Chương 1

Mùa đông thấm cái buốt lạnh vào da thịt, cô đúc tầm nhìn của cậu trong bóng hình kia. Cậu như người bắt chim một mực đuổi theo cái bóng chim lưu lại vách tường, như Psyche với lòng hiếu kỳ vô độ.


01.


Đồng tuyết hoang lạnh, chằng chịt bụi gai. Tuyết đóng thành băng trên những cành gai xương xẩu, trong suốt, long lanh. Trần đời Nhân chưa bao giờ đặt chân đến nơi có tuyết. Không mang giày tuyết, chân cậu lún trong lớp trắng dày qua mắt cá, lạnh cóng. Cái lạnh đâm xuyên cốt tủy.

Chợt, Nhân nghe tiếng đập cánh đâu đây. Ngước mắt, cậu thấy một cánh chim vút qua thềm trời tàn úa. Lông chim màu xám ngọc trai, điểm xuyết quanh mắt và vành đuôi dải đen như gỗ mun kéo lê trên tuyết. Chim nọ cắp xác một con chuột, bay tà tà rồi đáp xuống bụi cây gai. "Phập", gọn ghẽ, nó đâm xuyên con chuột đồng chết vào nhành cây. Một phần nội tạng loài gặm nhấm lộ ra, máu đỏ lẫn máu đen chảy xuống, cô đặc trên phiến tuyết lẫn đất với cỏ dại. Nhân rùng mình, hai tay xoa chéo nhau, cố xua lớp gai ớn lạnh trên người. Cậu chưa từng thấy giống chim kia. Những bụi cây gai trông cũng xa lạ. Đồng tuyết càng lạ lẫm hơn. Cậu chẳng có bất cứ mối liên kết nào với quang cảnh lạ lùng trước mắt.

Nên rời khỏi đây, Nhân nghĩ vậy và cất bước. Đi được ba bước, cậu lại nghe thấy tiếng đập cánh phía sau, lẫn với tiếng nhạc trữ tình chẳng biết từ đâu vọng lại. Nhân nhớ hồi nhỏ cậu từng nghe mẹ hát ru bằng giai điệu ấy - bài nhạc Liên Xô cũ được dịch sang lời Việt, một bản tình buồn. Nơi đồng tuyết quạnh hiu, điệu nhạc kia lại mang theo nỗi cô lánh đạm mạc.

Chẳng rõ vì sao, Nhân chợt ngoảnh đầu. Giây khắc ấy, cậu bỗng thấy một bóng người đứng giữa những bụi gai. Chiếc áo măng tô xám dài che gần hết cơ thể hắn, lấp ló ống quần màu ngọc trai. Gần đó, chỉ còn xác chuột xiên giữa cây gai, chẳng thấy bóng dáng con chim kia nữa.

Cơn rùng mình chạy dọc sống lưng Nhân. Cậu nhớ chiếc áo măng tô đó! Cậu từng gặp người đó, chắc chắn!

Quay lại, Nhân vừa gắng rảo bước trong lớp tuyết dày vừa với gọi người kia.

"Này...!"

Như nghe tiếng cậu, người nọ ngoảnh lại. Gương mặt hắn trắng xóa như bị tuyết phủ đầy. Nhân sửng sốt, lại thấy người nọ thoắt cái đã hóa thành cánh chim, hòa vào nền trời. Nhân toan đuổi theo cánh chim, chợt vấp vào chỗ tuyết cứng, mất thăng bằng. Người cậu lung lay, đầu chúi xuống.

Giật mình, Nhân sực tỉnh. Sức nặng vô hình đổ ập xuống đầu, cậu ngơ ngác nhìn thềm trời xam xám bên kia cửa kính ô tô. Không có tuyết, hiển nhiên rồi. Khi nào vùng đồng bằng của một nước nhiệt đới gió mùa có tuyết rơi thì loài người nên chuẩn bị diệt vong là vừa.

Vài hạt mưa phớt qua mặt kính, tâm trí Nhân bôn tẩu đến tiếng nhạc trong xe. Bản nhạc trữ tình phát ra từ chiếc máy nghe nhạc của Du. Bên phía đối diện, anh chống tay lên thành xe, đầu tựa sát lòng bàn tay, thiu thiu nhắm mắt. Đôi mày anh nhíu chặt và mi mắt rung rung, có lẽ ngủ không yên giấc. Du vẫn đang đeo tai nghe, Nhân để ý rắc cắm lỏng nên âm thanh mới bị rò ra. Cậu cắm lại tai nghe cho anh rồi lại ngồi ngẩn ngơ.

Cứ mùa đông, đôi lúc Nhân lại mơ thấy người nọ. Người khoác chiếc áo măng tô xám mà cậu đã chẳng có cơ hội hỏi tên, hắn lại đến cùng buốt giá. Nhưng dù gặp người nọ bao lần trong mơ, Nhân vẫn chưa bao giờ thấy được gương mặt hắn.

Nhìn bóng mình phản chiếu trên ô cửa, Nhân khẽ lắc đầu, trút một làn khói dày lên mặt kính. Không thấy thì thôi vậy. Ngoại trừ gương mặt, cậu vẫn nhớ được những đặc điểm khác. Tóc hắn đen tuyền, dáng người dong dỏng, cao hơn mét tám, có lẽ ngang với cậu bây giờ. Cả hai lần, hắn đều mặc áo măng tô xám, chân đi giày da bóng và tay đeo găng đen. Nhân vừa hồi tưởng vừa ngâm nga giai điệu thơ thẩn. Bài hát trong máy Du là phiên bản đã được chuyển ngữ tiếng Việt, thế nhưng Nhân nhớ, lúc trước mẹ cậu từng hát một đoạn bằng thứ tiếng Nga bập bẹ.

"И сама я верила,
Сердцу вопреки:
Мы с тобой два берега
У одной реки."¹

"Tiếng gì thế?"

Nhân liếc sang, thấy Du đã tỉnh bèn hỏi, "Anh không tranh thủ ngủ thêm à?" Cậu mở điện thoại, "Mười phút nữa mới đến nơi cơ."

Du ngáp một hơi dài, đáp, "Đường xóc quá."

Thấy tài xế thoáng liếc qua kính chiếu hậu, Du nín lặng. Nhân nén cười. Rõ ràng quãng đường không hề xóc nảy, chỉ là dạo này Du bị rối loạn giấc ngủ nên chẳng vào giấc sâu được. Anh vuốt nhẹ sống mũi, lặp lại câu hỏi bỏ ngỏ ban nãy.

"Vừa rồi cậu hát tiếng gì thế?" Anh băn khoăn, "Nghe phát âm... tiếng Nga à?"

"Anh tinh thế."

"Thì cũng từng xem vài bộ phim Nga... mà anh không biết cậu biết tiếng Nga đấy."

"Em không biết, đoạn kia em chỉ học vẹt thôi." Nhân nheo mắt, nhe răng, "Lời Việt thì thuộc."

"Còn có hẳn lời Việt cơ à?" Du ngạc nhiên.

"Anh đang nghe đó thôi?"

Nhân nói xong, thấy Du chớp mắt nhìn mình bèn nhoài người sang, lấy một bên tai nghe anh áp vào tai mình. Nghe thấy điệu nhạc La tinh xa lạ, cậu "ủa" một tiếng rồi mò đến máy phát nhạc của anh. Kiểm tra, Nhân mới phát hiện Du không bật nhạc theo danh sách đã lưu mà để chế độ trộn bài ngẫu nhiên.

Thảo nào.

"Anh không biết thì thôi vậy."

Du liếc cậu, "Nói tên bản chuyển ngữ tiếng Việt cho anh khó thế cơ à?"

"Chuẩn! Khó như lúc anh vượt núi băng rừng ấy. Đến lúc anh về em nói cho."

"Ê!" Du bất bình.

Nhân cười ha hả. Du thường xuyên thiếu ngủ nên gương mặt anh hơi bợt bạt, thoạt nhìn sẽ tạo ra cảm giác anh là người cáu kỉnh. Nhưng nếu tiếp xúc với anh một thời gian, ai cũng sẽ nhận ra thực chất tính anh khá thoải mái. Nhân thích trò chuyện với anh, nên mỗi khi Du bôn tẩu đó đây làm nghề, cậu lại hơi hơi tiếc nuối.

Lấy bên tai nghe còn lại xuống khỏi tai Du, cậu thoăn thoắt cuốn chúng lại quanh máy phát nhạc, vừa cho vào túi áo anh vừa hỏi, "Lần này đi, bao giờ anh về?"

"Chắc... độ chừng một tháng đi... chưa biết nữa." Du đáp qua quýt.

Công việc của anh phải di chuyển liên hồi, phiêu nhiên khắp nơi. Lúc nào lên mạng, Nhân cũng thấy Du đăng cả loạt ảnh lên mạng xã hội. Có lần anh đi xuồng ghe với dân bản địa quanh khu rừng đước Cà Mau, lần khác lại thấy anh leo lên tận cột cờ Lũng Cú. Năm ngoái, Du ở Sa Pa gần hai tháng, mãi đến hai chín tháng Chạp anh mới trở về khu trọ thưa thớt, cùng cậu trải qua cái Tết tẻ nhạt rồi mới sắp xếp công việc đi tiếp.

"Anh nói một tháng thì kiểu gì cũng phải tháng rưỡi hai tháng mới về." Nhân lầm bầm.

"Ờ đó, lúc đấy về đón cậu đi chơi hội xuân."

Nghe vậy, mắt Nhân sáng lên, "Nhớ đấy!"

"Nhớ, có lần nào anh quên đâu." Du liếc gương mặt hớn hở của cậu, chợt hỏi, "Muốn quà gì?"

Du thích mua đồ lưu niệm, anh bảo đấy cũng là một phương thức lưu trữ ký ức ở những nơi anh đi qua. Phòng trọ anh đã chất đầy những thùng đồ, chật chội đến mức Du phải mang đi thanh lý. Thi thoảng hứng lên, anh sẽ mua một đống đồ chuyển phát về chỗ cậu, Nhân nhìn mà nghĩ, bảo sao lúc nào Du cũng than hết tiền.

"Lần nào đi anh cũng mang quà về cho em, không thấy phí à?" Cậu nghiêm túc khuyên nhủ anh, "Để tiền đó mà mua quần áo, em toàn thấy anh mặc đồ cũ thôi. Chỉ toàn mua đồ linh tinh."

"Này, đồ anh mua không hề linh tinh nhá! Mấy thứ đó có tác dụng giải tỏa tinh thần, lúc buồn chán lôi ra ngắm là hết buồn hết chán." Du lẩm bẩm, "Cậu chả biết gì cả."

Ngừng một chút, như sực nhận ra Nhân lại đưa mình đi một vòng lớn, anh lập tức thốt lên, "Đấy, lại chuyển chủ đề rồi! Muốn quà gì nào?"

Nhân phì cười. Du thực sự cố chấp với việc tặng quà lưu niệm. Cậu cũng thích mấy thứ đồ nho nhỏ thật, nhưng phải dùng được cậu mới mua. Nhân cảm thấy chẳng có ích gì khi mua những thứ về chỉ để trưng bày, ngắm nghía.

"Lần này anh ghé Quảng Nam à?"

"Ừ, anh ở Hội An nửa tháng rồi vòng qua cửa Hàn đến Đà Nẵng."

"Thế thì... một cặp đèn lồng được không? Hội An là đất đèn lồng mà. Anh mua một cặp về em treo ngoài hành lang. Đèn chỗ em hỏng rồi."

"Cái thằng này... mày sống thực dụng thật đấy." Du nhăn nhó. "Ai lại dùng đèn lồng treo hành lang? Chẳng có tính thẩm mỹ gì sất."

"Thế thì đèn bình thường cũng được, miễn là một cặp." Nhân nhấn mạnh, "Một cặp đấy nhé! Giống nhau như đúc, không em không nhận đâu."

"Biết rồi, cái đồ OCD..." Du chép miệng, "Nhớ rồi, một cặp đèn để treo hành lang. Cần gì nữa không?"

"Anh biết tính em mà. Tùy anh mua, cái gì dùng được là được."

Du gật gù, nhìn đường phía trước thì thấy đã gần đến nơi. Taxi dừng lại một đoạn trước ga xe lửa. Sau Tết, tiết trời thủ đô không những không ấm lên mà còn lạnh đi mấy độ. Xen lẫn cái lạnh còn lớt phớt mưa phùn. Cái ẩm tiêm chích cơn buốt qua lớp da mỏng manh, ngấm vào tận xương tủy.

Đồ đạc của Du lỉnh kỉnh đủ thứ. Nhân mở cốp xe, nhìn anh đeo chiếc ba lô nặng trịch, bản thân cậu thì xách chiếc túi quai đựng đủ thứ thiết bị chụp ảnh và cuộn phim. Trả tiền taxi xong, trông Du vẫn không có chút sức sống nào. Hẳn vì trời mới tảng sáng, Nhân thầm nghĩ, cú đêm như anh thì có tài nào làm chim sâu buổi sớm cho nổi.

Băng qua hơi lạnh cuối Đông, cậu cùng Du lững thững xách đồ qua cổng mua vé. Còn mười mấy phút nữa là tàu chạy, Nhân bèn giục anh: "Trông anh tã lắm rồi, lên xe lửa ngủ thêm đi."

"Cậu cứ cằn nhằn mãi thôi..." Còn chưa dứt lời, Du đã hắt xì một tiếng rõ to. Nhân phì cười, chỉnh lại chiếc khăn len tuột quá nửa và vén lọn tóc xoăn của anh vào trong mũ.

"Đi mạnh giỏi." Cậu dặn.

"Ờ. Có gì hay ho anh sẽ chụp gửi cậu." Du lấy chiếc túi quai đeo từ cậu. Anh muốn vẫy tay nhưng chiếc túi kia quá nặng nên đành đổi thành gật đầu. Nhân vẫy chào, nhìn anh đút tay vào túi áo, cất bước lên tàu.

Lúc chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa, Du sực nhớ ra một điều, bèn rảo bước quay lại chỗ Nhân, dúi vào tay cậu chùm chìa khóa.

"Vẫn như cũ, trong lúc anh đi, cậu trông nhà giúp anh. Xe anh cậu dùng thoải mái, nếu một tháng anh chưa về thì đem nó đi bảo dưỡng rồi gửi biên lai cho anh. Còn gì không nhỉ...?"

"Tưới mấy cái cây. Có ai gửi thư từ hay người lạ đến tìm anh thì chụp và gọi trực tiếp cho anh." Nhân cười, "Mấy chuyện này sao mà em quên được."

Du nghe vậy, rốt cuộc cũng hơi mỉm cười. Anh bước tới, ôm hờ vai Nhân rồi nhanh chóng tách ra. "May mà có cậu."

Lần này Du đi thẳng một mạch vào khoang xe lửa, không quay lại nữa. Nhìn anh băng qua mấy ô cửa kính bám bụi, Nhân chợt bần thần.

Dù đã mấy lần đón đưa anh đi đi về về, mỗi lần tiễn biệt, cậu vẫn thấy lòng trống trải. Cảm giác đó không chỉ ứng với mỗi Du. Cứ khi nào thấy trọ có người ở mới, hay đồng nghiệp chuyển chỗ làm, tiễn những gương mặt cũ đi và đón gương mặt mới đến, Nhân đều phải mất một thời gian để làm quen. Thi thoảng chủ nhà ghé qua kiểm qua, bảo cậu là người hiếm hoi ở chỗ trọ đấy lâu như thế. Những lúc đó Nhân chỉ cười bảo, khu trọ gợi cậu lại căn nhà ban xưa của mình.

"Thế thì trước đây, nhà mày cũng chẳng khá khẩm lắm nhờ!" Bác gái tặc lưỡi, vỗ vai cậu, "Thôi thanh niên, còn trẻ thì gắng lên. Kiếm việc ổn định rồi cưới vợ sinh con."

"Việc cháu làm bây giờ cũng ổn định lắm rồi bác." Nhân cười xòa.

"Thế thì cố gom góp tiền mai mốt còn lấy vợ." Bác gái nhìn cậu một lượt, băn khoăn, "Trông mày cũng lành hiền, mặt mũi sáng sủa thế mà đó giờ chưa thấy đưa cô nào về nhờ! Con gái thời nay sao thế?"

"Cháu chưa tính đến chuyện đó vội cô ạ."

"Hai mấy tuổi rồi, trẻ trung nỗi gì. Bọn trẻ bây giờ thật là...! Thời xưa nhé, đám bọn cô..."

Chờ đến khi bác chủ nhà khuất sau cánh cổng lụp xụp, Nhân mới thở phào. Mặc dù đã tiếp xúc với đủ thể loại người lớn tuổi, không phải lúc nào cậu cũng đối phó được cái miệng hoa của họ. Được cái, cậu có thể kiên nhẫn mỉm cười với cô bác tọc mạch, chờ họ nói chán chê rồi bỏ đi. Những điều họ nói đều có phần hợp lý, nhưng lại không thể áp vào hoàn cảnh của cậu. Nhân vừa đi ngược lại hướng xe lửa chạy vừa nghĩ. Chờ thêm đôi ba năm nữa, trả đủ số tiền kia, có khi cậu cũng phải tìm cho mình một đích đến mới. Cưới vợ sinh con đảm bảo không thể rồi, nhưng yêu đương chắc vẫn được.

Nếu có thể chung sống với ai đó mãi mãi thì tốt thật...

Nhân chợt dừng bước. Hình như vừa nãy, cậu mới thấy một bóng người hối hả lướt qua. Vội ngoảnh lại, Nhân thoáng thấy một người con trai mặc áo măng tô xám đang xách cặp, chạy về hướng xe lửa. Cậu bất giác xoay người đuổi theo. Bước chân cậu chạy đến miền miên viễn. Mùa đông thấm cái buốt lạnh vào da thịt, cô đúc tầm nhìn của cậu trong bóng hình kia. Cậu như người bắt chim một mực đuổi theo cái bóng chim lưu lại vách tường, như Psyche với lòng hiếu kỳ vô độ. Trí nhớ Nhân vốn rất tốt. Hiếm có sự vật nào cậu từng khắc ghi mà lại trở nên mơ hồ trong tâm tưởng. Chỉ duy gương mặt người nọ cậu lại chẳng tài nào nhớ nổi. Lắm lần Nhân nghĩ, chắc gì hắn đã tồn tại trên cõi đời này. Có khi hắn chỉ là một bóng ma ngẫu nhiên được Chúa gieo xúc xắc² đến trước mặt cậu. Thậm chí Nhân không rõ cậu từng thực sự trông thấy hắn không hay vẫn đang chìm trong giấc mơ u uẩn.

Dẫu vậy, cậu vẫn cứ đuổi theo bóng hình kia, kể chăng khi chiếc áo măng tô lẫn vào trong dòng người tấp nập nơi ga tàu, chẳng còn tăm tích. Cửa tàu đóng kín. Tiếng còi tàu vang lên chói gắt bên tai, gọi cậu dậy từ huyễn tưởng. Nhân dừng bước, lặng người nhìn đoàn tàu lăn bánh dần khuất xa, đột nhiên không hiểu cậu vừa mới định làm gì.

Đó chỉ là một người mặc măng tô thôi. Không phải hắn. Lý trí Nhân liên tục nhắc nhở cậu. Không phải hắn.

Chôn chân tại chỗ một hồi, Nhân khẽ lắc đầu. Cậu nhìn thoáng qua mấy hàng ăn trong khu chờ xe lửa bắt đầu tấp nập người rồi cất bước rời sân ga.

Từ khu trọ các cậu đến ga tàu độ chừng hơn một tiếng đi lại, lúc đi Du trả tiền taxi, lúc về Nhân cũng không muốn tốn tiền ngồi thêm chuyến nữa. Nghĩ vậy, cậu tra bản đồ, đến trạm xe buýt gần nhất bắt xe về. Qua trực ca đêm, bốn giờ sáng về nhà chỉ kịp ngủ hai tiếng đã dậy tiễn Du ra ga tàu, giờ đầu óc Nhân vẫn quay quay. Cậu định lên xe đánh thêm giấc nữa, không nghĩ tuyến xe lại có nhiều học sinh, sinh viên đi học sớm, chỗ ngồi đã kín.

Bên ngoài quá lạnh, cái lạnh đủ để bào mòn tâm trí vốn đã hơi mơ màng của Nhân. Tìm chỗ đứng gần cửa sổ, cậu vừa nhìn dòng xe tấp nập ngược xuôi vừa lim dim.

Từ xưa, cậu đã không thích mùa đông. Cái mùa tắt lịm vầng dương và ném những người cô đơn đến xứ miên trường. Cái mùa mà những dãy nhà xụp lụp không đủ chắn gió, không có tiền mua máy sưởi phải co ro bên bếp tổ ong, ngấm thứ khói độc hại đó vào trong tim, trong phổi, tiếp tục kéo dài hơi tàn trong mùa đông giá buốt. Vượt qua được, họ sẽ trông thấy ánh sáng mùa xuân. Không chịu nổi, họ sẽ chìm nghỉm trong bóng tối im lìm.

Nhân sực tỉnh, chợt nhận ra cậu lại thẩn thơ trong quá khứ. Sở hữu một trí nhớ sắc nét chưa chắc đã là điềm lành. Cậu nhớ những niềm hạnh phúc và ghim sâu cả những nỗi buồn đứt đoạn ruột gan. Từ khi lên thành phố, mỗi mùa đông, cậu lại thấm thía những niềm bải hoải.

Trời sáng hẳn, Nhân chẳng buồn ngủ nữa. Cậu xuống trước một bến, quyết định đi dạo một vòng rồi mới về trọ.

Đã qua giờ mọi người đi làm sáng, đường sá không đông. Cách trọ cậu hơn cây số còn có một công viên gần khu công trình. Công trình ngừng xây dựng, công viên cũng để hoang. Mấy con thú nhún bám bụi, đầy một bụng lá xác xơ, chẳng ai buồn quét dọn. Mấy hàng cây dù đã mọc mầm xanh, nhìn thoáng qua vẫn có cảm giác trơ trọi, hư hao.

Nhân bỗng nghe thấy tiếng rấm rứt. Ban đầu cậu không nhận ra ấy là tiếng khóc, thế nhưng sau một hồi, có lẽ đi tới càng gần nên cậu càng nghe rõ thanh âm kia hơn. Tiếng khóc bắt nguồn từ chỗ cây cối trong công viên. Nhân ngó vào, đúng lúc trông thấy một đứa trẻ đứng dưới tán cây khô. Đứa trẻ trông chỉ sáu, bảy tuổi, mặc đồ luộm thuộm, tóc ngắn cũn cỡn, Nhân nhất thời không rõ em ấy là bé trai hay gái. Bàn tay gầy nhẳng của nó đang níu tà áo trắng lộ ra bên dưới chiếc áo khoác xanh xám của một người khác, trông có vẻ là người trưởng thành.

"Bác sĩ ơi," Đứa trẻ sụt sùi. "Bác sĩ cứu nó đi..."

Người nọ đứng khuất sau thân cây, Nhân không thấy rõ hắn, chỉ nghe thấy thanh âm đều đều như cuộn băng cát xét cũ cất lên.

"Tôi không phải bác sĩ." Giọng điệu hắn lạnh tanh. "Tránh ra chỗ khác, đừng làm phiền tôi."

Đứa trẻ sững sờ, rối rắm nhìn xuống gốc cây. Chốc sau nó vẫn níu áo người nọ, xem chừng chưa muốn từ bỏ.

"Vậy... vậy nó... phải làm sao mới được ạ?"

"Giết nó đi."

Nghe vậy, Nhân khẽ nhíu mày. Dù có phải bác sĩ hay không, đó cũng không phải một lời mà người trưởng thành nên nói với một đứa nhỏ. Xét cuộc hội thoại kia, có vẻ người nọ cũng chẳng có quan hệ gì với đứa trẻ. Đứa trẻ có vẻ đang gặp rắc rối, còn người kia thì không có ý định giúp nó. Bỏ qua khả năng đây là một màn kịch được dàn dựng công phu để lừa người qua đường (trên người cậu cũng chẳng có gì đáng lừa), Nhân quyết định can thiệp vào tình huống này.

"Này, đằng đấy có chuyện gì thế?" Cậu vừa đánh tiếng vừa trèo qua bệ cỏ, đi về phía hàng cây.

Nghe tiếng cậu, người nọ như bị đánh động, lập tức bỏ đi đường khác. Thấy đứa trẻ vẫn níu áo mình, hắn giật tà áo ra khỏi tay nó. Đứa trẻ mất thăng bằng, ngã bệt xuống đất. Nhân thấy thế thì rảo bước nhanh hơn, vòng qua chỗ thân cây chặn đứng đường lui của người kia.

"Này...!" Cậu gọi nhưng người họ chẳng có ý định dừng bước. Hơi bực bội, Nhân bèn chộp lấy tay áo, kéo hắn đứng lại.

Khoảnh khắc ấy, cậu như đứa trẻ tò mò cho tay vào ổ điện, bị điện giật đến mức não bộ đơ cứng.

Giữa cơn hốt hoảng, tâm trí Nhân lạc trôi về một ngày rảnh rang nào đó. Cậu đi làm về, vác vài lon bia và mấy con mực khô sang phòng Du ăn nhậu. Tửu lượng cậu hơi kém, mới uống đâu đó một lon đã ngà ngà say. Du mở cửa sổ đón gió, chợt nghe cậu hỏi: "Anh anh, giả sử một ngày anh bắt gặp người có ngoại hình y chang mình trên đường, anh sẽ phản ứng thế nào?"

"Đúng là câu hỏi của người say." Du tặc lưỡi.

Nhân kéo tay anh, "Trả~ lời~ em~ đi!"

"Không có chuyện đấy đâu." Du thản nhiên đáp, "Ý là, sẽ không có chuyện anh đang đi đường mà phát hiện người giống mình được. Người bình thường sẽ chẳng ai quan tâm mặt mũi người lạ trên đường cả. Crush thì còn có thể."

Nhân vẫn ngơ ngác tiêu hóa lời anh, Du nói thêm, "Có gặp anh cũng chỉ nghĩ, hôm đấy mình mệt quá nên nhìn nhầm. Làm gì có chuyện hi hữu kiểu đấy."

Câu trả lời của Du có vẻ chưa đủ để Nhân hài lòng. Lông mày cậu nhắn tít, cố chấp hỏi, "Thế... thế nếu người anh gặp có gương mặt giống anh, nhưng khí chất lại khác hẳn anh thì anh thấy sao?"

"Hỏi quái gì vậy mày?"

"Em trông thế nào?" Nhân bướng bỉnh giữ tay Du, như thể không có được đáp án sẽ không cho anh đứng lên, "Thì nhé, em không thể tự mô tả bản thân được, thiếu khách quan quá. Hỏi góc nhìn người khác sẽ khách quan hơn!"

"... Cậu có đang say thật không đấy?"

"Não vẫn dùng được, anh nói đi!"

Nhân vẫn nhớ rõ, lúc đấy Du đã tả cậu thế này: "Gương mặt cậu khá nhiều nét giống con lai, kiểu góc cạnh, có một chút nét giống Phạm Tiến Duật... không nhớ ổng hả, tác giả Bài thơ về tiểu đội xe không kính đấy. Ờ không nhớ thì thôi... tóm lại là, nét cậu trông khá sắc sảo, nếu như bình thường thì phải hơi lạnh lùng, nhưng chắc tại kiểu tóc với đôi mắt... tính cách nữa, chắc là tính cách quyết định phần lớn khí chất nhỉ? Cậu khá dễ gần, ừ đúng, cái kiểu dễ được trẻ con với người già yêu quý đó. Nói chung thì cái cảm giác cậu tạo ra cho người khác rất dễ chịu nên người ta dễ có ấn tượng tốt với cậu, hở? Ừ thì, cả anh nữa nhưng chuyện đấy có quan trọng không!? Nói thế nào nhỉ...? Trông cậu rất tươi sáng, giống như thảm thực vật mùa xuân ấy. Nghe có hoa mỹ quá không..."

Đoạn cuối thì hơi thơ mộng quá, nhưng nhìn chung, Nhân thấy cách mô tả của Du cũng khá khớp với những điều cậu tự phán đoán về ngoại hình bản thân. Đã có đôi lần Nhân tự hỏi nếu cậu bắt gặp một phiên bản khác của chính mình thì người đấy có giống cậu hoàn toàn không.

Đáp án hóa ra lại lệch với tưởng tượng của cậu cả ngàn dặm.

Thời điểm giữ lấy cổ tay chiếc áo khoác màu xanh xám, Nhân đã có một linh tính quái gở. Song, phải khi người nọ quay đầu, trông rõ mồn một gương mặt hắn, cậu mới thực sự chết lặng.

Ngũ quan người nọ đặc sệt cậu, từ đường nét sắc sảo đến sống mũi thẳng tắp dọc dừa. Nhưng cảm giác hắn đem lại gần như đối chọi với cậu. Gương mặt hắn lạnh băng tựa một pho tượng đẹp đẽ mà vô cảm. Đôi mắt - nơi mà đáng lẽ phải là cửa sổ tâm hồn - lại hệt như một khối cầu đen đặc, hấp thụ và tiêu biến mọi nguồn sáng. Khóe miệng hắn nhích lên, rõ ràng đang mỉm cười, ấy thế mà Nhân lại thấy lạnh thấu xương.

Dung mạo như cùng đúc ra từ một khuôn, khí khái lại cách biệt một trời một vực.

Giây khắc ấy, mọi tế bào trong Nhân rền vang.

Chính người đó! Chính là hắn!

Cậu nhất thời không tìm thấy hơi thở của bản thân. Như có mảnh sao băng vụt qua tâm tưởng, gương mặt mơ hồ trong chiêm bao bỗng chốc tỏ tường. Chưa bao giờ Nhân nghĩ, bóng người khoác áo măng tô cậu từng trông thấy trước cửa nhà ngày tang cha, bóng hình cậu thoáng gặp trên toa xe lửa ngày một thân một mình lên thủ đô lại có gương mặt như thế.

Chưa bao giờ cậu nghĩ, chân dung mà cậu vẫn hằng truy dấu trong những cơn mơ lại là hình dung của chính mình.




¹ Lời gốc bài hát Nga - Xô Viết (Два берега) sáng tác năm 1960, bản tiếng Việt dịch thành "Đôi bờ".

Dưới là phần dịch nghĩa từ nguyên gốc.

"Và chính em cũng tin vào điều đó
Dù cho trái tim biết rằng:
"Em và anh chỉ như đôi bờ
Của một dòng sông."

² "Chúa không gieo xúc xắc" là một quan điểm nổi tiếng của Einstein, tức là: mọi thứ trong vũ trụ đều có quy luật, không tồn tại sự ngẫu nhiên.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top