Chương 2 - Rừng sâu lạc lối
Thành phố trong đêm, những cơn gió lạnh ù ù thổi qua.
Những chiếc xe buýt lao nhanh trên đường.
Tôi chơi vơi bước đi không mục đích, đến tận 12 giờ rưỡi mới về nhà. Tôi không dám gọi di động vì tôi không biết mình nên giải thích thế nào với cha mẹ. Cha tôi còn đỡ, chứ mẹ tôi thì khác, tuy bà chưa gặp La Thiên lần nào nhưng bà rất phản cảm với anh. Phản cảm ngày càng tăng đồng thời với chuyện anh hết lần này đến lần khác thất hứa; bà luôn trách tôi "bất tài" nên mới tìm một anh cảnh sát chẳng ra gì.
Thực ra nguyên nhân chủ yếu chẳng qua chỉ là vì La Thiên kinh tế yếu, trong con mắt của mẹ tôi, cảnh sát là những anh nghèo kiết xác; bà luôn ước ao tôi sẽ lấy được người chồng giàu có.
Xem ra, làm cha làm mẹ thực không dễ gì?
Tôi rón rén mở cửa thật nhẹ. Vừa bước vào nhà, mẹ tôi đã khiến tôi hoảng sợ giật mình.
Đêm hôm khuya khoắt, bà đắp một cái "mặt nạ" trắng bóng, không bật đèn, ngồi trước màn hình ti-vi ánh sáng lập lòe hắt hiu, trông phát khiếp.
Tôi áp bàn tay lên ngực tự trấn tĩnh, bật đèn rồi thay dép lê. "Mẹ ơi, đêm khuya sao còn đắp mặt nạ? Khiến con sợ chết khiếp!"
Bà ngáp dài, rồi tắt ti-vi. Có vẻ như bà vừa ngủ một giấc trên ghế bành. Bà nguýt tôi một cái rồi uể oải nói: "Đúng thế đấy! Tôi muốn dọa cho cô tỉnh táo lại, nên tôi mới để mặt nạ cho đến bây giờ, nếu không, cô sẽ lại viện cớ gì đó rồi lủi vào luôn."
Mẹ tôi vừa nói vừa nhìn lên đồng hồ treo tường, rồi bà bất chợt đứng dậy như bị kim đâm vào mông, kêu lên: "Trời đất ơi gần 1 giờ đêm rồi! Tôi đã đắp hơn một tiếng đồng hồ! Chỉ tại ranh con nhà cô hại tôi, biết không? Lại đây ngồi, cấm đi đâu!" Rồi bà quay người đi vào toa-lét, miệng không ngớt lẩm bẩm: "Thế là tiêu rồi, tiêu rồi!"
Mẹ tôi rất thích làm đẹp, rất thích chăm sóc khuôn mặt, hễ nghe nói ở đâu bán thứ mỹ phẩm làm trắng da, trẻ hóa khuôn mặt, bà liền đi mua ngay, bất chấp tốn kém. Và cũng rất lan man vô định nữa: hôm nay đã mua một bộ của Lancome, ngày mai nghe nói mỹ phẩm của Shisedo tốt hơn, bà sẽ phăm phăm đi mua ngay Shisedo. Cho nên ở góc nhà luôn có đủ các loại kem dưỡng da đủ mọi nhãn mác, chất cao như núi, lọ thấp lọ cao nhấp nhô. Cha tôi trách mẹ tôi muốn "khuynh gia bại sản", mẹ tôi ấm ức, "chỉnh huấn" lại rằng ông muốn bà chóng già để ông có thể ra ngoài kiếm cô vợ bé, khiến cha tôi phát hoảng không dám lớn tiếng chỉ trích mẹ tôi nữa.
Kể từ đó mẹ tôi đàng hoàng đi trên con đường "khuynh gia bại sản", lần này chẳng rõ bà nghe ai nói mỹ phẩm làm mặt nạ "Tuyết phu tinh bào làm đẹp da trắng da" hiệu quả cực nhanh chóng, mẹ tôi lập tức mua luôn 5 chai, trong ngày hễ rỗi rãi là lấy ra "hành hạ" khuôn mặt. Kể ra thì, sau khi trải nhiều phen "tân trang" ít nhiều cũng có hiệu quả thật: da mặt bà không còn nếp nhăn, trông bà rất trẻ, chỉ như phụ nữ mới ngoài ba mươi tuổi.
Chỉ lát sau mẹ tôi đã trở lại phòng khách, ngồi xuống ghế, rồi không ngừng soi gương ngắm nghía. Sau đó bà ngoảnh sang, xáp khuôn mặt lại gần tôi, lo lắng hỏi: "Tiểu Yên, con nhìn xem da mặt mẹ có nổi đốm đỏ không? Có phải là bị dị ứng không? Mặt nạ chỉ được đắp 5 đến 10 phút, chỉ tại con, con về quá khuya, nên mẹ mới ngủ thiếp đi mất!"
Tôi quan sát tỉ mỉ khuôn mặt bà, rồi nói rất nghiêm túc: "Không! Da rất trắng, nhẵn bóng, mềm mại. Mẹ có nước da đẹp thật! Con sẽ học mẹ, sau này con cũng sẽ đắp mặt nạ như mẹ.
Nói rồi tôi đưa tay lên định sờ má bà, bà lập tức lùi lại, kêu lên: "Đừng đụng vào! Tay con dính không biết bao nhiêu là vi khuẩn đấy!" Sau khi soi gương hồi lâu, mẹ tôi đặt chân lên bàn, rồi bắt đầu tỉ mỉ sơn móng.
Tôi ngồi nhích lại gần, tươi cười nói: "Mẹ à, màu sơn này quá đẹp. Sơn rồi, sẽ càng nổi bật bàn chân trắng trẻo của mẹ."
Mẹ tôi chẳng bận tâm mấy câu tâng bốc của tôi, cũng chẳng thiết ngẩng đầu, nói: "Đừng tưởng khéo lấy lòng mẹ, mẹ sẽ không nói con! Biết không: mẹ đã cá với cha con rằng, chắc chắn hôm nay con vẫn không mời nổi thám tử họ La! Cha con không tin, nói là lần này anh chàng nhất định sẽ đến. Thế nào? Có đến hay không? Anh ta là đấng tối cao, còn cao hơn cả đấng tối cao! Muốn người ta phải đem kiệu đến rước chắc?"
"Chúng con vốn định đến..." tôi nhỏ nhẹ tiếp lời.
"Vốn định đến? Vậy thì lần nào mới mời nổi anh ta?" Mẹ tôi phát cáu, đặt lọ sơn sang bên cạnh, càu nhàu hậm hực: "Mẹ biết, nguwoif ta rất bận, người ta là thám tử siêu hạng! Nhưng bận gì thì bận, cũng phải dành chút thời gian đến gặp mẹ gặp cha con chứ? Không thể bứt ra ít phút, thế là sao? Thực chất là nó chẳng coi cha mẹ con là gì! Thế mà con còn bênh nó, còn tắt cả di động! Sao con lại ngớ ngẩn như thế?"
Tôi cúi đầu im lặng, và thầm trách mình lẽ ra không nên hấp tấp đi gặp Đoàn Chính Dương và Đồng Tú Lệ, nếu không... và, lại còn một lô quà bánh kia nữa, La Thiên đã phải tốn kém không ít. Nhưng tôi không dám kể cho mẹ nghe về chuyện mấy túi quà ấy, dù nói ra thì bà cũng không tin và còn cho rằng tôi lại bên La Thiên.
Thấy mặt mũi tôi tiu nghỉu, bà mới nhỏ nhẹ từ tốn hơn: "Tiểu Yên, mẹ nói con chỉ vì muốn tốt cho con thôi. Lấy anh cảnh sát quèn, thì có triển vọng gì? Vừa không tiền vừa nguy hiểm, bọn tội phảm đều là những đứa liều lĩnh, có đứa bắt cóc cả người yêu của cảnh sát! Hễ không cẩn thận là mất mạng luôn. Ngày ngày nghe tin thời sự, mẹ cứ luôn nơm nớp chỉ sợ con gặp bất trắc. Cha con không nói gì nhưng thực ra ông ấy rất không muốn con giao du với cảnh sát. Nay con đã lớ khôn, đã biết nghĩ rồi; cha mẹ không phản đối con tự do hôn nhân nhưng con cũng không nên tùy tiện dễ dãi. Chẳng lẽ con không nhận ra anh ta chẳng coi con là gì ư?
Anh ta không chân thành coi con là bạn gái, nếu không tại sao đã mấy lần gọi rồi mà anh ta không đến? Đời người con gái, cần những gì? Không cần anh ta sẵn tiền bạc thì cũng cần anh ta phải đối xử tốt với con. Mẹ đã từng trải hiểu cả rồi, bây giờ con còn không bào được anh ta thì mai kia lấy nhau rồi..."
"Kìa, mẹ..." Thấy mẹ tôi càng nói càng lan man tôi vội ngắt lời bà rồi tôi ngồi sát lại, thân thiết ôm choàng hai vai bà. "Con vẫn còn trẻ, con chưa muốn sớm kết hôn; chỉ xin mẹ là bề trên hãy độ lượng, đừng giận La Thiên. Anh ấy đâu dám coi thường mẹ và cha con. Anh ấy luôn nói rất tốt về cha mẹ. Lần này anh ấy thật sự rất muốn đến nhà ta, đã đi đến sân rồi... chỉ tại con... À, mẹ có nhớ Tô Tuyết không?"
"Tô Tuyết nào? Con định đánh trống lảng chứ gì?"
"Không! Tô Tuyết là con gái bác Tô ở cạnh nhà ta ngày trước, chị ấy đã từng ẵm bế con, mẹ thường khen chị ấy rất xinh. Mẹ còn nhớ không?"
"À, mẹ nhớ ra rồi. Bác Tô thích nói khoác! Bác ấy thường mặc chiếc áo bông rách, thắt lưng giắt cái tẩu thuốc lá rất dài; chẳng rõ kiếm đâu ra một bức thư viết chữ phồn thể*, gặp ai cũng giở ra khoe rằng đây là thư của họ hàng sống ở Đài Loan gửi cho mình. Tô Tuyết của nhà ấy là cô gái rất xinh, có hàng tá người tranh nhau đến hỏi cô ta làm vợ nhưng bác Tô không ưng ai cả, nói là muốn gả Tô Tuyết sang Đài Loan làm vợ nhà giàu. Sau lưng còn ccó khối chuyện cười chế nhạo bác ấy. Đã mười mấy năm trời, sao bỗng dưng con lại nhắc đến Tô Tuyết? Con gặp họ à? Nghe nói họ đã sang Đài Loan với bà con họ hàng kia mà?"
*chính phủ Trung Quốc công bố gần 2.000 chứ Hán đã được bớt nét cho dễ học, gọi là chữ giản thể; đối lập với nó là gần 2.000 chữ Hán (ấy) chưa được lược bớt nét, gọi là chữ phồn thể. Chữ phồn thể vẫn thông dụng ở Đài Loan và một số khu vực khác trên thế giới.
Tôi thở dài, nói: "Con nhìn thấy Tô Tuyết, tiếc rằng chị ấy đã chết; còn bác Tô thì đã qua đời trước đó ít năm." Tôi kể lại với mẹ về vụ án Tô Tuyết và cuộc gặp gỡ với Đoàn Chính Dương và Đồng Tú Lệ, nhưng tôi bỏ qua chi tiết Tô Tuyết đã từng gọi điện cho tôi kẻo mẹ tôi sẽ lo lắng.
Tôi vừa nói xong thì mẹ tôi tròn mắt, rồi sờ trán tôi: "Con có bị sốt cao ấm đầu không đấy? Con định đón thằng bé về nhà ta ư? Nó là con trai của kẻ giết người."
"Nó là đứa trẻ vô tội, nó mới 7 tuổi, có biết gì đâu. Huống chi, chưa chắc Đoàn Chính Dương là hung thủ. Lôi Lôi rất đáng thương, bỗng nhiên không còn cha mẹ, cũng chẳng có ai là thân thích. Đồng Tú Lệ thì đối xử với nó không tốt. Dù sao nó cũng là cháu ngoại của bác Tô..."
"Nhưng nó đâu phải cháu ngoại của mẹ? Vả lại, nhà ta và bác Tô không phải họ hàng; và, dù có là họ hàng, hễ gặp chuyện như thế thì ai chẳng tránh cho xa? Nó đáng thương chứ gì? Nhưng ngoài phố kia còn có vô số người già trẻ em vô gia cư, con cứ đưa về nuôi thì tốt! Con nghĩ mình là chúa cứu thế hay sao?"
"Con đang muốn bàn với mẹ..."
"Chuyện này miễn bàn! Mẹ nhất định không bằng lòng!" bà ngắt lời tôi, rồi đứng dậy. "Con đừng nên suốt ngày ở nhà chẳng làm việc gì cả. Liệu mà đi xin việc! Nhàn rỗi quá, đầu óc sẽ mụ đi, sẽ sinh bệnh! Cứ cả ngày chơi trò trang trại, địa chủ này nọ coi chừng mẹ sẽ đập bỏ máy tính cho mà xem!"
Nói rồi bà rảo bước vào phòng. Lát sau bà là thò đầu ra, giọng cứng đanh như ra lệnh: "Ngày mai không được đi đâu hết. Cô Phương ở tầng dưới sẽ giới thiệu cho con một đám, anh ta là tiến sĩ học ở Anh quốc trở về, tuổi hơi cao một chút, 34 tuổi, nhưng nhà họ rất giàu. Mẹ đã xem ảnh rồi, trông cũng ưa nhìn, trang nhã. Đã hẹn rồi: 2 giờ rưỡi chiều mai gặp. Con nhớ ăn mặc cho đẹp một chút, trông cho ra dáng một cô gái, đừng nhắng nhít như con rồ nữa! Người ta là kiều bào!"
Nghe xong, tôi "vui" luôn: "Kiều bào chẳng là gì nữa rồi, mốt hiện nay là "chú rể kinh tế được việc"."
Mẹ tôi hơi ngớ ra, rồi hỏi: "Kinh tế được việc là gì?"
"Chú rể kinh tế được việc... tức là, các cô gái thường nầm mơ tìm được bạch mã, nào ngờ mở mắt ra thì thấy tất cả toàn là những con lừa đen sì, sau khi hết cơn thất vọng đau đớn, họ đành tìm trong đàn lừa ấy một con lừa béo tốt có sức vóc nhất, con lừa như thế được gọi là chú rể kinh tế được việc."
"Con cứ yên tâm, hiện nay kiều bào chính là bạch mã thì cũng là vương gia bạch mã!"
"Mẹ ạ, mẹ cứ ra phố nghe ngóng, là sẽ tóm được ngay một người là kiều bào, không phải từ Mỹ về thì là từ Anh về. Vả lại, con mới 20 tuổi mẹ đã sốt ruột muốn gả con đi, và còn chọn cho con một anh già như thế? Nếu thêm vài tuổi nữa thì con có thể gọi anh ta là cha đấy!"
"Thôi đi cô! Ăn nói chẳng đứng đắn gì cả!" Mẹ tôi phát cáu. "Già một chút thì sao? Già một chút mới biết quan tâm gia đình, mới biết thương yêu vợ. Nếu mẹ không sốt sắng tìm đối tác cho con thì con chỉ mải lao vào anh chàng cảnh sát vớ vẩn kia. Con ưng anh chàng điển trai, sau này con sẽ..."
"La Thiên không đẹp trai..." Tôi lí nhí nói.
"Không đẹp trai, mà có thể mê hoặc con như thế hay sao?"
"Mẹ còn chưa gặp anh ấy, mẹ nói thế thì vô đoán quá."
"Không cần gặp nó, mẹ cũng biết nó đẹp trai!" Rồi "rầm" một tiếng, mẹ tôi sập cửa lại. Xem ra, bà có thành kiến vớ La Thiên nặng nề, trưa mai tôi phải kéo anh ấy đến nhà tôi bằng được mới yên.
Nằm trên giường tôi giở mình trằn trọc mãi, không sao ngủ được, đầu óc toàn nghĩ những chuyện về Đoàn Chính Dương trốn khỏi trại giam; sao anh ta lại bỏ trốn? Nếu không phải là hung thủ, thì tại sao phải bỏ trốn? Mai kia sẽ cứng lưỡi không sao biện bạch được.
Nghĩ ngợi một hồi lâu, tôi quyết định gọi điện cho La thiên để hỏi xem tình hình bên anh ấy ra sao, nào ngờ tổng đài cho biết "thuê bao đang tắt máy".
Khi nghe câu này tôi ngỡ mình nghe nhầm, hoặc là mạng trục trặc. Vì kể từ ngày tôi quen La Thiên đến nay, anh ấy chưa bao giờ tắt máy cả. Anh từng nói với tôi: là cảnh sát, thì bất cứ lúc nào cũng có thể có nhiệm vụ, dù có việc khẩn cấp nên không thể nghe máy thì anh cũng đặt nó một bên hoặc cho vào ngăn kéo...
Khi đã biết đúng là anh ấy tắt may, tôi bỗng thoáng một cảm giác bất an. La Thiên gặp phải chuyện gì chăng?
Cứ thế nghĩ ngợi lung tung rất lâu, cảm giác bất an mỗi lúc một rõ rệt. Tôi đành cố làm một việc gì đó để tự phân tán nỗi lo lắng về La Thiên.
Bật máy tính, mở Google tìm kiếm "Dương lệnh công tràng bi".
La Thiên nói phát hiện thấy ở hiện trường một bức tranh tô màu "Dương lệnh công tràng bi", tưởng là do bé Đoàn Lôi vẽ; về sau đến nhà Đồng Tú Lệ mới biết Đoàn Lôi mắc chứng mù màu bẩm sinh, thì tranh ấy đương nhiên không phải nó vẽ, vậy có thể là ai vẽ?
Chỉ lát sau tôi đã tìm thấy các tư liệu liên quan. Danh tướng Dương Nghiệp thời Tống bị gian thần hãm hại, nên bại trận trên sa mạc nước Kim, toàn quân bị tiêu diệt, không còn lối thoát, bị đối phương ép phải đập đầu vào bia Lý Lăng tự tử...
Đọc xong, tôi thấy hoang mang. Bức tranh để ở hiện trường, có nghĩa là gì?
Tôi thận trọng đọc lại mấy lần. "Không còn lối thoát, bị đối phương ép phải đập đầu vào tấm bia Lý Lăng tự tử..."
Đọc mãi đọc mãi, tôi chỉ cảm thấy huyết dịch trong người rần rật chạy lên tận đỉnh đầu. Chẳng lẽ bức tranh ấy là do Tô Tuyết vẽ?
Chị ấy tự tử hay sao?
Tôi bất chợt thấy hồi hộp tim đập nhanh như điên, cứ như sắp nhảnh ra khỏi lồng ngực.
Sao Tô Tuyết có thể tự tử? Ở hiện trường không hề có hung khí, chị ấy có thể chặt đầu mình xong thì hủy bỏ hung khí hay sao?
Không thể! Không thể làm nổi chuyện đó!
Được, cứ tạm giả thiết rằng Tô Tuyết làm được chuyện như thế, nhưng tại sao chị ấy phải dùng cách đó để tự tử? Làm thế nào để cho cảnh sát nghi ngờ Đoàn Chính Dương là thủ phạm sát nhân? Nếu kết luận Đoàn Chính dương phạm tội ác đó thì anh ta sẽ bị xử tử...
Hay là, không phải Tô Tuyết chỉ đơn thuần tự tử, mục đích cuối cùng của chị là bắt Đoàn Chính Dương phải chết?
Nhưng, tại sao phải như thế? Tôi bóp đầu bóp trán suy nghĩ, nếu Tô Tuyết muốn cùng chết với Đoàn Chính Dương, thì chỉ ấy có thể dùng thuốc độc hoặc mở vòi gas. Có rất nhiều cách để chết, cần gì phải bắt mình đầu một nơi xác một nẻo? Và, giả sử chị ấy định hại Đoàn Chính Dương thì tại sao phải để lại bức tranh ở hiện trường ám chỉ rằng mình tự tử?
Giả sử bức tranh ấy đúng là Tô Tuyết để lại... thì tức là Tô Tuyết đã nung nấu ý định này và ngầm lên kế hoặc từ lâu, vì Tô Tuyết biết rằng một khi cảnh sát vào cuộc thì chắc chắn sẽ phát hiện ra bé Đoàn Lôi bị mù màu, từ đó sẽ nghi ngờ bức tranh.
Cũng tức là nói rằng, đây là một vụ tự sát đã được lên kế hoạch rất tỉ mỉ.
Giả sử đúng là như thế, thì Đoàn Chính Dương không phải hung thủ, vô tội, sẽ được thả về. Vậy thì, thực ra Tô Tuyết muốn Đoàn Chính Dương chết hay không muốn Đoàn Chính Dương chết?
Không đúng! Tôi lại nghĩ đến một khả năng khác. Không phải Tô Tuyết mà là Đoàn Chính Dương đã để lại bức tranh ấy. Tô Tuyết bị anh ta giết, rồi anh ta dùng bức tranh ấy để đánh lạc hướng cảnh sát, và anh ta sẽ thoát tội.
Nghĩ đi nghĩ lại mãi, tôi cảm thấy khả năng này là lớn nhất, nếu không, tôi không sao hiểu nổi Tô Tuyết phải làm thế nào để tự tử xong rồi sẽ hủy hung khí.
Nếu Đoàn Chính Dương là hung thủ, thì chuyện anh ta "vượt ngục" sẽ dễ dàng giải thích: chắc chắn là vì lo âm mưu của mình sớm muộn gì cũng bị vạch trần.
Dù tôi không nghĩ ra anh ta đã trốn khỏi trại giam như thế nào.
Tôi lại gọi điện cho La Thiên, vẫn tắt máy.
Hẫng hụt, trống trải. Hình như có một bàn tay thò vào lồng cực tôi tháo quả tim ra.
Đêm nay dài dằng dặc, trống vắng khiến tôi thấp thỏm bất an.
Tờ mờ sáng, tôi đã vội vã ra khỏi nhà, vẫy taxi phóng thẳng đến sở công an.
Chú Trương trực ban nói là La Thiên từ sau buổi chiều hôm qua đến giờ vẫn chưa về, và còn nói đêm qua mọi người đều tìm La Thiên nhưng di động của anh luôn tắt máy.
Chú Trương rất lấy làm lạ, nói: "Cô cũng không tìm thấy sếp La Thiên à? Kỳ lạ thật, cậu ấy đi đâu? La Thiên là con người có tinh thần trách nhiệm rất cao, không thể lẳng lặng mà đi như thế. Có lẽ cậu áy gặp chuyện gì đó cũng nên."
Nghe đến đây tôi suýt bật khóc, vội bước đi ngay không kịp chào chú Trương một câu, vì tôi sợ mình sẽ trào nước mắt trước mặt chú. Tôi quá sốt ruột, tôi phải chạy ngay đến phòng ở của anh ấy.
Sẽ chỉ là vô ích, tôi biết. Người của sở công an còn không tìm thấy La Thiên, chắc họ đã đến đây tìm từ lâu rồi.
Nhưng tôi vẫn gõ cửa thật mạnh và không ngớt gọi tên anh.
Gọi mãi, đánh động con chó của hàng xóm, nó sủa ầm cả lên; rồi chủ nhân của nó chạy ra lớn tiếng mắng một câu, cũng chẳng rõ ông ta mắng con chó hay là mắng tôi.
Tôi không dám gọi nữa, ngồi phệt xuống bên cửa sắt, không sao cầm được nước mắt, tôi vùi đầu vào hai đầu gối khóc thút thít.
La Thiên, anh đang ở đâu?
Đúng như chú Trương nói, La Thiên là người rất có tinh thần trách nhiệm, không thể lẳng lặng mà đi mất hút, chắc anh ấy đã gặp phải chuyện gì đó.
Gặp phải chuyện gì? Tôi càng nghĩ càng thấy sợ. Tôi lần lượt gọi điện hỏi các bạn thân quen, nhưng ai cũng nói không gặp La Thiên. Anh cứ bỗng dưng biến mất khỏi thế giới này.
Đồng nghiệp của La Thiên và cũng là bạn rất thân của anh, là Lưu Dương, nói qua điện thoại an ủi tôi, nói rằng không thế xảy ra chuyện gì với La Thiên cả, bảo tôi đừng sốt ruột, mọi người sẽ nhanh chóng tìm thấy anh ấy...
Tôi lại ngồi xuống đất, rất mệt mỏi thu mình ở cửa, đầu óc rối bời hỗn loạn, cảm giác bất lực không ngớt ập đến xâm chiếm tôi.
Tôi cứ thế ngồi mãi không biết bao nhiêu lâu, cũng không nhớ mình đã gọi điện cho La Thiên bao nhiêu lần và bao nhiêu lần phải nghe cái câu "thuê bao đang tắt máy".
Cảm giác sợ hãi và hoang mang chưa từng có, bao vây tôi.
Trời đã sáng hẳn, tôi như một đứ trẻ vô gia cư ngồi co ro ở hành lang ngột ngạt nóng bức.
Thế rồi, bên tai tôi dần dần vang lên tiếng nhạc từ đâu đó vọng lại. Là bài hát "Bạn ơi đừng khóc" của Lã Phương.
Liệu có hay không, một tình yêu.
Có thể giúp bạn không bị đau thương.
Năm tháng ngưng tụ bao tâm tình cùng bạn
Có thứ rượu nào say không bao giờ tỉnh
Có nỗi đau nào bạn chẳng thể quên
Đã dẫn bước đi lên, ta không thể ngoái đầu.
Bạn ơi đùng khóc, tôi vẫn là mái ấm của tâm hồn bạn
Bạn ơi đừng khóc, hãy vững tin ở con đường ta đã chọn
Chốn hồng trần có quá nhiều khát vọng
Say đắm, hoang mang.
Bạn khóc hoài, tôi xúc động xốn xang...
Tôi ngủ lịm đi từ lúc nào không biết giữa tiếng hát đầy sức hút và pha chút thương cảm.
Tôi nhìn thấy La Thiên rõ mồn một, thì ra anh không hề biến mất, không hề đi đâu cả, anh đứng ngay trước mặt tôi và tươi cười nhìn tôi; cũng như mọi ngày, anh sờ lên mũi tôi và lau nước mắt cho tôi...
Cho đến khi có người lay tôi tỉnh dậy, tôi mới nhận ra đây chỉ là giấc mơ trong thoáng chốc.
Trước mặt tôi là một bà cụ già hiền từ, bà cúi xuống khẽ lay tôi, nói: "Cháu à, sao cháu lại ngủ ở đây?"
Tôi hoang mang nhìn bà, không biết nói dối ra sao.
"Trời nóng quá, cháu vào nhà tôi uống nước đi."
"Dạ, thôi ạ! Cảm ơn bà." Tôi tiu nghỉu đứng lên.
"Đừng ngủ ở đây, dễ bị cảm nắng đấy!" Nói rồi bà quay người và bước lên lầu. Lúc này tôi mới nhận ra chân bà hơi không bình thường, tay trái xách cái làn chất đầy các thứ vật dụng sinh hoạt, tay phải chống gậy, bước lên cầu thang rất chật vật, hình như sắp bị ngã đến nơi.
Tôi vội chay lên đỡ bà, cầm lấy cái làn, hỏi bà ở tầng mấy.
Bà nói là tầng 8, tôi ngạc nhiên há mồm trợn tròn mắt. "Tầng 8? Các con của bà đâu, sao bà phải xuống dưới nhà mua sắm?"
Bà già mỉm cười, vừa gắp bước lên bậc thang vừa bình tĩnh trả lời tôi: "Chúng nó đều bận đi làm, tôi không muốn chỉ nằm một chỗ để chúng hầu hạ. Già rồi, chẳng giúp được gì cho chúng, chỉ có thể hàng ngày xuống dưới nhà mua vài thứ. Hiện giờ vẫn còn đi lại được, nếu không vận động một chút thì thân già sẽ nhão ra mất. Đi mua sắm, coi như rèn luyện thân thể..."
Rồi bà chợt dừng bước, chắc là thấm mệt, mặt bà lấm tấm mồ hôi, áo cũng thấm ướt; đuối sức mệt nhọc chứ không chỉ là "vận động một chút" như bà nói. Nhưng sắc mặt bà vẫn rất bình thản, kiên định; ánh nắng sớm mai soi vào khuôn mặt đầy nếp nhăn của bà tươi tắn rực rỡ, hẳn là hồi trẻ bà rất đẹp.
Tôi bỗng xốn xang xúc động. Chắc bà đã ngoài 80 tuổi, phải chống gậy, hàng ngày đi xuống đi lên 8 tầng gác...
Có thể tưởng tượng ra con cái bà cụ không hết lòng chăm sóc mẹ, nếu không, bà cụ đâu phải hàng ngày chạy lên chạy xuống như thế này? Đâu có thể không biết mỗi bước đi run rẩy của bà chứa đựng bao nghị lực và nhẫn nại to lớn? Thế mà bà vẫn luôn nghĩ cho con cai, không muốn trở thành gánh nặng cho họ, bà vẫn tự an ủi mình và không hề oán trách họ.
Trong phút chốc, mối lo lắng của tôi về La Thiên bỗng tan biến, có lẽ anh đang có nhiệm vụ bí mật cũng nên? Đúng thế, tôi không nên chỉ nghĩ đến những khả năng xấu. Ở hiền gặp lành, ông trời có mắt. Bà cụ này như vậy, thì La Thiên cũng như vậy.
"Nhiệm vụ bí mật à?"
"Đúng! Anh có biết không?" Lúc xuống cầu thang, tôi gọi điện cho Lưu Dương.
"Điều này..." Lưu Dương đang do dự, nói lấp lửng. "Đã là nhiệm vụ bí mật... thì chắc chắn là bí mật rồi."
Khi tôi hỏi có phải nhiệm vụ ấy liên quan đến vụ bỏ trốn của Đoàn Chính Dương không, Lưu Dương trả lời càng mơ hồ, chắc chắn là không tiện nói cho tôi biết. Tôi đành kết thúc cuộc đối thoại, rồi đi đến trường tiểu học thực nghiệm. Sau khi bỏ trốn, có lẽ Đoàn Chính Dương phải tìm cách gặp cậu con trai.
Cô giáo chủ nhiệm lớp nói hôm nay Đoàn Lôi không đi học. Rõ ràng là cô không biết gia đình thằng bé xảy ra chuyện, cô trách móc tại sao phụ huynh không xin phép nghỉ cho con; và còn nói gần đây Đoàn Lôi ở trên lớp không chú ý nghe giảng, rất hay lơ đễnh, kết quả học tập của nó vốn đã yếu, lầm bài thi thử vừa qua thì "đội" sổ, cứ đà này thì chắc chắn nó bị lưu ban. Cô còn nói mình chuẩn bị đến thăm gia đình Đoàn Lôi.
Nghe cách nói của cô, cứ như tôi là mẹ của Đoàn Lôi, tôi không chăm sóc dạy bảo con đến nơi.
Chẳng có thời gian để nghe cô thuyết giảng liên hồi, tôi vội viện cớ để cáo lui, rồi đi tìm Cường Cường con trai của Đồng Tú Lệ. Nó cũng nói mình không nhìn thấy Đoàn Lôi, hỏi thêm mấy câu, tôi mới biết: tối qua, không lâu sau khi tôi và La Thiên rời khỏi nhà Đồng Tú Lệ, thì Đoàn Lôi đã phá vỡ robot "Kim cương biến hình" của Cường Cường tan tành; nó bị Đồng Tú Lệ đánh đòn, rồi nó vừa khóc vừa chạy ra khỏi nhà, cho đến giờ vẫn không thấy bóng dáng nó đâu.
Tôi đi đến công ty quảng cao Phi Tường tìm Đồng Tú Lệ, hỏi tại sao chị không đi tìm Đoàn Lôi. Đồng Tú Lệ mắt trợn tròn to như mắt trâu, cất giọng rin rít chói tai: "Tôi đã tìm rồi, tìm suốt buổi tối mà không thấy, thì tôi còn cách gì khác? Ban ngày tôi còn phải đi làm... Tôi chỉ nói nó mấy câu, nào ngờ tính khí nó rắn như thế. Cô biết không: bộ robot Kim cương biến hình là món quà ngày 1-6 tôi còn nợ thằng con tra, sáng hôm qua mới mua về thì đến tối đã bị thằng quỷ sứ ấy phá hỏng, cô xem, có tức hay không chứ?"
Tôi ngán ngẩm nhìn chị ta. Vừa nãy đến trường tiểu học, cường Cường nói Đồng Tú Lệ đánh Đoàn Lôi một trận nên thân, bây giờ đến đây, lại biến thành "tôi chỉ nói nó mấy câu"! Tôi chẳng thiết nói toạc ra rằng chị nói dối, và tôi cũng biết tối qua chị ta không hề đi tìm Đoàn Lôi, chị ta vốn đã coi nó như một gánh nặng, lúc này vừa khéo để chị ta rũ bỏ và chắc chắn rất mong Đoàn Lôi đừng quay lại nữa.
Tôi cảm thấy Đồng Tú Lệ thật ít tình người. Đoàn Lôi còn bé như thế, chị ta không hề lo nó sẽ gặp bất trắc hay sao?
Tôi quyết định nói cho Đồng Tú Lệ biết chuyện Đoàn Chính Dương đã trốn trại: "Đoàn Chính Dương đã trốn khỏi trại giam, chắn chắn anh ta sẽ đến tìm chị để đòi đứa con trai."
Đồng Tú Lệ chợt biến sắc, sợ hãi kêu lên và đưa tay che miệng.
Cái tin này khiến chị ta quá sợ, tôi nghĩ vậy, và có phần "hả dạ".
Rồi tôi tìm đến nhà Đoàn Chính Dương. Bé Đoàn Lôi không có người học hang thân thích, ở nhà Đồng Tú lệ bị nạt nộ, thì đương nhiên nó sẽ quay về nhà mình.
Nhưng tôi ấn chuông đến đau cả tay cũng không thấy ai ra mở cửa. Chắc thằng bé không có ở đây.
Trung tâm giải trí, sân chơi nhi đồng, vườn bách thú, thế giới sinh vật biển... tôi chạy đến mọi nơi trong thành phố S – những nơi thằng bé có thể đến – nhưng không hề có kết quả.
Cũng giống như La Thiên, chỉ sau một đêm nó đã tan biến khỏi thế giới này, mất tăm mất tích.
Tôi ngồi trong góc một quán bar, gọi một lô bia, uống hết cốc này đến cốc khác; chưa bao giờ tôi thấy mệt mỏi và bất lực như lúc này. Có lẽ Đoàn lôi được cha là Đoàn Chính Dương đưa đi, còn La Thiên thì sao? Anh ấy bị ai đưa đi?
Trên sân khấu tròn của quán bar, một ca sĩ trẻ đang say sưa hát bài "Hôm ấy" do Dương Khôn biểu diễn, mô phỏng hết sức giống; nếu không nhìn anh ta đang hát, thính giả sẽ tưởng là đang mở đĩa xịn.
Chắc không đến nỗi là hát nhép? Tôi hơi chuyến choáng men say, thầm nghĩ.
Tôi đăm đăm nhìn màn đêm ngoài kia qua cửa kinh, thời gian vẫn từng giâu từng phút lặng lẽ trôi đi.
Trong tiếng hát huyền ảo, màn đêm trên thành phố muôn mày kỳ dị trở nên rối bời hỗn loạn.
Đây là bề mặt phù hoa lấp lánh, đây là thời đại của chúng tôi.
Di động rung lên thật không đúng lúc, tôi mở ra xem. Mẹ tôi gọi. Hôm nay bà đã nhiều lần gọi tôi, tôi không nghe máy, bà bèn nhắn tin, nói rằng tôi không chịu nghe lời, cố ý làm trái ý mẹ, nếu vẫn tiếp tục không nghe điện thoại, khi nào về nhà bà sẽ lột da tôi.
Quá nhiều lượng cồn thấm vào người khiến tôi nóng mặt, tôi ấn nút "nghe", rồi hùng hổ phủ đầu nói luôn: "Không thấy La Thiên đâu, Lôi Lôi cũng mất hút. Bây giờ mẹ hài lòng chưa? Mẹ đừng chì chiết con, chuyện của con không cần mẹ kiểm soát!"
Rồi tôi dập máy, gục đầu xuống bàn, bưng mặt khóc nức nở.
Anh chàng ca sĩ vẫn đang hát: "Ngày hôm đó, hôm đó anh mất em; Như đứa trẻ bị mất thứ đồ chơi ưa thích..."
Tiếng hát buồn thương da diết thấm vào nơi mềm yếu nhất trong lòng tôi, tôi đớn đau nghẹn thở.
Chẳng rõ bao lâu sau, tôi thấp thoáng nhìn thấy La Thiên đang mỉm cười bước về phía tôi, vẫn ánh sáng đèn bảy màu bao bọc quanh anh, như đang trong cõi mộng.
Có đúng là La Thiên không? Tôi há miệng mấp máy nhưng không thể phát ra một âm thanh nào, cổ họng như có đám lửa đang bốc cháy.
La Thiên, La Thiên...
Tôi chơi vơi, lắc lư đứng lên. Nào ngờ vừa bước đi một bước, tôi đã ngã vật ra, rượu say, bất tỉnh.
Đầu nhức như bủa bổ, toàn thân tôi giần giật đau nhói từng cơn, hình như bị một thứ gì đó chốc chốc lại đập vào người tôi.
Là chuyện gì thế này? Mí mắt tôi động đậy, chưa kịp mở mắt ra thì cánh tay tôi lại bị một thứ gì đó đập mạnh khiến tôi tỉnh hẳn. Bên tai vang lên âm thanh "rít rít" của một vật không rõ là thứ gì.
Tôi khẽ xoay cổ, đập vào mắt tôi trước tiên là một vầng cành lá rộng lớn, ánh nắng chói mắt bị xé ra thành vô số mảnh nhỏ đang nhấp nháy lấp lánh như vẩy cá.
Đây là nơi nào? Có phải tôi đang nằm mơ không?
Khi đầu óc vừa nghĩ đến hai chữ "nằm mơ" thì tôi lại bị đập một nhát, lần này tạt thẳng vào má bên trái, đau rát, khiến tôi rất tức giận. Nhưng khi nghiêng đầu sang nhìn thì tôi hoàn toàn kinh ngạc đờ đẫn, miệng cũng há hốc thành hình chữ o.
Trong phạm vi tầm mắt tôi nhìn thấy, là một vật gì đó mọc đầy lông lá.
Nó òa vào mặt tôi, sau đó nó phát ra âm thanh "chí chí" rồi loáng một cái nó biến mất luôn.
Có phải vừa nãy nó cầm thứ gì đó đập vào tôi không?
Khi tôi nghĩ ra rằng đó là một con khỉ, tôi hít thật sâu một làn khí lạnh, bản năng mách bảo tôi phải đi khỏi đây ngay, nào ngờ vừa mới trở mình thì tôi bị hẫng, tôi hét lên và rơi xuống bên dưới, cả người rơi thật mạnh xuống mặt đất, đau quá chảy cả nước mắt.
Lúc đang bị rơi, tay tôi khua lung tung cho nên bị vật cản rạch đứt một đường, máu tươi lập tức rỉ ra.
Tôi vừa nhăn nhó rên rỉ vừa ngẩng lên nhìn, lúc này mới nhận ra mình vừa từ trên một cái cây ngã xuống. May sao cây không cao lắm, nếu không tôi đã bỏ mạng rồi.
Không ổn! Tại sao tôi lại ngủ trên cây? Đây là nơi nào?
Tôi đang băn khoăn thì một giọng nam thô nháp rót truyền đến tai tôi: "Kìa! Chỗ kia hình như có người."
Đầu tôi nóng ran, không nghĩ gì nữa, tôi co cẳng bỏ chạy, xung quanh tôi toàn là cây cối um tùm dày đặc...
Không đúng! Chắc là tôi đang nằm mơ! Sao tôi lại mơ đến cảnh trong rừng rậm?
Giọng nam kia lại vang lên: "Đúng là có người! Mau đuổi theo! Đừng chạy nữa... Cô đứng lại!"
Mau đuổi theo? Tức là đối phương không chỉ có một người. Tôi sợ hết hồn, ra sức mà chạy, vừa chạy vừa cầu xin: xin trời hãy rủ lòng từ bi, giúp con tỉnh trở lại, giấc mơ này không ra sao cả!
Bọn họ đuổi theo mỗi lúc một gần, tôi đã nghe thấy tiếng bước chân của họ và cả những tiếng hô như của hung thần ác sát nữa.
Khi tôi ngoảnh lại thì mắt cá chân tôi bỗng nhói đau rồi tôi ngã ngửa ra sau, không có một giây để kịp suy nghĩ gì, tôi đã bị treo lửng lơ trên không, đầu chúc xuống xuống đất. Tôi kêu thét lên thật đáng buồn: "Ôi... cứu tôi với!"
Nhưng giấc mơ đáng sợ này lại thật đến mức khiến tôi nghi hoặc, tôi bất giác òa khóc.
Chỉ lát sau, tôi đã nhìn thấy ba người, hai nam và một đứa trẻ con.
Một trong hai nam giới là anh chàng mặc áo xanh, thấy cảnh ngộ của tôi lúc này, anh ta bật cười ha hả, vẻ khoái trá hả hê ra mặt: "Nhóc con còn định chạy nữa không? Định chạy đi đâu chứ?"
Bị treo ngược, máu trong người tôi dồn xuống đầu, tôi thấy khó thở, mặt và mắt căng phồng đau nhức, nhất là đôi mắt tôi hình như muốn lồi ra khỏi hốc mắt. Tôi nước mắt nước mũi giàn giụa, van nài họ: "Cứu tôi với! Tôi sẽ không chạy nữa! Tha tôi xuống đi! Tôi xin các người cứu tôi với..."
Anh chàng mặc áo xanh hỏi: "Cô là ai? Tại sao lại có mặt ở đây?" Giọng nghiêm nghị cứng nhắc như đang thẩm vấn phạm nhân.
Nghe xong tôi càng khóc to hơn: "Tôi cũng không biết. Tôi đang ngủ mê phải không? Xin các anh thả tôi xuống đi, tôi sắp chết đến nơi... hu hu..."
Bọn họ vẫn đứng đó chẳng hề động lòng, mặc kệ tôi khóc nài nỉ.
Cho đến lúc thằng bé con nói một câu: "Các chú thả cô ấy xuống đi! Hình như cháu biết cô ấy." Thì bọn họ mới hạ tôi xuống. "Huỵch" một tiếng, đầu tôi va phải mặt đất, đau điếng, tôi nảy đom đóm mắt.
Anh áo xanh hỏi: "Cô ta là ai?"
Thằng bé nói: "Cháu... cháu không biết."
Anh ta phát cáu: "Không biết, mà mày lại bảo chúng tao hạ cô ta xuống? Có muốn bị ăn đòn không hả?"
Thằng bé ấm ức nới: "Hình như cháu biết cô ấy, nhưng cháu lại không biết cô ấy là ai."
Tôi cố gượng ngồi dậy, rồi cởi sợi dây thừng đang thắt vào chân tôi. Tôi vừa xoa nắn đầu, gáy vừa nhìn họ; tôi vẫn chưa hết sợ hãi.
Chuyện gì đây? Họ là ai? Có phải tôi đang nằm mơ không?
Khi ánh mắt tôi dừng trên khuôn mặt của thằng bé thì bỗng tôi kêu lên thất thanh: "Lôi Lôi à? Sao cháu lại ở đây? Cô vẫn đi tìm cháu mãi."
Đúng là Đoàn Lôi thật! Nhưng tại sao nó lại ở đây?
Bé Đoàn Lôi chớp chớp mắt, lắc đầu nói: "Cháu không biết. Lúc cháu tỉnh dậy thì đã thấy mình đang ở đây..."
Tôi cảm thấy hoang mang, miệng lẩm bẩm: "Tỉnh lại. Tức là không phải đang nằm mơ..."
Tôi nói chưa dứt lời thì anh chàng mặc áo đen thô bạo ngắt lời tôi: "Này cô! Đây không phải trong mơ! Hãy tỉnh táo đi!"
Tôi ngoảnh sang nhìn anh ta từ đầu đến chân. Anh ta có nước da ngăm ngăm đen. Trời mùa hè nóng bức mà anh ta vẫn mặc bộ âu phục màu đen, thắt cả cà vạt nữa! Nữa cơ thể anh ta không có vấn đề thì chắc chắn là thần kinh không bình thường. Cảm giác đầu tiên của tôi về anh ta là thế. Bộ âu phục rất bẩn và nhàu nát, đầu tóc thì bù xù, sắc mặt nhợt nhạt mệt mỏi cứ như là vừa thức trắng mấy đêm liền, đôi môi thì khô và bợt bạt. Về sau tôi mới biết anh ta tên là Cố Phong, nghề nghiệp không rõ, vì tôi hỏi mấy lần nhưng anh ta chỉ im lặng rồi nói lảng sang chuyện khác, hình như anh ta có những nỗi khúc mắc gì đó khó nói ra.
"Hừ! Tôi thì quá mong đây chỉ là đang nằm mơ!" Anh áo xanh nói tiếp, như tự chế nhạo mình. Anh ta là Chu Vũ, ba mươi hai tuổi, thái độ anh ta không nghiêm túc bằng Cố Phong; anh ta ăn mặc đơn giản, áo phông màu xanh và quần bò. Tuy nhiên có một điểm giống Cố Phong là toàn thân lấm lem bẩn thỉu. Bé Đoàn Lôi cũng vậy.
Câu nói của Chu Vũ khiến sống lưng tôi lạnh toát, vì tôi nhận ra rằng không phải đang trong mơ mà là sự thật đang xảy ra, hết sức thật. Đầu tôi bắt đầu choáng lơ mơ cứ như là não thiếu ô-xy, nuốt nước bọt cũng rất khó khăn. "Các... các anh..."
"Tất cả chúng tôi đều thế cả, lúc tỉnh lại thì nhìn thấy cái chốn ma quỷ này. Nếu tôi biết là kẻ nào bày đặt ra thì tôi đập hắn nát nhừ, sẽ ăn thịt nó, sẽ uống máu nó!" Chu Vũ nghiễn răng nói. Rồi anh ta giơ nắm tay đấm thật mạnh vào thân cây ở bên.
"Liệu... chúng ta có thể ra... có thẻ đi khỏi nơi này không?"
Chu Vũ lạnh lùng "hứ" một tiếng, nguýt tôi một cái, không đáp. Nhưng vẻ mặt của anh ta đã cho tôi biết: không thể ra khỏi đây.
Tại sao lại không thể ra? Tôi run run sợ hãi nhìn quanh bốn phía.
Chu Vũ ngồi phệt ngay xuống đất, hờ hững nói: "Cố đến mấy cũng vô ích, bọn tôi đã thử vô số lần rồi, dù đi kiểu gì rốt cuộc vẫn quay lại về chỗ cũ."
Tôi mở to mắt nhìn anh ta: "Đây là nơi nào?"
Không ai trả lời, hình như không khí cũng ngưng đọng trong giây lát
Tôi liếm đôi môi khô cong, ngoảng sang nhìn Cố Phong. Anh ta từ nãy chỉ im lặng, chăm chú quan sát sợi dây thừng vừa nãy treo tôi lên, mặt lấm tấm mồ hôi nhưng anh ta vẫn không cởi bộ vét dày cộp, thậm chí cà vạt cũng không nới ra. Đúng là một quái nhân.
Tôi lại nhìn bé Đoàn Lôi. Nó đang nghiêng đầu nhìn tôi, tôi mỉm cười với nó. Vừa định hỏi nó tối hôm nọ sau khi chạy ra khỏi nhà Đồng Tú Lệ thì nó gặp phải chuyện gì, thì nó bỗng nói: "Cháu nhớ ra rồi, cô đã đến nhà cô Đồng, đến cùng một chú nữa, đúng không?"
Đoàn Lôi nói, khiến tôi lập tức nhớ đến La Thiên mất tích một cách kỳ lạ, tim tôi bỗng lạnh ngắt. Liệu anh ấy có bị đưa đến đây không? Nhưng tôi lập tức phủ định khả năng này, vì nếu La Thiên ở đây thật, thì bé Đoàn Lôi sẽ nói "chú ấy cũng đang ở đây".
Hay là, anh ấy vẫn chưa tỉnh lại, đang nằm ngủ ở một nơi khuất nẻo nào đó trong khu rừng này. Hoặc là, anh đã tỉnh lại rồi nhưng mấy người này chưa gặp anh? Có rất nhiều khả năng dường như đều hợp tình hợp lý.
Nghĩ đến đây tôi xúc động bồn chồn đứng lên, cố tập trung đầu óc, lắng nghe và cảm nhận về La Thiên.
Chỉ lát sau, tôi không nén nổi nữa, cất tiếng gọi to: "La Thiên! La Thiên! ..."
Chu Vũ không hiểu, hỏi tôi: "Này, cô đang gọi ai?"
Tôi không đáp, vẫn tiếp tục gọi tên La Thiên, lòng nóng như lửa đốt, tôi co cẳng chạy, chạy theo hướng mà tôi cảm nhận để tìm anh. Tôi tin chắc anh đang ở ngay gần đây.
Nào ngờ vừa chạy được vài bước thì bị kéo giật lại, anh ta kéo quá mạnh khiến tôi ngã chổng bốn vó lên trời. Còn chưa kịp cựa quậy thì tôi đã bị anh ta tóm chặt hai tay, tì đầu gối lên bụng tôi, tôi đau quá hét lên: "Định làm gì hả? Đồ mất dạy, bỏ ra! Đau quá..."
"Đau, là đúng rồi!" Anh ta không chịu thả tôi ra, dằn giọng hỏi tôi: "Nói đi, thực ra cô là ai?"
"Việc gì đến mày? Thả tao ra! Đồ thàn kinh!" Đau quá, tôi tức ddien người mắng nhiếc luôn.
"Không chịu nói chứ gì?" Anh ta ấn mạnh đầu gối xuống, bụng tôi lập tức đau muốn chết Lioon.
"Nói đi! Có phải chúng mày bắt bọn tao vào đây không? Đồng bọn của mày đang ở đâu?"
Tôi đau đớn rên ư ử, không thể nói nổi nữa, có cảm giác mình sắp chết đến nơi.
6
"Thôi, dừng lại! Cái bẫy này mới giăng!"
Nghe Cố Phong nói thế, Chu Vũ lập tức nhấc đầu gối lên nhưng vẫn tóm chặt tay tôi, hỏi: "Cái gì mới?"
"Anh cư thả cô ta ra đã. Cô ta không liên quan gì."
"Sao anh biết nó không liên quan? Anh cũng vừa nghe thấy nó gọi La Thiên gì đó, chắc chắn là đồng bọn của nó!"
"Cô ta không liên quan gì cả." Cố Phong bình thản nhắc lại lần nữa, rồi bước đến kéo tay Chu Vũ ra. "Anh nhìn xem, sợi dây thừng này mới, chứng tỏ cái bẫy này mới giăng không lâu; cũng tức là, ngoài mấy người chúng ta bị hãm ở đây vẫn còn có nghười khác. Có lẽ ..." Cố Phong ngập ngừng. "Đó mới là kẻ bắt chúng ta rồi đem vào đây. Nhưng cũng có thể là..."
Không đợi Cố Phong nói hết, Chu Vũ đã nhảy bật dậy: "Chắc chắn kẻ đó là La Thiên!"
Nói rồi anh ta lại định tóm lấy tôi nhưng bị Cố Phong ngăn lại: "Đã nói rồi, cô ta không liên quan gì." Nếu đúng là cô ta, thì cô ta đã không giẫm vào cái chốt lẫy và càng không đứng ngay trước mặt chúng ta để gọi đồng bọn."
Chu Vũ nhìn tôi rồi lại nhìn Cố Phong: "Nhưng..." Anh ta vẫn chưa hết cảnh giác với tôi.
Cố Phong nói: "Cứ quay về đã." Sau đó anh ta kéo tôi đứng dậy, hỏi tôi tên gì.
Bụng vẫn còn đau, tôi cố nén, rồi cảm kích mỉm cười với anh ta: "Cảm ơn anh. Tôi là Cố Tiểu Yên."
Chỉ trong chốc lát, ấn tượng của tôi về anh ta đã thay đổi; tôi cũng không cảm thấy anh ta mặc bộ âu phục là khó coi nữa. Tôi giải thích với anh ta tại sao vừa nãy tôi lại gọi La Thiên, và xin anh ta cho phép tôi chạy ra quanh đây tìm người; nếu không hỏi xem họ có đồng ý không, thì e sẽ lại gây ra hiểu lầm.
Anh ta nghĩ ngợi, rồi nói sẽ cùng đi với tôi; vì e tôi sẽ bị lạc đường, và cũng lo tôi sẽ lại vướng phải bẫy của kẻ nào đó giăng. Chu Vũ vẫn chưa hết nghi ngờ tôi nên không muốn đi cùng, anh ta dẫn Đoàn Lô bước đi.
Đi mãi, đi mãi. Ánh mặt trời bỏng rát như đổ lửa, đang thiêu đốt mặt đất.
Dù ở trên đầu luôn có cành lá xum xuê che phủ, vẫn thấy nóng bức kinh khủng, chỉ lát sau mồ hôi đã ướt đẫm lưng tôi. Cố Phong cũng thế, nước da vốn ngăm ngăm đen, bị nắng chiếu rọi biến thành đen bóng. Anh ta thỉnh thoảng lại cúi xuống đất nhặt mấy cành cây khô rồi bày ra thành hình mũi tên, để đánh dấu đường đi, và thỉnh thoảng lại kéo vạt áo lên lau mồ hôi trên mặt.
Tôi cố nén tò mò, cố gắng không nghĩ ngợi tại sao anh ta không cởi phăng áo vét ra. Nhưng đầu tôi không chịu nghe lệnh, những câu hỏi không ngớt hiện lên: hay là cánh tay hoặc khắp người anh ta chằng chịt những vết sẹo, cho nên mới phải mặc kín như bưng gió không thể lọt vào như vậy? Nếu đúng là thế, thì cũng không cần phải mặc âu phục, áo sơ mi dài tay đang mặc bên trong cũng đủ để che kín các vết sẹo kia mà? Lại còn thắt cả cà vạt nữa, thế là sao?
"Đừng nắm vào các cành cây, đôi khi có thể nắm ngay vào rắn đấy!"
Cố Phong bỗng lên tiếng, khiến tôi sợ quá giật mình, vội buông ngay cành cây đang nắm, rất thân trọng bước đi bên cạnh anh ta; tôi chú ý để không đụng chạm vào vô vàn những cành cây đan xen tua tủa. Tôi hỏi Cố Phong: "Anh cảm thấy... kẻ nào là kẻ giấu mặt đứng sau tất cả, hắn đã bắt chúng ta rồi đem vào đây?"
"Tôi chịu không biết." Anh ta nói, mắt vẫn nhìn thẳng, giọng khô khan cứng nhắc.
"Anh cũng... sau khi tỉnh lại thì thấy mình đã ở đây rồi à?"
"Đúng."
"Tất cả mấy người? Chỉ có hai anh và thằng bé à?"
"Tám người, bây giờ lại thêm cô nữa là chín." Cố Phong ngoảnh sang nhìn tôi, mắt khép lại lim dim, ánh mắt thoáng một nét xa xăm. "Có lẽ, số lượng sẽ còn tăng thêm."
Trời ạ, tôi là người thứ chín? Và còn có thể tăng thêm nữa?
Tôi bỗng thấy ớn lạnh sờ sợ, có cảm giác như mình đang trải qua một chuyện trong tiểu thuyết hay phim ảnh thì mới như thế này.
Kẻ giấu mặt – tạm gọi kẻ đang đứng sau tất cả - thực ra hắn là ai? Tại sao hắn lại bắt chúng tôi vào khu rừng rậm này? Với mục đích gì? Một giọt mồ hôi từ trán chảy xuống rơi vào miệng tôi, vừa mặn vừa chát.
"Cô quen thằng nhóc con đó phải không?" Cố Phong bỗng hỏi tôi.
"Anh nói về bé Lôi Lôi à? Thực ra cũng chưa gọi là quen, tôi mới chỉ gặp nó một lần. Có vấn đề gì à?"
"Không. Tôi thuận miệng hỏi thế thôi. Vì những người đang bị giam hãm trong từng này cũng đều không biết gì về nhau."
"Anh và anh mặc áo xanh cũng không quen nhau à?" Tôi hơi ngạc nhiên.
"Anh ta là Chu Vũ. Tôi bị vào đây rồi mới biết anh ta."
"Lúc nãy anh nói kẻ đặt bẫy chính là kẻ đã bắt chúng ta. Nhưng rất có thể là do một người đi săn đã làm? Nếu thế chúng ta để lại tín hiệu cầu cứu ở chỗ cái bẫy, thì chúng ta sẽ được cứu."
"Được cứu?" Cố Phong cười nhạt. "Nếu cô biết đây là nơi nào thì cô sẽ không cho rằng trong này có người đi săn."
"Vậy đây là nơi nào."
Cố Phong không đáp, anh ta lại ngồi xuống nhặt mấy cành cây bày ra một cái mũi tên làm ký hiệu.
Tôi thấy hơi khó hiểu, tại sao hỏi đây là nơi nào thì họ đều im lặng.
Lẽ nào chúng tôi đã đi lạc vào rừng rậm khủng long ở kỷ Jura?
7
Đi trong rừng rậm như một mê cung này, tôi chỉ cảm thấy khát cháy cổ cháy họng, toàn thân đau nhức mỏi nhừ, nhất là đầu nhức như búa bổ chỉ chực vỡ tung. Tôi lom khom cúi xuống, một tay nắn đùi, tay kia day trán, hỏi Cố Phong lúc này mấy giờ rồi.
Cố phong dừng lại nhìn tôi một lượt, rồi nói: "Ở đây chỉ có thể nhìn vị trí mặt trời mà đoán thời gian." Nói rồi anh ta ngẩng đầu nhìn. "Lúc này vào khoảng hơn 3 giờ. Cô sao thế? Không bước được nữa à?"
Tôi thầm nghĩ mấy câu anh ta vừa nói, rồi bỗng nhớ ra... tôi bèn lục túi áo túi quần khắp lượt, nhận ra rằng ngoài bộ quần áo trên người ra, tôi không còn gì khác: ví tiền, di dộng... đều không thấy đâu nữa. Tôi rất kinh ngạc nhìn Cố Phong, và cứ thế đứng nghệt ra.
Anh ta nhún vai, nhíu mày nói: "Có phải vừa rồi cô mới nhận ra mình nhẵn túi không còn thứ gì nữa?"
Tôi lúng túng không biết nên trả lời ra sao, tôi có phần tuyệt vọng, ngồi thụp xuống, vừa đói vừa khát, cổ họng tôi khô cứng. Nếu lúc đầu tôi còn mơ hồ nửa tỉnh nửa mê, thì bây giờ tôi đã có thể hoàn toàn khẳng định được tình thế đáng sợ ra sao. Tôi cố kìm nước mắt, khẽ hỏi: "Có thật là không thể ra nổi không? Rừng, chắc chắn phải có lối vào, nếu không, người ta đưa chúng ta vào đây sao được."
"Đúng thế." Cố Phong thở dài. "Nhưng không tìm thấy lối vào ấy, thật sự không thể tìm thấy. Có lẽ chúng ta đang ở chính giữa khu rừng, hoặc là ở trong khu vực sâu nhất, cách lối vào rất xa, rất xa..."
"Xa đến mấy thì vẫn có cách để tìm thấy lối ra! Nếu không, những kẻ kia đưa chúng ta vào đây rồi, họ trở ra thế nào được?"
"Những kẻ kia?" Cố Phong nhìn tôi, ánh mắt có nét nghi hoặc và cảnh giác.
"À..." Tôi lập tức hiểu ý anh ta là gì. Anh ta cũng như Chu Vũ, đều hiểu lầm tôi. Tôi không muốn lại bị ăn đòn, vội giải thích: "Có thể đưa ngần này người chúng ta vào đây, thì chắc họ không chỉ có một người?"
Cố Phong chỉ im lặng chẳng bảo sao, anh ta đưa mắt nhìn sang chỗ khác, trầm ngâm nghĩ ngơi.
Tôi liếm đôi môi, có cảm giác đầu lưỡi bỏng rát.
Nếu lúc này được uống một cốc cô-ca, ăn hai cái cánh gà rán và một cái bánh Hamburger cỡ đại thì quá sung sướng.
Càng nghĩ thế tôi càng thấy đói thấy khát. Tôi thò tay sờ bụng, hỏi: "Các anh bị hãm trong này mấy ngày rồi? Ăn những gì? Tối đến ngủ ở đâu?"
Nhưng Cố Phong không trả lời, chỉ hỏi: "Có lẽ người bạn trai của cô không có ở đây, đừng tìm nữa. Khi mặt trời dần lặn, ở đây sẽ tối rất nhanh, cô không thể hình dung rừng rậm trong đêm đáng sợ thế nào đâu!" Nói rồi anh ta chuẩn bị quay trở lại theo lối cũ vừa đi.
"Nhưng tôi vẫn có cảm giác anh ấy đang ở trong rừng này. Chắc chắn anh ấy..."
"Cảm giác?" Cố Phong cười nhạt ngắt lời tôi, rồi không nói thêm nữa.
Chúng tôi tiếp tục đi xuyên mê cung. Tôi cảm nhận rõ rệt mình đã rất đuối sức, đói khát khiến đôi chân tôi mềm nhũn, đầu tôi quay cuồng, da dẻ khô cong nóng như lửa. Ở trong này nóng rát và độc hơn hẳn bên ngoài.
Nhưng Cố Phong không hề bận tâm tôi đang ở trạng thái nào, anh ta không nói một câu, cứ mải miết bước đi.
Khi tôi thấm mệt gần như sắp ngã lăn ra, thì Cố Phong bỗng dừng lại hỏi tôi có biết trèo cây không.
Trèo cây ư? Toàn thân tôi đang mềm nhũn, nằm vật ra đất, dang hai tay hai chân, hụt hơi không thể nào nói được nữa, thì đâu còn sức nào mà trèo cây? Huống chi, tôi cũng không biết trèo cây.
"Thế thì cô cứ chờ ở đây." Nói rồi anh ta nhổ một bãi nước bọt vào lòng bàn tay, xoa hai tay vào nhau, sau đó bắt đầu trèo lên một cái cây ở ngay bên cạnh.
Tôi hơi hoa mắt nhìn lên. Anh ta trèo lên cây để làm gì nhỉ?
Đúng là Cố Phong không thạo trèo cây. Anh ta lúng túng hồi lâu mới lên được lưng chừng, và mấy lần suýt nữa tuột tay rơi xuống. Vẫn mặc nguyên bộ âu phục mà trèo cây, trông anh ta rất lóng ngóng và khôi hài nữa.
Tôi nhắm mắt lại không nhìn anh ta nữa, và thầm nghĩ tại sao tôi lại ở đây, ai đã bắt tôi rồi đem vào đây?
Tôi còn nhớ tối qua... có lẽ là tối qua thì phải... tôi đã vào quán bar uống khá nhiều chất men, sau đó hình như tôi thấy La Thiên, tiếp đó tôi say quá rồi lịm đi; sau đó là những chuyện gì thì tôi không nhớ nổi nữa. Đầu óc tôi trống rỗng. Lúc tỉnh lại thì tôi đã ở trong khu rừng này. Bây giờ nghĩ lại, lúc đó nhìn thấy La Thiên chỉ là ảo giác bắt nguồn từ chuyện anh tự nhiên biến mất, tôi quá lo lắng và sốt ruột và lại đang say rượu nữa.
La Thiên, anh đang ở đâu? Tôi thở dài thườn thượt.
Lúc này Cố Phong bỗng gọi to: "Này! Cố... cô là Cố gì nhỉ?"
Tôi mở mắt ra, gọng không còn mấy sức lực: "Cố Tiểu Yên." Vì cây rất cao, nên tôi không nhìn thấy Cố Phong, chỉ thấy một lùm cành lá đang chao đi chao lại.
"Đón lấy!"
"Gì cơ?" Vừa nói xong tôi liền nhìn thấy một thứ gì đó từ trên cây rơi xuống cách tôi không xa. Tôi ngoảnh sang, rồi mắt tôi bỗng sáng lên: một quả cây to bằng quả bóng bàn, trông hơi giống quả mận chín nhưng vỏ nó ráp và cứng, thịt quả khá dày.
Quả dại, trông đều thế này thì phải?
Tôi mừng quá, chạy ngay đến nhặt nó lên, miệng nuốt nước bọt ừng ực, ngẩng đầu lên hỏi: "Cho tôi ăn quả này à?"
Cố Phong không trả lời, tiếp tục ném quả cây xuống, tôi cũng vội nhặt ngay, tôi cũng vội nhặt ngay, ròi kéo vạt áo ra để đựng. Đếm được cả thảy mười tám quả.
Cố Phong lại trèo xuống, ngồi phệt xuống đất thở hồng hộc, nói: "Những quả này... là bữa tối của chúng ta."Quần áo Cố Phong bẩn không thể tưởng được, có một cái lá cây vẫn còn mắc trên mái tóc.
Tôi vui vẻ mỉm cười, thầm nghĩ, tuy quả cây hơi nhỏ nhưng mỗi người chín quả thì cũng tạm ổn. Tôi lấy đám quả cây ra, chà xát chúng vào quần áo, rồi hỏi: "Đây là quả gì? Trước đây tôi chưa từng nhìn thấy?"
Tôi vừa nói vừa nuốt nước bọt, hình như cổ họng lại càng nóng ran.
Cố Phong phủi quần áo, rồi đứng dậy nói: "Quả dại, không biết teen. Ta đi thôi! Đem về chia cho mọi người."
"Ở đây có chín người?" Tôi bỗng mở to mắt, tôi không sao tin nổi.
"Cô nghĩ sao?"
Sau câu nói của Cố Phong, tôi chưng hửng, hẫng hụt như rơi xuống vực sâu. Mỗi người hai quả thì chẳng bõ dính răng!
Hình như Cố Phong nhận ra tâm tư của tôi, anh ta mỉm cười, nói: "Tôi vừa đếm rồi: trên cây vẫn còn mười bảy quả nữa. Tức là, sáng mãi sẽ ăn hết, tiếp đó chúng ta muốn ăn quả dại cũng chẳng có mà ăn."
"Không có thứ quả rừng nào khác à?"
"Hiện giờ mới chỉ tìm thấy một cây. Không biết năm người bọn họ đã tìm thấy đồ ăn gì chưa, nhưng cũng tạm ổn rồi." Anh ta nhìn đám quả cây trong túi áo tôi, thè lưỡi liếm đôi môi đã khô cong nứt nẻ, nói: "Nếu cô đang rất muốn ăn thì cứ ăn trước một quả, để lại một quả lát nữa cùng ăn với mọi người, nếu không, cứ ngồi nhìn họ ăn thì cô sẽ không sao chịu nổi."
Lúc này tôi vừa đói vừa khát, xưa nay tôi chưa từng bị đói khát như thế này, tuy tôi không thể cầm quả cây mà đưa lên miệng.
Tôi chỉ thẫn thờ nhìn đám quả cây, mặc cho nước mắt trào ra, từng giọt từng giọt rơi xuống.
Vào giây phút này tôi bỗng thấy rất nhớ nhà, tôi nhớ mẹ tôi hay lầu bầu, nhớ cha tôi – ngay trước mặt tôi – trách móc mẹ tôi tiêu hoang, tôi nhớ La Thiên... Nỗi nhớ da diết, bùng lên mãnh liệt. Rồi tôi òa khóc nức nở.
Phải làm gì đây thì mới có thể thoát khỏi nơi này?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top