#1 : "Bánh trôi nước" - Hồ Xuân Hương
Có nhận định cho rằng: "Không chỉ yêu thương, đồng cảm bằng sức sống mãnh liệt và thiết tha với cuộc sống, Hồ Xuân Hương đã truyền sức sống, lòng yêu cuộc sống cho những người cùng giới với mình do đó thơ Hồ Xuân Hương thể hiện một bản lĩnh mạnh mẽ.", phải chăng cái mạnh mẽ của nữ sĩ họ Hồ chính là thời khắc bà sẵn sàng phá tan lề lối, xiềng xích bủa vây người phụ nữ để đòi lại tự do hay vùng lên đấu tranh với những chất chứa quá nhiều phẩn uất trong kiếp "lấy chồng chung" đeo bám cuộc đời bà và những người phụ nữ như bà suốt bao năm tháng qua. Có lẽ, dù sao đi chăng nữa thì tiếng thơ của "bà Chúa thơ Nôm" năm nào vẫn là một nốt nhạc đẹp, đầy thổn thức gieo vào trái tim bạn đọc hàng thế kỷ cho tới tận bây giờ, thế nên khi nhắc tới thơ ca mà thi sĩ ấy đã gửi gắm vào cuộc đời ta không thể không nói đến tiếng lòng cất lên từ một người phụ nữ bênh vực cho những người phụ nữ, một trong những vần điệu hay nhất về âm vang ấy phải kể đến thi phẩm "Bánh trôi nước" - niềm Kiêu Hãnh tự hào về cái đẹp ở đời.
Thơ là đời, thơ mang nhựa sống tâm hồn, đem cái đẹp trong tim và nâng niu khát vọng mãnh mẽ đáng trân trọng. Nếu nói như vậy thì thơ Hồ Xuân Hương quả là giọt nước trong veo giữa cả nguồn suối vẩn đục, tựa vì sao nhỏ bé, kiên cường trước màn đêm thăm thẳm, bao la. Chẳng thế hay sao mà khi viết về người phụ nữ nét bút nữ sĩ luôn hướng đến khai thác vẻ đẹp toàn bích ở mọi góc độ khiến người ta phải thán phục :
"Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non."
Có lẽ khi đọc những vần thơ đầu nếu một người chưa từng biết đến Hồ Xuân Hương, không nghe đôi phím nhạc gai góc, ngang ngạnh trong các sáng tác của bà sẽ dễ dàng nói đây là bài ca dao quen thuộc với chủ đề "thân em" hay được dùng trong văn học dân gian. Thế nhưng, người tinh tế và say mê cái đẹp trong các thi phẩm của "Bà húa thơ Nôm" sẽ dễ dàng phát hiện ra, dù lấy cùng chủ đề với ca dao xưa mà thơ của bà vẫn khác quá, lạ lắm, độc đáo vô cùng. Chẳng độc đáo sao dân gian ví von về người phụ nữ thường so sánh có khi nâng niu như :
"Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?"
Hay xót xa với :
"Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào giếng nước hạt ra ruộng cày."
Rồi tủi cùng cực :
"Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu."
Song cái hay của thi sĩ họ Hồ là ở chỗ, có rất nhiều hình tượng được người xưa đem ra mổ xẻ, ẩn ý nói tới người phụ nữ giống "hạt mưa", "tấm lụa", "giếng nước" thế mà hình ảnh của bà lại thân thương, gần gũi đến mức ta như thấy nó mỗi ngày tựa chiếc "bánh trôi" hay "quả mít", nhưng đan xen chút lạ lẫm vì chả ai đem ra mà nói như bà cả. Vậy mới thấy, dù đi cùng một con đường song nhà thơ vẫn dành cho mình một khoảng trời thật khác biệt, dù chọn thì liệu đã quá cũ lại đem đến hơi thở đời sống lại rất mới. Cái mới ấy xuất phát từ tư tưởng dám phản kháng, khẳng định, gai góc, khinh đời của một người phụ nữ mà dân gian vẫn thường nhìn với đôi mắt chê bai "liễu yếu đào tơ", "mặt hoa da phấn" không làm được gì. Do đó, khi đọc những tiếng nhạc đầu tiên trong bài thơ "Bánh trôi nước" ta bỗng như du mình về quá khứ với "thân em" cùng thân phận bèo bọt, rẻ rúm, chẳng đáng giá của người phụ nữ trong xã hội xưa được hiện lên đẹp đẽ, thanh sơ qua hình ảnh "vừa trắng lại vừa tròn" thật đặc biệt. Câu thơ có vỏn vẹn bảy chữ ngắn ngủi, ấy vậy mà thi sĩ dành riêng hai tiếng để nói đến sự "vừa" vặn, hài hòa, đáng yêu của người phụ nữ, đó là cái "vừa" xinh với bóng dáng "trắng" hồng nơi má đào, hay nét đẹp trong "trắng" tinh khôi tựa nắng sớm mai về cốt cách thanh cao khiến bao người mê đắm. Dù là cách hiểu nào thì cặp từ hô ứng "vừa - vừa" ấy cũng thật khéo phô vẽ một cách đầy ẩn ý về hình ảnh người phụ nữ hiện lên giữa dòng đời đầy tối tăm, đau đớn này. Mặt khác, mỗi người đọc hôm nay khi nghe âm điệu của tiếng "tròn" cất lên trong lời thơ cũng đầy băn khoăn và bối rối. Chúng ta sẽ ngạc nhiên bởi sao cô gái hiện lên trên trang thơ ấy đầy đặn, tròn trịa, kì lạ quá, thật khác với dáng vẻ "mình hạc xương mai" mà ta vẫn luôn hướng đến ở thực tại. Song, nếu đắm mình trong âm hưởng và văn hóa của thơ ca xưa ta sẽ hiểu rằng hình mẫu lý tưởng mà con người trong văn học Trung đại hướng tới phải là vẽ phúc hậu, đầy sức sống tựa Thúy Vân mà đại thi hào Nguyễn Du từng khơi lên:
"Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang."
Do vậy, việc khai phá và khắc họa bóng dáng về hình ảnh người phụ nữ mà Hồ Xuân Hương hướng tới đó là cái đẹp chuẩn mực đong đếm đủ đầy cả về hình thức lẫn tâm hồn khiến ta nâng niu, trân trọng. Song, không chỉ dừng lại bằng nét chấm phá với "thân em" trong câu thơ mà thi sĩ còn mượn quá trình miêu tả việc làm ra một chiếc bánh trôi thông thường qua thành ngữ "bảy nổi ba chìm" để nói lên số phận đầy sóng gió, bi kịch, ngổn ngang của biết bao cô gái xưa. Chẳng bi kịch ngổn ngang sao, chiếc bánh trôi kia phải trải qua hết nóng bức, sục sôi đến ngâm mình trong lạnh giá, lúc "nổi" lúc "chìm", qua bao thời gian mới được trắng trong, khác nào người phụ nữ đứng trước bão táp mưa sa của cuộc đời, giông tố bủa vây mà hiên ngang nhận lấy, sẵn sàng vật lộn với "nước non" đấu tranh trên nền số phận? Vậy nên, đọc tiếng thơ mà ta như đọc cả một bầu trời ngổn ngang những tuổi hờn, đau đớn của nữ sĩ cũng như những người chung số phận giống bà, để rồi thấm, đau, hiểu và trân trọng cho họ.
Vạn vật trong vũ trụ sinh ra thật đặc biệt, chẳng đặc biệt sao mà dáng vẻ của hình ảnh này lại được liên tưởng mà gửi gắm qua cái đẹp ẩn ý sâu xa nơi khác. Thế nên, chiếc bánh trôi hiện hữu trong bài thơ cũng khiến ta có nhiều suy ngẫm, khám phá để mở hết lớp ngôn từ mà tận hưởng trọn vẹn ý thơ đẹp đẽ nơi thi sĩ dâng tặng cho đời. Như ta biết trong văn hóa ẩm thực Việt Nam chiếc bánh trôi nhỏ bé, giản dị được làm vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hay còn gọi là Tết Hàn Thực với ý nghĩa dâng lên tổ tiên tựa một biểu hiện của lòng biết ơn, sự thành kính và tri ân. Mặc dù ngày tết Hàn Thực bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng khi sang nước ta nó đã được Việt hóa theo lối sống của dân tộc. Hơn nữa chiếc bánh trôi nước hay bánh chay đều có nguồn gốc từ Việt Nam chứ không phải bắt nguồn từ Trung Quốc như nhiều người vẫn nghĩ, với hình ảnh bánh trôi, bánh chay giống như bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết năm nào. Thế mà, giờ đây chiếc bánh tròn xinh ta vẫn hay bắt gặp lại mang một thông điệp thật đặc biệt, gắn liền với người phụ nữ ở xã hội xưa, đẹp đẽ, trắng trong, song đau xót thay họ lại chẳng thể tự quyết định số phận của cuộc đời mình bởi:
"Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son."
Tiếng thơ vang lên ta như bắt gặp hình ảnh bàn tay khéo léo của người làm bánh hiện ra khẽ lăn đều, xoay thật tròn với sự pha bột vừa vặn để tạo nên một thành phẩm đẹp mắt và thơm ngon. Song, ẩn ý sâu xa hơn hình ảnh này còn gửi gắm nỗi niềm thật khó giải bày, vô định với số phận trái ngang của người phụ nữ nếu họ may mắn gặp được người cẩn thận, chu đáo, tỉ mỉ thì trân trọng, yêu thương như nâng niu chiếc bánh tròn trịa, trắng ngần. Kẻ vô tâm, hời hợt thì chỉ mang đau thương, thổn thức uất hận cho họ tựa sự vụng về để "rắn" hay "nát" của người nặn ra chiếc bánh xấu xí, méo mó. Chiếc bánh kia muốn đẹp hay không còn phải nhờ vào cái tâm của người làm ra nó. Người phụ nữ cũng vậy, họ hạnh phúc hay không lại chẳng thể tự quyết định cho chính mình, đó là nỗi đau, niềm thương, tiếng khóc gửi đời và xót mình của Hồ Xuân Hương năm nào trong cái xã hội trọng nam khinh nữ lúc bấy giờ. Sinh ra làm phận nữ nhi đã là một thiệt thòi, lại càng bất hạnh khi niềm vui của bản thân cũng chẳng thể lựa chọn, nếu có phúc phần may mắn, lấy được người chồng biết sẻ chia, yêu thương thì cuộc đời họ mới đón an nhiên. Ngược lại, gặp phải người chồng độc đoán, ích kỷ thì cuộc đời họ sẽ là những đắng cay, bất hạnh. Đọc đến đây, ta bất chợt thấy lòng lặng lại, nhói đau khi nhớ đến lời thơ thi sĩ cũng từng viết về sự nổi trôi, vô định và cuộc đời đem đến cho bà"
"Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra tay.
("Quả mít" - Hồ Xuân Hương)
Cái hay và đẹp của cả hai bài thơ vang lên giữa bầu trời thi ca Trung đại chính là lời khẳng định về thân phận, giá trị và phẩm hạnh của người phụ nữ. Song, Nếu ở bài thơ "Quả mít" gắn liền với sự gai góc, sắc lẹm của một tâm hồn đã chịu nhiều tổn thương sâu sắc cất lên đanh thép, đầy dọa nạt "quân tử" là người hiểu biết, có học nếu yêu thương thật lòng mà thưởng thức cái ngon của múi mít kia thì nên trân trọng, giữ gìn như nâng niu người phụ nữ của cuộc đời mình, còn chỉ là do đến mân mó cho vui vẻ chỉ nhận lấy nhựa ra tay thật khó chịu, kết quả đau đớn phải trả giá cho những chơi đùa, bông cợt mà họ dành cho những người phụ nữ xuất hiện trong cuộc đời mình. Thì "Bánh trôi nước" lại là lời khẳng định nhẹ nhàng, duyên dáng, ý nhị hơn bao giờ hết, không chấp nhận sự khinh rẻ, coi thường của người đời và xã hội, song người phụ nữ hiện lên trang thơ lại khẳng định dù rơi vào hoàn cảnh nào, dù bị nhào nặn "rắn" hay "nát" thì họ cũng sẽ không bao giờ để mất đi nét đẹp trong tâm hồn mình, họ vẫn kiên kiêu sa, lộng lẫy và tràn đầy sức sống giống như cái "son" sắc, ngọt ngào của chiếc bánh trôi trắng tròn trong "non nước" này. Có thể thấy, khép lại trang thơ là khép lại bao trăn trở, băn khoăn về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa, nhưng lại mở cho ta những cánh cửa thật đặc biệt bước vào tâm hồn họ để thấy rằng dẫu có thế nào, số phận trông chênh ra sao những người phụ nữ vẫn luôn giữ một tâm hồn, cốt cách cao đẹp, trong sạch "tấm lòng son" đầy bản lĩnh.
Bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt trang trọng, hình ảnh sinh động mang nhiều liên tưởng độc đáo, Hồ Xuân Hương đã bộc lộ tâm nguyện muốn lên tiếng bênh vực cho chính mình và những người phụ nữ như mình trong tác phẩm "Bánh trôi nước" một cách rất độc. Trang thơ ấy không chỉ là tiếng lòng thiết tha, sự giải bày và gửi gắm tâm tư của nữ sĩ mà còn là sợi dây kết nối những tâm hồn đồng điệu, là khúc ca sẽ mãi ngân lên trong dòng chảy thời gian vô tận này. Đúng như quy luật tồn tại và giá trị bất hủ của thơ ca bao đời nay: "Từ bao giờ cho đến bây giờ, từ Homer đến Kinh thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế." (Hoài Thanh)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top