Tiểu Sử Đào Duy Từ - Thuyết Minh Về Bản Dịch

Đào Duy Từ sinh vào khoảng năm 1572 ở xã Hoa-trai, huyện Ngọc-sơn (nay là huyện Tĩnh-gia) tỉnh Thanh-hóa, cha là Đào Tá Hán, mẹ là người họ Nguyễn. Ông thông minh, và học rộng biết nhiều. Ông đi thi hương ở Thanh-hóa. Hiến ty cho Đào Duy Từ là con nhà phường chèo, gạch bỏ tên không cho vào thi. Ông buồn bực quay về, căm giận chế độ vô lý của họ Trịnh lúc bấy giờ.Một hôm ông nói với bạn rằng: “Tôi nghe chúa Nguyễn hùng cứ đất Thuận-quảng, làm nhiều việc ân đức, lại có lòng yêu kẻ sĩ, trọng người hiền... Nếu ta theo vào giúp thì chẳng khác gì Trương Lương về Hán, Ngũ Viên sang Ngô, có thể làm tỏ rạng thanh danh, ta không đến nỗi phải nát cùng cây cỏ, uổng phí một đời...”. Rồi mùa đông năm Ất sủu (1627), Duy Từ trốn được vào xứ Đường trong. Đầu tiên ông ở huyện Vũ-xương hơn một tháng để nghe ngóng tình hình.Sau biết khám lý Hoài-nhân là Trần Đức Hòa là người có mưu trí được chúa Nguyễn Phúc Nguyên tin dùng, Duy Từ vào Hoài-nhân. Ông đi ở chăn trâu cho một phú ông ở xã Tùng-châu.Phú ông thấy Duy Từ học rộng tài cao, biết ông không phải là người thường, liền đem nói với Trần Đức Hòa. Đức Hòa cho gọi Duy Từ đến hỏi chuyện. Thấy Duy Từ không gì là không thông hiểu, Đức Hòa giữ ông lại rồi gả con gái cho. Duy Từ đem bài “Ngọa long cương” của ông đưa cho Đức Hòa xem,. Đức Hòa xem bài “Ngọa long cương” và nói: “Đào Duy Từ là Ngọa-long1 đời này chăng?”. 

Một hôm, Trần Đức Hòa đem bài “Ngọa long cương” cho Nguyễn Phúc Nguyên xem, và nói: “Bài này là do thầy đồ của nhà tôi là Đào Duy Từ làm”. Đọc bài “Ngọa long cương” Nguyễn Phúc Nguyên biết Đào Duy Từ là người có chí lớn, liền cho gọi Duy Từ đến. Mấy hôm sau, Đào Duy Từ và Trần Đức Hòa cùng vào ra mắt Nguyễn Phúc Nguyên. Lúc ấy Phúc Nguyên đang mặc áo trắng, đứng ở của nách. Thấy thế, Duy Từ dừng lại, không vào. Phúc Nguyên hiểu ý, trở vào, mặc áo đội mũ chỉnh tề rồi ra đón Duy Từ vào nói chuyện. Duy Từ cao đàm hùng luận, tỏ ra rất am hiểu việc đời. Phúc Nguyên mừng lắm, hỏi: “Sao khanh đến muộn thế?”. Liền ngay đó Phúc Nguyên trao cho Duy Từ chức Nha úy nội tán, tước Lộc khê hầu, trông coi việc quân cơ ở trong và ở ngoài, tham lý quốc chính. 

Từ đấy Duy Từ nói gì chúa Nguyễn cũng nghe.Ông bày mưu vạch kế giúp chúa Nguyễn làm nên nhiều việc lớn. Chúa Nguyễn thường nói với mọi người: “Đào Duy Từ thật là Tử Phòng (Trương Lương) và Khổng Minh (Gia Cát Lượng) ngày nay”. 

Tháng ba năm Canh ngọ (1630), Duy Từ khuyên chúa Nguyễn đắp lũy Trường-dục từ núi Trường-dục đến phá Hạc-hải nhằm ngăn chặn quân Trịnh ngược dòng sông Nhật-lệ vào đánh xứ Đường trong. Năm Tân mùi (1631), theo lời Đào Duy Từ, chúa Nguyễn lại cho đắp một cái lũy nữa kiên cố hơn, dài 18 ki-lô-mét bắt đầu từ núi Đâu-mâu qua cửa biển Nhật-lệ, rồi men theo sông Lệ-kỳ và sông Nhật-lệ tiến lên phía đông bắc đến làng Đông-hải. 

Nhờ có hai cái lũy trên, chúa Nguyễn đã ngăn chặn được các cuộc tiến công của quân Trịnh trong một thời kỳ dài. 

Tháng chín năm Canh ngọ (1630), theo đề nghị của Đào Duy Từ, Nguyễn Phúc Nguyên cho mở cuộc tấn công vào châu Nam Bố-chánh, và chiếm được châu này. 

Tháng mười năm Giáp Tuất(1634), Duy Từ bị bệnh nặng rồi mất, thọ 63 tuổi. 

Đào Duy Từ chỉ làm quan với chúa Nguyễn có tám năm. Nhưng trong tám năm đó, ông đã xây dựng cho họ Nguyễn một cơ sở xã hội vững chắc, và một quân đội hùng mạnh. Nguyễn Hữu Tiến, một viên tướng có tài của chúa Nguyễn, là con rể Đào Duy Từ do Đào Duy Từ tiến cử lên chúa Nguyễn. 

Hổ trướng khu cơ là tác phẩm do Đào Duy Từ soạn ra để dạy các tướng sĩ của xứ Đường trong. Đó là tác phẩm quân sự đuy nhất của Việt-nam còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. 

Xứ Đường trong sở dĩ có quân hùng tướng mạnh, một phần là do công lao của Đào Duy Từ. Đào Duy Từ, vì vậy, được coi là Đệ nhất khai quốc công thần của họ Nguyễn và được thờ ở nhà Thái miếu.
_____________________________________
1. Ngọa Long là biệt hiệu của Khổng Minh Gia Cát Lượng.


THUYẾT MINH VỀ BẢN DỊCH


Những binh thư của Trung-quốc mà sách này trích lục trước hết là bộ Võ kinh gồm bảy phần như sau: 

Sách Tôn tử hay Tôn tử binh pháp, có khi gọi tắt là Binh pháp, do Tôn Vũ thời Xuân thu, tướng của Ngô Hạp Lư soạn. Theo Sử ký thì sách này có 13 thiên. Đỗ Mục đời Đường nói rằng sách của Tôn Vũ nguyên có đến vài mươi vạn chữ, sau Tào Tháo bỏ bớt đi mà thành bản ngày nay. 

Sách Ngô tử do Ngô Khởi tướng của nước Sở thời Chiến quốc soạn. Lục Mỹ Thanh đời Đường chia sách ấy làm 6 thiên, tức là bản thông hành ngày nay. 

Sách Lục thao, đầu thời chiến quốc đã có tên sách, bản cũ đề là của Lã Vọng nhà Chu, nhưng là sách đời sau giả thác, tác giả ở vào khoảng trước đời Đường. 

Sách Tư mã pháp, một sách binh pháp đời xưa, đề là của Tư-mã Nhương Thư nước Tề soạn, nhưng không chắc đúng. 

Sách Tam lược, người đời sau soạn mà giả thác là của Hoàng Thạch công trao cho Trương Lương là công thần khai quốc của nhà Hán. 

Sách Uất liệu tử, do Uất Liệu đời Chu soạn. 

Sách Lý vệ công vấn đối, do học trò của Lý Tĩnh ghi chép những lời vấn đáp của Đường Thái tông với tướng là Lý Tĩnh mà thành. 

Ngoài ra Binh thư yếu lược còn trích lục các sách: 

Vũ kinh tổng yếu, do bọn Tăng Công Lượng và Đinh Độ đời Tống soạn, chép những binh pháp của đời xưa và những mưu kế phương lược của nhà Tống, gồm 40 quyển.

Hổ kiểm kinh, do Hứa Động đời Tống soạn, gồm 20 quyển. 

Thúy vi bắc chinh lục, do Hoa Nhạc đời Tống soạn, gốm 20 quyển. 

Vũ bị chí, do Mao Nguyên Nghi đời Minh soạn, gồm 19 quyển.

Vũ bị chế thắng chí, do học trò của Mao Nguyên Nghi soạn, gồm 31 quyển. 

Kinh thế, tức là Kinh thế bát loại toàn biên, do Trần Nhân Tích đời Minh soạn, trong ấy có phần “Binh tào” từ quyển 63 đến quyển 83. 

Hồng vũ đại định, không rõ tên tác giả, hiện Thư viện khoa học trung ương chỉ có một tập sách chép tay nhỏ gồm 6 thiên đề là Hồng vũ đại định binh thư lược biên. Theo tên sách thì sách này thuộc đời Minh. Hồng vũ là niên hiệu của Minh Thái tổ. 

Sách Bảo giám thì chúng tôi không tìm thấy, trong thư mục của Tứ khố toàn thư đề yếu của Trung quốc chỉ thấy có sách Tướng giám (gương làm tướng) ghi chép sự trạng của những người hành quân giỏi của Trung quốc từ xưa, bắt đầu từ Tôn Vũ, cuối cùng là Quách Sùng Thao đời Hậu Đường. 

Còn bốn tác phẩm khác mà chúng tôi không tìm thấy ở Hà-nội là: Binh chế, Vạn cơ chí, Yên thủy thần kinh, Hành quân tu tri, không hiểu tác giả là ai và nội dung là thế nào. 

Về tác phẩm Việt nam, thì Binh thư yếu lượctrích dẫn sách Binh lược và trích lục gần hết sách Hổ trướng khu cơ. Sách Binh lược thì chúng tôi không tìm thấy, nhưng đoán là sách Việt nam về đời Nguyễn, là vì thấy nó dẫn những việc thuộc lịch sử Việt nam từ cuộc xâm lược của quân Minh đến cuộc khởi nghĩa Tây sơn. Ngoài ra còn có tài liệu của Bộ Binh triều Nguyễn. 

Sách Hổ trướng khu cơ theo Đại nam thực lục chính biên là do Đào Duy Từ soạn ra hồi nửa đầu thế kỷ XVII. 

Hiện nay ở Hà-nội chỉ có một bản Binh thư yếu lược chép tay của Thư viện khoa học xã hội, gồm 4 quyển, đề là Trần Hưng Đạo vương soạn(!), không có tựa, chữ viết xấu, lại do nhiều người chép (xem nét chữ khác nhau), nhiều chữ sai, cũng có không ít chỗ sót. Trước khi phiên dịch, chúng tôi phải làm công việc hiệu đính bản chữ Hán. Về những đoạn văn trích lục ở các binh thư Trung-quốc thì chúng tôi đối chiếu với nguyên văn theo các sách tìm thấy ở Thư viện khoa học xã hội. Nếu là những sách không tìm thấy ở Thư viện ấy thì chúng tôi đành phải theovăn pháp và văn nghĩa mà hiệu đính, cũng như đối với những đoạn do chính tác giả biên soạn; về phần này, tương đói ít, thì có khi tác giả cũng chỉ là tóm tắt ý kiến của các sách xưa thôi. 

Theo nội dung Binh thư yếu lược như trên thì không thể xem nó là di tác của Hưng Đạo vương được. Đấy là một bộ sách được biên soạn theo một phương pháp đặc biệt, do nhiều nhà thông hiểu binh pháp thời Trần (có thể đặc biệt là Hưng Đạo Vương), thời Lê, thời Nguyễn tiếp tục nhau mà biên soạn bằng cách trích lược những binh thư các đời của Trung-quốc và của nước ta, thỉnh thoảng những người biên soạn có thêm những đoạn có quan hệ với những sự kiện quân sự vào kinh nghiệm của nước nhà, hoặc tóm tắt ý kiến của các sách xưa một cách gọn gàng. 

Sách này được hoàn thành ở thời nhà Nguyễn. 

Trong khi phiên dịch chúng tôi đã bỏ những đoạn có tính chất mê tín, đặc biệt là ở chương “Thiên tượng” thuộc quyển I, ở các chương “Chiêm phong vũ” và “Binh trưng” thuộc quyển II. Phương pháp biên soạn sách này có hơi lỏng lẻo, cho nên có những đoạn ở trên đã chép mà lại chép thêm ở dưới, hoặc có một đôi đoạn hình như chép lộn, những đoạn chép trùng hay chép lộn ấy chúng tôi đều bỏ cả. Cuối cùng, tất cả những đoạn lấy ở Hổ trướng khu cơ chúng tôi đều bỏ đi để đem cả tập Hổ trướng khu cơ dịch làm phần phụ lục mà nêu riêng một tác phẩm về binh pháp của nước ta có ít nhiều màu sắc dân tộc. 

Sách Hổ trướng khu cơ hiện ở Thư viện khoa học xã hội có năm bản chép tay A157, A565, A1783, A2117, A3003, Chúng tôi lấy bản số A157 là bản đầy đủ nhất để dịch, nhưng trong khi dịch chúng tôi đã đối chiếu với các bản kia và với những chương những mục được trích lục trong sách Binh thư yếu lược để đính chính những chỗ sai sót. 

Những hình vẽ về trận đồ và về binh khí chiến cụ dùng trong bản dịch này là vẽ lại theo hình vẽ của sách Võ kinh tổng yếu trong bộ Tứ khố toàn thư trận bản sơ tập (Thư viện khoa học xã hội số P1121), của sách Vũ bị chế thắng chí (Thư viện khoa học xã hội số AC597) và của sách Hổ trướng khu cơ (Thư viện khoa học xã hội so A157). 

Binh thư yếu lược do Nguyễn Ngọc Tỉnh phiên dịch. 

Hổ trướng khu cơ do Đỗ Mộng Khương phiên dịch.

                                                                                                           Người hiệu đính 
                                                                                                                ĐÀO DUY ANH

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top