản mũi, dầu tao biết là mày chỉ làm theo lệnh ổng. Tao không thể giận ổng... nên trút bậy sang mày. Nhưng mày vẫn lẳng lặng được thì tao phục. Tao xin lỗi mày, tao chuộc lỗi bằng cách nghe lời mày. Từ nay tao không nhậu nữa. Cho tới ngày tìm lại được giọng ca. O.K. chứ?

Nghe Johnny năn nỉ hứa chừa rượu, tự nhiên Hagen hết giận. Vì nó thành thực. Một thằng đàn ông 35 tuổi như nó phải có một điểm gì được nên Ông Già mới thương như vậy chớ! Nó làm như sợ mất lòng Hagen là thế nào cũng có chầu kẻ vạch vớiBố-Già vàBố-Già mà ghét thì nó chết luôn nên Johnny sợ cuống cuồng. Điều đó làm Hagen bực mình. Ông Trùm đâu phải thứ người nghe kẻ vạch, đang thương hoá ghét vì một lời của đệ tam nhân?

- Bỏ chuyện ấy đi! Sao mày phải ngán thằng cha Woltz phá? Nó phá cách nào Ông Già cũng đỡ cho mày được hết, tin tao đi. Năm nayOscar sẽ về mày, nhưng ổng biểu mày cần phải làm lớn hơn lên cao hơn chớ một cái giải mà làm gì! Mày có đủ tư cách, đủ năng lực tự mình đứng ra làm phim, từ đầu đến cuối hoàn toàn độc lập!

- Mày nói là ổng sẽ lo cho tao bằng được một giảiOscar ?

- Ô hay, nếu mày tin là thằng cha Woltz phá mày được thì tại sao Ông Già lại không làm ngược lại nổi kia? Để cho mày vững lòng tin tưởng làm ăn, tao cho mày hay một điều chớ tiết lộ với ai. Ông Già mạnh hơn Jack Woltz nhiều lắm. Mày muốn biết ổng làm cách nào bắt cho màyOscar hả? Ổng nắm hết mọi nghiệp đoàn trong ngành điện ảnh, trực tiếp hay gián tiếp. Ổng nắm đầu gần hết những thằng giám khảo chớ có gì lạ? Dĩ nhiên nghề nghiệp mày cũng phải vào hạng xuất sắc mới được. Mưu trí của ổng thì lão Woltz sánh sao nổi? Ổng đâu cần dí súng vào đầu người ta... hay dọa đuổi sở để buộc họ phải bỏ phiếu cho mày. Vì ổng, họ sẽ bỏ phiếu cho mày. Như vậy mày đã tin là cóOscar chắc chưa?

- Tin chớ, mày nói là tao tin. Còn vụ làm phim thì sự thực tư cách, năng lực tao có chớ... nhưng tiền đâu? Nhà băng nào cho vay? Mỗi cuốn phim là bạc triệu chớ đâu ít?

Hagen nói vắn tắt:

- Bắt đượcOscar rồi là mày phải có kế hoạch sản xuất 3 cuốn phim đi. Đào kép, chuyên viên phải là nhất nước, xuất sắc nhất. Mày toàn quyền và tha hồ tuyển chọn, bất cứ ai. Mày cứ tính từ 3 đến 5 cuốn đi...

- Mày nói dữ quá! Làm bằng ấy phim là 20 triệu đô-la nghe?

- Đồng ý. Chừng cần tiền, mày tiếp xúc với tao. Tao sẽ cho tên một nhà băng California để mày đến mượn vốn. Đừng thắc mắc, cho mượn vốn làm phim là nghề của họ mà! Mày cứ hỏi tiền theo đúng thủ tục thông thường, đúng nguyên tắc làm ăn. Họ sẽ chấp thuận. Nhưng trước lúc đó mày phải tới tao, cho tao biết qua con số và kế hoạch đã. OK?

Johnny ngẫm nghĩ lúc lâu rồi rụt rè hỏi:

- Còn gì nữa không?

- Mày muốn nói... còn phải làm gì để đền đáp cái sự cho mượn vốn 20 triệu ấy phải không? Dĩ nhiên còn chớ!

Không thấy Johnny thắc mắc hỏi tới, Hagen nói rõ:

- ... Mày còn phải làm cái điều mà Ông Già muốn mày làm cho ổng. Dĩ nhiên lúc ấy chính ổng sẽ nói với mày.

- Đúng vậy, phải chính ổng nói ra mới được. Chớ mày hay thằng Sonny biểu tao, bắt tao làm là không được á!

Hagen mỉm cười. Thằng Johnny coi vậy mà khôn đáo để. Nó dư biếtBố-Già thương nó, đời nào đích thân đòi hỏi nó phải làm một điều vô lý hay nguy hiểm? Không khi nào! Nhưng nếu Sonny thì lại khác. Biết vậy Hagen nói ngay:

- Cho mày hay trước là Ông Già đã cấm tao và thằng Sonny triệt để không được chen vô công việc của mày dưới bất cứ hình thức nào... để mày có thể bị liên lụy hay mang tai tiếng. Còn ổng thì dĩ nhiên là không rồi! Mày yên chí đi... tao đảm bảo rằng nếu ổng muốn nhờ vả mày điều gì thì ổng chưa nói ra mày đã xin làm trước kia!

Johnny OK. Nếu vậy thì hay quá!

- Mày phải nhớ điều này. Sở dĩ Ông Già giúp mày là vì ổng tin tưởng, ổng biết mày làm ăn được. Nhà băng bỏ tiền ra cho mày làm phim thì họ sẽ có lời và ổng cũng có lời luôn. Tiền bỏ ra là tiền đầu tư, tiền làm ăn chớ chẳng phải tiền cho mày ăn chơi vung vít. Mày là con đỡ đầu ổng thương nhất thật... nhưng 20 triệu bỏ ra đâu phải chuyện chơi? Đó là điều ổng cần lưu ý mày nhất.

- Mày nói lại là ổng đừng e ngại. Lão Jack Woltz mà làm phim được mà lại còn chủ nhân ông có cỡ nữa... thì ai làm cũng phải được.

- Ông Già cũng nghĩ vậy đó! Bây giờ mày có sẵn xe cho tao ra phi trường được chưa? Những gì cần nói tao đã nói hết rồi. Nhớ là lúc làm giao kèo thì phải lo mướn luật sư. Tao không rành địa hạt này nhưng trước khi ký kết hãy cho tao coi qua xem có gì trở ngại cho mày không. Về vụ thợ thuyền, nhân viên đình công mày cũng khỏi lo. Đỡ tốn lắm lắm cho ngân quỹ sản xuất đấy! Nếu thằng kế toán ghi cái vụ chi phí chống đình công thì mày có quyền gạch bỏ cái một.

- Tao có cần đưa mày kiểm soát trước cái gì khác nữa không? Như chuyện phim, đạo diễn, tài tử chẳng hạn?

- Đâu có! Những cái đó mày toàn quyền mà? Chỉ có một người có thẩm quyền phản đối một vụ gì, đó laBố-Già . Nếu có thì ổng sẽ nói thẳng với mày. Nhưng tao không tinh là ổng sẽ đặt vấn đề! Ổng không rành về điện ảnh, vả lại chẳng bao giờ xía vô công chuyện một khi đã tin và giao cho ai.

- Tốt lắm. Để tao lái xe đưa mày ra máy bay. Mày nhớ cám ơn Ông Già dùm tao. Tao cũng muốn phôn lại hỏi thăm và cảm ơn ông lắm nhưng ổng có xài điện thoại bao giờ đâu? Tại sao kỳ vậy nhỉ?

Hagen nhún vai:

- Đúng, tê-lê-phôn thì ổng khỏi xài! Cũng bất đắc dĩ lắm mới rờ tới. Tại ổng không muốn bị chúng thâu tiếng nói và dùng kỹ thuật "pha trộn" tối tân để một câu chuyện tầm thường có thể biến thể thành một tang chứng gây phiền phức sau này vậy mà? Biết đâu đấy? Xưa nay ổng không muốn để lộ bất cứ một sơ hở nhỏ nhặt nào để bằng vào đó bọn cớm có thể làm khó.

Lúc hai đứa ngồi xe ra phi trường, Hagen mới nhận ra rằng thằng Johnny khôn hơn nó tưởng nhiều! Nội cái vụ đích thân lái xe đưa đi cũng đủ là một bằng chứng. Nó đã biết sử dụng chiến thuật mua lòng người, chiến thuật "ruột" củaBố-Già ! Nó còn là một thằng dám phục thiện và thành thực nữa. Johnny đâu phải týp vì sợ hãi mà phải ngỏ lời xin lỗi ai? Khỏi có! Nó là thằng ngang tàng xưa nay và cũng chỉ vì nết ngang mà luôn luôn có chuyện với các ông chủ hãng và cả các em nữa. Hình như ngay Ông Trùm làBố-Già nó, nó cũng cóc sợ. Chỉ có nó và thằng Michael làdám không sợ ổng!

Hagen thấy gần gụi nó hơn. Bề nào hai đứa cũng còn phải gần gụi nhau, làm ăn với nhau trong mấy năm tới. Tội gì mà lạnh nhạt? Rồi đây nó còn phải làm một vụ nào đó để trả ơnBố-Già , một vụ chắc chắn ổng sẽ không nói ra, không ép buộc nhưng không hiểu Johnny có đủ thông minh để đoán ý ổng, làm cho ổng hài lòng không?

Ở phi trường Hagen không bằng lòng để Johnny cùng ngồi đợi máy bay nên nó lo về trước. Về nhà cũ để còn rộng thì giờ sắp đặt công việc. Thấy nó trở về Ginny lạ lắm. Johnny biết là kế hoạch Hagen vừa nói có tính cách vô cùng quan trọng, thay đổi cả cuộc đời nó. Từng là tài tử lớn thật nhưng mới 35 tuổi đầu đã xuống chân, xuống thật sự. Dù có bắt đượcOscar thì cũng có nghĩa lý gì, nếu giọng ca mất đứt? Một thứ tài tử hạng nhì, không thực quyền, không tiền!

Giả thử nó là chủ nhân ông thực sự thì con nhỏ duyên dáng láu lỉnh, phóng túng hồi hôm đâu có cho nó de nửa vời? Bây giờ nhờ thếBố-Già nó có thể mượn tiền làm ăn, làm chủ lớn như bất cứ thằng chủ hãng phim nào ở Hollywood. Nó dám làm vua Hollywood luôn, làm một thứ ông Trùm cũng không chừng. Johnny mỉm cười hài lòng.

Dĩ nhiên nó có quyền ở lại nhà này vài tuần, hay hơn nữa. Hàng ngày tà tà dẫn con đi chơi, rủ mấy thằng bạn về. Không rượu không thuốc lá và giữ sức thử coi. Biết đâu có giọng trở lại? Nếu vậy thì sung sướng quá! Có tiền củaBố-Già giúp nữa thì Johnny sẽ là chúa ở đất Mỹ này. Nó sẽ không phải lo còn giọng mất giọng mà khán giả khoái hay không cũng chẳng cần. Vì sự nghiệp của nó dựng bằng tiền sẽ mọc rễ chắc chắn. Nó sẽ có quyền và có thế của một thằng có nhiều tiền.

Đã xem 384586 lần.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 13

Ngồi trong phòng vi âm lớn, Johnny Fontane cầm cuốn sổ thử tính chi phí. Mấy thằng nhạc sĩ lục tục bước vô, toàn những mặt cũ, quen biết từ ngày nó mới tập-toẹ bước vào làng ca nhạc. Lão nhạc trưởng dặn dò từng đứa, phát mỗi đứa một tập nhạc. Nhạc trưởng Eddie Neils đứng số 1 về trình diễn nhạcpop và những lúc Johnny xuống chân, lão đối xử rất tử tế. Ngay vụ làm ăn với Johnny bữa nay cũng là nể nang, cảm tình lắm chớ Eddie đâu có rảnh rang mấy khi?

Nino Valenti ngồi trước dương cầm gõ phím dượt loạn. Một ly huýt-ky hạng nặng to tổ bố để bên cạnh. Thây kệ cho nó nhậu, giọng thằng Nino tỉnh hay say cũng vậy mà bữa nay đâu đã cần nó trổ tài?

Thể theo lời yêu cầu của Johnny, nhạc trưởng Eddie Neils nhận viết phần hoà âm cho mấy bản tình ca cổ của dàn Ý và Sicily, đặc biệt chú trọng đến bài hò đối đáp, mục trình diễn "ruột" của cặp Johnny-Nino. Hai đứa đã "đấu khẩu" tuyệt diệu hôm đám cưới và tặngBố-Già dĩa hát này làm quà Giáng Sinh thì ổng khoái nhất! Bán trên thị trường cũng chạy phải biết, dù chẳng thể tới số triệu. Nhưng điều làm Johnny khoái chí nhất là nó đoán ra thâm ýBố-Già . "Nếu mày muốn trả ơn tao thì dễ quá! Mày thử giúp thằng Nino một lần coi? Nó cũngcon-đỡ-đầu của tao như mày vậy."

Johnny để xấp giấy tờ trên ghế, ra đứng cạnh cây dương cầm. Nó nháy Nino, "Ê,thằng nhà quê ." Nino ngửng lên nhìn, cố tạo một nụ cười nhưng coi nó mệt mỏi thế nào ấy. Johnny bèn vỗ vai cổ võ: "Bữa nay ráng nghe mày? Tao hứa bắt cho mày một em hách nhất nước."

Nino nốc một hơi huýt-ky hỏi lại:

- Em này? Vằn hay vện?

- Bậy nào! Deanna Dunn đàng hoàng. Bảo đảm tuyệt diệu.

Cu cậu chịu bằng thích nhưng còn vờ vịt hỏi lại, "Chớ vằn, vện không có hả?" Đúng lúc đó ban nhạc bắt đầu dạo đoạn mở đầu bản hò đối đáp. Johnny lắng tai nghe. Eddie Neils cho ban nhạc chơi phần hoà âm đặc biệt xong mới bắt vô hò. Johnny chăm chú theo dõi từng câu, từng đoạn để sắp xếp sẵn trong óc lát nữa phải uốn éo, gò gẫm những chỗ nào. Nó cẩn thận vậy thôi chớ bữa nay gần như một mình Nino trình diễn, nó chỉ phụ hoạ theo.

Nó kéo Nino dậy, hai đứa ra đứng trước máy vi âm. Đúng lúc phải bắt vô nó ra dấu nhưng Nino vô hụt. Chơi lại vẫn cứ hụt! Cu cậu lúng túng đỏ cả mặt làm Johnny phải giễu:

- Bộ mày tính kéo dài thì giờ để bắt thêm tiền phụ trội hả?

- Tao quen đệmmandoline ... không có ngường ngượng thế nào ấy!

- Mày thử cầm ly rượu đi. Làm như vừa hát vừa nhậu coi?

Không ngờ ly rượu được việc quá! Nino vừa hát vừa nhậu thiệt và giọng ca nó cất lên dễ dàng mà lại hay nữa. Johnny chỉ cần hoà theo, phụ hoạ cho nổi bật giọng cao chính, chẳng khó nhọc gì. Có thằng ca sĩ nào thích phụ hoạ bao giờ, nhưng Johnny không ngờ nó đeo theo và nâng giọng Nino lên điệu nghệ thế. Mười năm kinh nghiệm có khác!

Đến phần điệp khúc, Johnny mới cất giọng. Cũng may vừa hát xong là nó nghe đau nhói chỗ cổ họng. Đoạn điệp khúc hấp dẫn đến nỗi toàn ban bỗng nổi hứng. Mấy bố nhạc công nhà nghề này dễ gì còn nổi hứng được vì một đoạn nhạc? Nhưng bữa nay bắt vô điệp khúc tự nhiên họ hăng lên chơi lia lịa và chân bố nào cũng giập nhịp rầm rầm. Gã chơi trống gõ một hồi kết thúc tuyệt diệu.

Chơi hết bài này qua bài khác, vừa hội ý vừa nghỉ ngơi họ làm 4 giờ liên tiếp. Eddie tới bảo Johnny, "Giọng chú mày nghe đỡ lắm rồi. Có thể chuẩn bị vô dĩa đấy. Tao có sẵn một bài mới toanh chú mày chơi thật tuyệt."

Johnny lắc đầu: "Coi vậy mà không được đâu! Chỉ lát nữa đây là cất tiếng nói còn khó huống hồ gân cổ hát! Liệu mình bữa nay có phải sửa nhiều chỗ không?"

- Có, sáng mai Nino phải tới phòng vi âm sửa lại vài chỗ. Nó vấp vài lỗi nhưng tao không ngờ giọng nó cừ đến thế. Còn những đoạn mày ca tao thấy chỗ nào không được tao sẽ bảo bọn chuyên viên lo dùm cho. OK?

- Chừng nào nghe thử được?

- Tối mai. Mang tới nhà chú mày?

Johnny OK và khoác tay Nino bước ra khỏi phòng vi âm. Đi về nhà nhưng nhà nó, không phải nhà vợ. Đã xế chiều rồi, nó buộc Nino phải đi xối nước và ngủ đỡ một phát cho hết say rượu. Mười một giờ tối nay phải tỉnh táo, còn có mục hấp dẫn mà?

Đó là buổi gặp gỡ đặc biệt của HộiNhững Tâm Hồn Cô Đơn . Trong đám hội viên thiếu gì những đệ nhất nữ minh tinh cả triệu khán giả ái mộ? Họ cô đơn nên phải có những buổi họp mặt đặc biệt để kiếm những tâm hồn bạn. Mấy mụ này đâu còn trẻ trung lại có địa vị đàng hoàng đâu dám cặp bậy bạ? Có cần đến mấy cũng phải tạo những cơ hội đặc biệt như thế này.

Nino cứ thắc mắc về giọng ca Johnny còn hay mất mà Johnny thì chỉ mong nó thật tỉnh táo tới họp mặt để cho những tâm hồn cô đơn ấy biết rằng thằng bạnnhà quê của Johnny Fontane đâu phải đồ bỏ? Không biết chừng nó còn hứng nhiều, nó làm mấy mụ chịu quá, sẵn sàng giới thiệu đi đóng phim cũng nên! Tội gì... vừa được người vừa được việc?

Nói sao thì nói, Nino vẫn cứ rót một ly làm cạn rồi mới hỏi lại: "Bao giờ tao không hứng? Nhưng mày liệu có giới thiệu được Deanna Dunn cho tao thiệt không?" Về vụ này, Johnny xác nhận: "Sao lại không kia? Mày khỏi lo!"

oOo

Hội Những Tâm Hồn Cô Đơnlà một hội có thiệt, một thứ câu lạc bộ riêng của đào kép Hollywood, thứ lớn. Đâu phải của con nít? Hội họp bạn mỗi tuần một lần, vào tối thứ Sáu ở tư thất của Roy Mc Elroy, tuỳ viên báo chí, đúng hơn là cố vấn giao tế của công ty điện ảnh quốc tế Jack Woltz.

Nhà là nhà của Roy thật nhưng ý kiến tổ chức phải nói là của chính lão Woltz. Một số đào kép "cây tiền" của lão đâu còn trẻ trung gì? Không có mấy thằng chuyên viên ánh sáng và mấy thằng làm mặt lành nghề o bế thì đến già khú đế cả đám mất! Có tuổi là có chuyện, mấyông kép,bà đào đâm hết bén nhạy, đóng phim hết linh. Cỡ tuổi họ làm sao nói chuyện yêu đương thơ mộng nữa? Làm sao những bà đào thủ nổi những vai lẳng lơ, quyến rũ để bắt đàn ông chạy theo? Thực tế là bố thằng nào dám săn một em đào khi em sắp sồn sồn, em lại có danh, có tiền nghĩa là em thực sự lớn?

Để cho những cô đào sồn sồn đỡ mất công đi kiếm "bạn" tùm lum, ông chủ Jack Woltz có sáng kiến mỗi tối thứ sáu tạo cơ hội cho những tâm hồm cô đơn xáp lại gần nhau. Hãy cứ thử gặp gỡ một đêm đã, có duyên với nhau và hạp nhau thì "bạn đời" mấy hồi? Rút kinh nghiệm là những đêm họp bạn dễ biến thành đập phá và "liên hoan" tập thể khiến cớm phải nhào vô làm biên bản ê mặt nên ông chủ Woltz trao cho cố vấn giao tế Mc Elroy phụ trách vụ tổ chức ở nhà riêng để có chuyện lộn xộn là áp dụng chủ nghĩa lo lót ngay tại chỗ.

Tội nghiệp nhất là những gã kép trẻ người ngợm ngon lành nhưng chưa tạo được tên tuổi, chưa từng được đóng vai nào xứng đáng. Đi họp bạn vui chơi tối thứ Sáu cho đỡ cô đơn mà nhiều khi thành cực hình méo mặt. Nhưng không dự cũng không xong vì bao giờ hãng cũng nhân dịp cho chiếu cuốn phim mới ra lò nhất để người nhà dự khán trước. Đành phải đi coi phim mới ra sao! Mấy em đào non không được dự và có cho phép dự chưa chắc đã dám.

Hội có cổ lệ đúng nửa khuya là chiếu phim. Nino Valenti được bồ Johnny Fontane đưa lại đúng 11 giờ khuya.

Mới thoạt trông cố vấn giao tế Mc Elroy hớn hở đứng bên cửa đón tiếp bà con ai chẳng khoái. Đồ sộ, ăn diện chững chạc, hoạt bát đến như hắn là cùng. Thấy mặt Johnny ló vô, Mc Elroy trợn mắt ngạc nhiên: "Ô hay... mày hả? Mày mà tới đây làm gì?" Sau cú bắt tay, Johnny vô đề: "Tao đưa thằng bạnnhà quê ghé coi chơi cho biết. Xin giới thiệu Nino." Ông cố vấn giao tế bèn xiết chặt tay, ngắm Nino từ đầu đến chân: "Chết mất... Người ngợm thế này đến bị tụi nó nuốt sống thôi!"

Hai đứa được hướng dẫn ngay vô sân sau. Gọi là sân sau nhưng thực sự là cả một dãy phòng riêng có cửa kính nhìn ra vườn và hồ tắm. Bà con hiện diện đến trăm mạng, đứa nào cũng ly rượu cầm tay. Cả khu sân sau ánh sáng đã được mấy thằng chuyên viên canh rất điệu nghệ để nịnh da, tôn thêm nhan sắc quý bà. Nino để ý thấy thấp thoáng mấy cô đào già danh nổi như cồn lúc hắn còn bé tí. Những thần tượng quyến rũ của một thời thơ dại! Chao ôi, khi thần tượng xuất hiện bằng xương bằng thịt thì còn gì thê thảm cho bằng. Mớ tuổi đời chồng chất đã biến họ thành những món đồ cổ. Giở điệu bộ uốn éo càng để lòicủa giả , chẳng hấp dẫn nổi ai. Nino đã làm hai ly rồi nhưng vẫn mon men tới một cái bàn rượu chất như núi. Johnny luôn luôn theo sát một bên. Cho tới lúc sau lưng hai đứa cất lên giọng oanh vàng thỏ thẻ của đào Deanna Dunn.

Giọng vàng Deanna thì Nino có bao giờ quên được mà cả triệu thằng đàn ông phải nhớ như in. Hai lần bắt Oscar, đắt khứa nhất trong hàng ngũ đại minh tinh Hollywood chớ phải chơi sao? Trên màn bạc Deanna diễn xuất độc như vậy thì có thằng đàn ông nào cưỡng lại nổi! Nino bỗng hết hồn vì chưa từng nghe người đẹp đối thoại lạ lùng như vậy, trong bất cứ một cuốn phim nào.

- Ê, Johnny sao mày kỳ thế? Sao mày cho tao làm có mỗi một lần... làm tao phải mất công đi ông thầy trị bệnh thần kinh đấy. Sao không lại cho taobis cái coi, Johnny?

Deanna chìa má ra cho Johnny hôn. Nó than thở: "Coi đêm ấy về đàn em đau đúng một tháng đấy! Đã có đàn anh Nino đây, anh em họ đấy. Dân miền quê, mạnh mẽ lắm bà chị. Mong bà chị không thất vọng."

Deanna Dunn lạnh lùng ngó qua: "Mà hắn có thích coi thứphim mới ra lò của tụi mình không đã?" Johnny được dịp cười ha hả: "Hắn đã được coi bao giờ đâu mà thích hay không? Sao bà chị không cho hắn nhập môn?"

Lúc Johnny bỏ đi, một mình ở lại với người đẹp, Nino phải lo làm một ly đúp cho đỡ lóng ngóng. Định chơi dơ lơ là làm cao nhưng sao khó quá! Khuôn mặt Deanna Dunn sắc nét, đúng là tiêu biểu cho vẻ đẹp đặc biệt Mỹ. Nhân dáng ấy muốn quên cũng không nổi vì đã quen quá nhiều, qua đủ thứ vai trò trên màn bạc. Khi cười khóc, lúc giận hờn nũng nịu, đau khổ nhục nhã cũng có mà kênh kiệu cao kỳ cũng nhiều. Chỉ có vai điếm là nàng không thèm đóng nên chưa biết ra thế nào! Run rẩy trong vòng tay của người tình đầu hay nhắm mắt thở hơi cuối cùng thì Nino từng coi Deanna Dunn biểu diễn tới năm bảy lần năm bảy cách khác nhau. Cứ nhắm mắt tưởng tượng cũng biết nàng làm gì, nói gì thật... nhưng không thể ngờ câu đầu tiên của Deanna ở ngoài đời, nói riêng cho một mình nó nghe lại có thể là:

- Cậu biết không, cả cái Hollywood này chỉ có một vài thằng như Johnny. Còn lại toàn thứ người ngợm ù lì, bết bát chẳng làm ăn gì nổi. Có bơm vô cả xe thuốc tráng tinh bổ thận cũng cứ ỳ ra.

Deanna nắm tay Nino kéo phắt qua một góc phòng cho khỏi đụng chạm, cho hết giành giưt. Nàng thỏ thẻ gợi chuyện tâm tình gạn hỏi từng câu, làm như chú ý lắm nhưng rõ ra vẫn giữ cung cách của một bề trên ban phát ái tình cho kẻ dưới. Một tiểu thư khuê các yêu gã chăn bò hay tài xế chẳng hạn! Điệu này cứ như nàng từng biểu diễn thì chắc chắn gã tình nhân sẽ bị đá đít đau khổ nếu hắn là Spencer Tracy. Nhưng ngược lại nếu là Clark Gable thì sẽ có một chầu "em bỏ hết mọi thứ để đánh đổi lấy một mình anh."

Có hơi rượu vô thì Nino cần quái gì. Nàng hỏi thì nó kể. Kể hết, kể tùm lum chuyện bạn bè thân thiết giữa nó và Johnny, hai đứa chơi với nhau thế nào, ca hát hội hè ra sao... Coi bộ Deanna khoái chí lắm. Nhưng khi nàng tỉnh bơ hỏi: "Cậu có biết thằng Johnny làm cách nào mà lão già Woltz phải cho nó đóng cuốn phim vừa rồi" thì Nino nhăn mặt, lắc đầu quầy quậy.

Đã đến giờchiếu phim mới ra lò , cuốn phim mới nhất của hãng Woltz rồi. Deanna nhanh nhẹn dắt Nino vào phòng chiếu rộng mênh mông như một đại sảnh đường bít bùng. Rải rác có tới 50 tấm nệm thứ hai người nằm, trải lối biệt lập riêng rẽ không ai nhòm ngó dính dáng tới ai. Bên cạnh mỗi cái nệm là một chiếc bàn con thấp bày rượu khai vị, nước đá, gạt tàn thuốc... Nino mồi cho người đẹp điếu thuốc và pha hai ly rượu. Hai đứa ngồi im. Đèn bỗng tắt ngấm.

Trong bóng tối lù mù, Nino có ý chờ đợi một cái gì ghê gớm, đồi bại lắm lắm... như tin đồn đại. Vậy mà đâm hoảng vì Deanna bỗng khởi sự yêu nó dữ dằn quá, tởm quá mà không hề đánh tiếng, hỏi han gì hết! Sau phút bàng hoàng, Nino ngồi uống rượu, coi phim. Có thấy gì đâu, hơi rượu cũng khỏi có! Quả thực nó thấy hứng thú hơn bao giờ hết nhưng phải nhìn nhận rằng chỉ vì cảm giác được hầu hạ bởi người đẹp thần tượng ngày nào.

Tuy nhiên thằng đàn ông bên trong nó vẫn bị xúc phạm. Khi cô đào lừng danh thế giới Deanna Dunn yêu nó xong, khoan khoái dọn dẹp dùm nó thì Nino thủng thỉnh đưa ly rượu và điếu thuốc mồi sẵn. Sau đó có ý kiến: Cái thứphim mới ra lò này coi cũng hay đấy chớ?

Nino nghe thân hình nàng đụng phải nó trên nệm. Người đẹp không hó hé, bộ định bắt nó ngợi khen chắc? Khỏi. Nó vớ đại chai rượu, không cần biết thứ rượu gì, rót ra làm một ly. Điệu này nó dám bị coi như một thứ đĩ đực, đĩ đựcthụ động còn gì? Thứ đàn bà này tởm quá! Nó cố coi xi-nê cỡ 15 phút rồi nó sang bên, không muốn đụng chạm đến người mụ nữa.

Sau cùng mới nghe giọng Deanna ồ ề, thầm thì: "Coi, điệu bộ làm quái gì? Cậu bé sướng rơn mà. Gớm thật!" Làm xong ngụm rượu, Nino mới giở giọng ngang tàng thường lệ: "Thế mà đã gớm à? Tình trạng bình thường đó. Còn gớm nữa kìa!" Bấy giờ mới nghe tiếng cô đào cười khanh khách.

Họ im lặng cho đến lúc đèn bật sáng. Nino không thể dằn nổi tò mò đưa mắt nhìn quanh. Cứ như mấy khuôn mặt mà hắn ngó thấy thì nhất định nơi đây phải vừa có một chầu khiêu vũ âm thầm và quái lạ Nino không trông thấy mà cũng chẳng nghe thấy gì. Mấy con mẹ ngồi gần đấy Nino để ý thấy mắt như sáng rực cả lên.

Bà con lục tục rời phòng chiếu. Không nói một tiếng Deanna lẳng lặng chạy tới một lão già mà Nino biết ngay là một kịch sĩ nổi tiếng. Nhưng gặp hắn nơi đây chỉ thấy toàn những nét giả tạo! Nino nâng ly rượu lên ngẫm nghĩ. Đúng lúc đó Johnny xề lại.

- Vui thú không mày? Khá chớ!

- Cũng cóc biết. Nhưng nó lạ lắm. Nó khác hẳn. Vậy là từ nay tao có quyền khoe ầm lên với bà con mình là tao từng bị Deanna Dunn yêu kinh khủng. Phải không?

- Về nhà mụ còn kinh khủng nữa kìa! Mụ có mời mày về nhà chơi không?

- Không, có lẽ tao mải coi ciné quá?

Nino không thấy Johnny cười. Nó có vẻ đứng đắn. Nó cho biết:

- Mày cóc biết làm ăn gì hết. Uổng quá! Được bà chị Deanna giới thiệu cho một tiếng thì đỡ khổ biết mấy? Mày biết không, ngay tao đây này, nhiều khi cứ tưởng tượng ra nhớ lại những con mẹ bẩn đến phát tởm mà tao vẫn phải gần... tao còn hết hồn kia mà!

Nino giơ cao ly lên múa, cái giọng nhừa nhựa rượu gần như hét toáng lên:

- Họ bẩn thật nhưng họ là đàn bà, họlàm đàn bà!

Đứng tuốt góc đằng kia, Deanna nhận ra tiếng nó, và quay lại ngó hai đứa. Nino bèn cất cao ly rượu lên chào. Bực bội Johnny phải sủa:

- Mày vẫn cứnhà quê nhà mùa như thường!

- Vậy đó... mà nhất định không đổi...

Nó nhoẻn miệng cười, cái cười dễ thương của một thằng nát rượu. Nhưng Johnny không lạ gì nó giả vờ say, mượn rượu để có thể oé lên những gì lúc tỉnh không thể nói được trước mặt "ông chủ" mới. Nó bá cổ thằng Nino, thân mật nói: "Mày là thằng khôn chúa! Mày bắt được của tao cái giao kèo một năm chắc nên mày muốn nói gì, muốn làm gì tao cũng không thể đuổi mày chớ gì?"

- Mày không đuổi được tao?

- Không!

- Vậy thì cút cha mày đi!

Johnny ngạc nhiên và phát cáu lên khi thấy Nino há họng cười. Nhưng nó ráng nhịn, mấy năm nay nó đã khôn ngoan hơn và từ ngày xuống chân đã tế nhị, biết điều hơn. Nó hiểu tại sao thằng Nino không lên nổi, tại sao nó phá hỏng những dịp làm ăn của chính nó. Nó là thằng không thiết gì đến thành công, ai giúp đỡ còn cho là mất mặt.

Johnny nắm tay Nino lôi ra khỏi "hội quán". Chân nó đi không vững nên phải ghé tai dỗ dành: "OK... Thế thì mày hát để để cho tao bắt bạc vậy. Tao không làm xếp mày nữa, mày muốn làm gì thì làm vậy? Đồng ý không,đồ nhà quê ! Tao mất giọng thì mày ca dùm tao để cho tao kiếm ăn vậy. Chịu chưa?"

Nino tỉnh táo liền nhưng cố tình líu lưỡi như còn say: "Tao hát dùm mày, Johnny... Ngày giờ này tao ca ngon hơn mày. Mà bao giờ tao ca không ngon hơn mày hả Johnny?"

Johhny đứng lại ngẫm nghĩ. Thì ra là thế. Thằng Nino vẫn cho là nó ca ngon hơn. Sự thực nếu nó còn giọng ca thì thăngnhà quê này sánh sao nổi. Ngay từ hồi nhỏ hai thằng còn đi ca chung cũng vậy. Dưới ánh trăng, nó nhìn thằng bạn cũ, buột miệng chửi thề: "ĐM. Đi cha mày đi!" Hai đứa cùng cười rũ rượi, in hệt hồi xưa còn nhỏ.

oOo

Nghe tin Ông Trùm bị bắn Johnny vừa lo cho sinh mạngBố-Già vừa sợ công việc quay phim đột ngột bỏ dở. Muốn sang Nữu-Ước thăm không được, ông già không muốn nó bị dây dưa mang tiếng. Đành phải đợi. Cỡ một tuần sau mới có người của Hagen đến cho hay công việc cứ tiến hành, nhưng làm mỗi lần một phim thôi.

Johnny cứ để Nino sống tuỳ ý thích, muốn làm gì thì làm. Nó giao du tốt đẹp với cả đám đào non Hollywood. Thỉng thoảng Johnny có rủ đi chơi đêm tay đôi nhưng nhòm ngó và đời sống của nó thì tuyệt không. Lúc hai thằng bàn nhau vụBố-Già bị bắn, Nino mới cho Johnny hay: "Có lần lái xe chán quá, mệt quá tao đã mở miệng xinBố-Già cho làm một chân gì trong việc nhà để kiếm nhiều tiền một chút. Mày biếtBố-Già biểu tao sao không? Ổng biểu mỗi người mỗi phần số và phần số của tao là làm nghệ sĩ. Nghĩa là tao không thể làm găng-tơ được."

Johnny ngẫm nghĩ, công nhận ngayBố-Già quả biết người biết của. Thằng Nino mà dính vô bất cứ công việc gì trong giới giang hồ thì có chuyện quanh năm và sớm muộn cũng đến bỏ mạng. Chỉ vạ miệng mà bỏ mạng chắc. Nhưng phần số Nino mà nghệ sĩ là thế nào? Đúng làBố-Già muốn mình nâng đỡ, dẫn dắt nó vô nghề. Ổng muốn mình, ổng buộc mình trả ơn cách đó mà không nói ra thôi. Đúng vậy, đúng là điều ổng mong muốn nhất. Nhưng giờ này ổng bị bắn gục, cả nhà đang có chuyện lộn xộn thì sức mấy Johnny chơi lại Jack Woltz để bắtOscar năm nay? Phải có ổng vận động làm áp lực mới xong mà ngày giờ này cánh Corleone còn bao nhiêu việc cấp bách!

Trong khi đó phải bắt tay làm phim. Thằng nhà văn đúng lời hẹn đã vác bản thảo sang Hollywood và hai đứa đã mang ra bàn bạc kín với nhau. Một truyện phim tuyệt hảo, Johnny không mong gì hơn. Trong phim nó không phải hát. Một chuyện tình ướt át với những bóng hồng thấp thoáng rất sếch-xy. Lại có một vai trò "cắt may" sẵn cho thằng Nino, giống hệt như Nino từ nhân dáng đến hành động, ngôn ngữ. Lãnh vai trò này có lẽ Nino khỏi cần diễn xuất.

Johnny tiến hành công việc thật mạnh. Nó không ngờ mình cũng rành rẽ công việc sản xuất phim như vậy nhưng vẫn phải mướn một thằng giám đốc sản xuất rất cừ nhưng cóc ai dám mướn chỉ vì có tên trong sổ đen. Nó không lợi dụng điểm này để bắt bí mà trả lương đúng mức với lời căn dặn: "Nếu anh là người biết điều thì làm ơn tiết kiệm ngân sách dùm."

Đã căn dặn vậy nên lão giám đốc đề nghị một khoản chỉ làm Johnny ngạc nhiên. Lão đề nghị phải lo lót thằng đại diện nghiệp đoàn. Đằng nào cũng phải chi, ai cũng phải chi bằng không sẽ có không biết bao nhiêu chuyện lộn xộn về vấn đề tuyển mộ và giờ phụ trội. Biết chắc lão không xoay xoả, Johnny mới yêu cầu lão mời ông đại diện nghiệp đoàn tới nói chuyện.

Lúc Billy Goff tới, Johnny nói ngay:

- Tôi cứ nghĩ rằng nghiệp đoàn có liên hệ với mấy người bạn tôi đấy. Họ biểu tôi khỏi lo bất cứ chuyện gì về nghiệp đoàn.

- Ai biểu ông như vậy?

- Ai biểu thì ông bạn biết rõ quá mà! Tôi không nói tên rất nhưng chắc chắn tôi đã nghe như vậy.

- Tình hình thay đổi. Trước khác giờ khác... Bạn ông đâu còn ảnh hưởng quái gì ở miền Tây này nữa mà nói?

Johnny nhún vai:

- Thế đợi tôi vài ngày được không? OK?

- Được chớ! Làm gì không được, Johnny! Có điều điện thoại Nữu-Ước can thiệp không ăn thua gì đâu, tôi cho hay trước.

Đó là ý kiến Billy Goff. Sự thực diễn ra khác hẳn. Johnny phôn cho Hagen biết... và nó trả lờikhông được chi , một xu cũng không chi. "Ông già mà hay mày chi cho nó một xu thôi thì mày biết đấy. Mày làm vậy là làm ổng mất mặt... ổng không chịu đâu. Bây giờ cũng vậy."

- Mày cho tao nói chuyện với ổng chút được không? Không được hả? Hay mày nói lại dùm tao vậy? Để tao còn bắt tay vô việc liền chớ?

- Bây giờ chẳng ai nói được hết. Ổng còn mệt! Nếu cần làm gì thì tao sẽ biểu thằng Sonny làm dùm mày. Chớ có thí một xu cho thằng láu cá đó. Có gì thay đổi tao sẽ cho mày hay liền!

Johnny gác phôn lên. Không yên tâm chút nào hết. Không giải quyết được vụ nghiệp đoàn thì tốn tiền kinh khủng và công việc còn bê trễ ghê gớm. Đã có lúc nó đã tính chi ngầm cho thằng Goff 50 ngàn đô cho xong. Hagen nói là một chuyện vàBố-Già ra lệnh lại là một chuyện. Về vụ này nó có toàn quyền mà? Tuy nhiên Johnny quyết định đợi vài ngày coi.

Mấy ngày chờ đợi khỏi tốn 50 ngàn đô-la. Hai đêm sau, đại diện nghiệp đoàn Billy Goff bị kẻ lạ mặt bắn chết queo trong nhà riêng ở Glendale. Vậy là hết rắc rối. Khỏi sợ nghiệp đoàn tranh chấp! Cái chết của Billy làm Johnny lạnh mình. Đây là lần đầu tiênBố-Già ra tay gần gụi nó nhất, dễ sợ nhất.

Trong mấy tuần lễ liền sau đó vì bận bù đầu về việc phân cảnh, sắp đặt công việc cho máy chạy, Johnny quên phứt vụ mất giọng. Nghe nói trong danh sách các diễn viên được đề nghị tranhOscar có tên nó, Johnny lấy làm buồn vì không được mời trình diễn bài ca bắtOscar trong buổi dạ hội phát giải truyền hình. Nhưng rồi nó nhún vai, khỏi cần.Bố-Già còn nằm đấy thì bắtOscar sao nổi. Có tên trong danh sách tranh giải cũng ngon rồi.

Dĩa hát của nó và Nino vừa thâu bán chạy không ngờ, vượt xa những dĩa mới của nó nên Johnny biết phần lớn là công của Nino. Nó đành phải nghỉ hát một thời gian. Đúng như ước định mỗi tuần nó về nhà một lần với Ginny và các con, không bao giờ sai hẹn nhưng dĩ nhiên vẫn chỉ là bạn. Trong khi đó con vợ đào hát đã sang Mễ-Tây-Cơ xoay được bản án ly dị, do đó Johnny lại độc thân.

Kỳ cục nhất là hồi này các em đào non nhiều quá, dễ quá mà Johnny không ham. Nó chỉ khoái mấy con đang lên vù vù nhưng mấy em này không rớ tới được nên nó cảm thấy ê mặt. Làm việc nhiều cũng có cái hay: xong việc về nhà một mình làm một ly rượu, đặt mấy cái dĩa cũ lên nghe lại giọng mình và ca theo vài đoạn. Giọng nó hồi ấy hay thiệt tình, nghệ sĩ thiệt tình và không ngờ quyến rũ tới cỡ đó. Vậy mà nó đã làm hư cái giọng vàng chỉ vì rượu, vì khói thuốc và vì gái.

Lâu lâu Nino cũng ghé chơi để làm ly rượu, cùng nghe lại giọng ca Johnny ngày xưa. Nó sẽ vênh mặt lên: "Coi, tao đó! Liệu mày có hát được như vậy không?" Lúc bấy giờ Nino sẽ nở nụ cười tình, lắc đầu và thành thực chấp nhận: "Làm sao bằng nổi? Không bao giờ bằng nổi!"

Một tuần lễ trước khi Johnny khởi sự quay phim là Đêm Dạ hội phát giảiOscar . Nó ngỏ ý mời Nino cùng đi dự. Nino nhất định lắc đầu. Johnny phải nài nỉ: "Chỗ anh em với nhau tao đã nhờ cậy mày điều gì bao giờ? Yêu cầu mày đi cùng với tao. Có lẽ chỉ mình mày là còn thực sự thương hại tao nếu tao hụt giải. Nên tao mới tha thiết..."

Nino ngẩn người ra một lát mới gật gù:

- Được, nếu vậy tao đi với mày. Cho mày hay là nếu hụt giải thì mày phải lờ đi, phải nhậu say cho quên hết. Mày phải nhậu. Còn tao, tao sẽ không rớ tới một giọt để tỉnh táo ở bên cạnh mày, có gì tao sẽ khiêng mày về. Yên chí đi! Vậy là bồ bịch chớ còn gì?

- Đúng, bồ bịch là phải vậy!

Giữ đúng lời hưá, đêm Dạ hội Nino tới đưa Johnny đi. Nó tỉnh táo, không nhậu một giọt thật. Không hiểu tại sao dịp long trọng này Johnny lại không mời một con nhân tình nào đi cùng? Hay con vợ Ginny? Không lẽ con này cũng không còn tha thiết gì đến nó? Nino thấy thèm rượu quá!

Đối với Nino thì cả đêm dạ hội chỉ là một sự nhàm chán, cho đến lúc ban tổ chức loan báo tên nam diễn viên bắt giải xuất sắc năm nay. Nghe tênJohnny Fontane là nó vỗ tay loạn, nhảy càng lên. Johnny đưa tay ra là nó nắm thật chặt. Nó biết thằng bạn đang cần một bàn tay bạn, một người thật sự thân thiết trong giây phút vinh quang này. Chỉ buồn tại sao Johnny không có một thằng nào hơn nó!

Sau đó là cả một cơn ác mộng. Cuốn phim của Jack Woltz đoạt tất cả mọi giải lớn nên buổi tiếp tân do hãng tổ chức đầy nghẹt những nhà báo săn tin và những quân săn người, cả đực lẫn cái. Nino vẫn giữ lời hứa tỉnh táo để lúc nào cũng có mặt bên cạnh Johnny. Nhưng đi đến đâu cũng bị các bà các cô vồ lấy, kéo đi một lát nên Johnny rút cục cũng say mèm. Con đào bắt giải cũng bị chiếu cố in hệt nhưng coi bộ nó khoái chí nên làm ngon lắm, tỉnh táo hơn Johnny nhiều. Chỉ có một thằng đàn ông không thèm để ý đến nó. Đó là Nino.

Vào giờ chót, có thằng nào đó thình lình đưa ra một đề nghị độc đáo. Tại sao đệ nhất nam diễn viên và đệ nhất nữ diễn viên năm nay không "cá cặp" với nhau ngay tại chỗ cho bà con làm khán giả coi chơi? Bà con hoan nghênh rần rần. Con đào bị lột tức khắc và mấy mụ sồn sồn hè nhau xông tới Johnny Fontane. Nhưng Johnny đã có bồ Nino Valenti bên cạnh. Tụi nó say cả rồi, đâu chơi lại đàn anh Nino tỉnh như sáo người duy nhất không nhậu trong đêm đó? Lập tức Nino giành lấy Johnny lúc bấy giờ đã nửa kín nửa hở để vác bừa lên vai, chạy như bay như biến ra xe hơi. Lái xe đưa Johnny về nhà Nino không khỏi ngậm ngùi: Nếu thành công là như vậy đó thì nó không ham thành công chút nào hết.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 14

Năm 12 tuổi, Ông Trùm trông đã người lớn bộn. Người dong dỏng, nước da ngăm đen. Corleone vốn là tên làng, một làng quê nghèo đảo Sicily coi na ná một làng châu Phi. Tên cha mẹ đặt là Vito Andolini nhưng vì có chuyện phải bỏ quê hương, thay tên đổi họ sang Mỹ làm ăn nên giữ lại tên làng cho khỏi mất gốc. Cả đời Vito Corleone rất hiếm chuyện tình cảm như vậy.

Thời buổi đó, vào khoảng sắp bước qua thế kỷ 20, dân Sicily quả có hai chính phủ: nhà nước La Mã ở xa nên yếu xèo, trên đảo mấy ông Mafia mạnh hơn nhiều. Ông bố của Vito có việc tranh chấp với một dân làng. Hắn mang ra nhờ mấy ông Mafia phân xử. Bị xử ép, bố Vito đâu có chịu và sau một chầu gây gổ, lỡ tay đập chết gã đại diện Mafia địa phương.

Cỡ tuần lễ sau thì ổng đền mạng, người nát ra vì đạnlupara [thứ súng thô sơ bắn phát một, đạn ghém thông thường là chì; kiểu shotgun có thể làm lấy được]. Một tháng sau ngày đưa đám ma bố thì đến lượt Vito bị "hỏi thăm sức khoẻ". Nó sắp lớn đến nơi, không lo triệt trước đi thì chắc chắn có hậu hoạ. Mấy năm nữa thế nào nó chẳng kiếm cách trả thù cha? May cho Vito là nó được họ hàng bà con che chở rồi kiếm cách gởi tuốt sang Mỹ lánh nạn.

Sang đất Mỹ, Vito nương náu trong gia đình Abbandando và để đổi lấy cơm ăn nhà ở, thằng bé 12 tuổi phải làm công việc nhà trong cái quán chạp phô đại lộ số 9, khu chợ Địa Ngục cũ.

Năm 18 tuổi Vito lấy vợ, một cô bé cùng gốc Sicily vừa sang đến đất Mỹ mới 16 tuổi đầu nhưng đã có tài quán xuyến, tề gia nội trợ rất khá. Hai vợ chồng son đi ở phòng mướn ở xóm lao động đại lộ số 10, xế đường số 15 cho gần chỗ làm. Hai năm sau, đứa con trai đầu lòng là thằng Santino ra đời.

Hồi đó trong xóm có một đàn anh tên Fanucci. Gã to con, trông rõ ra dân chơi người Ý, quanh năm bận đồ lớn thứ mắc tiền màu nhạt, nón phải là nón nỉ màu mỡ gà. Thấy mặt Fanucci là bà con ngán hết: nghe nói gã có chân trongBàn Tay Đen , thối thân của Mafia, một tổ chức chuyên doạ nạt những dân có máu mặt để bắt địa. Tuy nhiên vì dân xóm toàn gốc Ý và coi bộ hung dữ không vừa nên Fanucci chỉ bắt nạt được mấy ông già bà cả không có con lớn trong nhà. Mấy chủ tiệm thỉnh thoảng cũng phải chi cho gã chút đỉnh để khỏi có chuyện lộn xộn. Mối làm ăn chính của Fanucci là những dân chơi có thành tích, mấy ổ bao đề và sòng bạc nhỏ chứa bài lấy xâu. Lâu lâu gã cũng tới bắt địa còm quán chạp phô Abbandando làm thằng Genco sùng lắm, mấy lần nằng nặc đòi để nó giải quyết nhưng đều bị cha mẹ cấm triệt để. Những chuyện đó Vito Corleone biết hết nhưng lờ đi, kể như chuyện thiên hạ, dây dưa tới làm chi?

Có lần Vito tình cờ chứng kiến một vụ để thẹo mà Fanucci là nạn nhân. Có 3 thằng mới lớn lập mưu cho gã vào bẫy, lấy dao rạch một đường "quai nón" từ tai bên này sang tai bên kia. Dĩ nhiên mũi dao vô không sâu lắm, chết sao được... nhưng đau gần chết và máu tuôn có vòi. Vito thấy Fanucci ôm mặt máu chạy về và nó quên sao được cảnh đàn anh lấy cái nón nỉ mỡ gà vừa chạy vừa bưng cằm, làm như gã phải hứng thật đàng hoàng cho máu khỏi tuôn xuống ướt bộ đồ lớn hay văng ra đầy đường vậy.

Tưởng đâu vụ để thẹo sẽ làm gã mất mặt, nào ngờ cuộc đời Fanucci lại lên mới lạ! Số là 3 thằng kia là thứ trai mới lớn, ức gã bóc lột quá đáng nên nổi máu anh hùng, cảnh cáo dữ dằn vậy cho gã sợ chứ chúng đâu đã dám giết người? Fanucci mới là thằng dám. Vì mấy tuần sau chính thằng nhóc cầm dao rạch cổ gã bị bắn chết làm gia đình hai thằng kia hoảng hồn, mau mau chạy tới năn nỉ gã bỏ qua và họ bằng lòng chung một số tiền bồi thường miễn Fanucci hứa không trả thù nữa. Sau vụ này Fanucci có quyền bắt địa nặng hơn và sòng bạc nào trong xóm cũng phải cho gã ăn chia răng rắc! Những vụ này Vito Corleone cũng biết cả nhưng... vẫn là chuyện thiên hạ.

Hồi Đệ Nhất thế chiến, kẹt đường tiếp tế nên dầu ô-liu bỗng khan hiếm, quán chạp phô Abbandando phải nhờ cậy Fanucci mới có dầu ăn bán chợ đen. Còn cảSalami , dăm-bông, phó mát chính cống Ý nữa. Nghiễm nhiên gã trở thành có phần hùn trong tiệm và kéo ngay một thằng cháu vô làm, cho Vito Corleone nếm mùi thất nghiệp. Một thằng cần cù, kiêu hãnh, nhẫn nhục như Vito cũng bị đá đít!

Năm đó vợ Vito lại vừa sanh thêm thằng con thứ hai, thằn Frederico thành thử nhà 4 miệng ăn, không có việc làm thì đói đến nơi. Dù Genco là bạn thân nhất, Vito cũng phải lên tiếng chửi: "ông già mày đối với tao tệ quá". Genco thẹn đỏ mặt nhưng long trọng hứa với bạn là đừng lo đói, thế nào nó cũng có cách xoay của ông già một mớ thực phẩm mang tới cho. Vậy mà Vito khẳng khái từ chối, chê bẩn. Con mà ăn cắp của cha mẹ đâu được?

Nhưng đối với đàn anh Fanucci thì Vito hầm lắm: mọi sự đều do thằng này mà ra. Vậy thì tạm thời nán giận đã, rồi mày biết tao. Vito xoay sở mãi mới được vô làm phu hoả xa. Chỉ được ít tháng lại chết đói dở: hết chiến tranh, công việc ít mà người thất nghiệp đông, có tháng nào làm được quá vài ba ngày? Mấy thằng cai người Mỹ, người Ái-Nhĩ-Lan có coi dân phu ra gì? Mở miệng nói là chửi lên đầu nhưng Vito cố làm mặt lạnh, làm như không biết tiếng Anh dù nói đơ đớ và hiểu chẳng sót một tiếng.

Một buổi tối đang ngồi ăn cơm trong nhà Vito nghe có tiếng gõ cửa cấp bách. Có ai gọi ở cửa sổ phía trong, ở chỗ trông ra dẫy nhà sau cách nhau có một khoảng trống thông hơi. Kéo tấm màn qua một bên, nó ngẩn người khi thấy thằng cha hàng xóm Peter Clemenza đang vươn người khỏi cửa sổ, chìa ra một gói dài dài bọc vải trắng. Giọng nó hối hả, hấp tấp:

- Ê,nhà quê ! Cầm dùm ta cái này chút... chừng tao hỏi hãy đưa trả. Lẹ lên mày?

Vito nhanh nhẩu đưa tay ra đỡ. Mặt thằng Clemenza lúc bấy giờ bấn quá, sợ sệt quá nên Vito chạnh lòng, không nỡ từ chối. Nhưng lúc mang xuống bếp mở ra coi mới rụng rời: 5 khẩu súng mới toanh, còn dầu mỡ đàng hoàng. Vito bèn dấu tuốt vô kẹt tủ trong phòng ngủ. Sau này mới biết tối hôm đó nhà Clemenza bị cớm bao vây, lúc chúng gọi cửa ầm ầm vô xét nhà mới gõ cửa sổ nhờ thằng chanhà quê hàng xóm giữ dùm "gói đồ".

Dĩ nhiên Vito ngậm miệng mà con vợ cũng chẳng dám hó hé sợ lộ ra là chồng có chầu ở tù lây. Hai bữa sau mới thấy mặt Clemenza. Nó vừa được cớm thả ra. Nó thản nhiên hỏi: "Gói đồ của tao mày còn giữ dùmđàng hoàng không?" Vito gật đầu. Tính nó ít nói, lạnh lùng vậy đó. Clemenza được nó mời lên nhà chơi, lôi ra nguyên vẹn bọc đồ và uống ly rượu chát. Nó thong thả làm từng ngụm một, thản nhiên ngó Vito hỏi: "Mày có mở ra coi không?" Vito điềm nhiên lắc đầu: "Tôi chẳng để ý chuyện người."

Hai đứa ngồi uống với nhau tối hôm đó, hạp chuyện quá. Một thằng phục phịch ngó đã tức cười mà kể chuyện có duyên. Một thằng lầm lì ít nói nhưng nghe bao nhiêu cũng được. Vậy là chuyện dứt không ra! Mấy hôm sau Clemenza nói nếu chị thích một cái thảm trải nhà thì anh ấy đi theo tôi về lấy. Nó đưa Vito vô một căn nhà hách quá, có cột đá bực cửa đàng hoàng. Lấy chìa khoá mở cửa ra bên trong nhà trang hoàng còn hách hơn. Mỗi thằng một đầu cuốn cái thảm lên. Chao ôi, cái thảm len đỏ quý quá, không ngờ anh bạn mới tốt bụng như vậy! Mỗi đứa một đầu khiêng ra cửa còn nặng...

Lúc ra về thì chuông reo. Clemenza đang lom khom khiêng một đầu bèn liệng ngay xuống, chạy ra cửa sổ ngó và... rút súng nhét trong bụng ra. Bấy giờ Vito mới chưng hửng là đang khiêng cái thảmcủa người khác , nghĩa là vô nhà người ta ăn trộm đồ. Chuông cửa lại reo lên, nó chạy ra đứng sát bên Clemenza. Ngó ra thì thấy một bố cớm mặc sắc phục đàng hoàng. Hai thằng cứ đứng yên nhìn ra. Vị cảnh sát nhận chuông thêm một phát nữa rồi mới nhún vai, lắc đầu trước khi tà tà bước mấy bực thang đi xuống. Clemenza khoái chí: "Nào, bây giờ tụi mình về". Thế là mỗi đứa lại xách một đầu, bình tĩnh đi ra theo. Vị cớm vừa khuất dạng ở góc đường là hai thằng hì hục đẩy cánh cửa nặng tổ mẹ, tà tà khiêng tấm thảm về nhà Vito. Cỡ nửa giờ sau thì tấm thảm đã được cắt xén lại cho vừa khít khao với căn phòng khách nhỏ xíu. Trải luôn cả phòng ngủ cũng còn đủ. Vụ cắt xén này anh bạn Clemenza nghề quá: nó móc túi lấy ra lỉnh kỉnh đủ thứ dao kéo... đồ nào việc đó! (Cả đời Clemenza chỉ thích mặc quần áo rộng thùng thình, sờ chỗ nào cũng thấy túi để đủ chỗ chứa đồ nghề!)

Thời gian qua... gia đình Corleone càng ngày càng đói. Tấm thảm quý vẫn nằm đó nhưng cắt ra ăn đâu được? Công việc không có để mà làm nữa. Để vợ con khỏi chết đói, Vito thỉnh thoảng đã phải ngửa tay nhận mấy gói đồ ăn của thằng Genco kia mà?

Một hôm, Clemenza đưa lại giới thiệu bạn Tessio, người cùng xứ sở, cùng xóm chớ phải đâu xa? Hai đứa cùng nói quý mến nết Vito lắm, chịu tư cách của nó lắm và còn thông cảm rằng cả nhà Vito đói đến nơi. Họ đề nghị Vito nhập băng "làm ăn" chung với nhau cho vui! Công việc cũng nhẹ nhàng, chẳng có gì khó khăn vì mối làm ăn xưa nay mà? Có cái xưởng may đồ phụ nữ thật lớn ở đường số 31. Những xe vận tải tới đó "ăn hàng", toàn là đồ tơ lụa len dạ phụ nữ mắc tiền không! Băng Clemenza, Tessio chuyên đưa súng vào họng tài xế, đuổi tụi nó xuống để "lái dùm" nguyên xe tới một địa điểm nào đó để từ từ "xuống hàng". Thông thường là một nhà kho bồ bịch.

Công việc giản dị có thế vì mấy thằng tài xế chết nhát vừa thấy họng súng đã run như cầy sấy, khỏi đuổi cũng nhảy ra lẹ lẹ. Bây giờ có Vito lãnh chân lái xe thì đẹp quá, khỏi phải mất công đi kiếm mà có khi kiếm không ra. Năm 1919 đã có mấy đứa có bằng lái xe vận tải, mà Vito từng cầm tay bánh chiếc xe giao hàng cho nhà Abbandando mà?

Theo tụi nó nói thì có hàng là có mối bao gần hết. Còn ít hàng lẻ thì tiêu thụ lấy, đi bán dạo, đi hết nhà này sang nhà khác ở những khu có nhiều người xứ sở mình. Đại lộ Arthur vùng Bronx, đường Mulberry hay xóm Chelsea ở Brooklyn... chẳng hạn. Chẳng bao giờ ế cả, mấy bà mấy cô nhà nghèo lấy tiền đâu ra may những món sang trọng này ở ngoài tiệm?

Ngẫm nghĩ một lát Vito đành nhận lời. Vợ đói con đói mình thất nghiệp... chỉ cần lái một cuốc xe kiếm ra một lúc những một ngàn đô-la, phần riêng của nó? Tuy bó buộc phải vô băng, Vito cũng nhận ra bọn Clemenza, Tessio làm ăn cái lối này coi bộ sinh tử quá, kế hoạch tổ chức vớ vẩn và lối tiêu thụ hàng hoá thì điên khùng! Nghĩa là làm ẩu, làm đại... nhưng cả hai xem ra cùng đàng hoàng. Thằng Clemenza mập mạp có thể tin được còn Tessio người nhỏ thó thì khôn ngoan phải biết!

Vụ ăn hàng xuôi rót. Lạ quá, Vito chẳng thấy sợ sệt gì khi hai thằng bạn dí súng đuổi tài xế xuống để chính nó lên thay tay. Không ngờ Tessio, Clemenza tỉnh táo đến thế. Không vội vàng nóng nảy mà còn cà rỡn thằng lái xe là nếu biết điều, ngoan ngoãn sẽ gởi biếu con vợ nó vài món đồ mặc chơi! Sau cú làm ăn này, phần Vito đáng lẽ 1 ngàn chỉ còn có 7 trăm. Đi bán dạo từng nhà coi bộ kỳ cục quá, thà bán rẻ nhưng bán phứt một lần cho xong. Năm 1919 thì 700 đô cũng làm một sản nghiệp.

Sáng hôm sau Vito đụng đầu đàn anh Fanucci. Vẫn bộ đồ vía, vẫn nón nỉ mỡ gà! Cái thẹo "quai nón" không thèm dấu còn cố tình chìa ra cho thiên hạ thấy cả một đường bán nguyệt trắng hếu dễ sợ. Cặp lông mày chổi xể, mặt mũi thô bỉ nó cười trông vừa bẩn vừa giễu.

Giọng nó đặc sệt dân Sicily:

- À, chú mày. Bà con nói chú mày vừa phất lớn, cả hai thằng nhóc kia nữa! Chú mày chơi vậy mà coi được? Đất này là đất của tao, tụi bay không cho tao liếm láp chút nào? Phải chi chác đi chớ?

Làm gì nó không biết ý định chấm mút của đàn anh! Tính Vito ít nói nên đợi đàn anh cho biết cụ thể hơn. Fanucci cười nhe bộ răng vàng, chìa luôn cái thẹo thòng lọng quanh cổ và lam như nực nội lắm, nó lấy khăn tay lau mặt, mở banh nút áo vét cho thấy khẩu súng nhét cạp quần rồi mới gật gù cho biết:

- Mấy thằng nhãi hồi này lộng quá. Riêng chú mày muốn biết điều thì nạp 500 đô đi... tao hứa bỏ qua.

Vito vẫn mỉm cười. Nụ cười ngây thơ, chân chất làm đàn anh Fanucci ơn ớn lạnh. Đàn anh bèn nạt thêm:

- Bằng không thì chú mày sẽ bị cớm vồ tức thời, mình tù tội vợ con chết đói hết! Thôi, cứ kể như mày vớ ít hơn đi. Lần đầu đưa tao 3 trăm đủ rồi, những ba trăm là ba trăm, khỏi lộn xộn đấy!

Lúc bấy giờ Vito Corleone mới ra tiếng. Điềm đạm, lễ độ đúng mức, thưa gởi đàng hoàng với bậc trên trước... chớ đâu dám cáu giận vô phép?

- Sự thật tiền là tiền chung của cả 3 đứa. Để tôi nói lại với hai thằng kia.

- Ừ nhỉ, còn hai thằng kia! Chú mày cứ nói thẳng với tụi nó rằng tao muốn vậy đó... Thằng Clemenza biết điều lắm. Chỗ quen biết cả, chắc chắn nó sẽ hiểu ngay. Chú mày theo Clemenza làm ăn được đấy.

Vito làm bộ lúng túng:

- Cái nghề này tôi mới vô... chưa biết gì hết. Nếu có sơ sót ông là bề trên, ông chỉ bảo cho.

- Tốt lắm, chú mày nghĩ vậy là phải. Chớ bọn nhãi bây giờ không biết trên trước gì hết! Lần sau có gì hay hay nhớ đến ta nghe? Làm gì tao chẳng giúp được một tay?

Đàn anh Fanucci coi bộ chịu lắm, nắm tay chú em Vito thật thân thiết. Sau này Vito mới biết sở dĩ hôm ấy nó chịu nhẫn nhục nổi, không phát khùng lên khi đàn anh tính lột một phần số tiền mà nó phải liều mang sinh mạng và tự do ra đổi là vì nó nhớ đến cái chết thê thảm của ông bố ở quê nhà ngày nào. Nóng giận không đi đến đâu hết, chỉ mau chết! Đâu phải nó ngán đàn anh Fanucci? Trong thâm tâm nó còn muốn cười vào mặt cái thằng già ngu muội. Một thằng ngon như Clemenza đời nào chịu nạp cho nó một xu? Bộ nó tưởng dễ ăn? Có một tấm thảm bữa đó mà nó còn rút súng ra sẵn sàng nổ thằng cớm mà! Còn thằng Tessio nữa: nhỏ người song là týp rắn độc chớ đồ bỏ?

Ngay tối hôm đó gặp nhau đằng nhà Clemenza, dân-mới-vô-nghề Vito Corleone được thêm một bài học "nghề nghiệp." Thằng Clemenza chửi thề um lên. Tessio cằn nhằn quá xá nhưng ngay sau đó hai thằng đã bàn nhau mỗi thằng hai trăm đô không hiểu đàn anh Fanucci có chịu nhận không? Tessio bảo chắc được nhưng thằng mập gạt đi ngay:

- Không xong đâu! Thằng khốn nạn đó làm gì không biết mỗi thằng mình kiếm bao nhiêu, chính thằng mua đồ của tụi mình cho nó con số chớ ai? Nó không chịu dưới 3 giấy đâu, tin tao đi. Thôi thì tụi mình chi cha cho nó cho xong!

Dĩ nhiên là Vito ngạc nhiên lắm nhưng làm ra vẻ thản nhiên hỏi lại:

- Ô hay, sao tụi mình phải chi? Hắn có làm gì cho mình, trong vụ này? Tiền mình kiếm ra sao lại chia vô lý vậy? Mình mạnh hơn nó... mình có súng mà?

Clemenza ôn tồn quay qua thằngnhà quê giải thích:

- Thằng Fanucci có bồ bịch thứ dữ, gốc bự lắm. Nó lại quen nhiều cớm, lúc nào nó chẳng có thể tố mình để lấy điểm? Có vậy nó mới là xếp sòng khu này. Vả lại đất này là của nó, Maranzalla OK rồi.

Hồi đó nhắc đến tên Maranzalla là phải biết! Báo chí đăng dài dài, đàn anh là tay tổ, là thủ lãnh một nhóm giang hồ dao búa chẳng cái gì không dám làm, từ mở sòng, bắt địa đến ăn hàng lớn... Clemenza rót ra mấy ly rượu chát nhà làm. Vợ nó bưng lên nào bánh mì, nào trái ô-liu, xúc-xích,salami rồi nhắc ghế ra nhà sau góp chuyện với mấy mụ hàng xóm. Nó mới ở quê nhà sang vài năm nay, đâu đã biết tiếng Anh tiếng Mỹ?

Ba thằng ngồi uống rượu nói chuyện. Mãi đến lúc bấy giờ Vito Corleone mới có cảm giác trời cho nó một bộ óc vô cùng thông minh mà nó chưa bao giờ dùng tới. Nó không ngờ mình sáng suốt, tính toán nhanh và đúng đến thế! Những sự kiện về con người đàn anh Fanucci liên tiếp diễn ra, khỏi sót một chi tiết nhỏ...

Bữa đó đàn anh bị ba thằng rạch cổ, vùng chạy lẹ lẹ. Vừa chạy vừa lấy cái nón nỉ úp chặt vào cằm, cố chặn không cho máu tuôn ra. Thằng cầm dao bị bắn bỏ nhưng hai thằng kia chung tiền chuộc mạng nên đàn anh vui lòng bỏ qua... Vậy là đàn anh bịp, đàn anh cóc có gốc mà chưa chắc đã dám bồ với cớm! Dân chơi ngon đời nào ngửa tay nhận tiền chuộc mạng? Tui bay đã dám đụng đến tao thì cả 3 thằng phải đi luôn. Vậy mới làBàn Tay Đen ! Đúng là nuốt không trôi tha làm phúc chớ dễ gì hạthêm hai mạng nữa khi tụi nó đã phòng bị? Fanucci biết chơi, láu cá ở chỗ đó. Nó cậy khoẻ và liều mạng thì làm gì không bắt địa được mấy gã chủ tiệm chết nhát, mấy sòng bạc chơi cò con trong xóm lấy xâu? Có một sòng thằng chủ nhất định không chi một xu cho nó mà hồi nào đến giờ có hề hấn gì đâu?

Vậy là Fanucci chỉ một mình. Bè cánh khỏi có. Hoặc cùng lắm chỉ quen biết mấy thằng bắn mướn, có chuyện nhờ vả phải xì tiền ra, tiền mặt. Nhận định chắc như vậy nên cuộc đời Vito Corleone mới rẽ qua một ngã khác. Đó là phần số, là con đường định mạng.

Cái vụ phần số này Vito Corleone từng nhắc lại hoài. Ai cũng có mà muốn làm khác cũng không được. Phải chi đêm hôm ấy Vito chịu đóng 300 đô cho Fanucci thì lại đến đi làm thư ký hãng buôn và ngày giờ này không hơn gì một chủ tiệm chạp phô. Nhưng phần số của nó là Ông Trùm Mafia nên một sự tình cờ nào đó đã đưa đẩy, dẫn dắt đàn anh Fanucci tới đúng lúc để Vito Corleone lao đầu vào đúng con đường định mạng.

Ba thằng làm xong chai rượu chát thì Vito mới ngập ngừng nói:

- Nếu phải chung cho Fanucci thì... tại sao không đưa tôi để tôi nạp cho hắn một thể? Hai anh chỉ phải chi mỗi người 200 đô thôi... mà tôi cam đoan là tôi đưa hắn sẽ nhận... nhận một cách vui vẻ. Tôi cam kết làm xong vụ này mà các anh sẽ hài lòng chắc.

Clemenza đưa mắt ngó, loáng lên một tia ngờ vực. Làm Vito phải lạnh lùng xác nhận:

- Đã là chỗ bạn bè tin cậy... tôi không bao giờ nói láo. Mai anh gặp Fanucci thử hỏi coi? Thế nào hắn chẳng đòi nhưng chớ có đưa tiền ra... mà anh đừng gây gổ. Cứ nói đã đưa cho tôi và tôi sẽ tự tay nạp lại đủ số! Bao nhiêu cũng gật, chịu hết. Đừng nằn nì xin bớt... tôi cũng chẳng ra giá với Fanucci đâu! Tội gì mình chọc giận một kẻ có thể hại mình như chơi, phải không?

Sáng mai Clemenza hỏi Fanucci để biết đàn anh muốn ăn thật chớ chẳng phải thằng em Vito dám bịa chuyện nói láo. Sau đó mới tới tận nhà, đưa cho nó 200 đô. Rồi vừa ngó lom lom vừa hỏi:

- Nó bắt tao nạp đủ 300 đô... mà mày làm cách nào để nó chịu xuống giá hay vậy?

- Cái đó anh khỏi lo. Đã có tôi lo dùm anh... còn e ngại gì?

Lát sau Tessio cũng tới. Nó yếu hơn Clemenza nhưng khôn hơn, bén hơn và đa nghi hơn thấy rõ. Nó đánh hơi ra bên trong vụ này phải có một cái gì, nhất định có cái gì không ổn những chưa biết rõ nên e ngại ra mặt. Nó e dè ngỏ ý:

- Mày ỷ y với thằng khốnBàn Tay Đen ấy là chết với nó lúc nào không biết nghe? Nó điếm lắm, tin không được đâu! Nếu mày muốn lúc đưa tiền tao tình nguyện ở bên cạnh mày để sau này có gì còn ra toà làm chứng.

Vito khỏi cần. Khỏi trả lời mà chỉ lắc đầu gọn. Nó nó với Tessio thật chững chạc:

- Anh nhắn Fanucci tôi sẽ đưa đủ tiền cho hắn, tối mai 9 giờ ở nhà tôi. Mình phải tiếp khách ở nhà, phải có cái gì mời mọc ăn nhậu mới có cảm tình, xin hạ giá mới được chớ?

- Không ăn thua gì đâu! Thằng Fanucci chỉ tiền. Khỏi bớt một xu...

- Tôi sẽnói chuyện phải quấy với hắn.

Bốn chữnói chuyện phải quấy sau này thường được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong đời Vito Corleone. Nó như một khẩu lệnh chuẩn bị đánh lớn, ăn thua đủ. Vì với Ông Trùm Corleone thì nói phải quấy không xong là tất nhiên phải đổ máu và đổ máu lớn chớ còn gì nữa?

Chập tối hôm đó, Vito biểu vợ cơm nước xong dẫn hai thằng con nhỏ đi lối xóm chơi, cấm chúng nó về nhà còn nó thì phải ngồi canh cửa. Chừng nào kêu mới được về. Nó sắp có câu chuyện cần nói riêng với ông Fanucci, không ai được nửa chừng phá khuấy!

Con vợ sợ xanh mặt thì Vito quắc mắt lên. Nó tính la nhưng không nỡ. Chỉ nói nhẹ nhàng rằng bộ cô lấy một thằng chồng khùng hả? Con vợ im thin thít vì sợ quá, sợ thằng chồng chớ sợ gì Fanucci! Mới có từ sáng đến giờ mà coi Vito ghê quá, làm như nó đang lột xác từng giờ để biến thành một người khác, hoàn toàn khác. Một con người nguy hiểm, đụng phải là chết. Xưa nay Vito ít nói thật nhưng dịu dàng, biết điều chớ đâu có hùng hổ như đàn ông con trai Sicily? Chỉ mới một ngày mà nó đã lột xác, bỏ lại thằng đàn ông hiền lành để choàng vô bộ áo giáp an toàn vô cùng kinh khủng. Năm ấy Vito đã 25, vô giới giang hồ thì tuổi đó là trễ rồi nhưng bù lại nó tiến mau, tiến mạnh đến độ không ngờ.

Hôm đó Vito Corleone đi tới một quyết định ghê gớm: phải hạ thằng Fanucci. Bắn bỏ nó là thấy dư ra 700 đô-la, đã không tốn 300 đô phải nộp mà còn lời 400 của hai thằng Clemenza, Tessio. Bằng không thì 700 đô-la này nhảy sang túi nó. Cái mạng thằng Fanucci có ra gì mà đáng 700 đô? Giả thử đưa ra 7 tờ giấy trăm mà cứu được mạng nó, bằng không Fanucci chết chắc thì Vito cũng lắc đầu kia mà? Không ơn nghĩa, không bà con ruột thịt mà một tí cảm tình với nó cũng không thì tại sao lại phải thòi ra một lúc những 700 đô cho Fanucci kia?

Nó không muốn đưa mà thằng khốn nhất định dùng áp lực cưỡng đoạt số 700 đô đó thì để thằng Fanucci sống làm gì? Thiếu một thằng người như nó xã hội có hề hấn gì đâu?

Dĩ nhiên đó là cả một vấn đề. Anh em, bè cánh nó trả thù. Nó cũng nguy hiểm không vừa và còn cảnh sát và ghế điện nữa chớ? Nhưng đời Vito Corleone có xa lạ gì với cái chết! Mạng nó đã kể bỏ từ năm 12 tuổi, ông bố bị bắn chết là nó phải bỏ nhà trốn biệt sang đây lánh nạn, tên họ cũng phải đổi luôn. Những năm cơ cực, câm lặng nhìn đời đã cho Vito thấy rõ một điều. Nó thực sự trội hơn người ở mưu trí và can trường mà chưa sử dụng đấy thôi.

Lần đầu tiên sử dụng ưu điểm đó, nó do dự lắm. Nó lấy ra 700, đếm đàng hoàng nhét kỹ trong bóp và đút cẩn thận vô túi quần bên trái. Túi quần bên mặt thủ khẩu súng lục mà Clemenza đưa cho hôm cùng đi ăn hàng.

Đúng 9 giờ tối Fanucci mò tới. Vito xách ra hũ rượu chát cũng của Clemenza cho. Đàn anh đặt chiếc nón nỉ trắng lên bàn, nới ca-vát cho mát, chiếc ca-vát màu cà chua hoa sặc sỡ. Tối nay nóng quá, đèn hơi lù mù và nhà im lặng như tờ. Nhưng khuôn mặt Vito lạnh tanh. Để tỏ thiện chí nó lấy mớ bạc ra đưa trước, ngó đàn anh đếm kỹ và nhét tuốt vô chiếc ví da bự. Đút túi quần xong, Fanucci làm hớp rượu, nói tỉnh khô: "Mới có 700 đô. Còn thiếu tao 200 nghe chú mày?"

Vito trình bày hoàn cảnh túng thiếu, thất nghiệp và thật sự là kẹt quá mới xin đàn anh cho khất vài tuần. Đàn anh thế nào chẳng bằng lòng. Vớ một lúc 700 đô rồi thì còn 200 nữa trước sau cũng có, còn chạy đi đâu? Vito đã tính trước như vậy và nói ra là đàn anh cười ha hả: "Chú mày láu quá! Chú mày làm ăn kín đến nỗi ở xóm này bao lâu mà tao đâu biết? Bảnh đấy! Tao có thể bắt áp phe cho chú mày, tha hồ ngon..."

Nghe đàn anh hứa hẹn, Vito gật đầu vâng dạ, cung kính rót rượu thêm. Nhưng đàn anh đâu thể nói chuyện dông dài mãi, Funucci đứng lên vỗ vai chú em: "Tao về đây, không có gì buồn chớ chú em? Nói cho chú em mừng là nhờ vụ này anh en mình biết nhau, tao có thể làm nhiều thứ dùm chú em lắm đấy!"

Vito đứng lên tiễn chân đàn anh, đưa ra tận ngoài đường cho ai nấy cùng thấy rõ là giờ này ông Funucci đã về đàng hoàng. Lên trên nhà hé cửa sổ nhìn ra, nó thấy đàn anh đi tà tà quẹo qua đại lộ số 21, nghĩa là sắp ghé về nhà cất tiền cho chắc ăn. Hay cất khẩu súng cũng nên. Nhanh như cắt, Vito trèo lên gác thượng rồi cứ truyền mấy nóc nhà kề nhau mò xuống. Đẩy bung cánh cửa sau ra, nó nhanh chân ra cửa trước. Bên kia đường là khu nhà đàn anh Funucci.

Đó là một cư xá toàn nhà hai ba tầng thứ rẻ tiền cất biệt lập. Cỡ vài chục căn trên khoảng đất trống mênh mông của Sở Hoả xa, trông hoang vắng rờn rợn nên người tử tế hay nhát gan đâu dám ở chỗ này? Chỉ có mấy ông làm Hoả xa độc thân, mấy dân phu hay các em điếm bình dân. Mấy người này chập tối là ra quán nhậu hoặc chui vô nhà ngủ chớ đâu có lối xách ghế ra trước cửa ngồi nói dóc với nhau như mấy mụ nội trợ Ý bên đại lộ số 10? Từ bên nhà lầu băng qua đường, Vito xô cửa đi tuốt vào tới hành lang nhà Funucci mà có đụng đầu ai... hoặc có ai thấy?

Nấp sát vách, nó rút súng đợi. Từ hàng ba, Vito ngó chăm chăm về đại lộ số 10 qua khe cửa và nhẹ nhàng mở chốt an toàn, cho đạn lên nòng. Chưa bắn thử thứ này lần nào nhưng súng thì nó quen xài từ năm lên 9, từng theo bố xáchlupara vô rừng săn thú. Nó phải xàilupara ngon thế nào nên mấy cha Mafia hồi đó mới ngán, mới tìm cách diệt trước thằng nhỏ 12 tuổi chớ? Trong hành lang tối thui nhìn ra, Vito nhác thấy chiếc nón nỉ trắng đang băng qua đường sắp vô nhà. Nó bèn rời cánh cửa, lùi lại vài ba bước.

Cho chắc ăn, Vito tựa vai vào cầu thang, chĩa súng sẵn ra cửa. Nó đẩy cửa vô là nổ. Cánh cửa bật mở, cả khuôn người Funucci đồ sộ, trắng toát, nồng nặc hơi rượu lọt vào đúng tầm. Nó nhấn cò. Cánh cửa mở, tiếng nổ thoát được ra ngoài mà còn rung rinh cả nhà. Funucci lặng người, một tay níu cánh cửa, một tay vùng rút súng. Nó vùng mạnh quá khiến sút nút áo vét để lộ khẩu súng nằm cạp quần, mà cũng cho thấy luôn một vết đỏ loè trên ngực áo sơ-mi trắng máu tuôn ồng ộc. Rất cẩn thận như y tá luồn kim vào gân máu, Vito nhắm đúng chỗ đo đỏ đẩy tới phát nữa.

Funucci lập tức ngã khuỵu xuống đẩy cánh cửa bật mở. Nó gào một tiếng rùng rợn như kép giễu trên sân khấu. Ít nhất Vito cũng nghe 3 tiếng gào dễ sợ như vậy trước khi nó xích tới, kê sát màng tang đàn anh đẩy phát kết thúc bể óc. Từ lúc Funucci đẩy cửa ra đến lúc thân hình đồ sộ của nó nằm một đống chận ngang cánh cửa vỏn vẹn 5 giây đồng hồ.

Rất cẩn thận, Vito móc túi Funucci lấy chiếc ví da nhét trong sơ-mi rồi đi trở ra, băng ngang đường. Leo tới nóc nhà nó ngó xuống thấy cái xác vẫn còn nằm chắn cửa, chưa có ai tới. Từ trên lầu có hai cánh cửa sổ mở ra, mấy cái đầu ngó xuống rồi thụt mau vô. Tối mò ai nhìn thấy mà lo? Vả lại dân xóm này đâu phải thứ nhiều chuyện mỗi chút mỗi đi thưa cảnh sát?

Chỉ lấy lời khai, đi làm chứng cũng quá mất công! Họ sẽ đóng chặt cửa, làm như không nghe tiếng súng, để mặc Funucci nằm đến sáng mai, nếu tình cờ tuần cảnh không đi ngang.

Vito theo đường cũ truyền nóc nhà, tới đúng nhà mình từ từ leo xuống. Vô nhà đóng cứng cửa lại mới lấy cái bóp da ra kiểm soát. Bảy trăm đô còn nguyên, thêm tờ giấy 5 và vài tờ 1 đô-la. Trong một ngăn còn có đồng 5 đô-la tiền vàng rất có thể Funucci mang trong người lấy hên. Nhưng Vito đoán đúng: đàn anh chỉ là týp dân chơi hạng bét. Găng-tơ thứ bảnh có bao giờ mang tiền theo trong người?

Phải thủ tiêu ngay khẩu súng và cái bóp da. Ngay từ hồi đó Vito cũng đã biết để trả lại đồng tiền vàng, không ham những thứ có thể gây họa đó! Nó leo lên sân thượng, liệng chiếc ví da thật xa cho nó rớt xuống khe hốc nào đó. Khẩu súng cũng bị đập bể làm mấy mảnh, quăng mỗi mảnh một nơi. Từ tầng lầu 5 liệng xuống, chúng rớt êm và lăn vô mấy đống rác rến mỗi ngày mỗi đầy thêm thì có trời kiếm!

Sự thực tay chân Vito có hơi run song nó bình tĩnh lắm. Sợ quần áo dính máu, nó chạy vô phòng tắm ngâm bộ đồ một hồi trong bồn nước rồi đổ xà-bông bột, thuốc giặt đồ vô chà xát một hồi. Xả nước bộ đồ xong nó còn chà xà-bông cả bồn giặt cho kỹ luôn! Sau khi liệng bộ đồ vô mớ quần áo vợ vừa giặt xong để mai phơi, Vito thay đồ sạch sẽ mở cửa xuống nói chuyện tầm phào với vợ con và bà con lối xóm.

Vito Corleone đã sắp đặt kỹ như vậy đấy... nhưng xét ra quá thừa! Xác Funucci mãi sáng hôm sau cảnh sát mới phát giác và có ai hỏi gì tới Vito đâu? Nó đã lo dựng vở tiễn chân ông Funucci để bà con cùng thấy rành rành nhưng rốt cuộc có ma nào đả động tới vụ nạn nhân lên nhà Vito Corleone chơi tối hôm đó? Mãi sau này mới biết bọn cớm đâu có ưa đàn anh Funucci, nó bị bắn bỏ còn mừng nữa! Hồ sơ hình cảnh được ghi như một vụ thanh toán nội bộ giữa bọn côn đồ nên mấy gã dân chơi có thành tích trong vùng bị gọi lên hỏi qua loa cho xong... chớ ai dám nghi kẻ xuống tay hạ sát Funucci lại có thể là Vito Corleone?

Vito qua mặt cớm dễ ợt nhưng làm sao dấu nổi hai người anh em Clemenza và Tessio? Cả tuần sau hai đứa cùng lánh mặt. Đúng hai tuần sau nữa mới dám đến nhà... hai đứa rủ nhau cùng đến và cùng ngán rõ! Vito vẫn tỉnh bơ như không có chuyện gì, rót rượu chát mời.

Mãi sau, Clemenza rụt rè mở lời:

- Ít bữa nay mấy thằng chủ tiệm đại lộ số 9 khỏi đóng tiền... Không biết đóng cho ai nữa! Mà mấy sòng bạc xóm này cũng vậy.

Vito Corleone giương mắt ngó, không hé răng. Tessio đành phải ra lời: "Tụi mình có thể lãnh mấy mối đó. Họ sẽ chi cho tụi mình..." Vito nhún vai "Ô hay, sao lạitụi mình ? Tôi không muốn biết đến những vụ đó."

Đột nhiên, Clemenza cất tiếng cười ha hả. Hồi đó chưa có bụng giọng cười của nó cũng có vẻ "mập" lắm rồi. Nó vặn thằngnhà quê Vito: "Tụi mày không muốn biết đến... thì cho tao xin lại khẩu súng hôm nọ đi? Mày có cần đến đâu mà giữ?"

Vito đứng lên, móc túi lấy bạc bó đếm 5 giấy 5 đô đưa cho Clemenza và mỉm cười nói: "Tôi liệng bỏ từ hôm đó! Đây, bồi thường bạn..."

Nụ cười mỉm của Vito vốn dễ sợ ở chỗ nó lạnh tanh, không đe doạ gì nhưng ai nấy đều rởn ốc. Chỉ có một mình Vito là hiểu được cái cười đó, vả lại chỉ mỉm miệng cười trong những vụ hung hiểm ghê gớm, có cười là có chuyện! Vì cả đời Vito có mấy khi cười đâu, lúc nào cũng chỉ lì lì, trầm lặng. Vả lại ai chẳng thấy miệng nó cười nhưng mắt nó có cười bao giờ? Nhưng hồi đó chính Vito cũng chưa hiểu tác dụng nụ cười của nó khủng khiếp thế nào.

Hôm đó Vito cười cười và móc tiền ra bồi thường khẩu súng mà Clemenza ngán, cóc dám nhận. Không nhận thì Vito lấy lại đút tút, không nói không rằng. Hiểu nhau quá rồi, chẳng cần nói gì. Nó không hạ Funucci thì còn ai? Có ai dám hé răng mà mấy tuần sau lối xóm còn ai không biết? Vì biết nên bà con ngán Vito Corleone, ngán quá! Nó lại không thèm lãnh mối của Funucci để lại nên càng rét nữa.

Bỗng một hôm con vợ Vito dẫn về nhà một bà hàng xóm, một người cùng xứ sở mẹ goá con mồ côi, một bà mẹ ở vậy nuôi con vô cùng gương mẫu! Tháng tháng thằng con trai 16 tuổi đưa nguyên phong bì lương về cho mẹ, con bé gái thợ may 17 tuổi cũng vậy. Cả nhà còn phải lãnh nút về đơm mướn suốt đêm với giá rẻ mạt mới mong khỏi đói. Bà goá phụ Colombo gặp một chuyện khó khăn không giải quyết nổi nên phải chạy tới ôngVito Corleone cầu cứu.

Con vợ nó có lời nói trước nên Vito cứ tưởng đâu và Colombo sang hỏi vay tiền. Nếu vậy có ngay nhưng không phải. Chỉ vì một con chó, con chó cưng của thằng con nhỏ, ông chủ phố than phiền đêm hôm nó sủa dữ quá, cả xóm bực bội. Vậy phải liệng đi bằng không thì kiếm nhà khác mướn. Vì tiếc con vật và thương con nên cứ dấu lén nuôi khiến mất lòng ông chủ phố. Nên đuổi chó rồi vẫn cứ bị đuổi nhà, nếu không dọn ra đã có cảnh sát xúc.

- Nhưng tại sao bà lại đến nhờ tôi?

- Tại bà nhà biểu tôi cứ thử nói với ông!

Ra con vợ nó ghê thật. Nó làm như chẳng để ý gì đến công việc của chồng mà cũng chẳng hề hỏi đang thất nghiệp mà tiền lấy đâu ra nhiều thế. Mặt nó lúc nào cũng lặng ngắt! Vito thử đề nghị:

- Nếu bà cần chút ít tiền thì tôi giúp.

- Không... Tôi đâu cần tiền? Tôi chỉ muốn khỏi bị đuổi nhà. Ở đây bà con hàng xóm quen rồi, toàn người xứ sở mình. Nếu dọn đi chỗ khác thì mẹ con tôi khó sống quá! Chỉ xin ông Corleone nói dùm một tiếng, ông chủ phố thế nào cũng chịu.

Nếu nói một tiếng mà cả gia đình Colombo được ở lại vì ông chủthế nào cũng chịu thì Vito có tiếc gì một lời nói?

- Được, sáng mai tôi nói với ông chủ phố...

Vito liếc nhìn thấy con vợ mỉm cười, làm như sung sướng lắm. Nó biết nhưng lờ đi. "Chủ phố là ông Roberto phải không? Nếu vậy chắc được vì ông Roberto cũng là người tốt. Hoàn cảnh bà đáng giúp lắm chớ? Vậy bà yên tâm về làm ăn nuôi con đi. Sáng mai gặp ông Roberto... tôi sẽnói chuyện phải quấy với ổng!"

oOo

Chủ phố Roberto ngày nào chẳng tới ngó qua 5 dãy nhà cho mướn xóm này? Nhưng làngười tốt thì chưa chắc vì nghe nói tiền cất từng dãy nhà cho mướn toàn do áp-phe mộ phu mà có. Nghĩa làông chủ từng đi khắp miền quê mộ dân phu cung cấp cho các đồn điền, xí nghiệp.Ông chủ là người miền Bắc lại có học thức thì đám cù lần mù chữ, thất học miền Nam có coi ra gì? Nhất là bọn đầu bò đầu bướu ở Naples, ở Sicily!

Đối vớiông chủ thì chúng chỉ là thứ con sâu cái kiến, thứ vô trách nhiệm ăn đâu ỉa đấy, sân trước sân sau là để liệng rác tuốt và có thấy gián phá chuột gặm cả dãy nhà cũng làm lơ đừng ngó! Thực ra Roberto đâu phải người xấu mà là chồng tốt cha hiền. Có điều đầu óc lúc nào cũng điên lên vì tiền. Tiền kiếm được sợ ít, tiền bỏ ra làm ăn sợ mất và tiền tiêu ra sợ uổng. Tối ngày chỉ có lo tiền mà quạu quọ.

Vì vậy, đang đi đường bị Vito Corleone lễ phép chặn hỏi chút chuyện,ông chủ bực lắm. Nhưng với đám dân miền Nam thì tụi nó có hỏi gì chẳng nên làm chúng mất mặt ngang có ngày ăn dao oan. Ông chủ biết vậy nên dù thằng cha này coi bộ hiền lành cũng không dám để lộ bực bội mà chỉ dừng lại nghe một cách khó chịu.

- Bà hàng xóm Colombo bên cạnh nhà tôi là người đàng hoàng, hoàn cảnh mẹ goá con côi chật vật, tội nghiệp lắm. Chỉ vì con cho sủa bậy mà mất lòngông chủ nên vừa bị đuổi nhà. Bây giờ phải dọn tới xóm lạ thì khó sống lắm nên bà ấy nhờ tôi thưa lại với ông chủ nhủ lòng thương cho ở lại.Ông chủ là người nhân đức xưa nay chắc phải có chuyện hiểu lầm mới ra nông nỗi vì con chó đã phải cho đi rồi. Vậy ngườicùng xứ sở với nhau, mong ông nghĩ lại...

Ông chủRoberto ngó thằng ngườicùng xứ sở . Nó người tầm thước, rắn rỏi. Coi không đến nồi đầu trộm đuôi cướp, chỉ phải cái nhà quê rõ. Vậy mà cũng dám xưngcùng xứ sở ! Ben nhún vai:

- Căn nhà của mụ Colombo hả? Tôi bằng lòng cho người khác mướn rồi, tiền nhà cao hơn... đâu thể vừa sai lời với người ta vừa mỗi tháng chịu mất với mụ một số tiền?

- Mỗi tháng bao nhiêu đô?

Thấy nó gật gù coi bộ hiểu biết và hỏi vậy ông chủ phố đáp gọn "5 đô-la". Bịp, thứ nhà ọp-ẹp ở khu đất nhà ga này mồi căn 1 tháng 12 đô-la đã là cao. Ai điên trả thêm 5 đô 1 tháng?

Vậy mà Vito Corleone móc túi lấy ra bó bạc đếm đủ 6 tờ giấy 5 đô:

- Đây ông cầm lấy 30 đô, 6 tháng tiền phụ trội. Ông khỏi nói với bà Colombo, hết 6 tháng cứ tôi mà đòi. Mà nếu trả thêm tiền nhà thì nuôi chó được chớ?

- Không được! Mà anh là thằng nào mà lớn lối dữ. Coi chừng, đối với tôi mà giỡn mặt là nát xương!

- Ô hay, cái này là tôi năn nỉông chủ mà? Ông làm ơn cầm dùm tôi số tiền này, như tôi đề nghị đi. Tôi đâu dám lớn lối? Chỉ mong ông ra ơn nhận tiền dùm. Chừng được thì tốt lắm, bằng không ông nhất định đuổi nhà thì sáng mai ông cho xin lại tiền. Nhà ông thì ông toàn quyền muốn cho ở hay không tôi đâu dám nói? Còn ông thích cho ai nuôi chó... thì tôi cũng ghét chó như ông vậy!

Thấy ông chủ chưa chịu, Vito cố nhét tiền tận tay. Còn vỗ vai rất thân mật cho hay thêm:

- Ông chủ chưa biết tôi đấy thôi! Tôi là người ơn nghĩa phân minh, nhờ ông làm việc này không bao giờ quên. Ông cứ hỏi mấy người quanh đây là biết...

Sự thực ngay lúc bấy giờ ông chủ Roberto cũng đã đoán biết phần nào. Nên buổi chiều đi hỏi thăm lối xóm về thằng cha Vito Corleone xong là không đợi sáng mai mà ngay buổi tối hôm đó đã tới gõ cửa liền.Ông chủ xin lỗi đêm hôm còn tới quấy rầy và được bà Corleone mời ly rượu lo cảm ơn rối rít. Sau đó mới xin ông Corleone vui lòng bỏ qua cái vụ hiểu lầm đuổi nhà. Dĩ nhiên mẹ con bà Colombo có quyền ở lại và muốn nuôi chó cứ việc nuôi. Mấy bà con lối xóm cũng dân-ở-mướn chớ là cái thá gì dám phàn nàn nó sủa bậy? Sau cùng ông móc ra 30 đô ban sáng, đặt lên bàn. Và đi đến kết luận là:

- Thấy ông khi không còn dám bỏ tiền ra giúp bà ta... tôi thấy mắc cỡ quá. Tôi người Công giáo, tôi cũng có lương tâm chớ! Thôi, tiền nhà tôi đề nghị giữ nguyên vậy, khỏi tăng nữa!

Ông chủđóng kịch khéo quá nên Vito Corleone cũng phải đáp lễ. Vở kịch tử tế diễn ra thật hay. Vito thét gọi lấy thêm rượu thêm bánh và nắm tay ông Roberto khen tốt bụng. Cònông chủ thì nhờ biết ông bạn Vito Corleone mới hay thế gian này vẫn còn người tử tế!

Chuyện vãn một lúc ông chủ phố Roberto cung kính xin phép ra về. Ra khỏi nhà rét run cầm cập vì hú vía, suýt chết! Lên xe điện về nhà, leo lên giường ngủ liền và 3 hôm sau mới dám thò mặt xuống dưới mấy dãy nhà cho mướn.

Kể từ hôm đó Vito Corleone nghiễm nhiên được lối xóm kể như một "nhân vật" phải kính nể! Lại có tin đồn nó có gốc Mafia bự, ở tuốt bên Sicily! Một thằng chủ sòng bài lá gần đó mau mắn tới thăm, đề nghị nạp tiền tuần 20 đô-la, kể như tiền "quen biết". Mỗi tuần Vito chỉ cần tà tà tới sòng một hai lần cho bà con thấy mặt. Có thấy mặt họ mới yên chí chơi vì đã có Vito "bảo vệ" còn ai dám phá?

Mấy ông chủ tiệm bị du đãng phá phách cũng tới nhờ Vito can thiệp. Có can thiệp là có tiền mà thời buổi đó ở Nữu-Ước mỗi tuần kiếm 100 đô-la là quá rồi. Clemenza, Tessio vì là anh em và cộng sự viên nên cũng được Vito Corleone tự ý chia cho một phần.

Sau đó mới tới vụ nhập cảng dầu ăn, làm chung với Genco Abbandando. Đàn anh Genco ở trong nghề đã lâu nên lo việc chọn hàng nhập cảng, giá cả và tồn trữ. Tìm mối tiêu thụ là phần việc Tessio, Clemenza. Hai đàn anh chia nhau đến từng tiệm chạp phô, thực phẩm người Ý mời mua dầu ô-liu nhãn hiệuGenco Pura (Có bao giờ Vito Corleone chịu mang tên ra làm nhãn hiệu dầu?) Hết vùng Manhattan sang Brooklyn, sang Bronx... Vì bỏ ra nhiều vốn hơn cả nên Vito phải là chủ lớn, với một nhiệm vụ gay go. Chủ tiệm nào chê không chịu lấy hàng của Tessio, Clemenza thì Vito đích thân xuất hiện để chinh phục bằng tình cảm.

Mấy năm sau Vito Corleone lo khuếch trương công việc làm ăn và hài lòng thấy cơ sở mỗi ngày mỗi phát triển lớn. Nhãn hiệuGenco Pura có hồi đã bán chạy nhất trong số các thứ dầu ăn của Ý kia mà? Vì vậy dù có thương vợ con Vito cũng chẳng có thời giờ rảnh chăm sóc. Công việc bận bù đầu: phải cạnh tranh với các đối thủ bằng đủ mánh lới: hạ giá, chiếm mối tiêu thụ, nuốt dần thằng yếu để hạ thằng khoẻ. Muốn loại bằng hết đối thủ để độc chiếm thị trường ở một nước tự do tranh thương như nước Mỹ thì dùng những thủ đoạn thông thường đâu có được? HãngGenco Pura mới ra sau, vốn không nhiều, không chịu tốn tiền quảng cáo (ông chủ Vito chủ trương chẳng có thứ quảng cáo nào hiệu nghiệm bằng lối cổ điển quảng cáo mồm, rỉ tai) và sự thực là dầu cũng chẳng hơn gì các nhãn hiệu khác thì làm sao bán một mình một chợ nổi?

Đó là lý do Vito Corleone phải tận dụng cái mác "nhân vật phải kính nể" để phụ hoạ cho chủ trương "ruột" là biết điều trong công việc làm ăn.

Ngay từ hồi còn trẻ Vito Corleone đã nổi tiếng "con người biết điều". Không đe doạ mà chỉ đưa ra những lý lẽ không thể cãi chối, cưỡng lại. Và cho thấy ngay ai nấy cùng có ăn, khỏi người nào thua thiệt. Nhưng để phát triển làm ăn, Vito nhất định không chấp nhận cạnh tranh mà chủ trương độc quyền.

Chẳng hạn ở Brooklyn có mấy thằng lái buôn dầu có cỡ nhưng cứng đầu, không chịu chấp nhận ý kiến Vito, kiên nhẫn thuyết phục mọi lẽ lợi hại cũng vô ích. Đành giơ tay lên "đầu hàng" vậy. Nhưng nếu tao nói mày không nghe thì để chú em Tessio nói... bằng những thứ khác!

Lập tức Tessio sang Brooklyn lập tổng hành dinh và giải quyết vấn đề cái một. Dầu của nó chất trong kho thì đốt, di chuyển thì đổ bỏ. Dầu từ tàu chất lên xe hơi thì cho chảy lênh láng, biến mấy con đường bến tàu thành hồ, thành ao.

Một thằng gốc người Milan tin ở pháp luật như bổn đạo tin Chúa bèn đi thưa cảnh sát. Ngườicùng xứ sở mà làm vậy là vi phạm luậtomerta . Cảnh sát chưa thấy đâu thì thằng đi thưa đã biến mất để lại 1 vợ 3 con. Mấy thằng con lớn lên đành phải sáp nhập vào hãngGenco Pura vậy.

Cứ phát triển làm ăn như thế đó thì mấy lúc mà khá? Khi nước Mỹ bắt đầu cho bán rượu líp thì từ một công thương gia tầm thường, Vito Corleone nhảy cái một thành Ông Trùm trong giới giang hồ, nghiễm nhiên thủ lãnh cánh Corleone. Chỉ giập gầy trong khoảng thời gian vài năm.

Tất cả khởi đầu rất khơi khơi. Hồi đó hãng dầu ô-liuGenco Pura mới vỏn vẹn 6 chiếc xe chở dầu. Một bọn buôn rượu lậu nhờ Clemenza giới thiệu với Vito Corleone bàn việc chở huýt-ky từ Gia-Nã-Đại sang phân phối trong vùng Nữu-Ước. Dĩ nhiên mấy thằng lãnh công tác phân phối phải là thứ tin cậy, kín đáo và dám chơi dữ. Họ muốn Vito Corleone bao cả xe lẫn người và chịu trả giá cao đến độ ông chủ hãng dầu ra lệnh tốp chở dầu ăn để lãnh hết vụ chuyên chở rượu. Họ trả giá thật hậu nhưng vẫn không quên hù nhẹ một phát. Với con người như Vito thì có đe doạ thẳng thừng hay chửi vào mặt cũng chẳng vì vậy mà bỏ qua mối lợi. Hắn mổ xẻ và thấy ngay chỉ đe doạ láo, do đó coi nhẹ hẳn cả bọn.

Làm ăn đã ra tiền Vito Corleone còn hiểu biết thêm, kinh nghiệm thêm và giao thiệp rộng thêm. Nếu nhà băng lo làm giàu thì hắn lo thâu ơn nghĩa để một mai có ngày cần đến. Một thứ đại ân nhân của những gia đình Ý nghèo nàn, lãnh rượu về nhà bán kiếm thêm chút lời, huýt-ky cứ 15cents một ly. Đứa con út của goá phụ Colombo chịu lễ thêm sức thì nhận ngay làm con đỡ đầu, cho hẳn một món đồ vàng 20 đô-la.

Chuyên chở rượu lậu thì tránh sao khỏi đụng đầu cớm? Để thủ thế sẵn, Genco được lệnh mướn ngay một ông thầy kiện bồ bịch với rất nhiều cò và thẩm phán. Tổ chức Corleone bắt đầu có cả một danh sách những viên chức phải lo lót tiền tháng. Khi thấy cái "lít" lo lót này quá dài, ông thầy kiện sợ thân chủ tốn tiền đề nghị cúp bớt thì Vito Corleone lắc đầu: "Khỏi. Cứ người nào đáng lo là mình lo, bây giờ họ chưa giúp thì sau này họ sẽ giúp. Tôi tin ở tình bạn và bổn phận mình là phải biểu lộ tình bạn trước."

Với thời gian cơ sở Vito Corleone lớn dần: nhiều xe hơn, "lít" lo lót dài hơn và bọn đành em của Tessio, Clemenza dĩ nhiên phải đông hơn nữa. Người đông thì làm ăn lộn xộn, nếu ông chủ không phân chia hệ thống đàng hoàng. Do đó, Tessio và Clemenza mới chính thức lãnh chứccaporegime , mỗi đứa chỉ huy một toán và Genco Abbandando được phongconsigliori . Giữa Vito Corleone và đám đàn em là nhiều trái độn để Ông Trùm chỉ phải ra lệnh cho Genco hoặc một trong haicaporegime , khỏi ai trông thấy nghe thấy để làm nhân chứng!

Ngaycaporegime Tessio cũng được lệnh tổ chức biệt lập, chịu trách nhiệm trọn vùng Brooklyn. Rõ ràng Vito Corleone muốn tách rời hai đàn em, nếu không có gì cấp thiết thì gặp nhau cũng kỵ nữa. Tessio được giải thích là sự tách rời không ngoài vấn đề bảo vệ an ninh cho tổ chức nhưng một người thông minh như hắn làm gì không hiểu ngầm rằng Ông Trùm phòng ngừa trước nạn hai thằng đàn em mạnh nhất liên kết nhau để hạ bệ đàn anh hay đặt vấn đề yêu sách! Tessio được toàn quyền hoạt động trong vùng Brooklyn nhưng vùng Bronx của Clemenza còn phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Ông Trùm. Clemenza bề ngoài vui nhộn thật nhưng Tessio hơn ở khoản liều, độc và vô kỷ luật nên lúc nào cũng phải kềm cho chặt!

Thời buổi kinh tế khủng hoảng còn giúp Vito Corleone lên nữa, nghiễm nhiên có quyền xưng danh Ông Trùm từ đấy. Dân Nữu-Ước đói cả đám, người tử tế kiếm việc lương thiêng không ra. Nhiều đấng tai to mặt lớn đành muối mặt lãnh đồ cứu trợ của nhà nước, miễn vợ con khỏi đói. Nhưng người của Ông Trùm Corleone khỏi lo đói đã đành mà lúc nào cũng tiền đầy túi lại khỏi lo mất sở! Nhũn nhặn đến như Vito cũng không thể không kiêu hãnh: thằng nào làm cho ta, làm đàng hoàng và phục vụ tận tình không kể đến bản thân thì chắc chắn sẽ no ấm. Có lỡ kẹt trong vòng lao lý thì vợ con cũng có người chu cấp đàng hoàng, không phải bố thí bữa no bữa đói mà ở tù cũng lãnh lương đủ!

Vito Corleone nổi tiếng nhân đạo đâu phải vì lòng thương người khơi khơi? Nếu vậy đã thánh thiện! Phải thế nào mới được. Lỡ đi hàng bị cớm vồ quả tang phải câm họng. Không cung khai tùm lum thì tức khắc vợ con có người chiếu cố. Ra tù còn có người đón, đặt tiệc tẩy trần tại nhà muốn gì có nấy và bà con bè bạn còn xúm lại chia vui. Rất có thể nửa đêm ôngconsigliori hay đích thân Ông Trùm - bất thình lình hạ cố tới nâng ly rượu danh dự để chào mừng người hùng trở lại. Sau đó người hùng sẽ có tấm xéc hay món tiền còm đủ để đưa vợ con đi du hý cỡ nửa tháng ăn chơi cho bỏ lúc gian khổ. Rồi mới bắt tay vào công việc như xưa. Đó, muốn được hưởng lòng nhân đạo của Ông Trùm là phải như vậy.

Lúc bấy giờ Ông Trùm Corleone mới nảy ý tưởng so sánh. Mình chơi ngon vậy mà mấy thằng lớn đầu thế lực bảnh hơn nhiều nhưng xử sự thì dở ẹt. Chúng lại còn cản đầu nhiều phen. Nếu không ngon sao bà con lối xóm đổ xô tới nhờ vả hoài hoài? Khi nhờ xin sổ cứu trợ, khi năn nỉ gắp một thằng con khỏi tù hay cho nó công việc làm. Người năn nỉ giựt tiền lửa, người xin can thiệp chủ phố bớt tiền nhà.

Có người nào tới mà Ông Trùm Corleone không giúp đỡ? Rất tận tình và con lựa lời an ủi cho khỏi tủi lòng vì ngửa tay xin xỏ, vay mượn. Nhờ đức độ hào hùng ấy Ông Trùm được tôn xưngBố-Già , nghiễm nhiên là một thứ cố vấn có việc thắc mắc gì không giải quyết nổi là chạy tới hỏi. Ngay những dịp bầu cử hội đồng, viên chức hay dân biểu nghị sĩ đám dân Ý dốt nát không biết bầu cho ai thường tới hỏi Ông Trùm. Nắm một số phiếu đáng kể trong tay làm gì Vito Corleone không được các đảng, các ông thủ lãnh ve vuốt? Cùng lúc đó Vito Corleone còn nhìn xa trông rộng để lo đầu tư lớp tuổi trẻ: gia đình nghèo có con học xuất sắc là thế nào cũng trợ cấp cho học lên Đại học. Mấy năm sau thiếu gì thứcon cháu nhà luật sư, thẩm phán và cả biện lý, chánh án? Lối chuẩn bị tương lai như vậy thì có thua gì một nhà lãnh đạo quốc gia cỡ lớn?

Chẳng hạn như đang làm giàu nhờ rượu lậu mà khi không nhà nước ban hành luật sản xuất huýt-ky tự do thì một tay nào khác hẳn sẽ chới với. Nhưng Vito Corleone thì khỏi. Tính toán sẵn cả rồi! Năm 1933 sứ giả của Ông Trùm đã tiếp xúc với vua cờ bạc Manhattan, Harlem là tay tổ Maranzano.

Hồi đó Salvatore Maranzano làm trời trong giới giang hồ nhờ 2 nguồn lợi vĩ đại là sòng bạc và cho vay lời cắt cổ. Có sòng bài lập tức có một đàn cá mập bu quanh, sòng càng sống càng béo cá. Con môi trường nào béo bở cho bọn xét-ty bằng chiếu bạc? Đám lao động phu phen càng ít tiền càng hăng thử thời vận và càng ham tiền góp tiền đứng! Thôi thì đủ mọi hình thức cờ bạc. Từ xì-phé, già-dách đến cá ngựa, cá xe, cá banh. Số đề, xổ số lậu còn đông nữa!

Lợi tức nhiều nhất nên thế lực Maranzano mạnh nhất. Đời nào hắn chấp nhận chia hai quyền lợi như Vito Corleone đề nghị dù thêm cánh Corleone là có quyền thêm đất Brooklyn, Bronx lại rõ ràng có thêm vây cánh, thế lực đáng kể! Đã từ chối hắn lại coi Ông Trùm không ra gì nữa.

Một phần Maranzano ỷ ở bồ Al Capone, vua găng-tơ Chicago. Một phần cánh hắn tổ chức sẵn đàn em đông, sẵn súng sẵn tiền quá. Hắn đâu thể nhượng bộ một thằng lái buôn láu cá chỉ cậy thần thế đám nghị sĩ, dân biểu? Một thằng mới lên... phải chi nó có gốc Mafia đi! Đó là nguyên nhân phát động trận đại chiến năm 1933, biến cố làm đảo lộn giới giang hồ Nữu-Ước.

Ai cũng thấy ngay lực lượng đôi bên chênh lệch quá. Cánh Maranzano đã mạnh còn có những tay súng dữ ác. Nó bồ với Al Capone, đánh tiếng là có viện trợ ngay. Nó đi hẳn với cánh Tattaglias, đương kim vua đĩ Nữu-Ước, vua ma tuý! Tư bản, tài phiệt là nó nắm hết: mấy ông to đầu hai ngành xây cất và sản xuất quần áo còn phải mướn người của nó để ra tay đàn áp bọn đầu sỏ nghiệp đoàn người Do Thái, người Ý.

Lực lượng đánh đấm của Vito Corleone có gì ngoài hai toán "dũng sĩ" của Tessio, Clemenza? Tổ chức ngon thật nhưng người ít quá! Thế lực dân biểu, nghị sĩ thì có nghĩa lý gì so với bọn tài phiệt, tư bản đứng hẳn về phe Maranzano? Nhưng Vito Corleone có một ưu thế lợi hại. Đó là tổ chức rất bí mật, núp trong bóng tối đánh ra. Thực lực phe Corleone ra sao giới giang hồ có ai hay mảy may? Nhiều cha cứ tưởng Tessio là một cánh riêng, không liên quan gì đến Corleone. Tuy nhiên ưu điểm này có lợi hại đến mấy thì vẫn còn thua quá xa, nên bất thình lình Vito không bung ra một đòn tuyệt vời. Chỉ một đòn mà quân bằng hẳn tình thế mới thần sầu!

Số là để hạ thằng mới nhảy vô nghề, Maranzano nhờ đàn anh Al Capone cho mượn nguyên cặp hung thần từ Chicago sang.Bạn bè Corleone và bọn đàn em nằm vùng bèn cho Nữu-Ước hay và phi báo đích xác chúng sẽ đáp chuyến xe lửa mấy giờ. Ông Trùm cử thằng người nhà Luca Brasi lo tổ chức "đón tiếp". Còn gì đáng mừng cho Luca bằng, có dịp xả hết thú tính tích lũy trong con người ác ôn của nó!

Luca mang 3 đàn em ra ga. Một thằng lái tắc-xi hờm bên ngoài, một thằng làm phu khuân vác hành lý dùm hai ông khách ra xe. Hai ông khách vừa nhảy lên tắc-xi thì Luca và thằng em cũng lên theo, súng đi trước để mời hai bạn Chicago xuống sàn xe nằm. Chiếc tắc-xi vọt tới một nhà kho ngoài bến tàu, địa điểm chọn sẵn. Xuống xe phải khiêng hai ông khách chân tay bị trói ké, họng la hết nổi vì nhét cứng những khăn lông.

Brasi xách cái rìu để sẵn một bên hỏi thăm một ông trước. Chặt hai phát rồi 2 bàn chân đã. Rồi chặt rụng đầu gối, tiếp theo mới băm thêm vài nhát cho đùi rời thân mình. Hồi đó Luca còn sức trai mạnh lắm nhưng có phải vung cú nào cũng một nhát đứt đâu? Cũng đỡ là xong phần đùi khỏi mất công chặt thêm vì không cần nữa. Vậy mà sàn nhà đã lênh láng máu và bầy nhầy những thịt vụn.

Ông khách thứ hai Luca khỏi phải xuống tay. Trước cảnh chặt thịt, vị hung thần của Al Capone chết khiếp ráng nuốt chiếc khăn lông cho chết nghẹt còn nhẹ nhàng hơn. Xét ra nuốt sao nổi... nhưng rõ ràng cảnh sát mổ tử thi giảo nghiệm đã tìm thấy chiếc khăn lông nằm trong bao tử.

Ít hôm sau có mấy hàng Vito Corleone gửi sang Chicago chongười anhem Al Capone, đại khái nói: "Người anh em chắc đã thấy chúng tôi tiếp đón kẻ thù như thế nào. Hà, cỡ một thằng người Naples lại xía vô vụ tranh chấp giữa hai thằng Sicily? Nếu là bạn thì xin ghi dùm món nợ ân tình, cần đến tụi tôi sẽ có cách đền đáp. Một tay chơi như người anh em hẳn phải nhận ra lợi điểm có một thằng bạn - thay vì kêu gọi người anh em giúp đỡ, thì tự lo lấy phận mình để rồi một buổi khó khăn nào đó có thể sẵn sàng đứng ra giúp dùm người anh em chớ? Nếu người anh em chẳng thèm coi tụi tôi là bạn thì thà vậy đi. Có điều phải cho hay trước là thời tiết thành phố bầy hầy không hạp với người Naples, người anh em chớ có léo hánh tới."

Nội dung "văn thư" xấc vậy đó vì sự thực Ông Trùm Corleone vẫn liệt cánh Al Capone không hơn một phường hiếu sát ngốc nghếch. Mật vụ nằm vùng cho hay đàn anh đã mất tay ngôi chính khách phần vì thái độ côn đồ lộ liễu, phần vì đã có mùi làm giàu phi pháp. Đúng thế, quan điểm của Ông Trùm xưa nay vẫn là Al Capone hay phe nào đi nữa mà không có thế lực chính trị làm hậu thuẫn, không được bà con che đậy, thì cũng bị triệt như bỡn. Đúng là Al Capone đang đi vào con đường chết. Và cứ cho rằng lực lượng phe hắn có ghê gớm thực sự thì cũng chỉ ghê gớm quanh quẩn vùng Chicago chớ không hơn.

Đòn chiến thuật của Vito Corleone thần hiệu! Không hẳn thiên hạ ngán ở chỗ chơi quá dữ mà vì phản ứng thật cấp kỳ, ổng làm cái rụp dễ sợ quá. Nếu mật vụ của Corleone ghê gớm như vậy thì giở đòn gì ra còn dám rước thêm tai hoạ nữa! Thôi thì tốt hơn là biết điều kết bạn cho rồi, còn có chút nợ ơn nghĩa. Sau đó phe Al Capone bèn có lời phúc đáp bất can thiệp.

Thế là quân bình lực lượng! Toàn thể giới giang hồ dao búa Mỹ quốc sững sờ và đâm nể mặt Vito Corleone quá xá chỉ vì dám hạ nhục cả phe Al Capone. Sáu tháng liền cánh Corleone đánh lớn và Maranzano cứ chạy dài. Sòng già-dách chỗ nào cũng bị cướp. Thằng bao đề số 1 của Maranzano toàn khu Harlem bị hốt nguyên một ngày thâu, vồ hết tiền còn mượn luôn tập cuống biên lai giấy biên đề nữa. Mọi cơ sở, mọi ngành đều bị phá tan hoang. Đàn em Maranzano ăn tiền chủ nhân đàn áp cán bộ nghiệp đoàn cắt may thì người của Clemenza nhảy vô binh công nhân làm thịt bằng thích.

Làm sao đỡ nổi, cú nào Maranzano cũng lãnh đủ vì bộ óc Ông Trùm Corleone siêu việt quá, tổ chức cừ quá! Nết hung dữ giết người như chơi của ông địa Clemenza được sử dụng đích đáng vào việc lật ngược tình thế. Chừng đó mới thảy trọn lực lượng phòng hờ củacaporegime Tessio vào dứt trận, nghĩa là thanh toán "mấu chốt" Maranzano.

Dĩ nhiên trước đó vua cờ bạc cuống quýt cử người đi năn nỉ xin hoà song bao nhiêu sứ giả đều chẳng có cách nào gặp Vito Corleone. Bọn đàn em thấy cơ nguy, không muốn thí mạng bèn rủ nhau lỉnh hết. Đám bao đề, đám xét-ty trở cờ vác tiền chung cho phe Corleone. Trận chiến kể như dứt.

Nhưng Maranzano còn thì còn việc làm cho Tessio. Gãcaporegime rắn độc bèn sắp đặt để mấy thằng đàn em thân tín nhất của nó bán đứng thủ lãnh, mang thủ lãnh nạp mạng cho rồi còn làm ăn nữa! Mấy ông đàn em chọn đúng đêm Giao thừa, hết năm 1933 bước qua 1934 để "giao hàng": chúng bịa chuyện Vito Corleone bằng lòng gặp đàn anh ở một nhà hàng lớn khu Brooklyn, còn tình nguyện làm cận vệ đưa Maranzano đi phó hội. Chúng hướng dẫn đàn anh vô ngồi bàn nhấm nháp mẩu bánh rồi nhanh chân biến gấp để nhường chỗ cho Tessio dẫn 4 thằng đàn em bước vô. Vụ lấy mạng diễn ra quá gọn: đàn anh Maranzano ăn đạn chì nát người miệng vẫn còn mẩu bánh đang nhai dở.

Lúc bấy giờ mới dứt hẳn. Bao nhiêu mối làm ăn của người quá cố bèn lẹ làng nhập một với tổ chức Vito Corleone. Người nào việc ấy in như cũ, khỏi thay đổi. Ông Trùm còn đoạt thêm một chiến lợi phẩm "bên lề" là nắm được nghiệp đoàn công nhân may cắt Nữu-Ước.

Công việc làm ăn lên như thế nhưng việc nhà mới làm điên đầu Ông Trùm. Thằng Santino Corleone, đứa con trai đầu lòng chứ ai? Sonny mới 16 tuổi nhưng ngực nở vai rộng, cao đúng thước tám đáng ngại quá rồi. Thằng Fred ngoan ngoãn, Michael vừa chập chững biết đi. Chỉ có mình nó, mình thằng Sonny luôn luôn gây vạ. Chẳng học hành gì, tối ngày lo đánh lộn làmBố-Già Clemenza ngán quá. Một hôm ông bố đỡ đầu buộc lòng phải cho ông bố đẻ hay một vụ động trời của ông con Sonny: Nó ngu quá, vác súng rủ hai thằng bồ bịch đi ăn cướp, trời đất!

Ông Trùm đùng đùng nổi giận. Cả đời chỉ giận dữ vài lần. Bèn hỏi có thằng Tom mấy năm nay nuôi trong nhà có dính vô không thì Clemenza lắc đầu. Một chiếc xe được cử đi lôi đầu thằng Sonny tới văn phòng hãng dầuGenco Pura gấp.

Nhưng chịu, đành bó tay không làm gì được nó. Có hai cha con, trong phòng, Vito Corleone đã phải giở thổ ngữ Sicily ra chửi, chửi một mách tàn tệ, mất mặt. Rồi hỏi gặng: "Mày có quyền gì làm cái việc ngu xuẩn đến như vậy? Mà tại sao làm vậy mới được chớ?"

Sonny nín thinh, lại làm mặt cáu giận. "Sao mày ngu vậy? Được bao nhiêu mà làm? Hai mươi... hay năm mươi đô? Mày thí thân mày vì bấy nhiêu đó hở thằng khốn?"

Nó không trả lời. Nó làm như không nghe. Sonny buông đúng một câu: "Con thấy bố hạ Fanucci."

Giơ hai tay kêu "Trời" một tiếng... rồi "À... à... à" gieo mình xuống ghế, Ông Trùm ngồi chết lặng.

- Lúc Fanucci về... mẹ bảo con về nhà được. Con thấy bố lên tuốt nóc nhà. Con đi theo. Bố làm gì con thấy hết. Con núp một chỗ, bố thảy cái ví liệng khẩu súng con cũng biết nữa!

Ông Trùm cất tiếng thở dài. "Nếu vậy thì tao hết nói được mày thực. Bây giờ mày hết muốn học, mày không muốn làm luật sư? Mày không biết một thằng luật sư ôm cạc-táp "làm ăn" còn mạnh hơn cả ngàn thằng bịt mặt có súng?"

Sonny nhe răng cười: "Thôi... Con làmviệc nhà ." Thấy nó cười mà bố không nói không rằng, không la mắng mà cũng không cười theo, Sonny thêm vô một câu: "Con dư sức học bán dầu ô-liu chứ bộ?"

Ông Trùm ngồi yên. Chừng lên tiếng chỉ triết lý một câu: "Thôi thì mỗi người mỗi phần số hết." Có ý ám chỉ định mệnh đã run rủi thằng con cả vô nghề này nên mới cho nó thấy vụ thằng Fanucci. Vito quay mặt đi, thẫn thờ nói: "Sáng mai 9 giờ đúng, mày tới đây. Genco sẽ giao công việc."

Một tayconsigliori ngon như Genco làm gì không biết thâm ý ông xếp? Nên công việc của Sonny chỉ là ngày ngày đeo theo bố làm cận vệ, lúc nào cũng có một bên Ông Trùm để vểnh tai nghe "lời vàng tiếng ngọc". Cứ ngồi ngoài nghe cũng lãnh hội thiếu gì kinh nghiệm làm ăn? Rõ ràng Genco đã sắp đặt cho Sonny có cơ hội gần gụi để đích thân ông bố gián tiếp truyền nghề.

Có ngày nào Vito Corleone không cảnh cáo thằng con lớn về tật dễ nổi nóng? "Mở miệng ra là đe doạ" là sơ hở lớn nhất, điên khùng nhất. Không suy nghĩ, nổi khùng lên cái gì cũng "dám làm" là dễ mất mạng nhất. Con người Vito Corleone không thể như vậy, tuyệt đối cả đời chẳng đe doạ ai, chẳng nổi sùng ẩu. Ông bố muốn nhét thằng con lớn vào khuôn khổ kỷ luật đó nên luôn miệng nhắc nhở: "Trên đời không có cái gì lợi cho bằng mình lỗi một đối phương cứ tưởng mười... và mình bảnh mười mà anh em bồ bịch vẫn đinh ninh mới có một".

Về phương pháp, kỹ thuật làm ăn Sonny được danh sư Clemenza uốn nắn chỉ vẽ, từ sử dụng súng đến xiết cổ bằng dây. Vì lo dạy dỗ thật tận tình nên ông thầy lấy làm buồn trò Sonny chê xài dây lối Ý xưa quá, chơi súng như Mỹ gọn hơn, giản dị hơn nhiều. Sonny đi với bố đều đặn, chăm chỉ lái xe và bao nhiêu việc vặt cũng một tay nó làm đỡ. Hai năm liền nó là một týp cậu-cả-con-ông-chủ, làm ăn tà tà, chẳng cần hăng hái, sốt sắng. Trong khi đó thằng bạn mồ côi Tom Hagen nó dẫn về từ dạo đó vẫn học tiếp lên Đại học. Thằng Fred chưa xong trung học và Michael đang ngồi tiểu học, con bé Connie mới lên 4. Nhà đã dọn sang một căn lầu rộng vùng Bronx nhưng Ông Trùm có ý mua trọn khu đất ở bên Long Beach cất nhà, năm ba căn quây quần nhau như dự tính bấy lâu nay.

Vito Corleone là người nhìn xa. Giới giang hồ làm ăn ngoài lề pháp luật ở Mỹ quả năm bè bảy mối. Đô thị nào chẳng có vài ba cánh tranh ăn đụng độ liên miên? Mấy đàn anh lên được là đòi chia đất, lấn đất. Một giang sơn như của Vito Corleone mà không lo thủ kỹ thế nào cũng có thằng nhảy vô phá. Tranh ăn, đâm chém nhau nhiều bao nhiêu chỉ mau chết. Báo chí chánh quyền sẽ vịn vào đó yêu cầu pháp luật thẳng tay trừng trị, cảnh sát sẽ đàn áp mạnh. Dư luận mà phẫn uất quá độ ắt tự do dân chủ gì cũng tạm thời cúp hết và giới giang hồ sẽ chết nhe răng với nhau.

Đó là lý do lo xong công việc nội bộ, Ông Trùm Corleone muốn đứng ra hoà giải các nhóm đương chiến ở Nữu-Ước và sau đó trên toàn quốc.

Đối với Vito Corleone, đó là một sứ mạng và chẳng nguy hiểm gì mà phải ngại. Bèn để ra một năm trời để dọ dẫm, tiếp xúc đủ mặt thủ lãnh Nữu-Ước để cùng thử vạch kế hoạch chia đất, chia ảnh hưởng. Sẽ tiến tới một liên hiệp, một tổ hợp... nhưng liên kết sao nổi bằng ấy phe nhóm, quyền lợi đụng chạm nhau rầm rầm? Như bất cứ một vị lãnh chúa nào từng đặt để ra luật pháp và trật tự cho xã hội, Ông Trùm Corleone đi đến một quyết định: phải chặt bớt, triệt bỏ bằng hết những phe nhóm không ra hồn. Chỉ một số vừa vặn được quyền tồn tại và lúc ấy mới có thể nói chuyện trật tự, kỷ luật.

Được tồn tại vỏn vẹn năm sáu cánh, năm sáu "họ" có thực lực. Còn bao nhiêu bắt buộc phải giải nghệ. Mấy thằngBàn Tay Đen bắn mướn cắc-ké, bọn cá-mập không gốc, bọn bao đề, xổ số không có thầy chú che chở để làm ăn đàng hoàng là phải "đi" hết. Chậm chạp là bị cánh Corleone coi như có nhiệm vụ quét liền.

Vito Corleone đã tung tối đa lực lượng vào vụ tổng càn quét Nữu-Ước. Vậy mà cũng phải mất 3 năm... và cũng hung hiểm ra gì?

Lần gay go nhất tưởng đâu Ông Trùm suýt đi luôn. Mấy thằng chuyên viên đánh đấm gốc Ái-Nhĩ-Lan xưa nay cứng đầu quen làm ăn lẻ nghe nói bị cánh Corleone bôi tên bèn liều chết xông tới nổ, một ăn hai mất mạng. Hàng rào an ninh của Vito Corleone đốn bằng hết, nhưng vẫn lọt lưới một thằng. Trước khi ăn đạn nát thây nó cố để bằng được một phát vào giữa ngực tay tổ!

Ông bố nằm dưỡng thương, cậu-cả-con-ông-chủ Sonny Corleone thừa dịp ra tay, lựa người lập một toán đánh đấm riêng.Caporegime Sonny lầm lỳ chứng tỏ biệt tài đánh đường phố.

Nó không tính toán như bố mà bắn là bắn tàn nhẫn. Vỏn vẹn 3 năm 1935-36-37 Sonny thành danh đao-phủ-thủ, tay súng khôn nhất, đáng gờm nhất trong giới giang hồ Mỹ quốc, chỉ nhường Luca Brasi ở khoản tàn độc.

Hồi đó còn thằng dân chơi thứ dữ Ái-Nhĩ-Lan nào lọt sổ là một tay Luca Brasi sục sạo rượt theo "bôi sổ" bằng hết. Có mỗi mình nó xách súng đi làm ăn mà bọn làm-ăn-lẻ bị quất tơi bời, thảm hại quá nên một Ông Trùm có tiếng trong 6 họ lớn Nữu-Ước phải lên tiếng can thiệp. Vừa có ý đứng ra bảo vệ, Luca cảnh cáo, bắn chết tươi! Cũng may là sau đó Ông Trùm Corleone bình phục, kịp thời dàn xếp cho yên.

Từ năm 1937 giới giang hồ Nữu-Ước hết sóng gió, lâu lâu mới có một vụ hiểu lầm nho nhỏ, một vụ nổ súng lẻ tẻ, dù cũng có người chết.

Gặp buổi bình thời Ông Trùm Corleone vẫn không ngừng cảnh giác, như lãnh chúa lo bảo vệ thành trì không cho bọn rợ xâm phạm giang sơn. Cũng phải nhìn ra thế giới bên ngoài để biết Hitler đang lên, Tây-Ban-Nha mất và Ăng-Lê chạy mặt Đức ở Munich. Điệu này phải đại chiến thế giới mà chiến tranh dám gây ra rất nhiều phiền toái. Nhưng vững vàng như giang sơn nhà Corleone thì khỏi sợ. Biết nhìn xa thì chiến tranh còn là dịp làm giàu mau, tha hồ bốc lớn nữa. Miễn là mình thái bình!

Là người viễn biến, Vito Corleone làm một cuộc du thuyết, vận động toàn quốc. Sứ giả hoà bình trong giới giang hồ giữa năm 1939 đã có công lập bản thỏa ước giữa tất cả các phe nhóm anh em. In hệt như Hiến-Pháp Hiệp-Chủng-Quốc, bản thoả ước nhìn nhận "chủ quyền" từng phe, từng nhóm... chia đất, chia ảnh hưởng để duy trì hoà bình trong giới giang hồ.

Thế chiến II bùng nổ và năm 1941 Hoa-Kỳ tham chiến thì rúng động cả nước nhưng giang sơn biệt lập của Corleone còn thái bình hơn bao giờ hết để lợi dụng thời cơ hốt bạc như bất cứ ngành kỹ nghệ sản xuất nào. Bông thực phẩm, bông xăng cũng là tiền, mà giấy phép xuất ngoại cũng ăn có không ít. Cánh Corleone bắt áp-phe đấu thầu cung cấp cho Bộ Quốc Phòng và tha hồ phát bông mua vải cho các hãng cắt may không đủ vải làm. Ông Trùm còn lo cho bọn thủ hạ đang phục vụ cho mình đúng tuổi quân dịch khỏi phải đi lính đánh nhau ở mãi tận đâu đâu. Thông lưng với bọn quân-y-sĩ, trước khi khám sức khoẻ uống bậy vô một thứ thuốc nào đó... hoặc gài bằng được tên nó vào danh sách những thằng được quyền hoãn dịch vì cần thiết cho kỹ nghệ quốc phòng.

Dĩ nhiên Ông Trùm Corleone có quyền vênh mặt: tụi bay người của tao, ở trong giang sơn của tao, phục vụ cho tao thì đại chiến cũng có sao đâu? Tin tưởng ở luật pháp, trật tự xã hội như chúng nó thử coi? Cả triệu thằng chết mất xác! Kẹt có chút xíu là giữa lúc đó cậu út Michael bỗng xung phong nhập ngũ để phục vụ tổ quốc. Mấy thằng nhãicon cái nhà lạ quá, cũng rầm rầm tình nguyện. Có thằng dám trả lời ôngcaporegime rằng "Xứ sở này ban ơn cho tôi nhiều quá". Nghe thuật lại, Ông Trùm Corleone quắc mắt: Còntao đây ... tao không ban, tao không tốt? Lẽ ra là bọn nó phải mệt rồi... nhưng không lẽ con mình cũng làm vậy không trừng phạt mà nhè hỏi tội bọn nó? Đành phải bỏ qua.

Thế chiến II chấm dứt là Ông Trùm Corleone biết đã đến lúc giang sơn mình phải đặt lại vấn đề làm ăn lần nữa cho thích hợp với thế giới bên ngoài. Ổng tự tin làm được, khỏi sợ thua thiệt vì từng có kinh nghiệm sống: ít ra cũng có 2 vụ làm Ông Trùm mở mắt!

Trước hết là vụcướp ngày mà vợ chồng thằng Nazorine là nạn nhân. Lâu rồi hồi đó tụi nó mới cưới nhau, lo đi mướn nhà ở riêng và dám để ra hẳn 300 đô-la tiền mồ hồi nước mắt để sắm đủ thứ bàn ghế giường tủ cần thiết cho tổ ấm. Ông nhà thầu cung cấp đồ gỗ chớp tiền lẹ lẹ, hẹn tuần sau giao đồ. Nhưng đồ làm sao có, khí cũng ngay tuần sau hãng bị tuyên bố khánh tận tài sản, kho hàng niêm phong lại chờ bán đấu giá trả cho chủ nợ. Dĩ nhiên bao nhiêu chủ nợ bu lại nhưng con nợ biệt luôn để khỏi nghe chửi. Đau quá, vợ chồng Nazorine đi hỏi luật sư mới hay cứ việc vô đơn kiện đòi nợ, toà xử tới xử lui cỡ vài ba năm sau thìhy vọng được hoàn lại tiền và may nhất được cỡ 1 phần 10!

Nghe chuyện Ông Trùm Corleone ngạc nhiên: vậy là nó ma giáo, lách qua pháp luật rồi. Chủ nợ làm gì được? Vila, xe hơideluxe toàn đứng tên vợ, việc làm ăn là củacông ty mà nó chỉ là một trong những người có phần hùn, nghĩa là trách nhiêm cũng có chớ... nhưng vô cùng hữu hạn! Luật pháp là như vậy, nhưng có lẽ nào vợ chồng thằng thợ làm bánh Nazorine nạp tiền xương máu cho ông nhà thầu nuôi con ăn học Đại học? Nó sắp bị tuyên bố khánh tận mà còn tỉnh khô nhận 300 đô mà? Việc giải quyết quá dễ: ôngconsigliori Genco chỉ đến tận nơi nói phải quấy mấy phút là ông nhà thầu láu cá biết nguy nuốt không nổi... bèn nhả ra đủ số đồ đạc cho riêng vợ chồng chủ nợ Nazorine!

Sau đó là một vụ có hậu quả nặng hơn nhiều. Khoảng 1939, Vito Corleone đã tính dọn nhà ra Nữu-Ước chọn một vùng ngoại ô hay tỉnh lỵ nào đó cho thanh vắng và chẳng ai biết đến mình. Con cái cũng muốn cho học trường lớn cùng với những con nhà đàng hoàng. Bèn mua luôn cư xá Long Beach nhà có sẵn 4 căn và đất còn nhiều . Năm đó Sonny sắp lấy vợ, vậy vợ chồng nó một căn, ông bà Trùm một, nhà Genco Abbandando một và một căn để trống.

Mới dọn nhà được tuần lễ thì có 3 ông thợ đi cam-nhông đến viếng, tự xưng có bổn phận xem xét ống lò khắp thị xã. Thằng cận vệ của Ông Trùm dẫn vô, đưa xuống nhà dưới xét lò sưởi trong khi ông bà Trùm và Sonny ngồi hứng gió biển ngoài vườn. Ông Trùm Corleone đã có vẻ bất mãn khi bị thằng cận vệ mời vô coi 3 công nhân nhà nước khi không hùng hục giở cái lò bất hợp lệ, làm nát cả cái nền xi-măng. Cả 3 ông cùng bự con, hung hăng. Ông xếp còn la:

- Lò nhà này hư hết! Muốn sửa chữa, đặt lại cho đúng luật thành phố thì ông chủ cho xin 150 đô tiền mua các bộ phận thay thế và nhân công. Bằng không Ty Vệ-sinh sẽ không cho phép xài. Đây, có cái giấy này của tụi tôi dán lên thì chẳng ai đòi xét nữa.

Hắn vừa nói vừa nham nhở chìa ra một "lá bùa" đo đỏ . Ông Trùm lấy làm thú vị. Cả tuần nay bỏ bê công chuyện làm ăn, chỉ lo nhà cửa cho xong đã có ý chán ngấy. Bèn cố tình sửa giọng thật là nhà quê.

- Nếu tôi không đưa tiền cho mấy ông... thì cái lò này sẽ ra sao?

- Thì nó cứ nằm y nguyên thế này!

Hắn điểm một cái nhún vai, đưa tay chỉ đống bộ phận lò sưởi vừa gỡ ra nằm la liệt dưới đất. Ông Trùm bèn hẹn "Chờ tôi đi lấy tiền" rồi trở ra vườn bảo Sonny: "Mày vô coi mấy ông thợ làm lò. Họ nói gì tao chẳng hiểu. Mày vô tính cho xong chuyện..." Dĩ nhiên đâu phải trò đùa mà thôi? Còn là dịp tốt để thử thách chân cẳng Sonny, xem cậu-cả-con-ông-chủ xử trí thế nào...

Lối xử trí của Sonny chẳng hạp với ông bố chút nào. Nó phũ quá, thiếu chất tế nhị truyền thống Sicily. Nó la bủa giọng ào ào, thiếu cái bén nhọn của một mũi dùi nhọn hoắc.

Vì vừa nghe hiểu ý ông xếp muốn gì là Sonny rút súng ra, quát bọn cận vệ tẩm quất cho 3 ông một mách mở hàng. Rồi bắt đặt lại lò ngay ngắn, thu xếp cái nền cho gạch. Xét người té ra ba ông chẳng phải người nhà nước mà là thợ làm công cho một hãng sửa chữa nhà cửa quận Suffolk. Nó lấy địa chỉ, tên tuổi ông chủ đoạn thảy 3 ông lên cam-nhông doạ: "Chớ có để tao thấy mặt ở vùng này. Tao mà gặp thì tụi bay dế nằm trên cổ!"

Hồi đó Santino Corleone có lối xử trí công việc gọn gàng như vậy, hiền hơn sau này nhiều và ưa "lành mạnh hoá" địa phương nó sống. Ông chủ hãng sửa nhà phố được Sonny ghét hăm, yêu cầu chớ gởi nhân viên đi xét lò ở Long Beach mà mang hoạ. Sau khi bắt bồ với ông cò địa phương thì cứ có án mạng, cướp của giết người códân chuyên nghiệp dính vô là Sonny có ngay bản sao tờ trình. Chưa đầy một năm mà Long Beach đâm hiền nhất nước Mỹ! Mấy dân ăn hồ ăn chĩa hay côn đồ anh chị đều được cảnh cáo đi nơi khác làm ăn. Bướng bỉnh nấn ná làm một cú thì được. Tái phạm cú nữa là kể như tuyệt tích! Mấy thằng bịp đi bán đồ giá hay đóng kịch vờ vẫn vô dọn đồ ở phương khác tới Long Beach là được khuyến cáo đi chỗ khác chơi thật lịch sự. Cứ ở lại làm càn thì rồi cũng phải đi... nhưng chắc chắn sẽ đi bằng xe Hồng-thập-tự.

Ngay mấy thằng con ông cháu cha nổi chứng côn đồ tụ họp phá làng phá xóm còn bị mời gấp đi phương khác, đừng ở lại làm dơ Long Beach! Làm gì mà không đô-thị gương mẫu?

Vụ "cướp ngày" của những thằng bề ngoài kinh doanh hoàn toàn hợp pháp nhưng bên trong lợi dụng từng sơ hở nhỏ của luật pháp để cướp-cơm-chim khiến Ông Trùm Corleone mở mắt. Một người tài trí như ổng phải có đất sống chính thức, có địa vị ngon lành ở ngay trong xã hội lương thiện, hợp pháp mà cậu Vito Corleone ngày nào từng bị cấm cửa. Phải chuẩn bị đủ điều kiện...

Đó là những ngày Vito Corleone sống yên vui trong cư xáLong Beach, tà tà ngự trị và mở rộng phạm vi hoạt động của giang sơn nhà cho đến ngày thằngđường-Thổ Sollozzo xuất hiện. Vì nó mà gia đình Corleone lại một phen lâm chiến và lần này vừa nổ súng là Ông Trùm gục đầu tiên để vật lộn với Tử thần trên giường bệnh viện.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 15

Một thị trấn nhỏ, hiền hoà nhưNew Hampshirethì có cái gì lạ lạ một chút mà thoát khỏi cặp mắt những bà nội trợ tối ngày lo hé cửa sổ nhìn ra và những ông bà chủ tiệm ngồi trông hàng mà mắt để ngoài đường? Chiếc xe đen mang bảng số Nữu-Ước vừa tốp trước nhà ông bà mục sưAdamscó vài phút mà "cả thành phố đều hay".

Cô sinh viên Kay Adams đang gạo bài thi trong phòng, tính xuống nhà ăn cơm trưa cũng lấy làm lạ, hé màn coi. Thấy nó tốp trước sân nhà mình nàng hiểu ngay. Lại thấy mặt hai gã bặm trợn trông cứ như găng-tơ trong xi-nê trong xe nhảy ra là Kay phải bay ngay xuống, đích thân ra mở cửa. Chắc người nhà Michael nên phải lo chặn đầu, chớ để đụng đầu ông già bà già trước. Chẳng xấu xa hèn kém gì mà phải mắc cỡ, chẳng qua ba má nàng hơi cổ một chút, đúng týp trí thức chính hiệu miền Đông, sợ không hiểu sao cô con cưng lại quen biết cả hạng người này.

Chuông vừa reo là Kay đã chấn ngay trước cửa còn nói vọng vào cho bà già hay "Có con mở rồi!" Hai gã đứng lù lù, một thằng đưa bàn tay mặt vô nách áo làm như găng-tơ rút súng làm Kay há mồm ngạc nhiên, nhưng hắn ta chỉ lôi ra chiếc ví, mở bật cho thấy tấm thẻ hành sự. "Tôi là thanh tra Công an John Philips. Và đây là bạn đồng sự Siriani. Nếu tôi không lầm, cô là Kay Adams?"

Kay gật đầu ngó "ông đồng sự" mặt đen thui, lông mày chổi xể rậm đen. "Chúng tôi muốn hầu chuyện cô vài phút. Về vụ Michael Corleone". Nàng bèn mời họ bước vô, liếc lên trên lầu thấy ông già thò đầu ra ngó: "Cái gì đấy con?"

Mục sư Adams là cha sở họ Baptist mà còn nổi tiếng học giả. Tóc bạc xám, người gầy gò trông thật trang nghiêm, đạo đức và hiền triết đến độ chính con gái cũng không hiểu nổi bố. Làm như ổng lờ là không buồn để ý đến nhưng thực sự yêu thương con ghê gớm nên Kay tội gì phải dấu diếm vụ này?

- Thưa cha, hai ông công an muốn hỏi con về một người bạn trai.

- Sao con không mời vô phòng việc của cha?

- Thưa ông có lẽ để chúng tôi nói riêng với cô Kay tiện hơn.

Thanh tra Philips tưởng đâu ổng muốn nghe nên lo chặn trước. Nào ngờ ông già cứ thản nhiên coi như chẳng có chuyện gì mà còn trả lời rất lịch sự:

- Cái đó còn tuỳ con tôi... Nếu nó muốn... Kay, con muốn nói riêng với họ... hay muốn có cha ở cạnh con? Hay để má con?

- Thôi cha - Con nói riêng được mà?

- Vậy xin mời vô phòng làm việc của tôi tiện hơn. Nếu cần nói lâu thì tiện bữa dùng cơm trưa luôn.

Sau khi nhã nhặn từ chối, họ đi theo Kay vô văn phòng. Nàng ngồi chững chạc trên chiếc ghế da bự của ông già làm cả hai ông công an cùng ngượng ngùng ngồi ghé mép đi-văn. Khó vô đề quá! Sau cùng thanh tra Philips đặt câu hỏi:

- Cô Kay, xin cô cho biết sự thực. Nội 3 tuần vừa qua, cô có gặp Michael Corleone hay nghe nói hắn ta ở đâu không?

Chỉ một câu hỏi đó là Kay gần biết hết sự việc. Mấy tờ báo lớn Boston chẳng chạy những hàng tít lớn về vụ một Đại-uý Cảnh sát và một thằng cha buôn lậu ma tuý tên Virgil Sollozzo vừa bị hạ sát cùng một lúc đó sao? Có tờ còn cho rằng vụ này thế nào cũng dây dưa đến trận đánh lớn của cánh Corleone. Kay rất tỉnh táo lắc đầu:

- Không. Lần cuối cùng tụi tôi gặp nhau là đêm Michael vô nhà thương thăm ông già. Có lẽ đến một tháng rồi.

- Cái vụ gặp gỡ đó tụi tôi có biết hết. Tôi muốn biết sau đó kia...

Dĩ nhiên Kay lắc đầu "Không". Thanh tra Philips lên tiếng dặn hờ: "Nếu có gặp Michael xin cho tụi tôi hay gấp. Có chuyện vô cùng quan trọng liên quan đến hắn. Xin cho cô hay là cô có thể bị "kẹt" nếu tiếp tục tiếp xúc. Còn giúp đỡ hắn dưới bất kỳ hình thức nào thì nguy hiểm không để đâu cho hết."

Kay ngồi thẳng lên, dõng dạc:

- Coi, sao lại không giúp đỡ kìa? Tụi tôi sắp làm đám cưới, tình nghĩa vợ chồng mà?

Thanh tra Siriani giải thích:

- Nếu giúp, cô sẽ bị coi như tòng phạm sát nhân. Hắn đã hạ sát cả ông Đại-uý Cảnh sát lẫn thằng cha điểm-chỉ-viên tối hôm đó. Chúng tôi biết rõ Michael bắn.

Kay bỗng cười phá lên. Giọng cười ha hả vô tâm quá, tự tin quá làm hai ông công an ngồi ngẩn ngơ. Nàng nói một hơi:

- Đời nào có chuyện đó! Michael không bao giờ dính vô mấy cái vụ đó, các ông tin tôi đi! Công chuyện trong nhà hắn còn không hề đụng tới. Tận mắt tôi nhìn thấy bữa cùng về ăn cưới con bé em là Michael rõ ràng bị coi như người ngoài, chẳng hơn gì tôi. Nếu các ông phải lùng tìm... có thể vì hắn muốn lánh mặt ít lâu, sợ tên tuổi dính vô phiền phức đó thôi! Mấy ông, hay bất cứ ai đi nữa... hiểu hắn sao bằng tôi? Michael không găng-tơ chút nào, trái lại tôi chưa hề thấy một người nào kính trọng pháp luật đến như hắn. Đến nói dối một câu còn không, huống hồ giết người!

- Cô quen biết Michael cỡ bao lâu?

- Ngoài một năm...

Cả hai cùng cười làm Kay chới với. Giọng Philips có vẻ thương hại:

- Còn nhiều chuyện cô không thể biết về Michael. Cô có biết cái đêm nó vô nhà thương thăm ông già ra đụng đầu một sĩ quan cảnh sát có mặt ở đấy vì công vụ nó đã làm gì không? Nó xông tới hành hung ông đại uý mà hậu quả là chính nó lãnh đủ! Bể hàm, gãy mấy cái răng. Nó được người nhà đưa về Long Beach. Ngay đêm hôm sau chính ông Đại uý Cảnh sát đó bị hạ sát và Michael thì biệt tăm. Biến luôn! Nghề nghiệp tụi tôi là phải có a-giăng, mật-báo-viên. Đứa nào cũng chỉ đích danh Michael Corleone! Còn bằng chứng để đưa ra toà buộc tội thì sức mấy có? Gã hầu bàn có mặt ở phạm trường không nhận ra hình Michael nhưng nó cam đoan thấy người sẽ nhận diện lập tức. Còn thằng tài xế của Sollozzo nữa. Nó không khai. Nhưng nếu tụi tôi vồ được Michael thì đương nhiên nó chịu làm chứng liền. Mong cô hiểu điều này để giúp tụi tôi phần nào. Là trước sau thế nào nó cũng bị vồ, chạy đâu khỏi? Tụi tôi lo truy tầm ráo riết đã đành. Bên FBI cũng cử a-giăng đi và cơ quan nào cũng được lệnh truy nã. Bắn chết một sĩ quan Cảnh sát giữa Nữu-Ước đâu phải chuyện đùa?

- Tôi không tin chút nào hết!

Kay thản nhiên đáp vậy nhưng quả thực là Michael có bị đánh bể hàm đêm hôm đó. Nàng phân vân, khó chịu. Có lẽ nào chỉ vì vậy mà một con người như Michael can tội sát nhân? Đúng lúc ấy Philips hỏi tới:

- Trường hợp Michael sẽ tiếp xúc với cô... liệu cô có thể cho tụi tôi hay liền?

Kay lắc đầu là Siriani đốp luôn:

- Những liên lạc giữa Michael và cô tụi tôi biết không sót. Ngày giờ, địa điểm đủ cả! Cô nhớ rằng cuốn sổ hô-ten còn đó, nhân chứng thì quá nhiều. Để lọt ra cho nhà báo là chúng đăng liền và ông già bà già cô chắc chắn sẽ mất mặt. Người đứng đắn tên tuổi như các cụ chịu sao nổi khi cả nước biết cô con cưng đi bắt bồ với một tên găng-tơ? Nếu cô không chịu... thì liền bây giờ tôi sẽ mời ông già vô, cho ổng biết sự thực tức khắc.

Kay ngó hắn một lát rồi thong thả đứng lên, đi ra mở cửa. Ông già đang ngậm pít đứng ngó cửa sổ. Nàng gọi "Cha ơi, cha vô đây chút xíu được không?" Ông già quay lại mỉm cười, đi vô liền. Âu yếm khoác tay con, ổng đi ngay tới trước mặt hai ông khách. "Có chuyện chi, quý vị?" Cả hai làm thinh nên Kay dục: "Đây, cha tôi đây, ông cho biết sự thực đi." Siriani đỏ mặt nói:

- Xin ông Adams hiểu cho là vì muốn gíup cô Kay nên tụi tôi phải nói rõ vụ này. Cô ấy dính líu tình cảm với một gã bất lương mà tụi tôi có thể quả quyết là thủ phạm vừa hạ sát một sĩ-quan Cảnh sát. Tôi vừa cho cô ấy hay là nếu không nghe lời tụi tôi thì chắc chắn sẽ gặp nhiều chuyện phiền phức, lôi thôi lắm. Hình như cô ấy chưa rõ tầm quan trọng của vụ này nên nhờ cụ nói lại cho cô ấy hiểu dùm.

- Chuyện khó tin nhỉ!

- Thì cô ấy và Michael Corleone đi lại với nhau cả năm nay. Ở hô-ten nào chẳng ghi ông bà Michael Corleone? Cái ông Michael Corleone đó hiện đang có lệnh truy nã liên quan đến vụ hạ sát một sĩ-quan Cảnh sát. Cô ấy không chịu cho tụi tôi biết một tin tức gì... Sự thực là như vậy. Ông có thể cho là chuyện khó tin... nhưng bằng cớ thì tụi tôi có đủ.

- Không, ông Thanh Tra hiểu lầm ý tôi mất rồi. Tôi muốn nói khó tin con bé nhà tôi sẽ gặp phiền phức, lôi thôi lắm ấy chớ? Còn cái vụ kia thì... Trường hợp các ông nhất định cho nó là một thứ... ủa danh từ giang hồ gọi là gì nhỉ... phải rồi... một thứ gái chơi.

Ngạc nhiên Kay ngước nhìn cha. Ổng vừa biểu lộ cả một sự băn khoăn, ngờ vực về danh từ một cách thật... học giả và tuyệt vời. Rõ ràng ông muốn cho thấy sự chịu chơi. Quả thực nàng không ngờ ông già dám chấp nhận sự việc giản dị tới cỡ đó. Nhưng ổng kết thúc rất đột ngột:

- Tuy nhiên các ông vững tin rằng nếu thằng đó mà ló mặt vô nhà này thì chắc chắn tôi sẽ cấp báo nhà chức trách liền. Con nhỏ nhà tôi cũng làm vậy. Bây giờ xin hai ông tha lỗi cho, cơm nước nãy giờ nguội cả rồi!

Sau đó ổng tiễn khách rất lịch sự, đóng cửa không đến nỗi giộng mạnh nhưng khép một cách cả quyết rồi mới cầm tay Kay đi xuống bếp ăn cơm. Kay vừa đi vừa tấm tức khóc, có phần tủi vì sự thương yêu kín đáo của cha. Ngồi vào bàn ăn thấy mẹ không hỏi han đến cái vụ khóc là biết chắc ổng đã nói rồi. Trong khi đó ổng cúi đầu cầu kinh.

Bà mục sư Adams thuộc týp người mập, bệ vệ quần áo chững chạc, mớ tóc gỡ chải đàng hoàng. Chẳng bao giờ Kay thấy mẹ đầu bù áo quần luộm thuộm cũng như chẳng bao giờ bà có chủ ý theo dõi con gái tò tò. Như bữa nay một lát sau bà mới nói:

- Làm gì mà khóc lóc con? Chắc chẳng có chuyện gì mà bọn họ làm ra vẻ ghê gớm vậy thôi. Bề nào thằng ấy cũng dân Dartmouth, có lẽ nào nó làm những chuyện ghê tởm như thế bao giờ?

- Ô hay, sao mẹ biết hắn học Dartmouth?

Thấy Kay giương mắt ngó ngạc nhiên, bà già không trả lời thẳng mà chỉ trách yêu, sửa lưng nhẹ nhàng:

- Mấy cô, mấy cậu bây giờ ưa bí bí mật mật, cứ tưởng đâu mình khôn lắm! Dĩ nhiên phải biết chớ, biết từ lâu rồi... nhưng không lẽ con không nói mà cha mẹ gợi trước?

- Nhưng làm sao cha mẹ biết?

Kay vẫn muốn biết điều đó. Nàng không dám nhìn thẳng, nhìn ngay mặt cha. Ổng biết rồi, biết hết, cả vụ hai đứa ngủ với nhau. Nên nãy giờ ổng có cười nữa đâu? Ổng lại trả lời thay bà già: "Coi, cứ việc mở thư của con ra coi là biết chớ gì?" Kay sững sờ, bực bội. Nàng ngửng lên nhìn. Lại có cả vụlén coi thư riêng , mở thư riêng ra coi trước nữa sao? Một tội trọng! Không lẽ một người như cha nàng mà có thể mở lén thư từ của con ra coi? Không thể được!

- Cha, không lẽ cha mở lén thư từ của con?

- Có gì đâu mà lạ, con? Một tội trọng thật nhưng cha đã cân nhắc rồi. Thà cha mẹ phạm tội mở thư con coi lén còn hơn là mắc cái tội ù lì bưng bít, có mỗi đứa con gái cưng độc nhất mà sa ngã hồi nào không hay. Đó là một chọn lựa đạo đức!

Đang lúng búng đầy một mồm thịt gà luộc, bà già cất tiếng phụ hoạ:

- Vả lại con của mẹ lớn đầu mà còn ngây thơ quá! Cha mẹ phải biết chớ? Con không nói gì về hắn thì cha mẹ lại cần phải biết nữa...

Ôi chao, may quá! May cho nàng là Michael không có lối viết thơ dài lê thê những yêu đương, nồng nàn. Nếu đọc những lá thư nàng viết thì cha mẹ Kay đến ngất xỉu mất. Cũng may những lá thư nàng viết không bại lộ!

- Con không dám nói gì về Michael... tại con sợ cha mẹ ngán gia đình anh ấy.

- Đúng, cha mẹ ngán quá xá! Nhưng gần đây con có gặp Michael, sau cái vụ đó không?

- Không. Con chắc chắn Michael không bao giờ làm những chuyện ấy, không bao giờ phạm tội!

Kay khẽ đưa mắt thấy mẹ nàng gật gù rồi hai ông bà thình lình trao đổi một cái nhìn đầy ý nghĩa, một sự biểu đồng tình. Ông bà khoan thai nói:

- Nếu nó không phạm tội mà nó lại biến mất, tìm không ra thì chỉ e nó gặp một chuyện gì, chuyện gì đó rồi.

Mới đầu Kay có hiểu gì? Chừng hiểu ý ông già thì nàng vùng đứng dậy, chạy miết lên trên phòng.

oOo

Ba ngày hôm sau Kay đi tắc-xi tận nhà Michael bên Long Beach. Đã gọi điện thoại trước nên Tom Hagen ra đón trước cửa. Nhè gặp cha này thì chán quá, hắn đời nào chịu nói thực!

Kay vô phòng khách đợi, có nhiều người đàn ông đi lại nhưng không thấy Sonny. Nàng hỏi Hagen: "Anh biết Michael hiện ở đâu và có cách nào gặp được không?" Nó cho hay:

- Ở đâu thì chúng tôi không hay... nhưng an toàn, mạnh khoẻ thì chắc chắn. Nghe tên ông đại uý Cảnh sát đó bị bắn, nó sợ bị nghi ngờ, bị câu lưu oan... nên quyết định lánh mặt ít lâu. Nó có dặn tôi trước là trong mấy tháng thế nào cũng có tin về.

Làm sao mà tin nổi thứ tin "chế tạo", cố tình muốn lái sang một ngả như thế này?

- Nhưng có phải ông đại uý đó đánh Michael bể hàm?

- Có chuyện đó thật... nhưng Michael đâu phải người hung hãn, thích ân oán? Tôi cam đoan nó không dính gì tới những vụ vừa xảy ra.

Kay mở bóp lấy lá thư "Chừng nào có liên lạc... anh có thể chuyển dùm cái này cho Michael?" Hagen không nhận, lắc đầu quầy quậy:

- Tôi tiếc không thể nhận lá thư này. Nếu tôi nhận và nếu có chuyện ra Toà, cô xác nhận như vậy đó... thì bằng vào sự kiện này Toà có thể suy diễn là tôi phải biết chỗ nó lẩn tránh, cô thấy không? Sao cô không nén lòng chờ ít lâu nữa? Thế nào cũng có tin Michael nhắn về.

Kay uống hết ly nước, đứng dậy từ biệt. Hagen đưa nàng ra nhưng cửa vừa mở là đụng đầu một người bước vô. Một bà già mập tròn, bận đồ đen mà Kay nhân ra là má Michael, nên vui vẻ đưa tay ra: "Chào bà Corleone..."

Cặp mắt nhỏ xíu giương lên ngó Kay một lát rồi khuôn mặt nhăn nheo, rúm ró màu da ô-liu mỉm cười với nàng, một nụ cười thật kỳ cục mà thật là thân thiện. Bà nói líu tíu như reo lên mà giọng Ý nhà quê đặc sệt nghe chẳng hiểu gì hết. "À, cô là bạn của Michael! Tôi nhớ ra rồi! Mà cô ăn gì chưa? Chưa hả?" Kay lắc đầu, ý nói không muốn ăn nhưng bà hiểu khác nên quay sang Hagen la một mách ào ào bằng tiếng Ý và sau cùng chêm vô một câu tiếng Anh đại khái: "Cái thằng tệ quá! Khách của em đến nhà mà ly cà-phê không có..."

Lập tức bàn tay ấm áp nắm lấy tay Kay, lôi tuốt vô tận bếp: "Cháu vô đây... Ngồi xuống uống cà-phê, ăn một cái gì đi. Rồi bác bảo một thằng đánh xe đưa cháu về tận nhà chớ con gái như thế này đi xe lửa một mình đâu được!" Kay rụt rè nói: "Cháu tới hỏi thăm tin Michael, lâu quá chẳng thấy tin gì nhưng ông Hagen cho hay ở nhà cũng chẳng biết gì hơn, có điều thế nào cũng sắp có tin..."

Bà Trùm Corleone chưa nói gì thì Hagen mau mau gài một câu chặn đầu: "Bác à... hiện giờ chỉ có thể cho hay bấy nhiêu đó thôi." Bà quắc mắt lên nạt lớn:

- Ra bây giờ đến mày phải dạy tao làm cái này, không làm cái kia hở thằng Tom? Bác trai mày còn chưa dạy tao mà?

- Thưa bà bệnh tình Ông Trùm thế nào?

- Đỡ rồi... Bây giờ đỡ nhiều. Ổng hồi này có tuổi... làm ăn lẩm cẩm, điên đầu nên mới bị như vậy chớ?

Bà hết làm dấu thánh đến đập tay lên trán làm như bắt buộc phải nói xấu tới ông chồng. Kay bị ép uống cà-phê, ép ăn chút bánh mì, phó mát. Bà Trùm cũng uống luôn cho vui rồi sau đó hai tay nắm chặt lấy bàn tay Kay:

- Cháu ạ, bác nói thực... Cháu đừng chờ, thằng Michael sẽ không có thư từ, tin tức gì cho cháu đâu. Nó phải đi trốn hai năm ba năm. Có khi lâu hơn, lâu lắm! Cháu về nhà, cháu quên nó đi. Gặp thằng nào kha khá là lập gia đình đại đi cho xong, bác nói thật đó.

Kay không trả lời mà móc bóp lấy ra phong thư: "Nhờ bác chuyển đến Michael dùm cháu." Bà già cầm ngay, không ngần ngại. Tom Hagen vừa ấp úng toan lên tiếng đã bị mắng át đi bằng một tràng tiếng Ý.

Sau đó bà dắt tay Kay đi ra cửa, thân mật vỗ vai, xoa má... Lúc ôm hôn chia tay khẽ rỉ tai: "Quên thằng Michael đi, con ạ! Bác nói thực... nó không còn là người của con nữa đâu!"

Lúc Kay đi ra đã thấy một chiếc xe chờ sẵn. Hai thằng ngồi băng trên lầm lì không nói. Cửa xe vừa đóng lại là phóng thẳng một mạch về Nữu-Ước. Kay cũng ngồi im lặng, cố trấn áp tinh thần để tập cho quen với ý nghĩ con người mà nàng thương yêu bấy lâu nay đã thực sự nhúng tay vào máu. Đúng thế, chính bà mẹ đẻ, người đã sinh thành ra nó nói thì còn sai lầm thế nào được!

Đã xem 384589 lần.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 16

Carlo Rizzi hận đời lắm. Làm rể nhà Corleone đã tưởng bở, nào ngờ bị lờ tuốt, chỉ được thí một chân bao đề, bao đánh cá hạng bét ở miền Đông Manhattan. Bên cư xá Long Beach còn thiếu gì nhà ở, nếu ông bố vợ muốn cấp cho một căn thì dễ quá đi! Chỉ cần ổng nói một tiếng là có quyền chiếm một căn. Phải có chân đứng trong cư xá thì mới mong có một việc gì kha khá trong nhà này chớ?

Rõ ràng là ông bố vợ coi nó rẻ mạt. Hừ, Ông Trùm Corleone...Bố-Già Corleone! TưởngBố-Già ghê gớm thế nào hóa ra cũng bị chúng quất nằm ngay đơ ra đường như một dân chơi hạng bét! Phải chi lão ngủm thì đỡ khổ quá. Thằng Sonny lên là nó có đường vì bề nào cũng bồ bịch một thời gian.

Carlo ngó con vợ rót cà-phê. Trông tởm quá đi mất! Mới lấy chồng có 5 tháng mà người nó bề bộn, lại vác cái bụng chình ình rõ ra thứ gái xề. Mấy con gốc Ý ở Nữu-Ước vậy hết. Nó đưa tay rờ cái bầu của Connie. Con nhỏ mỉm cười thì nó giộng một câu: "Cô chắc nhiều dăm-bông hơn heo nái!"

Xỏ xiên, chửi bới được là Carlo làm liền vì thấy Connie nhăn mặt hoặc rơm rớm nước mắt là nó khoái chí lắm. Mày có là con gái cưng Ông Trùm, bố mày có mạnh thì mày cũng là vợ tao, cũng ở trong tay tao, tao muốn hành sao thì hành. Mày có là con nhà Corleone cũng vẫn bị hành!

Carlo đã hành hạ ngay từ đêm tân hôn. Connie nhất định không chịu nạp cái túi tiền mừng đám cưới thì nó đập thâm tím mặt mũi, giựt phăng và xài hết tiền, chẳng thèm nói một lời. Cứ kể ra cũng hơi quá đáng vì 15 ngàn đô đâu phải ít mà nướng hết ở trường đua và bao gái lu bù! Nó biết con vợ đang đứng sau lưng nó "chiêm ngưỡng" cơ người lực sĩ nên vươn tay ra lấy cái đĩa ở đầu bàn, Carlo cũng kín đáo gồng mấy bắp thịt ở vai ở lưng cho hách.

Nó lực sĩ thì ăn đớp cũng phải lực sĩ chớ? Thật nhiều và thật bổ dưỡng! Con nhãi con Connie không mê nó sao được kia chứ! Nó đâu phải týp chồng bệu những mỡ như mấy thằng gốc Ý ở đây. Tóc vàng cắt ngắn, lông tay lông chân thật khỏe, ngực nở bụng thon như thế này thì nhất. Đám thanh niên quen biết nhà Corleone có thằng nào bảnh bằng nó? Kể sức khỏe đấm đá thì bọn Clemenza, Rocco Lampone, Paulie... nó coi như đồ bỏ hết. Ủa, thằng Paulie không biết vừa bị thằng nào chơi?

Nhưng Carlo ngán Sonny. Cứ lấy sức ra chọi thì thằng anh vợ này có nặng hơn, bự con hơn, Carlo cũng chơi dư sức. Nhưng nghe danh "Đao phủ thủ" đâm rét. Nghe đồn nó giết người như ngóe sao lúc nào cũng chỉ thấy Sonny cà rỡn, cười hề hề kìa? Hắn lên thay Ông già thì đỡ quá!

Carlo uống cà-phê; bực bội vì nhà cửa gì mà chật hẹp quá. Nó quen ở miền Tây, rộng chân rộng cẳng xưa nay. Lát nữa phải lái xe "bua-rô", làm ăn, từ đầu thành phố đến cuối thành phố, cho kịp giấc đánh cá trưa. Hôm nay chủ nhật, thiên hạ đổ xô đến đánh cá thể thao, baseball, bóng rổ... món nào cũng đông hết!

Carlo quay lại nhìn Connie đang mặc quần áo "ăn diện" đi chơi chúa nhật. Nó diện tởm hết chỗ nói: Váy lụa in hoa sặc sỡ, thắt lưng, vai bồng.. lại còn vòng vàng, bông tai thật quê! Ít nhất cũng già đi 20 tuổi!

- Ủa, tính đi đâu đấy?

- Về Long Beach thăm ông già coi bịnh tình thế nào?

- Vậy là hồi này Sonny vẫn làm xếp sòng cả đám hả?

Connie trợn mắt bắt bẻ: "Ủa, cái gì mà xếp sòng cả đám?". Nó gầm lên: "Con khốn nạn, mày còn nói với tao cái điệu ấy là coi chừng tao đá sút con ra ngoài!" Nó hoảng hồn thì Carlo càng muốn điên lên, nhảy tới giộng một tát trời giáng. Môt... hai... ba... trở qua trở lại. Cặp môi bật máu, bè ra và sưng vù lên.

Carlo ngừng tay. Vậy là quá đủ... hơi quá giới hạn là khác vì nó không muốn để lại vết tích, bằng chứng. Connie chạy vào phòng đóng cứng lại, khóa cửa. Thây kệ, nó cười ha hả ngồi uống nốt chỗ cà phê bỏ dở.

Ngồi hút thuốc chán Connie vẫn chưa trở ra. Nó bèn giộng cửa đùng đùng: "Mở ra cho tao vô lấy đồ thay". Phải dọa đạp văng cửa nó mới chịu mở và còn dấu mặt, quay lưng đi. Nó nằm úp mặt vào vách, cởi đồ ra từ hồi nào. Vậy là nó không muốn đi nữa. Thà nó đi về còn có chút đỉnh tin tức nội bộ cánh Corleone.

- Mới có bấy nhiêu đó mà đã hết hứng, hết muốn đi?

- Tôi không đi nữa!

Giọng nó vùng vằng đầy những nước mắt nghe vụng về ngường ngượng. Carlo bèn xà xuống giường, kéo nó bắt quay lại coi mặt. Đúng rồi, nó không muốn đi là phải. Mặt mũi sưng vù, bầm tím thế kia thì đi sao? Không ngờ mới có mấy cái tát mà nặng thế? Gò má bể, môi trên rách, sưng vù lên trông ghê quá. "Thôi được. Hôm nay tao về trễ nghe!"

Carlo đi xuống, ra xe hơi đậu ngoài đường. Coi, đã có một giấy phạt đậu xe trái phép gắn ở kính trước... mà lại là thứ dữ, phạt 15 đô-la lận! Thây kệ, Carlo thảy đại nó vô hộc táp-lô xe. Nó cảm thấy hứng thú. Lần nào cũng vậy, dượt được con vợ một mách là thấy hả hê, trả hận được phần nào!

Hôm cho nó ăn đòn lần đầu tiên, Carlo cũng ngại lắm chớ? Nó chạy ngay về Long Beach, đưa cái mắt thâm tím ra mách mẹ, mách cha làm Carlo đã teo một ngày hôm đó. Nhưng chập tối thấy mặt nó mò về và tự nhiên lại ngoan ngoãn hơn bao giờ hết! Carlo thấy thương hại, định bụng phải ăn ở tử tế một chút, đối xử nó đàng hoàng. Ăn nói lịch sự, cưng chiều và yêu cũng cố giữ cho đúng mực, ngày một đêm một đều đặn. Thấy Carlo có vẻ hối hận, Connie mới thực thà kể lại...

Thì ra thấy con gái bị chồng đánh mặt mũi tím bầm, khóc lóc chạy về mách, Bà Trùm cũng nóng lòng, yêu cầu ổng la thằng Carlo một tiếng. Cả hai người cùng không hài lòng cái vụ này chút nào nhưng Ông Trùm thản nhiên:

- Nó là con mình thật... nhưng lấy chồng là phải theo chồng. Thằng chồng nó có quyền và có bổn phận. Ngay ông vua nước Ý cũng chẳng dám xen vô chuyện riêng của vợ chồng nhà người ta. Mày về đi, ráng học cách ăn ở, chiều chuộng sao cho nó không đánh mày đuợc kìa!

Thấy bố không bênh, ỷ là con cưng xưa nay Connie bèn làm mặt hờn, hỏi lại: "Thế bố có đập mẹ bao giờ đâu nào?" Ông Trùm nhìn bà vợ: "Ô hay, mẹ mày có làm gì mà bố phải đập?" Bà Trùm gật đầu cười mỉm.

Khi Connie mách đến vụ Carlo giựt túi tiền thì Ông Trùm nhún vai: "Tao cũng làm như vậy... nếu vợ tao có thái độ láo lếu, dễ ghét như mày!" Bị xử ép quá, Connie đành phải trở về nhà và đâm hoảng. Không hiểu tại sao ông già, bà già lại lạnh nhạt với nó đến như thế? Nó ngơ ngác, sợ hãi vì xưa nay vẫn được bố cưng chìu nhất nhà.

Sự thực Ông Trùm đâu thể lạnh nhạt với đứa con gái cưng duy nhất như nó tưởng? Ông không nói nhưng cho lệnh cấp tốc điều tra và biết ngay số tiền mừng đám cưới Carlo đã đem xài vào những mục gì. Ổng còn trao cho Tom Hagen mật lệnh gài người bên cạnh, coi thằng Carlo hàng ngày làm ăn ra sao. Từ nhất cử, nhất động của Carlo đều bị theo dõi, báo cáo đầy đủ từng ngày từng giờ. Ông Trùm biết hết.

Nhưng biết để biết vậy thôi. Làm gì được? Đâu thể dùng áp lực ép nó, bắt buộcmày phải làm chồng con tao cho đàng hoàng . Đó là vụ không thể can thiệp, chớ có dây dưa vào.

Ông Trùm đã dứt kkhoát nên khi Connie có bầu thì ổng càng tin là mình làm đúng, dù con nhỏ mấy lần bò về nhà khóc lóc với mẹ và bà Trùm chịu không nổi đành lại phải cho chồng hay. Nó còn nói ly dị thì ly dị cũng được.

Xưa nay Connie chưa hề bị bố la. Nhưng vừa nghe nó nói ly dị cũng được là Ông Trùm nổi trận lôi đình "Đồ khốn! Con thì phải có cha. Mày ly dị để con mày ra đời mồ côi cha hả? Mới ra đời mà không cha... liệu có được không?"

Nắm được chỗ đó, Carlo Rizzi được thể lừng dẫu. Nó khoái chí tả lại trận dượt võ sáng nay cho hai thầy ký nghe. Có bầu cũng đập. Con gái cưng của Ông Trùm cũng cứ ăn đòn như thường! Sally và Coach coi bộ phục quá. Dám làm vậy mới hùng.

Sự thực Carlo Rizzi chẳng dại gì làm người hùng nếu có biết Sonny Corleone nghe chuyện con em gái bị chồng hành hạ đã lồng lộn, quát tháo đòi "bắn chết cha thằng khốn". Ông Trùm phải đích thân ngăn cản, dùng quyền làm cha để cấm nó và giọng ổng cương quyết đến nỗi hung hăng như thằng Sonny cũng phải ngán. Nó không thể và không dám trái lệnh bố nên đành... không dám gặp mặt Carlo Rizzi vậy. Chỉ sợ thấy nó là không dằn nổi cơn nóng giận!

Cho nên Carlo Rizzi vẫn lừng, vẫn cho là chẳng ai làm gì nổi. Buổi sáng Chúa nhựt, nó vừa trút được nỗi uất hận nhà Corleone bằng mấy cái tát sưng mặt con Connie nên lấy làm khoái chí, tà tà lái xe đến bua-rô. Nó đâu biết có một người cũng sắp phóng xe đến chỗ nó làm ăn và người đó là ông anh vợ Sonny Corleone.

oOo

Thực ra Sonny đâu có ý xía vô công chuyện Carlo Rizzi? Đêm thứ Bảy, nhớ con nhỏ Lucy Mancini quá nên nó "nhảy dù" đại khỏi cư xá, mò về Nữu-Ước hú hí với em một đêm. Để phòng thân, mình nó phải có 4 thằng đi theo. Đêm thứ Bảy, hai thằng một phòng, chặn hai đầu để xếp Sonny chiếm phòng giữa mới yên chí. Đi đường Sonny đâu cần cận vệ đi chung xe cho vướng tay vướng chân? "Đao phủ thủ mà" không tự bảo vệ được sao? Nó lái một mình, hai thằng lái xe chạy trước, hai thằng đi xe sau đoạn hậu.

Như là quá bảo đảm, nếu lâu lâu mới "dù" về Nữu-Ước một lần. Bữa nay Chủ nhật, Sonny tiện xe muốn ghé lại Connie, đưa nó về thăm ông già một lượt. Thắng Carlo sức mấy để xe cho nó đi và giờ này nó còn phải tới "bua-rô" mần ăn chớ? Quả nhiên nó vừa vọt xe đi thì Sonny tới.

Sonny để hai gã đàn em lên trước. Chừng xe sau tới, hai thằng nhảy ra coi chừng đường đàng hoàng thì nó mới xuống, mắt trước mắt sau đi vô bin-đinh. Chỉ có 1 phần triệu nguy hiểm nhưng Sonny vẫn lo đề phòng. Nhưng cú hung hiểm ngày đó đã dạy nó chớ có coi thường bất cứ chuyện gì.

Chẳng hạn như thang máy là Sonny không bao giờ xài. Tội gì đâm đầu vào cái bẫy-điện đó để nạp mạng oan? Dù có phải hùng hục leo lên từng thứ 8 nó cũng chê thang máy!

Nó vừa thấy tận mắt thằng Carlo vọt xe đi, vậy chỉ có mình con Connie ở nhà chắc. Nhưng sao kêu cửa vẫn lặng ngắt thế này? Khi Sonny giộng mạnh, xưng tên đàng hoàng mới nghe trong nhà tiếng yếu ớt. "Ai đó?" Tiếng Connie rõ... nhưng sao nó có vẻ sợ sệt, hoảng hốt, ngập ngừng thế này? Nó xưa nay đâu phải đứa nhõng nhẽo, nhút nhát? Chuyện gì ghê gớm vậy? "Connie, mở cửa mau. Anh Sonny đây".

Có tiếng chân chạy, tiếng khóa mở lật bật rồi cửa bật mở, Connie nhảy xổ vào lòng anh, khóc nức nở. Ngạc nhiên quá, Sonny đứng ngây người... Nhưng khẽ đẩy Connie ra và liếc nhìn mặt con em là Sonny biết liền. Mặt nó sưng vù, sưng húp híp.

Sonny khẽ gỡ tay em. Nó nhăn mặt, hùng hổ quay ngoắt ra toan rượt theo "bắn chết cha thằng khốn". Nó giận sùi bọt mép, nhưng chạy đi đâu được? Connie níu cứng lấy anh, nhất định không chịu buông mà khóc lóc, van vỉ kéo vô trong nhà bằng được. Tính nết ông anh cả nó còn lạ gì? Nó đâu dám hé môi về vụ bị chồng ăn hiếp? Phải ráng đeo cứng, níu chặt lại. Connie ép anh ngồi xuống ghế, đóng cửa lại rồi kể lể:

- Anh ơi, tại em gây chuyện... em đòi đập trước nên Carlo mới lỡ tay đó. Tại em hết! Ảnh không tính đập nhưng em thách thức, em nhào vô nên mới vậy đó!

Mặt Sonny dịu lại chút đỉnh:

- Sáng nay em tính về thăm bố hả? Anh đoán vậy nên tiện xe anh ghé đón em... chớ có hay chuyện gì đâu?

Connie tủi thân, khóc thút thít:

- Thôi anh ơi... Mặt mũi em thế này về nhà đâu được?

- OK... Để anh phôn gấp, kêu thằng bác sĩ quen lại đây săn sóc chỗ sưng cho em nghe? Em có bầu lần thứ nhất cần phải giữ sức lắm. Mà còn mấy tháng nữa sanh?

- Chi vậy? Đừng nghe anh, em sợ lắm... anh đừng làm gì hết nghe?

Sonny phát cười ha hả. Mặt nó thật độc, nó lừng khừng đáp:

- Yên chí. Anh không để cho con em mới sanh ra đã không có cha đâu! Đời nào anh làm vậy?

Nó gằn giọng đi trở ra sau khi khe khẽ hôn lên trên má Connie chỗ không sưng.

Sáng Chúa nhật ở bua-rô làm ăn của Carlo Rizzi, ngụy trang tiệm bán bánh kẹo, đường số 112 phía Đông Nữu-Ước thiên hạ đã bắt đầu bu đông. Từng dãy xe đậu dài dài. Vỉa hè trước tiệm đông nghẹt những bố-con-nít giỡn chơi với con-nít trong khi chờ đợi vô mua số đề, mua giấy cá banh. Mấy bố dẫn con đi chơi sáng Chúa nhật nhác thấy xe ông chủ tới là lo mua cà-rem dỗ cho chúng chơi để rảnh rang tính toán. Thằng nào cũng cặp kè tờ báo bàn cá banh, đội hay đội dở.

Ông chủ Carlo tà tà vô phòng. Hai gã "thư ký" lo sắp đặt giấy bút, sổ sách sẵn sàng chờ thân chủ vô đánh cá. Một thằng gầy gò tên Sally và thằng Coach bự con như đô vật. Có cái bảng đen lớn đặt trên giá, viết bằng phấn rõ ràng tên 16 đội banh lớn, chia hai cột cho thấy ngay hôm nay đội nào đấu với đội nào. Cứ hai đội chiếm một hàng, bên cạnh là ô vuông để trống để ghi tỷ lệ hơn thua giữa 2 đội.

Carlo quay phôn về "tổng hành dinh" để lấy tin giờ chót đặng loan báo trên bảng tỷ lệ hơn thua ước định để dân đánh cá-banh căn cứ vào đó mà mua giấy. Tuy không nhìn lên mà cả hai gã "thư ký" cùng chẳng bỏ sót một cử chỉ nào của ông chủ. Đấy là công tác ngầm nhưng vô cùng quan trọng: Ông chủ Carlo sơ sẩy một chút làconsigliori Hagen có báo cáo ngay. Vì ông chủ ghi lầm có mỗi một lần - chẳng hiểu vô tình hay cố ý - mà một ngày hôm Chúa nhật đã hụt hết 6 ngàn đô. Đó là lý do Ông Trùm Corleone đánh giá thấp cậu con rể: "Khốn nạn.. đến bao đề, bao đánh cá, vốn có người cung cấp, cơ sở có sẵn mà còn hụt vốn thì đúng là một thằng ăn hại!"

(Thông thường có bao giờ một ổ bao đề, đánh cá hạng bét như vậy được hân hạnh theo dõi đến thế? Muốn có chuyện báo cáo lên cấp trung ương của cánh Corleone còn phải qua 5 lớp "nút chặn" là ít. Nhưng ổ đề đường số 112 thì đích thânconsigliori phải giám sát ngầm, theo dõi hàng ngày vì đây là đất thí nghiệm chân cẳng cậu rể Carlo Rizzi.)

Ông chủ viết bảng xong là dân chơi lục tục kéo vô phòng trong, bàn tán om xòm từng độ, so sánh với lời bàn trong báo để đánh cá đội thắng đội thua. Kẻ trước người sau sắp hàng trước "bàn giấy" của hai thầy ký Sally và Coach. Biên xong một tờ giấy nào, thầy ký xé khỏi tập cuống, một mảnh đưa khách, một mảnh bọc số tiền đưa cho ông chủ. Carlo đi ngay lên lầu, nhấc phôn, gọi về "tổng hành dinh" để đằng đó "vô sổ". Số tiền đánh cá nó nhét vô một cái két đặt ngầm trong một khung cửa sổ giả. Mảnh giấy biên số lập tức được thủ tiêu thành than, trút vô la-va-bô cho phi tang. Xong việc là Carlo lại đi trở xuống, chờ hai thầy ký đưa tiếp. Suốt ngày công việc của nó chỉ có bấy nhiêu... nhưng hôm nay Chúa nhựt con bạc đông hơn, chơi dữ hơn nên ông chủ hơi mệt một chút.

Độ thứ nhất chơi đúng 2 giờ chiều. Cỡ 1 giờ 30 đã vắng khách nên hai thầy ký ra ngoài cửa ngồi chơi đỡ mệt, ngó đám trẻ ngoài phố vụt base-ball. Một xe tuần tiễu chạy ngang. Cả hai cùng ngó lơ, chẳng buồn để ý. Sức mấy dám vô hốt? Ổ để này thuộc loại được "bảo vệ" vững như thành. Cớm cấp địa phương là khỏi dám đụng. Muốn vô tảo thanh ít nhất phải cấp Nha hay Tổng Nha có lệnh Biện-lý đàng hoàng, nhưng trước đó dĩ nhiên phải có một cú phôn bí mật rất kịp thời để bà con chuẩn bị.

Lát sau ông chủ Carlo cũng mò ra tán gẫu. Toàn chuyện base-ball và đàn bà không! Nó cười hềnh hệch khoe:

- Hôm nay tao lại phải xáng cho con vợ khốn nạn một trận ra gì! Phải đập cho nó biết... thế nào là một thằng chồng chớ!

- In hình bả có bầu lớn lắm?

- Tao chơi năm bảy cái tát vô mặt, đâu có làm sao? Con khốn nạn, ưa lên mặt lắm nhưng gặp tao chỉ có ăn đòn.

Lúc bấy giờ trước cửa còn vài dân cờ bạc ngồi xáp lại nói chuyện dông dài. Đột nhiên đám con nít chơi baseball dưới đường phát la lên, chạy rạt vô lề. Có chiếc xe hơi đen bự qua cua gấp, thắng đứng trước cửa tiệm. Nó thắng gấp quá, vỏ xe nghiến ken két. Xe chưa kịp ngừng thì cửa trên đã bung ra, thằng tài xế vọt như bay xuống làm mọi người kinh ngạc sững sờ. Đó là Sonny Corleone.

Bộ mặt bình thường đã bự của Sonny bấy giờ như một cái mâm, hầm hầm dễ sợ. Nó chỉ nhảy vài bước đã tới và tay đưa lên nắm cứng cổ Carlo. Sonny câu cổ, tính kéo nó xuống đường dợt nhưng ông em rể đã gồng cứng hai cánh tay, bám chặt lấy cửa sắt. Một cánh tay nó lên gân đeo cứng để rụt đầu vô, đưa vai đưa cánh tay ra lo đỡ cái mặt.

Sonny kéo hụt vì sơ mi Carlo rách cái rẹt. Nó liệng mảnh vải đi rồi biểu diển một màn đấm bị cát thật tàn nhẫn. Miệng chửi rủa tàn tệ, nó dượt Carlo bằng cả hai tay, đấm cú nào cú nấy ra gì. Vở kịch thê thảm ở chỗ một thằng lực sĩ bự con, hách như Carlo mà khi không bị đòn ráng che đầu chịu trận, tuyệt không dám trả đòn. La lối hay xin xỏ cũng không dám.

Cả hai thầy ký hoảng hồn, xuôi tay đứng một bên. Tụi nó còn lạ gì cậu cả Sonny và đinh ninh thế nào thằng Carlo phen này cũng ăn đạnnên tội vạ gì can thiệp? Mấy thằng nhóc đánh baseball vừa bị chiếc xe phá đám đã toan xông tới "hỏi thăm" tài xế nhưng thấy màn đánh đấm dữ dội quá chỉ còn cách đứng giương mắt ngó. Thấy điệu bộ Sonny hùng hổ, hung dữ quá chẳng thằng nào dám hó hé, dù con nít xóm này đâu có vừa?

Chiếc xe sau bây giờ mới tới. Hai thằng cận vệ nhảy xuống thấy xếp đập Carlo mạnh tay quá cũng cóc dám vô can. Chúng đứng thủ thế sẵn, đợi thằng nào nổi máu anh hùng binh Carlo nhào vô lãnh thay cho xếp Sonny.

Có lẽ vì hèn hạ, một mực ôm đầu chịu trận nên nhục thì có nhục nhưng Carlo bảo toàn được sinh mạng. Nó biết đánh trả một cái là mất mạng nên nhất định không chống. Miễn là níu cứng được cửa sắt, không để đàn anh lôi đi, cố che đầu che mặt một hồi thì Sonny đánh chán tay cũng phải thôi. Quả nhiên Sonny thở hồng hộc, dừng tay lại quát tháo:

- Thằng khốn... Tao mà nghe nói mày đụng tới con em tao một lần nữa là tao giết mày!

Nghe Sonny gầm lêndọa giết mấy người chung quanh thở phào nhẹ nhõm. Nó còn dọa tức là nó chưa giết ngay bây giờ, chưa thể giết hay chưa dám giết nên uất quá phải chửi cho hả dạ. Nhưng Carlo vẫn lo ôm cứng cửa sắt, che mặt đi, hết dám ngó lên. Xe Sonny vọt đi rồi mà thằng Coach phải chạy tới gỡ ra, ngỏ lời an ủi nó mới dám buông. "Thôi đi lên để tôi coi qua có làm sao không".

Carlo lảo đảo đứng thẳng, mắt hoa lên mãi mới nhận ra đám con nít đang ngó nó một cách thương hại. Nếu kể đòn thì Sonny đấm khá mạnh nhưng nó che kín, ít lãnh những cú đau nên gượng gạo chịu được. Có điều sợ quá, sợ bủn rủn tay chân. Có người đỡ một bên còn đi không muốn nổi.

Lên lầu, nó được Coach rửa qua loa chỗ sưng, đắp nước đá. Không có máu, không xây xát nhưng mặt Carlo bầm tím, sưng lên nhiều chỗ thấy ghê! Sợ thất thần lại bị hạ nhục quá xá. Carlo cúi mặt xuống la-va-bô nôn mửa. Coach phải dìu nó, cho vòi nước chảy xối trên đầu cho tỉnh táo rồi dẫn tới giường nằm nghỉ. Nó đâu còn hồn vía để ý đến sự vắng mặt của thằng Sally?

Vì vở dượt võ vừa hạ màn là Sally lo lỉnh qua đại lộ số 3, chui vô phòng điện thoại công cộng, phi báo xếp Rocco Lampone. Tay "chủ chốt". Rocco đón nhận tin dữ và báo cáo gấpcaporegime Clemenza. Lão mập vừa nghe tin đã hết hồn, buột miệng rủa... nhưng lẹ tay nhận máy, không để đàn em nghe lọt: "Cái thằng khốn kiếp! Khi không lại gây chuyện lộn xộn rồi!"

Clemenza phải phôn choconsigliori Hagen gấp để coi Long Beach quyết định thế nào. Suy nghĩ một lát, Tom ra chỉ thị:

- Cho vài xe của mình phóng gấp về ngả Long Beach coi trên đường về nó có bị cản trở... hay làm sao không. Với thằng Sonny thì cơn giận bốc lên cái gì nó chẳng dám làm? Biết đâu chừng mấy người anh em bên kia bắt được tuy-ô chẳng cho người đi "mần" nó? Phải đề phòng trước.

- Cái đó mi yên chí. Tao cho tụi nó đi liền. Mấy thằng khốn Tattaglias cũng chỉ được tin nhanh như mình là cùng. Chừng đó thằng Sonny đã phây phây ở nhà rồi!

- Nhưng biết đâu có chuyện bất khả kháng phải dừng lại dọc đường? Dám lắm chớ? Một vụ đụng xe chẳng hạn? Chú cứ lo trước dùm.

Clemenza bất đắc dĩ phải kêu Lampone sai bọn đàn em chia nhiều toán chạy xe dài dài ngả Long Beach đón Sonny. Đích thân lão lái chiếc Cadillac cưng, xách 3 thằng đang nằm sẵn trong nhà dông tuốt về ngả Nữu-Ước.

Gần như cùng một lúc với Sall, một thằng điểm-chỉ-viên hạng bét của cánh Tattaglias đến mua giấy cá banh tình cờ chứng kiến cũng mau mau phôn về cho "người nhà". Có điều tin của nó đi trễ, phải qua mấy tầng trung gian, vả lại cánh Tattaglias đâu đã chuẩn bị kịp để chiến? Qua mấy cấp mới tới caporegime và ông này còn phải trình lên Ông Trùm xin chỉ thị. Có được chỉ thị thì Sonny Corleone đã phây phây nằm trong cư xá Long Beach.

Đã xem 384590 lần.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 17

Trận đại chiến 1947 giữa cánh Corleone vàNgũ đại gia đình Mafia Nữu-Ước quả tình quá tốn kém cho cả đôi bên. Lo bắn giết nhau lại phải lo áp lực cớm buộc phải nạp thằng khốn đã bắn đại úy Mc Closkey. Có được làm ăn gì đâu? Xưa nay có mấy khi thầy chú dám mích lòng mấy ông lớn quen che chở cho giới giang hồ làm ăn? Có vụ Mc Closkey thì sức mấy dám che chở... mà có muốn che chở cũng không nổi.

Cùng không được che chở nhưng mấy phe khác "lãnh" nặng hơn phe Corleone nhiều. Nguồn lợi chính của phe này là cờ bạc, nhất là đánh đề, đánh cá. Cảnh sát tung lưới ra quơ một số chủ sòng, sau khi đàn áp qua loa. Tụi này khai ra nên lâu lâu một "Tổng hành dinh" cũng bị vồ một mẻ lớn. Mấy thằng có tiền mở "Tổng hành dinh" lỗ nặng là phải yêu cầu cáccaporegime can thiệp.Caporegime phải đưa raHội đồng gia đình , song vấn đề quả vô phương giải quyết.

Tạm thời "lặn" ít lâu vậy. Trao lại mối cho bọn hành nghề tự do để bọn này phân tán mỏng cho đàn em. Như ở Harlem, khu ưa đánh đề, đánh cá nhất, từng thằng đàn em tạm thời được chia từng phố một. Cớm có biết cũng vô phương: chơi ổ này ổ kia mọc ra lập tức.

Chỉ ít lâu sau, nhiều tờ báo Nữu-Ước lần lượt rọi tia sáng vào bí mật Mc Closkey, điều tra sâu rộng mối liên hệ làm ăn giữa ông Đại úy Cảnh sát và tay tổ ma túy Sollozzo. Có tờ còn đưa hẳn bằng chứng cụ thể là Mc Closkey đã nhận được nhiều số tiền lớn trước khi bị bắn chết.

Đó là kế hoạch vận động báo chí, tài liệu toàn do Hagen kín đáo cung cấp. Những loạt bài nổ, cố tình làm xôn xao dư luận, ngay trong hang ngũ cớm càng nảy nhiều nghi vấn. Giới thẩm quyền cảnh sát không xác nhận những tin trên nhưng phủ nhận cũng không được. Trong khi đó đám mật báo viên và các thầy chủ "ăn lương" nhà Corleone bắt đầu xì những tin hoàn toàn bất lợi cho Mc Closkey. Xưa nay cớm đâu có chê những món tiền lo lót của giới làm ăn? Nhưng móc nối với bọn đầu xỏ ma túy thì không dám. Nhận tiền của chúng để âm mưu ám hại một mạng người như Mc Closkey từng làm thì không thể chấp nhận!

Một con nhà luật tinh ranh như Tom Hagen còn lạ gì tâm lý thầy chú? Dân tin tưởng ở pháp luật một thì lính phải tin mười. Có pháp luật, trật tự thì mới hành xử được quyền làm Cảnh sát chớ? Đối với Cảnh sát, đám dân là con dao hai lưỡi! Khi cần đến thì phải biết là chiêu-đãi-o-bế, có nuốt được cũng còn khó! Nhưng xong việc rồi thì còn nói gì ơn nghĩa? Một khi đập được thì tội vạ gì không đập thẳng tay, đó là tâm lý chung thầy chú.

Dân giang hồ cần vận động lo lót là thiếu gì ông lớn? Côn đồ thứ dữ ra tòa lãnh án treo như không! Luật pháp Mỹ còn cho mấy ông Thống Đốc và ngay cả ngài Tổng Thống đặc quyền ân xá hẳn những tội nhân mà mấy ông Tòa không thể tha bổng nổi kia mà?

Hành nghề một thời gian là thầy chú biết hết. Bọn du đãng bất lương chịu chi thì tại sao không vồ kìa? Bản thân cần tiền, con cái phải cho ăn học đàng hoàng và không lẽ bắt vợ con nhịn ăn, nhịn mặc? Tại sao không vồ ngay để lâu lâu có quyền du hí một phát? Công việc phải mang sinh mạng ra hàng ngày mà không đáng được hưởng sao?

Có điều không phải vì vậy mà thầy chú có quyền ăn bẩn. Ăn tiền sòng bạc được. Đút túi tiền phạt vạ cũng được, thiếu gì thằng không thích đi nộp phạt đậu xe trái phép, chạy quá tốc lực? Bắt tiền mấy động mãi dâm hay lờ đi cho các em bổ-lẻ làm ăn cũng vẫn còn được. Đó là những thứ tiền ăn được. Nhưng có những địa hạt phải kiêng nể, đụng đến là bôi bẩn ngay nghề lính, do đó không thể nhân nhượng được. Chẳng hạn buôn lậu ma túy, hiếp dâm, ăn cướp, sát nhân...

Một ông Đại úy bị sát hại thì cả ngành bắt buộc phải có phản ứng quyết liệt. Nhưng khi hiểu ra rằng Đại úy Mc Closkey đã bị bắn cùng với một gốc ma túy cả nước biết, lại bị tình nghi dính vào vụ mưu sát thì phản ứng sẽ phải yếu dần. Huống hồ còn bao nhiêu thứ thiếu thốn, nào công nợ nào xe trả góp chưa xong, vợ sắp bể bầu... Bao nhiêu thứ chi tiêu chỉ trông vào độc một khoản lương lính sao nổi? Mấy đứa bán hàng trái phép chỉ đủ tiền ăn nhậu, phạt vạ là tiền túi... nhiều vị túng bấn quá đã phải nã tiền nghi can ngay trong bót.

Cuối cùng tình hình hết căng thẳng. Giới giang hồ lại đựơc bật đèn xanh, với điều kiện phải chi nặng hơn. Vị đại diện quận lại sẽ có một "lít" phải chi hằng tháng: ông nào, việc nào, và lãnh bao nhiêu. "Trật tự xã hội" được tái lập bình thường.

oOo

Ông Trùm Corleone còn nằm bệnh viện là còn phải canh gác chặt chẽ. Đám thám tử tư do Hagen mướn tới vẫn được bọn đàn em Tessio yểm trợ cật lực. Nhưng Sonny vẫn không yên tâm; khoảng giữa tháng Hai, có thể xuât viện được là Ông Trùm được đưa gấp về Long Beach nằm tĩnh dưỡng. Phòng ngủ biến thành phòng bệnh, với đầy đủ dụng cụ cấp cứu. Y tá tuyển riêng, thay phiên gác bệnh 24 trên 24 và phải trả thật đắt để mời bằng được bác sĩ Kennedy về nhà làm y sĩ thường trú, lo điều trị riêng một mình Ông Trùm.

Cư xá được phòng thủ nghiêm mật. Mấy căn nhà cho mướn bây giờ toàn dân có súng ở, bao nhiêu phí tổn đi về Sicily do gia đình Corleone tình nguyện đài thọ hết.

Cùng lúc đó Fred được gởi sang Las Vegas dưỡng bệnh. Vấn đề an ninh khỏi lo, cánh Las Vegas đã bằng lòng bảo đảm cho nó thì sức mấy các đàn anh Nữu-Ước dám rượt theo để sinh sự với anh em miền Tây cho đến lúc bấy giờ vẫn trung lập? Chơi cánh Corleone ở Nữu-Ước còn mệt, đâu dám viễn chinh tầm thù? Ở Las Vegas, Fred Corleone còn có nhiệm vụ dò đường để chuẩn bị đầu tư vào kỹ nghệ cất khách sạn, mở sòng bạc.

Theo nghiêm lệnh của bác sĩ Kennedy thì tuyệt đối cấm nhắc đến chuyện làm ăn trước mặt Ông Trùm. Có ai nghe đâu? Ngay bữa đầu tiên nằm dưỡng bệnh ở nhà, ổng đã yêu cầu bộ tham mưu họp bàn ngay trong phòng bệnh, có đủ mặt Sonny, Hagen, Clemenza, Tessio. Còn yếu quá chưa nói được thìBố-Già ngồi nghe rồi lắc đầu hay gật đầu. Nghe báo cáo Fred đã được cử sang Las Vegas học nghề làm sòng bạc ổng gật đầu lẹ lẹ. Nghe bọn đàn em bắn bỏ Bruno Tattaglia ổng khẽ lắc đầu, đưa tay làm dấu. Nhưng buồn nhất là vụ Michael hạ sát Sollozzo và Mc Closkey phải trốn về Sicily. Không nói không rằng, Ông Trùm xua tay cho mọi nguời ra hết, ra văn phòng nói chuyện với nhau, ổng không muốn nghe nữa.

Sonny ngồi chễm chệ sau buya-rô ngỏ ý:

- Để ông già nghỉ đỡ vài tuần cho đến lúc bác sĩ bảo khỏe hẳn đã. Công việc cứ tiến hành đều chớ, bọn cớm đã bật đèn xanh rồi mà? Phải lo trước tiên mấy cái "tổng hành dinh" khu Harlem. Lâu nay mấy thằng đen tọa hưởng, giờ mình phải lấy lại. Bọn khốn này làm đâu hỏng đấy. Tao nghe có mấy thằng bọn nó chơi điếm, cho bọn đàn em ăn giựt tiền đồ, tiền cả lu bù. Đ. M., đi thì đi Cadillac mà mở miệng là than nghèo, than lỗ! Người ta trúng không chịu chung ngay cứ trốn mặt, khất lần và muốn lãnh đủ đòi chia phân nữa! Mấy thằng bao đề nhà mình phải tuyệt đối cấm chúng nó se sua, cấm lên mặt nhà giàu, xe hơi mới, ăn diện và giở trò lật lọng không chịu chung cho bà con trúng. Những thằng bao đề lậu làm ăn riêng là bắt tốp hết. Tụi nó làm mình mang tiếng lây. Bây giờ Tom lo bật đèn xanh cho chúng nó khởi sự là một thời gian sau sẽ đâu vào đấy như cũ hết.

- Mày đừng quên là mấy thằng đen bên Harlem cũng chì lắm nghe Sonny? Hồi này tụi nó làm "tổng hành dinh" quen rồi, quen đớp lớn rồi. Sức mấy tụi nó chịu trở lại cửa con?

- Vụ đó mày khỏi lo. Cứ đưa "danh sách" cho Clemenza là xong. Cho tụi nó "đi' là công việc Clemenza xưa nay.

Clemenza xác nhận: "Việc đó để tao. Xong ngay". Nhưng vấn đề Tessio nêu ra mới quan trọng. Lão cho biết rành rẽ:

- Mình sắp đặt làm ăn đương nhiên 5 cánh kia sẽ nhào vô phá liền. Tụi nó sẽ "làm thịt" từ các tổng hành dinh bên Harlem... đến các ổ bao đề mặt đông Nữu-Ước. Tụi nó dám kiếm chuyện xô xát, đụng độ ngay trong ngành may cắt của mình. Nghĩa là nhiều chuyện sẽ xảy ra, tốn kém bằng thích.

- Tụi nó dám không? Mấy thằng tao cử ra ngoài nghe ngóng đều cho hay tình hình này mình vẫn có thể giải quyết êm đẹp được, miễn chịu bồi thường sinh mạng thằng Bruno.

Nghe Sonny lạc quan, Hagen phân tích ngay:

- Bây giờ có dễ gì thương thuyết? Mấy tháng vừa qua cánh nào ở Nữu-Ước chẳng mất đứt nhiều lợi tức và đổ tội cho mình? Sự thực là vậy. Bản tâm tụi nó muốn gì? Chỉ muốn mình đứng ra và ngoại giao mua chuộc thẩm quyền để cùng làm ăn lớn ngành ma túy, nghĩa là đi đúng kế hoạch Sollozzo. Có vậy thôi. Nhưng tụi nó phải liên kết nhau quần cho mình mệt đã, mình xuống chắc đã, thì họa chăng mình mới đổi ý, chịu đi với tụi nó.

- Ma túy thì khỏi nói. Ông già đã biểu không... thì phải là không. Chừng nào ổng đổi ý là vấn đề khác.

- Như vậy thì hiển nhiên mình kẹt, kẹt vấn đề chiến thuật. Lợi tức của mình phần lớn do sòng bạc, bao đề, bao đánh cá... nghĩa làtiền hở , tiền lúc nào cũng có thể mất, nếu chúng phá. Còn cánh Tattaglia chẳng hạn, lợi tức của chúng ở địa hạt khai thác mãi dâm, bóc lột bọn phu bến tàu. Mình làm sao phá nổi? Mấy cánh khác cũng có ít nhiều quyền lợi ở sòng bạc, nhưng lợi tức chính của tụi nó nằm ở ngành xây cất, cho vay lời, làm áp-phe nghiệp đoàn và đấu thầu với nhà nước. Tụi nó có đánh đấm, có dọa người ta lấy tiền... nhưng cũng có nhiều công việc làm ăn hợp pháp. Nói chung, tiền của tụi nó không phảitiền hở , tiền nằm ngoài đường. Chẳng hạn mình muốn chơi cái hộp đêm của cánh Tattaglia là quá nhiều nguy hiểm. Ông già còn chưa dậy nổi thì thế của bọn nó đâu có thua gì mình? Đó là chổ kẹt của bọn mình.

- Để cái chỗ kẹt đó... tao lo cho, Tom! Tao sẽ có giải pháp. Phần mày cứ lo mở đường thương thuyết chử coi? Còn làm ăn được thì mình vẫn cứ tiến hành... rồi chuyện tới đâu thì tới chớ? Tụi nó biết phá, bộ tụi mình không biết trả đòn? Mình cứ dàn sẵn, Tessio và Clemenza không thiếu đàn em. Cần đấu súng một-chọi-một... mình vẫn đủ người để chơi với cả 5 cánh tụi nó họp lại. Nếu tụi nó muốn chơi thật thì mình sẳn sàngtrải nệm .

Quét mấy thằng đen lập "Tổng hành dinh" thì quá dễ. Nhờ mấy ông cớm vồ, chiếu cố mạnh tay hơn thường lệ một chút là xong. Hồi đó bọn đen còn bị kỳ thị nặng đến đó vác tiền lo lót thầy chú hoặc ông lớn, chịu chi bao nhiêu cũng cứ bị gạt phắt. Vụ Harlem đâu có thành vấn đề?

oOo

Năm cánh Nữu-Ước họp nhau đánh mạnh ở một ngả ít đề phòng nhất. Hai cán bộ cao cấp Nghiệp-đoàn May-Cắt có liên hệ với cánh Corleone thình lình bị quất sụm. Bọn cá mập mon men ra bến tàu làm ăn bị đuổi cổ. Mấy thằng đầu não nghiệp đoàn phu bến tàu trở cờ. Bất cứ thằng nào bao đề, chủ sòng nào cũng bị đe dọa, muốn tiếp tục làm ăn phải cắt đứt liên hệ với cánh Corleone. Cánh này có tay chủ sòng làm ăn lớn nhất Harlem và trung thành nhất thì chính hắn bị hạ sát một cách thảm thương. Chẳng biết làm sao hơn, Sonny đành ra lệnh cho hai ôngcaporegime cấp tốctrải nệm .

Hai căn cứ mật được dựng lên đầy đủ súng ống, chăn nệm, thực phẩm cho bọn đàn em "cấm trại" mỗi ôngcaporegime phụ trách một căn cứ. Chủ sòng ló mặt ra đường là phải có cận vệ. Mấy thằng ở Harlem trở cờ tạm thời hãy cứ để đấy. Đánh lớn nên chi phí lớn... trong khi tiền thâu dzô kể như zêro. Có mấy tháng trời mà bao nhiêu biến cố. Biến cố lớn nhất là cánh Corleone đâm hụt hơi vì xuất lực quá nhiều và thực lực không ghê gớm như họ tưởng!

Trước hết vì Ông Trùm còn phải nằm dưỡng thương, một phần thế lực bị vô hiệu hóa, mất chỗ dựa. Rồi 10 năm bình an, xếp súng một xó làm cả hai ôngcaporegime lu mờ, đánh đấm hết hay, hết dữ. Clemenza bắn vẫn ngon, quản trị vẫn cừ nhưng điều khiển đàn em, nhảy lên dẫn dắt chúng xung phong thì yếu rõ. Tessio bây giờ hết gân, hết dám xuống tay rùng rợn như hồi đó. Còn Tom Hagen khả năng có thừa song "trí thức" quá, chẳng phải là mộtconsigliori thời chiến. Không phải gốc Sicily cũng đã yếu quá rồi.

Một thằng chiến trận quen như Sonny thì còn lạ gì những nhược điểm cốt yếu trên? Nó biết hết và công nhận ngay chỗ yếu của mình... Nhưng làm được gì? Nó bó tay vì nó đâu phải Ông Trùm? Chỉ một mình Ông Trùm mới đủ thẩm quyền thay thếconsigliori và cáccaporegime ! Mà đã lâm chiến thì thay người là cả một vấn đề, thay cho một cấp lãnh đạo nhưcaporegime còn dám đưa đến chỗ sụm luôn chỉ vì đã không được việc còn sớm đưa đẩy con người ta đến chỗ phải trở cờ. Mới đầu Sonny chỉ tính đánh cầm chừng, đợi ông già bình phục là đích thân ổng sẽ lo đối phó. Nhưng chủ sòng lờn trở cờ, chủ sòng nhỏ bị khủng bố liên miên cánh Corleone quả đã bị đẩy đến chân tường, Sonny không thể không đánh lớn.

Chiến lược của nó là đánh mạnh, đánh thẳng ngay vô đầu não phe địch. Kế hoạch hành quân của Sonny đã được vạch sẵn và có tính cách nhất tề, đại quy mô... chừng phát động là cả 5 Ông Trùm của 5 cánh đối địch phải nạp mạng chắc. Bộ phận theo dõi của nó đã trải rộng ra để nắm vững từng đường đi nước bước của từng mạng, không sai chạy. Nhưng mới nhập trận có một tuần thì cả 5 ông Trùm cùng "lặn" cái rụp, hết dám thò mặt ra ngoài. Do đó, cánh Corleone đành gồng mình quần thảo liên miên với cả 5 địch thủ liên kết.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 18

Cửa hàng xe đòn của Bonasera ở đường Mulberry nhà riêng lão chỉ cách vài dãy nhà. Lão có lệ về nhà ăn cơm chiều nhưng chập tối thế nào cũng phải trở ra cửa hàng để xăng xái góp mặt với quý vị tang chủ có người nhà nằm lại.

Bonasera đã chọn nghề chôn người làm kế sinh nhai nên tối kỵ những quân ưa đặt điều nhạo báng cái nghề đòi hỏi nhiều tiểu tiết tưởng là không quan trọng này. Dĩ nhiên bà con quen biết hay láng giềng của lão chẳng bao giờ dám láo lếu vậy vì nghề nào chẳng là nghề, miễn có đổ mồ hôi là khả kính rồi!

Nhà riêng của Bonasera trang hoàng đúng điệu, chỗ nào cũng có tượng Đức Mẹ, bàn thờ Chúa bóng đèn màu nhấp nháy. Lão ngồi đợi vợ con dọn cơm chiều nhâm nhi ly huýt-ky, hút mấy hơiCamel . Mụ vợ bưng mấy dĩa súp nóng lên, hai vợ chồng húp sì sụp. Trơ trọi hai vợ chồng già, đứa con gái phải gởi tạm lên Boston ở với dì nó, mong nó sớm quên đi những kỷ niệm hãi hùng do hai thằng súc vật gây nên hồi đó.

Giữa bữa cơm mụ vợ hỏi: "Tối nay ông có ra cửa hàng không?" Lão gật đầu. Sao lại không nhỉ? Mụ coi trọng nghề nghiệp của chồng thật... nhưng chẳng hiểu quái gì hết. Mụ cũng như mấy người ngoài cứ tưởng đâu trong nghề này quan trọng nhất là vấn đề kỹ thuật, nghĩa là phải lo rửa ráy, tô điểm làm sao cho người nằm trong hòm mặt mũi tươi tỉnh như lúc còn sống. Về vụ này thì Bonasera nhất. Nổi tiếng quá rồi. Họ đâu biết chính sự hiện diện của ông chủ nhà đòn mới là vô cùng cần thiết.

Tang gia đòi hỏi Bonasera phải có mặt trong đêm chót hết, lúc người thân của họ còn quàn lại cửa hàng, đợi bà con tới phúng điếu. Con người của Bonasera quả có hạp với sự chết chóc. Khuôn mặt rầu rầu, trang nghiêm là cả một sự ai-điếu, giọng lão ề à đều đều đúng như giọng đám ma. Lão có nghệ thuật trấn áp sự khóc lóc bi thương quá lố cũng như dọa dẫm con nít quấy nhiễu những lúc tang gia bối rối. Nhất định không xen vô công việc gia chủ nhưng cần đến là Bonasera có mặt ngay. Vì vậy đã nhờ vả cửa hàng lão một lần là nhà "có việc" không thể quên nổi... cũng như Bonasera không bao giờ để "thân chủ" nằm trơ một mình trong một đêm cuối cùng của cuộc đời.

Trên phương diện nghề nghiệp, Bonasera coi trọng đêm vĩnh biệt lắm. Cơm nước xong lo chợp mắt một lúc cho tỉnh táo, dậy rửa mặt cạo râu đàng hoàng, thoa phấn nhiều nhiều cho trơn tru và không quên súc miệng nước thuốc cho thơm tho. Quần áo dĩ nhiên là phải mới thay, giặt ủi thẳng nếp, sơ mi trắng bong, ca vát đen, bộ đồ nỉ đen, vớ đen giày cổ đen kinh . Ngay mớ tóc lão cũng phải đen, chẳng phải nhuộm cho trẻ trung như mấy lão người đồng hương mà hoàn toàn vì lý do nghề nghiệp. Một mái tóc muối tiêu coi bộ kém trang trọng!

Xong đĩa súp, mụ vợ dọn đĩa bít-tết sà-lát và ly cà-phê đen là xong bữa. Ngồi nhấm nháp cà-phê lót khóiCamellão nghĩ đến đứa con gái, mụn con độc nhất vừa trải qua một cơn đại nạn. Khuôn mặt xinh xắn của nó nhờ giải phẩu thẩm mỹ hoàn toàn không để lại vết tích nhưng ánh mắt con nhỏ vẫn nguyên vẹn sự hãi hùng làm lão không dám ngó. Phải cho nó một dịp sống xa nhà để thời gian và khung cảnh mới may ra hàn gắn được nỗi bi thương. Chỉ có chết mới hết... chớ đau khổ, hãi hùng có bao giờ vĩnh viễn? Chính nghề chôn người khiến Bonasera luôn luôn lạc quan!

Bỗng đâu chuông điện thoại ở phòng khách reo vang. Có lão ở nhà mụ vợ có bao giờ nghe phôn? Bonasera tợp hết ly cà-phê, dụi tàn thuốc và vừa đi lại máy vừa nới cà vạt, cởi nút sơ mi sẵn để nghe xong chỉ việc ngả người nghỉ lưng giây lát.

Nhấc phôn lên Bonasera "Hello" thật lịch sự và nghe đầu dây đằng kia có một giọng nói sẵng: "Tom Hagen đây. Tôi gọi nhân danh Ông Trùm, theo lời ổng yêu cầu."

Bonasera nghe nhói một phát nơi bụng, choáng váng cả người, ông Trùm Corleone! Vậy là sắp có chuyện rồi! Hơn một năm nay mối nợ canh cánh bên lòng nghe chừng đã nhạt. Hồi mới đầu thấy hai thằng súc sinh khốn khổ khốn nạn, bị một trận gần chết vì dám đụng đến con cưng của bạn Ông Trùm Corleone, lão quả thực dám làm bất cứ điều gì ông bạn nhờ vả lại lắm. Nhưng bây giờ thì... Xưa nay lòng biết ơn còn đi mau hơn nhan sắc nữa! Giọng lão thốt nhiên rụng rời: "Vâng, tôi hiểu rồi. Tôi nghe đây..."

Bonasera ngạc nhiên quá! Xưa nay nghe nói Tom Hagen ăn nói lịch sự, đàng hoàng lắm sao bữa nay ôngconsigliori lại mệt mỏi cộc cằn đến thế này? Hắn nói không úp mở:

- Ông còn nợ Ông Trùm một việc. Chắc ông vui lòng làm trả chớ? Cỡ một giờ nữa, không sớm hơn mà có thể chậm chút đỉnh... đích thân Ông Trùm sẽ tới đằng cửa hàng để nhờ ông một việc. Xin ông tới cửa hàng, đừng để người làm ở lại. Nếu được xin cho hay mà không thì để Ông Trùm còn đi nhờ người khác.

- Ủa, sao ông nói vậy?Bố-Già của con bé cháu mà có chuyện cần đến thì làm sao tôi từ chối được? Tôi sẽ tới ngay bây giờ, tôi đi liền.

Ở đầu giây, giọng nói có vẻ hòa dịu nhưng vẫn có chút kỳ lạ mà Bonasera đoán không ra.

- Tốt lắm, Ông Trùm cũng tin vậy. Thắc mắc là tôi thắc mắc đó thôi. Vậy ông ráng làm dùm việc này, rồi ra có việc gì cần đến tôi, ông có thể kể như tôi là bạn.

- Ông vừa nói đích thân Ông Trùm sắp đến cửa hàng?

- Đúng thế.

- Nếu vậy Ông Trùm khỏi hẳn bệnh rồi ạ? Lạy Chúa tôi...

Bonasera chỉ nghe một tiếng "Phải" là máy cúp. Mồ hôi ở đâu ra mà nhiều vậy? Lão vô thay quần áo, xúc miệng. Chỉ kịp thay chiếc sơ mi mới. Phôn lại cửa hàng, ra lệnh cho thằng phụ tá ở lại với tang gia ở đằng trước, phía sau là "phòng làm việc" phải để trống cho lão. Nó lấy làm lạ tính hỏi lại thì Bonasera gắt lên: "Tao bảo sao cứ làm vậy, khỏi hỏi!"

Mụ vợ ăn cơm chưa xong thấy chồng mặc đồ, hấp tấp ra "cửa hàng" cũng lấy làm lạ nhưng không dám hỏi. Bữa nay Bonasera có vẻ nghiêm trọng quá. Lão chỉ nói "Tôi có chút việc làm gấp" rồi lật đật bỏ đi ngay.

Cửa hàng Bonasera là cả một tòa nhà đứng sừng sững trên một khu đất rộng chung quanh có hàng rào trắng toát. Từ cửa ngoài vô "phòng làm việc" ở phía sau có một con đường nhỏ vừa đủ rộng cho xe Hồng-thập-tự, xe tang ra vô. Lão đích thân mở cửa sắt lớn, đi vòng ra đằng sau và thấy ở cửa hàng phía ngoài tang gia đang đứng lố nhố.

Cả cơ sở nhà đòn bây giờ Bonasera mua lại của một đồng nghiệp già giải nghệ mấy năm trước. Hồi đó ông chủ cũ cất cửa hàng không tính toán gì hết, muốn lên tiền đình căn nhà phải bước cả 10 bực thang, người già yếu hay tàn tật làm sao leo nổi? Thành thử họ phải "đi" nhờ cái thang máy đặt ở góc nhà, xưa nay chỉ dùng để lên xuống người chết hay quan tài. Vô cùng bất tiện. Về tay Bonasera, lão cho sửa lại gấp. Tang chủ hay người đi phúng điếu có lối lên thoai thoải, lên thẳng tiền đình, khỏi phải sử dụng thứ thang máy chỉ để dùng cho người chết.

Cửa hàng Bonasera chia hẳn ra làm 2 khu riêng biệt, có vách dầy ngăn, âm thanh qua cũng không lọt. Phía ngoài chia từng ngăn cho từng tang chủ để họ cử hành lễ tống táng theo nghi thức tôn giáo họ muốn. Phía sau là "lãnh vực chuyên môn" của nhà đòn. Có văn phòng, có nhà kho bày đủ kiểu quan tài lớn nhỏ, có "phòng làm việc" để sửa soạn, khâm liệm. Ngay cạnh "Phòng làm việc" là gian nhỏ khóa cứng, bên trong để những hóa chất những "đồ nghề" cần thiết để cải sửa dung mạo người quá cố.

Bonasera nhanh nhẹn mở khóa bước vô văn phòng. Lão ra ngồi buya-rô đợi "cố nhân" Vito Corleone. Có mấy khi lão hút thuốc ở buya-rô nhưng tối nay Bonasera cần đốt một điếuCamel . Cứ nghĩ đến vụ Ông Trùm sắp tới nhờ vả, lão đã rầu muốn thúi ruột. Lão hoảng thiệt tình. Không làm thì không xong mà làm thì... Phải có chuyện gì quan trọng lắm lắm lão Corleone mới phải đích thân tới hẹn giờ đàng hoàng mà như lời Hagen nói... còn phải đuổi hết người làm công về, một mình ông chủ ở lại!

Cố nhân sắp nhờ vả gì Bonasera biết chớ? Chôn người là nghề, là lãnh vực chuyên môn xuất xắc của Bonasera thì lão còn được nhờ vả chuyện gì ngoài vụ lo cho xác chết! Mấy tháng nay cánh Corleone đổ máu lớn, một mình chơi lại cảNgũ đại gia đình Nữu-Ước. Các báo ngày nào chẳng đăng tin... đại để cả hai bên đều lãnh đủ, người chết cứ như ngã rạ! Hôm nay chắc cánh Corleone vừa quất được một mạng nào đó của đối phương, một tay cực kỳ quan trọng phải thủ tiêu cấp tốc trong vòng bí mật hoàn toàn chớ gì? Có một ông bạn thân-chủ nhà đòn đám ma thì tiện nghi quá cỡ rồi: Nhờ một thằng có môn bài chôn người thủ tiêu một xác chết thì kín quá, tuyệt quá!

Vậy là đời lão sắp khốn nạn. Tiếp tay chôn xác chết dùm cho mấy ông ăn cướp còn là gì, nếu chẳng phải tòng phạm sát nhân? Ra tòa là ở tù hàng năm sắp lên mà tù khổ sai, cấm cố chớ chẳng phải tù thường! Ôi, chủ nhà đòn danh tiếng mấy chục năm Amegiro Bonasera mà tù tội vì dính líu vào vụ giết người của mấy thằng Mafia thì còn gì là mặt mũi? Vợ con ông chủ còn xấu mặt lây là cái chắc!

Chết đến nơi rồi. Bonasera phải đốt thêm điếuCamel . Coi, tù tội đâu đã nguy hiểm? Bất quá chỉ bôi đen tên tuổi, tiêu ma danh dự. Còn cái vụ này... cái vụ sắp sửa phải dính vô dám mất mạng! Lão tiếp tay cho Corleone, tức đứng hẳn về cánh Corleone thì nhất định là kẻ thù chung củaNgũ đại gia đình Mafia. Tụi nó biết... mà dĩ nhiên thế nào tụi nó chẳng biết... thì ôi thôi còn gì cái mạng của ông chủ nhà đòn? Chết chắc!

Lão hối hận đầy mình. Ôi, nhờ vả làm chi cho khốn khổ? Mụ vợ lão quen biết con mụ trùm Corleone làm chi cho mang vạ thế này? Mà cả con nhóc con nữa. Quen biết, chơi bời làm gì... để bị hành hạ, để bố phải đi cầu cạnh người ta giờ mới ra nông nỗi! Mà cả cái nước Mỹ này nữa, ăn nên làm ra được, giàu có được cũng khổ. Bonasera hận quá!

Hận người, hận đời chán chê thì Bonasera bỗng thấy lóe lên một tia sáng lạc quan. Ô hay, sự tình đâu đã đến nỗi bi thảm đến thế mà đã vội bấn lên? Mọi việc dám xuôi chèo mát mái lắm chớ? Xưa nay Vito Corleone đâu phải người không khôn ngoan? Xưa nay lão nổi tiếng thận trọng, đa mưu túc kế. Cần phải giữ bí mật, lão còn giữ hơn ai hết! Như vậy hoảng hốt làm gì... sao bằng bình tĩnh chờ coi. Mà bây giờ làm mất lòng Vito Corleone không nguy hiểm sao? Sợ còn mau chết nữa!

Có tiếng bánh xe nghiến lạo xạo. Quen quá rồi, Bonasera biết ngay có xe tới khúc đường trải đá sỏi, đi vòng cửa sau. Lão vội mở cửa sau đón khách. Clemenza hùng hục ào vô theo sau là hai gã cận vệ coi bặm trợn quá. Cùng xếp mập, hai thằng chia nhau đi kiểm soát một vòng, không thèm chào hỏi, xin phép mà nhào bừa vô như nhà tụi nó vậy. Hai thằng "xét nhà" xong chia nhau đứng hai góc, một mình Clemenza bước ra.

Lát sau có xe nữa tới, xe Hồng-thập-tự. Tai Bonasera nghe lầm sao nổi? Lão mập lại trở vô, theo sau có hai thằng khiêng cáng. Thôi đúng rồi! Đúng như Bonasera đoán trước... trên cáng có một thân hình người, che tới mấy lớp mền nhưng hai bàn chân vẫn thò ra, da vàng như sáp.

Clemenza đưa tay trỏ để hai thằng khiêng cáng vào "Phòng làm việc". Có tiếng chân bước từ ngoài sân tối thui vô căn phòng sáng ánh đèn, Ông Trùm Corleone chớ còn ai?

Quái, nằm dưỡng thương cả mấy tháng, ổng gầy yếu là phải song dáng đi sao... cứng nhắc, khó khăn thế kia? Chiếc nón nỉ lấy ra cầm tay, mớ tóc trên cái đầu bự coi bộ thưa thớt quá. Coi già nua, gầy yếu hơn bữa gả con nhiều... nhưng oai phong vẫn còn, thế mới lạ! Úp nón vô ngực, ổng cất tiếng: "Thế nào cố nhân? Chỗ anh em có chút việc nhờ nhau được chớ?"

Bonasera gật đầu. Ông Trùm Corleone theo chiếc cáng bước vô phòng khâm liệm, lão tò tò đi sau. Chiếc cáng được đặt lên bàn cao. Ổng khẽ đưa cái nón ra hiệu để mấy người kia ra hết. Lúc bấy giờ Bonasera mới lí nhí: "Nào, bạn cần tôi làm gì nào?"

Ông Trùm ngưng thần hướng vô chiếc cáng thong thả đáp:

- Bạn... nếu bạn thương tôi nhờ bạn ráng hết sức, bạn mang hết kinh nghiệm nhà nghề lo dùm cho thằng cháu. Tôi... tôi không dám để mẹ nó nhìn cảnh tượng này...

Chậm chạp nhích tới bên cạnh bàn, Ông Trùm mạnh tay lật chiếc mền lên. Ôi chao, Bonasera không thể nén nổi một tiếng rú kinh hoàng... dù chôn người liệm xác là nghề từ mấy chục năm nay. Ghê rợn quá! Khuôn mặt bự của Sonny Corleone hiện ra, nát bấy những vết đạn. Mắt bên trái là cả một hố máu bầm, tròng mắt bể vụn. Một mớ thịt bầy nhầy, nát ngướu thay cho sống mũi và gò má trái.

Có dễ đến gần một giây đồng hồ Bonasera cảm thấy bàn tay Ông Trùm Corleone đặt trên vai lão, có ý tìm một thế dựa.

- Bạn thấy chưa? Bạn thấy thằng con tôi bị chúng chơi dã man chưa?

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 19

Sonny có thể nói tự tìm đến cái chết vì nó hùng hục lao đầu vào cuộc quần đả, vì nóng máu đánh lớn đánh hăng không ai kiềm chế nổi. Trọn nửa năm xung đột nó cứ cơ sở của đối phương mà nhào vô bắn giết. Mấy thằng ma cô dẫn mối cho các ổ điếm nhà Tattaglia ở Harlem nó cũng thịt, mấy thằng cai phu bến tàu nó cũng không tha. Cán bộ nghiệp đoàn theo pheNgũ đại gia đình là bị cảnh cáo phải đứng trung lập. Bọn chủ sòng, bọn cá mập bị phe địch cấm vô bến tàu làm ăn thì nó và Clemenza dẫn đàn em xông vô bắn tán loạn.

Trong thế đối đầu thì bắn giết là ngu. Có phải nổ đùng đùng mà thắng trận đâu? Về chiến thuật thì Sonny ngon lắm nhưng muốn dứt trận thì phải có một chiến lược toàn bộ của một tay lãnh đạo cỡBố-Già kìa! Bắn mãi, thủ thế và phục kích mãi có đi đến đâu? Chỉ tổ mất người mất của. Cả hai bên cùng tốn và cùng ngất ngư.

Cánh Corleone buộc lòng phải đóng cửa một số "tổng hành dinh" làm ăn ra tiền nhất mà ngay cái ổ bao đề ranh con để Carlo Rizzi kiếm cơm ăn hàng ngày cũng phải dẹp luôn. Cậu rể càng dư dả thì giờ nhậu nhẹt, và chơi bời đĩ điếm làm Connie khổ thêm. Từ hôm bị Sonny dằn mặt một trận, quả nhiên nó khôngdám rớ tới con vợ nữa. Nó khôngthèm rớ. Nó lơ là, "vợ chồng thật nhưng tao không ngủ với mày, nhất định vậy". Con Connie mê quá đâm luỵ vì nó. Lạy lục, năn nỉ,... nó cũng không thèm. Carlo hả hê ra mặt, bảo thẳng: "Thằng anh mày ngon lắm... mày về mách nó đi. Mách nó là tao không ngủ với mày để coi nó có bắt được taophải ngủ không?"

Sau buổi sáng Chúa nhựt kinh hoàng đó, hai thằng gặp nhau vẫn chào hỏi qua loa nhưng Carlo có linh cảm Sonny tạm thời nhẫn nhục để chờ cơ hội "thịt" nó. Với týp người như Sonny thì giết người là một công việc quá dễ, chẳng cần suy nghĩ, chẳng phải làm gan. Nhấn cò là rồi! Nhưng Carlo thì có liều, có nổi giận chưa chắc đã dám. Trớ trêu ở chỗ Carlo không hề nghĩ rằng chính vì chỗ khác nhau đó mà nóngười hơn thằng anh vợ. Nó lại hậnkhông được như Sonny ở nghề giết người tỉnh táo.

Dĩ nhiênconsigliori Tom Hagen không chấp nhận chiến thuật Sonny nhưng không muốn báo cáo với Ông Trùm chỉ vì lẽ giản dị là cho đến một mức độ nào đó thì phải đánh hăng như thế mới được việc? Dường như chỉ vì thế mà cả 5 cánh kia đâm rét, tấn công không hăng mà phản công cũng cứ lơi dần, yếu dần. Rồi đứng sững hẳn. Làm sao tin nổi tinh thần làm ra vẻ chủ hoà của đối phương? Hagen nghi ngờ lắm nhưng Sonny lạc quan hơn bao giờ hết: "Tao cứ đập hoài đập nữa thì bọn nó chỉ có lạy mà xin hoà!"

Kỳ cục là đánh lớn đối phương Sonny không ngán nhưng việc nhà lại làm nó điên đầu. Mụ vợ hành hạ đủ điều chỉ vì nghe đồn nó ăn phải bùa mê của con Lucy. Sự thực mụ cứ nói ra miệng là kinh sợ mỗi khi gần gụi chồng... nhưng không có vẫn không xong. Mụ không chịu nhịn. Bị cho nghỉ dài hạn mụ đâm hậm hực, kiếm đủ mọi chuyện làm tình làm tội thằng chồng.

Đã vậy Sonny còn vô cùng mệt mỏi vì bị đối phương nhằm sát-sạt. Đi ra một bước cũng phải lo đề phòng cẩn mật, lâu lâu "nhảy dù" thăm em Lucy cũng bị chúng canh. Thông thường nhà mấy con nhân tình là nơi dễ bị chúng quất nhất nên nó lo thủ kinh khủng. Phòng của Lucy ở hô-ten bao giờ chẳng có một thằng đàn em tin cẩn nhất canh kín? Ngay người bị canh cũng không hề hay biết! Cùng một tầng lầu có một căn trống bất cứ lúc nào là có người củacaporegime Sonny mướn trám ngay.

Trong khi đó Ông Trùm hồi phục dần, sắp đích thân nắm lại quyền chỉ huy và phe Corleone thực sự đang thắng thế. Điều này Sonny còn tin tưởng hơn ai hết. Nó thực sự có đường lên sau khi cho thấy khả năng gìn giữ "giang sơn" và được lòng tin củaBố-Già . Dù chẳng phải cha truyền con nối như ngôi vua song chức Ông Trùm rồi đây không phải của nó thì còn của ai?

Có điều dù ở thế bại thì các nhóm đối đầu với cánh Corleone cũng phải nghiên cứu tình hình, sắp đặt kế hoạch. Bọn họ đi đến kết luận là để tránh một thảm bại trước mắt chỉ còn một đòn giờ chót là "thịt" bằng được Sonny. Phải không có nó mới có hy vọng điều đình. Ông Trùm dù sao cũng còn có thể tính toán, nhân nhượng. Đối phương ngán Sonny bao nhiêu thì hận nó bấy nhiêu. Nó chơi quá tàn nhẫn và không có một tí gì gọi là đầu óc kinh doanh hết. Thời buổi này có phe nhóm nào muốn chơi dữ, muốn gây xáo trộn như những ngày xưa?

Một hôm vào khoảng chiều tối Connie đang nằm nhà bỗng nhận được cú phôn bí mật. Giọng đàn bà, hỏi thăm Carlo lại còn trêu chọc, cười cợt đểu giả. Nó giận quá, chửi um lên rồi cúp máy.

Buổi chiều Carlo đi trường đua và thua đậm. Nó bực bội bò về nhà, say rượu ngất ngư mà còn vác theo nửa chai huýt-ky đang nhậu dở. Vì cú phôn vừa rồi nên thấy mặt nó ló vô là Connie chửi xa xả. Carlo tỉnh bơ đi tắm, lúc trở ra còn chọc giận bằng cách nghênh ngang đứng giữa nhà lau khô người để mặc quần áo vô tính đi chơi nữa.

Chịu không nổi, Conni tức lồng lộn, đứng chống nạnh quai miệng ra gây gổ: "Không đi đâu hết! Mày đi với con điếm vừa phôn lại đây chớ gì? Nó nói đêm nay không có mày nó ngủ không được đấy! Mày dám cho con điếm số phôn để nó chọc tao thì tao giết mày!"

Giận tái người, Connie xông tới la lối, cấu xé. Nó đưa một cánh tay gạt bắn ra. "Đừng có điên đầu, ai quen biết con nào? Đứa nào chọc quê mày đó!"

Vẻ lạnh lùng của Carlo càng làm Connie tin là nó có gian díu hẹn hò với con kia thật. Do đó nó càng làm dữ, cào rách mặt, chảy máu tùm lum. Carlo vẫn cứ gạt đi, làm như không dám đụng mạnh vì cái bầu quá lớn vậy. Được thể Connie càng làm tới.

Sự thực thì chính sự đụng chạm với cơ thể thằng chồng mà nó mê lên mê xuống làm Connie bỗng thấy háo hức. Cả tháng nay nó bắt nhịn ức muốn điên lên được. Mà cái bầu thì 7 tháng rồi, chỉ còn hai tháng nữa sanh. Từ tháng thứ 8 trở đi bác sĩ cấm luôn thì nhịn nữa, nhịn mãi hả? Carlo chạy vô phòng ngủ nó cũng rượt theo cào cấu, đấm thùm thụp, miệng la lối cái điệu nửa thúc hối nửa giận lẫy: "Mày không đi đâu hết... Tối nay không có đi đâu hết!"

Carlo lửng khửng "OK... OK... không đi thì thôi". Nó đã mặc quần áo vô đâu? Mới chỉ mặc quần xà lỏn và cởi trần trùng trục coi lực sĩ quá. Càng hấp dẫn nữa! Đòn ruột của nó xưa nay mà? Biết con vợ chết mê chết mệt, nó cố tình biểu diễn khơi khơi trước mặt, lúc nào cũng sẵn sàng mặc quần xà lỏn làm vài động tác thể dục để khoe thân hình chữ "V", làn da nâu bóng, bắp thịt săn cứng...

Thấy bộ dạng Connie nó biết con này muốn gì nên Carlo giễu tỉnh bơ: "Coi, không đi thì ở nhà. Ở nhà thì mày phải có tí gì cho tao ăn chớ?" Nó đòi ăn còn đánh tủ nữa! Xưa nay Connie chẳng khoe tài nấu bếp, ít ra cũng học được của mẹ một vài phần sao? Vả lại còn là vấn đề bổn phận của một con vợ mà? Nó ngoe nguẩy đi trở ra, xuống bếp làm cho xong món bi-tết bò con, xà-lách. Đủ mọi mùi vị béo bổ, cay, chua, ngọt... Carlo vô giường nằm bật ngửa ra chờ cơm, vừa coi báo mục bàn cá ngựa ngày mai vừa nhâm nhi một ly huýt-ky tổ bố để trên bàn đầu giường.

Connie bước vô nhưng làm điệu bộ tránh né làm như đứng gần cái giường dám bị nó hút dính cứng vậy. Nó nói trống:

- Đó, cơm xong rồi đó.

- Tao chưa đói, chờ chút coi!

- Tao nói cơm tao để trên bàn rồi đó.

Thấy con vợ lằng nhằng dễ ghét quá, Carlo sẵng giọng:

- Để cha mày ở đâu thì để!

Nó cầm ly huýt-ky uống một hơi rồi nghiêng chai rót nữa, không thèm để ý đến! Bị chửi lên đầu Connie vùng vằng chạy xuống bếp liệng hết mấy dĩa đồ ăn nóng hổi vào chậu rửa bát. Tiếng rổn rảng làm Carlo vùng chạy ra. Thấy sàn bếp, vách tường văng đầy những nước sốt thịt bò Carlo nổi sùng:

- Con điếm... Mày không cho tao ăn mày đổ đi hả? Mày không lau sạch ngay bây giờ tao đá mày chết cha.

- Có lau cái cứt tao đây này!

Buông xong câu ăn miếng trả miếng. Connie đứng hầm hè, nhưng Carlo không nói không rằng đi vô phòng ngủ. Lúc trở ra tay nó ve vẩy chiếc thắt lưng da chập đôi, miệng ra lệnh thật ông tướng: "Mày có lau không?"

Connie đứng bướng là nó quất. "Đét" một phát vào đít, tiếng dây lưng da nghe ghê lắm nhưng đâu có đau đớn bao nhiêu? Bị vụt mấy roi, Connie chạy lủi vô bếp, mở ngăn kéo lấy con dao dài sắt bánh mì cầm tay.

Carlo cười ha hả: "Ghê nhỉ! Con gái Ông Trùm có khác". Nó bèn liệng dây lưng trên mặt bàn, tay không xáp lại. Connie thình lình xỉa một nhát nhằm bụng dưới... nhưng trúng sao nổi? Vướng cái bầu lặc-lè chậm rề rề. Nó chỉ nhích người, vươn tay ra cái một là bị tước võ khí liền. Một màn tát phải và tát trái được Carlo biểu diễn. Nó canh đúng độ đúng tầm, vung tay ra là xáng đúp hai phát qua lại "Bốp bốp... bốp bốp". Không đau lắm, không thấy máu nữa nhưng rát quá lắm và hạ nhục vô cùng. Chạy quanh bếp, rút vào phòng ngủ cũng vẫn lãnh đủ. Connie toan giở võ miệng thì bị đè ngửa ra giường. Một tay nắm tóc, một tay Carlo tiếp tục bốp bốp. Uất ức quá và không sao gỡ nổi, Connie khóc ầm lên như con nít.

Carlo cười ha hả liệng nó xuống giường, quơ chai huýt-ky còn một ít đưa lên tu ừng ực. Cặp mắt xanh lơ của nó bây giờ đỏ sọng dễ sợ coi bộ ngấm rượu rồi nên Connie hoảng quá nằm im thin thít. Nó làm hết chỗ rượu rồi cười hề hề, trừng trị Connie bằng một chầu ngắt đùi non. Ôi cha... Đau tê tái, đau ngất người, đau kinh khủng... tay nó lực sĩ mà? Nó bắt lạy cũng phải lạy! Carlo cười khoái chí và dằn mặt: "Mày mập như heo. Tao nhéo mà còn thấy tởm quá."

Bị dượt một trận nên thân, nó ra nhà ngoài rồi mà Connie còn hoảng sợ hết hồn, nằm lì một chỗ không dám nhúc nhích, không dám bước ra coi Carlo làm những gì ở phòng ngoài. Mãi sau thu hết can đảm mới dám ló đầu ra thấy nó khui chai rượu mới, nằm bật ngửa ra đi-văn. Nó say rượu là thế nào cũng ngủ vùi. Lát nữa phải mò xuống bếp phôn về Long Beach cầu cứu. Cầu cứu bà già cho thằng nào đưa xe đón về nhà... chớ vụ này không thể cho anh Sonny biết. Phải phôn cho anh Tom hay bà già.

Cỡ gần 10 giờ đêm chuông điện thoại reo ở dưới bếp nhà Ông Trùm. Gã cận vệ nhấc máy, vô mời Bà Trùm gấp. Bà cầm máy nghe mà có hiểu gì đâu? Nó nói cuống quýt, nó nói như sảng lại phải bịt ống nghe sợ thằng chồng nằm nhà ngoài nghe thay. Vả lại mồm miệng sưng vù Connie lắp bắp nói thật khó. Bà Trùm bèn ra hiệu gọi thằng Sonny ra nghe dùm, nó đang ở trong phòng giấy với Tom.

Ôi chao, vừa nghe: "Anh Sonny đây... Có chuyện gì đấy em?" là Connie sợ phát rụng rời tay tay chân. Sợ chồng biết thì ít nhưng sợ ông anh làm hoảng quá! Nó ấp úng mãi mới nghe được đại để: "Anh... em muốn về nhà, ngay bây giờ. Anh cho xe lại đón. Không, không có gì đâu... Để về nhà em nói... Coi, anh đừng đi. Em không muốn anh đi. Bảo Tom hay ai cũng được. Không, nhất định không có chuyện gì đâu!"

Lúc bấy giờ Ông Trùm đã được uống ít thuốc ngủ cho yên giấc. Canh chừng từ cử động của Sonny chỉ còn mình Tom Hagen. Ở nhà bếp có Tom và hai thằng cận vệ thì cả 3 người cùng trừng trừng ngó Sonny nghe phôn. Không để ý không được vì cả con người của nó là sự hung dữ hiện hình. Bản chất nó đã tàn bạo giờ như có thêm luồng điện nóng chạy ào vô: những sợi gân máu ở cổ nó căng phồng lên chạy rậm rật, mắt muốn toé khói, khuôn mặt đanh lại hầm hầm. Cơn giận còn làm nó run rẩy tay chân. Nhưng giọng nó tỉnh quá, làm như Sonny gắng trầm xuống: "OK... Em đợi chút... Em ráng đợi chút..."

Nó buông phôn ra, đứng như trời trồng làm như không hiểu tại sao giận dữ đến vậy. Nó gầm lên: "Thằng chó đẻ... Thằng chó đẻ..." rồi vùng chạy.

Hagen đứng đấy biết hết. Nhưng đành đứng ngó bất lực vì Sonny đã giận tím mặt, giân run người thì chẳng thể nói qua nói lại gì hết. Trời cũng không cản nổi nó bây giờ! May ra lái xe một hồi cơn gió lạnh nửa đêm có thể thổi nó nguội bớt. Sonny người giận thì đáng ngại hơn nhiều, nguy hiểm lắm là khác... nhưng dù sao cũng còn hơn! Ít ra nó cũng tự vệ được. Đứng trong nhà, Hagen nghe máy xe gầm lên rồi vụt biến. Chỉ kịp bảo hai thằng cận vệ xách xe chạy theo gấp.

Hagen chạy vô văn phòng phôn cho mấy thằng đàn em toán Sonny hiện ở Nữu-Ước phải chạy ngay tới nhà Carlo Rizzi đưa thằng em rể đi gấp để ông anh vợ tới là hụt cẳng. Sonny sẽ bực nó lắm nhưng ông già chắc chắn sẽ đồng ý là không thể để nó nổi sùng hạ sát Carlo có người chứng kiến. Bắn chết người có nhân chứng là hết gỡ! Vả lại Hagen cũng không muốn nó gây sự với đối phương vì hiện giờNgũ đại gia đình quả cũng muốn xếp súng, điều đình cho xong.

Lúc cho chiếcBuick vọt ra khỏi cư xá là Sonny đã bình tĩnh lại phần nào. Nó còn biết hai thằng cận vệ xách xe chạy theo mà? Cũng được, dù nó chẳng thấy gì nguy hiểm. Phe địch đã thực sự rút vào thế thủ, sức mấy tụi nó dám tấn công, nhất là tấn công nhằm ngay nó? Rắc rối với cớm cũng chẳng ngại. Dù trong xe có súng, ở ngay trong hộc táp-lô nhưng xe đứng tên thằng đàn em chớ đâu phải tên nó? Súng mang đi cho có thôi chớ đối phó với một thằng Carlo Rizzi thì cần quái gì? Mà bắn nó cũng không khó.

Có dịp suy nghĩ Sonny mới thấy có giận dữ bao nhiêu cũng chẳng thể hạ sát Carlongay bây giờ . Con Connie goá chồng đã đành mà đứa nhỏ chưa ra khỏi bụng mẹ đã mồ côi cha đâu được? Nhất là chỉ vì chuyện vợ chồng chúng nó đập lộn! Vì một lẽ gì khác thì Sonny có lẽ không ngần ngại vì nó biết chắc thằng Carlo là một thằng khốn và nhất là thằng khốn đó vì quen biết nó, tới chơi với nó mới lọt vô gia đình và chớp được con Connie.

Mâu thuẫn trớ trêu trong con người hung dữ của Sonny là xưa nay nó không nỡ, nó không thể chơi người-dưới-tay. Đàn bà con nít cấm dám rớ tới. Một thằng đã chịu chấp nhận thua là bao nhiêu hung dữ của nó vụt biến. Thằng Carlo bữa đó đứng xuôi tay chịu trận nên Sonny đâu dám nổ? Hồi còn nhỏ nó là một thằng hiền lành, tốt bụng. Chẳng qua cũng vì số mệnh mà Sonny mới thành một kẻ sát nhân.

Vụ thằng Carlo phải giải quyết lần một cho xong. Đầu óc Sonny sắp xếp một giải pháp thích ứng khi nó phóng xe băng băng trên con đường-nổi nằm vắt ngang qua vũng biển. Con đường quen thuộc quá rồi, lần nào từ Long Beach sang Nữu-Ước nó chẳng đi ngả này cho đỡ kẹt xe? Được rồi, lát nữa cho bọn cận vệ áp tải Connie về để mình nó nói phải quấy với Carlo. Chưa biết đối xử cách nào. Nếu nó đánh Connie đến mang thương tích thì bẻ gãy cha nó một cánh tay, cho nó què luôn. Gió biển mằn mặn lùa vào trong xe làm Sonny bớt nóng hẳn. Nó xập cửa xuống cho đỡ lạnh.

Sonny khoái chạy xe trên đường-nổi vì ban đêm bao giờ cũng vắng, mùa này còn vắng nữa. Tha hồ chạy, qua đến phía Nữu-Ước cũng vẫn còn vắng! Phải lao xe thế này đầu óc mới bớt căng thẳng. Phía sau xe chẳng thấy xe bọn cận vệ. Mà xe thiên hạ cũng chẳng có một cái, đèn đường chỉ mập mờ.

Xa xa thấy dạng một trạm thâu thuế xe, nóc sơn trắng bóc. Sonny rà rà thắng chiếcBuick cho xe chậm bớt, một tay thọc vô túi kiếm tiền lẻ để trả tiền thuế sử dụng đường nổi. Không có. Đành mở ví lấy ra một tờ bạc giấy. ChiếcBuick ngừng sát trạm thuế sáng ánh đèn. Sonny bực bội ngó phía trước: quái lạ, xe thằng nào ngừng chướng thế kia, bộ nó tính chặn đường chắc? Nó nhận kèn um sùm thì nó mới chạy tới, nép sang bên.

Hạ kiếng xe xuống, Sonny chìa đồng đô-la ra cho thằng thâu thuế. Thằng khốn nạn, cầm tiền rồi móc bạc cắc ra thối nhè lóng ngóng thế nào để rớt loảng xoảng. Nó cúi xuống tìm mãi. Bộ nó bắt đợi đến bao giờ kia? Gió lộng vô lạnh quá, Sonny tính quay kiếng xuống mà cứ phải đợi. Nó cằn nhằn.

Sonny chợt để ý. Ô hay, chiếc xe trên lại lách ra. Ở trạm thâu thuế lù lù một thằng. Đáng ngại quá, hai thằng ở trên xe lại nhảy ra tiến về phía nó. Không nghi ngờ gì nữa, chắc chết rồi! Trong một chớp mắt, cơn giận dữ vụt biến như bị hoá giải tức khắc bởi cả một sự kinh hoàng chết chóc!

Linh tính Sonny như một luồng điện đẩy bắn thân hình đồ sộ của nó ép sát cửa chiếcBuick . Nó vùng mạnh quá làm sút khoá cửa. Thằng nấp trong trạm thuế nổ mấy phát: đạn ghim vô đầu vô cổ Sonny, đẩy nó văng xuống đường. Hai thằng kia rút súng thì thằng đồng bọn mới tốp, chân Sonny vẫn vướng cửa xe. Lúc bấy giờ chúng nó mới liên tiếp đặt đạn, khỏi cần nhắm và xông tới đá như điên vào mặt Sonny.

Chỉ mấy giây sau cả 4 thằng thong thả lên xe. Ra thằng thâu thuế cũng là thứ giả! Chúng phóng tuốt trên con đường vắng ngắt, vô cùng an toàn vì chiếcBuick của Sonny đã nằm chắn hết lối, có muốn rượt theo cũng vô phương.

Cũng chỉ mấy phút sau xe hai thằng cận vệ trờ tới. Thấy cảnh hãi hùng quá chúng quay xe về luôn, sức mấy dám đuổi. Đến trạm điện thoại đầu tiên sau khi ra khỏi đường-nổi, một thằng hấp tấp nhảy xuống, gọi về Long Beach báo cáo gấp lênconsigliori :

- Sonny bị bắn chết. Chúng chơi khoảng giữa đường-nổi...

Nghe tin dữ, Hagen tỉnh như không. "Mày tới Clemenza đưa lão về đây ngay. Sau đó sẽ có chỉ thị."

Phải công nhận là Hagen trầm tĩnh. Nó nghe phôn lúc Bà Già vẫn quanh quẩn bên cạnh, lo làm sẵn mấy miếng săng-uých để lát nữa Connie ăn đỡ. Bà Trùm có biết chuyện gì xảy ra đâu? Nếu để ý thì biết ngay chớ, nhưng cả chục năm bầu bạn với Ông Trùm, bà chỉ học được một điều: phận đàn bà chớ có xía vô công chuyện của chồng, của con. Nếu chuyện cần phải biết thì trước sau cũng được họ cho biết. Một tin buồn, một chuyện đau khổ biết cũng không ích gì thì biết làm chi cho mệt? "Chuyện của mấy người ấy thì họ lo... chớ chuyện của chị em mình họ có lo đâu nào?"

Bà Trùm nấu cà-phê, dọn bàn ăn. Lo buồn, sợ sệt thì đói vẫn đói. No bụng có khi còn đỡ hơn là khác. Không hiểu mấy ông bác sĩ cho uống thuốc an thần, thuốc chỉ thống để làm gì? Một mẩu bánh, một ly cà-phê nóng dám hay hơn nhiều.

Nghe cú phôn, Hagen đóng kịch thật cừ... nhưng bước qua văn phòng thì bao nhiêu sợ sêt, hốt hoảng chợt kéo đến đùng đùng. Đứng không nổi, sợ run bần bật sợ long đầu gối. Ngồi vững trên ghế mà tự nhiên nó co chân, rụt cổ, hai tay chắp lại.

Coi, như vậy đó thìconsigliori thời chiến sao nổi! Ra nó bị đối phương bịp, qua mặt cái vù. Tụi nó làm bộ yếu xìu, xuống chân để phục kích một cú động trời. Có khiêu khích tụi nó cũng nằm lỳ, chuẩn bị kỹ và đợi đúng lúc để cho ra một đòn. Một đòn thôi... nhưng một đòng thật xính vính! Genco Abbandando có bao giờ chịu hố thảm hại thế này? Chúng mày có bẫy thế chứ bẫy nữa cũng đánh hơi ra cái một. Cảnh giác gấp 3 lần và xông khói ngay boong cho chúng mày lòi mặt chuột.

Sonny sập bẫy bỏ mạng làm Hagen đau lòng quá. Không cùng máu mủ nhưng anh em ruột không bằng. Không có nó làm sao được như ngày nay? Sonny vừa là cứu tinh vừa là tấm gương anh hùng thời thơ dại. Ngay hồi nhỏ có bao giờ nó lên mặt hay bắt nạt thằng bạn mồ côi? Nó thương yêu Tom thực tình, hôm được Sollozzo thả ra nó chẳng nhào tới, ôm thật chặt đó sao? Một thằng bạn như vậy mà lớn lên giết người như chơi, thành danh đao phủ thủ cực kỳ tàn ác là cả một sự vô lý mà Hagen vẫn chưa hiểu nổi.

Làm sao Hagen có thể thông báo cho Bà Trùm là Sonny bị bắn chết? Thực ra nó không gần gụi, không thể coi bà như ông già hoặc Sonny. Bà Trùm cũng như Fred, như Michael, như Connie, nó cũng thương lắm. Người một nhà mà? Tuy nhiên nó chỉthương mến ... chớ khôngthương xót , như đối với ông già và Sonny! Nỡ lòng nào Hagen cho bà hay? Mới có mấy tháng bà lần lượt phải xa cả 3 thằng con: Fred sang Nevada chạy nạn. Michael về Sicily trốn tránh và giờ đây Sonny bị bắn chết tươi... thì lòng mẹ thương con làm sao chịu nổi?

Hagen bàng hoàng, kinh sợ đến năm, mười phút rồi gắng gượng nhấc phôn, quay số Connie. Chuông reo mãi mới thấy tiếng nó thì thào bèn thong thả nói "Connie đấy hả? Tom đây. Em gọi Carlo dậy đi. Anh có chuyện cần nói gấp!"

Giọng Connie hoảng hốt: "Anh đấy hả? Bộ anh Sonny sắp tới nhà em hả?" Phải trấn an nó:

- Không có đâu! Sonny không tới đâu em! Đừng có bắn lên chớ? Em đánh thức Carlo dậy... bảo anh có chuyện rất quan trọng nói với nó...

- Anh... nó vừa đập em xong. Em sợ nó biết em phôn về nhà... nó dám đánh em nữa...

- Đừng sợ hoảng. Bộ anh nói nó không nghe sao? Em cứ việc kêu nó dậy... anh có chuyện nói nó phải nghe. Chuyện rất quan trọng...

Mãi 5 phút sau mới nhận ra giọng lè nhè buồn ngủ, say rượu của Carlo. Hagen phải nói dứt khoát, mạnh mẽ cho nó mau tỉnh rượu...

- Nghe kỹ tao nói đây Carlo. Tao sắp cho mày hay một tin vô cùng quan trọng nhưng mày nghe máy... mày phải coi như không có chuyện gì, đừng để cho Connie biết. Thế nào nó cũng hỏi... mày nhớ biểu rằng tao vừa cho mày hay tin ông-già cho tụi bây một căn nhà trong cư-xá, tụi bay sẽ dọn vô ở và mày còn được một chân kha khá để có tiền thêm, hai đứa đỡ khổ một chút nghe? Mày hiểu chưa nào?

- Hiểu chớ... Tôi hiểu rồi - Carlo coi bộ xăng xái lắm...

- Lát nữa sẽ có mấy thằng tao cử đến nhà mày... để đón mày đi nơi khác. Tụi nó đến thì mày bảo phôn gấp cho tao, chỉ nói thế thôi, đừng nói một điều gì khác. Tao sẽ biểu tụi nó để vợ chồng mày ở nhà, hiểu chưa?

Carlo lại "OK... Hiểu rồi" rất lẹ. Nghe giọng hối hả của nó cũng biết cu cậu đang nóng lòng muốn biết cái tin vô cùng quan trọng lắm lắm. Cho nên Hagen không vòng vo nữa mà nói thẳng ngay:

- Sonny vừa bị chúng bắn chết. Mày biết vậy... chớ nói gì hết. Tuyệt đối cấm. Lúc mày ngủ, Connie phôn về và nó lồng lộn xách xe qua mày. Giữa đường nó bị... Mày chớ để Connie biết hay đoán biết vì cú phôn của nó gọi về mà Sonny mất mạng. Mày làm như không biết gì hết, đêm nay mày phải ở bên cạnh nó, mày làm lành với nó để nó khỏi xúc động. Ít ra cũng đến lúc nó sanh xong, nhớ chưa? Tao nhắc lại mày đừng nói gì hết. Ngày mai sẽ có người cho Connie hay, nhưng bây giờ mày phải nghe lời tao... ở bên cạnh nó, dỗ dành nó. Tao hứa rồi đây mày muốn gì tao cũng giúp cho. Mày hiểu rõ chưa?

Giọng Carlo lần này run run:

- Dạ hiểu. Tôi sẽ làm đúng như lời anh dặn. Chỗ anh với tôi xưa nay mình vẫn đẹp với nhau. Anh giúp tôi là tôi không quên ơn. Điều đó chắc anh biết?

- Tao biết chớ. Mày yên chí... sẽ không ai trách móc gì mày về vụ vợ chồng mày đập lộn rồi mới ra nông nỗi. Cái đó có tao lo cho. Sẽ không có chuyện gì hết... OK? Bây giờ mày lo làm lành với Connie đi là vừa...

Hagen cúp máy. Doạ dẫm làm chi, ông già chẳng từng dạy nó biết bao nhiêu lần? Chỉ cần nói lửng lơ như vậy mà chắc chắn thằng Carlo hiểu rồi. Nó phải hiểu là nó đã gây chuyện gì và sinh mạng của nó kể như ngàn cân treo sợi tóc.

Sau đó nó nhấc máy gọi Tessio. Kêu lão tới gấp, không nói lý do mà lão cũng chẳng hỏi. Lão chỉ 'OK' và sẽ tới Long Beach liền. Bây giờ mới đến một pha gay cấn, một cực hình mà Hagen sợ nhất, không muốn lãnh chút nào nhưng nó không làm thì còn ai vô đó? Phải báo tin cho Ông Trùm chớ!

Bây giờ là nửa đêm, phải gọi một người uống thuốc ngủ dậy, người ấy là người nó yêu kính nhất đời... để thú nhận sự bất lực của nó. Nó đã phụ lòng, không trông nom nổi "việc nhà", không giữ lại được thằng con đầu lòng cho ổng. Phải thú nhận luôn là sắp thảm bại nếu người vừa gần chết không đứng lên nhập trận. Hagen đâu có lạc quan bậy? Nó hằng nghĩ chỉ cóBố-Già mới đủ tư cách quân bằng tình thế mà?

Lệnh cấm của bác sĩ thì ăn nhằm gì? Dù có nguy hiểm, dù Ông Trùm có mệnh hệ nào... nó cũng phải gọi ổng dậy báo tin để sẵn sàng chờ chỉ thị. Ổng quyết định gì cũng chẳng thành vấn đề. Tình hình này lệnh bác sĩ chẳng thích hợp quái gì... mà cái gì cũng đâm vô nghĩa tuốt! Phải cho ổng biết tin ngay để đích thân ổng đứng lên chỉ huy hay ra lệnh cho Hagen đầu hàng cho rồi.

Hagen khổ tâm lắm. Biết nói sao bây giờ... nó định tội phân minh, chính mình phải nhận tội là đúng. Nhưng tự thú nhận bất lực và nhận tội lại chỉ làm ông già thêm đau khổ. Vậy mới kẹt. Thú nhận mình không đủ tài làm một thằngconsigliori thời chiến chỉ làm Ông Trùm đau lòng thêm vì chính lỗi ổng đã chọn lầm người.

Nó sẽ báo tin, nó sẽ phải đưa một bản phân tích tình hình phải làm những gì để gỡ thế kẹt rồi nín lặng. Để Ông Trùm quyết định và chỉ việc tuân hành. Nếu ổng cho là lỗi ở nó, Hagen sẽ nhận tội ngay. Nếu ổng muốn nó đau khổ thì còn hỏi, sự đau khổ của nó sẽ bộc lộ liền!

Hagen ngửng đầu lắng tai nghe. Có tiếng xe chạy vô cư xá. Cáccaporegime đã tới. Nó sẽ cho họ biết vắn tắt rồi lên thông báo cho ông già sau. Hagen đứng dậy đi tới tủ rượu. Nó lấy rượu, lấy ly ra nhưng đứng ngẩn ngơ một lát như người mất hồn, không biết đường rót rượu ra ly nữa! Bỗng đâu có tiếng cửa mở rồi khép lại nhẹ nhàng ở sau lưng nó: Hagen quay lại thấyBố-Già . Ổng mặc đồ lớn đàng hoàng! Lần đầu tiên Ông Trùm mặc lại bộ đồ lớn, kể từ sau ngày bị bắn.

Ổng thong thả bước tới chiếc ghế da bự mọi lần và ngồi xuống. Dáng đi có hơi cứng, bộ quần áo có hơi thùng thình nhưng Hagen thấy rõ ràng ổng in hệt như trước. Làm như ổng đã mang hết nghị lực ra để chứng tỏ không gầy, không yếu chút nào. Khuôn mặt vẫn là khuôn mặt ngày xưa, cương nghị có thừa. Ổng ngồi ngay ngắn cất tiếng: "Mi cho tao chútanisette ."

Hagen vội đổi lấy chaianisette rồi rót mỗi người một ly. Thứ này nặng, ngọt ngào hương vị đại hồi... loại nhà cất lấy, nhà quê nhưng thứ bán ở tiệm đâu sánh nổi? Năm nào ông bạn già chẳng chở đến cho Ông Trùm Corleone cả xeanisette ?

- Tao thấy bà ấy khóc một hơi rồi mới ngủ... Rồi nửa đêm mấy thằngcaporegime kéo tới. Vậy hẳn có chuyện gì... vậy thì mi làconsigliori ... mi phải cho Ông Trùm của mi biết cái chuyện mà mọi người đã biết hết chớ?

- Con đâu có nói với bác gái chuyện gì? Con tính lên đánh thức bác, cho bác hay thì bác xuống đấy chớ?

- Mi tính làm xong ly rượu rồi mới lên gọi tao dậy?

- Dạ...

- Vậy thì... rượu mi uống rồi đó. Nói đi... cho tao hay đi chớ?

Giọng ông già thoáng chút trách móc. Ổng có ý muốn nóiconsigliori gì mà yếu thế đấy... Hagen bèn cho ổng hay:

- Tụi nó bắn thằng Sonny ở khúc đường nổi. Bắn chết ngay...

Ông Trùm chớp mắt. Chỉ trong một phần nào đó, chưa đến một giây đồng hồ... lớp vỏ nghị lực của ổng vụt biến, khuôn mặt lộ nguyên vẻ chán chường, mệt mỏi... nhưng gượng lại ngay. Hai bàn tay xoắn vào nhau đặt trên mặt bàn, ổng ngó ngay Hagen:

- Kể tao nghe đầu đuôi câu chuyện... À, mà thôi... đợi Tessio, Clemenza chút xíu... khỏi mất công kể lại.

Ngay sau đó có tiếng người phía ngoài. Hai lãocaporegime được gã cận vệ đưa vô. Thấy Ông Trùm ngồi đấy và đứng dậy đón là họ biết ngay ổng đã hay tin dữ. Chỗ anh em thân thiết, họ ôm lấy Ông Trùm rồi mỗi người một ly rượu do tự tay Hagen rót, họ ngồi chờ nghe kể lại từ đầu câu chuyện.

Trước sau Ông Trùm chỉ hỏi vỏn vẹn một câu:

- Chắc chắn là nó chết?

Người xác nhận là Clemenza. Lão nói:

- Chết rồi. Mấy thằng cận vệ thuộc toán Sonny nhưng toàn do tôi tuyển lựa. Lúc tụi nó đến cho hay... tôi đã cật vấn kỹ. Chỗ trạm thâu thuế xe có ánh đèn mà? Tụi nó bắn vậy thì sống sao nổi!

Nghe lão mập xác nhận chắc như đinh đóng cột, Ông Trùm tuyệt nhiên không xúc động mà chỉ nín thinh một hồi. Sau đó ổng ra lệnh rành rẽ:

- Mấy người hãy nghe đây. Việc này tuyệt không được dính vô, không được trả thù... mà không được điều tra truy tầm thủ phạm nữa, nếu không có lệnh của tôi. Nếu tôi không có lệnh, không được quyền gây sự thêm với bọn họ. Chúng ta ngừng hết mọi hoạt động, kể cả việc bảo vệ mấy chỗ làm ăn... cho đến ngày chôn thằng con tôi xong. Tạm thời cứ như thế, chúng ta sẽ họp bàn và sẽ có quyết định sau. Chúng ta cứ lo chôn cất thằng Sonny cho đàng hoàng đã, tôi sẽ nhờ bạn bè can thiệp dùm với Cảnh sát và các cơ quan về vụ này...

Clemenza ở sát bên tôi làm cận vệ, cùng với đông đủ thuộc hạ. Còn Tessio lo đôn đốc các anh em bảo vệ gia đình này. Còn Tom, mi gọi ngay Bonasera nhờ lão lo dùm việc khâm liệm tối nay. Bảo hắn chờ ở cửa hàng, tao sẽ lại. Có thể lâu vài ba giờ... Nào, mọi người hiểu cả chưa?

Cả 3 người cùng gật đầu. Ông Trùm nói tiếp:

- Clemenza sửa soạn sẵn xe và mấy anh em chờ tôi xong là đi liền. Còn Tom, mi làm đúng. Sáng mai cho người đón Connie về ở với má nó. Dọn cho vợ chồng nó một căn trong cư xá. Mi kiếm mấy con bạn của Sandra, nhờ tụi nó tới an ủi. Vợ chồng tao sẽ qua sáng mai và bà ấy sẽ cho nó hay tin rồi sau đó lo làm lễ cầu hồn cho nó ở nhà thờ.

Nói xong Ông Trùm đứng lên. Ba người đứng lên theo. Tessio, Clemenza bước lại ôm chầm lấy ổng lần nữa.Hagenmở cửa sẵn để ổng bước ra nhưng ổng ngừng lại, đưa tay xoa má nó, nói khe khẽ: "Mi là đứa con có hiếu. Tao cảm thấy an ủi nhiều."

Ông muốn nói tình hình nguy ngập làm như nó là được rồi, chẳng sao hơn. Ổng chậm chạp lên lầu báo tin buồn cho vợ trong khiHagennhấc phôn quay số của chủ nhà đòn Amerigo Bonasera...

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 20

Cái chết của Sonny Corleone làm giới giang hồ Mỹ rúng động. Nghe tin Ông Trùm Corleone bình phục, đích thân điều khiển công việc và mấy thằng đi đám tang về báo cáo lại là ổng hoàn toàn khoẻ mạnh thì các thủ lãnhNgũ đại gia đình cuống quýt lo thủ thế sẵn. Thế nào Vito Corleone chẳng trả thù, cho đổ máu lớn? Làm sao dám coi thường một tay bản lãnh ghê gớm cả đời chỉ lầm lỡ vài lần mà mỗi lần đều là một dịp học tập kinh nghiệm.

Riêng mìnhHagenhiểu ổng nên chẳng lấy làm ngạc nhiên khi thấy ổng cử sứ giả đi cầu hoà. Không những chấm dứt chiến tranh mà thôi, ổng còn đề nghị một buổi gặp gỡ tất cả các Ông Trùm Nữu-Ước, có đại diện các phe nhóm anh em toàn quốc về dự họp và chứng kiến. Vụ chiến hay hoà của các cánh Nữu-Ước có ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của giới giang hồ toàn quốc nhiều lắm chớ?

Mới đầu thiên hạ nghi ngờ: Vito Corleone dám giương bẫy lớn, hốt một lần trọn ổ... để tàn sát tập thể báo thù cho con lắm chớ? Hay lão cố tình làm cho mọi người lơ là thế thủ? Nhưng không lâu, họ biết cánh Corleone thành tâm. Triệu tập hội nghị toàn quốc đã dành, họ không chuẩn bị thuộc hạ mà cũng không kiếm thêm đồng-minh nữa.

Chừng có tin Ông Trùm Corleone chính thức đánh tiếng nhờ cánh Bocchicchio đứng ra bảo đảm và phe này hoan hỉ nhận lời thì không một ai dám nghi ngờ, hó hé gì hết. Cầu hoà mà có cánh Bocchicchio đứng ra chịu trách nhiệm thì thiện chí hẳn phải có chắc rồi!

Vì đứng trung gian hoà giải là nghề của gia đình Bocchicchio. Hồi còn ởSicily, cánh này dữ nhất, đáng sợ nhất. Xưa làm ăn dữ bao nhiêu giờ đây sang Mỹ họ làm lành bấy nhiêu. Xưa giết người ăn tiền bây giờ họ sống vềnghề hoà giải. Cánh Bocchicchio thì trăm người như một, đụng đến một đứa là cả trăm mạng vì tình máu mủ nhâu nhâu xông tới, ăn thua đủ. Cổ lệ của cánh này là trai gái lấy người trong họ, thừa ra mới đến người ngoài mà?

Hồi nghèo mạt, ba đời nhà Bocchicchio có lúc đã có tới gần hai trăm tay súng, ngự trị một khoảnh đất nho nhỏ miền Nam Sicily. Ngần ấy con người chỉ trông vào bốn năm lò xay bột, nhưng được cái không lo thất nghiệp, không lo đói. Ở giang sơn của họ có thằng nào được phép mở lò xay bột? Đào giếng đổi nước cũng là độc quyền của dòng họ Bocchicchio luôn.

Có lần một lão địa chủ thần thế, giòng họ quý phái ỷ của đắp đập mở một lò xay bột nho nhỏ chỉ để nhà xài. Lập tức lò bị thiêu rụi. Nhà địa chủ ức quá mang việc đến cửa công, quan trên bèn tống giam 3 thằng Bocchicchio một lượt. Coi, phiên toà chưa lập án chưa xử thì cả một toà nhà hương hoả đã ra tro. Còn thưa kiện gì nữa?

Sau đó ít lâu, dânSicilykêu ca nước uống quá hiếm hoi nên nhà cầm quyền trung ương La Mã cử một chuyên viên cấp tối cao đến nghiên cứu tình hình tại chỗ. Đắp một cái đập thật lớn để ngăn nước, chứa nước thì đẹp quá, dân đảo tha hồ có nước xài! Làm gì chính quyền trung ương chẳng biết dân sở tại thuộc loại quá dữ, đầu bò đầu bướu hơn đâu hết? Cánh nhà Bocchicchio chớ ai? Chúng ngó lom lom mấy ông kỹ sư nghiên cứu địa thế và lập hoạ đồ. Mấy ông nhà nước rét quá, trung ương lại phải cử mấy đội sen đầm sang cắm trại tại chỗ để bảo vệ an ninh.

Công việc tiến hành đều. Thế nào chẳng xây đập nay mai, bao nhiêu dụng cụ từ tàu rỡ xuống đã chất đầy bến Parlermo mà? Nhưng dụng cụ chở tới thì dụng cụ nằm đấy! Cánh Bocchicchio đã kêu gọi các anh em Mafia địa phương giúp đỡ: dụng cụ nặng thì phá hoại, nhẹ thì "thổi" bay không còn một món: Bọn dân biểu Quốc hội gốc Mafia đổ xô vào công kích, cản trở, phá hoại dự án. Nhất định không thông qua. Cứ dai dẳng bao nhiêu năm cho đến ngày Mussolini lên cầm quyền.

Nhà độc tài tuyên bố hách: phải tiến hành công tác xây đập, phải thực hiện xong với bất cứ giá nào. Sức mấy! Mussolini biết dung túng Mafia là chế độ dám lâm nguy, quyết thanh toán tận gốc. Bèn trao đặc quyền cho một tay tổ Cảnh sát, để duy trì an ninh trật tự trên đảo có toàn quyền bắt giam giữ bất cứ ai, cứ khả nghi là có quyền tống vô trại lao công cưỡng bách, cho đi đập đá ngoài đảo chết bỏ! Quả nhiên chỉ mấy năm là Mafia hết đất sống... vì cứ tình nghimafioso cũng đủ tù nát xương. Biết bao nhiêu gia đình lương thiện bị hại lây vì đợt khủng bố liên miên đó!

Để chơi lại Mussolini, cánh Bocchicchio quyết định lấy trứng chọi đá. Chết hết cũng chọi. Không chết hết, nhưng ngã gục tại trận cỡ một nửa. Còn một nửa dĩ nhiên... đi đập đá. Tụi nó chơi hăng đến nỗi còn ít thằng sống sót, các phe nhóm anh em phải thu xếp đưa bằng được qua Mỹ lánh nạn lập nghiệp, nhờ đường dây chở lậu di-dân ngả Gia-Nã-Đại.

Sang được đất Mỹ thì cánh Bocchicchio vỏn vẹn lớn nhỏ còn cỡ 20 mạng. Bèn gom vào một chỗ, cắm dùi trong một thị trấn nhỏ, khoảng thung lũngHudsongần Nữu-Ước. Nghèo đói khốn khổ đến như cảnh này là hết mức. Có ai ngờ tà tà làm một cái nghề không ai thèm làm là đổ rác mà cánh Bocchicchio lên hồi nào không hay. Cả một cơ sở thầu hốt rác, chế biến rác và xe đổ rác có hàng toán! Thấy nghề ngon ăn dĩ nhiên nhiều thằng nhào vô. Chừng ra xe nào bị đốt tiêu xe ấy mới rét hết và rút lui lẹ lẹ. Có một thằng ngon nhất dám đương đầu, dám hạ giá thầu rác thì một hôm biến đâu mất tích. Tìm mãi mới ra một đống thịt băm vùi trong đống rác mà nạn nhân vừa thầu về.

Làm ăn được thì họ Bocchicchio trai dựng vợ gái gả chồng. Cứ gốcSicilylà xong chớ... đào đâu ra đủ số Bocchicchio? Ít năm sau nhân số tăng gia, nghề rác tuy vẫn dư ăn nhưng theo đà phát triển, theo nếp sống văn minh cũng phải lo kiếm ăn nhiều ngành khác chớ? Tại sao không làm một cái nghề vừa ra tiền vừa giúp các phe phái anh em? Tụi nó đánh nhau ắt phải cần đến sứ giả, cần liên lạc viên, cần người làm con tin lắm chớ? Làm được đủ việc thì tụi nó tiếc gì tiền mà không chi nặng?

Không hiểu vì biết thân phận dốt nát hay quá tôn trọng luật chơi mà cánh Bocchicchio luôn luôn thâu hẹp hoạt động, thấy các phe nhóm anh em tranh cướp nhau như điên để dành đủ mọi thứ làm ăn hấp dẫn, văn minh, không bao giờ họ nhảy vô ăn có. Cờ bạc, mãi dâm, ma tuý, buôn lậu, hối lộ là không có cánh Bocchicchio. Họ tự nhận quê mùa thô lỗ, đút tiền cho thầy chú ăn thì còn làm được. Lân la quen biết các ông lớn thì không dám. Cánh Bocchicchio tuy vậy vẫn được trọng nể ở hai điểm: danh dự và tàn bạo.

Họ nhà Bocchicchio có thằng nào nói láo, phản bội bao giờ? Vì bản chất quê mùa, mấy thứ đó rắc rối, lôi thôi quá! Nhưng bị ai chơi một đòn thì không thể quên, có chết ngay cũng rửa hận. Chính vì những đặc tính đó cánh Bocchicchio mới vô nghề hoà giải. Bắt được mối nào là Ông Trùm lo sắp đặt từ địa điểm họp đến cử người "nằm" làm con tin.

Ngay đêm Sollozzo yêu cầu Michael tới gặp, nó cũng phải mướn một thằng Bocchicchio để "nạp" cho họ Corleone giữ làm con tin. Nếu nó trở mặt chơi Michael thì con tin sống sao nổi? Cả họ nhà nó sẽ cứ Sollozzo mà đòi mạng thì chạy đâu cho thoát? Đụng chạm nhỏ mà cả họ nhà nó còn đòi ăn thua đủ. Huống hồ xô một thằng vào đất chết, làm mất thanh danh mà còn đổ nồi cơm của cả họ Bocchicchio. Bây giờ đích thân Ông Trùm Corleone chính thức nhờ các đàn anh tổ chức buổi họp, mỗi phe phái cử một người đều có một thằng Bocchicchio tới tận nhà "nằm" làm con tin thì còn ai dám nghi ngờ? Vậy họp là họp thật, khỏi sợ bẫy, khỏi sợ trở mặt... an toàn như đi ăn đám cưới chắc!

Đám con tin đi "nằm" xong là chuẩn bị địa điểm: họp ngay trong phòng họp của một nhà băng thì chắc quá! Lão Chủ tịch ngân hàng chẳng là người chịu ơn Ông Trùm mà cổ phần của nhà Corleone cũng đâu có ít, dù toàn đứng tên Ông Chủ tịch. Cho nên đối với lão, trên đời này còn ai bằng Vito Corleone? Bỏ tiền mua bao nhiêu cổ phần, mượn đứng tên luôn mà khỏi cần mảnh giấy nhỏ làm bằng. Lão cảm động nhất là lúc vừa đề nghị giấy tờ làm tin thì Ông Trùm gạt phắt.

- Ô hay, đã tin nhau thì cần quái gì mấy thứ đó? Gia tài sự nghiệp của tôi và kể cả tương lai đám con tôi đặt trọn trong tay bạn còn được... chớ mới bấy nhiêu đó có nghĩa gì? Không tin bạn thì tin ai bây giờ? Mà ví dụ bạn có đá tôi thì cái mà tôi mất mát nặng nhất là niềm tin, là hết dám tin ai trên cõi đời này nữa. Dĩ nhiên tôi phải ghi trong sổ riêng của tôi để có mệnh hệ nào các cháu còn biết bạn giữ dùm tụi nó một số cổ phần chớ? Dù có nhắm mắt tôi cũng biết thế nào bạn cũng bảo vệ quyền lợi tụi nó, giúp đỡ tụi nó...

Ông Chủ tịch ngân hàng hiểu ngay. Chẳng phải cùng gốc Sicily nhưng cũng biết người biết của lắm chứ bộ? Vừa nghe Ông Trùm Corleone ngỏ lời mượn trụ sở họp một nửa buổi thì OK gấp. Đối với ân nhân, tri kỷ như vậy thì mượn trọn phòng họp một buổi chiều thứ Bảy nào có đáng gì? Do đó, cả phòng khai hội đầy đủ tiện nghi của nhà băng được đặt dưới quyền sử dụng trọn vẹn của Ông Trùm Corleone để các tay tổ Mafia Nữu-Ước và toàn quốc có chỗ khai hội.

Dĩ nhiên vấn đề an ninh được đặt hàng đầu. Cả tiểu đội gác-dan có mặt, mặc đồng phục của nhà băng... nhưng toàn Mafia không! Cỡ 10 giờ sáng bà con bắt đầu vô phòng hội.Ngũ đại gia đình có mặt mà đại diện của 10 phe nhóm toàn quốc cũng kéo về chứng kiến. Chỉ trừ mỗi một mình cánh "Chó điên" Chicago! Mấy thằng ngu ngốc ai thèm chơi với, mà dạy dỗ tụi nó mất công. Một buổi họp quan trọng như thế này thì cho tụi khốn kiếp dây dưa vô làm chi?

Có họp là có rượu, có săng-uých. Mỗi ông đại diện được quyền xách theo một đàn em phụ tá. Phần đông mangconsigliori theo nên cả phòng họp đâu có mấy mặt trẻ? Cỡ tuổi Tom Hagen hiếm quá và chỉ một mình nó không phải gốc Sicily. Vì vậy là mặt lạ, là người ngoài...

Hagen là thằng biết điệu. Muôn mắt đang nhòm ngó nên nó chững chạc không nói không cười mà chỉ lo săn sócÔng Trùm đúng mức: mang ly nước, đốt điếu xì-gà, đặt lại cái gạt tàn cho ngay... Săn sóc chớ không hầu hạ.

Có lẽ ngoài nó chẳng còn ai trong phòng họp này biết mặt mấy đấng vĩ nhân có hình treo trên vách. Toàn những tay tổ kinh tài, có cả Bộ-Trưởng Ngân-khố Hamilton! Bố Hamilton đâu có dè giới giang hồ Mỹ có ngày khai hội đàng hoàng ngay trong phòng họp của một nhà băng? Mà có biết... chắc ông Bộ Ngân khố cũng hài lòng. Họ họp hoà bình, thảo luận đứng đắn toàn chuyện làm ăn đâu có thua gì giới kinh doanh?

Giờ đến được ấn định từ 9 giờ 30 đến 10 giờ. Là người đứng ra tổ chức và cũng để chứng tỏ thiện chí, Ông Trùm Corleone phải có mặt trước mọi người. Và đúng hẹn thì không ai bằng ổng!

Có mặt đầu tiên là Carlo Tramonti, người đang nắm giữ một mảnh "giang sơn" miền Nam nước Mỹ. Trung niên nhưng rất đẹp trai, hào hùng. Gốc Sicily vậy là bự con. Da phơi nắng nâu hồng, ăn mặc kỹ, móng tay cũng o bết nhẵn nhụi. Trông chẳng có vẻ gì tướng cướp gốc Sicily mà cứ như triệu phú Mỹ có tiền, có du thuyền đi câu cá chơi vậy!

Cánh Carlo Tramonti chuyên làm sòng bạc và trông mặt Ông Trùm công tử như vậy ai dám ngờ từng chơi hung bạo quá cỡ? Hắn đâu có thân thích gì? Ở Sicily sang còn nhỏ tí xíu và lấy Florida làm quê hương luôn. Lớn lên được mấy ông chánh khứa chủ sòng miền Nam thâu dụng. Mấy ông chủ này chơi dữ có tiếng lại được đám thầy chú rất có cô hồn che chở. Họ đâu ngờ có ngày bị thằng ranh ăn nhờ ở đậu hạ bệ? Chỉ vì mình đã dữ nó còn dữ gấp mấy, lại sẵn sàng thí mạng vì một vụ vớ vẩn không đáng đổ máu nữa! Hồi đó mấy ông chính khứa chủ sòng đã chịu chi cho cớm lắm. Nhưng Tramonti lại cho ăn quá nhiều, cho hùn hạp ăn chia nữa nên hắn làm cái rụp là mấy ông chủ văng hết, mất sở đến đít không hay! Nắm chắc mấy sòng Florida, Tramonti mới liên lạc với Batista để đổ tiền vào Cuba làm ăn lớn, lùa du khách Mỹ sang Havana chơi bằng thích. Sòng bạc, ổ điếm lớn bên đó là Tramonti có "ăn chia" trong khi cơ sở chính của hắn là một lữ quán tối tân, hách nhất Miami!

Lúc Carlo Tramonti bước vô có thằngconsigliori người cũng phơi nắng đen xạm theo bén gót, hắn đã mau mắn tới ôm hôn Ông Trùm Corleone còn làm mặt buồn buồn để có ý chia sẻ cái tang đau đớn.

Mấy Ông Trùm lục đục đến. Chỗ quen biết từ bao năm nay không chơi bời giao thiệp thì buôn bán làm ăn... mà giúp đỡ nhau cũng từng có nhiều phen mà?

Ông Trùm thứ hai xuất hiện là Joseph Zaluchi, chiếm cứ vùng Detroit và nửa kín nửa hở làm chủ một trường đua ngựa lớn, những sòng nhỏ thì khỏi nói. Zaluchi mặt tròn xoe và là chủ nhân một toà nhà trị giá 100 ngàn đô-la, giữa nơi thị tứ. Hắn thuộc týp văn minh, tiến bộ và thông gia với một gia đình Mỹ rất hách. Cũng như Corleone, hắn rất kỵ ma tuý và "giang sơn" của hắn yên ổn nhất: 3 năm nay mới phải xử có 2 mạng là quá ít còn gì?

Lúc mới vô, cả Zaluchi cùng gãconsigliori đều tới ôm hôn Ông Trùm Corleone. Hắn còn oang oang "Chỉ có đàn anh mới kêu được đệ tới đấy nhé!" Dĩ nhiên là hắn bồ bịch, coi bề ngoài cũng biết. Hắn ăn mặc đứng đắn và làm ăn vô cùng chừng mực.

Sau đó đến hai Ông Trùm ào vô một lượt vì cả hai cùng gốc miền Tây, cùng làm ăn với nhau, sang Nữu-Ước dự hội cũng đi cùng một xe cho tiện. Frank Falcone và Anthony Molinari cùng ngoài 40 tuổi, còn trẻ nên dễ thân thiện. Dân miền Tây có khác, trông họ vẫn có vẻ gì nhắng nhít mà ăn mặc cũng trẻ trung, rõ ra có chất Hollywood. Đàn anh Falcone nắm nghiệp đoàn điện ảnh và mở sòng luôn trong các phim trường, lại còn lãnh thêm đường dây cung cấp gái cho những động lớn miền Tây. Thủ lãnh Mafia có bao giờ đi dính vô nghề bầu ca nhạc kịch, phòng trà nên đàn anh bị mấy đồng nghiệp lớn coi kém trọng vọng rõ.

Anthony Molinari là vua bến tàu Cựu-Kim-Sơn, vua đánh cá thể thao luôn. Gốc gác con nhà chài lưới nên sang Mỹ làm giàu lớn, hắn bỏ tiền mở một nhà hàng lớn, chuyên bán đồ biển danh tiếng nhất Cựu-Kim-Sơn. Tiếng đồn hắn yêu nghề và khoái ăn ngon nên mở nhà hàng lấy tiếng, quanh năm không chịu lời mà còn chịu lỗ đều vì nhiều món đặc sản quá tốn kém, không biết tính bao nhiêu tiền cho vừa! Nét mặt hắn tỉnh bơ như dân cao thủ cờ bạc và làm ăn nhờ đường dây ma tuý từ Mễ-Tây-Cơ qua, từ Á-Đông sang. Đi dự họp ở Nữu-Ước, hai Ông Trùm miền Tây không mangconsigliori theo mà mang cả cặp gạt-đờ-co lực lưỡng. Vô họp chúng đâu dám xách súng theo nhưng rõ ràng cả hai cùng cao thủkaraté , dư sức giết người bằng cạnh bàn tay! Nhìn bốn thầy trò, cử toạ chỉ thấy tức cười chớ sợ hãi thì không.

Tiếp đến một Ông Trùm đang nắm một địa phương rất lớn là Boston nhưng xem ra chỉ có một mình hắn là bị hầu hết anh em coi rẻ. Hắn không có oai chỉ huy lại tham lam, bóc lột đàn em quá lố. Bóc lột là quyền của hắn nhưng phải nắm được kỷ luật, trật tự kìa! Ở Boston có nạn tranh cướp quyền lợi lu bù, bắn giết nhau loạn, nhiều thằng bất phục nhảy ra làm lẻ không đếm xỉa gì kỷ luật nên ngang nhiên ngồi lên pháp luật. Nếu trong giới anh em, đám Chicago bị coi là "chó điên" thì cánh Boston bị liệt vào hạng "đầu trộm đuôi cướp" nghĩa là vô tư cách. Ngay "Ông Trùm" Domenick Panza trông còn thô bỉ hùng hục, thiếu thước tấc và bần tiện như một thằng ăn cắp vậy!

Cầm đầu nhóm Cleveland, chuyên khai thác cờ bạc và tổ chức sòng cừ nhất nước là một ông già tóc bạc, dáng nhút nhát mặt tinh khôn. Biệt danh "Do Thái" chẳng phải vì bề ngoài mà thôi. Lão xài một số tay chân thân cận người Do Thái, chớ không trọng dụng bọn Sicily. Nếu cử được một tayconsigliori người Do Thái thì Ông Trùm "Do Thái" Vincent Forlenza cũng dám cử rồi, chớ chẳng phải như vì một mình Tom Hagen mà cánh Corleone bị mang tiếng oan là "cánh Ái-Nhĩ-Lan". Cánh "Do Thái" tổ chức rất chặt chẽ, làm ăn rất cừ vì Ông Trùm Forlenza có nghệ thuật cai trị bằng quả đấm sắt bọc nhung và đặc biệt là bề ngoài hiền khô nhút nhát nhưng chưa hề thấy má mà run bao giờ!

Buổi họp hôm ấy nhóm đại diệnNgũ đại gia đình Nữu-Ước đến chậm hơn cả và dưới mắt Hagen thì dân Nữu-Ước có khác... cả 5 người đều oai vệ, chững chạc dễ nể hơn các đành anh tỉnh lẻ nhiều. Cả 5 đều có truyền thốngbụng bự đặc biệt Sicily, làm như có tiền bạc, quyền thế và có gan nên bụng phải bự cho bệ vệ vậy. (Xưa nay có Ông Trùm "chính quốc" nào không có bụng?)

Sự thực 5 Ông Trùm Nữu-Ước gần giống nhau ở khổ người đồ sộ, mặt to, tai lớn, tóc muối tiêu và mỡ thừa nhiều ở cổ, ở cằm, ở cặp má. Họ ăn mặc sang nhưng không cầu kỳ và cái lối tóc tai sửa tỉ mỉ, móng tay dũa gọt kỹ càng là không có! Người làm ăn bận rộn ai thừa thì giờ làm những việc vặt, vớ vẩn đó?

Kiểm soát toàn vùng New Jersey và bến tàu miền Tây Manhattan là Anthony Stracci. Chuyên làm sòng bạc và rất có thế lực với các chánh khứa đảng Dân Chủ. Hắn có một cơ sở xe vận tải nặng chở hàng mướn, chỉ nhờ tha hồ chở nặng không ai cấm cản và đánh thuế nên hốt bạc như điên. Xe chở quá nặng hư hết đường xá cầu cống thì đàn anh càng khá vì đàn anh còn có hãng thầu chuyên làm ăn với Công Chánh. Càng chở nhiều hàng đường xá càng mau hư mà đường xá càng mau hư càng trúng mối lớn. Thực ra Stracci cũng không muốn dính vô ăn bẩn. Đĩ điếm hắn kỵ lắm nhưng vì làm ăn ở bến tàu nên không thể không dính đến ma-tuý. TrongNgũ đại gia đình thì cánh Stracci yếu thế hơn cả nhưng lại có máu mặt nhất.

Cánh Ottilia Cuneo nắm trọn vùng phía bắc tiểu bang Nữu-Ước, bao tất cả các sòng bạc và thừa thế lực để phủ quyết, không cho phép tiểu bang khai thác trường đua. Dân Ý di cư sang Mỹ phần đông do cánh này đưa lậu vô qua ngả Gia-Nã-Đại. Trong tất cả các thủ lãnh Mafia, Cuneo ngon nhất ở chỗ cả nước cứ tưởng đâu hắn là một nhà doanh nghiệp hiền lành, chủ nhân một công ty sản xuất sữa lớn. Hắn chưa hề bị rắc rối với pháp luật, chẳng ai biết hắn làm những cái gì. Đối với dân địa phương, hắn đàng hoàng và chịu khó làm công tác xã hội đến nỗi đã có lần được Phòng Thương Mại bầu làm "Nhà doanh thương Nữu-Ước số 1 trong năm".

Thiên hạ lầm Cuneo là phải vì trông bề ngoài rõ ràng một anh chủ tiệm bánh nhà quê, mặt tròn xoe như ông địa, đội nón nỉ còn kéo xụp hết vành xuống trông như nón phơi nắng của đàn bà con gái thật tức cười. Mặt hắn luôn luôn tươi tỉnh và trong túi bao giờ cũng có cả nắm kẹo để phân phát cho đám con nít con cháu bọn thuộc hạ.

Sát cánh nhất với phe Tattaglia là một tay tổ tên Emilio Barzini. Chuyên làm ăn dữ, tổ chức sòng bài và nuôi điếm ở Brooklyn và Queens. Cả cù-lao Staten là của hắn mà ở Bronx, Westchester hắn có nhiều trạm đánh cá thể thao. Buôn bán ma tuý cũng có hắn. Barzini quen biết lớn, chơi thân với cánh Cleveland và các cánh miền Tây. Hắn đang ngấp nghé làm ăn thêm ở hai trung tâm du hý còn bỏ ngỏ là Las Vegas, Reno... dù đã có hùn hạp ở Miami và Cuba.

Xét thực lực thì sau cánh Corleone là đến Barzini vì ở Sicily hắn có nhiều ảnh hưởng mà ngay trong giới tài phiệt Wall Street cũng có móc nối làm ăn. Nói chung là cái gì làm ra tiền là có mặt. Chính Barzini đã đứng sau lưng cánh Tattaglia ngay từ đầu, viện trợ cả tiền bạc lẫn thần thế vì xưa nay hắn vẫn nuôi tham vọng hạ bệ Ông Trùm Corleone, nhảy lên làm Ông Trùm số 1 Nữu-Ước, mạnh nhất nước luôn. Hắn đúng týp người của Corleone nhưng trẻ hơn, tiến bộ văn minh hơn, có cảm tình của đám giang hồ mới nổi. Xét ra Barzini cũng hùng như Corleone nhưng có vẻ lạnh chớ không "tình cảm" lẩm cẩm nên thực sự là nhân vật đáng gờm nhất trong cánhNgũ đại gia đình .

Đến dự họp chót hết là Ông Trùm đối thủ số 1 của Corleone, người cả nước biết là từng ra mặt bênh Sollozzo để công khai gây chiến với cánh Corleone và đã suýt thành công. Đó là Philip Tattaglia. Dám chơi ngon như vậy không hiểu tại sao lão không được anh em giang hồ kính nể? Có lẽ họ coi thường lão ở chỗ thân danh một Ông Trùm có hạng mà đi nghe lời và để cho một thằng thủ đoạn như Sollozzo sỏ mũi dẫn đi. Có thể họ cho rằng nếu không có Tattaglia gây chuyện thì ngày giờ này giới giang hồ Mỹ quốc đâu có lâm nạn? Cũng có thể vì năm nay 62 tuổi mà lão còn hảo ngọt, thấy đàn bà con gái là chạy theo như điên.

Một týp người như vậy mà lại nắm gần trọn ngành nuôi điếm thì tha hồ mà hủ hoá! Lại còn là ông chủ lớn, nắm hầu hết các hộp đêm toàn quốc, muốn gài mầm non nào trình diễn ở đâu chẳng được? Mấy hãng dĩa lớn, cơ sở xuất bản nhạc và mấy ông bầu ca nhạc là phải nghe lệnh lão răm rắp, bằng không là có chuyện lộn xộn. Philip Tattaglia còn bị giới giang hồ chê kém tư cách, cái gì cũng muốn nuốt trọn và bó buộc phải chi ra một khoản gì là kêu ầm lên như trời sập. Khốn nạn, làm chủ hộp đêm chủ động lớn như vậy mà cứ luôn miệng kêu tiền phí tổn giặt ủi quá tốn kém, dù hãng giặt ủi máy cũng của lão bỏ vốn ra khai thác sanh lời thêm. Còn mấy con em thì lão luôn miệng than nào lười biếng, nào nay làm mai nghỉ, đứa bỏ trốn, đứa chán đời tự tự... còn đám ma cô thì chẳng thằng nào không lừa lọc, bất lương, muốn kiếm một thằng tử tế không ra!

Làm sao lão kiếm cho ra một thằng tử tế, một thằng gốc Sicily dám chơi ngon lành và tận tuỵ? Chúng đâu có phải týp bịt mũi, quên danh dự để sống trên lưng đàn bà, con gái? Phải nói là chúng dám miệng hát tay nhấc một đường dao cạo cứa cổ người khơi khơi và lật áo ra không biết chừng dám có dấu thánh thêu ở vạt trong thật... nhưng buôn người thì nhất định không có chúng nó.

Xưa nay với anh em, Philip Tattaglia quen giở lối hống hách, tham lam thật dễ ghét. Ăn được của lão chỉ có mấy thằng có thẩm quyền cấp giấy phép hay đóng cửa các hộp đêm, nhà hàng. Lão đã phải chi rất nhiều nên những lúc tiếc tiền lão tru tréo ầm lên, chửi mấy thằng ăn cắp chỉ nhờ mấy con dấu mà đớp bạc triệu ngon lành! Lão vỗ ngực tự nhận là một tay từng nặn ra nhiều triệu phú, không thua gì Wall Street.

Trên thực tế thì cánh Tattaglia đã quất được đối phương mấy cú thật đau, chút xíu nữa là đè bẹp luôn nhưng vẫn không được giới giang hồ kính nể, trọng vọng. Họ biết lão chỉ là bù nhìn, lợi hại là Sollozzo và cánh Barzini đứng sau lưng kìa! Chơi chủ động, ra đòn thình lình mà không quất sụm được đối phương là yếu rồi, yếu thấy rõ! Nếu có bản lĩnh thật sự, chơi tới một chút xíu nữa thì vấn đề đã giải quyết xong từ lâu, đâu phải rắc rối lôi thôi đến thế này? Chỉ cần chiều hôm đó Vito Corleone quỵ luôn là xong hết mọi việc, chẳng phải đánh đấm gì nữa.

Khách đến chủ tiếp mà chỉ nhìn nhau lạnh nhạt gật đầu một phát thì... kém xã giao thật. Nhưng cử toạ chấp nhận vì khách cũng như chủ, mỗi người đều mất một đứa con trong trận chiến này. Ông Trùm Corleone quả là cái đích cho mọi người nhòm ngó vì bà con chỉ muốn biết coi người ngợm, cử động ra sao sau khi bị bắn gần chết. Họ còn ngạc nhiên, thắc mắc không hiểu sao một tay sừng sỏ cỡ Corleone lại cầu hoà khi thằng con trai lớn vừa bị chơi dữ dội như vậy? Chấp nhận thua chịu xuống dốc sao? Chỉ gắng chờ coi là biết hết.

Bà con chào đón, hỏi han, cụng ly với nhau một hồi có tới nửa giờ nữa Ông Trùm Corleone mới thong thả ngồi vô bàn họp. Rất kín đáo, Hagen ngồi xuống chiếc ghế phía sau, bên trái Ông Trùm một chút. Đó là lịnh khai hội, mấy Ông Trùm khác bèn lục tục ai ngồi chỗ nấy, sau lưng có các cố vấn ngồi nép một bên để sẵn sàng góp ý kiến.

Ông Trùm Corleone ngồi vào bàn lên tiếng khai mạc. Giọng thản nhiên như không có chuyện gì. Làm như bản thân không hề bị bắn gần chết, thằng con lớn vừa bỏ mạng, thằng con thứ phải lánh nạn sang miền Tây nhờ cánh Molinari, thằng con út phải lưu lạc miền đất hoang Sicily. Làm như cả "giang sơn" vẫn bình an công việc làm ăn không hề hấn gì vậy. Ông bình tĩnh mở lời bằng thổ ngữ Sicily:

- Cảm ơn quý bạn vui lòng hạ cố dự họp, đáp lời mời của chúng tôi ngày hôm nay. Kể như quý bạn đã cho chúng tôi một ân huệ mà chúng tôi mãi mãi không quên. Xin thưa ngay là chúng tôi không có ý mời quý bạn tới để tranh luận hay thuyết phục mà chỉ cốt để nói phải quấy với nhau, giải quyết công việc cho êm đẹp, thuận thảo với nhau. Đó là lời chí thành, tưởng bạn nào từng biết rõ chúng tôi đều nhận thấy xưa nay chúng tôi chẳng phải người coi rẻ lời nói. Vậy xin vào đề ngay và giữa chúng ta là người lớn với nhau chỉ một lời là đủ, khỏi có chuyện cam kết, bảo đảm như mấy ông thầy kiện.

Ông Trùm Corleone nghỉ một lát. Cử toạ lặng yên, kẻ hút thuốc, kẻ nâng ly nước uống và tất cả sẵn sàng ngồi nghe nữa, không hề nôn nóng. Đàn anh trong giới giang hồ là như vậy. Họ là những người luật pháp không giới hạn được, quyền thế không khuất phục nổi. Họ là nhưng người nhất định cứ ý mình mà làm, dù phải dùng mưu kế hay nhúng tay vào máu. Chẳng có gì bắt buộc được họ, trừ cái chết. Hay một cáilý nào vững lắm lắm kìa!

Ông Trùm Corleone cao giọng:

- Tại sao sự tình biến chuyển đến nỗi này? Phải nói là điên đầu hết. Không cần phải làm vậy. Không đến nỗi phải làm như vậy. Sự việc theo ý riêng tôi... thì như sau. Tôi xin trình bày quý bạn rõ.

Ông Trùm Corleone ngừng lại chút nữa. Làm như để coi có ai lên tiếng phản đối mình trình bày chủ quan không đã...

- Nhờ trời tôi đã hồi phục và may ra có thể góp phần giải quyết êm đẹp. Có thể thằng con tôi đã quá hăng, quá dữ. Tôi nhìn nhận chớ? Nhưng phải mở đầu thế này: Sollozzo đã tới tôi đề nghị làm ăn, nói cần mượn vốn mượn thế lực. Hắn nói có liên hệ với gia đình Tattaglia. Vụ làm ăn là ma tuý, một địa hạt tôi không hề có liên hệ. Vả lại tính tôi thì cầu an mà ngành này đối với tôi quả vượt quá khả năng. Tôi có giải thích để Sollozzo rõ như vậy, với cả một lòng thành. Tôi buộc lòng từ chối, nhưng từ chối rất tế nhị. Tôi nói là đường ai nấy đi, ma tuý không phải ngành làm ăn của tôi nên tôi hoàn toàn không có ý kiến, tôi không khi nào xen vào địa hạt của hắn. Ai ngờ Sollozzo lấy thế làm thù và gây ra biết bao nhiêu tai hoạ, cho tất cả mọi người! Đời là vậy đó... biết làm sao được? Trong chúng ta đây ai chẳng một lần nếm mùi tai hoạ? Đó là điều tôi quả thực không muốn chút nào...

Có lẽ thấy cần thấm giọng, Ông Trùm Corleone ngừng lại, ra hiệu cho Hagen. Nó nhanh nhẩu bưng tới một ly nước lạnh. Uống vài hớp, ổng nói tiếp:

- Quả thực tôi muốn bình an. Bên Tattaglia mất một đứa con, phía tôi mất một. Kể như huề. Thử hỏi nếu ai nấy cùng nhắm mắt đòi ăn miếng trả miếng nhau mãi... thì thế giới này sẽ ra sao? Dám tái diễn cái thảm cảnh quê nhà mình ngày nào: Cứ hùng hục tranh chấp bắn giết nhau hoài, quên cả vợ con chết đói. Đúng là cả một sự điên khùng! Vậy tôi đề nghị trước sao bây giờ cứ thế. Tôi bỏ, tôi không tra xét, truy cứu kẻ giết con tôi. Hoà là bỏ hết. Tôi có thằng con hiện còn phải bỏ đi xa. Tôi phải thu xếp để đưa nó về, với điều kiện chắc chắn không ai bới móc làm khó. Xong vụ đó ta mới có thể bàn nhiều chuyện làm ăn với nhau để tất cả cùng có miếng ăn. Thực sự tôi chỉ muốn có vậy, có bấy nhiêu đó thôi.

Phải nhìn nhận mở lời vậy là tuyệt khéo. Nhất là cử chỉ phác hoạ của hai bàn tay đưa lên thật là an-phận, cầu hoà... Đúng hệt con người của Vito Corleone ngày nào! Biết điều, nhỏ nhẹ, mềm dẻo. Nhưng rõ ràng bên trong sự nhỏ nhẹ là cả một sức mạnh tiềm tàng, chịu đựng tới mức như vậy đó, nhưng chớ hòng giỡn mặt. Mềm dẻo như vậy đó nhưng vẫn đặt điều kiện rõ phải giải quyết cái mà Corleone đòi hỏi đã... rồi mới có thể bàn tính đến những chuyện khác. Biết điều như vậy đó song rõ ràng Corleone đòi hỏi tất cả phải trở về tình trạng cũ, nghĩa là ngôi vị số 1 vẫn là của cánh Corleone, họ không mất mát gì sau gần 1 năm lao đao tưởng gần gục luôn.

Ai cũng tưởng người lên tiếng kế tiếp phải là Phillip Tattaglia. Nào ngờ Barzini đứng lên nói dõng dạc, giọng bình dân một cách cứng cỏi:

- Ông bạn Corleone vừa nói đúng, nhưng còn thiếu. Phải thêm vô một điều mà, có lẽ vì khiêm tốn ông bạn không muốn nhắc tới là Sollozzo và cánh Tattaglia không thể làm ăn được, nếu cánh Corleone không nhận yểm trợ. Dĩ nhiên đó chẳng phải lỗi ông bạn... nhưng sự từ chối của ông bạn làm họ bất mãn. Sự thực là mấy chỗ quen biết mà cánh Corleone vẫn ăn chịu xưa nay vẫn có thể nhờ vả được,kể cả ma-tuý . Nhưng bất cứ cánh nào khác chạy đến lo lót thì vừanói đến ma-tuý là họ chạy ngay rồi.

Sollozzo làm sao dám làm ăn, khi bọn đàn em không được một sự che chở tối thiểu, điều đó chúng ta biết hết, không biết chỉ có nước đói! Đụng đến ma tuý là mệt, luật mới xử gắt gao thì mấy ông lớn lại có dịp đòi nặng. Bằng không thì 20 năm khổ sai. Mà hai mươi năm khổ sai thì một thằng ngon đến đâu cũng chẳng thểomerta được.

Phải khai, khai hết. Làm sao dám làm ăn? Mấy ông lớn đó thực sự ông bạn Corleone nắm hết mà ông bạn nhất định không chịu làm ăn. Như vậy là cư xử không đẹp với anh em, là có miếng ăn mà buộc anh em đói còn gì? Thời buổi này đâu còn vụ đường ai nấy đi như ngày xưa. Thời buổi này không cho phép riêng rẽ. Ông bạn Corleone không thể giữ mấy ông Toà quen biết làm của riêng... mà có điều kiện là phải giúp anh em, phải lo dùm anh em với chớ. Khỏi nói là một khi ông bạn cho anh em chia chác cái thế lực đó thì anh em đâu dám để thiệt? Tụi mình đâu phải Cộng-sản? Nói gọn lại thời buổi này giếng là giếng chung, phải cho anh em múc nước với chớ? Đó là một sự thực giản dị quá mà?

Barzini dứt lời một lúc lâu cử toạ vẫn làm thinh. Cứ như lời hắn vừa phát biểu là tình thế đã ngả ngũ, khỏi có vấn đề trở lại tình trạng cũ. Điều quan trọng hơn nữa là nếu không giải quyết xong xuôi thì lần này hắn đứng hẳn về phe Tattaglia công khai chơi nhóm Corleone. Hắn vừa thắng một điểm rõ: trong giới giang hồ hai chữ "anh em" nặng lắm! Từ sinh mạng đến cơ nghiệp phải nhờ cậy lẫn nhau thì có đủ điều kiện giúp được mà từ chối đã là một xúc phạm lớn rồi. Nếu nhờ vả đã là chuyện bất đắc dĩ thì từ chối một sự nhờ vả cũng là một vấn đề.

Đáp lời Barzini, Ông Trùm Corleone ngồi nguyên chỗ, ngước mắt lên hỏi cử toạ:

- Xin anh em cho tôi biết xưa nay tôi có phải là người quen từ chối, có một vấn đề gì sức tôi làm được... mà tôi từ chối một anh em nào một lần nào không? Nếu tôiphải từ chối chẳng qua là bắt buộc. Tôi không muốn đụng vô ngành ma-tuý vì tôi biết không thể làm được, đụng vô là hư hết cơ nghiệp gây dựng bấy lâu nay. Đó làm thứ cấm kỵ, cả nước này cùng tối kỵ. Không như rượu, không như cờ bạc, hoặc đĩ điếm là những thứ nhiều người thích nhưng bị cấm chỉ vì một số người muốn cấm... Nhà nước hay mấy ông nhà tu chẳng hạn. Nhưng ma-tuý khác, bất cứ ai dây dưa tới cũng nguy hiểm hết.

Xin nói là tôi cảm thấy rất hãnh diện về vụ được coi như là có thế lực đối với các ông lớn. Phải chi được vậy thì hay quá! Tôi có quen biết nhiều thật... nhưng quen là một chuyện, dính vô ma-tuý là hết quen. Chắc chắn vậy: Vì họ sợ dính vô, họ tối kỵ ma-tuý. Mấy thầy chú xưa nay từng ăn chịu thì cái gì họ chẳng giúp được mình? Ma-tuý họ không dám. Tôi biết rõ như vậy thì giúp dùm anh em thế nào được? Nhờ vả tôi như vậy khác nào hại tôi? Tuy nhiên sẵn sàng làm cả cái việc đó nữa nếu tất cả anh em đây xét thấy cần phải làm, cần phải làm để có thể tiếp tục những vụ làm ăn khác...

Những lời Corleone vừa nói làm bà con nhẹ thở hẳn. Lúc bấy giờ mới dám rì rầm to nhỏ. Nói vậy là phe Corleone đã nhượng bộ điểm quan trọng nhất, điểm mà Sollozzo đòi không được, là sẵn sàng đứng ra "lo" dùm vụ buôn bán ma-tuý, với điều kiện tất cả anh em có mặt ở đây đòi hỏi phải làm vậy. Dĩ nhiên họ không bỏ vốn, không dính vô bất cứ chuyện gì, ngoài việc vận động, lo lót mấy ông lớn... nhưng bấy nhiêu đó cũng đã là nhân nhượng quá rồi.

Kế đó Ông Trùm Los Angeles Frank Falcone đứng lên cho biết ý kiến:

- Vấn đề là một khi các anh em nhất định nhào vô làm ngành ma-tuý thì mình đâu có cản nổi? Họ biết nguy hiểm nhưng tiền nhiều quá, họ phải lao vô. Mình không đi cùng, sợ còn nguy hiểm thật đấy... nhưng mình có cơ sở, mình có tổ chức, mình lại che dấu được và còn có chỗ dựa những khi sơ sẩy thì dù sao cũng vẫn còn hơn chớ? Thà là vô để nắm quyền kiểm soát đặt thành hệ thống đàng hoàng còn hơn là để chúng tự ý làm loạn, mạnh thằng nào thằng ấy nhào vô đớp lia, mất trật tự hết!

Đồng minh số 1 của cánh Corleone là Ông Trùm Detroit cũng phải đi ngược lại chủ trương của bồ bịch để hùa theo cái lý của đa số:

- Như trường hợp của tôi... tôi biết. Tôi nhất định không dính vô, tôi đã phải trả thêm một số phụ cấp để mấy thằng thủ hạ khỏi dính dấp đến ma-tuý. Có thể nói là tôi đã hy sinh nhiều nhưng rút cuộc vẫnvô ích . Tụi nó vẫn bị lôi cuốn như thường! Thử hỏi có thằng đến rỉ tai tụi nó: "Tao cóthứ trắng . Mày có 3 ngàn... 4 ngàn vốn không? Bỏ ra, mày sẽ thâu vô 50 ngàn cấp kỳ." Quả nhiên có 50 ngàn thiệt, nhấp nháy. Cho nên tụi nó ham bắt lẻ đến nỗi vứt cả công tác đi để chạy theochất trắng , không cản nổi!

Ma-tuý làm ra tiền thực sư, càng ngày càng nhiều. Mình không vô nhà tụi nó vẫn cứ làm mạnh. Vậy thì tại sao không vô để nắm lấy quyền kiểm soát, để cố giảm bớt sự tai hại trắng trợn, nếu không thể cấm cản nổi. Mình có thể không cho phép tụi nó bầy chình ình ra gần mấy trường học, dụ dỗ đám con nít. Đồi bại quá! Ở địa phương của tôi, tôi chỉ cho phép tụi nó làm ăn trong các khu đen. Ma-tuý để mấy thằng da màu xài: chúng chịu chi nhất, xài nhiều nhất lại không bao giờ gây chuyện lộn xộn! Bọn đen chúng nó chẳng cần vợ con, gia đình gì hết... mà bản thân chúng cũng kể bỏ. Vậy cho chúng tiêu thụ ma-tuý để... kể bỏ luôn cho rồi! Nói tóm lại mình vẫn phải đứng ra làm, không thể để cho bọn vô kỷ luật làm bừa và làm hại cho tất cả mọi người.

Bà con rầm rầm hoan hô Ông Trùm Detroit. Hắn đã đánh đúng yếu điểm: Bằng lòng trả phụ cấp cho bọn đàn em để tụi nó đừng dính vô ma-tuý còn không được mà?

Về đám con nít và ma-tuý hắn nói đúng quá, xưa nay Zaluchi vẫn được tiếng yêu trẻ, hiền lành... nhưng có điều ai mang ma-tuý đi bán cho con nít bao giờ, mà chúng lấy đâu ra tiền? Ngay vụ bọn đen tiêu thụ ma-tuý cũng chưa nghe nói. Thứ người đó kể làm chi, chúng có nghĩa gì đâu? Chúng có để cho thiên hạ nghiền ra thành bột thì bà con ở đây cũng cóc cần. Chỉ có những đầu óc lẩm cẩm như ông nội Zaluchi mới mang bọn đen ra nhắc ở đây!

Lần lượt tất cả mọi Ông Trùm đều phát biểu ý kiến! Tất cả đều chê ma-tuý, đều thấy dính vô là có chuyện... nhưng cùng đi đến kết luận một kho tiền như vậy thì cấm làm sao được bọn đàn em đánh liều bất chấp mọi thứ nhảy vô? Chịu, tiền ai chẳng ham!

Sau cùng mọi người thoả thuận: bà con được quyền làm ăn ngành ma-tuý và cánh Corleone phải đảm bảo việc lo lót với chức quyền miền Đông. Dĩ nhiên hai cánh Barzini - Tattaglia đảm trách hầu hết việc kinh doanh. Có giải quyết xong vấn đề gay cấn này bà con mới có thể bàn rộng ra các vấn đề hữu ích khác chớ? Nhiều việc lắm...! Chấp nhận Las Vegas và Miami là đô thị bỏ ngỏ, cánh nào tới làm ăn cũng được mà triển vọng thì phải biết là sáng. Cùng thoả thuận ở hai đất mới cấm không được chơi dữ, mấy thằng trộm cướp lặt vặt cấm bén mảng. Tuy nhiên nhưng vụ bắt buộc phải xuống tay thủ tiêu chẳng hạn, nhưng sợ dư luận quần chúng la ó bất bình thì phải có "hội đồng" thông qua.

"Hội đồng" còn khuyến cáo những tay chủ chốt và đám thuộc hạ tuyệt đối tránh chơi rừng, tránh tầm thù để giải quyết chuyện cá nhân. Ngoài ra mọi phe nhóm toàn quốc đồng ý có bà con nhờ vả đến là phải tương trợ. Chẳng hạn mượn người trợ lực, mượn thần thế để làm ăn dễ dàng. Dĩ nhiên dân giang hồ khai hội cần gì chương trình nghị sự... mà cứ nói nôm na, gặp đâu bàn đấy cho tiện, giữa những người lớn cấp thủ lãnh với nhau. Vậy mà thảo luận cũng mất khối thì giờ, còn thì giờ ăn nhậu nữa chớ!

Người đưa hội nghị đến kết thúc là Ông Trùm Barzini. Hắn đứng lên dõng dạc:

- Việc lớn đại khái như vậy là xong. Bây giờ mình hoà bình, không bắn nhau nữa. Tôi xin ngỏ lời ngưỡng mộ ông bạn Corleone, người mà bà con bao nhiêu năm nay đều công nhận là thủ tín. Nếu mình không có mâu thuẫn, tranh chấp thì tội gì điên đầu thêm một lần nữa? Riêng phần tôi, xin nói ngay là đường mở rộng thênh thang. Việc giải quyết êm đẹp là mừng rồi.

Đó cũng là cảm giác chung của hội nghị. Người duy nhất còn thắc mắc, nghĩa là còn rét... còn ai ngoài Philip Tattaglia? Sau vụ phục kích Sonny Corleone nếu có đánh lớn chắc chắn cánh Tattaglia sẽ lãnh trước. Vì vậy Ông Trùm Philip phải lên tiếng cho chắc ăn:

- Mọi chuyện hội nghị giải quyết ở đây tôi đồng ý hết. Tôi đồng ý quên sự bất hạnh của chính mình. Nhưng tôi muốn được nghe một lời cam kết cụ thể của ông bạn Corleone. Tôi muốn biết ông bạn có tìm cách trả thù nữa không, một khi phục hồi lực lượng ông bạn có quên lời cam kết bữa nay không? Biết đâu chừng vài ba năm nữa ông bạn cảm thấy bữa nay bị bó buộc phải hoà rồi tự cho mình quyền xé rào đánh lớn, đánh nữa? Tôi muốn biết chúng mình có hoà bình thật sự, nghĩa là khỏi phải đề phòng chơi lén thực không? Liệu ông bạn Corleone có chịu cam kết với anh em một lời... như tôi sẵn sàng cam kết không?

Ông Trùm Corleone làm như chỉ chờ có vậy để mình định lập trường. Một lập trường mà anh em giang hồ ghi nhớ mãi và công nhận người thủ lãnh phe Corleone quả là tay trông rộng thấy xa. Vito Corleone đã công bố lập trường bằng lời lẽ chững chạc biết điều phát xuất tự tâm can, đánh trúng tim đen và trong dịp này đã nặn ra một vài câu mà 10 năm sau quần chúng mới được nghe và phục lăn. In như danh từBức Màn Sắt của Churchill vậy!

Cho đến lúc bấy giờ bà con mới thấy Corleone đứng lên ngỏ lời. Người tầm thước, coi bộ gầy yếu sau những ngày nằm dưỡng "bịnh", đúng là ông lão sáu mươi. Nhưng rõ ràng sức mạnh tinh thần, cơ trí của ngày nào vẫn còn trẻ chán.

- Nếu chúng ta đây mà không có lý trí thì còn ra thể thống gì? Đúng là dã thú ở rừng cả đám! Có lý trí ta mới nói chuyện phải quấy với nhau, với bản thân ta nữa. Tôi có lý trí, thử hỏi tôi gây xáo trộn đổ máu một lần nữa để làm cái gì? Con tôi chết, tôi đau khổ và tôi gánh chịu. Lẽ nào bắt người vô can chung quanh tôi phải chia sớt đau khổ?

Vậy nên tôi mang danh dự ra cam kết với các anh em, không tầm thù không truy vấn tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ. Cho qua luôn để bữa nay ra về thanh thản.

Chúng ta là những người đặt nặng vấn đề quyền lợi, chẳng ai điên, chẳng ai chịu để thiên hạ sỏ mũi sai khiến. Chúng ta là những người được xứ sở này hậu đãi, con cái hầu hết đều có ăn học đàng hoàng. Đứa giáo sư, đứa chuyên viên khoa học, đứa nhạc sĩ... Sang đến đời con chúng nó thành giai cấpông lớn mới cũng nên. Chúng ta không muốn con cái nối nghiệp mình vì cái nghề này cực quá, cực suốt đời. Chúng ta đã cực khổ để tụi nó có thể tiến thân cách khác, tiến thân như người ta. Tôi đã có cháu gọi bằng ông, biết đâu chừng con cái chúng sau này không Thống-đốc, Tổng-Thống? Ở xứ sở này có cái gì không được? Chúng ta phải ăn ở theo thời. Thời buổi dao đâm súng nổ đã hết rồi. Chúng ta phải sáng suốt đi vào đường kinh doanh như bất cứ một nhà doanh nghiệp nào. Tiền bạc nhiều hơn, con cháu đỡ khổ hơn.

Chúng ta là những người mình làm cho mình, chẳng để cho bọnto-đầu cấu kết nhau lợi dụng buộc mình làm cho nó hưởng, chúng gây chiến và mình uổng mạng vì bảo vệ quyền lợi cho chúng. Có thằng nào buộc được chúng ta phải tuân theo thứ pháp luật do chính chúng nặn ra để quyền lợi chúng hưởng và đau khổ tụi mình nhận lãnh? Chúng là cái thá gì mà xía vô, kêu chúng ta nhất định bảo vệ quyền lợi của mình?

Trước cử toạ lặng thinh, Vito Corleone dằn giọng:

- Đó là công việc riêng của chúng ta.Sonna cosa nostra ! Đó là việc riêng, trong "giang sơn" riêng của chúng ta.Cosa nostra ! Chúng ta phải đoàn kết với nhau, không cho phép chúng nhào vô "giang sơn" của mình. Bằng không, chúng nó sẽ sỏ mũi mình dẫn đi... như chúng nó từng làm mấy đàn anh Ý trên xứ sở này!

Vì lẽ đoàn kết, vì đại cuộc tôi bằng lòng bỏ qua, không trả thù vụ thằng con tôi. Tôi xin thề là ngày nào còn nắm quyền chỉ huy trong gia đình Corleone thì không có chuyện đụng chạm đến móng tay một anh em nào có mặt nơi đây, trừ trường hợp bảo vệ chánh đảng hoặc bị khiêu khích cùng độ. Vì đại cuộc, tôi sẵn sàng hy sinh đến cả quyền lợi trong việc làm ăn. Đó là một lời thề, một vấn đề danh dự trong số bà con anh em ở đây, nhiều người biết tôi hằng coi trọng như thế nào.

Dĩ nhiên tôi phải có chút tư tâm. Thằng con út tôi như anh em biết, hiện phải bỏ xứ vì bị nghi là thủ phạm vụ hạ sát Sollozzo và một ông Đại uý Cảnh sát. Bây giờ tôi phải lo thu xếp để nó yên ổn trở về, không sợ bị dính oan vào vụ đó. Tôi sẽ có cách thu xếp. Hoặc là kiếm cho ra những thằng đích thực thủ phạm, hoặc chứng minh cho nhà nước thấy rõ con tôi hoàn toàn vô tội... hay làm sao cho những nhân chứng, những người tố cáo con tôi rút lại những lời khai dối láo trước đây. Xin nói rõ đây là việc riêng của tôi mà tôi tin là có thể làm được.

Có điều phải thú nhận tôi là người mê tín dị đoan. Thật kỳ cục nhưng đúng vậy! Nếu thằng con tôi chẳng may có mệnh hệ nào thì tôi không thể không nghĩ, không thể không nghi ngờ một vài anh em có mặt ở đây còn nuôi ác ý, còn căm thù tôi. Chẳng hạn một thầy chú nào lỡ tay bắn trúng nó... hay nó bị bắt và treo cổ trong xà-lim... hoặc một vài kẻ nhảy ra tố cáo... Nói xa hơn chút nữa, tôi vẫn cứ dị đoan tin rằng thế nào cũng phải có một vài người hiện có mặt ở đây trù ẻo thậm tệ nên nó mới chết, dù nó bị sét đánh, đi máy bay máy bay rớt, đi tàu tàu chìm... hoặc vì đụng xe hoặc lâm bệnh ngặt cũng vậy. Nói thực với các anh em, mấy sự trù ẻo dị đoan mê tín đó tôi không thể nào bỏ qua!

Ngoài vụ đó ra, tôi thề trên đầu đám con cháu tôi là sẽ không bao giờ xé rào nổ bậy. Bề nào anh em chúng mình cũng đâu đến nỗi tàn tệ như mấy thằngto-đầu từng cướp sinh mạng cả triệu con người phải không?

Vừa dứt lời là Ông Trùm Corleone biểu diễn một màn đoàn kết vô cùng ngoạn mục: rất hoan hỷ, ông bước tới tận bàn Philip Tattaglia. Kẻ đối đầu số 1 đứng dậy chào đón và hai Ông Trùm ôm nhau hôn. Bà con hoan nghênh rần rần: bao nhiêu Ông Trùm có mặt trong phòng đều đứng cả dậy... bắt tay nhau loạn để chào mừng tinh thần cao đẹp của Corleone - Tattaglia. Dĩ nhiên chẳng phải hai người ôm nhau hôn một cái mà đã là thân thiện nhất thế giới hay lễ Giáng-Sinh sẽ gởi thiếp chúc mừng nhau. Có điều đã biểu diễn vậy là họ không giết nhau nữa, và trong giới giang hồ thì còn có gì hơn?

Sau đó "hội nghị" bế mạc, tiễn chân hết anh em Ông Trùm Corleone giữ riêng người anh em Molinari ở lại để tâm tình đôi câu, xét vì người anh em từng có lòng thương cho thằng thứ nương náu đỡ bấy lâu nau. Cứ như lời Molinari thì thằng Fred tuy lánh nạn mà hạnh phúc tràn trề vì nó nhảy vô nghề mở hô-ten coi bộ quá hạp, khoái chí nhất là mấy bà mấy cô thích như điên. Ông bố lắc đầu ngạc nhiên không ngờ thằng con hiền lành lại nhiều tài lạ vậy. Hay "hoạ trung hữu phúc" đây? Hai người cùng gật gù và nhân thể Ông Trùm Corleonecó ý cho người anh em biết "ơn nghĩa sẽ có ngày đền đáp". Làm gì không can thiệp được dùm cho Molinari vài ba việc hữu ích, chẳng hạn như bảo đảm dùm công việc truyền tin mau lẹ kết quả đua ngựa, đua xe dùm cho người anh em Cựu-Kim-Sơn, dù tình hình chính trị có thay đổi hay cánh "chó điên" Chicago có nhào vô phá hoại. Đối với một tay khai thác trường đua, bao cá ngựa, cá thể thao thì còn bảo đảm nào quý giá bằng?

Mãi chiều tối Tom Hagen mới hộ tống ông già về tới nhà bên Long Beach, dĩ nhiên lái xe phải là thằng em tin cẩn Rocco Lampone. Vô trong nhà ổng ghé taiconsigliori : "Thằng Rocco này xài được. Bấy lâu nay tao cứ đánh giá nó hơi thấp. Mi nhớ để ý?" Lời căn dặn làm Hagen ngạc nhiên quá. Quái lạ suốt ngày nó lầm lỳ có nói tiếng nào đâu? Lái xe cũng không liếc nhìn xuống một lần. Chạy xe hay mở cửa xe - chỉ mở một lần và đóng một lần - Rocco cũng chỉ làm như mấy thằng tài xế chuyên nghiệp. Vậy thì ông già đã nhìn ra một điểm gì mới có lời căn dặn cất nhắc?

Ngay buổi tối có "hội nghị gia đình" nên Hagen lo về nhà riêng để ổng có chút thì giờ nghỉ ngơi. Cơm xong lối 10 giờ họp đến khuya, có cả haicaporegime tham dự. Hagen có bổn phận cho họ biết tất cả sự tình về cuộc đại hội. Đúng 10 giờ Ông Trùm chỉ thị hai thủ hạ cao cấp, thân tín nhất:

- Hôm nay tôi đã đề nghị hoà bình. Tôi đã lấy danh dự cam kết không đánh, không trả thù nhưng xét vì có mấy người anh em chẳng đáng tin lắm nên hai người cứ phải ra lệnh cho thuộc cấp thủ thế sẵn, chớ để chúng đánh úp. Thế nào... đã cho mấy thằng con tin về chưa?

Hagen xác nhận: "Về nhà là cháu phôn liền cho Clemenza." Ông Trùm quay sang lão mập thì lão cho hay:

- Tôi đã để chúng về rồi. Coi, tôi vẫn thắc mắc dân Sicily mình đâu có những týp đần độn, ù lỳ như mấy thằng Bocchicchio này? Chúng thực vậy... hay làm bộ?

- Chúng vậy đó... ù lỳ mới ăn tiền chớ? Miễn có tiền là ngon... chớ không đần đồn, ù lỳ có hơn gì đâu? Thực ra cánh Bocchicchio cũng chơi được, không gây chuyện lộn xộn. Nhưng máu Sicily thì bọn chúng... hết sạch rồi!

Buổi họp tối gần như để nói chuyện chơi. Hết bắn nhau thì đỡ lo rõ, mọi người cũng nhẹ thở. Ông Trùm đích thân rót rượu, pha rượu cho từng người và đốt điếu xì-gà...

- Tôi muốn chúng mình quên luôn vụ thằng Sonny, kể như qua hẳn rồi, không bới móc ra nữa. Mình sẽ làm ăn thân thiện với bọn chúng, nếu họ có tham lam một chút, chia phần mình ít một chút cũng lờ đi. Dù có bị khiêu khích mình cũng thủ thế, nhất định không xé rào cho đến ngày Michael an toàn trở về đã. Vấn đề Michael phải đặt hàng đầu, nếu nó về là phải an toàn tối đa, không có gì có thể gây phiền phức. Mình lo là lo bọn cớm kiếm chuyện... chớ Tattaglia, Barzini đâu có gì đáng sợ? Đáng ngại nhất là bọn cớm không chịu bỏ qua vì tất cả mật báo viên đều đồng tình xác nhận chính Michael bắn. Hồ sơ nào cũng ghi rành rẽ như vậy thì ai dám thay đổi... biếncó thànhkhông ? Đã chắc chắn vậy thì không nhân chứng họ cũng làm. Bằng không mình thủ tiêu nhân chứng thì quá dễ rồi. Chỉ có thằng bồi bàn và một thằng ngồi bàn bên, có thể là thực khách hay là người của Sollozzo. Dĩ nhiên mình sẽ nhờNgũ đại gia đình cùng vận động để bọn cớm đổi ý định bằng cách bảo mấy thằng mật báo viên cho tin... bẻ lái sự việc hay dựng ra một cốt chuyện khác. Mấy người anh em mình sẽ làm dùm... nhưng vẫn chưa đủ. Mình phải tạo dựng một cái gì đó để không bao giờ Michael bị dính dấp trở lại vụ Sollozzo - Mc Closkey nữa kìa. Phải tính xong hẳn... bằng không Michael trở về bất lợi. Anh em thì nghĩ coi có cách gì hiệu nghiệm không?

Con người ta ai chẳng một lần lầm lỡ? Tôi cũng vậy. Bây giờ tôi muốn sống biệt lập, tôi không muốn bị ai mở cửa sổ ra ngó sang sân nhà mình, dù xa cả cây số. Tôi phải mua hết số đất quanh cư xá này rào kín lại canh gác thường trực, kể cả chòi canh nữa.

Cư xá này sẽ được bảo vệ như một pháo đài, xin thông báo anh em hay từ giờ tôi không ra văn phòng làm, kể như bán-hưu-trí. Thà làm vườn trồng nho chơi đến mùa cất rượu. Tôi ở hẳn trong nhà, chỉ gặp dịp quan trọng lắm lắm mới phải bước chân ra... mà ra dĩ nhiên phải đề phòng, hộ tống cẩn thận. Anh em nhớ rằng tôi không chuẩn bị, âm mưu gì hết. Tôi chỉ thận trọng, vì trên đời này tôi kỵ nhất ẩu tả, bừa bãi. Đàn bà con nít làm bừa còn được, đàn ông không thể! Nói gọn lại những gì phải làm ta cứ việc tiến hành đều đặn, từ từ để khỏi kinh động đối phương mất công.

Về công việc thì Tessio, Clemenza, Hagen... ba người sẽ lần lượt mỗi người mỗi việc làm thay tôi. Giải tán băng Sonny, cho nhập vào hai băng còn lại, các cánh khác biết ngay mình thực lòng muốn hoà. Công việc của Tom là chọn vài ba đứa cử đi Las Vegas điều tra tình hình dưới đó. Chính mi cũng xuống coi thằng Fred làm ăn ra sao mà thiên hạ đồn là tao có gặp nó dám không nhận ra. Nghe nói hồi này nó làm đầu bếp được rồi và mê gái tối ngày chạy theo mấy con nhãi non. Thực ra hồi ở nhà nó đứng đắn, đàng hoàng lắm nhưng thằng Fred không thể làm ăn nghề này. Không bao giờ!

Hagen thử đưa ý kiến:

- Hay là mình đưa Carlo xuống dưới đó? Bề nào nó cũng dân Nevada thì ở Las Vegas nó phải là thổ công.

- Không được. Phải có một đứa ở lại gần gũi bà ấy chớ? Có mấy đứa con ở xa hết sao? Tao muốn cho vợ chồng tụi nó một căn ở hẳn trong cư xá để Constanzia gần gũi mẹ nó. Thằng Carlo có thể cho một việc gì kha khá hơn. Có lẽ lâu nay tao hơi khe khắt với nó. Nhà này bây giờ đâm hiếm con trai quá. Mi xách thằng Carlo ra khỏi ngành cờ bạc, thảy nó vô làm nghiệp đoàn thử coi. Công việc toàn giấy tờ, chỉ cần cái miệng. Mà thằng Carlo thì nói hay lắm.

- Dạ được, cháu với Clemenza sẽ lo cử người đi Las Vegas ngay. Bác có muốn cháu kêu thằng Fred về chơi một vài ngày?

Ông Trùm lắc đầu quầy quậy. Nói về Carlo ổng chỉ có ý mỉa mai nhưng vừa nhắc đến tên Fred là quắc mắc lên:

- Ủa, gọi cái thằng ấy về làm gì? Nhà đâu có cần một thằng nấu bếp, bà vợ tao còn làm được mà? Để nó y chỗ!

Thấy Ông nổi sùng, cả ba người đâm nhột nhat. Không thể ngờ Fred bị bố ghét tới cỡ đó. Tất nhiên phải có một lý do gì họ chưa biết đấy thôi. Ông Trùm gật gù:

- Năm nay tôi có ý trồng thêm ít luống cà-tô-mát, ít gốc ớt xanh để nhà ăn không hết biếu anh em lấy thảo. Tuổi tôi bây giờ cần nghỉ ngơi thật. Công việc kể như xong, cứ thế mà làm... anh em uống rượu nữa không?

Biết hiệu tiễn khách họ đứng dậy hết. Hagen đích thân đưa hai lãocaporegime ra xe, hẹn ngày giờ gặp nhau để thanh toán công việc. Nó lập tức trở lại văn phòng vì biết thế nào ông già cũng có một vài điều muốn dặn riêng. Quả nhiên lúc nó vô ổng đã tháo ca-vát, cởi áo vét nằm dài ra đi-văn. Khuôn mặt đanh thép giờ mệt mỏi rõ. Ổng đưa tay trỏ chiếc ghế:

- Nào, mi làconsigliori của tao. Mi thấy tao xử sự bữa nay thế nào, có gì mi thấy cần phản đối không?

Suy nghĩ một lát Hagen đáp:

- Phản đối thì không... nhưng cháu vẫn thấy có một cái gì gượng gạo, không hạp với chủ trương đường lối của bác xưa nay. Bác nói bỏ qua không truy vấn đến cái chết của Sonny, không trả thù nhưng cháu không tin. Bác lấy danh dự cam kết hoà bình, cháu biết bác sẽ giữ lời. Nhưng cháu không thể tin là bác cho phép bọn chúng toạ hưởng chiến thắng như chúng tưởng bở sáng nay. Vở kịch bác dựng từ đầu đến đuôi cháu không đoán biết nổi thì làm sao đồng ý hay phản đối?

Nét mặt Ông Trùm tươi tỉnh, hể hả:

- Khá lắm! Mi hiểu tao hơn bất cứ một người nào thật! Mi không có máu Sicily nhưng tao quả đã không uổng công dạy dỗ. Mi Sicily chính cống! Mi nhận xét đúng, giải pháp tao đã có và tao tin mi sẽ hiểu trước khi vở kịch hạ màn. Mi thấy không, bọn chúng phải tin lời tao, tao sẽ giữ đúng y lời nghĩa là hoàn toàn không gây sự. Vấn đề quan trọng là làm sao đưa được Michael về gấp. Mi đặt trọng tâm công tác, hết sức chú ý một việc gì đó. Ráng tìm đủ mọi khía cạnh hợp lý hợp pháp để làm bằng được, tiền bạc không thành vấn đề. Tuyệt đối không thể chấp nhận sơ sót. Mi thử tiếp xúc những tay cừ nhất về hình luật coi? Để tao nói với vài ông toà quen lớn mi tới gặp riêng họ. Điều cần nhất là phải cảnh giác, chớ để bị lọt vào tròng.

- Đúng vậy. Mình không ngại vụ nhân chứng, dù thứ thiệt... hay thứ nặn ra. Mà phải tính trước bọn Cảnh sát chơi ngang. Chúng dư sức bắt rồi lỡ tay nổ súng hay sắp đặt một vụ vượt ngục. Một vụ tự sát trong xà-lim... hay tù giết tù thì dễ quá! Do đó, nếu để Michael về thì không thể có vấn đề câu lưu hay tình nghi...

- Vậy đó. Tao biết chớ? Khó khăn lắm... nhưng mình phải ráng làm ngay. Chần chờ nguy hiểm vì tình hình bên Sicily cũng gay cấn lắm. Đám trẻ mới lên đâu chịu để mấy đàn anh lớn nắm đầu mãi? Mấy Ông Trùm già cũng chịu không nổi bọn dân chơi mới bị trục xuất từ Mỹ về. Họ găng nhau lắm nên Michael dám kẹt ở giữa. Tao đã lo sắp đặt trước để nó tạm thời không lo ngại nhưng tình hình này làm sao kéo dài mãi? Đó là một trong những lý do tao phải cầu hoà. Thằng Barzini có bồ bịch ở bên ấy và bọn chúng đã đánh hơi ra Michael. Tao phải cầu hoà lẹ lẹ để đảm bảo sinh mạng thằng con tao chớ? Chắc mi hiểu chẳng có cách nào khác, phải không?

Có thế chớ! Phải có chỗ kẹt nàyBố-Già mới phải ra công dựng vở. Bây giờ Hagen hết thắc mắc, nhưng nó vẫn không hỏi ổng lấy tin tức đâu ra, ai cho biết. Nó quay sang vấn đề khác:

- Chừng gặp cánh Tattaglia sắp đặt công việc làm ăn... cháu có phải đặt điều kiện là đám đàn em trung gian của tụi nó phải hoàn toàn không có "phích"? Sơ sẩy ra toà mà "phích" cả đống thì làm sao mà xử nhẹ được? Ai dám?

- Nếu chúng biết điều thì phải tính trước vụ đó. Mi nêu ra nhưng không đặt điều kiện. Nếu chúng xài một thằng án tích đầy mình thì ra toà lãnh đủ ráng chịu. Mình trợ giúp tối đa thật nhưng gặp ca này thì khỏi kêu ca, oán trách. Làm gì thằng Barzini chẳng biết, khỏi cần nói! Mi thấy có cá nhân nó dính vô vụ này không? Hoàn toàn zê-rô, hoàn toàn vô can! Nó là týp người có ăn mới nhào vô, tuyệt đối khỏi may rủi. Barzini có theo phe thua bao giờ?

- Ra nó đứng sau lưng Sollozzo và Tattaglia từ hồi nào đến giờ?

Ông Trùm gật đầu:

- Mi nhớ Tattaglia chỉ là lão điếm già, ma cô. Sức mấy dám chơi thằng Santino? Tao biết vậy nên không cần biết thêm nữa. Biết có thằng Barzini đằng sau cũng đủ.

Hagen lập tâm ghi nhớ điều này. Quả tìnhBố-Già vừa mở mắt cho nó thấy nhiều điều nhưng trên hết vẫn còn một cái gì ổng không nói, nó có thể đoán biết nhưng không thể hỏi. Hagen lên tiếng chào, tính quay ra thì Ông Trùm dặn thêm:

- Ngoài vụ Michael mi phải để hết tâm trí lo cho nó còn một vụ này nữa. Mi liên lạc với người của mình đằng Bưu-điện, yêu cầu tháng tháng gởi cho mình một bản thống kê tất cả mọi liên lạc điện thoại, gọi tới gọi đi của Tessio, Clemenza nghe? Tao không nghi kỵ gì, có đời nào 2 lão ấy phản mà lo? Nhưng mình biết trước được một chuyện gì trước khi nó xảy tới đâu có hại?

Hagengật đầu đi ra. Gớm thật, không hiểuBố-Già có cử người bí mật giám thị chính nó, ngay cả nó nữa không? Có đời nào! Có ý nghĩ vậy là nó đã bậy quá! ĐiềuHagenbiết chắc chắn nhất là trong bộ óc ghê gớm của ổng phải có cả một kế hoạch tinh vi đang dàn sẵn để chờ tất cả những gì phải xảy ra. Một sự sắp xếp lâu dài, một cuộc rút lui "chiến thuật" nhàn nhã. Tất cả đều nhằm vào một ngày nào đó, một ngàynói chuyện phải quấy lần chót và cái một. Có một điểm đen lấp ló chẳng ai biết, chẳng ai nghi.Bố-Già lờ như không, ngay Tom Hagen cũng đâu dám hỏi?

Đã xem 384594 lần.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 21

Đa mưu túc kế, thế lực tiền bạc nhiều như vậy mà phải gần một năm sau Ông Trùm Corleone mới đưa được thằng con út an toàn về Mỹ. Bao nhiêu người bao nhiêu cách thức đưa ra, cả nhà điên đầu lo nghĩ nhưng Ông Trùm gạch hết. Ngay Carlo Rizzi cũng còn nhiều dịp ngồi nghe góp kia mà? Từ ngày hai vợ chồng được vềLong Beachlại thêm một thằng con nữa là hai.

Cuối cùng một giải pháp số 1 chợt tới rất tình cờ: một cái rủi của họ Bocchicchio lại giúp cánh Corleone phải giải quyết gọn vấn đề.

Số là họ Bocchicchio có thằng Felix, 25 tuổi sanh đẻ ở Mỹ đầu óc thông minh tiến bộ hơn hết đám anh em. Nó không chịu vô nghề rác lại còn lấy một con vợ Mỹ gốc Ăng-lê mới bảnh. Felix chăm học lắm, ngày làm thư ký Bưu điện đêm học thêm nhất quyết làm luật sư. Hai vợ chồng, 3 đứa con nhưng nhờ con vợ khéo quản trị nên sống tạm được chờ ngày tốt nghiệp.

Như bất cứ một thằng trẻ tuổi có tư cách nào khác, nghèo đói, còn gắng học thêm giật được mảnh bằng huống hồ bây giờ có bằng cấp trong tay Felix tin là làm gì chẳng nuôi nổi vợ con đàng hoàng, cần gì nhờ vả bà con? Sự đời không phải vậy mới đau!

Có bằng Cử nhân luật, tốt nghiệp luật sư nhưng một việc làm đàng hoàng đâu phải lúc nào cũng có? Mãi sau mới có một thằng bạn học có lòng tốt cho một áp-phe. Nó con ông cháu cha, có chân đứng trong một văn phòng luật sư tên tuổi. Áp-phe nó đề nghị giúp Felix là dịp ngàn năm một thuở, một vụ kê khai khánh tận, dựng vở rất khoa học và bề ngoài hoàn toàn hợp pháp. Là con nhà luật Felix làm gì không biết vụ này qua mặt pháp luật dễ như chơi. Một triệu phần ăn chắc chỉ có 1 phần sơ xẩy? Bèn làm. Bất quá khi xui xẻo bị khám phá ra thì đâu có phải tội Đại hình mà sợ?

Ác nỗi Felix gặp đúng cái "1 phần sơ xẩy" bị khám phá, điều tra ra ngay mới đau! Cuống cuồng lên nhờ ông bạn gỡ dùm thì nó tránh mặt, phôn tới cũng cứ lờ đi. Hai nhà doanh nghiệp chủ động vụ qua mặt pháp luật chửi ông luật sư mới ra trường chưa biết luật là gì nên xoay sở vụng về làm hại cả đám. Hai ông bàn nhau nhận tội hết để xin nhà nước khoan hồng và trở mặt tố cáo đích danh luật sư Felix Bocchicchio là chủ động và hơn nữa, ông luật sư còn dùng áp lực, đe dọa bắt buộc họ phải gian lận, phải qua mặt pháp luật để ông luật sư đớp bạc!

Khốn nạn cho ông luật sư lương thiện mới ra trường là có cái tên Bocchicchio nghe đã ghê mà bà con gần xa trong họ nhiều kẻ đầy mình án tình, toàn những tội bao hành, cưỡng đoạt, đe dọa... Bị điều tra thì có đến ngàn cái miệng cũng không thể cãi nổi. Đúng cả họ ăn cướp! Chứng cớ thế là rành rành: hai ông nhà buôn chỉ tù treo còn luật sư Felix Bocchicchio lãnh đủ 5 năm tù ở.

Felix nghiến răng ở tù. Họ Bocchicchio không nhờ vả anh em can thiệp vì nó nhất định không chịu. Nó phải ở tù để có cơ hội nghiền ngẫm rằng bà con anh em dù sao cũng còn tử tế, đáng tin cậy chớ không phản phúc như mấy thằng người ngoài.

Nhờ ở tù gương mẫu nên 3 năm sau nó được trả tự do. Về nhà sống yên vui với vợ con được đúng 1 năm thì máu Bocchicchio chợt nổi. Felix xoay được một khẩu súng và trừng trị ông bạn luật sư một cách công khai đàng hoàng. Chết tươi. Sau đó nó tà tà xách súng đi kiếm bằng được cả hai nhà doanh nghiệp, đẩy cho mỗi ông một phát ngay màng tang. Lúc ấy hai ông vừa ở nhà hàng bước ra thì Felix để hai cái xác nằm đấy, thong thả bước vô kêu ly cà-phê đen ngồi uống trong khi chờ đợi Cảnh sát đến lập biên bản.

Vụ Felix Bocchicchio ra tòa mau và xử lẹ lắm. Một thằng cả họ đi ăn cướp dám tỉnh táo hạ sát một lúc 3 mạng để trả thù, trong đó có 2 nhân chứng từng ra tòa tố cáo nó thì quá mức rồi. Nó làm vậy có khác nào bậy vào mặt cái pháp luật của xã hội này? Đáng chết. Thế rồi báo chí, dư luận ào ào đòi đưa Felix lên ghế điện.

Ngay mấy bố đạo đức có lòng nhân đạo bậc nhất cũng cử... ghế điện. Ông Thống đốc tiểu bang không thèm nói tới ân xá lại còn ví von: "Lò sát sinh của sở phú-de đâu có tha chó điên bao giờ?" Chính phụ tá chính trị của ông Thống đốc tuyên bố vậy mà? Lúc bấy giờ cánh Bocchicchio mới cuống cuồng tung tiền ra vận động cho "người hùng làm vẻ vang cả họ" nhưng làm sao kịp nữa? Felix Bocchicchio chỉ còn đợi thủ tục giấy tờ là bước lên ghế điện.

Lúc một thằng em nó chạy lại Hagen để nhờ nói với ông Trùm Corleone can thiệp dùm thì Ông Trùm chợt nảy ý kiến. Coi, làm sao can thiệp nổi cái án chết này? Bộ Vito Corleone là phù thủy hóa phép sao? Ngay sáng hôm sau ổng ra lệnh cho Hagen phải nghiên cứu kỹ hồ sơ Felix Bocchicchio và tường trình ngay. Sau đó, Ông Trùm cánh Bocchicchio được mời tới Long Beach bàn một chuyện quan trọng.

Bề nào thì Felix cũng sắp chịu án tử hình, vô phương cứu gỡ. Bây giờ cánh Corleone nhận đảm bảo đời sống cho vợ con nó, bằng lòng cấp một khoản tiền để vợ con Felix no ấm suốt đời, đưa tiền trước ngay một lúc. Miễn là Felix chịu nhận thêm một bản án, điều đó có nghĩa gì? Hắn nhận là thủ phạm hạ sát Sollozzo và Mc Closkey để dọn đường cho Michael Corleone trở về cũng có mất mát thêm gì đâu?

Miễn hắn vui lòng nhận làm. Còn chi tiết nội vụ để hắn biết đường mà khai cho tin được... thì đâu có khó khăn gì? Vui lòng thì Felix không vui lòng sao được.. đằng nào cũng chỉ chết 1 lần mà vợ con no ấm suốt đời, mấy đứa con được Ông Trùm Corleone chính thức cam kết cho ăn học hết bậc Đại Học? Chi tiết nội vụ thì Felix được nhồi sọ ngay, đầy đủ dữ kiện để chửi "thằng cha đại úy ăn bẩn dính vô ma túy". Vóc người Felix Bocchicchio quả có thấp hơn, mập hơn "thủ phạm" thực và thằng hầu bàn đã khai vô hồ sơ rõ ràng như vậy đó nhưng buộc nó khai lại đâu có khó khăn gì?

Vớ được lối thoát chắc chắn nhất cho thằng con út, Ông Trùm Corleone lo âm thầm giàn xếp thật chu đáo để lời thú tội bất ngờ của Felix Bocchicchio có ép-phê đột ngột như một trái bom nổ. Tất cả các báo đều chạy những hàng tít thật lớn làm dư luận sôi nổi.

Mọi sự diễn tiến đúng như dự tính. Nhưng là người cẩn thận xưa nay, Ông Trùm Corleone phải đợi 4 tháng sau, tử tội Felix thụ hình rồi mới có lệnh cho Michael trở về.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 22

Sonny chết đã được một năm mà Lucy Mancini còn nhớ nhung, đau khổ hơn hết mọi người tình dang dở trên cõi đời. Không lãng mạn nằm mơ thấy người yêu như cô bé học trò, không xót xa như quả phụ mất chồng... mà cũng chẳng phải đau khổ vì mất người bạn đời hào hoa. Sự nhớ nhung đau khổ của Lucy chẳng ướt đẫm tình cảm, không phải vì từ nay không tìm đâu ra ánh mắt yêu thương và nụ cười đắm đuối như thời gian hai người yêu nhau.

Không phải vậy. Nàng thiếu hắn, nàng mất đứt con người duy nhất trên cõi đời này có đủ tư cách cho nàng hưởng thụ tình yêu. Chỉ một mình Sonny làm nàng đạt được sự rung động tột cùng của ái ân. Lucy cứ ngây thơ, một mực tin vậy.

Một năm sau Lucy Mancini nằm dài ra phơi nắng, nghe hơi ấm của bầu trời Nevada ve vuốt da thịt. Dưới chân nàng là một gã tóc vàng, khổ người mảnh dẻ. Hắn nghịch mấy ngón chân Lucy. Hồ tắm lữ quán chiều Chúa nhựt đâu có vắng người. Hắn tỉnh bơ đưa mấy ngón tay ve vuốt ngược lên phần đùi. Lucy nhột nhạt rú lên:

- Jules, tốp đi... Coi kìa, bác sĩ gì mà kỳ cục vậy? Gấu quá...

- Ô hay, bác sĩ Las Vegas mà?

Hắn ngó Lucy cười nhăn nhở. Làm như Jules ngạc nhiên, không hiểu sao mới gãi khe khẽ vậy mà một thân thể như Lucy đã vội bấn lên. Nhìn cái mặt kia là biết rồi, dấu sao được? Con nhỏ có vẻ quê quê mà lại ngây thơ nữa. Vậy sao gạ gẫm mãi vẫn không được kìa? Phải có một lý do gì... chớ chung tình với một người nào đó thì khỏi!

Dưới mấy ngón tay này là thịt là da sống động. Nó cũng phải đòi hỏi thịt da chớ? Vụ bí mật này bác sĩ Jules Segal phải kiếm cho ra, tối hôm nay lên phòng là thế nào cũng phải khám phá bằng được. Đâu cần phải xài, đâu cần phải mượn đến sự trợ lực của chuyên môn? Nhưng nếu cần đến chuyên môn thì nhất Segal. Phải làm tới... bộ con nhỏ này không nóng quá cỡ rồi sao?

Coi, giọng nó run lên:

- Tốp đi Jules... Nhột quá mà...

Bác sĩ Jules Segal ngoan ngoãn tốp ngay. Bèn mượn phần đùi non nõn nà của người đẹp làm gối, đặt đầu lên chợp mắt cái đã. Ô hay, thú vị tuyệt diệu... da thịt co rúm lại, hơi nóng bốc lên hừng hực. Khi Lucy đưa tay lên vuốt tóc bèn âu yếm chộp ngay lấy, nắm cho chắc. Nhưng sự thực là để bắt mạch. Ôi cha là nó nhảy! Không ngờ vực gì nữa. Thôi, đằng nào thì đêm nay cũng là đêm thử thách. Sẽ biết ngay. Mà yên chí rồi, có thể đánh đỡ một giấc.

Lucy Mancini ngó thiên hạ chung quanh. Không ngờ cuộc đời nàng mới có 2 năm nay đã thay đổi nhiều thế. Nghĩ đến vụ "điên đầu" hôm đám cưới Connie, nàng thực sự không buồn, không ân hận một chút nào. Đó là sự tích kỳ diệu nhất đời, chưa từng được hưởng bao giờ mà sau này mấy lần còn nằm mê thấy còn được hưởng lại cảnh đó hoài hoài... Chao ôi, còn mấy tháng sau đó nữa chớ?

Hồi đó Sonny có lệ cứ một tuần tới nàng một lần, có khi hai chớ không dưới. Mấy ngày trước kỳ hẹn, Lucy đã hối hả rồi. Hai đứa mê nhau quá, mê một cách tầm thường giản dị, mê nhau rấtngười chớ tuyệt không có gì thơ mộng, trí thức. Đó là tình yêu xác thịt, của hai cơ thể, của da thịt đòi hỏi thịt da. Mỗi lần Sonny phôn tời hẹn là phải lo sẵn rượu, thức ăn cho hai đứa vì bao giờ cũng vậy, cũng ở miết tới sáng. Hai đứa đều muốn hưởng nhau trọn vẹn. Lần nào cũng vậy, khi hắn dùng chìa khóa riêng mở cửa ló vô là Lucy chạy nhào vào lòng để Sonny ôm cứng lấy. Thế rồi hai đứa tái diễn vụ yêu nhau in như hôm đám cưới, đó là một thích thú mà cũng là một kỷ niệm.

Còn sự buông thả nào tuyệt diệu bằng 16 tiếng đồng hồ sống miết bên nhau, trọn vẹn cho nhau, hoàn toàn tự ý tự do. Sonny có nết háu đói, ăn là ăn nhiều và Lucy sẵn sàng chìu chuộng... Lâu lâu hắn nhấc phôn lên, gọi đi đâu đó giải quyết công chuyện làm ăn nhưng Lucy đâu buồn để ý? Chỉ cần bám lấy hắn, nghịch ngợm tưng tiu đủ khoái rồi. Cứ hầu hạ, chìu chuộng nhau cho sung sướng... có gì là quá lố đâu?

Thật sự Lucy Mancini quá ngây thơ, đâu biết bản thân "anh Sonny" bị đe dọa thường trực? Hôm ông già bị bắn gục ngoài phố nàng mới có cảm giác nguy hiểm có thể tới bất cứ lúc nào cho người yêu!

Một mình nàng cô độc trong phòng, Lucy không khóc, không hoảng hốt. Nàng thét lên, rú lên... in hệt giống thú hoang lạc bầy. Ba tuần liền Sonny vắng biệt nàng đã phải mượn rượu, mượn thuốc ngủ trấn áp nỗi kinh hoàng. Toàn thân rã rượi, mệt đừ một nỗi đau xác thịt... Ôi, lúc gặp lại nhau là Lucy hối hả đeo cứng lấy hắn, nhất định không rời ra nữa. Thế rồi mỗi tuần mỗi gặp nhau cho đến ngày chính Sonny bị hạ.

Tin Sonny bị hại nàng chỉ đọc qua các báo. Ngay tối hôm đó Lucy uống một liều thuốc ngủ kinh khủng. Tưởng đâu mất mạng chắc vậy mà nó chỉ làm cơ thể ngất ngư, trong phòng lao đao đứng không nổi và gắng lần mò ra được thang máy thì té xỉu nằm luôn. Phải đưa vô bệnh viện cấp tốc. Vì sự "quen biết" giữa nàng và Sonny không mấy người biết nên chuyện của nàng chỉ những tay nhà báo rành rẽ lắm mới biết và cũng không choán hơn mấy phân tây bên cạnh những bài điều tra ghê gớm.

Ngay hôm còn nằm nhà thương chính Tom Hagen đã vô thăm, an ủi nàng và ở nhà thương ra cũng chính hắn gởi gắm Lucy xuống làm dưới Las Vegas, ở cùng một lữ quán với thằng Fred. Hôm đó chính Tom cho hay từ nay nàng sẽ được hưởng một khoản trợ cấp do Sonny để lại. Hắn hỏinhiều quá. Nào có phải nàng có bầu không... có phải vì sợ có bầu nên mới uống thuốc ngủ. Nào đêm Sonny bị nạn hắn có tới thăm nàng hay phôn tới hẹn sẽ đến không... Lucy một mực lắc đầu. Nàng bảo cứ làm việc xong là về phòng để chờ Sonny tới, hôm nào cũng vậy và thú nhận luôn "Ngoài Sonny chẳng thể yêu ai khác.. và sợ sau này cũng vậy."

Thấy hắn mỉm cười có vẻ ngạc nhiên, Lucy hỏi:

- Ủa, bộ anh không tin sao? Đó là sự thực, Mà hồi nhỏ có phải chính Sonny đã đưa anh về nhà, phải không?

- Hồi đó nó khác. Lớn lên nó trở thành một người khác hẳn.

- Khác với ai kìa... chớ với tôi thì...

Phải chi hôm đó nàng không còn mệt lả người thì Lucy còn cãi nữa. Sonny đối với nàng không hề dữ dội, độc ác. Trái lại, rất đằm thắm, dịu dàng. Đến gắt gỏng, bực bội còn không kia mà?

Phải nói Tom Hagen đã tận tình lo cho nàng. Kiếm công việc làm đã đành, hắn còn lo sẵn chỗ ở và đích thân đưa nàng ra máy bay. Hắn còn bắt phải hứa có chuyện gì buồn chán hay gặp sự gì khó khăn phải cho biết liền và hắn sẽ giải quyết dùm dễ dàng. Trước khi lên máy bay Lucy đánh liều hỏi: "Bộ anh giúp đỡ tôi... ông già Sonny có biết không?"

Hagen cười nói:

- Thì tôi làm thay mặt ổng... và làm cả cho tôi nữa. Về những vụ này, Ông già hơi cổ hủ... ổng không chịu làm gì đi ngược lại vợ cái con cột của nó đâu! Nhưng ổng cho là dù sao cô cũng là con gái mới lớn, chưa biết gì... đáng lẽ Sonny không nên dây dưa tới. Vả lại thấy cô uống thuốc ngủ suýt chết cả nhà đều bàng hoàng.

(Dĩ nhiên Hagen đâu thể nói ra được đối với một người như ông già thì tự tử là vấn đề không thể chấp nhận được, chỉ những kẻ điên đầu mời tính đến).

Sau gần một năm rưỡi sống ở Las Vegas, Lucy đâm ngạc nhiên vì thấy cuộc đời không địa ngục như nàng sợ mà coi bộ dễ sống, gần như sung sướng là khác! Những đêm nằm mơ thấy Sonny là y như rằng mất ngủ, phải cố lắm thì gần về sáng mới thiếp đi nổi. Từ ngày ấy thực sự Lucy không biết tới một người đàn ông nào nhưng cuộc sống Las Vegas coi bộ hợp với nàng: chiều chiều ra hồ tắm, buồn buồn đi chơi thuyền buồm ở hồ Mead hoặc phóng xe đi chơi ngoài đám đất hoang. Nàng gầy đi hẳn nên càng đẹp hơn. Đẹp lỗng lẫy như gái Mỹ... chớ không đằm thắm như đàn bà con gái gốc Ý.

Công việc của Lucy ở lữ quán là tiếp dẫn viên, không liên quan gì với Fred ngoài vụ thỉnh thoảng gặp gỡ nhau chào hỏi, nói chuyện chơi.

Lucy cũng thấy ông em Sonny thay đổi dữ: nó ăn mặc diêm dúa, nổi tiếng mê gái và coi bộ thích hành nghề chủ khách sạn lắm. Có mấy khi ông chủ sòng hạ cố trông nom phòng ngủ bao giờ? Có lẽ khí hậu ấm áp ở Las Vegas và nết mê gái đã khiến Fred không mập nổi và lối ăn diện theo Hollywood càng làm cho nó coi rõ ra trơ trẽn, điếm đàng!

Nàng làm ở Las Vegas cỡ 6 tháng thì Tom Hagen mới xuống thăm coi cho biết sự tình. Ngoài số lương của lữ quán tháng nào Lucy cũng nhận được tấm xét 600 đô-la tiền trợ cấp đều đều và Hagen còn làm đầy đủ thủ tục để Lucy không sợ bất cứ một rắc rối nào có thể xảy ra sau này. Ít ra trên nguyên tắc Lucy cũng có 5 cổ phần trong công ty này chớ bộ? Đó chỉ là một sự che mắt thế gian, qua mặt mấy bố thanh tra tài chánh sau này. Lucy đã ký biết bao nhiêu giấy tờ văn kiện để giao đứt vấn đề quản trị mấy cái cổ phần cho luật sư Tom Hagen. Dù có bị điều tra nàng vẫn có quyền trả lời: "Tôi không biết. Đây, giấy ủy nhiệm đây, xin mời quý ông liên lạc với luật sư nhiệm cách cho tôi!"

Bảo ký tên là Lucy ký ngay không ngần ngại. Nàng biết tại sao phải làm vậy, đã được thừa hưởng còn bày đặt thắc mắc làm chi? Hagen còn dặn phải giữ kín, tuyệt đối không thể để lộ cho ai biết vụ này Lucy cũng gật đầu. Muốn có tiền ngoại lệ là phải vậy. Nhưng có một lời yêu cầu của hắn làm nàng chới với.

Hôm gặp lại Hagen ở Las Vegas, hắn rỉ tai nàng: "Cô nhớ làm dùm tôi việc này. Cô ráng mở mắt ra, kín đáo quan sát sự tình trong cái lữ quán này dùm. Cô phải để ý hành vi thằng Fred và cả thằng Moe Greene hiện đang được coi như ông chủ lớn vì nó có nhiều cổ phần nhất trong công ty khai thác lữ quán". Lucy giật mình hỏi gặng lại:

- Anh bảo tôi phải theo dõi cả Fred sao?

- Đúng vậy. Đó là ý của Ông Già. Hồi này thấy nó thân thiện quá mau với thằng Moe Greene nên ổng lo ngại có chuyện gì chăng.

Hagen chỉ nói vắn tắt vậy. Đời nào hắn chịu tiết lộ hết bí mật là Ông Trùm Corleone đã đầu tư rất nhiều tiền vào công ty khai thác lữ quán để thằng con thứ có chỗ nương tựa một phần mà còn dọ dẫm để sau này làm ăn lớn nữa ở Las Vegas!

Chỉ vài hôm sau ngày Hagen xuống gặp Lucy là bác sĩ Jules Segal được chính thức tuyển mộ làm y sĩ riêng của lữ quán. Đồng ý là Jules đẹp trai, ăn nói duyên dáng nhưng người hắn gầy gò quá. Coi quá trẻ... bề ngoài chẳng ra vẻ bác sĩ chút nào! Lucy còn nhớ như in buổi đầu tiên tiếp xúc với bác sĩ Segal. Hôm đó khi không nàng bị nổi một cái nhọt lớn chỗ cánh tay. Nhức nhối mấy ngày chịu không nổi nên đành phải tới phòng khám bệnh của hắn.

Ở phòng đợi, Lucy đụng đầu 2 con nhỏ vũ nữ trong đoàn nghệ sĩ đang trình diễn giúp vui cho lữ quán. Nàng trố mắt nhìn: sao da dẻ 2 con bé này hồng hào, tươi tốt đến thế? Đúng là "đào tơ mơn mởn" như nàng từng mơ ước. Giữa lúc đó một con nhăn mặt than với bạn:

- Tao nói thực với mày... nếu lần này lại bị "làm thuốc" một lần nữa tao dám bỏ nghề luôn!

Bác sĩ Jules Segal thò đầu ra vẫy một em vũ nữ vô phòng mạch. Chao ôi, Lucy muốn dông ngay tức thời, khỏi chữa chạy gì hết vì "thằng cha" bác sĩ ăn mặc sao bê bối thế? Quần cao-bồi, sơ-mi hở cổ chẳng ra thể thống gì! Xưa nay Lucy vẫn cho là hành nghề y- sĩ phải là những con người đứng đắn, ngay từ bề ngoài cũng phải chững chạc rồi. Chớ đâu có bác sĩ bê bối như "thằng cha" bác sĩ này? Cũng may là hắn còn mang cặp kính cận khá đứng đắn và coi bộ ăn nói cũng điềm đạm, thận trọng!

Nhưng quái lạ, vừa ngồi xuống trước mặt hắn, thấy cung cách thăm bệnh của "thằng cha bác sĩ" tự nhiên Lucy thấy yên chí, tin tưởng ngay. Hết dám coi thường. Mà hắn có nói gì nhiều đâu, động tác cũng khoan thai đúng độ. Hỏi hắn cái nhọt này có gì đáng ngại không, hắn bèn dẫn giải tỉ mỉ. Đại khái chỉ là thứ mụn nhọt thông thường, chẳng phải bận tâm. Hắn lấy ra một cuốn sách thuốc tổ bố và bảo Lucy chìa tay ra cho coi. Lucy yên chí chìa tay ra thì hắn cười khà khà. Lúc bấy giờ mới thấy hắn cười là lần thứ nhất:

- Nói thực với cô bé nhé... cái nhọt vớ vẩn của cô việc quái gì phải tốn tiền? Tôi lấy đại cuốn sách này... tôi đè lên một cái cho nó bể ra là nó xẹp cái một! Ít hôm nữa nó dám sưng phồng lên thật nhưng nếu bây giờ tôi giở dao kéo ra bịp... nghĩa là làm một vụ "giải phẫu" thì bắt buộc cô phải nghỉ việc ít hôm, tốn tiền của cô vô ích, lại phải băng bó phiền phức nữa. Cô bằng lòng tôi... chữa bằng cuốn sách này không?

Không hiểu sao Lucy nghe hắn ta nói hay hay bèn OK liền. Lại đưa tay ra vô cùng tin tưởng. "Thằng cha bác sĩ" bèn gật gù cầm cuốn sách đè một phát lên cái nhọt bự làm Lucy chợt "Oái" một phát. Hắn ngừng lại, ngước mắt hỏi "Đau lắm hả?" Nàng nghiến răng trả lời "Không" thì hắn bèn ủi tới một phát. Quả nhiên cái nhọt xẹp cấp kỳ!

Sau đó hắn sức thuốc qua loa rồi hí hoáy ghi chép tên họ vào sổ bệnh nhân. Lucy hỏi "Còn làm gì nữa không?" hắn chỉ lắc đầu.

Cỡ một tuần sau Lucy đang ngồi một mình dướibar thì "thằng cha bác sĩ" xê lại. Hắn tươi cười hỏi:

- Cánh tay cô thế nào? Khỏi chứ?

- Cảm ơn, khỏi rồi. Cách trị mụn nhọt của ông coi bộ không đúng sách vở lắm... nhưng ông chữa mát tay đấy.

Hắn cười hề hề:

- Điều trị không đúng sách vở... thì nhất tôi rồi! Nhưng tôi ngu quá. Tôi cứ tưởng đâu cô là thứ công nhân nghèo... nghỉ một ngày là cúp lương một ngày mới đau chớ! Ai ngờ cô bốc bạc tới cỡ đó? Coi tờSun mới đây tôi mới ngã ngửa người ra vì cô bé Lucy Mancini mà tôi tưởng nghèo... hóa ra thuộc thành phần chủ nhân? Ít ra cũng có 10 cổ phần trong cái lữ quán này chớ bộ? Biết vậy hôm đó tôi "giải phẫu" kiếm mớ bạc xài chơi!

Lucy đưa mắt nhìn hắn, chưa trả lời vội. Hagen chẳng căn dặn cấm tiết lộ với ai sao? Thấy nàng muốn dấu diếm hắn lại cười lớn nữa:

- Nhưng yên chí đi.. Những cái cổ phần MA như của cô dưới Las Vegas này thiếu gì? Tôi biết hết, cô đừng ngại! Hôm nay tôi tính mời cô đi dùng cơm... rồi coi trình diễn ca nhạc cơ mà? Nếu muốn đánh ru-lết ta có thể mua ítphỉnh chơi...

Nghe giọng hắn, Lucy thấy tin được. Nhưng vẫn còn phải đề phòng phần nào. Hắn lại mời nữa nên phải nói thẳng:

- Ăn cơm, coi kịch, đánh bạc thì xong rồi... nếu ông không cố ý tìm đến "những khoản kế tiếp". Nếu ông muốn những mục linh tinh sau đó sợ ông hố nặng vì thực sự tôi chẳng phải týp gái bắt khứa dài dài đầu đô thị Las Vegas này đâu!

- Coi, chính vì vậy tôi mới tha thiết mời cô chớ? Tôi phải tự ý cho mình nghỉ để đi chơi một tối cho khoái mà?

Tối hôm đó Jules Segal đưa Lucy đi coi ca nhạc. Đúng hơn là hai đứa vừa ăn vừa ngó mấy em vũ nữ ở truồng. Lucy nghe hắn rỉ tai nhiều câu ngộ nghĩnh cười muốn đứt ruột. Mà hắn lại tỉnh bơ, giải thích toàn bằng danh từ y học đứng đắn... nào là em kia bùi bự, em nọ ngực bơm.. chẳng có gì tục tĩu mà nghe muốn cười bò ra. Sau đó hai đứa vô mâm ru-lét đánh chơi, vớ được trên một trăm đô. Chừng Jules lái xe tuốt lên đập Boulder để "ngắm trăng" hai đứa đã hôn nhau mùi mẫn mấy cái. Nhưng lúc hắn đề nghị cùng làm "cái khoản kế tiếp" rất thú vị thì Lucy thẳng thắn gạt ngay. Hắn lập lại đề nghị tới mấy lần nhưng... không vẫn là không!

Biết là không tiến thêm được nữa thực, Jules bèn tốp ngay và có vẻ "chẳng việc quái gì phải bực tức, thất vọng". Lucy còn châm chọc: "Tôi đã chẳng lưu ý bồ trước là khỏi có "cái khoản sau"... Tại bồ không tin nên bồ mới hố chứ?" Tuy nhiên bên trong nàng vẫn cảm thấy cả một sự ái ngại nên phát cười sằng sặc khi Jules gân cổ lên cãi lại:

- Coi, biết là biết nhưng vẫn phải thử thách chớ! Người ngợm như thế này mà không thử thách chẳng hóa ra thằng này... cố tình xúc phạm mỹ nhân sao?

Phải nhìn nhận lâu rồi Lucy Mancini không được hưởng một đêm vui như vậy, dù không có "khoản kế tiếp". Nàng được dịp cười thành thực với lòng mình nên chỉ vài tháng sau hai đứa đã bồ bịch, thân thiết đến độ dứt không ra!

Có điều cặp kè nhau sát sạt như vậy đó nhưng tình yêu thực sự giữa hai đứa vẫn nằm nguyên ở mức zê-rô. Vì Lucy có chấp nhận một sự tiến lên của hắn đâu? Cứ đúng đến lúc kết thúc là y như rằng Lucy duỗi ra. Biết bao nhiêu lần như vậy rồi và Lucy làm gì chẳng biết ông bạn Jules rất đỗi kinh ngạc. Chẳng hiểu ra làm sao cả! Nhưng tuyệt nhiên hắn không ỉu xìu hay ấm ức một cách bần tiện như đa số những thằng đàn ông gặp cảnh cám treo, heo nhịn. Lucy càng chịu hắn hơn, nhiều hơn...

Chơi thân thiết, nàng còn biết Jules ngoài cái vỏ bác sĩ y khoa còn là một gã rất chịu chơi, chơi ngang, không giống ai. Chiều thứ Bảy, Chúa nhật hắn còn dám vác chiếc MG cà tàng ra đua dự giải California! Được nghỉ vài ngày thế nào hắn cũng dông tuốt xuống Mễ-Tây-Cơ chơi thả ga và theo lời hắn kể lại thì đây mới là xứ sở rất rừng, đời sống bán khai in hệt cả ngàn năm về trước và dân ngoại quốc đi lớ ngớ dám mất mạng chỉ vì một đôi giày như chơi. Nhưng về nghề nghiệp của hắn thì chẳng mấy khi Jules hé môi. Phải tình cờ lắm Lucy mới biết hắn cũng từng là y-sĩ giải phẫu thường trú của một y-viện nổi tiếng bậc nhất Nữu-Ước.

Tất cả những gì Lucy biết về Jules Segal càng làm nàng thắc mắc, không hiểu tại sao hắn chịu bó cẳng nhận chân y-sĩ riêng của lữ quán này, Gặng hỏi mãi thì hắn mặc cả: "Mỗi đứa đều có một bí mật, phải không? Tại sao ta không trao đổi nhau kìa?"

Đề nghị của Jules làm nàng nhột nhạt mắc cỡ, thẹn đỏ mặt. Do đó hắn chẳng lập lại nữa. Tình bạn giữa hai đứa mỗi ngày mỗi khăng khít, khăng khít đến độ Lucy không ngờ nàng có thể tin cậy một người trọn vẹn như vậy.

oOo

Vì lẽ đó Lucy Mancini rất tưng tiu thằng cha đang gối đầu lên đùi nàng nằm đánh một giấc lơ mơ ven hồ tắm, thây kệ kẻ qua người lại. Coi, mỏi đùi quá đi mất nàng cứ cổ hắn mà bấm. Làm gì hắn chẳng biết nhưng Jules cố tình lờ đi. Thôi được, cứ gối đầu như thế này cũng sung sướng chán!

Bỗng nhiên hắn ngổng cổ lên rồi đứng phắt dậy. Rồi Jules nắm tay Lucy kéo tuốt đi, muốn đi đâu cũng theo hết. Việc gì mà sợ nhỉ? Hắn kéo nàng tuốt vô căn chòi, phòng riêng của hắn, Lucy cũng theo tò tò, chẳng ngần ngại. Vô trong phòng, Jules pha cho mỗi đứa một ly rượu bự. Bơi lội mệt, phơi nắng đã đời và máu nóng đang bốc lên hầm hập mà có rượu vô thì đã phải biết. Ngầy ngật cả người!

Khi Jules choàng tay ngang người thì hai đứa ôm cứng lấy nhau, quần áo chỉ là đồ tắm tối thiểu nên Lucy thấy run rẩy cả người. Môi mấp máy "Đừng anh... Đừng" nhưng thực sự chẳng muống "đừng" chút nào. "Thằng cha bác sĩ" biết thế nên cứ một mực làm tới.

Với Lucy thì chỉ cần một rung chạm thật nhẹ cũng lên tới tột đỉnh vì háo hức đã lâu. Nhưng chỉ một giây đồng hồ sau đó là nàng thấy ngay sự ngạc nhiên sững sờ của hắn. Bí mật bại lộ rồi, nàng hổ thẹn muốn chín nhừ người, in hệt như thời gian chưa biết đến Sonny. Nhưng Jules không lúng túng lâu. Hắn đã có cách xoay trở sao đó nên Lucy cứ để mặc cho hắn chỉ huy vị trí đặt chỗ người để có thể giảm bớt phần nào. Ít ra hắn cũng biết tự tìm lấy cảm giác, chuyên viên mà? Đó là cả một an ủi đối với nàng.

Lúc sau, Lucy co rút người nằm tuốt trong một góc giường thút thít khóc. Chao ôi, mắc cỡ thế này thì... Ô hay, đã thế Jules còn cười hề hề giễu "Đúng là một con bé nhà quê! Tưởng gì... có cái vụ đó mà dấu dấu diếm diếm cả tháng, bắt người ta đợi cả tháng! Sao quê thế... cô em?" Giọng Jules giễu cợt, đùa dai nhưng rõ ràng chan chứa yêu thương, chìu chuộng làm Lucy quay phắt lại. Hắn ôm chầm lấy, riết rống: "Em đúng týp gái nhà quê... nhà quê đến thượng cổ thời đại lận!" Được an ủi phần nào, Lucy tấm tức khóc, khóc mãi làm Jules phải đốt điếu thuốc kê tận môi. Nếu không tốp cái vụ khóc lóc để kéo khói chỉ có nước ho sặc sụa!

Bắt nín bằng được xong Jules mới bắt nàng xây mặt lại để nghe hắn nói thật đứng đắn:

- Cái vụ... của em có gì đâu mà dấu mà sợ? Đàn bà con gái thời buổi này coi nó tầm thường quá đi mất... đâu có đáng sợ bằng xấu gái, da hư, mắt lé nào? Cái vụ ấy người ta giải phẫu điều chỉnh cái một, dễ ợt như lột một vết nám, một cái bớt trên mặt... hay sử một cái tai dị hình vậy. Em đừng thèm nghĩ đến vấn đề công dụng của nó nữa coi... đừng sợ sự ngoại khổ quá đáng của nó làm đàn ông con trai bắt buộc phải chán ngán coi nào? Em phải coi giản dị như một cái tật, chẳng qua một số bắp thịt ở quanh chỗ đó đã bị dãn ra, trễ xuống. Đàn bà sanh nở nhiều dễ bị mà có thể chỉ vì xương phát triển lệch lạc sao đó... điều chỉnh bằng giải phẫu thì quá dễ, tội gì ôm bụng chịu khổ cả một đời vô lý vậy? Anh không thể ngờ em lọt vào ca hãn hữu này vì cỡ người của em ngon lành quá mà? Anh cứ tưởng vì nguyên nhân tâm lý, sau cái chết của Sonny. Thôi, đi vô tắm đi... rồi ra anh khám bịnh thử coi?

Dĩ nhiên là vụ tắm rửa Lucy ngoan ngoãn nghe ngay. Nhưng mục khám bệnh bị nàng cự nự quá. Vậy mà Jules vẫn cứ khám phá được và khám rất kỹ. Trong phòng hắn lúc nào chẳng sẵn sàng một túi dụng cụ hành nghề, cả một mặt bàn đầy những thứ cần dùng? In hình hắn đã để tâm rất nhiều vào vụ "thăm bịnh" dò tìm đủ mọi chỗ, đủ mọi hướng tỉ mỉ. Hắn đã tận tâm làm Lucy phát ngượng lên được nhưng cũng may vừa lúc đó Jules buông tay ra: "Xong rồi... Phải nói đây là lần đầu tiên tôi thấy hứng thú trong công việc."

Thấy Jules lo lắng cho mình xăng xái quá, Lucy bớt e ngại, bớt mắc cỡ. Nhất là hắn lại ra tủ sách lấy xuống một cuốn, chỉ cho nàng thấy một ca tương tự và phương pháp điều trị bằng giải phẫu. Nàng cảm thấy an ủi hơn bao giờ hết.

- Vả lại dầu muốn dầu không em cũng phải làm một cuộc giải phẫu. Đâu có thể để nguyên tình trạng như vậy? Nó một ngày một trễ ra, trụt xuống... chịu sao nổi? Nguy hiểm như vậy mà mấy bà mấy cô hồi xưa còn làm bộ e lệ, giữ gìn không cho cả thầy thuốc ngó vô nên nhiều người vì thế mà mang tật oan uổng suốt đời kia mà?

Lẽ ra bác sĩ Jules Segal còn hứng chí nói nữa nếu Lucy không hét lên: "Thôi... đừng nói nữa anh!" Thì ra dù có được thấm nhuần tinh thần khoa học của hắn đến bao nhiêu Lucy vẫn không bỏ được mặc cảm của một đứa con gái có tật kỳ dị và không muốn ngay cả Jules biết tới. Ngốc hết chỗ nói nhưng hắn vẫn cứ phải ráng chìu để nàng khỏi mắc cỡ quá.

Tốt hơn hết là "chia sẻ bí mật"... để cho Lucy biết chính mình cũng có một "yếu điểm" cần che dấu! Nghĩ vậy Jules mới thổ lộ tâm tình:

- Bây giờ anh biết hết bí mật của em rồi... Anh cho em biết sự bí mật ghê gớm của đời anh nghe? Em vẫn thắc mắc, không hiểu sao một "tài nghệ xuất chúng vượt bực", một "tài năng trẻ" về khoa giải phẫu bực nhất Nữu-Ước như anh mà lại phải cam chịu chui vào xó Las Vegas làm cái công việc hạng bét này, phải không? Ấy, hồi đó mấy tờ bào "phong chức" cho anh vậy đó! Vì anh là một chuyên viên phá thai. Một ngành chuyên môn tự nó sạch không thua gì bao nhiêu ngành y-khoa sạch sẽ khác. Có điều anh bị chúng vồ quả tang nên bỗng nhiên trở thành bẩn thỉu, một ô nhục chung cho nghề thuốc!

Cũng may anh có thằng bạn học hồi nội trú tên Kennedy. Một y-sĩ đàng hoàng lắm. Hắn nghe đâu quen biết Hagen và có ơn lớn với gia đình Corleone nên hắn bảo có thể nhờ Tom Hagen can thiệp cho anh được, anh bèn nhờ. Quả nhiên vụ phạm pháp quả tang của anh được dẹp hồ sơ lại thiệt, khỏi xét xử. Tuy nhiên Y-sĩ đoàn và cả một xã hội lương thiện tử tế ở Nữu-Ước cho anh vào sổ đen. Hết hành nghề được. Do đó gia đình Corleone mới cho anh một công việc rất thích hợp ở đây... để kiếm ăn tà tà! Lữ quán thiếu gì các em vũ-nữ... lỡ dại mang bầu? Có một chuyên viên phá thai đệ nhất hạng ngay tại chỗ thìsuyaquá. Ở đây anh đâu có thiếu thân chủ? Mấy em lỡ dại mà biết chạy ngay lại phòng mạch của ông y-sĩ thường trú "làm thuốc" thì ăn chắc? Dễ ợt mà? Công việc của anh giản dị như em cọ soong cọ chảo.

Về vụ cho mấy em một bầu thì thằng Fred nhà Corleone quả thật là hung thần. Một mình nó cung cấp cho anh 15 thân chủ rồi đấy. Có lẽ anh đến phải cho nó một bài học về Sinh-lý mất! Cái thằng liều mạng, không giữ gìn quái gì hết: 3 lần lậu, 1 lần giang-mai rồi!

Ông bác-sĩ Jules Segal kịp thời tốp. Có bao giờ vi phạm nghề nghiệp, tiết lộ bí mật thân chủ đến thế này? Nhưng xét ra để Lucy quên đi cái bí mật vĩ đại của nàng thì phải viện dẫn rằng thiếu gì kẻ còn có những bí mật ghê gớm hơn nhiều, trong đó có một thằng nàng biết và hơi ngán là thằng Fred.

- Em cứ nghĩ như thế này này... Cơ thể em có một mảnh cao-su. Nó dài ra, nó không co-lại nữa. Bây giờ cắt bớt đi một chút ắt sẽ đàn hồi, chặt chẽ bằng thích!

Dĩ nhiên là Jules nói gì nàng chẳng nghe, tin tưởng quá mà? Nhưng Lucy vẫn làm bộ: "Để em coi thế nào đã. Mà tốn cỡ bao nhiêu?"

Jules nhăn mặt:

- Cái gì mà "tốn cỡ bao nhiêu"? Ở đây anh không có đồ nghề vả lại... không phải ngành chuyên-môn của anh. Có thằng đồng nghiệp bồ bịch ở Los Angeles... nó đứng số 1 về khoa may cắt này, vả lại y-viện nó làm có đủ tiện nghi tối tân. Cho em hay là cô đào Hollywood nào cần "may cắt" cũng không khỏi qua tay nó. Nhiều cô biết sửa mặt, sửa ngực... đâu đã chắc chinh phục nổi đàn ông nên tình nguyện làm thân chủ của nó thiếu gì. Em cứ yên chí khỏi tốn một xu. Nó còn thiếu nợ anh một vài vụ phá thai dùm chớ bộ? Cô đào nào lại nó may cắt anh chẳng biết... nếu nói được anh cho em biết ngay boong.

- Cô nào thế anh? Nói đi anh...

Lucy hăm hở hỏi liền. Biết cái danh sách đó để lâu lâu khoe bà con thật tuyệt. Điều làm nàng chịu ở con người của Jules là tha hồ cho nàng biểu diễn chuyện ngồi lê đôi mách thật đàn bà hắn không hề chế nhạo!

- Anh sẽ nói với điều kiện hai đứa mình tối nay phải đi ăn với nhau và đi về phòng với nhau. Mình để uổng phí biết bao nhiều thì giờ chỉ vì sự dấu dấu diếm diếm vớ vẩn của em.

Lucy cảm động. Ít nhất Jules còn tử tế để nói lên câu đó. Bèn nói thẳng ngay ra:

- "Về phòng" làm quái gì! Cứ như tình trạng hiện thời của em thì anh đâu có thấy gì mà đòi "về phòng"?

- Ôi chao! Ngu ơi là ngu! Bộ yêu là cứ phải vậy, ngoài ra không còn cách nào khác nữa sao? Bộ em cù lần đến độ không biết có một phương pháp bắt nguồn từ thời xa xưa mà vẫn văn minh ghê gớm?

- Cái vụ đó.... đó hả?

-Cái vụ đó hả ? Đó là cái vụ gái nhà lành không thèm làm, đàn ông tử tế cũng chê... cho đến năm 1948 vẫn còn chê? Để bữa nào anh sẽ dẫn em đến thăm một cụ bà chủ động ở Las Vegas này, hiện vẫn còn hành nghề. In hình năm 1880 thì phải, bà cụ từng là "má nuôi" trẻ nhất của các em giang hồ thời Miền Tây hỗn loạn. Bà cụ ưa nhắc lại chuyện đời xưa lắm. Theo lời bà cụ thì ngay từ hồi đó các bố cao-bồi tức chăn bò nhà ta súng lủng lẳng ngang hông trông rất hùng dũng, trẻ trai ưa nhào vô động và nhất định buộc các em phải yêu các anh theo lối Phú-lang-sa... tức làlàm cái vụ đó . Thế anh hỏi thực em...cái vụ đó em không làm với thằng Sonny hả?

Lần đầu tiên từ ngày biết nhau, Jules chợt bắt gặp một nét lạ lùng, thật khó hiểu trên khuôn mặt, nụ cười của Lucy. Hắn sững sờ ngó và cảm thấy nụ cười của nàng rõ ràng in hệt "nụ cườiMona Lisa " âm trầm, bí mật. Ông bác sĩ ma mãnh trong Jules Segal bèn liên tưởng ngay đến một sự trùng hợp kỳ cục: biết đâu chừng người đẹpMona Lisa hồi đó chẳng cùng một căn bệnh như nàng Lucy Mancini bây giờ đấy?

Lucy ngó hắn cười: "Với Sonny thì cái gì em cũng dám hết!" Có bao giờ nàng chịu xác nhận cái vụ đó với bất cứ một ai đâu?

Cỡ hai tuần sau, bác sĩ Jules Segal đứng trong phòng mổ của một y-viện lớn Los Angeles để quan sát "giải phẫu sư chuyên nghiệp" Frederick Kellner "may vá" dùm người yêu. Trước khi đánh thuốc mê cho Lucy, hắn ghé tai nàng thầm thì: "Yên chí đi! Anh nói với nó em là bồ cưng nên thế nào hắn cũng "cắt may" cho em rất đàng hoàng, chặt chẽ". Sự thực nàng có nghe gì đâu, thuốc ngủ đã ngấm rồi. Nàng không cười vì câu giễu cợt của Jules nhưng thực sự yên tâm lắm lắm.

Sử dụng dao kéo thì chuyên viên Kellner tự tin như chú cá mập nuôi trong hồ nhào lên đớp mồi vậy. Cái vụ xiết chặt lại những bộ phận đã giãn ra của mấy bà mấy cô thì hắn quen quá rồi. Trước hết cái bắp thịt dài, dai sợi gọidây-chằng đó phải cúp ngắn bớt một khúc cho sức căng của nó đỡ yếu. Sau đó phải nâng cái bộ phận chính thức lên cao.

Có hai động tác giản dị quen thuộc nhưng Kellner hết sức chú tâm, sơ sẩy đưa mạnh tay dao một chút dám phạm phải khúc ruột già chót hết là tai hoạ. Đứng bên, Jules biết ông đồng nghiệp cẩn thận vì lý do nghề nghiệp đó thôi. Ca này tuyệt giản dị, hắn đã coi kỹ từng khúc trong phim quang tuyến X, đã biết hết chi tiết cần thiết trước khi giải phẫu mà? Nghề này như vậy đó, chẳng có gì đáng ngại nhưng sơ sẩy thì vẫn cứ sơ sẩy như thường!

Mấy ngón tay bọc băng mềm của Kellner lọc lõi, vạch những mảnh thịt thừa, vén cái màn nhầy che hai lớp bắp thịt ống chằng chịt có công dụng giữ chặt bộ phận quan trọng nhất trong cơ quan bên trong của người phụ nữ. Bây giờ mà mấy cái tĩnh mạch lòi ra thì mệt lắm. Chỉ một chút máu cũng đáng ngại vì đúng ruột già khúc chót bị cắt phạm! Nhưng với Kellner thì khỏi có chuyện đó. Chỉ nhấp nháy hắn đã tiến hành cái việc "bóp" bớt ống lại cho thật khít. Giản dị như thợ mộc đóng đinh vậy.

Để làm công việc "bóp" này Kellner đã dùng một thủ thuật "kẹp" đặc biệt những khúc thịt thừa xù xì đều được bấm lại thật chặt để nằm ép một chỗ. Cái ống thâu hẹp hẳn lại và nhẵn nhụi, trơn lu. Hắn đưa 3 ngón tay vô thử. Vẫn rộng quá. Chỉ hai ngón là vừa. Hắn thử lại lần chót bằng hai ngón tay rồi đưa mắt ngó Jules. Bên trên miếng băng che miệng, cặp mắt xanh lơ tai quái của hắn nhấp nháy với Jules, ra điều: "Bây nhiều đây đã đủ chặt chưa, ông bạn?" Khỏi cần đợi ý kiến của hắn, Kellner cúi xuống hý hoáy làm công việc may chỉ, lẹ làng may từng mũi một...

Xong việc, Lucy nằm xe đẩy qua phòng hồi sinh. Kellner xoa tay khoan khoái, hý hửng khoe Jules: "Mọi việc vậy là chu toàn rồi bạn! Xin nói là OK... không chê vào đâu được, hoàn toàn chẳng e ngại biến chứng gì hết. Người ngợm em bé còn "tốt" quá, không ngờ lại vướng "ca" này! Bây giờ thì khỏi nói, mấy bữa nữa lành lặn đâu vô đó thì thật lý tưởng. Tôi dám ghen với bạn lắm. Bạn ráng chờ ít ngày sẽ thấy công trình của tôi... ngon lành tới cỡ nào!"

Jules cười hà hà, bốc ông bạn một phát:

- Cái đó khỏi nói... Tôi phục lăn nghệ thuật "cắt may" của bạn. Tuyệt diệu.

- Thì đại để nó cũng tuyệt như nghề "phá" của bạn vậy mà? Phải chi cái xã hội này biết điều hơn, thực tế hơn thì những tài-năng lớn như bạn và tôi đâu có phải làm những thứ hạng bét này? Tụi mình có quyền làm những cú hách hơn nhiều, để những đồ ấm ớ này cho bọn cù lần! Mà xin nói để bạn hay trước là tuần tới tôi sẽ gởi tới bạn, nhờ bạn lo dùm một thân chủ rất dễ thương. Quái lạ hình như mấy em rất dễ thương rất đàng hoàng lại hay "lâm nạn" mới kỳ cục chớ! Vậy thì giữa 2 đứa chúng ta kể như huề, phải không?

- Còn phải hỏi? Bữa nào đích thân bạn xuống chơi Las Vegas cam đoan bạn sẽ được chiếu cố.

- À, cái vụ cờ bạc thì khỏi đi! Ngay ở đây, làm công việc này tôi cũng đã phải vật nhau với thời vận hàng ngày... đâu cần bàn già-dách hay mâm ru-lết của bạn. Vậy chưa đủ điên đầu sao? Tôi sợ bạn cứ ở miết mấy cái sòng dưới đó là ít năm nữa bạn quên cha nó nghề giải phẫu là chôn cuộc đời nghe bạn?

Hai đứa bắt tay từ giã. Jules không thể không suy nghĩ lời tâm tình của ông bạn Kellner. Hắn đâu có trách móc, sửa lưng. Chỉ nhẹ nhàng đề cao cảnh giác, cho biết trước... nhân danh tình bạn vậy thôi! Nhưng đối với Jules đó là những nhát búa bổ. Hắn buồn thực tình. Phải đi nhậu một mách cho vơi bớt, cho quên hết sự đời. Bề nào Lucy cũng còn phải nằm phòng hồi sinh cỡ 12 giờ nữa mới tỉnh. Biết làm gì ở Los Angeles cho đỡ buồn, ngoài vụ đi một vòng cácbar , uống một chầu đã đời?

Mà xét ra cũng nên tự thưởng cho mình một chầu linh đình. Vụ "may cắt" cho em Lucy vậy là hoàn hảo quá mức dự tưởng rồi còn gì? Phải ăn mừng mới được.

Sáng hôm sau tới bệnh viện thăm Lucy, hắn kinh ngạc thấy phòng bệnh đầy những hoa. Có 2 gã đàn ông trong phòng mà Lucy đã ngồi hẳn lên, lưng dựa gối coi bộ tỉnh táo hân hoan quá! Coi, nàng nhiều lần căn dặn mọi liên hệ gia đình đều cắt hết, chỉ lỡ có mệnh hệ nào mới được phép thông báo kia mà? Chỉ một mình thằng Fred biết Lucy nằm nhà thương để giải phẫu một vụ gì đó không quan hệ mấy. Phải cho nó biết thì hai đứa mới nghỉ phép được ít hôm chớ? Fred còn nói bao nhiêu chi phí bệnh viện của Lucy đều do lữ quán đài thọ hết. Hai thằng nào kia?

Khi Lucy tươi cười giới thiệu thì Jules nhận ra ngay một gã. Đại tài tử Johnny Fontane! Cùng đi với hắn còn một thằng cũng gốc Ý tên Nino Valenti, người đô con, vạm vỡ hơn nhiều. Cả hai đứa cùng đưa tay ra bắt tay Jules một phát rồi lờ tuốt, coi như không có mặt hắn ở đấy để quay sang Lucy đấu hót lia lịa những chuyện gì đâu, những chuyện từ hồi còn nhỏ ở tuốt Nữu-Ước lận. Tụi nó ào ào cà rỡn Jules có biết gì đâu mà xía vô? Hắn đành phải dặn Lucy: "Cô nằm đây nghe? Để tôi qua bác sĩ Kellner một chút."

Johnny Fontane vội quay sang hắn: "Coi, người anh em đi đâu được? Tụi tôi đi. Người anh em phải ở lại đây săn sóc cho Lucy chớ? Lo dùm nàng chút coi, ông thầy!"

Johnny phát ngôn có vậy mà đôi tai nghề nghiệp của Jules Segal đã nhận ra giọng hắn có một cái gì khác lạ. Nó ồ ề và khàn khàn rất khác thường. Chừng đó Jules mới nhớ ra ca sĩ Johnny Fontane cả năm nay đâu có ca hát nữa, cáiOscar vừa rồi là do diễn xuất mà có. Không lẽ tới ngần này tuổi hắn mới đổi giọng và sự lạ lùng đó được giữ bí mật, nhất định không thể cho ai biết? Ngay bọn phóng viên kịch trường các báo cũng có hay gì đâu?

Jules lắng tai nghe ba đứa nói chuyện tầm phào chỉ cốt để định bệnh giọng Johnny. Có thể hắn mất giọng vì sống bừa bãi, truỵ lạc. Thuốc lá, rượu, đàn bà... thứ nào cũng có thể lắm. Nhất định rồi, giọng này mà ca lên bây giờ thì... vịt đực chắc chớ dịu dàng, ngọt ngào thế quái nào được?

Jules không thể nhịn được. Phải cất tiếng hỏi:

- Anh bạn... cảm cúm hả?

- Đâu có? Mệt mỏi quá đó thôi. Tối qua ráng ca quá mức, tôi không chịu tin là mình già nên mất giọng... Nhưng đó là sự thực.

- Vậy hả, sao bạn không đi bác sĩ thử coi? Có thể điều trị được lắm chớ?

Vẻ duyên dáng, lịch sự của Johnny Fontane vụt biến đâu mất. Hắn ngó Jules một cách khó chịu:

- Cái vụ đi bác-sĩ đó... hai năm trước tôi đã thử rồi. Toàn những chuyên viên có cỡ cả! Ngay thằng cha bác-sĩ chữa năm chữa tháng cho tôi nghe đâu cũng lành nghề, nổi tiếng số 1 tiểu bang California này. Hắn cũng bắt nghỉ ngơi.Và kết luận rằng ai cũng vậy, đến một tuổi nào đó thì giọng phải như thế đó. Chẳng có cách nào sửa.

Nói với hắn có bấy nhiêu đó Johnny quay sang bắt chuyện với em bé Lucy. Nịnh đầm nổi tiếng mà? Đàn bà con gái mê hắn cũng chỉ vì bấy nhiêu đó. Nhưng Jules có ý định rồi. Hắn không lấy làm mất mặt mà cứ lắng tai nghe. Coi, đúng là có một cái gì đó, một cái gì dư ra ở mấy sợi dây thanh quản của hắn. Không nhầm lẫn vào đâu được! Có vậy mà mấy cha chuyên viên đệ nhất hạng sao không mò ra? Nó rõ ràng đến thế mà? Hay là vì một nguyên do nào đó... không thể đụng tới mấy sợi dây phát âm thanh? Nếu vậy thì...

Đột nhiên Jules ngắt lời Johnny:

- Ê, lần cuối cùng bạn đi coi bịnh cỡ bao lâu nay?

Hắn thấy rõ sự bực bội của Johnny nhưng cũng thấy luôn vẻ gượng gạo... vì không muốn làm mất lòng người đẹp Lucy.

- Cỡ 18 tháng.

- Thế cái ông bác-sĩ riêng... thỉnh thoảng có coi lại cho bạn không?

- Dĩ nhiên có. Thì cũng lại cho tí thuốc xông... xịt vào họng.Codeine chẳng hạn. Và sau đó lại đổ tại tuổi tác, tại thuốc lá, tại rượu và tại nhiều thứ lẩm cẩm khác. Bộ anh thấy một cái gì mà anh cho là mấy người đó kiếm không ra... nghĩa là anh ngon hơn họ chắc?

Giọng hắn hằn học rõ, nhưng Jules tỉnh bơ:

- Xin cho biết... ông bác-sĩ nào?

- Tucker... James Tucker thì chắc anh bạn có nghe danh, phải không? Theo anh bác-sĩ James Tucker thế nào?

Cái tên Tucker thì còn ai không biết? Cả Hollywood chịu ông bác-sĩ này quá xá cỡ, nhất là những em đào. Còn là xếp sòng cả một bệnh viện tư chém rất nặng. Vì biết ổng quá nên Jules cười hà hà:

- Biết chớ?... Bố gà mờ ấy chém dễ nể lắm!

Đến đây thì Johnny nổi sùng. Hắn không nhịn nữa mà gân cổ lên hỏi móc: "Bộ anh... bảnh hơn Tucker chắc?" Jules vẫn cười hà hà:

- Ô hay... sao lại so sánh vậy? Bộ anh ca ngon hơn Carmen Lombardo hả?

Jules chợt giật mình vì khi không thằng Nino Valenti phát cười hô hố, cười gập đôi người, cười suýt giộng đầu vô thành ghế!

Đâu có gì đáng cười dữ vậy? Đúng thế, nếu cả hai thằng cùng không sặc sụa mùi huýt-ky. Mà cái thằng tên Nino, nó làm cái thá gì mà mới sáng bảnh mắt ra đã say muốn té gục bất cứ lúc nào vậy kìa?

Johnny quay sang Nino: "Ê, mày cười là vì tao giễu hay quá... chớ đâu phải vì thằng cha này, phải không?"

Lucy nhẹ nhàng vươn tay kéo Jules ngồi xuống, ngồi sát bên cạnh nàng và nửa đùa nửa thực vuốt một câu:

-Thằng cha này coi vậy mà giải phẫu ngon số 1 nghe? Nếu hắn biểu Tucker gà mờ thì nhất định là Tucker không thể không gà mờ. Tin tôi đi, mấy bồ! Johnny anh phải nghe lời Jules...

Cô y-tá bước vô, yêu cầu ra hết để ông thầy vô làm thuốc cho bệnh nhân. Không ai có quyền ở lại hết. Vậy là bắt buộc phải có mục từ biệt. Johnny và Nino cùng áp lại hôn em bé Lucy nhưng Jules lấy làm khoái chí thấy hai đàn anh tính hôn môi nhưng em bé né rất lẹ, chỉ chịu chìa má ra. Nhưng với anh Jules thì nhất định phải là môi và còn ghé tai thì thầm: "Chiều nay nhớ lại nghe?"

Ba thằng bước ra tới hành lang Nino mới lên tiếng hỏi Jules:

- Này Lucy làm sao mà phải mổ nhỉ? Mà mổ cái gì... có nguy hiểm không?

- Đại để vụ "may vá" của đàn bà... có quái gì đâu? Hoàn toàn vô hại, tôi cam đoan vậy đó. Bề nào tôi cũng còn lo hơn mấy anh bạn nhiều... vì bọn này sắp lấy nhau.

Hai đứa cùng ngó hắn gật gù, ra vẻ khoái lắm.

- Nhưng sao hai bạn biết Lucy vô bệnh viện?

- Thì thằng Fred phôn cho bọn này biểu vô mà? Tụi này chơi với nhau từ hồi nhỏ. Bữa đám cưới Connie... Lucy làm phù dâu mà? Vụ tụi nó thân thiết với nhau tới cỡ nào thì Jules dư biết nhưng làm bộ lờ đi. Cả hai thằng cùng quê một cục... Sợ hắn biết vụ "móc nối" giữa Lucy và Sonny nên cứ nhấm nháy nhau hoài. Jules quay sang Johnny:

- Bệnh viện này là chỗ quen biết, tôi có thể mượn đồ nghề được. Sao bạn không để tôi coi thử chỗ cổ họng?

- Tôi mắc bận quá!

- Coi, cổ họng thằng Johnny là cổ họng cả triệu đô-la. Đời nào nó dám cho mấy anh bác-sĩ hạng bét mó vô mà bạn đề nghị mất công!

Nino Valenti ngoạc miệng ra cười, nhìn Jules nháy nhó. Biết ngay người nó định chọc quê là ông bạn Johnny nên Jules cười hề hề cãi lại:

- Sức mấy tôi bác-sĩ rẻ tiền, hạng bét? Một trong những tay dao kéo cừ khôi, chẩn bệnh hách nhất Nữu-Ước một thời nghe các bạn? Có điều tôi bị tụi nó vồ, dính vào cái án phá thai!

Quả nhiên đúng như Jules dự tính, sự xác nhận "chuyên viên phá thai" không những đã không có gì đáng mắc cỡ mà còn làm cho Nino và Johnny phục lăn là khác! Muốn được chức chuyên viên ấy đâu phải dễ... mà có phải thằng nào cũng đủ can đảm vỗ ngực nhìn nhận vậy? Nó phải ngon thế nào mới dám chớ?

Nino bầy tỏ sự ngưỡng mộ trước bằng một sự nhờ vả:

- Xin cho bạn hay là nếu thằng Johnny không thèm xài bạn thì tôi... tôi có lời năn nỉ bạn coi gấp dùm con bồ. Dĩ nhiên không phải khám cổ họng nghe cha?

Lúc bấy giờ Johnny mới ra tiếng:

- Nếu nhờ bạn coi... thì cỡ bao lâu?

Nghe hắn nói "chỉ 10 phút" Johnny OK liền. Đó là một sự nói dóc nhưng Jules thấy cần nghệ thuật dóc láo ghê gớm. Nói thật là một chuyện và nghề thuốc lại là một chuyện khác hẳn. Không thể đi đôi với nhau được, trừ trường hợp "hết thuốc chữa"! Ngay Johnny còn lo ngại, phát âm có tiếng OK mà giọng nó còn khào khào, tệ hơn lúc nãy nhiều mà?

Jules bèn mượn ban giám đốc y viện một phòng khám bệnh và một cô y tá. Dụng cụ làm gì ra đủ nhưng hắn chẳng cần hơn. Chưa đầy 10 phút sau hắn đã khám ra và biết chắc có một chỗ thịt mọc dư trên thanh quản. Nó nằm chình ình thế kia thì dễ thấy và dễ chữa quá mà? Dù có bịp bợm láo đến đâu thì ông thầy thuốc lớn của cả một xã hội bịp bợm Hollywood đã ngó vô là nhất định phải thấy. Tại sao không kìa? Hay ở một xã hội Hollywood nhố nhăng, cái gì cũng có thể giả, có thể bịp được hết thì cái bằng bác sĩ y khoa của bố Tucker dám "của giả" lắm? Mà dù lão có bằng thật thì điệu này cũng phải rút lại mảnh bằng gấp!

Nghĩ vậy Jules lẳng lặng không nói. Hắn kêu điện thoại mời gấp vị đồng nghiệp chuyên về cổ họng thường trú của bệnh viện này xuống rồi quay sang biểu Nino: "Cái vụ này sợ hơi lâu đấy. Bạn ở đây cóc ích lợi gì, nên đi chỗ khác chơi đi".

Vừa nghe vậy Johnny hét ầm lên: "Vậy là cái gì? Mày... mày tính bắt tao ở lại đây? Tao ở lại cho mày giỡn chơi với cái cổ họng của tao hả?"

Phải chi lúc nào khác thì Jules đã nổi sùng, nhưng không hiểu sao hắn vẫn nán được mà chỉ nói đốp vào mặt thằng Jules lúc bây giờ đang ngơ ngẩn xuất thần:

- Mày muốn đi hay muốn ở là tuỳ, ai giữ kìa? Mày có một khúc thịt dư ngay trên thanh quản, ở chỗ cổ họng mày. Mày ở lại vài giờ thì tụi tao có thể cột nó y chỗ cho mày, chết sống gì cũng cột được. Rồi mới tính giải phẫu cắt bỏ... hoặc dùng thuốc cho nó tiêu đi. Nếu cần, tao có thể kêu ngay đêm nay một tay chuyên viên nhất nước về cổ họng bay tới chữa cho mày gấp, dĩ nhiên bao nhiêu phí tổ mày ráng chịu. Hoặc mày đi ngay bây giờ, đi ăn nhậu đã đời với thằng này cho đến lúc mày thấy cần phải đi bác-sĩ đến một thằng cha dấm dớ nào đó. Nếu nó làm độc, sưng lên thì chỉ có hai đường. Một là cúp luôn thanh quản, hai là chờ chết. Hoặc mày cứ để mặc nó đấy, khỏi lo! Nhưng nếu muốn chữa dứt thì ở lại vài giờ coi? Mắc bận thì cứ việc đi!

Nino bèn có ý kiến:

- Thôi, nó nói vậy thì ở lại đi mày. Thây kệ tụi nó ở phim trường, mình cứ ở lại. Để tao phôn về cho tụi nói khỏi đợi là xong chớ gì? Tao ở lại với mày.

Nói vài giờ nhưng phải hết cả một buổi chiều mới xong. Kết quả tốt. Chuyên viên của y-viện định bệnh đã rõ mà Jules còn tận mắt coi từng miếng phim chụp, từng mẫu thử đờm rãi. Nửa chừng Johnny đầy mồm thuốc đỏ đã tính móc tuốt những bông gòn, băng thuốc nhét trong miệng ra, dợm đứng dậy. Thằng Nino đứng hờm một bên ấn nó xuống, bắt ngồi y nguyên. Sau khi xong hết, Jules cười hà hà: "Mụn cóc" Johnny không nói không rằng, hắn phải nhắc lại:

- Thì ra chỉ vì mấy cái mụn cóc. Tụi tao phải lạng ra bằng hết, không để sót một mụn nào. Vài tháng nữa mày khỏi hoàn toàn.

Nino đã cất tiếng hoan hô nhưng mặt Johnny nhăn nhó:

- Nhưng sau đó có hát được không đã? Giọng ca có bị ảnh hưởng gì không?

- Chẳng ai dám bảo đảm! Hơi đâu mày phải lo... vì bây giờ mày cũng có hát được đâu?

- Coi, mày nói vậy mà nghe được hảcon nít ? Mới đầu mày làm bảnh, chữa là khỏi liền mà bây giờ thì... hát được hay không không bảo đảm. Mày nói thực đi tao dám mất giọng luôn phải không?

Cái thằng vô lý... chịu không nổi. Jules bực quá rồi. Mình tận lực làm cho nó. Lại khoái chí vì thực sự giúp được cho nó một việc đích đáng mà nó làm như hại nó không bằng! Nghiêm sắc mặt, Jules lạnh lùng thốt:

- Johnny Fontane, ông bạn nên nhớ thằng này là y khoa bác-sĩ thứ thiệt chớ không phảicon nít nghe? Nó là đại ân nhân của ông bạn đó. Đưa ông bạn xuống đây là tôi đã biết chỗ thịt dư đó có thể sưng lên bất cứ lúc nào và giọng ca chắc chắn sẽ bị đứt. Mà sinh mạng ông bạn cũng dám đi luôn... tôi đã ngại phải nói thẳng là ông bạn kể như một thằng chết rồi! Vì vậy tôi mới lấy làm mừng vì cắt ra được và đó chỉ là mấy mụn cóc trên thanh quản. Tôi vui mừng thực tình vì giọng ca ngày nào của ông bạn là cả một nguồn sung sướng đối với tôi. Chính nó đã giúp tôi tán được rất nhiều em hồi tôi mới lớn, hồi ông bạn còn là nghệ sĩ. Nhưng ông bạn là một thứ nghệ sĩ hư hỏng. Bộ Johnny Fontane mà không lăn cổ ra chết vì ung thư? Một mụn độc trong óc... hay tim ngừng đập không mất mạng? Bộ ông bất tử chắc? Dễ quá mà, đồng ý là giọng ca vàng có quyến rũ thật... nhưng ông ca sĩ Johnny Fontane vẫn dám lăn cổ ra như thường chỉ vì mấy cái mụn cóc vô nghĩa đó, nếu không có thằng này lấy ra!

Bây giờ chỉ xin ông im miệng dùm và làm những gì cần phải làm. Còn ông bác-sĩ danh tiếng riêng của ông nếu lão giới thiệu một nhà giải phẫu nào khác thì OK... nhưng nếu lão định tự tay làm lấy thì nên còng đầu nó gấp vì tội mưu toan sát nhân, ông nhớ vậy!

Chửi xong một mách, Jules định quay đi thì thằng Nino Valenti la lớn: "Hoan hô bác-sĩ!... Với thằng này thì phải chửi vậy nó mới thấm!"

Quay sang hắn, Jules hỏi: "Còn ông bạn nữa... Ông bạn sáng ra nhậu say đã đời là thường lắm phải không?"

Nino cười hề hề: "Cái đó chắc." Ánh mắt nó nhìn quả thực có một vẻ thân thiện, bồ bịch nên định nói nặng mà Jules không nỡ, chỉ buông gọn một câu: "Tiếp tục nhậu cách đó thì chỉ sống được 5 năm nữa đừng lấy làm lạ nghe."

Hứng chí quá, Nino Valenti la "Thế hả?" rồi biểu diễn mấy bước khiêu vũ. Nó làm điệu bộ đưa tay ra tà tà bước tới bên Jules rồi thình lình ôm cứng lấy ông bác-sĩ hét toáng lên, giọng nồng nặc huýt-ky. Nó cười sằng sặc hỏi gặng như muốn quát lớn:

- 5 năm?Còn tới những 5 năm kia hả, thực không?

oOo

Đúng một tháng sau khi giải phẫu, Lucy Mancini ngồi bên hồ tắm của lữ quán, một tay nâng ly cốc-tay một tay ve vuốt mái tóc người yêu đang gối đầu lên đùi nàng. Hắn giễu:

- Tính mượn rượu trợ hứng hả? Khỏi cần cô em! Trong phòng đã sẵn chai sâm-banh ướp lạnh.

- Ủa, thực vậy hả? Mà anh có chắc bữa nay... đâu vào đấy chưa?

- Yên chí đi, bác-sĩ biểu mà. Đêm hôm nay phải biết là ngàn vàng! Em biết không, anh sẽ là vị giải phẫu sư đầu tiên trong lịch sử được quyền đích thân thí nghiệm công trình độc đáo của mình. Coi,trước vàsau... nó như thế nào, nó khác những gì... thì đáng viết ra cho đời thưởng thức quá! Này nhé anh sẽ viết... "thời kỳtiền giải phẫu sự hứng thú rõ ràng bắt nguồn từ yếu tố tâm lý và một phần cũng nhờ tài nghệ điêu luyện của nhà y-sĩ kiêm huấn luyện viên. Nhưng thời kỳhậu giải phẫu, thì phải nói rằng cả một sự tuyệt tác xét vì..."

Bác sĩ Jules Segal không thể xét vì yếu tố nào được... xét vì bệnh nhân Lucy đang âu yếm vuốt ve mái tóc bỗng mạnh tay xoắn cho một cú đích đáng quá, đau điếng người. Bệnh nhân còn ngó xuống doạ:

- Nếu tối nay không thấy gì... hết trách ai được nghe?

- Không thể có vụ đó! Người ta làm ăn đảm bảo mà? Phải nhờ mấy ngóng tay thằng Kellner thật nhưng người ta đã sắp đặt đàng hoàng, đâu vô đó hết rồi. "Không thấy gì" thế nào được? Thấy gì lát nữa sẽ biết bây giờ lo nghỉ ngơi trước đi...

Lúc hai đứa trở lên phòng - dĩ nhiên là phòng chung - Lucy vô cùng ngạc nhiên khi thấy bàn ăn dọn sẵn, bên cạnh ly sâm-banh của nàng có một chiếc hộp tuyệt đẹp, bên trong là chiếc nhẫn đính hôn có gắn hột xoàn khá bự. Jules hý hửng đưa tay chỉ:

- Coi đây... Cứ coi bấy nhiêu có đủ biết người ta chắc ăn tới cỡ nào! Bây giờ anh phải thử coi em có đáng hưởng hay không... đó mới là vấn đề.

Ôi, còn ai dịu dàng, tưng tiu cho bằng Jules cái đêm hôm ấy! Mới đầu Lucy còn hơi khớp chút đỉnh nhưng tay hắn ve vuốt nhột quá đi. Nhột muốn nhảy dựng lên được. Tự nhiên nàng có cảm giác được bốc từ từ lên một cao điểm chưa hề tới bao giờ, bên tay vẫn nghe tiếng Jules thủ thỉ: "Thấy chưa anh bảo đảm là tốt mà?"

Lucy không thể không ghì chặt lấy hắn...

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 23

Năm tháng trời lánh nạn ởSicilyđã mở mắt Michael Corleone nhiều. Nó đã hiểu ông bố và nghiệp dĩ của ổng. Nó đã hiểu những nhân vật như Luca Brasi, Clemenza... cũng như tại sao bà già chịu khuất tất âm thầm chấp nhận hoàn cảnh. Nếu họ không phải là những týp người dám cưỡng lại số phận thì ngày giờ này họ đâu được như vậy? Michael cũng đã hiểu tại sao bố hay nói "Mỗi người mỗi phần số" cũng như tại sao dân không đi với nhà nước, không tuân theo công quyền và không dám vi phậm luậtomerta.

Xuống cảngPalermo, Michael mặc bộ đồ dơ đội nón rách được người đưa tuốt vô một vùng ảnh hưởng Mafia còn nặng và ông thủ lãnh tứccapomafioso vốn chịu ơn nặng củaBố-Già. Làng Corleone cũng nằm trong tỉnh này nhưng bà con dòng họ nhà nó đâu còn ai? Mấy bà cô bà bác tuổi già đã qua chơi thế giới bên kia còn các ông chú ông bác nếu không chết vì báo thù rửa hận cũng đi phương khác lập nghiệp từ lâu. Xa thì Mỹ, Ba-Tây, gần thì mấy tỉnh trong nội địa. Cái làng Corleone tí xíu, hẻo lánh ai ngờ vô địch thế giới về khoản giết người!

Michael được đưa vô nương náu ngay nhà ông chú ruột của thủ lãnh Tommasino, một ông già độc thân tuổi ngoài 70, vị y-sĩ độc nhất trong quận.Ông Trùm Tommasino ngoài 50 tuổi trên thực tế lãnh chânGabbelletto nghĩa là cai quản một sở đất mênh mông cho một dòng họ quý phái bậc nhất Sicily. Làmgabbelletto ăn lương nhà giàu hẳn phải có bổn phân bênh vực quyền lợi chủ nhân, cấm không cho bọn khố rách đụng chạm đến một mảnh đất, dù là lẻn vô săn thú trộm hay cắm dùi ẩu. Nông dân đòi hỏi tranh chấp với chủ nhân - dù chính đáng hay không chính đáng, như đòi được quyền mua đất bỏ hoang chẳng hạn - đã có ông quản gia thay mặt đứng ra "thu xếp" bằng mấy lời đe doạ, bằng tay chân hay bằng súng, bằng dao!

Ông TrùmTommasino còn thừa hưởng độc quyền đổi nước trong vùng, những giếng nước ngọt có từ cả trăm năm nay nhưng dân nghèo muốn mua phải bỏ tiền răng rắc. Để bảo vệ quyền đổi nước, Tommasino còn dám phá không cho nhà nước đắp thêm đập. Nhiều đập nông dân sẵn nước ngọt xài thìÔng Trùm còn đổi nước cho ai?

Tuy nhiên phải nhìn nhận Tommasino thuộc phái cổ, không dây dưa tới ma-tuý hoặc buôn người. Do đó mới có những chuyện hục hặc với đám đàn em mới nổi lên ở Palermo, những thằng chịu ảnh hưởng nặng đám "găng-tơ" dữ dằn vừa bị Mỹ trục xuất về, dám làm bất cứ việc gì nếu có tiền.

Đúng truyền thống bụng bự của nhữngÔng Trùm,capomafioso Tommasino người cao lớn dềnh dành, có bụng và có uy, nghĩa là nắm vững đám thủ hạ dưới quyền. Có lão bảo vệ là Michael khỏi sợ ai đụng chạm đến nhưng nó chỉ ở trong nhà bác sĩ Taza, không ló mặt ra ngoài.

Ông cụ Taza cao đến thước tám, gò má xương xương tóc bạc phơ... nhưng hãy còn gân chán. Tuần nào cụ bác-sĩ chẳng phải mò ra Palermo một lần để vui vẻ với các chị em ta? Ông cụ này có tật mê sách, sách quái gì cũng đọc và lâu lâu mang ra kể cho đám thân chủ thất học nghe chơi. Mấy thằng nông dân có biết đến mặt chữ là gì nên sách là đồ bỏ và ông thầy Taza nhất định là một anh cuồng chữ!

Michael khoái những buổi tối ngồi ngoài vườn nghe chú cháu ông chủ kể chuyện đời xưa. Khu vườn rộng mênh mông, chỗ nào cũng có tượng đá, làm như đất Sicily này người ta trồng cho tượng đá mọc lên như trồng nho vậy. Ông cụ khoái kể chuyện Mafia ngày xưa với những chiến công lừng danh từ mấy thế kỷ trước khiến nhiều khi ông cháu cũng hứng chí khoe thành tích hào hùng mới dạo nào. Rượu ngon uống mềm môi, khung cảnh thơ mộng và hương đêm ngây ngất.

Qua chú cháu nhà này Michael như được dẫn dắt vào thế giới Mafia. Một huyền thoại và một thực tế rành rành.

Mafianghĩa đen chỉ là nơi trú ẩn. Sau mới thành tên một hội kín bành trướng mạnh kêu gọi toàn dân đứng lên chống lại bọn thống trị mấy thế kỷ liền đè đầu cưỡi cổ dân Sicily. Suốt trong lịch sử loài người có vùng đất nào bị đô hộ tàn bạo bằng hòn đảo này? Khố rách cũng khổ mà có tiền của đất đai cũng không hơn! Sau này dân Sicily bị hết bọn đại điền chủ quý tộc bóc lột đến cấp lãnh đạo tôn giáo đè đầu cất không nổi. Để nắm đầu bọn nông dân, mục tử giới thống trị phải có cả một bộ máy Cảnh sát sẵn sàng thẳng tay đàn áp khủng bố. Dân Sicily căm thù lính đến đó... muốn mạt sát thật thậm tệ chỉ việc chửi "Mày là cớm" là mất mặt ghê gớm.

Vì bọn thống trị quá tàn bạo lại có uy quyền tuyệt đối nên dân Sicily dần dà có căm thù uất hận đến xương tuỷ cũng bảo nhau cố nén xuống, tập nhịn nhục cho quen. Bộc lộ làm gì để mất mạng? Lo giữ gìn đến nỗi không dám cất tiếng đe doạ một ai kia mà? Nhà nước, công quyền là kẻ thù nên có việc tranh chấp cần giải quyết với nhau họ đến nhờ hội kín Mafia.

Tổ chức Mafia củng cố uy quyền bằng luậtomerta nghĩa là làm thinh, câm nín. Dân quê Sicily kín miệng đến nỗi người lạ hỏi đường cũng làm thinh. Trong nội bộ Mafia có tội nào đánh chết bằng tội mật báo Cảnh sát? Dù chỉ đi thưa lính, tố cáo một thằng vừa giết hụt mình hay vừa đánh đập mình có thương tích. Sau cùng luậtomerta trở thành một đạo sống của mọi giới. Chồng con bị giết con gái bị hãm hiếp, người đàn bà chính gốc Sicily chẳng bao giờ đi thưa lính, nhờ nhà nước giải quyết.

Vì nhà nước không có quyền đó. Phải là Mafia! Mãi sau này Mafia vẫn hành xử quyền đó, tới một mức độ nào. Ở địa hạt xã hội thì mỗi khi hoạn nạn người dân địa phương vẫn tìm đếnÔng Trùm, đói khổ hay thất nghiệp cũng chạy tớiÔng Trùm nhờ vả.

Nhưng còn một sự thực mà vị y-sĩ già Taza không nói ra. Michael phải tự tìm hiểu một mình là tổ chức Mafia còn là công cụ bất hợp pháp của bọn có tiền, tay sai cho quyền thế. Nó là cả một cơ cấu sa đoạ, một tập thể chống cộng sản, đi ngược lại tự do mà cũng là một bộ máy bóc lột tiền của tất cả nhưng cơ sở nào làm ra tiền.

Mãi đến lúc ấy Michael mới hiểu ra tại sao những con người như bố nó thà đi ăn cướp giết người còn hơn làm một thằng dân lương thiện. Con người có đầu óc nhất định không thể chấp nhận nổi sự nghèo đói, sợ sệt, nhục nhã của một thằng dân lành Sicily? Nó cùng mạt kinh khủng.

Có lần bác-sĩ Taza đề nghị đưa Michael lên Palermo vô thăm một động chơi cho biết nhưng nó buộc lòng phải từ chối. Du dương làm sao nổi khi gò má bên trái còn in hằn kỷ niệm cú đâm Mc Closkey. Mãi lo lánh nạn cấp tốc vết thương chỉ băng bó sơ sài chớ đã kịp chữa chạy gì đâu? Chỗ xương nhỏ bể vụn cũng lành nhưng đâu chịu nằm đúng khớp... nên Michael bị lệch hẳn gò má trái. Nó gồ ghề, nó vẹo sang một bên nên nhìn ngay mặt còn đỡ chớ nhìn từ phía trái qua thì bẩn quá. Xưa nay Michael vẫn có mặc cảm xí trai nên bị chỗ gò má này càng lấy làm đau khổ nữa.

Sự thực chỗ gò má nhức đi nhức lại hoài. Mỗi lần nó hành thì xin bác-sĩ Taza vài viên thuốc uống là hết nhưng chỉ ít hôm sau lại tái diễn. Ông cụ y-sĩ nhà từng đề nghị "Để tao lo một lần một cho" nhưng sức mấy nó dám? Dù mới gần gũi ít ngày Michael cũng biết cả xứ Sicily này có lẽ kiếm không thể ra một thầy thuốc tồi như ông nội này! Nó để ý thấy cuốn sách nào cụ Taza cũng vồ lấy đọc bằng thích,trừ sách thuốc . Dám không hiểu nó nói cái gì lắm! Mà thực tế, chính miệng cụ y-sĩ nhìn nhận vậy!

Hồi đó thì ra cũng làm sinh viên Đại học y khoa Palermo ít lâu, nhưng bữa thi ra trường cậu Taza được một taycapomafioso bảnh nhất Sicily có lời gởi gấm với ban Giám khảo nên làm gì không đậu? Huống hồ người còn hạ cố đến tận Hội-đồng thi để thảo luận cùng với quý vị giáo sư giám khảo về vụ "nên cho thằng này bao nhiêu điểm"! Nội cái bằng y khoa bác-sĩ của cụ Taza cũng nói lên đầy đủ sự nhũng nhiễu của Mafia đối với xã hội lương thiện. Bằng cấp như vậy đó nên ở xã hội Sicily tài nghệ, đạo đức, siêng năng đâu có đất đứng? Mấy thứ đó mà làm quái gì... làm sao mạnh bằng một tiếng nói của 1 bốcapomafioso ? Ở SicilyBố-Già cho nghề gì là có quyền làm nghề đó.

Những ngày tháng ở Sicily, Michael thiếu gì thời giờ, cơ hội nghiền ngẫm sự đời? Ban ngày tha hồ đi về miền quê chơi, đi đâu cũng kè kè hai gã chăn cừu, người của Tommasino hộ vệ. Đặc biệt ở đảo này mấy ông mục đồng ngoài vụ chăn bò chăn cừu, ưa lãnh thêm công tác phụ trội để kiếm tý tiền lẻ, mà công tác hấp dẫn nhất là giết mướn. Thủ lãnh biểu hạ thằng nào là làm thằng ấy không ngần ngại.

Michael không thể không nghĩ tới tổ chức của bố ở bên Mỹ. Nếu tiếp tục có điều kiện phát triển, ắt nó sẽ như thế này và xã hội cũng sẽ bị nhũng nhiễu tới ung thối in hệt. Sự thực thê thảm là Sicily đâu còn là đất của người sống? Bao nhiêu trai trẻ phải bỏ xứ tha phương cầu thực, chỉ cầu một chỗ dung thân. Còn ở lại mà muốn hưởng chút tự do, muốn bảo vệ nồi cơm chắc chắn sẽ ra ma!

Cảnh tượng lạ nhất đập vào mắt Michael là xứ sở này đẹp quá, đẹp tuyệt vời. Bao nhiêu lần nó mải miết đi ngang những rừng cam tợp bóng mát, mát lạnh như đi dưới lòng hang, bắt gặp những miệng giếng có từ trước ngày Chúa ra đời, nước phun ra từ những tảng đá khổng lồ tạc hình đầu rắn. Có những toà nhà mặt tiền khổng lồ toàn đá cẩm thạch, nhưng gian đại sảnh với hàng cột cao ngất, đúng kiểu lâu đài La-Mã nhưng bây giờ để hoang phế, cho đàn cừu lạc bầy có chỗ núp. Xa xa đứng sừng sững những toà nhà đá chiếu lóng lánh in hệt những tảng đá sạch bóng chồng chất lên nhau. Để tô điểm thêm cho khung cảnh là những mảnh vườn, những thửa ruộng xanh ngắt đúng là những viên ngọc bích. Một đôi khi vui chân Michael cũng đi tuốt tới Corleone, quê cha đất tổ của nó ngày giờ này là một thị trấn 18 ngàn dân nhà cửa toàn bằng đá núi, từng khối đá đen xì lấy ở rặng núi gần đó về. Mới năm trước, Corleone có tới trên 60 án mạng nên không khí phảng phất mùi chết chóc. Cánh rừng Ficazza kế bên càng làm nổi bật vẻ dữ dằn.

Công tác là đi hộ vệ Michael nên hai gã chăn cừu lúc nào cũng lủng lẳng khẩulupara , đồ nghề đặc biệt của Mafia. Hồi Mussolini quyết tận diệt Mafia, ông Tổng giám đốc Công An đã đặc biệt chú ý đến thứ súng thô sơ này nên nhật lệnh số 1 của ông Tổng là dân đảo phải triệt hạ bằng hết những vách tường đá núi, không được quyền cao quá 90 phân để mấy thằngmafioso hết chỗ núp an toàn phục kích bằnglupara . Sau đó mới đến biện pháp cho đi đày tập thể.

Năm quân Đồng Minh đổ bộ lên Sicily, mấy ông tướng lãnh Mỹ cho là những tay từng bị chế độ phát xít hạ ngục, đày ải hẳn phải là anh hùng dân chủ nên thiếu gì những ôngmafioso đang ở trại lao công cưỡng bách được móc ra, chỉ định làm xã trưởng, quận trưởng, thị trưởng hoặc ít ra cũng làm thông ngôn cho quân lực Mỹ? Dịp may muôn thuở đó Mafia dựng lại cơ đồ và sống lại lợi hại hơn bao giờ hết!

Nhờ ngày đi chơi nhiều, đem nào cũng nhậu một chai rượu chát kèm một dĩa bự thịt hầm bột chiên nên Michael ngủ rất ngon. Tủ sách của bác-sĩ Taza rất nhiều sách tiếng Ý nhưng nó đọc rất mệt, dù Michael nói rành và từng theocua tiếng Ý ở trường. Tuy nhiên nói rành đến đâu cũng chẳng thể lộn xòng làm địa phương. Giả làm dân Ý mấy tỉnh phía Bắc còn tin được. Phải nói là nhìn khuôn mặt méo xẹo một bên mà Michael còn hy vọng trà trộn. Dân Sicily thiếu gì đứa mang thương tật chỉ vì không được điều trị chu đáo? Tiền đâu ra mà chạy chữa, đành chịu mang tật suốt đời là thường.

Nhiều lần Michael nhớ đến Kay, nhớ từ khuôn mặt nụ cười đến thân hình và cảm thấy hơi bất nhẫn, đi biệt mà không hề có một lời từ giã. Có điều lạ là nó không hề cảm thấy lương tâm cắn rứt vì tự tay hạ sát hai mạng người. Sollozzo là người mưu sátÔng-Già , còn Mc Closkey thì đập nó tới mang thương tích.

Mỗi lần Michael hỏi xin mấy viên thuốc uống cho đỡ nhức là bác-sĩ Taza lại nhắc vụ sửa lại cái mặt méo. Càng về sau nó càng hành dữ, hành nhiều hơn. Theo ổng nó hành nhức là phải vì khoảng dưới mắt có một đường dây thần kinh chính của mặt chạy toả ra nhiều nơi. Dân Mafia chuyên môn tra tấn người không lạ gì đường dây này nên ưa lấy dùi nhọn rà rà trên gò má và trúng một phát là phải biết! Rất có thể đường dây của Michael đã bị hư hại hay bị một mảnh xương vụn ở gò má văng phải. Y viện Palermo dư sức mổ. Bác-sĩ Taza thắc mắc tại sao nó không chịu làm cho rồi thì Michael chỉ cười "Cứ để đó... giữ làm kỷ niệm". Nó có nhức nhối nhưng bất quá cũng chỉ như có một thứ mô-tơ gì quậy lùng bùng trong đầu làm khó chịu vậy thôi.

Sau 7 tháng "ăn không ngồi rồi", Michael bắt đầu chán ngán thực sự. Cũng thời gian đóÔng Trùm Tommasino bân đi luôn, ít khi có mặt ở nhà. Chẳng là mấy thằng mới lên hồi hậu chiến nhờ bắt nhiều ap-phe tái kiến thiết ở Palermo nên làm ăn lớn, tính nuốt luông "mấy anh già nhà quê" như Tommasino. Đương nhiên lão phải lo phòng vệ thủ thân, do đó Michael mất một ông bạn chuyện trò. Nghe mãi chuyện giẻ rách của bố già Taza đến phát điên được.

Một hôm buồn quá, Michael đi chơi xa, đi vô thăm vùng đồi núi phía bên kia Corleone. Dĩ nhiên phải có hai gã chăn cừu xách súng đi cùng, chẳng phải để đề phòng bọn đối thủ của cánh Corleone chơi lén mà thực sự người lạ mặt đi lạng quạng ở vùng này bị thịt dễ như chơi. Ngay dân địa phương xui xẻo cũng dám chết oan vì mấy ông cướp đường, mấy ông Mafia khác phe thanh toán nhau. Một mình Michael đi lang thang chắc sẽ bị coi như dân chuyên nghiệp đi mòpagliaio và vậy là khó sống!

Nghĩa đenpagliaio là một chòi tranh cất lên giữa đồng trống để con nhà nông có chỗ nương náu tạm hay cất đỡ dụng cụ, khỏi phải sáng vác đi tối vác về. Ở Sicily con nhà nông mấy khi được làm trên cánh đồng nhà? Hầu hết phải làm mướn, từ nhà đến chỗ lãnh làm ít nhất cũng phải vài giờ đi bộ. Sáng sớm tinh mơ ra khỏi làng, lóc lóc đi miết đến ruộng, chui vôpagliaio lấy cầy cuốc ra làm mà nhè bị đàn anh đạo chích nào phỗng mất đồ nghề là... nguyên ngày hôm ấy đói chắc! Mất cần câu cơm là phải thưa làng nước, thưa lính phân xử nhưng có ăn thua gì. Mấy ông Mafia bèn nhảy ra giải quyết vấn đề, ra điều binh vực nhà nông. Mấy quân chuyên môn ăn hàngpagliaio là bắn bỏ tức khắc. Thiếu gì người bị oan? Như Michael lớ quớ đi ngang nhằm đúng lúc một vụ ăn hàng đổ bể thì miệng nào cãi cho lại họng súng? Nhưng nếu có 2 thằng người địa phương xáchlupara đi theo thì lại khác!

Lúc Michael bắt đầu đi băng đồng là hai gã hộ vệ lo bám sát nút. Một thằng khoảng trung niên mặt ngu ngốc, suốt ngày lầm lì như mọi da đỏ tên Calo. Nó nhỏ người nhưng có da có thịt trông quê mùa, cục mịch chính gốc Sicily.

Thằng Fabrizzio đặc sắc hơn đàn anh nhiều. Nó trẻ trung vui tính và văn minh hơn. Ít ra cũng từng ra khỏi xứ Sicily, đăng vô Hải quân. Cu cậu cũng được đi đây đi đó ít lâu, có điều người chưa xâm xong ngon lành thì tàu đã chìm và bị Ăng-lê bắt làm tù binh! Nhờ những đường xâm trổ hoa mỹ trên thân thể mà Fabrizzio nổi danh ngang xương trong làng. Dân Sicily đâu có khoái vẽ vời vô người... mà lấy đâu ra thì giờ ở không mà bày đặt xâm trổ? Ngay chú lính thuỷ Fabrizzio cũng đời nào chịu xâm mình nếu không có cái bớt tổ bổ trên ngực, trên bụng? Mà chính nó cũng chẳng thích khoe, dù đề tai nghệ thuật nó in ngay trên ngực rất ư là đúng truyền thống Sicily! Một cặp gian phu dâm phụ loã thể đang cuốn lấy nhau ở khoảng dưới rốn nó và cả cặp bị xiên ngang bởi lưỡi dao trừng phạt đích đáng của ông chồng mọc sừng...

Lâu nay đi cùng Michael chỉ có Fabrizzio là tò mò ưa hỏi lăng xăng, hỏi vớ vẩn về nước Mỹ. Tụi nó biết Michael đang ở Mỹ, và có việc gì đó phải lánh mặt nên mới sang đây ẩn náu... nhưng thực sự nó là ai thì chúng chẳng có quyền biết. Chúng không dám hỏi mà cũng không dám ngồi lê đôi mách. Thỉnh thoảng để lấy lòng, nó mang tới biếu Michael một miếng phó-mát nhà làm còn tươi rói những sữa.

Ba thầy trò đi lần mò dọc theo những con đường quê bụi bặm và lâu lâu Michael giương mắt ngó mấy cái xe lừa sơn phết màu sắc vô cùng sặc sỡ. Ôi chao, có miền quê nào xinh tươi, lộng lẫy và trù mật tới cỡ này? Michael cứ đinh ninh Sicily phải là miền đất đai khô cằn sỏi đá, không nuôi nổi người nên Sicily mới nghèo đói đến thế. Dè đâu trước mắt nó là cả một miền phì nhiêu như căng phồng lên sức sống, hai bên đường chỗ nào cũng xanh ngắt màu lá, lớp lớp những rừng cam đậm đen, những biển xanh rì hạnh-nhân và ô-liu. Sức sống phì nhiêu như tỏa ngợp ra trong không gian với biết bao nhiêu mùi hương pha trộn nhau, nổi bật gắt gao mùi hoa chanh.

Quê hương phì nhiêu, quê hương xanh tốt quyến rũ như thế này mà phải đứt ruột bỏ ra đi không dám ở lại thì phải biết là đau đớn. Phải bỏ cả một vùng địa đàng như thế này chỉ vì nạn người áp bức, bóc lột người thì tàn nhẫn quá chó má quá!

Michael tính bữa nay đi thật xa, đi tuốt tới làng Mazara ở ven biển rồi chiều tối mệt đừ người mới lên xe buýt về Corleone đánh một giấc thì sung sướng đã đời. Lương thực ăn đường đã có hai thằng nhét đầy túi dết bánh mì, phó-mát... chừng đói là thầy trò ngả ra ăn. Hai đứa khoác tòn ten hai khẩulupara như đi săn, khỏi dấu diếm.

Sáng nay trời đẹp tuyệt, Michael sống lại cảm giác hối hả, hăm hở hồi còn nhỏ, những buổi sáng nghỉ học lo dậy thật sớm để họp đoàn vui chơi suốt ngày. Sáng nay cũng vậy. Cả một bầu trời tươi rói như vừa cọ rửa sạch, đẹp như tranh vẽ.

Cả một cánh đồng rộng ngút ngàn như trải thảm đầy hoa. Đủ mọi loài hoa. Mùi hoa cam hoa chanh thêm nồng thêm hắc đến nỗi mũi Michael hư mà còn thấy mùi hương xông lên ngào ngạt.

Cũng tại vết thương bể chỗ gò má mà ra. Mấy mẩu xương vụn nằm không đúng chỗ làm nhức nhối nguyên nửa khuôn mặt đã đành mà con mắt trái còn yếu hẳn đi, lỗ mũi như trĩ vậy. Lúc nào Michael cũng sụt sịt vì nước mũi ở đâu tuôn ra nhiều thế? Bao nhiêu khăn mùi-xoa cũng không đủ làm Michael nhiều lần phải xịt mũi xuống đường thật nhà quê và mất vệ sinh. Ngay hồi còn nhỏ nó đã gớm ghiếc mấy bố già cái nạn chê mùi-xoa "sản phẩm trưởng giả hão của ba thằng Ăng-lê". Cần gì phải cầu kỳ, cứ bịt một lỗ mũi rồi xịt đại một phát xuống đường nhựa là xong!

Hồi này lâu lâu Michael cảm thấy mặt nặng hẳn ra. Tác dụng của vết thương lành ẩu làm ứ đọng nước mũi ở sống mũi, ở trán. Bác sĩ Taza giải thích chỗ gò má bể như một vỏ trứng đập bậy. Lúc mới đầu chỉ cần một lần mổ sơ sài, đưa một dụng cụ như cái muỗng vô rà-rà cho mấy mảnh xương vụn nằm đúng khớp là xong. Nhưng bây giờ muốn đụng đến là phải có chuyên viên với cả một sự sửa soạn công phu. Phải đánh thuốc mê rồi phá chỗ xương liền bậy đi để sắp xếp trở lại cho ngay ngắn đúng chỗ, đúng phương pháp. Mới nghe "chuyên viên" Taza giải thích sơ sơ vậy và cho rằng trên Palermo làm được là Michael ngán rồi. Thôi đã lỡ rồi ráng chịu vậy... dù bực bội hết sức vì cảm giác khuôn mặt tự nhiên bì bì ra. Khó chịu hơn nhức hay chảy nước mũi nhiều!

Ba thầy trò định đi tuốt tới Mazara nhưng sức mấy tới? Mới được cỡ 15 dặm là dừng lại nghỉ mệt và nghỉ trưa luôn ở một địa điểm vô cùng hấp dẫn. Cả ba cùng chui vô một "động cam" mát lạnh: hơi đất ẩm xông lên đã mát mà vòm lá cây dầy đặc một màu xanh tuyệt diệu che kín mít bên trên. Nghỉ chân là ăn trưa, uống một chút rượu chát thì còn gì bằng!

Trong "hang" mát đến nỗi ăn nhậu xong cả ba thầy trò cùng nằm dài ra cho khoái. Thằng Fabrizzio nằm lim dim, mơ tưởng đến một ngày kia sang Mỹ ở cho sung sướng tấm thân. Hứng quá, nó biểu diễn "vở kịch sống" gian phu dâm phụ bằng cách cởi áo ra khoae tác phẩm xâm trổ. Lấy hơi cho lớp da bụng phồng lên xẹp xuống, Fabrizzio nhún nhảy nhịp nhàng cho hình người "hoạt động" như sống thực. Nghệ thuật quá!

Đúng vào lúc hứng thú đó Michael lãnh một cú sét động trời.

Chẳng là "miệng hang" nhìn xuống một cánh đồng xanh ngắt. Có một con đường tà tà dẫn xuống ruộng và bên cạnh đường đứng sừng sững một toà lâu đài La-Mã, in hệt như vừa lấy ở di tích Pompei về dựng lên vậy. Toà lâu đài chỉ vào hạng nhỏ nhưng mặt tiền đá cẩm thạch thật lộng lẫy với bao nhiêu hàng cột kiểu Hy-Lạp dựng cao vút. Một bầy thôn nữ đang từ bên trong lâu đài ùa ra, do hai mụ nạ dòng mặc đồ đen quán xuyến. Chắc đám con gái này được chủ nhân toà lâu đài mướn chùi rửa quét dọn bây giờ xong việc hay nghỉ trưa chúng kéo nhau đi chơi. Bầy con gái cười đùa ríu rít, lăng xăng tranh nhau hái hoa. Nào hoa chanh hoa cam trắng xoá, những đoáSulla hồng hồng, những bôngwisteria tim tím... Ba thầy trò Michael nằm tỉnh trong "hang" chúng đâu thấy?

Là con gái nhà quê nên quần áo chúng mặc toàn thứ vải hoa sặc sỡ rẻ tiền nhưng đứa nào da thịt cũng cứng căng muốn rách vải. Tuổi chúng chỉ sàn sàn cỡ mươi, mười lăm nhưng đàn bà con gái xứ này mau chín tới lắm. Một đứa vùng chạy khỏi bầy làm ba bốn đứa la lối rượt theo. Tụi chúng nhắm ngay "cửa hang" ríu rít chạy tới.

Con nhỏ chạy trước tay trái vung vẩy một chùm nho đen tím sậm, tay mặt ngắt từng trái liệng đám bạn rượt theo. Mái tóc nó gần như đồng màu với chùm nho và ôi chao, thân hình nẩy nở ngồn ngộn dám bật tung làn vải bất cứ lúc nào!

Vừa đến "cửa hang" con nhỏ khựng lại: mắt nó chạm phải mấy cái sơ-mi đàn ông màu sắc kỳ cục vắt trên mấy nhánh cây! Nó hết hồn, chân cẳng quýnh quíu muốn lồng lên. Đang nằm dài dưới đất ngước mắt nhìn lên 3 thầy trò Michael thấy nó rõ quá, khuôn mặt lồ lộ chẳng sót nét nào.

Chi tiết đập mạnh nhất vào đầu óc Michael là ở con nhỏ này thẩy đều bầu bầu trái xoan: khuôn mặt nó trái xoan đã đành, cặp mắt cũng thon thon, cặp chân mày cũng đều đặn một nét. Làn da nâu hồng mỡ màng quá và đôi mắt, đôi mắt ngơ ngác mở lớn, long lanh một màu như nâu như tím... nhưng sâu thăm thẳm vì hai hàng mi dài ướt rượt nổi bật trên khuôn mặt thật dễ thương. Cặp môi mòng mọng, cong cong dính nước cốt nho trông tím sậm. Con nhỏ xinh đẹp tuyệt trần làm Fabrizzio ngơ ngẩn ngó và đưa tay ấp ngực làm bộ ngất: "Chúa ôi, người đâu mà đẹp đến thế này? Con chết mất..."

Thằng Fabrizzio léo nhéo có vậy là con nhỏ quay ngoắt người vùng chạy. Nó chạy ngược trở lại đám bạn. Dáng hốt hoảng của nó khêu gợi lạ. Thật hồn nhiên mà mê mẩn quyến rũ làm sao! Cặp mông đong đưa nhún nhẩy kia phải biết là chắc nịch... Chạy tới đám bạn nó còn chạy xoay vòng quanh và ngỡ ngàng quay lại. Đúng là một khuôn mặt sáng rỡ, khuôn mặt tươi như hoa. Tay còn cầm nguyên chùm nho nặng trĩu nó chỉ trỏ phía "cửa hang"!

Đám con gái cười ầm ĩ và bỏ chạy trở lại làm hai mụ bận đồ đen la mắng om xòm...

Lúc bấy giờ Michael mới biết nó đang đứng ngây người, tim đập bình bịch muốn vỡ lồng ngực và choáng váng mặt mày. Máu nó phi như ngựa trong người, rõ ràng máu dồn dập chạy tới từng đầu ngón tay, ngón chân. Biết bao nhiêu mùi hương ngào ngạt trong gió, mùi hoa chanh hoa cam hăng hắc, mùi nho ngất ngây... Michael cảm thấy ngầy ngật, thân hình bay bổng tận đâu đâu. Mãi bấy giờ mới nghe hai thằng chăn cừu cười ha hả.

Fabrizzio xề tới vỗ vai: "Cậu ơi... cậu lãnh nguyên một cú sét rồi!" Ngớ ngẩn, ù lì như thằng nhà quê Calo cũng nhăn nhở cười nắm tay Michael "Thôi chớ cậu? Đứng mãi hả?"

Hai thằng xăng xái làm như Michael vừa bị đụng xe không bằng. Chúng đưa tay đỡ, dìu Michael ngồi xuống rồi Fabrizzio bưng tận miệng một ly rượu chát thật đầy: "Uống đi cậu... Uống đi ít hớp cho tỉnh táo" Michael làm vài ngụm và quả nhiên có rượu vô đầu óc nó tỉnh táo hẳn và hết ngầy ngật liền.

- Coi, mấy thằng chăn cừu này... nói láo lếu cái gì đấy? Làm gì kỳ vậy?

Hai đứa cười ha hả. Thằng nhà quê hà tiện từng lời nói là Calo trông nghiêm trang, đứng đắn lạ! Nó bảo Michael:

- Cậu ơi, sét đánh thì có dấu được ai? Bị là cả làng biết liền! Mà có gì phải mắc cỡ? Thiếu gì thằng cầu nguyện mà sét không thèm đánh cho? Cậu hên lắm đấy...

Sự thực Michael thấy ý nghĩa, tình cảm của mình mà bị người ta đọc vanh vách thì vui vẻ, hài lòng thế nào được? Nhưng nó không thể không mỉm cười vì lạ quá... đời nó chưa hề bị "tiếng sét ái tình" bao giờ! Ra thế này là bị sét đánh sao? Nó không giống như những mục yêu đương lẩm cẩm hồi mới lớn. Mà nó cũng không giống tình yêu của nó với Kay. Thấy nàng duyên dáng, thông minh và... một đứa con trai một đứa con gái hạp nhau thì yêu nhau. Đằng này không phải vậy. Vừa thấy đã kết rồi, không yêu không được, không chiếm trọn vẹn và chiếm liền tức thì cũng không được. In hình khuôn mặt kia vừa nháng lên có vậy đã đậm nét, in tới muôn năm vào tâm khảm. Khỏi có bôi xoá được. Không chiếm được sợ nó dám đeo cứng đến suốt đời lắm! Michael có cảm tưởng khuôn mặt đó đã vụt hiện lên để "giáng chức" cả mọi sự quan tâm của mình xưa nay. Dù có quan trọng đến bây giờ cũng không có nghĩa gì, nếu không có nó. Chỉ có nó, đời Michael giờ đây phải có nó, chỉ có một mình nó là quan trọng nhất.

Từ ngày sang Sicily nó nhớ nhung Kay biết mấy? Dù biết hai đứa chẳng thể nên vợ chồng vẫn nhớ. Dù biết Kay đời nào thèm gặp lại vẫn cứ nhớ. Nó đâu còn là Michael ngày nào? Một quân sát nhân, một thằngMafioso đã lập xongđầu danh trạng ! Nhưng hình ảnh kia chợt đến và tự nhiên trong tâm tưởng nó chẳng còn một tí gì về Kay nữa, Kay với nó hết hẳn.

Thấy Michael vẫn nghĩ đi đâu đâu, thằng Fabrizzio bỗng đề nghị:

- Thôi được rồi, cậu. Mình đi vô làng kiếm một hồi thì ra ngay chớ đâu mà khó? Biết đâu chừng thấy cậu... người ta không mê lại ấy chớ? Cái vụ này thực ra cũng chỉ có một cách chữa phải không, Calo? Mình tới ngay tróc...

Calo gật đầu đồng ý coi bộ trịnh trọng lắm. Michael vẫn lặng thinh... nhưng chúng đi thì đi theo. Ba thầy trò mò xuống con đường nhỏ đi vô làng. Lúc nãy bọn con gái chẳng chạy về hướng này sao?

oOo

Làng này như tất cả mọi làng trên đảo phải có một khu phố chính, có giếng nước máy nằm chính giữa. Có vài cửa tiệm chạp phô, quán rượu và một quán cà phê bày vài ba bàn nhỏ ngoài sân trước. Hai đứa vô trước và Michael theo sau, ngồi vô bàn. Có thấy hình dạng, bóng vía con nhỏ lúc nãy đâu? Mà có bóng một đứa con gái nào đâu? Chỉ vài đứa con nít giỡn chơi và một chú lừa gặm cỏ lang bang.

Lão chủ quán chạy ra. Một lão già lùn lùn, cứng cáp tới chào đón, đặt đĩa lạc rang lên trên bàn. Lão gạ ngay:

- Mấy chú người lạ vô làng chơi hả? Vậy nghe lời tôi nếm thử ít rượu chát quán này coi? Nho nhà trông, rượu mấy thằng con tôi cất lấy, theo phương pháp bí truyền nó thêm vô chút chanh chút nho. Cả nước Ý chẳng có thứ nào so sánh kịp!

Ba thầy trò gật đầu. Lão hỳ hục bưng ra một hũ. Ôi chao, tuyệt trần! Còn ngon hơn lão quảng cáo nữa. Nó đặc sánh, tím sậm, và mạnh sợ không thua gì đế. Làm vài hớp cho đã, Fabrizzio hỏi thăm ông chủ quán:

- À, ông mở quán chắc biết hết mấy cô trong làng? Lúc nãy ông bạn này ngó thấy một cô trong bọn và thình lình lãnh phải cú sét động trời.

Lão chủ quán ngó sững Michael. A, cái vụ này lạ đây? Mặt nó méo một bên... mà méo mặt đâu có gì lạ? Bị sét ái tình mới là kỳ cục. "Nếu vậy nhớ vác vài chai về nhậu khuya nay đi. Nhậu cho lăn kềnh ra... chớ ngủ làm sao nổi?"

Michael lên tiếng hỏi:

- Ông chủ quán có biết cô nào trong làng này vừa đi về xong, mớ tóc đen, quăn tự nhiên? Nước da nâu mịn màng, mắt rất to, rất đen? Người như vậy đó... ông biết không?

Lão vắn tắt "Không... Chẳng biết ai như vậy hết" rồi đi vô trong quán. Ba thầy trò ngồi ngoài sân làm hết hũ rượu và cất tiếng gọi thêm. Không thấy lão ra Fabrizzio bèn bước vô. Lát sau nó đi trở ra, mặt mày nhăn nhó:

- Tôi biết ngay mà! Mình lớ quớ nhè hỏi ngay boong cô con gái cưng của lão! Lão bực mình lắm nên mới biến vô trong... chắc lão tính chơi tụi mình một cú gì đây. Tôi nghi lắm! Tốt hơn là tụi mình dông thẳng về Corleone cho rồi để tránh mọi phiền phức.

Michael ngó hai đứa xăng xái tính đi lập tức và lấy làm lạ. Coi, mới hỏi thăm như thế mà đã là một xúc phạm sao? Ở có mấy tháng nó đâu đã biết phong tục tập quán Sicily tối kỵ những khoản tình ái lăng nhăng... mà hỏi thăm con gái nhà người ta cái điệu sớn xác vậy cũng không được. Thấy Michael chần chờ Fabrizzio cho hay thêm:

- Cha già ấy còn biểu tôi lão có 2 thằng con trai... không nhỏ bé hiền lành gì! Lão huýt gió kêu là tụi nó về gấp. Vậy mình đi mau là hơn!

Michael lạnh lùng ngó nó. Xưa nay Michael tính nết hiền lành, đàng hoàng... điển hình Mỹ. Sang Sicily lánh nạn dĩ nhiên nó phải ra vẻ người lớn một chút trong cách xử thế. Nhưng có bao giờ nó đưa mắt nhìn cái điệu kẻ cả nạt nộ thế này đâu? Nơi đây chỉ một mìnhÔng Trùm Tommasino biết nó là ai, nó đã làm những gì nên lúc nào cũng nể vì, kể như một Ông bạn để nể vậy. Nhà quê như bọn Calo, Fabrizzio đâu có đánh giá nổi Michael, lại coi thấp hơn thực tế mới là ngu! Chợt bắt gặp ánh mắt nó, thấy mặt nó chợt lạnh như tiền, hơi nóng của nó bốc lên in hệt khói-nước-đá thì đang cười phải nín bặt, bao nhiêu thân thiện xuề xoà vụt biến.

Thấy cả hai thằng đều thấm hiệu lệnh "đưa mắt" và coi bộ đã thấy ngán, Michael mới hất hàm sai: "Kêu cha già đó ra đây tao biểu."

Tụi nó răm rắp làm liền. Hai đứa khoáclupara lên vai, đi vô quán. Lát sau chủ quán đi ra, đúng hơn là bị chúng đứa trước đứa sau "cặp" ra. Lão coi bộ không có gì sợ sệt... nhưng bực bội, nóng giận thì hết dám! Michael ngồi dựa lưng trên ghế, ngó lão già một lát rồi mới ôn tồn:

- Tôi biết ông bất mãn vì tôi hỏi thăm con gái ông. Xin bỏ qua cho sự đường đột vì tôi chẳng phải người địa phương. Phong tục, tập quán tôi chưa hiểu... nhưng xin nói rõ là tôi không hề có ý bất nhã với ông hay con gái ông.

Hai gã chăn cừu lấy làm lạ lắm. Gần gụi Michael mấy tháng mãi bây giờ mới thấy nó ăn nói chững chạc thế này là một. Phục nhất là mong người ta bỏ lỗi mà cái giọng đĩnh đạc vẫn có một cái gì oai vệ, có tư cách, lão chủ quán cũng biết ngay thằng này là thứ sừng sỏ chớ nhất định chẳng phải dân ruộng. Tuy nhún vai nhưng vẫn phải thủ thế: "Anh là ai... Anh hỏi con gái tôi có chuyện gì?"

Không ngần ngừ, Michael tự giới thiệu:

- Xin nói ngay tôi người Mỹ, có chuyện lánh mặt pháp luật nên sang Sicily nương náu. Tên tôi là Michael. Nếu ông phi báo cho Cảnh sát chắc tiền thưởng sẽ khá lắm nhưng tôi sợ rằng nếu làm vậy thì con gái ông vừa không có một thằng chồng khá... mà còn mất luôn một người cha nữa. Nói thực là tôi muốn quen biết cô con ông, dĩ nhiên là phải có sự đồng ý của ông và trong khuôn khổ gia đình. Với đủ mọi nghi thức và trịnh trọng cần thiết. Tôi là con nhà đàng hoàng, do đó, tôi trọng cô con ông. Tôi muốn gặp gỡ chuyện trò và nếu hợp thì đi đến hôn nhân. Bằng không thì ông sẽ chẳng phải nhìn mặt tôi nữa. Cô ấy có quyền chê tôi mà chẳng ai làm gì được, chẳng thể làm gì được. Đúng lúc phải nói rõ tình cảnh, gia thế... tự nhiên tôi có bổn phận phải cho ông biết tất cả những gì mà một ông cha vợ phải được biết.

Bấy giờ cả 3 người ngó sững Michael. Thằng Fabrizzio thầm thì "Đúng sét đánh!... Sét đánh chắc." Lão chủ quán đâm ra mất tự tin. Làm như lão ngỡ ngàng, muốn nổi giận cũng không có lý do để nổi giận nữa. Sau cùng lão hỏi một câu:

- Anh có phải bạn những người-anh-em ở đây không?

Michael hiểu lão muốn hỏi gì. Danh từMafia đâu thể mang ra nói chỗ công cộng nên lão hỏi vậy hiển nhiên có nghĩa "Anh có phải dân Mafia không" đây. Đó là một kiểu nói lóng... nhưng không mấy ai đi đặt câu hỏi trực tiếp như vậy!

Michael đáp liền: "Không... Ở đây tôi là người lạ!"

Lão chủ quán đăm đăm ngó Michael. Mặt bên trái méo xẹo, cẳng dài thế kia chẳng phải dân đao búa. Lão ngó hai thằng nghênh ngang khoáclupara , coi bộ chẳng sợ gì ai. Lúc nãy tụi nó xăm xăm ào vô nói như truyền lệnh: "Ra ông chủ biểu." Lão nạt lại, biểu thằng đó cút cha nó khỏi sân nhà tao thì một thằng đáp: "Nếu ông muốn nói vậy... thì đích thân ông ra nói tiện hơn." Không hiểu sao lão đi ra... và sau khi ước lượng tình hình lão thấy chẳng nên gây chuyện chút nào. Tốt hơn cứ lịch sự thử coi. Vì vậy lão hẹn:

- Xin mời chiều Chúa nhựt trới. Tôi là Vitelli. Nhà riêng ở trên đồi đằng kia nhưng anh cứ tới đây tôi sẽ đưa lên.

Lúc bấy giờ Fabrizzio tính mở miệng nói điều gì nhưng Michael khẽ đưa mắt nhìn là cu cậu líu lưỡi lại, không dám lên tiếng. Lão Vitelli biết nên lúc Michael đứng dậy chìa tay ra bắt, lão nắm lấy và mỉm cười. Cứ để coi. Từ bữa nay tới Chúa nhựt còn dư thời giờ thăm hỏi. Nếu sự tình không đẹp lão cũng đón tiếp Michael như thường... nhưng dĩ nhiên phải có hai thằng con bên cạnh và mỗi đứa cũng tòn teng một khẩulupara !

Muốn dò hỏi thì dễ quá. Lão quen biết thiếu gì "người anh em". Nhưng không hiểu sao Vitelli có cảm giác đây là một chuyện lành, một cơ hội tốt đẹp cho cả gia đình lão. Không hiểu sao lão vẫn đinh ninh rằng con gái lão xinh đẹp như vậy sau này phải là bà lớn, nó sẽ cho cả gia đình nhờ vả. Cái vụ này dám lắm chớ? Mấy thằng nhãi con trong làng hồi này ưa bám theo con nhỏ tán nhảm. Có thằng cha mặt gẫy này đỡ lắm. Để coi nó có dám cho đám ranh con đi chỗ khác chơi không!

Trước khi tạm biệt đích thân lão Vitelli đưa biếu một chai rượu chát thứ đặc biệt, chiến nhất. Lúc trả tiền, lão để ý thấy một thằng mang súng móc tiền ra. Cha, vậy mới ngon! Nội cái chi tiết nhỏ này cũng cho thấy Michael quả là "ông chủ" của hai thằng này thiệt.

Lần trở về Michael hết hứng đi bộ. Nó bao nguyên một chuyến xe có tài xế về Corleone và trước bữa cơm tối cụ bác-sĩ Taza đã được 2 gã chăn cừu báo cáo đầy đủ.

Ông cháu Tommasino vừa về thì ông chú cho hay:

- Bữa nay anh bạn của chúng ta bị sét đánh.

Ông TrùmTommasino không lấy gì làm ngạc nhiên mà chỉ ậm ừ: "Phải chi mấy thằng ranh trên Palermo bị... thì đỡ tôi quá." Lão vẫn có chuyện tranh chấp với mấy thằng đàn em thành thị! Michael lên tiếng yêu cầu:

- Chúa nhựt này tôi muốn đi một mình. Bảo hai thằng chăn cừu ở nhà đi... Đến nhà người ta chơi mà có chúng kè kè coi kỳ quá!

- Không được! Tôi chịu trách nhiệm vớiÔng Trùm, cậu đừng yêu cầu tôi vụ đó. Mà cậu đã nghĩ tới cưới xin thật? Nếu vậy tôi phải cho người sang thông báo gấp cho gia đình cậu trước mới được.

Thấy Tommasino cả quyết lắc đầu, Michael phải lựa lời không muốn làm mất lòng lão:

- Ông biết tính ông-già tôi rồi. Chừng ổng đã muốn cái gì mà ai trả lời "không" thì tai ổng sẽ điếc... cho đến khi thành "có" mới lại nghe thấy, phải không? Vậy mà tôi đã "không" với ổng nhiều lần và ổng nghe đủ hết. Đồng ý về vấn đề an ninh phải cho hai thằng Calo, Fabrizzio đi với tôi Chúa nhật này... vì tôi không muốn ông lo ngại phiền phức. Nhưng về vụ hôn nhân thì xin nói trước nếu tôi muốn là tôi làm, chẳng cần thông báo. Xin ông đừng buồn... ngay ông già tôi, tôi cũng không muốn ổng dính vô việc riêng thì không lẽ tôi lại để ông làm?

Lãocapomafioso gật đầu gấp:

- Được, nếu vậy cưới thì cưới cũng không sao. Sét đánh mà? Nhưng cậu đừng quên điều này. Con nhỏ đó con nhà đàng hoàng, nó rất ngoan. Nếu cậu tính cưới làm vợ thì tốt lắm... còn lấy qua đường là không xong! Ông già nó không chấp nhận chuyện đó và chắc chắn sẽ có đổ máu. Vả lại gia đình Vitelli với tôi là chỗ quen lớn, tôi cũng chẳng muốn chuyện đó xảy ra.

- Ông yên chí! Cô bé có thể chê tôi xấu trai và so với tuổi cô ấy... thì tôi có thể hơi già là khác. Do đó, tôi cần chút tiền để mua sắm quà biếu lặt vặt và một chiếc xe hơi.

Hai chú cháu ngó nhau cười.Ông Trùm Tommasino gật đầu ngay:

- Được... Mọi việc lặt vặt đã có thằng Fabrizzio lo dùm cậu. Nó xoay sở khéo đấy, máy móc xe hơi cũng rành nữa. Tiền thì sáng mai tôi sẽ đưa. Nhưng thông báo choÔng Trùm thì thế nào tôi cũng phải thông báo vì bổn phận tôi là phải cho ổng biết.

Michael quay qua cụ Taza:

- Coi, cụ có thứ thuốc nào tốp gấp cái vụ chảy nước mũi dùm cháu không? Có người đẹp bên cạnh mà sụt sịt xì mũi hoài coi bộ kỳ quá!

- Được lắm! Trước khi cậu đi tôi nhỏ vô lỗ mũi vài giọt thuốc thì sẽ khô queo ngay. Nó sẽ làm chỗ thịt quanh đó mất ít nhiều cảm giác... trong vài giờ hôn hít mất khoái. Nhưng mới quen biết sơ sơ dễ gì đã hôn được?

Chúa nhựt bữa đó Michael đã có một chiếcAlfa Romeo bề ngoài cũ xì nhưng chạy hãy còn ngon chán. Hôm trước nó đã đích thân đi xe buýt lên Palermo mua sắm chút đỉnh quà biếu cho người đẹp và gia đình nàng. Nó được biết nàng tên Apollonia nên đêm nào cũng tưởng tượng ra khuôn mặt tuyệt trần và đọc lên cái tên thiệt đẹp. Mấy tối khó ngủ một cách kỳ cục, phải uống rõ nhiều rượu chát. Tối nào mấy người làm cũng xách một chai nguyên ướp lạnh đặt trên bàn đầu giường mà sáng ra chẳng còn một giọt.

Đúng ngày Chúa nhựt cả xứ Sicily vang vang tiếng chuông nhà thờ thì Michael lái chiếcAlfa Romeo vô làng ngừng trước quán. Hai thằng chăn cừu ômlupara ngồi băng sau nhưng Michael bắt tụi nó ở lại ngoài quán. Quán đóng cửa nhưng lão Vitelli đã đứng dựa hàng rào chờ sẵn.

Sau một chầu bắt tay, Michael khệ nệ xách 3 gói lớn toàn quà biếu và lếch thếch theo ông già leo ngược sườn đồi. Căn nhà trông khang trang đáo để, chứng tỏ gia đình này ở đây chẳng phải thứ nghèo. Bên trong nhà chưng dọn bình thường, đặc biệt là chỗ nào cũng thấy tượng Đức Mẹ lồng kính, mấy bóng đèn đỏ dưới chân tượng nhấp nháy.

Hai gã con trai đang đợi sẵn, đứa nào bữa nay cũng lên đồ lớn thật long trọng nên chưa đứa nào đến hai mươi mà coi già khằn. Có lẽ vì công việc ngoài đồng suốt ngày nặng nhọc quá. Bà mẹ mập tròn thật xứng với ông chồng lùn... nhưng không thấy bóng người đẹp.

Màn giới thiệu diễn ra nhưng Michael có nghe gì đâu? Cả nhà ngồi trong một gian khá rộng vừa làm phòng khách vừa phòng ăn mà chỉ bày đồ đạc cũng chật cứng, nhưng với một gia đình trung lưu Sicily thì thế nay cũng đã hách bậc nhất rồi!

Trước hết Michael đưa biếu vợ chồng Vitelli, ông chồng một con dao cắt đầu xì-gà bằng vàng và bà vợ một xấp hàng lụa số 1 Palermo. Gói quà cho Apollonia vẫn để y nguyên, nhưng coi bộ họ nhận quà không lấy gì làm hoan hỷ lắm. Thông thường phải viếng thăm một hai lần rồi mới có thể tặng quà chớ?

Lão Vitelli ngỏ lời với Michael thẳng thắn, bộc trực rằng xưa nay gia đình này không có lệ mời mọc, thăm viếng quá sớm quá dễ như thế này. Nhưng một lời củaÔng Trùm Tommasino giới thiệu thì cả tỉnh này phải nghe, huống hồ ổng lại niềm nở nói vô nên gia đình này mới dành cho Michael cảm tình đặc biệt.

- Như anh thấy... chúng tôi tiếp anh với cả một sự chân thành. Nếu anh có lòng thương con nhỏ thì chúng tôi cũng cần phải biết qua về anh, về gia đình anh đã. Chúng tôi biết gia đình anh cũng gốc gác vùng này.

Michael gật đầu nói ngay:

- Ông cần biết gì cứ việc hỏi... tôi sẽ không dấu diếm gì hết!

- Ồ, xưa nay tôi không ưa dò hỏi ai hết. Cần lắm, cực chẳng đã phải hỏi đó thôi. Tạm thời kể anh như người nhà ông Tommasino đi...

Lạ thật, dù lỗ mũi vừa nhỏ thuốc làm như nghẹt luôn mà rõ ràng Michael "bắt" được mùi Apollonia vừa phảng phất đâu. Nó quay lại thì người đẹp vừa xuất hiện ở khuôn cửa sau. Nàng đứng dó, nàng có dắt một thứ hoa gì đâu mà mùi hương xông lên ngan ngát vậy? Mái tóc đen mun uốn từng lọn, bộ đồ đen trang trọng chắc chỉ dành riêng diện những ngày Chúa nhựt. Nàng nhìn Michael thật nhanh cười mỉm rồi e lệ nhìn xuống, ra ngồi cạnh bà mẹ.

Cũng như lần trước Michael tự nhiên thấy hơi thở mình dồn dập, bên trong như dậy lên một thứ men gì kỳ lạ, muốn chiếm hẳn người con gái làm của riêng. Bấy giờ nó mới hiểu thế nào là ghen và tại sao mấy ông già xưa lại có thể nổi cơn ghen kinh khủng. Thử có thằng nào đụng đến Apollonia bây giờ coi... hay đứng ra nhận bậy hoặc đưa nàng đi chỗ khác chắc chắn nó sẽ giết liền. Một thằng đói khổ mê vàng, một thằng tá điền mê đất thế nào thì nó mê Apollonia như vậy.

Bây giờ đầu óc Michael chỉ có một ý định: chiếm Apollonia làm của riêng, nhốt vào một nơi, giữ lấy mãi mãi. Một người nào khác nhìn nàng nó cũng không chịu. Nàng vừa quay sang cười với một thằng anh tự nhiên Michael cũng trừng mắt lên nhìn hắn thật vô lý! Hình như cả nhà này đều hiểu tâm trạng của một thằng bị sét đánh nên họ càng yên tâm hơn. Vậy là nó khỏi vuột khỏi tay Apollonia, ít ra cũng cho tới ngày cưới... còn sau này thế nào thì khỏi cần biết.

Hôm đi Palermo mua sắm đồ, Michael cũng cắt cho nó ít bộ đồ mới. Vứt cái vỏ nông dân bữa trước, trông nó ra dáng mộtÔng Trùm, nhứt định là mộtÔng Trùm có cỡ! Nó cứ sợ một bên mặt méo xẹo làm xí trai... nhưng trái lại nhìn nghiêng từ bên mặt qua càng thấy nổi bật nét đều đặn thông minh. Ở phần đất đau khổ này có mấy ai để ý đến một chút thương tật vặt vãnh đó!

Có dịp nhìn gần nhìn lâu Michael mới nhận ra Apollonia có khuôn mặt trái xoan thật đều đăn. Đôi môi mọng bây giờ căng máu có màu gần như tím sẫm mới lạ. Nó muốn nói với nàng một đôi câu mà không dám nhắc đến tên. Mãi sau mới thốt được: "Hôm trước tôi gặp cô ở chỗ vườn cam. Tôi thấy cô chạy... nhưng cô không hoảng sợ lắm đấy chớ?"

Con nhỏ ngước nhìn lên thật nhanh và lắc đầu. Đôi mắt nó đẹp quá, đẹp tuyệt làm Michael e ngại, không dám nhìn ngay. Bà mẹ binh Michael: "Apollonia... con nói với cậu ấy vài câu chuyện đi chứ? Cậu ấy đi xa biết bao nhiêu chỉ để thăm con mà?"

Nàng vẫn khép mắt, những sợi mi dài như che rủ xuống thật dễ thương. Michael đưa gói quà bọc giấy vàng nhưng Apollonia chỉ cầm lấy đặt trên đùi. Ông già ngồi bên hối: "Mở ra coi đi, con gái?" Đôi tay vẫn nằm nguyên vị trí, đôi tay nhỏ nhắn màu nâu, đôi tay con nít. Bà mẹ vội đưa tay cầm gói quà và nhanh nhảu mở nhưng mở rất thận trọng không muốn làm rách tấm giấy bao. Thấy hộp nhung đỏ đựng nữ trang là bà run run tay ngừng lại. Cả đời đâu đã được sờ một món đồ quý giá nhường này? Mà là sao mở ra bây giờ, phải biết cách chớ? Hý hoáy một chút bà cũng mở bung ra được để cầm món đồ lên khoe.

Đó là một sợi dây vàng thiệt nặng, đúng hơn là một xâu chuỗi đeo cổ làm cả nhà sững sờ. Không phải vì món đồ quá đắt giá mà thôi. Ở xứ sở này một tặng phẩm bằng vàng có nghĩa một xác định thật chân thành, đứng đắn. Tặng ai một món đồ vàng hiển nhiên cho thấy ý định muốn tiến tới hôn nhận Một cách phát biểu thật trịnh trọng khiến không ai dám có ý ngờ vực người tặng cũng như giá trị hiển nhiên của món đồ.

Bàn tay Apollonia vẫn chưa đụng đến xâu chuỗi. Bà mẹ cầm lấy giơ lên cho con gái coi nên hàng lông mi khẽ chớp một cái và quay sang Michael nàng khẽ nói tiếng "Cám ơn". Tiếng đầu tiên nàng thốt ra với Michael giản dị là....Grazie !

Có một tiếngGrazie mà âm thanh rổn rảng trong tai Michael nghe êm dịu, vuốt ve như nhung mà thẹn thò dễ thương lạ. Michael ngồi đó mà không dám nhìn ngay mặt, đành chuyện trò với hai ông bà già cho đỡ ngượng. Nhưng thân hình Apollonia thì nó không thể không nhìn, bộ quần áo Chúa nhựt nghiêm trang đâu có che nổi thịt da ngồn ngộn sức sống mà màu da chợt ửng lên thế kia thì phải hiểu là khó chịu vì máu chạy rậm rật, máu bốc dồn dập tô hồng đôi má.

Khi Michael đứng lên từ giã cả nhà cùng đứng lên theo. Lúc bắt tay từ giã... đụng chạm da thịt đầu tiên làm Michael như điện giật, nó nắm lấy một bàn tay nhỏ ấm và nham nhám đúng là chân tay làm ăn của con gái nhà quê. Ông bố đưa Michael trở xuống tận xe hơi và ngỏ ý mời Chúa nhựt tới dùng cơm. Nó gật đầu nhưng biết là sẽ nôn na gặp lại nàng ngay chớ đợi sao nổi cả một tuần dài dằng dặc.

Michael không đợi được thật. Mới hôm sau nó đã một mình lái xe đến quán cà-phê ngồi ngoài sân trước nói chuyện với ông bố. Thấy vậy lão Vitelli phải cho người lên kêu vợ và con gái xuống kẻo tội nghiệp! Dĩ nhiên lần này Apollonia đã dạn dĩ hơn, đã dám đối đáp vài ba câu chuyên. Bữa nay nàng mặc áo vải hoa sặc sỡ hàng ngày nên trông càng ngây thơ, càng hợp với màu da.

Hôm sau nữa Michael lại đến. Lần này nó không dấu nổi vẻ thích thú, mỉm cười nhìn Apollonia đeo sợi dây chuỗi. Nó theo nàng đi lên nhà trên và dĩ nhiên có bà mẹ phía sau. Dù chưa nắm lấy tay nhau nhưng tránh sao nổi những đụng chạm nho nhỏ, nhất là lúc Apollonia chợt té và nó đưa tay ra đỡ. Ôi chao, mới gần gũi có vậy mà Michael cảm thấy hơi người con nhỏ truyền sang từng đợt làm nóng ran người. Lúc bấy giờ nó đã giữ Apollonia một lúc trong vòng tay. Hai đứa đâu có thấy bà mẹ đi đằng sau cười ngỏn ngoẻn? Con nhỏ chân nhảy lẹ như cheo và khúc đường này hàng ngày lên xuống quá quen, vả lại từ hồi lẫm chẫm mới biết đi... nó có biết té là gì đâu?

Michael tới đều đặn như vậy hai tuần liền. Lần nào cũng có quà biếu, Apollonia hết e dè, mắc cỡ nhưng chẳng bao giờ hai đứa có dịp chuyện trò riêng mà luôn luôn có giám thị. Con nhỏ đúng týp gái quê, chữ nghĩa chỉ vừa đủ biết đọc biết viết và mọi chuyện bên ngoài mù tịt nhưng được cái ngây, cái gì cũng hăm hở muốn học hỏi. Công việc tiến hành cấp tốc đúng ý Michael, hôn lễ sẽ cử hành ngay trong vòng nửa tháng tới, một phần vì con nhỏ như bị nó hấp dẫn lạ kỳ và một phần vì nó quá giàu, quá nhiều tiền!

Rốt cuộcÔng Trùm Tommasino phải đứng ra lo. Tin từ Mỹ chẳng nói rõ chớ có cản trở mà chỉ nên lo liệu sao cho khỏi có sơ hở đáng tiếc là được rồi sao?Ông Trùm đại diện cho họ nhà trai luôn để có lý do cắt cử người bảo đảm an ninh. Dĩ nhiên họ nhà trai từ Corleone qua phải có đủ mặt, từ cụ y-sĩ Taza đến hai gã chăn cừu kiêm vệ sĩ Calo, Fabrizzio. Và còn rước dâu về đâu, nếu chẳng phải về tư thất của ông y-sĩ già có hàng rào tường đá bao quanh?

Đám cưới là đám cưới nhà quê. Bà con người làn chia nhau đứng hai bên đường liệng hoa vô mừng đám cưới khi hai họ từ nhà thờ đi chầm chậm về nhà cô dâu. Để đáp lại thịnh tình, bà con được chia phần bánh kẹo. Cả núi kẹo hạnh nhân bọc đường, đúng truyền thống đám cưới Sicily. Còn bao nhiêu thứ kẹo khác mà phần thừa thãi còn dùng vào việc trang điểm trắng xoá giường cô dâu đúng như phong tục tập quán. Tuy nhiên số kẹo chỉ có tính cách tượng trưng xét vì đêm tân hôn không cử hành ở đây: trong khi bà con còn ở lại ăn tiệc mừng tới nửa khuya thì cô dâu chú rể đã lên chiếcAlfa Romeo dông tuốt về Corleone.

Michael kinh ngạc vì cô dâu về nhà chồng sao lại có bà mẹ đẻ tò tò đi theo và còn đòi ở chung nhà... Nhưng ông bố vợ Vitelli giải thích ngay. Tại em nó còn con gái, nó còn nhỏ quá, nó sẽ phát hoảng nếu không có bà mẹ theo về để sáng hôm sau có thể "sửa chữa" những sai lầm trục trặc đêm tân hôn. Nhiều khi chuyện rắc rối tí xíu mà trở thành quan trọng thì sao?

Thấy Michael căn dặn, Apollonia đã giương mắt tròn xoe lên ngó coi bộ ngờ vực lắm. Michael đành phải nhìn nó mỉm cười và gật đầu ngay.

Vì vậy trên chiếc xe hoa về Corleone có cả bà mẹ vợ. Nhưng may quá, về đến nhà là bà ghé tai thầm thì, dặn dò mấy người làm của bác-sĩ Taza rồi sau khi ôm hôn, vỗ về cô gái cưng là biến đâu mất. Cả một gian phòng tân hôn rộng thênh thang chỉ có vợ chồng Michael Corleone.

Michael ngó cô dâu mặc nguyên bộ đồ cưới còn choàng thêm chiếc áo quàng. Mấy cái rương cưới đã được khiêng từ xe lên xếp ngay ngắn trong phòng. Trên chiếc bàn nhỏ có chai rượu chát và dĩa bánh cưới nhưng cả hai đứa nãy giờ chỉ chăm chú ngó cái giường cô dâu có màn che làm trần bên trên. Apollonia đứng ngơ ngác giữa phòng đợi "anh Michael" tiến tới.

Lạ quá Michael tưởng đâu cũng chỉ còn hai đứa trong phòng, nên vợ, nên chồng chính thức, không còn gì cấm đoán ngăn cản nữa, nó phải xông tới vồ lấy khuôn mặt, khổ người ngày đêm mơ tưởng. Nhưng không phải vậy. Nó tần ngần đứng đó ngó Apollonia gỡ tấm khăn choàng cô dâu khoác lên thành ghế, tháo vòng hoa đặt trên mặt bàn phấn. Cả một bàn xếp lớp những dầu thơm kem phấn Michael gởi mua từ Palermo làm cô dâu ngơ ngẩn ngó.

Michael tắt đèn để con nhỏ cởi bớt đồ đỡ ngượng nhưng qua song cửa sổ để ngỏ, ánh trăng hắt vô rực rỡ, lộng lẫy như ánh vàng. Nó ra khép bớt màn cửa sổ cho phòng bớt sáng nhưng không đến nỗi nóng bức. Thấy cô dâu vẫn đứng nguyên vị, nó mở cửa đi sang phòng tắm. Lúc nãy, trước khi về đây Michael đứng ở góc vườn cụng ly với chú cháu ông bác-sĩ đã thấy bọn đàn bà con gái sửa soạn đi ngủ. Nó tưởng lúc vô phòng con nhỏ hẳn đã thay đồ ngủ và không biết chừng đã núp dưới lớp mền cũng nên. Nào ngờ bà mẹ chẳng sửa soạn gì cho Apollonia hết ! Không lẽ một con nhỏ ngây thơ, nhút nhát như vậy lại dám chờ đợi chồng vô cởi đồ dùm? Nhất định không phải vậy.

Nhưng lúc ở buồng tắm trở về phòng tân hôn nó thấy cả phòng tối thui mấy cái song cửa còn mở hé cũng kéo xuống kín bưng. Michael quờ quạng bước về phía giường, ngó mãi mới nhận ra Apollonia chui kỹ dưới lớp chăn, thu mình tuốt vô góc trong, đưa lưng ra phía ngoài. Cô bé nằm cong như con tôm cuộn lại. Trong bóng tối, Michael cởi đồ ra chui vào chăn. Vươn tay ra, nó nắm lấy cánh tay trần của con nhỏ. Nó không mặc đồ ngủ! Michael càng khoái, nó ve vuốt cánh tay và nắm chỗ vai trần bắt nó xây lại. Con nhỏ từ từ xây mặt lại và tay Michael đụng một bộ ngực trần ấm mềm, đầy đặn. Như điện giật, nó chúi ngay vào lòng làm Michael ghì cứng lấy hôn mùi mẫn đôi môi ướt.

Thế rồi Apollonia hối hả ôm miết. Nó rên rỉ, níu rõ cứng và hai đứa như gắn chặt vào nhau tưởng khó lòng gỡ nổi.

oOo

Đêm hôm đó và những tuần kế tiếp khởi đầu cuộc sống chồng vợ đã khiến Michael hiểu thấu lý do tại sao ở một xã hội chậm tiến người ta đặt nặng vấn đề trinh tiết của con gái như vậy. Thì ra đó là giai đoạn sung sức, hăm hở nhất trong cuộc sống tình dục của người đàn bà. Đứa con gái vừa bén mùi ân ái quả như một thứ trái cây vừa chín tới tuyệt diệu và thú vị nhất là sự đam mê nhiệt tình của nó đã cho người đàn ông hưởng thủ cảm giác chúa tể. Trong những ngày ấy Apollonia không phải là vợ nữa mà là hiện thân nguyên vẹn của một con nữ ưng chịu làm nô lệ cho Michael.

Nhưng ở địa hạt sinh hoạt gia đình, sự hiện diện của Apollonia làm tươi vui hẳn căn nhà đang khô khan những đàn ông. Bà mẹ được nàng gởi trả về ngay sáng hôm sau và từ đó trở đi nàng nghiễm nhiên đóng vai bà chủ nhà con nít. Tối nàoÔng Trùm Tommasino chẳng về ăn cơm nhà và giữa khu vườn âm u đầy tượng đá, cặp vợ chồng trẻ ngồi nghe ông già Taza kể chuyện đời xưa thật thú vị. Chừng về phòng riêng là hai đứa mải miết lo cuốn lấy nhau làm như Michael càng ngày càng ham khổ người tuyệt mỹ của Apollonia, màu da đậm sánh như mật ong, cặp mắt nâu mở lớn hừng cháy nhiệt tình. Ở người con nhỏ quả có một mùi hương ngọt ngào của da của thịt vô cùng là khêu gợi.

Mà nó cũng bám cứng lấy Michael, cũng ham vui đến rã rời người, đến thiếp đi trong giấc ngủ muộn. Nhiều khi nửa đêm về sáng thật là mệt mỏi nhưng không sao ngủ nổi Michael ngồi tựa cửa sổ ngó Apollonia nằm xoãi chân tay ngủ thật vô tâm. Khuôn mặt bình dị, êm ả thật dễ thương... khuôn mặt rạng rỡ một vẻ đẹp cổ điển, độc đáo của các Thánh nữ Đồng Trinh qua các hoạ phẩm tưởng tượng của mấy hoạ sĩ đời xưa.

Tuần trăng mật đầu tiên hai đứa cũng đi chơi quanh quẩn bằng chiếcAlfa Romeo nhưngÔng Trùm Tommasino đã rỉ tai cảnh cáo Michael vụ đám cưới đã tiết lộ hành tung của nó trong vùng này, giờ bắt buộc phải tổ chức phòng thủ chống cánhNgũ Đại gia đình âm mưu thanh toán. Toà biệt thự thêm một lớp vệ-sĩ canh vòng ngoài, Calo và Fabrizzio được rút hẳn vào trong. Tốt hơn là hai vợ chồng nó đừng ló mặt ra. Để giết thời giờ Michael bắt đầu dạy vợ tiếng Anh và tập cho Apollonia lái xe hơi chạy vòng vòng trong khuôn viên biệt thự.Ông Trùm hồi này cũng phải đi biền biệt.

Một buổi tối bà già làm việc vặt trong nhà bưng lên một đĩa trái ô-liu và thình lình hỏi Michael:

- Xin lỗi... tôi nghe mấy người ở đây nói cậu là con traiÔng Trùm Corleone ở Nữu-Ước...Bố-Già Corleone phải không?

Bác sĩ Taza lắc đầu than "Chết thật... đến mụ già nhà quê này cũng biết thì còn giữ bí mật quái gì!" Michael thấy cử chỉ e ngại của ông cụ nhưng ngước lên thấy bà lão coi bộ thành khẩn, quan tâm quá nên không nỡ lắc đầu bèn hỏi lại "Bà già có biết cha tôi?"

Mụ Filomena da mặt nâu nhăn nheo rúm ró hệt những hạt dẻ khô, mấy chiếc răng móm mém chìa ra ngoài. Mụ nhìn Michael mỉm cười. Mấy tháng nay mới thấy mụ cười là một! Mụ lấy ngón tay gõ gõ lên đầu:

-Bố-Già đã cứu sống tôi một lần... và cứu cả linh hồn tôi nữa.

Biết mụ có chuyện gì muốn kể, Michael tươi cười tỏ ý khuyến khích. Câu hỏi đầu tiên của mụ là cả một sự sợ sệt: "Cậu ơi, có thật Luca Brasi chết rồi, phải không?"

Michael gật đầu và để ý thấy mụ bình thản thư thái hẳn. Mụ vừa làm dấu vừa nói: "Chúa tha tội cho con... nhưng linh hồn hắn xin bắt đoạ đày muôn kiếp nơi hoả ngục!"

Tự nhiên Michael nhớ ra "bí mật ghê gớm của Luca Brasi" ngày nào. Nó có linh tính mụ già phải biết rõ câu chuyện mà chính nó gặng hỏi mấy lần mà Hagen và Sonny nhất định dấu. Nó bèn biểu mụ ngồi rồi rót mời ly rượu chát từ tốn nói:

- Bà già kể cho tôi nghe chuyện ông già tôi và Luca Brasi hồi đó đi. Tôi chỉ nghe nói một phần... không hiểu do đâu hai người đi đến chỗ quen biết, và lý do nào Luca Brasi lại tận tuỵ với ổng đến thế. Bà già cứ kể đi, đừng sợ...

Khuôn mặt nhăn nheo của mụ Filomena, cặp mắt đen thẳm như hai trái nho đen, quay sangÔng Trùm Tommasino có ý chờ một cái gật đầu.Ông Trùm phải se sẽ gật mụ mới dám mang đầu đuôi câu chuyện năm xưa ra kể.

...Khoảng 30 năm về trước, ở khu đông dân Ý đại lộ số 10 Nữu-Ước có một cô mụ tên Filomena. Dù chỉ là cô mụ vườn nhưng nhờ đám chị em hàng xóm đẻ sòn sòn nên làm ăn khá. Còn kinh nghiệm nghề nghiệp thì nhiều vụ sanh khó còn chỉ vẽ cho mấy ông bác-sĩ là chuyện thường. Cô mụ Filomena có chồng mở tiệm chạp-phô buôn bán rất phát đạt. Vợ chồng làm ăn như vậy ai ngờ sau này hắn phải chết khổ sở ở quê nhà chỉ vì máu đen đỏ, làm ăn không chịu dành dụm, cứ dư đồng nào là vô sòng bài đòi bốc lớn. Vả lại cũng vì xui xẻo gặp một vụ ghê gớm nên mới ra nông nỗi.

Chẳng là vào đêm định mạng đó... đã khuya lắm lắm rồi, người làm ăn ai cũng ngon giấc lâu rồi, chợt có tiếng gõ cửa nhà cô mụ Filomena.

Dù có người kêu cửa khuya khoắt thật nhưng cô mụ quen nghề quá đâu có gì sợ hãi? Bọn tí nhau chẳng ưa bảo nhau chọn những giờ thanh vắng nhất này để chui ra cho an toàn sao? Nhưng đêm hôm đó mặc quần áo đàng hoàng chạy ra mở cửa thì cô mụ hồn vía lên mây. Vì người gọi cửa tưởng ai hoá... ông Luca Brasi! Năm đó nó đã... hung thần lừng danh và có nghe nói vợ con gì đâu? Nửa đêm kêu cửa, nếu chẳng phải mời cô mụ đi đỡ đẻ cho vợ thì đúng là nó muốn mời chồng cô mụ xuống âm phủ rồi! Muốn giết là ông Luca Brasi giết... chớ đâu cần phải gây chuyện to tát?

Cô mụ Filomena sợ muốn chết ngất thì ông Luca Brasi ấp úng cho hay muốn mời đi sanh dùm một sản phụ. Ở cách đây hơi xa, mà phải đi. Có xe sẵn, đi liền. Chao ôi, biết thế mà cô mụ vẫn run rẩy chân tay vì tướng tá nó ngày thường đã quá ghê rợn mà đặc biệt khuya nay khuôn mặt Luca Brasi lầm lầm ác sát, rõ ràng sắp sửa giết người đến nơi. Làm sao dám đi, viện đủ mọi cớ... nhưng nó trợn trừng nhìn và ra cả xấp giấy bạc là phải ríu ríu đi theo.

Trước cửa có chiếcFord chờ sẵn, thằng lái xe cũng gần gần một cỡ Luca. Nửa giờ sau xe ngừng trước một căn nhà lầu tồi tàn bên Long Island, chỗ dốc cầu. Căn nhà có dễ hai gia đình ở vừa nhưng chắc bọn chúng mướn, làm sào huyệt vì bên trong nhà bếp mấy thằng mặt mày hung tợn đang tụ tập nhau đánh bài, nhậu nhẹt.

Cô mụ Filomena được đưa lên lầu, dẫn vô một phòng ngủ. Giữa giường có một con bé người Ái-Nhĩ-Lan rất trẻ rất xinh. Mặt nó trát phấn, mớ tóc hung đỏ và dĩ nhiên bụng cao vượt mặt. Con bé có vẻ hốt hoảng, vừa thấy mặt Luca Brasi nó vội quay đi làm như không dám mở mắt nhìn Thần Chết vậy! Cô mụ cũng hết hồn vì từ ngày cha sinh mẹ đẻ chưa hề thấy một khuôn mặt hắc ám, hận thù bốc lên ngùn ngụt thế này bao giờ! Không hiểu có chuyện gì kinh khủng vậy...

Luca Brasi quay ngoắt ra để cô mụ bắt tay vào việc, có hai thằng cô hồn phụ giúp. Con nhỏ sanh cực nhọc, cho ra đời được một bé gái thì mệt thiếp đi ngủ vùi. Cô mụ bèn nhờ một thằng xuống kêu Luca lên. Sau khi quấn tã cho đứa hài nhi bèn bồng nó lên đưa tận tay "Nếu ông là cha đứa nhỏ thì... tiểu thư đây ông bồng đi. Công việc của tôi thế là xong!"

Luca Brasi trợn mắt ngó, mặt hầm hầm cực kỳ hung ác: "Phải, tôi là cha. Nhưng tôi không muốn thấy cái giòng giống ti tiện đó. Mang xuống nhà dưới, thảy cha nó vô lò sưởi cho rồi!"

Ôi, cô mụ Filomena cứ tưởng nghe lầm. Cái gì mà "giòng giống ti tiện"? Bộ con mẹ hư hỏng, đốn mạt lắm sao? Hay nó là gái làng chơi thứ hạ tiện nhất? Một đứa con rứt ruột đẻ ra đâu có lẽ nào "thảy cha nó vô lò sưởi cho rồi?" Chắc thằng bố giận dữ, bực bội, nên chửi bậy hay nói lẫy vậy thôi. Chớ con người mà, ai dám làm cái chuyện bất nhân ác đức ghê tởm đến cùng độ như vậy? Ai dám thủ tiêu một mạng người, một đứa hài nhi vô tội như thế?

Vì nghĩ vậy cô mụ Filomena trao tay Luca Brasi đứa trẻ sơ sinh và còn nói: "Đây... con ông đây. Ông muốn làm gì thì làm!" Đứa nhỏ được bọc cẩn thận trong tấm mền tưởng đâu không tưng tiu nó cũng phải đón lấy. Nào ngờ nó hất mạnh một cái trả lại làm đánh "bịch" một phát giữa ngực cô mụ. Con mẹ đang thiêm thiếp ngủ sực tỉnh quay mặt ra. Nó cất tiếng yếu ớt, rên rỉ: "Anh... anh Luc..."

Luca Brasi quay phắt lại - Hai đứa nhìn nhau gườm gườm, lặng lẽ... làm như chúng sẵn sàng xông tới cắn xé nhau cho hả nỗi căm giận chất chứa từ lâu lắm. Cả hai đứa cùng chẳng người chút nào. Rõ ra hai con thú điên thú vật nhất, ghê tởm nhất. Làm như cả hai đứa oán hận nhau đến cực độ... hận không xé nát được nhau ngay tức khắc. Chúng không còn để ý tới một cái gì, kể cả đứa nhỏ vừa ra đời mà chỉ trừng trừng nhìn nhau cái điệu ăn tươi nuốt sống. Có lẽ hai đứa từng yêu đương, từng ăn ở với nhau mặn nồng lắm nhưng lâm cảnh ngộ cực kỳ cay đắng, thống thiết lắm mới thù oán chồng chất bừng bừng, không còn sót mảy may nhân tính. Một cảnh ngang trái lậm quá nặng rồi... chỉ còn có chết.

Luca Brasi quay lại gằn giọng: "Tôi biểu làm gì cứ làm đúng vậy. Tiền bạc muốn bao nhiêu cũng có hết."

Ôi, vậy là nó làm thật! Cô mụ Filomena sợ đứng tim, sợ cứng họng. Đành lắc đầu và run rẩy ấp úng: "Tôi không... không dám! Muốn làm... thì ông làm đi. Ông là cha nó... Đừng bắt tôi..."

Nó không nói không rằng, rút phắt con dao găm trong người ra: "Không làm tao cắt cổ".

Kinh hãi quá độ, Filomena còn biết gì đâu? Chẳng nhớ lúc bấy giờ nó làm gì... mà sau đó mình làm gì cũng không biết, hồn vía bay đi đâu hết! Chỉ nhớ lát sau lúc bình tĩnh trở lại được thì đã đứng ở nhà dưới, ở từng hầm từ hồi nào mà trước mặt có cái lò lớn bằng sắt vuông vắn. Coi lại thì tay vẫn bồng đứa nhỏ và nó vẫn nằm nguyên, nằm nín lặng trong chăn. Phải chi nó khóc ré lên một phát hay nhanh trí bấm cho nó một vài cái để nó oé lên thì không chừng hung thần dám đổi ý.

Phải có thằng cô hồn nào mở cửa lò vì phía trong lò chợt đỏ rực, lửa hừng hực bốc - Còn mình Luca Brasi và cô mụ ở lại gian nhà hầm chằng chịt những ống hơi nước nóng đẫy và khét nghẹt đến khó thở. Nó lại rút con dao lúc nãy ra... và cứa cổ thì chắc chắn nó sẽ cứa ngay lập tức, không ngần ngại. Ánh lửa đỏ, tròng mắt nó còn đỏ hơn. Nó bây giờ là quỷ sứ chớ đâu phải người? Nó đẩy cô mụ tới sát cửa lò...

Đến đây mụ Filomena lặng thinh. Mụ chắp tay lại, kẹp vào đùi đưa mắt ngó Michael. Nó hiểu đã đến chỗ mụ không thể kể bằng lời... nên mau mắn cất tiếng: "Rồi... bà già có làm không?" Mụ gật đầu mắt nhắm lại. Nó phải rót thêm ly rượu nữa. Mụ làm dấu thánh, lẩm bẩm cầu kinh một hồi mới kể tiếp:

... Sau đó cô mụ được một bó bạc và có người đưa xe về tận nhà. Chẳng ai dặn, chẳng ai doạ một câu mà dư biết là lộ chuyện này ra chắc chắn sẽ bị cắt cổ gấp. Nhưng 2 ngày sau có tin Luca Brasi "thịt" luôn sản phụ và bị bắt ngay. Kinh hoàng đến độ ăn ngủ không được, Filomena đành phải chạy tớiBố-Già kể lại đầu đuôi nội vụ. Hồi đó Luca Brasi đâu đã về đầu quân vớiÔng Trùm Corleone? Nhưng ông biểu đừng sợ, cấm nói qua nói lại... ổng sẽ có cách thu xếp đâu vô đó dùm cho.

In hìnhBố-Già chưa làm được gì đã có tin Luca Brasi tự sát trong xà-lim. Nó lấy mảnh thuỷ tinh cứa đứt cổ và được chở cấp tốc vô bệnh xá của nhà lao. Nằm một thời gian, điều trị lành vết thương thìÔng Trùm Corleone cũng vừa lo lót, vận động xong.Vì Cảnh sát không tìm ra đủ yếu tố buộc tội nên ra toà Luca Brasi được tha bổng.

Dù kinh sợÔng Trùm, dù ổng bảo đảm sẽ không có chuyện lôi thôi rắc rối với Luca Brasi và Cảnh sát nhưng cô mụ Filomena vẫn lo sợ đến bỏ cả việc làm. Sợ đến nỗi không dám ở lại đất Mỹ nữa, phải bắt chồng sang cửa tiệm chạp-phô gấp để hai vợ chồng cùng trở về quê nhà làm ăn, thà là nhịn đói cùng về. Được cái ông chồng cũng hiểu và cũng cảm thông với vợ ở chỗ "cứ nghĩ tớichuyện đó là run bần bật... không thể làm bất cứ chuyện gì huống hồ là đỡ đẻ." Nhưng sau này về Sicily hắn đâm máu mê cờ bạc, đốt sạch số tiền chắt chiu từ Mỹ mang về đến độ phải chết trong nghèo khổ. Từ ngày chồng chết thì vợ sa sút, bắt đầu đi ở đợ.

Kể xong câu chuyện mụ Filomena uống thêm ly rượu nữa và nói với Michael:

- Cậu thấyBố-Già cứu tôi như thế nào chưa? Nếu không tôi sống sao nổi với Brasi? Hồi sau này mỗi lần tôi hỏi xin tiền ổng đều gởi về cho. Tội nghiệp ổng bị nạn... nhưng có điều cậu yên chí đi, người như vậy đó trời có hại bao giờ? Đêm nào lúc cầu kinh đi ngủ tôi chẳng cầu nguyện choBố-Già?

Lúc mụ đi khuất, Michael hỏiÔng Trùm Tommasino:

- Liệu bà già ấy có nói thiệt không?

Tommasino gật đầu. Phải vậy chớ! Chuyện phải như thế thì tụi nó mới giữ kín không cho Michael biết... và phải vậy mới đúng chất Luca Brasi!

Sáng hôm sau Michael tính gặpÔng Trùm để bàn bạc công chuyện mới hay từ hồi tinh mơ Tommasino đã phải lên Palermo gấp. Có tin rất khẩn, do liên lạc viên đích thân mang tới. Buổi chiều tối vừa về đến nhà, lão đã gọi riêng Michael ra cho hay:

- Liên lạc viên từ Mỹ qua cho hay tin. Một tin dữ... tôi không muốn cho cậu hay chút nào... nhưng bắt buộc phải làm: Santino Corleone vừa bị chúng bắn chết!

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 24

Michael tỉnh giấc lúc ánh nắng ban mai chan hoà đầy phòng. Ánh nắng Sicily nhạt màu vỏ chanh. Nó cựa mình và cảm thấy thân mình ấm dịu như lụa nõn nà của Apollonia. Chỉ một đụng chạm nhỏ cũng đủ để hai đứa lại quấn vào nhau. Vợ chồng ăn ở với nhau cả mấy tháng nó vẫn còn ham: con nhỏ tuyệt diệu hơn bao giờ hết và sốt sắng thật tình.

Khi nó đi sang phòng tắm mặc quần áo, Michael vẫn để mình trần nằm trên giường phơi nắng cho khoái và đốt điếu thuốc. Bữa nay là bữa cuối cùng còn được nằm trên giường này, phòng này, nhà này.Ông Trùm đã lo kiếm cho nó một nơi để dọn nhà gấp cho an toàn. Ở tuốt một thị trấn bờ biển phía Nam Sicily. Như hai đứa bàn tính, Apollonia đã có chịu chứng mang bầu nên muốn về nhà chơi vài tuần. Chừng về thì nó sẽ về thẳng nhà mới.

Hồi hôm nó đi ngủ rồi Michael còn nói chuyện thật khuya vớiÔng Trùm ngoài vườn, Tommasino nói thẳng hồi này lão vừa mệt mỏi vì công chuyện riêng vừa lo rầu cho vấn đề an ninh của Michael.

- Từ hồi cậu lấy vợ là lộ tung tích... không hiểu saoÔng Trùm không có chỉ thị sang cho cậu tìm ngay một chỗ nào khác? Tình hình này là phải coi chừng. Còn tôi vẫn gặp nhiều chuyện bực mình chỉ vì mấy thằng ranh ngoài Palermo. Tôi đâu phải người ham ăn tiếc của? Tôi cũng đã đề nghị cho chúng liếm láp thêm khá nhiều, nhiều hơn giá trị thực của chúng nữa kìa! Nhưng bọn chúng tham kỳ lạ, muốn nuốt hết... nuốt luôn cả thằng tôi! Cho cậu hay là chúng đã chơi lén tôi tới mấy lần nhưng dễ gì hạ nổi thằng già này? Thằng già này mà dễ chơi đến thế sao? Chúng phải mở mắt chớ? Mà xét ra cũng chẳng đi đến đâu vì mấy thằng ranh quả thật ngu ngốc... thằng nào cũng lớn họng đòi ăn nhiều, ăn trọn. Chẳng thể nói chuyện phải quấy...

Lúc bấy giờ Tommasino đã dặn sáng mai lão phải đi sớm, khỏi cần từ biệt. Sáng mai hai thằng Calo và Fabrizzio sẽ cùng đi với Michael xuống dưới đó, tụi nó ngồi băng sau chiếcAlfa Romeo . Lão cho Michael mượn luôn hai thằng làm vệ sĩ và còn căn dặn chớ có từ biệt hay tiết lộ chuyện gì với ông già Taza vì buổi chiều ổng đi Palermo dám hứng chí nói vung lên thì mệt lắm.

Về vụÔng Trùm hồi này phải lo phòng thủ dữ làm gì Michael không biết? Ít lâu nay đêm nào chẳng phải cử mấy toán tuần tiễu quanh nhà? Ban ngày lúc nào chẳng có mấy thằng thủ hạ thân tín xáchlupara đứng dài dài trong biệt thự. Mỗi khi có việc cần ra khỏi nhà là Tommasino đều có bọn đàn em vũ trang hẳn hoi theo hộ tống còn thằng cận vệ tốt nhất luôn luôn đeo theo lão như bóng với hình.

Ánh nắng chiếu vô rát quá rồi. Michael dụi thuốc vùng dậy mặc quần áo, bộ quần áo lao động và chiếc nón kết đặc biệt dân Sicily. Còn đi chân đất, nó thò đầu ra cửa sổ ngó xuống thấy thằng Fabrizzio đang ngồi soi gương o bế mớ tóc, khẩulupara liệng đại trên bàn. Nó huýt gió kêu và nói vọng xuống:

- Mày lấy xe ra đi... Thằng Calo đâu? Năm phút nữa tao xuống là đi liền. Làm mau lên!

Fabrizzio đứng dậy. Cổ áo sơ mi nó phang ra, lồ lộ vết xâm trước ngực. Nó ngỏng cổ lên đáp:

- Rồi! Calo đang uống cà-phê trong bếp. Mà bữa nay cô ấy có đi không?

Michael không trả lời. Cỡ một vài tuần nay nó để ý thấy thằng khốn Fabrizzio ưa có những cái nhìn kỳ cục, len lén sau lưng Apollonia. Không lẽ nó không biết thân phận đầy tớ dám chàng màng, ngấm nghé cô vợ cưng của bạnÔng Trùm? Sức mấy! Ở đất Sicily này muốn chết chắc nhất thì cứ việc làm vậy. Michael nói lớn: "Không, nhà tôi về nhà chơi. Ít bữa mới xuống." Nó ngó theo Fabrizzio tất tả bước vô căn nhà nhỏ vách đá tạm thời làm ga-ra cho chiếcAlfa Romeo .

Michael sang phòng tắm rửa mặt qua loa. Không thấy Apollonia đâu cả. Có lẽ giờ này con nhỏ đang chui xuống bếp để tự tay làm bữa sáng cho chồng, ra điều "chuộc lại cái tội vợ chồng mà không đi cùng còn bày đặt về nhà chơi ít hôm rồi sẽ nhờÔng Trùm Tommasino cho người đưa xuống sau" đây!

Lúc xuống bếp, mụ già Filomena mang cà-phê tới và vụng về nói vài câu tạm biệt. Michael hứa về nhà gặp ông già thế nào cũng nhắc lại. Đúng lúc đó Calo bước vô hỏi: "Xe ngoài kia rồi, tôi mang đồ xuống nghe?"

Michael nói khỏi cần và hỏi: "Thấy nhà tôi đâu không" thì Calo cười hề hề:

- Cô ấy đang ngồi bẻ tay lái xe. Khoái lắm, chỉ thích nhấn ga xăng! Chưa về Mỹ đã in như mấy bà mấy cô Mỹ thiệt rồi!

Cái vụ đàn bà con gái lái xe hơi ở xứ sở nhà quê này quả thực là một chuyện lạ! Chìu vợ Michael đã để con nhỏ lái thử vài lần, cho xe chạy vòng vòng trong vườn nhưng bao giờ cũng phải ngồi một bên vì nó ưa đạp lộn, thay vì đạp thắng lại nhấn ga xăng là thường lắm.

Ăn sáng xong, trước khi trở lên phòng Michael biểu Calo ra xe đợi cùng Fabrizzio. Trên lầu hành lý của nó đã xếp gọn ghẽ. Đưa mắt qua cửa sổ nó thấy chiếcAlfa Romeo đậu sẵn ở dưới bực thềm phòng khách chớ không phải ở cửa bếp. Và phía sau vô-lăng, Apollonia đang ngồi hý hoáy giỡn chơi như đứa con nít vậy! Thằng Calo đứng loay hoay chất mấy giỏ đồ ăn lên xe.

Ủa, sắp đi rồi mà thằng Fabrizzio còn tất tả bước ra ngoài cổng lớn làm chi? Nó còn đi kiếm cái gì kìa? Dáng điệu nó hối hả, hấp tấp có cái gì kỳ cục, khả nghi lạ? Michael tối kỵ những thằng mắt trước mắt sau, gian xảo như thế này. Thế nào cũng phải cho nó một bài học cho nó bỏ hẳn cái chứng này.

Michael tà tà xuống thang và tạt qua bếp để chào qua mụ Filomena lần chót. Nó hỏi "Giờ này mà ông cụ Taza còn ngủ hả" thì mụ già trề môi: "Làm sao mà dậy nổi? Hồi hôm ổng lén du dương trên Palermo bằng thích!" Nó cười ha hả bước từ cửa nhà bếp ra vườn, vưa đi vừa hít mùi hoa chanh ngào ngạt, mũi điếc cũng ngửi thấy như thường.

Michaelngước mắt nhìn thấy Apollonia đang ngồi trên chiếcAlfa Romeo miệng la tay vẫy tíu tít. Ra điều nó muốn khoe tài lái xe, ra hiệu anh cứ đứng ở đấy đi... để em lái xe lại tận nơi cho mà coi! Thằng Calo đứng bên ngoạc miệng ra cười, tay vung vẩy khẩu lupara nhưng thằng khốn Fabrizzio thì vẫn đi đâu mất biệt, chưa thấy mặt nó mò về.

Đúng vào giây phút đó, một thứ linh tính khó hiểu bỗng xẹt ngang đầu Michael. Không nghĩ ngợi, không suy luận gì hết... cả một sự thực chợt ùa tới khiến nó thoắt hiểu hết. Bèn la ầm lên: "Đừng em... Đừng..."

Tiếng la của Michael chưa dứt thì một tiếng nổ long trời tiếp liền sau khi Apollonia mở công-tắc xe. Sức nổ xé tan tành cửa bếp, đẩy Michael văng đi ba bốn mét dọc theo bờ tường, nằm bật ngửa ra. Những phiến đá từ vách tường, từ mái nhà văng xuống ào ào đập vào vai nó rồi Michael lãnh nguyên một cú vào đầu. Nó ngất đi, nhưng trong một tích tắc trước đó còn đủ tỉnh táo để nhận ra chiếcAlfa Romeo đã biến mất. Đâu có còn gì nữa ngoài 4 chiếc bánh xe chơ-vơ bám vào hai cây trục thép?

oOo

Lúc tỉnh dậy Michael có cảm giác đang ở trong một căn phòng tối lắm, có tiếng người thầm thì nói chuyện rất sẽ. Nó vờ vịt làm bộ chưa tỉnh, chưa biết gì để coi sao đã thì tiếng người thì thào bỗng dứt ngang và có người đang ngồi bên cạnh giường cúi xuống ngó. Bấy giờ tai Michael mới nhận ra hẳn tiếng người: "Có thế chứ! Tỉnh lại rồi!"

Đèn bật lên, ngọn đèn chiếu gắt như lửa soi vào tận mắt nó làm Michael phải quay mặt đi. Cả người nó đờ đẫn, mệt mỏi. Sau cùng mới nhận ra khuôn mặt người cúi xuống: ông bác-sĩ già Taza chớ ai?

Bác sĩ Taza dịu dàng nói: "Để đèn tao coi cỡ một phút thôi... rồi tao tắt liền." Ông cụ cầm chiếc đèn pin nhỏ cứ mắt Michael mà rọi vào khẽ reo: "Tốt lắm... tốt lắm rồi!" Sau đó quay lại nói:

- Bây giờ nói chuyện với nó được đấy!

Có một người từ phía sau xích tới, ngồi ghé bên chiếc ghế cạnh giường Michael. Nó nhận ra rõ ràngÔng Trùm Tommasino. Lão cúi xuống hỏi: "Michael... cậu nói chuyện được chưa? Muốn nghỉ ngơi hả?" Cất tiếng trả lời coi bộ khó khăn quá, đưa tay ra phác một cử chỉ dễ hơn nhiều. Cho nên Michael đưa tay ra hiệu thìÔng Trùm hỏi khẽ: "Có phải thằng Fabrizzio đánh xe từ ga-ra ra không?"

Không hiểu sao lúc ấy Michael chỉ mỉm miệng cười. Một nụ cười lạnh, kỳ cục và dễ sợ quá. Tommasino cho hay liền:

- Thằng khốn Fabrizzio biến mất tiêu. Nghe tôi nói không? Cậu bị ngất đi gần tuần lễ rồi, hiểu không? Ai cũng tưởng cậu chết, chết chắc... nên tạm thời cậu có thể yên chí, hết sợ bị chúng mưu hại. Chúng không nhắm vào cậu nữa đâu. Tôi đã cho tin về Nữu-Ước và đã nhận được chỉ thị củaÔng Trùm bên ấy rồi. Cậu sắp được đưa về Mỹ, chỉ ít lâu nữa thôi. Trong khi chờ đợi, cậu hoàn toàn không e ngại gì hết vì cái trại trên núi này không ai biết đến đâu. Bọn Palermo làm hoà với tôi rồi... vì chúng tin là cậu không thể thoát chết. Thì ra từ hồi nào tới giờ chúng nhằm vào cậu mà cố tình đánh lạc hướng đi, để ai cũng tưởng người mà chúng định quất là tôi! Cái đó chắc cậu biết. Bây giờ mọi việc đã có tôi lo liệu thu xếp hết cậu cứ việc yên chí nghỉ ngơi cho chóng bình phục...

Bấy giờ Michael nhớ lại hết. Nó biết Apollonia chết rồi và thằng Calo cũng chẳng thể sống nổi. Còn mụ già, mụ Filomena lúc bấy giờ ở trong bếp hay cùng đi theo nó ra? Michael không nhớ nên lắp bắp hỏi lại: "Còn Filomena?"Ông Trùm cho hay:

- Mụ không hề hấn gì cả. Chỉ bị chảy máu mũi vì sức nổ. Cậu khỏi phải quan tâm.

- Còn thằng Fabrizzio? Nhờ Ông cho tất cả anh em chăn cừu ở đây hay gấp... đứa nào biết thằng khốn ở đâu, chỉ cho tôi sẽ được thưởng một cánh đồng cỏ tốt nhất Sicily.

Thấy Michael tỉnh táo hẳn, chú cháuÔng Trùm thở ra nhẹ nhõm. May quá! Tommasino với tay lấy ly rượu đặt trên bàn làm một hơi trong khi ông già Taza ngồi ghé mép giường nói bâng quơ:

- Thế là mới ngần ấy tuổi đầu đã goá vợ. Ở đất Sicily này có mấy thằng cỡ tuổi cậu mà mất vợ bao giờ!

Michael đưa tay ra hiệu muốn nói. Tommasino ngồi xuống giường, ghé tai nghe nó nói rành rẽ từng tiếng:

- Nhờ ông cho bố tôi hay là tôi muốn về nhà gấp. Nói là tôi tự nguyện muốn làm một thằng con đích thực của ổng.

Có muốn gấp đến đâu cũng phải một tháng dưỡng thương Michael mới khỏi hẳn và hai tháng nữa mới lo liệu xong giấy tờ và thủ tục cần thiết. Michael đáp máy bay từ Palermo lên La-Mã và từ La-Mã thẳng một mạch về Nữu-Ước. Cả ba tháng trời lùng kiếm vẫn bặt tin thằng khốn Fabrizzio.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 25

Tốt nghiệp Đại học xong, Kay Adams kiếm một chân dạy học ở ngay trường trung học tỉnh nhà New Hampshire. Sáu tháng sau khi Michael biệt tích nàng còn mỗi tuần mỗi phôn tới Long Beach nhóng hỏi tin tức. Lần nào bà mẹ Michael cũng thăm hỏi thân thiết và trước khi gác máy bao giờ bà cũng thòng một câu: "Con xinh đẹp, đàng hoàng quá mà? Con quên thằng Michael đi... để còn lấy chồng chớ? Có thằng nào đứng đắn..."

Mỗi lần nghe Bà Trùm khuyên đi lấy chồng, Kay không hề buồn mà biết rằng bả có ý lo lắng cho mình thực tình, thương hại cho một đứa con gái lâm thế kẹt, hết lối thoát.

Gặp dịp nghỉ dài hạn sau khoá học, cô giáo Kay vội dông xuống Nữu-Ước mua sắm ít quần áo, nhân thể ghé thăm mấy đứa bạn học. Tiện dịp cũng muốn thử tìm một công việc gì kha khá ở Nữu-Ước. Gần hai năm rồi Kay sống cô đơn như một cô giáo già, đi dạy học về là đọc sách nghỉ ngơi. Không đi chơi, không hẹn hò quen biết ai hết. Sau này dù không thăm hỏi bên Long Beach nữa nàng vẫn cứ ở ru rú như vậy. Kay biết chẳng thể sống cô độc mãi được, tính tình đâm nóng nảy cục cằn chỉ tổ chuốc lấy đau khổ vào thân.

Ác nỗi nàng tin chắc trước sau cũng phải có tin, thế nào Michael cũng phải nhắn tin hay gởi thơ về. Đợi mãi đợi hoài càng biền biệt chỉ buồn bực đau khổ thêm. Không lẽ hắn coi rẻ mình và không tin ngay cả mình?

Đáp chuyến xe lửa thật sớm, Kay xuống Nữu-Ước và tới lữ quán mướn phòng lúc xế chiều, không muốn tới nhà bạn bè làm phiền vì đứa nào cũng đi làm cả. Đến tối phôn cho tụi nó cũng vừa. Nàng cảm thấy mệt mỏi, chán nản không muốn xuống phố mua sắm nên nằm dài trong phòng nhớ tới những lần hai đứa mướn phòng ở chung sung sướng hạnh phúc biết bao nhiêu! Có lẽ cũng vì thấy nhớ nhung Michael nên tự nhiên nàng nhắc điện thoại gọi về Long Beach thử. Đã lâu lắm rồi Kay có liên lạc gì đâu?

Đầu dây đằng kia có tiếng đàn ông ồm ồm trả lời, đặc sệt giọng Nữu-Ước. Nàng hỏi Bà Trùm và đợi mấy phút mới nghe cái giọng lơ lớ quen thuộc ngày nào. Kay lúng túng tự giới thiệu, hỏi bà có còn nhớ không thì bà mẹ Michael đáp một hơi:

- Nhớ chứ? Sao lại không nhớ kìa? Tại sao biệt đi một hồi con không phôn tới bác? Hay... lấy chồng rồi?

Kay lúng túng nữa. Không ngờ bả còn trách tại sao không phôn lại! "Chưa đâu! Tại cháu bận nhiều công việc quá... Bác có nghe tin tức Michael không? Hồi này hắn thế nào?"

Tự nhiên đầu dây im bặt đi một lát rồi Bà Trùm nói lớn: "Thằng Michael về nhà rồi. Bộ nó không phôn cho con... nó không gặp con sao?"

Nghe vậy Kay thấy đau nhói một cái. Người bàng hoàng, vừa ngạc nhiên vừa tủi thân muốn khóc quá. Hỏi Michael về được bao lâu bà nói 6 tháng làm nàng càng sững sờ. Dám bị bả coi rẻ lắm... vì ngay Michael còn khinh khi mình tới vậy mà. Về cả mấy tháng rồi mà hắn đâu thèm cho biết?

Kay cảm thấy giận sôi. Giận Michael, giận bà mẹ hắn, giận tất cả mọi người, nhất là những thằng đàn ông con trai người Ý, không có cả một tối thiểu văn minh. Bộ hết yêu là hết luôn, không còn gì giữa hai đứa, kể cả một tình bạn chân thành với nhau? Bộ Michael không biết là nàng vẫn quan tâm tới hắn như thường, dù giữa hai người có chấm dứt mọi liên lạc xác thịt, dù hắn không hỏi cưới nàng? Bộ hắn tưởng đâu nàng cũng như mấy con nhãi con người Ý bị lường gạt tiết trinh và bị kép đá đít là vội tự sát hay làm ầm ĩ lên?

Kay phải cố bình tĩnh để nói một cách thản nhiên:

- Thôi được... cháu cảm ơn bác cho hay tin. Cháu thành thật vui mừng vì Michael đã về. Cháu chỉ muốn biết vậy thôi và có lẽ từ giờ cháu cũng không phôn sang làm phiền bác nữa.

Đầu dây đằng kia giọng Bà Trùm hối hả, làm như không nghe thấy Kay vừa nói những gì. Bà nói một hơi:

- Nếu con muốn gặp thằng Michael thì con tới liền bây giờ đi. Thấy con chắc nó phải ngạc nhiên lắm lắm. Con cứ kêu tắc-xi qua, bác sẽ biểu thằng gác cổng đợi sẵn để trả tiền cho con. Con phải bao tắc-xi cả chuyến về nữa, bằng không tụi nó không chịu qua Long Beach đâu! Nhưng con đừng trả tiền, bác bảo tụi nó trả là tụi nó phải trả.

- Cháu đâu thể qua được bác? Nếu Michael muốn gặp thì đã phôn cho cháu từ trước rồi. Rõ ràng là hắn muốn chấm dứt...

Tiếng Bà Trùm la ào ào lấp đi:

- Con trông xinh đẹp vậy mà khù khờ quá, đầu óc chẳng thông minh chút nào. Con đâu sang đây thăm thằng Michael? Con sang chơi vớibác mà? Bác cũng muốn gặp con có chút chuyện chớ? Sang liền bây giờ đi, bác chờ đấy. Mà nhớ đừng trả tiền tắc-xi.

Để Kay không thể thoái thác được, bà cúp phôn liền. Dĩ nhiên nàng có thể gọi lại cho hay là không thể sang được nhưng thực sự Kay cũng thấy nàng cần phải gặp Michael, để coi hắn hồi này như thế nào. Dù để nói chuyện chơi cũng nên gặp một lần. Nếu hắn đã về được, xuất hiện công khai được thì mọi việc chắc giải quyết xong êm. Hắn có thể sống bình thường như mọi người.

Kay hấp tấp nhảy ra khỏi giường, sửa soạn trang điểm. Nàng làm mặt kỹ hơn mọi lần, chọn từng màu áo... và trước khi đi còn soi gương lần chót. Hồi này người ngợm nàng thế nào, không hiểu là ngon lành hơn... hay xấu xí hơn hồi đó? Sự thực hồi này nàng có eo hơn, nở nang tròn trịa và nhiều nữ tính hơn. Hạp gu dân Ý hơn là cái chắc, nhưng riêng Michael hắn lại thích gầy gầy thon thon kìa! Xét ra chẳng cần để ý đến vì hắn có thiết đến nàng đâu, bằng không trong 6 tháng liền hắn thiếu gì dịp tìm đến?

Ra đường gọi tắc-xi quả nhiên nó không chịu đi Long Beach thiệt. Phải nói ngay chịu trả gấp đôi tiền! Gần một giờ sau mới tới và Kay ngạc nhiên vì khu cư xá coi lạ hẳn. Chung quanh có hàng rào kẽm gai, ngay cửa chính nằm chình ình một chòi canh bằng sắt. Có một gã áo vét trắng sơ-mi đã đứng chờ sẵn. Nó cúi đầu coi đồng hồ tắc-xi và đếm tiền trả. Đợi gã tài xế hoan hỉ nhận tiền xong nàng mới mở cửa xe bước xuống, đi ngang chòi canh vào cư xá.

Người ra mở cửa đón Kay là Bà Trùm. Bà ôm chầm lấy nàng thật âu yếm làm Kay ngạc nhiên quá. Sau đó còn ngắm nghía mãi rồi chép miệng: "Con xinh thiệt là xinh. Mấy thằng con bác ngu ngốc quá." Nắm tay Kay, bà kéo tuốt vô nhà trong, vô hẳn nhà bếp và ép ngồi xuống trước một mâm đầy thức ăn, bình cà-phê đang sôi trên lò bên cạnh. "Con ngồi xuống đây ăn một cái gì đi. Michael sắp về tới. Thấy con chắc nó lạ lắm!"

Bà Trùm ngồi bên cạnh ép Kay ăn và rối rít hỏi nhiều câu thật kỳ cục. Nghe Kay nói làm cô giáo bà khoái quá, lại còn nhớ đến chị em bạn cũ để đi thăm và năm nay mới có 24 tuổi! Vừa nghe bà vừa gật đầu làm như những gì Kay vừa nói quả đúng như bà vẫn nghĩ bấy lâu nay về nàng vậy. Trong khi đó Kay nôn nóng đợi Michael về nên trả lời câu nào cũng chỉ ậm ừ cho qua.

Lúc Michael về nàng thấy hắn trước nhờ ngó qua khung cửa sổ nhà bếp! Chiếc xe vừa tốp, trên xe hai người bước xuống rồi mới tới hắn. Hắn đứng nói gì với họ một lát. Nhìn nghiêng một bên nàng thấy nguyên nửa mặt bên trái của Michael coi ghê quá. Nó lồi lõm, nứt nẻ như khuôn mặt con búp bê nhựa bị dẫm lên vậy. Thấy tận mắt như vậy Kay không sợ, không thấy hắn xấu trai đi mà còn mủi lòng thương hại là khác! Rồi Michael móc túi lấy mùi-xoa ra xì mũi một hồi mới đóng cửa bước vô nhà.

Nàng nghe cửa ngoài mở lách cách, tiếng bước chân ngoài hành lang rồi Michael xuất hiện ngay cửa bếp. Hắn thấy nàng đang ngồi trò chuyện với bà mẹ... nhưng mặt chẳng đổi sắc. Hắn chỉ ngó nàng mỉm cười, không mở miệng lớn được vì cái tật nơi gò má trái. Kay đã tính trước rồi, cùng lắm chỉ "Anh đấy hả? Mạnh giỏi chớ?" mà phải nói bằng một giọng hết sức lạnh nhạt, khách sáo kìa! Vậy mà không hiểu sao vừa thấy hắn là nàng nhảy xổ ra ôm chầm lấy, khóc nức nở.

Hắn hôn miết lên đôi má đẫm nước mắt và cứ ôm chặt Kay cho đến lúc hết khóc mới thong thả dắt tay nàng ra xe. Michael khoác tay ra hiệu cho gã vệ sĩ đi chỗ khác, lái xe đưa nàng đi trong lúc Kay rút mùi-xoa chùi đại khuôn mặt phấn vừa lem luốc nước mắt.

- Em không ngờ anh bị vậy... Có ai nói cho em hay tụi nó đập anh tới cỡ này đâu?

Michael cười lớn, đưa tay rờ rẫm khuôn mặt bể:

- Em muốn nói cái này? Ăn thua quái gì... chỉ chảy nước mũi phiền phức thôi. Về nhà rồi sửa lại lúc nào chẳng được? Anh không thể viết thư cho em, chắc em hiểu chớ?... Ở Nữu-Ước anh có nhà riêng. Bây giờ mình về nhà liền hay đi ăn nhậu cái đã?

- Em không thấy đói.

Hắn cho xe chạy hướng Nữu-Ước. Im lặng một lúc Michael mới hỏi:

- Em tốt nghiệp chưa?

- Rồi. Bây giờ em dạy trung học ở tỉnh nhà. Họ đã kiếm ra thằng bắn ông Đại úy Cảnh sát nên anh mới về được phải không?

- Thì đại khái vậy. Mấy tờ báo có đăng dài dài mà? Bộ em không đọc báo sao?

Thấy hắn có cớ để chối biến vụ sát nhân, Kay vùng cười lớn:

- Ở tỉnh em bà con chỉ đọc cóNữu-Ước Thời-Báo ? Chắc cái vụ của anh đăng ở trang 89 quá? Nếu đọc thấy thì em đã hỏi thăm bà già từ lâu rồi... Mà ngộ thật, nghe điệu bà già nói em cứ đinh ninh là anh làm thật mới kỳ cục chớ? Ngay trước lúc anh về, bà già còn kể cho em nghe chuyện cái thằng điên khùng tự nhiên nhận tội kia mà?

- Có thể bà ấy nghĩ như vậy thật cũng nên.

- Bà già anh mà nghĩ như vậy? Cho anh?

- Chớ sao? Xưa nay mấy bà mẹ với mấy thằng cớm chẳng giống nhau ở một điểm là việc quái gì cũng ưa làm bộ lâm ly, bi đát sao?

Tới đường Mulberry hắn cho xe vô ga-ra, coi bộ quen thuộc lắm. Cả một khu nhà tồi tệ quá mà căn nhà của Michael coi bộ cũng không hơn. Hắn dắt nàng đi vòng ra cửa trước, mở khoá vô. Chừng vô bên trong Kay ngạc nhiên thấy khác hẳn: đồ đạc bày biện cũng như cung cách trang hoàng đều là thứdeluxe , phải là triệu phú mới sắm nổi. Lên lầu còn hách nữa: cả một phòng khách rộng mênh mông, một khu bếp sáng sủa, có phòng riêng... Ở góc phòng khách còn cóbar rượu, Michael pha cho mỗi đứa một ly.

Hai đứa ngồi đi-văn ngoài phòng khách nhấm nháp ly rượu cho đến khi Michael đề nghị: "Mình vô phòng trong uống cũng được chứ gì?" Kay nhìn hắn, uống một hơi dài mà mỉm cười gật đầu: "Được chớ."

Về vụ yêu đương thì Michael hệt như trước, chẳng có gì thay đổi. Chỉ hơi mạnh bạo, nhập cuộc thẳng ngay chớ không có lối dè dặt, dịu dàng như trước. Làm như hắn có ý thủ thế đối với nàng vậy nhưng Kay không phàn nàn. Cái vụ này sớm muộn cũng hết. Kỳ cục vậy... nhưng hắn lại hối hả hơn, trong khi chính nàng chẳng cảm thấy gì khác lạ sau hai năm trời cách biệt. In như hai đứa không hề xa nhau một ngày nào vậy!

Kay nép sát vào người Michael nũng nịu:

- Lẽ ra anh có thể tin em, thư từ về cho em chớ? Em cũng có thể tôn trọng luậtomerta theo lối Mỹ chớ? Dân Mỹ cũng biết kín miệng chớ bộ?

- Thì anh... anh đâu ngờ em chờ đợi? Anh đâu biết là em còn chờ anh sau khi ngần ấy chuyện xảy ra?

- Em không bao giờ tin là anh dám giết người, trừ những lúc nói chuyện với bà già vì chính bà già hình như tin vậy mà? Nhưng thành thực trong lòng em vẫn không tin... vì em hiểu anh nhiều quá!

- Ôi cha, chuyện anh làm hay không làm đâu có gì đáng để ý! Em phải hiểu vậy chớ?

Rõ ràng Kay nghe hắn thở dài, nhưng giọng Michael làm sao vẫn lạnh lùng kỳ lạ. Nàng phải hỏi thẳng:

- Thì bây giờ anh nói thực với em đi... anh có làm hay không làm?

Tự nhiên Michael ngồi dựng dậy. Trong bóng tối đầu điếu thuốc hắn kéo đỏ rực. Hắn lại hỏi:

- Nếu anh hỏi cưới em thì anh phải trả lời em trước về cái vụ ấy... rồi em mới có ý kiến sau phải không?

- Em đâu cần? Em yêu anh thì cần gì! Nếu anh thực lòng yêu thì anh đâu có sợ sệt gì mà phải dấu diếm. Phải không nào? Không lẽ anh sợ em đi báo Cảnh sát? Mà có phải anh... "găng-tơ" thực không? Mà phải hay không cũng chẳng cần vì rõ ràng là anh đâu có thực lòng yêu em. Anh về rồi anh cũng đâu cần cho em biết?

Michael ngồi hút thuốc. Một tàn thuốc đỏ bỗng rơi xuống chỗ lưng trần của Kay làm nàng giật mình xuýt xoa. Nàng cong người đi nhưng vẫn giễu: "Coi, anh định tra tấn em hả?"

Hắn không cười góp mà nói một cách thản nhiên, ơ thờ:

- Em biết không... thực sự anh chẳng sung sướng chút nào khi trở lại nhà. Anh chỉ vui mừng được gặp lại những người thân, ông già, bà già, Connie, Tom... Có thế thôi, chớ sung sướng thì hoàn toàn không! Cho đến lúc nhìn thấy em. Như vậy có phải là yêu không?

- Nếu thực vậy... đối với em cũng là quá đủ!

Thế rồi hai đứa lại yêu nhau. Lần này Michael dè dặt, dịu-dàng hơn nhiều. Hắn bước ra ngoài pha rượu rồi bưng vô, ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh giường. Giọng hắn cất lên thật khoan hoà:

- Bây giờ mình nói chuyện đứng đắn. Em nghĩ sao nếu anh đề nghị tụi mình làm đám cưới?

Kay mỉm cười, ra hiệu cho hắn xích tới bên giường. Michael cũng cười, nói tiếp:

- Mình nói đứng đắn đi... Về những chuyện cũ đã xảy ra, anh không thể nói cho em biết. Nhưng bây giờ thì anh đang làm cho ông già. Anh đang tập sự điều khiển công việc buôn bán dầu ăn cho quen. Em biết gia đình anh có nhiều kẻ thù, ông già anh rồi đến anh cũng vậy. Nếu lấy anh, em dám goá chồng rất trẻ lắm lắm... nhưng sự rủi ro chỉ phần nào, một phần rất nhỏ mà thôi. Công việc hàng ngày của anh ngoài văn phòng anh sẽ không nói cho em biết đâu. Anh sẽ không nói gì về công việc anh làm hết. Em sẽ là vợ anh nhưng chẳng phải hai đứa mình hợp tác làm ăn chung. Chẳng có lối bình đẳng bình quyền, nhất định vậy.

Kay cũng ngồi nhỏm dậy. Nàng với tay bật chiếc đèn đầu giường và châm điếu thuốc hút. Dựa ngả người ra gối nàng bình thản hỏi:

- Anh định cho em biết anh làm găng-tơ chớ gì? Anh phải chịu trách nhiệm về những vụ bắn giết nhau... cũng như những vụ liên quan đến án mạng phải không? Anh định bảo em khỏi thắc mắc về công việc anh làm, đừng nghĩ đến nữa thì hơn, phải không nào? Đại khái cũng như coi xi-nê-ma, đến khúc gã ác quỷ "xin bàn tay" giai nhân.

Michael vùng cười ha hả, chìa nguyên nửa bên mặt móp méo về phía Kay làm nàng chợt thấy mình lỡ lời, phải cuống quýt bào chữa: "Xin lỗi, em vô tình... Em không định nói vậy..."

Hắn cười xoà: "Anh biết chớ! Kể ra cũng chẳng sao, nếu không chảy nước mũi... còn khoái là đằng khác."

Kay nói nghiêm trang:

- Anh biểu nói chuyện đứng đắn thì em hỏi anh... nếu mình lấy nhau như vậy thì cuộc đời của em sẽ ra sao? Sẽ như bà già anh, suốt đời ru rú trong nhà nuôi con, trông coi bếp núc và thế là hết chuyện. Ngộ nhỡ có chuyện gì xảy ra thì sao? Chẳng như trường hợp anh bị bắt, bị tống giam...

- Khỏi có vụ đó! Có thể bị bắn chết... chớ tù thì không khi nào!

Thấy Michael nói chắc quá, Kay phát bật cười. Một nụ cười vừa hãnh diện, vừa thích thú: "Thật không? Làm sao anh có thể quả quyết vậy nào?" Hắn lắc đầu:

- Làm sao... thì anh không thể giải thích cho em được. Đó là những vụ mà anh không muốn nói, anh không thể nói.

-... Nhưng sao bây giờ anh có ý định muốn làm đám cưới với em... sau cả mấy tháng trời biền biệt, không thèm cho hay tin? Bộ em yêu cừ thế sao?

- Cừ thì nhất định em cừ quá rồi... nhưng đâu phải vì vậy mà anh hỏi làm vợ? Không cần lấy em cũng yêu được mà, phải không? Bây giờ anh không muốn em trả lời vội. Cứ thủng thỉnh cũng được, mình còn gặp gỡ nhau nhiều mà? Em có thể về hỏi ý kiến ông già bà già. Nghe nói ông già em cũng dễ nể lắm mà, dĩ nhiên dễ nể theo cách của ổng. Em thử hỏi ý kiến ổng coi...

- Nhưng em hỏi anh có một câu mà nãy giờ anh chưa trả lời. Tại sao anh muốn lấy em?

Michael mở ngăn kéo lấy chiếc mùi-xoa trắng, đưa lên áp vào mũi xì một hồi:

- Có cái vụ này là không nên lấy anh nhất này! Chịu sao nổi một thằng chồng tối ngày chảy nước mũi dài dài, phải không?

- Coi, em hỏi có một câu, sao anh...

Hắn buông chiếc khăn tay ra nói thủng thẳng:

- OK... Anh sẽ trả lời em một lần này thôi đấy. Tại vì em là người duy nhất mà anh có cảm tình, anh thực sự tha thiết đến. Anh không chạy tới em vì anh không ngờ em còn chờ đợi anh thật. Anh có thể săn đuổi em, gạt gẫm em nhưng anh không muốn làm vậy. Đây, có chuyện này anh muốn tiết lộ với em, riêng một mình em... Mà em chớ có nhắc lại với bất cứ người nào, kể cả ông già em nhớ chưa? Theo ước tính của anh và nếu không có chuyện gì cản trở thì chỉ 5 năm nữa thôi... gia đình Corleone hoàn toàn ra công khai, không dính vào bất cứ một vụ gì có tính cách bất hợp pháp. Muốn được vậy còn phải thu xếp một vài việc nguy hiểm, rủi ro lắm lắm. Nghĩa là lúc nào anh cũng có thể bị chúng bắn chết và em dễ trở thành góa phụ ghê lắm. Vậy mà anh vẫn muốn lấy em. Vì anh thực sự muốn có em, muốn có một gia đình đàng hoàng. Đã đến lúc phải có con cái rồi chớ? Con cái mình anh nhất định không muốn cho tụi nó bị ảnh hưởng anh, như anh bị ảnh hưởng ông già.

Có điều phải nói ngay là ông già không hề muốn anh bị ảnh hưởng, ổng không muốn anh dính dáng đến công việc nhà. Ông muốn nuôi anh ăn học nên người... làm bác sĩ giáo sư gì đó kìa! Nhưng gặp tình trạng khẩn trương, anh buộc lòng phải đứng ra đương đầu với kẻ thù để cứu vãn cả gia đình. Anh phải chấp nhận súng đạn vì đối với ông già, anh một niềm yêu thương kính phục. Đời anh chưa hề thấy một người nào đáng kính trọng bằng. Theo anh, ổng xứng là chồng tốt, cha hiền, và bạn thảo. Những người nào không may mắn bằng ổng... ông già anh bao giờ cũng cứu giúp hết. Dĩ nhiên cuộc sống của ổng còn một khía cạnh khác, nhưng phận làm con không cho phép anh hỏi đến, biết đến.

Anh không muốn con cái mình gặp cảnh ngộ của anh. Anh muốn chúng chịu ảnh hưởng của em, do em chăm sóc... theo lối của em kìa! Anh muốn chúng trở thành dân Mỹ chính cống, hoàn toàn Mỹ. Biết đâu chính chúng... hay con cái chúng không nhào vô chính trị... và bắt cái ghế Tổng Thống đấy? Tại sao không nhỉ? Học lịch sử ở Darmouth thì biết... đất nước này thiếu gì... phải nói là tất cả những ông Tổng Thống trong lịch sử Mỹ đều có cha, có ông... không phải treo cổ xử tử đã là hên lắm! Tuy nhiên, phần anh chỉ muốn có con bác sĩ, giáo sư hay... nhạc sĩ vậy thôi. Anh không muốn tụi nó vônghề nhà , vả lại lúc chúng lớn chừng đó thì chắc chắn anh đã giải nghệ lâu rồi! Lúc đó anh hy vọng hai đứa mình vợ chồng già sẽ có chân trong một Hội-quán nào đó... để sống nốt khoảng đời bình dị, an nhàn như bất cứ một cặp vợ chồng nào có của ăn của để trên đất nước này. Đấy, anh muốn lấy em để làm chừng ấy chuyện... em nghe được không?

- Vậy thì tuyệt diệu quá rồi... nhưng anh cố tình bỏ qua cái vụ ở goá đấy nhé! Anh chỉ nhắc sơ sơ...

- Em nên tin lời anh. Vụ đó chẳng thể xảy ra được đâu. Anh nhắc đến chỉ vì đã nói là phải nói cho đủ, cho thành thực, nói rõ từng khía cạnh vậy thôi.

Kay giương mắt ngó sững Michael. Nàng ngạc nhiên quá nên lắc đầu quầy quậy:

- Em không tin, em không thể tin anh là một người như vậy. Anh không phải vậy... Chuyện này em chẳng hiểu gì từ đầu đến cuối. Em không hiểu tại sao có thể xảy ra một chuyện như vậy!

Michael bỗng gạt ngang... nhưng bằng một giọng dịu dàng, đằm thắm:

- Thôi, anh chẳng giải thích gì với em nữa đâu! Em nên nhớ rằng những cái vụ đó em chẳng cần phải nghĩ tới. Nó chẳng liên quan gì với em thực sự, mà cả đời sống chung của chúng ta sau này cũng vậy...

- Ô hay, sao anh muốn lấy em làm vợ và còn ngỏ ý là yêu em - dù anh không nói hẳn ra như anh vừa nói yêu thương ông già - mà anh lại không tin nổi đến nỗi không thể cho biết những chuyện quan trọng bậc nhất trong đời anh nhỉ? Anh không tin ở người anh lấy làm vợ thì còn tin ai? Như ông già... ổng cũng phải tin bà già chớ? Em biết vậy...

- Thì đúng vậy... nhưng tin đâu có nghĩa là cái gì cũng phải cho biết? Mà ổng có lý do tin chớ? Không phải vì tình vợ chồng mà thôi. Còn cái nghĩa ăn-ở với nhau. Còn cả 4 mặt con giữa thời kỳ chưa chắc gì nuôi nổi chúng nữa chớ? Bà từng săn sóc ổng, bảo vệ ổng lúc bị chúng ám hại. Bốn mươi năm tình nghĩa và một mực trọn tin nơi chồng. Em cứ làm như vậy đi rồi anh sẽ cho em hay một vài vụ mà em chắc chắn không muốn nghe chút nào!

- Thế tụi mình có phải về ở trong cư xá không?

- Có chứ! Mình sẽ có nhà riêng, một căn rất khá. Ông bà già không khi nào xen vô công chuyện của mình hết. Nhưng cho đến lúc bình yên hoàn toàn thì anh vẫn phải ở biệt trong cư xá...

- Bởi vì ra ngoài có thể nguy hiểm chớ gì?

Kay vừa gặng hỏi là Michael phát cáu. Chưa bao giờ hắn cáu giận như vậy, dù sự cáu giận đó chìm vào trong, không hề để lộ ra bằng cử chỉ hay lời nói. Một sự lạnh lùng câm lặng thấy ghê quá! Nó như bàng bạc một vẻ gì chết chóc khiến Kay có cảm tưởng phải chi nàng có quyền quyết định... chắc nàng không dám lấy hắn quá. Michael nói như than:

- Chỉ tại mấy cuốn phim... với mấy tời báo mà ra hết! Em nghĩ sai, hoàn toàn sai về ông già anh và gia đình anh rồi. Để anh giải thích một lần cho em biết, một lần một thôi nghe.

Ông già là một người làm ăn, ổng chỉ muốn làm ra tiền để nuôi vợ nuôi con... và cho những người mà sau này ổng phải cần đến những lúc lâm nguy. Ổng không chịu chấp nhận luật lệ của xã hội này vì nó không cho phép ổng sống một cuộc đời thích nghi với một người cỡổng , một con người có đầu óc, có sức mạnh đặc biệt. Em phải hiểu rằng ổng tự cho là chẳng có gì thua kém mấy thằng cha làm lớn, từ Thống đốc lên Tổng Thống hoặc Thủ Tướng hay Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện. Ổng từ chối cuộc sống bị chi phối bở những thứ luật lệ do kẻ khác làm ra... vì theo ổng chấp nhận một cuộc sống như vậy là thua chúng rồi. Mục tiêu tối thượng của ổng là nhảy vào cái xã hội đương thời với cả một sức mạnh vì xã hội này có bảo vệ những thằng yếu đâu? Ổng có thứ luật lệ riêng, có căn bản đạo đức riêng mà ổng cho rằng xã hội này còn lâu mới bằng!

- Coi, anh thử nghĩ nếu người nào cũng làm kỳ cục như vậy thì xã hội này sẽ ra sao? Liệu có còn là xã hội văn minh hay chúng ta lại trở về cuộc sống ở hang? Em tin là chính anh đã có nghĩ như anh vừa nói, phải không?

- Thì đúng thế! Đấy là lập trường của ông già anh kia mà? Ổng nghĩ như vậy đấy. Nhưng em nên ghi nhớ một điều. Là dù làm cái gì đi chăng nữa thì ông già cũng chẳng phải là người vô trách nhiệm... Ít nhất cũng không vô trách nhiệm trong "giang sơn" ổng tạo ra, với luật lệ của ổng. Ổng không phải thứ tướng cướp khủng khiếp lúc nào cũng sẵn sàng khạc đạn như điên... như em vẫn tưởng lầm đâu! Ổng thực sự là người có trách nhiệm do chính ổng đặt ra và tin tưởng.

- Nhưng anh có tin không, anh tin tưởng ở cái gì mới được chớ?

- Thì anh tin tưởng ở gia đình. Anh tin ở em và ở gia đình chúng ta sau này. Anh nhất định không tin ở sự bảo vệ của xã hội mà cũng chẳng thể đặt vận mạng mình trong tay những thằng chẳng có một thứ tài cán gì, ngoài tài lừa bịp dóc láo để hốt một số phiếu.

Nhưng giai đoạn làm ăn như ông già anh đã qua, qua hẳn rồi. Nó không có một chút xíu an toàn mà rủi ro, nguy hiểm thì quá nhiều. Thời buổi này thì cái xã hội có thế nào chăng nữa thì mình cũng không thể sống biệt lập mà phải gia nhập vô. Mình phải gia nhập, nhưng với thế mạnh của những đứa có tiền có của và có nhiều thứ giá trị khác. Và đến lượt con cái mình vào đời thì anh muốn chúng phải có đủ bảo đảm an toàn...

- Ô hay, sao anh lại nghĩ vậy... khi không sao anh thay đổi hẳn như vậy kìa? Anh từng xung phong nhập ngũ để bảo vệ xứ sở này, anh từng là anh hùng chiến trường mà?

- Thực sự chẳng đi đến đâu! Anh đại khái cũng như mấy tay thiên hạ vẫn kêu bằng cực kỳ bảo thủ ở tỉnh em vậy mà? Phục vụ cho bản thân, cá nhân mình. Chớ trông vào chính phủ... chính phủ có phục vụ nhân dân bao nhiêu? Thực sự chẳng thể trông cậy nổi. Nói gọn lại là anh phải giúp ông già, anh phải đứng hẳn về phe ông vì anh là con. Cũng như em vậy, em phải suy nghĩ coi có thể quyết định đứng hẳn về phe anh không? Lấy chồng là... khổ sở vậy chớ gì?

Kay lấy tay vỗ vỗ xuống mặt giường:

- Cái vụ lấy chồng thì chưa biết thế nào... nhưng thực sự hai năm trời xa anh, em khỏi biết một người đàn ông nào khác. Bây giờ vớ lại được bồ rồi... sức mấy người ta để cho xẩy kìa? Lại đây mau đi bồ.

Tắt đèn đi, hai đứa nằm ôm nhau sát sạt. Kay thủ thỉ rót tận tai hắn: "Anh à... anh có thể ngờ từ khi mình xa nhau em không hề biết đến một người nào khác. Tin không?"

Tin thì dĩ nhiên tin lắm rồi! Michael gật đầu ngay mà! Nhưng Kay nhất định hỏi lại: "Còn anh... anh thế nào?"

Khi Michael đáp "Anh cũng vậy... cũng như em" thì Kay duỗi ra cái một. Hắn phải nói rành rẽ rằng: "Thì anh cũng vậy, từ 6 tháng cuối cùng, gần đây."

Michael không nói láo. Đúng vậy. Kay là người đàn bà đầu tiên mà hắn gần gụi, sau cái chết đau thương của Apollonia.

Đã xem 384600 lần.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 26

Johnny Fontane đứng ban-công ngó ra phía sau lữ quán: cả một vùng thiên đường giả tạo, mấy cây gồi đồ sộ cũng mang từ đâu tới trồng, những đèn pha màu cam chiếu lấp loáng, hai cái hồ tắm vĩ đại ánh sao Las Vegas chiếu xuống long lanh một màu xanh đậm. Cả một đô thị đènnéon giữa một vùng sa mạc, nổi bật lên mấy ngọn núi đá. Chẳng hấp dẫn chút nào... Johnny vén tấm ri-đô xám thêu hoa sặc sỡ bước trở vô phòng.

Lúc bấy giờ cả một ê-kíp đặc biệt của sòng bạc được cử lên trải bàn để ông khách quý đánh riêng trong phòng đang bận rộn tíu tít. Một gã xếp bàn, một thằng làm bài, một thằng phòng hờ và một em gái hầu bàn hở hang. Thượng khách Nino Valenti đang nằm dài trên đi-văn phòng khách, ly huýt-ky sô-đa tổ bổ vẫn nằm trên tay. Cả ê-kíp bốn mạng lập một bàn già-dách riêng đợi ông Nino dậy là xáp vô đánh. Có một ông khách nhưng cũng đủ 6 chiếc ghế bành da thật êm vây quanh chiếc bàn hình móng ngựa "nghề nghiệp".

Giọng thằng Nino lè nhè nhưng chưa có vẻ gì say lắm. Hắn quơ tay lên: "Ê, Johnny... mày tới đây về phe tao đánh bỏ mẹ mấy thằng làm sòng này! Tao hên quá xá mà? Tụi mình chơi một phát cho chúng biết mặt..."

Johnny ngồi trên chiếc ghế nhỏ đối diện đi-văn. Nó phản đối ngay: "Mày biết tao có cờ bạc bao giờ đâu? Mày hồi này sức khoẻ thế nào?" Nino cứ cười hề hề:

- Vậy hả, vậy lát nữa có gái. Tao có còm-măng trước rồi mà? Nửa đêm là có gái, sau đó ăn nhậu, sau đó lại kéo già-dách nữa. Mày nhớ là tao đớp của sòng này không dưới 50 ngàn đô-la, mới có một tuần lễ thôi đó!

- Đồng ý rồi. Hay lắm! Nhưng mày cứ điệu đó thì chết để ai ăn?

- Coi, mày vậy đó mà cũng mang tiếng mã thượng giang hồ hả? Mày là thằng chết nhát, không bằng thằng du khách hạng bét tới Las Vegas!

- Cũng không sao! Mày có bước ra bàn già-dách nổi không? Nếu không thì để tao đỡ?

Nino làm mặt bảnh, cố gượng ngồi dậy cho ngay ngắn, hai chân chống lên sàn đàng hoàng. Nó buông tay cho cái ly rớt rồi đứng phắt dậy, hùng hổ bước tới bàn. Thằng làm bài vào vị trí sẵn sàng, xếp bàn đứng phía sau ngó trong khi thằng phòng hờ ngồi tuốt ở một cái ghế đằng kia. Em hầu bàn hở hang cũng ngồi đó nhưng ngồi đúng tư thế để ông Nino đưa tay lên ra hiệu là thấy ngay. Nino dằn mấy ngón tay trên bàn cho kêu lách cách. "Cho mấyphỉnh coi?"

Gã xếp bàn mau mắn chạy lại, thò tay vào túi móc cuốn sổ tay đặt trước mặt Nino, có cây viết máy sẵn sàng. Hắn cung kính: "Thưa có ngay. Khởi sự 5 ngàn đô cái đã." Nino cầm cây viết quẹt bậy một phát vô sổ là hắn rút về bỏ túi, đưa mắt ra hiệu cho thằng làm bài.

Mấy ngón tay chuyên nghiệp, dẻo quẹo của nó nhón lẹ làng trong cả dãyphỉnh xếp từng chồng cao, loạiphỉnh một trăm đô-la hai màu vàng đen. Cỡ 5 giây sau là trước mặt Nino đã có sẵn 5 chồngphỉnh đều đặn, mỗi chồng đúng 10 miếng.

Trên mặt bàn xanh lá cây thẫm kê 6 cái ô màu trắng lớn hơn cây bài chút đỉnh cho 6 nhà con. Nhưng đêm nay một mình Nino chơi 3 cửa, mỗi cửa khởi sự đặt 1 phỉnh. Nhà cái rút bài trước và lật ngửa một cây lên conlục ... nghĩa là cái bù chắc! Đến lượt Nino thì nó khỏi cần rút bài cả 3 cửa. Ăn chắc thì rút làm chi? Nó quơ 3 đồngphỉnh nhà cái vừa chung, quay ra cười hề hề với Johnny: "Coi tao chơi ngon không? Cú đầu hãy vô bây nhiêu đã!"

Johnny mỉm cười. Cỡ thằng Nino Valenti chơi mà còn phải ký sổ như lúc nãy là yếu. Thông thường chỉ nói một tiếng là đủ nhưng có lẽ chủ sòng sợ ông khách quý Nino say rượu quên tuốt luốt nên mới bắt ký một phát cho chắc ăn. Tụi nó đâu biết thằngnhà quê này? Sức mấy nó quên? Nino có quên bao giờ!

Ván thứ hai, ván thứ ba Nino vẫn quơ tiền đều. Nó nhìn em bé hầu bàn, giơ một ngón tay lên. Lập tức con nhỏ chạy lạibar rượu pha một ly huýt-ky tổ bố mang ra. Nino tay đón ly rượu, chuyển qua tay kia để ôm cứng eo con nhỏ: "Cưng ngồi với anh. Chơi vài cây lấy hên thử coi?"

Johnny liếc nhìn. Con nhỏ người ngợm rất hay, mặt mũi rất đẹp nhưng rõ ràng thứ gái cho mướn, chẳng phải thứ đặc biệt, dành riêng cho mấy ông khách đặc biệt chút nào. Nó cười tình với đàn anh Nino bằng miệng nhưng cái lưỡi chỉ sẵn sàng thè dài ra... liếm một đồng trong số mấy chồngphỉnh 100 đô kia. Đồng ý là nghề nghiệp của nó chỉ có bấy nhiêu song Johnny thực sự tiếc cho thằng bạnnhà quê , chi tiền nhiều mà không đáng đồng tiền chút nào!

Sau khi để cho em bé thay tay vài cây, Nino dúi cho em mộtphỉnh và cho luôn một phát vỗ đít để em đi chỗ khác chơi.

Johnny ngoắc tay kêu rượu để em bé có dịp biểu diễn một vở kịch mỹ miều, uốn éo. Được anh Johnny Fontane chiếu cố dĩ nhiên em phải trổ tài ưỡn ẹo, bao nhiêu duyên dáng phải cho ra bằng hết. Mắt em phải ngời sáng lên làm bộ thơ mộng, e ấp. Dáng đi phải đung đưa, lúc lắc khoe đùi khoe ngực và cặp môi xinh xinh của em phải chúm chím, hứa hẹn một cái cắn đích đáng ở đúng chỗ mà em mê nhất. Johnny còn lạ gì những mục quyến rũ máy móc này? Em cố tình lả lơi, em sẵn sàng mời mọc nên trông em chẳng giống một cái gì... ngoài một chị cái rượng đực! Lại đến em hầu bàn này... lại đến em giở trò mồi chài cổ điển, cũ kỹ để chào mời ân ái. Cái trò này phải những lúc say mèm thì anh mới mắc nhưng bữa bay anh Johnny đâu có say?

Johnny ngước mắt nhìn, lẳng lơ cười với em một phát: "Cảm ơn cưng nhé." Chỉ vừa vặn một lời cám ơn mà môi em chúm chím, mắt em đong đưa, người ngợm em lại nhún nhảy. Coi kìa, thịt da em tự nhiên căng thẳng, làm như em vừa được thổi phồng lên và xiêm y thế kia thì dám rách tét đến nơi! Dĩ nhiên tất cả chỉ là điệu bộ, một sự hứng tình có điều khiển hẳn hoi, phản ứng tất nhiên phải có sau khi được anh Johnny Fontane "Cám ơn cưng nhé". Phải nhìn nhận là con nhỏ này làm hay kinh khủng, hay tuyệt vời. Không ngờ đấy. Nhưng với anh Johnny thì em có cừ đến mấy cũng vẫn là kịch, vẫn là đóng trò giả trá. Với anh Johnny thì sự giả trá càng cừ bao nhiêu càng chứng tỏ em là đệ nhất cao thủ trong nghề bấy nhiêu. Johnny dám đánh cá đấy!

Johnny ngó em ưỡn ẹo quay về chỗ cũ. Ngồi nhâm nhi từng ngụm rượu nhỏ sướng hơn, thực sự chẳng muốn thấy em tái diễn một màn kịch nữa. Còn đâu là hứng đêm nay?

Cỡ một giờ sau thằng Nino trở chứng. Nó gục lên bàn rồi gượng ngồi dậy, lảo đảo. Ngồi lắc lư một hồi là nó xô ghế, cắm đầu té cái độp xuống sàn nhà. Nhưng nó không té cắm đầu nổi vì thằng xếp bàn và đàn em phòng hờ đã hờm sẵn. Ngay từ lúc thấy ông Nino lảo đảo chúng đã phòng bị để vừa té là đưa tay đỡ rồi. Mỗi thằng khiêng một đầu, vén ri-đô lên đưa ông Nino Valenti qua buồng ngủ, đặt nằm ngay ngắn trên giường.

Johnny đứng ngó em hầu bàn phụ giúp hai đồng nghiệp cởi quần áo ông Nino, nhét nó tuốt dưới đống chăn. Xong đâu đấy, xếp bàn tới đếm những đồngphỉnh của Nino, hý hoáy ghi vô sổ rồi sắp xếp lại cho gọn ghẽ. Lúc bấy giờ nó mới lên tiếng: "Ông bạn tôi cứ thế này... bao lâu rồi?" Xếp bàn cho hay:

- Ấy, hôm nay là sớm đấy. Mọi hôm thì còn khuya... Lần đầu tiên tụi tôi còn kêu bác-sĩ lên phòng săn sóc và in hình ông bác-sĩ có "giảng bài" một hồi. Sau đó Nino dặn tụi tôi chớ có gọi y-sĩ mất công. Chỉ thảy lên giường rồi sáng mai sẽ đâu vô đó hết. Nino dặn sao tụi tôi làm y lời. Có cái lạ là say sưa vậy đó mà chơi đêm nào cũng ăn bài mà... ăn lớn là khác. Như đêm nay có vậy mà cũng đớp của sòng cỡ 3 ngàn đô-la chớ đâu có ít? Không hiểu sao Nino lại hên kỳ cục vậy?

- Vậy hả? Vậy thì mấy người xuống kêu ngay y-sĩ lên đây. Kêu lên gấp và kêu bằng được nghe? Cứ việc réo tên Jules Segal ầm lên nghe...

Cỡ 15 phút sau Jules Segal lò mò lên phòng và cứ bề ngoài mà đánh giá thì chẳng có vẻ y-sĩ quái gì hết. Chân đi giày da mềm không dây không vớ, quần xà lỏn trắng bó sát và áo pô-lô đan xanh nước biển dán sát vào người. Đã vậy lại xách tòn ten cái túi da chuyên môn của thầy thuốc, đen xì và có dấu chữ thập đỏ nền trắng đàng hoàng.

Trong cung cách ăn mặc của thằng cha bác-sĩ này Johnny thấy ghét quá nên câu đầu tiên chào hỏi là: "Coi, mày xách cái túi đồ nghề này coi không được chút nào hết. Mày phải có cái túigolf ... mà phải cắt miệng đi mới đẹp!"

Tưởng sao, bác-sĩ Jules Segal cười hề hề: "Đúng thế, cái thứ túi bác-sĩ này đen xì xì... bà con vừa thấy đã chết khiếp đi rồi. Phải đổi cái màu đen hãm tài này mới làm ăn được!"

Jules xách túi đi tới giường Nino. Nó vừa mở túi vừa nói với Johnny: "Cám ơn bạn có lòng gởi cho tấm xéc bữa trước. Có quái gì đâu mà bạn chi dữ vậy? Quá lố!" Johnny phải gạt đi: "Có bấy nhiêu đó là quá đủ rồi, cần gì phải làm hơn? Mà bỏ cái chuyện cũ mèm ấy đi. Bây giờ tình trạng Nino thế nào?"

Bệnh tình Nino thì Jules đang nghe ngóng. Nghe tim, bắt mạch, đo áp-suất... Nó lấy ra một ống thuốc có gắn kim sẵn, phóng bập vô bả vai Nino và bóp thuốc. Rõ ràng khuôn mặt thằng Nino đang nằm ngủ trắng nhợt nhạt như sáp bỗng nhiên hồng hào trở lại, từ cặp má trở đi. Làm như máu nó vừa bị thúc cho chạy nhanh hơn nhiều vậy. Jules cho biết ngay, giọng chắc nịch:

- Định bệnh thằng Nino này thì dễ ợt. Bữa nó ngất đi lần đầu tiên tao đã lên coi và đã làm mấy cáitest rồi. Giữa lúc nó còn lịm đi tao đã cho chở nó vô nhà thương rồi đấy chớ? Nó mắc bệnh đái đường, cũng thường thôi... chịu khó thuốc thang, kiêng cữ là chẳng sợ gì hết. Phiền ở chỗ nó coi bịnh như pha và nhất định nhậu chết bỏ. Còn gì là gan, còn gì là óc! Ngay bây giờ nó đang bị một cú kích-ngất do chứng đái-đường mà ra đấy. Theo tao cách hay hơn hết là tống nó vô một y-viện đặc biệt...

Nghe Jules nói vậy Johnny mừng lắm. Vậy là bịnh Nino không có gì đáng ngại... chỉ có kiêng cữ, giữ gìn một chút. Nhưng nó vẫn phải hỏi lại:

- Mày nói y-viện đặc biệt nào? Cho nó vô trung tâm chừa rượu hả?

Jules chưa trả lời vội. Nó tớibar tự pha cho mình một ly rượu... rồi mới thủng thỉnh bước tới:

- Đâu phải? Phải tống nó vô dưỡng-trí-viện... tức nhà thương điên kìa!

- Mày nói gì kỳ vậy? Bộ giỡn chơi hả?

- Tao đâu dám giỡn chơi? Tâm trí chẳng phải là nghề của tao thật nhưng tao bắt buộc phải hiểu phần nào để đối phó với những em bé thân chủ đặc biệt của tao. Về bệnh chứng thì thằng Nino có thể chữa dứt không khó, nếu lá gan của nó không tồi tệ quá. Đó là điều chẳng ai dám biết trừ phi làm giải phẫu giảo nghiệm. Nhưng căn bệnh thực, bệnh nặng của nó nằm ở đầu kìa. Vì nó có thèm nghĩ gì đến sự sống đâu, nó còn muốn chết là khác! Chưa dứt được cái nạn đó thì Nino kể như vô vọng. Do đó tao mới đề nghị tống nó vô một nhà thương điên!

Có tiếng gõ cửa. Johnny chạy ra mở, em bé Lucy Mancini nhào vô và ôm cứng lấy nó hôn âu yếm: "Anh... gặp anh ở đây tuyệt quá, Johnny."

Johnny ấp úng: "Lâu quá mình không gặp nhau nhỉ" rồi đứng sững sờ ngó. Coi, hồi này Lucy hách quá, hách không ngờ! Trông em thon nhỏ hơn nhiều, ăn mặc chững chạc văn minh và quần áo thì toàn thứ chiến,deluxe không! Ngay mái tóc cũng vô cùng hấp dẫn: phải cắt ngắn như thế này, để cái kiểu con trai như thế này mới là ngon! Coi Lucy trẻ hẳn và đẹp hơn nhiều, Johnny dã nghĩ ngay đến việc cặp-kè tay đôi với em du ngoạn Las Vegas cũng hay đáo để. Nhưng hay thì hay cũng chẳng thể làm gì được: em giờ là người của thằng cha Jules Segal thì còn mong gì! Tối đa cũng chỉ dám giễu một câu:

- Coi, giờ này mà em còn mò lên phòng thằng Nino làm chi?

Lucy đấm vào vai nó thùm thụp:

- Bậy nào! Em nghe nói anh Nino đau và Jules lên đây coi bịnh cho ảnh nên em mới lên coi có giúp đỡ được cái gì không chớ bộ? Thế nào bịnh tình Nino sao?

- Yên chí... Nó không đến nỗi nào đâu!

Đang ngồi bật ngửa trên đi-văn, Jules hét ầm lên:

- ĐM... Ở đấy mà không đến nỗi nào! Tao đề nghị bây giờ tụi mình ngồi đây đợi... cho đến lúc nó tỉnh lại rồi mỗi người một tiếng thử nói vô coi nó có chịu vô bịnh viện điều trị không. Nếu nó mến em thì Lucy phải khuyên bảo nó thử. Còn Johnny, nếu mày là bạn nó thực tình thì mày cũng phải làm vậy, mày nhất định phải ép nó. Bằng không thì tao nói thực đó, gan thằng Nino sắp tiêu tùng đến nơi, sợ ngâm thuốc làm triển lãm Cơ-thể-học được!

Johnny bực cái giọng cầu cao của thằng cha này quá! Bộ nó tưởng nó thầy thuốc là ngon nhất chắc? Johnny đã định lên tiếng thì từ phía giường nó, giọng thằng Nino cất lên: "Ê, tụi bay. Cho tao ly huýt-ky coi?"

Nino đã nhỏm dậy từ hồi nào và đang ngồi sừng sững, ngồi thật thẳng giữa giường. Nhìn thấy Lucy nó cười hà hà: "Lucy đây hả? Lại đây với anh Nino... đi búp-bê!" Nó vừa nói vừa giang tay ra nhưng Lucy chỉ ngồi ghé một bên giường ôm hôn một phát thân thiện. Coi trông Nino bây giờ mạnh khoẻ hồng hào hẳn chớ đâu có vẻ bịnh tật yếu ớt chút nào?

Nó búng tay tách một phát gọi Johnny:

- Ê mày, cho tao một ly chớ? Đêm còn dài quá xá mà? Ủa, bàn già-dách của tao tụi nó liệng đâu rồi?

Jules uống một hơi rượu thật dài, đi tới phía Nino:

- Mày không uống được đâu nghe? Lệnh bác-sĩ đó!

Nino đóng kịch nửa tỉnh nửa say:

- Bác sĩ cái con củ... tao đây này! Ủa, mày đấy hả Jules? À, mày thì là bác-sĩ của tao thiệt... tao đâu dám nói mày? Còn Johnny sao mày không cho tao ly rượu? Để tao phải đứng dậy đi lấy chắc?

Johnny nhún vai đi tớibar nhưng Jules nói trống không:

- Tao biểu nó không uống rượu được nghe?

Thằng Jules dễ ghét chính vì lối nói này. Johnny để ý bao giờ và nói bất cứ vụ gì nó cũng cứ giở cái giọng lành lạnh, ngang ngang thế nào ấy. Lời nói của nó cấm, nhưng giọng Jules chẳng có vẻ cấm chút nào. Cái giọng không lên không xuống, không liên quan, bất cần... Chính cái giọng đó càng khiến Johnny bưng rượu lại mau cho Nino! Mà trước khi đưa còn quay lại móc lò: "Uống có bấy nhiêu chết thế quái nào được, phải không?"

"Đâu có chết được"... Nghe Jules thản nhiên nói, Lucy bỗng lo ngại. Nó định lên tiếng nhưng thôi, chẳng nói nữa, nó lặng im ngó anh Nino ực một hơi huýt-ky khoan khoái.

Johnny và Nino hai đứa nhìn nhau, ra điều cho thằng Jules này một vố. Nhưng bỗng nhiên Nino làm như nghẹt thở ngang, mặt nó tím bầm. Coi, không thở được nữa thật... nghĩa là thiếu không khí rõ. Thân hình Nino uốn cong như cầu vồng, mặt nó đỏ sọng những máu và mắt muốn lồi hẳn ra. Johnny và Lucy cuống quýt chạy lại đứng một bên giường, bên kia Jules ngó chăm băm.

Thế rồi Jules nắm cứng cổ Nino không cho cục cựa để phóng kim đẩy ngay một ống thuốc vào bắp thịt chả vai, chỗ gần cần cổ. Người Nino mềm nhũn ra, không vặn mình nghẹt thở nữa và một lát sau nằm phục xuống, nhắm mắt đánh một giấc khò khò.

Ba đứa đi trở ra ngoài phòng khách ngồi quanh sa-lông. Lucy nhanh nhảu nhấc phôn còm-măng nhà bếp mang cà-phê, săng-uých lên trong khi Johnny rót rượu uống một mình. Nó vặn hỏi Jules:

- Mày biết trước là nó nhậu vô sẽ có phản ứng vậy?

- Kể như biết chắc!

- Vậy sao mày không báo trước cho tao?

- Tao đã báo.

Johnny bực bội, cằn nhằn:

- Nhưng mày báo cái lối khơi khơi... mày báo không phải cách! Mày bác-sĩ gì mà kỳ cục thấy mẹ! Mày bất kể, mày muốn nói là mày nói... như chọc giận người ta không bằng! Mày nói tống thằng Nino vào nhà thương điên. Sao mày không lựa lời nói cho đẹp một chút? Viện Tâm-trí, Viện Thần-kinh... thiếu gì danh từ?

Lucy không biết bênh ai bỏ ai đành cúi xuống. Vậy mà Jules vẫn mỉm cười ngó Johnny:

- Phải cách... hay không phải cách quái gì? Tao dư biết là mày nhứt định cho thằng Nino uống để ra cái điều đếch thèm nghe tao, đếch thèm tuân lệnh tao. Mày còn nhớ sau khi cổ họng mày lành, mày đề nghị tao về làm y-sĩ riêng cho mày mà tao từ chối phắt không? Vì tao biết rằng mình không thể hợp nhau? Một trong những sung sướng nhất đời của một thằng thầy thuốc là niềm kiêu hãnh nắm trong tay một thứ quyền lực: nó coi như nó là trời, nó là thánh! Nhưng mày khác! Tao đối với mày chỉ là mộtthằng thánh láo khoét. Như mấy cha bác-sĩ của tụi bay ở Hollywood vậy. Mấy thằng hoặc là đếch hiểu một cái gì... hay là đếch thèm để ý, đếch thèm biết đến. Cái đó tao đếch biết nhưng căn bệnh của thằng Nino thì chúng nó bắt buộc phải biết. Chúng nó biết nhưng chúng nó vẫn cho đủ mọi thứ thuốc láo lếu, miễn sao cho khỏi chết. Chúng trưởng giả lắm và chúng lại bợ mày vì mày ông chủ hãng phim mà... nên mày cứ tưởng dâu chúng bác-sĩ đáng giá lắm chớ gì?

Mày có biết đâu tụi nó cũng bác-sĩ đấy... nhưng mày sống hay chết tụi nó có cần đếch gì! Còn tao đây này, cái nghề coi vớ vẩn vậy đó nhưng tao làm sống người, mày biết chưa? Tao cứ để cho mày cho thằng Nino uống để mày thấy tận mắt nhé! Mày biết không, thằng bồ bịch của mày kể như hỏng rồi. Nó chẳng hy vọng sống nổi, trừ phi điều trị, săn sóc thật kỹ, thật chặt chẽ. Áp suất cao, đái đường, ăn nhậu truỵ lạc... ngần ấy thứ thừa sức quất thằng Nino bất cứ lúc nào. Một cơn xuất huyết não thì sống sao nổi? Óc nó sẽ bung ra cái một, mày rõ nhớ? Đồng ý, tao nói nhà thương điên đấy. Không nói thẳng thừng vậy sức mấy mày rục rịch? Mày chỉ có thể cứu được nó... nếu thằng Nino chịu chữa bịnh, trong một Dưỡng-trí-viện. Có vậy thôi. Bằng không thì nó chết chắc, chẳng có cách nào khác.

Tuy Jules không lên giọng, không cảm xúc nhưng lời lẽ nó nói thấy ghê quá nên Lucy phải tốp bớt: "Coi, Jules mình? Sao ăn nói không hoà dịu, từ tốn chút nào? Anh em nói chuyện với nhau có hơn không?"

Jules đứng dậy. Vẻ lạnh nhạt coi bộ hết rồi, Johnny thấy vậy là mừng vì cái giọng ngang ngang, bất cần của nó cũng đổi luôn nữa.

- Mày tưởng đây là lần đầu tiên tao phải nói với những thằng như mày trong trường hợp này hả? Lucy nói "Sao anh không nói từ tốn chút nào" nhưng thực ra nó biết quái gì đâu! Tao thường nhai nhải nói với bệnh nhân: "Đừng hút thuốc nhiều... chết đấy. Chớ nhậu nhiều, làm việc nhiều... chết đấy" Mà có đứa nào nghe đâu? Dễ hiểu quá. Vì tao không nói ngay boong: "Mai chết!" Bây giờ riêng thằng Nino thì tao có thể nói với mày như sau: "Nino có thể chết lắm lắm... ngay ngày mai." Vậy thì mày suy nghĩ đi. Có cho nó đi điều trị hay không?

Một lần nữa Jules lại pha thêm ly rượu, hỏi lại Johnny:

- Thế nào, mày nghĩ sao?

- Tao cũng chưa biết nghĩ sao nữa.

Làm cạn ly rượu, Jules tới rót thêm ly nữa nói tiếp:

- Có cái này thực là kỳ cục. Hút thuốc nhiều quá có thể chết. Nhậu nhiều, làm việc nhiều... cũng vậy. Đến ăn mà ăn nhiều, nhiều quá cũng dám chết cơ mà? Đúng vậy, có thể như vậy thực? Xét trên phương diện y học chỉ có một vụ không thể làm đến chết được, ấy là cái vụ đàn ông đàn bà yêu nhau. Yêu nhiều, quá nhiều chẳng thể chết người mà thiên hạ lại bày đặt biết bao nhiêu thứ chướng ngại vậy. Nó chỉ có hơi phiền đối với đàn bà. Tao có thiếu gì thân chủ bắt buộc không nên, không thể có con nữa. Đẻ lần nữa là nguy... là có thể "đi" luôn đấy. Dĩ nhiên hoảng thì có hoảng... nhưng cỡ tháng sau đã thấy mặt mò lại "Thưa bác-sĩ... hình như tôi có bầu." Còn hình như thế nào được... thử thỏ chỉ tổ chết thêm một con! Chừng tao trách "Thì tôi đã biểunguy hiểm lắm kia mà" mày có biết họ trả lời sao không? Họ cười mủm mỉm rằng: "Thưa vợ chồng tôi... người Công giáo. Dạ, phải tuân luật đạo!"

Có tiếng gõ cửa. Hai gã bồi đẩy vô chiếc xe 4 bánh nhỏ xíu đầy săng-uých nóng và bình cà-phê. Chúng rút tấm mặt bàn ở dưới xe ra hý hoáy bày thức ăn.

Ba đứa xúm lại ăn săng-uých uống cà-phê. Johnny dựa lưng vào ghế đốt điếu thuốc hỏi móc Jules:

- Mày nói mày cứu người nhưng... hành nghề phá thai?

Jules chưa kịp trả lời thì Lucy ra miệng:

- Anh biết không... vì Jules thực sự muốn giúp mấy con nhỏ lỡ dại, để tụi nó khỏi điên đầu tự tử hoặc phá bừa bãi chỉ cốt tống được bào thai ra...

- Đâu phải giản dị có vậy! Sự thực tao đi vào ngành giải phẫu và tao lại khéo tay. Tao biết nhiều quá, biết hết nên đâm khổ vào thân. Tao mổ phanh bụng một thằng, tao coi rõ và tao biết chắc rằng chỗ ung thư hay ung nhọt của nó thế nào cũng làm độc trở lại và hết thuốc chữa. Vậy mà phải mỉm cười bảo nó cứ đi về đi, yên chí! Có những con bé đau khổ vì ung thư và tới tao, tao cắt một bên vú và sang năm cúp nốt bên còn lại. Năm sau nữa thì tao nạo sạch buồng trứng như hột dưa hấu vậy. Chết chắc chứ sống sao nổi? Nhưng mấy thằng chồng thì cứ phôn lại hỏi: "Bác sĩ thử nghiệm xong chưa ạ? Có gì lạ không ạ?"

Tao phải mướn một con nhỏ phụ tá chỉ để trả lời những cú phôn trên và làm nhưng việc vặt để chuyên tâm vào việc chẩn bệnh, trị bệnh sau khi đã có đủ hồ sơ. Tao chỉ để ra ít thời giờ tiếp bệnh, làm ăn bận rộn quá mà? Thông thường chỉ những ca hết thuốc chữa tao mới chịu tiếp xúc với thằng chồng, mà cũng chỉ để ra có hai phút điện thoại. Tao cho biết ngay tình trạng tuyệt vọng, dĩ nhiên chúng hiểu chớ... nhưng vẫn làm bộ chưa nghe rõ để hỏi dấm dớ những câu vớ vẩn. Tao bực những sự ngớ ngẩn đó và ghét phải nói sự thực.

Đó là lý do tao nhảy vào nghề phá thai. Dễ dàng mà lại sạch sẽ. Làm phúc làm đức, ai nấy cũng hể hả cả vì trút được một gánh nặng. Nó lại hạp với tính tao nữa chớ? Trên nguyên tắc, tao không coi một bào thai 2 tháng là một người, do đó không có vấn đề nhân mạng. Tao khoái làm vì nghề này vừa ra tiền lại vừa thực sự giúp đỡ được nhiều người, con gái lỡ dại cũng như đàn bà có chồng. Tao làm hăng lắm. Bữa tao bị chúng nó vồ, tao có cảm tưởng như một thằng đào ngũ bị Quân Cảnh vớ được vậy! Nhưng cũng may mà có người quen gỡ dùm cho cái án. Bệnh viện lớn không chịu mướn thì tao tà tà làm ở đây. Lại bắt đầu thấy những gì đáng nói, phải nói là nói liền. Rốt cuộc cũng chẳng ai nghe. Nghĩa là cái vòng lẩn quẩn lại bắt đầu.

Jules còn hứng chí nói nữa nếu Johnny không nhìn nhận ngay:

- Tao không nghe hồi nào? Tao còn đang suy nghĩ những lời mày vừa nói mà?

Lucy Mancini bèn đổi hướng câu chuyện sang một ngả khác:

- Thôi bây giờ mình nói chuyện khác đi. Anh Johnny, anh xuống Las Vegas làm chi vậy? Có việc hay du hí đó, ông chủ hãng phim?

- Đâu có! Anh xuống đây theo lời yêu cầu của thằng Michael. Nó có chuyện gì muốn bàn chắc? Khuya nay nó sẽ tới Las Vegas cùng Tom Hagen. Thế nào tụi nó cũng gặp em đó, Lucy. Nó nói vậy nên anh mới biết chứ? Mà em có biết chuyện gì không?

- Thì em chỉ biết qua loa. Đại khái tối mai sẽ có bữa cơm gia đình, có mấy đứa tụi mình và thằng Fred nữa. Chắc để nói về vụ quản trị lữ quán, nghe nói sòng bạc hồi này lỗ quá nên Michael được lệnh xuống coi.

Phải có lệnhÔng Trùm và phải là chuyện quan trọng lắm nên Michael mới phải từ Nữu-Ước mò xuống Las Vegas đích thân quan sát thình lình. Điều đó Johnny không lạ. Nhưng thằng Michael coi thế nào... mặt mũi nó giờ đây rao sao thì chưa nghe nói nên Johnny hỏi thầm:

- Hình như Michael mới sửa lại chỗ mặt bể, phải không?

- Đâu có? Em cứ tưởng con Kay phải bắt buộc nó sửa lúc hai đứa làm đám cưới... nhưng Michael vẫn để y nguyên. Trông dễ sợ mà nước mũi chảy ra dài dài! Đáng lẽ phải làm lại từ lâu. Mà không hiểu tại sao Jules chỉ được mời đến cho biết ý kiến rồi thôi, tịt luôn?

- Mặt nó thấy ghê... sao không làm phứt cho rồi?

Thấy Johnny thắc mắc mãi em Lucy cũng nói cho xong:

- Michael biểu thế nào cũng có chút chuyện cho Jules... Không biết có phải về vụ này không? Mà đằng nào tối mai lúc ăn cơm nó chẳng nói ra.

- Cái thằng Michael này lạ lắm! Nó cóc tin ai hết. Nó bắt tao cứ soát lại coi mấy thằng trước làm có đúng điệu không. Có một vụ giải phẫu hạng bét ai cũng làm được mà nó nhất định không chịu bỏ qua, vẫn buộc phải coi lại đàng hoàng.

Ba đứa đang nói chuyện tía lia, thì từ bên phòng ngủ của Nino chợt có tiếng người động đậy. In hình nó tỉnh rồi, nó đang cựa quậy. Ba đứa cùng chạy vô: Johnny ngồi xề xuống giường trong khi Lucy và Jules đứng bên giương mắt ngó:

- Ô hay, sao hồi này tao đâm kỳ cục vậy kìa? Đến phải sống ngoan ngoãn trở lại chắc? Mày còn nhớ cách đây 1 năm lúc hai đứa mình cặp 2 con Palm Springs không? Hồi đó tao hứng quá. Tao thề là tao không hề ghen với mày, mày có tin nổi không Johnny?

- Ủa, sao tao không tin kìa?

Johnny làm ra vẻ tin lắm lắm nhưng Jules và Lucy cứ ngó nhau: Có đời nào anh Johnny thèm làm cái việc tầm bậy là giựt đào của bồ Nino? Không bao giờ... Tuyệt dối. Mà tại sao cả năm nay Nino mới mang ra nói và bảo là không ghen? Phải có lý do chớ? Cả hai đứa cùng nghĩ ngay: hay giờ đây Nino Valenti đâm chán đời, cố tình nhậu nhẹt cho chết luôn chỉ vì ông bạn vàng vô cùng quý hoá Johnny Fontane đã cuỗm luôn em bé để anhnhà quê Nino đau lòng ôm mối hận tình?

Jules và Lucy đứng nhìn nhau, không hiểu sao Nino nói lạ vậy. Sau khi khám bệnh cho nó lần nữa, Jules nói:

- Phải có y tá trông nom cho mày đêm nay... Và sau đó mày còn phải ở biệt trong phòng ít ngày. Tao không nói đùa đâu...

- OK... Chịu liền. Với điều kiện em y tá của mày đừng có đẹp quá!

Gọi điện thoại kêu nữ y tá xong, hai đứa bỏ đi để một mình Johnny ở lại đợi. Nó ngồi thừ người ngó Nino nằm thiêm thiếp ngủ vô cùng mệt mỏi. Thằng Nino vừa nói nó không ghen vụ hai con nhỏ ở Palm Springs năm ngoái. Vậy là nó dám ghen, nó ghen với cả mình sao?

oOo

Cách đây hơn một năm Johnny Fontane một bước nhảy lên chủ hãng phim lớn và ngay cuốn phim đầu đã bắt bạc ào ào. Cuốn phim nó đóng vai chính và Nino cũng có một vai kha khá. Nhưng lạ quá, chưa bao giờ Johnny cảm thấy buồn bực như vậy. Đào kép, chuyên viên làm trọn nhiệm vụ, quỹ còn để dư ra một số tiền không xài hết! Cứ điệu này thì ông chủ cũng như tất cả anh em cộng tác sắp giàu lớn đến nơi. Nếu có một người đau khổ thì đó là Jack Woltz.

Cuốn phim số 1 vừa thành công lớn là Johnny quay luôn hai phim một lúc, lần này còn để cho Nino thủ vai chánh một phim. Thằng Nino chơi vai trò của nó rất xuất sắc, một công tử đẹp trai, duyên dáng dễ thương mà các bà các cô chịu nhất. Nino đóng ngon lành thì Johnny càng có dịp thâu bộn, đụng chỗ nào cũng nảy ra tiền. Hãng phim có lời lớn thì nhà băng cũng có ăn chia vàBố-Già nghiễm nhiên có quyền vớ một mớ. Có dịp kiếm ra tiền choBố-Già . Johnny đã khoái mà nó còn vô cùng hoan hỷ ở chỗ chứng minh được là ổng đoán không sai. Vậy mà nó vẫn buồn.

Nếu kể về uy thế thì chưa bao giờ Johnny lên đến thế. Sức mấy đệ nhất danh ca bằng nổi ông chủ hãng phim, sản xuất độc lập và phim đang hốt bạc? Các em xinh như mộng chạy theo nhiều quá, dù chỉ vì tiền. Muốn đi đâu có máy bay riêng, sống hách như vua chúa mà đóng thuế cũng được nhà nước ưu đãi nhiều khoản. Chủ hãng mà? Sung sướng đến vậy mà bên trong Johnny còn đau khổ.

Lý do thì Johnny biết quá. Sống mũi nhức, trán nhức, cổ họng đau rát. Muốn hết đau nhức chỉ có cách xử dụng giọng ca, hát lớn lên... nhưng nó đâu dám? Nó nhờ Jules Segal coi lại và Jules biểu được, muốn ca lúc nào cũng được nó mới đánh liều thử một lần. Vừa mới thử cất tiếng thì giọng ồ ồ nghe ghê quá mà sáng hôm sau chỗ cổ họng đau buốt kinh khủng. Không đau như hồi chưa cạo mụn cóc, lần này tưởng đâu cháy cổ họng. Đành không dám thử nữa, chỉ sợ giọng mất luôn, hư luôn hết gỡ.

Đời Johnny Fontane mà mất giọng ca thì tiền bạc thế lực mà làm gì? Cả một con zê-rô tổ bố! Vì đời nó dính liền với giọng ca, nó chỉ biết một nghề ca. Nó hơn người nhờ giọng ca. Nó biết giọng ca của nó tuyệt diệu. Bao nhiêu năm kinh nghiệm nó là một cây ca nhà nghề. Nó ca quá vững, chẳng phải hỏi ai nghe ai. Bảnh như vậy đó mà thình lình mất hết, mất đứt. Cả một sự phí phạm tai hại.

Hôm ấy là Thứ Sáu, Johnny muốn cuối tuần về nhà chơi với các con và Ginny. Bao giờ nó cũng phôn cho hay trước sắp về. Nó chỉ trông cho con vợ cũ từ chối một lần thôi... nhưng chẳng bao giờ Ginny nói "Không được" cả. Có bao giờ nàng từ chối không cho bố con chúng nó gặp nhau? Vậy là khá lắm, biết điều lắm rồi. Nhưng dù Virginia có là người đàn bà mà nó quan tâm đến hơn cả thì vấn đề hai đứa làm vợ chồng trở lại vẫn không thể nào được. Hoạ chăng mấy chục năm nữa kia! Lúc ấy hai đứa cùng cỡ 65, cùng đến tuổi về hưu, cùng vứt bỏ hết mọi chuyện đời thì hoạ may.

Về đến nhà Johnny đụng đầu cả một thực tế phũ phàng. Vợ thì nhăn nhó khó chịu rõ... còn con chẳng đứa nào ham bố về hết. Mấy hôm trước mẹ nó chẳng hứa chiều thứ Bảy cho hai đứa đi với chúng bạn về thăm một nông trại, có dịp cưỡi ngựa bằng thích sao?

Biết vậy nên Johnny hối mẹ con chúng đi liền, âu yếm hôn hai đứa con, cho phép chúng đi chơi. Ở cỡ tuổi chúng thì còn gì hấp dẫn bằng về nhà quê chơi trò cưỡi ngựa? Chẳng hơn phải ở nhà cùng một ông bố nhăn nhó, mỗi chút mỗi làm theo ý mình?

Johnny phải bảo: "Cô cứ đưa hai đứa đi chơi cho chúng khoái. Tôi uống xong vài ly rượu cũng biến liền". Gương mặt Ginny không dấu nổi vẻ thờ thẫn, rầu rầu. Lâu lâu cũng phải gặp một ngày như thế này chớ bộ sống thui thủi không chồng như Ginny có sung sướng gì?

Thấy nó làm một ly huýt-ky thật bự, Ginny la quá "Ô hay, anh việc gì mà phải nhậu dữ vậy? Tôi tưởng anh đang làm ăn đại phát tài chớ? Không dè anh lại kinh doanh hay đến thế đấy!"

Nghe giọng nó, Johnny làm gì không hiểu. Đàn bà là vậy, đàn bà đứa nào cũng có tật ưa ganh, thấy thằng chồng lên vù vù là mặt đã xị xuống rồi. Ra nó tưởng thằng chồng cũ đại phát tài nên vừa thấy mặt đã nhăn nhó. Làm như thằng chồng bốc khá là nó mất mát, thua thiệt một cái gì khó chịu vậy.

Muốn nó hết nhăn nhó có khó gì? Chỉ than khổ là đủ. Johnny cũng làm bộ nhăn nhó: "Đại phát tài cũng cóc có nghĩa gì! Giọng ca của tôi có còn đâu?"

Lạ thật, Ginny hết rầu liền mà còn có ý thương hại:

- Coi, giọng ca có mất luôn cũng có làm sao? Anh bây giờ có phải con nít đâu mà tha thiết giọng ca quá vậy? Ngoài 35 tuổi rồi mà? Bộ làm chủ hãng phim nhiều tiền hơn... không khoái hơn đi ca hả?

Johnny ngạc nhiên ngó con vợ cũ:

- Tôi là ca sĩ. Tôi thích ca, tôi yêu nghề... chớ tuổi tác đâu có gì ăn nhậu gì mà cô nói vậy?

- Tôi lại không thích anh ca chút nào! Bây giờ anh quay phim cừ thì anh không hát được tôi còn mừng nữa.

- Không ngờ cô có ý nghĩ đểu vậy!

Johnny giận run người. Nó hét lớn lên. Không ngờ con vợ cũ có thể nuôi ý tưởng độc địa như vậy và nói hẳn ra miệng. Nó có thể oán hận tới cỡ đó sao? Ginny thấy nó nổi giận chỉ mỉm cười:

- Có gì đểu nào? Anh bắt tôi phải nghĩ gì khác khi thấy bọn con gái chạy theo anh ào ào... chỉ vì cái giọng ca đó? Nếu tôi ra đường mà bọn đàn ông đuổi theo tôi như vậy anh sẽ phản ứng thế nào? Tôi chỉ mong sao anh mất giọng luôn, anh ca không nổi nữa kìa. Nhưng dĩ nhiên đó là hồi trước khi mình ly dị.

- Cô không hiểu gì hết... hoàn toàn không hiểu gì hết!

Johnny vừa cằn nhằn vừa cạn sạch ly huýt-ky. Nó vô nhà bếp gọi điện thoại cho Nino, hẹn hò xuống Palm Springs chơi một cúweekend cho thoả thích. Nó cho Nino số phôn của một em rất hách mà nó vẫn mê xưa nay nhờ liên lạc dùm: "Thế nào mày cũng có một con bạn của nó, Nino. Tao sẽ đến nhà mày lối 1 giờ nữa".

Con vợ cũ từ biệt thật lạnh nhạt nhưng Johnny đâu cần? Ít khi nó bực bội cỡ này. Phải chơi cho nát nước mấy ngày cho hả giận, cho tiêu hết sự căm hận chất chứa lâu nay.

Chơi bời ở khu Palm Springs thì sung sướng quá rồi. Nơi đây Johnny Fontane có nhà riêng, mùa này còn có sẵn đầy tớ sai bảo là khác. Hai em còn trẻ nên tính nết rất chịu chơi và dĩ nhiên chẳng phải týp đi xin, năn-nỉ ái tình. Cả bọn bơi lội đã rồi phơi nắng tới sẩm tối. Nino kéo em bé lên phòng và yêu em lúc da còn rát nắng... nhưng Johnny chẳng thấy hứng chút nào. Nó biểu em Tina lên phòng tắm một mình. Có điều lạ mà Johnny nhận thấy từ lâu nay là nó chẳng bao giờ hứng nổi mỗi khi có chuyện gây gổ với Ginny!

Một mình Johnny mò lên phòng khách phía trước nhà bốn bề vách kiếng có cây dương cầm để sẵn. Hồi còn đi ca với ban nhạc, Johnny hay có lối đùa chơi với cây dương cầm để biểu diễn một bản tình ca ướt át dưới ánh trăng vàng của một cây đèn chiếu. Hôm nay nó cũng ngồi dương cầm gõ vài nốt và ư ử ca thử một vài đoạn. Em ca sĩ thon nhỏ tóc vàng Tina sau khi pha cho anh Johnny ly rượu cũng kín đáo ngồi sau lưng khe khẽ hát theo. Johnny để mặc cho em ca một mình, mò lên phòng tắm vừa xối nước vừa hát vài câu ngăn ngắn. Tắm xong đi xuống vẫn thấy Tina còn ngồi trước dương cầm một mình. Nino vẫn chưa thấy mặt, không hiểu nó ham gái hay say rượu nằm ngất ngư chỗ nào rồi?

Lúc Johnny trở lại cây dương cầm thì Tina đã lảng ra ngoài sân, đứng ngó ra phía hồ tắm. Nó thử cất tiếng hát một bản quen thuộc ngày xưa. Cổ họng không thấy đau gì hết! Giọng ca chưa cất bổng lên được nhưng ít nhất cũng đã phát ra tiếng. Johnny nghểnh cổ ngó: Tina vẫn đứng ngoài, cửa kính vẫn đóng kín. Nó có thể hát thử mà không sợ ai nghe thấy. Johnny lấy hơi thử ca thật chững chạc một bản tình ca "ruột" hồi đó. Giọng nó cất lên cao vút, thật khoẻ như những lần biểu diễn trước công chúng vậy. Chỉ chờ một phát nhói đau ở cổ họng là rồi! Nhưng không sao cả, không cảm thấy trở ngại gì hết. Nó lắng nghe lại chính giọng mình. Đồng ý nghe bây giờ lạ hẳn nhưng Johnny khoái vậy. Nghe trầm hơn. Một giọngnam rõ ràng chớ không phải...đồng nam . Nó trầm và phong phú. Johnny đi một hơi dứt bản và ngồi lặng yên suy nghĩ.

Nó bỗng giật bắn mình "Khá lắm... khá lắm lắm mày!" Quay lại thấy Nino đứng sững trước cửa. Một mình nó, Johnny tối kỵ đang hát một mình có người nghe lọt. Nhưng một mình thằng Nino thì được. Không sao hết! Nó lên tiếng:

- Nino... mày cho hai con nhỏ de đi dùm tao cái! Mày biểu tụi nó về đi...

- Mày nói đi. Sao lại tao nhỉ? Cả hai con cùng ngoan ngoãn quá mà... đuổi nó về sao được? Vả lại tao vừa yêu con nhỏ của tao tới hai lần bây giờ nỡ lòng nào để cho nó nhịn đói bò về nhà?

Thôi được, kệ cha chúng. Có hát dở như hạch mà có chúng nó nghe đã sao chưa nào? Johnny nhấc phôn kêu gấp một thằng nhạc trưởng ở Palm Beach, mượn đặc biệt cho Nino một câymandoline . Nó hét lớn: "Giờ này ở California có ma nào chơimandoline nữa bố?" Johnny phải la lớn hơn: "Cứ kiếm bằng được cho tao".

Thế là chỉ một lát sau nhà đầy nhóc những dụng cụ ghi âm. Hai con nhỏ được nhờ làm "điều chỉnh viên" để canh máy cúp máy. Ăn cơm tối xong Johnny nhờ Nino đệmmandoline để nó biểu diễn lại tất cả những bản "ruột" ngày nào. Nó hát thật tự nhiên, thật khoẻ, không cần giữ giọng. Mà cổ họng nó có sao đâu? Vậy là tha hồ hát, hát mãi. Trong khoảng thời gian mất giọng biết bao nhiêu lần Johnny đã suy nghĩ nhiều về cách thức trình bày từng lời ca câu ca, phải biểu diễn khác hẳn hồi trước. Nó đã hát trong đầu, đặc biệt nhấn mạnh chỗ nào, như thế nào cho thật văn minh. Bây giờ nó hát thật và chừng đó mới thấy nhiều chỗ trình bày trong tưởng tượng thì được lắm nhưng hát thật, hát lớn lên lại hỏng rõ. Nó không cần nghe nữa mà tập trung vào cách thức trình bày. Cũng trật nhịp, nhưng chỉ tại nghỉ hát quá lâu! Luyện lại là đâu vào đấy chắc. Bao nhiêu năm hành nghề, có cả một máy nhịp trong đầu... thì còn trật thế nào?

Lúc Johnny ca xong, em Tina mắt sáng lên chạy tới bá cổ hôn ngon lành. Em khen một câu rất vô duyên là "Bây giờ em mới hiểu tại sao má em hồi đó mê coi Johnny Fontane đến thế." Gặp trường hợp nào khác chắc chắn em sẽ lãnh phản ứng ê mặt song tối nay Johnny và Nino chỉ cười hề hề.

Johnny cho chơi lại cuốn băng để lắng nghe, phân tích kỹ giọng mình. Giọng ca thay đổi, thay đổi nhiều nữa nhưng rõ ràng vẫn là Johnny Fontane, chững chạc, phong phú! Có hồn, có tình cảm mà kỹ thuật trình diễn thì cao độ, phải nói là bực thầy. Mới gượng lại đã vậy thì rồi đây hẳn không chê được! Nó cười hỏi Nino:

- Giọng tao khá đấy chứ?

- Khá quá là khác... nhưng phải đợi ngày mai xem có còn khá không!

- Ít ra cũng khá hơn mày chắc. Tao đếch cần mai. Bây giờ ngon là đủ.

Thằng Nino tính nết vậy đó. Johnny bực mình lắm nhưng chẳng thể làm gì hơn. Nó nghỉ, không hát nữa. Hai đứa cặp hai con đi du hý một phát rồi đến khuya về Johnny du dương với em bé Tina. Phải công nhận là nó hát còn cừ thật... nhưng làm tình thì bết rõ. Johnny biết Tina cụt hứng nhưng chẳng thể làm sao hơn. Không lẽ trong một ngày... làm cái gì cũng bảnh?

Đêm hôm đó Johnny trằn trọc vì cơn ác mộng: nó nằm mơ thấy hát lại được. Chừng biết đó là sự thực lại chỉ lo mất giọng. Bèn mặc py-ja-ma mò xuống dưới nhà, vặn ra-đi-ô nghe một lát rồi lấy hơi hát theo. Nó chỉ cất tiếng khe khẽ trong cổ họng và hồi hộp quá. May quá, cổ họng nó không đau mà cũng không vướng víu gì hết. Lúc bây giờ Johnny mới dám cao giọng hát. Thanh âm phát ra dễ dàng quá, không cần phải cố gắng. Một làn hơi phong phú, trung thực. Yên chí rồi, cơn ác mộng hãi hùng đã qua hẳn.

Đối với Johnny đó là niềm vui lớn. Miễn là nó còn giọng, còn ca được ngon lành. Thất bại điện ảnh chẳng cần, em Tina mất hứng cũng chẳng sao mà con vợ cũ có hận nó vì giọng ca cũng thây kệ nó. Chỉ hơi tiếc một chỗ: phải chi nó tìm lại được giọng ca lúc ca cho hai đứa con nhỏ nghe thì khoái biết mấy!

oOo

Lúc bấy giờ con y-tá tà tà đẩy vô một chiếc xe nhỏ đầy những thuốc. Johnny đứng lên ngó thằng Nino: nó nằm thiêm thiếp, ngủ hay chết cũng chưa biết chừng. Nó biết thằng Nino ghen, chẳng phải vì nó tìm lại được giọng ca mà chỉ vì nó đã quá sung sướng khi hát lại được. Nghĩa là Johnny còn quá tha thiết đến giọng hát. Trong khi nó, nó không còn quan tâm đến bất cứ một sự gì. Nino đâu còn thiết đến một chuyện gì, kể cả mạng sống của chính nó?

Đã xem 384601 lần.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 27

Mãi sẩm tối Michael mới tớiLas Vegasvà đã cho hay trước khỏi ai ra phi trường đón. Đi cùng nó chỉ có hai người, Tom Hagen và một tay cận vệ mới tên Albert Neri.

Dĩ nhiên là bọn Michael được dành sẵn một dãy phòng liền nhau, thứ hách nhất lữ quán. Mấy người có việc cần gặp nó cũng đã chờ sẵn trong phòng.

Thấy mặt thằng em út, Fred ôm lấy coi bộ thương mến lắm. Chà, hồi này cậu hai nhà Corleone coi mập ra, tốt tướng, rõ ra vẻ dân-cậu. Bộ đồ lụa xám nó mặc cắt thật chiến, đầy đủ lệ bộ đi kèm theo đúng mốt. Mớ tóc cũng để điệu bộ như kép xi-nê, nghĩa là hớt tỉa bằng dao. Mày râu nhẵn nhụi sáng bóng lên, mấy cái móng tay cũng o bế cắt tỉa gọn gàng. Mới có 4 năm mà Fred coi đã khác hẳn hồi xuống đây lánh nạn!

Nó lùi mấy bước, đứng xa xa ngó Michael: "Được lắm. Mày phải sửa lại như vậy coi mới bảnh trai chớ? Chắc lại bà xã bắt buộc... đành phải sửa vậy, phải không nào? Mà Kay hồi này ra sao... sao không xuống chơi luôn thể?"

Michael tươi cười: "Anh coi mới đúng là bảnh trai! Nhà tôi cũng muốn đi lắm nhưng đi đâu được? Con còn nhỏ phải trông nom, lại vừa có bầu nữa! Mà tôi xuống đây có công chuyện gấp, tối mai hay cùng lắm sáng mốt đã phải về rồi."

- Chừng nào về thì về... nhưng bây giờ phải ăn cái gì đã chớ? Thằng xếp bếp làm cho mình dưới này cừ lắm, cam đoan có nhiều món mày chưa được ăn bao giờ. Mày lo đi tắm, thay đồ... để tao bảo chúng lên đây dọn dẹp. Mấy người mày cần gặp tao đã hẹn sẵn. Đúng lúc mày chỉ việc nhấc phôn lên...

- Tốt lắm... nhưng nhớ để thằng Moe Greene sau chót hết! Anh mời dùm Johnny, Nino và Lucy, Jules ăn cơm đêm nay luôn thể. Mình vừa ăn vừa nói chuyện tiện hơn. Này, Tom... ngoài mấy người đó mình có cần gặp ai nữa không?

Tom lắc đầu. Nãy giờ thằng Fred coi bộ lạt lẽo với nó rõ, Tom biết nhưng cóc cần. Nó bị ông già cho vào sổ đen, chẳng được tí ân huệ gì nên cứ thằngconsigliori mà oán. Ra điều anh em mà lờ nhau đi, không "chạy chữa" dùm! Sự thực Tom cũng muốn nâng đỡ nó phần nào nhưng không hiểu saoBố-Già kỵ Fred nặng đến thế? Ổng có nói ra miệng đâu, nhưng để ý một chút là thấy ổng ghét nó thậm tệ.

Mãi đến ngoài 12 giờ khuya tất cả mới tụ họp ăn nhậu ngay trong phòng Michael. Lucy hôn lên má nó và làm gì không thấy khuôn mặt sửa lại coi rất hay nhưng lẳng lặng, không nói gì. Nhưng Jules Segal khác, nó chạy đến tận nơi đưa tay rờ rẫm thử và khen ầm lên: "A, tay nào làm được đấy! Giải phẫu mà lớp xương gò má liền lạc, phẳng phiu như thế này là ngon quá! Còn chỗ sống mũi thế nào, còn nhức còn chảy nước nữa thôi?"

Michael thủng thỉnh: "Giải phẫu hay lắm. Cám ơn bạn giúp đỡ một phần."

Cùng ngồi ăn một bàn khuya nay, mọi người không thể không quan sát ngầm Michael. Coi, nó hệt nhưÔng Trùm , giống từ cử chỉ đến lời ăn tiếng nói, giống quá! Mà lạ, nó có hành động gì khác lạ đâu... nó ăn uống chuyện trò thân mật, vui vẻ - nhiều lúc Michael còn phải cố làm ra vẻ thân mật nữa - mà hình như vẫn có một cái gì dễ nể, đáng ngán lắm ở bên trong con người của nó. In hệtBố-Già ngày nào.

Hagen vẫn cứ trầm lặng, vẫn cứ nấp sau hậu trường như thường lệ. Còn thằng Albert Neri chưa ai gặp lần nào nhưng coi bộ nó ít nói, ít để ý chuyện người lắm. Nó nói còn no quá, không muốn ăn nên xách tờ báo ra ngồi sát cửa ra vô.

Sau khi ăn uống no nê, bọn bồi bàn được lệnh de hết. Michael mở lời với đàn anh Johnny Fontane:

- Xin có lời thành thực mừng anh. Tôi nghe nói giọng ca của anh lại tốt trở lại như cũ, lại có nhiều người hâm mộ.

Johnny "Cảm ơn chú" rồi thôi. Nó ngạc nhiên ở chỗ được nhắc tới trước hết. Không hiểu thằng Michael muốn gặp nó ở đây có chuyện gì kìa? Không lẽ... nó có cái gì muốn nhờ vả?

Giữa lúc ấy Michael lên tiếng giải thích chung:

- Gia đình tôi quyết định dời hết xuống Las Vegas làm ăn. Bao nhiêu công chuyện làm ăn hiện thời ở Nữu-Ước tốp hết, chẳng hạn như cơ sở nhập cảng dầu ăn. Việc lập nghiệp ở dưới này thì ông già đã thảo luận nhiều lần với Tom và tôi... và cùng đồng ý tương lai gia đình Corleone là ở Las Vegas. Chẳng phải vài tháng, một năm mà có khi phải 3, 4 năm nữa mới thanh toán xong công việc. Đầu tiên là khởi sự khai thác cơ sở lữ quán này vì phần lớn có phần là của người nhà, chỉ việc mua lại số cổ phần của Moe Greene là mình toàn quyền nắm hết.

Nghe Michael thản nhiên tính toán chắc ăn quá, khuôn mặt tròn xoe của thằng Fred chảy dài ra. Nó không thể không cúp ngang:

- Mày nói mua lại... nhưng có chắc Moe bằng lòng bán không? Tao không tin nó bán đâu đấy. Chẳng thấy nó nhắc tới bao giờ... Vả lại nó khoái cái lữ quán này lắm mà?

- Thì mình sẽ đưa một đề nghị mà nó không thể từ chối.

Giọng Michael bình thản nhưng vẫn có một cái gì dễ nể, thực tình làm người nghe lành lạnh gáy vì nó nhắc đúng câu "ruột" củaBố-Già. Nó quay sang phía Johnny:

- Anh Johnny giai đoạn khởi sự làm ăn, ông già trông cậy nhiều vào anh đấy. Nghe nói nghề lữ quán, sòng bạc muốn đông khách phải có trình diễn ca nhạc thật bảnh để lôi cuốn họ. Chẳng hạn một năm anh ký giao kèo chơi cỡ 5 lần, mỗi lần cỡ 1 tuần lễ. Bè bạn anh trong nghề thiếu gì, anh thấy tay nào chơi ăn khách thì kéo về cho xôm trò. Vì cảm tình, vì chịu ơn riêng của anh... họ sẽ giúp lữ quán mình...

- Cái đó thì dễ quá! Công việc củaBố-Già thì đương nhiên là tôi phải yểm trợ rồi, yểm trợ đích đáng...

-... Và chính anh cũng có quyền lợi vào đó nữa, một số cổ phần trong công ty chẳng hạn. Các nghệ sĩ khác thì tay nào thật quan trọng mà anh cho là mình cần đến họ thì cũng được chia cổ phần vậy. Anh có thể tin vậy đi vì đó là ý kiến của ông già. Tôi chỉ thay mặt ổng...

- Dĩ nhiên chú nói là tôi tin chớ? Có điều chú phải để ý là ngay bây giờ cũng đã có ít nhứt 10 lữ quán đang thành hình ở Las Vegas này. Sẽ có một sự cạnh tranh ghê gớm và chừng chú ra làm ăn thì gay go lắm đấy, sợ trễ quá!

Hagen ngồi bên có lời giải thích ngay:

- Cái đó khỏi lo. Ít nhất mình cũng có anh em bồ bịch nắm 3 trong số 10 lữ quán đó.

Johnny hiểu ngay. Nó nói vậy có nghĩa là 3 lữ quán mới cũng là của nhà Corleone. Cộng với 1 cái hiện có là 4 cơ sở thì thiếu gì cổ phần! Johnny gật đầu: "OK... tao sẽ tiến hành ngay công việc."

Quay sang Lucy và Jules, Michael hỏi thẳng:

- Tôi còn mang ơn anh một việc. Nghe nói anh có ý định trở lại nghề giải phẫu mà các bệnh viện lớn không chịu mượn, chỉ vì cái vụ phá thai hồi đó. Tôi muốn nghe tự miệng anh nói... có phải anh muốn vậy không?

- Thì đại để như thế. Nhưng cái nghề thuốc này tổ chức kỳ lạ lắm. Tôi sợ anh bạn có thế lực bao nhiêu cũng khó lòng giúp được tôi. Chẳng thể làm gì được họ.

- Đúng như vậy. Nhưng hiện giờ một số thân hữu của gia đình tôi đang có ý định cất một y viện thực tối tân ở Las Vegas. Một thành phố đang phát triển nhất định phải có một cơ sở như vậy chớ?

Có cái y viện đó ở Las Vegas... thì chắc chắn anh phải có một chỗ đứng ngon lành trong phòng giải phẫu. Coi, ở đất sa mạc này mà có được một nhân tài giải phẫu như anh thì may cho họ quá rồi. Sợ bằng phân nửa anh kiếm cũng không ra! Vậy thì anh cứ làm tạm ở lữ quán đó coi. Nghe nói anh và Lucy tính làm đám cưới nay mai?

Jules nhún vai: "Đúng vậy, nếu tương lai có bảo đảm một chút". Lucy châm vô một câu: "Đó, hắn nói vậy đó. Không có cái y viện đó... tôi dám trở thành gái già đấy!"

Mọi người cùng cười ầm, trừ Jules. Hắn nói như đặt vấn đề:

- Xin nói trước là nếu có nhận công việc gì đó... thì khỏi có điều kiện gì trói buộc nghe!

- Đúng. Không trói buộc gì hết. Tôi có món nợ muốn trả cho xong vậy thôi.

Nghe giọng nó lạnh tanh. Lucy phải vuốt một câu: "Tính Jules ưa nói thẳng vậy... Michael đừng buồn nghe!" Nó mỉm cười quay sang Jules:

- Ồ, buồn gì! Có điều anh Jules nói... nghe không vô chút nào! Chắc anh còn nhớ bọn này gỡ rối cho anh hồi đó thế nào. Nhưng tôi đâu có ngu ngốc đến độ ỷ vào đó để ép anh làm một việc gì trái ý? Mà cho dù tôi có làm vậy cũng đã sao? Anh thử nhớ coi... lúc lâm nguy có đứa nào giơ một ngón tay lên bênh vực anh không? Thực sự là nghe nói anh muốn trở lại nghề... để hành nghề y-sĩ giải phẫu thật xứng đáng tôi đã suy đi nghĩ lại xem có thể làm gì để giúp anh được không. Tôi thấy có thể. Chớ đâu muốn anh làm một cái gì cho tôi? Mình cứ coi nhau như bạn... và chỗ bạn bè giúp nhau là thường quá mà? Tôi tin là anh hiểu điều đó hơn ai hết. Nghĩa là nếu có một cái gì trói buộc giữa chúng ta thì đó chỉ là tình bạn. Đó là điều kiện của tôi đó... nhưng dĩ nhiên anh có thể từ chối.

Hagen cúi xuống, mỉm cười một mình. Michael quả là thằng biết sử dụng khoa ngôn ngữ màBố-Già cũng không hơn. Nó vừa dứt lời là bác-sĩ Jules Segal đỏ mặt, lúng túng xin lỗi:

- Michael, tôi không định nói vậy đâu. Bỏ qua đi... chớ gia đình Corleone với tôi là ân nhân mà?

Michael gật đầu:

- Vậy thì được. Cho đến ngày y viện ra đời, tạm thời anh cứ làm y-sĩ riêng cho cả 4 lữ quán nhà đi. Anh có quyền tuyển mộ thêm người giúp việc... và lương anh dĩ nhiên cũng lên nữa nhưng cái đó Tom Hagen sẽ cho anh biết sau. Còn Lucy, tôi muốn chị giúp một việc quan trọng hơn, chẳng hạn như kiểm soát tài chánh tất cả nhưng gian hàng sẽ mở ở từng dưới lữ quán, hoặc tuyển mộ các nữ nhân viên vô làm sòng nha. Vậy chị có quyền yên chí. Nếu Jules không làm đám cưới, chị vẫn là gái già... gái già nhà giàu!

Nãy giờ Fred nôn nóng ngồi kéo khói xì-gà... thắc mắc về số phận của nó chưa được đả động tới. Sau cùng Michael mới quay sang phía nó nói thật ôn tồn:

- Tôi chỉ là "sứ giả" của bố. Bố biểu gì làm nấy. Riêng anh nếu Bố định giao công việc gì thì Bố sẽ đích thân cho anh biết... nhưng tôi chắc thế nào anh cũng có một cơ-sở đúng ý muốn vì công việc dưới này anh làm trôi chảy hết. Ai cũng phải công nhận như vậy.

- Vậy thì Bố còn buồn bực tao cái gì nữa chớ? Tại sòng bạc thua lỗ hả? Đâu có phải tao phụ trách vụ đó, thằng Moe Greene mà? Không hiểu bố còn bắt tao thế nào nữa đây?

Nghe giọng thằng anh rên rỉ, Michael trấn an: "Anh đừng thắc mắc! Không có chuyện đó đâu..." Nó quay sang hỏi Johnny:

- Ủa, Nino đâu kìa? Tôi muốn gặp hắn chút xíu.

- Chà, nó đau dữ. Giờ này nó nằm liệt giường, phải mướn y tá canh chừng tối ngày. Jules biểu nó chán đời, muốn chữa cho nó phải cho vô Dưỡng-trí-viện kìa. Cho vô Dưỡng-trí-viện thì tội nó quá!

- Tội nghiệp thật vì bản chất Nino là người tốt. Tôi chưa hề thấy hắn chơi xấu với ai... hay làm cái gì bậy bạ. Hình như Nino không còn thiết đến một cái gì, ngoài rượu!

- Đúng, thằng Nino chán đời thực tình. Nó không còn thiết đến một cái gì, kể cả tiền bạc, tên tuổi. Nó muốn kiếm tiền thì thiếu gì, ca cũng được mà đóng phim cát-xê cũng cao lắm. Một phim 50 ngàn đô chớ đâu phải ít? Tao chơi với nó cả chục năm nay, chưa hề thấy nó chơi xấu với ai. Bây giờ nó mượn rượu để tự sát có khổ không chớ?

Jules vừa định lên tiếng thì từ ngoài phòng có tiếng gõ cửa ầm ầm. Nó tưởng đâu Albert Neri sẽ đứng dậy ra mở cửa, nhưng trái lại nó cứ ngồi nguyên vị, vờ đọc báo để Hagen làm công việc đó. Thằng Moe Greene đẩy cửa ào vô, hai thằng cận vệ đeo dính đằng sau.

Moe Greene đẹp trai, to con nhưng bản mặt lầm lì thật cô hồn dễ sợ. Dù ngày giờ này làm ăn rất lương thiện nhưng trông thấy mặt ông chủ lữ quán là tất cả nhân viên tự nhiên rét hết. Ngay Lucy và kể cả Fred nữa... đều không muốn đụng đầu nó chút nào. Trông thấy từ đàng xa là lo né rồi. Vì ai cũng biết gốc của nó là găng-tơ thứ dữ, thành danh đệ nhất đao-phủ-thủ của tổ-hợp giết mướn Brooklyn. Có lẽ chán nghề giết người nên Moe Greene xoay sang nghề làm sòng, bỏ Nữu-Ước xuống lập nghiệp ở Las Vegas. Nó là dân giang hồ đầu tiên đánh hơi ra mỏ vàng và là ông chủ lữ quán số 1 mọc lên giữa vùng hoang vu này.

Khuya nay mặt Moe Greene càng lạnh lùng dễ sợ. Michael chưa ra lời thì nó đã ào ào:

- Michael, tao có chuyện muốn nói với mày mà đợi mãi không gặp. Sáng mai tao lại nhiều công chuyện gấp quá. Vậy mình nói chuyện ngay bây giờ được không?

Michael gật đầu "Được chớ". Mắt nó ngó Moe Greene coi bộ ngạc nhiên lắm nhưng không khách sáo, lạnh nhạt chút nào. Nó đưa tay ra hiệu cho Hagen: "Tom, mời ông bạn ly rượu chớ?"

Chỉ cần đưa mắt nhìn Albert Neri, Jules cũng thấy thằng này cóc coi hai anh vệ sĩ của Moe Greene ra gì! Cả hai thằng đang đứng dựa lưng vào vách, sẵn sàng bảo vệ ông chủ mà nó cứ phớt tỉnh, mắt long sòng sọc ngó Moe Greene. Nhưng dường như Albert cũng biết dư là tình hình này chẳng thể chơi dữ, chơi dữ ở Las Vegas là không xong với toàn thể anh em giang hồ. "Đại hội" chẳng có chỉ thị rõ Las Vegas là cấm địa, không thằng nào được quyền giở dao giở súng ra để dân cờ bạc tha hồ kéo đến chơi sao?

Moe Greene ra lệnh cho thủ hạ:

- Tụi bây đưa mấy bà con này xuống dưới sòng chơi đi. Đêm nay họ là thượng khách của sòng, đưa biếu họ một sốphỉnh , họ chơi bao nhiêu sòng bao hết nghe!

Nó nói "bà con" có nghĩa tất cả những người không cần phải có mặt trong phòng này, tức Lucy, Jules, Johnny và cả người lạ mặt Albert Neri. Tuy nhiên Albert vẫn ngồi nguyên vị cho đến khi Michael biểu đồng tình: "Phải đó! Ý kiến hay đấy."

Lúc bấy giờ Albert mới đứng dậy, theo chân mấy người khác đi ra. Trong phòng chỉ còn lại 4 người: Michael, Tom Hagen, Fred, và Moe Greene. Dằn mạnh ly rượu trên bàn, Moe Greene hục hặc nói ngay vào đề:

- Tao nghe nói gia đình Corleone tính mua đứt số cổ phần lữ quán này, tính cho tao de luôn. Đời nào có chuyện mua bán kỳ lạ vậy? Người mua đứt phải là tao đây này!

Giọng Michael vẫn ôn tồn, rất biết điều:

- Sòng bạc đang thua đậm, thua một cách lạ lùng. Có thể có một sơ-sót nào đó về vấn đề quản trị. Biết đâu chừng bọn tôi làm chẳng đỡ hơn?

Moe Greene cười ha hả:

- Đỡ hơn! Mày tính toán ngon đấy. Chuyện đời lật lọng thật, lúc thằng Fred xuống đây tỵ nạn tao sẵn lòng lo cho như vậy đó. Bây giờ qua khỏi rồi mày tính đá đít cả tao nữa! Nhưng mày tính vậy thôi... chớ tao đâu có phải thằng dễ đá như vậy? Tao còn anh em bồ bịch quá nhiều mà!

- Anh bạn nên nhớ là anh bạn đâu có lo không cho thằng Fred? Phải có một mớ tiền kèm theo để anh bạn đủ điều kiện mua sắm đồ đạc thì lữ quán này mới mở cửa được chớ? Sau đó còn phải đứng ra bảo lãnh để sòng bạc có vốn hoạt động. Nếu không có cánh Molinari bảo vệ Fred thì anh bạn có dám lãnh không? Huống hồ họ cũng đã đền ơn lại anh mấy khoản sòng phẳng. Như vậy giữa anh và gia đình Corleone kể như huề, không hiểu anh kêu ca, trách oán cái nỗi gì. Chúng tôi muốn mua và anh toàn quyền ra giá... sao lại gọi là đá đít kìa? Có thể nó là mua dùm anh, làm ơn cho anh là khác, xét vì sòng đang lỗ vốn!

- Mày nói ngon đấy, nhưng gia đình Corleone bây giờ đâu phải giang hồ Corleone ngày xưa!Ông Trùm nằm một chỗ thì thế lực còn cái quái gì? Mày tưởng là bị bọn chúng đẩy bật ra khỏi Nữu-Ước thì nhảy xuống đây tha hồ làm trời chắc? Cho mày hay một điều: Chớ có thử bậy!

- À, ra thế đấy? Có phải vì anh bạn nghĩ vậy nên mới hạ nhục thằng Fred, đập nó trước công chúng phải không?

Nghe Michael điềm đạm hỏi một câu động trời, Hagen ngạc nhiên đưa mắt ngó thằng Fred. Mặt nó đỏ nhừ, nó ấp úng cãi:

- Đâu có gì, Michael? Moe có làm gì đâu mà bảo hạ nhục? Thỉnh thoảng nó cũng nóng giận nhưng rồi lại thôi, đâu vào đấy ngay mà? Giữa tao và nó bao giờ cũng là tình bạn, phải vậy không Moe?

- Đúng thế. Tao chịu trách nhiệm điều khiển cả cái lữ quán này... không cứng vậy hoá loạn sao? Tao có bực thằng Fred là bực nó chơi loạn, chơi vô trách nhiệm... con chiêu đãi nào nó cũng quất bừa hết, thét rồi tụi nó nghỉ ngang, không có người làm nữa. Như vậy đó bảo sao tao không bực bội đập cảnh cáo cho nó tởn?

Mặt Michael lỳ lỳ. Nó tỉnh bơ hỏi lại Fred: "Thế có nghĩa là anh bị đập cảnh cáo đấy?" Lấm lét nhìn thằng em, Fred không dám trả lời... nhưng Moe Greene cười ha hả tố tiếp:

- Mà cái thằng khốn nó đâu thèm quất từng con một? Nó chơi cái lối cá cặp bắt hai em quần một lượt mới hứng thú. Chơi như mày tao cũng sợ luôn, Fred! Con nào từng qua tay mày một lần thì bao nhiêu đàn ông khác cũng kể như zê-rô luôn.

Hình như lời tố cáo bất thần của Moe Greene làm Michael kinh ngạc đứng sững sờ. Nó ngó Hagen. Hai thằng nhìn nhau lặng thinh. Đúng rồi, phải có vậy nó mới bị ông già cho vô sổ đen. Với một ông bố thủ cựu, tối kỵ những chuyện tình ái lăng nhăng nhưBố-Già thì chơi cá cặp như thằng Fred quả là đi đến chỗ tột cùng của truỵ lạc, đốn mạt. Và chịu để cho một thằng như Moe Greene cảnh cáo, hạ nhục trước công chúng thì còn gì là danh dự của dòng họ Corleone! Phải có vậy thì ổng mới ghét thằng Fred thậm tệ vậy chớ?

Đang ngồi yên lặng Michael đứng phắt dậy, lên tiếng rõ ràng có ý tống khách:

- Mai tôi về Nữu-Ước sớm... vậy anh bạn nên suy nghĩ kỹ về vấn đề giá cả đi.

Moe Greene hùng hổ:

- Thằng khốn, mày tưởng đá tao dễ như vậy hả? Mày tưởng tao không có gan giết người như mày chắc? Tao sẽ lên Nữu-Ước nói thẳng vớiÔng Trùm, đích thân nói chuyện với ổng.

Fred lúng túng không biết sao đành quay sang Hagen cầu cứu: "Tom, mày làconsigliori ... mày có thể nói với ông già, mày khuyến cáo ổng thử coi." Đúng là Michael đã có ý đợi đến giờ phút này để lạnh lùng nói tạt vào mặt, khiến cả Moe Greene và Fred cùng chới với. Nó nói thẳng ra:

-Ông Trùm giờ này kể như về hưu. Mọi công việc làm ăn của gia đình Corleone do tôi điều khiển hết. Tôi đã chính thức chấm dứt chức vụconsigliori của Tom, hiện giờ hắn chỉ là luật sư riêng của tôi ở Las Vegas. Ít tháng nữa, cả gia đình hắn cũng sẽ xuống ở luôn dưới này để tiến hành mọi công việc trên căn bản pháp lý. Ai cần nói gì cứ việc nói thẳng với tôi.

Cả hai thằng cùng nín thinh. Michael nghiêm giọng tiếp:

- Fred, anh là anh... dĩ nhiên tôi quý mến. Anh chớ dại dột theo người ngoài, đi ngược với quyền lợi gia đình một lần nữa. Điều lầm lỗi trước tôi sẽ bỏ qua, không nói lại cho ông già biết... Còn anh bạn, đừng có chửi vào mặt những người đã cứu giúp anh chớ? Anh bạn muốn làm gì thì cứ việc nhưng theo tôi, nên để cái thời giờ đó, công phu đó tìm hiểu coi tại sao làm sòng bạc mà lại có thể lỗ vốn được. Tiền bạc chúng tôi đầu tư vô đâu phải ít mà sanh lợi có đáng gì? Nhưng thực sự tôi không phải xuống đây để hiếp đáp anh bạn... mà để cho anh bạn một lối thoát. Nếu anh bạn không thèm nhờ đến thì đó là quyền của anh. Tôi không còn gì để nói hơn nữa.

Hình như những lời Michael vừa phát biểu đã ngấm đối với Fred và Moe Greene, dù nó không hề cao giọng nói sẵng. Nó thong thả đứng lên, mắt vẫn không rời đối tượng, hiển nhiên không muốn giữ khách. Hagen bèn đứng dậy ra mở cửa. Hai thằng hùng hục đi ra, khỏi thèm chào hỏi.

Ngay sáng hôm sau Michael được biết quyết định của Moe Greene, do Fred chuyển lại: với bất cứ giá nào cũng nhất định không bán lại số cổ phần. Michael nhún vai.

- Vậy được rồi. Trước khi về, tôi muốn thăm Nino một chút.

Lúc Michael bước vô phòng Nino Valenti thì Johnny ngồi ngoài đi-văn ăn sáng. Sau tấm màn che phòng ngủ, Jules đang chẩn bịnh. Tấm màn được kéo lên. Thấy dạng Nino, Michael không ngăn nổi xúc động. Rõ ràng nó không còn sống được bao lâu nữa: cả người Nino như sắp tan rã bất cứ lúc nào. Cặp mắt nó dại đi, miệng trễ xuống dường như bao nhiêu bắp thịt trên mặt nó giờ ruỗi ra hết.

Michael thương hại, ngồi xuống cạnh giường: "Gặp lại anh ở đây mừng quá, Nino. Ông già vẫn nhắc đến anh hoài!"

Nino mỉm cười, vẫn cái cười dễ thương hồi nào. Nó căn dặn: "Về nói với ông già là tao hết-thuốc-chữa. Nói với ổng là cái nghề ca-kịch coi vậy mà độc hơn nghề nhập-cảng dầu ăn nghe."

- Nếu anh cần điều gì, anh muốn giải quyết một vụ vì khó khăn mà tụi này có thể giúp được thì cứ nói cho tôi biết.

- Không có... không có điều gì cần hết...

Nino lắc đầu quầy quậy từ chối. Ngồi chuyện trò một lát với nó, Michael từ biệt ra thẳng phi trường. Dĩ nhiên Fred đưa tiễn tận nơi nhưng Michael không muốn bắt nó đợi đến lúc máy bay cất cánh mà biểu nó cứ về trước. Lên phi cơ cùng Hagen và Neri, câu đầu tiên nó quay sang hỏi gã cận-vệ là:

- Thế nào... đã lo xong về vụ đó chưa?

Albert Neri gõ tay lên trán đáp:

- Yên chí đi. Thằng Moe Greene... tôi cho nó nằm kỹ ở chỗ này rồi!

Đã xem 384602 lần.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 28

Trên chuyến bay về Nữu-Ước, Michael Corleone nằm nghỉ, cố chợp mắt đi một chút nhưng không nổi. Đời nó đang bước vào khúc quanh ngặt nghèo, kinh khủng nhất. Có thể mất mạng như chơi và không thể rút ra được nữa. Mọi công việc đã chuẩn bị xong, hai năm trời sửa soạn từng chi tiết chớ đâu phải ít? Muốn hoãn lại ít ngày cũng không được. Trong thâm tâm, Michael biết giờ của nó đã điểm. Tuần rồiÔng Trùm đã cho triệu tập cáccaporegime và một số đàn em thân tín để chính thức loan báo về hưu. Đó là cách gián tiếp cho Michael hay đã đến lúc nó phải hành động.

Tính từ ngày nó về nước đã gần 3 năm và lập gia đình với Kay cũng đã 2 năm. Suốt 3 năm liền, nó chăm chú tìm hiểu nghề nhà với Tom Hagen, với Ông già. Điều làm Michael kinh ngạc nhất là không ngờ gia đình nó giàu có, thế lực tới vậy! Nội bất động sản ở Nữu-Ước cũng có cả dãy bin-đinh ở khu trung tâm. Còn nhờ người khác đứng tên làm bình phong thì ít nhất cũng có hai văn phòng chuyển nhượng chứng khoán ở Wall Street, mấy ngân hàng ở Long Island và rất nhiều cổ phần trong các công ty sản xuất quần áo. Dĩ nhiên là chưa kể đến những quyền lợi ngầm trong đủ mọi ngành cờ bạc.

Để tận hiểu tình trạng tài chính của gia đình, Michael còn chịu khó nghiên cứu lại những mối làm ăn của cánh Corleone mấy năm trước. Có một bài học khiến nó mở mắt ra nhiều nhất: hồi chiến tranh vừa dứt, cánh Corleone nhờ thế lực bảo vệ che chở nên được ăn chia rất nhiều của bọn chuyên sản xuất dĩa hát lậu.

Hồi đó có bọn chuyên môn "in lại" những đĩa bán đang ăn khách mạnh nhất. Cứ đĩa nào bán chạy nhất là tụi nó tái bản ngang xương, bán thẳng cho mấy cửa tiệm, coi tác giả và nhà sản xuất như không có vậy! Tụi này làm ăn kỹ và lại đượcÔng Trùm Corleone bảo vệ nên chẳng đổ bể bao giờ. Nạn nhân đau khổ nhất của tụi nó còn ai ngoài đại danh ca Johnny Fontane, giọng ca vàng với số dĩa bán nhiều nhất?

Michael có nêu thắc mắc thì Tom Hagen nhún vai giải thích: "Con đỡ đầu là một việc, công việc làm ăn lại là việc khác. Vả lại hồi đóBố-Già cũng ghét mặt thằng Johnny ở chỗ vừa ăn nên làm ra đã bỏ vợ cái con cột, chạy theo đào hát Margot Ashton."

Michael còn thắc mắc nữa:

- Nhưng đang làm ăn mạnh đến thế... tại sao chúng tốp làm ăn? Tại cớm vồ chắc?

- Đâu có? Tại ông già không bằng lòng che chở tụi nó nữa chớ?

Trong các vụ làm ăn củaBố-Già , thiếu gì những vụ tương tự như trên? Tiếng là gỡ rối, cứu vớt một kẻ nào đó... có biết đâu sự rắc rối, nguy hiểm lại do chính ân nhân gây ra, hoặc nhiều hoặc ít. Chẳng phải vì ổng cáo già, sắp đặt buộc để rồi để gỡ dùm. Có thể vì ổng nhiều quyền lợi ở nhiều ngành quá. Mà cũng có thể vì thực chất cuộc đời là như vậy, có xấu có tốt xen kẽ nhau và đụng chạm là chuyện rất tự nhiên.

Hồi đó đám cưới Michael diễn ra trong vòng thân mật ở bên bố vợ, chỉ có gia đình Kay và vài bạn thân tham dự. Sau đó hai đứa về ở một căn trong cư xá Long Beach. Michael không ngờ Kay mau thân thiết với cha mẹ chồng và bà con lối xóm như vậy. Có con đầu lòng cũng mau cấp kỳ, đúng như sự mong muốn của bất cứ một gia đình Ý nào. Mới gần 2 năm đã lại có bầu lần thứ hai.

Lần nào có dịp đi xa về Michael cũng được vợ ra đón tận phi trường. Lần nào hai đứa cũng vui mừng nhưng riêng lần này Michael không vui nổi. Vì đi Las Vegas về lần này, nó phải chính thức bắt tay vào việc. Lần nàyBố-Già đang trông đợi, cáccaporegime cũng trông đợi nó. Đã đến lúc Michael Corleone phải chỉ huy, phải ra lệnh... phải có những quyết định liên hệ đến số phận nó cũng như toàn thể gia đình.

oOo

Hồi này sáng nào dậy sớm lo cho con ăn, Kay Corleone cũng thấy bà mẹ chồng được tài xế đánh xe đưa đi và cỡ một giờ sau mới về. Hỏi ra mới biết Bà Trùm sáng nào cũng lo đi lễ nhà thờ từ sớm. Thỉnh thoảng đi lễ về bà cũng ghé nhà thằng con út uống cà-phê, chơi với cháu nội.

Kỳ cục một điều là bà ưa hỏi tại sao Kay chưa trở lại đạo Công giáo, mặc dầu biết dư là thằng cháu nội đã rửa tội theo Tin lành. Lúc bấy giờ Kay mới hỏi tại sao sáng nào bà cũng phải đi lễ một lần, có phải luật bổn đạo bắt buộc phải vậy không? Bà mẹ chồng sợ nàng dâu ngại phải đi lễ hàng ngày nên ngán theo đạo nên lắc đầu lia lịa: "Không... Đâu có bắt buộc? Thiếu gì bổn đạo chỉ một năm đi lễ có hai lần, dịp Giáng-sinh và Phục-sinh."

Kay cười ha hả: "Thế tại sao sáng nào má cũng đi lễ?" Bà mẹ chồng giải thích một cách vô cùng giản dị rằng bà đi lễ mỗi ngày cốt để cầu nguyện cho linh hồn ông chồng mai sau được lên thiên đàng, khỏi sợ sa xuống địa ngục! Đúng là một bà già nhà quê, không ngăn được ông chồng "làm quấy" chỉ có nước cầu nguyện cho ổng khỏi mang tội vậy.

- Thế ông già nghĩ sao về việc ấy, má?

- Hồi này ổng đâu phải như hồi đó? Ổng giao hết mọi công việc cho thằng Michael để ổng rảnh rang làm vườn, trồng mấy cây cà chua, mấy cây ớt. Ổng làm như còn nguyên gốc nông dân vậy... mà đàn ông ai cũng vậy hết!

Buổi sáng, Connie cũng ưa dẫn hai đứa con sang chơi nhà anh chị Michael. Riêng Kay, nàng chịu con nhỏ này vì nó hoạt bát nhanh nhẹn và đặc biết có cảm tình với ông anh Michael. Connie còn dạy cho bà chị dâu cách nấu mấy món ăn Ý đặc sắc, lâu lâu còn bưng qua mấy dĩa thật ngon cho ông anh nếm thử.

Kay để ý Connie luôn luôn thắc mắc, dò hỏi coi Michael thấy Carlo thế nào, Michael nghĩ sao về chồng nó. Michael có cảm tình với Carlo thực không? Sự thực Carlo cũng có hồi lục đục với gia đình bên vợ, nhưng ít lâu nay đã đỡ lắm.

Được đổi sang công tác nghiệp đoàn, Carlo đã làm trọn bổn phận, nhưng nó đã phải cố gắng hết mình, bỏ bao nhiêu thời giờ vô mới xong. Đối với Michael, có một lòng yêu kính. Connie quả quyết như vậy. Nhưng xét ra trong nhà này ai chẳng yêu kính Michael, ai chẳng ngưỡng mộÔng Trùm ? Michael sắp thay thế ổng, đứng ra coi sóc toàn bộ công việc nhà mà?

Điều làm Kay không thể không quan tâm là mỗi lần nhắc đến chồng, Connie đều nôn nả mong ai nấy đều cho điểm tốt Carlo, nhất là anh Michael thì nó cần quá. Làm như lỡ mất lòng Michael nó có thể sợ chết khiếp đi được vậy! Có đêm Kay đã mang vụ này ra hỏi riêng Michael cũng như một vụ làm nàng thắc mắc. Hình như không ai muốn nhắc nhở đến cái chết của Sonny. Có mặt nàng lại càng không! Có lần Kay ngỏ ý chia buồn thì cả hai ông bà cùng ngồi yên lặng nghe, chẳng nói chẳng rằng. Hỏi con Connie về ông anh cả đã quá cố, nó cũng không nói gì hết.

Trong khi đó Sandra lo mang con về Florida ở với cha mẹ. Tuy Sonny không để lại sản nghiệp gì giá trị nhưng vợ con nó vẫn có một số tiền trợ cấp đều đặn đủ sống thong thả.

Ngay với Kay hình như Michael cũng không muốn gợi lại cái chết của Sonny. Gặng hỏi mãi nó mới giải thích là đêm hôm Carlo đánh vợ thì Connie phôn về nhà, không may chính Sonny nghe máy. Nó tức lồng lộn, phóng xe lên Nữu-Ước thì giữa đường gặp nạn.

Chính vì sự trùng hợp ngẫu nhiên đó mà vợ chồng Carlo đâm có mặc cảm phạm tội, sợ người nhà cho rằng tụi nó đã gián tiếp gây ra cái chết đau thương của Sonny. Ít ra cũng tại thằng Carlo. Nhưng đó là tụi nó sợ hoảng vì ông già còn cho vợ chồng nó căn nhà trong cư xá, riêng Carlo còn được giao công tác quan trọng hơn. Hồi này chính thằng Carlo cũng đã chịu khó làm ăn, hết cờ bạc đĩ điếm, hết giở trò láu cá. Dó đó gia đình Corleone không có gì để phàn nàn về công việc hoặc tư cách Carlo trong vòng hai năm trở lại đây. Chẳng ai quy trách nhiệm cho nó về những chuyện không may đã xảy ra.

Thấy chồng giải thích như vậy, Kay hỏi ngay:

- Thế tại sao anh không mời vợ chồng nó qua đây một buổi, giải thích rõ cho tụi nó yên tâm? Con nhỏ coi bộ lo sợ dữ, không hiểu anh nghĩ gì về chồng nó. Anh phải nó cho nó khỏi lo sợ hoảng chớ?

- Tôi không thể làm chuyện đó. Gia đình này chẳng bao giờ đề cập những chuyện tương tự.

- Nếu anh không tiện nói thì để em nói nghe?

Coi, một chuyện giản dị như vậy... một chuyện nên làm, cần phải làm như vậy ... nàng đã nêu ra mà sao Michael còn e dè, suy nghĩ gì nữa kìa? Chồng không nói để vợ nói thì hợp lý quá còn gì? Ngờ đâu Michael gạt phắt đi:

- Em chớ nói. Nói vô ích, nói không ăn thua gì đâu. Nó vẫn cứ lo sợ như thường. Đó là một vụ không ai làm gì được hết, không thể làm nổi...

Kay ngạc nhiên muốn choáng váng. Lâu nay nàng để ý thấy chồng đối xử với ai cũng nồng hậu, nhưng riêng với Connie thì lạt lẽo thấy rõ mặc dù Connie không ngần ngại biểu lộ kính mến nó nhất. Không lẽ... Vì thế Kay phải hỏi thẳng:

- Nhưng anh không đổ tội cho Connie... vì nó mà anh Sonny thiệt mạng đấy chớ?

- Dĩ nhiên không. Nó là con bé út, tôi thương nó lắm chớ? Tôi buồn cho nó là khác. Thằng Carlo hồi này đã lo làm ăn... nhưng nó không phải một thằng chồng đàng hoàng, một thằng chồng thương yêu vợ thực tình. Kẹt chút xíu đó! Nhưng thôi... bỏ chuyện ấy đi...

Bỏ đi thì dĩ nhiên Kay bỏ ngay. Tính nàng không thích lằng nhằng vả lại Michael đâu phải týp đàn ông nghe vợ, để vợ lấn lướt? Nài nỉ hắn đâu được? Dù trên đời này nếu hắn chịu nghe một người nào thì người ấy chính là nàng nhưng Kay biết dư là nếu cứ xài hoài cái đặc quyền đó là không xong với Michael, là hắn không bao giờ nghe nữa. Hai năm chung sống nàng đã hiểu hắn nhiều quá và càng thấy thương yêu thêm.

Kay yêu Michael vì hắn bao giờ cũng chìu ý người, hắn lo làm vừa lòng bất cứ người nào, từ một việc nhỏ nhặt cũng chẳng muốn mất lòng. Ở địa vị Michael bây giờ thiếu gì người cầu cạnh, thiếu gì người nhờ vả... nhưng hắn chẳng bao giờ có ý chiếm phần hơn. Hắn đã chìu ý nàng một lần và đối với Kay chẳng có gì làm nàng sung sướng bằng.

Chẳng là từ hồi ở Sicily về, cả nhà ai cũng muốn Michael đi sửa ngay khuôn mặt cho dễ coi một chút. Bà Trùm còn sốt sắng hối thúc hơn ai hết, gần như mỗi ngày mỗi nói. Có bữa Chúa nhựt cả nhà quây quần quanh mâm cơm bà hét lên:

- Cái mặt bể một bên của mày coi ghê quá, Michael. Đúng là mặt tướng cướp! Trời đất, mày làm ơn đi sửa lại... cho con vợ mày nhờ một chút, được không? Tối ngày sụt sịt mãi như thằng bợm rượu vậy!

Ngồi tuốt một đầu bàn nhưng chẳng có gì qua mặt, lọt taiÔng-Trùm. Ổng ngó Kay, thủng thẳng hỏi: "Con có thấy chướng không?"

Nàng lắc đầu và ổng biểu bà vợ: "Thấy không? Bây giờ nó đâu còn là của bà mà bà phải lo nào?" Bà-Trùm nín liền. Không phải vì quá sợ chồng mà không dám cãi. Có điều không thể cãi chồng vì một vấn đề như vậy, trước mặt người khác.

Lúc bấy giờ Connie đang ở dưới bếp nấu ăn lên, mặt còn đỏ bừng chợt nghe chuyện liền bàn góp: "Em cho là anh nên đi sửa ngay. Xưa nay anh Michael vẫn đẹp trai nhất nhà mà? Anh đi sửa đi cho đẹp trai... nghe anh?"

Connie hối hả lăng xăng như vậy mà lạ thật, Michael cứ lặng yên ngó, không nói không rằng. Làm như nó thực tình không nghe thấy, không biết con em gái vừa nói gì vậy! Thấy anh Michael mãi không buồn trả lời, Connie chạy lại bá cổ bố nũng nịu, y như hồi còn con nít, hồi còn ở nhà vậy. "Bố ơi, bố bảo anh ấy đi sửa đi." Connie vừa nói vừa bá cổ, nắn vaiÔng-Trùm. Cả nhà chỉ có mình nó, mình cô gái út dám làm nũng bố như vậy. Nhưng bữa nayÔng-Trùm chỉ nắm tay Connie vỗ về:

- Coi, cả nhà đói quá rồi! Mi làm được món gì... mang lên đây gấp dùm cái ... rồi muốn nói gì thì nói.

Connie tự nhiên xây qua phía chồng:

- Hay mình nói đi vậy... Mình đề nghị với anh Michael làm lại khuôn mặt thử coi? Biết đâu anh Michael chẳng nghe lời mình, Carlo?

Nghe giọng điệu Connie thì ai cũng phải cho là Michael và Carlo bồ bịch nhau lắm, ít ra cũng thân thiết hơn những người có mặt ở đây! Bữa đó coi Carlo thật bảnh trai, khoẻ mạnh. Da rám nắng, mái tóc cắt ngắn, chải gọn. Nghe vợ hối thúc, Carlo thủng thỉnh làm xong hớp rượu mới cất tiếng: "Với Michael thì chẳng ai bảo được hết, thực thế!" Từ ngày dọn về cư xá Carlo đã hiểu biết thân phận nó quá xá rồi, có bao giờ dám bước ra ngoài cương vị?

Vở kịch nhỏ mọn chỉ có thế nhưng Kay làm gì chẳng nhận ra những điểm khác thường? Ngay cử chỉ nũng nịu của Connie đối với ông già cũng chẳng phải phát xuất tự đáy lòng. Nó thương yêu ông già thực chớ? Nhưng bên trong vẫn có một cái gì gượng gạo, chỉ cốt lấy lòng rõ. Còn câu trả lời của Carlo nữa. Rõ ra một sự thần phục, một sự cúi đầu chịu trận. Và lạ nhất là thái độ Michael: dửng dưng, thây kệ hoàn toàn không biết gì tới.

Đối với không thì nàng chẳng hề bận tâm về sự xấu xí của khuôn mặt méo. Cái chứng nhức mũi, chảy nước mũi hoài hoài mới là phiền phức. Nhưng muốn khỏi bệnh mũi thì phải sửa lại chỗ xương gò má: chính vì lẽ đó Kay muốn chồng vô bệnh viện sửa phứt đi cho rồi. Có điều kỳ lạ là làm như Michael muốn giữ lại cái gò má bể đó. Không riêng nàng mà hình như ông già cũng biết vậy kìa!

Cho nên ngay khi sanh thằng bé đầu lòng, Kay ngạc nhiên nghe chồng ngỏ ý: "Em có muốn anh đi giải phẫu lại khuôn mặt không?"

Dĩ nhiên Kay gật đầu. Nàng giải thích là người lớn thì không sao nhưng một mai con cái lớn lên nhất định nó sẽ thắc mắc về khuôn mặt khác người của bố. "Em không muốn cho con mình thấy... chớ riêng em thì sao cũng được hết."

Michael đồng ý: "OK... Nếu vậy anh sẽ đi sửa."

Sau khi Kay ở nhà bảo sanh về là đến lượt Michael vô bệnh viện. Chuẩn bị kỹ càng, chu đáo nên vết mổ rất tốt. Chỗ xương gò má hết gồ ghề. Phải để ý nhìn mãi mới thấy dấu vết. Nghe tin Michael chịu đi mổ cả nhà mừng lắm, nhất là Connie. Hôm nào nó cũng vô nhà thương thăm anh một lần, nhất định bắt Carlo phải đi cùng. Bữa Michael về nhà, Connie sung sướng ôm lấy ông anh hôn rồi đứng ra xa ngó, khen rối rít: "Phải vậy chớ? Ông anh của tôi phải bảnh trai như hồi đó mới đáng chớ?"

Cả nhà chỉ có một người không hề bận tâm. Đó là ông già. Được hỏi ý kiến, ổng nhún vai hỏi: "Có quái gì khác đâu?"

Riêng Kay nàng vui mừng thiệt tình. Nàng biết Michael không muốn làm lại khuôn mặt chút nào hết. Hắn chịu làm chỉ vì muốn chìu ý vợ. Ít nhất trên thế gian này cũng còn một người có thể ép hắn làm một chuyện trái ý, người đó là Kay.

Buổi chiều hôm Michael đi Las Vegas về, chính Rocco Lampone đánh xe đưa Kay ra đón tận phi trường. Đó là một thông lệ vì sống thui thủi bên trong khu cư xá canh gác như pháo đài, vắng Michael là Kay hoàn toàn cô độc. Nàng thấy Michael bước ra khỏi phi cơ, đằng sau là Tom Hagen và gã cận vệ mới tên Albert Neri. Thực tình Kay không thích thằng Albert này vì trông nó hung ác lạ thường, đúng hệt hung thần Luca Brasi hồi đó. Michael vừa bước xuống là nó đeo sát, cặp kè một bên, phía dưới một chút mà cặp mắt láo liêng, ngó không sót một người nào đứng gần. Nó nhìn thấy Kay đứng lẫn trong đám đông trước tiên và khe khẽ đụng vào vai xếp một cái để Michael khỏi mất công đưa mắt tìm chỗ khác.

Bữa hôm đó ra đón chồng tận phi trường mà Michael chỉ ôm hôn một cái lẹ làng rồi đẩy ra ngay. Kay lên xe cùng Michael và Tom nhưng chẳng thấy Albert đâu cả. Nàng đâu biết nó đã nhảy lên chiếc xe sau, trên xe có hai thằng ngồi sẵn, tà tà bám dính đằng sau cho đến khi cùng về đến Long Beach.

Có bao giờ Kay hỏi chồng về chuyện làm ăn? Dù một câu nhẹ nhàng, lịch sự cũng không ... chẳng phải sợ Michael không đáp lại nhã nhặn mà chỉ vì đó là ranh giới cấm kỵ mà cả hai đều cùng đồng ý vạch ra, không bao giờ vi phạm. Đã quen nếp vậy rồi nhưng nghe Michael nói tối nay phải sang ông già có chuyện gấp, không thể ở nhà được, Kay vẫn cứ hơi nhăn mặt. Nhưng ngay lúc đó, hắn đã có cử chỉ an ủi, hứa hẹn ngay: "Để tối mai... hai đứa mình rảnh rang lên Nữu-Ước coi hát, ăn nhà hàng... chịu không?"

Tay Michael âu yếm đặt trên bụng vợ. Cái bầu này ít nhất cũng 7 tháng rồi. Hắn ghé sát tai Kay:

- Còn thằng này sắp ra. Em còn bận rộn nữa! Không ngờ em sản xuất lẹ đến thế. Hai năm hai đứa thì... dân Ý đứt đuôi chớ còn Mỹ quái gì nữa?

- Phải chớ? Dân Mỹ là anh kìa? Vừa mới đi về người ta ra đón... đã "tối nay mắc công chuyện lắm, không thể ở nhà được!" Anh về ngay hay là lại đến khuya?

- Ít ra cũng nửa đêm. Nếu em mệt thì lo đi ngủ trước, đừng đợi.

- Em cứ đợi...

Công chuyện khuya hôm đó dĩ nhiên diễn ra trong "văn phòng"Ông-Trùm. Có mặt ông già, Michael, Tom Hagen, hai lãocaporegime Tessio, Clemenza... lại thêm Carlo Rizzi nữa! Buổi họp có vẻ nặng nề, mệt mỏi chứ không nhẹ nhàng, thanh thản như những lầnÔng-Trùm chưa tuyên bố về hưu, để một tay Michael liệu lý mọi chuyện. Trên nguyên tắc chức vụÔng-Trùm chẳng phải cha truyền con nối. Rất có thể ở một cánh nào khác, người lên kế vị là một trong hai lãocaporegime . Hoặc ít ra đây cũng là một dịp để Tessio hay Clemenza có quyền tách ra, thành lập một giang sơn riêng, một cánh riêng của họ.

Hơn nữa lại còn vấn đề thế lực suy yếu. Kể từ ngàyÔng-Trùm Corleone phải chính thức cầu hoà vớiNgũ Đại gia đình thì thực lực cánh Corleone bắt đầu giảm sút trông thấy. Làm vua trọn vùng Nữu-Ước bây giờ là cánh Barzini kìa! Với sự toa rập của đồng minh Tattaglia, cánh Barzini đã thực sự tỉa dần thế lực cánh Corleone, lấn đất làm ăn và thử sức đối phương, coi phản ứng thế nào. Thấy làm được chúng bèn nghiễm nhiên cho mọc lên vài ba sòng bạc, tranh ăn kịch liệt.

Còn gì hả hê cho hai cánh Barzini-Tattaglia bằng tinÔng-Trùm Vito Corleone chính thức về hưu? Thằng Michael lên thay thì yếu quá, yếu rõ. Nó cũng là thằng dám chơi, dễ nể thật ... nhưng 10 năm nữa chưa chắc đã bằng ông già ở khoản mưu lược, thần thế! Nó lên thì cánh Corleone còn xuống nữa.

Phải nói là cánh Corleone bị mấy cú đau điếng liên tiếp, có dễ gì gượng lại nổi? Thằng Fred bây giờ quả là một con zê-rô: một thằng bán quán, cả đời bám lấy quần đàn bà... như con nít bám riết vú mẹ. Nó đâu còn là thằng đàn ông đúng nghĩa? Có vậy mới thấy rõ cái chết của Sonny quả là một thảm hoạ. Sonny chẳng phải thằng dễ đối phó, một thằng phải ngán. Nó đã trót vi phạm một lầm lỗi chiến lược để giải quyết một nhu cầu chiến thuật khi phải cử thằng em đi nổ một lúc hai thằng ghê gớm là Sollozzo và Mc Closkey. Kết quả là ông già phải gượng dậy điều khiển và thằng em phải bỏ xứ đi hai năm. Phải chi thời gian đó nó được ở bên ông già để học tập kinh nghiệm thì phải biết là lợi hại!

Lại còn vụÔng Trùm Corleone điên đầu đi cử một thằng gốc Ái-Nhĩ-Lan ngất ngư lên làmconsigliori ! Có chết cũng đáng đời vì ở một địa vị yết hầu như vậy một thằng gốc Ái-Nhĩ-Lan làm sao so sánh nổi với thằng dân Sicily? Có lẽ cũng là ý kiến chung của mọi phe nhóm, do đó họ mới đặt cánh Corleone dưới liên minh Barzini-Tattaglia nhiều. Theo họ nhận định thì Michael không bén gót Sonny về nghề nghiệp. Nó có thể khôn ngoan, sáng suốt hơn thằng anh... nhưng đâu đã được một phần của bố? Nghĩa là Michael bất quá chỉ là một thủ lãnh tầm thường, chẳng có gì để buộc đối phương phải ngán!

Đồng ý là vụ cầu hoà củaÔng Trùm Corleone hồi đó được mọi phe nhóm hoan nghênh như một quyết định sáng suốt, cao cả. Nhưng trên thực tế có thằng con bị thảm sát như vậy mà không nghĩ đến việc trả thù thì còn gì mất mặt hơn? Như vậy đâu phải vì nghĩa khí mà hoà, chẳng qua chỉ vì yếu thế. Đó là một sự kiện rành rành!

Tất nhiên những kẻ có mặt trong buổi họp đêm hôm ấy đều không lạ gì những diễn biến nói trên. Có người còn tin thực là khác.

Như Carlo Rizzi chẳng hạn. Nó có cảm tình với Michael thật nhưng không hề sợ nó như hồi nào vẫn nơm nớp ngán Sonny. Theo ý Clemenza thì Michael cũng là thằng gan dạ, dám làm lắm bằng không nó đã chẳng một mình quất ngon lành 2 mạng thứ dữ. Nhưng để làm mộtÔng Trùm thì bấy nhiêu đó vẫn còn chưa đủ. Còn yếu rõ! Ước mơi lớn nhất đời của Clemenza là một ngày nào đó được cố nhân Vito Corleone cho phép tách rời ra lập riêng một cánh. Lực lượng lão đã có đủ nhưng chỉ vì tình cảm gắn bó bao nhiêu năm vớiÔng Trùm và cũng vì kính nể vị thủ lãnh cừ khôi mà lão không muốn cưỡng lời. Chỉ trừ tình hình suy sụp đến vô phương cứu gỡ thì lúc ấy hãy hay.

Người coi trọng Michael hơn cả làcaporegime Tessio. Lão dường như đã đánh hơi ra khía cạnh chìm của thằng này. Bề ngoài nó chẳng có gì trong khi lực lượng thật của nó núp kín đáo, chẳng cho ai thấy được, đoán được mảy may. Nó đúng là hiện thân toàn vẹn của chủ trương "ruột" của Bố-Già: "Địch thủ cứ tưởng nó bết, bết nữa trong khi bạn bè không thể ngờ nó bảnh đến thế!"

Dĩ nhiên Michael là người như thế nào thìÔng Trùm và Tom Hagen chẳng lạ. Nếu không tuyệt đối tin tưởng ở khả năng, tài nghệ chỉ huy của Michael thì sức mấy ổng về hưu, khoán trắng cho nó cả một gánh nặng là lấy lại phong độ cho cả gia đình? Căn cứ ở tài nghệ của Michael hiện giờ thìconsigliori Tom Hagen không những tin tưởng hết mình mà còn phục nó sát đất. Hai năm trời sát cánh, tận tình chỉ vẽ cho nó mọi thủ đoạn, mánh lới nghề nghiệp, sự rành rẽ của trò Michael đã thực sự làm ông thầy Hagen choáng người. Đúng là con nhà tông có khác!

Điều làm hai lãocaporegime bực Michael nhất là băng Sonny phải giải tán đã đành, hai băng ruột của họ cũng bị nó cho lệnh cúp bớt đàn em. Cả một lực lượng hùng hậu ngày nào giờ chỉ còn lại có hai băng đánh đấm, lại bớt người đi? Vậy là tự sát còn gì? Liên minh Barzini-Tattaglia hùng hổ là vậy mà lúc nào cũng sẵn sàng nhào vô tranh ăn nữa! Cả hai lão cũng mongÔng Trùm tối nay cho lệnh điều chỉnh gấp lại chỗ yếu vô cùng tai hại đó.

Khởi sự họp là Michael báo cáo ngay về kết quả chuyến đi Las Vegas và sự từ chối quyết liệt của Moe Greene. Nhưng nó cho biết tiếp ngay:

- Sẽ có một đề nghị mà chắc chắn đương sự khó lòng từ chối. Vì gia đình Corleone phải xuống làm ăn dưới đó thì thế nào cũng phải có giải pháp đích đáng. Sẽ khởi sự bằng 4 cái lữ quán có sòng bạc... nhưng không phải có thể làm ngay bây giờ mà phải cần một thời gian. Riêng với 2 ôngcaporegime tôi chỉ xin một điều: trong vòng một năm tới, xin sát cánh cùng tôi, làm tận tình, không thắc mắc, đừng hỏi tại sao. Chỉ cần đúng một năm thôi, sau đó hai ông toàn quyền tách ra làm ăn riêng, lập cánh riêng. Khỏi nói là làm ăn riêng nhưng mình vẫn là bồ bịch, tôi không hề có ý nghĩ gì khác, không trách oán gì hết. Nhưng cho tới lúc đó, tôi yêu cầu hai ông theo đúng chỉ thị của tôi, nhắm mắt mà thi hành. Sẽ có nhiều vụ thương thuyết để giải quyết bằng được tất cả những vấn đề mà hai ông cho là không sao giải quyết nổi. Chỉ xin kiên nhẫn một chút.

Tessio đặt vấn đề trước:

- Nếu Moe Greene muốn nói chuyện thẳng với ông già... sao không để nó nói thử coi? Biết đâu chừng nghe ổng nói nó chẳng chịu. Xưa nay ông già mi vẫn có biệt tài thuyết phục người nghe mà?

Vấn đề này Michael không phải giải thích vìÔng Trùm đã cho biết ngay:

- Tôi về hưu. Can thiệp vô là làm nhẹ thể Michael. Vả lại thằng đó cũng chẳng phải là người đáng để tôi phải nói, đúng vậy.

Tessio nín khe. Lão sực nhớ lại những chuyện tụi nó kể lại, đại để có lần thằng Moe Greene đã dám đập thằng Fred trước công chúng. Vậy là đập vào mặt cả nhà Corleone thì làm sao còn có vấn đề "nói chuyện thẳng" vớiÔng Trùm ! Sợ thằng Moe Greene còn khó sống ấy chớ? Tội gì xía vô chuyện lộn xộn này... khi lão dư biết rằng Moe Greene là kẻ gia đình Corleonekhông muốn thuyết phục nữa ? Tốt hơn là ngồi nghe. Tự nhiên Carlo Rizzi nêu thắc mắc:

- Vậy là gia đình Corleone sẽ tốp hết mọi hoạt động ở Nữu-Ước cùng một lúc?

- Đúng thế. Mình sẽ thanh toán cơ sở nhập cảnh dầu ăn trước. Những mối làm ăn còn lại - nếu có thể được - sẽ chuyển bằng hết cho Tessio, Clemenza. Chú đừng thắc mắc, e ngại gì về công việc của chú. Chú là người dưới Nevada, là dân địa phương, dĩ nhiên chú thông hiểu hết tình hình, do đó lúc dọn xuống Las Vegas tôi hy vọng chú sẽ là cánh tay mặt trợ giúp tôi trong mọi công việc.

Còn gì khoan khoái cho Carlo Rizzi bằng một lời hứa hẹn quý giá của ông anh Michael. Nó sung sướng ngồi ngả bật ra ghế, mặt mày đỏ ửng lên. Phải có vậy chớ? Nó phải được trao công việc như vậy mới xứng đáng. Thời cơ của nó đã tới, nó sẽ có quyền hành thực sự. Lúc bấy giờ Michael tiếp tục giải thích:

- Có vấn đề này nữa. Tom Hagen không làconsigliori của nhà này nữa. Hắn là cố vấn pháp lý của tôi và hai tháng nữa sẽ đưa cả gia đình xuống Las Vegas. Hắn sẽ chỉ làm công việc của một luật sư thuần tuý. Từ giờ phút này trở đi hắn sẽ không làm một công việc gì hết, không ai tiếp xúc, bàn bạc gì với Tom Hagen, ngoài cương vị nghề nghiệp của hắn là một luật sư riêng của tôi, có thế thôi. Tôi chỉ muốn Tom giúp đỡ tôi trên cương vị và trong giới hạn đó. Vả lại nếu cần phải có một cố vấn để giúp ý kiến thì còn một ông cố vấn nào hay cho bằng ông già tôi, phải không?

Nghe Michael cà-rỡn mọi người cùng cười ồ. Rõ ràng chỉ là một câu khôi hài nhưng không ai không hiểu là từ nay Tom Hagen không còn một chút quyền thế nào trong gia đình này. Không ai bảo ai, tất cả cùng đưa mắt nhìn Hagen nhưng rõ ràng mặt nó vẫn tỉnh bơ, tuyệt nhiên không xúc động.

Clemenza cất tiếng ồ ề hỏi cho rõ:

- Như mi nói thì đúng một năm sau, cáccaporegime sẽ có toàn quyền hành động?

- Dạ, đúng thế! Có thể không tới một năm cũng nên. Dĩ nhiên nếu muốn thì cáccaporegime vẫn có quyền ở lại với gia đình Corleone chớ? Nhưng lúc bấy giờ gia đình này sẽ chuyển hết lực lượng xuống Las Vegas, tốt hơn là mấy ông nên có sẵn lực lượng riêng, tổ chức riêng.

- Như vậy thì phải tăng cường thêm ít thằng cho tụi tao chớ? Bọn đàn em Barzini hồi này lấn đất tao lu bù. Có lẽ đã đến lúc phải cho chúng một bài học lễ phép...

Michael lắc đầu, cúp ngang lão Tessio:

- Không được. Không ích lợi gì hết. Xin chú cứ lặng yên giữ thế thủ cho! Mình sẽ có cách giải quyết êm đẹp tất cả những vụ rắc rối đó trước khi xuống Las Vegas.

Lập trường cứng rắn của Michael chưa đủ thuyết phục Tessio. Lão không hài lòng chút nào nên không ngần ngại ngỏ lời thẳng vớiÔng Trùm . Biết đâu chừng ổng có giải pháp khác?

- Tôi có điều này xin Ông Trùm thứ lỗi, nhân danh tình bạn mấy chục năm nay. Theo ý tôi, thì vụ di chuyển xuống Nevada như ông và Michael dự tính... là cả một lỗi lầm trọng đại. Xuống đất mới lập nghiệp mà không có thế mạnh yểm trợ thì làm ăn sao nổi? Muốn làm ăn vững phải có hậu thuẫn, hai thứ đó phải đi song song một lượt... Một khi gia đình Corleone rút xuống dưới đó thì Clemenza và tôi ở trên này sống sao nổi với bọn Barzini - Tattaglia hợp nhất? Không chơi lại được thì sớm muộn cũng bị tụi nó nuốt sống. Mà thằng Barzini thì tôi không thể đi với nó được. Tôi cho rằng gia đình Corleone nếu có rút cũng phải rút với thế mạnh, không thể rút một cách yếu xìu! Mình phải có người thêm để sẵn sàng đánh đấm, ít nhất cũng phải chiếm lại ngay vùng đảo Staten cái đã...

Ông Trùmlắc đầu, nhắc nhở Tessio:

- Ô hay, bạn quên là tôi đã chính thức cầu hoà, long trọng tuyên bố đình chiến? Làm ngược lại đâu được!

- Nhưng từ hồi đó cánh Barzini có chịu đình đâu? Ai không thấy tụi nó khiêu khích mình hoài? Vả lại giờ đây người điều khiển mọi việc nhà này là Michael. Có gì cấm nó hành động, nếu nó muốn? Michael có cam kết gì đâu?

Michael lên tiếng ngay, lên tiếng một cách dõng dạc với ngôn ngữ của một cấp chỉ huy:

- Những nghi ngại, thắc mắc của chú chắc chắn sẽ được giải đáp thoả đáng. Hiện đang có những cuộc dàn xếp để kết thúc mọi chuyện. Đó là một sự thực. Nếu chú chưa tin lời tôi, xin hỏi thẳngÔng Trùm .

Tessio là người khôn ngoan, tế nhị. Lão biết nói vậy đã là quá rồi. Hỏi thẳngÔng-Trùm sao được, nếu không muốn gây hấn với Michael? Lão tính lối thoát khôn khéo bằng cách nhún vai: "Những lời tao vừa nói là nhân danh quyền lợi chung của gia đình này. Riêng phần tao, tao đủ sức lo liệu lấy!"

Michael nhìn lão tươi cười nói:

- Chú Tessio, tôi luôn luôn trọn tin nơi chú. Không bao giờ nghi ngờ, thắc mắc. Vậy xin chú cứ tin ở tôi. Trong việc làm ăn, tôi tự biết không thể tính toán bằng chú và chú Clemenza được. Nhưng còn ông già tôi một bên mà? Tôi tin không đến nỗi nào đâu, mọi sự sẽ suông sẻ như chúng ta dự liệu...

Buổi họp chấm dứt ở đây. Vấn đề quan trọng nhất là gia đình Corleone chấp nhận cho haicaporegime rút ra lập cánh riêng, làm ăn riêng. Điều đó có nghĩa Tessio có quyền nắm trọng các sòng bài và khu bến tàu Brooklyn và phần Clemenza là các sòng Manhattan và một số cơ sở làm ăn nơi các trường đua bên Long Island.

Tuy nhiên 2 ôngcaporegime ra về vẫn không hài lòng lắm, vẫn còn e ngại phần nào. Carlo Rizzi ráng ở nán lại một lát xem có được giao phó một cái gì quan trọng như ông anh Michael vừa hứa hẹn hay không. Thấy không ai đả động đến, nó tinh ý rút lui ngay. Đích thân thằng Albert Neri đưa Carlo ra khỏi nhà ông bà già vợ. Nó để ý thấy thằng cận vệ còn đứng bực cửa ngó theo cho đến lúc nó băng ngang sân cư xá mới thôi.

Trong văn phòng chỉ còn lại 3 người, cả 3 cùng có cảm giác thư thái của những người từng chung sống lâu năm dưới một mái nhà, đã đủ thân thiết để gọi là "người nhà." Tự tay Michael rót cho ông già một lyanisette và Hagen một lyScotch . Dù ít khi uống rượu mạnh, tối nay nó cũng phải làm một ly. Không chần chờ, Hagen hỏi ngay:

- Tại sao mày lại đẩy tao de kỳ cục vậy?

Michael coi bộ ngạc nhiên:

- Ủa, anh là cố vấn pháp lý, nhân vật số 1 của gia đình này dưới Las Vegas mà? Chúng ta quyết định ra làm ăn công khi thì phải có anh sắp đặt cơ sở pháp lý chớ? Còn chức vụ nào quan trọng hơn nào?

Hagen mỉm cười nhưng vẻ buồn buồn của hắn không dấu được:

- Tao không nói cái vụ Las Vegas đó. Vụ thằng Rocco Lampone được mày bí mật uỷ thác lập một băng đặc biệt mà không cho tao hay kìa. Vụ mày tiếp xúc thẳng với Albert Neri, không qua tao mà cũng không quacaporegime nào kìa! Không lẽ mày không biết Rocco đang lo tổ chức một băng mật?

- Ủa, sao anh biết vụ Lampone lập băng?

- Yên chí đi! Khỏi sợ đổ bể vì chẳng ai biết, ngoài tao. Vì còn ở chức vụ của mộtconsigliori dĩ nhiên tao phải biết. Mày cho Lampone mối làm ăn riêng, mày để nó tự do tuyển mộ một số tay chân thân tín. Thằng nào nó mướn hồ sơ chẳng phải qua tay tao? Để ý một chút là phải biết liền. Có những thằng rất ngon, lãnh lương rất hách mà chỉ để làm những công việc vớ vẩn tầm thường. Nhưng mày chọn Lampone là đúng người rồi. Nó làm ăn rất kỹ, rất kín...

- Nếu "rất kín" thì anh đã chẳng đoán ra! Mà chẳng phải tôi chọn. Ông già biểu đó.

- OK... Nhưng tại sao mày lại gạt tao ra ngoài?

Michael nhìn thẳng, nhìn ngay mặt Hagen và cho hắn biết sự thực, dù sự thực phũ phàng:

- Tom, anh không phảiconsigliori thời chiến. Công việc chúng ta đang tiến hành có thể đem lại nhiều chuyện dữ, có thể bắt buộc phải nổ súng. Tôi không muốn anh kẹt bậy vô, có vậy thôi.

Hagen đỏ bừng mặt. Phải chiBố-Già đánh giá nó như vậy cũng được đi. Thằng nhóc con Michael là cái thá gì mà có quyền hạ nó như vậy kìa? Biết sao hơn Tom đành gật đầu:

- Vậy cũng được. Nhưng tao cần nhắc lại nhận định của Tessio: mày tính sai nước cờ rồi. Mày rút lui trong thế yếu là chết chắc với tụi nó. Ai chớ thằng Barzini nó sẽ xông lại thịt mày cái một và lúc nó xâu xé thì ở đấy mà trông mong các cánh khác chạy tới cứu!

Rút cục đích thânÔng-Trùm phải lên tiếng:

- Tom, đâu phải thằng Michael sắp đặt vụ này mình nó? Có cả tao nữa. Nhưng có những vụ bắt buộc phải làm mà tao thì nhất định không thể đứng ra lãnh trách nhiệm. Nên phải để Michael làm.

Con ruột tao, thằng Santino không đủ tư cách làm trùm nhưng mi, tao có bao giờ nghĩ mi là một thằngconsigliori tồi đâu? Nó tốt bụng, can trường nhưng không thể thay tao điều khiển công việc nhà được. Còn thằng Fred ai dám ngờ nó chỉ là một thằng hèn, tối ngày chạy theo đàn bà? Vậy mi đừng có mặc cảm. Thằng Michael tao tin nó làm được cũng như tao tin mi vậy. Mi hãy nghĩ rằng vì một lý do nào đó mi không thể dính dấp vô mấy chuyện sắp xảy ra là đủ. Vả lại nếu không tin mi tao đã chẳng nói trước với thằng Michael là thế nào mi cũng phát giác ra vụ Rocco Lampone!

- Đúng... Tôi không ngờ anh biết đấy!

- Thiếu gì việc tao có thể giúp mày được, Michael?

- Không được. Anh phải de.

Michael kèm theo một cú lắc đầu thật cả quyết trong lúc Hagen ngao ngán cạn nốt ly rượu. Nó đứng dậy ra về nhưng phải trách thằng Michael một phát:

- Michael... mày kể ra tài nghệ cũng xấp xỉ ông già đó. Nhưng còn một điều mày còn phải học chán.

- Điều gì?

- Đó là cách từ chối... mày còn phải học cách lắc đầu!

- Đúng. Tôi sẽ nhớ.

Đưa chân Hagen ra khỏi phòng. Michael quay sang vừa cười vừa hỏi bố:

- Đó, bố dạy con nhiều thứ mà còn thiếu đấy nghe! Mình muốn từ chối thì phải từ chối cách nào cho thiên hạ khỏi mất lòng?

Ông-Trùmthong thả đứng dậy ra ngồi sau buya-rô:

- Đối với người thân yêu, không thể mỗi cái mỗi lắc đầu được. Cùng lắm mới phải từ chối. Đó là một bí quyết. Phải làm sao cho cái lắc đầu của mình trông như gật vậy. Mà tốt nhất là làm sao cho người ta khỏi bắt mình phải lắc đầu... Nhưng bố nói vậy thôi. Bố cổ hủ rồi, mày thuộc thế hệ mới, mày đừng nghe lời bố. Rồi đây mày còn phải đối phó nhiều chuyện.

- Đúng thế. Nhưng bố đồng ý con để Tom ra ngoài là đúng chớ?

- Phải vậy. Nó không thể dây dưa tới những vụ này!

- Con thấy cũng cần phải nói để bố rõ là con dự định làm cú này chẳng phải chỉ để báo thù cho Apollonia và Sonny mà thôi. Với những thằng như Barzini cần phải làm vậy. Tessio và Tom nói đúng.

Ông-Trùmthong thả gật đầu:

- Nếu cần phải trả thù thì càng để lâu càng tốt, cần phải có thời gian. Bố đâu muốn cầu hoà với chúng... nhưng nếu không làm vậy mày làm sao sống sót mà về nhà được? Bố lấy làm lạ không hiểu sao bọn Barzini còn toan lấy mạng mày vào giờ chót? Có thể tại nó đã ra lệnh từ trước, không gỡ lại được. Mà mày có chắc tụi nó không nhằm Tommasino không?

- Cái đó chắc quá rồi! Tụi nó làm như đeo đuổiÔng-Trùm Tommasino thật tình, bố có ở đấy cũng không thể ngờ. Mọi sự tiến hành đúng răng rắc, chỉ trừ phút chót người chết không phải là con! Rõ ràng mắt con thấy thằng khốn Fabrizzio tất tả đi ra mà? Vả lại từ ngày về con cũng cho điều tra kỹ rồi.

- Mày có tìm ra tông tích nó không?

- Phải ra chứ bố? Con kiếm ra thằng Fabrizzio từ một năm nay rồi! Nó bây giờ là chủ một quán cà-phê, bánh chiên ở tuốt Buffalo. Số thông hành giả, đổi tên đổi hình tích... không dễ gì kiếm ra.

- Vậy thì mày còn đợi gì mà không bắt tay vô việc?

Đến lượt Michael trả lời chậm chạp, sau khi đã ngẫm nghĩ chán:

- Con có ý đợi nhà con sanh xong cháu thứ hai đã... để đề phòng lỡ có chuyện gì... Con cũng muốn để Tom Hagen xuống ở hẳn dưới Las Vegas, không có lý do dây dưa tới vụ này. Nghĩa là phải một năm nữa.

- Nhưng mày đã sửa soạn xong... đâu ra đấy rồi?

Michael để ý thấyBố-Già hỏi nó mà mắt ngó ra chỗ khác. Nó bèn ôn tồn xác nhận:

- Con đã dự tính xong. Bố đứng ngoài hẳn, bố không có trách nhiệm gì về vụ này. Con nhận lãnh hết. Mà con cũng không muốn bố có ý kiến gì hết. Mọi sự cứ để con lo, bằng không thì bố làm lấy, con đứng hẳn ra ngoài. Chắc bố hiểu...

- Bố hiểu chớ? Nếu không hiểu... bố đâu đã về hưu, để mày gánh trách nhiệm một mình? Thực ra đời bố làm như vậy là nhiều rồi, nghỉ ngơi là phải. Bố hết ham. Vả lại, có những việc lắt léo mà bảnh đến đâu cũng không thể làm. Thôi được, mày cứ thế mà tiến hành.

Ít lâu sau đó Kay sanh đứa con thứ hai, lại con trai nữa. Nàng sanh thật dễ dàng, dễ như gà vậy và cả gia đình nhà chồng đón mừng như bà hoàng. Cô em chồng mừng cháu bằng một tấm nệm khổng lồ bằng lụa dệt tay nhập cảng từ Ý qua. Dĩ nhiên phải là thứ đắt tiền lắm, quý lắm. Connie khoe ầm lên: "Chị biết không, em chạy đi kiếm khắp Nữu-Ước chẳng có cái nào ưng ý cả. Vậy mà Carlo mầy mò thế nào lại mua được mới lạ chớ?" Nghe Connie lập đi lập lại "thành tích" của chồng Kay chỉ cười. Nàng làm gì chẳng biết nó muốn vụ này lọt đến tai Michael? Vì thế nào nàng chẳng đem việc này kể lại với chồng... Kay càng ngày càng chánh gốc đàn bà Sicily mà?

Cũng ít lâu sau nghệ sĩ Nino Valenti từ trần vì một cơn xuất huyết não. Mấy tờ lá cải Nữu-Ước đăng tin buồn ngay trên trang nhất. Mới mấy tuần trước cuốn phim Nino đóng vai chánh vừa ra lò, khán giả hâm mộ quá xá nghiễm nhiên Nino Valenti vọt lên hàng ngũ đại minh tinh. Báo nào cũng đăng tin Johnny Fontane tuyên bố đích thân lo liệu tang lễ Nino Valenti, cử hành trong vòng thân mật, chỉ bà con bạn bè thân thích được mời tham dự. Có tờ còn đăng trọn bài phỏng vấn, đại để Johnny Fontane tự nhận chính mình đã gây ra cái chết cho thằng bạn thân yêu, đáng lẽ nó phải bắt buộc Nino Valenti chạy chữa thật chu đáo chớ không thể để nó chán đời tự tìm đến cái chết đau thương như vậy. Nhưng dù sao người đọc cũng cảm thấy sự bất lực của Johnny Fontane: tạo tên tuổi vĩ đại cho thằng anh em bạn nghèo thì được và nó đã làm tận tình chớ sức mấy cướp được nó khỏi tay Tử-thần?

Tang lễ Nino Valenti cử hành ở California nên gia đình Corleone không ai dự được, trừ Fred. Em Lucy Mancini và bác-sĩ Jules Segal dĩ nhiên phải có mặt. ChínhÔng-Trùm Corleone cũng định từ Nữu-Ước bay sang Los Angeles đưa tiễn thằng con đỡ đầu nhưng phút chót không thể đi được vì một cơn đau tim phải nằm liệt giường cả tháng sau. Đại diện chính thức của gia đình Corleone là Albert Neri mang theo một vòng hoa khổng lồ.

Hai ngày sau đám tang Nino Valenti, đến lượt đàn anh Moe Greene đi về lòng đất. Đang hú hý với một em nhân tình đào hát trong nhà em ỏ Hollywood thì Moe bị một thằng lạ mặt nhào vô bắn chết tươi! Về phần Albert Neri thì cả tháng sau mới thấy mặt ở Nữu-Ước, người ngợm phơi gió biển Trung Mỹ đen chùi chũi. Lúc nó trình diện, Michael Corleone cũng chỉ mỉm cười, nói vài câu khen ngợi qua loa. Nhưng Albert Neri lấy làm cảm động: ông chủ vừa cấp cho một mối làm ăn thêm, một trạm bao đề bao xổ số thật màu mỡ ở khu phía đông Nữu-Ước. Có làm có hưởng, làm ngon làm thì hưởng đích đáng. Bấy nhiêu đó là Albert Neri chịu quá rồi. Ít ra làm với gia đình Corleone nó cũng được thưởng công đích đáng và đời nó chẳng mong muốn gì hơn.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 29

Nếu nói chuẩn bị kỹ thì ai kỹ bằng Michael Corleone? Kế hoạch tiến hành nhịp nhàng, an toàn tuyệt đối. Nó kiên nhẫn chuẩn bị cả 12 tháng trời. Còn cả 12 tháng kia mà? Vậy mà số mệnh không cho phép nó chờ đợi quá lâu như vậy. Số mệnh đã chơi nó một cách thật lạ kỳ, đột ngột... không biết đằng nào mà đỡ! Vì số mệnh nhè ngay vàoÔng-Trùm, vào bố nó nên làm sai lạc hết dự tính của Michael.

oOo

Bữa hôm đó là Chúa nhựt, buổi sáng nắng đẹp. Mấy người đàn bà lo đi xem lễ hết,Ông-Trùm Vito Corleone đánh bộ đồ nông dân ra vườn săn sóc mấy luống đất trồng cà, trồng ớt. Quần rộng thùng thình, sơ-mi xanh bạc phếch, chiếc nón nỉ cũ kỹ bẩn thỉu úp chụp lên đầu. Mấy lúc sau này mập ghê quá, phải làm vườn hùng hục cho bớt mỡ, ổng nói vậy và cả nhà tin vậy.

Ra ít lâu nayÔng-Trùm khoái làm vườn, sáng nào cũng lo dậy rõ sớm để chăm sóc từng luống đất. Có chăm chỉ bón sới từng mẫu đất như vậy mới hồi nhớ lại, mới có dịp sống lại quãng đời thơ ấu ở quê nhà 60 năm về trước mà không bận lòng vương vấn về cái chết đau khổ của cha già. Bây giờ luống đậu đã bắt đầu trổ hoa trắng xoá ngọn, cây nào cây nấy bụ bẫm, có cây chống đỡ tận gốc thật vững. Ở cuối vườn đứng sừng sững một thùng phân bự, thứ phân chuồng ủ thật ải chẳng thứ phân bón hoá học nào bằng! Phía cuối vườn cũng mọc lên vô số những giàn tự tayÔng-Trùm buộc gọn gàng để mỗi gốc cà chua đều có giàn bám chắc chắn, tha hồ leo.

Nắng lên khá cao rồi,Ông-Trùm phải lẹ tay tưới nước từng khóm rau cải. Chậm chút xíu là lợi bất cập hại vì khác gì mượn ánh nắng mặt trời thiêu cháy lớp lá mỏng manh? Nhà vườn phải cần nước, cần phân tưới bón và ánh nắng cũng cần lắm nhưng không biết canh nước canh nắng đúng lúc là bao nhiêu công không vứt đi. Lại còn mấy con kiến này nữa. Phải lo bắt bằng hết. Có kiến là có sâu có rầy, phải lo xịt thuốc là vừa.

Cũng may là vừa tưới nước xong. Nắng lên sớm quá, đợi giờ này mới tưới là hỏng rồi! Thấy nắng là mệt,Ông-Trùm, bụng bảo dạ: "Mệt rồi... cứ từ từ... vội vã là hỏng, hỏng hết!" Thôi đặt giàn cho mấy gốc cà này nữa là xong việc. Cúi xuống gắng làm chút xíu nữa là rồi, tha hồ nghỉ.

Ông-Trùmbỗng cảm thấy nắng làm ngây ngất người. Trong một thoáng in hình mặt trời sa xuống gần hơn vậy. Choáng váng cả người, nổ đom đóm mắt! Đang lom khom cúi xuống đặt giàn, thằng cháu nội - con đầu lòng của Michael - từ nhà chạy ra vườn tính chơi với ông chắc? Ô hay, cả người nó sao bao phủ làn ánh nắng chói chang thế kia? Cái vụ này là không xong rồi, làm gì ổng không biết là trái tim trở chứng? Nó luôn luôn hành vậy đó, tốt hơn là vẫy tay ra hiệu cho nó đi chỗ khác chơi, cho nó khỏi phải nhìn thấy cảnh ông nội bị chứng đau tim quất gục. Đúng lúc quá, vừa vẫy nó đi thì lồng ngực lãnh một cú như búa bổ, tưởng đâu bể ngực và nghẹt thở luôn. Đúng, nghẹt thở quá! Chịu không nổi, ổng ngã chúi về đằng trước.

Thằng bé vội chạy vô nhà kêu bố. Cùng với mấy thằng đàn em đang gác cổng, Michael chạy bổ ngay ra vườn, đúng lúcÔng-Trùm ngã sấp, hai tay ôm chặt luống đất. Mấy thằng xúm lại khiêng ổng vô, đặt đỡ dưới bóng mát của dãy nhà mát. Michael xuống nắm chặt lấy tay bố, sai mấy đứa chạy đi kêu xe Hồng-thập-tự, kêu bác-sĩ gấp.

Chắc phải cố gắng lắm lắmÔng-Trùm mới mở mắt ra nổi để nhìn thằng con lần chót. Khuôn mặt già nua nhăn nhúm, xanh lè vì chứng đau tim trở nặng. Chỉ một cơn là tuyệt vọng. Dường như mùi hương của mảnh đất vườn phả vào mũi, ánh nắng chói chang làm choá mắt,Ông-Trùm chỉ lẩm bẩm có mỗi một câu "Đời đẹp quá" là đi luôn.

Vậy làÔng-Trùm Vito Corleone trút hơi thở cuối cùng khỏi phải chứng kiến cảnh vợ con xúm lại khóc lóc om xòm. Ổng từ trần trước khi tan lễ nhà thờ, trước khi bác-sĩ hay xe nhà-thương tới. Chung quanh là mấy thằng thủ hạ, ổng còn được nắm chặt tay thằng con út, thằng con cưng nhất nhà trước khi từ giã cuộc đời.

Dĩ nhiên tang lễÔng-Trùm Vito Corleone phải tổ chức linh đình, long trọng.Ngũ Đại gia đình Nữu-Ước có đủ mặt cácÔng-Trùm cũng như không thiếu mộtcaporegime nào. Cánh Tessio, cánh Clemenza còn đông đảo nữa. Mấy tờ báo lá cải đăng thật lớn tin tài tử Johnny Fontane về chịu tangBố-Già, bất chấp mọi hậu quả, bất chấp lời khuyến cáo của Michael. Trả lời cuộc phỏng vấn của các nhà báo, Johnny còn nghiễm nhiên xác nhận ổng là cha đỡ đầu và trong đời hắn chưa hề gặp một người nào tốt bụng, đàng hoàng nhưÔng-Trùm Vito Corleone, do đó được về chịu tang ổng là cả một hân hạnh, còn thây kệ mọi người muốn nghĩ sao thì nghĩ.

Đám tang tổ chức trong cư xá, theo đúng truyền thống Sicily. Nhà đòn phụ trách toàn thể việc tống táng còn ai ngoài ông bạn Amerigo Bonasera? Dĩ nhiên lão đâu dám lấy một xu, mà còn tự tay lo tắm rửa, khâm liệm choBố-Già thân mến một cách cực kỳ chu đáo, kỹ càng. Tưởng một bà mẹ trang điểm cho cô gái cưng về nhà chồng cũng chăm sóc đến thế là cùng! Bà con nhìn mặtÔng-Trùm Corleone lần cuối nức nở khen ổng chết rồi mà dáng dấp vẫn oai vệ, uy nghi như người sống là Bonasera sướng phổng mũi rồi. Hiển nhiên lão còn cảm thấy có chút quyền uy thật tình. Thử không có tay hắn tô điểm, chăm sóc coi có oai vệ, uy nghi được không... hay cũng rùng rợn, hãi hùng như bất cứ kẻ nào bị cơn đau tim quật cú chót?

Về tận cư xá Long Beach phúng điếuÔng-Trùm quả không thiếu một người bạn cũ, không thiếu một người nào từng chịu ơn ổng. Ông chủ lò bánh Nazorine mang cả vợ con, thằng Enzo và đàn cháu ngoại. Từ Las Vegas thì Lucy Mancini theo gia đình Tom Hagen lên. Ít ra cũng có mặt 4Ông-Trùm của vùng Cựu-Kim-Sơn, Los Angeles, Boston và Cleveland. Được cử vào việc khiêng linh cữuÔng-Trùm cùng hai đứa con trai phải là những người thân thiết bậc nhất: bạn già ngày xưa phải là Tessio, Clemenza, và đám thủ hạ mới là Rocco Lampone, Albert Neri. Những vòng hoa chia buồn từ các nơi gởi về phải chất mấy căn trong cư xá mới hết.

Ngoài cổng lớn lúc nào chẳng đầy những nhà báo, nhiếp ảnh viên chầu chực? Ngay FBI còn cử nguyên một xe bít bùng chuyên viên. Nhưng tất cả những người lạ, người ngoài đó... đều đứng ở ngoài chờ, có láu cá đến đâu cũng chẳng qua mặt được một hàng rào "người nhà" không nể nang ai khi đòi hỏi xuất trình giấy tờ và thiếp mời. Có nước giải khát mang ra tận nơi cho những ông khách bất đắc dĩ đó nhưng vô trong thì nhất định không lọt. Đứng ngoài canh có mặt nào thò ra xúm lại hỏi thăm tin tức cũng vô phương. Hầu như tất cả đều không biết nói mà chỉ trợn mắt ngó.

Trong khi đó, Michael ở lỳ trong "văn phòng" để cùng với Fred, Kay và Tom Hagen nhận những lời phúng điếu, chia buồn. Tất cả mọi người có lòng tốt tới chia buồn đều được Michael đáp lễ đàng hoàng, dù vài kẻ ưa tâng bốc đã gọiÔng-Trùm hayBố-Già Michael. Dĩ nhiên nó không bằng lòng nhưng chỉ một mình Kay nhận ra vì Michael có để lộ một vẻ gì, trừ cặp môi khẽ xiết lại?

Lúc Tessio, Clemenza vô góp mặt cùng đám người nhà thì đích thân Michael rót rượu mời. Thăm hỏi việc làm ăn thì Michael chỉ cho hay qua loa. Ngay cư xá này cũng phát mại luôn cho một công ty xây cất và dĩ nhiên làÔng-Trùm đã dự tính từ trước thì phải có lời bộn! Đó là bằng chứng quyết tâm dời hết cơ sở làm ăn xuống miền Tây, không để lại một chút gì ở Nữu-Ước. Chỉ đợiÔng-Trùm từ trần hay về hưu hẳn là bắt đầu.

Gần mười năm nay ngôi nhà này mới lại có chuyện tụ họp đông đảo bà con, từ ngàyÔng-Trùm Corleone gả cô con út Constanzia cho Carlo Rizzi. Nghe có người nhắc đến, Michael bước ra cửa sổ ngó xuống vườn. Mới ngày nào, ngày cưới Connie... nó đưa Kay về giới thiệu với gia đình... hai đứa còn ngồi ở góc kia. Vậy mà bao nhiêu biến cố dồn dập đã đưa đẩy cuộc đời nó đến khúc quanh không ngờ này. Nó nhớ tới lời ông già lúc lâm chung: "Đời đẹp quá." Lạ thật từ hồi có đủ trí khôn Michael nhớ chắc có bao giờ ông già nói một lời nào về cái chết đâu? Làm như ổng quá coi trọng sự chết nên lờ hẳn đi, không dám nhắc nhở đến nữa.

Ngày đưaÔng-Trùm Corleone ra nghĩa địa, Michael nắm tay vợ đi sau linh cữu ông già, phía sau là đông đủ quan khách, thuộc hạ và những bà con từng chịu ơnBố-Già một lần trong đời. Nhưng người như Nazorine, như goá phụ Colombo... biết bao người từng sống trong giang sơn củaBố-Già, tự đặt mình dưới sự cai trị khe khắt mà đúng mức của ổng. Trong số kẻ thù cũng có vài người đến tiễn đưa ổng lần chót...

Michael bước theo đám tang, vừa quan sát vừa mỉm miệng cười. Trong thâm tâm nó thầm nghĩ nếu được chết như ông bố, phút lâm chung còn nói được rằng "Đời đẹp quá" thì sống hay chết chẳng có gì quan trọng nữa. Nếu tự tin được như vậy thì mọi sự trên đời đều vô nghĩa thật. Nó sẽ theo gương ông bố. Nó sẽ lo cho con cái, cho gia đình, cho đám thuộc hạ. Nhưng con cái nó phải sống, phải lớn lên trong một thế giới khác. Chúng nó sẽ là bác-sĩ, giáo sư, nghệ sĩ... hoặc Thống đốc, Tổng Thống cũng chưa biết chừng. Nó sẽ lo lắng tận tình cho chúng sống hoà mình vào gia đình lớn của nhân loại, với điều kiện sẽ theo dõi cẩn thận chính cái đại gia đình đó. Nó đủ thế lực, đủ khôn ngoan để làm công việc đó mà?

Ngay buổi sáng hôm sau có buổi họp gia đình trong căn nhà củaÔng-Trùm , những tay có chức phận trong cánh Corleone đều về tham dự. Họ lần lượt đến trước buổi trưa và đều được Michael đích thân đón tiếp.

Cũng vẫn những khuôn mặt ngày nào quy tụ trong "văn phòng": hai lãocaporegime Tessio, Clemenza. Vẫn Rocco Lampone biết điều, rất được việc... Carlo Rizzi im lìm, biết thân biết phận... Tom Hagen tạm thời rời bỏ chức vụ thuần tuý pháp lý về chung lo công việc. Và Albert Neri thì lúc nào cũng ở sát một bên Michael, đốt điếu thuốc choÔng-Trùm mới hoặc bưng ly nước, như cố ý bày tỏ một sự trung thành không hề lay chuyển sau một biến cố thật tai hại cho toàn thể gia đình Corleone.

VìÔng-Trùm không còn nữa là cánh Corleone mất đứt phân nửa lực lượng, rõ ràng không còn đủ tư cách đối phó với hai cánh Barzini - Tattaglia nhập một. Những người có mặt hôm nay đều biết vậy và không hiểu Michael sẽ nói gì đây. Ít nhất đối với họ, Michael chưa phải là mộtÔng-Trùm đúng nghĩa, trên thực tế cũng như trên nguyên tắc,Ông-Trùm đã chính thức trao trách vụ cho nó đâu, có lệnh gì để lại trước khi chết đâu?

Michael đợi cho Albert Neri rót rượu mời bà con chu tất mới ôn tồn ngỏ lời:

- Xin nói rõ để bà con anh em yên chí là tình hình sinh hoạt của mọi người... cũng như tình cảm đối với gia đình này ra sao, tôi biết hết. Kính trọng ông già tôi thật nhưng anh em vẫn còn sự sống, còn gia đình phải lo nghĩ chớ? Chắc anh em muốn biết rồi đây có sự gì thay đổi trong những dự tính của tôi... sau khi ông già mãn phần. Xin cho hay những gì tôi đã hứa hẹn chắc chắn sẽ tiến hành như đã định. Tuyệt đối không có gì thay đổi.

Clemenza lắc đầu, không dấu sự thất vọng. Mớ tóc giờ đây đã bạc nhiều hơn đen, cần cổ đã mập ú thêm mấy lớp mỡ coi mệt mỏi nặng nề quá. Lão nói thẳng thừng:

- Không hiểu mi tính sao chớ bọn Barzini - Tattaglia chúng nó sắp nhào vô giang sơn mình đến nơi. Tụi nó làm hăng, rõ ràng muốn nuốt sống mình vậy thì chỉ có 2 cách: một là nổ súng đánh lớn, hai là đầu hàng phức cho rồi...

Nghe lão sủa ồm ồm ai cũng nhận ra một điểm: đối với Michael, lão Clemenza vẫn sử dụng thứ ngôn ngữ bình đẳng ngày nào. Không tôn xưngÔng-Trùm đã đành, vẫn chỉ là "mi" cho khỏi có trọng vọng, nể nang! Michael thản nhiên:

- Mình cứ đợi coi chuyện gì sẽ xảy ra. Hãy để tụi nó xé rào trước...

Tessio nhẹ nhàng châm vô một câu thật chán chường:

-... Xé rào thì tụi nó xé từ lâu rồi, còn chờ đợi gì nữa! Sáng nay tụi nó vừa đặt hai ổ bao đề một lúc ở Brooklyn, ở ngay trong khu vực làm ăn của tao xưa nay. Chính lão đại uý xếp sòng, từng ăn cánh với mình cho hay thì còn trật đi đâu được? Tao sợ cứ điệu này cỡ một tháng nữa thôi... thì tao kiếm cho ra một chỗ để treo đỡ cái nón trong vùng Brooklyn cũng không có nữa kìa!

- Vậy hả? Mà chú có thái độ gì chưa?

- Thái độ gì? Mi yêu cầu tụi tao lặng yên, cứ lo giữ thế thủ... thì tao phản ứng làm gì cho mi mệt thêm?

- Tốt lắm! Xin chú cứ thế mà xử sự, cứ tuyệt đối lặng yên như vậy để tôi dễ sắp xếp công việc. Mọi anh em khác cũng nhất loạt chịu đựng dùm cho, có bị khiêu khích ngay mặt cũng ráng nhẫn nhịn, tuyệt đối không phản ứng. Tôi cần vài tuần lễ nữa để giải quyết cho xong công việc, phải thăm dò chiều hướng trước khi có thái độ rõ rệt. Tôi tin rằng bà con anh em mình đây sẽ không ai thất vọng, thua thiệt hết. Chúng ta sẽ triệu tập một phiên họp chót trước khi có những quyết định chung cuộc.

Dĩ nhiên chẳng ai dám tin những lời Michael vừa nói, ai cũng phân vân, nghi ngờ. Nó làm lơ, coi như không thấy để Albert Neri đứng lên tiễn khách. Nhưng Tom Hagen vừa dợm bước ra thì Michael gọi giật lại: "Ở nán vài phút nữa coi Tom?"

Hagen quay lại, bước ra cửa sổ ngó xuống nhà dưới. Nó đứng lặng yên ngó Albert Neri lần lượt đưa từng người ra khỏi cổng lớn cư xá. Hết Clemenza, Tessio đến Carlo Rizzi, Rocco Lampone... Chừng đó nó mới quay lại hỏi Michael:

- Mấy chỗ thần thế, bồ bịch của mình xưa nay mày đã nắm đủ chưa Michael?

- Chưa nắm vừng được hết. Cầu 4 tháng nữa kìa, ấy là còn có ông già phụ lực đấy. Tuy nhiên, anh yên chí là mấy ông toà, những nhân vật quan trọng bậc nhất, tôi đã lo xong. Không thiếu một người, ngoài ra còn những tay dân biểu, nghị sĩ cỡ lớn. Dĩ nhiên là mấy lãnh tụ đoàn thể đảng phái ở Nữu-Ước thì mình đã móc nối từ hồi nào tới giờ. Có thể nói chẳng ai ngờ rằng mình hiện có thế lực hậu thuẫn nặng ký như vậy. Nhưng tôi muốn có hậu thuẫn mạnh hơn nữa, để phòng trường hợp sơ xẩy bất ngờ. Qua mặt chúng nó thì dễ rồi... nhưng sức mấy dấu được anh, phải không? Anh thấy tôi sắp đặt thế nào?

- Kể như tuyệt diệu! Dĩ nhiên tao phải thấy... nhưng không hiểu vì lẽ gì mày gạt tao ra thôi. Chừng tao suy luận theo kiểu chính cống Sicily mới hiểu...

Michael ngó nó cười ha hả:

-... thì ông già cũng biểu là khỏi qua mặt được anh mà? Nhưng để anh dính vô là không được. Tuy nhiên phải chờ đến ngày giờ này mới cần có anh một bên, cỡ vài tuần thôi. Vậy anh có thể phôn về nhà, cho hay phải ở nán lại đây ít tuần. Nói vậy đủ rồi!

- Đồng ý. Nhưng sao mày biết cỡ vài tuần nữa chúng sẽ ra tay trước? Sao mày biết chúng nó sẽ gài để chơi mày?

- Thì cũng ông già dặn dò hết? Theo ổng tính toán thì chúng nó ắt phải nhằm ngay tôi triệt hạ đầu trước. Chúng sẽ mượn taymột thằng tín nhiệm, thân cận nhất để sắp đặt cho tôi vào bẫy. Thằng đó sẽ thu xếp để đem mạng tôi nạp cho Barzini, gọn gàng cái một. Nhưng phải là một thằng thật thân, tôi hoàn toàn tín nhiệm kìa!

Hagen mỉm cười ngắt lời:

-... Một thằng như tao chớ gì?

Michael mỉm cười đáp lời nhưng lắc đầu lia lịa:

- Anh thì chẳng bao giờ chúng xài! Anh gốc Ái-Nhĩ-Lan, tin làm sao được mà chúng dám?

- Coi tao Mỹ gốc Đức mà?

- Đối với chúng cũng vẫn... Ái-Nhĩ-Lan! Vẫn làngười ngoài .

Cũng như không bao giờ chúng mượn tay Albert Neri, một thằng gốc cớm. Vả lại anh cũng như Neri đều gần tôi quá,thân quá ... đời nào chúng dám móc nối để lộ tẩy? Cái vụ này chỉ có thể xuống tay lần một... đâu thể tái diễn? Rocco Lampone thì chưa đủ thân cận. Còn lại có 3 mạng, phải là 1 trong 3 mạng này: Clemenza, Tessio, và Carlo Rizzi...

- Vậy thì... dám thằng Carlo lắm!

- Cái đó chưa biết chừng! Để chờ coi... đâu có lâu la gì nữa?

oOo

Sáng hôm sau, Hagen đang ăn điểm tâm với Michael dưới nhà bếp thì có phôn trong "văn phòng." Michael lật đật bước vô và lát sau đi trở ra, mặt tươi tỉnh. Nó vừa nói vừa cười:

- Quả nhiên là không lâu thật! Đã sắp đặt xong rồi, đúng một tuần lễ nữa sẽ có một phiên họp tay đôi giữa Barzini và tôi để lo giải quyết thoả đáng mọi việc sau khi ông già từ trần. Một phiên họp cấp lãnh đạo để hoà đàm!

Một phiên họp cấp lãnh đạo phải có thằng đứng trung gian sắp đặt. Phải có một thằng trong cánh Corleone ngầm tiếp xúc với phe Barzini để thăm dò trước. Nó sẽ đứng ra hướng dẫn Michael đi gặp Barzini, đúng ngày giờ địa điểm ấn định. Nghĩa là nó sẽ mang Michael đi bán đứng. Hagen biết vậy nên hỏi lửng lơ:

- Ai đứng ra sắp đặt vụ này đấy?

- Tessio!

Vắn tắt có một chữ mà giọng thằng Michael nghe đau khổ quá. Làm sao có thể ngờ được một người như Tessio. Hai đứa ngồi nhai cho xong bữa điểm tâm, rút cuộc Hagen phải lên tiếng:

- Bảo là Carlo... hay Clemenza đi... vẫn còn tin nổi. Ai dè lại là Tessio! Chưa bao giờ tao dám nghĩ một thằng kỳ cựu, khôn ngoan như lão mà có thể phản.

- Phải nói là Tessio khôn hơn cả đám. Vì khôn quá... nên lão cho rằng phải làm vậy mới đúng.Tội gì theo một phe tàn tạ, thua chắc? Cứ bám lấy phe Corleone, trung thành cho đến phút chót để mà chết lãng hả? Hiển nhiên lão cho rằng cánh mình phải gục, không hy vọng gì sống sót nên mới có mục nạp gọn tôi cho thằng Barzini. Vừa lập công, vừa có quyền hưởng nguyên vẹn cơ sở của cánh Corleone!

- Không hiểu sao lão lại nghĩ quẩn vậy nhỉ?

- Lão nghĩ đúng đấy chớ? Xét lực lượng hai bên thì như vậy thực... song có ai nghĩ được như ông già là có đến 10 băng đánh đấm hùng hổ cũng chẳng bằng có thế lực, có chỗ dựa... nghĩa là có gốc bự! Bao nhiêu thế lực của ông già ngày trước tôi đã nắm đủ, nắm trọn vẹn... nhưng có thằng nào biết đến?

Michael mỉm cười, tin tưởng hơn bao giờ hết:

- Vậy là tôi sắp phải xuất hiện dưới danh hiệuÔng-Trùm Michael phải buộc chúng chấp nhận. Nhưng cứ nghĩ đến ca Tessio vẫn không khỏi buồn!

- Nói vậy mày đã đồng ý đi gặp Barzini?

- Tự nhiên. Phải gặp chớ? Đúng một tuần lễ nữa. Mà Tessio hướng dẫn, địa điểm chọn sẵn trong vùng Brooklyn, nghĩa là đất làm ăn của lão, đất nhà... tha hồ an toàn?

Nó vừa nói vừa cười ha hả làm Hagen phải cảnh giác:

- Mà coi chừng! Từ giờ đến ngày ấy... mày vẫn phải coi chừng nghe Michael?

Michael lạnh lùng ngó nó, buông một câu:

- Ô hay, tôi đâu cần một thằngconsigliori để cho ra cái thứ khuyến cáo đó nhỉ?

Sự thực miệng nó nói vậy thôi. Chớ có bao giờ Michael lo "bảo đảm an ninh tối đa" đến như vậy? Một tuần lễ trước ngày ước hẹn, nó đâu dám ló mặt ra ngoài cư xá một lần? Không đi đâu một bước đã đành mà ngay ở trong nhà cứ thấy mặt nó là y như rằng có Albert Neri hờm sẵn một bên. Ngay lúc tiếp khách cũng vậy.

Giữa lúc đó có một chuyện hơi phiền, lại là việc tình cảm gia đình, có tính cách thiêng liêng nên Michael không từ chối nổi. Nhất là người yêu cầu lại là Kay! Chẳng là thằng con đầu lòng của Connie sắp chịu lễ thêm sức theo nghi thức Công giáo. Cả hai vợ chồng nó cùng tha thiết muốn Michael nhận lời làm cha đỡ đầu cho đứa nhỏ mà không dám nói, phải nhờ Kay năn nỉ dùm. Nàng yêu cầu Michael "đừng từ chối tụi nó tội nghiệp. Có một việc nhỏ như vậy... em đâu có xin xỏ anh bao giờ? Anh vì em mà nhận làmBố-Già thằng nhỏ cho chúng khỏi tủi đi."

Kay tưởng đâu năn nỉ chỉ làm Michael bực bội thêm và chắc chắn sẽ gạt phắt. Nàng ngạc nhiên thấy chồng nhượng bộ:

- Thôi cũng được... Nhưng anh không ra khỏi cư xá đâu đấy. Bảo vợ chồng nó mời ông linh mục về nhà làm lễ cũng được chớ gì? Có tốn kém bao nhiêu cũng được. Mà có khó khăn thì bảo Tom Hagen lo dùm cho.

Vì vậy ngay trước hôm hẹn gặp Barzini, một buổi lẽ được tổ chức trong cư xá để Michael Corleone chính thức nhận làmBố-Già cho thằng cháu. Quà tặng cho thằng con đỡ đầu quả thực quý giá: một chiếc đồng hồ vàng loại đắt tiền, sợi dây cũng vàng luôn. Vợ chồng Carlo hoan hỷ tổ chức một bữa tiệc thân mật ở nhà để mời tất cả bà con trong cư xá, mời cả Tessio, Clemenza, Lampone. Dĩ nhiên Bà Trùm phải có mặt để mừng cháu, nhưng người mừng nhất cảm động nhất phải là Connie: biết bao nhiêu lần nó chảy nước mắt ôm hôn anh chị Michael, cảm ơn luôn miệng! Thét rồi Carlo cũng vui lây, tíu tít nắm tay Michael kêuBố-Già om xòm. In hình không mấy khi Michael có dịp vui vẻ, cười đùa như vậy khiến Connie ghé tai Kay thì thầm: "Chị thấy không... bây giờ em mới tin là anh Michael và nhà em hạp nhau thực sự. Coi họ kìa! Phải có những dịp như thế này con người ta mới dễ cảm thông nhau chớ?"

Kay sung sướng nắm tay con em chồng: "Cô ạ... tôi mừng quá! Tôi mừng thiệt tình."

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 30

Bữa nay Albert Neri ngồi nhà - một căn phòng trên một chung cư ở khu Bronx - o bế, chải chuốt lại bộ đồ nỉ xanh Cảnh-sát ngày xưa. Chiếc huy hiệu cũ được lột ra đánh lại cho thật bóng, bao súng dây đeo súng thứ đặc biệt của Cảnh sát cũng được lấy ra treo tòn ten sẵn trên tay ghế. Lâu lắm mới có dịp làm lại cái vụ đánh bóng thường lệ này, Albert lấy làm khoan khoái thật tình. Từ gần hai năm nay, từ ngày con vợ bỏ nhà ra đi đời nó có mấy khi biết đến hứng thú, hăng say nữa đâu?

Hồi đó mới khoác bộ đồ Cảnh sát, Albert lập gia đình với Rita, lúc bấy giờ còn là một nữ sinh non choẹt. Con nhà làm ăn buôn bán đàng hoàng, gốc Ý hơi cổ một chút nên cô bé tính tình rụt rè, nhút nhát quá, bao giờ được đi chơi khuya quá 10 giờ đâu? Rita ngây thơ, duyên dáng mớ tóc đen mun lại ngoan ngoãn, đàng hoàng như vậy bảo sao Albert không hết lòng thương yêu?

Phải nói là hồi mới lấy nhau, Rita một lòng thần phục anh chồng trẻ tuổi hào hùng có sức mạnh như voi và tính nết thẳng như ruột ngựa. Có lẽ vì quá thẳng, quá thực đâm thiếu tế nhị, thô lỗ... nhưng không ai không ngán Albert ở chỗ phải trái phân minh, đã cho là đúng là nhất định phải làm kỳ được. Gặp chuyện trái ý lập tức ngậm miệng, nhưng đã mở miệng phản đối là lớn tiếng, là có chuyện ầm ĩ ngay. Khỏi có vụ ôn hoà từ tốn. Nói chung thì tính tình Albert Neri là thứ thuần tuý, chính hiệu Sicily... mỗi lần nổi giận ông trời coi cũng nhỏ. Tuy nhiên với con vợ Rita thì nó chưa bao giờ phải nặng lời.

Mới 5 năm khoác áo lính, Albert Neri đã nổi danh hung thần của đám bất lương cả Nữu-Ước biết tiếng và nghiễm nhiên được liệt vào hạng những thằng cớm sạch nhất nước. Lề lối làm việc của Albert đặc biệt dễ nể: mấy thằng du đãng, cao bồi, đầu trộm đuôi cướp nhè gặp nó là hết thời. Lập tức Albert đặt thành đối tượng triệt hạ ngay với cả một sức mạnh khủng khiếp trời cho. Nhiều khi chính nó cũng phải phát hoảng, không hiểu tại sao mình có thể xuống tay dữ dằn như vậy!

Một đêm ngồi xe tuần tiễu khu Central Park, nó bắt gặp một đám du đãng nhóc con 6 đứa đang giở trò mất dạy, phá làm phá xóm. Lập tức Albert vọt ngay xuống. Thằng đồng nghiệp biết tính nó quá rồi, ngồi lỳ trên xe, không muốn dính vô với Neri cho phiền phức. Chỉ một thoáng là nó đã nắm đầu đủ 6 thằng ranh diện áo vét lụa đen, chưa thằng nào quá 20 tuổi. Bọn này chưa phải thứ trộm cắp mà chỉ tụ họp nhau phá chơi... Đàn ông thì chúng nắm cổ lại hỏi "xin" tí thuốc, tí lửa mà đàn bà con gái thì chọc ghẹo buông ra những thứ ngôn ngữ, những cử chỉ mất dạy.

Nhờ khoẻ như voi Albert nắm đầu từng đứa, bắt đứng dựa lưng dọc bờ tường, đứng rõ thật thẳng. Thấy tay nó vung cây đèn pin tổ bố, mặt hầm hầm nạt nộ và khổ người đồ sộ hùng hổ trong bộ đồ lính là cả 6 đứa cùng run, ríu rít tuân lệnh.

Đi tuần thì súng luôn luôn đeo ngang hông nhưng chẳng bao giờ Albert phải dùng đến. Cây đèn pin quá đủ. Sau khi bắt 6 đứa sắp hàng một dài dài, nó cật vấn từng thằng một, hỏi tên tuổi rành rẽ. Thằng thứ nhất nghe tên có vẻ Ái-Nhĩ-Lan. Nó quát lên: "Đây là lần chót. Thấy mặt mày thò ra ngoài đường là tao treo cổ gấp. Cút mau!" Nó vung cây đèn pin chỉ đường cho thằng nhóc biến lè lẹ. Hai thằng sau cũng được đuổi về gấp. Nhưng thằng thứ 4 trông rò ràng gốc Ý... cũng như thầy đội Neri vậy. Do đó, cu cậu tưởng bở... gặp người cùng xứ sở "bồ bịch" chắc nên tự cho phép có quyền ngó lên và cười ngỏn ngoẻn. Chừng nghe hỏi "Mày người Ý hả" còn cười cầu tài, gật đầu một phát.

Thế là Albert vung tay, khện cho cu cậu một phát đèn pin giữa trán gục liền, máu đổ tùm lum. Không đến nỗi bể sọ nhưng máu có vòi coi ghê quá! Nó xách cổ lên nạt: "Mày làm nhơ danh dân Ý... Dân Ý đâu có thứ người như mày? Đứng thẳng lên coi." Cu cậu khom lưng thì lãnh nguyên một cú lên gối gập đôi người kèm theo một lời cảnh cáo: "Cút về nhà ngay. Cấm láng cháng ngoài đường. Lần sau gặp tao mà còn mặc cái thứ áo quái gở này thì đi nhà thương gấp. May cho mày không phải con cháu tao đó!"

Dĩ nhiên hai thằng còn lại sợ xanh mặt. Khỏi cần nạt nộ mà chỉ cần đá đít đuổi về, cấm không được đi thả rong ngoài đường.

Những mục cảnh cáo như trên Albert có lối làm thật lẹ, giải quyết gọn cái một. Bà con chung quanh chưa hay chuyện gì thì đã xong chuyện, có phản đối cũng chẳng kịp. Chỉ một loáng nó đã vọt lên xe để thằng đồng nghiệp nhấn ga tạt qua ngả đường khác. Lâu lâu cũng đụng ba thằng cô hồn dám giở võ hay rút dao hăm. Hầu hết đều hối tiếc vì chống cự chỉ tổ rước thêm tai hoạ: Albert đã điên lên thì chỉ có nước máu me đầy người, nằm xe về bót để sau đó còn ra toà lãnh thêm bản án đả thương nhân viên công lực! Mà thông thường còn nằm bệnh viện chán rồi mới được ra toà.

Có lần vì mất lòng xếp Albert bị đổi sang một khu suốt ngày chỉ có tuần tiễu quanh quanh trụ sở Liên Hiệp Quốc. Mấy bố có chân trong các phái đoàn Liên Hiệp Quốc ỷ quyền bất khả xâm phạm của ngoại giao đoàn nên có lối đậu xe kềnh càng, bạ đâu tấp đấy có coi luật lưu thông và lệnh Cảnh sát ra gì? Báo cáo về Ty thì được cấp trên ra lệnh xếp hồ sơ, đừng có dây dưa mất công. Albert đã bực nhè một đêm xe đậu ẩu quá nhiều, kẹt cứng lưu thông làm xe dồn lại cả đống. Nửa đêm rồi, biết mấy đấng chủ nhân ở đâu mà kêu phạt vạ, buộc xách xe đi chỗ khác? Nó bực bội vung cây đèn pin đập bể kính chắn gió, bao nhiêu xe đậu vi luật đập hết. Có tiền đưa sửa gấp cũng phải mất mấy bữa chờ đợi. Mấy ông ngoại giao phản đối tùm lum với ty Cảnh sát sở tại, yêu cầu trừng trị "bọn lưu manh phá hoại." Nạn bể kính xe kéo dài cả tuần cấp trên mới hay đó là công trình độc đáo của thầy đội tuần tiễu Albert Neri. Do đó đương sự bị tống về ty hắc ám Harlem.

Sau đó ít lâu một buổi sáng Chúa nhựt Albert đưa vợ đi thăm bà chị ở Brooklyn. Bà chị goá chồng nên đúng theo truyền thống Sicily, cậu em Albert có bổn phận gánh đỡ phần nào trách vụ của người quá cố nghĩa là lâu lâu xuống thăm một lần coi gia đình chị có chuyện gì không. Hồi này ông em cần xuống luôn vì thằng cháu 20 tuổi mồ côi cha, mẹ không dạy bảo nổi đã có triệu chứng hoang đàng, phá phách. Có lần ông cháu Thomas đua đòi chúng bạn đi hoang đã dám "ăn hàng" bậy một cú suýt ở tù, nếu cậu Albert không nhờ vả các anh em "bỏ qua cho nó một lần." Dĩ nhiên ông cậu cũng dằn lòng cho Thomas hưởng cái án treo với một lời cảnh cáo vắn tắt: "Tha cho mày lần này! Mày còn làm cho má mày buồn một lần nữa, một lần nữa thôi là tao đập chết!" Ở một gia đình nào khác có lẽ đó chỉ là một khuyến cáo cậu cháu thân tình, dằn mặt sơ sơ. Nhưng với ông cậu Albert thì phải hiểu là một đe doạ thiết thực vì tuy nổi danh sừng sỏ trong đám nhóc con khu Brooklyn, thằng Thomas xưa nay vẫn ngán ông cậu hung thần lắm lắm.

Đêm hôm trước - đêm thứ Bảy mà - Thomas theo mấy thằng bạn đi chơi gần sáng mới mò về nên ngủ miết đến trưa chưa thèm dậy. Má nó vô phòng khe khẽ đánh thức, dậy đi mặc quần áo đàng hoàng ra ăn cơm trưa, bữa nay Chúa nhật có cậu mợ Albert xuống chơi ở lại dùng bữa luôn. Nó càu nhàu: "Má để tôi ngủ. Ai cũng thây kệ họ!" Cửa phòng mở he hé nên ngôn ngữ của nó lọt sao nổi cặp tai ông cậu Albert? Nhưng thấy bà chị đi ra có vẻ sượng sùng Albert đành phải lờ đi như không nghe thấy gì để ngồi ăn cho vui vẻ cả nhà.

Hỏi bà chị "hồi này thằng Tommy có láo lếu gì không" thì bà ấy lắc đầu. Nhưng không may cho thằng khốn là lúc vợ chồng Albert sắp sửa ra về thì nó ở trong phòng khật khưỡng mò ra, lừng khừng chào một phát lấy lệ rồi mò xuống bếp và sau đó ré lên:

- Coi, đói bụng quá xá mà má không để phần cơm hả? Có cái gì ăn đâu?

- Cơm thì có bữa, dậy mà ăn. Không có lệ để phần những thằng ngủ nửa ngày mới dậy!

Thực ra sự cằn nhằn mất nết của Thomas chỉ có tính cách "ngôn ngữ thời đại" chớ chẳng phải nó dám hạch sách bà mẹ hay cố tình làm xấu mặt cả nhà. Nhưng có lẽ vì ngủ chưa đã giấc hay đói bụng đâm cáu kỉnh sao đó nên lỡ buột miệng chửi thề một câu, quên béng ngay sự hiện diện của ông cậu Albert nãy giờ đang hầm sẵn:

- ĐM... không để phần thì thôi! Đây đi ăn nhà hàng... thiếu gì...

Nó vừa buột miệng có thế chưa kịp hối tiếc thì đã bị ông cậu Albert chồm tới vồ cứng... như mèo vồ chuột vậy. Ra thằng này bây giờ mất dạy quá. Dám chửi thề, dám đối đáp với mẹ nó hỗn láo tới cỡ này sao? Hàng ngày nó vẫn mở miệng ăn nói với mẹ nó như vậy chắc? Chẳng cần biết là bữa nay nó mới trở chứng hỗn láo... hay ăn nói mất dạy đã quen nhưng trừng trị một trận ngay tại chỗ là việc phải làm ngay.

Phải nhìn nhận là Thomas gặp ngày xui xẻo nên lãnh nguyên vẹn một trận đòn trừng trị đích đáng, thẳng tay và đúng phương pháp. Hai người đàn bà đứng ngoài sợ hết hồn, không dám lên tiếng can ngăn khi hung thần Neri quần thằng cháu. Nó đập cách nào mà cu cậu mới đâu còn chống đỡ qua loa... nhưng liền sau đó chỉ có lạy. Môi, má, mặt, chỗ nào cũng sưng phồng, đổ máu... Đầu bị dộng vào tường cồm cộp. Người gập đôi lại sau mỗi cú thôi sơn vào bụng. Cuối cùng nằm bò càng cũng vẫn bị dộng sấp mặt huỳnh huỵch xuống sàn nhà.

Sau đó Albert biểu: "Đợi tôi một chút" và xách cổ thằng cháu xuống đường, tống vô xe nạt cho một hồi nữa:

- Mày nhớ nghe... tao mà nghe mày ăn nói mất dạy với mẹ mày một lần nữa là mày sẽ bị tao lôi cổ đi cho một trận nhớ đời chớ không phải nhẹnhàng, đồ bỏ như trận vừa rồi đâu nghe? Mày không đàng hoàng là biết tay tao. Bây giờ lên nói với vợ tao là tao chờ dưới này, mau!

Hai tháng sau, một đêm đi trực về Albert không thấy con vợ đâu. Ra Rita lén mang hết đồ đạc, quần áo dông về nhà ông già nó! Ông bố vợ đau khổ cho chàng rể hay tại nó quá sợ, quá khiếp hãi sự dữ dằn của Albert nên không dám sống chung chớ không phải vì một nguyên do nào khác hết. Lời giải thích làm Albert há miệng ngạc nhiên. Nó có bao giờ đụng đến con vợ, nó có nói nặng hay xử tệ với Rita một lần nào đâu? Trái lại một mực yêu quý, cưng chìu hết mình. Thái độ Rita làm nó chưng hửng nên Albert tính đợi một vài hôm nữa, chờ cho tình hình lắng dịu đã... rồi thế nào cũng phải gặp mặt con vợ một lần hỏi cho ra lẽ.

Sự đời trớ trêu ở chỗ ngay đêm sau đi tuần tiễu như thường lệ trong khu Harlem thì Albert gặp chuyện rắc rối. Xe tuần tiễu của nó 12 giờ khuya thình lình nhận được tín hiệu cấp cứu phải phóng ngay tới nơi can thiệp một vụ đổ máu. Về vụ này Albert lẹ lắm: xe chưa ngừng hẳn nó đã phóng xuống, tay vung vẩy chiếc đèn pin. Nó hối hả rẽ đám đông, xông thẳng vô phạm trường, theo tay chỉ của một mụ già da đen: "Nó ở trỏng... nó rạch mặt con nhỏ coi ghê quá!"

Mới vô đến hành lang, thấy chỗ ánh sáng đèn hắt ra là tai Albert đã nghe thấy tiếng người rên rỉ. Tay còn cầm đèn pin, nó nhảy vô căn phòng xém đụng 2 thân hình nằm ngã nghiêng trên nền nhà. Hai con đen, một cỡ 25 tuổi, một con 12 tuổi là nhiều đang nằm chịu hình phạt rạch mặt, rạch thân bằng lưỡi dao cạo máu tuôn đỏ người. Hung phạm khỏi cần chạy, thấy thày đội Albert nó vẫn đứng như trời trồng. Nó là thằng ma cô Wax Baines, khách hàng quen của Albert.

Dân Harlem còn ai không biết thằng dân chơi ngỗ ngược ghiền nặng ma tuý này? Nó dắt gái, bắt mối bạch phiến và đâm chém cũng lỳ lắm. Thấy mặt người nhà nước nó giương mắt ngó, cặp mắt phi ma tuý đỏ ngầu dễ sợ, tay lăm lăm con dao bén dính đầy máu. Mới 2 tuần trước Albert vừa túm cổ nó về bót về tội hành hung một trong những con điếm "bồ bịch" của nó ngay ngoài đường. Thằng khốn Wax Baines bữa đó điềm nhiên la: "Ê... không phải việc mấy ông nghe!" Thằng đồng nghiệp đi cùng với Albert thực sự cũng nghĩ vậy. Mấy thằng đen thì thây kệ cho chúng lụi nhau, thịt nhau chết bỏ dính vô làm cho cho mất công? Đâu được, Albert nhất định xúc nó về bót lập biên bản truy tố ra toà. Có điều chưa đầy 24 giờ sau đã có luật sư đóng tiền thế chân cho nó tự do tạm rồi!

Xưa nay Albert đâu có cảm tình với bọn đen? Phụ trách tuần tiễu trong khu Harlem, có dịp đụng chạm nhiều nó còn tối kỵ. Thứ người gì đâu chỉ biết ăn nhậu và chơi bạch phiến cho đã, vợ con đi làm đĩ thây kệ! Mấy thằng khốn đó quả hết xài. Vậy mà thằng Wax Baines chó chết này dám công khai phạm pháp, rạch mặt hành hạ hai con ghê tởm gớm ghiếc đến thế kia? Được rồi, lần này khỏi xúc về bót mất công ra toà rồi về... nó lại nhởn nhơ coi pháp luật chẳng ra gì!

Thực tình Albert đã nghĩ vậy. Nó tính ra tay thì mấy người lối xóm kéo vô chật nhà. Thằng đồng nghiệp của Albert cũng bỏ xe tuần tiễu chạy vô coi nữa. Albert nhìn thằng ma cô quát lớn: "Buông đao ra! Mày phạm pháp quả tang hết chối cãi."

Thằng Baines cười hềnh hệch: "Mày bắt tao? Muốn bắt tao... phải rút súng ra kìa... Hay mày muốn nếm thử một mũi này?"

Thằng khốn đưa con dao lên hăm he... Nhanh như cắt Albert xông tới làm thằng bạn chới với, không kịp rút súng ra. Đâu phải doạ miệng, Baines ngang nhiên sấn tới, lia nhanh một đường dao nhưng Albert còn nhanh hơn nhiều. Chỉ một cái gạt tay chính xác đã cho nó hụt đã... rồi thuận tay mặt dộng cho nó một cú đèn pin tàn nhẫn cái đốp vào đầu. Cú quật ngắn, gọn vào một bên sọ làm thằng khốn chới với như người say rượu loạng choạng, khuỵu đầu gối xuống dao văng cấp kỳ. Chỉ một cú này cũng quá đủ. Nhưng hăng máu lên Albert thật lực bồi cho nó một phát nữa vào đúng giữa đỉnh đầu cực kỳ ác độc. Nghe cái "rốp"... (Mãi sau này khi ra toà, mấy nhân chứng và ngay thằng đồng nghiệp của nó cũng phải khai là Albert đã ra tay một cách quá hung hãn, độc ác và thực sự là không cần thiết.)

Kết quả là chiếc đèn pin bằng nhôm đồ sộ và chắc chắn như vậy mà phần đầu văng rời ra, bể kính bóng đen tan tành từng mảnh vụn văng tùm lum. Cả cây đèn cứng rắn như vậy mà đập một cú cong vòng, nếu không có mấy cục pin lót trong đã gẫy rời mấy mảnh.

Một cú như vậy giáng ngay đỉnh đầu thì xương cốt nào chịu cho nổi? Gã nhân chứng da đen ra toà khai thằng Baines quả thực cũng là týp vô cùng cứng đầu nhưng gặp thày đội Albert Neri chơi quá cứng, và cây đèn pin còn cứng nữa nên cái sọ của nó chịu không nổi. Nó vỡ toang ra nên nạn nhân lãnh đủ và đưa vô nhà thương Harlem cấp cứu tức khắc cũng chỉ sống thêm được có hai giờ.

Đó là lý do Albert Neri bị đưa gấp ra toà và có lẽ cũng chỉ một mình nó ngạc nhiên khi thấy mình bị nhà nước truy tố về tội "sử dụng bạo lực một cách quá đáng, không có lý do giải thích cần thiết." Tội nặng như vậy thì máng áo là chuyện tất nhiên, còn bị toà ghép tội sát nhân là khác. Từ 1 đến 10 năm tù giam chắc!

Lúc bấy giờ 1 năm hay 10 năm Albert cũng bất kể! Nó sôi sục căm thù cả cái xã hội đểu giả, dám nghiễm nhiên truy tố một thằng hành xử công quyền như nó về tội giết người, nghĩa là xúc phạm đến sinh mạng của một thằng người đốn mạt hạ cấp cùng cực là thằng ma cô Wax Baines! Lại máng áo lính, lại ra thân phận tù tội nữa mới đau. Pháp luật là như vậy đó. Pháp luật đâu cần biết đến số phận của 2 nạn nhân của thằng khốn, 2 đứa con gái mang thương tật vĩnh viễn trên mặt và còn nằm nhà thương vì sự hành hạ của chính thằng Wax Baines đó?

Albert Neri thực sự không ngán tù tội. Chẳng gì nó cũng từng khoác áo lính và có lỡ can án sát nhân cũng chỉ vì đã quá mạnh tay trong khi hành sự. Đâu có ai nồ nạt, trừng trị mà lo? Mấy thằng đồng nghiệp bồ bịch của nó cũng rỉ tai cứ yên chí, thế nào cũng có lời gởi gấm. Nhưng có một người thực sự không yên chí chút nào.

Người ấy là ông già vợ của Albert, một chủ vựa cá gốc Ý có cửa hàng ở khu Bronx, một tay sành đời quá xá. Ổng biết chắc một thằng tính tình như Albert sơ sẩy lọt vô tù một năm cũng đủ chết mất xác. Nóng tính, thẳng ruột ngựa như nó nhè ở vào những chỗ bất lương trắng trợn như nhà tù thì không giết người cũng bị người giết... dễ chết như chơi!

Vì vậy ông chủ vựa cá quyết định phải can thiệp cho thằng rể. Con gái mình đã ngu dốt, không biết người biết của... nên làm khổ một thằng chồng đàng hoàng như nó thì lẽ nào để nó bỏ mạng oan trong ngục mà không cứu? Nghĩ vậy ông già vợ Albert bèn chạy ngay lại gia đình Corleone nhờ cậy. Lâu nay ổng vẫn nạp đều lệ phí bảo vệ cho cánh nhà này và lâu lâu có của ngon vật lạ đều mang tới biếu người cùng xứ sở mà?

Dĩ nhiên người cùng xứ sở với nhau thì gia đình Corleone có xa lạ gì Albert Neri? Bà con đều biết nó xưa nay nổi danh một thằng cớm sạch, dám làm dám chịu và thuộc vào một số ít những tay chớ có coi thường mà mang hoạ. Một týp người hùng gan dạ, bặm trợn như Albert Neri thì chỉ cá nhân nó cũng làm nhiều thằng phát khiếp chớ chưa cần đến bộ đồ lính và khẩu súng nhà nước vội! Cánh Corleone luôn luôn coi trọng và đặc biệt lưu ý đến những thằng dám chơi và chơi ngon như vậy. Nó có lỡ mặc áo lính cũng chẳng sao. Thiếu gì thằng vào đời chọn lầm nghề, không đi đúng con đường của vận mạng? Chỉ cần một cơ hội tốt sau này là cuộc đời thay đổi cái một chớ gì?

Người có công phát giác và giới thiệu trường hợp của Albert Neri cho Tom Hagen còn ai ngoài lãocaporegime Peter Clemenza? Xưa nay lão mập đánh hơi nhân tài lẹ lắm! Tom Hagen cũng từng biết tiếng Neri và tin ở sự giới thiệu của lão lắm... nhưng vẫn cứ phải cho lệnh điều tra mật hồ sơ nội vụ ở ngay văn khố Cảnh sát cái đã. Sau cùng Hagen bỗng có linh tính không biết chừng dám có 1 thằng Luca Brasi nữa lắm. Nó lẩm bẩm:

- Thằng này in hệt Luca Brasi hồi đó...

Lão mập nhanh nhẹn gật đầu như máy, tuy người bề bộn mà cử động của lão chẳng chậm chạp chút nào:

- Thì tao cũng nghĩ in hệt! Để biểu thằng Michael lo cái vụ này coi?

Đó là lúc Albert Neri đang nằm khám tạm chờ ngày gởi đến một trung tâm cải hối và được cho hay hồ sơ của nó vừa được Toà mang ra tái thẩm trên căn bản của nhiều sự kiện mới mà các giới chức Cảnh sát cao cấp vừa đệ trình. Quả nhiên bản án bị huỷ bỏ. Được hưởng án treo nên Albert được trả tự do cấp kỳ.

Albert đâu phải là thằng ngây thơ đi tin ở chuyện đèn trời soi xét? Phải có một thế lực nào đó can thiệp ngầm và vụ này chắc phải có ông già vợ nó dính vô. Đúng vậy, sau khi dò hỏi ra nó bèn tới cảm ơn ổng và ký giấy thoả thuận ly dị vợ để gọi là đền ơn. Sau đó mới nhờ người đánh tiếng trước và sắp đặt để nó sang tận cư xá Long Beach cảm ơn gia đình Corleone. Dĩ nhiên nó được Michael đích thân đón tiếp niềm nở trong văn phòng. Mới đầu nó còn khách sáo nhưng nghe Michael thân mật nói chuyện, Albert chịu ngay. Và nó cảm động thực tình. Không cảm động sao được khi nỗi lòng oan khuất được người cởi mở? Hôm ấy Michael nói thẳng:

- Chú khỏi phải cám ơn cái điệu khách sáo. Mình người cùng xứ sở với nhau mà? Không biết thì thôi... mà đã biết thì đâu thể chấp nhận để cho họ hành hạ, ngược đãi chú vô lý như vậy? Thay vì tù tội... họ phải gắn huy chương cho chú mới đúng. Mà mấy ông nhà nước thì vậy đó, chỉ ngán có áp lực mà thôi! Sự thực tôi không dính vô chuyện này đâu, nếu tôi không cho đi điều tra cặn kẽ về tình trạng kẹt oan cũng như tư cách đàng hoàng của chú xưa nay. Đối với bà chị và thằng cháu cũng như đối với ông bố vợ, chú đã cư xử rất chững chạc, chính họ công nhận vậy.

Dĩ nhiên Michael vô cùng tinh tế, cố tình lờ tuốt cái vụ vợ bỏ nên xưa nay Albert rất ít nói, có thể gọi lì lợm mà bữa đó hai người chuyện trò rất hạp. Chưa bao giờ Albert cởi mở như vậy và cũng chẳng hiểu sao Michael hơn nó có 5 tuổi mà trong cung cách đối xử nó sẵn sàng chấp nhận như một anh lớn, một bậc chú. Nghĩa là già dặn hơn nó nhiều!

Sau cùng Michael mở đường cho nó:

- Dĩ nhiên đã can thiệp cho chú khỏi tù tội thì tôi đâu có tiếc gì một công việc làm? Sẽ có công việc thích hạp cho chú, một chân phụ trách an ninh cho lữ quán dưới Las Vegas chẳng hạn. Nếu chú muốn ra làm ăn, cần đến một số vốn thì cũng dễ, tôi có thể giới thiệu một nhà băng...

Albert Neri nói thẳng:

- Về vụ công việc làm hay... mượn vốn thì tôi cảm ơn ông nhiều. Nhưng tôi xét chưa thể được nên tôi chưa dám nhận lời. Tôi muốn đền ơn ông lắm... nhưng còn cái án treo đó, tôi còn phải tự đặt mình dưới sự giám hộ của pháp luật. Vậy làm ăn không tiện chút nào...

- Ồ, cái vụ án treo thì huỷ bỏ đâu khó? Được, tôi sẽ có cách thu xếp cho cái "sổ vàng" của chú biến luôn... để sau này có làm ăn gì cũng dễ.

Bao nhiêu năm làm lính Albert còn lạ gì sự tai hại của "sổ vàng" cũng như tệ nạn đút lót để tiêu huỷ bằng hết án tích ghi trong tư pháp lý lịch? Trước khi tuyên án, ông toà nào chẳng lo đếm từng "phích" do Cảnh sát đệ nạp theo hồ sơ nên công việc hối lộ để tẩy uế sạch sẽ tư pháp lý lịch quả là một "ma nớp" sơ đẳng bậc nhất. Vấn đề làm nó bận tâm là không ngờ có người vui lòng chiếu cố đến nó, vận động, lo lót dùm nó. Vì vậy Albert cảm động nhận lời:

- Dạ, nếu vậy thì chừng nào cần đến... tôi sẽ nói để ông lo dùm.

Michael "OK" và dợm nhìn đồng hồ. Nó tưởng đâu đó là dấu hiệu "Hãy từ biệt là vừa" nên mau mắn đứng dậy, xin phép ra về. Nào ngờ Michael giữ lại:

- À, giờ cơm rồi. Tiện bữa chú dùng cơm với gia đình tôi chớ? Ông già tôi chắc muốn gặp chú lắm. Mà bà già tôi làm mấy món truyền thống Sicily thì phải biết, hôm nay chắc có món hột gà chiên xúc-xích rắc tiêu lên, thật nhiều tiêu! Cơm gia đình, chú chẳng phải vẽ vời từ chối. Mình chỉ bước mấy bước là tới phòng ăn, ở ngay nhà bên cạnh đây.

Có lẽ chẳng bao giờ Albert Neri quên được bữa cơm đầu tiên trong gia đình Corleone. Lâu lắm rồi nó chưa được ăn một bữa cơm gia đình thân mật sung sướng như vậy. Có lẽ từ năm mồ côi cha mẹ, từ hồi nó 15 tuổi. Đâu thể ngờÔng-Trùm Corleone vui tính, tử tế đến thế? Làm như ổng vô cùng khoái chí nghe ông Albert kể lại gốc tích ở quê nhà: thì ra làngÔng-Trùm với làng ông già nó ở kề nhau, đi bộ cũng chỉ vài phút là tới!

Cơm ngon, rượu chát đúng gu, trò chuyện như pháo rang... điều làm Albert Neri cảm động nhất là cảm giác "đây mới đích thực là gia đình mình". Rõ ràng nó có cảm giác người nhà, con cháu nhà chớ chẳng phải là một người xa lạ, mới gặp gỡ lần đầu. Rõ ràng nó có ấn tượng có thể ở lại với gia đình này lâu dài, sung sướng...

Khi về đích thânÔng-Trùm đưa nó ra xe, có Michael đi một bên. Ổng nắm tay nó nói:

- Mày được lắm, cháu! Thằng Michael đây... tao đã truyền nghề cho nó và bây giờ tao già rồi, tao muốn về hưu nghỉ ngơi. Nó có nói với tao chuyện "tai nạn" của cháu, nó muốn can thiệp dùm cháu. Tao bảo nó hãy cứ lo chuyện làm ăn buôn bán của mình cho xong đi đã thì nó có trình bày rõ ràng về trường hợp cháu bị chúng bỏ rơi, bội bạc tàn tệ như thế nào. Nó cứ nài nỉ nói mãi rốt cuộc chính tao cũng phải để ý đến. Nói vậy cho cháu hiểu là Michael đã biết người, lựa đúng người. Chừng gặp cháu tao thấy ngay là nó nhìn không lầm và sự can thiệp của tao không uổng, biết chưa? Vậy cháu muốn gì cứ việc nói ra, tao và Michael thế nào cũng giúp cháu thực hiện ý nguyện. Cháu hiểu chưa? Đã biết nhau thì cái gì cũng xong hết.

(Nhớ những lời ân cần, tử tế củaÔng-Trùm bữa đó, Albert Neri cứ tiếc hùi hụi. Phải chi trời cho ổng sống thêm ít ngày thì khoái biết mấy? Nó sẽ có dịp chứng minh là chính ổng nhìn người cũng không lầm và "đã biết nhau thì cái gì cũng xong hết!" Hẳn ổng sẽ khoái lắm thấy nó làm xong hết công việc, gọn ghẽ nội trong ngày hôm nay.)

Nội 3 ngày là Albert có quyết định dứt khoát. Làm gì nó chẳng biết gia đình Corleone kết týp người như nó? Cùng lúc đó nó cũng hiểu là hành động của nó bị xã hội lên án nhưng vói gia đình này thì đó lại là một việc nên làm, đáng làm. Xã hội đó coi nó ra gì đâu? Nhưng ở "giang sơn" nhà Corleone nó được trọng vọng, nó được hưởng thụ đích đáng. Vả lại xã hội Corleone tuy nhỏ bé nhưng có thực lực hơn nhiều.

Bữa sang thăm Michael, nó cho biết ý kiến ngay. Nó nhận làm, nhưng không phải ở Las Vegas mà ở ngay Nữu-Ước này. Vấn đề trung thành thì khỏi nói vì Michael biết rồi. Công việc làm được bàn tính xong ngay... nhưng trước khi làm nó được lãnh lương trọn tháng, xuống Miami ở lữ quán nhà ăn chơi miễn phí cho thoả thích đã.

Đời nó có bao giờ được hưởng những ngày sống hách như vua chúa cỡ đó? Chỉ cần nói "bạn ông Michael" là được tôn xưng như thượng khách. Ăn ở miễn phí thật nhưng chẳng phải bị tống vô một căn phòng "bà con nghèo" bằng lỗ mũi mà là cả một dãy phòngdeluxe . Ông chủ câu lạc bộ trực thuộc lữ quán còn vui lòng giới thiệu cho vài ba em thật chiến cho nên du hý ở Miami về là Albert nhìn đời tươi đẹp hẳn lên.

Thoạt đầu Michael gởi nó vô băng Clemenza để lão xếp mập thử thách đã. Phải cải tạo kỹ càng, thận trọng huấn luyện lại lề lối làm ăn của nó vì lẽ giản dị Albert gốc cớm. Từ bên kia chiến tuyến nhảy qua bên này cú một chẳng phải chuyện dễ dàng nhưng với týp người bặm trợn của nó thì bên nào xét ra cũng vậy, nó vẫn là một thằng chơi dữ, xuống tay mạnh không hề ngần ngại. Chưa đầy một năm nó đã lập xongđầu danh trạng để chẳng bao giờ quay cổ trở lại nếp sống cũ được.

Còn "huấn luyện viên" nào cừ khôi bằng Clemenza? Lão hết lời ca ngợi và theo lão đánh giá thì Albert Neri quả là một "của hiếm", một phát giác thời buổi này không dễ gì kiếm! Nó không thua Luca Brasi ở điểm nào và còn có thể bảnh hơn nhiều! Nội sức mạnh tuyệt vời và phản ứng thần tốc, chính xác của nó cũng đã ngon lành không thua vuabaseball Joe DiMaggio. Nó là thứ ngựa hay, nhưng cũng là ngựa chứng mà xếp Clemenza tự nhận là cầm cương không nổi. Phải đặt nó trực thuộc Michael, với Tom Hagen làm trái độn.

Vì là thứ nhân viên đặc biệt nên Albert cũng lãnh lương thật đặc biệt, dù chưa phải cỡ được chia chác cơ sở làm ăn riêng là một sòng bài, bao đề hay một cơ sở để lãnh "tiền bảo vệ". Đối với ông chủ Michael, nó cho thấy cả một sự ngưỡng mộ thực tình nên có lần Tom Hagen đã nửa đùa nửa thực bảo:

- Ông già có Luca Brasi... thì mày có Albert Neri rồi đó!

Michael gật đầu. Albert Neri là thằng nó không đào tạo ra nhưng chắc chắn sẽ trung thành cho đến chết. Đó là bí quyết đích truyền củaBố-Già! Những ngày theo bố "học nghề" có lần Michael hỏi thẳng:

- Tại sao bố có thể dùng một thằng hung ác như Luca Brasi? Tại sao nó thần phục bố đến thế?

Ông-Trùmkhông ngần ngại cắt nghĩa cho thằng con:

- Trên đời này có những thằng liều mạng đến độ chỉ mong có người ra tay giết dùm. Mày phải để ý. Đó là những thằng vô đám bạc là gây gổ đập lộn, lỡ bị đụng xe sây xát cây cản chút xíu cũng nhào xuống đòi ăn thua đủ, chưa biết đối phương là ai thế lực cỡ nào cũng cứ hạ nhục bừa, hùng hổ láo. Đã trơ thân cụ lại cố tình chọc giận cả đám cô hồn. Làm như nó chơi vậy để thử coi có dám giết nó không vậy! Dĩ nhiên là trước sau thế nào chẳng có thằng sẵn lòng cho nó được như ý? Những thằng muốn chết cách đó xã hội này không thiếu. Đó là những phần tử nguy hiểm... làm hại lây nhiều người khác.

Thằng Luca Brasi ngang ngược vậy đó... mà bao nhiêu lâu sau chẳng thằng nào giết được nó. Vì nó hung dữ đặc biệt thiên hạ lo né không! Dùng được nó như một món võ khí thì còn gì lợi hại bằng? Bí quyết là ở chỗ nó đã không sợ chết, nó đã dám coi chết như không thì mày phải làm cách nào cho nó tin rằng mày là người duy nhất trên đời này không muốn giết nó, dù có thể giết được! Nó không sợ chết... nhưng chỉ sợ mày ra tay giết nó. Cái đó nó sợ nhất. Chừng đó thì nó hoàn toàn là người của mày.

Bí quyết đóÔng-Trùm truyền cho Michael trước khi chết và sau đó nó đã ứng dụng liền để có một Albert Neri.

oOo

Cũng vì bí quyết đó nên Albert Neri hoan hỷ ngồi nhà, cắm cúi chải rõ sạch bồ đồ lính lâu không rớ tới. Chải quần áo xong mới tới dây lưng bao súng. Cái nón kết cũng phải chùi cho láng chỗ vành, rồi mới đến đôi giày da đen thô lỗ. Công việc thật giản dị nhưng Albert để hết tâm trí vô. Vì nó cho là đã chọn đúng người đúng việc. Trên đời này mấy ai tin nó bằng Michael Corleone? Hôm nay nó sắp chứng minh ai tin nó sẽ không thất vọng.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 31

Cũng ngày hôm ấy trong sân cư xáLong Beachcó hai chiếc xe du lịch mui kín chờ sẵn. Một cái đưa Bà Trùm, vợ chồng Connie và hai đứa con nhỏ ra phi trường đáp máy bay xuốngLas Vegas. Gia đình Carlo đi nghỉ mát ít ngày trước khi dọn xuống ở hẳn dưới. Đó là lệnh của Michael, dù Connie không bằng lòng Carlo cũng ép đến phải chịu. Dĩ nhiên nó đâu cần phải giải thích là không muốn thấy ai ở lại nhà này trước ngày hội diện với Barzini? Vụ gặp gỡ tối quan trọng đó chỉ hai lãocaporegime được quyền biết.

Chiếc xe kia chở Kay và 2 đứa nhỏ vềNew Hampshirechơi vài bữa với ông ngoại bà ngoại. Michael còn bận nhiều việc quá, bỏ đi ngang đâu được?

Nhưng tối hôm trước Michael rỉ tai riêng với Carlo: để vợ con mày xuống trước vài bữa đi. Mày ở lại có chuyện giao phó, làm xong xuống cũng vừa. Connie phản đối quá xá nhưng mấy lần phôn sang Michael nó đều đi khỏi và lúc có nhà thì lại bận bàn chuyện làm ăn với Tom Hagen, không thế nào gặp được. Sau cùng Connie đành phải để chồng ở lại và lúc ra xe nó còn quay lại hăm:

- Hai bữa mà không thấy anh xuống... là tôi về nhà nắm đầu anh nghe!

Carlo đành cười gượng gạo:

- Được... xong việc trên này là người ta xuống liền... làm gì bấn lên vậy?

Connie thò cổ ra ngoài cửa xe hỏi vớt. In hình nó lo lắng, bồn chồn điều gì nên coi mặt già hẳn đi, xấu ỉnh:

- Mà anh biết anh Michael giữ anh lại có chuyện gì không?

- Biết được nó! Hôm trước biểu có một chân quan trọng dưới đó giao cho tao... thì chắc vụ đó chớ còn gì? Thì tao chỉ thấy Michael có vẻ vậy thôi.

- Có thật không, Carlo?

Nó gật đầu một phát cho xong, để nó đi cho rồi. Xe Connie bèn vọt khỏi cổng cư xá. Thực sự Carlo đâu biết quái gì? Ngay tối nay có buổi gặp gỡ với Barzini quan trọng là thế mà nó có hay trời trăng gì?

Đợi cho xe Connie đi khuất, Michael mới ló mặt ra để tiễn chân vợ con. Carlo cũng chạy ra chào bà chị Kay, chúc thượng lộ bình an. Khi xe Kay chạy khuất, Michael mới quay sang nói:

- Tao phải giữ mày ở nhà một hai hôm đừng buồn nghe? Để tính toán công việc mày cho xong, rồi xuống cũng được chớ gì?

- Đâu có sao anh!

- Được, chừng nào cần bàn vụ của mày tao sẽ phôn sang. Đừng đi đâu lỡ hết việc, tao còn vài chuyện phải làm xong cái đã...

- Được mà anh tôi đợi được...

Sự thực thì con vợ đi trước vài bữa Carlo còn khoái chí là khác. Nó vô nhà phôn gấp cho con nhân tình vẫn bao tháng ở Westbury, biểu tối nay thế nào cũng tới. Thủng thỉnh lôi ra chai huýt-ky, nó ngồi canh máy nhậu lai rai đợi anh Michael phôn qua. Thời gian chờ đợi có khác, lâu quá! Từ xế trưa Carlo để ý thấy xe vô ra cư xá như mắc cửi. Nó thấy lão mập Clemenza xuống xe, lát sau có cả Tessio nữa. Carlo lấy làm lạ, đứng lên ngó. Cả hai lãocaporegime được bọn cận vệ của Michael đưa vô tận nhà. Vài giờ sau thấy một mình lão mập đi ra còn Tessio mãi chưa thấy.

Ngồi chờ lâu quá cũng mệt, Carlo bước ra ngoài sân đi quanh quẩn cho đỡ buồn... nhưng cỡ 10 phút lại lo trở vô. Michael đã dặn canh máy mà? Mấy thằng phụ trách canh gác cư xá nó biết mặt hết và còn bồ bịch vài đứa nữa, Carlo tính tới nói dóc chơi cho qua thời giờ. Bỗng Carlo giật mình: ô hay bọn cũ đi đâu hết? Bữa nay toàn mặt lạ không, toàn những thằng Carlo chưa hề thấy mặt bao giờ! Coi ai như đàn anh Rocco Lampone đang canh cửa? Đúng nó rồi! Một thằng có cỡ như Rocco mà làm gác-dan thì kỳ cục quá? Không lẽ sắp có chuyện gì quan trọng đến nỗi đích thân xếp lớn Rocco phải ra gác cửa lớn mới xong?

Thấy Carlo xề tới, Rocco Lampone cười hề hề, bắt-sua thân thiết. Nó tính hỏi thăm thì Rocco hỏi trước:

- Ủa, mày cũng ở lại đi sau vớiÔng-Trùm ? Tao tưởng mày đi từ sáng rồi.

- Thì Michael biểu ở lại vài ngày thì ở lại. Coi nó có việc gì biểu làm thì làm...

- Đúng đấy. Cứ sai đâu làm đấy cho rồi! Đây này... biểu tao ra đây gác cửa thì tao 'OK', ra gác. Xếp sòng biểu mà?

Dù nó không nói ra nhưng Rocco Lampone không dấu vẻ bất mãn, bực bội. Làm như bắt buộc thì nó phải tuân lệnh vậy thôi chớ sức mấy Michael bằng được ông già về vụ sử dụng người!

Tuy nhiên Carlo không phụ họa. Nó biểu Michael làm gì cũng có lý do hết, cứ việc 'OK' cho xong. Không thấy Rocco nói gì nó bỏ đi vô nhà. Điệu này là nhất định có chuyện gì quan trọng đến nơi... nhưng Rocco Lampone cũng chỉ đoán vậy chới sức mấy biết?

oOo

Lúc Carlo tà tà bách bộ trong sân cư xá làm gì Michael không thấy? Nó đứng cửa sổ văn phòng, vén rèm nhìn xuống thấy hết.Hagenmang tới một lybrandy pha đậm uống thật đã. Nó đang cần hơi men. Đứng dằng sau, Tom Hagen ôn tồn nhắc:

- Đúng lúc rồi đấy. Mày khởi sự là vừa.

- Phải lắm. Tôi tiếc ông già không sống được ít lâu nữa để chứng kiến cái vụ này. Không sớm quá đấy chớ?

- Đâu có! Mày sắp đặt đến thế là tuyệt vời. Tao còn "bị mà" thì sức mấy chúng kịp trở tay? Chắc chắn sẽ đạt bằng hết mục tiêu, tin tao đi!

- Phải nói là ông già hoạch định hầu hết, tôi không ngờ ổng tính toán, tổ chức cừ đến như thế. Phải nói là hết xẩy! Về vụ này anh biết ổng hơn tôi.

- Ông già thì khỏi nói. Nhưng cả một cú đại quy mô ổng hoạch định ra mà mày tiến hành được tới cỡ này... cũng đã quá đẹp rồi. Chẳng thể làm hơn được đâu, Michael!

- OK... Vậy thì khởi sự. Nào, Clemenza và Tessio hiện có mặt ở đây đấy chớ?

Hagengật đầu. Michael cạn lybrandy một hơi nói khẽ: "Anh biểu Clemenza vô đây. Tôi sẽ cho lão biết phải làm gì... nhưng Tessio thì tôi không muốn nhìn thấy mặt. Anh ra cho lão hay là sắp đặt sẵn đi, cỡ nửa giờ nữa lão sẽ đưa tôi đi gặp Barzini là vừa. Anh cứ nói thế, còn mọi việc sau đó tôi đã có chỉ thị rõ rệt để bọn đàn em Clemenza giải quyết êm."

Hagenbỗng ngao ngán. Nó không thể không hỏi lại một câu nhưng cố tình canh giọng cho thật khách quan, tuyệt đối không có vẻ can thiệp hoặc thương hại gì hết:

- Mày thấy không còn cách nào khác để giải quyết vụ Tessio?

- Đúng, không còn cách nào.

oOo

Cũng ngày hôm đó ở khúc đường xép thị xãBuffalocó một tiệm bán bánh mì chiên nhỏ nhưng buổi trưa chật cứng khách ăn. Cả giờ đồng hồ sau khách mới vãn dần, thằng ngồi quầy mới có thì giờ rảnh rang thu dọn mấy cái mâm khách ăn thừa chất từng chồng trên trốc lò. Nó ngó vô lò xem chừng mẻ bánh đang chín dần nhưng chưa được, lớp phó mát chưa nổi lên đều. Phía quầy ngoài đường lại có khách, nó tất tả chạy ra. Bên kia quầy đứng sừng sững một gã coi bặm trợn quá "Ê, cho dĩa bánh chiên coi?"

Thằng bán hàng lấy cái đòn dài xúc một miếng bánh đẩy vô lò những ông khách không chịu ngồi quầy ngoài ăn mà đẩy cửa bước vô. Bên trong quán chẳng còn mạng nào. Nó lấy miếng bánh đang nướng trong lò ra, đặt trên cái đĩa giấy đẩy tới trước mặt khách. Đáng lẽ phải lấy tiền ra trả thì ông khách cứ đứng ngó lom lom thật khó chịu... rồi đặt câu hỏi vu vơ:

- Ê, nghe nói bồ có xâm ngực ngon lành lắm, phải không? Kìa, nhìn chỗ cổ áo cũng thấy phần trên? Mở cho coi chút xíu được không?

Thằng bán hàng chợt rùng mình ớn lạnh. Tự nhiên nó đứng ngay như trời trồng. Ông khách hối om xòm. "Mở cho anh em thưởng ngoạn chút xíu" làm nó bấn lên, lắp bắp chối. Thứ tiếng Anh nó nói đặc sệt giọng Ý:

- Tôi đâu có xâm mình ông? Thằng đứng bán ban đêm mới có... ông lầm với tôi rồi!

- Thì có hay không cứ mở mẹ nó nút áo ra là thấy chớ gì?

Ông khách vừa nói vừa cười hềnh hệch thật nham nhở, nghe độc và đểu kỳ lạ.

Thằng bán hàng choáng người vội nhanh chân lùi ngay lại, tính rút lui vòng qua ngả cái lò bánh khổng lồ. Nhưng ông khách thản nhiên đưa tay đặt lên quầy mà tay gã lại thủ khẩu súng nữa. Gã nổ một phát trúng giữa ngực nó văng bật vô thành lò rồi nổ bồi phát nữa làm nó té lăn ra nền nhà. Ông khách vòng qua quầy bước vô, cúi xuống giựt tung ngực áo sơ-mi. Dù ngực nó đỏ lòm những máu nhưng vết xâm vẫn thấy rõ rành rành: một cặp trai gái ôm nhau gắn bó với một lưỡi dao xuyên qua mình cả cặp. Thằng bán hàng cố đưa tay lên che ngực nhưng tay nó yếu quá rồi.

Ông khách cúi xuống tuyên bản án: "Michael Corleone gởi lời hỏi thăm mày đó... Fabrizzio." Khẩu súng được kê sát màng tang, thảy thêm phát nữa. Xong việc gã lẹ lẹ bước ra khỏi quán, đi mấy bước tới ngã tư... Nơi đây có chiếc xe mở cửa sẵn, gã thót lên và xe phóng như bay.

Ở bên cư xáLong Beachthì đàn anh Rocco Lampone đang gác cổng lớn bỗng có phôn kêu. Nó bước tới chiếc máy đặt ngoài trạm canh. Nghe vắn tắt có mấy tiếng: "Hàng có sẵn rồi" là nó thót ngay lên chiếc xe riêng đậu kế bên, lái đi cấp tốc. Nó cũng chạy ngả đường nổi John Beech - con đường Sonny Corleone bị phục kích đêm nào - dông tuốt qua ga xe lửaWantagh. Nó tốp, để xe lại đây để lên một xe khác có hai đứa chờ sẵn.

Ba đứa phóng xe lên xa lộ Bình-Minh và cỡ 10 phút sau ghé vô một lữ quán bên đường để một mình Rocco Lampone nhanh nhẹn băng tới một căn nhà cất theo lốibungalow . Nó bung một đá văng cánh cửa, nhào vô như giông như gió.

Giữa phòng có một cái giường và đứng sừng sững trên giường làÔng-Trùm Phillip Tattaglia, 70 tuổi đầu nhưng trần truồng như trẻ sơ sinh! Giữa giường một em bé mặt non choẹt nằm chình ình, cũng trần truồng luôn. Coi, lão Phillip già đầu như vậy mà mớ tóc còn rậm đen, da dẻ hồng hào coi tốt tướng đáo để. Không nói không rằng, Rocco Lampone đẩy một hơi 4 viên nhằm chỗ da thịt mềm mại nhất là bụng dưới rồi dông ra xe tức khắc.

Chiếc xe lại tà tà phóng về nhà gaWantaghđể Rocco đổi xe, lái về cư xá một mình. Về đến nhà nó lên gặp ngay Michael, cho biết qua sự thể rồi lại đi trở xuống bước ra cổng ngoài làm gác-dan như lúc nãy.

oOo

Vậy là Albert Neri đã o bế xong bộ đồ lính. Rất chậm rãi nó mặc bộ đồ vô, đúng thứ tự như mọi lần, trước khi đi làm. Này xỏ quần, mặc sơ-mi, thắt cà-vạt... rồi khoác áo ngoài, đeo thắt lưng bao súng vô là xong... Tất cả lệ bộ trên người nó đều là thứ nhà nước phát hồi đó. Hồi "bị treo áo lính" chỉ khẩu súng là phải nạp trả nhà nước gấp chớ Sở đâu có đòi lại mấy thứ phụ tùng vặt vãnh?

Khẩu súng hôm nay cũng đúng thứ ru-lô,38 Police Special dân cớm vẫn xài nhưng do xếp Clemenza cung cấp với bộ phân nòng đặc biệt "vô danh" khỏi sợ truy cứu ra. Rất cẩn thận Albert lắc trái khế ra, chấm chút dầu rồi đóng vô, nhấn thử cò nhẹ nhàng "cắc... cắc" ngon lành. Chắc ăn rồi nó mới lắp đầy đạn, nhét vô bao. Có thể lên đường được rồi...

Chiếc nón kết Cảnh sát nó để trong bao giấy và mặc thêm chiếc áo vét ra ngoài che đỡ bộ đồ lính. Cỡ 15 phút nữa mới có xe tới đón. Thừa ít thời giờ, Albert Neri ra đứng trước gương ngó tới ngó lui coi dáng dấp có giống cớm thứ thiệt, cớm tuần tiễu không. Giống quá trời, in hệt còn gì!

Nó thong thả đi xuống. Ngoài đường, chiếc xe vừa tốp, băng trên có 2 thằng đàn em lão Clemenza. Albert thót lên băng dưới. Xe chạy ra khỏi khu vực nhà mới cởi bỏ chiếc áo vét, lấy nón ra đội lên đầu đàng hoàng.

Xe chạy tới đường 55, sắp tới ngã tư Đại lộ số 5 thì tốp lại để "thày đội" Albert Neri nhảy xuống, bắt đầu đi tuần. Khỏi cần điệu bộ, nó tà tà bách bộ trên đại lộ đông nghịt người. Ra dáng lính đi tuần lắm, bao nhiêu năm đi tuần hàng ngày mà? Sự thực lâu nay không làm công việc này nó cũng thấy hơi ngượng một chút lúc đầu.

Albert tiếp tục đi bách bộ tới khu Rockefeller, chỗ trông sang thánh đường Saint Patrick. Đi chút xíu nữa là nó thấy ngay chiếc xe định kiếm. Đúng nó rồi! Chỉ có nó mới dám ngang ngược đậu một mình một lề đường... vì cả dãy bên này mọc chi chít những bảng "Cấm đậu" và "Cấm ngừng lại". Toàn bảng đỏ không!

Cứ để nó đấy. Nhìn đồng hồ thấy còn sớm, Albert chậm bước lại, dáo dác ngó... lấy sổ tay ra cắm cúi ghi chép rồi lộp cộp bước tới nữa. Đúng giờ hành sự rồi! Nó làm bộ ngạc nhiên ngó chiếc xe nghênh ngang đậu giữa khoảng cấm, không coi luật lệ ra gì. Đưa cây dùi cui gõ nhẹ nhẹ vào cây cản xe thì đến lượt thằng lái xe ngước lên nhìn. Coi bộ nó cũng ngạc nhiên, không ngờ có thằng cớm dám đụng tới xe này! Đúng điệu nhà nghề, nó múa dùi cui chỉ bảng cấm và đưa tay ra hiệu làm ơn dông gấp gấp dùm. Nào ngờ thằng tài xế quay mặt ngó lơ!

Albert Neri điềm đạm bước xuống đường, đi vòng ra đằng trước để có chuyện "hỏi thăm" thằng lái xe. Coi, mặt mũi thằng này đầy chất cô hồn, đúng là týp nó thích đập xưa nay! Cố tình kiếm chuyện, Albert sủa một câu rõ ra kẻ cả, nghiễm nhiên coi nó cóc có ký-lô nào:

- Ề, mày... tao đã làm ngơ đuổi đi mà mày còn ỳ thần xác ra đấy hả? Bộ mày khoái tao tống cho vài cái giấy phạt chắc?

Thằng tài xế trả lời ngang:

- Bồ về Ty hỏi lại gốc cái xe này đi! Còn khoái xé giấy phạt thì cứ việc xé đi... đưa đây cho rồi. Khỏi nói nhiều...

-... Nói nhiều cái gì? Mày không đi liền tức thời... tao kéo cổ xuống đánh thấy mẹ chớ tưởng ngon hả?

Không hiểu nó khéo tay cách nào mà chỉ loáng một cái thằng tài xế đã một tay gấp gọn tấm giấy 10 đô-la thành 1 miếng thật xinh rồi lo le đưa ra, toan nhét khẽ vô túi thày đội. Albert Neri bèn làm mặt giận, hùng hục leo lên lề, đưa một ngón tay ngoắc ngoắc, ra hiệu cho nó tới. "Ê, đưa tao coi bằng lái xe... Thẻ chủ quyền nữa..."

Nó bước tới. Đúng như kế hoạch đã vạch sẵn. Albert tính bắt nó đi vòng ra tuốt góc đường lận. Nhưng bây giờ coi bộ không kịp nữa rồi! Khẽ liếc mắt một phát nó đã thấy từ cao ốc Plaza kế đó hùng hục bước ra 3 thằng coi tướng tá bặm trợn, dễ nể. Tụi nó đang tới gần. Đi đầu là Barzini và sát ngay sau lưng nó là nguyên cặp vệ sĩ. Thầy trò nó lên đường "gặp gỡ" Michael Corleone mà? Thấy thằng tài xế đứng đó đang có chuyện với Cảnh sát tuần tiễu, một thằng vệ sĩ vọt lên trước miệng sủa: "Có chuyện gì đó, mày?"

Thằng tài xế tỉnh bơ: "Có quái gì! Phạt vạ đậu xe vi luật... Chắc thằng cha này mới ở đâu đổi về Ty này..."

Đúng lúc đóÔng-Trùm Barzini cũng vừa đi trờ tới. Nó cằn nhằn: "Lại có chuyện hả?" Không cần nhìn lên, Albert Neri xé giấy phạt đưa cho tài xế... trả lại nó bằng lái xe, giấy xe luôn. Rất thong thả, nó đưa tay sau đít để nhét túi sau cuốn sổ phạt, nhét mãi. Nhưng lúc tay nó vung phía trước thì khẩu38 Special đã nhảy theo nhanh như máy.

Mũi súng hướng ngay lồng ngực đồ sộ của Barzini, đẩy 3 phát liên tiếp làmÔng-Trùm nhào ngay, nhào trước khi 3 thằng đệ tử cuống cuồng nhảy tìm chỗ núp. "Thày đội" Albert Neri cũng biến nhanh như gió vào đám đông, đi rảo mấy bước đã quẹo cua gấp để thót lên một chiếc xe mở máy sẵn. Xe dông về hướng Đại lộ số 9, đi vào trung tâm thành phố. Chạy tới gần vườn hoaChelseathì trên xe, Albert đã lột nón, lột đồ... đổi nguyên bộ đồ mới. Nó xuống xe, nhảy qua xe khác. Tất cả những "đồ nghề" để lại, đã có thằng có nhiệm vụ đưa đi thủ tiêu lẹ.

Cỡ một giờ sau Albert Neri đã có mặt ở bên trong cư xáLong Beach, chuyện trò tỉnh queo với Michael.

oOo

Tessio đang nhâm nhi ly cà-phê ngồi đợi ở dưới bếp căn bên nhàÔng-Trùm thìHagenbước vô cho hay: "Michael chuẩn bị xong rồi đó. Thử phôn cho Barzini, bảo nó lên đường giờ này chắc vừa rồi."

Tessio đứng dậy ra sử dụng chiếc điện thoại treo trên vách. Nó quay số văn phòng Barzini ở Nữu-Ước nói vắn tắt: "Tụi này lên đường sangBrooklynliền đấy." Nó gác phôn quay sangHagencười nói: "Tao cũng hy vọng nội đêm nay thằng Michael giàn xếp cho xong, cho bọn mình khoẻ một chút!"

"Dĩ nhiên là nó làm xong."Hagenđáp bằng một giọng nghiêm trang và đứng lên biểu Tessio cùng đi qua nhà Michael. Mới đến cửa ngoài đã đụng đầu một thằng vệ sĩ đứng hờm sẵn. Nó thản nhiên nói: "Ông chủ vừa cho hay là ổng sẽ đi bằng xe riêng. Ổng nói hai ông cứ việc đi trước."

Mặt lão Tessio nhăn nhó đến thảm hại. Lão than vớiHagen: "Coi, điệu này đâu có được? Làm vậy đâu được... hư hết trơn mọi dự tính của tao rồi!" Lão vừa dứt câu là thêm 3 thằng vệ sĩ khác ở đâu thò ra, đứng bao quanh.Hagencũng từ tốn thoái thác: "Thôi, chú đi một mình vậy. Tôi không thể đi cùng."

Lãocaporegime nhỏ con khựng lại. Lão hiểu ngay, hiểu hết mọi sự việc trong một nháy mắt. Làm sao bây giờ... phản ứng cách gì được? Đành chịu bó tay thua cuộc. Lão nhột nhạt người, đứng không muốn nổi nhưng trấn tĩnh được tức thời. Tessio nói vớiHagen: "Làm ơn nói dùm với Michael... vụ này thuần tuý công việc, một chuyện bất đắc dĩ... chớ tôi vẫn có cảm tình với nó."

Hagengật đầu: "Cái đó tôi tin là nó biết."

Ngừng một lát, lão quay sang năn nỉ: "Tom... mày có thể gỡ dùm tao cái vụ này được không? Tụi mình với nhau, bao nhiêu năm nay..."

Hagenlắc đầu từ chối: "Chịu. Tôi không thể làm được."

Nó ngao ngán nhìn Tessio bị đám cận vệ của Michael bao quanh, đưa lên một chiếc xe chờ sẵn. Đau khổ thiệt tình. Từ hồi nào đến giờ lãocaporegime cáo già này vẫn là tay cừ khôi nhất trong cánh Corleone, bao nhiêu năm nay! Có lẽ hồi sinh thờiÔng-Trùm không tin cậy ai bằng lão Tessio. Có lẽ nhất Luca Brasi nhì Tessio. Đau khổ biết chừng nào, một con người khôn ngoan như Tessio... đi gần hết cuộc đời mà vấp ngã một cú thảm thương. Nhận định lầm có chút xíu mà lãnh trọn tai hoạ.

oOo

Phần Carlo Rizzi đợi phôn của Michael gần hết ngày, thấy kẻ ra người vô tấp nập quá đâm sốt ruột. Hiển nhiên đang có một diễn biến gì vô cùng quan trọng và nó... nó dám bị bỏ rơi lắm lắm. Không chờ đợi được nữa Carlo đành phôn sang hỏi thẳng Michael song thằng vệ sĩ nghe máy biểu chờ một chút và lát sau nó chuyển lời Michael biểu cứ đợi chút xíu nữa thế nào cũng đến nó.

Michael biểu chút xíu nữa thì chắc gần đến giờ rồi. Có bàn bạc công chuyện gì cũng chỉ 1 giờ đồng hồ... hay 2 giờ là cùng chớ gì? Nó tính ngay trong đầu từ đây lái xe sang Westbury chỉ 40 phút, còn thừa thì giờ chán. Carlo phôn cho em bé lần nữa, bảo em ráng đợi thế nào anh cũng đến và hai đứa sẽ đi ăn nhà hàng rồi du dương đêm nay. Để em bé khỏi buồn nó ráng dỗ ngon dỗ ngọt trước khi gác phôn. Trong khi chờ đợi tội gì không mặc đồ sẵn để lát nữa xong việc là đi thẳng, đỡ tốn thời giờ biết mấy?

Carlo đứng lên đi thay đồ. Vừa kịp xỏ tay vô chiếc sơ-mi mới toanh đã nghe thấy tiếng gõ cửa. Nó lý luận ngay, chắc Michael ngại phôn sang kẹt đường dây phải chờ đợi mất công nên sai thằng nào qua gọi nó chớ gì? Bèn hối hả chạy ra mở cửa và đứng khựng lại, hồn vía bay lên mây vì đứng ngay bực cửa chẳng phải thằng đàn em nào hết mà chính ông anh vợ Michael Corleone! Nó hoảng quá, nó không dám nhìn mặt nữa. Vì rõ ràng bộ mặt lạnh lùng, khủng khiếp đó đã "hù" nó quá nhiều lần trong những cơn ác mộng. Carlo nằm mơ thấy nhiều quá rồi!

Sau lưng Michael còn có Tom Hagen và Rocco Lampone. Trời đất, cả hai thằng này nữa... mặt đứa nào cũng khủng khiếp như sứ giả của tử thần, tới kiếm ai chỉ mang rặt tin chết chóc! Ba đứa không đợi Carlo mời mà long trọng, lừ lừ bước vô phòng khách. Cố gắng trấn tĩnh cho bớt run, Carlo không ngờ nó hoảng đến đờ đẫn người như vậy. Thì đúng vào lúc đó Michael lạnh lùng choang một câu làm nó choáng váng:

- Hôm nay mày phải trả lời vụ Santino...

Thôi đành vậy, Carlo đành vờ ngớ ngẩn làm ra bộ không hiểu nó nói cái gì. Coi kìa, nó chưa biết nói gì thì hai thằng Tom và Rocco đã đứng trấn mỗi thằng một bên vách để bắt buộc nó phải diện đối diện với Michael. Giọng nó trầm trầm thấy ghê:

- Mày đã bán đứng mạng Sonny cho cánh Barzini. Mày đóng kịch hành hạ con em tao... thằng Barzini biểu mày cứ làm như vậy thì thế nào thằng Sonny cũng nổi hung lao đầu vào chỗ chết chớ gì?

Carlo sợ cuống cuồng. Nó còn biết đối đáp gì mà chỉ phân bua năn nỉ. Vô cùng hèn hạ... chẳng còn chút tư cách.

- Anh Michael... em thề độc là không hay biết gì về vụ ấy. Em dám thề trên đầu các con em vậy đó. Anh... anh đừng... đừng đối với em như vậy.

Michael thản nhiên nói:

- Thằng Barzini chết rồi. Lão Phillip Tattaglia cũng hết sống. Nội nhật ngày hôm nay tao sẽ thanh toán bằng hết mọi công việc ân oán. Mày đừng nói ngây thơ, không biết gì. Tốt hơn đã dám làm thì dám nhận còn có chỗ khả dĩ.

Hagenvà Lampone đưa mắt nhìn nhau, ngạc nhiên quá. Ra thằng Michael vẫn còn ngây ngô, vẫn chưa thể so sánh vớiBố-Già về khoản dứt khoát! Một thằng hèn hạ như Carlo Rizzi thì còn buộc, còn ép nó nhận tội làm gì cho mất công? Tội phản bội đã rành rành, đã rõ quá rồi! Không lẽ thằng Michael còn e ngại xử sự có phần độc đoán có thể kết oán oan một thằng vô tội? Bộ nó nghĩ là Carlo rất có thể có phần nào oan ức, chỉ có cách tự miệng nó nhìn nhận mới hoàn toàn tin tưởng được?

Đúng là Michael đã nghĩ vậy. Không thấy Carlo trả lời nó ôn tồn dẫn dụ:

- Mày khỏi sợ hoảng! Mày sợ tao giết mày để con em tao goá chồng... và hai đứa cháu tao mồ côi cha chắc? Không đời nào có chuyện đó đâu, mày đừng quên tao vừa nhận đỡ đầu cho một đứa xong! Cùng lắm là mày từ nay không được hưởng một tí quyền lợi gì trong gia đình, có vậy thôi. Tao sẽ cho chúng nó đưa mày lên máy bay điLas Vegas, về với vợ con mày. Mày sẽ ở luôn dưới đó, tháng tháng tao sẽ gởi tiền cấp dưỡng cho Connie. Tao có thể giải quyết êm cho mày... nhưng mày đừng nói không biết gì. Mày nói không biết gì có nghĩa mày chửi lên đầu tao, chỉ làm tao nổi sùng thêm. Thế nào, đứa nào biểu mày sắp đặt... Barzini hay Tattaglia?

Lời dẫn dụ quả đã mở đường sống cho Carlo Rizzi, đã xô đẩy hết những ý nghĩ chết chóc đang hành hạ nó nãy giờ nên Carlo thở phào ra nhẹ nhõm. Vậy là có đường sống, môi nó mấp máy: "Barzini!"

Michael chỉ chờ có thế. Nó cũng nhỏ nhẹ, ngọt ngào: "Vậy có phải hơn không? Vậy là xong rồi! Bây giờ mày có quyền đi. Có xe đợi sẵn đưa mày ra phi trường."

Theo hiệu lệnh của Michael, Carlo Rizzi bước ra khỏi nhà. Cả ba thằng cùng đi ra theo, sát sau lưng. Trời tối khuya rồi nhưng trong cư xá đèn rọi sáng như ban ngày. Một chiếc xe chạy trờ tới. Xe của nó chớ đâu phải xe lạ? Không hiểu thằng nào lái... mà băng sau cũng có 1 thằng ngồi tuốt trong góc cùng, nhất thời Carlo chưa nhận ra. Lampone mở cửa trước, ra hiệu cho Carlo lên xe ngồi cạnh tài xế. Nó run rẩy bước lên, chiếc sơ-mi lụa bên trong áo vét ướt đẫm những mồ hôi. Michael còn dặn với theo: "Tao sẽ phôn cho vợ mày... nói mày xuống khuya nay."

Xe chuyển bánh, băng ra cổng lớn. Lúc bấy giờ Carlo Rizzi mới thủng thẳng quay đầu lại coi đứa nào ngồi băng sau. Cùng lúc đó thằng ngồi băng sau nhoài mình tới. Lão mập Clemenza chớ ai? Lão đưa chiếc dây lụa mềm xèo, nhẹ nhàng đi một đường quanh cổ Carlo, điệu bộ như một nàng con gái thắt chiếc nơ nhung tô điểm cho chú miu cưng vậy! Hai bàn tay hộ pháp xoắn mạnh một phát để sợi dây lụa nghiến chặt, nghiến thắt sâu vô cần cổ... làm khi không thân hình Carlo Rizzi nhảy dựng lên như cá mắc câu. Nhưng dẫy dụa sao nổi, dẫy dụa vô ích! Sợi dây giữ cứng nó nguyên vị ở băng trên... cho đến lúc thân hình Carlo bỗng mềm oặt ra.

Một mùi thối hoăng xông lên điếc mũi: bao nhiêu cứt đái trong bụng nó nhất loạt tuôn ra bằng hết. Vậy là đi đời thằng Carlo Rizzi...! Nhưng để cho thiệt chắc ăn Clemenza phải nghiến răng kềm cứng sợi dây thêm vài phút nữa. Xong việc rồi. Lão mập thong thả thu hồi sợi dây lụa, cẩn thận đút túi rồi ngồi bật ra nệm xe nghỉ xả hơi để mặc cho thân xác thằng Carlo ngã chúi xuống sàn xe phía trước. Nhưng việc cần thiết là phải quay kính xuống, mở cửa xe phần nào cho bớt phần xú uế kinh khủng cái đã.

oOo

Phải công nhận là ra tay một cú quyết liệt như vậy, cánh Corleone phải toàn thắng. Cũng trong vòng 24 giờ đồng hồ ngày hôm đó, bao nhiêu tay súng trong băng đều được haicaporegime Clemenza, Rocco Lampone điều động tung ra bằng hết để "thịt" những thằng nào lâu nay dám xâm phạm "giang sơn" nhà Corleone. Trọn băng Tessio đặt dưới quyền điều khiển của Albert Neri. Lập tức mấy thằng chủ sòng phe Barzini bị quét hết. Hai thằng đao phủ cao cấp nhất, đắc lực nhất của cánh Barzini đang ngồi xỉa răng sau bữa ăn nhậu thả giàn trong một nhà hàng chuyên bán đồ Ý ở đường Mulberry thì bị quất gục cả cặp một lúc. Một gã điếm cờ bạc, chuyên áp-phe đua ngựa vừa trúng lớn ở trường đua mò về nhà... chưa về đến nhà đã bị ghim đạn đầy mình. Hai thằng cá mập cho vay tiền cắt cổ nổi tiếng nhất khu bến tàu Nữu-Ước bị thủ tiêu mất xác. Cả tháng sau mới tìm ra vùi dập ở tuốt mấy cánh đồng lầy bên New Jersey.

Chơi xong cú đại quy mô, ác liệt như vậy lập tức Michael Corleone danh nổi như cồn, nghiễm nhiên khôi phục lại toàn vẹn ngôi vị số 1 Nữu-Ước cho cánh Corleone. Giới giang hồ nể mặt Michael không phải vì chiến thuật cừ khôi mà thôi: bao nhiêu taycaporegime cốt cán của 2 cánh Barzini - Tattaglia còn bị nó chiêu hồi bằng hết!

Rút cục Michael chiến thắng toàn vẹn, chỉ kẹt có vụ điên cuồng rủa xả của con em gái. Nghe tin dữ, Connie để các con ởLas Vegas, bay về Nữu-Ước ngay tức khắc cùng Bà Trùm. Cho đến lúc xe về tới nhà nó vẫn ráng dằn mọi xúc động. Nhưng xe vừa ngừng là nó lồng lên. Bà Trùm ngăn không kịp. Connie chạy vụt vô nhà ông anh và bắt gặp hai vợ chồng Michael đang ngồi ngoài phòng khách. Kay đứng bật dậy ôm hôn con em chồng... tính an ủi, dỗ dành nó nhưng đành đứng trơ ra vì khi không Connie bật khóc oà lên rồi cất tiếng chửi bới, xỉa xói tận mặt Michael, không kiêng nể sợ hãi:

- Thằng khốn nạn... mày giết chồng tao. Tao biết ngay mà. Mày đợi bố chết, không ai ngăn cản được mày là mày kiếm cách giết nó. Đúng mày giết nó! Mày đổ tội cho nó về vụ anh Sonny chớ gì? Cả nhà này đổ tội cho chồng tao... nhưng còn tao có ai thèm nghĩ đến, có ai thèm coi ra gì? Mày giết nó thì làm sao tao sống được... trời ơi, tao biết làm gì bây giờ?

Connie lồng lộn như điên như cuồng. Hai gã vệ sĩ của Michael đứng sau lưng nó, chỉ đợi Michael có lệnh là xách cổ đi gấp. Nhưng không hiểu sao Michael cứ đứng ngó, để mặc nó la hét.

Kay hoảng hốt: "Connie... em điên đầu rồi. Nói gì ghê rợn vậy? Đừng nói bậy nữa!"

Lúc bấy giờ Connie mới hết xúc động. Nó không gào khóc, la lối nữa mà buông ra câu nào câu ấy thật độc:

- Chị đâu biết... Lúc nào nó cũng lạnh nhạt với tôi, nó cho vợ chồng tôi về đây ở... là vì vậy đó! Nó nhất định tìm cách giết Carlo bằng được, giết cho êm xuôi. Còn ông già thì nó không dám nên nó mới đợi cho ổng chết rồi nó mới ra tay, lại còn giả vờ làm cha-đỡ-đầu cho thằng con tôi. Nó là thằng khốn bề ngoài lỳ lợm nhưng giết người không gớm tay. Chị tưởng chồng chị không dám hả? Ngoài Carlo ra, nó còn ra lệnh giết bao nhiêu người nữa, chị cứ đọc báo là biết liền. Nào Barzini, Tattaglia... và biết bao nhiêu mạng nữa!

Càng nói Connie càng hăng máu và lại phát cuồng như cũ. Nó tính xông tới, nhổ vào mặt Michael nhưng mồm miệng đắng nghét, làm gì còn nước bọt?

"Lôi cổ nó về nhà... rồi kêu bác-sĩ gấp." Đám vệ sĩ chỉ chờ có vậy để xông vô, lôi Connie ra về tức tốc. Nhưng người kinh hoàng nhất lại là Kay. Nàng run rẩy hỏi chồng:

- Michael... tại sao nó dám nói vậy kìa? Phải có một cái gì... Nó phải tin thế nào chớ...

- Tại nó phát cuồng lên, thế thôi!

Michael nhún vai, giải thích thật dễ. Nhưng Kay đâu chịu, nàng ngó Michael trừng trừng:

- Không phải vậy... nhất định không phải Connie cuồng trí nói bậy! Phải có một sự gì... anh cứ nói thực cho em biết đi?

Michael lắc đầu mệt mỏi:

- Dĩ nhiên là nó nói bậy... chứ làm gì có chuyện đó? Anh không thích nghe em hỏi... nhưng đặc biệt lần này em đã hỏi thì anh trả lời một lần cho xong. Không có chuyện đó.

Giọng Michael nói quả quyết, tin tưởng lắm. Nó đưa mắt nhìn thẳng, nhìn ngay mặt Kay. Nó muốn mang tất cả niềm tin yêu từ ngày hai đứa lấy nhau để thuyết phục là chuyện đó không hề có. Làm sao mà không triệt để tin lời chồng được kìa? Vì vậy nàng rũ sạch mọi hồ nghi để nhìn Michael nhoẻn miệng cười, chạy lại ôm hôn âu yếm.

Hai đứa buông nhau ra thì Kay nói: "Tụi mình mỗi đứa cần một ly." Nàng chạy vô bếp lấy nước đá và chợt nghe tiếng mở cửa. Lúc đi trở ra Kay bắt gặp cả bọn hùng hục bước vô. Có Clemenza, có Neri và Rocco Lampone cùng bọn vệ sĩ đi kèm. Michael quay lưng lại nhưng vì Kay bước tới nên nhìn khuôn mặt hắn nghiêng một bên. Đúng vào lúc đó lão Clemenza cất tiếng chào thật long trọng:

-Ông-Trùm Michael...

Rõ ràng Kay bắt gặp một hình ảnh mà nàng không bao giờ quên nổi. Michael đứng cùng đám người nhà... nhưng trông in hệt những pho tượng cổ La-Mã ngày nào. Đúng cung cách của một đấng quân vương toàn quyền sinh sát đang khoan thai chấp nhận sự thần phục, ngưỡng mộ của đám bề tôi. Không phải vậy là gì kìa. Michael đứng chống nạnh, khuôn mặt cao ngạo lạnh lùng hất lên, đứng kiểu chân trước chân sau thật thản nhiên, bề thế. Thần dân của hắn là mấy gãcaporegime kia chớ còn gì?

Thốt nhiên, Kay nhận ra tất cả những lời Connie vừa lồng lên rủa xả lúc nãy đều đúng, đúng hết. Nàng thụt lui, đi trở xuống bếp và âm thầm khóc một mình.

Trinh Thám, Hình Sự

BỐ GIÀ

Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang

Chương 32

Đánh lớn thắng lớn như vậy mà phải một năm trời vận động, lo lót khéo léo đủ mọi chỗ Michael Corleone mới nghiễm nhiên được coi như tay thủ lãnh cừ khôi nhất trong các phe nhóm giang hồ Mỹ quốc. Mười hai tháng liên tiếp nó chia đều thời giờ để ở hai nơi: tổng hành dinhLong Beachvà ngôi nhà mới dướiLas Vegas. Mãi cuối năm Michael mới quyết định thanh toán dứt khoát cơ sở Nữu-Ước, bán hết nhà hết đất. Vì vậy nó tính mang cả gia đình về miền Đông ở chơi một tháng trước khi rời nhà hẳn. Đích thân Kay phải lo thu xếp dọn nhà, có đến một triệu việc lỉnh kỉnh phải làm.

Bây giờ chẳng cánh nào dám đương đầu với cánh Corleone và Clemenza cũng nghiễm nhiên làm mộtÔng-Trùm . Rocco Lampone vẫn làcaporegime cho Michael Corleone nhưng Albert Neri xuống hẳnLas Vegasphụ trách an ninh cho tất cả lữ quán nhà trong khi Tom Hagen làm cố vấn pháp lý.

Anh em ruột thù hận nhau mãi đâu được? Chỉ ngoài một tuần lễ sau bữa nổi cơn khủng hoảng tố cáo om xòm Connie đã tới năn nỉ Michael "Em trót dại nói bậy" và cả quyết với bà chị dâu Kay rằng tất cả những điều nó tố cáo đều chẳng có gì hết. Bất quá nó quá nóng lòng chồng chết nên nói nhảm vậy thôi.

Một góa phụ trẻ như Connie Corleone thì tái giá đâu phải chuyện khó? Để tang một năm cho Carlo Rizzi chưa xong nó đã chính thức bước thêm một bước nữa với một thằng khá đẹp trai, người cùng xứ sở và tốt nghiệp Cao đẳng Thương mại đàng hoàng. Gia đình nó cũng vào hạng khá. Dù bây giờ chỉ giữ một chức vụ khiêm nhường trong cơ sở làm ăn của gia đình Corleone nhưng em rể tươnglai củaÔng-Trùm thì lo gì không khá?

Trong khi đó Kay càng được cả nhà chồng quý mến thêm vì chịu khó theo học luật đạo để trở lại đạo Công giáo và hai đứa con nhỏ cũng theo mẹ luôn. Riêng Michael lại không khoái vụ này. Con cái cho theo Tin Lành cũng tốt lắm chớ... vả lại có vẻ Mỹ hơn nhiều!

Chính Kay cũng lấy làm lạ, không ngờ nàng hạpNevadatới vậy. Phong cảnh tuyệt vời, những dãy đồi đá, những khe sâu đá đỏ hun hút, những vùng sa mạc nắng cháy và xen vào giữa là những cái hồ nước mát rười rượi. Khí hậu ấm áp thật thú vị. Hai đứa nhỏ muốn đi chơi có ngựa riêng để cưỡi và người làm là đầy tớ đích thực chớ chẳng phải vệ sĩ. Cuộc sống của Michael bình dị hơn, đi làm thì điều khiển hãng thầu xây cất muốn giải trí đã có mấy cái Câu-lạc-bộ, mấy hiệp hội... Nó không nhảy ra hoạt động chính trị nhưng thú vị theo dõi tình hình sinh hoạt địa phương.

Nói chung phải sống như vậy mới sung sướng, so với cuộc sống ở Nữu-Ước thì dọn nhà xuống ở hẳnLas Vegaskhoái hơn nhiều. Nàng đâm ngại không muốn về nhà cũ chút nào hết, do đó dọn đồ đạc lần chót để gởi đi Kay lấy làm khoái chí, hăng hái làm cho xong. Nàng có cảm giác của một con bệnh nằm quá lâu ở nhà thương nay hết bịnh hăm hở trở về nhà.

Đêm cuối cùng ở cư xáLong Beach, nàng thức giấc từ tờ mờ sáng, lắng nghe tiếng động cơ những chiếc xe vận tải chở đồ đạc xuống nhà mới. Người thì buổi chiều đáp phi cơ xuốngLas Vegascũng vừa, kể cả Bà Trùm.

Lúc ở nhà tắm ra nàng thấy Michael ngồi dựa gối hút thuốc lá. Hắn cằn nhằn: "Saosáng nào em cũng cứ phải đi nhà thờ vậy kìa? Chủ nhật đi được rồi... chớ ngày nào cũng đi! Em thật không khác bà già!" Hắn vừa nói vừa với công-tắc nhận đèn trong khi Kay ngồi ghé xuống mép giường, kéo cao đôi vớ. "Thì trở lại đạo bao giờ chẳng ham đi coi lễ!" Michael đưa tay ra xoa xoa chỗ đùi non thì nàng co rụt người: "Đừng mà... Sáng nay em chịu lễ mình thánh chúa."

Kay đứng bật dậy nhưng Michael không giữ lại. Hắn cười nói: "Mẹ thì ham thế... mà có hai thằng con cứ nghe nói xem lễ nhà thờ là trốn... mà em không làm gì được chúng sao?"

Nàng thực sự cảm thấy khó chịu về cái lối nhìn của Michael. Lối nhìn trịch thượng của mộtÔng-Trùm rõ!

- Được rồi, còn thiếu gì thì giờ? Để về nhà xong xuôi em sẽ bắt chúng đi đều đều mấy hồi?

Kay hôn chồng rồi mới đi ra. Lúc bấy giờ trời còn sớm nhưng đã ấm áp rồi, mặt trời đã đỏ ối. Nàng bước ra xe đậu bên cổng lớn. Trong xe Bà Trùm đã ngồi chờ sẵn, bộ đồ tang bà mặc đen ngòm. Lâu nay hai mẹ con sáng nào cũng đi lễ sớm, đi lễ nhất đã quen rồi. Nàng khẽ hôn bà mẹ chồng rồi ngồi vào tay lái. Bà nghi ngờ hỏi: "Con ăn sáng hả?" Nàng lắc đầu: "Đâu có má!" Thấy con dâu theo đúng lời dặn bà coi bộ hài lòng lắm. Có một lần nàng đã quên khuấy đi mất luật đạo dạy sáng hôm dự lễ mình thánh chúa phải nhịn ăn từ nửa đêm. Có mỗi một lần ấy, lâu rồi... nhưng Bà Trùm vẫn cứ nhắc lại hoài hoài, bao giờ cũng hỏi lại: "Con có đói không, có mệt không?"

Sáng sớm ngôi thánh đường nhỏ coi hoang vắng, nhờ lớp cửa kính màu chặn hơi nóng nên bên trong mát rượi, đúng là chỗ nghỉ ngơi cầu nguyện. Kay đỡ một bên để bà mẹ chồng leo từng bực đá trước thềm, bước vô trước. Bao giờ bà cũng tới quỳ ở hàng ghế trên cùng, ở sát bàn thờ. Nàng ngừng lại chút xíu ngoài bực cửa, tính rụt rè quen, luôn luôn hơi khớp vào phút chót.

Một phút sau Kay mạnh dạn bước vô. Nàng nhúng mấy ngón tay vào bình nước thánh và sau khi làm dấu, khẽ đưa lên môi. Trên bàn thờ hình ảnh Đức Thánh Cha trên thập tự giá, ánh nến đỏ lập loè nơi chân tượng. Kay sẽ quỳ làm dấu trước khi len vô hàng ghế, quỳ gối nơi bục gỗ, cúi đầu làm như cầu kinh. Thực ra nàng chỉ âm thầm đợi tới phiên lên bàn thờ chịu lễ.

oOo

Chỉ có những lúc ngồi trong bóng mát rượi bao phủ lớp ánh sáng mờ mờ bên trong giáo đường là Kay ưa nghĩ tới khía cạnh kín của đời sống Michael. Nàng không sao quên nổi cái đêm hãi hùng năm trước, hắn đã sử dụng trọn vẹn lòng thương yêu, tin tưởng để buộc nàng phải tin ở lời dối láo của hắn là không hề có chuyện thủ tiêu thằng em rể.

Nàng cả quyết dứt bỏ, không thể sống chung với Michael. Chẳng phải tại hắn dám làm cái việc ghê rợn đó mà chỉ vì hắn đã cố tình lừa dối. Ngay sáng sớm hôm sau Kay bỏ đi, mang theo cả hai đứa con về nhà cha mẹ ởNew Hampshire. Cần gì phải viết giấy để lại cho ai... mà nàng có biết sẽ phải làm gì, đời nàng rồi đây sẽ ra sao? Chỉ biết là vợ chồng mà lừa dối nhau như vậy đó thì chẳng thể chung sống được. Điều đó Michael hiểu ngay. Ngày hôm sau hắn phôn tới ngay những chỉ một lần đó thôi, sau đó để mặc nàng tự ý. Cả năm sau, mãi tuần rồi mới thấy Tom Hagen ngồi xe lên tận nhà nàng ởNew Hampshire.

Cả buổi chiều hôm ấy nàng đã nói chuyện với Tom, đúng là một buổi chiều hãi hùng nhất đời. Hai người đi ra tuốt mãi chỗ đồng cỏ trống ở bìa rừng để nói chuyện cho tiện. Mà Tom Hagen cũng nói thẳng thắn khỏi rụt rè, nể nang. Phần Kay, nàng thấy ngay là kẹt vô hạ sách: khi không đi sử dụng thứ ngôn ngữ gai ngạnh, móc mói với hắn! Xưa nay nàng đâu có quen lối đối xử tệ hại này? Khi không đi hỏi móc Tom Hagen: "Có phải Michael sai anh lên đây đe doạ tôi không đấy? Sao không xách theo vài thằng vác tiểu liên nhảy xuống xe dí súng vào lưng tôi, buộc phải về cho chắc ăn?"

Thảo nào mặt Hagen sa sầm. Từ hồi biết hắn, chưa bao giờ nàng thấy Tom Hagen cáu giận, gắt gỏng. Hắn bước chầm chậm mắng át đi:

- Này, bỏ cái lối nói con nít tầm bậy ấy đi, Kay. Một người như cô... có thể ăn nói như vậy được sao? Tôi không dè đấy...

- Rồi. Bây giờ anh muốn gì đây?

- Tôi muốn hỏi tại sao cô bỏ đi.

- Anh muốn biết tại sao hả? Tại vì nó nói láo, nó gạt tôi. Tại vì nó cười lên đầu tôi, cho tôi là con ngu ngốc đi ép buộc nó nhận làmBố-Già thằng nhỏ! Nó là thằng phản bội, lừa dối. Tôi không thể có thằng chồng như vậy... để hai đứa con tôi có thăng cha như vậy. Không thể được...

Hai người sóng vai chầm chậm bước dọc con đường nhỏ. Tom Hagen tỉnh bơ nói:

- Nãy giờ cô nói những gì... tôi chẳng hiểu gì hết!

Được thể Kay nổi sùng, đứng lại nói tạt vào mặt:

- Anh không hiểu? Tôi nói là chính nó ra lệnh hạ sát thằng em rể thì anh hiểu chớ? Đã vậy nó còn nói gạt tôi!

Tom Hagen nín thinh, không trả lời. Đi một khoảng nữa hắn mới lên tiếng:

- Sự thực thì nó có làm vậy hay không... cô cũng chẳng có cách nào biết chắc, phải không? Nhưng tôi không muốn tranh luận, tôi cứ tạm cho là nó làm đi. Tôi nói cứtạm cho là nó làm ... chớ chẳng phải chính nó làm nghe? Nhưng nếu tôi đưa ra những lý do chính đáng, những lý do buộc nó phải làm... nghĩa là không làm không được thì cô tính sao đây?

Kay ngước nhìn Tom Hagen, chặn lại ngay:

- Anh tính làm luật sư biện hộ cho nó đấy? Lần đầu tiên tôi mới thấy anh giở giọng thầy cãi với tôi đấy, Tom!

Tom Hagen cười hề hề:

- Cũng chẳng sao! Cô hãy nghe tôi nói đây. Thử hỏi nó có thể khoanh tay ngồi yên không... khi có bằng chứng là thằng Carlo đã được tụi nó mướn để gài bẫy hạ sát Sonny? Nếu thằng Carlo cố tình dựng vở kịch đập con Connie... để Sonny nóng lòng phải chạy sang binh em, phải xuất hiện trên khúc đường nổi John Beech vào đúng giờ đó để chúng mai phục "thịt" thì sao đây? Thằng Carlo được mướn để tiếp tay giết Sonny thì sao đây?

Cái vụ này thì... Kay biết trả lời sao? Nàng im lặng thì Tom Hagen tiếp ngay:

- Cho cô biết thêm một điều nữa. Thằng Carlo sức mấy qua mặt ông già? Cô đồng ý không? Ổng biết... nhưng một người như ổng đâu thể bắn bỏ thằng rể khốn nạn để trả thù cho thằng con? Ổng không thể xuống tay nên giao trách nhiệm lại cho thằng Michael, biết rằng nó sẽ làm thay ổng thì sao đây?

Kay cất tiếng trả lời giọng đầm đìa nước mắt:

- Nhưng mọi việc xong rồi... giải quyết êm rồi. Hà tất cứ phải bắt thằng Carlo chết? Sao không thể tha mạng nó, quên hết mọi chuyện đi? Đó là việc có thể làm được mà?

Lúc bấy giờ hai người dừng chân ven con suối ngợp bóng mát. Tom Hagen ngồi bệt xuống thảm cỏ, gật gù một hồi. Hắn đưa mắt nhình quanh một hồi mới lên tiếng: "Quên hết mọi chuyện! Đúng! Phải chi ở một khung cảnh như thế này thì có thể quên được thật." Kay không trả lời, bắt qua chuyện khác:

- Nó... nó không phải... người tôi lấy làm chồng hồi đó!

- Cái đó đúng quá! Nếu nó như vậy đó thì giờ này nó xanh cỏ rồi mà cô thì goá phụ, chẳng còn gì để thắc mắc nữa!

- Anh nói vậy có nghĩa gì? Anh thử nói thẳng ra, nói thực hết một lần, có sao nói vậy được không? Tôi biết... một thằngSicilynhư nó không thể nói thực, nói thẳng... Nhưng anh khác, giữa anh với tôi mà? Anh đâu có coi đàn bà con gái như đồ bỏ, như thuộc hạ... muốn nói thì nói, muốn không thì không?

Hagentrầm ngâm, ngồi lặng đi một lúc mới lắc đầu nói:

- Cô không hiểu thằng Michael. Cô bực tức vì nó nói dối... nhưng cô quên là nó từng dặn chớ có hỏi han đến công việc riêng của nó sao? Cô giận dữ vì nó làmBố-Già cho thằng nhỏ... nhưng ai biểu cô ép? Thực ra nếu phải sắp đặt chơi thằng Carlo thì làm vậy là đúng, ai cũng phải làm vậy... đối phương có ỷ y thì ra tay mới ăn chắc chứ? Thực tế cuộc đời là như vậy... cô còn muốn bắt tôi nói toạc ra, phanh phui hết nữa thôi?

Thấy Kay cúi đầu ngẫm nghĩ,Hagengiải thích tiếp:

- Tôi cho cô biết thêm một điều nữa nghe? Tôi cho cô biết là ông già vừa nằm xuống là chúng đã đặt xong kế hoạch thịt thằng Michael, hạ nó trước hết. Vớingười nhà làm nội gián thì ăn chắc. Mà cô biết ai không? Tessio đấy! Một thằng bán đứng anh em như Tessio thì liệu có thể buông tha được không? Nó phải chết, cũng như thằng Carlo vậy. Phản bội là phải hạ cấp kỳ, khỏi nói tha thứ, bỏ qua! Mình có thể bỏ qua lắm nhưng chúng nó đâu có bỏ? Dung dưỡng là chính mình phải chết. Tôi biết Michael có cảm tình với Tessio và thương hại con em lắm chớ? Nhưng buông tha đối phương là tự mình lao đầu vào chỗ chết, là di hoạ cho chính vợ con và người thân thuộc. Cô có bằng lòng nó dung tha Tessio, Carlo để cô ở goá, con cô mồ côi cha và cả gia đình này tan nát không? Cô trả lời thẳng cho tôi biết đi...

Tom Hagen nêu bằng ấy câu hỏi, Kay không trả lời. Nàng ngồi im nghe, nước mắt dàn dụa chảy dài trên má. Nàng hỏi vắn tắt:

- Có phải Michael nhờ anh tới nói với tôi như vậy?

- Đâu có? Nó chỉ nhắn lời rằng cô muốn gì cũng được, muốn làm sao thì làm tha hồ... miễn là cô chăm nom, săn sóc hai đứa nhỏ. Nó còn khôi hài rằng đối với nó... cô mới làÔng-Trùm !

Kay nắm tay Tom Hagen hỏi lại:

- Những lời anh vừa nói với tôi... không phải Michael ra lệnh cho anh nói đấy chớ?

Hagenngần ngừ, nửa muốn nói nửa không. Sau cùng đành phải cho hay sự thực:

- Cô vẫn chưa hiểu. Nói thực cho cô hay... nếu cô kể lại cho nó nghe câu chuyện ngày hôm nay thì tôi khó lòng toàn mạng với nó. Theo tôi hiểu thì trên đời này chỉ có 3 người mà nó không thể đụng tới. Đó là 3 mẹ con cô mà thôi!

Mãi 5 phút sau Kay mới từ từ đứng dậy, hai người lững thững bách bộ về nhà. Chừng về gần đến nhà Kay mới nói:

- Anh à... sau bữa cơm chiều anh cho mẹ con tôi nhờ xe anh về Nữu-Ước được chớ?

- Thì tôi lên đây cốt ý chỉ có vậy.

Cỡ một tuần sau khi trở về với Michael, Kay đến ông linh mục lo học cho xong thể thức trở lại đạo.

oOo

Từ chỗ sâu thẳm nhất bên trong thánh đường, một hồi chuông vang vang. Hồi chuông hối ngộ. Đúng như lời chỉ dẫn, một tay Kay nắm chặt lại, đưa lên vỗ ngực. Tiếng chuông vang vọng, tiếng chân giáo hữu loẹt quẹt theo nhau lần lượt bước tới bàn thờ, quỳ dài dài ở hàng ghế trên cùng. Kay cũng đứng lên bước theo họ và quỳ gối khi chuông vang lên hồi nữa. Một tay cương quyết đưa lên, Kay nhắc lại động tác đấm ngực. Trước mặt nàng là vị linh mục. Nàng khẽ ngửa cổ, há miệng ra đón nhận miếng bánh mỏng tang từ tay vị linh mục. Giây phút thiêng liêng. Nàng nghe miếng bánh tan dần trong miệng và nuốt xuống.

Như một kẻ thực tình hối ngộ mong rửa sạch mọi tội lỗi, Kay cúi đầu trên hai cánh tay khoanh lại đặt trước bàn thờ. Nàng khẽ nhúc nhích người cho đỡ mỏi đầu gối một chút. Thế rồi Kay cố tình để đầu óc trống rỗng, không nhớ đến, không lưu luyến một cái gì. Chồng con, giận tức, chống đối... tất cả đều dẹp hết, quên hết! Lên giọng trầm trầm, thật rõ ràng để ráng tạo một niềm tin nơi chính mình, nàng cất tiếng cầu nguyện. Từ ngày Carlo Rizzi chết, ngày nào nàng chẳng thành tâm cầu nguyện? Ngày nào Kay chẳng thành tâm cầu nguyện cho linh hồn Michael Corleone.

~~~HẾT~~~

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: