Bo chong - Ho Bieu Chanh

Bỏ Chồng

I

Qua tháng mười một, mùa mưa đã dứt rồi, lại có ngọn gió bất thổi lao rao.

Buổi chiều, ở Sài Gòn, khí trời mát mẻ, làm cho con người từ trẻ chí già đều khỏe khoắn trong mình, nên đi ngoài đường ai cũng lộ cái vẻ hớn hở tươi cười.

Thế mà, Chí Thiện, năm nay đã được 28 tuổi, làm thơ ký toán cho một hãng buôn lớn tại đường Kinh Lấp, đúng 7 giờ tối, thầy ở trong hãng bước ra, bộ đi chậm rãi, mặt mày buồn hiu, dường như thầy tiếc rẽ hãng đóng cửa sớm không cho thầy làm việc thêm nữa. Tay ôm một cuốn sách với một tờ nhựt báo, thầy thủng thẳng đi lại đường Pelerin đón xe autobus mà về Đa Kao. Bước lên xe thầy ngồi dưới ngọn đèn điện sáng trưng, mở tờ nhựt báo ra mà xem, không ngó kẻ qua người lại hai bên đường, mà cũng không để ý đến những kẻ đi trên xe.

Tới Đa Kao xe ngừng, thầy xếp tờ nhựt trình rồi bước xuống tránh xe kéo, xe máy mà quẹo lên đường Paul Bert. Gần tới căn phố chỗ thầy ở, thầy thấy con Sáu, là đứa con gái, đương đứng dựa cột điện mà chơi với con thầy, tên con Yến, năm nay đã được 6 tuổi.

Bấy giờ thầy mới xăn bước, đi riết lại. Con Yến kêu “ba” rồi chạy đón, ôm bắp vế thầy. Thầy cuối xuống, ôm mặt con mà hun, đưa cuốn sách với tờ nhựt báo cho con cầm, rồi nắm tay dắt con đi vô nhà.

Trong nhà đèn sáng trưng, nhưng từ trước ra sau đều vắng hoe, không nghe tiếng, không thấy dạng một người nào hết.

Thầy Thiện cất nón và hỏi con:

- Má con ở đâu?

- Má nói má đi Sài Gòn.

- Đi hồi nào?

- Đi hồi chiều.

Con Yến để cuốn sách với tờ nhựt báo lên cái bàn viết, con Sáu sắp lại vật đó cho ngay ngắn rồi nói: “Cô đi hồi năm giờ. Cô nói cô đi lấy cái áo cô đặt may hôm trước. Cô biểu tôi ở nhà coi em”.

Thầy Thiện gật đầu rồi thầy đi thẳng vô bếp. Trên bếp lửa củi tắt hết, còn trên một bộ ván nhỏ gần đó thì nồi, soong, chén đĩa, bày bố nghinh ngang. Chị Thình là người nấu ăn, cũng không có mặt, lại nghe tiếng chị cười nói om sòm trong nhà bếp ở một bên đó.

Thầy Thiện trở lên rồi vô buồng thay đổi quần áo. Cách chẳng bao lâu, thầy nghe Con Yến ở phía trước la lớn: “Má về, má về”.

Thầy mặc một bộ đồ mát bằng vải trắng, vừa bước ra thì thấy vợ, là cô Oanh, cũng vừa ngừng xe kéo trước cửa.

Cô Oanh trả tiền xe rồi đi vô nhà, tay cô ôm một gói nhẹ mà lớn, gói bằng giấy trắng lại có buộc dây đỏ.

Thầy Thiện ngó vợ và cười hỏi:

- Mình đi lấy áo phải hôn?

- Ừ, tôi hẹn với chị Tuyết tối nay đi dự cuộc dạ yến dưới dinh Xã Tây với chỉ, nên phải lấy áo mới về mà mặc, chớ áo ở nhà cái nào cũng cũ mèm, bận coi sao được. Nè, áo mới họ may thiệt khéo, để tôi mặc thử cho mình coi nghe hôn. Thiệt thợ may bây giờ họ ăn mắc là đáng lắm.

Con Yến đứng chàng ràng một bên, mà cô Oanh không thèm ngó tới con, để lo cởi áo lụa trắng đương mặc trong mình đó ra, rồi soi kiếng và mặc cái áo mới vô.

Thầy Thiện bước tới nắm tay con, dắt đi lại cái ghế canapé để gần bàn viết mà ngồi, rồi cha con ngó cô Oanh mặc thử áo mới. Cái áo hàng màu thiếc may theo kiểu kim thời, có thiêu bông xanh, kích thước vừa vặn, cô Oanh bận sát trong mình, cô làm cho tỏ rõ cái vóc xinh đẹp của cô, ngực nở, lưng eo, đít tròn, tay nhỏ.

 Cô Oanh hỏi chồng:

- Mình coi tôi mặc cái áo màu nầy đẹp hay không vậy mình?

- Đẹp lắm. Nước da mình trắng, mình mặc màu đó thì phải rồi.

- Còn mình nhắm thử coi thợ may vừa hay không?

- Vừa lắm.

- Khéo thiệt chớ, phải không?

- Ừ, khéo thiệt. Mình đặt áo mà có đặt may luôn cái quần hay không?

- Có chớ. Cái quần còn trong gói kia. Bây giờ chị em người ta bận đồ bộ hết thảy, mình may có một cái áo không, rồi bận lỏn chỏn như nhà quê, coi làm sao được.

Cô Oanh đứng ngắm trong kiếng đã thèm rồi day ra ngó chồng mà cười, khí sắc hân hoan, mặt mày thật là tươi tốt.

Thầy Thiện ngó vợ, thầy cũng vui vẻ, trong lòng đã quên hết các sự mệt nhọc trong hãng cả ngày vừa qua, mà cũng không thèm tưởng tới sự mệt nhọc mới sẽ tới một lát nữa đây, chừng ăn cơm rồi, vợ thầy đi chơi, con thầy đi ngủ.

Cô Oanh bận thử áo mới rồi cô thấy làm vừa ý, bây giờ cô cởi ra, vừa cởi vừa nói với chồng:

- Tối nay mình nghỉ viết một bữa đặng đi chơi với tôi nghe hôn mình.

- Nghỉ sao được. Phàm viết tiểu thuyết thì phải viết luôn luôn, tư tưởng mới liên tiếp, chớ nghỉ rồi nó đứt đoạn, câu chuyện bời rời, làm sao mà hay cho được.

- Ối, hay dở mà làm gì! Thứ viết tiểu thuyết đặng đăng báo, ta viết lấy có, miễn họ đọc cho vui thì thôi.

- Nói như mình vậy sao phải! Dẫu làm nghề nào cũng phải dụng tâm mới được chớ. Thuở nay tiểu thuyết của tôi đăng báo được công chúng hoan nghinh, ấy là nhờ tôi dụng tâm, dụng trí nhiều lắm nên mới được như vậy. Nếu tôi thấy người ta yêu rồi dãi đãi, không viết văn cho kỹ, không sắp chuyện cho kịch, để độc giả chán ngán, rồi làm sao mà kéo dư luận lại cho được.

- Mình cứ lo việc gì ở đâu hoài! Đi xem hát bóng, đi dự khiêu vũ chơi cho vui.

- Trong cuộc chơi, mỗi người có một chỗ thích riêng, người thích xem hát, người thích nhảy đầm, người thích đá banh, người thích cá ngựa, người thích tập lội, người thích đọc sách. Phận tôi thì tôi thích viết tiểu thuyết. Tại cái óc của tôi nó thích như vậy, không thể sửa đổi được.

- Ở đời phải hưởng các thú vui của đời thì sự sống của mình mới có ý nghĩa, chớ sống mà lọ mọ dưới bóng đèn, bôi lem trên giấy trắng tối ngày sáng đêm thì sống vô ích quá.

- Sao lại vô ích. Tôi viết tiểu thuyết đặng đăng báo mỗi tháng cũng có được sáu chục đồng bạc chớ.

- Nhiều dữ há!

- Tuy không nhiều, nhưng cũng nhờ nó phụ thêm với số lương bảy chục đồng hãng phát, nên mấy năm nay trong nhà mới khỏi túng rối đó chớ.

Con Yến nắm tay ba mà nói: “ba biểu dọn cơm ăn đi ba. Con đói bụng rồi”.

Thầy Thiện gật đầu: “Ừ, để má xếp áo rồi sẽ đi ăn”.

Cô Oanh châu mày mà nói: “Con quỉ Sáu nó làm giống gì ở đâu mà ở nhà con nhỏ đói bụng nó không chịu lấy cơm cho con nhỏ ăn vậy kìa! Biểu chị Thình dọn cơm đi cho mau… Ối thôi, một chút nữa rồi bận mà xếp giống gì, để máng trên giá cho khỏi có lằn”.

Cô xách hết hai cái áo và gói quần đi vô buồng, rồi bận một cái áo bà ba lụa màu hường mà đi ra.

Con Sáu ở phía sau đi lên nói: “Thưa, dì hai Thình sửa soạn dọn cơm ở dưới”.

Cô Oanh nói: “Ừ, biểu dọn riết đi, tao ăn ba hột rồi tao sửa soạn đặng còn đi dự dạ yến chớ. Nếu chỉ làm chậm chỉ để tao trễ đây, đố chỉ khỏi tay tao:.

Cô kéo một cái ghế mà ngồi rồi lột đôi bông tai mà lau, lầm bầm nói với chồng:

- Đôi bông tai hột nhỏ xíu đeo mắc cở hết sức. Muốn cặp hột trồng trộng một chút, nói với mình mấy năm nay, mà mình làm lơ hoài.

- Tôi muốn sắm cho mình lắm chớ, ngặt vì tiền không có dư tôi biết làm sao.

- Một cặp hột đeo coi cho được chừng bốn năm trăm chớ bao nhiêu.

- Mình nhớ lại coi có khi nào tôi có tới số bạc đó hay không? Nếu tôi có mà không sắm cho mình hãy trách tôi chớ.

- Hễ nói thì mình cứ than không tiền. Thôi thì bữa nào tôi mua một đôi bông đầm tôi đeo, chớ đeo xoàn mà hột nhỏ quá như đồ con nít, coi kỳ cục lắm. Mà sắm được bộ đồ còn thiếu đôi giày đây nữa.

- Mình có giày mà.

- Có mà nó cũ, mang coi không xứng với bộ áo quần mới đó chớ.

- Mang đỡ tới đầu tháng rồi sẽ mua.

- Tự nhiên phải mang đỡ chớ sao. Bây giờ trễ rồi, dầu muốn mua cũng không kịp… còn cái bóp nữa, chị em người ta dùng bóp mười đồng, còn tôi cầm bóp ba đồng, coi hèn hạ quá.

- Bóp để đựng khăn, son phấn, hoặc đựng tiền chút đỉnh cần gì phải mua đồ mắc tiền.

- Xài đồ mắc tiền coi mới sang trọng chớ.

- Sang trọng hay không là tại mình, chớ đồ mình dùng có thể gì nó làm mình sang trọng được. Ví như một tên xa phu may được trúng số rồi mua xe hơi mà đi, cái xe hơi có làm cho nó sang trọng được đâu.

- Mình nói chuyện nghe xưa quá! Đời nay hễ xài đồ tốt thì sang, bởi gì đồ đó ở trước con mắt người ta chớ học thức hay là đạo đức đều không có hình thức, ai thấy được đâu mà kính phục.

Thầy Thiện lắc đầu.

Con Sáu ra thưa cho chủ hay cơm đã dọn rồi. Vợ chồng thầy Thiện đứng dậy dắt con đi vô trong mà ăn cơm.

II

Đồng hò gõ 9 giờ. Thầy Thiện đương ngồi tại bàn viết coi sách. Con Yến lại nằm trên ghế canapé gần đó mà chơi. Thầy ngó con với cặp mắt vui vẻ rồi lấy tờ nhựt trình mà đưa cho con. Con Yến dỡ nhựt trình ra coi hình, không nói một tiếng chi hết.

Cách một hồi Con Yến hỏi: “Má sửa soạn đi đâu vậy má? Má không ngủ với con hay sao?”

Cô Oanh đáp: “ Má đi chơi. Con ở nhà ngủ với ba đi nghe hôn; má đi chơi một chút rồi má về”.

Thầy Thiện day lại thì thấy vợ bận bộ đồ mới, đầu chảy láng mướt, tóc bới sát ót, mặt dồi phấn thiệt khéo, môi thoa son đỏ lòm, chơn mày vẽ cong vòng, chơn mang giày da màu xám cao gót, đương đứng trước cái tủ kiếng mà soi cả mình rồi ngắm nghía. Thầy ngó vợ rồi chúm chím cười, coi bộ thầy đắc ý lắm.

Cô Oanh day lại hỏi chồng:

- Tôi bận như vầy mà đi dự dạ yến, mình coi tôi có thua sút họ không?

- Không thua đâu. Áo quần đã tốt, lại thêm mình có sắc đẹp nữa, thì làm sao mình thua được.

- Sắc của tôi đẹp lắm hay sao?

- Đẹp lắm.

- Ví như có cuộc đấu sắc đẹp, tôi dự đấu được hay không?

- Được lắm chớ. Tôi chắc mình sẽ đoạt nhứt.

- Đừng có tôi mà khen thái quá như vậy.

- Không. Tôi nói thiệt chớ không vị đâu.

Thiệt cô Oanh đẹp lắm. Tuy năm nay cô đã được 25 tuổi rồi lại có một đứa con mà hình dung cô vẫn còn xinh tốt như gái mới lớn lên, da mặt cô còn thẳng băng lại trắng đỏ, miệng cô cười luôn, gương mặt sáng rỡ như trăng rầm, như hoa nở, lại thêm cặp mắt cô có cái vẻ hữu tình, hễ cô ngó thì đờn ông con trai thảy đều động tâm, loạn trí.

Cô mở tủ lấy cái bóp ra rồi hỏi chồng:

- Mấy giờ rồi?

- Chín giờ mười phút.

- Nếu vậy thì còn sớm. Chị Tuyết hẹn chín giờ rưởi chỉ mới ghé rước.

- Cô Tuyết có hứa rước mình hay sao?

- Có, chỉ hứa đem xe hơi lại rước tôi, rồi khuya chỉ đưa tôi về.

- Được vậy thì tiện lắm, chớ khuya mà đi xe kéo một mình từ dưới dinh Xã Tây về tới trên nầy phải sợ chớ.

- Không có sao đâu mà sợ. Chị Tuyết hứa khuya chỉ sẽ đưa tôi về tới nhà.

Nghe tiếng xe hơi ngừng ngoài cửa, cô Oanh ngó ra thì thấy cô Tuyết đi vô với chồng của cô là Cao Văn Hiền, gần 40 tuổi, thương gia ở trên chợ Tân Định, vợ chồng mặc y phục gọn gàng theo kiểu khiêu vũ.

Cô Tuyết vừa bước vô cửa vừa hỏi:

- Chị Oanh sửa soạn rồi chưa?

- Rồi, rồi… chào anh chị… Tôi chờ anh chị nãy giờ đây.

Thầy Thiện cúi đầu chào cô Tuyết và bắt tay chào Hiền rồi mời ngồi.

Cô Tuyết nói:

- Cám ơn. Tới giờ rồi, để tôi đi chớ. Ủa, thầy không đi hay sao, nên không thay đồ?

- Thưa, tôi đi không được, để một mình vợ tôi đi.

- Tại sao thầy đi không được? Đi chơi chớ.

- Thưa, tôi mắc làm việc.

Hiền nói tiếp:

- Tôi biết mà Me - sừ Thiện mắc lo viết tiểu thuyết chớ gì.

- Phải. Tôi mắc viết tiểu thuyết.

- Thầy viết tiểu thuyết thiệt là hay. Tôi khen lắm. Song tôi khuyên thầy phải vui chơi chút đỉnh với anh em, chớ làm việc quá sợ mang bịnh đa, thầy.

Cám ơn. Tôi biết liệu sức của tôi.

- Dầu không ham chơi, nhưng mỗi tuần đến thứ bảy hoặc chủ nhựt cũng phải vui chơi một lần đặng giải trí và mở rộng đường giao thiệp. Rút ở trong hang hoài, anh em người ta kêu mình bằng gấu chớ.

- Kêu bằng giống gì cũng được. Ở nhà sợ người ta kêu gấu, đi chơi cũng sợ người ta kêu mình bằng ngựa vậy.

Hai cô thúc đi nên Hiền phải bắt tay từ giã Thiện mà trở ra xe.

Cô Oanh theo vợ chồng cô tuyết đi rồi, thầy Thiện dòm lại thì thấy con Yến đã ngủ khò. Thầy bồng nó vô giường rồi quạt muỗi, bỏ mùng cho nó ngủ.

Chị Thình với con Sáu cũng ngủ hết. Trong nhà vắng vẻ im lìm. Thầy Thiện bèn ngồi lại bàn viết, lấy giấy viết sửa soạn viết tiếp tiểu thuyết.

Cô Lý là nữ giáo sư, ở căn phố khít một bên thầy Thiện cũng đồng một tuổi với cô Oanh, nhưng mà cô chưa có chồng lại nhan sắc kém cô Oanh nhiều, cô bước nhè nhẹ vô cửa rồi hỏi: “Xe rước chị đi đâu vậy anh?”

Thầy Thiện ngó lại thấy cô Lý thì chào rồi đáp:

- Vợ chồng cô Tuyết rước nhà tôi đi khiêu vũ chơi dưới dinh Xã Tây.

- À! Đêm nay họ bày cuộc dạ yến. Em coi nhựt trình thấy họ hô hào dữ quá, vậy mà em quên chớ.

- Sao cô không đi?

- Ồ! Bao giờ em đến chỗ như vậy.

- Mời cô ngồi chơi.

- Để cho anh làm việc chớ.

- Tôi viết tiểu thuyết chớ chẳng có việc chi gấp. Tối bữa nay nhằm tối thứ bảy, dầu không viết cũng được. Mời cô ngồi nói chuyện chơi.

- Em sợ làm mất thời giờ của anh.

- Xin cô chớ ngại.

Cô Lý bèn ngồi xuống ghế canapé, một bên bàn viết rồi cô hỏi:

- Chị Oanh đi chơi, sao anh không đi với chị?

- Tôi cũng như cô, không ưa đến mấy chỗ như vậy.

- Vợ chồng nếu đi chơi thì phải đi với nhau, còn như không muốn đi thì ở nhà hết, chớ sao chị đi mà anh ở nhà?

- Đời nay đờn bà tự do, nếu họ đi đâu mình cứ theo đó, thì họ nói mình kềm thúc áp chế, vì vậy tôi ít đi chơi với nhà tôi. Đã vậy mà cuộc chơi ở đó nhà tôi thích, thì tôi không thích. Nếu đi theo thì tôi buồn lắm.

- Anh nói phải. Đờn bà đời nay nên để cho họ tự do, chớ nếu đờn ông còn kềm chế như lớp xưa thì không hạp với trình độ tấn hoá. Tuy vậy, mà theo ý em, quyền tự do cũng có giới hạn như các quyền khác. Em sợ người mình ít học nên không biết giới hạn đến chỗ nào rồi trèo leo ra ngoài vòng mà có hại.

- Cô biết lo bảo thủ phong hoá như vậy, cô làm giáo sư thiệt đáng lắm. Cô ở gần tôi hơn một năm nay, qua lại nói chuyện chơi hằng ngày, có lẽ cô biết rõ tánh ý của nhà tôi. Tuy nó học ít, nhưng nó thương chồng lắm. Nó có một tật mà thôi, là ham vui; hễ nó nghe nói một cuộc vui chơi nào thì nó rộn rực đòi đi cho được mới nghe. Còn tôi thì ưa vắng vẻ, bình tịnh, tôi không chịu đến mấy chỗ đông đảo ồn ào. Tôi nghĩ nhà tôi còn trẻ tuổi, thì tánh ham vui tự nhiên hạp với tuổi trẻ ấy. Nếu tôi bắt nó đổi tánh ham vui của nó mà tập theo tánh ưa yên tịnh của tôi, thì tội nghiệp cho nó, mà tôi cũng thành ra một anh chồng áp chế. Tại như vậy mà tôi để cho nhà tôi thong thả đặng vui lòng nó.

- Chị đi chơi một mình như vậy anh không ghen hay sao?

- Tại sao mà tôi ghen? Trong đời nầy tôi chẳng thương người nào, hoặc yêu vật gì cho bằng vợ với con tôi. Mà tôi biết chắc vợ tôi nó thương tôi lắm, dầu làm việc gì, dầu đi chỗ nào nó cũng không quên tôi được. Vợ chồng thương yêu nhau như vậy thì có cớ gì mà không tin bụng nhau mà phải ghen?

- Mình có vật quí, mình biết yêu chuộng, thì kẻ khác họ thấy, họ cũng yêu chuộng như mình vậy. Ấy vậy, mình có vật quí mình phải giữ gìn, không nên để hơ hỏng cho người ta ăn cắp.

- Vật không biết nói, không biết xét, nên ai muốn lấy đem đi đâu cũng được. Còn người biết suy nghĩ, biết tốt xấu, biết phải quấy, có lẽ nào đương đứng chỗ thanh cao mà đành để cho họ kéo xuống chỗ dơ dáy hay sao. Vật với người khác nhau, không thể so sánh được.

- Em muốn thử bụng anh mà chơi, chớ không phải em không tin lòng thanh bạch của chị Oanh. Chị có sẵn một người chồng biết thương, biết kính trọng chị, mà chị có một đứa con đáng yêu, đáng mến nữa, thế thì còn muốn việc gì nữa mà mình nghi.

- Cô nói phải. Vợ tôi hay đi chơi là tại nó có tánh ham vui, chớ không bao giờ có ý gì khác, bởi vậy tôi không nghi chút nào hết.

Cô Lý chúm chím cười. Cô không muốn nói chuyện ấy nữa nên cô hỏi:

- Con Yến đã sáu tuổi rồi sao anh không tính cho nó đi học lần đi?

- Mấy tháng nay tôi cũng có ý cho nó đi học, ngặt vì nó còn nhỏ quá, nên sợ đi  đường bất tiện, lại không biết ở nhà trường người ta có chịu lãnh dạy không.

- Được mà. Nếu anh muốn cho nó đi học, thì em sẽ nói với bà Đốc học đặng đem nó vô sổ giùm cho. Mỗi bữa đi học thì nó đi xe kéo với em, vô trường em coi chừng nó, không sao đâu mà sợ. Anh đợi nó lớn rồi mới cho đi học thì trễ còn gì.

- Nếu cô sẵn lòng dìu dắt cháu như vậy thì tôi cám ơn cô lắm.

- Thôi, anh sửa soạn cho cháu rồi sớm mơi thứ hai em dắt cháu đi.

- Tôi sẽ làm theo lời cô dạy.

Cô Lý ngó giấy tờ trên bàn viết rồi hỏi nữa:

- Anh đương viết bộ tiểu thuyết nào đó vậy?

- Tôi viết thử một bộ về phong tục chơi.

- Cha chả, anh động đến phong tục, em sợ chẳng khỏi mích lòng người ta.

- Tôi cứ do công tâm chánh lý mà bình phẩm, dầu phải mích lòng người ta thì tôi cũng chịu chớ biết làm sao.

- Anh viết tiểu thuyết phong tục, tức nhiên anh quan sát phong tục nhiều rồi. Vậy em xin hỏi anh: Phong tục đời xưa tốt hay phong tục đời nay tốt?

- Phong tục là gì? Ấy là những thói người ta quen làm. Người đời nào thì có phong tục riêng theo đời nấy. Đời dời đổi, người tấn hoá, thì phong tục cũng dời đổi tấn hoá theo vậy. Ấy vậy mình chẳng nên coi phong tục xưa là xấu, còn phong tục nay là tốt, hay phong tục xưa là tốt, còn phong tục nay là xấu. Song có một điều nầy là vạn vật hễ có bề mặt tự nhiên phải có bề trái. Phong tục cũng vậy, có lợi tự nhiên có hại, có phải tự nhiên có quấy. Cầm viết mà bình phẩm phong tục thì cần phải chỉ trích chỗ hại, chỗ quấy đó cho người đồng thời thấy mà sửa hoặc tránh đi vậy thôi.

- Em thường nghe nhiều người nói phong tục thời nay tồi bại. Theo lời anh mới luận đó, té ra mấy người than trách như vậy là vô lý hay sao?

- Phải, than trách như vậy theo ý tôi là vô lý. Để tôi chỉ vài phong tục mà hiện nay người ta đương phiền trách đó, rồi tôi cắt nghĩa chỗ quấy cho cô nghe. Lớp ông bà mình hồi trước say mê mấy câu sách cũ mèm của chệch như “Nam nữ thọ thọ bất thân”, như “Nhi nữ bất xuất khuê môn” rồi buộc đờn bà con gái không được đụng đến tay đờn ông con trai, không được chường mặt ra khỏi phòng: Hễ không được ra khỏi phòng thì gái chừng đúng tuổi lấy chồng có biết ai mà chọn lựa, bởi vậy cha mẹ định gả nơi nào cũng phải ưng chịu hết thảy. Lớp trước không có đường sá, ai ở nhà nấy, sự giao thiệp hẹp hòi, nên mấy cái tục tôi mới nói đó thích hợp với hoàn cảnh đó lắm, dân noi theo, không than phiền, không chê bai chi hết. Đời nay có tàu, có xe lửa, có xe hơi, có máy bay, đường giao thiệp rất dễ dàng, rất mau lẹ. Đã vậy mà con gái bây giờ có thể học như con trai, chừng học rồi cũng có thể làm việc như đờn ông con trai. Xã hội tấn hoá như vậy, tự nhiên phong tục phải đổi dời theo, hễ con gái được gặp, được nói chuyện, được bắt tay chào hỏi đờn ông con trai, thì chừng đúng tuổi lấy chồng tự nhiên nó biết chọn lựa, chẳng cần cha mẹ định nữa. Thiệt trong mấy phong tục tôi mới nói đó thì xưa với nay khác nhau như trắng với đen, nhưng xưa thì hạp với xưa, nay thì hạp với nay, bởi vậy mình không nên chê tục xưa là hủ lậu, mà cũng không nên chê tục nay là tồi bại. Có một điều nầy dầu xưa hay nay đều hại hết, là nếu con gái xưa cứ lục đục ở trong khuê phòng, không thấy ai hết, túng thế phải giao tình với nô bộc, hoặc con gái đời nay được đi ra đường thong thả giao tình với mọi người, làm như vậy thì xưa nay gì cũng không tốt hết thảy.

- Anh nói như vậy thì anh viết tiểu thuyết phong tục anh không kích bác tục xưa hay là tục nay gì hết hay sao ?

- Tôi sẽ kích bác dữ lắm chớ, song kích bác ngạo báng chỗ hại, chỗ xấu của phong tục mà thôi.

- Em thấy anh không ưa đi chơi, em tưởng anh thủ cựu, té ra anh có tâm hồn mới mẻ quá.

- Nếu tôi không có tâm hồn mới thì làm sao mà tôi để cho vợ tôi thong thả đi khiêu vũ một mình.

- Em đợi bộ tiểu thuyết phong tục của anh xuất bản đặng em đọc thử coi tâm hồn của anh mới, mà mới cách nào cho biết.

- Để tôi viết xong rồi tôi để cho cô đọc trước. Mà tôi nói trước cho cô được biết, tôi tán tụng phong tục lung lắm, nhất là phong tục về sự giao thiệp của đờn bà mới. Cô không ưa đi chơi, cô không chịu khiêu vũ, tôi sợ cô đọc cô không thích.

- Em không đi chơi vì em không nỡ lãng phí thời giờ, ban ngày đi dạy học, ban đêm mắc đọc sách, em có giờ rảnh đâu mà đi chơi. Còn em không chịu khiêu vũ là vì em không thích cuộc chơi ấy. Tuy vậy mà em cũng thuộc hạng gái đời nay, những lý tưởng mới chẳng trái tai gai mắt em đâu mà anh ngại… Em ngồi nói chuyện dông dài mất thời giờ của anh hết bộn. Thôi, em về đọc sách, để cho anh làm việc.

Thầy Thiện đưa cô Lý ra tới thềm rồi thầy trở vô khép cửa lại viết tiểu thuyết; thầy ngồi trơ trơ một mình dưới bóng đèn, trong nhà vắng tanh, lúc nào ngước mặt lên mà suy nghĩ thì thầy ngó tấm hình chụp của vợ treo trên vách rồi miệng chúm chím cười.

III.

Cách mấy tháng trước, thình lình có một luồng gió “ái bần” (phong tràothương người nghèo”) thổi ngang qua vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, làm cho bực phú hộ với hạng trí thức được mát mẻ rồi nhớ lại mà thương những nỗi cùng khổ của đám dân nghèo. Mấy ông mới hội hiệp mà bàn tính lăng xăng: người tính cất nhà cao ráo sạch sẽ để cho hạng lao động mướn rẻ mà ở cho khỏi bịnh hoạn, kẻ tính lập nhà bảo sanh trong mấy xóm bình dân để cho đờn bà tiện bề sinh sản; người muốn mở trường tiểu học khắp nơi để dạy cho con nít nghèo đều biết đọc biết viết, kẻ bày phát sữa, phát bánh, phát áo, phát quần cho con nít nhà nghèo khỏi bị đói rách; có người lại muốn lập sở để giữ con nhỏ cho nhà nghèo rảnh rang mà đi làm việc; có người lại còn muốn đặt ra nhiều chỗ để kiếm công việc cho đám bần dân làm ăn.

Bàn tính thì ai cũng sốt sắng, mà thực hành thì ai cũng do dự ngập ngừng, bởi vì làm những công cuộc ấy thì phải cần có tiền cho nhiều, mà người tính thì vui lòng thí công mà thôi, chớ không chịu thí tiền, muốn người khác ra tiền đặng mình làm cho dễ. Vì vậy nên trí tính đương xốn xao ở đây mà việc làm thì còn xa mút tí tè, trông thấy lờ mờ, không rõ hình thức.

Có một nhóm người nóng nảy, không muốn “năng thuyết bất năng hành”, bèn thừa dịp tâm hồn người An Nam ham vui chơi mà tổ chức những cuộc diễn kịch và khiêu vũ để lấy tiền giúp ích cho bần dân.

Cuộc dạ yến tổ chức tại dinh Xã Tây đêm nay có mục đích như vậy đó.

- Nhờ các báo khuyến khích trót một tuần lễ rồi, nên công chúng, nhứt là hạng người ăn chơi, ai cũng xôn xao đi dự dạ yến. Tuy giấy dán cùng đường, rao 10 giờ tối mới khai mạc mà vừa quá 9 giờ thì xe hơi xe kéo chở nam thanh nữ tú đến trước dinh Xã Tây, người nào cũng xinh đẹp, trang sức cũng đẹp, dầu không quen cũng ngó nhau mà cười, trên mặt mỗi người đều có cái vẻ hớn hở, vui là vì có dịp kheo áo khoe quần, có dịp nam nữ thong thả ngồi gần nhau, ôm nhau, chớ không phải vui vì được cứu giúp cho hạng bình dân đói khổ.

Cô Oanh với vợ chồng cô Tuyết bước xuống xe, thấy trong dinh Xã Tây cờ treo trang hoàng đèn đốt sáng hoắc nam thanh nữ tú náo nức lại qua, thì bươn bả đi vô, dường như sợ đến trễ rồi hao bớt sự vui của mình vậy.

Đúng 10 giờ, nhạc đánh khai mạc cuộc khiêu vũ. Ông Chủ tịch mời một bà nhảy trước để làm gương cho khách, rồi nam thanh nữ tú mới bắt cặp với nhau tràn qua xích lại theo nhịp đờn.

Cô Oanh được trai mời nhảy luôn mấy chập đã mệt nên cô kiếm một cái ghế ở phía sau mà ngồi nghỉ. Trong lòng cô vui nên sắc mặt hớn hở, mà lại có chút mệt nên má ửng đỏ cặp mắt như gương, dung nhan của cô bây giờ còn đẹp hơn hồi ở nhà bội phần. Cô đương ngồi ngắm kẻ xa, ngó người gần, bỗng có một ông trạc chừng 40 tuổi, mép trên để râu lún phún, mái tóc đã thấy bạc năm mười sợi, mặc cái quần nỉ đen với cái spencer may thiệt khéo, ông kéo một cái ghế lại để ngay trước mặt cô, cúi đầu chào và ngồi xuống hỏi: “xin lỗi cô, không biết có phải gốc cô ở Trà Ôn hay không?”

Cô Oanh chưng hửng không hiểu tại sao mà người ta biết gốc tích của mình, song nghĩ không có cớ gì mà phải giấu, nên cô gật đầu đáp:

- Thưa phải. Em gốc ở Trà Ôn.

- Phải cô là con của ông Cả hay không?

- Thưa phải. Em cũng xin lỗi mà hỏi lại: Ông là ai mà ông biết em?

- Tôi là người đồng hương với cô. Tôi là Hội đồng Đàng đây.

- Vậy hay sao? Em có nghe danh ông, nhưng vì thưở nay không có dịp gặp ông lần nào nên em không biết. Xin ông tha lỗi cho em.

- Cô không có lỗi chi hết. Danh tôi ai cũng nghe, chớ mặt tôi làm sao mà người ta biết hết cho được. Mà một người đàn bà trẻ tuổi, có sắc, có duyên như cô, lại là bạn đồng hương nữa, dầu có lỗi gì với tôi, tôi cũng tha hết. Tuy tôi gốc ở Trà Ôn, nhưng vừa lớn thì tôi ở trên nầy, lâu lâu tôi mới về xứ thăm bà con một lần mà thôi, chớ không có về thường nên cô không biết tôi nghĩ chẳng lạ gì. Còn cô hiểu tại sao mà tôi biết cô hay không?

- Thưa không. Tại sao mà ông biết em?

- Tại gương mặt của cô giống bà Cả quá, nên thấy cô thì tôi nghi liền.

Cô Oanh nhích miệng cười, gương mặt càng thêm vui vẻ, xinh đẹp như một đóa hoa mới nở. Vì ông Hội đồng Đàng là người đồng hương, cô không còn ái ngại chi nữa nên cô nói với cái giọng thiệt thà tự nhiên:

- Phải, em giống má em lắm. Thuở nay có nhiều người nhìn em cũng nói như ông vậy. Ổng ở trên nầy mà nhà ở đường nào?

- Coi kìa! Cô chưa biết nhà tôi hay sao? Cái nhà lầu ở trong Chợ Quán, ngó ra đường Galliéni đó. Ở đất Sài Gòn - Chợ Lớn có ai mà không biết nhà tôi.

- Vì em ít vô miệt đó nên em chưa biết.

- Nghe nói cô có chồng về ở trên nầy phải không?

- Thưa, phải.

- Cô ở chỗ nào?

- Thưa, ở đường Paul Bert trên Đa Kao.

- Thầy làm việc ở sở nào?

- Thưa, làm thơ toán trong hãng buôn ở đường Kinh Lấp.

- Mời cô khi nào có dịp đi vô Chợ Quán thì ghé nhà tôi chơi. Anh em đồng hương mà ngại giống gì. Gặp được bà con một xứ tôi mừng lắm.

Có một ông trẻ tuổi lại đứng trước mặt cô Oanh rồi cuối chào rất thanh nhã, tỏ ý mời cô khiêu vũ. Hội đồng Đàng day lại nói: “Xin ông mời người khác, vì cô Ba có hứa sẽ nhảy với tôi lớp nầy”.

Ông trẻ tuổi cúi đầu rồi đi. Hội đồng Đàng ngó cô Oanh mà cười rồi hỏi:

- Phải cô thứ ba hay không?

- Thưa không. Em thứ hai.

- Tôi nói cố mạng để họ đi cho rảnh, để mình nói chuyện chơi. Thầy là người nào đâu, xin cô tiến dẫn đặng tôi làm quen một chút.

- Chồng em ở nhà chớ không có đi đây.

- Ủa! Vậy cô đi với ai?

- Em đi với hai vợ chồng chị Tuyết, là chị em bạn với em.

- Tôi chắc cô thích khiêu vũ lắm. Mời cô nhảy với tôi một lát chơi.

Cô Oanh cười và đứng dậy gọn gàng. Hội đồng Đàng cũng đứng dậy cặp tay cô dắt ra giữa phòng rồi ôm nhau nhảy với nhiều cặp khác.

Tiếng nhạc dứt, mấy cặp khiêu vũ đều ngưng. Hội đồng Đàng với cô Oanh ngó nhau cười. Hội đồng Đàng cặp tay dắt cô ra và nói:

- Cô Hai nhảy dịu dàng chắc nhịp, tôi thích mà tôi khen cô lắm. Cô biết khiêu vũ đã lâu rồi phải hôn?

- Thưa, em mới biết nhảy từ hôm Tết tới giờ.

- Nhảy chưa đầy một năm mà cô giỏi như vậy thì càng đáng khen hơn nữa.

- Ông vị tinh đồng hương mà ông khen như vậy chớ em đâu có giỏi .

- Cô nói tiếng “vị tình” nghe không mặn mòi. Phải nói “mến tình” mới trúng ý tôi.

Hai người ngó nhau mà cười nữa.

Hội đồng Đàng nói: “Mình láng cháng ở đây chắc chẳng khỏi bị người ta mời nhảy nữa. Mà tôi thấy cô nhảy với người khác thì chắc tôi buồn lắm. Vậy mời cô bước qua phòng bên nầy với tôi, đặng kiếm đồ uống giải khát một chút rồi mình sẽ nhảy với nhau nữa”.

Hội đồng Đàng dắt cô Oanh qua cái phòng phía tay trái, thấy một cái bàn trống bèn mời cô ngồi, rồi kêu bồi biểu đem một ve Champagne. Ông mở hộp thuốc điếu mà đưa và mời cô. Tuy cô không biết hút nhưng vì thấy chị em đi khiêu vũ phần nhiều hút thuốc, uống rượu cũng như đờn ông, nếu mình không làm như người ta thì té ra mình quê mùa, bởi vậy cô lấy một điếu rồi đốt mà hút.

Bồi bưng rượu lại, Hội đồng Đàng biểu rót hai ly rồi mời cô. Cô ngó ly rượu mà cười và nói:

- Em không biết uống rượu, em sợ uống rồi say chết.

- Rượu Champagne mà say giống gì. Uống nó mát mà tiêu chớ! Cô uống một ly để giải khát rồi khuya một chút nữa mình sẽ kiếm đồ ăn.

- Uống sợ say rồi đỏ mặt coi kỳ quá.

- Đỏ mặt cô coi càng thêm đẹp chớ kỳ giống gì. Nói cùng mà nghe, ví dầu cô có say thì tôi đưa cô về, có sẵn xe hơi, cô đừng ngại. Tôi có đủ sức bảo hộ cô mà. Cô uống với tôi một ly đặng mừng ngày tha hương ngộ cố tri.

Cô Oanh bưng ly rượu mà cụng với Hội đồng Đàng rồi uống một hơi hết phân nữa.

- Cô hứa với thầy cô đi chơi tới mấy giờ cô mới về?

- Em không hứa chi hết, em muốn chơi tới chừng nào cũng được.

- Cô có chồng mà cô được tự do như vậy, tôi mừng cho cô lắm.

- Đời nay chồng đâu có bó buộc vợ như xưa nữa.

- Tôi là người đời nay mà cái óc của tôi khác hơn người ta lắm. Hễ tôi thương ai thì tôi ghen, tôi không cho đi đâu một mình. Tôi nói thiệt, nếu tôi có vợ trẻ tuổi mà lại xinh đẹp và có duyên như cô thì tôi chẳng dám rời ra một giây phút nào hết, đi đâu cũng có tôi theo luôn luôn.

Hơi rượu làm cô Oanh mặt phừng phừng, lại làm cho lòng cô vui vẻ muốn nói muốn cười, bởi vậy nghe mấy lời của Hội đồng Đàng trêu ghẹo mà cô không ái ngại, cô lại cười ngất và nói:

- Tánh ông như vậy chắc bà ở nhà cực lòng lắm?

- Lúc nầy tôi không có vợ. Nhà tôi mất hồi năm kia, từ ấy đến nay tôi có ý muốn kiếm chỗ đặng chấp nối, nhưng vì chưa gặp cô nào đồng tâm hiệp ý, nên tôi vẫn còn ở trơ trội một mình.

- Ông trộng tuổi mà kén vợ dữ!

- Vợ là người bạn trăm năm, lại tôi ngồi cái địa vị phú quí, ai làm vợ tôi thì sung sướng sang trọng, ở nhà lầu, đi xe hơi, đeo hột xoàn, lại được người ta kêu là “ bà Hội đồng”, tự nhiên tôi phải kén chọn người có tư cách làm “bà lớn”, chớ lạm xạm làm sao được.

- Ông kén như vậy thì ông phải chọn người trộng tuổi một chút, chớ gái mới lớn lên thì chắc không có đủ tư cách theo lời ông nói đó.

- Phải. Gái mới lớn lên, tánh còn lao chao, tôi sợ e không xứng đáng làm “Bà lớn”. Phải người có tuổi ít nào cũng hăm lăm, hăm sáu, có kinh nghiệm việc đời mới được.

- Vậy thì ông phải cưới gái lỡ thời hoặc đờn bà góa.

- Phải. Hoặc là đờn bà có chồng rồi mà vì gia đình không hòa thuận nên phải ly dị cũng được.

Cô Oanh lơ đãng, nhìn trân ly rượu, cặp mắt lờ đờ.

Hội đồng Đàng rót rượu thêm mà mời cô uống thì cô bưng ly uống liền, uống một hơi hết hai phần ly, không suy nghĩ, không ái ngại như lúc đầu nữa. Bây giờ mặt tai, tay chơn của cô đều đỏ hết, cô ngồi dựa ngửa trên ghế, miệng chúm chím cười, dung nhan coi càng thêm đẹp.

Hội đồng Đàng móc đồng hồ nhỏ trong túi ra mà coi rồi nói: “Gần mười hai giờ rồi. Mời cô nhảy chơi vài cắp nữa mình đi kiếm đồ ăn lót lòng”.

Cô Oanh đứng dậy mà bị hơi rượu lừng lên nên cặp mắt choáng váng.

Hội đồng Đàng trả tiền rượu rồi bước lại cặp tay cô mà dắt đi. Cô vừa đi vừa cười mà nói: “Bị rượu làm cho mắt em choáng váng, chơn bước không vững, em sợ em nhảy nữa không được”.

Hội đồng Đàng đứng lại nhìn cô rồi cười mà nói:

- Mặt cô đỏ quá. Chắc cô say.

- Tại ông đó đa! Em nói em không biết uống rượu, ai biểu ông ép.

- Xin cô tha lỗi. Tôi không dè cô yếu rượu như thế. Cô đương say, nếu nhảy thì cô phải chóng mặt. Vậy tôi mời cô đi xe một vòng mà hứng gió và kiếm chỗ ăn soupe đặng giã rượu, rồi mình sẽ trở lại.

- Đi đâu?

- Cô muốn đi đâu cũng được hết. Lên xe rồi sẽ liệu.

- Em muốn cậy ông đưa em về, vì choáng váng quá nên em muốn nằm mà nghỉ.

- Được.

- Để em nói cho chị Tuyết hay, đặng chừng về chỉ khỏi kiếm em. Xin ông đứng đây chờ em, để em đi kiếm chị Tuyết.

- Để tôi dắt cô đi, không hại gì đâu.

Hai người dắt nhau đi một vòng, gặp cô Tuyết đương đứng nói chuyện với một đám đàn ông, cô Oanh bèn vỗ vai mà nói:

- Chị Tuyết, em về trước nghe hôn.

- Ủa, sao chị về sớm vậy?

- Em mệt, nên không đi chơi được nữa.

- Chị về cách nào?

- Có anh Hội đồng đây, là người gốc ở Trà Ôn, bà con với em, chịu cho xe hơi đưa em về.

- Nếu vậy thì được. Thôi, chị về trước đi kẻo ảnh trông.

- Chị quỉ !

Cô Oanh vã miệng cô Tuyết rồi xoay lưng mà đi với Hội đồng Đàng, cô không kể đến mấy chục cặp mắt hữu tình hoặc kiêu ngạo chong ngó cô, còn ông Hội đồng thì đưa tay chào những người quen, khí sắc hân hoan mãn nguyện, như một vị tướng quân thắng trận đương kéo quân nhập thành.

Ra đường rồi ông Hội đồng dắt cô đi dài theo chỗ mấy trăm chiếc xe hơi đậu mà kiếm xe của ông, vừa đi vừa nói:

- Cô đương say rượu, nếu về nhà ngủ liền thì không tốt. Vậy tôi xin mời cô đi chơi một vòng, đặng hứng gió mà giã rượu, lên Xuân Trường ăn soupe chơi rồi tôi sẽ đưa cô về.

- Cám ơn ông, em đi không tiện.

- Tại sao mà cô ái ngại?

- Khuya rồi. Đi như vậy rồi biết chừng nào mới về tới nhà.

- Chưa tới mười hai giờ mà khuya giống gì. Cô đi chơi với tôi một chút. Chừng nào cô muốn về thì tôi sẽ đưa cô về liền.

- Thôi, đi chừng một giờ mà thôi, nghe hôn. Em không chịu đi lâu hơn nữa a.

- Được. Cô muốn đi bao lâu tự ý cô.

Đi tới một cái xe hơi mới tinh sơn màu đỏ, kiểu kim thời, ông Hội đồng mở cửa, vặn đèn rồi mời cô Oanh lên xe. Cô đứng dụ dự, ngó cái xe rồi ngó ông cười và nói: “Thôi, để em kêu xe kéo em về. Em có chồng mà đi như vầy thì kỳ quá”.

Ông Hội đồng lấy tay xô nhè nhẹ cái lưng cô và nói: “Anh em bà con một xứ mà ngại giống gì. Đi chơi một chút có ai hay đâu mà cô sợ, đời văn minh, đờn bà đi chơi với đờn ông là sự thường, có gì lạ đâu. Xin cô lên xe, đừng rụt rè như gái nhà quê coi không được”.

Cô Oanh ngó ông Hội đồng mà cười, rồi bước lên xe gọn gàng. Ông Hội đồng leo theo, ngồi một bên cô rồi kêu sớp - phơ mà dặn: “đi lên Xuân Trường, em. Đi chầm chậm đặng hứng gió, đường có chạy mau nghe hôn”.

Xe rút chạy, đèn trong mui dọi mặt cô Oanh coi sáng rở mà lại khoái lạc vô cùng.

Ông Hội đồng vói tay lấy cái bóp của cô đương cầm mà để bên mình ông và nói:

- Cô xài bóp xưa quá.

- Em tính mua cái bóp khác mà chưa có giờ rãnh đặng đi mua đó.

- Người đẹp như cô phải mua thứ bóp hai mươi mấy đồng xài coi mới được.

- Ông tưởng em là vợ Bá hộ hay sao, nên xài bóp nhiều tiền như vậy? Mua thứ mười đồng cũng đã tốt rồi.

- Để mai mốt tôi mua cái thiệt tốt tặng cô mà làm một vật kỷ niệm chơi.

- Em đâu dám nhận lãnh.

- Sao lại không dám? Của bà con anh em tặng mà ngại nỗi gì?

Cô Oanh chúm chím cười.

Ông Hội đồng cầm vạt áo của cô lên mà coi, lắc đầu nói:

- Cô mặc áo cũng rẻ tiền quá. Tôi lấy làm tiếc người có sắc, có duyên, đáng yêu, đáng trọng như cô mà trời lại khiến cái mạng không giàu sang đặng lên xe xuống ngựa, mặc áo tốt, đeo hột xoàn, để cho mấy cô thô lỗ, xấu hoắc họ giàu sang rồi họ ăn mặc đồ tốt, mà đồ ra đồ, người ra người, coi kỳ cục quá. Nếu tôi có một người vợ như cô, chắc tôi cưng lắm. Tôi không cho làm động tới móng tay, tôi không cho đi bộ một bước. Bận áo phải bốn, năm chục đồng một cái, đi giày phải mấy chục đồng một đôi, tôi mới chịu.

- Nếu vậy thì bà hồi trước chắc sung sướng lắm?

- Sung sướng lắm mà.

- Vậy mà không sống đặng hưởng chớ.

- Tại mạng Trời, biết làm sao. Mà bây giờ ai chịu làm vợ tôi, cũng sung sướng như vậy nữa.

Lúc ấy xe thủng thẳng chạy qua cầu Bình Lợi. Ông Hội đồng ngó cô Oanh mà nó tiếp: “Tôi mà có được một người vợ như cô, thì tôi cho đeo xoàn cùng mình hết, bông tai phải một cặp hột xoàn thiệt lớn, nút áo cũng phải gắn hột xoàn, cườm tay thì đeo vòng nhận hột xoàn đáng năm, bảy ngàn, ngón tay thì đeo cà rá cũng hột xoàn”. Ông nói và rờ tay, rờ ngực, rờ cườm tay, rờ ngón tay cô Oanh.

Cô ngồi trân trân, miệng cứ chúm chím cười, không nói một tiếng chi hết, mà cũng không phủi tay ông. Ông thông hiểu tâm lý đờn bà, nên thấy cử chỉ của cô như vậy thì ông cười, ngồi xích lại một bên mình cô rồi thình lình nắm tay cô mà hun. Cô xô ông và chỉ sớp- phơ nói nhỏ nhỏ: “Sớp - phơ kìa!”. Ông cũng đáp nhỏ nhỏ: “Người của tôi, không sao mà sợ”. Ông lại vói tay tắt ngọn đèn trên mui xe rồi choàng tay ôm mình cô. Tiếng máy xe chạy nghe vo vo, đèn gọi đường phía trước sáng lòe, còn trong xe thì im lìm lặng lẽ, chỉ lâu lâu nghe tiếng ông Hội đồng nói lào xào với nghe tiếng cô Oanh cười nhỏ nhỏ mà thôi.

Xe lên tới Xuân Trường, ông Hội đồng biểu sớp - phơ ghé vô nhà hàng. Ông mở cửa xe, nắm tay dắt cô Oanh bước xuống. Vì đêm nay có dạ yến dưới Sài Gòn, nên nhà hàng trên nầy không có khách. Ông Hội đồng lựa một cái bàn để dưới gốc cây khuất tịch, kín đáo, ông mới dắt cô Oanh lại mà ngồi, rồi biểu bưng soupe và lấy rượu chát.

Hai người ngồi ăn uống, nói chuyện nhỏ nhỏ, coi bộ thân mật mà lại vui vẻ vô cùng. Ăn uống xong rồi mới dắt nhau lên xe trở về. Xuống tới chợ Thủ Đức, ông Hội đồng dạy sớp - phơ ngừng xe lại, ông cho một đồng bạc và biểu vô quán mà ăn nem. Ông lại nói với cô Oanh: “Bây giờ hai đứa mình ra phía trước mà ngồi, qua cầm tay bánh, chạy đi chơi một lát”.

Cô Oanh dụ dự hỏi:

- Đi đâu nữa? khuya quá, xin anh đưa giùm em về.

- Mới một giờ rưỡi. Đi chơi chừng nửa giờ, để sớp - phơ ăn rồi, mình lại rước nó về luôn thể chớ.

- Anh báo hại về tới nhà sáng bét cho mà coi.

- Không có đâu. Qua hứa chắc, qua sẽ đưa em về trước ba giờ.

Cô Oanh bèn ra phía trước mà ngồi với ông Hội đồng. Ông mở máy cho xe chạy vòng theo chợ rồi quanh qua đường đi Bình Đức, đúng hai giờ rưỡi xe mới trở lại. Ông Hội đồng với cô Oanh ra phía sau ngồi. Sớp - phơ lên cầm tay bánh chạy về Sài Gòn.

Gần tới nhà, cô Oanh biểu sớp – phơ ngừng xe lại rồi bước xuống xe. Ông Hội đồng nắm tay từ giã cô và nói: “Em nhớ nghe hôn, đúng ba giờ chiều mai, xe qua đậu ngay trước chợ Tân Định”.

Cô Oanh gật đầu mà cười.

Ông Hội đồng biểu sớp - phơ đi.

IV

Một chúa nhựt, tối tám giờ sớm mơi thầy Thiện ngồi dạy con Yến học A.B.C. thầy chỉ chữ nào, con nhỏ đều nói trúng chữ nấy. Thầy rất vui lòng, nên vỗ đầu con mà nói: “Con học giỏi lắm, mới mấy tuần nay mà con đã biết mặt chữ hết rồi sáng mai vô trường, con thưa với cô giáo dạy con học vần xuôi đi, nghe hôn con”.

Con Yến được khen thì toại chí, nên nói:

- Chiều hôm qua cô có nói để thứ hai cô sẽ dạy con học B. A. ba, B. Á. Bá.

- Ừ, phải. Học cái đó đa.

- Cô nói để rồi cô dạy con học viết nữa.

- Ừ, để mai mốt ba sẽ mua tập, mua viết cho con học viết. Con ráng học cho giỏi, rồi thứ năm, chủ nhựt, ba biểu má dắt con đi coi hát bóng.

- Con không ưa coi hát bóng, ba à. Con muốn đi vô vườn bách thú đặng coi chim chơi.

- Cũng được. Như con muốn đi coi vườn bách thú thì má cũng sẽ dắt con đi.

- Sao ba không đi với con?

- Ba mắc làm việc hoài, có rảnh đâu mà đi với con được.

Cô Oanh ở trong buồng bước ra; bữa nay cô mặc một bộ đồ thiệt tốt, tay cầm một cái bóp thiệt đẹp, chơn mang một đôi giày cũng thiệt mới.

Con Yến vừa ngó thấy thì nói: “Má bận áo tốt dữ!”

Cô Oanh bước lại trước tấm kiếng mà soi mình, không nói chi hết.

Con Yến hỏi: “Má đi đâu vậy má ?”

Cô Oanh không thèm day lại, mà cô lại nạt lớn: “Tao muốn đi đâu tao đi, hỏi làm gì”.

Con gái ngó cha mà mặt coi buồn hiu.

Thầy Thiện thấy vậy bèn nói với vợ:

- Mình có đi chợ thì cho em nó đi với. Nó học cả tuần đến chủ nhựt cho nó đi chơi chút đỉnh cho nó vui.

- Dắt theo lòng thòng ai chịu cho được nà. Tôi không đi chợ nào hết, tôi lên Thủ Dầu Một lận.

- Đi làm chi trên Thủ Dầu Một?

- Chị Tuyết muốn mua sở cao su miệt trên nên chỉ rủ tôi đi coi chơi.

- Cô Tuyết muốn mua vườn thì cổ đi coi, chớ mình đi làm gì.

- Kiếm chuyện đi! Hễ đi chơi với chị em người ta, thì cứ theo kích bác.

- Không, tôi nói chuyện mà nghe, chớ kích bác nỗi gì. Thuở nay mình muốn đi đâu mình đi, tôi ngăn cản bao giờ đâu.

- Cản sao được.

Thầy Thiện rùng vai mà ngó chỗ khác.

Cô Oanh bước ra cửa kêu xe kéo.Thầy Thiện hỏi vói:

- Mình đi chơi tới chừng nào mới về, nói cho tôi biết: đặng chờ ăn cơm.

- Ở nhà cha con ăn cơm đi, đừng có chờ. Mua đồ đem theo xe mà ăn, không về ăn cơm đâu. Không biết chừng tối mới về.

Cô Oanh nói mấy lời rồi lên xe kéo đi tuốt.

Thầy Thiện kêu con Sáu biểu dắt em ra trước chơi, rồi thầy ngồi chống tay trên bàn viết, mở một cuốn sách để trước mặt, mà hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Thầy ngồi trân trân trót một giờ rồi thầy bước vô trong mà rửa mặt.

Chị Thình đi chợ về, mắc lo làm cá nấu cơm ở nhà sau, nên phía trước im lìm. Thầy Thiện chịu sự vắng vẻ ấy không được, muốn kiếm con đặng chọc cho nó đỏ đẻ cho vui mà ra trước nhà đứng ngó, thì con Sáu đã dắt con Yến đi đâu mất. Thầy dòm qua nhà cô Lý, thấy cô đương ngồi tại bàn viết, thầy mới vô khép cửa lại rồi bước qua nhà cô.

Cô Lý mặc một cái quần lãnh đen với cái áo bà ba vải trắng, thấy Thầy Thiện bước vô thì chào hỏi, mời ngồi rồi lật đật đi vô buồn thay áo mà mặc một cái áo dài bằng nhiễu đen, đặng hầu chuyện với khách cho đủ lễ.

Cô thấy thầy ngồi im lìm, sắc mặt không vui, cô muốn ghẹo cho thầy nói chuyện, nên hỏi: “Bữa nay chủ nhựt, anh không đi chơi hay sao?”

Thầy lắc đầu mà đáp cụt ngủn: “không”.

Cô kéo ghế ngồi ngang với thầy mà nói nữa:

- Nếu anh cho phép thì em sẽ làm một ly cà phê đãi anh.

- Cám ơn cô. Hồi sớm mơi tôi uống cà phê rồi.

- Vậy anh uống nước trà hay không?

- Xin cô đừng lo, tôi không khát nước.

- Bữa nay sao chưa thấy cháu Yến qua bên nầy chơi?

- Con Sáu mới dắt nó đi chơi.

- Cháu mới tập đi học mà coi bộ sáng suốt lắm. Em chắc ngày sau cháu sẽ trở nên một trò giỏi trong lớp.

- Nhờ có cô dìu dắt, nên nó học được, thiệt tôi mừng quá. Cái ơn của cô chẳng bao giờ tôi dám quên.

- Có ơn gì đâu. Em làm giáo sư, tự nhiên em phải khuyến dụ mà kiếm học trò chớ… Còn bộ tiểu thuyết về phong tục hôm nay anh soạn đã xong rồi hay chưa?

Thầy Thiện châu mày, thở dài một cái rồi ngó chỗ khác mà đáp:

- Tôi viết rồi, nhưng mà chắc phải bỏ, chớ không thể xuất bản được.

- Ủ! Sao vậy?

- Tôi nghĩ lại thì những lý tưởng trong đó non nớt lắm, không được đúng đắn.

- Hôm nọ ngồi đàm luận phong tục với em, anh bày giải mấy cái lý thuyết, em nghe phải hết, sao bữa nay anh lại cho là không đúng đắn.

- Tại tâm hồn của tôi dời đổi rồi. Những lý tưởng hôm nọ tôi cho là hay, bây giờ tôi coi lại thì dở lắm.

- Có lẽ nào mới mấy tuần nay mà anh đổi hẳn tâm hồn như vậy được?

- Được lắm chớ. Mấy tuần đã nhiều lắm rồi. Con người hễ gặp uất thì tâm hồn có thể đổi trong giây phút được.

- Nếu em không sợ anh trách em tọc mạch, thì chắc em sẽ hỏi anh coi vì cớ nào mà anh đổi tâm hồn mau như vậy.

Thầy Thiện không đáp lại, thầy ngồi lặng thinh một hồi rồi đáp:

- Bộ tiểu thuyết của tôi, tôi nhiệt liệt bênh vực quyền tự do giao thiệp của đờn bà mà hôm nọ nói chuyện với cô, tôi cũng tán tụng cái lý thuyết đó. Cô có cãi lại rằng, đời nầy phải để cho người đờn bà hưởng tự do mới thích hạp với trình độ tấn hoá. Nhưng quyền tự do có giới hạn cũng như các quyền khác. Phần nhiều đờn bà của mình ít học nên sợ e họ không hiểu giới hạn đến chỗ nào, rồi họ trèo leo ra ngoài vòng mà sanh họa. Mấy lời của cô cãi như vậy tới bữa nay tôi mới biết thiệt là đúng đắn.

- Hôm nọ vui miệng em cãi với anh mà chơi, chớ về vấn đề ấy em không có khảo cứu nên em không dám đoán quyết.

- Không, cô nói trúng lý lắm chớ. Đờn bà của mình phần nhiều không có đủ giáo dục, nên giao quyền tự do giao thiệp cho họ cầm thiệt là hiểm nghèo. Họ cầm cái quyền ấy chẳng khác nào con nít cầm gươm, cầm dao, nó vút vắt một lát rồi nó phải đứt tay, mà có khi nó làm đứt tay đứt chơn tới người khác nữa.

- Phong tục mới muốn đờn bà được hoàn toàn tự do. Anh viết tiểu thuyết mà binh các lý thuyết ấy thì hạp thời lắm. Đã vậy mà hôm trước anh nói anh sẽ khích bác chỗ xấu, chỗ hại của phong tục, thế thì có chỗ gì không chính đáng mà anh ngại.

- Tại tôi binh vực cái lý thuyết như vậy đó nên bộ tiểu thuyết tôi mới hư. Còn kích bác chỗ xấu của phong tục thì tôi nói yếu ớt lắm, nên coi lại tôi không vừa ý. Thế nào tôi cũng bỏ mà viết lại bộ khác. Mà hễ tôi viết lại thì chắc tôi sẽ viết khác hẳn.

- Anh có công kích quyền tự do của đờn bà hay sao?

- Phải. Tôi sẽ nghịch hẳn với cái phong tục khốn nạn đó. Tôi phải khuyên những người có vợ phải nhốt vợ ở nhà, đừng có cho đi đâu hết, nếu họ muốn gia đình khỏi tan rã.

- Em không hiểu mà tại sao bữa nay anh lại oán đờn bà dữ vậy.

Thầy Thiện nghe mấy lời ấy thì châu mày, trợn mắt, nói luôn một dọc: “không oán làm sao được, cô !… Tôi oán lắm, tôi thù lắm!… Đờn bà mới!… Quyền tự do!…Hứ! Khéo bày chuyện đặng phá gia đình!… Khốn nạn lắm!…”

Thầy nói rồi thầy chống tay lên trán, rưng rưng nước mắt, bộ tức giận lại đau đớn lắm.

Cô Lý biết thầy uất ức về việc gia đình, cô muốn khuyên giải, song không rõ tâm sự của thầy, cô không biết phải nói thế nào nên cô ngồi lặng thinh mà ngó.

Thầy Thiện cũng ngồi im lìm hồi lâu rồi thầy lấy khăn lau nước mắt và nói:

- Qua nhà cô chơi mà tôi nói ồn ào, lại nói những lời bất nhã, thiệt tôi có lỗi nhiều lắm. Tôi xin cô tha lỗi cho tôi.

- Anh em bàn luận mà chơi, có hại gì đâu. Huống chi anh có nói tiếng nào mích lòng em đâu mà anh phải xin lỗi.

- Vì giận nên tôi có nói nặng lời một chút. Đờn bà có kẻ quấy mà cũng có người phải, chớ không phải hết thảy đều quấy, nên tôi không được nói xô bồ xô bộn như vậy. Tại tôi phiền đờn bà của tôi quá, sự phiền ấy tràn trề trong óc, nên hễ mở miệng thì lọt ra những lời thán oán đó.

- Vợ chồng ở một nhà làm sao mà khỏi xích mích chút đỉnh. Xin anh chẳng nên nhớ tới những việc nhỏ mọn như vậy mà phiền lòng.

- Không. Vợ chồng tôi có xích mích đâu. Tôi có vợ đã sáu, bảy năm nay, chẳng bao giờ tôi nói nặng nề với vợ một tiếng nào hết. Tôi là một người có học thức, tôi yêu vợ tôi mà tôi lại trọng vợ lắm. Tôi có phiền vợ tôi đâu, ấy là vì tôi thấy vợ tôi nó không biết thương tôi, không biết trọng lại tôi. Nó làm cho tôi đâu đớn buồn rầu, mà coi bộ nó không biết ăn năn, nó cứ làm thẳng tới hoài, thế khi tôi chết nó cũng không tiếc.

- Chị Oanh yêu chồng lắm, có lẽ nào chị có thái độ kỳ cục như anh nói đó vậy.

- Nói chuyện với cô, mà tôi đem cử chỉ của vợ tôi ra đặng trách móc, thì bất nhã thiệt. Nhưng vì sự phiền não tràn trề trong lòng tôi, không thể tôi nín được. Cô là chị em với vợ tôi nên tôi phải nói cho cô nghe, đặng cô phán đoán coi tôi trách vợ tôi ưng cho nó hay là oan. Cô vẫn biết thuở nay tôi để cho vợ tôi thông thả lắm, muốn đi đâu hay là chơi với ai đều tự do, chẳng bao giờ tôi cấm cản; ban đêm đi coi hát hay đi khiêu vũ với chị em đến gần sáng về, tôi cũng không rầy; tôi nghĩ vợ vì tôi có tánh ham vui, song nó thương tôi, nên tôi không nghi chi hết. Thuở nay, tuy cũng đi chơi, song lâu mới đi một bữa. Có lúc sau nầy nó đi thường quá, đi ngày đi đêm, đi hoài, không biết đi đâu, không kể đến chồng con gì nữa hết. Đã vậy mà cách ăn mặc của nó coi lại khác hơn hồi trước. Nó làm cho tôi phải ái ngại lo sợ quá, cực lòng nhọc trí không biết chừng nào.

- Anh nói bao nhiêu đó cũng đủ cho em hiểu gia đạo của anh rồi. Anh sanh chứng ghen chứ gì?

- Không phải tôi ghen. Nếu vợ tôi nó hết thương tôi, nó lấy người khác, thì tôi ghen làm gì. Tôi lo là lo cho vợ tôi nó ham vui rồi nó hư thân nó. Tôi sợ là sợ gia đình tan rã, rồi con Yến bơ vơ, tội nghiệp mà thôi chớ.

 Thầy Thiện nói tới đó rồi chảy nước mắt nữa. Cô Lý thở dài mà nói:

- Anh lo sợ như vậy không phải vô lý. Sao anh không than thở với chị và khuyên chị đừng có đi chơi nữa.

- Hễ tôi mở miệng thì vợ tôi nói tôi áp chế nó, khi tôi thủ cựu, nó mắng tôi ghen bậy, nên có cắt nghĩa phải quấy gì được đâu. Tôi xin bữa nào có dịp nói chuyện với vợ tôi cô làm ơn khuyên giải giùm cho nó đừng có đi chơi nữa. Nếu cô đổi tánh ý của vợ tôi được, thì cô làm ơn cho vợ chồng tôi lớn lắm vậy.

- Em sẽ ráng sức, mà anh cũng dùng lời phải trái khuyên chị nữa mới được chớ.

- Phải, tôi cũng khuyên theo phần tôi chớ sao.

Con Yến đi chơi về nó thấy cha ngồi bên nhà cô Lý thì chạy qua, chắp tay xá chủ nhà rồi đứng một bên cha.

Thầy Thiện nghĩ, trước mặt con không lẽ nói chuyện vợ nữa, nên đứng dậy từ giã cô Lý mà về.

Cô Lý ôm mặt con Yến mà hun rồi đưa cha con Thầy Thiện ra cửa.

Thầy Thiện day lại nói: “Xin cô nhớ nói giùm chuyện ấy”.

Cô Lý gật đầu.

V.

Gần tới tết.

Bữa thứ năm nghỉ học, nên gần 2 giờ rưởi trưa, thầy Thiện đi làm việc rồi thì con Yến ra đứng trước cửa mà chơi.

Cô Lý ngó thấy con nhỏ thì kêu mà hỏi:

- Cháu, có má ở nhà hay không?

- Thưa có.

- Má làm việc gì ở bển?

- Thưa má cháu nằm chơi, chớ không có làm việc chi hết.

Cô Lý bước qua thấy cô Oanh đương nằm trên cái đivan mà đọc nhựt trình, thì nói lớn:

- Chị, dữ hôn, ở khít một bên, mà mắc đi sớm về tối, nên ít gặp chị quá! Chị mạnh giỏi?

Cô Oanh lồm cồm ngồi vậy mà đáp: “Cám ơn chị. Tôi mạnh luôn luôn. Mời chị ngồi chơi. Bữa nay sao chị không đi dạy học?”

Cô Lý cười, kéo ghế mà ngồi và đáp:

- Bữa nay thứ năm, học trò nghỉ học.

- À, tôi quên. Con Yến ở nhà kia mà.

- Tôi trông gặp chị để méc cháu Yến đó

- Nó có lỗi chi đó mà chị méc?

- Nó có lỗi là ham học quá!

- Ạ! Nó ham học lắm hay sao?

- Ham học lắm. Chị có một đứa con thật là đáng đích, từ bà đốc cho đến các cô giáo ai cũng thương nó hết.

- Tới nhà trường nó sợ, nên nó mới dễ thương đó, chó ở nhà nó đổng đảnh chịu không nổi.

- Chị nói như vậy, chớ tôi thấy nó đỏng đảnh hồi nào đâu.

- Sao lại không có. Nó thấy ba nó cưng rồi nó chứng lắm đó.

- Có con như vậy cưng cũng phải lắm. Tôi có được đứa con như cháu Yến chắc tôi coi như vàng.

- Chị muốn thì tôi cho chị đó, chị đem về bên nhà chị nuôi nó đi.

- Chị có một đứa con chị cho tôi rồi chị làm sao.

- Tôi không cần. Bây giờ tôi nghĩ lại làm đờn bà mà có con lòng thòng thì khốn nạn không có cái gì hơn.

- Sao chị lại nói như vậy ? Con gái lớn lên thì phải lấy chồng là cốt lập gia thất lâu dài. Con là kết quả của cuộc vợ chồng, nhờ có nó mà vợ chồng càng thương yêu, càng khắng khít chớ.

- Con gái là cái tội báo! Hồi nhỏ tôi dại nên tôi lấy chồng. Bây giờ tôi ăn năn lắm. Ở một mình như chị vậy thiệt sung sướng không biết chừng nào.

- Phận tôi khác, phận chị khác, đem so sánh sao được, mà chị đã có chồng rồi, lại có một người chồng rất quí báu, chị chẳng nên nói như vậy, ảnh nghe rồi ảnh buồn.

- Theo con mắt chị coi thế nào không biết, chớ theo con mắt tôi thì không quí báu chi hết.

- Tôi coi ảnh ở với chị ít có đờn ông nào được như vậy. Ảnh thương chị, mà ảnh lại trọng chị nữa.

- Thương tôi, trọng tôi, theo cách của chồng tôi đó, coi lại không bổ ích chi cho tôi hết, bởi vậy tôi không màng.

- Có chồng như vậy chị chưa vừa lòng sao chớ! Tôi tưởng đờn bà có chồng không hưởng cái hạnh phúc gì lớn cho bằng cái hạnh phúc được chồng yêu. Chị đã được chồng yêu chị còn mong việc gì nữa? tôi biết ảnh yêu chị lắm.

- Sao chị dám chắc?

- Hôm nọ ngồi đàm luận với tôi, ảnh có tỏ bày việc nhà cho tôi nghe, bởi vậy tôi mới biết ảnh thương chị. Anh nói hễ ảnh thấy chị đi chơi thì ảnh buồn mà lại lo lắm, ngặt vì chị có tánh ham vui, lại đời nầy phải để cho đờn bà hưởng tự do trong việc giao thiệp, bởi vậy ảnh không nỡ ngăn cản và bắt chị phải ở nhà. Nếu ảnh không thương thì có bao giờ ảnh lo xa như vậy.

- Tôi muốn đi đâu thì tôi đi, ngăn cản sao được. Cha mẹ tôi gả tôi lấy chồng, chớ có phải bán mọi đâu, mà cầm tù tôi.

- Mà chị đi chơi, ảnh có lần nào rầy rà hay không?

- Không. Rầy sao được?

- Xin chị hãy xét lại mà thương ảnh. Chị đi chơi, ảnh đau đớn hết sức mà không dám hở môi, bao nhiêu đó cũng thấy ảnh trọng chị nhiều lắm.

- Tôi đã nói cách trọng như vậy tôi không cần. Họ trọng mình mà tối ngày bắt mình tối ngày phải ở nhà, giữ con, nấu cơm, nấu nước cũng như đầy tớ vậy, trọng như vậy thì tôi xin nhường cho người nào có cái óc nô lệ họ hưởng lấy, chớ tôi không thể hưởng được.

Cô Oanh nói dứt một câu rồi ngoe nguẩy đi lấy lược gở đầu.

Cô Lý hỏi:

- Chị tính đi đâu hay sao mà gở đầu?

-Tôi phải xuống Bến Thành mua đồ một chút.

- Thôi để tôi về đặng chị sửa soạn mà đi. Chị đi chợ mà chị đem cháu Yến theo hay không?

- Không.

- Vậy tôi xin chị cho cháu qua chơi với tôi một lát.

- Được. Chị muốn bắt luôn nó ở bển cũng được nữa.

- Chị nói chơi chớ ảnh đương chịu rời nó ra

Cô Lý kêu con Yến rồi nắm tay dắt nó về bên nhà cô.

Cô Oanh trang điểm rồi kêu xe kéo mà đi. Quá 6 giờ tối, đèn ngoài đường bật lên cháy rồi cô mới trở về, tay cô xách một gói cam Tàu.

Con Yến ngó thấy mẹ thì lật đật chạy về mà mừng. Nhưng mà cô Oanh không thèm ngó tới con, cô để gói cam trên tủ rượu, rồi đi thẳng vô buồng mà thay đồ. Một lát cổ trở ra mở gói lấy một trái cam ngồi lột vỏ. Cô thấy con Yến đứng xớ rớ thì nạt rằng: “Thấy ai ăn vật gì cũng không được ngó miệng hết thảy. Muốn ăn thì lại tủ lấy một trái mà ăn đi”.

Con Yến rón rén lấy một trái cam rồi đi vô nhà sau.

Cách một hồi, thầy Thiện về. Chị Thình dọn cơm rồi thầy mới kêu vợ con đi ăn.

Ngồi ăn cơm, cô Oanh không nói chuyện, cô ăn riết cho hết chén cơm, rồi bỏ đi ra phía trước mà nằm trên ghế xích đu.

Chừng thầy Thiện ăn rồi, thầy thấy gói cam trên tủ rượu, thầy lấy một trái mà lột và hỏi vợ:

- Ai mua cam đây?

- Ai vô đây mà mua, khéo hỏi kỳ cục dữ hôn.

- Gần tới tết nên có cam tốt quá. Bữa nay đã hai mươi rồi, con Yến còn học hai bữa nữa thì bãi trường. Tôi muốn năm nay mình đem con Yến về trước dưới nhà mà chơi rồi bữa ba mươi tôi sẽ về sau, chớ đợi tới tết đi luôn một lượt, xe chật chội khó lòng quá. Bữa mình về, mình nhớ mua ít kí lô cam đem về, bà già ưa ăn cam lắm.

- Tết năm nay tôi về không được. Mình có muốn cho con Yến về dưới nhà thì mình xin phép nghỉ mà dắt nó đi.

- Tại sao mình về không được?

- Tôi mắc đi Đà Lạt với chị em. Tôi hứa với người ta rồi.

- Muốn đi chơi Đà Lạt thì ngày thường ta đi, chớ tết phải về nhà cúng quảy ông bà, bỏ đi chơi như vậy sao phải.

-Năm nào cũng cúng hoài, có thấy ông bà nào về ăn đâu mà cúng. Tôi nhứt định nghỉ cúng một năm đặng đi chơi.

- Mình nói ngang vậy sao được! Theo phong hoá mới thì theo, nhưng mà sự thờ cha kính mẹ, phụng tự ông bà, mình chẳng nên bỏ. Nếu theo văn minh thì mình đá đạp bàn thờ, khinh bỉ cha mẹ, làm như vậy thì tôi không thể chịu được.

- Chịu không được thì thôi.

Nghe câu trả lời vắn tắt mà vô tình vậy, thầy Thiện giận đỏ mặt, mà thầy dằn lòng làm lãng, bỏ đi vô trong rửa tay và uống nước, không muốn nói nữa.

Cô Oanh cũng cứ nằm trên ghế xích đu.

Thầy đốt một điếu thuốc rồi ra đứng trước cửa ngó mông ra ngoài đường. Chẳng hiểu thầy suy nghĩ thế nào mà đứng một hồi lâu, thầy trở vô ngồi lên một cái ghế trước mặt vợ mà nói rằng: “Bữa nay tôi tỏ thiệt với mình, sự đau đớn của tôi về vợ con đã trễ tràng rồi, tôi hết thể chất chứa trong lòng nữa được. Vậy tôi xin mình cho tôi tỏ hết tâm sự của tôi cho mình nghe. Mình nhớ lại mà coi, vợ chồng ở với nhau sáu, bảy năm nay, tôi chẳng lo điều chi hơn là lo cho mình được sung sướng, vui vẻ. Mình muốn thì tôi muốn, mình vui thì tôi vui, mình buồn thì tôi buồn, bởi vậy mình chơi với ai thì tôi cũng không đon ren[1], mình muốn đi đâu tôi không ngăn cản. Tôi ở với mình như vậy là vì cái tình tôi thương mình nó đầy đủ quá, không còn chỗ nào trống mà chen sự nghi ngại vô được. Mà nghi ngại nỗi gì? Tôi thương mình, tôi trọng mình quá; lại vợ chồng ở với nhau có một mặt con, có lý nào mình không thương tôi hay sao mà nghi ngại. Ngặt vì những lúc sau nầy, tôi thấy cử chỉ của mình đối với chồng con không phải như hồi trước nữa; với tôi thì mình hờ hững, với con thì mình lợt lạt, mà mình lại thả đi chơi hoài, mỗi tuần hai, ba đêm, mà còn đi thêm tới ban ngày nữa”.

Cô Oanh day mặt chỗ khác mà đáp:

- Ừ, tôi buồn tôi đi chơi. Tôi có chối đâu. Tôi đi coi hát, đi khiêu vũ với chị em, tôi có tội gì đâu mà chối. Cha chả! Bây giờ lại sanh tật ghen nữa chớ! Người ta không ghen mình đó là may, sao lại còn trở lại ghen người ta?

- Mình nói cái gì vậy? Tôi có việc gì mà mình ghen tôi.

- Thôi, đừng có làm mặt ngay. Tôi biết hết.

- Lời mình nói có thể làm cho tôi trào máu họng được!

- Vậy chớ lời mình nói đó lại không làm cho tôi trào máu họng được hay sao?

- Tôi nói chuyện phải quấy cho mình nghe chớ tôi có ghen đâu. Không, tôi không có cái thói xấu xa đó đâu. Nếu tôi có thói ghen thì thuở nay mình đi đâu thì tôi theo đó, tôi đâu để mình đi chơi thong thả như vậy.

- Tôi là người ta, chớ đâu phải trâu bò gì hay sao, nên phải có người chăn.

- Xin mình đừng cãi, đễ tôi nói hết ý cho mình nghe. Lúc sau nầy mình đi chơi nhiều quá, tôi lấy làm buồn mà lại lo sợ nữa. Hôm nay, tôi muốn khuyên dứt mình, phải giảm bớt một chút. Tôi mà nói ra tôi sợ mình buồn, nên tôi không nỡ nói. Hồi nãy tôi mới bắt đầu nói chuyện với mình mà mình đáp lại một câu vô tình, bất nghĩa thái thậm, tôi đau đớn lung lắm, dằn nữa không được, nên tôi phải nói ra đây. Tôi xin mình, nếu có lòng thương chồng con, thì từ rày sắp lên, mình bớt đi chơi, nhứt là đi ban đêm một mình, bởi vì mình đi chơi thì tôi buồn lung lắm vậy. Dầu mình không sợ tiếng thiên hạ đàm tiếu đi nữa, mà tôi buồn rầu đây mình cũng không kể hay sao”.

Cô Oanh vụt đứng dậy mà hỏi:

- Ai đàm tiếu? Tôi buồn nên tôi đi chơi, mà con nào dám dị nghị đó? Mình nói tên nó cho tôi biết đặng tôi trả lời với nó.

- Tôi ví dụ cho mình nghe, chớ tôi có biết ai đàm tiếu đâu mà nói.

- Tôi hiểu hết. Bây giờ mình có quân sư bày mưu, bày kế đặng làm nhục tôi mà!

- Mình đừng nói điên. Vợ chồng phân trần hư thiệt với nhau, nếu mình tính kéo câu chuyện cho lạc đề như vậy, tôi còn nói chuyện gì nữa được.

- Tôi đã điên đâu. Tôi khôn lắm chớ. Thà là tôi bạc người ta, chớ chẳng bao giờ tôi chịu để ai bạc tôi đâu mà mong.

- Tôi khuyên mình đừng có nóng giận mà nói ra những tiếng bất nghĩa, nó làm cho vết thương ở trong lòng tôi, rồi khó điều trị cho lành lại được.

- Oái! Tôi không cần sự gì nữa hết. Vợ chồng vui thì ở với nhau, còn nếu buồn thì mỗi người một ngả.

- Mình có biết mỗi lời mình nói đó là một mũi dùi nhọn đâm vào trái tim tôi hay không?

- Đâm vào đâu cũng được. Oái! Thà là dứt phức một lần cho rồi, để gai mắt nhiều, ngày càng thêm khổ. Muốn làm nhọc lòng tôi, thôi thì tôi đi, tôi để nhà đó rước họ về mà ở.

- Rước ai?

- Muốn rước ai tự ý.

- Còn mình đi đâu?

- Tôi đi đâu mặc kệ tôi, tôi không cần hỏi làm chi.

Cô Oanh ngoe nguẩy bỏ đi vào buồng, mở tủ lấy quần áo sắp vô một va - ly lớn.

Thầy Thiện lắc đầu rồi bước lại bàn viết mà ngồi. Con Yến đang nằm trên ghế canapé gần đó. Ngoài đường có gánh chè đậu đi ngang rao tiếng lảnh lót, lại có mấy chú xa phu gây lộn, mắng chưởi om sòm mà thầy Thiện vẫn ngồi trơ, mắt ngó vô vách, không nói chi hết, còn con Yến cũng nằm im lìm dường như ngủ mê.

Cách một hồi lâu, chị Thình vác cái va - ly đi ra cửa; cô Oanh y phục đàng hoàng, xăng xái đi theo sau.

Thầy Thiện kêu vợ mà hỏi: “Mình, thiệt mình đành bỏ tôi với con Yến mà đi hay sao?”

Cô Oanh day lại mà đáp: “ không có mình đầu gì nữa hết. Tôi với thầy hết duyên hết nợ rồi. Thôi, thầy cứ kiếm vợ khác, đặng nó làm tôi mọi cho mà nhờ. Tôi cũng giao con Yến cho mà nuôi, tôi không thèm giành đâu”

Cô nói dứt lời rồi kêu xe kéo lại, biểu chị Thình để va - ly lên trước, rồi cô mới bước lên xe.

Con Yến chạy ra cửa vừa khóc vừa kêu: “Má, má”. Nghe rất thảm thiết, mà cô Oanh không thèm ngó lại, biểu xa phu kéo xe đi cho mau.

Thầy Thiện bước ra nắm tay con mà dắt vô nhà, nước mắt chảy dầm dề.

VI.

Ngoài vùng châu thành Bà Chiểu, tại ngả ba đường Quản Tám, đụng đường Cây Quéo, gần nhà ga xe điện Xóm Gà, có một đường làng trải đá đỏ nối với đường Quản Tám mà đi qua miệt Xóm Thơm. Đi vô đường ấy chừng ít trăm thước, thấy phía tay trái có một miếng đất trống, rộng lớn trên vài trăm mẫu Tây, rồi kế đó lại có một sở vườn, chung quanh tre trồng bịt bùng, ở đó có những xoài, mít, nhãn, mãng cầu trồng riêng từng liếp; chính giữa vườn có cái nhà gạch cất theo kiểu nhà bánh ích, rộng rãi, cao ráo, day cửa ra miếng đất trống mới nói đó. Muốn vô nhà thì đi theo đường xe, bắt đầu tại đường làng chạy dài theo hàng tre, rồi quanh qua tay mặt mà vô sân, vì trong vườn cây trồng giáp hết, nên chung quanh nhà không trồng bông hoa, rau cải thứ gì được nữa. Đi dài theo hai bên đường vô sân, người ta trồng rau dừa với nở ngày trổ bông trắng đỏ để ra vô xem cho vui mắt.

Nhà và vườn nầy hồi trước thuộc một người An Nam sáng lập, nhưng vì mắc nợ ngân hàng mà trả không nổi, nên cách một năm trước đây bị chủ nợ biên tịch rồi thi hành phát mãi lấy trừ nợ. Ông Hội đồng Đàng đi dạo chơi, dòm thấy chỗ thanh tịnh mà lại sạch sẽ, đáng tổ chức cảnh bồng lai giả để lúc rảnh rang đến say sưa cùng tiên nữ kim thời, nên ông hỏi mướn rồi để cho cô Oanh ở đó đã mấy tháng rồi.

Một bữa thứ bảy, lối 7 giờ tối, mặt trăng đã lên khỏi ngọn tre nên dọi vô sân sáng lòe. Đã vậy mà trong nhà đèn đốt cùng hết, cửa lớn, cửa nhỏ đều mở bét, nên ánh đèn hiệp với ánh trăng mà soi từ trong ra ngoài sáng sủa như ban ngày. Có bốn, năm người mặc quần áo trắng, mang giày Tây trắng, chạy lăng xăng, người thì đương đặt một cái bàn ngoài sân rồi sắp ghế chung quanh, đếm ra có chừng vài chục cái, kẻ thì lo dọn cho trống cái phòng phía trước trong nhà, không còn để lại vật chi hết, duy góc bên mặt có một bộ ván mà thôi.

Có một chiếc xe hơi chạy vô ngừng trước sân, rồi (chỗ nầy thiếu) trạc chừng 40 tuổi, mặc đồ Tây trắng coi rất sắc sảo, cổ thắt nơ[1] đen, chơn mang giày da láng, trên xe bước xuống kêu bồi om sòm. Hai người bồi đương sắp ly trên bàn, nghe kêu thì lật đật chạy lại. Người mới tới bèn hỏi: “Mấy anh em dọn dẹp đã xong rồi hay chưa?”. Hai người bồi nói trong ngoài đã dọn dẹp xong rồi, y như lời dặn hồi trưa. Người ấy gật đầu mà nói nữa: “Để tôi coi lại. Mấy anh em coi khiêng đồ trên xe mà đem vô nhà đi, đem vô đây tôi chỉ chỗ cho mà để”

Người ấy đi vòng coi cái bàn ngoài sân, rồi bước lên thềm mà vô nhà. Qua khỏi cửa, người ấy đứng lại ngắm cái phòng dọn trống phía trước, miệng chúm chím cười rồi đi thẳng vô trong. Cách một lát người ấy trở ra hỏi anh bồi:

- Bà đi đâu vắng?

- Bẩm, bà ở trong phòng bên nầy đây, chắc bà mắc thay đồ sửa soạn đặng tiếp khách.

- Còn sớm mà, mới bảy giờ.

Cô Oanh mở cửa một căn phòng phía trong mà bước ra. Cô mặc một bộ đồ hàng màu bông hường dợt, hàng thiệt tốt mà may theo kiểu kim thời cũng thiệt khéo, cô mang một đôi giày cao gót đóng bằng da cũng màu ấy, cô hớt tóc cụt lại uốn quăn phía sau ót, cô đeo một đôi bông tai nhận hột xoàn trộng trộng, tay trái cũng có đeo một chiếc vàng nhận xoàn, nhờ trang sức ấy nên sắc cô coi càng thêm đẹp hơn hồi trước bội phần.

Cô vừa thấy người khách thì chúm chím cười rất hữu duyên và hỏi: “Thầy Bảy, ổng cậy thầy mua dùm đồ ăn, đồ uống gì lăng xăng đó, mà sao bây giờ chưa có vật gì hết vậy?”

Thầy Bảy nầy, tuy nói với ai cũng xưng anh em, song kỳ thiệt là kẻ thủ hạ của Hội đồng Đàng, theo bợ đỡ đặng có chút thân thế mà làm ăn cho dễ. Thầy cúi đầu chào cô Oanh và đáp: “Tôi xin chào bà. Thưa, công việc ông lớn dặn, tôi đã làm xong rồi hết. Tôi mua rượu, đặt quây hai cái đùi trườu, tôi mua thịt nguội, bơ lạt, cải sà lách, trái cây, bánh mì, cà phê, vật gì cũng có đủ hết. Nước đá, tôi cũng có mua tới hai cây. Tôi chở ra một xe kìa, để bồi nó khiêng vô cho bà coi, như bà muốn mua thêm vật gì nữa thì tôi sẽ chạy đi mua cho”.

Cô Oanh gật đầu và hỏi nữa:

- Ông dặn phải kiếm một mâm hút, để khách dùng á phiện chơi, thầy có nhớ hay không?

- Thưa, cũng có trên xe nữa. Tôi có mua một hộp thuốc lớn, mặc sức cho khách hút.

- Được lắm. Cái phòng trước nầy dọn trống để khiêu vũ. Chắc là bộ ván bên nây để cho khách nằm hút á phiện phải hôn? Cha chả, bên nầy khiêu vũ, còn bên kia nằm hút khó coi quá.

- Thưa không. Để rồi tôi biểu bồi dọn bộ ván phía trong kia cho khách nằm hút, chớ nằm ngoài nầy mà hút, còn nhảy đầm một bên đó coi sao được. Theo ý ông lớn thì bộ ván ngoài nầy để cho mấy thầy đờn với mấy cô đào ca hát họ ngồi, rồi lúc nào nghỉ nhảy đầm thì họ đờn ca và hát bộ cho mình nghe chơi.

- Ờ, có vậy thì được, còn khuya ăn đồ nguội thì dọn cái bàn ngoài sân đó, phải hôn?

- Thưa, phải.

- Cha chả! Ở nhà chỉ có vài chục cái ghế, mà ổng mời nhiều quá đây rồi chỗ đâu đủ khách ngồi hỏng biết.

- Thưa, ông lớn nói mời cũng vài chục người chớ không có đông đâu. Mà dầu khách có đến đông đi nữa, thì kẻ ngồi người đứng hoặc đi vô đi ra chơi chớ không lẽ ngồi một lượt. Rồi đây kẻ nằm hút, người nhảy đầm, chớ không ngồi đâu. Chừng ăn khuya, nếu thiếu ghế thì đứng mà ăn cũng được; vui chơi, chớ phải đâu đám tiệc gì mà bà lo.

-Tôi cậy thầy coi sắp đặt giùm, đừng có để người ta cười vợ chồng tôi đãi khách lôi thôi.

- Xin bà để mặc tôi. Bà với ông lớn cứ lo tiếp khách, còn việc đãi đằng để tôi coi sóc hết thảy cho.

- Sao ổng không vô sớm mà lo với tôi, ổng đi đâu mất rồi không biết.

- Bữa nay ông lớn mắc hứa lỡ phải ăn cơm với quan phủ Tư ngoài Sài Gòn. Ông lớn nói bề nào trước chín giờ ông lớn với quan Phủ cũng vô tới. Mời khách chín giờ, nên không trễ đâu mà bàn lo.

Bồi khiêng mấy thùng rượu và đồ ăn ra thẳng ra phía sau. Cô Oanh với thầy Bảy đi theo mà biểu sắp dọn có thứ tự, đặng chừng dùng thứ nào thì lấy mà đãi cho mau lẹ.

Sắp đặt mọi việc xong rồi thì mới tám giờ, khách chưa tới. Hai người bèn ra sân kéo ghế mà ngồi.

Cô Oanh kêu bồi bưng mâm thuốc điếu đem ra. Cô mở hộp thuốc Ăng - lê mời thầy Bảy, cô cũng lấy một điếu đốt lấy phì phà và nói:

- Ông bày đặt mời khách làm rộn ràng quá!

- Ông lớn sợ bà lớn buồn, nên mới bày làm tiệc cho bà vui. Ông lớn có nói với tôi, từ rày sắp lên, hễ tối thứ bảy thì ông lớn mời khách vô đây, hoặc ăn cơm tối, hoặc nhảy đầm chơi cho vui.

- Làm thường thì phải tốn hao nhiều lắm.

- Ông lớn thiếu gì tiền bạc mà bà lo, sao bà không nói với ông lớn mua một cái xe hơi mới để trong nầy cho bà đi?

- Ổng có để cho tôi cái xe hơi nhỏ đặng bữa nào tôi muốn đi Sài Gòn mua đồ, hoặc đi thăm chị em chút đỉnh thì tôi đi. Còn như đi chơi, hoặc đi đâu xa, thì ổng đem xe lớn của ổng rước tôi, nên không cần phải mua xe nữa làm chi.

- Chiếc xe để trong nầy đó nhỏ mà lại cũ quá, bà đừng thèm đi; nếu đòi mua xe mới, chắc ông lớn mua cho bà liền. Tôi biết ông lớn cưng bà lắm, bà muốn đòi vật gì cũng được hết.

- Sao thầy biết chắc ổng cưng tôi?

- Tôi là anh em thân thiết hạng nhứt của ông lớn, sao tôi lại không biết. Anh em gặp nhau mỗi ngày, không có việc gì mà ông lớn không tỏ với tôi. Ông lớn thường nói thuở nay ông lớn chưa yêu một người nào bằng yêu bà.

- Lời thầy nói đó tôi không thể tin được.

- Tôi bày chuyện nói dối có ích gì cho tôi đâu, mà bà nghi tôi.

- Thầy nói ông lớn của thầy yêu tôi, sao tôi muốn có một việc mà mấy tháng nay ông lớn của thầy không chịu làm?

- Bà muốn việc chi?

- Tôi muốn ổng đem tôi về nhà lớn mà ở với ổng. Mà hễ tôi nói, thì ông cứ đáp để thủng thẳng rồi ông sẽ tính, song đã mấy tháng rồi, ông không tính gì hết.

- Tôi hiểu tại cớ nào mà ông chưa tính việc đó được. Ông lớn có bà cụ trong nhà lại có cô Hai với cậu Ba nữa. Ông lớn là người chí hiếu, thuở nay chẳng hề dám làm một việc gì trái ý bà cụ. Ông lớn làm bạn với bà, chắc là chưa dám thưa cho bà cụ hay, nên chưa dám tính rước bà về ở chung chớ gì.

- Nếu thiệt ổng thương tôi, thì ổng phải tính việc nầy cho vuông tròn, chớ ổng mướn nhà cho tôi ở rồi ổng tới lui mà chơi như vầy, thì coi kỳ cục quá.

- Làm lớn có cái phẩm giá cao, nên khó lắm. Tôi chắc ông lớn để bà ở như vậy, ông lớn cũng buồn lắm vậy. Nếu ông chưa tính rước bà về ở chung được, thì có lẽ tại có việc gì đó ngăn trở, chớ không phải ý ông lớn muốn như vậy đâu.

- Tôi sợ ổng chơi ngày chơi bữa rồi ổng bỏ tôi chớ.

- Không lẽ như vậy. Ông lớn kết bạn với bà, những người tai mắt đất nầy ai cũng biết hết. Nếu ông lớn bạc tình thì người ta cười chịu sao nổi. Bà nghĩ lại mà coi, mấy tháng nay ông lớn đi đám tiệc nào cũng có bà hết. Ai cũng biết bà là bạn trăm năm của ông lớn, thế thì làm sao mà bỏ bà cho được.

- Thiệt như vậy, anh em quen với ổng, ai cũng biết tôi là vợ ổng.

- Có ai mà không biết. Xin bà bền chí, đừng buồn chi hết.

Hai người nói chuyện mới tới đó thì có một chiếc xe hơi chạy vô sân. Thầy Bảy tưởng khách đến nên lật đật bước ra phía trước, té ra mấy cô đào ca hát với mấy người đờn. Thầy dắt lại trình diện với cô Oanh rồi mời vô ván mà ngồi.

Mấy người đờn mở đờn ra, rồi đờn thử mà so dây. Thầy Bảy thấy cô Oanh bước vô bèn nói: “Tôi coi nội đây có cô Tám ca muồi hơn hết. Đâu cô ca khai mạc một bài cho bà lớn nghe thử coi nào”.

Cô Tám cười mà đáp: “Thầy Bảy thương em nên thầy nói như vậy, chớ em ca có muồi gì hơn mấy chị đây. Tuy vậy mà em mới được dịp may tới nhà bà lớn, nên em phải ráng sức ca thử một bài cho bà lớn nghe. Mấy anh lên dây đờn đi, đặng em ca bài Văn Thiên Tường mà ra mắt bà lớn”.

Cô Oanh nghe người ta kêu mình là “Bà Lớn” thì cô hớn hở trong lòng, chúm chím miệng cười và biểu bồi nhắc một cái ghế đem lại cho cô ngồi. Đờn hay mà ca cũng thiệt hay, bởi vậy mà cô mê mẩn tâm thần, cứ ngồi im lìm, đến nỗi xe của vợ chồng cô Tuyết vô sân mà không hay, chừng cô Tuyết bước lên thềm, cô mới ngó thấy, cô lật đật chạy ra tiếp, chào.

Cô Tuyết ngó quanh quất, chỉ thấy có một mình thầy Bảy thì hỏi:

- Chưa có khách tới hay sao? Vậy mà tôi nghe đờn ca tôi tưởng khách đã tới đông rồi chớ. Té ra chị biểu đờn ca cho chị với thầy Bảy nghe chơi!

- Phải. Chưa ai hết. Mà ổng cũng chưa vô nữa.

- Ủa! Khách tới mà ông chủ nhà bỏ đi mất, vậy sao được.

Thầy Bảy tiếp: “Bữa nay ông lớn mắc ăn cơm với quan Phủ Tư ngoài Sài Gòn. Có lẽ bây giờ ông lớn vô cũng gần tới. Xin mời hai ông bà bước ra ngồi ngoài sân cho mát”.

Mấy người đồng trở ra sân . Đờn ca hết bản nên cũng dứt.

Rải rác, khách tới lần lần, ông Đốc tơ Lý đi một mình ông trạng sư Khai đi với cô giáo Hi, ông Huyện Bình đi với hai cô lạ.

Cô Oanh với thầy Bảy tiếp rước mọi người vui vẻ; đờn ông với đờn bà nắm tay chào nhau rất thân mật, rồi cặp tay nhau đi nói chuyện, hoặc ngồi gần nhau cười giỡn om sòm.

 Xe của ông Hội đồng Đàng vô tới, ông bước xuống với quan Phủ Tư và cô ba Cécile là một hoa khôi ở Sài Gòn về nhan sắc và về khiêu vũ. Ông bắt tay chào khách và nói lăng xăng: “Tôi lật đật hết sức mà cũng vô trễ một chút. Tôi xin mấy bà, mấy ông tha lỗi”.

Ông lại hỏi thầy Bảy:

- Toa mua đồ đủ hết hay không?

- Đủ hết.

- Còn mấy cô đào ca hát vô tới chưa?

- Đã tới lâu rồi.

- Tốt lắm. Thôi toa biểu đờn ca lên đi, đặng nghe chơi còn bồi đem rượu ra đây đặng mấy bà mấy ông uống cho ngà ngà rồi khiêu vũ mới muồi.

Bồi bưng ly ra sắp rồi bỏ nước đá. Khách lựa rượu, ai thích thứ nào thì biểu rót thứ nấy, nói nói cười cười vui vẻ vô cùng.

Trong nhà tiếng đờn ca lảnh lót, làm cho bầu không khí đã vui lại càng thêm vui nữa.

Quan Phủ Tư dắt cô ba Cécile vô nhà nghe ca. Mấy người kia cũng bắt chước đi theo.

Cô Oanh thấy ông Hội đồng đứng riêng một mình thì bước lại hỏi nhỏ nhỏ:

- Mình rước cô Cécile làm chi?

- Người tình của quan Phủ nên ngài dắt theo đó đa.

- Chớ không phải của riêng mình hay sao?

- Của ngài chớ. Nãy giờ cứ đeo theo ngài đó, không thấy hay sao.

Ca dứt bản, ai nấy đều khen nên vỗ tay tiếng nghe lốp bốp.

Ông Đốc tơ Tý bước lại cặp tay cô Oanh mà dắt đi và nói: “Bà ở nhà phía ngoài thì rộng rãi, còn phía trong thì đẹp đẽ quá. Bà có vui lòng dắt tôi đi xem một chút hay không?.

Cô Oanh cười rồi dắt ông Đốc tơ đi vô trong. Ông thấy mâm hút đèn đốt sẵn sàng thì ông cười mà nói:

- Ồ! Có tới thứ nầy nữa thì cuộc chơi hoàn toàn rồi! Tôi muốn hút ít điếu, không biết có ai làm thuốc hay không?

- Để em ra hỏi. Xin quan lớn ngồi đó.

Ông Đốc tơ nằm giữa gần mâm hút. Cô Oanh đi ra ngoài một chút rồi cô dắt cô Tám ca vô mà nói: “Cô Tám làm thuốc khéo, xin cô làm ơn làm giùm cho quan lớn hút chơi”.

Cô Tám leo lên ván ngồi làm thuốc.

Khách tới thêm nữa. Thầy Bảy vặn máy đờn lên. Khách bắt cặp với nhau mà nhảy theo nhịp.

Cuộc khiêu vũ dây dưa trót một giờ đồng hồ, ai nấy mệt mỏi rồi mới chịu nghỉ mà uống rượu.

Cô Ba, là một cô đào hát bộ có danh, muốn làm vui cho khách, nên cất tiếng hát một lớp Điêu Thuyền Thán Oán. Ông Huyện Bình không hiểu điệu nghệ về hát bộ, nhưng mà ông nghe nhiều người khen cô Ba hát hay, thì ông vỗ tay khen theo, khen nhiều hơn mấy người khác. Cô Tám tiếp mà ca một bản Giang Nam, được ông Đốc tư Tý thưởng 5 đồng bạc.

Ca hát nghe đã thèm rồi thì mở máy đờn Tây mà khiêu vũ nữa.

Chủ khách vui chơi ai cũng mê mẩn, người thì cặp với mấy cô mà nhảy hoài, kẻ thì nằm ghì tại mâm hút mà đàm luận với cô Tám làm thuốc, người thì dắt một cô đi thơ thẩn dưới hàng xoài mà tỏ ý bày tình, kẻ thì không rời ly rượu trong tay, cười nói om sòm không ái ngại gì hết.

Đến 2 giờ khuya, bồi dọn đồ nguội để sẵn, ông Hội đồng Đàng mời khách nhập tiệc. Quan Phủ Tư bắt cặp với cô Cécile, ông Đốc tơ cặp với cô Tám, khách đờn ông mỗi người đều có một cô, ráp lại đứng ăn, trửng giỡn diễu cợt, không ái ngại, sụt sè chi hết.

Tiệc mãn rồi, có ít cặp còn khiêu vũ nữa. Ông Đốc tơ Tý nói mệt xin về trước, lại mời cô Tám đi với ông đặng ông đưa tới nhà. Quan Phủ Tư cũng dắt cô Cécile về, ngài lại rước cô Ba hát bộ đi xe với ngài.

Gần 4 giờ, khách về hết, ông Hội đồng Đàng, ôm mặt cô Oanh mà hun và hỏi: “Em có vui hay không?”. Cô cười và nắm tay ông dắt vô phòng ngủ và nói: “Gần sáng rồi. Thôi đi thay đồ đặng nghỉ một chút. Em buồn ngủ quá”.

VII.

Một buổi chiều lối năm giờ rưởi, cô Lý đứng trước một gian hàng bán trái cây tại Chợ Cũ, lựa bom và xá lị mà mua. Chệc cân và gói trái cây cho cô. Cô liền mở bóp lấy tiền trả, bỗng thấy một chiếc xe hơi lớn ngừng gần đó, rồi cô Oanh và cô Tuyết trên xe bước xuống, cô nào y phục cũng may theo kiểu tối tân, mà nhứt là cô Oanh trang điểm hẳn hoi tóc cụt và uốn quăn, nên tướng mạo coi thiệt là đẹp, song cái đẹp ấy có vẻ nhơn tạo, chớ không có vẻ tự nhiên như hồi trước.

Cô Lý sợ cô Oanh gặp mình rồi ái ngại, bởi vậy cô không dám ngó cô nọ, cứ kiếm chuyện nói với người chệc bán trái cây. Chẳng dè cô Oanh đi ngang qua ngó thấy cô Lý thì đứng lại, rồi vỗ vai cô Lý mà hỏi: “Chị Lý, chị mạnh giỏi hả?”

Cô Lý day lại ngó hai cô nọ mà cười và đáp: “Tôi chào hai chị. Cám ơn, tôi mạnh giỏi luôn luôn. Hai chị đi đâu đây?”

Cô Oanh cũng cười và nói:

- Trời mát, nên thả đi chơi, chớ biết đi đâu mà nói. Chị mua trái cây phải không?

- Phải. Tôi mua ít trái xá lỵ.

- Sao chị không qua nhà hàng Tây bên Catinat mà mua. Bên nầy, chệc bán đồ nầy ngon lành gì.

- Tôi mua bậy ít trái, không cần gì phải ngon cho lắm. Mua đồ bên Catinat mắc quá.

- Oái! Ăn ngon thì thôi, mắc rẻ chút đỉnh mà hại gì. Chị mua rồi chưa?

- Mua rồi.

- Vậy tôi mời chị lên xe hơi chạy một vòng vô Chợ Lớn chơi với hai chị em tôi.

- Cám ơn chị. Tôi mắc việc không thể đi chơi được.

- Việc gì? Chị còn dạy học hay không?

- Còn.

Cô Tuyết bây giờ mới nói: “Chị Lý là bực giáo sư, mắc lo giữ luân lý đặng làm gương cho sắp nhỏ, chị đương chịu đi chơi như tụi mình”.

Cô Lý đáp: “Xin lỗi chị, không phải vậy. Đi chơi là một việc cần ích cho sự sống của người làm việc về trí não. Đi chơi chánh đáng thì có hại cho luân lý chỗ nào đâu mà tôi không chịu đi chơi. Tôi từ là vì tôi bận việc bữa nay không thể đi được chớ.

Cô Oanh nói: “Thôi, chị mắc việc thì hai chị em tôi đi”.

Cô Lý thấy cô Oanh nãy giờ không thèm hỏi thăm tới chồng con thì cô lấy làm buồn. Bây giờ nghe cô Oanh tính đi, cô muốn gợi thử lòng cô nọ, nên cô nói:

- Nầy, chị Oanh, con Yến học giỏi quá đa chị. Học chưa đầy một năm mà nó đọc sách giòn giã, viết lẹ làng lắm.

- Vậy hả?

- Chị nhớ nó hay không?

Cô Oanh châu mày, đứng dụ dự một chút rồi mới đáp.

- Có khi cũng nhớ vậy chớ.

- Tội nghiệp con nhỏ quá. Nó nhớ chị nên coi nó ốm nhiều.

Cô Oanh cúi mặt ngó xuống đất, không nói nữa.

Cô Lý biết cô đã động lòng nên nói tiếp: “Có vậy mới biết con thương mẹ hơn mọi người hết. Ấy là tại tánh tự nhiên trời khiến như vậy. Như con Yến đó, nó đương chạy chơi mà hễ nghe ai nhắc tới má nó thì nó buồn hiu, rưng rưng nước mắt, rồi kiếm chỗ mà ngồi. Thiệt tôi thấy thương quá”.

Cô Oanh đứng lặng thinh.

Cô Lý nói nữa: “Bữa nào chị về thăm nó một chút. Chị về chắc nó mừng lắm”.

Cô Oanh suy nghĩ rồi lắc đầu mà đáp:

- Tôi nhà về đó nữa sao được.

- Sao lại không được?

- Rủi gặp thầy rồi làm sao! Mà dầu không gặp đi nữa, con Yến hoặc trẻ ở trong nhà nó học lại với thầy thì kỳ cục cho tôi quá.

- Có gì đâu mà kỳ cục. Tôi biết ảnh còn thương chị lung lắm. Tôi chắc hễ chị về, chị nói một tiếng xin lỗi với ảnh, thì việc gì ảnh cũng quên hết.

Cô Oanh suy nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Không được. Tôi đã nói dứt với thầy rồi.

- Giận nên nói vậy chớ dứt giống gì.

- Tôi nói với thầy đã hết duyên hết nợ rồi. Tôi có biểu thầy kiếm vợ khác mà làm ăn. Bây giờ tôi còn về đó nữa làm chi.

- Ảnh còn thương chị lung lắm. Tôi chắc chẳng bao giờ ảnh chịu cưới vợ khác đâu.

- Thầy còn thương tôi nhưng tôi không thể thương thầy được nữa.

- Tại sao vậy?

- Tại tôi có chồng khác rồi.

- Chị nói chơi làm chi vậy?

- Không. Tôi nói thiệt chớ. Tôi có chồng khác, ai cũng biết hết thảy. Có lẽ thầy cũng biết rồi nữa chớ.

- Tôi không nghe ảnh nói.

- Có lẽ nào ảnh không nói với chị.

- Thiệt tôi không nghe ai nói sự ấy hết.

- Nếu chị chưa hay bữa nay tôi nói đó cho chị hay. Xin chị làm ơn nói cho thầy biết, để thầy hết trông chờ tôi trở về nữa.

- Việc chị cậy đó là một việc khó làm hết sức, bởi vì báo một cái tin buồn cho người ta hay mình có vui gì đâu.

- Tin như vậy sao chị gọi là tin buồn? Chị tưởng thầy nghe tôi có chồng khác rồi thẩy buồn hay sao?

- Xưa rày ảnh buồn lung lắm, nhưng buồn mà còn hy vọng có lẽ chị thương nhớ con Yến rồi chị trở về. Nếu nay ảnh hay tin chị có chồng khác, hy vọng trở thành thất vọng, thì buồn càng lớn bội phần.

Cô Tuyết giành với cô Oanh mà đáp với cô Lý:

- Nếu Me - Sừ Thiện có buồn, thì chị làm ơn cắt nghĩa cho thầy hiểu.

- Người ta buồn mình làm sao cắt nghĩa cho người ta hết buồn được chị?

- Sao lại không được? Chị thiệt thà quá! Chị nói cho thầy hiểu rằng trong đạo vợ chồng nếu có một người vui lòng mà thôi, còn người kia không vui chút nào hết, thì không thể làm vợ chồng được. Theo lớp ông lớp bà mình hồi trước, kết vợ chồng chỉ lo cho người chồng bằng lòng, còn người vợ là tôi mọi, dầu vui hay buồn cũng phải chịu, nên không ai thèm kể tới. Đời bây giờ nam nữ bình quyền, nếu đờn bàn cần đờn ông bảo hộ , thì đờn ông cũng cần đờn bà giúp đỡ vậy chớ. Muốn cho niềm vợ chồng được đầm ấm lâu dài thì vợ chồng phải vui lòng như nhau mới được. Me - sừ Thiện kết vợ chồng với chị Oanh thì Me - sừ Thiện vui lòng mà chị Oanh không vui, thế thì ở làm sao được. Mà hễ liệu ở không được thì dứt phức đi cho rồi, nhứt là phải dứt lúc còn xuân xanh, kiếm người khác đồng tâm hiệp ý mà chắp nối cho khỏi uổng cho cái đời của chỉ. Chị cắt nghĩa rành như vậy cho Me - sừ Thiện hiểu thì tự nhiên thẩy hết buồn.

- Ồ! Về vợ chồng, chị có cái quan niệm mới lạ quá!

- Ở đời nào, phải có tâm hồn theo đời nấy chớ sao. Cứ bo bo giữ thói xưa hoài thì trái đời quá, coi sao được.

Cô Lý lắc đầu mà cười.

Cô Oanh vỗ vai cô Lý mà nói:

- Chị làm ơn về cắt nghĩa như vậy cho thẩy hiểu. Chị nói cho thẩy hay, tôi có chồng khác rồi thì thẩy mừng lắm chớ không buồn đâu mà chị sợ. Tôi biết chắc như vậy nên tôi mới cậy chị.

- Tôi không dám lãnh lời chị cậy đâu. Thà là để tự nhiên cho ảnh hay.

- Tôi muốn cho chị nói cho thẩy hay kìa chớ.

- Tại sao vậy?

- Tại vậy đó. Người khác nói cho thẩy hay có lẽ thẩy buồn, chớ nếu chị nói chắc thẩy vui lắm.

- Nghe lời chị nói, tôi không hiểu chị muốn thế nào.

- Coi kìa! Tôi nói dễ hiểu quá. Tại chị thiệt thà nên chị không muốn hiểu.

- Phải, tôi là người thiệt thà. Mà vì thiệt thà nên ý tôi ngay thẳng, lòng tôi trong sạch, bởi vậy những lời nói quanh quẹo, tôi không hiểu nổi.

Cô Oanh cười ngất rồi kéo cô Tuyết đi và nói vói lại với cô Lý. ”Thôi, chị về mạnh giỏi. Nãy giờ tôi nói chơi, chị đừng giận tôi nghe hôn. Tôi xin gởi con Yến cho chị dạy dỗ giùm. Chị làm ơn hun nó một trăm cái giùm tôi nhé”.

Hai người dắt nhau đi coi bộ vui lòng, mãn ý lắm.

Cô Lý đứng châu mày ngó theo rồi cô lắc đầu nói lẩm bẩm một mình: “Tội nghiệp quá! Ham vui chơi, ham chưng diện đến nỗi phải đi lạc đường sái nẽo mà không biết giựt mình, chưa chịu ăn năn! Còn kể gì nữa”.

Cô vói lấy hai gói trái cây rồi bước lên xe kéo mà mắt còn ngó theo cô Oanh.

VIII.

Lúc tám giờ sớm mơi, cô oanh mặc một bộ đồ pyjama hàng màu nước biển, cổ áo, tay áo và ống quần lại viền hàng màu bông hường, mà cô nằm dã dượi trên divan, ngoài phòng khách, mắt lim dim, trí vơ vẩn.

Trong nhà từ trước ra sau đều vắng hoe. Cách một hồi lâu thấy dạng có một người bồi chừng 17, 18 tuổi lấp ló trước thềm, cô bèn kêu mà hỏi:

- Thằng Thặng hay đứa nào đó?

- Thưa, phải. Tôi đây.

- Về biểu một chút.

Thằng Thặng thủng thẳng đi vô. Cô Oanh cứ nằm mà hỏi:

- Chiều hôm qua mầy đem thơ vô Chợ Quán, không có ông Hội đồng ở nhà, mà rồi mầy đưa cho ai?

- Thưa, tôi đưa cho một anh bồi ở trong nhà.

- Mầy đưa thơ mà mầy có dặn chừng nào ông Hội đồng về phải trao lại cho tới tay ông hay không?

- Thưa có. Tôi hỏi ông có ở nhà hay không. Anh bồi nói ổng mới đi ra ngoài Sài Gòn. Tôi dặn phải cất lá thơ, chờ ổng về sẽ đưa cho tới tay ổng, chớ đừng có đưa cho ai.

- Không biết nó đưa lại cho ổng hay không.

- Chắc là có. Tôi dặn kỹ, có lẽ nào ảnh quên.

- Thôi, đi ra sau giặt đồ đi.

Cô Oanh ngồi dậy, bước lại đứng trước tấm kiếng lớn mà soi mặt và vuốt tóc. Cô ngấm nghía một lát rồi đi lại cái bàn viết ngồi, lấy giấy mực ra như muốn viết thơ. Mà cô vừa cầm cây viết, thì cô nghe có tiếng xe hơi quanh vô sân. Cô lật đật buông cây viết rồi đi lại đứng ngay cửa mà ngó coi xe của ai.

Cô đương trông ông Hội đồng Đàng, mà lại thấy thầy Bảy. Thầy Bảy xuống xe, ngó thấy dạng cô Oanh cười cười và phăng phăng đi vô nhà và nói: “Xưa rày, tôi lâu vô trong nầy quá...Cô mạnh giỏi hả cô Hai?”.

Cô châu mày, không chịu trả lời, đợi thầy vô nhà rồi cô mới nói:

- Mời thầy ngồi. Thầy đi đâu vô tới trong nầy?

- Lâu quá không gặp cô. Bữa nay rảnh, nên chạy vô thăm cô một chút.

- Tại thầy lâu gặp tôi rồi thầy quên, nên thầy kêu tôi bằng cô Hai chớ không kêu bằng bà nữa phải không?

Thầy Bảy ngồi một cái ghế phía trong, rồi đưa tay chỉ cái ghế khác để ngang đó, tỏ ý mời cô Oanh ngồi. Cô Oanh ngồi rồi, thầy mới nói nhỏ nhỏ:

- Trước mặt thiên hạ, tôi muốn nưng cô lên cao, nên tôi kêu bằng bà nghe cho rôm, đặng họ bắt chước. Bây giờ có hai anh em mình mà thôi, cô đáng em út thôi, cô buộc tôi cũng phải kêu bằng bà như thiên hạ, thì mất đức cho cô hết sức, chớ có ích gì. Cô hiểu hay chưa?

- Hiểu.

- Cô còn muốn tôi kêu bằng bà nữa hay thôi? Như muốn thì tôi kêu, muốn kêu bằng “bà lớn” hay là “bà bự” cũng được, kêu chơi có tốn bao gì mà sợ.

- Thôi, thầy muốn kêu bằng gì cũng được.

- Ạ! Vậy hả? Kêu bằng em được hôn?

- Thầy quỉ nầy muốn có sừng chớ.

- Quỉ sao lại có sừng?

- Thôi thì dê.

- Cô Hai nói oan cho tôi! Tôi hỏi cô vậy chớ kêu bằng em được hôn mà dê nỗi gì? Chớ chi tôi muốn kêu ”mình” thì cô nói tôi dê mới đáng.

- Xin thầy đừng có diễu cợt nữa. Bữa nay tôi buồn lắm nên tôi không muốn nói chơi.

- Trời ơi! Sao mà buồn? Người có sắc, có duyên như cô, thì không được phép buồn. Phải vui đặng làm vui thiên hạ chớ.

- Tại ông lớn của thầy làm cho tôi buồn đó!

- Ông lớn tôi làm sao mà cô buồn đó?

- Ông lớn thầy trốn mất, gần hai tuần lễ nay không léo hánh tới đây nữa. Tôi đi kiếm cùng hết mà không gặp. Tôi gởi mấy lá thơ mà cũng không thấy trả lời. Chắc là ổng chết rồi.

- Không phải. Tuần trước mới đi xuống dưới Sóc Trăng nghe nói mới về mấy bữa rày đây. Tôi biết lúc nầy ông lớn bận việc lung lắm, nên vô thăm cô không được.

- Ở ngoài Chợ Quán vô đây, xe hơi chạy gần một khắc đồng hồ chớ lâu lắc gì, mắc việc gì đến mấy bữa rày không rảnh được chừng chừng nửa giờ mà vô đây.

- Oái, không vô thì thôi, cô phiền chi cho mệt trí. Ông lớn có xa thì có ông nhỏ xin gần, cần gì cô!

- Thầy nói cái gì nghe trái tai quá vậy? Thầy là anh em thân thiết của ổng, sao thầy lại nói như thế.

- Bởi là anh em tôi mới dám nói như vậy chớ.

- Lời thầy nói tôi không hiểu nổi.

- Như cô muốn tôi nói chuyện mà cô dễ hiểu, thì xin phép cô cho phép tôi hỏi câu nầy: cô được gần gũi với ông lớn gần một năm nay, có khi nào cô tính cô sẽ kết tóc trăm năm với ông lớn hay không?

- Thầy hỏi kỳ qua! Vì ổng muốn tính việc vợ chồng nên tôi mới chịu lấy ổng chớ.

- Không, tôi không hiểu ổng. Ổng muốn hay là ổng nói thì không có ý nghĩa gì. Tôi muốn biết coi về phần cô, có khi nào cô tính làm vợ chồng với ổng hay không kia.

- Từ ngày gặp ổng, thì tôi tính như vậy luôn luôn. Bởi tôi tính vậy nên tôi mới lấy ổng chớ.

- Nếu vậy thì cô ở trong chốn làng chơi mà cô thiệt thà quá, hèn chi hồi nãy cô không hiểu câu tôi nói đó, nghĩ cũng phải. Đờn ông hễ muốn giao tình với đờn bà, thì tự nhiên phải nói dóc, phải nói chuyện lâu dài, đờn bà họ mới chịu, chớ tính chuyện chơi ngày chơi bữa thì làm sao cho được việc. Làm đờn bà mình phải dè dặt, muốn bắt lươn thì phải nắm đầu, chớ sao lại nhè đuôi mà nắm. Người tình của cô tuy có chức phận, tuy đứng vào hàng thượng lưu, song cũng là một người đờn ông như muôn ngàn người đờn ông khác, chớ nào phải thánh thần gì đó hay sao. Hồi mới gặp cô, chắc ổng cũng nói với cô, ổng tính việc trăm năm phải không?

- Phải.

- Tôi đoán giỏi hay không hử? Nếu ổng nói như vậy sao cô không buộc ổng cưới liền đi?

- Ổng nói để thủng thẳng, ổng tính việc nhà rồi ổng đem tôi về ở chung.

- Nếu ổng nói như vậy, thì sao cô không nói để thủng chừng nào ổng cưới cô rành rẽ rồi cô sẽ ăn nằm với ổng?

- Vì tôi thấy ổng thương tôi quá, nên tôi xiêu lòng.

- Cái dở của đờn bà là cái chỗ đó, nhẹ trí nên xiêu lòng luôn luôn. Có lẽ cô cũng biết, có lẽ thuở nay ông lớn mới thương một mình cô là thứ nhứt đâu. Những người ổng thương biết làm sao mà kể cho hết. Thiệt ổng thường nói với tôi, thuở nay ổng thương nhiều người, song có một mình cô, ổng thương nhiều hơn hết. Tại ổng thương nhiều, nên ổng mới gần gũi với cô trót một năm nay đó, chớ với mấy người khác thì chừng một hoặc hai tháng rồi ổng bỏ.

- Người gì mà kỳ cục vậy!

- Người đờn ông chớ người gì. Tôi nói cô thiệt thà quá mà. Ổng sang trọng như vậy, có lẽ nào ổng tính cưới cô đặng làm vợ chính thức hay sao mà cô mong? Xin cô đừng có mơ mộng như vậy mà uổng công. Tôi thấy có nhiều “ông nhỏ” tò vè theo cô hoài. Tôi khuyên cô bắt đầu lựa coi ông nào hiệp ý thì níu lần lần đi, chớ tôi thấy ông lớn bộ muốn dang xa rồi đa.

Cô Oanh ngồi lặng thinh mà nghe, song hai hàng nước mắt rưng rưng chảy.

- Thầy Bảy thấy vậy thì chúm chím cười rồi nói tiếp: “Xin cô đừng thèm buồn. Ái tình là vậy, cô lạ gì. Cô còn trẻ, cô nếm chưa đủ mùi đời, nên cô nghe tôi nói chuyện rồi buồn. Để thủng thẳng cô trọng tuổi rồi, cô thấy rõ nhân tình thế thái, tự nhiên cô không biết giận, biết buồn nữa”.

Cô Oanh châu mày, trợn mắt, ngó thầy Bảy mà đáp:

- Làm sao mà không giận cho được. Tôi có chồng có con. Ổng biểu tôi bỏ chồng bỏ con mà theo ổng, rồi bây giờ ổng bỏ tôi bơ vơ như vầy, tôi làm sao?

- Cái đó cũng tại nơi cô, chớ ổng biểu sao được.

- Phải. Tại tôi dại, nên ổng mới gạt tôi được.

- Hễ mang bịnh ái tình rồi kể gì là khôn dại. Theo ý tôi, bây giờ cô nên tỉnh trí mà lo việc tương lai, chẳng cần nhắc những chuyện quá vãng mà làm gì.

- Tôi không thèm lo gì hết. Nếu ổng bỏ tôi thì tôi sẽ trả thù cho ổng coi.

- Cô làm sao mà trả thù?

- Bây giờ tôi chưa biết, hễ ổng hại tôi thì tự nhiên tôi phải hại ổng lại.

- Tôi khuyên cô hãy định trí mà lo tính cho số phận của cô, đừng có nóng nảy rồi sanh chuyện không tốt.

- Đến nước nầy còn tốt xấu gì nữa!

- Xin cô đừng nói như vậy. Cô có sắc, mà lại thêm có duyên, tôi thấy rõ những người biết cô, ai cũng gắm ghé quyến luyến hết thẩy. Nếu thiệt ông lớn không lui tới với cô nữa, thì thiếu gì người khác họ giành nhau mà nuôi cô.

- Trời ơi! Thầy tính cho cái đời tôi bây giờ phải buôn hương bán phấn, nay người nầy, mai người khác hay sao?

- Ý tôi không phải nói như vậy. Tôi muốn nói cô là người có sắc đẹp thì không thiếu gì chồng. Nếu chồng nầy ở không phải thì bỏ, lấy chồng khác, có hại gì đâu. Ở đời nầy, mình phải có trí theo vật chất mới được. Tôi nhớ lúc ông lớn đương yêu cô, tôi có xúi cô muốn mua sắm vật gì thì cô cứ đòi riết, đừng ngại chi hết. Ấy là vì tôi thương cô, nên tôi muốn cho cô dự phòng cái ngày người ta hết yêu chuộng nữa. Cô có nghe lời tôi hay không?

- Tôi tưởng vợ chồng lâu dài, nên tôi đâu có nỡ tính việc nhỏ mọn như vậy.

- Rõ ràng cô thiệt thà quá. Cái xe hơi nhỏ còn để ngoài nầy cho cô hay không?

- Hôm trước xe hư, ổng biểu đem về trỏng đặng mướn thợ sửa. Không biết sửa rồi hay chưa mà sớp - phơ chưa đem vô.

- Cái nhà với đồ đạc đây, tôi biết ông lớn có làm giấy mướn trọn một năm để cho cô ở. Nay cũng gần mãn hạn rồi, không biết có làm giấy mướn thêm hay không... Ối, mà không hại gì. Nếu có ai nói chuyện tới nhà cửa, thì xin cô cho tôi hay, rồi tôi sẽ tính cho.

Thầy Bảy đứng dậy lấy nón, tính đi về.

Cô Oanh cũng đứng dậy mà nói: “Thầy có gặp ổng, xin thầy nói tôi trông ổng lung lắm. Dẫu ổng hết thương tôi đi nữa thì ổng cũng phải vô mà nói cho dứt, chớ đừng có trốn tránh như vậy coi kỳ lắm. Thầy làm ơn nói giùm một chút”.

Thầy Bảy liếc mắt cười mơn trớn mà nói: “Nếu ổng vô không được, chắc là tại ổng bận việc, chớ có tội gì mà trốn... Mà cô đừng buồn, đừng lo chi hết. Nếu ngài không nghĩ tới tình cô nữa, ngài không tới lui, thì có tôi đây. Tôi sẽ tính cho, không có sao đâu mà sợ”.

Cô Oanh đương buồn, không để ý đến lời nói lờ mờ có hai ý nghĩa ấy, nên cô không kháng cự, mà cũng không tỏ dấu vừa lòng. Thầy Bảy lên xe đi về rồi, cô mới lại bàn, viết một cái thơ vắn tắt có mấy hàng chữ thôi. Cô niêm lại rồi kêu thằng Thặng cầm ra Tân Định đưa cho cô Tuyết.

Cô trở vô phòng nằm dàu dàu. Đến trưa cô không ăn cơm chỉ uống một ly sữa mà thôi.

Đến 3 giờ chiều, cô Tuyết ngồi xe kéo vô thăm Oanh. Bước vô nhà, cô thấy thằng Thặng thì hỏi:

- Cô mầy đâu?

- Thưa, cô con đang nằm trong phòng.

Cô Tuyết đi thẳng vô phòng, thấy cô Oanh nằm co ro, gát tay qua trán, day mặt vô vách; thì hỏi: “Sao chừng nầy mà chị còn nằm trong phòng? Chị đau hay sao?”

Cô Oanh lồm cồm ngồi dậy, tóc tai dã dượi, thủng thẳng đáp rằng: “Không. Tôi buồn rầu quá, nên không muốn ra ngoài. Xin mời chị ra ngoài nầy ngồi nói chuyện chơi cho mát”.

Hai người dắt nhau ra phòng khách, cô Tuyết vừa đi vừa nói: “Tôi cũng tính chiều nay vô thăm chị, kế tiếp được thơ của chị đó. Chị cũng hay chuyện đó rồi hay sao, nên cho kêu tôi?”.

Cô Oanh mời cô Tuyết ngồi trên divan rồi cô ngồi một bên rồi hỏi:

- Hay chuyện gì?

- Chuyện ông Hội đồng sửa soạn cưới vợ đó.

- Cưới vợ ở đâu? Tôi không hay... Ai nói với chị như vậy?

- Thiệt chị chưa hay à?

- Thiệt chưa hay. Sao chị hay? Đâu chị nói nghe thử coi.

- Hồi sớm mơi nầy, tôi đi xuống Catinat mua đồ. Tôi gặp quan Phủ Tư, đứng nói chuyện chơi. Thình lình ổng hỏi tôi có hay vụ ông Hội đồng sửa soạn cưới vợ hay không. Tôi nói không hay. Ổng mới nói rõ đầu đuôi cho tôi nghe.

- Mà cưới ai, ở đâu chớ?

- Cưới dưới Sóc Trăng, cưới một người góa chồng. Người ấy giàu lắm, mỗi năm góp lúa ruộng tới ba bốn chục ngàn giạ, hồi trước có chồng Chệc, mà chồng đã chết hơn hai năm nay.

- Chừng nào cưới?

- Nghe nói nội tháng nầy... Thiệt chị chưa hay sao? Vậy chớ ổng tính cưới vợ, ổng không nói với chị à?

Cô Oanh lắc đầu, thở dài, rồi rưng rưng nước mắt mà đáp:

- Nếu vậy thì thầy Bảy vô hồi sớm mơi đó là ổng sai vô đặng dọn đường dọn sá cho ổng thối lui, khỏi mắc gai góc chớ gì!

- Thầy Bảy vô nói chuyện gì?

- Thầy vô làm bộ hỏi chuyện lơ là, rồi lần lần nói ông Hội đồng bận việc, sợ tới lui nữa không được. thầy khuyên tôi kiếm chồng khác, đừng có trông đợi ông Hội đồng nữa.

- Có nói ông Hội đồng sửa soạn cưới vợ hay không?

- Không.

- Đờn ông thiệt họ điếm đàmg quá! Chừng họ muốn mình thì họ nói cố mạng, rồi họ muốn bỏ, không thèm nói một tiếng. Chị coi họ sắp kế xảo hay không? Ham giàu, tính bỏ chị đặng cưới vợ, họ sai thầy Bảy vô nói hơi hám cho chị hết trông đợi, còn họ cậy người khác nói với tôi cũng như nhắn cho chị hay vậy. Thiệt họ khốn nạn quá.

Cô Oanh ngồi lặng thinh một hồi cô lau nước mắt và đứng dậy nói sẳng sớm:

- Nếu thiệt ông Hội đồng bạc tôi, thì tôi phải đâm ổng chết tôi mới vừa lòng.

- Đâm người ta thì chị ở tù. Mà chị yếu quá, đâm ai được.

- Ở tù hay đày tôi cũng chịu. Miễn là tôi trả thù cho được, tôi mới nghe.

- Thôi, nói chuyện hung dữ làm chi. Chồng nầy có bạc, thì chị kiếm chồng khác, cần gì. Chị ăn ở với ông Hội đồng gần một năm nay, vậy mà chị có vốn liếng gì hay không?

- Ổng cho tiền bao nhiêu tôi xài hết, có còn giống gì đâu.

- Tệ dữ hôn! Đồ nữ trang thì tôi thấy chị đeo có một đôi bông, một chiếc cà rá với một chiếc vàng đó, còn vật gì nữa hay không?

- Có bao nhiêu đó mà thôi, chớ có giống gì nữa đâu.

- Vậy thì phải tính kiếm chồng khác, chớ lấy gì mà ăn xài.

- Chắc là tôi phải chết. Mà trước khi chết, tôi phải làm cho lợi gan, rồi tôi mới chết.

- Tôi khuyên chị đừng nóng nảy, để thủng thẳng mà tính.

- Không nóng thì làm sao được chị. Hại tôi bỏ chồng bỏ con, rồi bây giờ ở bức quá như vậy có được đâu.

- Giận thì làm cho có lợi kìa, chớ giận thì làm hại cho mình thì bậy quá.

- Từ hồi sớm mơi tới bây giờ, tôi nằm suy nghĩ, tôi thấy cái đời của tôi tới đây đã cùng đường rồi. Chị nghĩ lại mà coi hồi trước chồng tôi trọng tôi, con tôi thương tôi mà tôi phủi hết thảy, đặng đi theo nó. Bây giờ nó bỏ tôi, thì có thể nào mà sống được!

Cô Oanh nói dứt lời rồi ngã lăn trên divan nằm khóc tức tưởi.

Cô Tuyết kiếm lời an ủi, cô viện đủ lý, cô nói đủ cách cô Oanh mới hết khóc, song trong lòng cô vẫn còn sầu não, nên sắc mặt coi không vui. Cô Tuyết muốn cô Oanh khuây lãng nên biểu cô sửa soạn đi ra nhà cô, mà tối đi coi hát. Cô Oanh từ hẳn, không chịu đi.

Đến chiều, cô Tuyết về rồi, thì cô Oanh vô phòng khép cửa lại mà nằm, không chịu ăn uống chi hết.

IX.

Năm giờ chiều tan học, cô Lý ở trong trường bước ra, thấy trời mát mẻ nên cô tính thủng thẳng đi bộ mà về nhà. Đi tới ngả tư thấy xe qua lại đập dìu, cô bèn đứng nép bên lề đường, đợi hưỡn xe rồi sẽ băng ngang. Thình lình nghe ở phía sau cô có tiếng kêu. Cô day lại thì thấy cô Oanh đương đi tới, y phục cũng sắc sảo, son phấn cũng điểm tô, song bây giờ vóc ốm, mặt thỏn, diện mạo coi buồn bực, chớ không hân hoan như trước nữa.

Chừng lại gần rồi, cô Oanh mới hỏi:

- Con Yến của tôi đâu chị?

- Nó ở nhà. Hôm nay nó đau nên không đi học.

- Đau bịnh gì? Đau nhiều hay ít?

- Ý! Bữa hổm bịnh nặng quá làm tôi hết hồn, tưởng không xong rồi chớ. Nó đau ban bạch, nằm mê man cho tới hai ba ngày. Phải rước đốc tơ coi mạch, tiêm thuốc cho nó. Bữa nay nó mới ngắc ngoải; ông đốc tơ nói hết lo rồi, nhưng mà nó cũng còn uống thuốc luôn luôn, còn cử gió lại còn yếu lắm, nên cứ nằm trong nhà hoài, chưa dám cho nó ra cửa.

Cô Oanh ứa nước mắt, cúi mặt xuống mà nói nho nhỏ “Con tôi đau như vậy mà tôi có hay đâu!... Tôi tưởng bữa nay nó cũng đi học, nên tôi đón đặng gặp nó một chút. Té ra nó không có đi học, bây giờ làm sao mà gặp mặt nó”.

Cô Lý thấy bộ cô Oanh khác hơn trước, lại nghe cô than mấy lời như vậy nữa, thì biết tâm hồn của cô đã đổi rồi, có lẽ cô đã ăn năn những việc của cô làm, bởi vậy mới hỏi rằng:

- Chị muốn gặp con Yến hay sao? Như muốn gặp thì đi về trên nhà. Đi chị, về thăm nó một chút. Chị về chắc nó mừng lắm.

- Tôi còn mặt mũi nào mà trở về đó nữa.

- Sao vậy? Nhà chị thì chị về, có sao đâu mà ngại.

- Tôi bỏ chồng, rứt con mà đi, bây giờ tôi trở về thì kỳ lắm.

- Chị sợ gặp ảnh hả? Không có gặp đâu mà ngại. Ảnh đi làm việc tới bảy giờ mấy ảnh mới về. Bây giờ mới năm giờ mà gặp giống gì. Chị lên thăm con Yến một chút đặng nó mừng hoặc may ra nó mau mạnh.

- Dầu tôi không gặp thầy đi nữa, mà sau người nhà lại nói cho thẩy hay thì kỳ cho tôi lắm.

- Việc đó có hại gì, chị hay con Yến đau, nên chị về thăm nó một chút, dầu ảnh hay thì chớ, chị đi với tôi, nếu chị không muốn cho ảnh gặp thì gần bảy giờ chị đi trước đi, như vậy thì có gặp được đâu.

Cô Oanh đứng dụ dự rồi nói: “Tôi muốn thấy mặt con tôi một lần chót. Nếu không về nhà thì làm sao thấy mặt nó được. Cha chả, mà về thì khó quá!”

Cô Lý thấy cô Oanh muốn xiêu lòng, nên theo thôi thúc riết, làm cho cô nọ không thể kháng cự nữa được, phải đi theo lên đường Paul Bert.

Lên tới nhà thầy Thiện, cô Lý thấy cửa khép kín, bèn nắm chốt mà mở, rồi đứng nép một bên và lấy tay xô cô Oanh vô. Cô Oanh về nhà mà trong lòng hồi hộp, ái ngại, dường như kẻ gian lén vô nhà lạ. Cô bước nhè nhẹ, sắc mặt tái xanh.

Con Sáu nghe cửa mở lộp cộp, thì ở trong buồng lật đật bước ra. Nó thấy cô Oanh thì la lên một tiếng “Cô”, rồi đứng trân trân, chưng hửng.

Cô Lý hỏi: “Em đâu?”. Con Sáu chỉ trong buồng rồi vặn đèn lên cho sáng. Cô Oanh đi trước, cô Lý theo sau mà vô buồng. Con Yến đắp mền nằm trên gường, nó thấy cô Oanh thì la lên một tiếng “Má” mà thôi, chớ không nói được nữa. Cô Oanh cảm xúc, không kể quấy phải, xấu tốt gì nữa, cô chạy òa lại ôm ngang mình con mà khóc và nói; “Má có tội nhiều lắm, con ôi, nhứt là có tội với con. Má còn được nghị lực mà bước vô được cái nhà nầy đây, là vì má nhớ tới sự má lìa con năm ngoái thì má ăn năn lung lắm, nên má phải về đây thấy con một lần chót và xin con chừng khôn lớn, đừng có khinh bỉ, thù oán má tội nghiệp”.

Con Yến ôm cổ cô Oanh, cứ ngó trân trân, nước mắt chảy ròng ròng, không nói một tiếng chi hết.

Cô Lý thấy tình cảnh mẹ con bận bịu như vậy thì cô động lòng, nên cô ngồi xuống cái ghế dựa cửa buồng, mà cô cũng ứa nước mắt.

Mẹ con cô Oanh ôm nhau mà ngồi khóc một hồi, rồi con Yến thỏ thẻ nói: “Từ rày sắp đi má đừng đi nữa, nghe hôn má... Má đi con nhớ má, con buồn lung lắm”.

Cô Lý tiếp mà nói: “Chị nghe cháu nó nói hay không? Tôi nói nó nhớ chị lung lắm mà”.

Cô Oanh lắc đầu ngó con và nói: “Má lén về thăm con một chút mà thôi, chớ má ở với con làm sao được”.

Con Yến ôm chặt mẹ nó và nói:

- Con không cho má đi nữa.

- Không được con ơi! Thấy mặt má mà con không gớm, không ghét, thì đã đủ cho má vui lòng, phỉ dạ nhiều rồi, má không dám mong được ở chung với con nữa.

- Sao má không chịu về ở với con?

- Vì má nhơ nhuốc lắm, má không dám ngó mặt ba con nữa; mà má nghe con kêu bằng “Má”, thì má cũng hổ thẹn quá. Con còn khờ dại, con không hiểu tâm sự của má được. Để chừng con lớn khôn rồi, con sẽ biết tại sao mà má bỏ con, rồi má không thể trở về ở với con được nữa.

Thiệt con Yến không thấu hiểu được tâm hồn của mẹ nó được, bởi vậy nghe mẹ nó nói không thể về ở với nó thì nó buồn, nên khóc nữa.

Cô Lý thấy vậy bàn với cô Oanh:

- Người có lỗi mà biết ăn năn thì có lẽ người ta biết dung thứ cho được. Tôi biết tuy chị phụ ảnh, nhưng mà ảnh vẫn thương chị luôn luôn. Tôi tưởng nếu chị đợi ảnh về, chị xin lỗi với ảnh, thì chắc ảnh sẽ bỏ hết chuyện chị đã làm, đặng vợ chồng tái hiệp, mẹ con trùng phùng.

- Thế nào như vậy được chị! Dầu ba con Yến có tha lỗi cho tôi đi nữa, tôi cũng phải tự xét mà phạt lấy tôi. Người đã phạm lỗi với gia đình, thì không phép mong hưởng hạnh phúc của gia đình nữa.

- Phải, hễ có tội thì phải ăn năn xám hối mà chuộc tội. Mà cái quan niệm về phong hoá như vậy tôi sợ e hẹp hòi, lại vị kỷ, bởi vì mình lo cho được phần mình, còn mình không kể tới người khác.

- Tôi có tội thì tôi phải lo đền tội của tôi, chớ còn lo cho ai được nữa.

Cô Lý chỉ con Yến mà nói: “Phải lo cho con Yến kia chớ. Chị quyết thí thân đặng chuộc tội cho chị, mà chị nỡ đành bỏ con chị cho nó sầu não thương nhớ hay sao?”.

Con Yến nghe hai người biện luận thì nó không hiểu chi hết, mà chừng nghe cô Lý nói tới tên nó thì nó khóc ré lên.

Cô Oanh một đàng thì hổ thẹn với chồng, một đàng thì thương yêu con, cô lấy làm bối rối, không biết liệu lẽ nào, nên cứ ngồi mà khóc.

Cô Lý thấy vậy bèn thôi thúc:

- Chị phải nghe lời tôi, chị ở đây mà đợi ảnh về rồi xin lỗi với ảnh đặng vợ chồng sum hiệp, lo mà nuôi con.

- Khó quá.

- Không có khó đâu. Tôi sẽ giúp lời năn nỉ với ảnh cho. Tôi dám chắc hễ ảnh thấy chị ăn năn thì ảnh tha thứ hết thảy.

Cô Oanh ngồi suy nghĩ một lát rồi đứng dậy mà nói: “Tôi bây giờ như người đi lạc trong rừng, lúc ban đêm, không biết đường sá ở đâu mà ra. Tôi ngó tứ hướng đều tối mò, tôi bối rối lung lắm. Chị phải để cho tôi định trí mà suy nghĩ rồi tôi mới nhứt định được. Đã gần bảy giờ rồi. Thôi, để tôi đi một chút, chừng ba con Yến về ăn cơm rồi tôi sẽ trở lại”.

Cô cúi xuống hun con Yến và nói: “Con phải để cho má đi, rồi chừng chín giờ má sẽ trở lại, nghe hôn con”.

Con Yến hỏi:

- Chắc má trở lại hay không?

- Chắc. Má sẽ trở lại năn nỉ với ba con đặng về ở mà nuôi con. Má hứa với con má chẳng thèm ra khỏi nhà nầy, má lo nấu cơm cho con ăn, lo may áo quần cho con bận.

Con Yến chúm chím cười, sắc thái hân hoan lắm. Nó nói:

- Để ba con về con nói trước cho ba con hay, đặng ba để cửa mà chờ má.

-Ý! Con đừng có nói trước, để thình lình má liệu, tiện giờ nào thì má về. Con nhớ chừng ba con về, con đừng nói lại có má về thăm con nghe hôn. Đừng nói chi hết, con hứa với má như vậy hay không?

- Má không muốn cho con nói thì thôi.

- Ừ, con đừng nói.

Cô Oanh day lại nói với cô Lý:

- Thôi, để tôi đi, nếu ở nán sợ thẩy về thẩy gặp. Chừng tám giờ rưởi, hoặc chín giờ tôi sẽ trở lại. Chị làm ơn lát nữa ăn cơm rồi chị qua bên nầy ngồi chơi mà đợi tôi, đặng chừng tôi lại chị nói giúp cho tôi được hôn.

- Được, được. Để ảnh về ăn cơm rồi thì tôi qua.

- Cám ơn chị. À, chị làm ơn dặn giùm con Sáu với chị nấu ăn phải kín miệng, lát nữa thẩy về, đừng ai nói có tôi lại đây nghe không. Đừng có nói trước cho thẩy biết làm chi.

- Được. Để rồi tôi dặn hai người đó cho.

Cô Oanh hun con một lần nữa rồi đi ra cửa, bây giờ sắc mặt coi vui vẻ hơn hồi vô nhà.

Cô Lý đi ra sau dặn con Sáu và chị Thình như lời cô đã hứa với cô Oanh, rồi mới về nhà mà ăn cơm.

Gần tám giờ rưởi, cô Lý ở bên nhà dòm qua, thấy cửa khép, nhưng mà nghe tiếng thầy Thiện nói chuyện với con ở phía trước. Cô mở cửa bước vô thì thấy con Yến nằm tại divan, thầy Thiện đương sửa soạn rót thuốc cho nó uống. Cô khép cửa lại, vì sợ gió lọt vô lạnh con Yến, nhưng mà cô khép sơ sịa có ý để chờ cô Oanh chừng lại tới thì xô mà khỏi phải kêu mở cửa.

Cô ngồi dựa bên con Yến chờ thầy Thiện rót thuốc vào ly, rồi cô đỡ nó dậy đưa thuốc cho nó uống.

Bữa nay con Yến vui vẻ, bình tỉnh hơn mấy bữa trước nhiều. Nó uống thuốc rồi, cô để nó nằm xuống, kéo mền đắp cho nó và nói với thầy thiện:

- Anh coi con Yến bữa nay nó khá hay không?

-         Phải. Bữa nay nó khá nhiều.

-         Hồi nãy, nó có ăn cơm hay không?

- Có. Nó ăn được hai phần chén. Ông đốc tơ dặn phải nhử lần lần, chớ đừng có cho ăn nhiều, bởi vậy tôi không dám ép nó ăn thêm.

- Ừ, ăn cơm nhiều nó nặng bụng chớ không ích gì. Nó ăn sữa bột cũng bổ rồi. Cha chả, mà anh mắc đi làm việc, không biết con Sáu ở nhà có biết khuấy sữa cho em uống hay không?

- Tôi có dạy nó. Nó khuấy được.

- Con nít mà không có mẹ, lúc nó đau thiệt khó hết sức. Ai nuôi con cho bằng mẹ được. Mình phú thác cho mấy đứa ở, trong lòng mình có yên đâu.

Thầy Thiện nghe mấy lời ấy thì châu mày, bước lại cái ghế để dựa vách mà ngồi, rồi khoanh tay cúi mặt xuống đất, bộ lo ra.

Cô Lý ngó chừng ra cửa, có ý trông cô Oanh.

Trong nhà đương im lìm bỗng cái đồng hồ treo trên vách gõ chín tiếng. Con Yến vụt nói: “Ý! Chín giờ rồi sao má chưa về không biết”.

Cô Lý lấy tay cào con Yến mà liếc ngó thầy Thiện.

Thầy thở dài một hơi rồi nói:

- Má ở đâu mà về, con! Ba đã dặn con hãy bỏ đi, đừng có nhớ tới má con nữa, con còn nhắc làm chi.

- Má nói chín giờ nầy má về rồi ở luôn mà nuôi con, má không đi đâu nữa hết.

- Con nằm chiêm bao hay sao chớ? Làm sao về đây được mà con trông. Còn mặt mũi nào mà về! Thôi, quên đi, đừng thèm nhớ người đó nữa.

Cô Lý liếc thấy thầy Thiện nói với con như vậy mà thầy ứa nước mắt, thì cô xen vô:

- Thái độ của chị Oanh đối với con, thì thiệt là vô tình lắm. Nhưng mà đối với mẹ, con có biết phải quấy gì đâu, duy chỉ biết thương mà thôi. Anh biểu con Yến đừng thèm nhớ tới má nó nữa, tình mẹ con làm sao mà không nhớ cho được.

- Con thì phải thương mẹ, phải kính mẹ. Song mẹ cũng phải giữ tròn đạo mẹ mới được. Hễ mẹ trái đạo mẹ rồi, con có cần gì phải thương, phải kính nữa làm chi.

- Anh nói như vậy là gắt gao quá.

- Tôi nói theo chánh lý, có gắt gao đâu.

- Xưa rày em thấy anh buồn nên chẳng bao giờ em nhắc tới chị Oanh. Bữa nay sẵn dịp anh nói tới chuyện chị, vậy em xin phép anh cho em nói ít điều.

- Cô muốn nói điều chi?

Cô ngó ra cửa mà không thấy cô Oanh. Cô lấy làm tiếc, chớ chi lúc ấy cô Oanh bước vô thì tiện lắm vậy. Cô không đợi được nên cô phải nói:

- Mấy người theo đạo Phật họ thường nói theo kinh Phật thì loài người trầm luân trong khổ ải, không thoát khỏi vòng luân hồi, ấy là tại mắc ba nghiệp chướng: Tham, Sân, Si. Chị Oanh đi lạc đường , em tưởng có lẽ chỉ mắc ba nghiệp chướng ấy cũng như muôn ngàn người khác. Vậy tuy anh không tín ngưỡng đạo phật, song em cũng xin anh lấy lòng từ bi mà tội nghiệp cho thân phận của chị chớ đừng có ghét, đừng có phiền.

- Tôi không phải là Phật thì làm sao tôi có lòng từ bi như Phật được! cô nói phải, vợ tôi hư tại cái lòng không có đạo đức, nên bị tam chướng lôi cuốn, nhứt là cái tham với cái si. Tại tham, nên thấy người ta giàu sang thì muốn giàu sang như người ta. Tại si nên vui chơi rồi mê mệt, không còn biết gì là tốt xấu, phải quấy nữa. Tôi suy xét hơn một năm nay, tôi đã tìm ra cái gốc tội lỗi của vợ tôi rồi. Mà tìm được chứng bịnh thì bịnh nhơn đã chết nên không ích gì.

- Nếu anh biết chị Oanh hư là tại tam chướng lôi cuốn thì anh phải tội nghiệp cho chị mới phải chớ.

- Tuy vậy mà tôi cũng không thù oán, tôi chỉ bôi mất trong trí tôi cái hình dạng cùng là những dấu tích của vợ tôi mà thôi.

- Em biết hồi trước anh thương yêu chị Oanh lung lắm. Em chắc dầu thế nào anh cũng không quên chị được.

- Dẫu không quên được cũng phải ráng mà quên. Cô có biết tại sao vợ tôi nó bỏ tôi và nó bỏ tôi rồi nó đi làm việc gì hay không?

- Mỗi ngày em mắc đi dạy học, em có đi đâu mà biết.

- Vợ tôi nó đi chơi, nó gặp ông Hội đồng Đàng nói dóc hay có tiền nhiều, ở nhà lầu, đi xe tốt, nên nó mê, nó bỏ chồng bỏ con mà đi theo Hội đồng Đàng. Hơn một năm nay mướn nhà ở trong xóm Cây Quéo đặng cho Hội đồng Đàng tới lui. Tuy tôi không thèm nói ra, song tôi hay hết. Lên xe xuống ngựa vui chơi dữ lắm mà. Tôi mới nghe ông Hội đông Đàng đã cưới vợ, chắc là bỏ nó rồi hay sao. Để coi nó thôi thằng cha đó rồi, nó lấy thằng cha nào nữa.

- Anh nghe rõ quá! Thiệt em không biết chi hết. Chẳng kể tới việc gì khác nữa làm chi, chị Oanh bỏ anh mà đi thì đã lỗi với anh nhiều lắm rồi. Tuy vậy mà người có lỗi nếu biết ăn năn, thì có lẽ cũng dung chế được chút đỉnh chớ.

- Làm lỗi nào khác thì có lẽ dung được, chớ bỏ chồng mà theo trai thế nào mà dung. Vì tôi là người có học nên nên tôi dằn lòng được, tôi khỏi chết mà tôi cũng không giết chết, ấy là may mắn rồi. Cô tưởng tôi dằn được đó, tôi không đau đớn hay sao?

Cô Lý lắc đầu, ngó chừng ra cửa cũng không thấy cô Oanh, cô mới nói:

- Anh nói vậy thì cái đời của con Yến chẳng bao giờ sum hiệp với mẹ.

- Mẹ như vậy, nếu biết ăn năn thì phải xa lánh con, chớ gần làm chi.

Cô Lý có lòng muốn kéo cô Oanh trở về đường phải, mà đợi hoài không thấy cô nọ về, lại nghe thầy Thiện tỏ bày ý tứ như vậy nữa thì cô không còn biết làm sao mà khuyên giải cho được. Cô ngồi nói chuyện đến 11 giờ mà cũng không thấy cô Oanh. Cô nghĩ ngồi khuya hơn nữa thì khiếm nhã, nên từ giã mà về.

Thầy Thiện bồng con Yến vô mùng rồi đóng cửa đi ngủ.

X.

Chiều bửa sau, cô Lý đi dạy học về, cô tiếp được một phong thơ của phắc - tơ đem đến nhà mà phát. Cô mở ra đọc như vầy:

Chị Lý ôi,

Tôi xin chị tha lỗi cho tôi, vì tôi đã hứa với chị mà trong vài giờ đồng hồ kế sau đó, thì tôi lại bội ước. Tôi chắc chị hiểu được tâm hồn của tôi hồi hôm nầy thì chị sẽ sẵn lòng tha lỗi cho tôi liền.

Y  theo lời tôi hẹn ước với chị và hứa với con tôi, nên hồi hôm, lối chín giờ, thiệt tôi có trở về nhà tôi.

Mà khi bước nhè nhẹ vô gần tới cửa thì tay chơn tôi bủn rủn, tâm hồn tôi rối loạn, tôi không còn nghị lực mà xô cánh cửa đặng vô nhà. Tôi đứng ngoài, tôi lén vạch một góc màn cửa sổ mà dòm; tôi thấy chị ngồi bên con Yến còn chồng tôi thì ngồi cái ghế để dựa vách.

Chị Lý ôi, tôi vừa thấy mặt chồng tôi, thì sự hổ thẹn rùng rùng kéo tới, bao phủ cả mặt mày tôi, cả thân thể tôi, nó làm cho tôi run rẩy, buồn tủi, sợ sệt, không dám ngó chồng tôi nữa. Tôi bước lại đứng núp trong góc tối, dường như tôi sợ, người đi ngoài đường ngó thấy hình dạng tôi rồi tôi càng mắc cở thêm nữa vậy. Lúc ấy tôi nghe chồng tôi nói: “Con thì phải thương mẹ, phải kính mẹ song mẹ phải giữ tròn đạo mẹ mới được. Hễ mẹ trái đạo mẹ rồi, thì con cần gì phải thương, phải kính nữa làm chi!”

Trời ơi! Mấy lời ấy chánh đáng biết chừng nào! Mẹ mà không biết giữ tròn đạo mẹ, thì sao còn mong cho con nó thương, nó kính! Tôi đã lỗi đạo làm vợ mà cũng lỗi đạo làm mẹ, thế thì tôi còn can đảm nào mà dám bước vô chường mặt đặng xin lỗi với chồng, và nựng nịu con!

Nghe mấy lời của chồng tôi nói, thì tôi líu ríu bước ra đường mà đi liền, đi mau lắm, không biết đi đâu đi như người mất trí. Đi một hồi tới Cầu Kiệu, tôi đứng dựa lan can cầu mà ngó mông, tôi ngó lại cái đường dĩ vãng rồi tôi ngó tới cái đường tương lai của tôi thì tôi càng thêm đau đớn hổ thẹn, nên tôi kêu xe kéo trở về chỗ tôi trú ngụ rồi tôi viết thơ nầy mà xin lỗi với chị.

Chị Lý ôi, tôi hư hèn lắm, tôi khốn nạn lắm! Làm vợ không giữ được tiết với chồng, làm mẹ không biết thương yêu con. Cái đời của tôi là cái đời của con đờn bà nhơ nhuốc. Xin chị chẳng nên thương xót, an ủi nữa. Chị hãy bỏ phứt đi, cũng như bỏ cái cùi chuối thúi, trôi đến đâu thì trôi, đừng tính vớt làm chi.

Chị Lý ôi, kể từ bữa nay, chị sẽ hết gặp mặt tôi nữa. Vậy trước khi từ biệt nhau, tôi xin phép tỏ ít lời cuối cùng nầy với chị và yêu cầu chị, nếu thiệt chị có lòng bác ái thì xin chị hãy nhận lời cầu của tôi. Tôi xin chị hai điều:

Thứ nhứt - Tôi nhớ lại lúc tôi hư rồi, mà tôi chưa biết hổ phận, tôi còn cái óc đê tiện đến nỗi nói với chị những lời đắng cay, có thể phạm tới danh giá của chị.

Ngày nay tôi thấu rõ chị trong sạch, cao thượng, chớ không phải nhơ nhuốc, thấp hèn như tôi vậy. Tôi kính, tôi nể chị lắm, mà tôi cũng ăn năn cái tội của tôi nhiều lắm. Vậy tôi cúi đầu xin chị ái truất giùm thân phận khốn nạn của tôi mà tha thứ cái thái độ thấp hèn trước.

Thứ nhì - Tôi không thể thấy mặt chồng tôi mà tôi cũng không phép gần con tôi nữa. May tôi được biết chị thương phận tôi, thương con tôi, và tội nghiệp cho thân chồng tôi. Vậy tôi chấp tay khẩn cầu chị, hễ có thương thì thương cho trót, chị làm ơn thay thế giùm cho tôi mà kéo đứng dậy cái gia đình tôi đã xô ngã, chị khuyên giải cho chồng tôi hết buồn rầu, chị gây một cái hạnh phúc khác cho chồng tôi vui hưởng mà quên những nỗi đau đớn, chán ngán, chị dưỡng nuôi, dạy dỗ giùm con tôi, đặng ngày sau nó lớn khôn, nó khỏi sa ngã như tôi vậy.

Chị Lý ôi, những lời tôi nói đây là lời tâm huyết, chớ không phải lời đắng cay như trước đâu. Xin chị thương mà lãnh lời trối cuối cùng của kẻ bạc mạng nầy. Tôi hết sức trông cậy nơi chị, xin chị chớ phụ lòng tôi. Trước khi dứt lời, tôi còn xin chị một điều nầy nữa: Chị làm ơn dạy dỗ con tôi thế nào mà chừng nó khôn lớn, nó không khinh bỉ mẹ thân sinh của nó, là người tuy nhơ nhuốc, song biết hổ thẹn, biết ăn năn.

 Oanh bái thơ”

Cô Lý đọc hết bức thơ rồi cô ngồi tư lự, vừa tội nghiệp cho thân phận của cô Oanh, vừa ái ngại về sự cô nọ cậy. Cô Oanh xin điều thứ nhứt thì dễ, nên cô sẵn lòng nhận lời liền không dụ dự chút nào hết. Còn điều thứ hai thì khó quá, cần phải suy nghĩ lại, không thể ưng chịu liền được. Cứu chữa một người mang chứng bịnh về ái tình, có phải dễ đâu. Huống chi mình chưa biết người bịnh có chịu để cho mình cứu hay không, mà mình dám lãnh trách nhiệm.

Cô Lý suy nghĩ một hồi rồi cô xếp thơ lại, đem bỏ vô tủ mà cất. Cô bước qua thăm con Yến. Con nhỏ hỏi: “Hôm qua má con nói đi một chút rồi trở về, mà sao đi mất. Cô có gặp má con hay không?”

Cô Lý bối rối hết sức, song phải ráng mà đáp dối:

- Cô không gặp. Chắc là má cháu mắc việc gì đó nên chưa về được. Cháu ráng uống thuốc cho mạnh đi, rồi má cháu về.

- Bữa nay con mạnh rồi.

- Cháu còn yếu lắm chưa mạnh đâu. Cháu muốn uống sữa hay không?

- Con mới uống hồi nãy, con không muốn uống nữa.

- Thôi, cháu nằm nghỉ rồi tối sẽ ăn cơm.

Cô đắp mền cho con Yến rồi cô trở về nhà. Ăn cơm xong, cô nằm suy nghĩ hoài, lo cho cô Oanh buồn trí rồi tự tử. Cô muốn đưa bức thơ cho thầy Thiện coi và xin thầy đi kiếm vợ đặng cứu giùm sanh mạng của một người có lỗi mà đã biết tự hối. Ngặt vì trong bức thơ ấy có đoạn sau không nên cho thầy Thiện biết, vì vậy mà cô bối rối, không biết liệu lẽ nào.

Đêm đó cô cũng qua nói chuyện chơi với thầy Thiện, song cô ái ngại, không dám nhắc tới cô Oanh.

Tối bữa sau, ăn cơm rồi cô nằm trên ván suy nghĩ việc cô Oanh. Thầy Thiện đi làm việc về, thầy không về nhà, lại đi thăng vô nhà cô Lý, đưa tờ nhựt trình cho cô và nói: “cô đọc bài Đờn bà rửa nhục ở chương đầu đó, rồi lát nữa ăn cơm, tôi sẽ trở qua mà nói chuyện. Thiệt là khốn nạn!”

Thầy nói dứt lời rồi quày quả đi về. Cô Lý mở tờ nhựt trình ra, cô đọc như vầy:

“Ông Hội đông Đ... ở Chợ Quán, mới cưới vợ mấy bữa rày. Chiều hôm qua, lối 5 giờ, vợ chồng ông ngồi xe hơi đi dạo ngoài Sài Gòn. Xe ngừng lại đường Catinat, ông dắt bà bước xuống tính đi bộ đặng xem đồ trong mấy nhà hàng chơi.

Cô O... trước kia là vợ của M TH... làm việc trong một hãng lớn ở Sài Gòn. Cô ngồi xe kéo đi ngang qua, vừa thấy ông Hội đồng Đ... thì biểu xa phu ngừng lại rồi cô bước xuống chặn ông Hội đồng Đ... mà nhiếc mắng nhiều tiếng nặng nề, không thể biên lại đây được.

Ông Hội đồng Đ... hổ thẹn với bà vợ mới, lại cũng hổ thẹn với nhiều người khác tựu coi đông đúc, nên ông biểu sớp - phơ chạy đi kêu một thầy đội Tuần cảnh đặng bắt người làm nhục ông giữa đường, trước mặt công chúng. Vừa nghe biểu kêu đội Tuần cảnh, thì cô Oanh càng giận thêm, nên la lớn: À, mầy đã làm cho tao nhơ danh xú tiết, mà mầy không biết ăn năn rồi bây giờ mày muốn hại cho tao ở tù nữa hả? - Cô vừa nói vừa mở bóp lấy ra một ve nước phỏng rồi mở nút tạt hết ve thuốc đó vào mặt ông nọ. Vì cô làm lẹ làng quá, Hội đồng Đ... không dè mà đề phòng, nên nước thuốc trúng phỏng mặt ông hết phân nửa.

Thầy đội Tuần cảnh lại tới thấy công chuyện như vậy liền dạy sớp - phơ chở ông Hội đồng lại nhà thương, và bổn thân bắt cô O... mà dắt về bót.

Trước mặt ông Cò, cô O... khai bẳn bẹ rằng , vì năm ngoái Hội đồng Đ... khuyến dụ làm cho cô bỏ chồng, bỏ con mà theo ông, rồi bây giờ ông lại bỏ cô mà cưới vợ khác, cô lấy làm uất ức trong lòng không thể chịu được, nên cô phả trả thù rửa nhục, dầu quan trên định tội thế nào cô cũng cúi đầu ưng chịu hết thảy.

Ông cò lấy khai, lập vi bằng theo phép. Nghe nói sớm mơi nầy đã giải nội vụ đến quan Biện lý rồi”.

Cô Lý đọc hết bài nhựt trình rồi cô chắc lưỡi thở dài, não nề cho thân phận của cô Oanh. Cô cứ cầm tờ nhựt trình ngồi trơ trơ, cho đến chừng thầy Thiện dùng cơm rồi bước qua cô, cô mới lật đật đứng dậy nhắc ghế mời thầy ngồi.

Thầy hỏi cô:

- Cô nghĩ thử coi, cô O...trong bài nhựt trình đó phải là vợ tôi hay không?

- Chắc là chỉ rồi chớ ai! Tội nghiệp quá! Đã ăn năn sầu não, mà còn sanh chuyện làm chi cho phải chịu tù tội vậy không biết!

- Hễ gieo cái nhơn chẳng lành, thì cái quả hung dữ như vậy chớ sao.

- Bây giờ anh tính phải làm sao?

- Tôi có tính làm sao đâu. Tôi với người đó có dính dấp gì nữa. Tình vợ chồng đã đoạn rồi, mà người ta đoạn chớ không phải tôi. Ấy vậy bây giờ người ta chết cũng mặc kệ chẳng luận là ở tù.

- Anh không thương con Yến hay sao?

- Cô khéo hỏi dữ hôn! Con tôi sao lại không thương.

- Nếu anh thương con Yến, thì anh phải thương giùm mẹ nó nữa chớ. Chị Oanh có lỗi với anh thì anh giận đã đành. Còn con Yến có lỗi gì đâu, mà tôi coi ý nó thương nhớ má nó lung lắm, sao anh nỡ tuyệt tình mẫu tử của nó.

Thầy Thiện ngồi chống tay lên trán mà suy nghĩ, nước mắt tuôn ra có giọt.

Cô Lý thấy vậy thì nói tiếp: “Em xin tỏ thiệt với anh, chiều hôm kia em có gặp chị Oanh. Chị đứng gần cửa trường học, tính đón mà thăm con Yến. Chị nói chuyện thì em hiểu là chị ăn năn lung lắm và muốn tự tử nên quyết thấy mặt con một lần chót rồi chết. Nghe nói con Yến đau, chị mới lén anh, về nhà thăm nó. Mẹ con gặp nhau khóc lóc lung lắm em tưởng nếu anh thấy cảnh đó thì không thể nào anh không dung thứ đặng mẹ con sum hiệp. Em khuyên chị ở đợi anh về rồi năn nỉ xin anh tha lỗi cho. Chị hổ thẹn không dám ở, song ra đi có hứa chừng tám, chín giờ sẽ trở lại. Đêm hôm đó em qua nhà anh ngồi chơi khuya là có ý đợi chị Oanh về, té ra chờ tới mười một giờ mà không thấy. Chiều hôm qua em có tiếp được thơ của chị nói rằng đêm đó chị có về, nhưng vì chị hổ thẹn quá, không dám thấy mặt anh, nên chị đứng ngoài cửa một hồi rồi chị lén đi nữa, không dám vô. Theo lời than thở trong thơ đó thì em sợ chị cuồng trí, nãn lòng rồi chị tự vận, em không dè chị quyết làm dữ với kẻ gạt gẫm báo hại chị như vậy.

Thầy Thiện lau nước mắt và nói: “Có về hèn chi đêm đó con Yến nghe đồng hồ gỏ chín giờ thì nó hỏi sao má nó chưa về. Nó nói như vậy mà tôi không hiểu, cứ tưởng nó mơ mộng... Còn gởi thơ cho cô nói làm sao đâu, cô cho tôi coi thử, được hay không?”

Cô Lý không muốn cho coi thơ nên cô phải kiếm chước nói dối:

- Em bỏ quên trong trường học, chớ không có để ở nhà. Trong thơ không có nói chi lạ, duy có than thở, chị nói ăn năn lung lắm, bây giờ biết kính chồng thương con, mà vì hổ thẹn nên không thể trở về được.

- Phải. Trở về làm sao được.

- Xin anh bớt giận, kẻo tội nghiệp con Yến.

- Cô cũng biết hồi trước tôi cũng thương vợ tôi lung lắm, vì thương nhiều nên bây giờ phiền mới sâu, không thể lắp nổi.

- Thấy con Yến, hễ nghe nhắc tới má nó thì nó buồn hiu, nên tôi thương quá.

- Đờn bà có chồng rồi mà gian dâm thì tội nặng lắm, không thể nào dung thứ được. Nếu đờn ông yếu trí dung thứ như vậy, thì nền phong hoá luân lý lật ngược hết còn gì. Hơn một năm nay, tôi suy xét đã kỹ lưỡng lắm rồi. Ái tình về hình thức mỏng mảnh lắm, phải ái tình về tinh thần kìa, mới bền chặt. Mà tôi biết như vậy thì đã muộn rồi. Vì trải qua một lần thí nghiệm, phải chịu đau đớn nhiều quá, nên bây giờ tình của tôi đã cạn khô. Có lẽ tại tình của tôi đã trút sạch cả rồi, nên tôi hết thương vợ tôi nữa. Thôi, để tôi ráng an ủi con Yến cho nó nguôi ngoai tình mẫu tử chớ biết làm sao bây giờ.

Cô Lý hết biết dùng lời gì mà khuyên giải nữa được.

Thầy Thiện lấy tờ nhựt trình rồi từ cô Lý mà về.

XI.

Cách một tháng sau, con Yến mạnh rồi, nó đã theo cô Lý mà đi học, song nó ốm lung lắm, nên thầy Thiện phải lo cho nó ăn, cho nó uống thuốc bổ đặng lấy sức lại.

Một đêm, thầy Thiện ăn cơm tối rồi thì có đứa ở của cô Lý mời thầy qua nhà cô cho cô nói chuyện. Thầy vừa bước vô thì cô Lý nói nhỏ nhỏ:

- Tòa đã xử chị Oanh rồi.

- Sao cô biết?

- Em hỏi thăm, em hay sớm mơi nầy tòa xử vụ án, nên em có xin phép nghỉ dạy một buổi đặng đi nghe xử. Em không muốn cho con Yến nghe nói chuyện nầy, nên em mời anh qua bên nầy đặng nói riêng cho anh hay.

 Thầy Thiện kéo ghế mà ngồi rồi mới hỏi:

- Tòa lên án định tội bao nhiêu?

- Tòa kêu sáu tháng tù, song được hưởng án treo.

- Nếu vậy thì nhẹ lắm.

- Nhờ ông Trạng sư cãi hay quá.

- Có mướn Trạng sư hay sao?

- Có. Ông Trạng sư công kích Hội đồng Đàng dữ quá. Ổng chỉ trích thói hèn hạ, khiếp nhược của thằng cha đó; ổng kêu nó là đồ phá gia cang của thiên hạ, là quân đánh đổ luân lý của xã hội. Chừng tóm lại ổng nói chị Oanh bị gạt mà phải sụp đổ gia đình, phải hư hại danh tiết, nếu chị là người có sức mạnh như đờn ông thì có lẽ chị giết chết đứa bợm bãi đó mới vừa với sự hại của chị. Bởi chị là đờn bà yếu đuối nên chị dùng thuốc phỏng mà trừng trị có ý cho một bài học mà thôi, chớ không hại tới tánh mạng. Ông Trạng sư cãi lẽ làm cho Hội đồng Đàng hổ thẹn hết sức.

- Vợ tôi làm như vậy cho đã nư giận một chút mà thôi, chớ bề nào nó cũng không rửa cái nhơ của nó được.

- Phải lắm. Tấm gương trinh đã rã rời thì làm sao mà ráp cho lành lại như xưa được. Tuy vậy mà người làm bể tấm gương đó mình phải phạt nó chớ.

- Cũng tại mình hư hỏng, không biết giữ gìn nên nó mới làm bể được chớ.

- Anh là đờn ông nên anh binh phe đờn ông. Hồi sớm mơi em thấy mặt ông Hội đồng Đàng có thẹo hết phân nửa, em ưng bụng quá. Trên Tòa ai cũng ghét thằng cha đó hết thẩy, không biết nó đã tởn hay chưa.

- Dầu nó tởn, nó chừa cái thói phá gia cang của người ta, thì còn thằng khác thế cho nó: ở đời nầy, thiếu gì người như vậy, nào phải có một mình nó hay sao.

- Hồi sớm mơi, Tòa tha chị Oanh rồi, em có gặp chị nữa. Chị từ biệt em mà chị khóc, chị cậy em xin anh đừng phiền chị nữa. Chị nói chị không dám gặp mặt anh, chị sẽ đi xứ khác mà ở cho biệt tích. Tội nghiệp, nói tới con Yến chị khóc dữ quá.

Cô Lý nói tới đó rồi cô liếc mắt dòm coi ý tứ thầy Thiện thế nào. Thầy ngồi im lìm một hồi mới nói: “Nhờ có con Yến tôi mới còn sống được đây. Mà cũng nhờ nó nên tôi mới có thể nghe cô thuật chuyện vợ tôi được. Thôi, bây giờ đời tôi chỉ còn vui với một chút con đó. Tôi phải lo cho nó, hơn một năm nay, cô lấy tình anh em mà giúp tôi trong sự nuôi dưỡng, dạy dỗ nó, thiệt ơn của cô nặng không biết chừng nào. Nếu cô sẵn lòng giúp tôi như vậy cho tới chừng con Yến lớn khôn thì dầu nó không có mẹ cũng chẳng hại gì”.

Cô Lý muốn đổi câu chuyện, nên cô nói:

- Người ta nói trên Đà Lạt phong thổ tốt lắm, ai lên đó ở ít ngày thì cũng mập mạp, khỏe mạnh, con Yến ốm quá, vậy anh coi lúc nào rảnh anh xin phép nghỉ một tháng rồi đem cháu lên Đà Lạt ở thử coi nó lấy sức lại được hay không.

- Phải. Lên Đà Lạt ở thì chắc tốt lắm. Thôi, để đợi tới bãi trường rồi tôi sẽ xin phép mà đưa nó đi, có lẽ cô đi với cha con tôi cũng tiện.

- Bãi trường thì tôi rảnh, nhưng còn tới năm, sáu tháng nữa, sợ lâu quá.

- Đến tháng đó phong thổ trên Đà Lạt mới tốt, chớ tháng khác lạnh quá, hoặc mưa quá nên không hạp với sức mình.

- Thôi, để rồi sẽ tính.

Thầy Thiện từ mà về đặng biểu con Sáu giũ mùng cho con Yến ngủ.

XII.

Trong tiết tháng giêng An Nam, trên Ðà-Lạt đã bớt lạnh, mà lại cũng không có mưa. Những người vinh sanh mưu lợi, có tiền dư được ít nhiều, mà vì tranh cạnh nên phải mệt trí mỏi sức, kẻ thì đáp xe lửa, người thì dùng xe hơi, tứ phương tụ tập lên đó trú ngụ, để bồi dưỡng thân thể, hoặc tịnh dưỡng tinh thần một ít lâu, ngỏ hầu lấy sức lại mà tranh danh trục lợi, ngậm đắng nuốt cay với đời nữa.

Thầy Thiện với cô Lý đem con Yến lên Đà Lạt ở đã được nửa tháng rồi.

Một bữa sớm mơi, đương ngồi ăn lót lòng tại nhà hàng, cô Lý trong mình khỏe khoắn vui vẻ nên kiếm chuyện mà nói chuyện cho con Yến cười, con nhỏ bữa nay đã đỏ da thắm thịt, hết ốm o mét chằng như mấy tháng trước vậy nữa; nó cũng nói nói cười cười, lộ sắc mạnh trong mình, vui trong trí.

Thầy Thiện thấy vậy thì hỏi con:

- Con có nhớ nhà, con muốn về hay không?

- Không. Con muốn ở hoài trên nầy.

- Tại sao vậy?

- Tại trên nầy có núi, có rừng, con thấy con ưa quá.

Cô Lý nghe mấy lời thì cô ngó thầy Thiện mà nói:

- Mới bây lớn mà đã có cái tâm hồn yêu nhàn thanh tịnh.

- Có lẽ tại sự phiền não làm cho nó chán ngán, nên chỗ của nó thích không giống với của con nít khác.

- Anh luận như vậy thì đúng. Còn phần anh, bây giờ tâm hồn anh thế nào, anh thích thanh tịnh hay là đô hội.

- Ồ! Tâm hồn của tôi, cô đã thấu hiểu rồi mà. Bây giờ mà tôi thích chỗ đô hội, nếu tôi phải chen mình vào chốn chộn rộn như vậy ấy là tại cuộc sanh nhai buộc tôi phải lẩn quẩn trong đó mà thôi chớ.

- Hỏi thử mà chơi chớ em cũng biết như vậy.

- Mà tôi chắc tâm hồn của cô cũng như của tôi.

Cô Lý cười, rồi bắt chuyện khác hỏi.

- Bữa nay anh tính dắt em với con Yến đi phía nào?

- Mấy nơi thắng cảnh xung quanh đây mình thưởng thức đã giáp hết rồi. Mình lên Dankia, đã đi Tour de Points de Vie, đã lên núi Lang Bian, đã đi mấy lần Tour de Chasse khi xem nai ăn cỏ dưới cội thông già, khi xem nước biếc trong Hồ Than Thở đã lên chơi Nhà dù Robinson, đã vô suối Cam Ly, bây giờ còn biết đi đâu nữa. Cô muốn đi đâu tự ý cô.

- Em nghe nói qua khỏi suối Cam Ly một khúc, hễ hết cái dóc rồi thì có một đường nhỏ tẻ ngang qua cụm rừng Bois - des Amours, An Nam mình gọi là “Ái Tình Lâm” Tại sao lại đặt tên chỗ ấy là “Ái Tình Lâm” ? Em muốn đến đó xem phong cảnh, coi có hạp với tên hay không.

- Ái tình của tôi đã chết rồi, vào Rừng Ái Tình chắc tôi không cảm xúc một chút nào hết. Tuy vậy mà cô muốn đi thì tôi cũng dắt cô đi cho biết.

Thầy Thiện mướn một con ngựa với một cỗ xe kéo, rồi thầy cởi ngựa, cô Lý với con Yến ngồi xe mà đi. Sớm mơi khí trời mát lạnh, lại thấy hàng thông trồng hai bên đường thở ra mùi thơm tho nhẹ nhàng làm cho con người khỏe khoắn vô cùng. Cái biệt thự trong châu thành, chỗ nào cũng vậy, từ trước sân cho tới chung quanh vườn, bông hoa đua nở, đủ thứ màu, làm cho phong cảnh đẹp, mà lại còn thêm đẹp nữa.

Tới đầu đường vô Ái Tình Lâm, thầy Thiện xuống ngựa buộc dây cương vào gốc cây, cậy anh xa phu coi chừng giùm rồi mới dắt cô Lý và con Yến vô Rừng. Đường đi sạch sẽ song quanh lộn không ngay, lại khi lên dốc, khi đổ xuống làm cho khách nhàn du hồi hộp, phải cảm cảnh động tình. Đã vậy mà chung quanh cây lố nhố đủ thứ, cây nào gốc cũng lớn, ngọn cũng cao, còn tàng rậm rạp giáp nhau mà bao phủ không cho nắng lọt xuống đất được.

Cô Lý ngó cây đá rồi hỏi thầy Thiện:

- Hổm nay mình đi chơi thì chỗ nào cũng có một thứ cây thông mà thôi. Sao rừng nầy lại có cây sao, cây gõ như vầy?

- Có lẽ đây gần suối Cam Ly, nhờ nước suối rịn xuống đất luôn luôn nên cây sao, cây gõ mới sống được.

Đi hơn mười lăm phút đồng hồ, gặp một cái nhà dù của người ta cất dưới một cảnh rất xinh đẹp, để cho du khách ngồi nghỉ chơn. Cô Lý với thầy Thiện ghé vào đó mà ngồi, còn con Yến thấy hoa rừng trổ bông dưới gốc cây thì ham, nên đi lựa mấy thứ hoa đẹp mà chơi.

Cô Lý nói: “Thiệt, cụm rừng nầy u ẩn, thanh tịnh, chẳng có đâu bằng. Người ta đặt tên là Ái Tình Lâm nghĩ phải lắm”.

Cô liếc thấy thầy Thiện châu mày song không nói chi hết, cô mới hỏi:

- Anh coi con Yến bữa nay phải nó khá nhiều hay không anh?

- Phải, nó hết ốm, lại hai gò má ửng đỏ. Tôi ở luôn một tháng đặng cho nó có ngày giờ mà tiếp dưỡng sức lực cho thiệt mạnh.

- Chiều hôm qua anh ở nhà, nó đi chơi với em, thình lình nó hỏi em vậy chớ biết má nó ở đâu hay không.

- Cũng còn nhắc má hoài! Thiệt không biết làm sao cho nó quên bây giờ.

- Con thì tự nhiên thương mẹ, làm sao mà ép nó quên được.

- Mẹ như vậy mà thương nỗi gì.

- Hễ về tình thì không thể luận phải quấy được.

Thầy Thiện ngồi ngẫm nghĩ một hồi rất lâu rồi nói: “Bữa nay tôi mới tỏ thiệt với cô, nếu vợ tôi có trở về xin lỗi đặng ở với tôi và gần con nó, thì tha lỗi cho nó được, chớ ở lại với tôi thì không thể nào được. May nó biết hổ, nó không dám gặp mặt tôi, lại không dám gần con nó, thái độ của nó như vậy thì phải lắm. Việc vợ của tôi đã dứt rồi, ngặt con Yến nó không chịu quên má nó, nên tôi còn phải lo xa chỗ đó. Gần hai năm nay cô thấy gia đạo của tôi xào xáo, cô đem lòng ái truất cô theo an ủi tôi, cô săn sóc con tôi, ơn nghĩa của cô không biết chừng nào. Có khi tôi tính năn nỉ cậy cô thay thế mà làm mẹ con Yến đặng săn sóc dạy dỗ nó giùm cho tôi, chớ nó là con gái, khó cho tôi rèn tập tánh tình nó được. Mà rồi tôi nghĩ lửa tình của tôi đã tắt, nếu tôi cưới cô làm vợ, mà tôi không có tình chút nào hết, thì đời của cô lạt lẽo, vô vị quá, tội nghiệp cho cô. Vì vậy mà gần hai năm nay, tôi không dám hở môi. Bữa nay, ngồi giữa Ái Tình Lâm nầy, tôi xin hỏi cô: ví như đôi ta đừng thèm kết tình vợ chồng, chỉ kết tình bằng hữu mà thôi, đặng đàm luận, giúp đỡ dìu dắt nhau, cô nghĩ thử coi thế được hay không?”.

Cô Lý cười mà đáp:

- Được lắm chớ. Ý em cũng muốn như vậy, ngặt vì anh không có vợ, còn em thuở nay chưa có chồng, nếu chúng ta gần nhau quá, sợ e chẳng khỏi thiên hạ dị nghị.

- Mình biết mình thì thôi, kể thiên hạ làm gì. Đời nầy thiên hạ hay ho gì đó, mà sợ đời họ bình phẩm.

- Việc anh tính đó thuở nay chưa thấy ai làm. Tuy vậy mà mình cũng bạo gan trái đời thử coi kết quả làm sao rồi sẽ liệu định.

- Cám ơn cô. Tôi cầu xin thần thánh chốn Ái Tình Lâm nầy chứng chiếu tình bằng hữu của đôi ta.

Con Yến cầm một nắm bông đem lại khoe với cô Lý. Cô ôm nó mà hun rồi đứng dậy kêu thầy Thiện đi về.

Sáng bữa nay, thầy Thiện dắt đi dạo phía Y viện Pastetur, cô Lý với con Yến cùng ngồi xe kéo, còn thầy đi bộ chớ không muốn cỡi ngựa nữa. Trước y viện có một cái đường rẽ vòng theo triền núi coi đẹp lắm. Hỏi thăm người ta thì họ nói đường ấy đi xuống Sở Tía. Con Yến muốn đi vô đường đó mà chơi nên xin cô Lý xuống xe, rồi ba người thủng thẳng đi bộ mà xem cỏ cây rừng núi.

Đường xẻ vòng theo núi, bên phía tay mặt thì một hòn núi cao sừng sững có một đám rừng thông bao phủ, gió thổi lá thông reo véo vắt; bên phía tay trái thì một cái hố sâu, dài lại rộng lớn và cũng rừng thông lúp xúp mọc đều. Cảnh mỗi chỗ có cái đẹp khác, làm cho thầy Thiện với cô Lý càng thêm khen tạo khéo sắp đặt nhiều nơi u ẩn mà than van, để cho loài người chế sửa đặng chung hưởng với nhau.

Đi một khúc xa, cái hố bên trái đã hết rồi, bây giở tới đám rừng thông rậm rạp, bằng phẳng, lại có khe nước chảy ro re, dựa khe nước có một túp liều tranh, dựa liều tranh lại có một khoảng vườn trồng bông, trồng cải, trồng đậu, coi rất tươi tốt. Một người đờn bà An Nam đương lum khum cắt bông, gần đó có một người mọi già đương cuốc đất.

Con Yến đứng lại mà ngó rồi nắm tay thầy Thiện mà nói:

- Má kia kìa ba!

- Không phải đâu con. Má tía gì ở trên nầy.

Cô Lý ngó người đờn bà trong vườn thì thấy mặc đồ vải đen mà ngoài có choàng một cái áo ấm, tướng mạo tuy lam lũ, song giống hệt cô Oanh. Cô khuyên thầy Thiện ghé xem bông chơi, rồi dắt nhau vô vườn.

Người đờn bà ấy ngước mặt lên, thiệt quả là cô Oanh.

Cô Oanh buông bó bông, đứng trân trân. Cô Lý với thầy Thiện cũng chưng hững nên đứng đó mà ngó, không nói được.

Con Yến kêu “Má”, rồi chạy a lại ôm mẹ nó.

Cô Oanh chảy nước mắt, tay sờ đầu con, mà ngó chồng lộ sắc sợ sệt.

Thầy Thiện động lòng nên nói? “Tôi cho phép mình hun con đa. Hun đi!”

Cô Oanh ngồi xuống rồi ôm con Yến hun trơ hun trất, mẹ con đều khóc, nước nắt choàm ngoàm.

Cô Lý ngó thầy Thiện mà hỏi: “Anh thấy hay chưa? Tội nghiệp lắm đó!”.

Thầy Thiện cảm xúc lung lắm, không còn nghị lực cứng cỏi nữa, nên thầy ứa nước mắt mà nói: “Mình đã biết tự hối vậy tôi tha lỗi hết cho mình. Thôi, về mà nuôi con... Mà tôi nói trước, mình đã làm cho tình tôi khô rồi, nên về ở nuôi con mà thôi chớ không có vợ chồng gì nữa”.

Cô Oanh đứng vậy ngó cô Lý.

Cô Lý hiểu ý nên nói: “Chị cậy điều thứ nhì trong thơ đó tôi không thể làm trọn được. Tôi chỉ có tình bằng hữu với anh Thiện mà thôi. Vậy xin chị hãy về đặng nuôi con, đừng ái ngại chi hết”.

Cô Oanh lắc đầu thở ra mà đáp: “Có tội thì lo ăn năn mà đền tội, không trốn tránh. Nhơ nhuốc thì phải kiếm chỗ mà ẩn thân mà tắm gội, không nên trèo leo chốn sạch mà lây nhơ cho người khác. Nếu chị thiệt thương tôi thì xin chị làm ơn chị nhận cái lời yêu cầu trong thơ, được như vậy thì tôi chẳng còn gì lo việc gì ở thế gian nầy nữa hết”.

Cô lại day qua nhìn con rồi ngó chồng vừa nói vừa khóc: “Thấy thân tôi, mình động lòng nên mình tha tội cho tôi... Tôi cám ơn mình lung lắm. Nhưng vì tôi tự xét, tôi biết tội của tôi lớn lắm, tôi không thể gần chồng con... Thôi, tôi xin mình ráng quên tôi đi, biểu con Yến cũng kể như tôi đã chết rồi... làm như vậy là phải hơn hết”.

Cô nói mấy lời rồi nước mắt tuôn dầm dề, không thể nói được nữa. Cô liền xoay lưng bỏ đi vô rừng. Con Yến kêu “Má”, tiếng dội trong rừng, nghe rất thãm thiết, mà cô Oanh cứ bươn bả đi riết, không trả lời, mà cũng không ngó lại.

Thầy Thiện với cô Lý lấy làm thương xót, song không biết làm sao, nên phải dỗ con Yến mà dắt trở về nhà hàng. Từ ấy, mỗi ngày đều có trở vô túp lều tranh đó mà kiếm cô Oanh. Mà bữa nào cũng không thấy tăm dạng, duy có người mọi già lẩn thẩn một mình cuốc đất, hoặc hái rau, cứ nói cô Oanh đi biệt mất, không có trở về.

Ở Đà Lạt mãn một tháng rồi thầy Thiện phải trở về Sài gòn với cô Lý và con Yến, không gặp được vợ nữa.

Niềm bằng hữu của thầy Thiện với cô Lý vẫn còn bền vững, song mỗi người đều lo ngại lâu ngày chày tháng rồi nghĩa đổi ra tình, mà phải hỏng việc “làm trái đời” đã định giữa Ái Tình Lâm.

                                                                      Vĩnh Hội, Octobre 1938.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: