những năm 90 | thương.

"Nhìn cái dáng dấp sao trông giống thằng Cường thế kia?"

"Giời ạ, còn ai trồng khoai đất này. Bà Năm Giác ơiii thằng Cường con bà về rồi nàyyyyy!"

Người ta nói, Sài Gòn những năm 90 là thời điểm Sài Gòn vui nhất. Cái vui ở đây là cái vui Sài Gòn của thời bình, cái vui của Sài Gòn không còn kẻ nào phải vác súng ra mặt trận đổ lửa hung nóng lên tâm hồn vốn dĩ còn thổn thức của mấy cậu mười tám đôi mươi. Sài Gòn những năm 90, sau cùng cũng là vì trái tim của ai đó đã vương theo làn gió mùa hạ.

Từ xa, đầu ngõ đi vào trong cái làng xóm eo hẹp từ nhỏ cho tới lớn, đã dồn đến nhiều tiếng cười nói rôm rã không sao đếm cho xuể. Mà nghe đâu họ nói, là thằng Cường con bà Năm Giác sau 3 năm từ chiến trường trở về. Ôi chao, lấy làm kiêu hãnh lắm ấy chứ, vì trong cái làng nghèo nhỏ thế này, chỉ có duy nhất anh Cường là dũng cảm xung phong sang Cam chung tay giúp nước láng giềng với nước ta.

Anh Cường từ đầu ngõ đã sải chân đi vào cái làng của mình với cái lòng kiêu hãnh đầy vinh dự. Cái miệng anh cười tươi đến híp cả mắt, cái hàm răng đều và thẳng tắp nhưng ngả vàng cũng do dăm bao thuốc lá. Thời cuộc ấy mà, đàn ông nào chẳng hút thuốc, hút để làn khói nhấn chìm bộ não họ, đưa con người ta đến niềm khoái lạc để tạm quên đi những guồng quay còn đang rối rắm, để thở hắt ra một hơi như nhằm đẩy mọi muộn phiền cứ thế tràn ra khoang mũi. Ấy thế nhưng khuôn miệng của anh vẫn duyên lắm, tuy ngả vàng nhưng cái khuôn miệng cười lên làm lộ đôi má lúm đến sâu hoẵm. Mỗi khi anh Cường cười lên, là làm cho biết bao nhiêu thiếu nữ trong xóm làng tự khắc ngày đêm lúc nào cũng thầm thương trộm nhớ.

Lại nói đến khi anh Cường đang ở đầu ngõ, anh cũng có tính hài hước lắm, vừa đặt chân xuống mảnh đất của cái làng gắn với anh cả tuổi thơ, người trong làng họ ùa nhau ra xem anh, nên vì vậy mà anh cũng làm vờ mà nghiêm nghị giơ tay đưa trước mặt, hô to dõng dạc như chiến sĩ trong quân đội:

"Báo cáo. Tôi, Cường. Đã về đến làng. Hết!"

Ai nấy cũng cười vì bản chất vui tính mà giản dị của anh. Thế nhưng rõ ràng cái xóm nhỏ thế này, đi vào nhà cũng chẳng xa, ấy vậy mà anh vẫn chưa chạm được đến cái cánh cửa quen thuộc, cũng vì các cô các bác trong xóm họ ùa nhau ra đón anh về, hỏi thăm anh, nhiều câu hỏi, trên trời dưới đất, nên chẳng có kịp trả lời.

"Cường bên Cam có vui không thế?"

"Nghe nói có đền Ăng-co Vát, tôi thích lắm."

"Ôi, trông thằng Cường ngầu phết mấy ông ạ."

"Đẹp quá, xem cái gì này?"

Cứ thế anh một câu, tôi một câu. Cái tiếng cười nói rôm rã đúng nghĩa của dân Sài Gòn chất phác thật thà mà nhiệt tình. Anh Cường vẫn vui lắm, không tỏ ra cáu gắt hay chán ghét, người ta thích anh ở điểm này, vì cái tính ôn hòa lúc nào cũng hiền lành chưa bao giờ lớn tiếng với ai. Đấy, cũng vì vậy mà thiếu nữ đổ Cường đến đứ đừ. Anh Cường nghe có người hỏi đến cái vật mắc treo trên balô, cái miệng cười lộ ra cái má lúm sâu hoẵm, anh xoay đầu:

"Bật lửa làm bằng vỏ đạn đấy. Tôi làm nhiều lắm, để vào nhà rồi lục trong balô ra chia mỗi anh một cái. Có được không?"

Mấy anh thanh niên vội gật đầu ngay như gà mổ thóc. Nói câu nghe sướng thế ai mà không đồng ý cho nỗi cơ chứ. Mấy anh thanh niên mà đã trao nụ hôn của mình cho điếu thuốc lá, thì nghe câu như thế chỉ có mức sướng rơn đến từng sợi thần kinh đấy thôi! Anh Cường nghĩ đến mà cười khúc khích đắc chí. Mà người trong làng cũng tinh tế lắm, biết anh Cường vừa về nhưng mà đã vây quanh thế này thì lại đuối, nên họ cũng mau nói anh giữ sức khỏe, rồi đám đông tản ra, ai nấy về nhà đó, dẫu gì cũng đã trưa rồi, về nhà mà tránh cái nắng trưa hè tháng Bảy.

Anh Cường nhìn cái nắng đổ trên làng mình không khỏi ngán ngẩm. Nắng mưa ở làng Sài Gòn rõ rệt lắm. Mùa nắng thì nắng gắt cháy cả da thịt, mùa mưa thì mưa dai dẳng không ngớt, còn kèm theo cái sự run rẩy lạnh rét.

Anh người lính nọ vội xách balô vào nhà. Gặp lại má hơn 3 năm anh thương nhớ khôn xiết. Ở Cam, hễ cứ rãnh tay là anh viết thư tay gửi cho má ở nhà ngóng trông. Các đồng chí ở chung với anh Cường cũng dễ mến lắm, thời đó ai có máy chụp ảnh là quý là sang lắm, chụp cho những người còn lại, rửa ra rồi gửi về người thân ở nơi hậu phương. Anh Cường hay chụp anh ở Cam, hễ ra trận ở đâu, anh lại xin chụp một tấm ở đó. Cái lòng anh kiên cường, mạnh mẽ, nên anh chẳng sợ gì cả, cũng vì thế mà anh vẫn luôn giữ vững tâm thế dù anh có ra mặt trận nảy lửa đến thế nào.

"Cường ở chiến khu ăn ít quá, người gầy còm thế rồi..."

Phải nói rằng má của anh Cường là người phụ nữ phúc hậu, tính tình bà dịu dàng bao bọc anh từng chút một. Anh thương má lắm, vì ba mất sớm cũng do chiến tranh. Nên một mình má nuôi những năm đứa con. Anh nói với má anh đi lính, vì muốn giúp đỡ nước láng giềng mà cũng vì muốn bớt cho gia đình một miệng ăn. Ngày đêm thấy má nhọc nhằn, anh xót đứt ruột đứt gan, nên anh tham gia chiến đấu chỉ để Nhà nước lo cho anh, để má không còn phải lo cho anh nữa.

"Không đâu má ơi! Chiến trường được ăn ngon lắm, có thịt có rau. Chỉ sợ má và các em ở nhà ăn sắn ăn khoai mà lòng con đau."

"Má thương Cường, Cường lên đường hành quân đêm nào má cũng lo. Má sợ Cường không còn về với má nữa."

Má anh Cường đôi mắt đầy ngập nước lắc nhẹ đầu như nói trấn an rằng gia đình chẳng đói đâu con, tay má run run vuốt lấy vuốt để cái đôi má gầy gò của anh, nụ cười của má phúc hậu đến dịu dàng, nó làm cho trái tim của anh Cường lúc nào cũng muốn vỡ ra. 

Vì anh thương má, thương thay cho phần của ba.

Và rồi gia đình anh lại xum họp như trước đây, bữa ăn cùng gia đình hôm đấy hạnh phúc đến lạ. Trên mâm cơm nói biết bao nhiêu là điều ở chiến khu, anh nói không ngớt, lũ em nhỏ thì ngồi say mê nghe anh kể mà đến quên cả xúc thìa cơm bỏ vào miệng.

--*--

Trưa nắng đổ lên đầu hừng hực thế này. Vậy mà thấy bóng dáng anh Cường đi đâu đó, băng qua một con kênh, rồi rẽ lối vào giàn hoa thiên lý tiến vào ngôi nhà gần cuối ngõ.

"Các anh ơi, em về rồi đây." – Anh Cường chưa đi vào nhà, hai bàn tay áp vào miệng tạo tiếng vang rồi hô to.

Chẳng mấy chốc, trong nhà hớt hãi đi ra ba người thanh niên gương mặt trông sáng sủa, giỏi giang.

"Ôi, thằng Cường con bà Năm về rồi."

"Về nào lúc nào đấy mày?"

"Thế có đem rượu gì về không đó thằng cu?"

Các anh đùa với Cường. Hóa ra họ là bạn hàng xóm, chuyển đến làng anh Cường năm anh 15 tuổi. Anh Cường trông hiền lành thế này, nhưng chỉ mới 15 tuổi đã tập tành uống rượu, nhưng mà tửu lượng anh Cường yếu lắm, uống vài ly đã quắc cần câu mất. Cũng phải thôi, trẻ con ấy mà, vờ làm người lớn, ra vẻ được vài hôm thế thôi. Thế mà thoắt một cái nó đã lớn tầng ngầng thế này, cũng đi lính ra chiến trường rồi ấy chứ.

Cường vào nhà, lạy má Tiền và ba Yên, rồi anh lại tiếp tục kể chuyện ở chiến khu, lấy làm kiêu hãnh lắm nên kể càng hăng say.

"Ôi, bọn Pôn Pót đánh tởn mày nhờ? Ác thế là cùng."

"Em ngồi canh giữ trại, đầu lâu chất đống sau lưng, sởn cả da gà anh ạ."

Anh Cường vừa nói vừa diễn tả, gương mặt điển trai của anh nhăn nhăn lại, làm các anh ngồi quanh đó cười không ngớt.

"Mà cũng phải nói, chú mày đi Cam về, da dẻ đen thui thế này, về lại làng chắc xấu nhất làng rồi." – Anh Nhiều trêu.

"Cái ông này, em đen thui xấu vậy nhưng mà cũng chịu. Ít ra tui không có trốn đi lính như ông nhá." – Anh Cường phản đòn, một lần nữa cả nhà cười to, má Tiền ngồi trên cái võng đung đưa cũng gật đầu tán thành chêm vài câu dè bỉu con trai mình. Anh Nhiều ngượng đỏ mặt, bay đến đấm anh Cường vài cú cho bỏ ghét. Mấy anh còn lại chỉ biết lắc đầu vì hai cái thằng trông như "happy choi choi".

(*happy choi choi: là cái cụm từ mà hồi đó người ta hay nói, kiểu như là từ 'trẻ trâu' bây giờ á =)))) mình nghe ba mình nói zậy ák =)))))) )

Đang đánh đấm nhau khí thế giữa hai thằng con trai hai mươi ba tuổi, chợt nghe ngoài cổng tiếng xe đạp thắng cái kít, giọng nói từ ngoài cổng cất lên, cái giọng nói thanh thanh mà mềm mại, giữa cái khí trời nóng nực của tháng Bảy, giọng nói đó làm dễ chịu biết mấy tâm hồn của người khác khi nghe, cái giọng nói nghe cứ như bông trổ ngoài đồng, chạm vào chắc chắn sẽ rất êm. Anh Cường nhớ không lầm, cũng vì cái thanh âm tiếng nói này mà làm anh Cường trong thoáng chốc, tim anh 'thịch' một tiếng.

"Má ơi, con mua mỗi được mồng tơi, cô tư Lành không bán ngò tây."

Hình như là anh Cường đang ngóng trông, như là đang đợi cái âm thanh đó xuất hiện trong nhà mau nhanh một chút để còn được nhìn thấy dáng vẻ của ai mà nói cái giọng nhẹ nhàng tới như thế.

Đến rồi!

Người mang giọng nói trong trẻo ấy, đến rồi!

Là một cậu trai nhỏ! Chắc cũng chỉ cỡ chừng mười tám thôi nhỉ, cái tuổi đẹp nhất đời người, cái tuổi đẹp và em cũng đẹp. Thật đáng yêu quá đỗi, anh Cường nghĩ thầm.

Thấy có người lạ trong nhà, em đang hớn hở chạy vào nhà chuẩn bị đưa má, liền bị hớ, vì người em toàn là mồ hôi, đã vậy quần áo còn xộc xệch thế này, em ngại quá. Vội vã dúi vào tay má bọc mồng tơi, em chạy vội vào cái buồng nhỏ, không biết em đã ở trong đó bao lâu, mà anh Cường cứ nhìn như thế, nhìn từ lúc em đặt chân vào nhà đến lúc em chạy tọt vào buồng.

"Chú mày nhìn nó vậy, nó không ngại mới lạ."

Anh Cường thoáng giật mình, bị nói đúng ý quá, ngượng chín mặt anh cười trừ gãi đầu, lại còn vờ nói đánh trống lãng.

"Tại em thấy lạ, chưa thấy trong làng mình bao giờ."

Anh Triệu tặc lưỡi:

"Lạ là phải rồi, nó bên Bùi Hữu Nghĩa, mới tháng hè này về đây thôi. Trước kia nó ở Bùi Hữu Nghĩa lo thằng cu Tủn cho vợ chồng chị ba Sang. Chồng chị ba đương thời làm lính cho Mỹ, giờ được bảo lãnh qua đấy, nên hè này nó về lại đây, ở trong cái làng nhỏ này."

Anh Cường gật gà gật gù, thế là gặp nhau thường xuyên rồi ấy chứ! Anh Cường nhoẻn miệng cười thầm, thích quá...

Cạch, một tiếng

Trong phòng em đi ra với bộ đồ có vẻ đã chỉn chu hơn, với cái quần cộc áo thun mua ở hàng chợ đồ cũ mà em thích nhất. Em đi ra, đánh ánh mắt nhìn sang anh Cường một cái, cũng bất ngờ khi thấy anh ấy lại nhìn đến em, cái khuôn mặt nhỏ của em da mỏng, lần nữa lại đỏ mặt thẹn thùng nhanh chân đi đến chỗ của má ngồi trên võng. Em thấy gò má của mình nóng, thầm trấn an chắc do tháng Bảy trưa hè nóng đấy thôi, chứ không phải em ngại...

Nhưng vẫn phải thừa nhận thôi em ơi, rằng em đang ngại. Thế mà má lại bỏ em đi xuống dưới nhà nấu cơm, để lại em ngồi một mình với các anh, và... và anh Cường nữa.

Mà tính em cũng vốn lanh lẹ và giỏi lắm, em tháo vát tay chân, nhưng lập lững một hồi, em mới quyết định đi đến rót trà mời các anh của mình, và với anh Cường. Anh Quá lên tiếng:

"Hôm nay Phi không đến trường phụ đạo nữa sao?"

Hóa ra là tên Phi.

Phi xinh lắm, cái miệng của em lúc nào cũng cười mỉm, nhẹ nhàng. Anh Cường nghĩ, sao đứa trẻ này đơn sơ mà thanh thuần đến thế. Nhìn em, anh thấy thương. Thương như cách anh Cường thương má, thương đến như muốn vỡ cả trái tim ra.

"Hôm nay Phi được nghỉ. Ngày mơi Phi lại học."

"Ừ, Phi ráng mà học, còn năm cuối thôi. Đỗ đại học trước đã nhé."

Phi mím môi gật đầu, ánh mắt em cong cong, trông đáng yêu đến làm sao. Anh Cường nhìn Phi đến không chớp mắt. Có vẻ như có ai đó đã cứ nhìn mãi cậu nhóc từ lâu lắm rồi.

Anh Nhiều lại hay trêu Cường, nên thấy thế liền bắt thóp, lên tiếng:

"Thằng Cường ạ, mày nhìn em tao đến 2 tiếng rồi."

Anh Cường lần nữa lại bị đánh trúng hồng tâm, không có Phi ở đây chắc anh cũng đã đấm anh Nhiều vài cú. Anh Cường cười lộ cái má lúm, lại bắt nhịp theo đà cũng nói theo để mình không phải bị quê trước mặt em Phi, đàn ông đàn ang mà bị quê trước mặt người thương, thì xấu hổ lắm ta.

"Tại Phi xinh quá, nên cứ nhìn thôi." - Anh Cường nhún vai.

Em lúc này ngượng đỏ mắt, cái đôi gò má núng nính đầy đặn của em đã sớm ửng đỏ như hai ông mặt trời con. Nghe anh Cường nói thế, em càng thẹn thùng hơn, mím môi ghì chặt tay cầm ấm phích để không run làm đổ trà. Nhiều giây trôi qua, thấy Phi không trả lời, anh Cường cũng quê xệ lắm. Nhưng ngay sau đó anh Cường toan lại lên tiếng phá hỏng không gian ngượng nghịu, lúc này Phi lại lém lỉnh, ngước đôi mắt to tròn với hàng mi dày dặn như cánh quạt, nhìn anh Cường, nhỏ giọng:

"Phi cảm ơn anh Cường."

Anh Quá với anh Triệu hình như hiểu ý, một anh vờ đứng dậy đi mở tivi, một anh vờ tìm kiếm cái rì-mốt (remote =]]) chuyển kênh, như ý nói rằng tao chẳng nghe gì đâu, càng không hiểu tình tứ của cả hai đứa tụi bây.

Chỉ có anh Nhiều là chẳng tinh tế gì, lại còn chòng ghẹo thêm khiến cả hai đứa đến ngượng chín cả mặt.

--*--

"Em về các anh ạ, giờ này về giặt đồ rồi phơi trên rào là vừa." – Anh Cường ngồi ở nhà má Tiền chơi cũng đã ba giờ đồng hồ. Mới chợt nhớ đến ở nhà, liền vội vã lễ phép mà xin về.

"Ừ ừ, mau về đi, kẻo trời 6 giờ tối." – Anh Triệu nói vẫy vẫy tay ý bảo Cường nhanh về, lại sợ trời sụp tối, không thấy đường về nhà.

Không thấy em Phi ở ngoài nhà trước mấy giờ liền, em ấy khi nãy vừa rót trà xong lại chạy tọt vào cái buồng nhỏ, và giờ vẫn chưa thấy em ra. Anh Cường cái mặt buồn thiu, muốn chào em một cái rồi về, vậy mà cái người nhỏ tuổi này lại chạy trốn mất dạng.

Nói về giặt đồ phụ má là một phần, còn một phần kia là vì em Phi không ra ngoài cho anh Cường ngắm nữa, nên chán nản đành đi về.

Anh Cường vẫn buồn tới não nề, thôi thì mai lại sang, không gặp thì mốt lại sang, sang đến khi nào gặp được em Phi thì thôi...

Cường khép cửa lại, cái bóng lưng gầy gòm trìu xuống, gương mặt uể oải như mấy đứa nhỏ bị mất kẹo. Anh xoay lưng toang đi thì đụng mặt gặp phải cô Út Rán đẹp gái – người trong xóm làng hay kêu cô út là Cô Út Đẹp Gái, ở cạnh nhà em Phi. Không phải chứ, cô Út xinh đẹp nhất đám con gái trong làng, nhưng anh Cường lại thấy em Phi xinh hơn ấy chứ...

"Anh Cường vừa đi lính về ạ?" – Cô Út e e thẹn thẹn, chắp tay sau lưng lắc lư người trông đáng yêu lắm, nhưng anh Cường thật ra mà nói cũng không cảm lòng lắm đa...

"A, tôi vừa về trưa này thôi. Út Rán đi đâu đấy?"

"Út Rán đi ra gặp anh..." - Cô Út thẹn thùng ngắt quãng ngập ngừng. – "Hồi trưa anh về Út không có ở nhà, mới sang nhà anh nhưng má Năm nói anh sang nhà bác Tiền, Út liền sang."

"À..." Lúc này thì nên nói gì nữa ấy nhỉ?

"Anh Cườ--..."

"Anh Cường!"

Hình như có âm thanh phát ra kêu anh. Rõ ràng là cả hai âm thanh, một âm thanh Út Rán gọi anh, một âm thanh phát ra từ trong nhà em Phi. Người trước mặt gọi anh, ấy thế mà anh Cường liền đánh mắt xoay đầu nhìn vào trong nhà sau lưng.

Là em Phi gọi anh Cường.

Anh Cường hơi ngỡ ngàng, hai đôi mắt sáng rực như đôi chim ưng, cái khuôn miệng hàm răng ngả vàng nhe ra, hình như có ai đó đang sướng rơn trong lòng ấy?

"Anh Cường mang cái này về dùng." – Phi đưa anh Cường hai chai dầu gió xanh, nghe nói anh Cường đi lính về bị mẫn đỏ, em liền vội vã lục tung cái buồng nhỏ, tìm được hai chai dầu xanh đưa anh Cường sứt, để không còn mẫn ngứa nữa.

"Ôi, anh cảm ơn Phi. Lúc nãy anh kể bâng quơ, lại không nghĩ đến em nghe." – Anh Cường nhận lấy hai chai dầu gió xanh từ tay Phi, không biết cố ý hay vô ý, hai bàn tay của cả Cường và em chạm qua nhau như một tia lửa điện.

Giật, run và tê rần... là những gì mà Cường cảm nhận.

Anh Cường cười ngượng vì hành động ngớ ngẩn của mình, em Phi cũng bật cười. Hai con người tình tứ mà lại không để ý đến Út Rán mặt đen như lọ nghẹ. Cô Út thấy mình bị ra rìa, liền giận dỗi, tằn hắn cái giọng nói với anh Cường:

"Anh Cường không về ạ?"

Anh Cường giật mình, phải rồi, phải về giặt đồ giúp má!

"À, anh Cường về liền đây, về lại giặt đồ rồi phơi lên rào..." – Anh Cường ngốc nghếch gãi đầu.

Út Rán thấy anh Cường quay lưng đi về, cô vui trong lòng vì đã tách được cái cậu Phi đó ra khỏi. Liền vui vẻ mà hất mặt nhảy chân sáo vào nhà.

Nhưng ai lại dè, anh Cường vừa xoay người tạm biệt Phi về, thì cái giọng trong trẻo mát rượi giữa cái trưa hè của Phi lại lần nữa cất lên:

"Anh Cường giỏi quá đa."

Anh Cường lại giật mình, tim đập rộn rã. Đi chưa được ba bước đã vội vội vàng vàng xoay người lại, gãi đầu ngượng ngùng vì hành động hấp tấp lại ngớ ngẩn của mình, anh cười cười, nhỏ giọng nói với Phi:

"Anh Cường giỏi... để sau về đỡ đần việc này với em Phi."

Phi nghe câu trả lời từ anh Cường rất bất ngờ. Vì em không nghĩ anh Cường sẽ nói như thế với em đâu, em chưa kịp chuẩn bị tâm lý, thế là một cỗ ngại ngùng dâng lên trong em. Cái gò má nóng hổi và ửng đỏ tía, đôi mắt to tròn thanh thuần ngây ngô mở to nhìn anh Cường, đôi môi mềm mại mím lại bối rối.

"Lạ thật, anh Cường vừa hay đi lính về, lại được một anh chiến sĩ nọ cho hai vé vào cổng ở nhà hát Thành phố. Anh một mình, nhưng cho hai vé, cũng chẳng biết làm sao..."

Phi bật cười, anh Cường là đang hỏi đố người ta! Đúng như người trong làng hay nói, anh Cường vừa vui tính lại vừa duyên, mộc mạc. Phi ngại ngùng:

"Chắc là ba Yên cho Phi đi..."

Tóc mái em tung bay trong gió hè một chiều tháng Bảy, anh Cường cười dịu dàng rồi chỉnh lại giúp em, đôi tay ngập ngừng vuốt thêm vài giây nữa. Tóc Phi mềm, tựa bông trổ ngoài đồng, mùi hương của cỏ lau, mùi cát và cả mùi lúa mì tỏa ra từ em,  nó ánh lên nắng mùa hạ oi ả nhưng nhẹ nhàng. 

Anh Cường vẫn thường hay gắt gỏng với cái nắng của Sài Gòn vì nó nóng và bực bội, nhưng lúc này đây, nó lại khiến anh vui, nó lại khiến anh cảm thấy ấm áp,

yên ả như cơn gió nhẹ đêm hè.

--*--

Tối Chủ nhật có cậu trai nào đó quần áo tươm tất lắm, trông bảnh tỏn vô cùng. Má của anh tắm tắt khen ngợi:

"Hôm nay Cường đi chơi với ai mà bảnh trai quá!"

Anh Cường cười – "Với con dâu của má Năm Giác."

"Tổ cha mày." – Má anh cười, bà dịu dàng hiền lành đến nhường nào. Anh Cường thương Phi, Phi dịu dàng như má, nên làm anh thương lắm.

--*--

Hôm đó nhà hát đông lắm, nhiều người lắm, ai cũng sắm sửa lên mình đồ đẹp. Những năm 90, Sài Gòn là vui nhất. Vui vì là thời bình, mà cũng vui vì trong lòng của ai đó đã nương theo làn gió mùa hạ. Thanh mát nhưng cũng nóng rực vì tình yêu.

Anh Cường với em Phi đi bên nhau, nhưng thời bấy giờ họ cũng hà khắc với chuyện tình cảm đồng giới lắm, ấy thế nhưng bàn tay anh Cường vẫn nắm chặt tay Phi, chưa rời ra dù chỉ là một giây.

Cường chở Phi trên con xe đạp cũ kỹ nhưng vẫn còn bền lắm đó đa, hình như lòng em vui lắm, ngồi sau bóng lưng gầy gò của Cường, cái miệng xinh đẹp của em chẳng thể khép lại. Phi duyên dáng và dịu dàng. Anh Cường nói với Phi nhiều lắm, nói nhiều lần lặp đi lặp lại, làm Phi xấu hổ không dám lên tiếng, vậy mà anh Cường vẫn cứ ghẹo em.

Cường và em rốt cục cũng dạo chơi ở nhà hát Thành phố, rồi rẽ vào quán chè lề đường ngoài đại lộ, chỉ có như thế nhưng đối với những trái tim năm 90 mà nói, là hạnh phúc nhất. Cường và em sau cùng là trở về cái xóm eo nhỏ Bến Nghé.

Họ tản bộ, đi trên từng thớ đất mà họ sinh ra ở đây, ở Bến Nghé trong lòng Sài Gòn. Giờ giới nghiêm hồi đó mà nói, 7h tối đã là quá khuya. Ấy vậy mà Cường và Phi lần này lách luật, đi đến 7h30 mới về đến nhà. Đi song song bên nhau, anh Cường ngập ngừng lên tiếng:

"Hôm nay Phi xinh lắm."

Phi đi cạnh anh, ngượng ngùng cúi đầu. Thấy em không trả lời, biết Phi đang ngại, anh thích trêu Phi lắm, nên càng lấn tới:

"A, anh nói sai mất, ngày nào Phi cũng xinh. Nhưng chỉ là, hôm nay đi riêng với anh, Phi còn xinh hơn."

Phi bật cười ngại ngùng quá hóa giận, đánh yêu vào vai anh Cường một cái, dịu dàng quá vậy đa? Anh Cường lại nghĩ, Phi đáng yêu.

"Anh Cường cứ trêu Phi. Anh Cường nên trêu với em Út Rán đúng hơn là với Phi đó."

Anh Cường nghe thế thì dừng lại. Dắt chống xe đạp đứng yên. Anh xoay người nhìn em: "Phi ghen sao?"

Phi bĩu môi "Em đâu có ghen."

Anh Cường cười khịt mũi, đáng yêu quá. Phi thấy anh cười, dỗi lắm, nói: "Phi nói thật, Phi không có ghen đâu đó đa."

Anh Cường mỉm cười nhìn Phi, nhìn lâu lắm, nhìn từng đường nét xinh đẹp trên gương mặt nhỏ của Phi. Đôi mắt to tròn như chẳng hề bị vấy bẩn, thanh thuần và đơn sơ, như thể mọi chuyện tốt đẹp trên đời này đều thu vào đôi mắt của em. Hàng lông mi dài, anh Cường thích hàng mi của Phi, ngay lúc này đây, chỗ tối và đèn đường chỉ lập lòe sáng khiến hàng mi xinh đẹp của em đổ bóng trên gò má ửng hồng. Anh Cường mê mẩn lắm, nâng niu khuôn mặt em, xoa nhẹ cái gò má đầy đặn. Và cái mũi nhỏ cùng với đôi môi mềm mại, chứ chẳng hề khô khốc như anh. Hàm răng trắng ngần và thẳng tắp, một đứa trẻ ngoan, Cường nghĩ.

Anh Cường thương em Phi, thương từng nét trên gương mặt em.

"Anh thương đằng ấy lắm, không biết đằng ấy có thương anh không? Không biết đằng ấy có chịu ngày mơi sang nhà gặp mặt má Năm không đó đa?"

Phi ngước đôi mắt to tròn nhìn anh, ngại ngùng mím môi gật đầu. Đôi mắt him híp đáng yêu của em, cười ngây ngô như đứa trẻ. Anh Cường nhìn đến dại, môi vô thức mở lời:

"Muốn phanh xích lô."

Phi ngờ nghệch, không hiểu anh Cường nói, em ngơ ngác hỏi anh:

"Phanh xích lô, là gì ạ?"

Anh Cường gãi đầu, ngại ghê đa? Anh lần nữa nâng niu vuốt ve khuôn mặt em Phi, nhỏ nhỏ nhẹ nhẹ mà nói:

"Phanh xích lô, là 'kítttt'(kiss) " – Nói dứt câu, anh Cường không đợi Phi kịp hiểu, đã vội đến hôn lên đôi môi mềm mại của em trong sự ngơ ngác.

Một đêm hè và một nụ hôn của tình đầu.

Hóa ra là đây đó ư? Cái ngày mà thời tiết chẳng còn cảm nhận rằng nó nóng gắt hay mưa ngâu, chỉ còn chút sương mù đang dần tan hết. Nhìn kìa, cậu trai đó đang yêu hay sao?

end.

--

thật ra mà nói, truyện trên mình viết là chuyện thật việc thật á =))))))) là chuyện tình yêu của ba với mẹ mình lun á =))))))) ba với mẹ mình hay kể mình nghe chuyện ngày họ yêu nhau vào năm Chín mươi hai lắm, nên kiểu thích lắm lun á mọi người =))))))))

àaaa, một lần nữa cảm ơn mọi người đã đọc nhenn~ 2 bộ kia sầu não nặng nề như rớt xuống dưới mương z ák, nên tui viết bộ này kết đẹp =))))))) cảm ơn các cậu đã ủng hộ tui, hy vọng mọi người cũng sẽ thích bộ này aaa~ 

một ngày bình an~

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top