CHƯƠNG 22

Sau việc hôm đó, giữa hai anh em không ai nhắc đến việc tách phòng nữa. Bọn họ thống nhất đạt thành một giao ước bí mật. Nhất Bác muốn mọi việc trở lại bình thường, không muốn Tiêu Chiến phải nhớ lại những điều không vui trước đây nữa. Để đứa nhỏ có thể vô tư mà trưởng thành, trải qua những điều bình thường như những đứa nhỏ khác. Tiêu Chiến cần mái ấm, cần tình thân, cần cảm giác an toàn. Mà anh là người có trách nhiệm làm điều đó.

Nhất Bác đem hết đống đĩa mà Trần Vũ cho mình cất hết vào thùng, giấu đi thật kỹ. Quyết không bao giờ xem lại nữa. Đúng không phải thứ tốt lành gì. Xem xong đầu óc mụ mị, toàn đưa ra quyết định sai lầm.

Năm học mới bắt đầu, mùa hè chưa thỏa mãn đám trẻ đã vội trôi qua, hứa hẹn một năm kế đến. Nhất Bác lại tiếp tục nhiệm vụ chở em đi học, Tiêu Chiến thích cảm giác được ngồi sau xe anh trai, đung đưa chân và nghêu ngao hát những bài hát từ phim hoạt hình.

Năm nay vì chuyển nhà, nên đoạn đường đến trường sẽ xa hơn một chút. Tiêu Chiến rất tự giác dậy sớm, rồi gọi anh mình dậy, trước khi mẹ mắng anh mình. Cậu đã sắp xếp xong bữa sáng, chỉ cần anh thức dậy là cả hai có thể đi ngay, không lo trễ giờ học.

Con đường từ nhà mới đến trường có một đoạn dài rợp bóng cây cổ thụ, nắng xuyên qua vòm lá, từng tia sáng nhỏ lấp lánh đem theo ý thơ reo vui trong đầu Tiêu Chiến. Cậu sẽ lấy cảm hứng đó, sáng tác những bài thơ thật hay. Cậu sẽ đọc cho cả nhà nghe, sẽ đọc cho cô và các bạn nghe ở những giờ sinh hoạt văn học. Cô giáo luôn khen với mẹ Tiêu rằng đứa nhỏ rất có khiếu văn học nghệ thuật. Lớn lên sẽ rất đa tài.

Nhờ đứa nhỏ này, mà Tiêu Lan Đình rất mát mặt, thỉnh thoảng sẽ đem chuyện cậu thi được những giải thưởng về hội họa và văn học ra khoe với hội chị em. Còn không mấy khi nhắc đến Nhất Bác, giỏi toán với bà là một cái gì đó khá hiển nhiên. Học sinh phải cố gắng mà học vì đó là môn bắt buộc. Nhất Bác thông minh hơn một chút, vẫn có con cái nhà khác suốt ngày khoe về việc giỏi toán. Với bà ấy à, bà rất thích kiểu người có cốt cách, am hiểu thi ca, hội họa. Bà không có khiếu đó, nên rất mê, thích kiểu người có văn hóa như Điềm Nhan. Mỗi lần có dịp đều thích mang Tiêu Chiến ra khoe, bà rất hưởng thụ chút hư vinh này.

Mỗi lần mua quần áo, bà luôn tin vào mắt thẩm mỹ của đứa nhỏ. Có lần đứa nhỏ còn vẽ cho bà những mẫu váy để bà mang đi may. Đồng nghiệp, người quen đều hỏi mẫu đồ này bán ở đâu. Bà vui vẻ nói cho họ biết nhóc con nhà mình vẽ mẫu cho đó. Bạn nhỏ nhờ đó mà trở thành nhà thiết kế cho các cô, các dì, nhờ lời giới thiệu của mẹ Tiêu. Thế là các cô nhận mẫu sẽ tặng lại cho bạn nhỏ phần tiền nhỏ, mẹ Tiêu đem cho bạn nhỏ. Cậu quyết định nuôi một em heo đất, để giành tiền tiết kiệm, cuối năm sẽ dùng mua đồ mới.

Nhưng kế hoạch chưa được bao lâu, thì mẹ Tiêu đã không cho cậu thường xuyên vẽ tranh nữa. Vì mẹ nghe cô giáo điện báo rằng, đứa nhỏ dạo này thường xuyên viết sai chữ trên bảng. Nhìn cách em nheo mắt nhìn bảng và cúi sát khi viết bài, cô đoán em bị cận thị rồi. Nên nhắc mẹ Tiêu đưa em đi khám mắt.

Hôm đó, mẹ Tiêu xin nghỉ làm sớm qua trường đón đứa nhỏ đi khám mắt. Nhóc nhỏ này quả thật đã cận thị tới tận ba độ rồi. Trên đường về mẹ cứ trách cậu vì sao không nói với mẹ sớm hơn, mẹ biết đứa nhỏ này sợ mình lo lắng. Nhưng mẹ vẫn phải mắng cho một trận, để lần sau cơ thể có bất cứ vấn đề gì đều phải nói cho mẹ biết. Tiêu Chiến ủ rũ một chút, rồi ngước mắt nói với mẹ, nắm ngón tay mẹ lắc lắc

"Con xin lỗi mẹ nhé, lần sau con sẽ không giấu mẹ nữa. Tại con không nghĩ mình cận nặng vậy"

Không ai nỡ nặng lời với đứa nhỏ ngoan, và hiểu chuyện như vậy.

"Chiến Chiến, mẹ biết con trong lòng phần nào đó mang tâm lý đi ở nhờ nhà họ hàng. Sẽ biết điều và hiểu chuyện. Lặng lẽ giấu đi nhiều vấn đề của bản thân. Nhưng mẹ không cần con phải như vậy. Con và Nhất Bác đều là con của mẹ, mẹ đã nhận trách nhiệm nuôi con sẽ chăm sóc con một cách tử tế. Mẹ sẽ rất buồn nếu như vấn đề của con mà phải để người khác phát hiện, nghe từ người khác. Mẹ sẽ có cảm giác tự trách vì quan tâm con chưa chu đáo. Mẹ biết, mẹ vẫn thiếu hụt nhiều kỹ năng thấu hiểu của người mẹ. Mẹ con ta từ từ làm bạn, sau này có chuyện gì đều nói cho mẹ nghe được không con?"

Mẹ dùng giọng điệu ôn hòa nhất để tâm sự với đứa nhỏ, khác với Nhất Bác, có nhiều chuyện nghe xong đều quên. Chỉ tập trung trọng điểm, còn râu ria đều bỏ qua. Đứa nhỏ này lại suy nghĩ rất nhiều, nên nếu có lời tổn thương, đứa nhỏ sẽ tự mình gặm nhấm, tự trách bản thân.

"Vâng, con sẽ không như vậy nữa. Mẹ ơi, mẹ đừng giận nữa nhé. Con sẽ chăm sóc mắt thật tốt."

"Được rồi, được rồi ở nhà chúng ta con không cần vội vã trưởng thành, chỉ cần con khỏe mạnh, vô tư lớn lên. Có thể quấy, có thể nháo, là em út, mọi người sẽ bao dung con. Con hiểu không"

Bà kéo Tiêu Chiến ôm vào người, đứa nhỏ này vòng tay ôm lại bà

"Con hiểu ạ"

Cảm xúc này khiến Tiêu Lan Đình nhớ người mẹ kế của mình, khi bà được cha đưa về nhà, các anh chị có người đã lớn, trong lòng mang bài xích, không chấp nhận. Người phụ nữ ấy dần dần khiến những đứa trẻ không huyết thống trở thành con ruột của mình. Chăm sóc, yêu thương, cho phép những đứa trẻ này có tuổi thơ, không phải nghĩ suy quá nhiều. Học cách đó, mẹ Tiêu muốn chăm sóc Tiêu Chiến như cách trước đây người mẹ ấy đã chăm sóc, yêu thương mình.

Nhất Bác thấy em trai đeo kính nhìn kiểu gì cũng thấy còn đáng yêu hơn nữa, vừa ngốc ngốc, vừa cưng. Đáng tiếc đôi mắt đẹp lại bị kính che đi mất.

"Càng nhìn càng thấy em giống Harry Potter, siêu ngầu nhé"

Tiêu Chiến liền phối hợp, dùng đũa ăn cơm đọc thần chú

"Wingardium Leviosa!"

Nhất Bác liền giả vờ bay bay như lông vũ trong phim.

Một lúc cả hai liền nhìn nhau cười ngặt nghẽo. Bố Vương ở trong bếp đang nấu ăn nhìn hai đứa nhóc này cười lắc đầu

"Để bố rắc cho hai đứa ít muối nhé, trông đùa nhạt nhẽo không tả nổi"

"Là do bố không hiểu"

Hai đứa nhỏ cùng đồng thanh

Bố Vương xua tay đầu hàng

"Được được, là bố không hiểu. Điểm cười của đám trẻ bây giờ thật lạ quá"

Mẹ Tiêu đang dọn đồ ăn lên bàn lắc đầu từ chối hiểu.

"Không phải là bố không hiểu, mà hai đứa nó chỉ toàn tạo trò cười mà chúng hiểu, người ngoài chen không vào. Đảm bảo chúng mà kể chuyện cười với bạn, chỉ có quạ bay, không có tiếng người cười"

Hai đứa nhỏ nhất mực phản kháng, "không phải, không phải mà."

Cùng với những bữa ăn gia đình bình thường, cuộc sống mỗi ngày cứ thế dần trôi. Dường như thời gian khiến cho nhiều người dần trở nên phai bóng.

Tiêu Lữ lại một lần nữa không có tin tức, và mẹ của Tiêu Chiến dường như chỉ còn là một cái tên mà người ta từng nhắc đến vào một dịp xuân năm mới.

Tiêu Lữ không còn trở về quê ăn tết hàng năm, đối với nhiều người lại là sự thở phào nhẹ nhõm. Chẳng biết việc gì sẽ xảy đến, mọi người đầm ấm cùng nhau đón những mùa xuân trôi qua trong ấm áp. Chỉ cần một mình Tiêu Chiến là đủ, đứa nhỏ này như nắng xuân đem bù đắp mọi chờ mong của bà nội.

Anh Tiêu Thịnh đã tốt nghiệp, chính thức là con người của xã hội. Không chọn bám trụ lại thành phố, trở thành một phần của thành phố, trở thành một phần của đám đông đang nuôi kỳ vọng sẽ có thể đổi đời từ đây. Mỗi sáng ra khỏi nhà và trở về lúc tối muộn, bị kẹt lại giữa những tấp nập, vội vã, xô bồ. Và bị mắc kẹt trong những mối quan hệ của mạng lưới lớn, không thể phá bỏ. Không thể cách xa những người không chung hệ tư tưởng, buộc phải va chạm. Nơi đó không gian như một chai thủy tinh bị bịt kín, chạy đi đâu cũng không tìm được không gian riêng.

Tiêu Thịnh đã luôn là người nhìn ra vấn đề từ sớm, với anh nhà có to, xe có lớn, tiền có nhiều chung quy lại vẫn chỉ là cần một cái giường, cần một phương tiện, cần thứ chi tiêu. Nếu con người không ở những nơi có nhu cầu lớn, thì cuộc sống chắc chắn là dễ thở hơn. Là người yêu thích tự do, càng không để những quy tắc của xã hội buộc mình phải thay đổi. Cho dù có thay đổi phải là hướng tích cực hơn, do bản thân lựa chọn.

Bạn bè sau khi tốt nghiệp có người chờ người nhà tìm một chân vào những cơ quan nhà nước để có vị trí ổn định. Có người gấp gáp đi phỏng vấn, muốn mau chóng có việc làm, bằng mọi cách phải trụ lại, tìm cách trả những món nợ cũ mà cha mẹ phải gánh để họ đi học. Còn có người đã sẵn sàng cho những hành trình mới ở đất nước khác. Định hướng và kỳ vọng mỗi người không giống nhau.

Tiêu Thịnh lựa chọn về nông thôn, đúng với ngành học của mình. Bởi anh ngay từ đầu đã muốn dùng kiến thức mình học được, giúp ích lại cho những người nông dân. Nếu không bốn năm miệt mài với chuyên ngành của mình trở nên lãng phí. Từ nhỏ, đã nhìn ông bà mình và những người ở miền quê chăm chỉ làm đồng áng, cần mẫn chắt chiu trên mảnh đất này. Và còn rất nhiều nơi khác, người dân cần kiến thức để quá trình lao động của họ bớt vất vả, gian nan hơn. Sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ cầu may, trông chờ vào thời tiết nữa. Mà phải định hướng về giống tốt, cây tốt, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Đó là trách nhiệm của những người học ngành nông nghiệp như Tiêu Thịnh.

Tham vọng của anh không chỉ cố định một nơi, phục vụ cho một tổ chức, anh muốn đi khắp nơi học hỏi những kiến thức mới chưa học được ở trường. Xem cách họ nuôi, trồng và sống nhờ nông nghiệp ra sao. Cách người ta vận hành và tiêu thụ nông sản do họ tạo ra.

Thế nên, nhiều năm sau, Tiêu Thịnh đã bắt đầu hành trình đi đến nhiều miền đất khác nhau khắp đất nước. Đến mỗi nơi đều sẽ chụp nhiều ảnh đẹp gửi về cho Nhất Bác và Tiêu Chiến xem. Mỗi khi trở về sẽ mang theo nhiều trái cây mới lạ, hoặc những nông sản khô làm quà.

Nhất Bác không còn ganh tỵ với Trần Vũ vì trước đây có một người cậu ngao du khắp nơi nữa. Vì ông anh họ Tiêu Thịnh ưa đấu khẩu hiện tại cũng đi thật nhiều nơi, còn mang nhiều quà ngon về cho.

Mỗi mùa hè về quê, không có anh Tiêu Thịnh đồng hành nữa. Nhưng đám bạn nhỏ ở quê vẫn luôn ở đó. Sẽ vẫn ngóng đợi Nhất Bác và Tiêu Chiến trở về vui chơi. Kể cho chúng nghe về những điều hai người trải qua ở nơi mình sống.

Tiêu Chiến sẽ kể lại cho những người bạn này những điều hay ho anh Tiêu Thịnh kể cho mình. Và dùng những bức hình anh chụp, vẽ thành tranh tặng lại cho những người bạn này. Những bức vẻ ngập tràn màu sắc tươi sáng, có những người bạn đã giữ nó mãi cho đến nhiều năm tháng về sau, để hoài niệm về người bạn ấu thơ mỗi mùa hè của bọn họ.

- Hoàng Di Dung -

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top