Chương 4: Tàn hại trung thần
Từ khi Tô Ngọc Dung nhập cung, Ngô Kiên ngày càng bỏ bê triều chính, cả ngày đều ở bên Ngọc Dung ca múa say sưa, cả ngày đắm chìm trong tửu sắc,thậm chí sai bá tánh xây một Vọng Nguyệt lầu để tiện cho việc cùng người đẹp ân ái, khiến cho bá tánh bỏ mạng không ít.
Mặc bá quan văn võ can gián thế nào cũng đều như gió thoảng qua tai.
Sau khi Tô Ngọc Dung nhập cung, đã hiện nguyên hình là một ác nữ lòng đầy tham vọng. Ả thường xuyên cùng Ngô Kiên thượng triều, can dự triều chính các bá quan nhiều lần dâng tấu can gián đều bị hôn quân hạ lệnh phạt trượng, thậm chí bị xử trảm thủ cấp treo trước Huyền Vũ môn.
Ngô Kiên thượng triều ngồi trên long kỉ, bên cạnh là Lan Tần đang ngồi vuốt ve một con hồ ly mắt đỏ. Bá quan đứng thành hàng hai bên thầm thở dài, vì từ xưa đến nay có quy định 'hậu cung không được can chính'.
Thừa tướng Ngô Sử từ trong hàng quan văn bước ra quỳ xuống tấu:
- Khởi bẩm bệ hạ! Từ cổ chí kim đến nay, hậu cung tuyệt đối không được can dự triều chính. Nay bệ hạ để Lan Tần nương nương nghị chính khó trách sau này xảy ra chuyện 'tẩn kê tư thần'. Vi thần to gan, xin bệ hạ minh xét.
Ngô Kiên cau mày nói:
- Trẫm đăng cơ bao lâu nay, chính sự bận rộn. Nay Lan Tần lo lắng cho trẫm giúp đỡ trẫm sao lại gọi là can chính. Trẫm thấy các khanh muốn tạo phản mà.
Ngô Sử lại nói:
- Khởi bẩm bệ hạ! Thứ tội cho thần nói thẳng. Nếu bệ hạ vẫn kiên quyết để Lan tần nương nương cùng thượng triều, thần e là thiên hạ đại loạn. Mai này đời sau học theo khó lòng phục chúng. Thần khẩn xin bệ hạ minh xét.
Ngô Kiên tức giận đập bàn nói:
- Hỗn xược! Ngô SỬ to gan. Trẫm nghĩ tình ngươi là hoàng thúc của trẫm nhiều lần thuận theo tấu biểu của ngươi, nhưng ngươi cả gan lấy đó làm quyền mắng nhiếc trẫm, cả ngày chỉ biết nói nhăng nói cuội làm đảo loạn triều cương thật không thể tha thứ.
Ngô Sử tức giận đứng lên nói lớn giữa đại điện:
- Hôn quân vô đạo. Ngươi nghe lời sàm ngôn của tên gian thần Tô Quỳnh, nghe lời của ác nữ Tô Ngọc Dung bỏ bê triều chính, bỏ đạo làm vua. Nay ngươi để cho ác nữ can dự triều chính, sớm muộn gì giang sơn đại Kì hơn hai trăm năm qua sẽ bị hủy hoại trong tay hôn quân nhà ngươi. Lão phu làm quan qua ba đời vua, nay bị cách chức công danh cũng như mây khói thoáng qua. Chỉ tiếc, Thái sư Triệu Lỗi vì đại Kì xuất binh dẹp loạn Tây Bắc giữ vững giang sơn. Hôn quân ngươi không biết ơn, ngày đêm nghe lời ong bướm tàn hại không biết bao nhiêu trung thần. Lão phu có chết xuống hoàng tuyền cũng không còn mặt mũi nào gặp liệt tổ liệt tông của Ngô gia.
Ngô Kiên bị Ngô Sử mắng giữa đại điện, tức giận hạ lệnh tướng sĩ lột quan bào cùng mũ ô sa, lôi ra Ngọ Môn xử trảm làm gương.
Tô Ngọc Dung ngồi bên cạnh liền quỳ xuống hành lễ:
- Bệ hạ bớt giận! Thần thiếp khẩn xin bệ hạ hoãn lệnh xử trảm.
Ngô Kiên dìu Tô Ngọc Dung ngồi lên ghế và hỏi:
- Thần tử mà mắng vua như thế khác nào tạo phản. Ái phi! Nàng còn xin cho hắn làm gì?
Tô Ngọc Dung mỉm cười:
- Bẩm bệ hạ! Thân là thần tử đứng trước đại diện mắng thiên tử là đại nghịch bất đạo, dù có trảm mười cái đầu cũng không hết tội. Xin bệ hạ truyền lệnh giam Ngô Sử vào thiên lao vài hôm. Thần thiếp sẽ nghĩ ra cách giúp bệ hạ trừng trị phản thần.
Ngô Kiên mừng rỡ vỗ nhẹ mu bàn tay của Tô Ngọc Dung:
- Được! Trẫm nghe lời ái phi.
Nói xong, Ngô Kiên truyền lệnh giam Ngô Sử vào thiên lao, chờ ngày định tội.
Phúc Xà thấy Ngô Kiên nghe lời của Tô Ngọc Dung, không nghĩ tình thủ túc nghĩ thầm:
- Vào triều Thương, Ân Thọ vì nghe lời của yêu hậu Tô Đắc Kỷ mà đem cơ nghiệp sáu trăm năm của đại Thương đổ xuống biển không thương tiếc. Nay bệ hạ lại đi vào vết xe đổ ấy. Giang sơn sắp vong, bệ hạ lại tin lời của gian thần và ác nữ tàn hại Ngô huynh. Vốn nghĩ có thể can gián thiên tử xoay chuyển khí vận đại Kì, cuối cùng bệ hạ lại càng lún sâu. Chi bằng ta cáo lão hồi hương, vì có ở lại cũng chỉ là một tên bù nhìn trơ mắt nhìn đại Kì hai trăm năm qua dần dần suy vong.
Phúc Xà suy nghĩ một lúc lâu, rồi ra giữ đại điện quỳ xuống tâu:
- Khởi bẩm bệ hạ! Giang sơn đại Kì nay đã bình yên, thần nay cũng đã cao tuổi, sức khỏe e là không còn khỏe mạnh như trước chỉ sợ ở lại trong triều tuổi già lẩm cẩm không giúp ích được gì cho bệ hạ, ngược lại làm bệ hạ khó xử. Khẩn xin bệ hạ ban chiếu chỉ cho thần cáo lão hồi hương, cùng vợ hiền về quê nhà, quan bào cùng mũ ô sa xin để lại. Xin bệ hạ ân chuẩn.
Ngô Kiên thở dài nói:
- Khanh tuy cao tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh. Cớ sao lại muốn cáo lão hồi hương.
Phúc Xà vẫn quỳ dưới điện và tiếp tục tấu trình:
- Bệ hạ cho thần cáo lão hồi hương, thần chỉ mong quãng đời còn lại có thể vui cùng con cháu, an hưởng tuổi già, ơn đức ấy còn gì sánh bằng.
Ngô Kiên gật đầu nói:
- Nếu lão khanh gia đã quyết trẫm cũng không miễn cưỡng khanh. Trẫm chuẩn tấu.
Nói rồi, Ngô Kiên liền sai người ban lụa cùng một số lễ vật đưa Phúc Xà cùng gia quyến về quê, ban cho một mảnh đất và ra lệnh cho quan phủ phải đối đãi ân cần cho trọn tình thần tử.
Bá quan trong triều nghe tin Phúc Xà cáo lão từ quan, ai cũng cảm thấy buồn. Có người cho là ông nhát gan nước nhà sắp vong liền từ quan trốn việc, có người cho là ông chán nản vì bản thân không thể can gián thiên tử, dùng cách từ quan để thức tỉnh...
Vương Thành, Dương Cửu, Di Quang cùng các vị lão thần có giao tình họp mặt nhau tổ chức yến tiệc tiễn biệt Phúc Xà.
Quan đại phu Dương Cửu buồn rầu nói:
- Phúc các lão cáo lão hồi hương chúng tôi cảm thấy tiếc. Chúng ta đều là lão thần, cùng nhau phò tá thiên tử đến nay đã ba đời. Phúc huynh, trong số các lão thần có mặt tại đây, huynh là người có thâm niên cao nhất, nhiều lần giúp thiên tử trị quốc bình thiên hạ. Nay vì cớ gì huynh lại cáo lão hồi hương, bỏ lại hảo hữu về quê hưởng thú điền viên một mình.
Phúc Xà rơm rớm nước mắt nhìn một lượt các bá quan và nói lời từ biệt:
- Các vị hảo hữu! Xin các vị đừng chê trách Phúc mỗ hèn nhát. Phúc mỗ cùng các vị lão thần có mặt tại đây, cùng nhau trải qua ba đời vua, hưởng lộc thiên tử không sao kể xiết, nay dù có thịt nát xương tan cũng không ngại gì. Chỉ là thiên tử tin lời gian thần, nghe lời ong bướm của Ngọc Dung, tàn hại không ít trung thần, nay lại vì nghe lời ác nữ mà tống giam Ngô huynh. Phúc mỗ cáo lão từ quan cũng vì thế, đâu dám hèn nhát trốn tránh việc nước, nuôi dưỡng bộ xương già này làm gì. Nay các vị tổ chức yến tiệc tiễn hành, chẳng may một ngày nào đó khói lửa binh đao chén rượu ngày hôm nay cũng xem là chén rượu hẹn ngày tái ngộ lúc lâm chung của huynh đệ chúng ta vậy.
Ai nấy nghe xong lời tâm sự của Phúc Xà đều không cầm được nước mắt, tay run run cùng nhau uống cạn chén rượu cuối cùng trước khi tạm biệt.
Phúc Xà hành lễ với các lão thần cùng Bình Quận vương Vương Thành, sau đó nhìn một lượt khắp nơi trong phủ tể tướng lần cuối rồi leo lên ngựa.
Vương Thành cùng các bá quan đưa tiễn thêm một đoạn đến cửa thành mới quay trở về.
Ba ngày sau, Tô Ngọc Dung sai người kéo đến trước mặt Ngô Kiên một cái cột đồng cao hai trượng, bề tròn năm xích, bên trong rỗng đốt lửa than. Ngô Kiên nhìn thấy không biết vật gì.
Ngô Kiên bước đến nắm tay Tô Ngọc Dung và hỏi:
- Ái phi! Đây là vật gì thế ?
Tô Ngọc Dung quỳ xuống tâu :
- Bẩm bệ hạ! Đây là Bào Lạc, muốn trừng tội kẻ nào, chỉ cần đốt nóng cột đồng này lên, trói kẻ có tội vào chỉ trong vòng một nén hương thịt sẽ thành tro. Thần thiếp nghĩ, có như vậy mới trị tội được những kẻ hồ ngôn loạn ngữ.
Ngô Kiên mừng rỡ dìu Tô Ngọc Dung đứng lên và nói:
- Tốt lắm! Ngày mai thượng triều trẫm sẽ dùng để trị tội Ngô Kì để bọn nghịch thần này không dám nói nhăng nói cuội nữa.
Tô Ngọc Dung nhoẻn miệng cười nói:
- Bệ hạ thánh minh! Vào thời của Trụ vương, Tô hoàng hậu vì muốn giúp đỡ phu quân đã nghĩ ra cách này để trừng trị bọn loạn thần tặc tử. Thần thiếp may mắn đã tìm được bản vẽ Bào Lạc của Tô hoàng hậu, nên thần thiếp đã lệnh cho binh sĩ làm ngày đêm mới xong. Với bọn loạn thần tặc tử như thế phải trừng phạt thật nặng mới tỏ rõ thiên uy.
Ngô Kiên ôm Tô Ngọc Dung vào lòng và không ngớt lời khen ngợi:
- Ái phi! Nàng quả là thông minh. Nàng chia sẽ ưu phiền giúp trẫm, công lao của nàng thật lớn.
Sáng hôm sau, Ngô Kiên thượng triều. Bá quan văn võ trong triều hơn nửa năm không thấy mặt thiên tử, nay lại được diện thánh lòng mừng khôn xiết, vội vàng vào đại diện hành lễ.
Hành lễ xong, bá quan dâng tấu, Ngô Kiên không xem tấu chương hay chuẩn tấu việc gì khác, sai người đem Bào Lạc ra giữa sân rồng.
Vương Thành cùng bá quan nhìn cột đồng cao hai trượng, lửa cháy hừng hực, cũng biết đây chính là Bào Lạc mà năm xưa yêu hậu Tô Đát Kỷ dùng để tan hại trung thần của triều Thương. Và trong sử sổ cũng có ghi chép, sau khi Tây Chu công thành đã đem toàn bộ những hình phạt tàn khốc của yêu hậu hủy hết không chừa lại gì.
Nay ác nữ Tô Ngọc Dung đã tìm ra được bản vẽ ấy, chẳng lẽ ả ta là hậu duệ của Tô hậu. Như vậy thì họa vong quốc chẳng phải sẽ lại tái diễn hay sao.
Nghĩ như vậy, trong lòng của Bình Quận vương và các lão thần không khỏi cảm thấy nặng nề.
Cơ nghiệp đại Kì hơn hai trăm năm, lại vì một nữ nhân mà bị hủy hoại trong chớp mắt.
Ý trời...tất cả đều là ý trời, không gì có thể chống lại được.
Ngô Kiên sai người vào đại lao giải Ngô Sử ra ngọ môn.
Bá quan văn võ trong triều thấy Ngô Sử được giải lên chỉ mặc áo phạm nhân, đầu tóc rối bù, áo quần xộc xệch, mặt mũi đầy đất bụi, vì bị giam hơn ba ngày.
Ngô Sử được dẫn ra đến ngọ môn liền quỳ xuống tâu:
- Tội thần Ngô Sử xin tham kiến bệ hạ.
Ngô Kiên quát lớn:
- Phản thần nhà ngươi có biết vật trước mặt là gì không?
Ngô Sử nhìn vật kì lạ và nói:
- Bẩm bệ hạ tội thần không biết.
Ngô Kiên tức giận nói:
- Ngươi không biết để trẫm nói cho ngươi biết. Vì ngươi hồ ngôn loạn ngữ cả gan mắng trẫm, nên trẫm cho người đúc ra cột đồng này để trừng trị những tên phản thần như ngươi.
Ngô Sử tức giận quát lớn giữa sân:
- Hôn quân vô đạo. Lão phu làm quan hơn ba đời vua công lao không ít nay vì sao lại chịu hình phạt này. Lão phu từ lâu đã xem cái chết tựa lông hồng, chỉ tiếc giang sơn đại Kì do liệt tổ liệt tông Ngô gia gầy dựng mấy trăm năm qua, lại bị hủy trong tay một đứa nghịch tử như nhà ngươi.
Ngô Kiên tức giận dập tay lên long kỉ, đứng phắt dậy chỉ tay vào mặt Ngô Sử đang quỳ giữa sân:
- Ngô Sử! Người nên cảm thấy vinh hạnh vì được dâng hiến máu thịt để tế trời. Ngươi không biết ơn lại còn buông lời chửi mắng trẫm. Người đâu hành hình.
Ngô Sử bị trói vào cột đồng lửa bốc cao ngùn ngụt, da thịt nhanh chóng bị hóa thành tro bụi, chỉ còn lại một bộ xương trắng.
Bá quan trong triều nhìn một vị trung thần cả đời tận tâm tận lực phò tá hơn ba đời vua, công lao tựa biển lớn, nay lại vì lòng trung mà chết không được nhắm mắt, đồng loạt cảm thấy thương tiếc, chỉ biết nén đau thương.
Sau cái chết thảm của Ngô Sử, bá quan trong triều không ai can gián Ngô Kiên sủng ái Tô Ngọc Dung hay tin lời Tô Quỳnh nữa.
Ngô Kiên cho rằng bá quan khiếp sợ trước hình phạt bào cách, nhưng thật ra vì đã chán nản không muốn can gián làm gì.
Bá quan văn võ trong triều ai cũng một lòng trung thành, nhưng cũng không muốn can gián làm gì, vì biết làm thế nào cũng vô ích, ngược lại rước họa vào thân. Các lão thần lần lượt xin từ quan, về quê an hưởng tuổi già. Thậm chí Tả Hổ Lâm Vũ Vệ đại tướng quân Di Quang cũng lấy lí do bệnh nặng mà từ quan.Vì thế trong triều chưa đến một tháng chỉ còn lại quan đại thần Dương Cửu, Vương gia Vương Thành cùng các vị quan chức vị nhỏ không đáng kể.
Từ sau khi trừng phạt Ngô Sử như thế đến nay đã được ba tháng mười ngày Ngô Kiên thấy bá quan khiếp sợ không dám can gián, nên lấy làm đắc ý.
Hôm nay là lễ tế một trăm ngày của Ngô Sử, quan đại thần Dương Cửu cùng Vương Thành uống rượu tưởng nhớ vong linh của vị bằng hữu. Lại nhìn thấy tình cảnh bá quan lần lượt cáo lão hồi hương trong lòng nghẹn ngào nói với Vương Thành:
- Trong lúc loạn đảng Tây Bắc chưa yên, thái sư dẫn binh thảo phạt chưa về. Không ngờ bệ hạ nghe lời ác nữ chế cụ hình tàn hại trung thần. Nếu truyền việc này đến tai các chư hầu, hậu quả sẽ thế nào. Chúng hưởng lộc thiên tử lẽ nào khoanh tay ngồi yên nhìn nước nhà suy vong.
Vương Thành thở dài:
- Bệ hạ giết Ngô Kì không chỉ giết một trung thần, mà còn giết giang sơn đại Kì hơn hai trăm năm qua. Người xưa có câu "Vua bất chính thần ắt loạn". Nếu ý trời giáng xuống họa vong quốc, chúng ta cũng không thể làm gì được. Chúng ta ngồi đây không biết khi nào gặp phải họa diệt thân, đừng nói là Ngô Kì.
Dương Cửu rót thêm một ly rượu cho Vương Thành và từ tốn hỏi lại:
- Vương gia! Ngài nói vậy là có ý gì?
Vương Thành thở dài:
- Vào triều đại Ân Thương, sủng phi Tô Đắc Kỷ của Trụ vương đã sai người chế tạo bào lạc để tàn sát trung thần. Nay Lan tần lại học theo cách đó, bệ hạ lại còn dung túng cho cô ta. Khác nào đang đi vào vết xe đổ năm xưa của Ân Trụ. Bệ hả đã đem cơ nghiệp hơn hai trăm trăm của đại Kì hủy hoại vào tay của một nữ nhân rồi.
Dương Cửu nghe xong cũng chỉ biết thở dài, biết không còn kế sách gì thức tỉnh thiên tử, đành gạt lệ hành lễ quay trở về phủ.
Từ cổ chí kim đến nay có hôn quân nào cả ngày đắm chìm trong tửu sắc, mà không đánh mất cơ nghiệp của tổ tiên để lại đâu chứ.
THâm một tháng nữa trôi qua, Ngô Kiên thấy bá quan không làm phiền mình nữa, vui mừng nói với Tô Ngọc Dung:
- Ái phi! Nàng thật thông minh, ngày hôm đó trẫm sai người trói Ngô Sử vào bào lạc đến nay không kẻ phản thần nào dám nói những lời hỗn xược với trẫm nữa.
Tô Ngọc Dung đắc ý:
- Với những kẻ phản nghịch như thế, bệ hạ không trừng phạt nặng bọn chúng sẽ không biết sợ là gì. Thần thiếp biết rất nhiều cách chưa dùng đến.
Ngô Kiên hôn lên môi Tô Ngọc Dung một cái:
- Ái phi nghĩ ra cách gì hay cứ mạnh dạn nói với trẫm, đừng ngại gì cả.
Tô Ngọc Dung cười tươi:
- Bệ hạ yên tâm. Chỉ cần bệ hạ muốn thần thiếp sẽ dâng kế.
Ngô Kiên truyền lệnh tổ chức yên tiệc tại Trường Xuân cung, xem Tô Ngọc Dung múa hát, tâm hồn như đang chốn cõi tiên không còn biết sớm khuya gì nữa. Mãi cho đến canh ba mà tiếng ca vũ cẫn còn réo rắc khắp cả hậu cung.
Vương hoàng hậu đang mang thai ở tháng bảy, bụng nàng bắt đầu to lên nhiều khiến nàng không ngủ được, lại nghe tiếng nhạc vang đến Phượng Nghi cung liền gọi cung nữ đến hỏi:
- Tiếng ca vũ xuất phát từ cung nào vậy? Bây giờ là canh mấy rồi ?
Cung nữ quỳ xuống hành lễ:
- Bẩm nương nương! Tiếng ca vũ xuất phát từ Trường Xuân cung. Bệ hạ đang cùng Lan tần nương nương tổ chức dạ yến ở đó
Hoàng hậu thở dài bàn tay khẽ đặt lên cái bụng tròn đang nhô cao:
- Lúc này ta nghe nói bệ hạ nghe lời Lan tần, đúc bào lạc đốt cháy biểu thúc trước mặt các triều thần. Hoàng thúc là một lão thần trung thành, phò tá hơn ba đời vua, nay cớ gì bị chịu hình phạt thảm khốc như thế? Bệ hạ thân là thiên tử. lại bị một ả hồ ly làm khuynh đảo tinh thần, ngày chìm trong tửu sắc cũng thôi, nay lại tin lời làm cụ hình tàn hại hoàng thân. Bổn cung là người cai quản lục cung, không thể trơ mắt ra nhìn giang sơn đại Kì suy sụp được. Mau thay y phục cho bổn cung, bổn cung sẽ đến Trường Xuân cung can gián bệ hạ.
Cung nữ thấy hoàng hậu ngồi dậy, vô cùng hốt hỏng vội ngăn chủ tử mình lại:
- Nương nương! Người đang mang thai, bên ngoài trời đang mưa đường dẫn tới Trường Xuân cung rất trơn, nếu long thai xảy ra chuyện thì chúng nô tỳ có mười cái mạng cũng không đủ đền tội đâu.
Hoàng hậu tức giận mắng cung nữ Xuân Hương:
- Nếu như cơ nghiệp đại Kì bị sụp đổ, ngươi có đủ mạng để đền tội không. Còn không mau thay xiêm y cho bổn cung.
Nói rồi, hoàng hậu ra lệnh cho cung nữ chuẩn bị kiệu, phụng giá đến Trường Xuân cung ngay trong đêm.
Tuy rằng tình cảm phu thê giữa Vương Như Ngọc và Ngô Kiên không được mặn nồng, nhưng theo lý mà nói không có nam nhân nào trong thiên hạ không có tam thê tứ thiếp. Có điều phu quân của nàng là thiên tử, nên nàng không thể nào im lặng nhìn cơ nghiệp đại Kì suy sụp vì một nữ nhân được.
Là một hậu nhân của Vương gia, một gia tộc cả đời trung liệt với thiên tử. Vương Như Ngọc không cho phép điều đó xảy ra. Hôm nay có bỏ mạng, thì nàng cũng phải can gián thiên tử tới cùng.
Tại Trường Xuân cung, Ngô Kiên đang uống rượu say sưa cùng Tô Ngọc Dung, thì Phúc Tử thái giám của Trường Xuân cung vào tâu:
- Bẩm bệ hạ! Hoàng hậu nương nương cầu kiến.
Ngô Kiên uống rượu nhiều đã say khướt lè nhè nói với Tô Ngọc Dung:
- Hoàng hậu đến. Ái phi nghênh mau ra nghênh đón hoàng hậu vào.
Tô Ngọc Dung tuân lệnh rồi đứng lên ra trước cửa cung, quỳ xuống hành lễ với Hoàng hậu.
Hoàng hậu ra lệnh cho cung nữ dìu Tô Ngọc Dung đứng lên, rồi cùng ả vào trong chính điện diện kiến Ngô Kiên.
Ngô Kiên truyền lệnh cho hoàng hậu ngồi bên cạnh, Tô Ngọc Dung đứng bên cạnh hầu hạ rất phải phép. Hoàng đế tiếp tục mở yến tiệc chiêu đãi hoàng hậu, truyền lệnh cho Tô Ngọc Dung múa hát cho hoàng hậu thưởng thức.
Tô Ngọc Dung bước ra giữa điện múa hát, xiêm y lả lướt tung bay tựa Hằng Nga giáng trần múa khúc Nghê Thường. Giọng hát ngọt ngào thanh thoát tựa hoàng ly. Ngô Kiên say sưa thưởng thức đến quên trời đất.
Vương hoàng hậu nhìn trượng phu, rồi lại nhìn ra trước sân, mặt buồn rười rượi, không uống một giọt rượu, không thưởng thức giọng hát của Tô Ngọc Dung, lại không hề để mắt đến điệu múa của Lan tần.
Ngô Kiên chau mày hỏi hoàng hậu:
- Hoàng hậu nàng sao thế? Đời người ngắn ngủi, chẳng bao lâu sẽ già đi, không hưởng lạc thù vui trên đời thì kiếp này còn ý nghĩa gì nữa. Giọng hát của Lan tần tựa hoàng ly, điệu múa tựa Hằng Nga, vì cớ sao nàng không vui, mặt ủ mày chau, rượu cũng không uống.
Hoàng hậu đứng lên bước ra giữa điện quỳ xuống nói:
- Bẩm bệ hạ! Thần thiếp trong lòng không vui, dù Hằng Nga giáng trần múa khúc Nghê Thường thì thần thiếp cũng không thấy vui.
Ngô Kiên lè nhè nói:
- Lan tần múa hát tựa như tiên nữ chốn bồng lai, nàng thật không biết thưởng thức báu vật gì cả.
Hoàng hậu cúi mặt nói:
- Bẩm bệ hạ! Lan tần múa hát có gì gọi là bảo vật.
Ngô Kiên nhăn trán hỏi:
- Vậy theo hoàng hậu cái gì mới gọi là bải vật?
Hoàng hậu lại nói:
- Bẩm bệ hạ! Thần thiếp nghe nói hễ vua có đức thì xem trung thần là báo vật, tránh xa sắc dục, xa lánh nịnh thần. Đó mới là bảo vật nước nhà.
Ngô Kiên cười lớn và nói:
- Trẫm làm vua một nước đứng trên vạn dân, có báu vật lạ nào trên đời mà trẫm không có chứ.
Hoàng hậu trả lời:
- Bẩm bệ hạ! Người có nói rõ thiên có báu vật là nhật nguyệt và tinh tú, địa có báu vật là ngũ cốc cây trái hoa màu, quốc có báu vật là trung thần tướng giỏi, nhà có báu vật là con hiền cháu thảo. Những báu vật này tại sao bệ hạ không tìm đến mà hưởng lạc, lại ngày đêm chọn ca múa, sắc dục, nghe lời xu nịnh, trách phạt tôi trung. Những thứ đó không phải là báu vật trong thiện hạ, mà là mầm họa của giang sơn. Xin bệ hạ bỏ những thứ này, chăm lo triều chính, tự răn bản thân đó mới là phúc đức của vạn dân.
Nói xong, Vương hoàng hậu đứng lên ra phượng giá trở về Phượng Nghi cung.
Ngô Kiên đang say, nghe những lời can gián của Vương hoàng hậu cảm thấy như từng cái tát giáng thẳng vào mặt, tức giận quát lớn:
- Vương Như Ngọc hỗn xược! Trẫm nghĩ tình phu thê bao năm qua, sai ái phi múa hát cho cô ta thưởng thức, cô ta lại không biết điều cả gan mắng trẫm. Nếu không phải vì cô ta là hoàng hậu do tiên đế chỉ dụ và mang thai đích tử cho trẫm, thì trẫm nhất định lôi ra ngọ môn xử trảm mới hả giận.
Ngô Kiên nói xong ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Chỉ khi trống đánh canh tư thì lờ mờ tỉnh dậy, trong đầu lại văng vẳn những câu nói của hoàng hậu, tức giận gọi Tô Ngọc Dung nói:
- Ái phi! Trẫm không vui trong lòng, nàng hãy múa hát một bài an ủi trẫm.
Tô Ngọc Dung quỳ xuống nói:
- Bẩm bệ hạ! Từ hôm nay thần thiếp không dám múa hát nữa.
Ngô Kiên nhăn mày hỏi:
- Tại sao nàng không múa hát nữa?
Tô Ngọc Dung ủ rủ nói:
- Thần thiếp múa hát, hoàng hậu nói là việc hại nước. Hoàng hậu trách phạt thiếp như vậy rất phải, thần thiếp thân là phi tử, vào cung hậu hạ bệ hạ được bệ hạ thương yêu. Nên thần thiếp nghĩ nếu trái ý hoàng hậu sẽ bị đuổi khỏi cung mãi không thể gặp bệ hạ nữa. Không gặp bệ hạ, thần thiếp sẽ không sống nổi.
Tô Ngọc Dung nói xong, hai hàng nước mặt tựa như những viên minh châu thì nhau chảy xuống, mặt mày đau khổ trông rất đáng thương.
Ngô Kiên nghe vậy càng giận Vương hoàng hậu hơn:
- Trẫm sai nàng múa hát giải khuây cho trẫm ai dám trách tội nàng. Còn Vương hoàng hậu, chờ trẫm phế cô ta lập nàng làm hoàng hậu xem cô ta có thể làm gì nàng.
Tô Ngọc Dung hoan hỉ lại tiếp tục múa hát hầu Ngô Kiên suốt đêm không ngừng.
Bên ngoài trăng sáng, đột nhiên mây mờ che kín ánh trăng, một trận mưa bão lại bắt đầu kéo đến và sấm chớp lại rên vang một góc trời.
Không biết có phải là thiên ý báo rằng khí số đại Kì đã tận, mà mỗi một cơn sấm chớp trên bầu trời lại hiện lên một con rồng ở phía Nam thành Trường An. Đó là hướng của phủ Bình Quận vương Vương Thành.
Một ông lão bói toán đứng dưới một ngôi miếu hoang thấy thiên tượng như vậy, liền bói một quẻ và thở dài:
- Ý trời đã định. Không thể nào chống lại được. Ý trời...là ý trời...Vương gia! Ngài chịu khổ rồi.
____________
Ngày reup+edit:07/08/2022
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top