Chương 36: Dịch bệnh

Tin tức tướng trấn thủ Bạch Hổ quan là Trương Phùng tự nguyện dâng thành cho Vương Thành được truyền đến kinh thành, khiến Ngô Kiên tức giận thổ huyết, hôn mê mấy ngày.

Tô Ngọc Dung lợi dụng việc này, tiếp tục thâu tóm triều đình, sau lưng giật dây là Tô Quỳnh. Mọi việc trong kinh vốn loạn, nay lại loạn thêm.

Trong kinh thành một tháng nay liên tục xảy ra nhiều chuyện không hay. Đó là dịch bệnh, loại bệnh này không biết xuất phát từ đâu, chỉ biết khi dịch bệnh này bùng nổ số người chết trong kinh thành có thể chất thành núi.

Những người nhiễm phải căn bệnh này trong vòng mười bốn ngày không hề có một triệu chứng gì, đến ngày thứ mười lăm thì toàn thân bắt đầu nổi những nốt nước đỏ như máu, thậm chí có những mụt có màu trắng đục như sữa.

Những mụn nước này sau khi nổi lên sẽ gây đau nhức, phát sốt nhiều ngày không thuyên giảm, rồi khó thở ho ra máu, sau bốn đến năm ngày những mụn nước sẽ vỡ ra rồi nhiễm trùng, người bệnh sẽ bị lở loét khắp người, đau đớn đến khi không còn hơi thở.

Loại bệnh này một khi phát bệnh sẽ gây đau đớn, rồi lây lan khắp kinh thành, chưa đến một tháng mà số người chết lên đến hàng nghìn người, thật đáng sợ. Có điều lạ là, phàm những ai được chữa trị khỏi bệnh này, đều không bị lại lần hai, dù đã tiếp xúc với rất nhiều người mang bệnh.

Loại bệnh này trước đây không phải là không xuất hiện, lúc đó chỉ là những mụn nước bình thường rồi người bị nhiễm bệnh sau khi hết chỉ để lại sẹo trên người, chứ không chết người hàng loạt như hiện tại.

Dịch bệnh bùng phát, bá quan văn võ trong triều ngày đêm dâng sớ khẩn cầu thiên tử thượng triều, nhưng thiên tử lại thờ ơ khi đại dịch đang hoành hành trong kinh thành.

Trên Long Đức điện, bá quan văn võ không ngừng dâng sớ bẩm tấu về tinh hình dịch bệnh, hy vọng thiên tử hạ chỉ giải quyết tình hình khó khăn trước mắt, nhưng thiên tử vẫn im lặng không thượng triều. Các bá quan nhất thời không biết làm gì, chỉ có thể phong tỏa kinh thành, không dịch tràn ra các quan ải tránh gây thêm tang thương.

Bá quan văn võ đứng trên đại điện nhìn lên ngai vàng, thấy Tô Ngọc Dung ngồi chễm chệ trên đó, nhưng lại không đưa ra giải pháp gì giải quyết tình hình khó khăn trước mắt, trong lòng ai nấy đều thở dài.

Họa vong quốc liên tục giáng xuống, kinh thành nhiều tháng không mưa, cây cỏ chết hết, hạn hán kéo dài khiến bá tánh khổ cực khôn nguôi. Nơi biên ải thì thế quân của bốn trấn chư hầu mạnh như thác đổ, các thành trì liên tục bị thất thủ, bá tánh lại một lòng mến mộ Vương Thành, ai cũng truyền nhau ông là hoàng đế do trời phái xuống để cứu dân. Dịch bệnh thì bùng phát đến nay được một tháng, và không có dấu hiệu dừng lại, lại thêm tin tức Bạch Hổ quan thất thủ.

Đại Kì vong thật rồi.

Trọng Phì bước ra từ hàng quan văn quỳ xuống nói:

- Hồi bẩm nương nương! Nay tình hình dịch bệnh trong kinh thành đang nguy cấp. Xin người mời bệ hạ thượng triều.

Tô Ngọc Dung ngồi trên long kỉ nhìn các bá quan lạnh giọng nói:

- Hai hôm trước bệ hạ vừa nôn ra máu tươi. Các khanh lại muốn bệ hạ thượng triều. Các khanh muốn lấy mạng bệ hạ sao?

Trọng Phì dập đầu nói:

- Nay dịch bệnh trong kinh thành càng ngày càng nguy hiểm. Thần khẩn xin nương nương nghĩ ra cách trấn áp đại dịch. Xin nương nương suy xét.

Tô Ngọc Dung vừa vuốt lông con hồ ly vừa nói:

- Trọng Phì! Bổn cung thấy ngươi gan quả là rất to. Dịch bệnh trong thành bùng phát là do các ngươi vô dụng, cớ sao lại muốn bổn cung hạ phụng chỉ. Chẳng phải các ngươi rất tài giỏi sao, cái gì cũng do bổn cung giải quyết, thì triều đình cần các ngươi để làm gì nữa.

Trọng Phì tức giận đứng giữa đại điện chỉ thẳng Tô Ngọc Dung mà mắng:

- Tô Ngọc Dung! Ngươi ở hậu cung lộng quyền hãm hại Hiếu Hiền Vương hoàng hậu, gan ngươi cũng không nhỏ, lại can dự triều chính. Thiên tử bị ngươi mê hoặc không nghe lời can gián của trung thần, tin lời một gian hậu như ngươi, làm một cái bào lạc hại chết không biết bao nhiêu lão thần có công với tiên đế. Tội lỗi của ngươi có xuống địa ngục ngàn kiếp cũng không được siêu sinh.

Tô Ngọc Dung bị Trọng Phì mắng giữa đại điện, tức giận đập tay lên ghế chỉ thẳng mặt Trọng Phì và nói:

- Trọng Phì! Ngươi thật to gan dám trù ếm bổn cung. Bổn cung thấy ngươi chính là chán sống rồi.

Trọng Phì ngước mặt lên trần cười lớn đầy thống khổ mà than:

- Ta thân làm quan hơn ba triều, hưởng lộc triều đình, vì tiên đế không ngại tuổi già sức yếu, tiếp tục cống hiến cho triều đình. Vậy mà, thiên tử vô đạo, nghe lời gian hậu giết vợ giết con, tàn hại trung thần, lạm sát bá tánh vô tội, cưỡng đoạt vợ của thần tử, tội lỗi ghi ngàn đời. Ta từ lâu xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, quan bào và công danh chỉ xem là vật ngoài thân, thác xuống suối vàng cũng không đem theo được gì, nhưng ta xuống suối vàng còn mặt mũi nào gặp tiến đế và thừa tướng. Các vị trọng thần, chúng ta cùng nhau làm quan hơn triều vua, vui buồn đều cùng nhau trải qua. Nay ta cảm thấy bản thân già yếu, không thể tiếp tục cùng các vị tiếp tục phò trợ thiên tử. Xin thứ lỗi cho Trọng mỗ, Trọng mỗ xin phép đi trước các vị vậy.

Nói xong, Trọng Phì liền lao đầu vào cột rồng giữa đại điện tự vẫn. Máu của Trọng Phì dính trên mắt con rồng, giọt máu từ từ rơi xuống nền đá lạnh ngắt, như thay giọt nước mắt thiên tử tiễn đưa một lão trung thần cả đời hy sinh vì đại Kì.

Tô Ngọc Dung thấy thi thể Trọng Phì nằm trên nền đá lạnh lẽo, liền sai thị vệ lôi ra bãi tha ma vứt ở đó không cần tổ chức tang lễ long trọng, rồi lại hạ một chiếu chỉ thông báo về phủ một cách qua loa cho xong bổn phận.

Các bá quan đứng giữa đại điện nén đau thương vào đáy lòng, lặng lẽ nhìn thi thể của Trọng Phì bị đem ra bãi tha ma vứt đi.

Một lão trung thần cả đời vỉ thiên tử, vậy mà khi chết rồi lại không được an táng đàng hoàng, bị đem ra bãi tha ma vứt đi, như ngươi ta vứt một món đồ cũ đã không còn giá trị gì.

Trình công công nấp ở một gốc cây khá xa, nhưng có thể nhìn thấy mọi thứ. Đợi bọn lính canh rời đi, ông liền sai hai thủ hạ bên cạnh mình chờ trời tối đến mang thi thể của Trọng Phì về Trình phủ.

Trời vừa sụp tối, thủ hạ của ông liền đến bãi tha mà, lén đưa thi thể của Trọng Phì về Trình Phủ, rồi đặt thi thể của Trọng Phì vào trong quan tài để ở đại sảnh.

Trình công công đứng trước quan tài lấy một nén hương thắp cho Trọng Phì rồi thở dài nói:

- Trọng đại nhân! Sinh thời ngài đối xử với nô tài rất tốt, vậy mà khi ngài đi rồi nô tài lại không thể an táng ngài một cách nghiêm trang, chỉ có thể lén lút an táng ngài một cách sơ sài, qua loa thôi. Nô tài mong ngài hiểu cho, phu nhân và tiểu thư sẽ đến nhanh thôi, đại nhân chờ họ một chốc nữa rồi đi. Nếu ngài thương bá thánh, nghe thấu lòng dân. Nô tài cả gan xin ngài trên trời linh thiêng, phù hộ Bình Quận vương thuận lợi thảo phạt hôn quân, trả thù cho các vị đại thần đã thác oan dưới suối vàng,

Trình công công vừa nói xong, ngoài trời liền đổ mưa. Cơn mưa không lớn chỉ lất phất vài giọt, đủ để người ta thấy buồn, giống như thay mặt người trong thiên hạ khóc thương tiễn đưa một vị lão thần đã nhắm mắt xuôi tay.

Trình công công nén tiếng thở dài, phủ của ông nay lại thêm một người đến ở. Trước nay ông sống một mình bên hai người cháu, một người như ông ai dám trao thân gởi phận, làm vợ của một thái giám, ai mà ham muốn gì.

Lúc Vương hậu còn tại thế, cuộc sống của ông lặng lẽ trôi qua như một việc tự nhiên. Sáng vào cung hầu hạ chăm sóc Vương hậu và trông chừng đám trẻ mới vào cung làm việc, tối về phủ chơi cùng hai đứa cháu.

Khi Ngô Kiên nạp Tô Ngọc Dung vào cung, Vương hậu nhiều lần cãi nhau với thiên tử, ông âm thầm làm một mật thất, phòng khi Vương gia gặp nạn ông đưa người vào mật thất giấu được ai, thì may được người đó. Vậy mà, khi mật thất làm xong, thứ ông giấu đầu tiên cũng là người, nhưng mà là người đã mất, là tro cốt của Vương hậu và Vương phu nhân.

Trình công công mở cửa mật thất, ông đi đến bàn thờ thắp hai nén hương. Ông không xem đây là công việc, ông xem đây là tâm nguyện cuối đời của mình có thể chăm sóc Vương hậu như chăm sóc một người thân của mình. Dù người chỉ còn lại bộ xương trắng lạnh lẽo, nhưng với ông mỗi ngày thắp hương cho Vương phu nhân và Vương hậu, cũng là một chút lòng thành ông dùng cả quãng đời còn lại để báo đáp.

Trình công công thắp một nén khác cho Vương phu nhân rồi nói:

- Phu nhân à! Phu nhân ở trên trời có nhìn thấy nhị điện hạ không? Nếu đã chưa thấy, lão nô xin phu nhân hãy yên tâm. Điện hạ cơ trí hơn người, còn trẻ tuổi mà đã thống lĩnh Vương gia quân, ra trận lập chiến công không ngừng. Năm tháng trước, điện hạ đã thành thân rồi, còn sắp làm cha nữa, phu nhân hãy yên nghỉ. Điện hạ sắp về đến kinh thành rồi, sắp trả thù được cho phu nhân và nương nương rồi. Hai người ở trên trời linh thiêng, hãy phù hộ cho Vương gia quân thuận lợi hồi kinh.

Trình công công rời khỏi mật thất, trở về tư phòng, lấy giấy bút viết một in báo nhét vào ống tre, sau đó cột vào chân con bồ câu, rồi thả cho nó bay đến Bạch Hổ quan, báo tin cho Vương Nhất Bác.

Vương Nhất Bác ở Bạch Hổ quan đang cùng Trương Phùng thương lượng cách ngăn chặn bệnh dịch, không cho nó lan đến Bạch Hổ quan. Bỗng nhiên, có một con bồ câu trắng từ đâu bay đến đậu trên vai của Trương Phùng.

Trương Phùng gỡ ống tre trên chân con bồ câu, lấy thư bên trong đưa cho Vương Nhất Bác. Vương Nhất Bác mở thư ra đọc, hai răng nghiến chặt kêu ken két, hai mắt đỏ ngầu như lửa, lửa giận trong lòng dâng lên cuồn cuộn.

Vương Nhất Bác vò nát bức thư, tay đập mạnh xuống bàn và nói:

- Tên hôn quân vô đạo không bằng súc sinh. Bá tánh vì hạn hán chịu khổ mấy tháng ròng rã, hắn bỏ mặc không lo cũng thôi. Đằng này bệnh dịch hoành hành, bá tánh chết không có đất chôn thân, hắn cũng bỏ mặc cả ngày chui rút trong Thọ Tiên cung, để bá tánh tự sinh tự diệt, thật là chết vạn lần không đủ mà.

Trương Phùng cùng các võ tướng thấy Vương Nhất Bác nổi trận lôi đình, đồng loạt quỳ xuống nói:

- Xin điện hạ bớt giận!

Vương Nhất Bác nén lửa giận trong lòng, phất tay nói:

- Các vị đứng lên đi. Dịch bệnh lan khắp kinh thành, bá tánh không chịu khổ nổi, có nhiều người đã trốn khỏi thành rồi. Có thể bệnh dịch cũng theo đó mà đến các quan ải.

Trương Phùng thất kinh nói lớn:

- Điện hạ nói gì? Bá tánh trốn khỏi thành. Nguy rồi, nhất định trong thành bây giờ cũng bắt đầu có bệnh dịch rồi.

Vương Nhất Bác đưa một bức thư khác của Trình công công cho Trương Phùng và nói:

- Theo Trình công công nói trong thư, bệnh dịch này kì lạ một điều, những ai chữa khỏi bệnh này đều không bị nhiễm lại lần hai.

Trương Phùng mừng rỡ nói:

- Vậy thì tốt quá rồi. Nếu bệnh dịch tràn vào Bạch Hổ quan, chúng ta sắp xếp cho những người đã được trị khỏi chăm sóc cho người bệnh, như vậy chúng ta không lo việc những bá tánh bị bệnh không ai chăm sóc rồi.

Vương Nhất Bác suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Ý kiến của tướng quân không tồi. Vậy bổn vương giao việc sắp xếp người chăm sóc cho bá tánh bị bệnh cho tướng quân. Bổn vương sẽ viết một bức thư, hỏa tốc gửi đến Hạ Viễn quan cho thừa tướng, thông báo về bệnh dịch.

Nói xong, Vương Nhất Bác liền đi đến bàn lấy giấy bút viết hai bức thư, rồi ra trước sân lấy sáo ngọc gọi bạch sư.

Bạch sư đang tắm nắng, nghe tiếng gọi của chủ nhân liền nhanh chóng đến trước mặt Vương Nhất Bác.

Vương Nhất Bác để thư vào ống tre, sau đó đeo lên cổ bạch sư sai nó mang thư đến Hạ Viễn quan, một bức gửi cho Hoàng Thúc Kháng và Vương Thành. Còn một bức là đưa cho Tiêu Chiến.

Vương Nhất Bác không muốn Tiêu Chiến đến Bạch Hổ quan trong lúc này. Vương Thành cùng đội quân không được đến, y đang mang thai càng không thể đến.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top