Chương 14

Nó chỉ trùng hợp là một cá thể dị biệt trong hằng hà sa số con chim sẻ khác ngoài kia. Một cá thể hy hữu không thể chứng minh lựa chọn cứu nó của cậu là sai lầm.


14.

Chương này có cảnh sinh vật chết được mô tả ở tần suất tương đối nhiều. Độc giả lưu ý trước khi đọc.



"Lâu lắm rồi anh mới lại có dịp xem kịch."

Ra khỏi Nhà hát Hồ Gươm, Du cảm thán, "Lần cuối là từ tận hồi anh đi xem Đào, Phở và Piano năm ngoái. Đoạn ca trù cất lên lúc tay trí thức tư sản bị rượt đuổi hay ho đến nỗi lúc về anh phải tìm cho ra bài đó, không ngờ năm nay vở kịch này cũng dùng cho đoạn Tuân bị truy sát. Hay thật đấy, lúc về chắc anh sẽ lên bài cho vở này."

Thường ngày Du khá kiệm lời, song cứ đụng đến nghệ thuật là anh có thể nói liền mấy tiếng không nghỉ. Khác với người xem thuần túy như cậu, chuyên môn của Du cũng có thể coi là họ hàng với sân khấu (chẳng phải người ta vẫn thường ghép Sân khấu - Điện ảnh lại với nhau hay sao?) nên anh bàn về những thứ chỉ người tìm hiểu chuyên sâu mới để ý. Giả dụ như vở ca trù lồng ghép trong đoạn rượt đuổi, Nhân còn chẳng biết nó tên gì, còn Du lại từ lời hát phân tích được hết dụng ý phía sau của người soạn kịch. Nào là bố cục từng phân đoạn, cách chuyển cảnh, dựng màn chiếu vân vân mây mây.

Còn nhớ, cái hôm thấy cậu đăng hình chụp hai tấm vé vở "Hoàng bào giả mạo" lên mạng, Du đã spam đủ loại tin nhắn kiểu, "Ước gì tôi ở thủ đô! Nhìn xem tư bản đã bóc lột tôi thế nào!" Và lúc về, thay vì đi chùa chiền du xuân, anh lại kéo cậu đến khu Hồ Gươm xem kịch (lần nữa). May mà sau khi kết thúc đợt công chiếu ở Nhà hát lớn, vở kịch đã được biểu diễn thêm ở Nhà hát Hồ Gươm gần chỗ hội xuân. Đợi đến cuối tuần, rốt cuộc Nhân cũng có thời gian cùng anh đi xem kịch và tiện du xuân luôn.

Xem đến lần thứ hai, Nhân đã không còn khúc mắc như lần đầu. Cậu trải nghiệm được trọn vẹn quá trình xem kịch và cũng hiểu thêm một số chi tiết được cài cắm bổ sung. Vở kịch này đúng là nên có một cái tên mới, bởi nó chẳng còn dáng vẻ của "Quân vương và Kẻ cầm ca" năm xưa nữa.

Dẫu vậy, Nhân vẫn khá tò mò cái kết qua quan điểm của người trong ngành như Du, bèn thử trao đổi với anh về kết cục của hai phiên bản cậu xem. Nghe xong, Du suy tư một lúc rồi nói.

"Mỗi cái kết có một đặc sắc riêng, anh thấy sự đa dạng điểm nhìn có thể tạo nên những kết cục khác nhau..."

Lướt mắt qua dải đường rộn rịp sắc xuân, giọng Du như có thêm sức sống, "Cá nhân anh lại cảm thấy Bội và Tuân có thể không ai phải chết. Thực chất, cuộc xung đột giữa họ là cuộc xung đột về danh tính và bản thể. Ai cũng cảm thấy người còn lại phải chết đi thì họ mới có thể trở thành cá thể độc nhất vô nhị trên cõi đời. Nhưng nếu lùi một bước ta sẽ thấy, họ hoàn toàn có thể thỏa hiệp với nhau."

Nhân vừa cuốc bộ ra chỗ đậu xe cùng anh vừa tò mò, "Thỏa hiệp á anh?"

Du gật đầu, vừa đưa vé cho người trông xe vừa giải thích, "Bội không muốn cả đời làm cái bóng của Tuân, có thể. Nhưng hắn có thực sự muốn giết Tuân không thì lại chưa được lý giải cặn kẽ. Thoạt nhìn thì đó giống như hành động phản kháng bột phát hơn. Bội thất vọng khi Tuân muốn giết hắn, tức là hắn đã trông chờ một điều khác. Hắn trông chờ sự thỏa hiệp từ Tuân, rằng Tuân sẽ tin tưởng hắn đến thời khắc cuối cùng. Nếu xoay chuyển diễn biến tâm lý của hai người thêm một chút, để Tuân đưa ly rượu kia cho Bội và Bội chấp nhận ly rượu độc, rồi đến cuối cùng Tuân gạt ly rượu đi và Bội cũng buông dao cùng một lúc. Có phải phân cảnh trong ngục sẽ viên mãn hơn không?"

Nói đến đây, Du ngừng lại, nhất thời không thể phân biệt con xe của mình giữa hằng hà sa số những chiếc xe khác. Thấy anh ngơ ngẩn, Nhân phì cười, lướt qua biển số xe một lượt rồi giúp anh lấy xe. Thường thức đời sống của Du có thể xếp hạng đáy xã hội. Khi đang tập trung vào chuyên môn, anh sẽ quên béng những sự việc diễn ra xung quanh.

Đến tận lúc Nhân giúp anh dắt xe ra ngoài khu vực đậu xe, Du vẫn còn đang ngẫm nghĩ, "Hoặc có lẽ bởi hướng đi đó viên mãn quá nên người soạn kịch không chọn. Người ta hay nói thế nào nhỉ? Con người sẽ khắc ghi những thứ họ để vuột mất. Lý do tình đầu khó phai và phim, truyện thường thích kết buồn đấy."

Lấy chìa khóa từ chỗ anh, Nhân tra chìa vào ổ, quyết định lái xe thay con người vẫn đang phiêu phiêu trên mây kia. Du đội mũ bảo hiểm, lúc trèo lên xe cậu ngồi vẫn chưa ngớt lời.

"Kịch nghệ thường đẩy mạnh xung đột lên cao trào để nhấn mạnh cảm xúc. Tuy nhiên anh lại thấy, vở kịch kia sẽ càng hay hơn nếu có một cái kết đẹp. Nó giống như hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai, khi đã vượt qua tất thảy giông tố thì sẽ thấy được bầu trời xanh trong vậy..." Nghe gió vi vu bên tai, cuối cùng Du cũng quay về thực tại, thở dài, "Hầy, nói đi nói lại, chắc vì anh cũng bị ảnh hưởng bởi sự nuối tiếc với cái kết rồi đấy."

Cũng từng thẫn thờ trước cái kết vở kịch nên Nhân phần nào đồng cảm với trải nghiệm lần đầu của Du. Lái về phía Hồ Gươm, cậu trông thấy hàng dài người nối nhau đi vào đền Ngọc Sơn. Nhìn chiếc cầu đỏ son bên đền, tự dưng cậu nhớ hồi nhỏ có từng học một bài cái gì mà...

"Cầu Thê Húc gì gì đó cong cong như con tôm..." Cậu lẩm bẩm, chợt nghe Du bật cười phía sau.

"Cầu Thê Húc màu son, cong cong như con tôm, dẫn vào đền Ngọc Sơn. Mái đền lấp ló bên gốc đa già, rễ lá xum xuê."¹ Anh trích nguyên văn giúp cậu.

"Em chỉ nhớ đúng đoạn con tôm, trời ạ." Nhân cười theo anh, ướm hỏi, "Anh muốn vào đền viếng không?"

"Đông quá." Chứng kỳ thị đám đông của Du trỗi dậy. Anh gạt đi, "Thôi thôi, cất xe ở đâu đó rồi đi dạo ven hồ là được rồi. Ồ, chỗ kia có cả tò he..."

Gửi xe ở con đường bên kia, Nhân cùng Du hòa vào dòng người cùng nhau tản bộ. Dịp Tết ở thủ đô thường khá heo hút nhưng đến mùa lễ hội lại nhộn nhịp hẳn. Khu Hồ Gươm thường xuyên diễn ra các sự kiện ngày hội, Nhân liếc thấy có rất nhiều người mặc đủ loại trang phục truyền thống đi du xuân. Du ghé qua hàng tò he nên cậu theo cùng. Anh trò chuyện với người bán tò he một chút rồi lấy điện thoại ra "tác nghiệp" một đoạn quay nhỏ và mua ba cây tò he giống nhau y đúc, một cho anh và một cặp cho cậu.

Nhân cầm que tò he mà không khỏi buồn cười, "Mua cái này về làm gì chứ? Để cắm trên chậu cây cảnh trước cửa sổ hở anh?"

"Mua ủng hộ người ta thôi, dạo này nghề nặn tò he mai một nhiều rồi." Dứt lời, Du sực nhớ ra, "À phải rồi, cặp đèn anh mua ở Hội An đó dùng thế nào?"

"Em treo ngay ngoài hành lang đó, anh nhìn mà không thấy à?"

"Có hả... ờm, không để ý lắm."

"Anh toàn để ý cái quỷ gì không ấy."

Du bất đắc dĩ để tay chéo nhau, tỏ ý không muốn nói nữa. Đi thêm một đoạn, Nhân lại theo anh đến khu vực viết thư pháp.

Năm nào Du cũng có thói quen xin chữ, câu đối gì đó, Nhân nghe anh bảo ấy là nét đẹp cổ truyền. Càng nghe Nhân càng cảm thấy có rất nhiều phong tục mà người nghèo sẽ không bao giờ để ý đến. Như nhà cậu hồi xưa, lúc chưa nợ nần, Tết đến cũng chỉ sắm sửa cành đào, cành quất và mấy gói bánh chưng, thịt thà rau dưa; sau nhà gặp chuyện, hai bố con cậu còn sống tối giản đến mức Tết nhất cũng không sắm sửa gì, duy chỉ có vụ lì xì là năm nào bố cũng cho cậu thay lời chúc. Còn thư pháp... vốn cha cậu không biết chữ. Hồi chân chưa bị tật, ông làm tài xế riêng cho một nhà giàu, chân có vấn đề thì nghỉ việc đi làm này làm kia, rất hiếm khi động đến giấy tờ. Bình thường ông cũng chẳng bao giờ xin chữ thầy đồ, nhưng có năm kia, gần Tết ông lại mang về một tờ giấy dó đỏ tươi, trên chỉ ghi đúng một chữ rồng bay phượng múa mà Nhân phải đọc mãi mới ra tên cậu. Bố cậu rất thích chữ "Nhân" đó, suốt cả năm sau tờ giấy kia được treo ở phòng khách, đến gần Tết năm sau ông mới gỡ xuống, cất đi, từ đó Nhân cũng bẵng quên.

Du xin một chữ "Du" phóng khoáng như tên anh xong thì quay sang hỏi cậu, "Muốn xin chữ gì không?"

Với phương châm không bao giờ mua đồ thừa về nhà chỉ để trang trí thì câu trả lời của Nhân sẽ thường là "không", song lần này cậu lại hơi tần ngần. Nhìn chữ Du được viết gọn ghẽ trên mặt giấy màu sữa, tự dưng cậu lại gật đầu.

"Nếu được thì bác viết cho cháu chữ "Thế" ạ."

"Ồ, đệm của cậu à? Được đấy." Du tấm tắc, "Mà tên cậu đặc biệt thật chứ, nếu chỉ gọi là Nhân thì cũng bình thường, nhưng gọi là Thế Nhân thì... đúng là ấn tượng thật. Bố mẹ cậu đặt tên vậy không biết có hàm nghĩa gì nhỉ?"

Nghe Du hỏi, Nhân mới nhớ ra cậu chưa từng hỏi về ý nghĩa tên mình. Thế Nhân... chắc là "người sống trên đời" đi. Đối với những người ít học hành như cha mẹ cậu thì để đặt được cái tên đó chắc cũng phải đi hỏi han nhiều lắm.

Cân nhắc một lúc, Nhân đáp lại một lý do cậu cảm thấy hợp tình hợp lý.

"Em cảm thấy bố muốn em cứ sống. Kiểu, dù cuộc đời thế nào thì vẫn cứ sống tiếp thôi."

"Le vent se lève!.. It faut tenter de vivre!" Du đọc một câu tiếng Pháp, cười khẽ, "Nghĩa là, "Gió nổi lên rồi, chúng ta nhất định phải sống"². Anh biết câu đó trong lúc xem một bộ phim. Lúc đó anh còn cảm thấy cụm từ "phải sống" quá nặng nề. Nhưng sau khi xem xong anh lại thấy, ừ, cứ là thế nhân thì ai cũng phải sống thôi."

Nói xong, có lẽ cảm thấy chủ đề này khá nặng nề, Du gạt đi, "Thôi, không nói mấy cái này nữa. Chữ cậu viết xong rồi kìa."

Nhân nhận chữ từ thầy đồ, xách túi cùng Du dạo quanh bờ hồ. Nắng tháng Ba nhẹ nhàng đậu lên những tán cây sưa nở bông trắng muốt. Du ngâm nga mấy câu thơ của vị tác gia có tên chữ giống anh, đột nhiên giật mình khi nghe tiếng chuông báo thức vang lên.

Thấy Nhân lấy điện thoại tắt báo thức, anh bèn hỏi, "Báo thức gì đấy?"

"Đặt giờ thay băng nước các thứ cho chim." Cậu cười, "Lát nữa về em thay sau cũng được."

Du gật gù, hiếu kỳ nhìn cậu, "À đấy, anh quên mất không hỏi. Cậu nuôi chim từ bao giờ thế?"

"Chuyện dài lắm anh..." Nhân nhất thời không biết nên nói từ đâu, "Dạo này cuộc sống em thay đổi nhiều ghê."

Hoa sưa trắng muốt trải trên đoạn đường. Vài cánh hoa lác đác đậu trên tóc bông xốp, Du liếc mắt nhìn Nhân, toan đưa tay phẩy giúp cậu mấy bông hoa trắng bé xinh trên đầu. Nhưng thấy cậu đánh mắt sang, anh ngần ngừ một thoáng rồi chỉ lên tóc mình.

"Có hoa rơi trên đầu kìa."

Nhân nghe vậy bèn lắc đầu, rũ mấy cánh hoa xuống. Mái tóc vốn đã bồng bềnh của cậu xù thêm, trông như thể trên đầu cậu mọc thêm hai cái tai. Du cảm thấy liên tưởng đó không ổn lắm, ngần ngừ một chút rồi cất lên thắc mắc anh vẫn ôm từ tận lúc mới quay về.

"... Có liên quan tới vụ anh trai song sinh của cậu không? Cái hôm cậu nhắn anh bảo gặp người quen cũ... là cái cậu anh trai kia hả? Kiểu trước giờ anh cứ nghĩ cậu sống tiết kiệm vậy vì nhà cậu không khá giả lắm, ai ngờ dạo này còn thấy cậu bắt đầu tập vĩ cầm..." Thấy biểu cảm của Nhân là lạ, Du ngừng nói, nhíu mày, "Anh tọc mạch quá rồi à?"

"Không phải." Nhân thở dài, "Anh em mình quen nhau bao lâu rồi, tọc mạch chút thì có sao. Chỉ là..."

Cậu ngừng lại, hết nhìn người đi đường lại trông ra bờ hồ. Chốc sau, cậu lại buông tiếng dài thượt.

"Em cũng chưa biết nên giải thích sao với anh, cơ mà nhà em không khá giả là thật. Người kia... ờm, thật ra không liên quan đến em."

Ánh mắt Du tỏ rõ sự cảm thông, "Ồ, đã hiểu."

Nhân cảm thấy Du có vẻ không hiểu như ý cậu muốn, nhưng lúc này, thật tình cậu chẳng biết nên giải thích sao với anh nên đành im lặng. Hai người cuốc bộ thêm một tiếng, đi hết một vòng hội xuân rồi trở về.


*


Thế nói sẽ bận mấy tuần thì đúng là hắn bận thật. Gần cuối tháng Ba, lúc tháo băng cho chim sẻ Nhân đánh tiếng qua hộp thư cho hắn, nhưng phải đến mấy ngày sau Thế mới phản hồi. Nếu không phải trước đó hắn đã thông báo trước cho cậu, Nhân sẽ nghĩ cậu bị hắn "đá" luôn rồi.

Thấm thoát thoi đưa, dù cậu không gặp Thế thì thời gian vẫn cứ trôi. Ngoại trừ đi làm, giờ Nhân còn sắp xếp thêm lịch học vĩ cầm hai buổi một tuần với Trường Ca. Đến lớp học cậu mới biết cậu chàng bằng tuổi mình nhưng đã có năm năm kinh nghiệm dạy nhạc. Trường Ca học nhạc từ nhỏ, biết chơi thành thạo kha khá nhạc cụ và có một kênh Tik Tok rất nhiều lượt theo dõi. Trò chuyện với Trường Ca tương đối dễ chịu, khi biết từ nhỏ đến lớn Nhân chưa từng động vào nhạc cụ, cậu chàng thậm chí còn chỉ dạy kỹ càng từ căn bản cho cậu. Học nhạc cụ nào cũng cần đến sự kiên nhẫn, nhất là với những nhạc cụ kéo dây, giai đoạn đầu tiên luôn khó khăn nhất. Được cái, Nhân vốn là một người có tính nhẫn nại tốt. Cậu cứ lặp đi lặp lại những kỹ thuật căn bản Trường Ca dạy mình hàng ngày, sau gần một tháng cậu đã đọc khá thành thạo bản nhạc và thanh âm lúc kéo đàn không quá khó nghe nữa.

Buổi học thứ bảy, Trường Ca đề nghị cậu học kéo một bài đơn giản. Khi được hỏi cậu muốn chơi bản nào, Nhân không cần nghĩ mà đáp luôn.

"Đôi bờ, được không?"

"Ồ, có phải bài mà Trúc Nhân hát live trong chương trình Xuân Hạ Thu Đông, rồi lại Xuân không anh?"

Nhân không nghĩ trên đời còn tồn tại bài "Đôi bờ" khác được dịch ra tiếng Việt ngoài bản tiếng Nga kia. Hỏi Trường Ca cậu mới biết giờ nhắc đến Đôi bờ mọi người sẽ nghĩ ngay tới bản tiếng Ý chứ không phải bản của Nga.

"Bản của Nga được sáng tác lâu lắm rồi. Ai còn biết thì chắc là được nghe bố mẹ họ mở. Ừm, nhưng vẫn tìm thấy sheet nhạc nên chắc được thôi anh. Vậy trong tháng tới mình sẽ tập bài này ha." Trường Ca khích lệ cậu, "Mình thấy tốc độ học của anh nhanh lắm á, nốt cơ bản lúc anh kéo khá trong. Chỉ cần luyện thêm một chút tư thế... ừm đúng, với chú ý lực độ..."

Xong ca học với Trường Ca, lúc Nhân về trọ hoàng hôn cũng dần buông. Tháng Tư, đã gần cuối mùa xuân, vạn vật hoàn toàn sống dậy sau đợt rét nàng Bân. Người ta bảo mùa xuân là mùa sinh sôi. Không chỉ cây cối nảy lộc đâm chồi mà các loài động vật cũng rục rịch kiếm bạn giao phối. Cất hộp vĩ cầm vào góc tủ, Nhân liếc con chim sẻ đang đập cánh trong chiếc hộp, cảm thấy có lẽ đã đến lúc để nó tập bay. Cậu ôm hộp sẻ ra ngoài ban công, vừa lúc thấy phòng trọ của Du mở cửa.

Thấy tóc tai anh bù xù, mặt mũi lờ đờ là Nhân biết con người sống giờ sao Hỏa kia vừa mới ngủ dậy. Du liếc con chim sẻ, hỏi, "Định cho nó tập bay à?"

"Ừm, đáng ra có thể bay thử từ tuần trước rồi, mà em bận quá." Nhân mở hé hộp sẻ, thấy nó vẫy vùng thì bật cười, "Cu cậu ngóng lắm rồi á."

"Ồ, sẻ đực à?" Du gợi ý, "À chờ chút để anh lấy máy ảnh. Anh chưa từng quay lại khoảnh khắc chim non tập bay sau khi lành vết thương."

Xoa mặt, anh vào phòng lấy chiếc máy ảnh cơ chuyên dụng ra. Vào trạng thái làm việc là Du lại bật chế độ kiệm lời. Nhân không trò chuyện nữa, để anh tập trung. Lấy con chim sẻ ra khỏi hộp, cậu khum tay, giữ chặt nó. Ngẩng nhìn khoảng trời ngả màu ráng đỏ, cậu tung chim sẻ lên không trung với một lực vừa phải.

Sau này, xem lại thước quay kia trong đoạn băng của Du, cậu mới nhận ra khoảnh khắc kia có thể trông điện ảnh đến mức nào. Còn lúc ấy, đồng tử cậu chỉ một mực hướng về chú sẻ non tung cánh. Nó đập cánh liên hồi, cơ thể bé nhỏ nghiêng nghiêng ngả ngả, chân co lại, có vẻ đang cố gắng giữ thăng bằng. Nhìn nó chấp chới giữa không trung mà Nhân cũng hồi hộp theo. Cậu dõi mắt theo cánh chim nhỏ, thầm thúc đẩy nó bay đi, bay đi...

Đợt chao liệng cuối cùng, dường như cuối cùng sẻ non cũng tìm thấy điểm tựa để bay lên. Nhưng thay vì vươn cánh qua bờ tường căn trọ, bay lên tít trời cao, nó lại bay thấp dần, thấp dần rồi thu cánh, đậu trên những ô gạch cũ trong sân.

Thời điểm nó hướng cái đầu nhỏ xíu về phía cậu, Nhân bỗng hơi thất vọng. Cậu đoán không phải nó tập bay thất bại. Những con chim không bay được sẽ ngả hẳn bên cánh gãy xuống, chơi vơi rồi ngã hẳn. Còn con chim này lại giống như chỉ bình tĩnh đáp xuống đất, không bay nữa mà thôi.

Quay xong đoạn băng, Du hạ máy cơ, liếc cậu, "Thế là nó có bay được không?"

"Em không rõ." Nhân nhíu mày, "Chắc là được. Em cảm giác nó đã giữ được thăng bằng, lúc đáp đất cũng không ngã. Chắc là bay được đấy."

Chỉ là, cậu không hiểu sao nó lại không bay nữa. Nhìn bầu trời ráng đỏ, Nhân tự hỏi những cánh chim có trông thấy màu sắc hoàng hôn như con người hay không? Vì trời không phải màu thanh thiên nên nó không muốn bay sao?

"Nếu nó bay được rồi thì cứ để thả nó ở vườn xem. Biết đâu quay qua quay lại, trong lúc cậu bận rộn thì nó cũng bay đi luôn rồi đấy." Du vừa nói vừa xem lại thước phim mình vừa quay, hồ hởi, "Ồ, đoạn vừa rồi quay được phết. Chờ đó anh hậu kỳ xong rồi gửi cậu."

Nhân cảm thấy Du nói cũng đúng. Cứ thả chim sẻ trong sân vườn thêm vài ngày nữa, chắc sẽ đến lúc nó bay đi thôi. Nghĩ đến việc sắp tới không nhìn thấy con chim sẻ mà mình chăm nữa, tự dưng cậu lại không đành lòng. Hơn một tháng chăm sóc, cậu cũng gắn bó với nó như vật kiểng, giờ thả nó đi cũng tiếc thật.

Nhưng tiếc thì tiếc, Nhân biết rõ là ngôi nhà của những chú chim chính là bầu trời. Nó đến từ bầu trời thì cũng nên quay về đó. Cậu chẳng muốn mãi giam cầm nó trong chiếc hộp nhỏ nhoi kia.

Hoàng hôn dần tắt, Nhân bật đèn hành lang, trở vào phòng thu dọn chiếc hộp đựng chim và đống vải băng, gom hết tất cả vào túi rác.


*


Mấy ngày sau Nhân phát hiện, chim sẻ vẫn chưa bay đi. Nó quanh quẩn chỗ sân vườn, thi thoảng sẽ xuất hiện trong tầm mắt cậu.

Hôm đó, Nhân nấu xong bữa tối, đem hộp cơm ra ngoài hành lang vừa ăn vừa ngắm trời ngắm đất ngắm mây thì chợt thấy bóng dáng con sẻ kia. Nó nhảy nhót trong sân một lúc rồi vỗ cánh bay lên bờ tường khu trọ. Vậy là nó bay được, Nhân thầm nghĩ. Chú sẻ này thuộc phần nhỏ bay được sau khi gãy cánh. Nhớ lần đầu gặp Thế, nếu cậu nghe hắn mà bàng quan với con chim kia thì cậu đã để mặc cho một sinh vật chết dần rồi.

Đúng là không thể tin được hắn mà. Nhân chép miệng, đặt hộp cơm xuống rồi lấy điện thoại nhắn cho Thế.

"Anh cứ bảo là không cứu được. Rốt cuộc con sẻ kia vẫn bay được kìa."

Như thường lệ, Thế không xem tin nhắn ngay. Nhân nhìn tin nhắn cuối cùng cậu gửi đi từ năm ngày trước - đoạn băng Du quay cảnh chim sẻ tập bay - bỗng cảm thấy dạo gần đây sự kết nối giữa cậu và hắn hình như đang mờ nhạt dần. Cậu không thích cảm giác mọi thứ dần trở nên xa cách.

Đã hơn một tháng kể từ lần cuối gặp Thế, cậu bỗng hơi nhớ hắn.

Bao lâu rồi kể từ lần cuối cậu nhớ nhung ai đó nhỉ?

Thẩn thơ một thoáng, Nhân tắt điện thoại, cầm hộp cơm lên ăn tiếp.

Vừa mới gắp một miếng trứng, cậu chợt thấy con mèo mướp nhà hàng xóm xuất hiện trên bờ tường. Nó núp sau lùm cây, nếu không phải đúng lúc trông sang Nhân cũng không phát hiện ra nó. Con mèo cúi thấp, tư thế như chuẩn bị vồ chim sẻ. Thấy vậy, Nhân đứng vội đặt hộp cơm lên thành ban công, định bụng tạo tiếng đánh động cả hai con vật.

Trước khi cậu kịp làm vậy, chim sẻ đột nhiên tung cánh. Cùng lúc đó, mèo mướp lao đến, giơ móng định vồ lấy sẻ non. Quá trình bắt mồi giống như một thước phim tua chậm qua võng mạc. Nhân sửng sốt, chỉ thầm mong là con sẻ non sẽ thoát. Nhưng mọi thứ còn vượt ngoài tưởng tượng của cậu. Sẻ non không chỉ tránh thoát móng vuốt của mèo mướp trong gang tấc, nó còn quay đầu ngược lại, mổ thật mạnh vào mắt mèo. Mèo mướp ré lên kinh hoàng, lùi lại theo phản xạ. Nó không giờ một con chim sẻ trông yếu ớt - con mồi của nó - lại dám quay ngược lại tấn công nó. Nhân cũng không ngờ. Cậu lập tức vỗ tay đánh "bốp" mấy cái rất vang. Cả mèo mướp lẫn chim sẻ nghe thấy thanh âm kia liền bị đánh động. Chim sẻ vỗ cánh bay đi. Mèo mướp lủi xuống bên kia, chỉ để lại vài giọt máu nhỏ như bằng chứng của cuộc tấn công chớp nhoáng.

Lặng nhìn sân sau yên tĩnh trở lại, Nhân nhíu mày, gạt đi cảm giác quái gở bất chợt dâng lên trong lòng, cúi xuống lấy hộp cơm, mang vào trong nhà.

Bữa ăn dừng lại ở đó. Cậu hiếm khi bỏ phí cơm, nhưng chứng kiến sự việc kia xong, Nhân thấy cậu không thể nuốt nổi thức ăn nữa.

Đến gần một tuần sau, Thế vẫn chưa hồi âm và chim sẻ cũng không quay lại. Cậu nghĩ mọi chuyện đã kết thúc ở đó, sau khi chọc mù mắt mèo mướp, sẻ non không bao giờ trở về nữa.

Tiếc rằng, lần này cậu đã lầm.


*


"Nhân! Này, Đoàn Thế Nhân, dậy ngay!"

Bị đánh thức bởi tiếng gõ liên hồi của Du bên kia cửa sổ, Nhân bật dậy khỏi giường. Cậu kéo rèm, vừa dụi mắt vừa mở cửa sổ hỏi.

"Sao thế anh?"

"Mẹ, anh cũng đéo biết phải nói sao nữa!" Du nhăn mặt, "Cậu ra đây mà xem."

Du vốn là một con người khá văn nhã. Để mà anh phải chửi thề thì hẳn đã có gì nghiêm trọng hoặc đặc sắc lắm. Nhân nghe vậy bèn mở cửa, theo anh ra vườn.

Lúc Du đưa cậu đến chỗ bờ tường nơi diễn ra trận chiến kia, Nhân manh nha đánh hơi được điều gì đó bất thường. Làm y tá lâu năm, cậu nắm rất rõ rất nhiều kiểu mùi ngai ngái khác nhau. Giả dụ như mùi nước tiểu của bệnh nhân, mùi vết thương nhiễm trùng, mùi xác thịt phân hủy,...

Giả dụ như mùi xác sinh vật hoại tử.

Nhân đứng khựng lại, nhìn chằm chằm "chiếc ổ" trên đất. Nó có hình dạng tròn và trũng như ổ chim, song không phải ghép từ những cành cây khô hay cỏ rơm, càng không phải từ gạch sỏi. "Chiếc ổ" nằm trong bụi cỏ dưới chân tường, được đắp từ xác của rất nhiều loại côn trùng, giun sán, thạch sùng chết. Kiến bò từng đàn quanh chiếc ổ, dòi bọ trắng hếu lúc nhúc lòi ra. Khung cảnh đó tạo nên một dạng hiệu ứng thị giác giống như xem phim kinh dị của Ito Junji ở dạng XD, gây chấn động đến cả năm giác quan. Nhân rùng mình, nổi gai ốc khi trông thấy con chim sẻ nọ xuất hiện trên bờ tường. Nó cắp thêm một con thạch sùng chết, cặp mắt như hạt nhãn hướng về phía cậu.

Gần như ngay lập tức, Nhân vỗ mạnh hai tay vào nhau theo phản xạ. Con sẻ giật mình, bỏ lại xác thạch sùng trên bờ tường rồi bay vụt đi. Cậu nhìn nó khuất dạng sau lùm cây, chợt nghe Du nói.

"Không được rồi." Anh cúi xuống, vừa quan sát vừa bình phẩm, "Anh thấy vụ này lạ lắm. Nó là chim sẻ đúng không? Chim sẻ vốn ăn hạt mà. Ừ đôi khi nó ăn cả côn trùng nhưng anh chưa bao giờ thấy nó dùng xác côn trùng để xây ổ cả. Ghê vãi!"

"Em cũng chưa." Nhân mơ hồ đáp lời anh, bỗng dưng nhớ tới ánh mắt hững hờ của Thế lúc ngồi ở cửa hàng tiện lợi.

"Nếu không chết, nó sẽ thành chim quỷ."

Câu nói kia xoay vần trong tâm trí cậu. Nhân chộp lấy điện thoại, mở hộp thư ra. Thấy tin nhắn hồi âm từ Thế, cậu vội mở lên.

"Nó không nên bay được."

Hắn chỉ hồi âm một câu đơn giản như thế, nhưng Nhân lại cảm thấy có lẽ hắn đã đoán được diễn biến này. Cậu nhìn tin nhắn kia gần một phút, quyết định không phản hồi gì cả.

Cất điện thoại đi, cậu nói với Du, "Để em dọn dẹp cái ổ này. Cứ để thế nó bốc mùi lên mất."

"Ừ, còn vụ con sẻ kia..."

"Đuổi nó đi." Cậu nói như chém đinh chặt sắt, "Thấy nó lần nào anh cứ đuổi nó lần đó, đừng để nó tiếp tục xây tổ ở đây."

"OK." Du gật đầu, sau đó lấy túi rác cùng cậu dọn dẹp chiếc ổ. Đến lúc cậu đem túi đi vứt vẫn không thấy bóng dáng con sẻ kia.

Cậu thà nó cứ bay mãi và đừng bao giờ quay lại đây nữa.


*


Hình như đã mơ thấy một giấc mộng quỷ quái, mới tinh mơ Nhân đã bật dậy. Đầu cậu ong ong, Nhân thừ người vài phút, không nhớ nổi rốt cuộc cậu đã mơ gì. Quang cảnh trong mơ cứ chồng chất lên nhau, lộn xộn, không ra hình thù. Cậu chỉ nhớ rằng mình đã thấy máu.

Người ta bảo mơ thấy máu là điềm gở. Trước giờ Nhân vốn không tin mấy chuyện mê tín đó lắm, không hiểu sao lần này cậu lại lạnh sống lưng. Rời giường, cậu đi đánh răng rửa mặt, định bụng sẽ ra ngoài đi làm sớm hơn mọi hôm một chút.

Mở cửa phòng, Nhân vừa định ra ngoài đổ rác sớm thì bỗng trông thấy vệt máu trên bờ tường. Ban đầu cậu ngỡ mình gặp ảo giác, nhưng khi nhìn kỹ, trông thấy cảnh tượng trước mặt, cậu cảm thấy như mạch máu trong cơ thể mình đông đặc lại.

Con chim sẻ kia lại xuất hiện. Lần này nó không đem theo con côn trùng hay thạch sùng nào cả. Còn hơn cả thế. Nó cắp theo xác một con chim khác. Nhân trợn trừng mắt nhìn nó kéo lê xác con chim kia trên bờ tường, ngón tay cứng đờ hơn cả khi ngâm mình giữa trời buốt lạnh. Dựa vào hình dáng, con chim chết kia cũng là một con chim sẻ. Màu lông sẫm hơn, cậu đoán là sẻ cái. Có lẽ là bạn phối giống của nó.

Con sẻ cái kia bị thương ư? Nhưng cậu thấy nó không còn động đậy. Nó đã chết sao? Do đâu mà nó chết? Nó...

Lần nữa chạm mắt với con sẻ kia, Nhân bật ra một kết luận mà chính cậu cũng hãi hùng. Con chim sẻ đấy đã giết đồng loại mình. Một loài ăn hạt như nó, một con sẻ bé nhỏ như nó, đã giết một con sẻ khác và tha về "tổ" của mình. Ý nghĩ đó khiến tâm trí cậu hoàn toàn câm lặng. Nhân cứ đờ đẫn nhìn con sẻ kia cắp xác con chim khác, giấu vào trong bụi cây nơi cậu và Du từng dọn chiếc ổ làm từ xác côn trùng. Cậu nhìn mãi đến khi nó bay đi, rồi cậu quay người trở vào phòng, mở Google lên và tra cứu cách bắt chim.

Chiều hôm sau, Nhân bắt được chim sẻ. Du giúp cậu giăng bẫy ở chiếc ổ vẫn còn xác con sẻ cái kia. Cậu bắt được nó và nhốt nó trong một cái hộp.

Thấy cậu bọc cái hộp kia lại, Du ái ngại hỏi, "Cậu chắc không?"

"Em chắc." Nhân nói, "Em sẽ đưa nó đến tiệm thú y của bạn em, nhờ chị ấy tiêm cho nó một mũi nhân đạo."

Du muốn nói thêm gì đó, song rốt cuộc anh chỉ im lặng và vỗ vai cậu. Sau cái vỗ ấy, Nhân bỗng cảm thấy vai cậu rất nặng, nặng đến mức cậu tưởng mình sẽ đánh rơi chiếc hộp, để con sẻ kia thoát ra và bay đi.

Giữ chặt chiếc hộp hơn, Nhân quả quyết, "Chuyện này là do em bày ra, giờ em phải có trách nhiệm thu dọn hậu quả."

Cậu không thể để sinh vật kia sống sót, dù cho cậu là người đã cứu sống nó trong hiểm cảnh. Nếu nó là loài chim săn mồi thì cậu đã không làm thế. Nhưng nó không phải. Cái gì đã biến nó từ một con chim non yếu ớt thành một sinh vật quái ác ăn thịt chính đồng loại mình? Do cậu đã đi ngược tự nhiên, cố gắng cứu sống nó ư?

Đến tận khi nhìn chị Hà tiêm cho con sẻ đã ngấm thuốc, cậu vẫn không thể lý giải tình trạng bất thường của nó. Cậu nói dối chị Hà rằng nó không thể bay được và bảo chị cứ làm như bình thường. Phải tận mắt chứng kiến nó chết, cậu mới yên tâm rằng sẽ không còn bất cứ con sẻ nào khác bị sát hại nữa.

Nhưng đến mấy ngày sau khi sinh mạng con sẻ non kết thúc cùng với mũi tiêm của chị Hà, Nhân vẫn gặp ác mộng. Nhân mơ thấy con chim xám trắng có vành mắt đen. Sau hôm giết chim sẻ, cứ cách ngày cậu lại thấy nó trong mơ cùng xác của hàng tá chuột đồng cắm sâu trên những cành cây gai. Con chim xám trắng có hình dạng chẳng khác nào chim sẻ kia đậu trên một cành gai vững chãi, ung dung róc thịt con mồi. Nội tạng chuột lộ ra, nhầy nhụa máu nhỏ giọt trên tuyết. Tuồng như cái mùi hôi thối của xác động vật xộc đến khứu giác cậu, Nhân bụm miệng, cố ngăn lại cơn nôn nao chực trào ngược từ dạ dày.

Rồi cậu bật dậy từ giấc mơ đó, mùi tanh tưởi vẫn còn lợm trong họng. Lấy máy thử tra cứu loài chim kia, Nhân nhận được kết quả trả về rằng mô tả của cậu khớp với loài chim dạng sẻ thuộc họ Bách thanh.

"Dù thuộc bộ Sẻ, bách thanh lại là dạng chim săn mồi [...] Chủ yếu bắt côn trùng lớn, nhưng cũng sẽ bắt chim nhỏ, bò sát và động vật có vú [...] Khi đã bảo đảm an toàn, bách thanh sẽ xé toạc con mồi bằng chiếc mỏ nhọn [...] Hầu hết các cá thể chim thuộc chi Bách thanh đều sống đơn độc, trừ lúc sinh sản và có tính lãnh thổ cao [...] Một số loài chim bách thanh còn được gọi là "chim đồ tể" vì thói quen kiếm ăn của chúng."³

Thoáng ấy, tâm trí cậu bỗng nảy ra một liên tưởng quái dị. Con chim sẻ nâu kia va vào thân cây, rơi tà tà xuống đám cỏ lẫn bụi đất. Cỏ hóa màu trắng xóa, mọc nhanh và phủ lên con chim sõng soài trên đất, nhuộm cánh chim từ màu nâu sồng thân thuộc miền nhiệt đới thành màu xám trắng lạ lùng của giống loài ôn đới. Cậu như nghe thấy tiếng chim rít lên. Giữa trời đông buốt lạnh, con sẻ kia bay vọt lên cao, cao hơn những bụi cây, cao hơn cả những tòa nhà phố thị, bặt tích vào miền thinh không, chỉ để lại một nhúm lông nâu sồng trên đám cỏ như vết tích chứng minh nó từng là một loài chim khác. Ranh giới từ nạn nhân thành thủ phạm hóa ra mong manh đến thế. Vạch kẻ mỏng hơn cả đường chân trời hấp háy chân mây ửng nắng. Cậu bước ra ngoài, trông ánh ban mai mơn mởn bên kia bờ tường sân trọ mà đột nhiên cảm thấy hình như có thứ gì trong lòng đã chết rục ngay trước khi kịp khởi sinh.

Những viên domino đã đổ ập từ khi cậu quyết định cất tiếng và lách mình bước vào công viên. Du liên tục bảo cậu rằng chuyện này không phải lỗi của cậu. Ai mà biết con chim sẻ đó dị hợm thế. Nó chỉ trùng hợp là một cá thể dị biệt trong hằng hà sa số con chim sẻ khác ngoài kia. Một cá thể hy hữu không thể chứng minh lựa chọn cứu nó của cậu là sai lầm. Nhân cũng biết là vậy. Nhưng phần nào đó trong cậu vẫn nghĩ rằng "nếu như...". Nếu cậu không cứu nó, có phải nó sẽ không trở nên bất thường và cuối cùng giết cả đồng loại mình không? Nếu không cứu, có phải nó vẫn sẽ mãi là một con sẻ non đáng thương bị con người thờ ơ bỏ mặc đến chết? Hay giả như nó lành cánh rồi mà không bay được nữa, liệu khoảnh khắc kia, nó có thể mổ vào mắt mèo mướp hay sẽ bị mèo mướp ăn thịt?

Điều gì đã biến loài sẻ chuyên ăn hạt thành một kẻ săn mồi?

Nhân không biết, Du cũng không biết. Có lẽ Thế biết, nhưng cậu sẽ không hỏi. Cậu không muốn, cũng không dám. Mở máy, cậu chỉ vào hộp thư, nhắn cho hắn một tin.

"Em giết nó rồi."

Ngắn gọn, súc tích, bốn chữ tóm lược lại một quá trình khép kín suốt hai tuần đằng đẵng.

Vốn nghĩ hắn sẽ tiếp tục phản hồi chậm mấy ngày như thời gian trước, vậy mà lúc Nhân đi làm về, vừa mới định đi tắm rửa rồi luyện chút vĩ cầm thì bỗng nhận được cuộc gọi từ Thế.

Ngạc nhiên bắt máy, Nhân nghe giọng hắn bình tĩnh vang lên qua loa điện thoại.

"Tôi đang ở đầu ngõ. Cậu có nhà không?"

Chốc đó, Nhân tưởng như cậu mới quay lại cái ngày ngồi ở bậc thềm bệnh viện, vừa gọi cho hắn vừa ngẩng nhìn bầu trời nhợt nhạt. Thanh âm đều đều của hắn lọt vào trong màng nhĩ cậu, đưa cậu trở về quãng thời gian cấp ba, vừa học bài vừa nghe giọng phát thanh viên kể chuyện qua chiếc radio cũ bên giường của cha.

Quên cả việc mặc áo khoác, Nhân vội vã khóa cửa, vọt chạy ra ngoài cổng. Đêm xuân lắng trong mỗi bước chạy trên con đường bê tông cũ của khu trọ nhỏ. Gió ùa bên tai, át đi tiếng thở và nhịp tim rộn ràng của cậu. Giữ chặt điện thoại, Nhân dáo dác kiếm tìm bóng dáng ai kia trong ánh đèn vàng của mấy cây đèn cũ ngoài ngõ. Thế đậu xe ở vị trí cũ, nhác thấy cậu thì tắt cuộc gọi, cất điện thoại vào túi áo.

Bắt được dáng hình hắn, Nhân tăng tốc, gọi to, "Anh!"

Tiếng cậu rất vang, đánh động buổi tối thanh vắng. Thế vừa mới xoay người, cậu đã nhào tới ôm lấy hắn. Đã sang tháng Tư, trời không còn lạnh nữa, hắn vẫn khoác chiếc áo măng tô xám dài. Nhân len tay qua lớp áo, ôm ghì vòng eo săn chắc dưới lớp áo thun. Vùi đầu vào hõm vai hắn, cậu rủ rỉ, "Nhớ anh lắm."

Không nghe hắn hồi đáp, cậu nói thêm, "Anh bảo mấy tuần, mà hơn tháng rồi không gọi cho em. Em còn tưởng anh bỏ rơi em rồi đó."

Cậu nghe hơi thở Thế phả xuống đỉnh đầu, "Tôi vẫn giữ liên lạc với cậu."

"Anh bận lâu quá, em lại chẳng có địa chỉ nhà anh, có muốn tìm anh cũng không biết tìm đâu." Vẫn ôm hắn, cậu ngước lên, "Anh không muốn đền bù gì à?"

Cậu đã chuẩn bị sẵn tinh thần nghe hắn hỏi, "Tôi phải đền bù cái gì?" Ngờ đâu, động thái của hắn lại chệch ra khỏi quỹ đạo tưởng tượng của cậu. Thế cúi xuống, từ tốn chạm môi lên khóe miệng cậu.

"Được chưa?" Hắn hỏi.

Ngỡ ngàng nửa giây, Nhân bật cười, "Anh đang dỗ em bé đấy à?"

"Nếu cậu coi mình là em bé, thì ừ."

"Khồng, chỉ mấy đứa trẻ con phụng phịu mới được người lớn dỗ dành bằng cách thơm má thôi. Em lớn rồi." Rời tay khỏi eo hắn, Nhân giữ lấy một bên vai, đẩy nhẹ hắn vào thành xe, "Dỗ người lớn thì phải làm thế này này."

Đoạn, tay còn lại cậu luồn ra sau, đỡ ót Thế để hắn khỏi phải tì gáy lên mảng kim loại cứng và lạnh. Còn chưa chạm môi, cậu đã liếm nhẹ lên vành trong môi hắn, dùng răng kéo nhẹ cánh môi dưới kia ra rồi đẩy lưỡi vào trong. Thế hình như không mấy bất ngờ trước sự hối hả của cậu, nghiêng đầu phối hợp, cho phép cậu kéo dài nụ hôn sâu. Hắn đã chiều chuộng cậu như vậy, cậu càng được đà càn quấy trong khoang miệng hắn, nửa hôn nửa cắn lên vành môi hắn. Nghe Thế thở khẽ qua đường mũi, Nhân càng rạo rực hơn. Ghì vai hắn vào thành xe, cậu len vào giữa hai chân hắn, cố định hắn tại vị trí cậu mong muốn. Cuốn lấy lưỡi hắn, Nhân bỗng cảm thấy hơi cồn cào. Cậu không còn muốn nhẹ nhàng mân mê chiếc lưỡi kia nữa. Cậu muốn ngấu nghiến nó như cái cách Thế đã làm với cậu, muốn thấy đôi mày hắn nhíu lại vì đau, muốn thấy cả giọt nước trượt ra từ khóe mắt tĩnh lặng và mênh mang kia.

Giống một đứa trẻ vòi vĩnh, cậu muốn hắn cho mình tất thảy.

"Anh..." Tách khỏi làn môi nóng hổi, Nhân thì thào gọi hắn.

Thế mở mắt, bình thản quan sát gương mặt cậu hồng nhuận dưới ánh đèn đường mờ mờ. Nhân giương đôi mắt ủ rũ mà long lanh cho hắn xem, bắt chước dáng điệu của mấy bé mèo bé cún đi hoang tình cờ được con người tìm thấy.

"Hôm nay em không muốn ở nhà." Cậu nài nỉ, "Anh đưa em đi đâu đó, nhé anh?"




¹ Trích từ bài "Hồ Gươm", SGK Tiếng Việt 2 tập 2.

² Trích từ câu nói của Paul Valery trong bộ phim "Gió nổi" của Hayao Miyazaki.

³ Lược trích từ Wikipedia.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top