Chương 23
.
.
.
Lại một lần nữa bước ra khỏi căn phòng tối đó, tôi mới phát hiện ra, không biết từ lúc nào đã đến ngày 15 tháng Chạp âm lịch.
Chẳng phải sắp Tết rồi sao?
Kể từ khi đến nhà cũ của Trương gia, tôi vẫn luôn bận rộn chăm lo cho sức khỏe của Tiểu Bình, cải thiện tính cách cô độc của hắn, rồi còn phải đồng hành cùng hắn trong các buổi học và huấn luyện nặng nề. Mỗi ngày, trong đầu tôi chỉ toàn nghĩ về chế độ ăn uống, tâm trạng, các mối quan hệ của hắn, và khi rảnh rỗi một chút thì lại lo về tương lai của hắn. Bận rộn đến mức tôi quên bẵng luôn ngày lễ quan trọng nhất của người Trung Quốc. Tôi đương nhiên cũng không phải kiểu phụ nữ với bản năng làm mẹ mạnh mẽ, cứ như bà mẹ già cứ quanh quẩn suốt ngày chăm lo cho một đứa nhóc được, nên đôi khi cũng có lúc chán nản. Nhưng mỗi khi nhìn vào ánh mắt trầm tĩnh, bình thản giống hệt Muộn Du Bình của Tiểu Bình, tôi lại cam tâm tình nguyện làm hết mọi việc lặt vặt cho hắn, lo toan hết mọi chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống của hắn.
Phải thừa nhận rằng, dù là Muộn Du Bình lớn hay nhỏ thì hắn đều là khắc tinh của tôi, mỗi lần gặp hắn, đến ngay cả tính khí của tiểu Tam Gia nhà họ Ngô của tôi cũng phải tự động thu lại khi đối diện với hắn.
Hồi nhỏ, tôi thấy Tết rất thú vị. Cùng bố mẹ về quê Mạo Sa Tỉnh ở Trường Sa, cả làng bày tiệc linh đình, người già trẻ nhỏ đều tham gia ăn uống vui vẻ. Mẹ tôi sẽ may quần áo mới cho tôi, và quan trọng nhất là được nhận tiền lì xì từ các bậc trưởng bối – đây cũng chính là nguồn thu nhập duy nhất của tôi cả năm khi đó. Tôi còn có thể chơi pháo với lũ trẻ trong làng, gia đình tụ tập đông đủ, nhộn nhịp vô cùng.
Nhưng từ khi học trung học, việc học hành dần trở nên nặng nề và bố mẹ cũng đã lớn tuổi, chúng tôi hiếm khi về quê đón Tết hơn, và Tết đối với tôi dần mất đi ý nghĩa. Đồ ăn thì chẳng có gì mới mẻ, quần áo thì tự mua, tiền lì xì thì không còn, pháo hoa cũng chẳng còn hấp dẫn. Chương trình Xuân Vãn năm này lại tệ hơn năm trước, Tết giờ chỉ đơn giản là bữa ăn thịnh soạn để cả gia đình tụ tập, rồi sau đó là phải ăn đồ thừa suốt cả tuần, thật nhàm chán.
Những năm gần đây, vì mãi đi tìm kiếm sự thật, tôi phải lăn lộn khắp nơi , thậm chí đến cả tính mạng cũng gặp nguy hiểm, thành ra tôi chẳng còn thời gian để nghĩ đến việc có đón Tết hay không nữa.
Dù vậy, đến lúc này, chẳng hiểu sao tôi lại bỗng nhiên thèm được đón một cái Tết nữa, cùng với bố mẹ, Nhị Thúc, Tam Thúc, và tốt nhất là có cả Tiểu Ca, Béo, Tiểu Hoa và Phan Tử. Mọi người tụ tập ở nhà bố mẹ tôi, nói cười vui vẻ, thưởng thức những món ăn mà mẹ tôi nấu. Mẹ tôi chắc chắn sẽ thích Muộn Du Bình – một chàng trai đẹp trai, dù có ít nói cũng chẳng sao. Bố tôi thích đánh cờ với Nhị Thúc, rồi sẽ kéo tôi theo bắt ngồi bên cạnh để học hỏi. Bàn Tử và mọi người có thể mở bàn đánh mạt chược, mà tôi chắc chắn Phan Tử sẽ nhường Tam Thúc thắng. Còn chương trình Xuân Vãn hàng năm, dù có hay đến mấy cũng không thể sánh bằng giọng ca trong trẻo của Tiểu Hoa được...
Cái Tết nhàm chán như thế, bây giờ qua trí tưởng tượng của tôi bỗng trở nên sống động lạ thường. Nhưng tiếc rằng tôi biết điều này chỉ là mơ tưởng. Bố mẹ tôi chắc chắn vẫn đang lo lắng cho đứa con bất hiếu không có ở nhà. Tam Thúc giả hay Tam Thúc thật cũng đều mất tích. Tiểu Hoa thì bận bịu với cuộc sống xa hoa ở Bắc Kinh. Bàn Tử thì cô đơn ở Ba Nãi nhớ nhung Vân Thái, còn Phan Tử thì sẽ không bao giờ quay trở lại nữa.
Ngay cả Muộn Du Bình, người mà tôi bất chấp tất cả để tìm kiếm, cũng không biết giờ đang ở đâu. Có lẽ, hắn cũng đã lạc trong một không gian khác, gặp được tôi khi còn bé. Có lẽ, hắn chính là Tiểu Bình hiện đang đứng trước mặt tôi, chỉ là linh hồn đang chìm trong giấc ngủ sâu. Hoặc cũng có thể, hắn đã không còn tồn tại nữa...
Chúng tôi – nhóm người này – sẽ không bao giờ có được những ngày bình yên mà tôi tưởng tượng.
Tôi không kìm được nụ cười cay đắng. Trong ngày lễ hội hân hoan thế này, tôi lại tự mình mơ tưởng về những điều không tưởng, chẳng phải đang tự hành hạ mình sao?
Tôi không định đắm chìm trong nỗi buồn vô nghĩa đó, liền tự ép mình nghĩ sang chuyện khác. Nghĩ đến mặt tích cực , thì đây là lần đầu tiên tôi và Tiểu Bình đón Tết cùng nhau nha!
Nói đến điều này, tôi chợt nhớ rằng thời Dân Quốc từng có lệnh cấm ăn Tết âm lịch, phải không nhỉ? Nếu tôi nhớ không nhầm, sau Cách mạng Tân Hợi, chính phủ lâm thời của Trung Hoa Dân Quốc đã quyết định sử dụng lịch dương từ ngày 1 tháng 1 năm 1912 và quy định ngày đó là Tết Nguyên Đán. Lịch cũ bị bãi bỏ, còn có những quy định kiểu như "bãi bỏ lịch cũ, áp dụng quốc lịch", "không được nghỉ lễ theo phong tục cũ" nữa. Nghe nói ban đầu, người dân vẫn đón Tết theo âm lịch, và chính phủ còn từng ép các cửa hàng mở cửa buôn bán trong dịp Tết, khiến dân chúng bất bình. Cuối cùng, chính phủ không còn cách nào khác, đành phải thỏa hiệp.
Tôi không nhớ chính xác là năm nào, nhưng có lẽ là thời của Viên Thế Khải. Ông ấy đã đề xuất đổi ngày Tết âm lịch thành "Xuân Tiết", còn Tết Nguyên Đán và năm mới được chuyển sang ngày 1 tháng 1 theo lịch dương. Từ đó, Trung Quốc có hai ngày Tết, và phong tục này kéo dài đến thế kỷ 21.
Dựa vào trí nhớ mơ hồ về lịch sử cận đại của mình, tôi nghĩ lễ Xuân Tiết được công bố vào năm 1914. Hiện tại còn vài chục năm nữa, chính quyền chắc vẫn chưa cấm ăn Tết đâu nhỉ.
"Tiểu Bình, Trương gia có ăn Tết không?" Buổi tối khi đang gội đầu cho Tiểu Bình, tôi vừa hỏi vừa giúp hắn cọ nhẹ. Tiểu Bình "ừ" một tiếng, tỏ ý là có. Tóc của cậu đã dài ra nhiều, trông dễ coi hơn nhiều so kiểu đầu mới cắt như bị chó gặm lúc trước.
Tôi lại hỏi: "Vậy Tết em cũng phải huấn luyện à?"
Huấn luyện súc cốt công thường diễn ra vào mùng 1 và 15 hàng tháng, mà Tết lại rơi vào đúng thời gian đó. Nếu đến Tết mà vẫn phải tập luyện thì tôi thực sự phải cân nhắc xem có nên gây náo loạn một phen không.
"Không cần." Tiểu Bình đáp lại hai chữ.
Trong lòng tôi thầm nghĩ, xem ra cũng còn chút nhân đạo đấy. Tôi lại hỏi Tiểu Bình: "Vậy Tết em được nghỉ mấy ngày?"
Tiểu Bình suy nghĩ một lúc rồi nói, được nghỉ trước Tết một ngày và sau Tết chín ngày.
Vậy nghĩa là ngày 30 Tết sẽ không phải tập luyện nữa? Tức là Tiểu Bình cũng có thể đón Tết một cách đúng nghĩa rồi? Mặc dù kỳ nghỉ Tết này so với học sinh thời hiện đại chẳng thấm vào đâu, nhưng chỉ cần nhà họ Trương cho Tiểu Bình được nghỉ ngơi thì tôi đã thấy may mắn lắm rồi.
Niềm vui được đón cái Tết đầu tiên cùng Tiểu Bình đã làm vơi đi nỗi nhớ nhà trong tôi, khiến tôi háo hức chờ mong Tết đến.
Đến ngày 29 Tết, sau khi kết thúc buổi tập, người đàn ông có vết sẹo hớn hở chạy đi, còn người đàn ông nho nhã thì chúc lũ trẻ Trương gia một câu "Chúc mừng năm mới." Cuối cùng, khóa huấn luyện đầy khổ sở này cũng kết thúc, lũ trẻ dường như trở nên sôi nổi hơn hẳn, chúng chạy nhảy tung tăng như thể mấy đứa mệt lả ban nãy không phải là chúng vậy.
"Này, đừng có đi đâu lung tung tối nay đấy, tao sẽ mang đồ ngon cho mày!" Trương Hải Lâm nói vội vàng rồi cũng chạy đi. Đứa nhỏ này đúng là tính tình kỳ lạ, vừa kiêu ngạo vừa bướng bỉnh. Bị Tiểu Bình từ chối bao nhiêu lần mà vẫn không nản lòng, vẫn cứ ngoan cố tìm cách lấy lòng hắn. Đến giờ, tôi nghĩ thằng nhíc này đã sớm quên luôn việc muốn 'giành' tôi – thần hộ vệ của Tiểu Bình luôn rồi, mà thay vào đó là không chịu tin rằng bản thân "người gặp người thích" " cao cao tại thượng" như mình lại bị một đứa không cha không mẹ làm cho bẽ mặt.
Nhiều lần bị Tiểu Bình lạnh lùng từ chối khiến cậu nhóc tức giận đến mức muốn giơ tay đánh, nhưng đều bị tôi gõ mạnh vào đầu, cuối cùng cậu nhóc cũng đành bực bội thu tay lại. Dù biết vậy, cậu nhóc vẫn cứ lì lợm bám theo Tiểu Bình. Cái kiểu tâm lý của nó thật sự rất kỳ lạ, tôi cũng không thể lựa giải nổi. Chỉ hy vọng cậu nhóc không làm hại Tiểu Bình, và mong rằng Tiểu Bình có thể kết thêm một người bạn.
Khụ khụ, chẳng qua là khi nghĩ đến việc sau này Tiểu Bình sẽ không còn chỉ thuộc về riêng mình tôi nữa, cảm giác có chút như nuôi lớn một đứa con trai rồi lại bị một cô con dâu giật mất. Tâm trạng có hơi phức tạp thôi mà. Phì phì phì, tôi lại nghĩ linh tinh gì thế này, Tiểu Bình kết bạn chứ có phải cưới luôn Trương Hải Lâm về đâu. Huống chi, giờ hắn vẫn còn đang phiền lòng vì bị thằng nhóc Trương Hải Lâm đó quấy rầy nữa kìa.
Tiểu Bình đứng yên một lúc, liếc nhìn tôi, rồi từ từ bước ra khỏi cửa.
Bên ngoài đang có một trận tuyết lớn, đã rơi mấy ngày liền, tuyết chất thành từng lớp dày. Ban đầu, tôi lo sợ mình sẽ để lại dấu chân trên tuyết, bởi trong mấy bộ phim kinh dị thường có cảnh dấu chân xuất hiện trên nền tuyết để chứng minh có ma. Nhưng sau khi thấy mọi người không ai phản ứng gì, tôi mới hiểu rằng ngoài Tiểu Bình, không ai có thể nhìn thấy dấu chân của tôi.
Như vậy cũng tốt, đỡ phải lo lắng suốt.
Khi trở lại sân, tôi thấy trước cửa một vài căn phòng đã treo lên những chiếc đèn lồng đỏ hình quả bí ngô. Tôi nghĩ, thật không ngờ nhà họ Trương còn trang trí Tết cho cả khu cô nhi viện tồi tàn này, đúng là có tiền mà không biết tiêu vào đâu. Thấy tôi đứng yên nhìn đèn lồng, Tiểu Bình chủ động giải thích: "Đó là đèn trường thọ."
"Đèn trường thọ?" Tôi hỏi lại một câu, Tiểu Bình gật đầu rồi không nói thêm gì nữa — thôi được rồi, hắn chịu chủ động nói cho tôi năm chữ giải thích như vậy đã là rất nể mặt tôi rồi. Tôi cũng có thể đoán được phần nào, có lẽ đây là phong tục ở đây, vào dịp Tết treo đèn lồng đỏ trước cửa để cầu may mắn, mong cho năm mới rực rỡ, thuận lợi. Hơn nữa, từ cái tên "đèn trường thọ" mà nói, chắc là đèn này để cầu mong sức khỏe, sống lâu trăm tuổi. Nhưng nghĩ lại, người nhà họ Trương đều sống thọ, họ còn cần đèn trường thọ làm gì nữa nhỉ?
Trước khi đóng cửa, tôi lại nhìn thoáng qua một lần nữa. Trước cửa căn phòng của đứa trẻ mồ côi mà tôi chưa từng gặp không có treo đèn lồng. Tôi nghĩ, chắc hắn cậu ấy sẽ không quay lại nữa. Tôi chưa bao giờ gặp cậu ta, nên cũng không cảm thấy đau buồn gì, chỉ là nghĩ đến Tiểu Bình, không khỏi cảm thấy buồn cho những số phận bất hạnh giống nhau.
Thở dài một hơi, sinh ra trong gia tộc vô nhân tính này, thật sự là nỗi bất hạnh lớn cho những đứa trẻ này.
Trước Tết tất nhiên không thể thiếu một đợt tổng vệ sinh. Vì Tiểu Bình phải trải qua những buổi huấn luyện khắc nghiệt, tôi cũng không có ý định bắt hắn làm việc trong dịp nghỉ lễ, nên để hắn chỉ ngồi xem, còn tôi thì xách một chậu nước lau dọn tủ, cửa sổ, và dọn dẹp đồ đạc và giặt giũ quần áo. Tiểu Bình cũng không tranh giành gì, chỉ ngồi khoanh chân trên giường, ngẩng đầu nhìn trần nhà, tóc mái hơi dài che mất đôi mắt đen láy của hắn.
Thằng bé này thật biết cách "tận dụng" thời gian để giao lưu với xà nhà nhỉ. Không lẽ từ giờ đến sau này hắn sẽ có một mối liên kết sâu sắc với trần nhà đó chứ?
Tôi cố nén ý muốn lắc vai hắn, rồi tiếp tục dọn dẹp. Từ nấu ăn đến lau chùi, việc chăm sóc một Tiểu Bình ít nói đã khiến tôi, từ một thanh niên chẳng giỏi giang gì trong bếp núc, biến thành một ông chồng đảm đang. Chẳng còn cách nào, chỉ có thể chấp nhận, mà càng nghĩ càng thấy chán nản.
May mà phòng của Tiểu Bình cũng không lớn, chỉ có một chiếc giường, một cái bàn, một cái ghế và một chiếc tủ gỗ là đã đủ đầy. Đồ trang trí thì không có một thứ nào. Tôi lau sạch cửa sổ, dùng khăn ướt lau bụi trên đồ nội thất, sau đó gấp gọn mấy bộ quần áo mùa hè và mùa đông rồi cất vào tủ, thế là xong. Gã cha nuôi độc ác của Tiểu Bình, Trương Duệ Phong, mấy ngày trước có sai người mang đến hai bộ quần áo mới: một bộ màu trắng, một bộ màu xanh đậm, và một đôi giày bông. Vải rất tốt, sờ vào thấy mềm mại, nhìn qua cũng thấy khá ấm áp. Tôi đã gấp chúng lại gọn gàng và đặt trên giường, chờ tối nay Tiểu Bình tắm xong sẽ để hắn mặc đồ mới.
Điều bất ngờ là, khi dọn dẹp dưới đáy tủ, tôi tìm thấy một miếng ngọc bội hình Kỳ Lân được xâu bằng sợi dây đỏ. Nó to cỡ lòng bàn tay, làm từ ngọc Dương Chi trắng muốt, trơn lán không tì vết, trong suốt và tinh tế. Trên đó khắc một con Kỳ Lân oai vệ, cưỡi lửa xông gió, trông rất giống với hình xăm trên lưng của Tiểu Bình.
Tôi hỏi Tiểu Bình miếng ngọc này từ đâu ra. Hắn lắc đầu, không nói rõ được, chỉ bảo là để tặng tôi. Tôi thích quá, nên liền vui vẻ nhận lấy.
Tất nhiên, phải rất lâu sau, tôi mới thực sự hiểu được ý nghĩa của miếng ngọc bội này.
.
.
(Dòng bút ký khác: Ngô Tà, ngọc bội Kỳ Lân không hiếm, mỗi người đàn ông Trương gia đều có một miếng.)
(Dòng bút ký khác: Dùng để tặng cho vợ.)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top