Tìm lại (hạ)
Ta những tưởng Vương Nhất Bác nhất định sẽ còn dây dưa với một phen, chẳng ngờ hắn nói là làm ngay đêm hôm ấy đã rời khỏi trang viên đi đâu không rõ. Thật nực cười khi chính ta là người muốn điều ấy vậy mà khi hắn đi rồi ta lại cảm thấy mất mát, buồn tủi. Vốn có rất nhiều điều muốn hỏi hắn, rằng hắn làm sao tìm được ta, lại làm sao thành ra bộ dáng như hiện tại. Nhưng chung quy đều đã muộn, e rằng từ nay về sau ta cùng hắn sẽ chẳng còn cơ duyên hội ngộ nữa.
Tiếng gà gáy sáng vọng lại từ thôn Đào Hoa rộn rã không ngừng, ta xuống giường xỏ hài khoác áo gọi Thanh Đường đem nước nóng vào tẩy rửa. Dù sao sự xuất hiện của Vương Nhất Bác với ta mà nói bất quá cũng chỉ giống như một giấc mộng, dù là đẹp đẽ ngọt ngào khi tỉnh dậy cũng chẳng thể níu giữ. Hắn cũng giống như Thẩm Trực, đã rời đi thì từ nay sẽ không xuất hiện nữa, không có ai làm phiền ta lại có thể trở về những tháng ngày bình lặng như trước rồi.
Một đêm không ngủ tinh thần của ta có chút rệu rã, vừa mới bước chân ra khỏi cửa đã bị gió tuyết quật tới xây xẩm mặt mày. Thanh Đường thấy ta ho lên từng hồi không dứt thì mau mắn khuyên ta hãy ở nhà để một mình hắn vào trong thôn trông chừng lũ trẻ. Dù sao cũng là thư đồng ở bên ta từ nhỏ đến lớn, Thanh Đường dư sức có thể dạy đám hài tử Tứ Thư, Ngũ Kinh. Nghĩ vậy ta liền đồng ý để hắn rời đi còn bản thân lại quay trở về thư phòng làm bạn với sách.
Nói là đọc sách nhưng tâm trí ta nào có để ở trên những trang giấy dày đặc chữ khải ấy. Ngồi được chừng hơn một canh giờ, trong lòng bồn chồn không yên lại thêm phần bức bối khó chịu ta bèn khoác thêm áo muốn đi dạo quanh một chút.
Trời mùa đông lạnh lẽo tuyết đã phủ trắng trời, đạp bước trên nền tuyết mịn ta từng bước đi tới hoa viên. Mới ngày hôm nào trăm hoa còn khoe sắc, cây đào còn nở rộ rải từng làn cánh mịn xuống không trung mà nay cảnh vật chỉ còn trơ trọi một vài cành cây nhô ra từ trong mưa tuyết. Men theo con đường nhỏ, ta đi ra cánh rừng trúc phía sau trang viên. Đây là nơi ta cực kỳ thích lui tới vào những buổi trưa hè nóng nực. Tiếc là trong cái giá lạnh của mùa đông trúc xanh cũng đã nhạt màu, không còn vẻ đẹp mơn mởn như trước nữa.
Thơ thẩn rảo bước, chẳng biết từ lúc nào ta đã đi tới tận dốc cao trên lưng chừng núi Hoa Sơn. Thoáng chần chừ một phen, sau đó mặc kệ gió lớn ta lại trèo lên đỉnh dốc phóng tầm mắt về phía thung lũng rộng lớn bên dưới. Mưa tuyết mỗi lúc một lớn, gió Bắc rít gào khiến quang cảnh chỉ còn một màn mờ mờ ảo ảo song ta vẫn cố gắng mở mắt nhìn về phía con đường nhỏ quanh co bên dưới. Nếu muốn rời khỏi Hoa Sơn nhất định sẽ phải đi qua con đường này, thời tiết khắc nghiệt lại ra khỏi ngay trong đêm hẳn Vương Nhất Bác sẽ phải rất chật vật. Không biết hắn có trở về thuận lợi không nữa.
Lòng ta mỗi lúc một nặng trĩu một nỗi buồn không tên. Ta thà rằng cả đời không gặp hắn còn hơn là tuy được gặp lại nhưng chính tay mình lại lần nữa đẩy hắn rời đi. Giống như hiện tại, chỉ có thể lẳng lặng đứng ở đây dõi về con đường hắn từng đi qua âm thầm phác hoạ lên bóng dáng của người. Một giọt lệ trượt khỏi hốc mắt rơi xuống vạt áo, thấm ướt từng sợi lông sau đó biến mất không dấu tích, ta cứ như vậy yên lặng ngẩn người.
Bỗng phía sau vang lên một loạt tiếng động nghe như là bước chân đi tới khiến ta giật mình. Hoảng hốt quay lại xem xét thì ra đó chỉ là tiếng động của một con thỏ. Tiểu thố có bộ lông màu trắng như tuyết với đôi mắt tựa hồng ngọc nhô đầu ra từ bụi cỏ ven rừng dường như đang đi tìm kiếm thức ăn. Đi tới ôm lấy con vật nhỏ ta quay người trở về. Gió tuyết đã lên, chỉ mong cầu người bình an.
*
*
Sau ngày hôm ấy ta lại tiếp tục trở về nhịp sống cũ, ngày ngày lên lớp dạy lũ trẻ, đến chiều tối lại cùng Thanh Đường trở về nhà. Bẵng đi vài hôm, một buổi chiều thư đồng nói với ta rằng dạo này bên ngoài trang viên thỉnh thoảng lại xuất hiện rất nhiều thỏ, đen có trắng có cứ lẩn quẩn ngoài cổng không đi. Hắn không biết vì sao lại như vậy, trang viên ngay cả một ngọn cỏ cũng không có thì sao chúng lại đến đây kiếm ăn được.
Nghe sự lạ ta liền sai hắn nếu hôm sau còn thấy thì cứ thu nhận, dẫu sao mùa đông tuyết lớn thế này lũ thỏ không có chỗ trú ắt sẽ chết cóng, chi bằng ta cho chúng một mái nhà sẽ tốt hơn. Thanh Đường nghe lời liên tiếp mấy ngày sau đều đem về cho ta mấy chú thỏ nhỏ, chiếc lồng lớn ta sai hắn vào thôn mua về ấy vậy mà cũng chẳng còn bao nhiêu chỗ. Bất quá có mấy tiểu thố bầu bạn ta cũng vơi đi ít nỗi muộn phiền.
Ngày hai mươi ba tháng mười một, tuyết rơi ngày càng nhiều thời tiết càng lúc càng khắc nghiệt. So với Dương Châu gấm hoa rực rỡ trang viên nhỏ này quả thực quá đỗi lạnh lẽo âm u. Mấy ngày này ta cũng cho bọn trẻ nghỉ ở nhà luyện chữ, bản thân thì ở lì trong phòng đọc sách. Thanh Đường ra ngoài xuống trấn mua đồ mãi tới gần giờ Thìn mới quay lại. Vừa về tới nhà hắn đã hào hứng khoe rằng chúng ta sắp có hàng xóm mới khiến ta vô cùng ngạc nhiên. Nếu không phải ta đến đây để tĩnh dưỡng hoặc giả không phải người trong thôn Đào Hoa sống chết bám đất tiên tổ thì ai lại muốn đến cái nơi hẻo lánh này để làm gì.
Thanh Đường nói mới ít lâu hắn không đi qua mà ở cách trang viên chừng năm sáu trăm mét, ở bên kia rừng trúc đã mọc lên một tòa trang viên khang trang từ bao giờ. Khuôn viên được dọn dẹp rất rộng rãi, cổng vào còn cao tới bốn thước rất xa hoa. Hôm nay lúc đi từ dưới trấn về hắn còn trông thấy một đoàn xe ngựa chất đầy đồ đạc đi về nơi đó, xem chừng chắc là đang chuyển tới. Ta hỏi hắn có trông thấy gia chủ không thì hắn bảo mặc dù không rõ nhưng có nghe được tiếng hài tử gọi phụ thân khi đi ngang qua xe ngựa, đoán chừng là một gia đình mới chuyển tới. Ta nghe xong cũng chỉ gật đầu không để tâm lắm, dù sao giữa chốn hoang vu này có thêm người đến cũng là một chuyện tốt.
Rất nhanh vài ngày sau từ những người trong thôn ta đã biết được thân phận của gia đình mới chuyển tới. Đó là một thương nhân họ Diệp mang theo gia quyến tới nơi đây định cư lâu dài để tiện việc làm ăn. Lại qua vài hôm nữa, lớp học nhỏ của ta cũng đón thêm một thành viên mới, chính là nhi tử của gia chủ thần bí mới đến kia.
Nhìn tiểu hài tử phấn điêu ngọc trác* có đôi mắt linh động trước mắt trái tim ta bỗng lỡ một nhịp. Không thể không nói đứa trẻ này có gương mặt rất giống Vương Nhất Bác hồi nhỏ, nhất là ánh mắt sáng đượm vẻ lạnh nhạt kiêu ngạo. Có điều tên nhóc này họ Diệp không phải họ Vương. Mà cho dù nó có họ Vương thì hiện tại cũng đã lên bốn, tính theo ngày thành hôn nếu người kia có hài tử thì nhiều nhất cũng chỉ mới gần một tuổi, làm sao có thể lớn bằng chừng này được. Nghĩ như vậy ta lại thoáng thấy yên tâm.
Đứa trẻ này tên Diệp Quân Thành, ngày đầu tiên gặp ta không những không sợ sệt mà còn quấn lấy ta không rời, luôn miệng muốn ta kêu bằng tên Toả Toả. Tiểu hài tử nói mình rất thích tên này vì đây là tên phụ thân đặt cho. Toả Toả, cái tên rất hay nhưng đọc lên lại khiến ta lòng ta thoáng chùng xuống. Một chữ Toả chẳng phải là được hợp lên bởi hai chữ Vương và Tiêu hay sao.
Toả Toả rất ngoan lại cực kỳ thông minh sáng dạ, sách ta dạy đến đâu đều có thể thuộc lòng đến đấy. Hơn nữa ở trong lớp cũng không ỷ mình thân phận cao hơn mà hiếp đáp bạn bè, ngược lại còn chủ động giúp đỡ kết giao với mấy đứa nhỏ, được bọn chúng cực kỳ yêu mến. Mặc dù mới vào lớp chưa đầy hai tháng nhưng đã được đám nhóc tôn làm lão đại, ngẫm sao cũng thấy thật buồn cười.
Nghe Toả Toả nói phụ thân hắn vì muốn thuận việc buôn bán nên mới chuyển tới chân núi Hoa Sơn, tới đây rồi cũng rất ít khi ở nhà mà thường xuyên ra ngoài vài ba hôm hoặc thậm chí cả tuần mới về. Cũng đúng, Hoa Sơn mặc dù là nơi hẻo lánh nhưng muốn giao thương giữa Quý Châu với Ung Châu, hai nơi tập kết hàng hoá lớn nhất nước thì bắt buộc phải đi qua nơi đây. Có lẽ đó chính là lý do vì sao thương nhân họ Diệp kia cất công chuyển cả gia đình tới đây chăng.
Toả Toả không có mẫu thân, nghe cha nói là a nương của mình đã đi một nơi rất xa, rất lâu mới có thể trở về nên cũng không nháo không đòi. Đứa nhỏ mới vài tuổi bị ném ở nhà cho hạ nhân chăm sóc cũng không lấy đó làm buồn, ngược lại còn rất hào hứng vì mỗi lần phụ thân về sẽ đem theo rất nhiều quà cho mình. Càng nghe ta càng thương cảm, lâu dần lại khiến cho ta muốn chăm sóc tiểu tử này nhiều hơn.
Tháng ngày trôi qua mùa đông cũng sớm lui nhường chỗ cho tiết xuân mát mẻ, ta đã có hàng xóm mới được bốn tháng rồi. Những ngày gần đây ta cảm thấy rất tốt, chung quy không chỉ có lũ thỏ bầu bạn mà giờ đây ta lại có thêm một tiểu bằng hữu ngoan ngoãn. Toả Toả khả ái sau mỗi buổi học đều sẽ theo ta về trang viên dùng bữa, tới qua giờ Dậu mới có bà vú đem xe ngựa tới đón. Nghe nói việc này đã được đích thân phụ thân hắn đồng ý.
Nhắc tới người họ Diệp này cũng khiến ta tò mò, mặc dù còn chưa được diện kiến nhưng nghe ai ai cũng nói hắn là thương nhân rất có đầu óc, lại vô cùng tài giỏi, làm người thì hết mực khiêm nhường. Bất quá vì hắn cực ít ở nhà nên cũng chưa có dịp gặp gỡ. Tuy là vậy nhưng nhờ vào việc là phu tử của Diệp thiếu gia mà ta cũng được hưởng lợi không ít. Mỗi lần trở về không chỉ có Toả Toả được quà mà ngay cả ta cũng có phần. Khi thì bộ tranh chữ, lúc lại mấy lạng trà quý hoặc tập giấy Tuyên thượng hạng. Không thể không nói vị gia chủ này quả thực rất dụng tâm, đồ đem đến mặc dù không quá quý giá nhưng lại khiến ta yêu thích không thôi, thi thoảng cũng sẽ gửi quà đáp lễ hắn.
Một buổi chiều tà nhìn bình minh rực lửa bên ngoài, ta lại cùng Toả Toả ngồi trong sân chuẩn bị dùng cơm. Tiểu hài tử mồm miệng liến thoắng kể lại cho ta những chuyện ở quê nhà cũ, bất chợt có nhắc chuyện trước lúc chuyển tới đây phụ thân từng mua về rất nhiều thỏ, ngỡ rằng để làm quà cho cậu nhóc ai ngờ cứ vài ba hôm lại đem thỏ đi thả mất, đến lúc về nhà mới thì không còn lấy một con. Nghe chuyện này ta cũng không để tâm lắm, mãi cho tới khi Thanh Đường dọn cơm lên trùng hợp lại có món cơm chiên Dương Châu do trù nương đặc biệt làm, tiểu hài tử vừa nhìn thấy đã phấn khích nói đây là món mình cùng phụ thân thích nhất lúc còn ở quê, đôi khi còn ăn cơm này với chút giấm và rau mùi nữa. Nói xong dường như nhớ ra điều gì liền hốt hoảng bụm miệng lại, cắm cúi ăn cơm như đứa trẻ làm sai. Ta nghe Toả Toả lỡ lời trong lòng liền rơi đánh bộp một cái, trong đầu xẹt qua một ý nghĩ khó tin.
Vậy là đợi đứa trẻ ăn cơm xong ta liền sai Thanh Đường chuẩn bị xe ngựa đích thân đưa Toả Toả về nhà chứ không đợi gia nhân tới đón. Đường đi không xa, chỉ qua thời gian một chung trà đã tới nơi. Ta nhanh nhẹn ôm lấy tiểu hài tử gấp gáp đi về phía đại môn Diệp gia. Nâng tay gõ cửa, rất nhanh đã có hạ nhân đi tới, trông thấy người mới đến là ta thì vô cùng kinh ngạc.
Ta hỏi Diệp lão gia đang ở đâu gã liền chỉ cho ta người ở trong thư phòng, vừa trở về từ Hàng Châu đang kiểm kê lại sổ sách. Vậy là ta liền ôm Toả Toả đi thẳng về nơi đó, không đợi sự cho phép mà mở của xông xào. Vừa nhìn thấy rõ người bên trong tim ta như có thứ gì đó đâm vào vừa đau vừa ngứa. Quả nhiên chính là hắn.
Dưới ánh nến sáng rực, Vương Nhất Bác một phân áo gấm, bộ dáng vừa mới tắm xong mái tóc còn ẩm xoã tung phía sau đang nghiêng đầu xem sổ sách. Vốn bị tiếng cửa mở đột ngột làm cho giật mình, tới khi trông rõ kẻ đến là ta liền hốt hoảng đứng dậy.
Có trời mới biết trong lòng ta đang khó chịu nhường nào, thế nhưng ngoài mặt vẫn phải duy trì thái độ ôn hoà. Người ta không muốn gặp nhất chẳng những không đi, còn đem theo hài tử chạy tới trước mặt lén lút giấu giếm ta ngần ấy thời gian, hắn thực sự coi những lời ta nói là gió thoảng qua tai hay sao.
Vương Nhất Bác sững người đứng đó, thái độ của hắn mặc dù có chút ngạc nhiên nhưng cũng chỉ thoáng qua dường như việc bị ta phát giác ra cũng không ảnh hưởng nhiều tới hắn. Chẳng hiểu sao nghĩ đến đó ta lại cảm thấy vô cùng khó chịu, đi tới đặt Toả Toả đã mơ màng ngủ gật lên ghế quý phi duy nhất trong phòng sau đó không nói không rằng rời khỏi nơi ấy.
Quả nhiên vừa ra khỏi cổng đã nghe tiếng bước chân đuổi theo. Chỉ là hắn cứ im lặng đi theo chứ không lên tiếng ngăn lại, cũng không nói một lời gì với ta. Ngay cả khi ta đã lên xe ngựa cũng chỉ lặng lẽ đi theo phía sau xe, điều ấy khiến ta cực kỳ khó chịu liền nhảy xuống đi tới trước mặt hắn chất vấn.
"Không phải ta đã nói ngươi đừng xuất hiện trước mắt ta nữa hay sao?"
Vương Nhất Bác nghe hỏi chỉ im lặng cúi đầu, sau đó như đứa nhỏ làm sai lí nhí phản biện: "Nhưng ta cũng đâu có tự ý xuất hiện trước mắt ngươi..."
Nghe hắn nói ta bỗng ngẩn ra, hình như đúng là vậy thật. Nếu không phải hôm nay Toả Nhi lỡ lời khiến ta phát giác ra e rằng cả đời này ta cũng không biết hàng xóm của mình vậy mà lại là Vương công tử đây đâu. Nghĩ vậy ta liền tức giận hừ lạnh xoay người bỏ đi, nhưng còn chưa đi được mấy bước đã bị âm thanh của người đằng sau ngăn lại, hắn nói:
"Ta đảm bảo sẽ không xuất hiện trong tầm mắt ngươi. Toả Toả không có lỗi, đứa nhỏ thật sự thích ngươi cho nên đừng vì ta mà xa lánh nó."
"Đứa nhỏ này thực sự là hài tử của ngươi?" Ta không nhịn được hỏi hắn.
"Làm sao có thể, ta chỉ nhận nuôi Toả Toả."
Nghe hắn phủ nhận không hiểu sao ta lại thấy vui trong lòng, có điều rất nhanh cảm xúc ấy đã bị ta gạt đi, lạnh lùng nói với hắn: "Ngươi định ở lại đây đến bao giờ?"
"Có lẽ là rất lâu, hiện tại ta cùng Toả Toả cũng không có chỗ nào để đi. Chỉ xin ngươi có thể đối tốt với tiểu hài tử như trước, Toả Toả rất đáng thương."
Để lại một câu ấy Vương Nhất Bác lững thững trở về. Mặc dù trong lòng có vô vàn điều tò mò muốn hỏi nhưng ta cũng chỉ có thể nhịn. Người nam nhân này với ta đã không còn liên hệ, hắn cũng đã nói rằng sẽ không tới làm phiền thì cần gì ta phải để tâm. Có điều lời lúc tức giận thì ai cũng có thể nói, còn làm được hay không thực sự lại là chuyện khác.
Từ sau hôm ấy ta vẫn ngày ngày đưa đón Toả Toả về nhà trong lúc Vương Nhất Bác đi ra ngoài, có điều ta không hề nhận đồ hắn đem tới nữa. Sau này lúc rảnh rỗi nghe Toả Toả kể lại ta mới biết là chính hắn đã dặn tiểu tử này phải thay đổi tên họ khi tới đây, còn phải giấu quê quán và thân phận của hắn không cho ai biết, nhất là với ta. Nghe xong ta vừa giận vừa buồn cười, tên hỗn đản ấy vậy mà lại dám dạy tiểu hài tử nói dối a.
Thời gian trôi đi, ta dần quen với sự xuất hiện của Toả Toả, đồng thời cũng sớm ngầm thừa nhận bóng dáng của người kia. Nói gì thì nói sống gần người mình thương nói không để tâm e rằng chỉ là lời nói dối. Dù cho ta không chấp nhận hắn nhưng lòng này trước nay chưa từng quên, làm sao có thể khống chế được cảm xúc.
Một ngày ta vừa đưa Toả Toả trở về thì trời lại đổ mưa lớn, đứa nhỏ ngồi ngơ ngẩn ngắm mưa. Tới khi ta hỏi thì thành thật nói phụ thân mình hôm nay sẽ đi Quý Châu tận nửa tháng sau mới về. Nghe Toả Toả nói vậy thì trong lòng ta có chút lo lắng. Cả tuần nay trời mưa tầm tã đường đi xuống trấn đã bị sụt lở nhiều đoạn, không cẩn thận sẽ rất dễ bị đất đá trên núi rơi xuống đè trúng. Hắn lại ra đi vào lúc này thật khiến ta không sao yên được.
Còn đang suy nghĩ miên man bên ngoài lại vang lên tiếng gõ cửa. Thanh Đường nhanh nhẹn ra mở then cài, từ bên ngoài Vương Nhất Bác đội mưa đứng đó nói gì với hắn sau đó hắn liền chạy vào thuật lại với ta:
"Công tử, Vương trang chủ muốn tới từ biệt tiểu Toả thiếu gia."
Nhìn bóng nam nhân cô độc dưới màn mưa tầm tã, bất giác ta lại mềm lòng liền nói với Thanh Đường kêu hắn đi vào. Vương Nhất Bác đi tới chỗ chúng ta cả người đều đã ướt, hắn hôn tạm biệt đứa nhỏ rồi quay sang nhìn ta thấp gioing nói:
"Ngoài trời mưa lớn ta không yên tâm để Toả Nhi ra ngoài, đêm nay ngươi để đứa nhỏ ngủ lại đây được không? Ta có việc gấp phải đi Quý Châu ngay."
Thấy ta yên lặng gật đầu, hắn nở nụ cười nhạt tiếp lời: "Lần này ta đi e rằng rất lâu mới có thể trở về, mong ngươi giúp ta chăm sóc tiểu Toả."
Vậy là đến cuối cùng tới tận khi hắn rời đi ta vẫn chẳng thể nói ra một câu chúc thượng lộ bình an. Nhìn bóng lưng cao lớn dần khuất sau màn mưa lạnh buốt, ta ngoài hụt hẫng còn có chút lo lắng khôn nguôi. Ôm tiểu hài tử trở về phòng ngủ, ta thầm cầu chúc chuyến đi này hắn được suôn sẻ.
Đáng tiếc ông trời dường như lại chẳng lắng nghe lời cầu khẩn của ta. Mùng mười tháng tám năm Nguyên Trinh thứ hai mươi sáu, ba ngày sau khi Vương Nhất Bác rời đi Thanh Đường gấp gáp mang tin về. Một trận mưa lớn kéo dài khiến núi đá sạt lở đè lên đội thương nhân đang trên đường đi tới Quý Châu, không ai còn sống sót. Ta nghe xong liền thổ huyết ngất lịm. Ngày mong đêm chờ đến cuối cùng vẫn chẳng đợi được Quân trở về...
*Phấn điêu ngọc trác: da thịt mềm mại, trắng mịn
*****
Quá dài tôi đành cắt ra một chap nữa nhé các cô 🙆♀️🙆♀️
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top