Binh Tam Quoc

Ngoại truyện mà không phải là ngoại truyện, bài viết muốn bình luận về các yếu tố đã làm cho Tam Quốc Chí trở thành bộ tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn nhất của Trung Quốc, và cả sau này khi đã được chuyển thể thành phim. Bài viết lần này dành riêng cho thơ ca đề từ trong Tam Quốc diễn nghĩa

Tam Quốc diễn nghĩa chủ đề khúc:

Tam Quốc mở đầu bằng bài "Lâm Giang Tiên" mà Tử Vi Lang đã dịch như sau:

Sông dài cuồn cuộc ra khơi,

Anh hùng: sóng dập, cát vùi thiên thu...

Dở hay, thành bại nào đâu?

Bể dâu chớp mắt , nghoảnh đầu thành mơ !

Non xanh còn đó trơ trơ,

Tà dương lần lửa sưởi hơ ánh hồng.

Lão tiều gặp lại ngư ông,

Bên sông gió mát, trăng trong, kho trời.

Rượu vò lại rót khuyên mời ,

Cùng nhau lại kể chuyện thời xa xưa...

Kể ra biết mấy cho vừa?

Nói cười hỉ hả, say sưa quên đời...

Ca rằng: (chép theo trí nhớ người viết bài)

Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông

Sóng xô vùi dập hết anh hùng

Được, thua, thành, bại theo dòng nước,

Sừng sững cơ đồ bỗng tay không.

Non xanh nguyên vẻ cũ

Mấy độ bóng tà hồng

Bạn ngư tiều giãi dầu trên bãi

Vốn đã quen gió mắt trăng trong

Một vò rượu nếp vui gặp gỡ

Cuộc đời ta trong chén rượu đầy.

Còn đây là khúc ca kết thúc:

Lời rằng:

Đã mờ rồi ánh kiếm, ánh đao!

Lùi xa rồi tiếng loa, tiếng trống!

Vẫn rõ ràng sống động

Bao gương mặt anh hùng.

Con đường xưa ngập trong cát bụi

Thành quách xưa hóa thành hoang tàn.

Năm tháng oai hùng thành lịch sử

Bao chiến công, tên tuổi còn vang.

Mộng bá vương ai người quyết định?

Lẽ thịnh suy há chẳng có nguyên nhân?

Sự đời vần vũ như mây gió.

Đổi thời gian, đổi cả không gian.

Tụ tán nhờ có duyên.

Ly hợp vốn do tình.

Trả món nợ non sông trước mắt.

Mặc đời sau thiên hạ luận bình.

Nước Trường Giang hóa thành sông lệ.

Gió Trường Giang vang mãi bài ca.

Giữa bầu trời lịch sử.

Muôn triệu ánh sao sa.

Trong dân gian vạn thưở.

Ấy muôn triệu đóa hoa.

Thời kỳ lịch sử:

Lịch sử Trung Hoa đặt dấu mốc đầu tiên là thời vua Nghiêu, vua Thuấn; sau đó Thành Thang lập nên cơ nghiệp nhà Ân. Nhà Ân trải qua hơn 500 năm, cuối cùng mất trong tay Trụ Vương Ân Thọ do cũng vì đam mê tửu sắc. Câu chuyện Trụ Vương-Đắc Kỷ nhất định sẽ có dịp bàn luận khi nói tới Phong Thần Diễn Nghĩa của Hứa Trọng Lâm.

Nhà Ân mất, Châu Võ Vương được Khương Tử Nha phò tá lập nên nhà Châu, thiên hạ thái bình thịnh trị trong hơn 8 đời rồi cũng loạn lạc do cái loạn Khuyển Nhung mà mầm mống cũng vì Châu Tuyên Vương mê đắm Bao Tự mà ra. Nhà Châu suy yếu, 7 nước mạnh lên, lập nên thế cuộc Chiến Quốc trong suốt 873 năm - thời kỳ này có thể coi là thời kỳ nhiều biến động nhất của lịch sử Trung Hoa cổ và đã được Phùng Mộng Long chép lại qua Đông Chu Liệt Quốc. Ngoài ra, một tích truyện cũng rất đặc sắc thời này là truyện Bàng Quyên - Tôn Tẫn trong Phong Kiếm Xuân Thu của Tô Chẩn, chúng ta sẽ có dịp đề cập đến truyện này.

Trong 7 nước thời Chiến Quốc, Tần là nước mạnh nhất. Thủy Hoàng Đế với tài thao lược trị quốc đã gồm thâu 6 nước (Tề, Sở, Hàn, Triệu, Ngụy, Yên); thiên hạ tuy hết loạn can qua, nhưng Thủy Hoàng bạo ngược nên không được lòng dân. Nhà Tần mạnh vậy mà chỉ truyền được đến thời thứ hai thì mất. Cao Tổ Lưu Bang trong cuộc phân tranh đối đầu với Sở Bá Vương Hạng Vũ, vì khéo léo dùng người và tài mưu trí nhìn xa trông rộng, kèm theo Trương Lương, Hàn Tín, Tiêu Hà phù tá mà cuối cùng giành được giang sơn. Hán Sở tranh hùng do Mộng Bỉnh Sơn dịch đã chép lại chân thực và hấp dẫn câu chuyện đối đầu này.

Thiên hạ tan lâu lại hợp, nhưng hợp rồi ắt sẽ lại tan. Nhà Hán truyền được đến đời Hán Hiến Đế thì suy yếu; từ đây thiên hạ chia ba. Cái thế chân vạc Ngụy, Thục, Ngô được La Quán Trung xây dựng thành tiểu thuyết dã sử Tam Quốc diễn nghĩa chính là nhắm vào thời kỳ này. Sau này kèm theo lời bình của Mao Tôn Cương, Tam Quốc đã trở thành cuốn sách gối đầu cho bất cứ ai đam mê dã sử cùng hình tượng các nhân vật, trận đánh lịch sử.

Để không đi xa quá chủ đề về ca từ, bài viết xin đề cập đến 1 đoạn cổ nhạc trong phim Tam Quốc; đoạn cổ nhạc này là lúc Trương Thị hát trong trại Tào Tháo sau khi Tào Tháo bị Trương Tú đánh úp ở Uyển Thành mà mất Tào Ngang, Tào An Dân, cùng danh tướng Điển Vi. Bài hát đúng là khúc ca thê lương cho số phận con người thời loạn, cho dù anh hùng cũng phải rơi lệ; Tào Tháo mất Điển Vi như mất đi cánh tay, còn thương tiếc hơn con cháu chết trận

Tam Quốc lược ca:

Tam Quốc trăm nhân vật vạn con người sau cuối cũng được La Quán Trung khép lại bằng bài thơ có thể coi là tuyệt tác như sau:

Gươm Cao Tổ Hàm Dương thưở nọ,

Vầng phù tang soi đỏ góc trời.

Chân nhân bạch thủy nối ngôi,

Quạ vàng bay bổng tuyệt vời mây xanh

Vận suy bĩ thương tình Hiến Đế

Mảnh kim ô đã xế non đoài

Tiếc thay Hà Tiến vô tài

Gian thần Đồng Trác nắm ngôi triều đường

Vương Tư Đồ mưu toan quật khởi,

Đảng Dĩ, Thôi lại nổi đùng đùng.

Bốn phương trộm giặc như ong,

Ầm ầm sáu cõi anh hùng kéo ra.

Chí Tôn Sách đánh qua Giang Tả,

Cánh họ Viên giữ ngả Hà Lương

Ba Tây có gã Lưu Chương

Lưu Biểu chiếm giữ Kinh Tương xưng hùng.

Yên và Lỗ đóng vùng Nam Trịnh,

Toại cùng Đằng giữ tỉnh Hà Lương

Công Tôn Toản, Lã Ôn Hầu,

Nọ thành Trương Tú, kia lầu Khồng Dung.

Tào Tháo mới gian hùng quỷ quyệt

Khéo dùng mưu thu hết anh hào

Đường đường tướng phủ ngôi cao

Uy quyền hống hách ai nào dám đương.

Huyền Đức cùng Quan, Trương kết ngãi,

Thề cùng nhau đem lại sơn hà.

Chỉ thương bốn bể không nhà,

Nay đây mai đó lân la cõi trần.

Cầu Gia Cát ần cần quyến cố,

Giãi tấm lòng gắn bó nhỏ to.

Rồng bay hổ nhảy ganh đua,

Tây Xuyên gây dựng cơ đồ một nơi

Thành Bạch Đế mấy lời thấm thót,

Tình thác cô chua xót nhường nào.

Kỳ Sơn trỏ ngọn cờ đào,

Một tay mong chống trời cao nghìn trùng.

Ngờ đâu vận đã cùng khôn gượng,

Nửa đêm gò Ngũ Trượng sao sa.

Khương Duy cậy sức làm già,

Chín phen đánh Ngụy kể đà uổng công.

Đường vào Thục, Đặng, Chung kéo đến

Phận Viêm Lưu phút biến thành Tào.

Tào kia chằng được là bao,

Lại đem thiên hạ mà trao tay người.

Đền Thụ Thiện ngất trời mây phủ,

Sông Tam Giang sóng gió êm dòng.

Hàng vương xiết nỗi thẹn thùng,

Công hầu may cũng thong dong một đời.

Ngẫm thế sự cũng bời bời ngán nỗi,

Cuộc tang thương biến đổi khôn lường.

Tam phân một giấc mơ màng,

Viếng đời gọi có mấy hàng nôm na.

Hợp tan, tan hợp âu đó cũng là lẽ nhiệm màu của đất trời vậy

Tiếp theo bài trước, bài này xin mạn đàm về một vài nhân vật trong Tam Quốc diễn nghĩa. Xin mở đầu bằng 3 anh em Lưu Quan Trương:

Lưu Bị

Nhắc đến Lưu Bị chắc không ai mê được . Lưu Bị xuất thân có thể coi là bần hàn, dù là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh Vương nhưng xem ra không có cốt cách làm chúa thiên hạ; chả thế mà làm cho nhà Thục lẹt đẹt mãi không khá lên được. Vào buổi ban đầu, Lưu Bị kết nghĩa vườn đào với Quan Vân Trường và Trương Dực Đức có thể coi là việc làm lớn thứ nhất trong đời ông. Sau này, Huyền Đức tam cố thảo lư mời được Gia Cát Lượng ra giúp bình thiên hạ có thể coi là việc lớn thứ hai trong đời. Lúc này Lưu Bị đã 47 tuổi mà Khổng Minh mới có 27 tuổi. Việc lớn thứ ba Lưu Bị làm được chắc là cầm quân đánh Đông Ngô trả thù cho Quan Công mà cuối cùng tự đào hố chôn mình khi bị Lục Tốn hỏa thiêu liên doanh đánh cho tơi bời ở Di Lăng. Trước khi mất, Lưu Bị còn kịp trói buộc Khổng Minh vào lời ủy thác gửi con côi, có thể xem là việc lớn thứ tư trong đời. Lưu Bị đi đâu làm gì cũng đề cao tiết nghĩa hiếu trung nhưng xem ra không làm người ta kính phục; sở dĩ vẫn có người một lòng trung thành vì cái tình đối đãi chúa tôi mà thôi. Trong Tam Quốc Chí hồi 21, khi Tào Tháo uống rượu luận anh hùng cho rằng thiên hạ chỉ có Tào Tháo và Lưu Bị là anh hùng, Lưu Bị lại giật mình rơi đũa, sau mượn cớ vì tiếng sấm; có người làm thơ khen Lưu Bị nhanh trí, riêng người viết bài thấy sao mất hình tượng quá, thảo nào sau này cũng không làm anh hùng lâu được. Lưu Bị khi còn sống đã từng khen Quan Hưng, Trương Bào (con của Quan Công và Trương Phi) rằng "Hổ phụ đúng là không sinh ra cẩu tử"; tiếc thay con cháu Lưu Bị lại là loài cẩu tử. A Đẩu 2 lần thoát hiểm (1 là trận Tương Dương, Trường Bản; 2 là lúc Triệu Vân cướp về từ tay Tôn phu nhân) nhưng sau này cũng không làm nên trò trống gì, thật đáng tiếc lắm thay!

Quan Công

Vân Trường quê ở Giải Lương, Hà Đông; mới buổi đầu xuất hiện đã ra dáng anh hào, về sau này cũng được La Quán Trung dành nhiều ưu ái. Người đời coi Quan Công là biểu tượng cho lòng trung thành và trượng nghĩa. Hồ Chí Minh trong "Tức cảnh" cũng có câu thơ khen ngợi khí tiết Quan Vũ rằng:

Cánh lá khéo in hình Dực Đức

Vầng hồng sáng mãi dạ Quan Công

Quan Vũ buổi lập danh đánh giặc Khăn Vàng đã làm người đời kính nể; sau bất đắc dĩ theo về với Tào Tháo nhưng "thân tại Tào doanh, tâm tại Hán", ông vẫn luôn một lòng hướng về Lưu Bị. Bỏ vinh hoa phú quý, Quan Công rước 2 chị dâu đi tìm Lưu Bị; trong lúc nghỉ đêm ông lại ngồi ngoài gác cửa, biết trọng lễ nghĩa thật làm người ta kính phục. Cho đến sau này, nhớ cái ơn của Tào Tháo mà Quan Vũ vượt ra quân lệnh tha cho Tào Tháo ở ngõ Hoa Dung càng làm hình ảnh ông trở nên đáng kính hơn. Nhưng phàm ở đời, anh hùng có dũng ắt sẽ kiêu, Quan Vũ cũng không ngoại lệ. Người ta sau này còn phê phán Quan Vũ nhiều vì thói kiêu căng để đến nỗi mất mạng về tay Lã Tử Minh đồng thời làm mất Kinh Châu, làm lung lay gốc rễ nhà Thục.

Nhắc đến Quan Vũ chắc còn phải tán tụng mãi những tích như chém Nhan Lương, Văn Xú; Quá ngũ quan, trảm lục tướng (qua năm ải, chém sáu tướng); Cạo xương chữa thuốc cùng Hoa Đà; dâng nước ngập 7 đạo quân Tào rồi bắt sống Bàng Đức; sau này lại hiển thánh vật chết Lã Mông. Ngoài ra, giang hồ còn đồn đại tích truyện Quan Công dưới trăng chém Điêu Thuyền nhưng chỉ là truyện ngoài chính sử . Kỳ truyện kể rằng 3 anh em Lưu Quan Trương trừ được cái họa Lã Bố thì phải đối mặt với quyết định là làm gì với Điêu Thuyền, giết đi thì uổng quá vì nàng đẹp quá, nhưng cũng không ai lấy nàng làm thiếp được. Quan Vũ hiểu thấu tâm can những người trong cuộc, nhưng vì đại nghiệp không thể đi theo vết xe của Đồng Trác, Phụng Tiên được nữa nên phải dằn lòng mà giết Điêu Thuyền. Nhưng vẻ đẹp Điêu Thuyền quả thực là giáng phàm, Quan Vũ không thể nâng long đao lên được, bất giác buông rơi thanh uyển nguyệt. Đêm đó lại là đêm trăng, thanh long đao rơi xuống trúng vào cái bóng của Điêu Thuyền, ngờ đâu vì thế mà Điêu Thuyền cũng đầu lìa khỏi cổ. Mỹ nhân số một thời Hậu Hán đã bị chém như vậy đó! Truyện bịa đặt mà nghe sao như thật Phạm Văn Bân trong "Tứ đại mỹ nhân" có 1 kết cục khác cho Điêu Thuyền, theo ông:

"Sau khi thành Hạ Bì thất thủ, Lữ Bố bị Tào Tháo giết, không biết tông tích của Ðiêu Thuyền ở đâu cả. Nàng chính là con rồng thiêng, chỉ lộ cái đầu, cái mình với đời mà không cho đời sau biết cái đuôi mình ẩn đi đâu hết! Có thế danh tiếng mới khỏi bị tổn thương."

Hình tượng Quan Vũ sau này được thần thánh hóa lên quá nhiều đến mức sùng bái thờ phụng; nhưng có một sự thật rằng khí cốt oai phong của "ông mặt đỏ râu dài", tay cầm thanh đao uyển nguyệt, cưỡi ngựa xích thố dưới lá cờ chữ Quan là hình ảnh đẹp nhất trong Ngũ hổ tướng của nhà Thục thời Tam Quốc

Trương Phi

Dực Đức nước Yên buổi đầu chỉ là anh bán thịt ở Trác Quận nhưng đã thích kết giao hào kiệt; cho đến sau này, xuyên suốt trong Tam Quốc, Dực Đức có thể coi là người sống đúng với lòng mình nhất. Trương Phi sử dụng cây trượng "Bát điểm cương mâu", khi ra quân rất anh dũng. Chẳng thế đời sau đã vinh danh ông ngay sau trận mở màn với Trình Viễn Trí:

Anh hùng xuất trận buổi đầu tay,

Một thử xà mâu, một thử đao.

Khí tiết rạng ngời oai lực khét,

Chia ba thiên hạ rạng anh hào.

Trương Phi có lẽ được nhớ đến nhiều nhất qua trận Trường Bản với tiếng thét làm vỡ mật tướng Tào vẫn được truyền tụng mãi. Nhưng ngoài câu chuyện đó, người ta còn kính phục Trương Phi ở chữ trung và đức tính phục thiện. Tiêu biểu nhất là tích Hồi trống Cổ Thành khi Trương Phi thách Vân Trường trong 3 hồi trống chém chết tướng Tào. Hình ảnh Trương Phi "thẳng tay giục trống" sau này được khai thác rất nhiều trong các bộ phim dã sử và tuồng. Thế rồi ngay sau khi Quan Vũ một đao chém chết Sái Dương, Trương Phi không ngần ngại quỳ xuống xin anh tha tội. Trương Phi tuy kiêu dũng thiện chiến, sức mạnh hơn người nhưng bình sinh tính nóng như lửa, cũng vì thế mà sau này mạng vong bởi thủ hạ dưới quyền. Trương Phi chết rồi, tam anh chỉ còn một, chẳng trách Lưu Bị cũng không thọ lâu sau đó; Thục Hán suy từ đây.

Nhân bài viết trước đã nói về 3 anh em Lưu Quan Trương, bài này tiện đề cập đến các tướng Thục, mà đầu tiên là Gia Cát Khổng Minh.

Khổng Minh

Nhắc đến Tam Quốc mà không nói đến Khổng Minh thì quả là thiếu sót lớn. Khổng Minh đáng được coi là quân sư lỗi lạc nhất trong Tam Quốc Chí, đồng thời cũng là nhà chính trị, thiên văn, kỹ sư hàng đầu.

Sinh thời Ngọa Long vốn là bạch diện thư sinh, tuy có tài nghiêng thiên hạ nhưng không đầu quân theo chúa nào; thường tự ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị; nhưng theo ý Tư Mã Thủy Kính thì tài ông phải sánh với Tử Nha, Trương Lương khi xưa vậy!

Khổng Minh tự làm thơ ví mình:

Mộng lớn ai người sớm tỉnh ra?

Bình sinh ta vẫn biết mình ta.

Lều tranh no giấc, bừng con mắt!

Bóng ác ngoài song đã xế tà...

Lưu Bị khi cầu Gia Cát phải 3 lần thân đến lều tranh mới được diện kiến, Khổng Minh vốn đã không có ý ra nhưng vì Huyền Đức chân thành quá mà cuối cùng nhận lời. Truyện Tam Quốc hồi 38 cũng vinh danh Gia Cát:

chưa ra khỏi lều tranh mà đã dư biết "Thiên hạ chia ba" sau này. Thật là bật kỳ tài quán thế, vạn cổ chỉ có một không hai vậy.

Tuy nhiên, cuộc đời ông đúng như Tư Mã Huy đã than sau khi tiến cử ông cho Lưu Bị: "Gặp Chúa xong không gặp thời. Tiếc thay!"

Khổng Minh ra phò Lưu Bị, mở màn trận đánh đầu đời bằng thắng lợi Hỏa thiêu Tân Dã; sau đó trổ tài hùng biện đánh bại đám mưu sĩ Giang Đông; sau này lấy được Hán Trung nhờ thế mà Lưu Bị mới có thể đăng cơ làm Hán Trung Vương. Từ đây ông trở thành Gia Cát thừa tướng, tiếng tăm lẫy lừng. Nhưng thế cuộc đổi dời nhanh hơn dự kiến, liên tiếp thất bại của nhà Thục: Vân Trường trúng kế mất Kinh Châu, Trương Phi vong mạng vì nóng vội, Lưu Bị cũng thua về tay Lục Bá Ngôn; nhà Thục lung lay đến tận gốc rễ; Gia Cát Lượng từ đây phải lãnh một trọng trách lớn lao hơn là gánh vác giang sơn nhà Hán. Truyện chép khi Lưu Bị lâm chung có dặn Khổng Minh:

Như con trẫm đáng giúp thì giúp, bằng không hãy tự làm chúa mà giữ Thành Ðô !

Khổng Minh vừa nghe nói dứt, tay chân bủn rủn, khóc rằng :

- Tôi đâu chẳng lo giữ cái tiết trung quân cho đến chết!

Nói đoạn đập đầu đến tóe máu.

Có người cho rằng Khổng Minh ngu trung, ý kiến này không phải không có cơ sở, nhưng xét ra Gia Cát Vũ Hầu sở dĩ tiếng thơm truyền đến ngàn đời cũng là vì lòng trung trinh tiết nghĩa đến chết mới thôi của mình đối với sự nghiệp Thục Hán. Sau này, Gia Cát thân chinh 7 lần đánh Mạnh Hoạch, 6 lần ra Kỳ Sơn; không lần nào là không thi triển tài năng khiến đối phương nể phục, chế ra trâu gỗ ngựa máy, làm liên nỏ, lập Bát quái trận... đã mấy lần suýt thành đại nghiệp. Nhưng trời không chiều lòng người, ông gặp phải muôn vàn trắc trở: không được Hậu chủ tin dùng, Triệu Vân qua đời vì tuổi già, Mã Tốc trái lệnh mất Nhai Đình, hang Hồ Lô lửa vây Tư Mã Ý thì trời lại đổ mưa, dâng sao giải hạn lại bị Ngụy Diên làm hỏng; Gia Cát đành ngậm ngùi qua đời trong khi đại nghiệp trung hưng còn dang dở. Cho đến khi nhắm mắt, ông vẫn chỉ canh cánh từ nay không còn được bôn ba nơi chiến địa để làm tròn lời dặn của Tiên đế. Khổng Minh qua đời có thể xem là rường cột cuối cùng của nhà Hán đã mất, tuy ông có truyền lại binh pháp cho Khương Duy nhưng vận trời không cưỡng lại được, 30 năm sau khi ông mất, nhà Hán bị diệt vong.

Truyền kỳ kể rằng Khổng Minh giỏi thế là do có vợ ông giúp cho thực hư thì không ai rõ. Vợ ông là Nguyệt Anh, con gái Hoàng Thừa Ngạn, tuy là nữ lưu nhưng rất tài năng, thưở ban đầu còn dạy binh thư trận pháp cho chồng. Các bộ truyện tranh về sau mô phỏng Tam Quốc đều đưa các yếu tố này vào, nghe cũng thú vị

Khổng Minh qua đời rồi, truyện Tam Quốc nhạt đi hẳn, ít đi các yếu tố cao thâm huyền bí, mưu kế cũng không đắc ý nữa. Đệ tử chân truyền của ông chỉ có Khương Bá Ước. Bá Ước cũng có thể coi là 1 trang tuấn kiệt, tuổi trẻ tài cao; tuy nhiên cũng không làm được trò trống gì nhiều. Kế thừa di nguyện của Khổng Minh, ông cũng nhiều phen đem quân phạt Ngụy nhưng không có được sự hậu thuẫn cần thiết của Thục chủ nên đều không thành. Khương Duy trong những hồi cuối Tam Quốc cũng suýt làm nên chuyện khi liên kết xúi giục Chung Hội làm phản, bắt được cha con Đặng Ngải rồi; vậy mà khi lâm trận lại lên cơn đau bụng cuối cùng phải tự sát - thật không có gì để bàn không biết có phải La Quán Trung không thích nhân vật này hay sao mà cho chết lãng xẹt quá!

Khương Duy chết rồi cũng là lúc lịch sử sang trang, Thục chúa Lưu Thiện sau đó đầu hàng Tư Mã Chiêu được phong làm An lạc công, sống cũng trọn vẹn đến cuối đời.

Trong các bài viết trước đã có dịp nhắc đến Quan Vũ, Trương Phi; như vậy Ngũ hổ tướng của Thục Hán còn 3 người nữa sẽ được đề cập trong lần này.

Triệu Vân

Thường Sơn Triệu Tử Long trước là tướng dưới trướng của Công Tôn Toản, sau theo về với Lưu Bị, từ đầu chí cuối là 1 bầy tôi trung, 1 chiến tướng giỏi. Tuy là kẻ chỉ đâu đánh đấy nhưng lòng trung thành tận tụy của Triệu Vân là không thể chối cãi. Triệu Vân oai chấn thiên hạ có lẽ là từ sau trận chiến Tương Dương, Trường Bản khi một mình một ngựa vượt trùng vây quân Tào đưa A Đẩu về với Lưu Bị. Sau này Triệu Vân cũng thành người đắc ý của Gia Cát, ông luôn theo hộ tống cho Gia Cát trong mọi lần xuất quân. Trong trận Hán Thủy, ông một mình cứu Hoàng Trung ra khỏi vòng vây, Tào Tháo ngắm chiến trận đó mà than: người anh hùng Ðương Dương Trường Bản thuở xưa, nay vẫn còn sao ?" Đến khi cuối đời, Triệu Vân tuổi đã cao như cung đã căng hết cỡ vậy mà vẫn một mình chém 3 tướng họ Hàn, đuổi quân Hạ Hầu Mậu coi như là viên mãn cho cuộc đời 1 đại tướng như ông.

Hoàng Trung

Hoàng Trung là tướng dưới trướng thái thú Trường Sa Hàn Huyền, trước đại chiến với Quan Vũ, sau đầu quân theo Lưu Bị. Chiến công lớn nhất của ông có lẽ lần chém Hạ Hầu Uyên tại núi Định Quân. Ông sau này cùng Nghiêm Nhan trở thành 2 lão tướng lẫy lừng nhất trong Tam Quốc; người đời vinh danh 2 ông không kém gì Liêm Pha nước Triệu xưa. Tam Quốc và các truyện ăn theo về sau đều dùng hình ảnh lão tướng cầm cung là biểu tượng để nhận ra Hoàng Trung nhìn rất phong độ, cứ như Hậu Nghệ, Lý Quảng, với Hoa Vinh vậy . Đọc Tam Quốc lâu quá nên không nhớ rõ ông mất ra sao, chắc là tuổi cao mà mất, cũng không thấy nhắc gì đến con cháu của ông.

Mã Siêu

Mã Mạnh Khởi là con trai của thái thú Tây Lương Mã Đằng, sau khi Mã Đằng cùng Mã Hưu, Mã Thiết bị Tào Tháo hại chết, Mã Siêu cất quân báo thù. Trong trận Đồng Quan, Mạnh Khởi đại phá quân Tào, khiến Tào Tháo cắt râu cởi áo mà trốn. Mã Siêu tuổi trẻ anh tuấn hào hoa, đầu đội mão sư tử, lưng thắt đai hổ phù, bào trắng giáp bạc, uy nghi mà thanh lịch; dưới quyền lại có Mã Đại, Bàng Đức đều là dũng tướng cả, người đời hâm mộ mà gọi là "Cẩm Mã Siêu". Hứa Chử sau này cởi trần đánh Mã Siêu trăm hiệp bất phân thắng bại, đủ biết Mã Siêu sức mạnh siêu quần đến mức nào. Quân Tây Lương sau đó trúng kế ly gián mà tan tác, Mã Siêu đầu quân cho Trương Lỗ. Đến khi Huyền Đức đánh ải Hà Manh, Mã Siêu đang đêm đốt đuốc đánh với Trương Phi trời long đất lở mà cũng không phân thắng bại. Sau này nghe lời khuyên nhủ mới về hàng Lưu Bị, nhưng sau đó thì không còn thấy nổi bật nữa

----

Bàng Thống

Sĩ Nguyên là mưu sĩ tài ba trong Tam Quốc, nếu theo thiên hạ đồn đại thì Phượng Sồ có tài bình thiên hạ không kém gì Gia Cát. Chiến công lớn nhất của ông có lẽ là trong trận Xích Bích, khi trá hàng thuyết phục Tào Tháo lập trận liên hoàn lấy xích sắt nối các chiến thuyền lại, nhờ đó sau này kế hỏa công của Đông Ngô mới thành được. Bàng Thống về đầu quân làm quân sư lớn thứ hai cho Lưu Bị nhưng Lưu Bị thấy tướng mạo ông xấu xí mà có ý không muốn dùng, trước chỉ cho làm việc bàn giấy, sau mới trọng dụng ông trong cuộc chiến vào Tây Xuyên, nhưng đây cũng là lần chinh chiến cuối cùng trong đời Bàng Thống. Đúng như Tử Hư đạo nhân trước đó đã tiên đoán:

Một rồng , một phượng

Cùng vào Tây Xuyên

Phượng sa xuống đất

Rồng bay lên trời

Sĩ Nguyên chỉ vì cưỡi ngựa Đích Lư mà bị nhận nhầm là Lưu Bị, cuối cùng người ngựa đều bị tên bắn chết, ôm hận ở gò Lạc Phượng khi công danh chưa thành, đáng thương lắm thay! Phượng Sồ chết, Phục Long phải bỏ vị trí chấn thủ Kinh Châu để vào Tây Xuyên giúp Lưu Bị; Kinh Châu giao lại cho Quan Vũ. Nếu Quan Vũ chịu nghe theo lời Khổng Minh dặn "Bắc cự Tào Tháo, Đông hòa Tôn Quyền" thì chắc không đến nỗi sai lầm nối tiếp sai lầm khiến Thục Hán suy vong, nhưng đấy là chuyện về sau này.

Ngụy Diên

Nói đến Ngụy Diên ai cũng nghĩ đến con người phản trắc, những việc Ngụy Diên làm đúng là như vậy! Trước theo Hàn Huyền thì chém Hàn Huyền, về với Lưu Bị rồi thì cũng phản khi Gia Cát chết. Lúc thu phục được Ngụy Diên ở Trường Sa, Khổng Minh đã muốn chém y vì xem tướng Ngụy Diên biết là kẻ phản phúc nhưng Lưu Bị ngăn lại. Đến sau này, Khổng Minh lại tiếc cái sức của y mà giữ lại bên mình để đem đi chinh chiến phạt Ngụy. Ngụy Diên đúng là chiến tướng về sau này khi nhà Thục mất Quan Trương Triệu, tiếc là bản tính khó dời. Đến khi Khổng Minh dâng sao ở gò Ngũ Trượng, chính Ngụy Diên cũng là kẻ phá hoại Khổng Minh chết rồi, Ngụy Diên làm phản, hống hách ngang ngược, đốt đường Sạn Đạo, tính chuyện cướp linh cữu rồi chiếm Hán Trung; ai dè bị Mã Đại y lời dặn Khổng Minh, nhân lúc Ngụy Diên bất cẩn mà một đao lấy mạng y, âu cũng là đáng đời cho y.

Bài viết lần này sẽ đề cập đến các chiến tướng nhà Ngô.

Tôn Kiên

Nhà Ngô mở nước từ đất Giang Đông, có thể coi Tôn Kiên là người khởi đầu vậy. Tôn Văn Đài xuất thân dòng dõi nhà tướng, xuất hiện trong Tam Quốc kể từ khi nhà Hán có loạn Đổng Trác. Tôn Kiên cùng các lộ anh hùng họp dưới cờ Viên Thiệu, cùng nhau đồng tâm trước phá Đổng Trác, sau diệt Lữ Bố. Ai dè giữa đường đứt gánh, các lộ anh hùng tản mát cả, Tôn Kiên bội ước giấu ngọc tỷ, vì thế mà kết oán với Viên Thiệu, Lưu Biểu. Còn nhớ Văn Đài trên đường về Giang Đông, bị Cảnh Thăng chặn lại trước Kinh Châu hỏi chuyện ngọc tỷ mới thề rằng: "Ta mà có của ấy trong người thì xin chết dưới mũi tên hòn đạn". Có ai ngờ đâu sau này Tôn Kiên trúng tên mà vong mạng, lúc đó mới có 37 tuổi. Mao Tôn Cương bình hồi này cũng lấy làm tiếc cho 1 danh tướng hàng đầu như Tôn Kiên, tham ngọc tỷ lại còn bầy trò thề thốt, cuối cùng mất mạng vì chuyện không đâu

Tôn Sách

Tôn Kiên có bốn con, con cả là Tôn Sách đáng được xem là hổ tướng. Bá Phủ khi còn trẻ đã theo cha chinh chiến, về sau do chưa đủ lông cánh mà phải nương nhờ Viên Thuật rồi dùng ngọc tỷ để mượn quân của Viên Thuật. Tôn Sách cũng là người có công đầu trong việc chiêu mộ hiền tài cho nhà Ngô, chính ông là người đã thu nhận Chu Du, Trương Chiêu, Trương Hoành, Đổng Tập, Ngu Phiên.

Trong lần đi đánh Lưu Do ở Khúc An, Tôn Sách đụng đầu bất phân thắng bại với Thái Sử Tử; sau này Thái Sử Từ về hàng Tôn Sách, cũng thành danh tướng Giang Đông. Tiếc là Thái Sử Từ không còn trận nào nổi danh nữa.

Theo truyện viết thì ông đánh song kích, ảnh vẽ nhìn cũng khá oai phong .

Về phần Tôn Sách, kết cục cũng lãng xẹt như cha, vì trúng tên độc mà hao tổn sức khoẻ, thêm chuyện ma quỷ thần tiên với Vu Kiết thành ra bệnh nặng mà chết. Trong chính sử chỉ chép Tôn Sách bị 3 giai nhân nhà Hứa Cống vì muốn báo thù cho chủ mà bắn lén Tôn Sách trọng thương chứ không nhắc đến chuyện Vu Cát như trong Tam Quốc. Tiểu Bá Vương đến đây qua đời, giao lại giang sơn nhà Ngô cho em mình.

Tôn Quyền

Trọng Mưu kế nghiệp cha anh, xét ra là người kém nhất nhà họ Tôn trong việc ra trận cầm quân, nhưng theo lời Tôn Sách thì là người biết trị quốc dùng người. Đúng là dưới thời Tôn Quyền, nhà Ngô phát triển thịnh nhất; quyết định lớn nhất của ông là liên minh với Thục chống Tào. Tuy không thực sự nổi bật nhất trong 3 vị chúa 3 nước lớn Nguỵ Thục Ngô nhưng cuộc đời ông xem ra là công thành danh toại nhất.

Ông có người em gái gả cho Lưu Bị, xét về thứ bậc thì làm anh rể, thực ra chỉ lợi dụng để tìm cách chiếm lại Kinh Châu mà thôi, đúng là Giang Đông lắm mưu sĩ, cách hành sự cũng ít nhiều gian manh. Chỉ tiếc trời không chiều lòng người, Quốc thái nhà Ngô lại yêu mến Lưu Bị, làm cho mưu kế Tôn Quyền phá sản. Sau này, quân Giang Đông dùng đúng thực lực của mình lấy lại được Kinh Châu, giết được Quan Vũ, so ra cũng hổ báo chẳng kém ai. Thế rồi khi chặt đầu Quan Công, sợ bị trả thù mới đem đầu ấy mà dâng Tào Tháo, thật làm người ta buồn cười Tôn Quyền đến hồi 108 mới quy tiên, thọ 71 tuổi, truyền ngôi cho Tôn Lượng, nước Ngô giữ cũng được vài chục năm thì truyền cho Ô Trình Hầu Tôn Hạo. Tôn Hạo hoang dâm vô độ, tin bọn tướng số bói toán, nước nhà mục nát, đến năm thứ 10 thì nhà Ngô mất, triều đại cuối cùng trong thế tam phân về tay nhà Tư Mã từ đây.

Chu Du

Công Cẩn theo Tôn Sách từ những ngày đầu khởi nghiệp, sau này lại một lòng thờ Tôn Quyền, người Giang Đông coi ông như khai quốc công thần. Ngoài nghiệp binh thư, Tam Quốc Chí miêu tả Chu Du còn có tài cầm, kỳ, thi, hoạ thiên bẩm, tiếc là bụng dạ hẹp hòi mà thôi. Chu Du thành danh kể từ sau trận Xích Bích đại thắng quân Tào, nhưng cũng từ đây mà ông lụi bại do gặp Khổng Minh.

Công Cẩn mất khi mới 36 tuổi, tiếc thay tuổi trẻ anh hùng, Giang Đông cũng mất đi chiến tướng cơ mưu số một.

Câu nói của Chu Du trước khi mất có lẽ quá nổi tiếng không ai không biết:

"Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng"

Ông mất, Khổng Minh thân chinh sang Đông Ngô viếng tang, nửa là thật lòng, nửa có ý đùa bỡn, duy có Bàng Sĩ Nguyên là nhận ra thôi

Lại nói nhà Ngô ngoài địa lợi có sông Trường Giang hiểm trở mà dễ phòng ngự khó tấn công, còn có dàn tướng rất thạo thuỷ chiến một dạ trung thành. Do điều kiện không cho phép, xin điểm qua một vài tướng tài của quân Đông Ngô.

Hoàng Cái: lão tướng phụng sự 3 đời của nhà Ngô, cũng là người có công trá hàng rồi hoả thiêu chiến thuyền của Tào Tháo trong trận Xích Bích.

Chu Thái

Lăng Thống

Cam Ninh: Cam Hưng Bá sức địch muôn người không kém gì Trương Liêu quân Tào, sau một mình dẫn trăm quân đi cướp trại, tiếng tăm cũng to lắm. Ông còn bắn tên giải nguy cho Lăng Thống, xoá mối thù giết cha của Lăng Thống, xứng đáng là tay hảo hán ở đời.

Lã Mông: Lã Tử Minh ngoài cống hiến trong trận Xích Bích, ông còn là người trực tiếp có công trong trận Mạch Thành bắt sống Quan Vũ, chiếm lại Kinh Châu. Nhưng sau này, Tam Quốc chép ông bị hồn Quan Vũ vật chết, độc giả cũng chỉ biết đến đó mà thôi.

Lục Tốn: Lục Bá Ngôn có thể xem là hy vọng cuối cùng của nhà Ngô sau này, một mình ông làm tướng giữ Giang Khẩu, sau dùng hoả công thiêu trăm dặm trại đánh cho Lưu Bị tan tành. Khi ông lạc vào Bát quái trận của Khổng Minh thì may được cha vợ Khổng Minh là Hoàng Thừa Ngạn thương tình cứu ra, đúng là số trời vậy. Công trạng của Lục Tốn phá Thục đời sau đánh giá không kém gì Chu Du xưa kia đại phá quân Tào.

Kỳ này xin trở lại với đôi dòng về nhà Ngụy thời Tam Quốc phân tranh.

---

Tào Tháo

Mạnh Đức xuất hiện trong Tam Quốc Chí cũng đường đột như lúc ông ra đi Hồi 1 truyện chép khi Trương Lương, Trương Bảo bị Hoàng Phủ Tung và Chu Tuấn đánh thua chạy, giữa đường bị "một tướng mắt nhỏ, râu dài, mình cao bảy thước dẫn đầu đạo quân cắm toàn cờ đỏ" đổ ra đánh, chính là quan Kỵ Đô Úy, người Tiêu Quận, nước Bái, họ Tào tên Tháo. La Quán Trung cũng dành cho Tào Tháo rất nhiều trang viết về tuổi trẻ của ông. Mạnh Đức vốn là con của Hạ Hầu Tung, sau làm con nuôi Tào Đằng nên đổi họ, sinh thời chỉ ham săn bắn, xướng ca, tính tình thì mưu mô xảo quyệt. Hà Ngung, người ở Nam Dương, sau khi gặp Tào Tháo có nói: "Nhà Hán sắp mất, Tào Tháo sẽ là người an định thiên hạ vậy". Còn Hứa Thiệu ở miền Nam, xem tướng cho Mạnh Đức thì nói rằng: "Đời trị, ông là bầy tôi giỏi. Thời loạn, ông là kẻ gian hùng." Thế mới biết, Mạnh Đức sinh ra vào khi Hán mạt, đúng là như gặp thiên thời, cuộc đời ông sau này cũng có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong gần 1 thể kỷ 3 nước phân tranh.

Tào Tháo sau vì mưu giết Đổng Trác không thành mà phải chạy trốn, trên đường gặp Trần Cung, cảm mến tài năng Tào Tháo mà Trần Cung bỏ ấn từ quan để theo. Ai dè do quá đa nghi mà đôi bạn này đã giết cả nhà Lã Bá Sa, Tháo còn không hối hận bởi cho rằng:

Ta thà phụ người chứ không để người phụ ta.

Còn Cung thấy Tháo ác thế mới bỏ đi; hay cho Trần Cung , trước thì đồng lòng giết mấy mạng nhà Lã Bá Sa, sau lại hối hận mà giữa đường bỏ dở. Đúng là sau này Trần Cung khó làm nên việc lớn, theo Lã Bố nhưng cũng không toàn tâm toàn ý; Tào Tháo phải gạt lệ mà chém ông ở lầu Bạch Môn. Còn Tào Tháo về đến quê nhà, dùng cả sản nghiệp gia đình mà gây dựng quân đội; cũng từ đây ông bắt đầu thu nhận các tướng tài mà sau này đều là rường cột của nhà Ngụy cả. Ông cũng là người phát hịch đi các sứ quân để hội lại chống Đổng Trác. Nhưng vì các lộ quân không ai đồng lòng, Tào Tháo buổi ra quân đại bại trong tay Lã Bố, ông lại đem quân về Dương Châu trấn thủ. Đến khi Tào Tháo thanh thế đã to định đón cha là Tào Tung về phụng dưỡng thì cha ông lại bị quân Trương Khải giết, vì thế mà Tào Tháo quyết tâm báo thù, muốn giết sạch quân dân Từ Châu để trả thù. Cũng do khinh suất mà ông suýt mất mạng trong tay Lã Bố ở Bộc Dương . Về sau Tào Tháo trả cả vốn lẫn lại, phá Lã Bố ở Hợp Phì, chém Trần Cung, lại còn thu nhận được Trương Liêu làm tướng. Nhưng danh tiếng của ông thực sự vang lừng kể từ sau trận Quan Độ đại phá Viên Bản Sơ, cũng một tay ông bình đất Hà Bắc của Viên Thiệu.

Từ khi Lưu Bị có Khổng Minh, Thục Hán mạnh lên trông thấy, trở thành vật cản lớn nhất cho Tào Tháo trong sự nghiệp thống nhất Trung Nguyên. Kể ra thì Tào Tháo thua nhiều hơn thắng, các trận đại chiến lớn như đồi Bác Vọng, thành Tân Dã, lửa thiêu Xích Bích, thủy chiến Phàn Thành; quân Ngụy đều bại cả. Những năm tháng cuối đời, Mạnh Đức luôn bị chuyện ma quỷ thần tiên làm cho thất kinh, lại không chịu cho Hoa Đà mổ đầu chữa bệnh. A Man đến khi chết thọ được 66 tuổi, hơn nửa đời người chinh chiến kiêu hùng cuối cùng cũng hết số. 5 đứa con của ông, ngoài Tào Ngang đã tử trận, 4 người kia cũng đều là tuấn kiệt cả. Đặc biệt là Tào Phi, sau này ông là người lập nên nhà Ngụy, hoàn thành tâm nguyện của cha là bình định 2 nhà Thục và Ngô.

Người đời có nhận định nhiều chiều về Tào Tháo, người nói ông là anh hùng, kẻ cho ông là gian tặc. Riêng người viết bài này cảm thấy rất kính trọng Tào Tháo, xem ông là anh hùng thời loạn, đến khi chết rồi cũng để lại nhiều kỳ tích cho đời, riêng như việc đi tìm mộ ông thôi cũng là 1 truyền kỳ rồi

Dưới trướng Tào Mạnh Đức có thể nói là toàn nhân tài, thêm nữa lại một lòng trung thành. Điểm qua các danh tướng nhà Ngụy thấy ai cũng sức mạnh hơn người, đầy đủ tài thao lược cả.

Bàng Đức

Bàng Lệnh Doanh trước là tướng Tây Lương dưới trướng Mã Siêu, sau này Siêu bại, Bàng Đức theo Trương Lỗ, nhưng vì mưu sĩ Dương Tùng ham ăn của đút, trúng kể Tào Tháo, Bàng Đức bị bắt sống. Cảm cái ơn tri ngộ, Bàng Đức về hàng Tào. Khi ra quân đánh Vân Trường, để thể hiện quyết tâm, ông khiêng theo luôn quan tài ý chỉ chuyến này đi nếu không thắng thì không về. Không may cho Nam An Bàng Đức, gặp phải địch thủ ở đời. Vân Trường tháo nước dìm bảy đạo quân, bắt sống Vu Cấm, chém Bàng Đức, công phá Phàn Thành. Tuy Bàng Đức không thắng trong trận này nhưng lòng trung thành tiết nghĩa của ông còn được nhắc mãi. Người ta họa lại bức tranh vẽ Vân Trường ngồi trên trướng, 2 bên có Quan Bình, Châu Thương cầm đao đứng hầu, dưới là Vu Cấm quỳ xin tha mạng còn Bàng Đức đứng hiên ngang không chịu quỳ; cũng vì bức tranh này mà Vu Cấm về sau hổ thẹn mà tự vẫn.

Điển Vi

Điển Vi xưa theo Trương Mạc, sau được Hạ Hầu Đôn tiến cử cho Tào Tháo. Điển Vi sức mạnh phi thường, so ra là mạnh nhất trong các tướng Tào. Mạnh Đức đãi ông rất hậu, thường coi ông là Ác Lai tái thế. Ông cũng vào sinh ra tử cứu Tào Tháo mấy phen, từ lúc ở Bộc Dương cho đến khi đụng Trương Tú. Sinh thời, Điển Vi ngoài sức mạnh dị thường còn trông vào đôi thiết kích, sau này cũng bỏ mạng vì thiếu nó khi trúng kế của Giả Hủ, bị Hồ Xa Nhi lẻn vào doanh trại ăn cắp mất đôi kích. Để bảo vệ cho Tào Tháo, Điển Vi một mình giữ cửa trại, cuối cùng bị tên bắn chết. Ông chết đến nửa giờ mà không ai dám đi qua chỗ đó, thực là uy lực khiếp người. Tào Tháo mất Điển Vi đúng là mất đi chiến tướng mạnh nhất dưới trướng.

Hạ Hầu Đôn

Hạ Hầu Đôn vốn là tướng dòng dõi Hạ Hầu Anh khi xưa, luận về kiêu dũng chắc chỉ kém có Điển Vi với Hứa Chử mà thôi. Ông nổi danh có lẽ là từ trận quân Tào đại chiến với Lã Bố ở Tiểu Bái; Hạ Hầu Đôn bị Tào Tính bắn lén trúng mắt, khi rút tên rút luôn cả con ngươi, nhưng "tinh cha, huyết mẹ không nên bỏ"; Hạ Hầu Đôn nuốt con ngươi rồi còn xông lại lấy mạng Tào Tính; quân sĩ 2 bên trông thấy đều kinh sợ cả

Hạ Hầu Uyên

Hạ Hầu Uyên là em trai Hạ Hầu Đôn, cũng là một hổ tướng được Tào Tháo trọng dụng. Tiếc cho ông là sau này trúng kế của Hoàng Trung và Pháp Chính mà bị Hoàng Trung một đao lấy mạng ở núi Định Quân. Theo truyện kể thì Hạ Hầu Uyên đánh đao chứ không phải giản như hình

Hứa Chử

Trọng Khang theo Tào Tháo cũng là do duyên tình cờ mà gặp, ông là người mạnh thứ nhì của binh Tào, chỉ sau mỗi có Điển Vi. Hứa Chử theo truyện tả chắc phải nhìn dữ dằn hơn ảnh vẽ nhiều, nhắc đến trận ông cởi trần đánh với Mã Siêu trời long đất lở quả thấy tấm tắc

Tào Nhân

Tào Tử Hiếu cùng em là Tào Hồng cũng theo Tào Tháo từ những ngày ở Duyện Châu, 2 anh em bắn cũng cưỡi ngựa đều giỏi. Tào Nhân sau này trong trận giữ Phàn Thành bắn tên trúng Quan Công khiến Quan Công phải nhờ Hoa Đà cạo xương chữa thuốc.

Trương Liêu

Văn Viễn được Tam Quốc miêu tả là người trung nghĩa. Trước ông theo Lã Bố, trong trận Bộc Dương suýt lấy mạng Tào Tháo. Sau ở Lầu Bạch Môn, Tào Tháo dùng lễ đối đãi, lại có Lưu Bị và Vân Trương xin cho, ông mới theo hàng Tào Tháo. Sau này, khi Quan Công bị Tào Tháo vây khốn ở núi Thổ San, chính Trương Liêu đã dùng 3 điều thiệt hơn để dụ hàng Quan Vũ. Oai danh Trương Liêu sau này còn vang dậy khi một trận đánh tan quân Đông Ngô, chặt cầu Tiêu Sư, suýt chút nữa lấy mạng Tôn Quyền. Cũng may Tôn Quyền thúc ngựa bay qua cầu mà thoát, không kém gì Lưu Bị nhảy ngựa ở Đàn Khê

Từ Hoảng

Từ Công Phụng rất dễ nhận vì sở trường vũ khí là cây búa lớn.

-----

Nhà Ngụy còn vô số người tài nữa như Lý Điển, Nhạc Tiến, Mao Giới, Mãn Sủng, Tuân Úc, Trình Dục, Quách Gia; nhưng do điều kiện không cho phép, xin được dừng ở đây, nếu có dịp trở lại nhất định sẽ tìm hiểu rõ hơn để viết nốt

Tam Quốc ngoại truyện kỳ 7 xin trở lại với đôi dòng mạn đàm về các nhân vật khác cũng rất tiếng tăm trong truyện. Xin liệt kê theo thứ tự xuất hiện của từng nhân vật.

Trương Giác

Cự Lộc tướng quân Trương Giác bình sinh là tú tài nhưng thi hỏng, khi đi hái thuốc được Nam Hoa Lão Tiên tặng cho bộ sách "Thái bình yêu thuật", nhờ chăm chỉ tập luyện mà sau thành tài có thể gọi gió hô mưa, chữa bệnh cứu người! Trương Giác tự xưng làm "Đại hiền lương sư", trước rêu rao rằng "Trời xanh đã mất, Trời vàng nên dựng, Đến năm Giáp Tý, Thiên hạ thái bình"; sau cùng 2 em là Trương Lương, Trương Bảo - Thiên, Địa, Nhân Công 3 tướng xúi giục dân chúng bạo loạn lật đổ nhà Hán. Chính sử chép đó là giặc Khăn vàng (Hoàng Cân) dưới thời Linh Đế. Kể ra cũng khổ cho 3 anh em nhà này, Hán Đế tin dùng hoạn quan, cái loạn "Thập Thường Thị" đã làm cho triều đình thối nát, nông dân có khởi nghĩa cũng là chuyện dễ hiểu; vậy mà bị gọi là "giặc". Chưa kể những cuốn sách tu luyện mà Trương Giác được tiên nhân trao tặng, đã "Thái bình" lại còn "yêu thuật" - mới nghe đã thấy có phần trái ngược. 3 anh em nhà này sau không làm nên chuyện gì, Trương Giác bị bệnh mà mất, Trương Lương bị Hoàng Phủ Tung chém, Trương Bảo bị Chu Tuấn trừ; loạn Hoàng Cân coi như được dẹp bỏ mặc dù dư đảng thì vẫn sót lại đến các phần sau của truyện. Mao Tôn Cương đã có lời bình tuyệt hay cho 2 hồi đầu về giặc Khăn vàng:

Mở đầu truyện đã có ba tên giặc xưng hiệu Thiên Công, Địa Công, Nhân Công; đó là điểm báo trước cho đất nước chia thành 3 mảnh, bởi lẽ ba nước Nguỵ, Ngô, Thục sau này xây dựng trên ba yếu tố: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà.

Cũng như khi Lưu Bang chưa dấy nghiệp đã có Ngô Quảng, Trần Thiệp dẫn trước. Lưu Tú sắp lên ngôi thiên tử cũng đã có giặc Xích Mi, Đồng Mã xuất hiện trước. Đưa ra ba anh em họ Trương, rồi lại đưa ra ba anh em khác kết nghĩa, đó là phép lấy vai khách làm nổi vai chủ trong truyện vậy.

Đổng Trác

Đổng Trác là Trung Lang Tướng quân của Hán triều, nhưng mới buổi đầu ra trận đã bại trong tay Trương Giác, may có 3 anh em Lưu Quan Trương đánh cứu mà thoát nạn. Ít ai ngờ trông Đổng Trác như vậy mà cũng khuynh đảo triều đường nhà Hán mấy phen, đồng thời tạo nên nhiều biến cố lịch sử thời "tiền" Tam Quốc. Đổng Trác vốn là tướng Tây Lương, sau lại được phong làm Tây Lương thứ sử, tự nhiên lại thành ra hổ báo ở đời, luôn tiện có chiếu trừ hoạn quan của Hà Tiến mà tiện đường kéo về kinh làm phản. Cái tội làm loạn giang sơn này trước phải trách Hà Tiến sai lầm, đúng như Tào Mạnh Đức đã cười rằng: "Kẻ làm thiên hạ đại loạn chính là Hà Tiến". Sau Đổng Trác được thời, đúng như hổ thêm cánh, trừ hoạn quan rồi thì nghiễm nhiên thành công hầu, rồi một tay phế Thiếu Đế lập Trần Lưu Vương, tha hồ lũng đoạn triều chính. Có lẽ việc thành công nhất mà Đổng Trác làm được là thu phục được Lã Bố làm con nuôi, tuy 2 cha con nhà này đều là giống sói lang, nhưng phải thừa nhận Đổng Trác đãi Phụng Tiên rất hậu, nhờ thế mà Lã Bố hết mực trung thành. Chưa kể đến Lý Nho cũng đáng được coi là mưu sĩ tài ba dưới trướng, thế của Trác quả là không ai bì được. Mãi sau này phải nhờ Vương Doãn lập kế liên hoàn, nhờ tay Điêu Thuyền mới trừ được cái hoạ cho nước nhà. Đổng Trác cho đến lúc chết chắc cũng không ngờ mình bị trúng mỹ nhân kế rồi mất mạng trong tay đứa con nuôi. Tích "Náo loạn Phụng Nghi Đình" Đổng Trác phóng kích sau thành 1 tích tuồng rất tâm đắc trong dân gian Đổng Trác khi sống bạo ngược quá, đến khi chết không được toàn thây. Trong Tam Quốc có chép đoạn Đổng Trác chết rồi, xác vứt ngoài chợ, có quan Thị Trung là Sái Ung đến khóc; Vương Doãn lấy tích Vũ Đế không giết Tư Mã Thiên nên có sách sử gièm pha truyền lại để mà chém Sái Ung. Người đời sau bàn rằng: "Ung khóc Trác đã là không phải, nhưng Doãn giết Ung thì là quá lắm" - điềm báo sau này Vương Tư Đồ không toàn mệnh lâu được. La Quán Trung quả là có cái tài viết truyện dã sử, các yếu tố xen lẫn rất tài tình thú vị, đọc xong thấy tấm tắc

Lã Bố

Phụng Tiên trước theo Đinh Kiến Dương làm con nuôi, sau giết Đinh Nguyên về làm con nuôi Đổng Trác. Lã Bố có thể xem là hổ tướng mạnh nhất trong những người mạnh nhất của Tam Quốc từ đầu chí cuối. Tuy vô mưu nhưng cái dũng của Phụng Tiên quả làm người ta nể phục. Sự nghiệp cầm quân của Lã Ôn Hầu cũng có nhiều điểm đáng phục: một mình chiến với Lưu Quan Trương bất phân thắng bại, một mình đánh bại các tướng mạnh nhất của Tào Tháo, trong trận Bộc Dương lại suýt lấy mạng Mạnh Đức, sau này bắn kích ở nha môn giải nguy cho Lưu Bị. Lã Bố bình sinh dùng Thiên phương hoạ kích, cưỡi ngựa Xích thố ngày lướt ngàn dặm, kể cũng là lẫm liệt nhất Tam Quốc rồi, Cẩm Mã Siêu hay Khương Duy sau này chắc cũng không bì được

Nhắc đến Phụng Tiên, người đời thường nhắc đến tích Lã Bố - Điêu Thuyền nhiều hơn cả. Truyện ai cũng biết cả rồi, Lã Bố si tình, vì kẻ mình yêu mà bỏ hết tình cha con, giết Đổng Trác cướp lại Điêu Thuyền; đến cuối cùng cũng vì nấn ná vợ con mà không đi cầu viện để rồi vong mạng ở Lầu Bạch Môn.

Tiện có nhắc đến Điêu Thuyền, thiết nghĩ phải dành vài dòng tương xứng. Điêu Thuyền cũng là giai nhân tuyệt thế ở đời, dân gian coi nàng là 1 trong những người con gái đẹp nhất trong lịch sử Trung Hoa; sánh vai với Chiêu Quân, Dương Quý Phi, Tây Thi; tóm lại là rất đẹp Điêu Thuyền được Vương Doãn nhờ cậy để thực hiện kế liên hoàn, nàng cũng là nhân tố quyết định cho thắng lợi sau này khi khiến Lã Bố và Đổng Trác bất hoà, nhờ thế mà cái hoạ Đổng Trác mới được dẹp yên.

Đời sau có thơ khen rằng:

"Tư Đồ khéo mượn khách má đào,

Chẳng dùng gươm giáo chẳng dùng đao.

Hổ Lao ba trận hoài công sức,

Phụng Nghi chiến thắng ấy lạ sao."

Mao Tôn Cương cũng dành nhiều lời ưu ái cho Điêu Thuyền, theo ông

Mười tám lộ chư hầu không ai giết nổi Đổng Trác, thế mà một thiếu nữ đào tơ liễu yếu như Điêu Thuyền lại giết nổi Trác. Ba anh em Lưu, Quan, Trương anh hùng như thế mà không thắng nổi Lã Bố, thế mà chỉ một mình Điêu Thuyền cũng làm cho Lã Bố phải đầu hàng

Có người coi Điêu Thuyền - Đắc Kỷ cùng một giuộc; nhưng công bằng mà nói, Điêu Thuyền quả có công lớn trong kế liên hoàn. Kỳ truyện cho rằng nàng chỉ một lòng yêu Vương Doãn, rồi thì sau này nàng bị Quan Công chém dưới trăng; xét ra quả có nặng lời. Lã Bố chết rồi, Tam Quốc không viết về Điêu Thuyền nữa, phàng phất cái kết cục như câu chuyện Ngô-Việt tranh hùng năm xưa, Phù Sai thua rồi, Phạm Lãi thuyền du Ngũ Hồ liệu có thực mang Tây Thi đi theo? Điêu Thuyền biến mất đột ngột như khi xuất hiện, nhà Hán được cứu rồi lại bước sang 1 chương chiến trận khác không kém phần bi tráng. Người viết bài này, đến đoạn Lã Bố - Điêu Thuyền, chợt nhớ đôi câu thơ người đời sau làm có ý minh oan cho Tây Thi: "Nếu bởi Tây Thi mà mất nước - Thì xưa Việt mất bởi tay ai"; tiếc là không nhớ hết cả bài, quên mất tên tác giả, và cũng không biết có bài nào ý như vậy mà dành cho Điêu Thuyền hay không. Nếu ai nhớ ra thì bố sung thêm vào nhé

Viên Thiệu

Viên Bản Sơ mới nhìn quả có tướng làm chúa đất Hà Bắc, thảo nào từ những buổi đầu Tam Quốc, các lộ anh hùng tôn ông làm minh chủ lo việc hưng binh đánh Đổng Trác. Dưới trướng ông võ có Nhan Lương, Văn Xú; văn có Hứa Du, Điền Phong, Thẩm Phối, Phùng Kỷ, Thư Thụ đều là nhân tài hiếm có cả; nếu Viên Thiệu bỏ được cái thói hẹp hòi thì sự nghiệp nhà họ Viên cũng không quá lận đận. Sự nghiệp chinh chiến của Bản Sơ có lẽ cay đắng nhất là thua trận ở Quan Độ, bị Tào Tháo đánh cho mất hết nhuệ khí. Sau trận thua đó, Viên Thiệu vì xấu hổ mà bắt thắt cổ chết Điền Phong - người khi trước đã khuyên ông không nên đánh Tào. Tô Lão Tuyền đọc Tam Quốc đến đoạn này thở dài than:

Tào Tháo với Viên Thiệu hơn kém nhau ở cái độ lượng con người. Tào Tháo cho dù thắng trận vẫn cho đó là may mắn, vẫn khuyến khích người ta can gián. Ngược lại, Viên Thiệu bị thua ở Quan Độ lại nghĩ rằng: "Ai nghe ta bại trận cũng buồn, riêng có Điền Phong thì đắc ý vì đã nói trúng". Thế rồi Viên Thiệu ra lệnh giết Điền Phong trong ngục. Than ôi, bày mưu cho kẻ trí, tuy lời trung nghĩa không ứng nghiệm vẫn được tiếng khen, còn bày mưu cho kẻ ngu đần, lời nói có phải cũng bị tội. Sao đôi bên lại khác biệt đến thế.

Bản Sơ có 3 con là Viên Đàm, Viên Hy, Viên Thượng nhưng ông yêu nhất con út Viên Thượng, muốn bỏ cả lập thứ. Vì thế mà sau khi Viên Thiệu mất, anh em họ Viên lại nồi da nấu thịt, kết cục Viên Đàm bị Tào Tháo chém, Viên Hy và Viên Thượng chạy đến Liêu Đông cũng bị giết. Nhà họ Viên có thể xem như hết số từ đó, đất Hà Bắc bình định bởi bàn tay Mạnh Đức.

Tư Mã Ý

Tư Mã Trọng Đạt bắt đầu xuất hiện trong truyện khi Nguỵ chủ Tào Phi qua đởi ở tuổi 40. truyền ngôi cho Tào Tuấn; ai dè, Gia Cát Lượng vì e ngại ông nên dùng kế ly gián mà cắt chức Tư Mã Ý. Lộ trình đưa Tư Mã Ý đến với người đọc không được La Quán Trung trau chuốt như đã làm với các nhân vật thời trước, nhưng cuộc đấu trí của Khổng Minh và Trọng Đạt có thể xem là hấp dẫn nhất trong suốt mấy chục hồi từ sau khi 3 anh em Lưu Quan Trương đều đã bỏ mạng. Gia Cát luôn coi Tư Mã Ý là vật cản lớn nhất trên con đường tiến đánh nhà Nguỵ cũng là điều dễ hiểu. Chính Tư Mã Ý là người đã nhanh tay bắt Mạnh Đạt đoạt Thượng Dung, đánh bại Mã Tốc chiếm Nhai Đình, nhiều phen chặn đứng Khổng Minh ở Kỳ Sơn. Tuy một chọi một ông hay thua Khổng Minh, nhưng với kế sách thủ nhiều hơn công, Tư Mã Ý đã kìm chân Khổng Minh đến mức lục xuất Kỳ Sơn mà không nên công cán gì. Kể Tư Mã Ý cũng nhiều vận may, ông được Tào Tuấn tin tưởng hỗ trợ khi chinh chiến, binh tướng nhà Nguỵ cũng trung thành chứ không phải lo yên trong dẹp ngoài như Gia Cát, sau này lại được trời cứu mà không chết cháy trong hang Hồ Lô. Đọc Tam Quốc thấy Tư Mã Ý rất tôn trọng Khổng Minh, tuy là kẻ thù nhưng vẫn luôn miệng khen Gia Cát là bậc kỳ tài, quả xứng đáng là đa mưu túc trí, có tài thao lược ở đời. Con ông sau này là Tư Mã Chiêu cũng là kẻ có tài, khôn khéo thao túng nhà Nguỵ chứ chưa cướp ngôi vì muốn dành cho đời sau này. Chiêu cho lập Tào Hoàng lên làm hoàng đế, rồi lại cho Chung Hội, Đặng Ngải đi đánh dẹp nhà Thục. Đến khi Tư Mã Chiêu mất, con trưởng là Tư Mã Viêm (tức Tấn Vũ Đế sau này) kế nghiệp cha và chính là người nhất thống thiên hạ, kết thúc thế chia ba chân vạc, lập ra nhà Tấn.

Đi thêm vài dòng về nhà Tấn: nhà Tấn trị vì được 50 năm thì mất cả đất ở phía Tây Bắc. Con cháu họ Tư Mã lại dựng nghiệp ở phía Đông Nam, đóng đô ở thành Kiến Nghiệp (thành Nam Kinh). Sử gọi đây là nhà Ðông Tấn. Đến năm 420, Lưu Dụ cướp ngôi nhà Ðông Tấn, lập ra nhà Tống ở phía Nam. Lúc bấy giờ ở phía Bắc thì nhà Ngụy gồm cả nước Lương, nước Yên, nước Hạ. Thời kỳ này được gọi là thời Nam Bắc triều, kéo dài hơn 160 năm. Theo sử Việt, Giao Châu khi đó bị Nam Tống đô hộ, thuộc về giai đoạn Bắc thuộc lần thứ hai.

-

Loạt bài về Tam Quốc đến đây xem như là gần trọn vẹn, với giới hạn về thời gian và khả năng, người viết đã cố gắng điểm qua một số các nhân vật nổi bật trong Tam Quốc. Các sai lệnh về mặt thời gian, tên tuổi và sự kiện là không thể tránh khỏi, chưa kể đến việc tham khảo các tài liệu nhiều nguồn khác nhau nên có lúc chưa thống nhất, mong được bạn đọc lượng thứ Bao năm đam mê lịch sử văn hoá Trung Hoa, Tam Quốc vẫn mãi là bộ sách gối đầu ưa thích nhất, người đời sau không chỉ ngâm nga hưởng thụ nó mà còn đem điển tích truyện áp dụng vào cuộc sống cũng như kinh doanh. La Quán Trung đã sáng tạo rồi, những người đọc truyện của ông quả cũng không kém

"Tam phân một giấc mơ màng,

Viếng đời gọi có mấy hàng nôm na."

Xin hẹn trở lại với các bài bình luận văn học khác.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lioness