Mấy lời tâm huyết của tác giả
No 1. Tận cùng của bóng tối
Khi tôi nảy sinh ý định sáng tác cuốn tiểu thuyết này, tâm lý về chủ nghĩa hoài nghi hiếm hoi đang lặng lẽ lan tỏa khắp bốn bể.
Trên văn đàn đang có rất nhiều tiểu thuyết kỳ bí đặc sắc về đề tài "rơi vào tình thế cùng quẫn, như dã thú bị vây hãm" viết về những câu chuyện xảy ra trong một môi trường căng thẳng gay cấn, trong một khu vực địa lý có hạn và trong khoảng thời gian cũng rất có hạn; vậy thì liệu các tác giả mới sáng tác có thể tạo ra bước đột phá mang tính thực chất hay không? Có thể miêu tả diễn biến nhân tính của những con người cùng quẫn ấy một cách tinh tế và chân thực hơn nữa không?
Đó là những thách thức xưa nay chưa từng có, và cũng là đặc trưng tiêu biểu của những tác phẩm ghi đậm dấu ấn của một tác giả.
Điều không phải nghi ngờ gì nữa là, nhân vật chính của chúng ta - Cổ Tiểu Yên, La Thiên, lần này phải đối mặt với những thách thức càng kinh khủng hơn và cũng càng tàn khốc hơn, thậm chí là những thử thách đối với giới hạn cực đại của sự sinh tồn của nhân loại.
Không có nước uống, không có thực phẩm, không có phương tiện thông tin liên lạc với thế giới bên ngoài, càng ngày càng mệt mỏi, kiệt sức, càng ngày cảng thêm sợ hãi bất an, tất cả thật sự là những thứ thách ghê gớm nhất đối với cuộc sinh tồn nơi hoang dã.
Có thể bạn sẽ nói những cảnh ngộ này, những tình huống này chẳng khác gì bị đày đọa nơi địa ngục.
Nhưng bạn lại chưa biết: những ai đã từng là nạn nhân của động đất, của sóng thần mới là những người đã trải nghiệm nhiều nhất những thử thách ghê gớm nhất và giới hạn cực đại đỉnh điểm của sinh tồn.
Khi phải đối mặt với những cảnh ngộ tuyệt vọng, chúng ta phải giữ vững nghị lực và ý chí kiên định bền bỉ, phải có tinh thần ngoan cường tuyệt đối không bao giờ nản lòng buông xuôi. Có lẽ bạn phải đọc hết trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết bạn mới hiểu rõ tín điều chiến đấu không ngừng là gì, có lẽ từ hai nhân vật Cổ Tiểu Yên và La Thiên bạn sẽ nhận ra... và có lẽ...
Mở đầu cuốn tiểu thuyết là cảnh tượng mặt đất này đang bị bóng đen bao phủ, khi những tia hy vọng đang dần dần mờ đi, thì liệu các cuộc giao đấu của những con thú cùng đường có thể có tác dụng gì không?
Chúng ta sẽ đi tiếp, đi tiếp, tận cùng của bóng tối sẽ là gì đây?
Câu hòi này, xin nhường cho các nhân vật chính và phụ của chúng ta trả lời các bạn.
No. 2 Ai đang mở cánh cổng địa ngục?
Lucifer cực kỳ nổi tiếng là một thiên thần sa ngã.
Cùng với dòng thời gian vô tận, chúng ta vẫn coi vị thiên sứ này là kẻ ác đầy mình tội lỗi.
Lucifer có phải kẻ ác thật không? Hay cõi tâm của chúng ta mới là ác độc?
Tôi nghĩ, Lucifer là hình ảnh chân thực, là người phát ngôn mang tính hình tượng của con người trên thế gian này.
Ai ai cũng là thiên thần sa ngã, nói cách khác, ai ai cũng tiềm ẩn bản tính của nhân vật "Quân tử kiếm" Nhạc Bất Quần!
Nhiều nhân vật trong tiểu thuyết này, từ La Thiên, Cổ Tiểu Yên, cho đến Chu Vũ, Cố Phong, Trương Ngưng... họ đều là những con chim trong lồng đang phát ra những âm thanh bi ai, họ đều là những đấu sĩ trên thao trường huấn luyện. Tình yêu và oán hận của họ, khát vọng sinh tồn của họ, họ đứng trước cái chết, đứng trước nhân tính quằn quại biến dạng, họ hết lần này đến lần khác hóa điên và kêu gào thảm thiết, chẳng khác gì những cơn giá lạnh xé lòng thấm sâu vào từng sợi dây thần kinh của tác giả và độc giả.
Những ai còn sống, mới thật sự là người chiến thắng cuối cùng.
Sự tồn tại của rừng Bọ Cạp là thiết kế dành riêng cho loài người, là sự thử thách giữa Thiện và Ác, và cũng là một quá trình để con người ta nhìn rõ về bản thân mình.
Lucifer đã mở toang cánh cổng địa ngục, chứng kiến thần linh ở trên cao vời vợi và sáng rực kia cũng có những dục vọng như ai.
Cánh cổng địa ngục chính là cánh cửa của dục vọng. Có rất nhiều khi chính chúng ta là những người đã mở nó ra.
No.3 Rừng Bọ Cạp vĩnh cửu
Những ai đọc trước tác của các bậc thầy tiểu thuyết trinh thám Nhật Bản như Yokomizo Seishi, Matsumoto Seicho, Keigo Kigashino, Shoji Shimada v.v... đều chịu ảnh hưởng của họ, nhất là tiểu thuyết của "phái xã hội" Matsumoto Seicho và Keigo Kigashino, thì sức hút lại càng mạnh mẽ khiến ta phải đọc một hơi chứ không thể dừng lại.
Tác phẩm của Keigo Kigashino thậm chí đã phá vỡ khuôn khổ của tiểu thuyết trinh thám truyền thống, bố cục lại phép suy lý vốn đã hình thành, dàn dựng lại nghệ thuật sáng tác văn học vẫn tồn tại bấy lâu.
Tiểu thuyết trinh thám của Trung Quốc cũng nên đi theo hướng đó, chứ không thể đóng khuôn trong các mô thức tường thuật dẫn giải và càng không thể câu nệ với những tình tiết ly kỳ để kỳ vọng nó trở thành ly kỳ.
Những cuốn sách đặc sắc, buộc phải hội đủ cả hai yếu tố là hay và không nhàm chán, buộc phải đi sâu vào nhân tâm, nhân tính con người, và nhất định phải quan tâm đầy đủ đến thời đại và cuộc sống.
Khi sáng tác "Bọ Cạp rừng sâu", tôi luôn luôn bám sát tôn chỉ sáng tác này, luôn không ngừng nỗ lực và kiên trì theo đuổi.
Vì thế, hôm nay mới có "Bọ Cạp rừng sâu" - bộ tiểu thuyết trinh thám kỳ bí khám phá chiều sâu của xã hội và nhân tình thế thái.
Có lẽ cũng nên nói mấy câu này: tại sao lại gọi là "Bọ Cạp rừng sâu"?
Cô gái Cổ Tiểu Yên trong câu chuyện này đã nêu câu hỏi "tại sao lại gọi nơi này là rừng Bọ Cạp?"
Có lẽ đây cũng chính là thắc mắc của rất nhiều bạn đọc?
Khi chòm sao Thiên Yết (Bọ cạp) vận hành đến ranh giới cuối mùa thu đầu mùa đông, nó ở giữa trạng thái phồn thịnh và suy vong, nó là chòm sao phức tạp nhất.
Phát triển mở rộng khái niệm này thấy rằng, nhân loại chẳng phải là vật thể có sự sống phức tạp nhất trên thế giới hay sao?
Thiên Yết và loài người có quá nhiều điểm giống nhau, với bản tính là một nửa trong sáng và một nửa đen tối; chính vì thế mà rừng Bọ Cạp có mặt ở khắp nơi, chúng vẫn liên tục tồn tại từ thời cổ đến nay.
Nơi nào có người thì nơi đó có giang hồ; nơi nào có người thì nơi đó có rừng Bọ Cạp.
Quảng Châu, ngày 14 tháng 10 năm 2009
Thượng Quan Ngọ Dạ
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top