Quyển I: V. Kén Luyện - VI. Quân Lễ - VII: Tuyển Người Làm Dưới Trướng


V – KÉN LUYỆN


Sách Võ kinh:

Võ vương hỏi: Đạo luyện quân là thế nào? – Thái công thưa: Trong quân có những người rất dũng lược, liều chết, không sợ đau đớn bị thương, họp thành một toán gọi là quân mạo nhẫn1. Có những người vọt xa nhảy cao, nhẹ chân chạy nhanh, họp lại thành một toán gọi là quân quán binh2. Có những người bầy tôi thất thế muốn lập lại công danh, họp lại một toán gọi là quân tử đấu3. Có những người là con em của tướng chết trận, muốn vì tướng mình mà trả thù, họp lại một toán gọi là quân căm thù. Có những người nghèo đói bực dọc muốn cho thỏa chí, họp làm một toán gọi là quân tất tử4.

Thái tôn hỏi: Gia-cát Lượng bảo rằng quân có tiết chế mà không có tướng tài cũng không thể thua được, mà quân không có tiết chế dù có tướng tài cũng không thể thắng. Trẫm ngờ lời bàn ấy không được thực đúng. – Tĩnh nói: Lời bàn của Võ hầu5 có tính chất khích động. Thần xét sách Tôn tử nói rằng: Dạy tập không rõ ràng, quan và quân không thường, bày binh ngang dọc, thế gọi là loạn. Từ xưa loạn quân tự thua không thể chép hết. Kể ra, dạy tập không rõ ràng, là nói sự huấn luyện không theo phép đời xưa; quan và quân không thường là nói tướng thần trao nhiệm không giữ chức lâu; loạn quân tự thua là nói tự mình tan vỡ chứ không phải bị địch đánh mà tan vỡ. Thế nên Võ hầu nói quân có tiết chế thì dù tướng tầm thường cũng chưa thua. Nếu quân tự loạn thì tuy tướng giỏi cũng nguy, còn ngờ gì nữa.

Thái tôn nói: Phép dạy tập thực là không thể bỏ qua. – Tĩnh nói: Dạy tập đúng phép, thì quân sĩ vui dùng; dạy tập không đúng phép thì dù sớm chiều đôn đốc cũng không ích gì. Thần vì thế mà chăm chắm theo phép xưa, đều đã chép thành đồ, ngõ hầu mới thành quân có tiết chế được.
_____________________________1. Mạo nhẫn: Xông liều vào chỗ nhọn sắc, tức quân cảm tử.2. Quán binh: Quân quen thạo.
3. Tử đấu: Đánh nhau đến chết.4. Tất tử: Quyết phải chết. – Sách Võ kinh trực giải, phần “Lục thao”, chương 53.
5. Tức Gia-cát Lượng, phong Vũ hương hầu.

Vua Thái Tôn nói: Trẫm cùng Lý Tích bàn binh pháp nhiều chỗ giống thuyết của khanh, nhưng Tích không xét xuất xứ. Khanh chế “Lục hoa trận pháp” do đâu mà ra? – Tĩnh nói: Thần căn cứ ở phép Bát Trận của Gia-cát Lượng, trận lớn bọc trận nhỏ, dinh lớn bọc dinh nhỏ, góc cạnh liền nhau, chỗ cong chỗ gãy đối nhau, phép xưa như thế, thần nhân đó mà vẽ đồ; cho nên ở ngoài thì vạch vuông, ở trong thì vòng tròn, mà thành “Lục hoa trận pháp”, tục gọi là thế. – Thái tôn nói: Trong tròn, ngoài vuông, là nghĩa gì? – Tĩnh nói: Vuông sinh ở bước, tròn sinh ở kỳ, vuông để bước được đúng, tròn để quanh được đều. Thế là số bước theo hình đất, đi quanh theo hình tròn. Bước đúng, quanh đều. thì biến hóa không rối. Bát trận là phép cũ của Võ hầu vậy. – Thái tôn nói: Vẽ vuông để xem phép bước, vẽ tròn để xem phép binh khí. Bước là phép dạy chân, binh [khí] là phép dạy tay, tay chân tiện lợi, thế là được quá nửa công việc. – Tĩnh nói: Ngô Khởi có nói: Dứt mà không lìa, lùi mà không tan, đó là phép bước vậy. Dạy quân sĩ cũng như bày con cờ trên bàn cờ, nều không vạch đường thì con cờ dùng sao được? Tôn tử nói: Đất sinh ra đo, đo sinh ra lường, lường sinh ra số, số sinh ra cân, cân sinh ra thắng. Cho nên quân thắng như lấy dật (nén) mà cân với thù1, quân bại như lấy thù mà cân với dật. Đều bắt đầu tự đo lường vuông tròn cả. – Thái tôn nói: Lời nói của Tôn tử sâu sắc lắm, không đo đất xem xa gần, xem hình rộng hẹp, thì lấy gì mà chế được tiết. – Tĩnh nói: Người tướng tầm thường ít biết được tiết. Người đánh giỏi thì thế hiểm mà tiết liền. Thế ví như dương nỏ, tiết ví như phát nẩy nỏ. Thần trình bày thuật như sau: Phàm lập đội, đều cách nhau 10 bước, đội trú cách đội sư 20 bước, Cứ cách một đội thì dựng một đội chiến. Tiến thì 50 bước làm một tiết. Khi thổi một tiếng tù và thì các đội đều tan ra, đứng ở trong vòng 10 bước. Đến tiếng tù và thứ tư, thì lồng thương mà ngồi quỳ xuống. Bấy giờ đánh trống, cứ 3 tiếng trống thì 3 tiếng dạ, đi từ 30 đến 50 bước, để chế thế biến của địch. Quân ngựa theo sau tiến ra, cũng đi 50 bước, rồi đến lúc thì dừng lại. Quân chính dừng trước, quân kì dừng sau. Xem tình hình địch thế nào, lại nổi hiệu trống để đổi dùng quân kì trước dùng quân chính sau để đón địch đến, tìm chỗ sơ hở mà đánh. Đó là trận pháp “Lục hoa”, đại khái đều thế2.

Thái tôn nói: Năm lá cờ máu ngũ phương làm chính ư? Vẫy cờ phan vào đánh làm kỳ ư? Khi phân khi hợp thay đổi nhau thì số đội làm sao cho đúng được? -Tĩnh nói: Thần tham dùng phép xưa; hễ 3 đội hợp lại thì cờ dựa nhau mà không giao nhau, 5 đột hợp lại thì 2 cờ giao nhau, 10 đội hợp lại thì 5 cờ giao nhau. Khi thổi tù và và mở 5 lá cờ giao nhau ra thì một đội tản ra làm 10; mở 2 lá cờ giao nhau thì một đội tản ra làm 5; mở cờ dựa nhau không giao nhau thì một đội lại tản làm 3. Quân tản thì lấy hợp làm kỳ, quân hợp thì lấy tản làm kỳ. Ra lệnh 3 lần, trình 5 lần, tan 3 lần, hợp 5 lần thì lại trở về chính. Thế thì phép bốn đầu tám đuôi3 có thể dạy được. Đó là điều đội pháp lên làm. 

Thái tôn khen phải. 

Thái tôn nói: Sách Thái công chép rằng: Đất vuông hoặc 600 bước, hoặc 60 bước để nêu rõ 12 vị trí địa chi, phép ấy làm như thế nào? - Tĩnh nói: Vạch đất vuông 2.200 bước theo hình khai phương, mỗi bộ chiếm 20 bước vuông đất, chiều ngang cứ 5 bước đứng một người, chiều dọc cứ 4 bước đứng một người, gồm là 2.500 người, chia làm 5 phương, để bốn chỗ đất không gọi là chứa trận ở trong trận vậy. Khi Võ vương đánh Trụ, quân Hổ bí đều cầm 3.000 người, mỗi trận4có 6.000 người, cộng là 30.000 quân. Đó là phép vạch đất của Thái công vậy. - Thái tôn nói: Phép “Lục hoa trận” của khanh, thì vạch đất bao nhiêu? - Tĩnh nói: Xét cả khu đất này vuông 1.300 bước, nghĩa là sáu trận, đều chiếm đất 400 bước, chia làm hai hướng đông và tây để đất không 1.200 bước làm nơi dạy đánh. Thần từng dạy 30.000 người, mỗi trận 5.000 người, lấy một trận làm nơi đóng đinh, còn 5 trận thì theo hình trận vuông, tròn, cong, thẳng, nhọn, mỗi trận năm lần biến, phàm 25 lần trở lên. - Thái tôn nói: Trận “Ngũ bành” là thế nào? - Tĩnh nói: Vốn nhân theo màu sắc của năm phương mà đặt tên ấy. Còn vuông, tròn, cong, thẳng, nhọn là do địa hình mà làm. Phàm quân mà không quen tập năm cái ấy thì đánh giặc làm sao được? Binh là nghề biến trá, cho nên tạm gọi tên là Ngũ hành để mượn cải nghĩa thuật số tương sinh tương khắc mà tô điểm thêm. Thực ra thì tượng của binh là nước, tùy theo địa thế mà chảy. chính là ý ấy5
___________________________1. Thù là 1 phần 24 của lạng.2.Dịch theo Võ kinh trực giải quốc ngữ ca.
3. Bốn đầu tám đuôi là phép Bát trận đồ.4. Cả thảy 5 trận.
5. Trở lên, đoạn Thái tôn hỏi Lý Tĩnh đáp là chép ở sách Võ kinh trực giải, phần “Lý Vệ công vấn đối”.

*
*   *

Sách Ngô tử: 

Phàm người ta thường chết vì không hay, bị thua vì điều mình không giỏi, cho nên phép dùng binh phải lấy sự dạy răn làm trước. Một người học chiến1 dạy thành mười người, mười người học chiến dạy thành trăm người, trăm người học chiến dạy thành nghìn người, nghìn người học chiến dạy thành vạn người, vạn người học chiến dạy bành ba quân. Lấy gần đợi xa, lấy nhàn đợi nhọc, lấy no đợi đói; tròn mà chợt vuông, ngồi mà chợt chạy, đi mà chợt dừng, tả mà chợt hữu, trước mà chợt sau, chia mà chợt hợp, thắt mà chợt cởi, mỗi một cách biến đều phải tập rồi mới trao cho cầm binh. Đó gọi là việc của người làm tướng2.

*
*   *

Sách Kinh thế: 

Binh lính ngày thường đắm ở nơi yên ổn, không tập khó nhọc, nay nghĩ chữa tính trễ biếng ấy, rèn luyện gân cốt cho cứng rắn, thì không gì bằng dạy cho một phép đi vây. Xét ra từ trước đến nay các đốc phủ, đề trấn ở trực tỉnh đều có lệ đi vây cả: Mỗi năm ở trong buổi mùa thu mùa đông thì cử hành 2, 3 lần để tập quen khó nhọc, mà cổ động sĩ khí, phép ấy hay lắm. Thần trước ở dinh Đề đốc Tứ-xuyên cũng đã từng làm, rất là có ích. Đến nay hơn 30 năm, không những chưa hề cử hành, mà nếu đem phép đi vây hỏi bọn thuộc viên thì cũng mù mịt không biết gì, thực phép chỉnh đốn quân đội không phải như thế. Thần chịu ơn đặc biệt của Hoàng thượng giao cho việc trọng ở chốn biên cương, phàm việc có ích cho võ bị không điều gì là không hết lòng trù hoạch, mong được thực hiện. Nay thần định trong ba tháng mùa đông năm nay, việc làm ruộng đã xong, xét theo lệ trước, ở miền sát Thành-đô, chọn một nơi không gần ruộng vườn, dựa kề gò núi, rộng không quá 100 dặm, dẫn quan binh đến để đi vây săn. Trong mấy ngày đi về sẽ tự làm việc huấn luyện, dạy cho phương chia hợp tiến lui và phép đóng đinh đỗ ngủ, để cho cưỡi ngựa rong ruổi, quen việc kỵ xạ, quân bộ thì đuổi chạy ngoài đồng nội, rèn lấy sức chân. Trước ngày thì nhắc rõ hiệu lệnh, nghiêm buộc quân lính, không cho rối động, cốt khiến binh dân cùng giữ yên. Tập rèn như thế mỗi năm ba lần, lấy làm lệ thường, thì binh lính quen việc khó nhọc, rồi hẳn ngày tinh mạnh, kỵ binh bộ binh, kỹ nghệ tự nhiên thuần thục. Lại khiến tập biết phép phân hợp tiến lui, và phép lập dinh đỗ ngủ. Binh và ngựa sẽ khỏe mà có tiết độ, hàng trận sẽ được chỉnh tề. Đối với dinh ngũ các tỉnh biên thùy rất là có ích. 

Giáo lệnh của quân: Chia dinh định trận, có ai tiến lui trái lệnh thì ghép vào tội phạm giáo; hàng trước thì hàng trước dạy, hàng sau thì hàng sau dạy, hàng tả thì hàng tả dạy, hàng hữu thì hàng hữu dạy, giáo cử 5 người, ai đứng đầu là có thưởng. Người nào không dạy thì cũng tội như người phạm giáo, phải đi quanh dưới đất để tự nêu tội với hàng ngũ; trong hàng ngũ người nào tự đứng ra nêu tội thì cho miễn tội. 

Phàm một ngũ ra trận, nếu có một người không tiến ra liều chết với địch, thì người dạy cũng bị tội như người phạm pháp. 

Phàm thập phải giữ cả thập, nếu mất một người mà 9 người không liều chết với địch, thì người dạy cũng tội như người phạm pháp. Từ thập trở lên cho đến tì tướng, có kẻ nào không theo pháp lệnh thì người dạy cũng tội như người phạm pháp. 

Người ngũ trưởng dạy 4 người, lấy miếng ván làm trống, lấy mảnh sành làm chiêng, lấy gậy làm cờ; đánh trống thì tiến, phất cờ thì bước nhanh, đánh chiêng thì lùi, vẫy sang tả thì sang tả, vẫy sang hữu thì sang hữu, chiêng trống đồng đánh thì người xuồng. Ngũ trưởng dạy xong, hợp lên tốt trưởng; tốt trưởng dạy xong, hợp lên bá trưởng; bá trưởng dạy xong, hợp lên binh úy; binh úy dạy xong, hợp lên tì tướng; tì tướng dạy xong, hợp lên đại tướng; đại tướng dạy xong, bày trận ở giữa nội. Đặt nêu lớn cách 300 bước một cái. Bày trận xong thì bỏ nêu đi, cứ 100 bước đi thong thả, 100 bước rảo mau, 100 bước chạy bay. Tập đánh cho thành tiết, theo đó mà thưởng phạt. 
____________________________1. Học chiến: Học phép đánh trận.2. Ngô tử, thiên IV.

*
*   *

Sách Võ kinh: 

Đờì xưa dạy dân, phải lập đấng bậc sang hèn, khiến không lấn nhau; đức nghĩa không vượt qua nhau, tài nghệ không che lấp nhau, sức mạnh không xâm phạm nhau, cho nên phương hướng cùng theo mà ý hòa hợp. Đời xưa pháp luật của nước không đem dùng với quân, mà kỷ luật của quân không đem dùng với nước, cho nên sức không bao giờ vượt nhau. 

Phàm trống, có trống đi với trống, có trống đi với cờ, trống đi với xe, trống đi với ngựa, trống đi theo, trống đi với binh khí, trống ở đầu, trống ở chân, đó là bảy thứ trống, phải gồm cho đủ. 

Phàm quân nhiều cũng như ít, quân thắng cũng như không. Binh khí không bảo là sắc, áo giáp không bảo là bền, xe không bảo là vững, ngựa không bảo là tốt, quân không tự cho là nhiều, thế cũng chưa nắm được đạo. 

Phong. Ở ngoài tám trận Thiên Địa Phong Vân Long Hổ Điểu Xà ra, lại lập chín quân, chia làm sức xung phong của trận: 

1. Thân quân là những người trai tráng trong làng, tôi tớ trong nhà để hộ vệ đại tướng. 

2. Phẫn quàn là quân phục thù chuộc tội, nguyện đi hàng đầu. 

3. Thủy quân là quân có thể xông pha sóng gió, cướp lái lật thuyền. 

4. Hỏa quân là quân có thể phóng hỏa cầu hỏa lôi từ xa tới trận địa. 

5. Cung nỗ quân là quân có thể nấp ở dương cung, muôn tên đều bắn, chống địch ở ngoài trăm bước. 

6. Xung quân là quân sức lay núi non, khí vung cờ xí, có thể hãm trận bắt giặc. 

7. Kỵ quân là quân khỏe mạnh phi thường, bay chạy ở trong khoảng hai hàng trận, đuổi đánh đến nơi xa xôi. 

8. Xa quân là quân sức vóc nhanh nhẹn, tiến thì không sợ tên đạn, lui thì ngăn được ngựa chạy, khiến địch không thể xông đến được. 

9. Du quân là quân dò thăm tình hình - cơ nghi để giúp đỡ ba quân, cử động đều rất quan hệ, thoăn thoắt như vượn leo, sói tuột, rắn bò, chuột rúc, qua chỗ hiểm vượt chỗ sâu, trèo thành khoét vách. 

Trong chín quân ấy, thân quân thì hộ vệ ở trung quân, còn dư thì chia tám góc, góc nào thì ngăn giữ góc ấy, khi hợp thì đều tiến ra, lúc co lúc duỗi, khiến cho trong khoảng một trận như huyết mạch liền nhau, nhờ đó mà thông suốt được.

Kết. Ba quân đông đúc, duy hiệp theo từng người mà cố kết thôi. Người trí thì cho được phát triển; người dũng thì cho được dùng sức; ai có lòng muốn thì cho được thỏa; ai bất khuất thì cho vươn lên, cho hả được giận, cho trả được thù. Thấy người đau ốm cũng như mình đau ốm; giết kẻ có tội thì lòng không nỡ; người có công thì dù nhỏ cũng thưởng; người đắc lực thì ban thưởng cho nhiều; được gì thì chia đều; làm vất vả thì đãi hậu; thành thực yêu quân chúng; bắt địch ít giết hại. Được như thế, chẳng những ba quân thấy vẫy cờ là theo, mà khắp thiên hạ cũng nghe tiếng là theo về. 

Ngự. Việc binh không phải là việc lành. Tài lợi cũng dùng, tài hại cũng dùng; người võ thì hay giết, người dũng thì hay ác, người trí thì hay dối trá, người mưu thì hay tàn nhẫn, việc binh không bỏ sót người võ, người dũng, người trí, người mưu, tức là không bỏ sót người hay giết, người độc ác, người dối trá, người tàn nhẫn. Cho nên khéo chế ngự thì dùng lấy tài năng mà bỏ điều hung ác, thu điều ích mà ngăn điều tổn. Thế thì thiên hạ không ai là không tài; quân thù cũng có thể vời được; quân giặc cũng có thể vỗ về; trộm cướp cũng có thể dùng; cho đến kẻ dám khinh nhờn pháp luật, bỏ đi theo địch, cũng đều có thể sai khiến được. 

Luyện. Ý phấn khởi mà sức nhút nhát, ấy là người khí suy; sức khỏe thừa mà lòng sợ sệt, ấy là người mật vỡ, khí suy mật vỡ thì trí dũng hết mà không thể dùng được. Cho nên cần phải lập thế để mà luyện khí, khinh thắng để mà luyện mật, bày lòng để mà luyện tình, thống nhất phép dạy để mà luyện trận. 

Lệ. Cái phép khuyến khích quân sĩ, đừng cậy ở pháp lệnh. Cho danh thì kẻ cứng mạnh cũng phấn khởi; dụ lợi thì người nhẫn nghị cũng phấn khởi; bị hãm vào chỗ nguy, nếu lấy thuật mà lừa thì người nhu nhược cũng phấn khởi: Tướng hay dùng cả ân uy thì ai nấy đều hiệp, chước gì cũng nên, sĩ tốt trong ba quân, ai cũng như hùm bay rồng uốn, gặp địch là đánh được. Nếu lại lập thế đề giúp uy, đủ tiết để hộ khí, thì dù thua cũng chẳng nhụt được khí, dù nguy cũng chẳng núng được lòng; thế thì lại không người nào và không lúc nào mà không khiến phấn khởi được. 

Lặc. Kìm ngựa thì phải dùng dàm khóa, kìm binh thì phải dùng pháp lệnh. Cho nên người lấy được thiên hạ không bỏ phép. Nhưng ơn nặng cũng có thể thi hành trừng phạt; trừng phạt thi hành rồi sau mới có uy. Thế nên người giỏi dụng binh, lấy sự được mất mà làm công tội, rõ sự đánh chạy để mà cưu thương. Giết một người mà mọi người sợ; giết kẻ nhát, chém kẻ thua, mà quân sĩ càng phắn khởi; đứng thì như núi, động thì như lở, khiến quân sĩ không dám khinh pháp lệnh, cho nên chỉ có được mà không có thua. 

Tuất. Trời sinh ra nhân tài rất là khó. Kẻ sĩ tri mưu, mang trách nhiệm giúp mà không thấy được dùng, muốn đi với địch thì ta chống. Kẻ làm tướng phải mở rộng lòng mà hỏi han, không để cho người ta không được tri ngộ. Đó là một điều thương kẻ sĩ. Những kẻ sĩ mang giáp trụ, phơi sương nằm nội, chịu đói chịu rét, đau đớn thân thể mà không kêu khổ, trải bao khó khăn mà không kêu nhọc. Cho nên người giỏi dùng binh không để cho họ bị hãm với địch và không giết càn. Đó là hai điều thương kẻ sĩ. 

Nhuệ. Nuôi uy quý ở ngày thường; xem biến quý ở mưu trí. Hai quân sát nhau, một tiếng hô mà phấn khí lên, chỉ là có nhuệ khí mà thôi. Mọi người không dám ra mà mình dám ra là nhuệ. Quân địch đông xông lại, mình ít mà dám xông ra là nhuệ. Ra vào giữa quân địch, đi lại xông pha là nhuệ. Làm mạnh, làm khỏe, dũng cảm mãnh liệt là nhuệ. Như gió, như mưa, như non lay núi lở là nhuệ. Tướng vụt mà tiến lên, quân ùa mà xông vào, quân và tướng đều là nhuệ cả. Chỉ nhuệ không thì vấp ngã, không nhuệ thì suy. Có mưu trí mà chu tất, phát ra mà thu lại được, thì nhuệ hay vô cùng. 

Trận. Nói về trận, thì có vài mươi nhà, ta gồm hết mà tóm lại. Hình trận dáng như chữ nhân 人 gọi tên là Nhân trận. Thuận cũng là chữ nhân, nghịch cũng là chữ nhân, tiến cũng là chữ nhân, thoái cũng là chữ nhân, hợp lại cộng làm một người, tan ra cũng làm một người. Một người làm một trận, nghìn muôn người sống làm một trận, nghìn muôn người hợp làm một trận, nghìn muôn người động làm một người. Nhuệ binh ở trước, trọng binh ở sau, phong quân để xông mà du quân để đi quanh. Ở trong chia làm âm, dương, hư, thực, đương, thụ, xả, xung1, khi bay, khi nấp, khi thổ, khi nạp2, khi động, khi tĩnh, khi nhóm, khi trương. Đấu mà không thể loạn, lùi thì dựa nhau, không dựa thì nguy. Người không tự loạn, loạn thì chỉnh ngay; người có thể tự dựa và phải dựa người, loạn làm sao được? Cao cao thấp thấp tùy theo thế, dài ngắn rộng hẹp biến theo hình. Trận chữ nhân thật thần vậy. 
_____________________________1. Đương, thụ, xả, xung: lúc chống giặc, lúc chịu giặc, lúc bỏ, lúc xông.2. Khi thổ, khi nạp: Khi nhả ra, khi nuốt vào.

VI - QUÂN LỄ
Phụ: Thưởng phạt.

Trị quân phải theo lễ, mà quyền bính ở mình. 

Trị quân mà đối với người trẻ người lớn đều có lễ, thì biết là người đủ làm được việc. Trị quân mà không theo lễ, thì tướng nhỏ có thể lấn được tướng súy, tướng súy có thể lấn được thiên tử, họa loạn do đó mà sinh ra. Quyền lớn không thể không ở mình được, nếu quyền dời xuống người dưới, trên dưới thế ngang nhau, trên không sai khiến được dưới, dưới không bẩm báo lên trên, đó là quyền lớn không ở mình vậy. Thời Hậu Đường quân sĩ giết tiết độ sứ, rồi nhân lấy chức của người bị giết ấy mà trao cho. Gần đây như họ Trịnh mất quyền thống ngự, quân sĩ sinh kiêu1, đến nỗi loạn vong, thì cũng giống thế. 

Tuốt gươm đứng dậy, giết trâu khao quân để yên ủi khuyến miễn, thì sĩ khí phấn khởi lên nhiều. 

Nên trọng thưởng ở nơi biên cảnh. Khi quân Di Địch lấn cõi, bọn đại gian thì mưu can phạm đạo thường, bề tôi giỏi thì vâng mệnh đi đánh để giữ vương quốc, siêng việc vua mà lập công lớn. Binh pháp nói: công lao không việc nhỏ nào mà không chép để thưởng. 

Ở quân thì đi đứng cứng cáp; khi đi mau thì quả quyết; mặc binh phục thì không lạy; ngồi xe binh thì không chào; qua cửa thành không rảo bước; gặp việc nguy không nhường ai. Cho nên lễ với pháp là ngoài với trong, văn với võ là tả với hữu2

Khi xe vua đến, tôi con nên giết trâu lọc rượu để đãi trăm quan, há dám đem quân giặc mà biếu cho vua cha đâu? 

Quân (đi thú) đi sau tướng lại3 mà đến sau chỗ đại tướng một ngày thì cha mẹ vợ con cùng bị tội hết4; quân trốn về nhà một ngày mà cha mẹ vợ con không bắt hay nói ra thì cũng đồng tội. Đánh trận mà quân sĩ bỏ trốn và tướng lại bỏ sĩ tốt mà chạy một mình thì đều chém. Lại trước bỏ quân mà thua chạy, sau lại hay chém được mà cướp nắm lấy quân thì thưởng. Ba quân đại chiến, nếu đại tướng chết mà quan lại đi theo 500 người trở lên không hay liều chết với địch được thì chém, những lính theo gần ở tả hữu đại tướng khi ra trận cũng đều chém hết; còn dư sĩ tốt nào có quân công thì đoạt một cấp, không có quân công thì đi thú ba năm. Đánh trận mà mất người trong ngũ và người trong ngũ chết mà không lấy được xác, thì các người đồng ngũ đều bị đoạt hết công, lấy được xác thì đều tha tội... Dùng phép mà ngăn cái tệ trốn về và cấm binh bỏ trốn, đó là điều thắng thứ nhất của quân. Thập và ngũ cùng liến nhau và khi chiến đấu quan binh cùng cứu nhau, đó là điều thắng thứ hai của quân. Tướng hay lập uy, quân giữ kỷ luật, hiệu lệnh thì tin, đánh giữ đều được, đó là điều thắng thứ ba của quân. 

Phép ra lệnh cấm quân sĩ5

Phụ: Thưởng phạt. 

Thái công nói: Tướng lấy việc giết được người lớn làm uy; thưởng cho người nhỏ thì sáng. Vì giết người quý trọng đương có quyền là hình gia lên trên hết, thưởng đến những kẻ chăn trâu, nuôi ngựa, nấu bếp là thưởng đến dưới cùng. Do đó mà uy tín của tướng có thể lập được. 

Quân chưa gần gũi mà đã trừng phạt thì họ không phục, không phục thì khó dùng; quân đã gần gũi mà không thi hành trừng phạt thì không thể dùng được. Cho nên khi ra lệnh thì dùng văn, mà thi hành thì dùng võ thế mới gọi là tất lấy được. Lệnh đó quen thi hành, đem ra dạy dân thì dân hẳn phục, đem dùng với quân thì cũng theo. 
________________________________1. Tức là loạn Kiêu binh đời Lê Cảnh Hưng ở nước ta.2. Đoạn này đã có chép ở trên chương “Tướng đạo”, dẫn lời Võ kinh.
3. Tướng lại: Tướng là người cầm quân, chỉ huy, lại là người giữ việc giấy má sổ sách trong quân.4. Đoạn này chép ở Võ kinh, chương 24 “Binh lệnh hạ”. Võ kinh trực giải quốc ngữ ca dịch câu này là: “Đi thú giữ sau tướng viên, một ngày thì cũng tội liền vợ con”.
5. Chương này chép ở Hổ trướng khu cơ, ở đây bỏ, xin xem Hổ trướng khu cơ ở sau.

VII – TUYỂN NGƯỜI LÀM VIỆC DƯỚI TRƯỚNG.

Sách Võ kinh: 

Thiên văn 2 người, giữ việc xem sao và xem lịch, xem gió, chọn ngày giờ, xét tai dị; địa lợi 2 người, tra xét hình thế lợi hại, xa gần, khó dễ; binh pháp 2 người, giảng bàn binh pháp, luyện tập quân sự; thư toán 4 người, biên ghi lương thực, quân số khí giới; y sĩ 2 người, điều trị cho quan và quân; du sĩ 5 người, phòng làm gián điệp tuần thám; từ trát 4 người, để thảo giấy tờ và việt chương tấu.

*
*   *

Sách Kinh thế: 

Sẵn quân mười vạn, nếu không có vài nghìn tử sĩ xông pha vào nơi hung hiểm thì không thề dùng kỳ1 được. Hành quân đi nghìn dặm, nếu không có vài lũ gián điệp xuất qủy nhập thần thì cũng không thể dùng kỳ được. Ta xem những nhà chuyên dùng kỳ, có người mưu sẵn đã thành mà lâm trận thì thua. Há chẳng phải là tử sĩ thì chỉ giúp tướng cao sang2, gián điệp chỉ là do trưởng công bằng sao! Động bằng ơn, kết bằng nghĩa, còn sợ không được, huống chi tướng không có chuyên quyền, mà lương không có để dùng lúc bất thần; trong hội đầu cơ, chớp mắt không kịp, tuy muốn dùng kỳ, nhưng không biết tự đâu mà dùng được. 

Nhà vua có chân tay tai mắt; đại tướng có lông cánh tán tương, cho nên quân đội dùng nhân tài, cũng ngang với triều đình. Có trí sĩ như tham mưu, hay tán hoạch, hay mưu lược, chủ dùng ở nơi màn trướng mà quyết định việc quân cơ, động có việc gì là hỏi; có dũng sĩ như kiêu tướng, hay kiện tướng, hay mãnh tướng, chủ việc quyết chiến để xung đột, dẫn quân tiến lên; có thân sĩ, như tướng riêng, như tướng cầm tay, như tướng nanh vuốt, chủ việc hộ vệ tả hữu, để mà tuyên lệnh và cầm nắm binh cơ; có thức sĩ, hiểu thế trận, biết biến hóa, xem khí tượng, nghiệm gió mưa, hiểu hết thế đất, rõ tình hình địch, xem xét những điều nhỏ nhặt, giữ việc tiến chỉ của cả quân; có văn sĩ biết suốt xưa nay, hiểu thấu nguồn gốc, giữ nghi tiết, rộng bàn bạc, thảo hịch viết sớ, sửa soạn từ chương; có thuật sĩ tính về thời nhật, xét lẽ âm dương, xem bói toán, giữ đi về, luyện mồi thuốc độc, khiến việc quyền nghi nên chăng, lợi mình hại giặc; có số sĩ, biết vận nước, đón cơ hội, nhằm đánh úp đặt phục, tính lương cỏ, chép vật dùng, ghi công trạng, giữ sổ quân, biên hết tài năng, tính sổ nhiều ít; có kỹ sĩ như kiếm khách, đâm tử sĩ, khinh trộm cắp, úp thuyết khách, xét gián điệp, khiến ra vào đồn địch, xem cơ mà đặt mưu; có nghệ sĩ, sáng chế đồ dùng, quy hoạch ngòi hồ, sửa đồ xấu hỏng, chế vật mới lạ, đảo lớn nhỏ, rút xa gần, đổi trên dưới, lật nặng nhẹ, theo phép cổ, soạn sách mới, trang bị binh vật, để chu toán việc đánh giữ. Ngoài ra còn có các tài khác, như kịch, như múa, như cười, như mắng, như hát, như nhảy, như vượt, như bay, như vẽ, như nấu nước uống, như nhuộm màu nhuộm bùn, như mượn đồ vật, như nhanh chân đi giỏi, tóm lại không sao kể hết tên được, nhưng đều là kỹ năng đủ dùng để làm việc và gỡ rối. Tất phải kén chọn tinh tế khiến mọi người đều giỏi việc mình phụ trách, để cho việc gì cũng có người chuyên, mà trong quân không có việc gì không làm được. Đến như hiến mưu định sách thì chẳng chọn người, thình lình mà gặp, tuy một người lính thường cũng cần nhấc lên, lời nói chỉ có tiến mà không cự tuyệt, dù chẳng hay cũng chẳng phạt, như thế thì người anh hùng đều về. Đó là hình tượng các ngôi sao trong vũ lâm vậy. Trời sinh ra người, khí trụ ở trong lòng thì trí tuệ, khí tan ra chân tay thì chất phác. Chất phác thì sức nhiều; trí tuệ thì yếu nhiều. Trí dũng đều gồm được thì đời ít có. Cho nên tài người nào có thể vượt một trăm người thì làm trưởng trăm người, vượt được một nghìn người thì làm trưởng nghìn người, vượt qua nghìn người thành một quân thì có thể đối phó cơ sự ở một mặt, có thể đảm đương sức chống ở một mặt, đủ làm trưởng cả quân. Quân có lúc có, thì tướng cần có thể dùng một mình, cho nên người khéo dùng tài thì những chức thiên tì3cũng đều là đại tướng cả. 
_______________________________1. Dùng binh lẻ.2. Tướng cao sang, có quyền lớn của nhiều để thưởng to nên người ta cam liều chết để lấy thưởng.
3. Thiên tì: Tức thiên tướng và tì tướng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top