Hạ

Tiêu Chiến đến Bắc Bình vào tháng tám và nộp đơn dạy tiếng Anh cho một ngôi trường kiểu mới.

Lúc này đã là cuối mùa hè mà sức nóng vẫn còn chưa tan. Cơ thể của anh vốn không quen với cái nóng của phương Bắc vì vậy không biết là do chiếu bẩn hay do không hợp đất, hợp nước mà dẫn đến phát ban. Lớp mề đay này vừa khỏi thì lại nổi thêm một lớp mề đay mới.

Lâu nay đất Giang Nam nuôi dưỡng cơ thể anh trắng nỏn nà, một vết xước thôi cũng để lại sẹo cho nên Tiêu Chiến cố gắng chịu đựng nằm trên giường từ đêm này sang đêm khác. Cơ thể vừa ngứa lại vừa đau, không ngủ được, anh đành mặc tạm quần áo rồi đứng dậy viết thư cho Vương Nhất Bác.

"Tiểu Bác, thấy thư như gặp người.

Đã hơn nửa tháng kể từ lúc anh rời Thượng Hải và ổn định cuộc sống ở Bắc Bình. Gần đây anh bận xử lý công vụ và một số việc trong cuộc sống nên không kịp viết thư cho em. Không biết bây giờ em đang làm gì ở tiền tuyến?

Thời tiết ở Bắc Bình thật sự rất nóng. Em cũng chưa từng nhắc đến sau lưng sẽ bị phát ban, đau nhức như vậy, không biết lúc còn nhỏ em có trải qua không?"

Viết đến đây, Tiêu Chiến đột nhiên dừng bút. Mực xanh đậm gom thành một chấm nhỏ, anh lập tức đặt bút xuống, vò nát giấy viết thư, không chút do dự ném xuống dưới chân, viết lại ngay một bức thư khác.

Anh không đề cập đến vết phát ban trên người nữa, chỉ nói về những câu chuyện vụn vặt hàng ngày. Viết được phân nửa lại cảm thấy nó quá dài và phức tạp sợ rằng đối phương không có nhiều thời gian để xem, Tiêu Chiến lại xé thư đi viết lại một bức khác, chỉ chọn ra một số điều thú vị mà kể cho người ấy nghe.

Chẳng hạn như ở tứ hợp viện gần đây xuất hiện một chú mèo con có màu lông rất đẹp, nó không sợ người lạ còn chủ động đến xin ăn. Hay việc ở đầu ngõ có một cây hòe lâu năm, tàng cây lớn, bóng râm phủ mát một góc phố. Và cả việc ở nhà trường, giáo viên và sinh viên ở đây cũng vô cùng hòa thuận. Kể mãi không sao dừng lại được, Tiêu Chiến thầm thở dài, vội vàng kết thư.

"Tiểu Bác, không biết tình hình của em nên anh thật sự lo lắng. Nếu mọi việc ổn thỏa hãy hồi âm cho anh.

Nhớ em, trông em, cầu mong em hết thảy bình an.

Chờ đợi trận chiến ngày 20 tháng 8 của em tại Bắc Bình."

.

Đảo mắt Bắc Bình liền vào thu, đây ước chừng là khoảng thời gian Tiêu Chiến sống thoải mái nhất. Mùa thu ở cố đô đặc biệt quyến rũ. Bắc Bình nhuốm màu cát vàng, gió mát lướt qua những tòa tháp uy nghiêm, phủ lên đó một lớp bụi vàng mịn.

Những chiếc lá rơi rất khẽ, tình cờ rơi vào trong trang sách của anh. Tiêu Chiến lập tức ghi tạc chuyện này vào lòng, trong lời nói không giấu được sự phấn khích. Anh cảm thán mùa thu ở Bắc Bình mới hùng vĩ làm sao, đâu đâu cũng thấy núi non trùng trùng điệp điệp, sắc đỏ mùa thu ngang nhiên xâm chiếm, mặc sức phủ xuống những cánh rừng. Chiếc lá phong tuyệt đẹp to bằng nửa lòng bàn tay cũng được anh đính kèm với lá thư gửi ra tiền tuyến.

Đêm trung thu thanh vắng, Tiêu Chiến ngơ ngẩn ngắm trăng một mình. Anh chưa bao giờ thấy mặt trăng nào lớn đến như vậy. Mặt trăng ở Bắc Bình dường như gần nhân gian hơn so với mặt trăng ở Thượng Hải.

Tiêu Chiến ngồi lặng lẽ ở một góc sân, nhâm nhi rượu hoa quế thơm ngọt được ủ bởi một nhà gần đó, ăn bánh trung thu hoàn toàn khác với đồ ăn vặt kiểu phương Tây, mông lung nhìn vầng trăng tròn vằng vặc.

Sương đêm rơi đầy sân, bóng cây xoay tròn lơ lửng đưa ánh trăng đến gần chân Tiêu Chiến. Trong một khoảnh khắc có thể đưa tay chạm vào hay cả đầu ngón chân cũng có thể chạm đến. Điều này khiến Tiêu Chiến vô cùng phấn khởi, lập tức chạy về nhà viết thư.

Thời gian này Tiêu Chiến đã viết rất nhiều thư nhưng kết thư chưa bao giờ thay đổi.

"Nhớ em, trông em, cầu mong em hết thảy bình an."

Chữ ký sẽ khác nhau tùy theo tình hình ngày hôm đó. Nếu bức thư đề cập đến những kiến thức ở trường, anh sẽ xưng mình là thầy Tiêu nghiêm khắc.

Còn nếu như vào lúc Tiêu Chiến đến quán mì mà Vương Nhất Bác từng kể thì bức thư sẽ được kí bởi một người yêu món mì xào Chiến Chiến. Chung quy lại, anh cũng có rất nhiều thú vui.

Giữa tháng mười, thời tiết Bắc Bình càng ngày càng lạnh. Đã là cuối năm mà Vương Nhất Bác vẫn chưa trở về. Cậu thật sự không biết, thầy Tiêu của cậu suýt chết vào mùa đông năm đó.

Chỉ khi đến phương Bắc, Tiêu Chiến mới nhận thức được các thuật ngữ về thời tiết chuẩn xác đến chừng nào, không thể không cảm thán về trí tuệ tuyệt vời của tổ tiên và cũng bắt đầu tính toán thời gian Vương Nhất Bác nên trở lại.

Từ đầu đến cuối, anh chỉ nhận được hai lá thư.

Bức thư đầu tiên có lẽ được viết trước khi nhận được thư của Tiêu Chiến. Cậu chỉ báo cáo ngắn gọn tình hình trong quân đội, phần lớn thư cậu dặn dò Tiêu Chiến các kinh nghiệm sống ở Bắc Bình, ngay cả dự đoán việc Tiêu Chiến sẽ phát ban, chẳng qua là cơ thể Tiêu Chiến đã khỏi hẳn khi bức thư này về đến.

Và cuối thư là phong cách thường ngày của cậu.

"Ăn no, đợi em về."

Bức thư thứ hai đến vào đêm trước giao thừa. Khi đó tuyết đã rơi ở Bắc Bình, từng mảng tuyết lớn như lông ngỗng bay theo gió lạnh, nhanh chóng làm ướt tóc của Tiêu Chiến, rơi xuống lông mi anh biến thành những giọt pha lê trông như nước mắt.

Tiêu Chiến vừa vui mừng, vừa kinh ngạc, về đến nhà chỉ biết viết thư cho Vương Nhất Bác, áo ướt sũng cũng không quan tâm dẫn đến ban đêm liền phát sốt.

Sáng tỉnh dậy, anh bần thần nhìn ra ngoài cửa sổ. Vài cành cây khô héo tàn tạ lác đác ở trong vườn, mái ngói xanh bên trên chất một tầng tuyết dày, đập vào mắt là một màu trắng trải dài đến vô tận. Đây là cũng là cảnh tượng ngoạn mục mà anh chưa từng thấy qua.

Thế giới xung quanh đột nhiên tĩnh lặng, Tiêu Chiến có phần mờ mịt.

Lẽ ra hôm nay anh phải lên lớp nhưng anh chỉ thấy lạnh thấu xương, một lát sau tựa hồ như rơi vào lò lửa. Anh quay cuồng trong cơn hỗn độn nửa mê nửa tỉnh, lò than đã tắt ngúm từ lâu, nệm dưới lưng trở nên lạnh như sắt. Tiêu Chiến không còn sức châm lửa, đầu choáng váng, cổ họng đau rát, một ngày một đêm không cơm không nước, cơn sốt kéo dài mà không ai hay.

Chính Tam muội phát hiện ra điều bất thường và gọi mẹ đến để xem tình hình của Tiêu Chiến.

Cha Tam muội đốt lại lửa trong lò, mua than mới cho vào chậu đồng, phủ tro nóng lên trên và dùng loại giấy dày để dán lại cửa sổ. Mẹ Tam Muội ra phố để mua thuốc và trở về đun nó trong ấm thuốc nhỏ của mình. Còn Tam Muội luôn đứng bên giường, đắp một chiếc khăn tay ướt lên vầng trán bỏng rát của Tiêu Chiến.

Khăn tay thường xuyên được thay đổi nhưng chiếc khăn lạnh chỉ vài phút liền nóng lên. Tiêu Chiến chìm vào mê man. Bác sĩ nói nếu cơn sốt không giảm thì anh sẽ chết.

Màn đêm dần dần buông xuống. Người đàn ông phải đi làm vào sáng sớm và đứa trẻ không thể chịu đựng lâu hơn vì vậy cả hai trở về phòng ngủ, chỉ có người phụ nữ ấy ở lại đây cùng anh.

Cô là một người khốn khổ. Cô đã nhìn thấy vô số người khốn khổ trên thế gian và cô biết vị tiên sinh này không nên thuộc về nơi này, lại càng không nên chết ở đây.

Nửa đêm Tiêu Chiến bắt đầu lẩm bẩm những điều vô nghĩa. Ban đầu chỉ là thì thầm, sau đó anh dường như liên tục gặp ác mộng, cơ thể cuộn tròn run rẩy và không ngừng khóc. Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt, anh gọi "Nhất Bác, Tiểu Bác" với vẻ mặt đau thương đến tột cùng.

"Tiểu Bác, đau quá, anh đau quá..."

"Nhất Bác, xương cốt của anh đau quá, Nhất Bác..."

"Đừng đốt, đừng, đừng, cứu em, chị ơi."

Tiếng khóc gọi chị khiến trái tim người phụ nữ ấy run lên, không thể nhẫn tâm ngồi yên nữa. Cô nghiêng người nằm bên cạnh Tiêu Chiến. Chàng trai ấy vốn cao lớn, kiên cường lúc này đang cuộn tròn thành một quả bóng nhỏ. Người phụ nữ ra sức ôm lấy anh, đặt tay lên lưng anh, nhẹ nhàng trấn an Tiêu Chiến. Đang đắm chìm trong cơn đau yếu, Tiêu Chiến tựa hồ tìm được sự cảm thông, theo hơi ấm mà tựa vào lòng đối phương, tiếng nức nở cũng dần yếu đi.

"Chị ở đây, chị ở đây, Tiểu Chiến ngoan."

"Chị ơi, em muốn về nhà."

"Chị đưa em về."

"Không, không được, em phải đợi Tiểu Bác."

Nhất Bác, Nhất Bác đi đâu rồi? Sao Nhất Bác của em còn chưa trở lại?"

Âm thanh sau đó chỉ là một tiếng thở dài nặng trĩu.

Sớm hôm sau cơn sốt của Tiêu Chiến đã giảm xuống, bác sĩ đến khám nói rằng không còn trở ngại nữa. Lúc này cả nhà Tam Muội mới cảm thấy an lòng.

Sau buổi trưa, Tiêu Chiến bắt đầu tỉnh lại khàn giọng xin chút nước. Đôi môi khô không chút máu hằn lên những vết nứt nhỏ. Đêm qua Diêm Vương đi cùng anh một đoạn nhưng cuối cùng cũng không lấy được mạng anh.

Thư của Vương Nhất Bác vừa hay lúc này lại đến.

Người đưa thư bên ngoài hét lớn, Tiêu Chiến nghe xong như kẻ mất hồn, suýt chút nữa thì ngã xuống giường, đứng dậy lảo đảo đi vài bước. Cơn sốt qua đi, toàn thân anh mềm nhũn đến tay chân dường như không còn là của mình. Thấy anh không mặc áo ấm mà lao ra khỏi cửa, vẫn là Tam muội tay chân lanh lẹ, vội vã chạy đi lấy áo mang đến cho anh.

Tiêu Chiến bám vào khung cửa, dựa vào nó với hầu hết trọng lượng cơ thể của mình, người vô lực khiến lá thư trên tay cũng lung lay.

Trong thư, Vương Nhất Bác nói rằng quân đội đã đánh thắng nhiều trận liền. Cậu cũng đã lập công lớn. Rất nhiều đồng đội đã hy sinh nhưng cậu ấy không bị thương nhiều. Chỉ là cậu càng ngày càng nhớ Tiêu Chiến. Cậu hỏi anh có thích cuộc sống ở Bắc Bình không? Cậu sẽ quay lại Bắc Bình sau Tết Nguyên Đán và kết thư giống hệt bức thư đầu tiên.

Ăn no, đợi em về.

Học trò của anh, Nhất Bác, ngày 5 tháng 11.

Một giọt nước mắt từ trên cằm trượt xuống, thấm ướt tờ giấy viết thư mỏng. Vệt nước làm nhòe đi vết mực, Tiêu Chiến vội vàng lấy mu bàn tay lau đi, anh sợ nếu lại nhỏ xuống sẽ không thể đọc rõ tin của Nhất Bác.

Biết Vương Nhất Bác sắp trở về, Tiêu Chiến vui mừng khôn xiết. Lúc rảnh rỗi anh thường lang thang thành Tứ Cửu, đại lộ Trường An, Tân Hoa Môn và đến cả bức tường đỏ Nam Hải. Trong đầu luôn tự nghĩ nếu Vương Nhất Bác đi qua đây sẽ thế nào, ở đáy lòng bất giác nhẹ đi một chút.

Anh thường một mình leo lên cổng thành, vuốt ve những bức tường gạch cũ sần sùi, loang lổ do chiến tranh để lại, có khi ngồi cả buổi chiều không biết chán, chỉ nghĩ đến người yêu ở phương xa.

Sau sự việc đó, gia đình của Tam muội và Tiêu Chiến ngày càng trở nên thân thiết. Tết Nguyên Đán gần như bắt đầu vào đầu tháng Chạp. Mặc dù bên ngoài mưa gió và ngọn lửa chiến tranh đang hoành hành nhưng mọi người dường như không kìm nén được niềm vui sướng để đón mừng năm mới. Có vẻ như năm mới trở thành một sợi dây hy vọng, lòng người dẫu lo sợ vẫn không mất đi sự nhiệt tình. Hương vị tết Bắc Bình vẫn như xưa, không hề thay đổi.

Một nhóm người bán hàng rong xuất hiện trở lại trên con phố đìu hiu. Từ sáng sớm trong ngõ đã vang lên tiếng rao bán cây thông, mật ong và bánh tổ. Bọn trẻ con ai nấy đều phấn khởi vui mừng. Cả Tam muội cũng không tránh khỏi. Em háo hức lôi Tiêu Chiến ra ngoài từ sáng sớm và khệ nệ mua một đống đồ cho năm sau. Thậm chí khi quay về Tiêu Chiến còn cầm trên tay một nhành hoa thủy tiên.

Lúc cả hai bước vào nhà, mẹ của Tam muội đang ngâm tỏi Lạp Bát, thấy hai người, bà liền gọi một lớn một nhỏ lại ăn cháo Lạp Bát mừng xuân. Có vẻ như trong thời gian ngắn Bắc Bình đã khôi phục lại sự thịnh vượng như trước và tràn đầy hi vọng vào tương lai.

Khoảng thời gian cuối năm, nhà trường đã vào kỳ nghỉ. Tiêu Chiến không có việc gì làm nên lang thang từ thành Tây sang thành Đông rồi đi từ thành Nam đến thành Bắc, lần nào cũng không quên ghi lại những việc trải qua. Chẳng hạn như hôm nay ăn kẹo mạch nha và gạo nếp đường. Kẹo mạch nha ăn vào thật sự rất dính răng. Cách vài ngày, anh lại đi dạo Thập Sát Hải. Băng ở đây rất cứng, anh không biết Nhất Bác có thể trượt băng không chứ anh thì không làm được. Những việc này Tiêu Chiến thường viết trong nhật ký, chỉ đợi Vương Nhất Bác quay lại là đưa cho cậu ấy xem.

Giao thừa, Tiêu Chiến bận rộn cả một ngày. Vào buổi sáng anh và Tam muội dán những câu đối chữ. Thấy anh viết chữ đẹp những người trong ngõ liền đến nhà xin anh viết giúp.

Trời vừa sập tối, một dây pháo nổ liền vang lên. Tiêu Chiến bị Tam muội kéo sang phòng bên cùng nhau ăn sủi cảo. Tiếng pháo nổ trong dãy Hồ đồng nối đuôi nhau rộn rã, đèn đuốc sáng trưng như thể thắp sáng cả Bắc Bình.

Đón giao thừa cả một đêm, sáng hôm sau Tiêu Chiến vẫn dậy thật sớm và đến Đại Chung Tự ngoài thành Bắc để dâng hương và cầu phúc. Vương Nhất Bác từng cười nhạo anh là mê tín dị đoan. Nhưng lúc này anh càng sùng đạo hơn, vừa bái lạy vừa cầu xin Phật Tổ phù hộ cho Nhất Bác của anh bình an vô sự.

Hội chùa ngày mồng năm tháng Giêng, Vương Nhất Bác vẫn chưa trở lại.

Ngày mười ba tháng Giêng, Tiêu Chiến đã làm một chiếc đèn lồng, hình dáng của nó thật sự rất xấu. Anh nghĩ rằng Vương Nhất Bác khi nhìn thấy sẽ cười nhạo anh.

Ngày rằm tháng Giêng, trăng sáng nhô cao treo trên đầu phố.

Cả nhà Tam muội đi xem pháo hoa nhưng Tiêu Chiến lại không muốn đi, cũng không nuốt nổi bánh trôi nước nhân mè đen.

Bình thường Tiêu Chiến là người thích ăn ngọt, từ nhỏ đã luôn ăn đồ ngọt, không như Vương Nhất Bác ăn nửa miếng sô cô la cũng cau mày. Cậu phải ôm mặt thầy Tiêu dùng đầu lưỡi và nụ hôn trả lại tất cả sự ngọt ngào mới xem như xí xóa.

Hiện giờ Tiêu Chiến không muốn ăn đồ ngọt. Anh nhớ Vương Nhất Bác. Tiểu Bác của anh vẫn mãi chưa trở về.

Ngày 19 tháng Giêng, chùa chiền khắp nơi đều lên đèn.

Năm mới qua đi, trường học mở cửa trở lại, thành phố Bắc Bình lại chìm trong im lặng, nhưng vẫn không có tin tức gì của Vương Nhất Bác.

Chờ đợi ngày qua ngày, Tiêu Chiến càng lúc càng cảm thấy bất an. Bắc Bình không giống như Thượng Hải. Anh không có người quen ở đây. Tin tức cũng rất kín. Ở đây không có Bách Nhạc Môn cũng không có bia Kvass. Anh thậm chí không biết hỏi thăm ai và ở đâu.

Khi lớp tuyết cuối cùng ở Bắc Bình tan đi, đã là đầu xuân nhưng thời tiết vẫn chưa thể ấm lên.

Trong mấy ngày đó, tin tức và lời đồn thổi về cuộc chiến đột nhiên trở thành đề tài nóng hổi khắp hang cùng ngõ hẻm. Đây không phải là điềm lành, cho thấy chiến tranh đang ngày càng khốc liệt, đất nước ngày càng rối ren và gió xuân dường như cũng chứa đầy thuốc súng.

Các cửa hàng trên phố thay nhau biến mất. Đến lúc mọi người nhận ra là vào một buổi sáng họ muốn ăn một bát súp thịt cừu nóng hổi thì đã đứng trước quầy hàng đóng cửa từ lâu, lúc đó mới giật mình nhận ra Bắc Bình đã trở nên trống rỗng.

Vào đầu tháng ba, Tam muội nói với Tiêu Chiến rằng cây hòe đầu ngõ bắt đầu ra nụ. Đang nói chuyện thì người đưa thư đến, Tam Muội cười hì hì khi thấy Thầy Tiêu thường ngày trầm ổn nay nhảy dựng lên không để ý đến hình tượng mà vội vã nhận thư. Tiêu Chiến cầm trong tay tờ giấy viết thư dày hơn bình thường, lúc lắc lắc còn phát ra tiếng sột soạt.

"Thầy Tiêu..."

Âm thanh của Tam muội im bặt, nhìn lá thư trong tay Tiêu Chiến rơi xuống đất, một nắm đậu đỏ lăn ra, rơi vãi khắp sân. Tam muội vội vàng nhặt lên nhưng đậu đỏ nhỏ lăn tròn vào khe gạch, xen vào lớp thạch cao, nhặt mãi cũng không thể nào nhặt hết.

Không phải là thư, Tam muội cũng không biết đó là thứ gì, em bị mẹ đưa trở lại gian phòng, để lại thầy Tiêu đứng ở nơi đó một mình thật lâu, thật lâu.

Đó là một bản cáo phó, một bức ảnh và một nắm đậu đỏ.

Tiêu Chiến trân mình đứng đó. Vương Nhất Bác của anh đã biến thành những thứ này. Anh làm sao có thể tin một Vương Nhất Bác bằng xương bằng thịt, một người tình đáng yêu ngọt ngào, một chiến binh dũng cảm không bao giờ biết sợ hãi của anh... cuối cùng chỉ còn lại là một mảnh giấy mỏng manh với vài dòng ký tự.

Gặp phục kích, lấy thân mình hy sinh vì tổ quốc.

Hai bản sao của bức ảnh, một bức của Vương Nhất Bác đi khắp chiến trường cuối cùng lại trở về trên tay Tiêu Chiến. Khuôn mặt của người trong ảnh vẫn như cũ, nhưng chính giữa bức ảnh đã bị vỡ, có một lỗ tròn và thấm đầy những vệt máu loang.

Trong lòng đột nhiên truyền đến một trận đau đớn, giống như bị một đôi tay vô hình nắm chặt, khiến hô hấp dồn dập ở cổ họng rồi lại dùng sức siết chặt khiến máu trong người nổ tung.

Cơ thể Tiêu Chiến gầy như tờ giấy lung lay sắp đổ, lúc này không còn chống đỡ được nữa, bấp bênh quỳ một bên gối xuống mặt đất, tay run rẫy vuốt ngực phun ra một ngụm máu tươi. Dòng máu từ khóe môi chảy xuống đất từng giọt đầy bi thương.

Em đặt bức ảnh trên ngực mình phải không?

Em nhớ anh, mong anh, yêu anh phải không?

Tiểu Bác, anh biết tất cả rồi. Đợi anh, Nhất Bác.

.

.

.

"Tiên sinh, bức ảnh này không gửi đi sao?"

"Không gửi nữa. Phần thư còn lại nhờ anh gửi giúp."

Không gửi nữa, không cần người thứ ba biết chuyện giữa anh và em.

Nhất Bác, anh đã đốt quyển nhật ký nhưng mà thật sự anh vẫn muốn cho em xem.

.

.

.

Tiêu Chiến đi đến vùng ngoại ô phía Tây. Tầng không khí xám xịt trên bầu trời tan biến, ánh nắng từ khẽ mây chiếu xuống trông sáng sủa và ấm áp thậm chí ngước nhìn lên có thể thấy chút trời trong xanh.

Anh đi ngang một rạp hát. Còn chưa đến giờ diễn, một tấm biển đã được dựng lên thông báo rằng tối nay nghệ sĩ hàng đầu của đoàn sẽ hát tuồng Tiểu Phượng Tiên. Tiêu Chiến đứng dưới bức tường đỏ thẩm, nghiêng người lắng nghe. Có nhiều âm thanh luyện giọng trong vườn, xen lẫn âm điệu ê a, còn có những lời ca xướng. Giọng hát đó trong veo và mềm mại. Nàng chính là Tiểu Phượng Tiên.

Một sợi tơ tình quấn lấy thân

Chim yến tham lam lưu luyến tình

Rót rượu nâng chén vàng đưa tiễn

Núi sông này còn đợi một bờ vai.

Tướng quân hỡi,

Từ nay mỗi người một ngã

Trong phút chốc ly biệt trăm năm

Tiêu Chiến nghĩ về cảnh Thái Ngạc và Tiểu Phượng Tiên nắm tay và nhìn nhau trong nước mắt, cảm thấy sững sờ một lúc lâu. Anh không hề chú ý đến xung quanh đến khi trống chiêng dừng lại. Phải hơn nửa ngày anh mới hồi phục lại tinh thần, mi cụp xuống lắc đầu cảm thán cười một tiếng.

Khi đến được Hải Điến, mặt trời đã xế bóng. Bên cạnh cầu Cao Lương trồng một hàng liễu già, phía trên ngọn thấp thoáng những chồi xanh mơn mởn được tô điểm bởi sắc vàng rực rỡ của trời chiều, nước sông cũng được ráng chiều của hoàng hôn nhuộm đỏ.

Tiêu Chiến ngồi dưới gốc liễu, lấy tấm ảnh ra xem, dùng đầu ngón tay cọ nhẹ lên mặt Vương Nhất Bác sau đó đút lại vào túi áo rồi vỗ nhẹ nhàng.

Chàng thanh niên tuấn tú ấy đưa mắt nhìn tháp pháo xa xa lần cuối. Thành phố Bắc Bình đang tắm mình trong mùa xuân. Anh thầm nghĩ, nếu mùa xuân này thực sự đến thì xuân, hạ, thu, đông, anh cũng đã sống trọn vẹn ở Bắc Bình.

"Phốc..."

Nước trên mặt hồ loang lỗ. Tiếng nước rung động rồi lại chìm vào thanh âm tĩnh lặng như tờ.

Đợi anh Nhất Bác. Anh tới tìm em.

Tháng Giêng, Trung Hoa Dân Quốc, vào giữa mùa đông, Vương Nhất Bác bị phục kích ở chiến trường, và không may tử trận. Tháng ba mùa xuân năm đó, Tiêu Chiến cũng kiên quyết gieo mình xuống con sông ở ngoại ô phía Tây Bắc Bình.

Em ra đi trong trận tuyết đầu đông.

Ở quê nhà, vào những ngày cuối xuân, anh cũng ra đi cùng cơn gió.

.

Đã hai ngày Tiêu Chiến không quay lại, Tam muội mở cửa phòng anh và lẻn vào trong. Trên giường có một lá thư đặt dưới hộp sô cô la. Tam Muội ít chữ nên đọc không hiểu liền chạy đi gọi mẹ. Sau khi người phụ nữ ấy đến, cô im lặng một lúc mới thì thầm mấy chữ trong thư.

Chị Phượng Trân, thấy thư như gặp người.

Tiền nằm trong ngăn kéo thứ hai dưới tủ ở đầu giường. Đây là tất cả tiền tiết kiệm của em. Chị hãy dùng nó để chữa bệnh. Thuốc Tây rất hiệu quả. Chị hãy tin em.

Ngoài ra, em đã nhờ một đồng nghiệp trong trường sắp xếp việc học cho Tam muội. Hẳn là vài ngày nữa sẽ có người đến bàn bạc với chị. Xin hãy an lòng, về học phí, em đã đóng rồi.

Mọi thứ trong căn phòng này, chị đều có thể sử dụng hoặc bán đi để lo cho gia đình.

Cầu mong gia đình chị có cuộc sống vui vẻ, vạn sự bình an.

Em trai của chị, Tiểu Chiến.

Đã từ rất lâu không ai trong dãy Hồ đồng này còn nhớ tên đến cô mà chỉ biết rằng cô là mẹ của Tam muội. Nhưng hôm nay Tiêu Chiến đã gọi cô là Phượng Trân.

Phượng Trân nhớ về chàng trai trẻ đã khóc trong vòng tay cô vào một đêm mùa đông lạnh giá và nỉ non muốn chị đưa về nhà nhưng lại khóc nức nở, nói phải ở lại đợi người yêu.

Lò than đã tắt nhưng vật bên trong vẫn chưa cháy hết. Phượng Trân cầm lên, không dám mạnh tay hất tro ra vì sợ giấy nướng bị giòn sẽ tan rã.

Đó là một cuốn nhật ký, không phải được làm từ giấy rơm, phong cách rất thượng lưu kiểu mới. Ở Bắc Bình, Phượng Trân chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì đẹp đẽ và tinh tế như vậy. Cuốn nhật ký cũng giống như chàng  thanh niên ấy, đều không thuộc về nơi này.

Phượng Trân lật đến trang cuối cùng, nửa đầu đã cháy hết, bên mép bị khói hun đen, chỉ còn lại một dòng chữ nhỏ rõ ràng, phóng khoáng.

Chậm một chút, hẹn em ở thiên đường.

END

.
.
.

(*) Phong tục ăn cháo vào ngày mùng 8 tháng Chạp đã có lịch sử hàng ngàn năm ở Trung Quốc. Đây còn được coi là "Tiết lệnh" đầu tiên của Tết truyền thống, có nghĩa là qua mùng 8 tháng Chạp không khí của Tết đã đến.

Sở dĩ mồng tám tháng chạp âm lịch có truyền thống ăn Cháo Lạp Bát, là vì người thời cổ cho rằng, cháo là món ăn tẩm bổ nhất. "Bản thảo Cương mục" của danh y Lý Thời Trân viết: "Cháo có công hiệu ích khí, sinh tân dịch, dưỡng tỳ, vị, trị hư hàn, là món ăn tuyệt vời".

(*)Thập Sát Hải: Ai đang xem Vùng Biển Trong Mơ của Chiến chắc sẽ rõ địa danh này.

Thập Sát Hải nằm ngay phía Tây Bắc của Tử Cấm Thành và phía Bắc của Thập Sát Hải bao gồm ba vùng hồ Tiền Hải, Tây Hải và Hậu Hải và các khu vực lân cận. Thập Sát Hải có nghĩa là "Hồ của mười ngôi chùa" bởi xưa kia có mười ngôi chùa Phật giáo và Đạo giáo ở xung quanh đó. Kể từ thời nhà Thanh, nơi này đã trở thành một địa điểm vui chơi và thưởng cảnh của kinh kỳ.

Vào mùa hè, sóng ở Thập Sát Hải phẳng như gương, với những cây liễu rủ và hoa sen nở rộ. Thế nhưng sang mùa đông, đây lại là sân trượt băng tự nhiên. Hàng năm sau khi Thập Sát Hải đóng băng, một sân trượt băng được mở ra ở Tiền Hải, nơi khá nổi tiếng và luôn được những người đam mê trượt băng yêu thích.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top