5.

Vương Nhất Bác ngồi trầm tư ở thư phòng. Ngọn bạch lạp trên giá toả thứ ánh sáng leo lét chiếu lên cuốn cổ thư. Ánh mắt hắn không có tiêu cự, tuy đang nhìn sách nhưng lại không đọc được chữ nào.

Hắn lúc nãy giả vờ say, được gia nhân dìu về đây như đã dặn trước, mặc cho đám danh gia vọng tộc được Thế thân vương cầm đầu đi náo động phòng, trêu ghẹo tân nhân.

Bản thân tránh được một màn trào phúng, lại để cho người của mình chịu ủy khuất, Vương Nhất Bác vô phương cách chỉ đành dán chiếu ban hôn niêm trước cửa hôn phòng, khiến cho đám người của Thế thân vương không dám phá cửa, cản bớt đi sự càn rỡ đến vô pháp vô thiên của đám người con cháu thế gia này.

Mười tám năm sống trên đời, Vương Nhất Bác đã chọn làm một kẻ vô hình. Thân phận hắn là cái gai trong mắt người khác, chỉ hận không thể nhổ bỏ. Hắn dặn lòng nép mình được bao lâu thì nép mình, chậm rãi đợi một ngày lông vũ cứng cáp, móng vuốt sắc nhọn sẽ đòi lại tất cả.

Việc hắn nạp nam phi thực ra là một tai nạn nằm ngoài kế hoạch, diễn ra như một câu chuyện trào phúng đáng phỉ nhổ. Cái kế "đục nước béo cò"* này của Hoàng hậu xem ra cũng quá là thâm độc. Bà ta nóng lòng không đợi nước đục, trực tiếp khuấy lên để bắt con cá là hắn đây. Hắn vì một phút mềm lòng, nhảy xuống nước cứu mạng người kia mà bị vu khống, cuối cùng cũng không thoát nổi kiếp nạn.

Hoàng hậu thâm hiểm, tiếp tục lấy cớ Ngũ hoàng tử lập thất không tiện ở lại trong cung, thuận lý thành chương tấu lên Hoàng thượng sắc phong cho hắn tước Khang quận vương, truyền cho hắn cho một nội phủ rách nát, ý nhị cho hắn được xuất cung.

Bà ta thực khéo kết hợp chiêu "đục nước béo cò" lại còn "thuận tay bắt dê"**. Một bên giăng sẵn thiên la địa võng, ban nam phi cho hắn, đợi ngày rước dâu cả kinh thành sẽ biết Khang quận vương đoạn tụ, dân chúng chê cười, cả đời không còn ngẩng mặt lên được nữa. Một bên xua hắn ra khỏi tầm mắt của đức Hoàng thượng, loại hắn khỏi danh sách ứng viên cho chức vị trữ quân. Đợi đến lúc Hoàng đế chọn được người kế vị, Vương Nhất Bác sẽ chính thức bị vứt bỏ.

Trắc phi có lồng lộn tức tối cỡ nào cũng không thể giúp ích gì cho đứa con nuôi, đành để hắn nhận mệnh. Hắn ở chỗ Trắc phi nghe bà ta mắng mỏ hắn ngu ngốc, nguyền rủa Hoàng hậu thâm độc cả nửa ngày, sau đó đi đến Thừa Càn cung quỳ tạ ơn Hoàng hậu rồi ngay hôm sau dọn ra ở bên ngoài.

Vương Nhất Bác không thu lưu các thái giám, cung nữ từng hầu hạ mình trong cung, chỉ giữ một mình Mạc ma ma ở bên cạnh. Hắn giam mình ở Đại viện của Vương phủ hai ngày suy nghĩ kế sách, sau đó gọi tất cả các ám vệ bên mình lại dặn dò. Những mối quan hệ trong giang hồ hắn gầy dựng trong suốt mấy năm chinh chiến, lang bạt kỳ hồ, được bí mật trưng dụng một cách tối đa.

Các ám vệ bắt đầu hành động, đi lại như con thoi. Chuyện mà Hoàng hậu sẽ làm, Vương Nhất Bác chủ động làm trước, còn làm mạnh tay hơn.

Trước ngày rước dâu, chẳng đợi Hoàng hậu bêu riếu, chuyện vương phi của Khang vương phủ là nam không biết bát quái từ đâu âm thầm đồn ra ngoài.

Thiên hạ đồn rằng Tiêu vương phi diễm lệ xinh đẹp, nhan sắc so với Khang quận vương chỉ có hơn không kém. Bọn họ là duyên trời định, một cặp tiên đồng, ba lần vương phi gặp nạn là ba lần Khang quận vương  trực tiếp ở hiện trường liều mình cứu người đẹp.

Câu chuyện càng lan truyền càng có nhiều dị bản, thêu dệt bởi mộng mơ của nhân gian. Nên chuyện kết hôn nam nam vốn khó coi gì đó đều bị thiên mệnh làm thành việc hiển nhiên. Dân chúng rất mê tín, từ dị nghị dần dần biến thành ngưỡng mộ, rỉ tai nhau câu chuyện truyền kỳ, yêu thích không thôi.

Cái chiêu "phản gián"*** này không ngờ tới có chút lợi hại. Vương Nhất Bác ban đầu sử dụng chỉ đơn thuần để hắn đỡ mất mặt việc Hoàng hậu phao tin hắn đoạn tụ, nào ngờ từ hung hoá kiết. Hoàng hậu đã không làm giảm được uy tín của hắn, ngược lại còn khiến dân chúng nghĩ mối lương duyên của Khang quận vương là được trời ban.

Ngày tân lang đỡ tân nhân từ kiệu vào, tuy không thấy mặt nhưng dáng người yêu kiều của Tiêu vương phi sánh cùng vẻ anh tuấn của Khang quận vương khiến càng dân chúng kinh thành điên cuồng hâm mộ hơn. Mức độ nhận diện của Vương Nhất Bác phủ rộng. Ngoại trừ Nhị thân vương (nhị hoàng tử) xuất chúng đã mất, hắn thậm chí còn nổi tiếng hơn cả Bảo Thân vương Vương Dịch (đại hoàng tử), Đàn thân vương Vương Bình (tam hoàng tử) và Thế thân vương Vương Kê Xương (tứ hoàng tử).

Hoàng hậu muốn mượn đàm tiếu của thế nhân dìm Vương Nhất Bác xuống, hắn lại tương kế tựu kế dùng chính dư luận mà biến nguy thành an, mọi chuyện lại có vẻ thuận tự nhiên, nhìn không ra có ai sắp đặt. Đến cuối cùng hoàng hậu chỉ có thể tức tối dậm chân đổ cho muôn sự tại trời.

Nên ở buổi thành hôn của Vương Nhất Bác, Vương Kê Xương thấy âm mưu của mẫu hậu thất bại thì không cam tâm, nhất quyết muốn làm nhục hắn và tân nhân một phen. Y cùng đám lâu la hùng hổ chạy tới náo động phòng, nhưng không dám xé chiếu ban hôn để tông cửa vào, cuối cùng đành hậm hực bỏ đi.

Vương Nhất Bác bóp chặt chén ngọc trong tay, lớp sứ mỏng manh kêu răng rắc rồi vỡ tan ra thành nhiều mảnh. Cuộc đời của hắn đã thua thiệt ngay từ khi mới sinh ra, cho dù có cố gắng thu mình đến cỡ nào thì vẫn là mục tiêu bị tiêu diệt đầu tiên. Trong khi các vị hoàng tử khác đều được phong thân vương thì hắn chỉ được phong quận vương. Thậm chí ngay trong ngày thành hôn cũng bị làm cho nhục nhã.

Vương Nhất Bác nhớ lại lúc làm lễ tam bái, nhìn vòng eo thắt chặt, dáng vẻ rụt rè của tân nhân, hắn đã không khỏi nhíu mày xót xa. Người này tuy bên ngoài cố tỏ ra bình tĩnh nhưng thực sự rất yếu đuối, lúc hắn dắt tay qua cửa còn khẽ run lên vì sợ.

Ban đầu Vương Nhất Bác có chút chán ghét Tiêu Chiến, oán giận tại vì sự yếu ớt của y mà hắn rơi vào bẫy của Hoàng hậu. Khang quận vương mười tám tuổi, thanh danh bị làm nhục, tương lai xem như huỷ. Nhưng sau khi cẩn thận điều tra, biết Tiêu Chiến cũng chỉ là một con cờ trên bàn cờ, cũng vì thành thân với mình mà tương lai tuyệt tự thì hắn sinh lòng đồng cảm.

Hắn không muốn để y đương đầu với đám háo sắc kia, nhưng lại không thể bảo hộ y. Bởi vì Thế thân vương chỉ chờ cho hắn mở cửa hôn phòng sẽ lấy cớ náo động phòng mà hủy hoại cả hai người. Để không phải trực tiếp chứng kiến người khác vũ nhục tân nhân, Vương Nhất Bác cắn răng lánh mặt đi nơi khác. Nhưng hắn không biết rằng vị tân nhân bị bỏ rơi kia sẽ ghi thù chuyện này, không chỉ những kẻ đê tiện kia, còn có cả tân lang hèn nhát là hắn nữa. Tất cả đều được y ghi nhớ thật cẩn thận trong lòng.

***

Trăng sắp lặn, ngọn bạch lạp thắp cuối giường tân hôn đã tắt. Bóng tối phủ lên hình dáng gầy guộc co ro trên sàn. Lúc này cửa chính mới khe khẽ mở ra, một chiếc áo choàng lông ngỗng phủ nhẹ trên vai người đang ngủ. Nhẹ tới mức không làm xao động tiếng thở nho nhỏ, tiếng nấc hờn thi thoảng hức lên giữa cơn mơ.

Trăng chiếu mờ lên bóng người ngồi thẩn thờ ở bên thềm, tay người ấy nắm chặt chiếc khăn sa âm ẩm nước mắt, nhàu nát vì không được dùng gậy như ý vén lên.

Vương Nhất Bác thở dài gấp chiếc khăn nhét vào trong ngực. Cảm giác chán ghét vì sự bất lực của bản thân làm ký ức năm xưa đột nhiên sống dậy. Hắn nhớ như in mùa đông năm ấy.

Ngày nương hắn bỏ hắn về trời.

Ngũ hoàng tử mới chừng sáu tuổi.

Giữa mùa đông, bệnh của Nhàn tần trở nặng. Những tấm khăn tay nhuốm máu không còn giấu được nữa. Hơi thở của người ngày một rời rạc đứt đoạn, bờ môi hồng nhuận trở nên khô ráp trắng bệch, ánh mắt không còn khí sắc.

Buổi sáng tuyết rơi dày. Ngũ hoàng tử nhỏ bé để đầu trần từ Tây viện gấp gáp chạy đến Cung chủ quản, cậy nhờ Trắc phi cứu giúp. Nàng ta không những không đến xem tình trạng của Nhàn tần mà còn để Vương Nhất Bác chờ ngoài sân suốt một canh giờ. Trắc phi đương bận chải tóc để kịp giờ vấn an Hoàng hậu, sau đó đủng đỉnh lên kiệu, buông một câu khi trở về sẽ sang xem.

Ngũ hoàng tử môi tím tái, mặt trắng như tuyết, thân hình không ngừng run lên vì lạnh và sợ hãi, nước mắt đọng thành sương giá trên rèm mi.

Hắn ngước ánh mắt mong chờ, mếu máo van xin: "Trắc phi, người làm ơn ghé qua một chút đi, a nương của nhi thần yếu lắm rồi."

Nhưng những lời nói của hắn không lọt nổi qua rèm kiệu. Vương Nhất Bác cuống quýt đứng lên chạy theo xe, chạy mãi chạy mãi một đường theo tới cung Hoàng hậu.

Đôi chân ngắn cũn của hắn chạy đến nhũn ra mới kịp với nhịp kiệu, miệng hổn hển liên tục khẩn cầu: "Trắc phi, xin người ... cho gọi ... thái ... y. Cứu ... mạng ..."

Một vòng nội cung mấy dặm gió tuyết, cửa sổ kiệu của Trắc phi tuyệt nhiên không lần nào mở ra vì sợ hơi lạnh bay vào. Da mặt Ngũ hoàng tử không còn trắng bệch như lúc quỳ ở cung của Trắc phi nữa, mà đã chuyển sang màu đỏ ửng vì chạy quá nhiều.

Trắc phi xuống kiệu ở Thừa Càn cung, một cái nhìn cũng không ban cho Vương Nhất Bác. Bàn tay ve vẩy đi từ tốn vào tiền điện, bọn cung nhân kéo chiếc màn dày cho nàng ta đi vào, một tên thái giám giữ Ngũ hoàng tử lại, mặc hắn nhào tới muốn chui vào bên trong.

Hoàng cung là nhà hắn, cha hắn là thiên tử, nhưng mẹ hắn sắp hoăng tới nơi mà không ai hay biết, không có một thái y nào tới xem bệnh. Tình cảnh này xem còn thảm hơn cả một thường dân ở kinh thành, ốm bệnh còn có thể mời đại phu.

Vương Nhất Bác tuổi nhỏ dù ít dù nhiều cũng biết cung quy nghiêm ngặt, nhưng hắn lúc đó bất chấp. Hắn gào đến khản giọng, cho dù có phạm tội khi quân cũng muốn cố hết sức bình sinh mà kêu.

"Cứu người!!! Phụ hoàng cứu người, Mẫu hậu cứu người!!!"

Buổi vấn an hôm đó vừa hay có đủ tam cung lục viện, cả Hoàng đế đêm qua nghỉ lại cũng đang ở đây. Hoàng hậu nghe ngoài cửa ồn ào thì vô cùng tức giận, sợ làm kinh động đến Hoàng thượng. Bà ta vội vã kêu cung nhân lại xem ngoài tiền điện đang xảy ra chuyện gì?

Hoàng thượng ngự trên tràng kỷ, trong lòng ôm noãn bao, tay còn đang cầm tách trà khoan thai chiêu một ngụm Đại Hồng Bào cho ấm người, im lặng không nói gì.

Để một thứ phi đau ốm đến hấp hối mà Hoàng hậu không biết, e cũng chưa làm tròn chức phận chủ quản Lục cung. Hoàng hậu ở trước mặt Hoàng thượng và tam cung lục viện có chút bối rối, nhưng không tiện giương ra móng vuốt của mình. Bà ta nghe bên dưới tâu xong thì vờ thông cảm, truyền cho gọi Ngũ hoàng tử vào.

Vương Nhất Bác tóc tai xơ xác, quần áo tơi tả vì tuyết sương ướt lạnh, gấu áo và đôi hài nhỏ dính toàn bùn đất quỳ mọp xuống thềm van xin phụ hoàng cùng mẫu hậu cứu mạng cho a nương hắn.

Cả đám người không ai đoái hoài đến đứa nhỏ yếu ớt, ngược lại nhìn hắn như nhìn một đứa ăn xin bẩn thỉu mang bệnh truyền nhiễm, xa lánh thiếu điều giơ tay bịt mũi.

Hoàng hậu giả bộ nhân từ, trước mặt Hoàng đế và phi tần quay mặt quở trách Trắc phi, đổ mọi tội lỗi cho nàng ta, nói Nhàn tần ở trong cung của cô, thân làm cung chủ mà lại không kịp thời tiếp ứng, cũng không bẩm báo, là mang tội thiếu trách nhiệm.

Trắc phi nhìn mặt Hoàng thượng, thấy ngài bình thản không gợn biểu tình, vì vậy sợ hãi cũng giảm đi bảy phần. Nàng ta nhún nhường quỳ xuống kêu oan mấy lời. Ánh mắt lén lút đá sang Vương Nhất Bác đầy căm ghét.

Ngũ hoàng tử nước mắt nước mũi tèm lem, nào có quản được chuyện gì nữa, chỉ biết liên tục khẩn cầu. Phụ hoàng cả năm không gặp nhìn hắn lạnh nhạt. Ngài không truyền bất cứ khẩu dụ nào, chỉ nói Hoàng hậu tự mình làm chủ rồi phẩy tay đứng lên bỏ đi.

Cứu người như cứu hỏa nhưng Hoàng hậu không hề nóng vội, bóng Hoàng thượng vừa khuất bà ta liền nghiêm mặt quở trách Vương Nhất Bác. Hoàng hậu bãi buổi chầu sáng, nói thân thể không khoẻ nên cho tất cả lui.

Vương Nhất Bác quỳ bên dưới lâu đến hai chân tê mỏi, không thấy Hoàng hậu lệnh cho vời thái y bèn run lập cập vừa quỳ vừa tiến, tiếp tục kêu "Mẫu hậu cứu mạng!!!". Hắn chỉ kịp thấy chéo váy của Hoàng hậu khuất sau rèm thì hai công công đã xách nách Ngũ hoàng tử ném ra khỏi cửa.

Khỏi phải nói Vương Nhất Bác sợ hãi và đau lòng thế nào. Giữa trời tuyết rơi hắn lủi thủi đi ra cửa. Hắn còn nhớ dịp Tết Nguyên Tiêu năm ngoái, nương hắn dắt hắn đến Thừa Càn Cung vấn an Hoàng hậu, sau đó đưa hắn sang Dưỡng Tâm điện, ở ngài cửa chúc mừng năm mới Phụ hoàng. Đứa nhỏ mới đi một lần đã thuộc đường, chỉ là lần này gió lớn quá làm mắt hắn cay xè, nước mắt rơi trên gò má buốt giá.

Vương Nhất Bác nhất quyết phải tìm được thái y cho a nương. Hắn lặn lội trong hun hút gió tuyết, tìm đến trước cửa điện Dưỡng Tâm kêu cứu phụ hoàng. Quân cảnh vệ đứng gác ở cửa nhìn hoàng tử nhỏ cả người lạnh như khối băng, hai canh giờ vẫn kiên quyết quỳ ở cửa, má và mũi đỏ lên như trái cà chua thì động lòng. Một tên bổ đi tìm Thái giám tổng quản.

Lúc Lưu Tổng quản nghe được chạy ra thì Vương Nhất Bác đã ngã xuống, trán va vào ngạch cửa đầm đìa máu. Lưu tổng quản cho người cõng hắn, kêu thêm hai thái y tới Tây viện.

Muộn rồi. Người Nhàn tần lạnh như một khối băng. Mạc ma ma khóc ngất ôm lấy vị chủ tử bạc mệnh, nức nở hỏi Ngũ hoàng tử tại sao lại đi lâu như vậy?

Một lời trăn trối sau cuối của a nương cũng không được nghe, Vương Nhất Bác khóc cũng không khóc nổi, chỉ chậm chạp nằm xuống ôm lấy mẹ.

Thái y đi cùng tổng quản lắc đầu thương cảm, nói Nhàn tần vì ăn uống thiếu chất nên suy nhược, cảm hàn lậm vào phổi mà chết.

Đám tang Nhàn tần diễn ra lặng lẽ, ngoài Mạc ma ma chỉ có Lưu tổng quản đi theo sau. Cũng nhờ có ông ta mà bên Phủ nội vụ mới chịu an bài cho mẹ hắn một cái quan tài, chôn ở góc xa xa trong khu mộ của hoàng tộc. Từ khi được phong tước tần đến khi chết đi nàng không được truy phong thuỵ hiệu, dù là một thuỵ hiệu cỏn con nào.

Vương Nhất Bác cho đến khi hạ huyệt không nói một lời. Hắn không khóc, chỉ cúi mình hôn lên quan tài trước khi người ta di quan. Bàn tay nhỏ xíu cóng đỏ bíu lấy mép hòm, đôi môi run rẩy nhưng ánh mắt lại lạnh như hai tia sét, khuôn mặt lãnh tĩnh như ngày đầu tiên hắn từ bụng mẹ xuất thế.

Thái giám tổng quản một lần rồi lại một lần nhìn Vương Nhất Bác. Sự lạnh lẽo và hận ý toả ra từ đứa bé sáu tuổi có sức uy hiếp lớn đến mức khiến ông ta bất giác rùng mình.

* Hỗn thuỷ mạc ngư : Đục nước bắt cá, lợi dụng tình thế để ra tay đạt mục đích.
Điển cố: Trong Trận Phì Thủy, sau khi nhận thấy quân Tần rối loạn sau đợt tấn công phủ đầu của quân Tấn, Tạ Huyền quyết định tận dụng thời cơ tung toàn lực tấn công, kết quả là quân Tần đại bại dù đông quân gấp 10 lần quân Tấn.

**Thuận tay bắt dê: phải tranh thủ nắm lấy cơ hội nằm trong tầm tay.
Điển cố: Thời Tam Quốc Lưu Chương là thứ sử Ích Châu nhưng lại có tính tình nhu nhược. Gia Cát Lượng bèn khuyên Lưu Bị tận dụng mối quan hệ họ hàng xa để làm quen với Lưu Chương để rồi từ đó "thuận tay bắt dê" chiếm lấy Ích Châu làm chỗ dựa.

*** Phản gián: Lợi dụng kế của địch để biến thành kế của mình.
Điển cố:Thời Tam Quốc, Tào Tháo phái Tưởng Cán, bạn học cũ của Chu Du sang Đông Ngô để dò xét lực lượng đối phương. Chu Du đoán được mưu của Tào Tháo nên đã sử dụng chính Tưởng Cán để làm Tào Tháo nghi ngờ hai hàng tướng cực kì thông thạo thủy binh của Kinh Châu để rồi giết hai người đó.

TBC.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top