Quyển II: I.Hành Quân
I - HÀNH QUÂN
Trộm nghe luật quân rất nghiêm, nhà binh cần phải giữ vững. Cho nên nói “Tội lớn thì giết, tội nhỏ thì răn”, vì muốn khiến lòng quân sợ tướng hơn là sợ địch. Một khi quân lệnh đã ra thì nghiêm như sương mùa thu, chẳng ai dám phạm. Do đó nên ngày xuất quân phải vời hết những người quản suất đến để bảo cho những hiệu lệnh ước thúc, cho sao chép lại để khiến mọi người đều biết. Có bao nhiêu điều kể rõ ở sau:
- Phàm quân đi phải dùng người hướng đạo, vẽ đồ, vẽ các sông núi, nơi hiểm nơi dễ, thế thì như trông thấy giặc ở trước mắt. Trước hết kén những người am tường đường sá làm đội du binh (hoặc 2, 3, 4, 50 người , có ngựa thì càng hay). Trong đội phái ra mỗi đạo 9 người, chia làm ba thứ, mỗi thứ 3 người (các ngã đường cũng vậy, đây là theo phép bát quái thám kị), mỗi thứ cách nhau ước một tầm trông, sai người nhìn xem, hoặc lên cao mà trông, hoặc leo cây mà trông, thấy rõ quân địch nhiều hay ít, hoặc dừng, hoặc đi, kíp xuống, chuyển về trình báo. Nếu thám báo không thực thì cứ luật nghiêm trị; thám báo được đúng thì ghi tên khen thưởng.
- Mỗi một chi binh chia làm 3 toán, trung, tiền, tả, hữu, hậu đều thế (hoặc 1 đội làm một toán, 2 đội làm một toán), có chánh toán, có phó toán, khiến nương tựa lẫn nhau.
- Định đến ngày nào ra quân thì truyền trước cho quản suất đều biết, để chuẩn bị lương thực, súng đạn, chông sắt cùng các hạng đồ sắt, mọi thứ đầy đủ (chông sắt để đặt ở đồn mà tự vệ, các hạng đồ sắt dùng để đẵn cây lấy gỗ làm đồn).
- Đến ngày, trước hết đánh ba hồi trống lớn, các quân họp cả. Phái người (hoặc thân hành thì hơn) kiểm điểm số quân, khí giới và chông sắt đồ sắt các thứ cho đủ. Đến giờ lành, trước lấy tù và thổi ba hồi thì quân cầm khí giới; 1 tiếng chiêng thì quân đều bày hàng ngồi. Trống lớn tiên nghiêm đánh 3 tiếng (tiếng thứ nhất thì lắng nghe, tiếng thứ hai thì động tay, tiếng thứ ba thì đứng dậy), 3 tiếng la đồng thì mở cờ (đến tiếng thứ ba quân đều dựng cờ). Trống lớn 2 tiếng đánh cặp nhíp, quân đều cầm khí giới. Trống lớn 3 tiếng thì đi. Như đi thong thả thì trống lớn đánh 3 tiếng mmotj mà thưa, đi kíp thì đánh mau. Như sắp đến nơi dừng nghỉ thì trống đánh 3 tiếng rất gấp. Đã đến nơi đỗ thì trống điểm 2 tiếng gấp, quân đi trước dừng lại. Trống đánh mau 6 tiếng thì quân đi sau đến hết. Lại đánh 3 tiếng trống gấp thì quân đều hạ khí giới, 3 tiếng là đồng thì gác khí giới, quân đều nghỉ ngơi.(Quân tuy nghỉ ngơi mà khí giới tùy thân, ngồi đâu thì ngồi đấy, không được om sòm to tiếng và bỏ hàng vượt thứ. Trước hết du binh thay đổi nhau dò xét cẩn thận và lên cao trông xa bốn phía).
- Phàm quân đi, trừ quân tiền du dò đường, còn phải y theo thứ tự tiền, tả, trung, hữu, hậu mà mỗi toán cách nhau ước khoảng một tầm tên, không được quá xa, cũng không được quá gần. Lính nấu bếp đều phải theo sau toán quân của mình, để chiếu cố nhau. Quân đi hàng đôi mà tiến, gươm súng xen nhau, dài ngắn cùng tiếp. Không được nói cười huyên náo và bỏ hàng mất thứ tự, ai trái thì theo quân luật trị tội.
- Phàm quân đi, đã có du binh để thăm dò, thấy giặc thì về báo, hoặc gấp quá không kịp về thì bắn súng hay đánh một hồi thanh la để chuyển báo. Ở trung quân đại tướng tức thì cho đánh một hồi thanh la, truyền hiệu cho các toán biết có gặp giặc, mọi người đều chỉnh bị súng ống nạp thuốc đạn để chờ đợi. Tùy theo số giặc nhiều hay ít, giặc nhiều thì sai ba toán trước tiến lên bày trận đối địch, ít thì sai một toán trước đối địch, hai toán làm tiếp ứng. (Phép dùng cờ ngũphương sai đi, tiền quân thì cờ đỏ, tả quân cờ xanh, hữu quân cờ trắng, trung quân cờ vàng, hậu quân cờ đen. Lệnh tiễn sai các tiểu chi cũng chiếu theo năm sắc năm phương làm chuẩn, không được trái lệ). Lại sai hai toán binh tả hữu, một toán tả một toán hữu tìm đường tất phải tiến đánh, như thế hai sừng trâu, gọi tên là trận Huyền vũ; sai một toán tả một toán hữu tìm thế ẩn để phục binh. Chánh toán tả, chánh toán hữu đều theo địa phận làm tả hữu ứng cứu. Lại sai hai chánh toán hậu với hai phó toán hậu làm hậu phục. Chánh toán hậu thì chỉnh binh để phòng sau, phòng quân địch đánh tập hậu. Như tiền binh đắc thắng thì không nên đuổi xa, hậu binh và tả hữu binh cũng vậy, vì vậy binh quý ở vạn toàn. Đắc thắng thì cấm các hạng quân nhân không được tham lấy tài vật của địch, sợ bị địch nhử mồi. Quân địch đã trốn xa, thì đánh 2 tiếng trống lớn hẹn binh, 3 hồi chỉnh binh thành hàng.Đánh 1 tiếng la đồng thì quân đều chỉ súng và khí giới về trước, quay mặt về đằng sau. Đánh 3 tiếng trống thong thả thì thu quân về nơi cũ.Quân đã thắng trận càng nên cẩn thận hơn khi chưa thắng trận, vì sợ quân thắng thì sinh kiêu, điều đó nhà binh rất kỵ.
- Phàm quân đi, đến nơi nào có sông ngòi nhỏ thì phái du binh, hoặc chặt tre làm cầu, làm bè, hoặc quăng dây thừng sang trước, đi một dặm để thăm dò, về báo không có giặc, rồi sau phái binh, một phần nghiêm binh phòng giữ, một phần đẵn tre chém cây làm cầu làm bè, giăng dây để sang, đừng nên nóng vội. Như gặp sông lớn thì sức trước cho thuyền ghe chờ đợi, phái du binh sang trước, đi xa 1, 2 dặm, thăm dò xem có giặc hay không. Như có giặc thì đừng sangsông, sợ giặc nhân ta sang nửa chừng mà đánh. Như thấy nước nông và trên thượng lưu có ngăn nước thì cũng đừng sang, sợ địch phá nước ngăn, như kế Hàn Tín đánh úp Long Thư1. Nếu báo quả không có giặc, thì phải cho ba toán tiền chi sang trước, cách chừng một tầm trông, bày binh sắp hàng để phòng ngự không ngờ, rồi sau mới theo thứ tự tả, tiền, trung, hữu, hậu mà sang. Đường sau cũng phái du binh thám xét, sợ quân giặc nhân ta sang nửa chừng mà đánh úp hậu binh ta, không thể không cẩn thận được. Khi đã sang xong thì mới vời du binh mặt sau sang theosau. Binh xuống thuyền sang sông, thì y theođơn vị, giữ súng và khí giới, hoặc gặp sóng gió cũng không kinh động, thế thì không có sự lo bất ngờ.
- Phàm quân đi, gần đến giới phận rừng núi thì trước phái du binh và người địa phương lén vào rừng rậm, hoặc lên cao, hoặc trèo cây, hoặc tìm hang sâu bụi rậm, xem có quân giặc hay không, rồi về báo. Nếu có giặc thì ta giành trước lấy nơi cao hay nấp chỗ rậm, rồi sau theo phép trận “song đầu”, bày hai hàng gươm súng xen nhau, vừa bắn vừa tiến, như lăn vòng tròn, gọi là trận “Ngô công cuốn đất”. Nếu không có giặc, thì cũng y theo hai hàng mà chuyển qua, giữ cho không ngại vì việc binh phải giữ gìn, không thể không cẩn thận được.
_______________________________
1. Kế Hàn Tín đánh Long Thư: Thời Hán Cao tổ, Hàn Tín đem quân đánh Tề, Tề cầu cứu với Sở, Sở sai Long Thư đem 20 vạn quân đến cứu Tề. Đánh nhau ở Duy-thủy, Tín sai quân lính đêm làm hơn 1 vạn cái túi chứa đầy cát đem ngăn chặn dòng nước bên trên, không cho chảy xuống, rồi đem quân sang nửa sông đánh nhau với Long Thư. Tín giả cách thua, chạy về, Long Thư đem quân lội qua sông để đuổi. Tín sai người dỡ túi cát, nước chảy xuống mạnh, quân Long Thư quá nửa không qua được sông, Tín đánh gấp, giết được Long Thư.
*
* *
Sách Ngô tử:
Phàm binh nổi lên là vì năm cớ:
1) Tranh danh; 2) Tranh lợi; 3) Tính ác; 4) Loạn trong; 5) Nhân đói.
Lại có năm tên là: 1) Nghĩa binh; 2) Cường binh; 3) Cương binh; 4) Bạo binh; 5) Nghịch binh. Trừ bạo cứu loạn là nghĩa binh, cậy đông mà đánh là cường binh, nhân giận mà dấy binh là cương binh, bỏ lễ tham lợi là bạo binh, nước loạn người khổ mà nổi lên là nghịch binh. Muốn phục năm hạng binh ấy đếu phải có phép. Làm cho nghĩa binh phục thì dùng lễ. Làm cho cường binh phục thì dùng khiêm tốn. Làm cho cương binh phục thì dùng lời lẽ. Làm cho bạo binh phục thì dùng biến trá. Làm cho nghịch binh phục thì dùng quyền biến1.
*
* *
Đời xưa quân có thập và ngũ; xe có hàng lối; trống khua cờ vẫy, người lên thành trước phần nhiều là những quốc sĩ giỏi cả, người chết trước cũng thường là người quốc sĩ giỏi. Tổn địch một người mà tổn ta đến hàng trăm người, đó là giúp địch và hại ta, thế tướng2 không hay cấm được. Đánh giặc chia quân mà trốn về hay lâm chiến mà vỡ chạy thì hại lắm, thế tướng không hay cấm được. Giết người ngoài trăm bước là cung tên; giết người trong 50 bước là giáo mác.Tướng đã đánh trống mà sĩ tốt cứ ồn ào, bẻ tên, bẻ mác, ôm kích, sau khi thấy có lợi mới đánh, có mấy hạng người ấy thì tự thua ở trong rồi, thế tướng không hay cấm được. Quân sĩ lỗi thập ngũ, mất xe, hao binh tổn tướng mà chạy, đại chúng cũng chạy, thế tướng không hay cấm được. Phàm tướng có thể cấm được bốn điều ấy thì núi cao cũng sập, nước sâu cũng lấp, trận bền cũng phá. Nếu không cấm được bốn điều ấy thì cũng như mất thuyền lái mà cách sông ngòi, không thể được vậy.
Khi lấn vào đất giặc, gặp chốn đồng bằng nội rộng, thì nên kết trận. Nếu gặp núi sông hiểm trở thì kíp sai kiêu kỵ du binh dò thăm trước sau. Hễ thấy núi cao rậm rạp, hang hốc ghồ ghề, thì tiền quân từ từ mà tiến để đợi hậu quân, rất không nên cách xa gián đoạn, đó là yếu lược để giữ hiểm phòng nguy vậy.
Khi lấn vào bờ cõi địch mạnh, dẫu rằng có đường, nhưng phải tiến trộm, cũng sai du binh lên gò cao, xem xét kĩ càng cả trước sau tả hữu, nếu thấy nơi nào có đàn chim sợ bay, chồn vượn chạy rối, hay cỏ cây không có gió mà động và đất bụi lầm trời, thì dưới hẳn có quân phục, phải trở về báo với chủ tướng, dừng quân kết trận mà đóng lại để chờ xem cơ giặc thế nào. Đó là yếu lược để xét quân ẩn phục vậy.
Vào sâu đất địch, gần tới khoảng đường trọng yếu, chợt thấy sắc cỏ mới khô héo thì ở dưới hẳn có sự trá ngụy, xem xét kĩ càng rồi hãy đi; nếu gặp cầu, trước hãy đem vật nặng đè lên, rồi sau sẽ đi, không làm thế thì sợ có vạ sa sụp. Đó là yếu lược cẩn thận về đất và cầu vậy.
_________________________________
1. Ngô tử, thiên I.2. Thế tướng: Ông tướng tầm thường ở đời.
*
* *
Sách Yên thủy thần kinh:
Phép sang sông.
Phàm sang sông, trước hết phải chuẩn bị cầu phao bè gỗ, dự sai du binh sang trước, dò thăm những nơi trọng yếu, quả không có quân phục, thì tới nơi rộng rãi, bày mở thế trận để đợi, rồi sau mới cho đại quân sang.
Phép gặp ngòi.
Phàm quân đi gặp ngòi rộng 5, 3 trượng, trước kia đã có cầu nhỏ, thì bỏ ngựa lại, sai ba quân mỗi người bó một bó củi để bỏ xuống đó, ngựa và người có thể sang qua.
Phép lạc đường.
Phàm quân đi gặp rừng núi, trời chiều lạc đường, thì thả một con ngựa già đi trước rồi theo sau thì có thể gặp đường, vì ngựa già có thể biết đường.
*
* *
Sách Tôn tử:
Phàm phép dùng binh, xe ruổi1 nghìn cỗ, xe da nghìn cỗ, quân mặc giáp 10 vạn Người giỏi dùng binh thì việc phu phen binh lính không đòi gọi hai lần, chở lương không bắt đến ba lần. Lấy dùng ở trong nước và nhân lương của địch, cho nên quân có đủ ăn. Nước nghèo thì lương quân phải vận tải xa, vận tải xa thì trăm quân khổ. Gần chỗ quân đóng thì bán đắt, bán đắt thì trăm họ hết của, của hết thì sưu dịch ở làng xóm cũng lúng túng. Sức cạn của hết, trong nước nhà cửa đều rỗng không; trăm họ hao phí, 10 phần mất 7; nhà nước hao phí, nát xe mệt ngựa, giáp trụ, cung tên, mâu thuẫn, sào chèo, trâu to xe lớn, 10 phần mất 6. Cho nên người trí tướng cốt tìm ăn ở địch; ăn ở địch, một chung đỡ cho ta 20 chung, một thạch đỡ cho ta 20 thạch. Cho nên giết địch là vì tức giận, lấy của địch là vì lợi ở của cải. Cho nên khi đánh nhau bằng xe, được 10 cỗ trở lên thì thưởng cho người được trước, rồi thay đổi cờ xí, xáo trộng xe mà ngồi, binh lính thì khôn khéo mà nuôi. Thế gọi là thắng địch để làm mạnh thêm cho ta. Cho nên việc binh quý thắng mà không quý lâu. Cho nên tướng giỏi là người giữ tính mệnh của dân, là người chủ an nguy của nhà nước vậy2.
________________________________
1. Xe nhẹ thắng bốn ngựa.2. Tôn tử, thiên II.
*
* *
Nghìn dặm chở lương, phí tổn trong ngoài, tiêu dùng tân khách, vật liệu như keo sơn, đồ đạc như xe giáp, mỗi ngày phí nghìn vàng, rồi sau mỡi cử vạn quân được.
*
* *
Sách Kinh thế:
Đi. Khi đi vào chỗ hiểm nên ngại có quân, sang sông cũng rất ngại bị xẻ nước. Đi ban ngày sợ có quân xông đến. Nghỉ ban đêm lo có địch quấy rối. Đã chặt đứt thì nối liền; khó nhanh chóng thì đi cuốn1. Một chỗ không phòng thì lỗi sơ suất.Trước vẽ địa hình để xem đại thế; lại tìm người thổ trước để dẫn đường. Dù cho một bụi rậm, một suối nước cũng phải biết hết, rồi sau mới có thể hành quân.
Đi nhanh. Quân đi quý, đi thong thả, để nuôi sức.Chỉ khi nhân lúc người ta không phòng bị và lợi ở đánh gấp thì nên gấp đường đi nhanh. Ban ngày đi nhanh thì cuốn cờ nghỉ trống, ban đêm đi nhanh thì cuốn giáp ngậm tăm. Đi nhanh một ngày thì sức mệt. Đi nhanh cả ngày và đêm thì tinh thần uể oải. Một ngày đi nhanh được một trăm mấy chục dặm đường; ngày đêm đi nhanh được hai ba trăm dặm đường. Đi đường gần thì đứt không thành hàng, quân khó đến hết, đi gồm đường xa thì bỏ đại quân mà tiến, cho nên đại quân ở xa lại sau, người không kịp ăn, ngựa không kịp nghỉ, nhọc mà ít người theo kịp. Nếu không phải cậy vào sức đánh bền giỏi, sức địch đã nhụt gẫy và hình thế núi sông đã hiểu suốt, thì sao dám làm như thế? Cho nên không phải toàn lợi mà không hại. Cẩn thận chớ cho quân đi nhanh là giỏi vậy!
Sách Võ kinh:
Thái công nói2: Phàm phép cầm quân nên trước cho quân đi thăm dò xa, cách địch 200 dặm, biết rõ chỗ quân địch đóng; nếu địa thế không tiện thì lấy xe vũ xung của ta làm lũy mà đi tới trước và đặt hai lớp án binh ở sau, lớp xa thì cách 100 dặm, lớp gần thì cách 50 dặm. Phải có quân cảnh cấp để trước báo cho nhau biết. Quân ta thường được vững bền, hẳn không thương tổn.
Núi quanh ở đường, không nên đi càn vì sợ có quân phục ở trước vậy. Núi phục ở sau thì nên đi cho chóng qua, kíp lấy binh giữ đàng sau, sợ có giặc đánh cắt đường sau vậy. Nước cạn mà có khi đầy thì đừng lội, vì sợ có mưu túi cát lấp ngăn. Nước đứng mà bờ có bùn lầy thì đừng lội, vì có nạn sa lầy. Nước ở nơi hiểm yếu của địch mà không thấy có quân đội canh phòng, chưa nên lội ngay, trước hết phải sai tinh binh dò xét những chỗ hang núi gồ ghề, vì sợ có quân phục vậy.
_________________________________
1. Đi cuốn: Tức đi theo phép Ngô công cuốn đất nói ở trên.2. Bổ sungtheo chương 39 “Tuyệt đạo” của sách Võ kinh trực giả quốc ngữ ca.
*
* *
Sách Kinh thế:
Binh nặng thì trệ mà không nhanh, binh nhẹ thì tiện mà nhiều lợi. Nặng mà có thể chia ra thì lợi gấp bội. Đóng dinh mà chia ra, để phòng đánh úp; bày trận mà chia ra, để ngừa giặc xông vào; đi mà chia ra, sợ bị chặn cắt; đánh mà chia ra, sợ bị cướp đánh; quân lẻ mà chia ra để đón lúc sơ; quân nhiều thì có thể chia để dùng làm binh kỳ; quân ít cũng có thể chia để biến hóa. Binh không nên giao việc nặng; cũng không cho đi làm việc xa. Khí giới hiếm thì chậm phát. Hợp quân cho mạnh uy, chia quân ra để nắm thắng.Tay cầm mấy mươi vạn quân mà không bị ứ đọng là vì biết phép chia quân vậy.
Quân đi phải trương thế ra, xếp đặt cờ trống, rộng khua trông chiêng, lấy nghìn làm vạn, lấy ít làm nhiều, lấy yếu làm mạnh, lấy thắng giả mà làm ra thắng; cương tất thắng nhu, thực tất thắng hư, lớn tất nuốt nhỏ. Đó là lẽ tất nhiên vậy.
Đại quân chưa tiến, uy dũng phải trương ra trước. Ở phép dùng du binh ư? Tất hai bên tả hữu phải lập đội đầu và đội thứ nhì, do tướng giỏi thống ngự, làm như trương hai cánh mà tiến lên. Một là có thể thăm dò quân địch đi đứng thế nào; một là có thể xem xét quânđịch có mai phục hay không; một là có thể chợt gặp địch thì giúp đại quân ta mà đánh. Đội đầu thì đi trước mà xem xét, đội nhì thì dựa hai bên cánh tả hữu quân ta mà đi. Khi đội đầu đã đi tuần đến, thì ví như ở nghìn dặm mà lập dinh. Kịp khi quân đến dinh, thì đội nhì lại đi trước mà xem xét, đội đầu lại dựa hai bên cánh tả hữu mà đi. Đội nhì lại đi tuần đến ví như ở nghìn dặm mà lập dinh; đội đầu lại theo như phép cũ mà đi. Cứ lần lượt vòng quanh, nối nhau không dứt, thì du binh tả hữu tuy chỉ có hai đội, mà quân đi nghìn dặm đều có cánh vậy. Vả một lần đi một lần xét, thay đổi mà tiến, càng không lo mỏi mệt.
Phép hành quân, mới ra đi cần phải nghiêm túc, chỉnh tế hàng ngũ, khiến ba quân như một người, để tới thành công vậy. Đặt đàn hai tầng, trên lễ ngũ đế ngũ tướng(Ngũ đế là năm vị thần chủ năm phương: Trung ương Hoàng đế, Đông phương Thanh đế, Tây phương Bạch đế, Nam phương Xích đế, Bắc phương Hắc đế. – Ngũ tướng là năm vị thần sao là Thiên-mục, Văn-xương, v.v…), dưới lễ các danh tướng cổ kim và các sao tướng tinh. Khiến tướng quân mặc đồ nhung phục, cầm cờ kiếm, các viên biệt tướng, tham tri, đốc thị, tề chỉnh làm lễ. Trước kén một viên mẫn cán ở trung quân cho đeo ấn tiên phong, đem một chi quân bản lãnh tiến đi trước, gặp nước thì bắc cầu, gặp núi thì phá đá, cắt trừ gai góc, cho tiện quân đi. Phàm gặp sông to, núi lớn, miếu thiêng thì làm lễ. Quân đi một ngày 30 dặm thì nghỉ, để ngừa sự chẳng ngờ. Chỉ trông quân là biết ngay được thua. Khi dừng thì vững như núi không thể chuyển, khi tiến thì nhanh như gió không thể theo. Trông như mây liền nước chảy. Như có một trăm quân đi trước, chợt đến nơi hiểm địa, bị giặc vây trước sau, tức thì ở mặt trước sai quân tinh nhuệ đặt đồn lũy để cố giữ, thay đổi nhau mà bắn để làm thế hoãn chiến, đợi đại quân đến, thấy quân giặc rối loạn thì đánh ngay.
*
* *
Sách Võ bị chế thắng chí:
Quân sĩ chưa xuất phát, trước 3 ngày hạ lệnh cho các quân thu xếp hành trang, lương khô, giày dép và các vật tùy thân cho đủ, nghe lệnh thì đi.
Như lúc hành quân, đem 100 quân đi tiên phong, trung quân còn ở xa, bất thình lình gặp giặc thì chia làm 5 toán, 2 toán làm chính, 3 toán làm kỳ. Như gặp địch đem binh chính tiến vào, thì đặt quân phục, giả cách chạy; ba toán làm binh kỳ giữ vẹn hai bên tả hữu; quân khinh vệ đánh đàng trước; như thấy quân địch rối loạn thì báo ngay cho trung quân tiếp chiến.
Không biết sông núi hiểm trở thì không thể hành quân. Có người hướng đạo, trước phải biết chỗ đi chỗ nghỉ, đường thẳng đường cong, thì mới có thể tiến binh; và nên đề phòng những loại hướng dẫn không thực. Đường nhỏ hẹp hiểm trở, núi cao trại lớn, mười người giữ nghìn người không qua được, nên trước sai người giả làm dân làng đi kiếm củi mà nhòm ngó, không có việc gì thì hãy đi qua cho mau.
Đi qua những nơi quan sơn hiểm ải thì sai du binh đi tiên phong trước, lên nơi cao nhất, trông khắp bốn mặt, sợ có quân giặc phục chặn. Như gần đó có rừng núi, cây cỏ um tùm, che kín người ngựa, phải xem xét, không có gì thì về báo chủ tướng ngay, sẽ theo thứ tự mà cho người ngựa qua. Trước hết cho quân bản bộ qua, sau cho đội quân thứ nhất qua, ở nơi rộng rãi đất bằng, sắp hàng đứng ở hai bên, rồi hậu đội theothứ tự mà qua. Đội thứ nhất đến trước bày hàng đứng, chờ chủ tướng qua, người ngựa sang hết, bấy giờ mới cho đội thứ nhất đi lên, theo thứ tự, cứ y hàng ngũ mà đi. Tiền đội đã được nghỉ nhiều, theo thứ tự mà đi trước, hậu đội không đến nỗi khổ sở vội vàng, nếu có giặc đến đánh thì cũng dễ đối phó.
Qua chỗ hiểm ải, không được kêu gọi ồn ào, sợ giặc nghe biết. Tuy là đi chóng, nhưng đội ngũvẫn đầu đuôi tiếp nhau, không đến nỗi đứt quãng.
Hành quân qua nơi hiểm mà tiền đội gặp ngựa giặc, tức thì sai người ngựa tiền đội đi chân mà chiếm lấy nơi cao phẳng, đứng yên đó, rồi truyền báo tin cho chủ tướng biết, lấy cờ trắng để tương ứng với hậu đội mà không sai người chạy về báo lại nữa. Nếu đàng trước có việc thì cũng truyền báo ngay như thế. Trong khi vội không nên rối động. Nếu người và ngựa không rối loạn thì ứng phó với địch cũng dễ.
Quân cưỡi ngựa trắng đi đường, cho cầm cờ năm sắc mỗi sắc một lá, cờ thêu một lá, phải định theo sắc của mỗi phương. Việc cần truyền báo thì cứ theo từng đội mà truyền như trên kia, lần lượt mở một lá cờ để ứng, truyền đến hậu đội. Như đàng trước gặp rừng lớn thì mở cờ xanh, gặp nước thì mở cờ đen, gặp binh mã thì mở cờ trắng, gặp núi hiểm thì mở cờ vàng, gặp khói lửa thì mở cò đỏ, gặp thành ấp thì mở cờ hoa, theo từng đội, lâm thời mà một sắc cờ để ứng, truyền đến người sau cho đều biết để phòng bị.
Các nơi đặt cờ không cho phạm với hiệu cờ của chủ tướng…
Quân đi qua sông, trước sai thủy thủ đi trước, thăm dò nông sâu thế nào. Như nước sâu mà không có bè, thì dùng mấy sợi dây thừng to buộc vào cây rừng ở hai bờ, hoặc là đóng cọc mà buộc chắc, khiến người vin dây mà lội sang sông. Gươm giáo thì cứ mười cái buộc làm một bó, ở chỗ cận tiện chặt tre gỗ làm mảng, dưới xếp gươm giáo, trên trải áo giáp, rồi dùng một cái dây thừng, xỏ vòng lớn vào dây, cho người sang sông trước đứng ở trên bờ mà kéo qua sông; hoặc có thể dùng chum to, buộc lại làm cái bè chum; hoặc là dùng da dê lột cả con làm cái túi da, thổi hơi vào trong rồi thắt các miệng túi lại, mỗi túi có thể trở 2 người; hay là dùng mấy túi buộc lại thành bè, cũng có thể trở người sang được. Đội ngũ qua sông y theo phép vượt núi vậy.
Quân đi chỗ bùn lầy rất sâu, người ngựa khó tiến, dùng cây cỏ rải trên mặt đường, sau dùng đất kho rải lên, rộng hẹp tùy thời, người ngựa đều có thể qua được.
Quân đi có xe vận tải, hay phải khuân vác các vật lương thảo nhẹ nặng, thì đều đi ở giữa đường, bị mưa thì dùng giáp đội yểm hộ, sợ bị hại lương thảo của ta.
Quân đi gặp nước mà lấy múc nấu cơm, nên sai người bị tội chết hay con vật sắp bỏ uống thử nước ấy trước xem, sợ có người thả thuốc độc vào, người ngựa uống có khi bị chết. Qua sông cũng thử như thế.
Đi đường bùn lầy, trước sai người thăm qua, sợ có thả chông gai và đào hố sâu ở trong bùn, hay có ngăn tháo nước ở thượng lưu. Ngày xưa người Man Di là Trí Cao1 thả chông ở trong bùn và Hàn Tín đã xẻ tháo nước ngăn mà chém Long Thư.
Thuyền sang sông lớn, trước hết sai người dò xét, sợ quân giặc trước dùi ngầm lỗ để làm chìm đắm quân ta.
Quân đi vào nơi rừng núi rậm rạp, phải đề phòng có phục binh. Trước nên chọn quân khỏe mạnh 2, 3 trăm người lẻn đi vào nơi hiểm trở không có phòng bị để chẹt giữ đường ra; lại chọn người mạnh dạn đi tìm tòi ở đường, hoặc từ ngọn cây hay núi cao sai người trông xa, biết rõ không có quân ẩn phục, thì chia binh trước sau để làm chiêu2, rồi sau mới cho xe cộ và những người già nhỏ đi trước, quân bộ kế tiến. Qua sông cũng như thế.
Quân đi, gặp rãnh hố rộng dăm ba trượng, người ngựa không thể qua được, thì sai trong quân mỗi người cầm một cái cọc gỗ và một bó cỏ hay củi, chuyền nhau lấp đi, thế thì có thể qua được ngay.
Răn sự tiết lộ. Phàm ra quân đi đánh dẹp, chỉ saithu nhặt hành trang, không cho biết sai đi nơi nào, sợ có kẻ gian dò thám cho giặc biết trước mà phòng bị, lại đánh chặn quân ta. Như muốn đi sang phía đông-nam để đánh úp giặc, thì giả nói là đi tây-bắc, khiến quân địch không thể phòng bị, để đánh bất ngờ.
Cẩn thận việc đi. Nếu giặc ở ngoài 30 dặm, phàm qua nơi hiểm trở, báo truyền lại xin cho quân qua hiểm, báo xong, trước cho gia đinh và tinh binh ở trung quân chạy đến chỗ hiểm để mai phục, xong thì cử hiệu pháo một tiếng, đánh trống, cho binh sĩ qua hiểm. Phàm hành binh thì trung quân ủy riêng một viên quan biết rõ đích xác, cùng đi với quân tiền tiên, cấp cho một số cờ ngũ phương. Có việc thì mở cờ ra, gặp rừng cây mở cờ xanh, gặp sông chằm mở cờ đen, gặp binh ngựa mở cờ trắng, gặp núi hiểm mở cờ vàng, gặp khói lửa mở cờ đỏ, qua các vật thấy đó rồi thì cuốn cờ lại. Phàm chiêu dao3, như đường có thể đi một hàng một thì dựng một lá, hàng đôi thì dựng hai lá hay đi hàng ba thì dựng ba lá, đi hàng bốn thì bốn lá, ở chỗ dinh đi được thì mở năm lá. Hậu đội miệng truyền dần ở trước là sắc cờ gì, chiêu gì. Trung quân nổ ngay pháo hiệu đổi dinh và chuẩn bị hiệu lệnh.
Dẹp đường trước. Quân đi qua đâu thì báo trước cho nhân dân sở tại, bốn mặt đều cách 3 dặm, cấm tuyệt người và súc vật; xe thuyền trên cạn dưới nước đều phải sửa soạn. Ngu hậu4 và du binh hẹn cho địa giới quân đi qua trước 20 dặm phải dẹp đường.
Dẹp hàng ngũ. Đội ngũ hành dinh lúc đi đường cần phải minh bạch nghiêm túc. Nhưng có khi bày hàng không đều, thò sau, thụt trước, thưa dày khác nhau đứt quãng không liền, đi rảo rối loạn, tự bỏ đội ngũ, đánh trống không đi, nghe chiêng không dừng, hạ cờ không nấp xuống, cất cờ không đứng dậy, mở cờ không tiếp, được lệnh không truyền, truyền lệnh không rõ, đường sá nghẽn tắc, nói cười ồn ào, đều phải trị bằng quân pháp, lâm địch thì chém ngay.
________________________________
1. Tức là Nùng Trí Cao.2. Làm chiêu, tức là chia binh và cờ ở dọc đường để dùng hiệu cờ mà báo tin cho nhau.
3. Chiêu dao, nghĩa đen là gọi và vẫy, ở đây là dùng hiệu cờ để báo tin cho người đi sau4. Lính đi tuần.
Thu nuôi lính ốm. Phàm quân đi, gặp có người hay ngựa bị ốm,không thể đi được, khi lên đường thì bẩm chủ tướng ngay, cấp cho tín phiếu, cho sai người áp đưa đến thành quách phủ châu huyện dinh trại đồn sở ở địa phương gần đấy nhận về điều trị, đồng thời có những người quen biết của người ốm ở trong hàng ngũ thì lưu lại 2, 3 tên để chờ người ốm. Những người lưu lại đó trông coi thuốc thang, bệnh khỏi thì đưa ngay về bản dinh. Địa phương ấy phải làm tờ cam kết tra xét bệnh tình đã khỏi. Như bệnh khỏi mà không đưa về bản dinh thì sở tại bị lấy luật hậu kì (trễ kì hạn) mà xử. Nếu có người chết ở chỗ hành quân, thì bản đội ngũ đào mộ mà chôn, rồi lập tiêu chí, tướng lãnh đem các đầu mục đưa thức ăn uống đem theo đến cúng. Làm trái thì xử theo luật cố khí1. Xong việc sẽ trở lại lấy đem về.
Cẩn thận đồ rơi. Phàm quân đi ở đường, có đồ khí giới, đồ vật sót mất, ai trông thấy thì thu nhặt ngay, đem về nơi đóng ngủ đưa cho quân, gọi người đến nhận lãnh, người mất của và người được của sẽ chiếu cách thưởng phạt; ai ẩn giấu không báo thì trị tội; cũng không được đưa riêng cho nhau.
Gặp vật quái dị. Quân đi gặp thấy chim muông kì dị, thần quỷ quái vật vào trong dinh lũy, hay là bắt được, thì phải đợi báo cho chủ tướng. Nếu không báo mà tự quyền bày ra, họp chúng làm rầm rĩ lên, đều chiếu phép quân trong lúc lâm trận mà xử.
Hiểu rõ quân cơ. Phàm có người báo tin, hay quan và binh nghe được tin tức của giặc, đều không cho đón chặn ở giữa đường mà hỏi đáp nhau, phải ngậm miệng đi chóng đến chỗ chủ tướng mà bày tỏ, khi cho được tuyên bố với quân chúng thì mới có thể nói với các quan bả tổng2. Nếu trước khi gặp chủ tướng mà dám ở giữa đường nhân có người hỏi mà nói ra, dù chỉ một người biết trước chủ tướng cũng coi là tiết lậu quân cơ, người hỏi người đáp đều xử theoquân pháp. Cho đến cả đối với các tổng tiêu3 và bè bạn trong bản dinh cũng không cho tiết lộ trước. Lại hoặc có người biết sau chủ tướng, đã được dặn dò không cho truyền nói nữa, không cho tiết lậu nữa, mà còn dám cố hỏi, thì cho người bị hỏi bẩm lại, đều phải trị tội nặng cả.
Tập rèn mang nặng. Phàm quân đi đều phải mặc áo giáp đội mũ, cầm khí giới, ngõ hầu tới khi đánh địch thì mình nhẹ. Như đường xa trời nóng, được lệnh mới được thay đổi.
Chuẩn bị lương khô. Khi bình thường mỗi người lính đem 2 cân gạo, sao vàng 1 cân, giã nhỏ làm bột 1 cân, bọc riêng 5 cáp, lấy 5 cáp dùng dầu thơm làm bánh hấp chín, 5 cáp dùng rượu ngon tẩm phơi khô, khi nào tẩm không thấm nữa mới thôi, nghiền nhỏ bọc riêng, 5 cáp dùng muối hòa dấm tẩm phơi, cũng không thấy thấm nữa mới thôi, nghiền nhỏ, bọc riêng. Trong khi hành quân, không bị giặc vây rất khẩn thì không cho dùng, ra quân phải mang theo, quên đeo thì cũng bị tội như mất binh khí.
Định dặm đường. Quân đi 30 dặm vào cõi khác, càng gần với giặc, nếu chợt gặp giặc, thì quân có thể đánh không hại gì, vì gân sức chưa suy. Nếu như vượt đường xa, người ngựa mệt mỏi mà thình lình gặp giặc, mười người không địch nổi một người, thì nên bố trí nghỉ ngơi như không có việc, thì mới có thể giao phong được. Phàm từ giờ dần đến giờ tuất, mỗi ngày đi được 60 dặm, cứ 10 dặm thì lại tề chỉnh nghỉ ngơi, 30 dặm thì họp lại ăn lương khô.
Đi đường núi hiểm. Núi sâu đường hiểm, ngựa không được đi cùng hàng, người không được đi liền vai, sợ có quân phục của địch ở nơi đường hiểm, hoặc xô vào trước ta hay xông vào giữa ta, hay chặn đứt sau ta. Dù có quân đi tuần ngựa thám thính, sợ có khi tìm xét không đến, quân địch đánh lúc ta không ngờ, hay là quân tuần ngựa thám nhầm sấn vào giữa nơi quân phục của địch, bị hãm ở đó, không kịp báo, nếu ta mạo hiểm mà tiến, muôn một gặp địch ở đường độc đạo, nó có phòng bị đợi ta không phòng bị, núi hiểm cách trở, đầu đuôi khó ứng viện nhau, trong khoảng trăm bước trước sau chẳng cứu được nhau, nếu không phòng bị trước thì làm thế nào được! Nay dùng phép “liên châu đảo quyển”4 hay thế “phi thiên ngô công”5. Đại ước: Nay quân ở dinh có 1.000 người, chia làm 10 đại tiêu, mỗi 100 người làm một tiêu, cứ trong mỗi tiêu thì dùng 2 lá cờ tiêu trưởng, 2 lá cờ trưởng hiệu, từ một tiêu bắt đầu đến 10 tiêu thì thôi. Tiêu thứ nhất đi trước đến quãng đường thứ nhất, ngựa thám báo quãng đường thứ nhất không có sự gì, tiêu thứ nhất xem tiêu binh đến trước cầm lá cờ sắc gì, tức thì ngả xuống theochữ định hàng ngũ là hình núi, thì chiếu hình ấy mà lập dinh, rồi lại cho ngựa tiến lên trước. Tiêu thứ hai lại lộn cuốn lên đoạn đường thứ hai ở trước, báo cũng như thế. Tiêu thứ hai lại xem tiêu binh cầm cờ sắc gì, chiếu hình mà lập dinh.Đến tiêu thứ ba, tiêu thứ tư, cho đến tiêu thứ mười cũng đều như thế. Nếu có tin báo có giặc, tức thì phải đem tiêu mình hơi lui về chỗ cửa đường ở giữa khoảng hai bên lập dinh của ta, nhằm thế bọc núi liền đồng mà lập trú dinh, thunhững lính tiêu và ngựa thám về yên bài để giết giặc. Như giặc ở giữa đánh ra thì hai bên núi đã có quân ta lập dinh trước, nó mở quân không được, sao dám đánh ở giữa! Như nó dám đến đánh giữa ta, thì hai bên núi ta ra quân giáp đánh. Nó đánh ở dinh tả thì dinh hữu ra quân cứu viện; nó đánh ở dinh hữu thì dinh tả ra quân cứu viện. Nó lui thì ta theo ngay sau. Dinh hậu lại như phun châu mà ra; lại tiếp nhau hạ dinh; đổi phiên nhau lui và đánh. Giặc mệt ta nghỉ. Thế thì giặc không có thể đến đàng trước để đánh ta được. Nếu giặc phục binh từ trung gian vụt dậy mà ra, thì quân ta hai đầu đóng ngay ở núi hiểm, các dinh trung gian của ta đều có thế liên châu, đánh tả thì hữu đến, đánh hữu thì tả đến. Quân ta ở trước chỗ đất cao để chờ địch, nó cũng không thể thi hành kế gì khéo hơn được. Quân ta trước đã lập dinh, hết thảy những địa lôi, bàn đinh, chông sắt, chông chà đều có thể bố trí được, mà hết thảy các súng ống đều quay ra ngoài để đợi địch đến. Lòng quân thống nhất, không dám chạy tán, tự thấy hành dinh như sao, đây đó làm viện cho nhau, tới đâu cũng là có nhà, người trông thấy đều tự hăng hái, còn sợ gì địch nữa. Quân địch muốn xông vào giữa ta cũng không thể làm gì được. Nếu địch chặn đứt sau ta, thì lấy lui làm tiến, quân tiêu sau quay làm quân tiêu trước, cuốn ngược mà quay về, địch cũng khó mà chạy được. Như gặp chốn sông lớn, đường hẹp thì ta nên trước cho quân canh giữ, há lại khinh tiến để cho không có đường về hay sao? Xét xưa nghiệm nay, trong cuộc hành quân để đánh trận hiểm, muôn điều không hơn thế được.
_________________________________
1. Bỏ người bạn cũ.2. Bả tổng là chức quan võ cao cấp ở bậc cuối cùng chỉ huy một dinh hay một ti (đời Minh).
3. Tổng tiêu là chức quan võ chỉ huy một tiêu.4. Như xâu ngọc lộn cuốn.
5. Như con rết bay lên trời.
*
* *
Vượt ngòi rãnh thì có cầu bay; sang sông lớn thì có đường Thiên hoàng. Nước thượng lưu xẻ xuống thì có biển Bột hải.
Phàm thế lực của ta ngang với thế lực của địch, thì chia quân làm ba nơi: tiền quân thì ở chỗ hào sâu lũy cao, dựng cờ đánh trống, phòng thủ cho bền chắc; hậu quân thì chứa lương cỏ, không cho địch biết là mình định đánh, cho quân nhuệ sĩ của ta ngầm úp ở trong, đánh vào lúc không ngờ, tức có thể thu công vạn toàn vậy. Hoặc sai tiền quân ta ngày ra khiêu chiến, quấy cho địch phải mệt nhọc, lại sai những người già yếu đánh trống qua lại, khi ở phía tả, khi ở phía hữu, làm cho nó phải nhọc, quân nó phải sợ. Sai quân cảm tử của ta, hoặc đánh ở trong, hoặc đánh ở ngoài, quân địch tất phải thua.
Phàm phép ra quân, trước hết cho đi dò xét ở xa, cách 200 dặm để biết địa thế và địch tình; lại đặt quân tiếp ứng ở sau ước 50 dặm. Như có sự khẩn cấp thì trước sau báo cho nhau.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top