🍂 Chương 8 🍂
Hôm nay là một ngày đẹp trời, thích hợp để ngủ nướng và trốn học.
Dù phần đầu bị thương chỉ hơi nhoi nhói, không tới mức không đi học được, nhưng với một đứa không thích học hành thì đương nhiên sẽ tận dụng chuyện này để xin nghỉ.
Nhật nhớ việc mình đã nói ngày mai sẽ mang sách đi cho Tâm xem chung, nhưng cậu phủi luôn lời hứa suông ấy đi trong chớp mắt, vì cậu thấy không quá quan trọng. Chẳng lẽ ở trên lớp từng ấy đứa lại không có ai cho cậu ta mượn vở được? Nên cậu mặc kệ, bớt được chuyện nào phải nghĩ thì hay chuyện đó.
Nằm trên giường, Nhật cố gắng nhắm mắt ngủ thêm sau khi lỡ tỉnh giấc vì chuông báo thức hàng ngày, nhưng nằm thêm hơn nửa tiếng vẫn không tài nào vào giấc, cuối cùng lại phải dậy.
Cậu ngáp một cái thật dài, thầm nghĩ cuộc sống thật khó hiểu, ngày đi học thì nằm ngủ, còn hôm được nghỉ thì lại tỉnh. Nếu cố để giải thích hiện tượng này có lẽ chỉ có thể đổ tại hôm qua Nhật đã ngủ bù quá nhiều, thừa giấc.
Vò mái tóc đang rối tung của mình, cậu đạp chăn ngồi dậy, tắt điều hoà, bước tới kéo rèm cửa nhìn ra ngoài. Hôm nay rõ ràng là một ngày nắng đẹp, thích hợp để đi chơi.
Dạo gần đây rất thường xuyên có vài ngày mưa chen giữa vào những ngày nắng, nếu không nhìn trời thì không biết đường nào mà lần.
Phòng của Nhật ở trên tầng 4, từ cửa sổ có thể thấp thoáng nhìn thấy cây cầu nối vào nội thành ngay bên trái, ở rất gần, còn phía bên phải là hướng đi về trường cấp 3 của cậu - một khu vực thưa thớt dân cư, đường phố vắng vẻ, đồi núi trập trùng.
Nhật thường không có ý thức lắm về điều kiện khá giả của gia đình mình cho tới khi nhập học ở trường cấp 3 hiện tại, một nơi xập xệ quá mức, dân cư nhìn ai cũng thấy nghèo khó, tới cả đám du côn cũng là loại đấm nhau vì tiền chứ không phải vì danh tiếng.
Đẩy tay mở cửa sổ, gió mát thổi vào trong, tâm trí rối bời của cậu nhờ vậy thoải mái hơn đôi chút.
Một ngày trời đẹp thế này, có lẽ cậu nên ra ngoài.
Cậu xuống nhà, lấy tiền tiêu vặt được mẹ để sẵn trên bàn, trong lòng vốn hướng tới việc sẽ đi về phía bên trái, tới trung tâm thành phố ở nội thành, thế nhưng khi vừa mới nghĩ vậy thì điện thoại đổ chuông. Số lạ.
"A lô? Có tiền để trả tiền vá xe cho chú chưa?"
"À, là chú à." Nhật nhớ ra ngay, mắt nhìn tờ 100 nghìn mẹ để lại cho mình trên tay, thoải mái nói: "Cháu có tiền rồi, nhưng không có ai để chuyển khoản giúp cả."
"Thế mang qua cửa hàng của chú cũng được. Bao giờ đi học về thì qua đây, địa chỉ ở..."
Ông chú đọc ra một cái địa chỉ, Nhật ậm ừ đáp ứng sẽ mang tiền qua.
Địa chỉ kia, rõ ràng là đi về phía bên phải.
***
Cửa hàng sửa chữa xe kia không quá khó tìm, nhưng khoảng cách lại xa hơn từ nhà cậu tới trường học.
Có vẻ là hơi kì lạ vào một buổi sáng khi bạn bè còn đang ngồi trong lớp học bài, một kẻ đang trốn học như cậu lại đạp xe ngang qua trường. Nhưng chuyện này cũng không mấy khiến cậu để tâm vì ngày trước cậu trốn học như cơm bữa.
Lúc Nhật tới trước cửa hàng của ông chú kia, thấy trước cửa trong nhà bày biện một đống đồ nghề sửa xe và một chiếc xe máy đang sửa dở.
Ông chú thấy cậu, dừng việc đang dở đứng dậy nói: "Ái chà, đúng là người có tiền, uy tín quá."
"Không thì thế nào? Đã bảo sẽ trả mà." Nhật không hiểu nổi mấy câu đùa nhạt này, lấy tiền trong túi đưa ra.
Ông chú lau tạm tay vào cái quần vốn đã dính đủ các loại vết bẩn của ông ta, nhận lấy tiền cười phớ lớ: "Ha ha. Không phải ai cũng nói trả là sẽ trả đâu. Đừng nghĩ ai cũng giống mình thế chứ. 100 à? Đứng đợi tí để vào nhà lấy tiền trả lại. Sáng giờ đã có khách đâu."
"Ok chú."
Trong lúc đứng đợi, Nhật rảnh rỗi nhìn một vòng khu này. Cửa hàng nằm ở mặt đường, gần một ngã ba, xung quanh lác đác vài hàng quán ăn sáng đang mở cửa, mùi thơm khá gây chú ý khiến cậu bắt đầu thấy hơi đói. Tuyến đường rẽ vào đây không còn là đường lớn có xe tải xe container các loại đi qua nên bớt ồn ào và bụi bặm hơn. Thoạt nhìn yên bình, nhưng cảm giác về nơi này vẫn không tránh được nét hẻo lánh, ảm đạm. Người dân ở đây không nhiều, thi thoảng mới thấy một vài người đi qua, ai cũng mang dáng vẻ như có việc riêng nào đó cần phải làm... trừ một người trông rất kì lạ.
Cách đó một đoạn, Nhật thấy có một bà cụ đội nón lá, trên tay cầm túi xôi cứ đi đi lại lại loanh quanh một chỗ từ lúc Nhật tới đây đến giờ.
Trong lúc cậu đợi ông chú vào lấy tiền, bà kia bước đi thêm một đoạn rồi lại quay lại, rồi lại nhìn túi xôi trong tay, bước đi, sau đó lại quay lại.
Tới tận lúc ông chú thối lại cậu 60 nghìn, Nhật vẫn thấy bà ta loanh quanh ở đó.
Tuy hung hăng và ương bướng nhưng Nhật luôn tự thấy mình là một thằng có lòng trắc ẩn, vì vậy cậu đạp xe tới cạnh bác gái kia hỏi chuyện: "Bà cần giúp gì không?"
"Ôi." Bà thấy có người chắn trước mặt mình, hoang mang dừng lại, ngẩng đầu đáp: "Ai đấy?"
"Thấy bà đi qua đi lại mãi, bà cần giúp gì không?" Nhật kiên nhẫn hỏi lại.
Bà nghe vậy, nhấc túi xôi gấc trên tay lên nhìn ngó, sau đó ngập ngừng nói: "Tôi vừa đi mua xôi cậu ạ. Nhưng quên lấy tiền trả lại rồi."
"Chỉ vậy thôi á? Sao bà không quay lại đó lấy?"
"Ở đâu?" Bà ta nhìn cậu, mắt sáng lên: "Quán xôi đó ở đâu thế?"
"..." Nhật không lường được câu trả lời này, đơ ra mất một lúc để tìm câu trả lời thích hợp: "Thì ở chỗ bà mua xôi... ấy?"
"Tôi mua xôi ở đâu?" Bà ta hỏi lại cậu.
Nhật cúi đầu nhìn túi xôi vẫn nóng hổi và hương thơm nghi ngút trong tay bà cụ.
"Bà vừa mới mua mà?"
"Nhưng tôi không nhớ. Cậu biết quán xôi ở đâu không?"
Nhìn đôi mắt lo lắng của bà, Nhật nhận ra người này đầu óc không bình thường.
Nhưng nếu đã lỡ giúp thì giúp cho chót, cậu nhìn quanh tìm kiếm, phát hiện ra có một quán bán xôi ở đằng xa nên chỉ tay về phía đó: "Ở kia đúng không bà?"
Bà nhìn theo hướng cậu chỉ, vui mừng nói: "Đúng rồi, đúng rồi."
Nhật thở phào.
Nhìn về phía quán xôi, thấy trên bảng ghi "XÔI 5K", cậu tự hỏi sao xôi ở đây lại rẻ thế? Hơn nữa mùi ngòn ngọt đặc trưng của xôi gấc toả ra từ túi của bác gái cũng rất thơm, khiến cậu không nhịn được cơn thèm. Vậy là cậu tiện thể dắt bà cụ qua đường để tới quán xôi gấc.
Tới nơi, chị bán xôi gấc khó hiểu nhìn bà cụ hỏi: "Bà đưa cho con một tờ 10 nghìn, con trả lại bà 5 nghìn rồi đấy còn gì? Con vẫn còn nhớ cái tờ 5 nghìn của con trông cũ cũ đấy."
Bà khó hiểu cãi lại: "Làm gì có? Cô đưa xôi cho tôi, tôi nào đã lấy tiền trả lại."
Nhật im lặng nhìn hai người phụ nữ cãi nhau.
"Con nói điêu bà làm gì? Ai lại vì 5 nghìn tự đạp đổ chén cơm? Con còn nhớ bà nhét lại 5 nghìn vào trong cái nón của bà đấy!"
"Nón à?" Bà cụ nghe rồi bỏ nón ra xem, kết quả đúng là có thấy một tờ 5 nghìn cũ cũ kẹp ở phần quai nón.
Lúc bà cụ bỏ nón ra để lộ gương mặt, Nhật thấy bà ta cũng chưa già đến mức phải gọi là bà cụ, tóc bạc khá ít, da cũng không quá nhăn, thế mà đã lẩm cẩm đến mức này.
"Ôi nó đây rồi. Tôi sợ tôi cất trong túi quần túi áo dễ làm mất làm rơi nên nhét vào nón, ai mà biết lại quên mất nhét vào đây rồi." Bà cụ cầm tờ 5 nghìn cảm động nói.
"Vâng, suýt thì bà đổ oan cho con. Giờ bà cất kĩ vào đấy nhé! Lâu lâu mới thấy bà qua mua xôi cho con, dạo này bà quên nhiều hơn trước lắm rồi đấy."
"Ừ... thôi tôi về đây."
Bà cụ rời đi, Nhật mua xôi cho phần mình, sau đó không ngại đứng tại chỗ ăn luôn. Bởi hiện tại cậu cũng chưa nghĩ ra mình nên đi đâu làm gì cho đỡ phí một buổi trốn học.
Nhật vừa ăn vừa nhìn ra đường, thấy bà cụ kia đi khá nhanh, chứng tỏ chân chưa yếu, nhưng bà ta vừa đi tới chỗ gần ngã ba vừa rồi, bà ta lại khựng lại, đi loanh quanh một lúc. Tới tận lúc Nhật ăn xôi xong bà ta vẫn loanh qua loanh quanh, như không biết rẽ trái hay rẽ phải. Nhật vứt tờ lá chuối đựng xôi đi, lên xe đạp tới gần bà cụ hỏi tiếp: "Bà lại mất gì nữa à?"
"Ai đấy?" Bà cụ nhìn cậu hoài nghi hỏi.
"Cháu vừa giúp bà xong!" Nhật khó hiểu, ngay sau đó mới nghĩ đến khả năng có khi nào bà cụ này lẩm cẩm tới mức quên cả cậu không?
"Bà không nhớ cháu là ai à?"
Bà cụ nghi hoặc, nhìn cậu từ đầu đến chân, sau đó vui mừng như thể nhớ ra thật: "A! Thằng cu nhà hàng xóm đấy à? Dạo nay lớn rồi trông khác quá, bà không nhận ra."
"Cháu không phải hàng xóm của bà, bà đừng có nói như kiểu nhận ra thật vậy! Cháu vừa giúp bà tìm quán xôi đấy!" Nhật gần như mất kiên nhẫn.
Bà cụ túm chặt lấy túi xôi trong tay, như thể cũng vừa mới nhớ ra, hoặc là không nhớ ra nhưng giả vờ nhớ ra cho đỡ bị mắng: "À ừ... bà nhớ ra rồi."
Nhật thở ra một hơi, cố gắng bình tĩnh nói: "Thế bà làm gì ở đây?"
"Bà... bà không nhớ đường về." Bà cụ nhăn nhó, sau đó chỉ tay vào hai hướng ở ngã ba trước mặt: "Không nhớ rẽ đây, hay rẽ đây."
Bấy giờ Nhật mới tự hỏi không hiểu vì sao mình lại dây vào mớ phiền phức này. Hẳn vì cậu rảnh, và động lòng trắc ẩn, vậy nên cậu nghĩ sẽ giúp bà cụ này về được nhà.
Cậu hỏi thử mấy cô bác chủ quán xung quanh xem có ai biết bà cụ này không, kết quả là hầu như không ai biết, còn người thấy bà quen mặt thì chỉ nhớ bà từng qua mua hàng vài lần, chứ cũng chẳng biết nhà bà ở đâu.
Đương lúc cậu đang thắc mắc tại sao một bà cụ lẩm cẩm thế này lại không mang điện thoại theo mình thì bà chỉ về bên trái, nói: "Tôi nhớ rồi, đây, đi đường này này."
"Bà có chắc không ạ?" Nhật nghi hoặc hỏi bà cụ lẩm cẩm.
Bà cụ lẩm cẩm trả lời chắc nịch: "Chắc chứ! Tôi đi nhiều lần rồi!"
Xe đạp của Nhật không có yên sau nên chỉ đành dắt xe đi cạnh bà cụ. Bà cụ tuy đầu óc không còn minh mẫn nhưng chân tay vẫn rất nhanh nhẹn, không đến mức khiến cậu bực bội do phải làm việc tốt quá đà. Dù nghĩ vậy nhưng đôi lúc cậu cũng nghĩ nếu bà cụ đi chậm thì cũng chẳng sao, vì chuyện này chỉ giống như việc khi có tâm trạng người ta lại thích nghe nhạc lofi thư giãn chứ không thích remix x2 tốc độ như thường ngày.
Cậu chỉ muốn kiếm việc gì đó làm để giải phóng mớ cảm xúc hỗn độn không có cách xử lý trong lòng, ví dụ như cảm giác hụt hẫng vì vai trò của mình trong gia đình, hoặc như cảm giác trống rỗng và vô định vì chẳng biết phải làm gì tiếp theo.
Vừa đi vừa mải mê suy nghĩ, thoáng cái bà cụ đã dừng chân trước một ngôi nhà khá to đẹp ở mặt đường, có sân có cổng đàng hoàng. Trong sân có một người phụ nữ đang quét lá rụng.
Nhật đang chuẩn bị sẵn tâm lý để được người thân của bà cụ lẩm cẩm khen ngợi và cảm ơn thì nghe chị gái trong sân nhà nói bằng giọng bất lực: "Lại là bà à! Lần thứ ba trong năm nay rồi đấy."
Cậu đang tưởng ý chị kia là lần thứ ba bà cụ đi lạc, ai ngờ chị kia nhìn cậu nói tiếp: "Em trai, bà ấy chỉ đường cho em tới đây à?"
"À... vâng?" Cậu đáp.
"Đây không phải nhà của bà ấy đâu. Thì cũng đúng là nhà của bà ấy, nhưng đã bán cả nhà cả đất cho nhà chị từ gần 10 năm trước rồi! Sáu bảy năm gì đó, chẳng nhớ nữa. Mấy năm gần đây bà ấy lẩm cẩm, cứ lạc đường lại chạy ra đây nhận làm chủ nhà, đến khổ."
Bà cụ nghe không hiểu, cứ vậy hỏi lại: "Tôi bán nhà cho chị hồi nào?"
"Đấy, lại nữa. Lần nào cũng cãi nhau với bà, con mệt lắm rồi. Lần trước còn cãi nhau nửa ngày!" Chị kia vừa nói vừa ném cây chổi đang quét dở xuống đất, "Con không muốn nặng lời với bà, nhưng mấy lần trước bà mắng con xa xả dù con chẳng làm gì sai. Giờ con rút kinh nghiệm rồi, con vào nhà đây, không nói chuyện với bà nữa. Nếu là nhà bà, thì bà lấy chìa khoá mở cổng thử đi!"
Nói rồi chị ta đi thẳng vào nhà, để mặc Nhật với gương mặt hoang mang.
"Vô lý!" Bà cụ nói, sau đó lấy chìa khoá trong ra thử mở cổng thật.
Nhật đứng một bên xem, kết quả là thấy bà cụ loay mãi không mở nổi cái cổng.
Chị gái nghe tiếng lạch cạch, ngó đầu ra nhìn rồi khuyên nhủ: "Bà đừng có cố nữa, hỏng cổng nhà con."
"Vô lý! Thế nhà tôi không ở đây thì ở đâu?" Bà cụ thu chìa khoá lại, hỏi.
"Trên dốc Hi Vọng đấy bà ơi. Rẽ phải, cách đây gần 1 cây số, lên dốc mấy trăm mét nữa." Chị gái nói, vẻ mặt lộ rõ vui mừng vì thấy bà cụ hợp tác hơn bình thường.
Một người mừng hai người vui, bà cụ nghe vậy cũng mừng rỡ đáp: "Dốc Hi Vọng... Đúng rồi, nhà tôi ở dốc Hi Vọng!"
Chị gái: "Hầy!"
Nhật: "..."
Vậy là cậu lại hộ tống bà cụ đi lại tuyến đường vừa rồi, đi qua ngã ba, sau đó đi quá thêm một đoạn, quả nhiên có một cái dốc đề biển ghi "Dốc Hi Vọng".
Con dốc thoai thoải, hai bên có nhà cửa san sát, nhưng đứng từ dưới nhìn lên không thấy điểm cuối, chẳng biết còn phải đi bao xa nữa. Lúc này Nhật bắt đầu phân vân không biết mình làm việc tốt tới khúc này là đã xong chưa?
"Đến đây được rồi, cảm ơn cháu trai nhé, bà về đây."
Bà cụ nói rồi mỉm cười hiền hậu, vẫy tay chào cậu.
"Bà có chắc là bà nhớ đường về nhà không bà?"
"Chắc chứ! Tôi đi nhiều lần rồi!"
"..." Ai mà tin nổi cái "nhiều lần" của bà nữa chứ hả!?
Hôm nay là một ngày trời nắng đẹp, thích hợp trốn học để ngủ nướng.
Người đáng lẽ ra đang ngủ nướng trên giường lúc này dắt xe đạp đi cạnh một bà cụ lẩm cẩm, leo lên một con dốc, rẽ phải một lần, rẽ trái hai lần, cuối cùng rẽ phải, tới một căn nhà gần như ở tận cùng của con dốc.
Bà cụ lấy chìa khoá trong túi ra mở cửa, một con chó to nghe tiếng động chạy ra nhìn bà cụ sủa ầm ĩ, bốn chân nhảy lên nhảy xuống giậm mạnh trên nền đất, dường như đang tỏ thái độ cực kì tức giận.
Thấy một màn này, Nhật còn đang lo bà cụ nhầm nhà tiếp thì thấy khoá cổng mở bật ra. Bà cụ nghiêm giọng mắng chó: "Đại Ca đừng có giận nữa, bà đi có một lúc."
Cổng mở, con chó xồ ra nhưng không tấn công bà cụ mà chỉ tiếp tục sủa như đang mắng bà vì tội nhốt nó ở nhà.
"Bà biết rồi, bà xin lỗi Đại Ca! Cho mày miếng xôi gấc này." Nói rồi bà bấu một miếng xôi gấc ném cho con chó.
Con chó cúi đầu ăn sáng, sau đó không sủa lớn nữa mà chỉ rên ư ử như vẫn còn bất mãn. Rồi bất chợt nó quay đầu ra nhìn cậu, lúc này đang đứng ngoài cổng.
"Chào Đại Ca." Nhật nói.
Một người một chó nhìn nhau, Nhật không cử động, nó cũng đứng bất động nhìn cậu chằm chằm.
Đại Ca là một con chó cỏ lông vàng rất bình thường, tai vểnh, chân dài, không béo không gầy, nhìn qua còn thấy rất cơ bắp, thích hợp với cái tên Đại Ca của nó. Điểm đặc biệt duy nhất có lẽ chỉ có phần lông màu trắng bao thành viền ở cổ của nó, trông giống như một cái vòng.
Đại Ca đang đứng đực ra, bất chợt cái đuôi của nó cử động, phe phẩy sang hai bên. Bà cụ lấy làm lạ nói: "Đại Ca bình thường chỉ vẫy đuôi với người quen mà nhỉ? Đại Ca biết cậu này à?"
Trong thoáng chốc, Nhật cảm thấy ánh mắt của chú chó kia quen thuộc đến lạ thường.
Chó cỏ lông vàng ở thành phố này không hiếm, trong khu này càng không, nhưng phần lông trắng khác thường ở cổ của Đại Ca lại vô cùng hiếm gặp. Nhật không nghĩ ngoài chú chó của cậu từng nuôi hồi bé lại có thêm một con sở hữu phong cách lông kiểu vòng cổ thế này, ở đây.
Nhật dựng xe đạp, gọi thử: "Tôm Tôm?"
Đại Ca nghe cậu gọi, đuôi vẫy mạnh hơn. Hai chân trước vỗ nhẹ trên đất như đang phân vân xem nên bước tới hay không. Nó hết nhìn bà cụ lại nhìn cậu, quay trái quay phải vài lần, tỏ vẻ vô cùng lưỡng lự.
Cuối cùng nó quyết định quay đầu chạy vào cái chuồng sau lưng nó, tự với tay đóng cửa chuồng lại.
"Tôm?" Nhật cau mày, không hiểu phản ứng của Đại Ca nên nhìn bà cụ hỏi: "Nhà bà nuôi Đại Ca bao lâu rồi hả bà?"
Bà cụ nghe câu hỏi, mặt mũi nhăn lại. Có vẻ như câu hỏi hơi khó so với một người lẩm cẩm.
"Lâu rồi." Bà đáp chung chung.
Nhật hơi sốt ruột, hỏi đến cùng: "Nhà bà có ai không? Cháu muốn hỏi chuyện của Đại Ca."
Bà cụ nghe câu hỏi, giật mình nói: "Có người, nhà lúc nào cũng có người."
"Thế bà gọi giúp cháu đi."
"Nhưng làm gì có ai? Cháu tôi nó dặn ai hỏi nhà có người không thì phải nói thế."
"... Thế bao giờ cháu bà về?"
Lại là một câu hỏi, mặt bà cụ nhăn hết lại.
Cuối cùng bà bước qua đóng cổng, phẩy tay nói: "Cậu hỏi nhiều thế? Tôi đau đầu lắm, tôi vào nhà đây."
"Ơ? Cháu bà, bao giờ cháu bà về ấy? Nốt câu này thôi bà!" Nhật bám vào thanh sắt của cổng hỏi cố.
Bà cụ nghe giọng níu kéo của Nhật, cố gắng suy nghĩ thêm: "Nó... đêm nó mới về. Nó đi làm cả ngày. Tôi ngủ rồi nó mới về."
Cuối cùng thì bà cụ cũng khuất sau cánh cửa, chỉ còn lại Đại Ca đang nằm bẹp trong cái chuồng chó ngoài sân, đầu gối lên tay, mắt nhìn cậu, đuôi phe phẩy.
"Tôm?"
Mỗi lần cậu gọi, vận tốc đuôi của Đại Ca lại tăng lên, sau đó lại giảm dần.
"Làm gì mà đêm mới về? Bà cụ này lẩm cẩm thật."
Bấy giờ Nhật mới có thời gian để ý kĩ nhà của bà cụ.
Ngôi nhà cấp 4 ở tận cuối con dốc, một bên là hàng xóm, một bên là khoảng không trống rỗng, không có đất đai nhà cửa, chỉ có tầm nhìn ra bầu trời và khung cảnh thành phố phía dưới. Khoảng sân bên trong không quá rộng rãi nhưng vừa đủ để vài cái xe, trong góc còn trồng một cây thân gỗ đang nở hoa, hoa màu trắng rụng lả tả dưới đất, thoang thoảng hương thơm. Ở giữa sân còn chăng giây phơi quần áo, hiện tại thì chưa phơi gì.
"Giống mùi áo thằng lớp phó thế nhỉ..." Nhật lẩm bẩm, đá chân chống xe lên.
Có lẽ cậu nên tận dụng thời gian rảnh và chút tiền thừa này để đi mua sách vở trả cho Tâm.
______
Lời tác giả: Mình cũng khá bất ngờ khi 8 chương đầu nhạt như vậy mà cũng có người đọc nữa. Từ đầu chương tới đây mới chỉ là mở bài thôi, giờ mới chuẩn bị vào thân bài 🥲 Ai đang đọc được dòng này thì để lại một comment nha, nếu sau này mình viết mấy chương không public thì mình sẽ ưu tiên các bạn ạ. Ai comment muộn thì khum tính. Muộn chắc là cỡ... sau mùng 1/6/2024
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top