CHƯƠNG 22

Sáng ngày 06/10.

Mưa liên tục mười mấy ngày, nước từ thượng nguồn đổ về, báo động lũ trên sông Dương Tử dâng cao từng giờ. Tất cả lực lượng công an, quân đội đều phải trở về vị trí trực chiến, sinh viên năm ba năm bốn cũng theo kêu gọi kết thúc kỳ nghỉ quay về trường.

Tôi nhận tin báo, kéo cái áo sơ mi dưới chân giường khoác vào người. Sờ lên trán anh thấy không sốt, tôi hôn hôn lên môi Tiêu Chiến một cái, bảo anh ngủ tiếp đi, em phải quay về trường bây giờ, có lệnh tập trung khẩn cấp.

Anh ậm ừ dụi mắt, nghe tôi bảo phải quay về trường liền nói để anh đưa em ra sân bay.

"Không cần mà, anh không dậy nổi đâu" Tôi áy náy, lần đầu tiên được nếm trái cấm, tôi vừa vụng về vừa háo hức, chắc đã làm anh đau không ít. Quả nhiên, vừa nghiêng người muốn ngồi dậy, Tiêu Chiến đã nghiến răng nhăn mặt.

Tôi hôn liên tiếp mấy cái lên mắt, lên má anh, nhỏ giọng xin lỗi. Tuy đã làm vệ sinh sạch sẽ và bôi thuốc, cúc hoa của anh vẫn có vẻ hơi sưng. "Anh nghỉ ngơi đi, đến nơi em sẽ báo về cho anh nhé". Tiêu Chiến không có cách nào khác, đành thấp giọng dặn dò tôi vài câu.

Tôi trở về nhà thông báo cho mẹ, trong lúc mẹ chuẩn bị ít đồ ăn lại nhét thêm quần áo ấm vào vali cho tôi thì tôi tranh thủ đặt vé - chuyến bay sớm nhất từ Lạc Dương đến Trùng Khánh.

---

Ngày 7/10.

Mưa đã ngớt. Nhưng bầu trời thì ảm đạm.

Chúng tôi tập trung tại trường, đích thân đồng chí Giám đốc công an Trùng Khánh đến chỉ huy chiến dịch hỗ trợ lần này. Tôi, Vu Bân, Kỷ Lý, Trác Thành và một nhóm sáu người do thầy chủ nhiệm dẫn đầu xung phong đến Kiềm Giang hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm và di chuyển người dân ở đây đến nơi an toàn. Mưa lũ đã làm hoạt động giao thông ở đây bị ngưng trệ đã bốn ngày rồi.

Chúng tôi lên đường ngay trong buổi sáng, chỉ có 30 phút chuẩn bị. Tôi phân vân một lúc rồi ôm theo cuốn sổ tay Tiêu Chiến tặng. Tôi lấy cuốn sổ này làm nhật ký, hay viết linh tinh mấy cái chuyện gà bông vào đây, mỗi lần nhớ Tiêu Chiến cũng gửi vào đây vài dòng.

Thằng Kỷ Lý cười vào mặt tôi, bảo mày mang theo làm gì cho vướng chân, đến nơi làm công tác xong thở còn không có sức, sức đâu mà ghi nhật ký. Tôi ậm ừ nhét vào balo chống nước, không thèm trả lời lại nó.

Đường rất khó đi, mưa dứt nhưng đám bùn nhão vì thế nửa khô nửa ướt, bám chặt lấy bánh xe, có những đoạn chỉ vài trăm mét mà chúng tôi phải xuống mấy lần, gỡ bùn và quấn dây xích xung quanh bánh xe để di chuyển.

Đi đến gần bản Kiềm Giang thì chúng tôi dừng lại. Một khối đất đá từ trên núi lở xuống đã cắt đứt con đường độc đạo. Thầy chủ nhiệm xem bản đồ, nghĩ nghĩ bảo chúng tôi thôi còn khoảng chừng hai cây số, một tốp ở lại cắm trại cùng đồ tiếp tế, ngày mai công binh đến mở đường thì đi tiếp, một tốp theo thầy mang vác đồ ăn vào bản cho bà con, đã bị chia cắt bốn ngày sợ họ không còn gì ăn.

Kỷ Lý và Vu Bân cùng bốn người nữa ở lại. Tôi, Trác Thành thêm hai đứa to cao nhất nhóm cùng với thầy chủ nhiệm soạn đồ ăn mang theo. Vu Bân thử máy rồi đưa cho chúng tôi hai bộ đàm liên lạc, lại mở máy thông tin để gọi xuống trường, thông báo tình hình và đề nghị tổng bộ hỗ trợ một nhóm công binh. Kỷ Lý và mấy đứa nữa thì lựa chọn chỗ để dựng trại tạm, tối nay bọn họ phải ngủ tại chỗ rồi.

Chúng tôi chỉ mang đồ nhẹ. Trước ngực mang ba lô cá nhân đựng đèn trán, tăng võng, vài món đi rừng, một bộ áo liền quần bằng nilon mỏng nhẹ nhưng ấm, đồ đạc còn lại đều phải để lại trại. Sau lưng mỗi người quai một gùi lớn đựng cơm tự sôi, mì gói, cháo ăn liền. Trác Thành bỏ vào gùi tôi một đống thuốc men các loại rồi rút dây buộc, nó cột thêm một can rỗng chung với ba lô của tôi, lại bỏ thêm ít viên lọc nước vào trong.

"Mang theo can làm gì?" Tôi làu bàu, đi nhóm lớn nên đoàn chỉ toàn là can 40 lít, cồng kềnh vướng víu.

"Trên đường đi hứng nước rồi lọc cho nhóm uống. Viên lọc nước tiếp tế cho bản tao để trong gùi của tao rồi" Trác Thành nhấm nhẳng, trong đám nó là đứa chu đáo nhất, làm việc gì cũng gọn gàng mau lẹ.

Chúng tôi bắt đầu di chuyển lúc 3h. Với đoạn đường 2km đường rừng, thầy chủ nhiệm ước tính chúng tôi sẽ đến nơi lúc 5h. "Trời sẽ sập tối rất nhanh, chúng ta khẩn trương lên" thầy nói rồi xốc ba lô phăm phăm đi trước, tôi chốt đoàn.

Đoạn sạt lở tầm 500m, mảng đất đá đổ xuống thành một vệt đỏ giữa hai bên vẫn là màu xanh của cây cối trông thật chướng mắt. Bùn nhão ngập lên đến bắp chân, bám chặt vào ủng làm chúng tôi nhấc chân một cách khó nhọc. Gùi tiếp tế lúc đi còn đùa nhau là nhẹ giờ như gánh nặng ngàn cân trĩu xuống, hai quai gùi trì lên vai đau buốt. Chúng tôi đi men vòng quanh sườn núi, những đoạn sụt lở kéo cả con đường xuống vực, từng mảng há toác trôi xuống khoảng trống bên dưới.

Trời vùng núi đúng là sập tối rất nhanh. Ở chỗ nghỉ chân, tôi chặt mấy khúc cây làm cây vịn cho mọi người, Trác Thành tìm được một đoạn suối, khéo léo hứng nước rồi bỏ hai viên lọc nước vào. Can nước sủi lên bọt nước một lúc thì đám cặn dần lắng lại phía đáy, nó rót nước mời thầy rồi chúng tôi chuyền tay nhau.

Chỉ nghỉ chân mười phút, thầy lại giục chúng tôi lên đường, nghĩ đến những người dân bản bốn ngày chịu đói chịu rét làm chúng tôi vững chân hơn một chút, con đường rừng mỗi lúc một dốc, lũ vắt bám hơi người nhảy rào rào qua mỗi bụi cây.

Qua đoạn sạt lở, qua con đường rừng vì lũ mà ngổn ngang bùn lầy cùng cành cây gãy, chúng tôi tiến gần về phía bản Kiềm Giang. Tất cả hiện đều phải mang đèn trán, ánh sáng loang loáng chiếu về phía trước. Mới chỉ hơn 5h chiều mà rừng đã chập choạng tối.

Đi mãi rồi con đường lộ lại mở rộng trước mắt chúng tôi. Con suối cạn vắt ngang giờ đây chảy xiết, bọt trắng xóa tung lên đổ xuống vực sâu bên dưới.

Con đường phía trước đột ngột gãy ngang.

Cả một vùng khá bằng phẳng nằm ven núi đã trở thành một ngọn đồi nhỏ, thầy chủ nhiệm mở bản đồ, ngón tay di di trên giấy trở nên run rẩy. Ánh đèn từ chỗ Trác Thành chiếu tới một cổng bản bị sập đổ, gạch ngói vương vãi xa xa. Hai thằng to con bật khóc đầu tiên, tôi và Trác Thành cũng không cầm được nước mắt.

Kiềm Giang chỉ còn là một bãi đất, im lặng đến rợn người.

Vứt hết gùi xuống đất, chúng tôi chạy tới nhưng không còn một dấu vết nào của sự sống. Vọng lại tiếng gọi "Có ai không, có ai không" chỉ toàn là tiếng gió. Thầy chủ nhiệm ngồi bệt xuống đất, lôi bộ đàm gọi về cho Vu Bân để nó báo cho tổng bộ. Chúng tôi sau một hồi xem xét thì tuyệt vọng ngồi xuống bên cạnh, vết đất đá này cũng không phải mới, cho đến khi công binh vào được đến nơi thì khả năng tìm kiếm người còn sống cũng là rất mong manh.

8h tối.

Không ai muốn ăn uống gì. Mệt mỏi. Sợ hãi. Đau đớn. Trống rỗng đã nhấn chìm cơn đói.

Thầy lôi mấy gói cơm tự sôi ra, bảo Trác Thành đi lấy nước. Tôi định tháo can nhựa đang còn đeo trước ngực đưa cho nó thì nó bảo không cần, can của tôi còn cặn bẩn, nó đi lấy can khác.

Tôi nhóm lên một đống lửa, hai đứa còn lại buộc tăng võng quanh mấy thân cây. Đêm nay chúng tôi ngủ lại đây, mai quay về trại tạm. Thầy ấn vào bụng mỗi đứa một hộp cơm, bắt ăn. Hạt cơm mềm dẻo vào trong miệng lại cảm thấy đắng ngắt, trệu trạo. Bản Kiềm Giang với hơn chục nóc nhà giờ vùi trong đất.

Đối diện với sức mạnh của tự nhiên, con người ngạo nghễnh tới đâu cũng chỉ là một sinh vật nhỏ bé, vô dụng.

Võng của tôi nằm gần bên bờ suối, tiếng nước chảy xiết vọng vào bờ đá nghe rì rầm. Tôi vẫn đang buộc ba lô quanh bụng, ngồi vắt vẻo trong tăng võng lại lấy can nhựa làm bàn. Tôi lôi cuốn nhật ký ra, dưới đèn trán viết vài dòng, tựa như muốn nhờ câu chữ mà giải tỏa bớt tâm trạng nặng nề của mình. Một lúc chán nản thảy cuốn sổ xuống chân nằm vật ra.

Trăng trên đầu rất sáng, ở nơi rừng núi trăng lại càng sáng hơn. Tôi lôi điện thoại ra chụp, vùng núi không có sóng nên điện thoại chỉ đơn giản là một máy chụp hình. Lại nhớ một đêm nào đó tại quán cà phê trên dốc cao, tôi chỉ trăng bảo anh "Dù cho ở nơi nào tôi và anh cũng đều nhìn thấy một thứ cùng nhau". Anh cười bảo tôi nói gì buồn nôn quá.

Tôi mở phần tin nhắn gửi hình cho anh, muốn nhắn bảo em nhớ anh quá. Màn hình thông báo tin nhắn của bạn sẽ được gửi khi được kết nối mạng. Tôi tắt máy quẳng điện thoại qua bên, lim dim muốn ngủ.

Mệt. Quá mệt. Cả thể chất lẫn tinh thần.

Trác Thành cời than, bỏ thêm củi rồi bảo nó quay lại chỗ cổng bản xem thử, thầy và chúng tôi vùi mình trong tăng võng. Tôi ậm ừ nghe tiếng suối rì rầm bên cạnh.

---

Ngày 8/10

Lạc Dương.

Tiếng chuông cửa dồn dập làm Tiêu Chiến bỏ dở khung vẽ. Điện thoại để bên sofa cũng đang báo cuộc gọi đến. Thật nhiều cuộc gọi nhỡ.

Cầm điện thoại trong tay, cũng không kịp bấm nghe Tiêu Chiến chạy ra mở cửa, người phụ nữ gục xuống trong tay anh. Mẹ của Nhất Bác.

"Tiêu Chiến. Nhấc Bác ... gặp nạn rồi".

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top