Chương 12
Chapter 12
Chỉ một thứ có thể xoa dịu kẻ khốn cùng như tôi. Khẽ rời khỏi phòng nhạc phụ - phòng chim*, tôi gọi nó như vậy – tôi dò dẫm đến một cầu thang phía sau mà mình đã lần ra được trong lúc dạo quanh ban chiều.
Trong tình trạng như này, tôi không thể liều lĩnh lộ diện trước bất cứ ai. Dẫu không khóc lóc thảm thiết, thì tôi cũng đã hoàn toàn, hoàn toàn suy sụp. Đến độ chẳng thể giữ nổi trái tim mình khỏi run rẩy yếu ớt.
Tôi chạy như bay lên hai tầng lầu, rẽ ngang cắt dọc qua những đoạn hành lang ngoằn nghèo đến chái nhà phía Tây, khẽ rùng mình bởi cơn gió buốt đang luồn qua kẽ đá của bức tường cũ kĩ. Song, không nấn ná quá lâu, tôi chỉ kịp quơ lấy bản nhạc Mozart trong phòng rồi lại ba chân bốn cẳng chạy ngược xuống lầu, thậm chí còn nhanh hơn cả lúc đi lên, cảm giác trái tim sắp vỡ toang dưới sức nặng của bao sự thật đêm nay.
Trở lại căn phòng chim mà không bị ai phát hiện, tôi dùng một giây để thắp sáng những ngọn nến trong phòng, rồi đặt một ngọn ở gần cây đàn. Tôi đưa mắt sang chú chim trong lồng. Nó nhìn lại bằng đôi mắt sáng rực nghiêm trang, đầu hơi nghiêng, cánh đập mạnh. Song, vẫn chẳng có tiếng hót nào được cất lên.
Tôi giở bản nhạc ra, đặt lên giá đàn rồi ngồi xuống ghế. Sau đó, tôi nhắm mắt lại, tự nhủ rằng, rồi trái tim sẽ thôi đau đớn. Rồi ngọn lửa bẽ bàng sẽ bị dập tắt. Rồi suy nghĩ về những mất mát trong trò cá cược này sẽ rời xa. Sẽ không còn nữa sự so sánh: ngày càng giống mẹ. Cũng không còn nữa nỗi tuyệt vọng trước sự thật phũ phàng. Âm nhạc của Mozart sẽ xua tan hết thảy. Mở mắt ra và hít một hơi thật sâu, tôi bắt đầu dạo tay trên phím đàn.
Bản Concerto số 21 được tạo nên từ những nốt nhạc đều đặn. Dưới tay tôi, những phím đàn luôn nhịp nhàng cất bước như đi diễu hành. Điều khiển những phím đàn, tôi đồng thời điều khiển luôn cả trái tim mình. Đó chính là cách trái tim được dạy dỗ. Kỷ luật. Phục tùng. Lý trí. Bản chất của cổ điển là vậy.
Nhưng tối nay, những anh lính nhỏ không thể hành quân cho ra hồn. Đàn chỉ vừa cất tiếng, những lời nói của Sylvia đã vội dội thẳng vào tim. Nỗi tủi hổ ông Pritchard tặng cho biến thành kim nhọn. Nhận thức đớn đau về thất bại rành rành – từ bỏ bản thân và cúi đầu cam chịu trước mẹ - khiến cõi lòng tôi ngập tràn nỗi tuyệt vọng u ám.
Những mong âm nhạc của Mozart sẽ xua tan mây mờ giăng lối. Những mong bầu trời tương lai sẽ sáng lạn quang đãng. Song dẫu có dạo bản đàn hết lượt này đến lượt khác, trái tim tôi vẫn nặng trĩu nỗi tuyệt vọng, tủi hổ và hoài công vô ích. Tôi không ngừng tự gào thét rằng chẳng âm nhạc nào có thể chữa lành nỗi bất hạnh ấy, rằng chẳng triết lý nào bù đắp nổi hậu quả của sự thất bại ấy. Không gì có thể trở ngược lại những hành vi đáng hổ thẹn giống bà ấy của tôi.
Tôi vật lộn với những tiếng đàn cho dẫu nước mắt đã đầm đìa trên mặt. Tôi giằng co với những chú lính nhỏ, và cả trái tim mình. Song, những chú lính ấy cứ nhảy cẫng lên loạn xạ, chúng hoặc choảng vào nhau, hoặc ngã rạp xuống, chứ nhất quyết không chịu đứng vào đúng chỗ.
"Ngừng lại!"
Tôi giật mình ngẩng lên khỏi phím đàn. Đập vào mắt là một người đàn ông đang xồng xộc vào phòng, liên tục xua tay. "Ngừng lại! Ngừng lại ngay."
Đó là ông Herr Spohr, với mái tóc bất trị và giọng Đức đặc sệt. Ông ta hối hả đến gần tôi và gắt: "Ngừng lại ngay cho tôi. Cô đang làm trò gì thế hả?"
Tôi sững người nhìn ông ta giơ tay vò đầu, thở phì phò như thể đã chạy một mạch từ phòng khách đến đây.
Đoạn ông ta lên tiếng, giọng mềm mỏng hơn: "Cô đang làm gì vậy, cô gái"
"Tôi... tôi... đang chơi đàn. Nhạc Mozart."
"Không. Đấy không phải là chơi đàn." Ông ta lắc đầu quả quyết và phẩy mạnh tay như thể cố gạt sạch những thứ vừa nghe ra khỏi đầu. "Mà là đánh nhau. Cô đang đánh nhau với âm nhạc."
Ông ấy cúi đầu nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt xanh trong vắt. Trong một thoáng, tôi rùng mình khiếp hãi, cảm nhận được người đàn ông này có thể nhìn thấu tâm hồn mình. Một tâm hồn chất chứa nhiều nỗi niềm không thể cho ai biết.
"Ở đây, đang có một cuộc chiến." Ông ta chỉ chỉ hai ngón tay vào ngực tôi. "Kẻ thù của cô đang ra sức cản trở những giai điệu tuyệt vời. Cô phải tìm ra thứ âm nhạc chính xác cho cuộc chiến – cho kẻ thù của cô." Tôi giương mắt bối rối. Mỗi lời của ông ta tôi đều hiểu được, nhưng cái đầu bảo thủ của tôi lại chịu, chẳng cắt nghĩa nổi cả câu.
Lại chỉ tay vào ngực tôi lần nữa, ông ta nói tiếp: "Cô phải tìm cho kỳ được thứ âm nhạc có thể giải phóng con dã thú này ra. Nó đang vùng vẫy điên cuồng trong tim cô đấy. Đừng khuất phục, nếu không nó sẽ khiến âm nhạc của cô và cả cô nữa vô cùng đau đớn. Hiểu không?"
Tôi chẳng hiểu gì cả. Dường như cũng nhìn ra sự hoang mang của tôi, ông ta thở dài, vò tới vò lui cái đầu bù xù của mình.
"Mozart không phải thứ cô cần lúc này. Nó chỉ tổ khiến cô càng thêm rối loạn thôi." Đoạn ông ta nghiêng người chộp nhanh bản nhạc của tôi rồi cúi đầu, nói: "Rất tiếc, tôi phải tạm giữ thứ này."
Dứt lời, ông ta liền rảo bước ra ngoài, mặc cho tôi ngồi thẫn thờ bên trong. Chằm chằm nhìn cánh cửa, đờ đẫn đợi ông ta quay lại, nói rằng đó chỉ là một trò đùa. Nhưng mãi mà chẳng thấy bóng dáng ông ta xuất hiện. Tôi đứng dậy, lặng lẽ đến gần chiếc lồng chim rồi quỳ xuống cạnh nó, nhìn chú chim lông đen im lìm như thóc. Khẽ chạm tay và nhẹ nhàng miết dọc thanh chắn mạ vàng. Trái tim tôi rạn vỡ. Chẳng buồn vá víu chắp đằng, tôi để nó rơi thẳng xuống vực sâu.
Siết chặt ngón tay trên song sắt, tôi cảm thấy chiếc lồng này cũng cứng rắn lạnh lẽo hệt như vẻ ngoài của nó vậy. Đột nhiên tôi căm ghét nó vô cùng tận. Tôi căm ghét mọi chiếc lồng sắt, mọi chiếc lồng sắt trên đời. Tôi bèn điên cuồng lắc mạnh mà chẳng thiết nghĩ ngợi, cứ mặc cho cơn thịnh nộ dâng trào. Để đáp lại, chú chim trong lồng cũng điên cuồng đập cánh, đôi cánh sải ra, va mạnh vào chấn song. Tôi hốt hoảng giật lùi, tim nện thình thịch. Lông chim rơi lả tả xuống đáy lồng.
"Xin lỗi," Tôi thì thầm với con vật nhỏ bé đang trong cơn hoảng loạn. Trán tựa vào lồng, nước mắt rơi lã chã. "Xin lỗi mày. Xin lỗi. Tao xin lỗi."
Mặt sàn vừa cứng vừa lạnh, song tôi vẫn quỳ gối trước lồng. Với tôi, chiếc lồng ấy vừa là nấm mồ, cũng vừa là thánh đường – là biểu tượng của cuộc sống tù túng hiện tại, cũng là bệ thờ nơi tôi nguyện cầu cho sự giải thoát. Bởi vậy, cho đến khi tìm được chút hy vọng le lói, tôi chẳng thể rời khỏi nơi này.
Có tiếng cửa mở ra cọt kẹt, và tiếng người gọi tên tôi, giọng dò hỏi, vang lên. Song tôi không ngoái đầu lại. Kể cả khi nghe thấy tiếng bước chân nhẹ nhàng bước tới và dừng ngay bên cạnh, tôi cũng chẳng mảy may xoay người. Dẫu đang dán chặt mắt vào chú chim đang dịu lại, từ khóe mắt tôi vẫn trông thấy Henry ngồi xuống cạnh mình.
"Sylvia đã nói gì với anh?" Tôi hỏi, giọng khô khốc, mũi sụt sịt sau trận khóc vừa rồi.
"Sylvia ư? Con bé không nói gì cả."
Tôi liếc nhìn anh. "Vậy anh đến đây làm gì?"
Tôi hối hận ngay tắp lự vì đã nhìn vào mắt anh. Nó quá đỗi dịu dàng, lại nặng trĩu âu lo. Nó khiến tôi lại ngần ngận nước mắt. Vốn hơi thở đã nhọc nhằn ức nghẹn, thêm nước mắt lại càng thít chặt nghẹn ngào.
"Thấy em lâu không trở lại, nghĩ đến những lời khó nghe của ông Pritchard, anh đoán em buồn nên ra ngoài tìm thử." Anh đánh mắt sang chú chim trong lồng. "Nhẽ ra anh nên sớm biết em sẽ ở đây mới phải. Thế mà anh lại không tìm đến nơi này trước tiên."
Tôi siết chặt nắm tay trên thanh sắt mạ vàng rồi trượt từ dưới lên trên, mắt không thôi nhìn chú chim lông đen trong khi nó cũng chăm chú nhìn lại. "Nó không hót," tôi nói, lí nhí như nói thầm.
"Ừ." Tôi nghe thấy trong giọng đáp của anh thấm đượm cả sự buồn bã và lòng thương cảm.
"Đó là lý do tại sao anh đề nghị ông đặt nó trong này. Như vậy, dẫu không thể tự cất cao giọng hót thì chí ít nó cũng có thể nghe nhạc."
Tôi dời mắt nhìn anh. Thấy anh cũng đang chăm chú nhìn mình chứ không phải chú chim trong lồng. Trong ánh sáng nhập nhoạng, đôi mắt ấy đen thẫm với ánh nhìn đầy ắp âu lo, đau đớn, và thứ gì đó – như níu kéo, như cám dỗ, hoặc như giằng co – mà tôi không thể gọi tên chính xác.
"Nhẽ ra ông ấy không nên nói với em những lời như vậy," Anh nói, giọng hơi pha giận dữ. "Tuy anh không đồng ý với giấc mơ Ấn Độ của em, nhưng không ai có quyền chế nhạo và... xua đuổi em như vậy."
Vừa gợi đến những ký ức xấu hổ ấy, mặt tôi lập tức nóng ran lên.
"Anh có nên gọi riêng ông ta ra không nhỉ?" Anh hỏi.
Tôi nhoẻn cười, chớp chớp đôi mắt nhòe lệ.
"Anh nói nghiêm túc đấy." Henry sờ sờ cằm, nheo mắt nói. "Rồi bọn anh sẽ có một cuộc đọ súng trên đồi hoang vào sáng sớm mai, lúc sương mờ còn giăng phủ. Hẳn là lãng mạn lắm đây. Sau đó, anh sẽ bắn ông ta để lấy lại danh dự cho em."
Tôi bật cười. Khóe môi anh cũng cong cong nụ cười nửa miệng.
"Em không muốn à?" Anh hỏi, nhướng cao đuôi mày.
"Không đâu. Nhưng em rất biết ơn anh." Tôi hít một hơi khó nhọc. "Mà em buồn không phải vì ông Pritchard đâu. Thật đấy."
Anh nheo mắt vặn hỏi. "Vậy chứ ai?"
Lập tức, tôi ước gì mình có thể rút ngay lời vừa nói vào bụng. Tôi vẫn chưa sẵn sàng để thú nhận với Henry con người đáng hổ thẹn mà mình đã trở thành. Cũng chưa sẵn sàng để chia sẻ với anh đoạn đối thoại nhục nhã với Sylvia. Tôi ước gì anh đã không tìm thấy mình. Mũi sụt sùi chảy nước, tôi bèn giơ tay áo lên chùi, vì không mang theo khăn tay.
Trời ạ! Tôi lúc này có khác gì Maria đâu? Ngồi khóc lóc ở một chỗ không thích đáng, còn để nước mắt nước mũi chảy ròng ròng trên má. Tôi lắc đầu nguầy nguậy, thấy cảm ghét bản thân vô cùng. Sao chỉ mới vài ngày ngắn ngủi, tôi đã chìm hẳn xuống vực sâu?
Khẽ hất những sợi tóc phủ trên mặt ra sau, tôi đáp: "Không ai cả. Chẳng có gì hết."
"Kate, anh chưa bao giờ thấy em khóc lóc như vậy. Rõ ràng là có chuyện gì đó."
Tôi lắc đầu. "Em không thể... không thể nói cho anh biết, Henry." Dẫu cố chú tâm vào bên trong chiếc lồng, tất cả những gì tôi nhận thấy vẫn chỉ là sức nặng từ ánh nhìn chằm chằm của Henry.
Sau một khoảng lặng kéo dài, anh bỗng cất lời, giọng trầm ấm: "Còn nhớ cái hôm ở trong rừng không? Hôm bố anh qua đời ấy."
Tôi nín thở, quay sang nhìn anh. Sau ngần ấy năm né tránh chủ đề này, tôi không thể tin nổi giờ đây anh lại đề cập đến nó. Từ sau hôm ấy, tôi và anh không bao giờ nhắc lại chuyện đó với nhau. Tôi cũng chưa hề hé một lời nào với bất kỳ ai khác, và đoan chắc Henry cũng vậy. Thế mà bây giờ, sau chừng ấy thời gian...
"Vâng," Tôi thỏ thẻ đáp.
Khi ánh mắt chúng tôi giao nhau, dường như có thứ gì đó được tạo nên – một sợi dây tình cảm thu hẹp khoảng cách địa lý: giống như một cái cử động, một cái khom người, một bàn tay vươn ra, hay một cái đầu khẽ cúi. Dẫu cho chúng tôi vẫn ngồi im như tượng, với chỉ một đoạn ký ức nối liền đôi bên.
Đoạn Henry nghiêng người xuống, chạm vào cổ tay tôi, trượt dần lên cánh tay, cua qua đầu vai rồi dừng lại. Lúc này, anh mới cất tiếng: "Anh không biết phải dùng lời nào để diễn tả cảm giác của mình khi ấy." Giọng nhẹ và hơi khàn, tựa đang mơn trớn. Lòng tôi bỗng như có thứ gì nứt rạn. "Thậm chí đến tận bây giờ, sau ngần ấy năm, sự mất mát đó vẫn còn như in trong tâm trí anh. Cũng vào hôm đó, anh đã tự hứa với lòng, nếu có ngày em lạc trong đau khổ - nếu có ngày em cần một bàn tay cứu giúp – thì anh nhất định sẽ đưa tay ra bằng mọi giá."
Một giọt nước mắt lăn dài trên má rồi đậu xuống dưới hàm. Henry đưa bàn tay đang đặt trên vai tôi lên gạt đi. Sau đó, anh lùi lại, khe khẽ thở dài. "Nhưng em lại không chịu nói với anh."
Đoạn nhướng một bên mày, anh nói tiếp. "Có lẽ anh không đáng để em tin tưởng?"
Môi tôi run run, lập bập trả lời: "Không phải vậy. Em tin anh."
Anh ngồi đó, kiên nhẫn, như thể sẵn sàng chờ đợi cả đêm nếu buộc phải vậy. Tôi bỗng muốn giãi bày với anh. Không phải chuyện giữa tôi và Sylvia, cũng không phải lý do khiến tôi ngồi khóc lóc trước chiếc lồng này. Tôi duỗi tay nắm song chắn, nhưng không lắc nó nữa. bởi không muốn khiến chú chim trong lồng hoảng sợ. Dẫu vậy, nó vẫn đập cánh phạch phạch. Cùng lúc ấy, những lời nói bỗng bật khỏi cổ họng và bay ra miệng tôi.
"Lúc nào em cũng cảm thấy ngột ngạt, tù túng. Giống như chú chim này, bị dính bẫy, bị giam hãm, bị bắt nhốt trong lồng. Dẫu cố giãy giụa cũng chỉ là đâm sầm vào tường ngăn." Sau một tràng, tôi nhìn vẻ mặt bối rối của Henry rồi tiếp tục. "Anh là đàn ông – chắc không hiểu được đâu. Cuộc sống của anh quá khác với em. Nhưng anh đã từng..." Tôi hít một hơi thật sâu, khiến lồng ngực căng tràn nhức nhối. "Anh đã từng ao ước thứ gì đến đau đớn tâm can, hao gầy xác thịt?"
Anh ấy ngồi bất động, đôi mắt đen thẫm chăm chú nhìn tôi. "Có" – Anh đáp, rất khẽ nhưng vô cùng nghiêm túc.
"Đó chính là cảm nhận của em về Ấn Độ. Em ao ước được giong buồm ra khơi đến quặn thắt ruột gan. Nhưng em sợ mình sẽ chẳng bao giờ được đến đấy, sợ rằng đó sẽ mãi chỉ là một giấc mộng hão huyền. Nếu ngay cả giấc mộng đó cũng không thành, thì rất có thể chẳng giấc mộng nào thành trong cuộc đời em. Nếu vậy, em sẽ còn lại gì ngoài sự tẻ nhạt vô vọng; không niềm vui, không phiêu lưu, không lựa chọn và cả...cả không sự sống." Hơi ngừng một chút, tôi nói tiếp. "Cứ nghĩ đến những bức tường vây quanh bốn phía, những kỳ vọng gửi gắm vào em, những điều em được phép lẫn không được phép làm, và cả chút năng lực ít ỏi đến đáng thương mà em đang có hoặc sẽ có, chỉ đơn giản vì em sinh ra là phụ nữ - thì em lại cảm thấy trong lòng mình như có hàng triệu đôi cánh đang mãnh liệt cất lên, mãnh liệt đến đau đớn."
Lúc này giọng nói của tôi cũng run rẩy như những giọt nước long lanh đang tràn ra hốc mắt: "Bây giờ, đến chơi nhạc Mozart em cũng bị Herr Spohr ngăn cấm. Không Ấn Độ lẫn Mozart, thử hỏi em còn lại gì? Làm thế nào em có thể sống tiếp trong cái lồng giam cuộc đời đây?" Tôi lắc đầu cuồng loạn, nước mắt chảy thành dòng. "Em nghĩ rồi cuộc đời mình cũng sẽ kết thúc như chú chim tội nghiệp này. Sau khi giãy giụa đến kiệt quệ trong những chấn song, em sẽ buông tay từ bỏ rồi sống lặng lẽ không một lời ca nơi căn phòng bị quên lãng."
Giọng như vỡ òa, tôi bặm môi ghìm lại những lời dợm thốt ra. Không dám nhìn thẳng vào mắt Henry trong lúc đấu tranh hòng kiểm soát cảm xúc của mình. Ngu ngốc làm sao – khi đem so sánh nỗi buồn lạc mất giấc mơ Ấn Độ với nỗi đau mất cha của anh ấy. Chắc chắn Henry sẽ nghĩ tôi là một đứa điên rồ nên mới làm quá lên như vậy. Đó giờ, anh chưa từng tán đồng giấc mơ Ấn Độ của tôi. Đau đớn hơn khi tôi nhận ra rằng anh sẽ gạt phắt đi những lời tâm sự thống thiết ấy, hoặc không hiểu hết ý nghĩa, hoặc hiểu rồi mà lờ đi như thứ nhỏ nhặt chẳng đáng bận tâm.
Song, thay vào đó, anh lại cẩn trọng nói: "Vậy, em là chú chim trong chiếc lồng này?"
Tôi gật đầu.
"Và trong mắt em chỉ có một lựa chọn duy nhất là cố gắng chống chọi với những thanh chắn này, đến khi sức cùng lực kiệt thì buông xuôi từ bỏ?"
Tôi gật đầu, len lén liếc nhìn Henry. Anh ấy đáp lại bằng một vẻ mặt kết hợp giữa thương xót và dao động. Sau một lúc lâu chăm chú nhìn tôi, anh dời mắt sang chú chim trong lồng. Rồi anh làm gì đó – một cử động rất khẽ, cánh cửa lồng bật ra. Anh thò tay vào trong, tôi nín thở nhìn anh túm gọn chú chim một cách thận trọng và nhẹ nhàng. Đoạn khum bàn tay lại rồi đưa nó ra ngoài.
Xoay sang tôi, Henry giơ tay ra.
Toi đăm đăm nhìn anh rồi lại nhìn chú chim đang cố vùng vẫy giãy thoát khỏi tay anh.
"Đây. Em cầm lấy đi." Anh giơ chú chim về phía tôi, tay khum lại nhẹ nhàng.
Tôi rụt rè duỗi tay ra, luồn vào bàn tay Henry cho tới khi những ngón tay của mình đã tạo thành bức tường vây quanh chú chim bé nhỏ. Cảm nhận được những chiếc lông đen nhánh tựa như chất lụa mịn màng, khung xương mỏng manh và đôi cánh khích động dợm cất lên trong tay mình.
"Em giữ nó rồi chứ?" Henry hỏi.
Tôi gật đầu, hồi hộp và bối rối. Henry thả hẳn tay ra, chú chim hoàn toàn nằm trong tay tôi. Cảm nhận niềm thôi thúc cất cao đôi cánh mạnh mẽ, nhịp tim khẽ khàng giống giục giã. Tôi mở tay ra. Nó bay lên.
Đôi cánh phành phạch đưa chú chim bay vút lên cao bằng tốc độ đáng kinh ngạc. Nhìn nó lượn quanh trên đầu, tôi bỗng cảm thấy sức sống dâng tràn. Tôi cười mà chẳng hiểu lý do vì sao. Đánh mắt sang Henry, tôi thấy anh cũng đang nhìn mình với một nụ cười.
"Cuộc đời không chỉ có một lựa chọn, Kate ạ," Anh nói "Không chỉ một đâu em."
Tôi dựa lưng vào tường, ngửa đầu nhìn chú chim bay vút trên cao, suy ngẫm từng lời của Henry.
Anh ấy cũng dựa vào tường ngay cạnh tôi, khuỷu tay chúng tôi chạm vào nhau.
"Chúng ta sẽ phải bắt nó lại," Tôi nói, "Và đưa nó vào lồng." Tôi ngẩng đầu đánh giá độ cao của trần nhà, tự hỏi làm cách nào để bắt được chú chim.
"Em thấy chẳng dễ tí nào."
"Không dễ. Nhưng đáng lắm."
Sau một khoảng im lặng kéo dài, tôi thẻ thọt, "Cảm ơn anh. Vì chú chim."
Tôi tựa vào Henry, đầu ngả lên vai anh như đã bị đêm vắng rút cạn năng lượng. Chúng tôi lặng lẽ ngồi bên nhau trong im ắng bao trùm, thoải mái ngắm nhìn chú chim nhỏ bay, bay, và bay mãi.
Mãi đến khi chuông đồng hồ điểm mười hai giờ, tôi mới miễn cưỡng động đậy. Vươn thẳng người, tôi ngáp dài nói: "Giờ chúng ta bắt nó thế nào đây? Hẳn ông anh quý nó lắm."
"Cứ để nó tự do một tối đi. Sáng mai anh sẽ bắt nó lại."
Đoạn, tôi mắt nhắm mắt mở nhìn Henry đi quanh phòng thổi tắt hết nến, chỉ chừa lại một cây để soi đường khi chúng tôi ra ngoài. Anh đóng cửa cẩn thận. Cả ngôi biệt thự chìm hẳn vào bóng tối và lĩnh lặng, ngoại trừ tiếng thang gỗ cọt kẹt dưới chân chúng tôi.
Chúng tôi lẳng lặng đến chái nhà phía Tây, tới phòng mình, tôi bỗng có cảm giác ray rứt mơ hồ - tựa như đáp án cho vấn đề đang ở ngay trước mắt, nhưng lại bị một màn sương giăng phủ khiến tôi không thể nhìn rõ được. Càng cố nghĩ, lại càng mờ nhạt hơn. Henry dừng lại và nhẹ nhàng mở cửa ra. "Chúc em ngủ ngon, chú chim bé nhỏ," anh thầm thì, khẽ đến độ tôi tự hỏi liệu có phải mình đã tưởng tượng ra vế 'chú chim bé nhỏ' ở đằng sau? Hoặc giả tôi đã tưởng tượng ra tông giọng êm ái khi anh nói câu đó?
Đứng trước cánh cửa mở vào phòng mình, tôi dõi mắt nhìn anh đi hết hành lang. Lần này, anh bước vô cùng từ tốn. Mãi cho đến khi ánh nến tắt hẳn sau góc tường, để lại bóng tối dày đặc, tôi mới quay sang đối diện với căn phòng yên tĩnh và nỗi sợ hãi của mình.
Đã có thứ giúp chú chim được tự do. Nhưng điều gì sẽ giúp tôi tự giải phóng? Tôi trằn trọc lắng nghe những âm thanh kẽo kẹt rền rĩ, tiếng gió vi vu vượt biển băng đồi. Vừa thoáng nghĩ đến bản giao ước oái oăm, nỗi tuyệt vọng lại hùng hổ chiếm đóng. Hình ảnh chú thỏ mắc kẹt trong bẫy sắt, và chú chim cất đôi cánh tự do cứ thay nhau hiện lên trong đầu, tuyệt vọng cùng cực và hy vọng le lói đung đưa qua lại, cho tới khi tôi chẳng tài nào sắp xếp nổi suy nghĩ và cảm xúc của mình. Cuối cùng, kiệt quệ và mệt lử, tôi dần chìm vào giấc ngủ chập chờn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top