Biệt thự ma
Cuối cùng rồi thì mơ ước của ông Tân cũng đã thành sự thật! Hơn nửa đời người, giờ đây ông Tân đã được sống trong một ngôi nhà to lớn khang trang, có cả một khu vườn thật rộng bao xung quanh, trồng nhiều loại cây trái khác nhau. Mười năm trước, khi vợ ông còn sống, hai vợ chồng đã từng mơ có được một ngôi nhà tương đối một chút để những đêm mưa vợ chồng con cái không phải ngồi túm tụm vào một góc và khắp nhà không phải bày la liệt nào thau nào chậu để hứng nước mưa dột lỏn tỏn từ trên mái nhà xuống. Vậy mà mãi tới khi thở hơi cuối cùng, vợ ông vẫn phải chịu cảnh khổ nhọc trong cái chòi lá trống trên hở dưới. Các con ông Tân cũng lớn lên từ đó. Nhưng nhờ trời, cả hai đứa đều có tính tự lập và ý chí phấn đấu rất cao, nên tuy là con nhà nghèo, việc học hành gặp nhiều hạn chế nhưng cả hai đứa con ông Tân đều học giỏi và thi đậu ở thứ hạng cao, được lãnh suất học bổng du học toàn phần do nước ngoài đài thọ. Đó là niềm vui to lớn nhất trong đời ông Tân. Hai đứa đi học rồi đi làm xa nhà, nhờ biết tiện tặn dành dụm nên mỗi năm mỗi đứa đều gởi về cho ông Tân một số tiền không nhỏ để ông an hưởng tuổi già. Nhưng một người đã quen với cuộc sống nghèo hèn khốn khó như ông Tân, lại không thuộc loại người mới “tanh tanh mùi tiền, đã làm ra vẻ phú ông” nên ông Tân tuy được con chu cấp để có cuộc sống dư giả, thoải mái, ông vẫn tiết kiệm và cần cù làm việc. Tự ông nuôi sống được mình, toàn bộ số tiền các con ông gởi về ông đều gởi hết trong ngân hàng. Nhiều năm trôi qua, khi số tiền ông có được đã có thể giúp ông đạt được mơ ước, ông viết thư cho con, nói rằng sẽ mua nhà. Hai đứa con quá bất ngờ và cảm thấy hối hận, vì lâu nay chẳng đứa nào nghĩ tới chuyện mua cho cha chúng một ngôi nhà khác, khang trang hơn. Cả hai đứa con ông Tân đều tán đồng và hứa sẽ gởi tiền về. Ông cười, viết cho con yên tâm, rằng ba hiện đã có đủ tiền để mua nhà rồi, ba không làm phiền hay đòi hỏi gì các con đâu. Chừng ấy hai đứa mới té ngửa ra rằng, lâu nay cha mình vẫn sống cuộc đời đạm bạc. Chúng càng cảm thấy yêu quí ông Tân nhiều hơn nữa. Và vì thế chuyện mua nhà chúng để cho cha toàn quyền định đoạt, không đứa nào có ý kiến. Mua nhà thế nào, vị trí ra sao là do ông Tân quyết định. Mà ông Tân này cũng khác người, thiếu gì nhà đẹp đẽ, phù hợp với yêu cầu và túi tiền của ông, nhưng ông lại không thèm mua. Để cuối cùng, ông chọn mua một ngôi nhà tuy to lớn, tuy cũng đẹp nhưng nó có một vẻ gì đó như u hoài, trầm mặc, đặc biệt ngôi nhà đó lại ở một nơi hoang vu vắng vẻ. Ngôi nhà đó đã bị bỏ hoang từ lâu, do vợ chồng người chủ nhà đã qua đời, lại không con cháu, chỉ còn một người cháu họ hàng xa đứng ra tiếp quản nhưng rồi cũng bỏ đó vì không ai trông nom. Ngôi nhà cũng đã được kêu bán từ rất lâu, nhưng không hiểu sao nhiều người tới xem qua rồi lại lắc đầu, chỉ riêng mỗi một mình ông Tân, vừa xem ông đã thích, và bằng lòng mua ngay không tốn nhiều công sức để kỳ kèo giá cả. Một vài người quen thắc mắc hỏi ông vì sao lại mua ngôi nhà đó. Ông Tân cười khẽ: - Tui thích ở một ngôi nhà to lớn như vậy, ngôi nhà đáp ứng được yêu cầu, giá lại rẻ, tội gì không mua? Hai đứa con tôi đi làm ở nước ngoài cũng phải vất vả lắm mới có được đồng tiền, mình tiết kiệm được khoản nào hay khoản ấy! Ông Tân cũng biết xung quanh ngôi nhà đó có nhiều giai thoại, người ta đồn đại việc ngôi nhà có ma ông cũng nghe rồi. Nhưng ông không sợ, ông nghĩ mỗi thế giới đều có những qui luật riêng, đừng ai xâm phạm ai là được. Cuộc đời ông vốn đã trải qua nhiều gian lao thử thách rồi, giờ đã gần cuối đời, chắng lẽ ông lại đi sợ một thế lực vô hình mà không biết có thực sự tồn tại hay không? Ngay sau khi thủ tục mua bán hoàn thành, ông Tân bắt tay vào sắp xếp lại nhà cửa và sửa sang vườn tược. Phần nội thất của ngôi nhà, ông Tân không mất nhiều thời gian để ổn định. Vì thật ra đồ đạc của ông dọn tới đâu có bao nhiêu! Trong ngôi nhà cũ ọp ẹp khi xưa của ông, đồ đạc toàn thứ tạm bợ mà đã trải qua nhiều năm dài rồi, đâu có mấy thứ còn sử dụng được. Vậy mà hôm dọn nhà, cái nào ông cũng tiếc, cũng muốn mang theo. Không phải ông là người keo kiệt bủn xỉn, nhưng vì đồ đạc trong nhà gắn liền với hình bóng vợ con ông, ông không nỡ rời xa chúng. Nhưng cuối cùng rồi ông Tân cũng chỉ mang theo một vài thứ lặt vặt, còn tất cả ông để lại cho người bà con gần đó. Dọn về nhà mới, ông Tân cũng không phải mua sắm gì nhiều, vì hầu như tất cả vật dụng cần thiết cho sinh hoạt gia đình đều đã có sẵn trong ngôi nhà đó. Tuy đồ đạc trông có vẻ cũ kỹ nhưng cái nào cũng tốt, cũng được làm bằng các loại nguyên liệu quí giá, mà khi bán nhà người chủ nhà đã hào phóng tặng luôn cho ông mà không cộng thêm tiền vào. Việc mà ông Tân phải đầu tư nhiều nhất là khu vườn bao quanh nhà. Khu đất rộng nhưng từ lâu không được chăm sóc nên rất hoang tàn. Cây cối, cỏ dại cứ chen nhau mà mọc. Một vài cây ăn trái lâu năm ông Tân để lại, vừa để cho khu vườn trông có vẻ ấm cúng vừa lấy làm bóng mát, còn hầu như toàn bộ ông Tan đều cho đốn bỏ sạch. Ròng rã gần một tháng trời cùng với mấy nhân công thuê về làm giúp, ông Tân đã ưng ý với thành quả của mình. Khu vườn đã sạch sẽ, được trồng mới lại các loại hoa kiểng, rau thơm, rau cải... theo từng khu vực thích hợp trông rất mát mắt. Ông Tân tuy không được ăn học nhiều, không biết chút gì về nghệ thuật làm vườn hay trồng trọt cây kiểng, nhưng với năng khiếu tự nhiên của mình ông đã tự tạo ra một khu vườn nhỏ theo đúng ý thích. Như vậy là đã thỏa lòng rồi, ông chỉ còn chờ đến ngày các loài hoa bắt đầu khoe sắc, các luống rau cải xanh mơn mởn góp phần làm tươi ngon thêm bữa ăn vốn rất bình dân giản dị của ông Tân. Hai đứa con ông Tân mỗi lần nhận được thư cha đều cảm nhận được sự yêu thích của ông đối với nơi ở mới. Giờ đây, chúng chỉ mong sao cho cha chúng tìm được một người phụ nữ nào đó để bầu bạn sớm hôm. Hai đứa đã lớn, đã hiểu được nỗi cô đơn mà ông Tân đã phải gánh chịu ngần ấy năm làm kiếp gà trống nuôi con từ sau ngày mẹ chúng mất. Nhất là bây giờ cả hai đứa đều xác định sẽ sống và làm việc luôn ở nước ngoài, mà ông Tân thì lại khăng khăng không chịu rời xa quê hương đất tổ. Vì vậy, hai đứa con ông Tân thường xuyên thúc giục cha tìm bạn đời. Mỗi lần nghe vậy ông Tân chỉ cười khì nói với con rằng: - Ba già rồi, không nghĩ gì tới chuyện đó nữa! Nhưng tận trong sâu thẳm lòng mình ông Tân vẫn cảm thấy nỗi cô đơn gặm nhấm. Khi cuộc sống đã ổn định, ông Tân không còn phải lo toan về vấn đề kinh tế, thời gian rảnh rỗi nhiều hơn thì nỗi cô đơn kia càng thêm da diết. Có những đêm một mình trong ngôi nhà vắng lặng, ông Tân ngồi hàng giờ trước bàn thờ vợ mà nước mắt lăn dài. Thật ra vợ ông không phải là mối tình đầu của ông, nhưng ông và vợ đã gắn bó nhau rất mực keo sơn, tình cảm. Từ ngày hai vợ chồng về sống với nhau, ông Tân chưa một lần làm điều gì có lỗi với người vợ hiền lành chất phác ấy. Cũng vì cái nghèo mới chia cắt vợ chồng ông! Năm đó vợ ông chỉ bị cảm thông thường, cô ấy đã không ở nhà dưỡng bệnh mà vẫn phải làm lụng y như ngày thường. Chiều đó mắc một trận mưa lớn, bệnh nặng thêm lên mà không đủ tiền chạy chữa thuốc thang cho tới nơi tới chốn nên cô ấy đã vĩnh viễn ra đi. Đó là niềm ăn năn ray rứt to lớn trong cuộc đời của ông Tân. Ông tự trách mình là đàn ông mà không lo toan che chở được cho vợ con, để đến nỗi vợ ông phải lìa đời, hai con ông như hai con chim non bơ vơ tự bay vào đời và tự mình vươn lên tồn tại. Thương vợ, ông Tân luôn tưởng tượng ra nếu vợ ông còn sống, thì khi hai vợ chồng có được ngôi nhà thế này cô ấy sẽ mừng vui đến đâu, sẽ trang trí thế nào... Hình ảnh vợ ông không phai mờ dẫu nhiều năm tháng đã trôi qua. Ông Tân tuy đã lớn tuổi nhưng vóc dáng vẫn còn phong độ và khỏe mạnh lắm. Cuộc sống của ông lại tương đối nên việc tìm kiếm một người vợ không phải là điều khó thực hiện đối với ông. Chỉ tại ông không thích, không muốn mà thôi. Đôi khi bạn bè ông gán ghép ông với người này người khác, ông chỉ mỉm cười cho qua, không phản đối mà cũng không tán đồng. Riết rồi bạn bè ông đâm chán, không ai còn muốn làm mai mối gì cho ông nữa. Ông Tân bằng lòng với cuộc sống yên bình hơi có vẻ ẩn dật của mình. Trong ngôi nhà đó, sáng sáng ông Tân thức dậy thật sớm để tưới cây, nhổ cỏ, chăm sóc nâng niu từng khóm hoa, từng luống cải ông gieo. Khi trời đã sáng rõ, ông tắm rửa đi làm. Hai năm gần đây, ông được nhận vào làm chân bảo vệ của một công ty gần nơi ông ở. Công việc nhẹ nhàng, tuy lương bổng không bao nhiêu nhưng vẫn đủ cho một người sống ít nhu cầu giống như ông. Hai đứa con ông Tân nhiều lần khuyên cha nghỉ làm, về ở nhà hưởng nhàn nhưng ông nhất định không chịu. Ông nói: “Tao đã già đâu, tao còn sức làm việc được thì sao lại phải ngồi không ở nhà cho ngứa ngáy tay chân. Đi làm cũng giống như đi chơi cho khuây khỏa vậy thôi, có gì nặng nhọc lắm đâu mà phải lo sợ”. Ông nói mạnh quá làm hai con ông phải nhượng bộ: - Thôi được rồi, ba muốn đi làm thì đi, nhưng dù gì thì cũng không được ráng sức. Khi nào cảm thấy mệt mỏi ba cứ xin nghỉ ngay, hai đứa con chẳng lẽ không nuôi nổi ba sao? Ông Tân đi làm đến gần năm giờ chiều mới trở về nhà, trên đường đi, ông ghé ngang một cái chợ nhỏ ven đường mua một ít thức ăn gì đó để dành cho bữa tối. Vì buổi trưa ông ăn cơm ở công ty, nên mỗi ngày ông chỉ ăn ở nhà duy nhất một buổi tối, ông đã quen với việc không ăn sáng từ những năm vất vả cơ hàn, đến khi cuộc sống khấm khá hơn ông vẫn không thay đổi có chăng chỉ là thêm một ly cà phê vào mỗi sáng mà thôi. Cuộc sống của Tân cứ tưởng sẽ bình lặng trôi qua như thế, nhưng có ai ngờ một buổi chiều đã có một người làm đảo lộn mọi thứ trong ông! Chiều ấy, cũng giống như thường lệ, khi tan sở về, ông Tân ghé qua chợ mua một mớ tép nhỏ về nấu canh với mấy trái mướp vườn nhà ông mới hái sáng nay. - Cô ơi mớ tép này bán bao nhiêu? Ông Tân hỏi: - Dạ, anh cho xin... Cô gái vừa nói vừa ngước lên nhìn ông Tân. Câu nói chưa dứt, bốn mắt đã chạm nhau và giống như có một luồng điện đi qua, cả ông Tân và cô gái đều khựng lại, không ai nói được lời nào, chỉ nhìn nhau trân trối. - Cô ơi, bán cho cân cá! - Cô ơi tôm này bán sao? - Cô ơi… Mãi đến khi nghe tiếng mọi người hỏi han mua bán cô gái mới hoàn hồn, lại cắm cúi vào công việc của mình. Riêng ông Tân, vẫn còn trong cơn bàng hoàng ngây ngất. Làm sao có chuyện này được? Mình mơ chăng? Không, đây là sự thật chứ hoàn toàn không phải giấc mơ! Trước mắt ông Tân, cô gái vẫn đang loay hoay với mớ cá tôm và lao xao người mua kẻ bán. Cô gái đó chính là hình ảnh của người yêu đầu tiên trong đời ông, người đã mất cách đây hơn hai mươi năm trong một tai nạn trên đường sông trong một lần chở lúa lên bán cho vựa. Hôm ấy, Lài - tên người yêu của ông Tân năm xưa - cùng với hai đứa em mỗi người một xuồng chở lúa từ nhà lên bán cho vựa trên chợ huyện. Đáng lẽ gọi họ xuống bán tận nhà cũng được, nhưng những người nghèo thường tiết kiệm, thu vén từng đồng, nên ba mẹ Lài muốn tự đem lúa đi để kiếm thêm chút ít tiền chuyên chở. Không may cho Lài, hôm đó nước sông chảy xiết, chiếc xuồng của cô lại đi vào vùng nước xoáy nên bị chìm. Lài vì tiếc của, không lo bơi vào bờ mà cứ lo kéo xuồng, vớt lúa nên đuối sức bị nước cuốn trôi. Hai đứa em Lài chứng kiến cái chết của chị mình mà không làm gì được, chúng chỉ biết kêu gào khóc lóc... Năm ấy, ông Tân và Lài đã làm lễ đính hôn, chỉ chờ sang năm được tuổi là tổ chức cưới. Lài mất, ông Tân đau đớn tột cùng, suốt nhiều ngày ông cứ đi thơ thẩn dọc theo bờ sông, miệng lẩm nhẩm gọi tên người con gái mà ông yêu quí. Mãi mấy hôm sau người ta mới vớt được xác Lài. Ông Tân suy sụp hẳn. Nếu không nhờ gia đình vực dậy, có lẽ ông Tân đã gục luôn từ hôm ấy. Rồi sau đó, chính gia đình Lài đã mai mối để ông Tân cưới người vợ sau này. Dù Lài không còn, nhưng ông Tân vẫn luôn giữ tốt mối quan hệ với giađình cô ấy, mãi đến mấy lúc sau này, do sinh kế vợ chồng con cái ông đùm túm nhau đi lập phương xa, rồi vì cảnh nghèo nên mối dây liên lạc mới thưa dần và gần như mất hẳn. Tuy vậy, thỉnh thoảng ông Tân vẫn đau đáu nhớ về, ông tự hỏi hiện nay gia đình đó ai còn ai mất, và ông cũng tự hứa với lòng rằng, sẽ có một ngày ông tìm về quê cũ để thăm lại gia đình Lài, thắp cho Lài một nén hương tưởng nhớ. Vậy mà... cuộc đời thật trớ trêu, chiều hôm nay ông Tân lại bắt gặp đúng Lài của ngày xưa đang ngồi ven đường bán cá! Sau một lúc hoảng loạn, khi bình tĩnh lại, ông Tân chợt hiểu ra một điều, nếu còn sống thì bây giờ Lài không thể trẻ như thế. Đây không phải là Lài, chỉ là một người nào đó giống cô, rất giống cô mà thôi. Nhưng nếu là một người xa lạ, tại sao cô gái ấy cũng tỏ ra sững sờ khi nhìn thấy ông Tân? Bao nhiêu câu hỏi cứ quay cuồng trong đầu làm ông Tân gần như không đứng vững được. Ông Tân bước xuống, dắt chiếc xe lại dựng tựa vào gốc cây bên đường rồi rút thuốc ra châm lửa đưa lên miệng hút. Ông đã quyết định rồi, ông sẽ đứng chờ ở đây chờ đến khi nào cô gái kia bán xong hết mâm cá trước mặt, ông sẽ mời cô lại nói chuyện để tìm hiểu. Nhìn thấy mâm tôm cá trước mặt cô gái vẫn còn nhiều, giờ tan tầm người mua bu kín xung quanh, cô gái thật nhỏ nhoi trước đám người đông đúc đó. Một mình cô lúi húi với việc làm cá, cân cá, nhận tiền... trông thật là tội nghiệp! Ông Tân chợt nảy ra một ý. Tại sao mình lại đứng khơi khơi ở đây khi cô ấy hai tay làm không kịp? Thế là ông Tân mạnh dạn tiến tới và ngồi xổm xuống cạnh bên cô gái, bình thản nói: - Cô để tôi làm cá giúp cho! Thoáng một chút ngỡ ngàng, nhưng cô gái cũng trao cây kéo đang cầm trên tay cho ông Tân, cô không có thời gian để mà dùng dằng từ chối. Tuy là đàn ông, nhưng đã sống một mình từ lâu ông Tân lại nhiều năm lăn lộn làm nhiều nghề khác nhau, nên việc làm cá đối với ông không phải là điều gì lớn lắm. Mấy con cá đầu ông còn hơi lướng vướng, nhưng rồi nhanh chóng ông Tân đã quen với công việc, hai bàn tay to lớn của ông cứ thoăn thoắt như một người chuyên nghiệp. Mấy người mua tỏ vẻ hài lòng, còn mấy người buôn bán cạnh thì cứ liếc cô gái rồi chọc ghẹo: - Hôm nay có người trúng số rồi! Cô gái thẹn đỏ mặt nhưng không nói gì, cứ cắm cúi vào công việc, còn ông Tân thì làm ra vẻ tỉnh bơ giống như mình không can dự gì vào việc mà họ đang bàn tán. Không bao lâu sau, mớ cá vụn cuối cùng cũng đã bán xong, cô gái thu dọn đồ đạc, rửa tay rồi nói khẽ với ông Tân: - Dạ... cảm ơn anh đã giúp đỡ... Ông Tân nhìn thẳng vào mắt cô gái: - Tôi có chút chuyện muốn nói với cô, xin cô vui lòng đừng từ chối! Cô gái lưỡng lự: - Nhưng... giữa tôi với ông có gì mà nói? Tôi... tôi chỉ mới biết ông lần đầu thôi mà? Ông Tân gật đầu: - Đúng rồi! Tôi cũng lần đầu tiên gặp cô, nhưng hình như giữa tôi và cô có một điều gì đdó không bình thường... ở đây nói chuyện không tiện, xin cô vui lòng theo tôi vào quán nước bên kia đường, tôi không làm cô mất nhiều thời gian đâu! Sau một thoáng đắn đo, cuối cùng cô gái cũng đồng ý. Cô để mớ thau rổ của mình vào một góc rồi lẽo đẽo đi theo sau ông Tân tiến vào quán nước bên kia đường. Ông Tân tỏ ra rất lịch sự kéo ghế mời cô gái: - Xin mời cô! Trao cho cô gái ly nước chanh đã được khuấy đều ông Tân đi thẳng vào vấn đề: - Tôi xin nói thật với cô, lần đầu tiên tôi được gặp cô nhưng tôi thật sự ngở ngàng vì cô rất giống một người thân của tôi. - Thế à? Cô gái đáp vẻ hờ hững. Ông Tân hỏi tiếp: - Nhưng tôi cũng nhận thấy cô cũng có thái độ quá bất ngờ khi gặp tôi, giống y như cô là người thân của tôi vậy đó! - Không... không, tôi không phải! Cô gái ấp úng chối. Ông Tân gật đầu: - Vâng, cô không phải là người đó! Tôi biết điều này, vì người đó nếu còn thì hiện nay cũng trạc tuổi với tôi, không thể nào trẻ trung như cô được! Nhưng, điều tôi quan tâm ở đây là... tôi muốn biết giữa cô và người đó có mối liên hệ gì không? Và tại sao cô có vẻ sững sờ khi gặp tôi như vậy? Cô gái vừa như ngượng ngùng lại vừa như háo hức: - Tôi... tôi... thật sự tôi không biết phải nói sao đây? - Nghĩa là sao? Ông Tân thắc mắc. Cô gái nhìn ông Tân e ngại: - Tôi nghĩ... có thể tôi nói ra ông sẽ không tin... - Sao cô lại nghĩ thế? Ông Tân ngạc nhiên. Cô gái xoa nhẹ hai bàn tay vào nhau như để lấy thêm can đảm, rồi cô thở hắt một hơi thật khẽ: - Thôi được rồi, tôi sẽ kể sự thật với ông, còn chuyện ông có tin được hay không thì tôi không dám ép. Ông Tân động viên: - Tôi đang lắng nghe. Và tôi nghĩ tôi chẳng có lý do nào để nghi ngờ những điều cô sắp kể... Cô gái khẽ cười: - Nhưng ông có biết điều mà tôi sắp kể là gì đâu, phải không? - Dù là điều gì tôi cũng sẽ tin, vì tôi nghĩ cô với tôi mới biết nhau lần đầu tiên, cô đâu cần dối gạt tôi làm gì... Ông Tân xác định lại một lần nữa. Cô gái chừng như đã yên tâm nên mạnh dạn kể: - Tôi không phải người sinh trưởng ở đây. Quê tôi ở cách đây xa lắm. Tôi chỉ mới về sống ở địa phương này hơn hai tuần nay thôi. Mà cái lý do để tôi về đây sinh sống cũng rất kỳ lạ, từ từ tôi kể hết ông nghe. Cô gái ngừng lại uống một ngụm nước, nhìn ông Tân với vẻ dò xét rồi nói tiếp: - Tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống với bà ngoại, ngoại tôi vừa mới mất hồi năm ngoái. Nói chung tôi là một người bình thường và cuộc sống của tôi cũng bình thường như rất nhiều người khác. Duy chỉ có một điều đặc biệt là... Từ khi bước vào tuổi trưởng thành cho đến tận hôm qua, đêm nào tôi cũng chỉ mơ một giấc mơ không rõ ràng nhưng nó cứ lặp đi lặp lại cả chục năm nay, khiến những gì xảy trong mơ đã khắc ghi thật sâu đậm trong tâm trí tôi và nó cũng làm tôi lo nghĩ không ít. Ông có biết tôi đã thấy gì trong những giấc mơ đó không? Cô gái ngước đôi mắt trong veo lên nhìn và đột ngột hỏi ông Tân. Ông Tân ấp úng: - Tôi... tôi không đoán ra! Cô gái cười khẽ: - Tôi đã thấy ông! - Tôi à? Ông Tân giật mình. - Đúng, tôi đã thấy ông hơn mười năm nay, đêm nào tôi cũng mơ thấy ông. Nhưng tôi hoàn toàn không biết được ông là ai, ở đâu, ông là gì với tôi... Và chiều nay bất chợt gặp ông, tôi thật sự bàng hoàng... Cô gái nghiêm túc nói. Ông Tân cũng tỏ ra bối rối: - Tôi? Tôi đã hiện diện trong giấc mơ của cô từ hơn mười năm nay? Trong những giấc mơ đó tôi đã nói gì, làm gì cô còn nhớ không? Cô gái lắc nhẹ đầu: - Không, trong mơ chưa bao giờ tôi thấy ông nói gì, mà ông cũng chẳng làm một điều gì cụ thể, ông giống như một hình ảnh luôn ám ảnh giấc ngủ của tôi mà không bao giờ cho tôi biết một chút gì về ông... Ông Tân thật sự bất ngờ trước những lời kể của cô gái. Nỗi thắc mắc quay cuồng trong tâm trí. Mình với cô ta có mối dây liên hệ gì mà tại sao cô ấy luôn mơ thấy mình? Giữa cô ấy và Lài nữa, có liên hệ không? Tại sao cô ấy lại giống Lài như hai giọt nước? Không thề lý giải được những điều đó, nên ông Tân cứ ngồi ngẩn người mắt nhìn đăm đăm vào cô gái khiến cô e thẹn, hỏi ông: - Ông có tin được những gì tôi vừa mới nói không? Ông Tân gật đầu: - Tin, tôi tin những gì cô kể là sự thật. Tôi cũng có sự thật khó tin. Cách đây hơn hai mươi năm, tôi và một người con gái tên Lài đã có hôn ước với nhau, không may Lài qua đời. Cô biết không, cô với Lài giống nhau như đúc. Lúc nãy mới gặp cô, tôi thật sự bị choáng vì cứ ngỡ đã gặp lại Lài, tưởng như Lài cố tình trốn tránh tôi bấy lâu nay vậy. Nhưng khi bình tâm lại, tôi biết cô không phải là Lài, vì lúc Lài mất cũng trạc tuổi cô hiện nay, bây giờ sau hơn hai mươi năm rồi, Lài không thể là cô được. Cô ơi, cô có nghe cha mẹ ông bà kể lại có người nào quen với gia đình cô tên Lài, gia đình sống ở huyện... không? Cô gái lắc đầu: - Tôi chưa nghe ai trong gia đình tôi nhắc tới tên Lài. Mẹ tôi chết khi mới sinh tôi. Tôi nghe kể lại, đáng lẽ tôi đã chết cùng với mẹ tôi rồi, vì mẹ tôi sinh khó mà không kịp vào bệnh viện. Ba mẹ tôi đang cùng nhau chài lưới trên sông thì mẹ tôi bất ngờ trở dạ. Cũng may, trong mấy chiếc xuồng trên bến sông chiều hôm đó có một người từng là mụ vườn, biết tin có người trở dạ, bà ta đã tận tình giúp đỡ. Nhưng mẹ tôi sinh khó tôi đã bị tím tái và không còn thở nữa. Ba tôi đau đớn lắm vì vừa mất cả vợ lẫn con. Nhưng rồi không hiểu tại sao tôi đột ngột sống lại ngoài sự tưởng tượng của mọi người, nhưng mẹ tôi thì đã vĩnh viễn ra đi... Nghe cô gái kể về việc mình chào đời trên sông nước, ông Tân thoáng rùng mình, hỏi lại: - Cô xin cô vui lòng cho tôi biết ngày sinh của cô, được không? Cô gái cười: - Ngày sinh của tôi dễ nhớ lắm ông à, vì đó là ngày rằm tháng bảy! Cô gái vừa dứt lời, ông Tân cảm thấy chao đảo cả đất trời. - Trời ơi, không lẽ... không lẽ đây chính là... Rõ ràng ngày rằm tháng bảy năm đó Lài cũng đã vĩnh viễn bỏ ông mà đi... Ngày rằm tháng bảy năm đó có một đứa bé được sinh ra, mà lại giống Lài đến thế kia! Ông Tân run rẩy hỏi tiếp: - Cô ơi, cô có nhớ cô đã chào đời trên khúc sông nào không? Cô gái thấy thái độ khẩn trương của ông Tân nên cũng hơi lo ngại: - Có gì không ông? Tôi thấy... thấy hình như ông bị kích động lắm... - Không! Không... cô cho tôi biết đi, cô chào đời ở khúc sông nào? Ông Tân chồm lên lo lắng. - Tôi... nghe ba tôi kể lại, mẹ tôi chuyển bụng khi đang chài lưới ở đoạn sông gần ngã năm Phụng Hiệp. Cô gái trả lời. Ông Tân thả người rớt phịch xuống ghế, hai tay ôm đầu rên rỉ nho nhỏ: - Lài ơi... đúng là em rồi phải không Lài? Cô gái hỏi: - Ông có sao không ạ? Ông nói gì tôi nghe không rõ? Ông Tân đau đớn ngước lên nhìn cô gái. Biết nói thế nào với cô ấy bây giờ, chẳng lẽ nói rằng cô chính là hiện thân của vị hôn thê ngày ấy của tôi? Nói thế thì khác nào mình là một thằng già không nên nết, lợi dụng sự giống nhau giữa hai người mà buông lời chọc ghẹo một cô gái chỉ đáng tuổi con mình? Còn nếu giấu nhẹm không nói ra thì cũng không được, ông không cam lòng, và trong chuyện này không đơn giản vậy đâu. Chắc chắn hồn Lài luôn muốn tìm gặp lại ông, cho nên bao nhiêu năm qua đều khiến cho cô gái này mơ mãi về ông để hình dáng, gương mặt ông in sâu đậm vào tâm trí cô ấy. Thì bây giờ đã gặp nhau rồi, đâu thể nào giữ hoài im lặng được. Nhưng nói ra bằng cách nào đây? Không thể sỗ sàng được, người ta là con gái mới lớn lên, mình là một thằng đàn ông tóc đã phai màu, đâu dễ gì nói những chuyện gió trăng như vậy… Lài ơi, nếu đúng là em, hãy khiến xui cho tình cảm của mình ngày xưa dang dở nay có cơ may chắp lại, còn nếu không phải là em thì đành vậy Lài ơi... - Ông ơi... ông bị làm sao vậy? Cô gái lo âu hỏi. Ông Tân gượng cười: - Không, không sao đâu! Tại tôi quá bất ngờ trước những điều trùng hợp kỳ lạ như thế này. À, lúc nãy cô có nói, việc cô chuyển về đây sinh sống cũng kỳ lạ, vậy cô có vui lòng kể cho tôi biết được không? Cô gái nhoẻn miệng cười hồn nhiên: - Có gì mà không được ạ! Từ sau ngày ngoại tôi mất, tôi cứ ốm đau bệnh hoạn mãi không làm gì ra trò ra trống. Mà đêm nào tôi cũng cứ thấy ông, rồi lại nghe văng vẳng bên tai tiếng người gọi tôi, chỉ cho tôi nơi lập nghiệp. Cuối cùng tôi quyết định thực hiện theo những điều huyền ảo đó, thử thời vận mình ra sao. Vì thật ra ở nơi quê cũ tôi cũng chẳng còn gì, có bỏ đi cũng không có gì trở ngại. Tôi thầm nghĩ thì coi như mình đi làm ăn xa, nếu ổn định được thì tốt còn không thì lại quay về chẳng có gì quan trọng. Thế là tôi đi, mới đến nơi còn lạ nước lạ cái và bất ngờ gặp ông, quả là... những điều hy hữu! - Hiện nay cô sống ở đâu? Ông Tân tỏ ra quan tâm: - Tôi ở trọ trong một xóm lao động nghèo. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi ra chợ buôn bán, tôi cũng không biết những ngày sắp tới mình có sống ổn định được với cái nghề này không nữa? Ông Tân xé một tờ giấy rồi viết vội lên đó mấy dòng, xong đưa cho cô gái: - Đây là địa chỉ của tôi, nếu có gì cân xin cô hãy đến đó, cô đừng ngại ngần điều chi hết. Tôi nghĩ chắc hẳn giữa tôi với cô có một sự liên hệ huyền bí nào đó mà hiện nay chúng ta chưa giải đáp được. Thôi thì tôi xem cô như người thân trong nhà, tôi mong cô cũng xem tôi như thế. Giữa tôi và cô, xin đừng có sự khách khí nào... Tôi rất thật lòng, mong cô hiểu cho. Ông Tân còn muốn nói chuyện nhiều hơn nữa với cô gái, nhưng ông biết, mới lần đầu tiên gặp mặt mà đã nói với nhau bao nhiêu chuyện thế là quá nhiều rồi, không nên gây cho cô gái cảm giác khó chịu nào nữa. Trước khi chia tay, ông hỏi: - Xin lỗi, tôi tên Tân, cô vui lòng cho tôi được biết tên cô? Cô gái đứng lên mỉm cười: - Cảm ơn ông, tên tôi là Loan. Ông Tân nói khẽ: - Cô Loan về nhé? Nhớ có gì cần cứ đến tìm tôi. Loan không nói gì, chỉ mỉm cười và gật đầu chào ông Tân. Đứng trước cửa quán nước nhìn theo cái dáng nhỏ bé của Loan hòa vào dòng người hối hả, ông Tân nghe trong lòng mình dâng lên một tình cảm rất khó gọi tên... Lâu lắm rồi, từ dạo Lài mất ông Tân đã thôi không còn những cảm tình lãng mạn nữa. Ông cưới vợ, sinh con, sống với vợ con những ngày tháng đầm ấm hạnh phúc, nhưng chưa bao giờ trong lòng ông lại trào dâng lên một thứ tình cảm da diết như thế này. Những tình cảm của tuổi đôi mươi này tưởng đã chết hẳn từ ngày Lài bỏ ông đi, chiều nay bỗng dưng bừng sống lại, giống như Lài cũng bừng sống dậy chiều nay... Đạp xe chầm chậm về nhà, ông Tân không buồn ra vườn tưới cây như mọi hôm. Ông cứ hết ngồi suy nghĩ thẫn thờ lại ngã mình trằn trọc trên bộ ván. Mãi đến khi trời tối mịt ông mới lò dò xuống bếp nấu cơm. Bữa ăn hôm nay ông ăn vội vàng cho qua chứ không cảm nhận được vị ngọt ngào của bát canh hay sự dẻo thơm của nồi cơm gạo mới... Tất cả tâm tư tình cảm ông đã dồn hết cho Loan, không đúng, mà là dồn hết cho Lài của ông mới đúng! Từ hôm đó, chiều nào đi làm về ông Tân cũng ghé lại chỗ Loan, ngồi giúp cô làm cá, hoặc đôi khi chỉ hỏi thăm bâng quơ một đôi câu mà ông vẫn cảm thấy lòng phơi phới lắm. Loan thì vẫn vậy, với ông, cô cũng tỏ ra vui vẻ nhưng có chừng mực. Và chưa một lần cô tìm tới nhà ông dù đã nhiều lần ông Tân cố tình mời mọc. Một buổi chiều do bận việc cơ quan, ông Tân về hơi trễ hơn thường ngày, khi đi gần tới chỗ Loan bán, ông trông thấy rất nhiều người xúm vào đó có vẻ như đang xảy ra chuyện không hay nào đó. Bất giác ông Tân thấy lo lắng, ông vội vàng vứt chiếc xe xuống lề đường, chen lấn tiến vào trong, Loan đang nằm dài dưới đất, được mấy người phụ nữ đánh gió. Mấy người buôn bán cạnh Loan đã quen mặt ông Tân, vừa thấy ông, họ mừng rỡ: - Kìa, kìa... người thân của cô ấy đã đến rồi kìa! Ông Tân hấp tấp hỏi: - Cô ấy bị sao vậy? Một chị bán bên cạnh nhanh nhảu trả lời: - Chắc là bị trúng gió, đang ngồi thì ngã ngửa ra không biết trời đất gì nữa hết. Ông Tân nhanh nhẹn xốc Loan lên tay, bước ra đường vẫy một chiếc xích lô. Khi đã đặt Loan lên xe, ông quay lại dặn: - Cô trông chừng giúp đồ đạc của cô ấy! - Ông yên tâm đi, tụi tôi sẽ giúp mà! Chị bạn nhanh miệng trả lời. Ông Tân lóc cóc đạp xe theo sau chiếc xích lô chở Loan về nhà ông. Khi đã vào nhà, ông đặt cô lên ván rồi làm vài thao tác sơ cứu mà ông đã biết qua, xong đâu đấy, ông xuống bếp vo nồi cháo bắc lên. Trong khi ông Tân lúi húi nấu cháo dưới bếp thì nhà trên Loan đã dần dần hồi tỉnh. Cô mở mắt ra ngơ ngác ngó xung quanh, không thể xác định được tại sao mình lại nằm đây mà đây là ở đâu? Loan từ từ nhớ lại... Phải rồi, mình đang ngồi bán thì chợt cảm thấy choáng váng rồi không nhớ gì nữa hết. Hay đây là nhà của chị bạn bán kế bên? Không phải đâu, nghe chị kể gia cảnh cũng nghèo khổ lắm mà, đâu có được ngôi nhà to lớn như thế này? Loan chống tay định nhổm dậy, nhưng đầu óc cô vẫn còn chao đảo lắm, cô phải bấu chặt tay vào thành ván mới có thể ngồi lên. Nhà ai mà vắng vẻ thế này? Loan vừa thắc mắc vừa lo sợ. Địa phương này Loan mới tới, chưa quen đường quen lối, lại chưa thân thiết với ai, nếu lỡ có chuyện gì không hay xảy ra cô biết phải làm sao đây? Bỗng Loan nghe có tiếng lục đục phát ra từ căn nhà phía sau, cô dò dẫm bước đi, vì lúc này ngoài trời đã tối mà trong nhà chỉ để một ngọn đèn không đủ sáng cả ngôi nhà to lớn. Loan bất giác giật mình khi nhận ra người đàn ông hôm trước. Vừa đúng lúc ông Tân quay lại và bắt gặp cô đang sửng sốt nhìn mình. Ông Tân vội nói: - Xin cô yên lòng! Lúc nãy đi làm về ngang qua đó, tình cờ tôi thấy cô trúng gió, tôi không biết phải làm sao, nếu đưa cô về nhà trọ của cô thì sẽ không ai chăm sóc. Vì vậy tôi mạo muội đánh liều đưa cô về thẳng nhà tôi, tôi xin thề tôi không có ý đồ gì không tốt! Nhìn thấy dáng vẻ ông Tân và nghe ông nói liền một hơi, Loan chợt phì cười: - Tôi... tôi cám ơn ông... Tôi không nghĩ ông có ý đồ gì, chỉ là... tôi ngại vì đã làm phiền ông mà thôi! Ông Tân thở phào khi nghe Loan nói. Từ chiều giờ ông luôn lo lắng, sợ khi tỉnh dậy Loan sẽ có phản ứng mạnh, sẽ mắng chửi khi biết ông đưa cô về đây. Giờ thấy cô thế này, thật sự lòng ông Tân vui lắm. Ông nói đùa: - Có gì đâu mà phiền! Thì cô cứ coi như tôi đền bù lại tội lỗi của mình. - Tội lỗi của ông? Tội lỗi gì? Loan ngơ ngác. Ông Tân bật cười: - Thì cô đã nói hơn mười năm nay tôi luôn quấy rối giấc ngủ của cô, thì nay tôi xin được đền lại cho cô một phần rất nhỏ... Loan cười: - Ồ, thì ra ông nói chuyện đó! Mà lạ thiệt ông nhỉ? Tôi cứ suy nghĩ mãi mà không tài nào nghĩ ra giữa ông và tôi và người vợ hứa hôn năm xưa của ông có mối dây liên hệ nào? Ông Tân tiến đến kéo chiếc ghế ra ân cần bảo: - Cô còn yếu lắm kìa, cô cứ ngồi xuống đây! Cháo cũng đã chín rồi, để tôi múc ra cho cô ăn nóng, ăn thật nóng, thật cay vào cho xuất mồ hôi, có như vậy mới giải cảm được. Cô cứ từ từ ăn, vừa ăn mình vừa nói chuyện. Loan ngồi xuống ghế, ngoan ngoãn đón lấy chén cháo thơm lừng mùi hành tiêu và còn nghi ngút khói từ tay ông Tân. Cô chớp chớp mắt để nén dòng xúc cảm của mình. Lâu rồi, lâu lắm rồi, kể từ ngày bà ngoại già cả không còn đủ tỉnh táo và sức lực thì trên đời này chưa có ai lo lắng ân cần với cô như vậy. Ông Tân cũng kéo ghế ngồi đối diện với Loan, ông giục: - Cô ăn đi cho nóng! Loan ngập ngừng: - Ông... ông không ăn cùng tôi sao? Ông Tân lắc đầu: - Tôi có đau ốm gì đâu mà ăn cháo? Cơm tôi đang nấu, tí nữa sẽ ăn sau, cô cứ dùng tự nhiên đừng ngần ngại. Như đã có lần tôi nói với cô, mình hãy coi nhau như người trong nhà, như vậy sẽ tốt hơn cô ạ! Kìa, cô ăn đi chứ! Để ông Tân thúc giục hoài cũng kỳ, Loan chậm rãi múc một muỗng cháo đưa lên miệng húp. Cái vị ngọt ngào ấm nóng đi dần vào bao tử làm cho cô có cảm giác thật dễ chịu. Ngồi nhìn Loan ăn, ông Tân trầm ngâm nói: - Có những việc rất khó hiểu mà có thể người ngoài sẽ không thể nào tin được. Từ hôm bất ngờ gặp được cô, thú thật là trong đầu tôi luôn luôn nghĩ về chuyện đó, tôi không thể tin được trên đời lại có chuyện trùng hợp lạ lùng như thế xảy ra! Vậy mà nó đã xảy ra, xảy ra ngay trong cuộc đời tôi... Loan ngước lên nhìn ông Tân, hỏi: - Ý ông nói là sự giống nhau kỳ lạ giữa tôi và người vợ hứa hôn của ông, hay giấc mơ của tôi? Ông Tân mơ màng nhìn ra cửa sổ, nói với Loan mà như nói với chính bản thân mình: - Về tất cả cô ạ! Về sự giống nhau, về giấc mơ của cơ và về những điều khác nữa mà cô chưa biết! - Còn những điều khác nữa sao ông? Loan ngạc nhiên. Ông Tân gật đầu: - Đúng vậy, còn những điều khác nữa... Cô có biết không, người vợ hứa hôn ngày xưa của tôi đã chết trong một tai nạn chìm xuồng, cũng ngay trên khúc sông mà cô đã ra đời, và… cũng vào chiều ngày rằm tháng bảy! Muỗng cháo vừa húp vô như nghẹn lại nơi cổ của Loan, cô cố gắng nuốit ực một cái rồi hỏi, giọng lắp bắp: - Ông nói sao? Người đó chết ngay trên khúc sông đó? Cũng vào ngày đó à? Ông Tân không nói gì chỉ lặng lẽ gật đầu xác nhận. Loan buông rơi muỗng cháo, kêu lên: - Trời ơi!... Ông Tân đứng lên bước vội về phía nhà trước, và chỉ một loáng sau ông quay trở xuống, trên tay cầm một cái bài vị đưa ra trước mắt Loan: - Cô hãy nhìn đi, đây là bài vị của Lài, tôi luôn mang theo từ ngày cô ấy mất. Loan run run cầm lấy chiếc bài vị, xem xét thật kỹ chỗ ghi ngày mất thì đúng là trùng với ngày sinh tháng đẻ của cô. Bất chợt Loan hỏi một câu không ăn nhập gì tới chuyện đó: - Từ ngày cô ấy mất ông vẫn sống một mình? Ông Tân cười nhẹ, lắc đầu: - Không! Sau khi cô ấy mất vài năm thì tôi lấy vợ nhưng có lẽ số tôi không may mắn, hơn mười năm trước vợ tôi cũng đã qua đời sau một trận ốm. Hai đứa con tôi đang sống ở nước ngoài. Loan gật gù: - Đã lấy vợ, sinh con vậy mà ông vẫn giữ bài vị của người xưa sao? Ông Tân cười: - Giữ chứ! Tôi đã xem Lài là vợ tôi. Người vợ sau này của tôi cũng một lòng thờ kính cô ấy! Hằng năm, chúng tôi đều làm giỗ cúng cô ấy dù lúc đó chúng tôi nghèo khổ lắm, nói là giỗ nhưng có khi chỉ là một mâm cơm đạm bạc...Loan có vẻ xúc động: - Nếu vong hồn cô ấy biết được chắc sẽ hạnh phúc lắm. Ít có người đàn ông nào chung thủy được như ông! Ông Tân cười: - Cô nói thế chứ tôi có ra gì... Bỗng dưng Loan cầm chiếc bài vị đưa lên giữa trán thành tâm khấn vái: - Tôi là một kẻ tứ cố vô thân, tình cờ trôi dạt đến đây và gặp được những điều lạ lẫm, ngoài sức phán đoán của tôi. Tôi kính cẩn xin hương hồn cô Lài nếu có linh thiêng hãy báo mộng cho tôi được rõ, để tôi biết giữa cô, ông Tân và tôi có mối liên hệ gì. Có như thế tôi mới có thể sống yên ổn được... Ông Tân xúc động vô cùng khi nghe Loan khấn như vậy. Trong lòng ông cũng thầm van: - Lài ơi, em hãy về nói rõ cho anh biết đi! Anh phải làm sao đây, cư xử sao đây? Thật sự lòng anh đang ngổn ngang trăm mối, em hãy về giúp anh giải thích rõ mọi việc nghe Lài... Ngoài trời, bóng đêm đã bao trùm cảnh vật. Cái nóng hầm hập của những ngày cuối hạ cũng đã nhanh chóng tan đi nhường chỗ cho những cơn gió dìu dịu thổi mát mơn man trên những khóm cây luống cỏ... Mùi hương thoảng của mấy cây nguyệt quế trồng bên ngoài cửa sổ thoảng đưa vào làm cho không khí trong căn phòng càng thêm ấm áp. Loan đứng lên: - Trời tối rồi, tôi phải về đây! Xin cảm ơn ông rất nhiều vì sự giúp đỡ vừa rồi của ông... Ông Tân không hài lòng: - Coi kìa, tôi đã nói sao với cô? Mình hãy xem nhau như người thân trong gia đình, thì có gì mà cô phải nói tiếng cảm ơn khách sáo đó? Loan bối rối: - Dạ... tôi xin lỗi! Thôi, xin phép ông tôi về! Ông Tân muốn giữ Loan lại nhưng biết rằng không tiện nên thôi, đành phải đứng lên tiễn cô ra cổng với lời dặn dò ân cần: - Cô về nghỉ ngơi cho khỏe, mai đừng vội đi bán đấy! Có gì cứ đến tìm tôi nhé? - Dạ, tôi nhớ rồi ạ! Thôi, ông vào nhà đi, tôi về được rồi! Loan mỉm cười. Ông Tân sực nhớ ra: - À mà cô về bằng gì nhỉ? Loan nhìn ông cười: - Tôi đi bộ, chỗ tôi ở cũng gần đây thôi mà! Đi hết con đường này, rẽ vào một con hẻm nhỏ là tới. Lúc nãy vừa ra tới cổng nhà ông là tôi đã định hướng được rồi, vì hôm mới lên tôi có đi thơ thẩn qua đây. Ông Tân reo lên: - Vậy hóa ra mình còn là láng giềng của nhau nữa à? Thế thì tốt quá! Loan mở miệng định hỏi thêm: - Sao là tốt quá? Nhưng cô cảm thấy ngại nên thôi. Bóng Loan đã khuất dần nơi cuối con đường mà ông Tân vẫn bần thần đứng hoài trước cổng không muốn quay vô. Bất chợt, ông quay lại khóa trái cổng rồi đi một mạch theo lối lúc nãy Loan đi. Ở cuối con đường quả thật có một con hẻm nhỏ đúng như Loan nói.Ông chậm rãi đi vô hẻm! vừa đi vừa nhìn ngó xung quanh, ông muốn tránh không để Loan biết ông đã đi theo Loan đến tận chỗ này. Con hẻm này tuy ở gần nhà nhưng chưa một lần ông Tân bước chân vô. Thứ nhất vì ông cũng mới dọn về đây sinh sống, thứ hai, từ ngày dọn về ông mãi lo cải tạo nhà cửa, vườn tược chưa có thời gian nào rảnh để tìm hiểu xung quanh. Con hẻm nhỏ xíu, hai chiếc xe máy chạy ngược chiều muốn tránh nhau cũng không phải dễ. Hai bên nhà cửa chen chúc, mà hầu hết các ngôi nhà ở đây đều ọp ẹp, tạm bợ. Tiếng trẻ con cười đùa, tiếng mấy người đàn ông đang nhậu nhẹt, tiếng quát mắng của một vài phụ nữ khiến không khí trong hẻm ồn ào náo nhiệt hẳn lên. Ông Tân cứ đi mải miết gần đến cuối hẻm mới phát hiện được nơi ở của Loan. Đó là một căn nhà nhỏ xíu và còn có vẻ tạm bợ hơn hẳn những căn kế bên nữa. Ông chợt cảm thấy xót xa, nhớ lại một quãng đời khổ sở nghèo đói của mình. Ông Tân muốn ngay lập tức chạy vào đó kéo tay Loan bảo cô hãy dọn về nhà ông mà sống. Nhưng ông đã kịp dằn lại cái cảm xúc nông nỗi đó, ông biết Loan không thể dễ dàng chấp nhận về sống với người đàn ông xa lạ như ông... Thôi, chuyện gì thì cũng từ từ, cần phải có thời gian... Ông Tân nhủ thầm với lòng mình như vậy. Đi loanh quanh trước cửa nhà Loan một lúc rồi ông Tân quay gót ra về. Dù sao biết được nơi sinh sống của Loan thì ông cũng đã yên tâm nhiều rồi. Tối đêm đó trước khi đi ngủ, ông Tân không quên thắp nhang lên bàn thờ vợ và Lài và khấn những câu như lúc tối ông đã nghĩ. Lên giường nằm mãi mà không ngủ được, ông Tân cứ trằn trọc không yên. Bất chợt ông thấy thèm hút một điếu thuốc, nhưng vì ông bỏ hút đã lâu nên trong nhà không có thuốc, đêm cũng đã khuya rồi, giờ này còn lang thang ra đường mua thuốc thì cũng ngại nên ông đành nằm im chịu đựng. Bỗng ông Tân nghe một tiếng động rất to phía nhà bếp. Cứ ngỡ con mèo hoang nào dám vô lục lọi đồ ăn, ông Tân vùng dậy đi xuống bếp nhưng tất cả các cánh cửa sổ đều đã được đóng kín thì làm sao mèo nào vô được? Nồi cá kho để trên bàn cũng vẫn còn nguyên. Tiếng gì thế nhỉ? Thắc mắc, ông Tân bật sáng hết các ngọn đèn để đi xem xét khắp nơi mà vẫn không có gì lạ. - Hay là tai mình có vấn đề? Ông Tân vừa lầm bầm vừa tắt đèn rồi trở vô mùng nằm. Mới vừa thiu thỉu ngủ, một tiếng “ầm” vang lên làm ông Tân giật bắn cả người. Ông ngồi bật dậy, vớ lấy cây gậy luôn đặt phía đầu giường lặng lẽ đi ra nhà sau. Ông cố tình không bật đèn để xem cái quái quỉ gì phá rối ông như vậy? Nép mình vào cánh cửa ăn thông với nhà bếp, nơi phát ra tiếng động, ông Tân nín thở lắng nghe động tịnh. Có tiếng chân bước rất nhẹ làm ông giật mình kêu khẽ: “Trộm ư?” Ông nắm chặt cái cây trong tay đề phòng bất trắc. Tiếng chân không còn, nhưng thay vào đó là những tiếng rì rầm nho nhỏ. “Thật quá đáng, đã đi ăn trộm mà còn dám bàn tán như vậy sao? Bọn trộm này lộng hành đến mức độ này sao?”. Ông Tân thầm nghĩ. Ông không lo lắng gì đến chuyện trộm viếng thăm nhà, vì trong nhà ông có cái gì đáng giá để chúng nó lấy mang đi đâu? Tiền bạc của cải dành dụm ông đều gởi cả trong ngân hàng, chúng có tìm đỏ con mắt cũng đừng hòng lấy được cái gì. Nhưng lạ kìa, sao chúng lại có vẻ như đang đùa giỡn với nhau vậy? Tiếng cười khúc khích, tiếng dỗ dành nho nhỏ... Ông Tân không hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa. Ông nhích thêm mấy bước để đến bên chiếc khuôn bông trên vách, ông ghé mắt vào đó nhìn xuống, một cảnh tượng làm ông rụng rời: Hai bóng người trắng toát đang ngồi sát bên nhau ra vẻ âu yếm lắm! Ma! Đúng là ma rồi! Lời đồn đại quả không sai! Ông Tân run rẩy hai chân, nhưng ông cố gắng tự nhủ: - Mình đừng quấy phá họ thì chắc họ cũng sẽ không quấy phá mình! Ông tự nhủ như thế rồi lùi dần trở về phòng ngủ của mình. Nỗi lo âu vẫn canh cánh bên lòng, nhưng ông Tân luôn nhẩm đi nhẩm lại câu đừng ai phạm tới ai, rồi ông chìm vào giấc ngủ từ lúc nào ông cũng không hay biết. Sáng sớm hôm sau, vừa thức dậy, ông Tân đi rảo một vòng quanh nhà thì thấy tất cả vẫn bình thường không có chút gì thay đổi. Hôm nay là chủ nhật không phải đi làm, ông Tân thư thả ra sân tập thể dục rồi tưới nước bắt sâu cho mấy khóm hoa luống cải. Khi mọi việc xong xuôi thì mặt trời cũng đã lên cao. Ông vào nhà tắm rửa, định sẽ đi chợ mua một ít thức ăn. Nhưng khi vừa tắm xong, ông nghe có tiếng Loan gọi ngoài cửa. Mừng rỡ, ông Tân nhanh chóng đi ra: - Hôm nay chủ nhật, biết ông có ở nhà nên tôi mua một ít thức ăn tới nấu cho ông bữa cơm để trả nợ! Loan vừa cười vừa nói. Ông Tân hồ hởi: - Xin mời cô vào? Tôi thật sự mừng quá, vì lâu rồi không ai nấu cơm cho tôi ăn... Chợt nhận ra câu nói của mình hơi có vẻ hớ hênh, ông Tân nín bặt, cô Loan cũng có vẻ e thẹn. - Cô mua những gì thế? Tôi cũng mới vừa tính đi chợ đây, thật may quá... Ông Tân nói để xua đi cái sự ngượng ngập giữa hai người. Không lâu sau Loan cũng đã lấy lại được vẻ tự nhiên, cô bắt tay vào công việc nội trợ với sự thuần thục của một cô gái quê đảm đang khéo léo. Ông Tân cũng lăng xăng phụ giúp một tay. Lòng ông vui rộn rã, hơn mười năm nay trong nhà ông mới lại có không khí đầm ấm như thế này. Khi bữa cơm đã được dọn lên tươm tất, ông Tân bỗng nhớ ra và nói với Loan: - Tôi xin phép được cúng mâm cơm này cho những người khuất mặt ở đây, được không cô Loan? Loan hơi ngỡ ngàng nhưng chỉ một thoáng qua, cô gật đầu cười: - Ông cũng tin vào người khuất mặt nữa sao? Ông Tân khẽ gật: - Tin chứ cô! - Thế ông có sợ không? Loan tò mò hỏi. Ông Tân cười: - Không, tôi không sợ! Bởi tôi tin người chết họ cũng không làm hại gì mình nếu mình không làm gì hại đến họ! - Ông là một người tốt! Loan buông một câu gọn lỏn làm ông Tân cười ngất: - Cô dễ tin người đến thế sao? Chỉ mới nghe tôi bẻm mép một đôi câu mà cô nhận định tôi là người tốt thì coi chừng sẽ hối hận đó nghe! Loan nghiêm giọng: - Không, không phải tôi nhận xét vậy chỉ vì nghe một vài câu nói của ông, mà là tôi quan sát ông từ lâu nay, từ hôm gặp ông lần đầu tới nay... Ông Tân xúc động khi nghe Loan nói. Bỗng ông hỏi Loan: - Cô có tin ma không, cô Loan? Loan giật mình: - Sao ông hỏi vậy? Bộ... bộ nhà ông có ma sao? Thấy Loan có vẻ sợ sệt, ông Tân cười: - Không, tôi chỉ thuận miệng hỏi cho vui vậy thôi mà! Loan lè lưỡi: - Vậy mà ông làm tôi hết hồn, cứ tưởng ông gặp ma... Nhưng rồi Loan lại tỏ ra mạnh dạn: - Mà nè ông ơi, tôi nghĩ tôi cũng không có sợ ma đâu! Tại vì... lâu nay tôi cứ nghĩ ông là ma đó! Ông Tân trợn tròn mắt: - Sao? Cô nghĩ tôi là ma à? Loan ngây thơ: - Đúng vậy! Tại vì đêm nào tôi cũng mơ thấy ông, mà tôi thì chưa gặp ông bao giờ cho nên tôi cứ nghĩ ông là một hồn ma đeo bám lấy tôi có lúc tôi cảm thấy ghét ông kinh khủng. - Ghét tôi? Ông Tân ngờ nghệch hỏi. - Phải, tôi ghét ông, vì ông cứ làm cho đầu óc tôi rối tinh rối mù cả lên vì phải suy nghĩ đủ thứ, thắc mắc đủ thứ. Nhưng rồi một thời gian sau, tôi đã quen dần với việc gặp gỡ ông hằng đêm, tôi coi chuyện đó như một chuyện đương nhiên rồi nên không còn thấy ghét ông nữa! - Hú hồn! Ông Tân thở phào nhẹ nhõm, tay đặt lên ngực làm bộ điệu chọc cười cho Loan. Loan nhìn ông cười cười: - Tôi không biết làm cách nào để biết được mối dây liên hệ giữa ba người chúng ta? Hay hôm nào tôi đi xem bói nhé? Ông Tân nhăn nhó: - Tôi chỉ sợ cô gặp phải các tay thầy bói bịp bợm, bàn ra tán vào rồi cô lại đâm ra ghét tôi lần nữa thì nguy. Loan và ông Tân cùng cười. Tiếng cười xua đi cái không khí hoang vắng trong ngôi nhà rộng thênh của ông Tân. Ông Tân thấy mình như trẻ lại hàng chục tuổi. Suốt buổi sáng ông cứ nói đùa nói tếu như chàng thanh niên thuở mới hai mươi... Khi những nén nhang đã tàn, ông Tân dọn mâm cơm xuống và hai người ngồi vào bàn vừa ăn vừa nói cười vui vẻ. Cả hai gần như đã không còn khoảng cách, đã trở nên thân thiết lắm rồi. Ăn cơm xong, Loan ở lại giúp ông Tân một vài việc lặt vặt ngoài vườn, đến tận trưa cô mới từ giã ra về sau khi hứa với ông Tân hôm nay sẽ không đi bán, mà nghỉ ở nhà cho lại sức. Còn lại một mình trong nhà, ông Tân khẽ mỉm cười khi nhớ lại những việc vừa xảy ra. Ông không biết phải cảm ơn trời phật hay cảm ơn ai đã xui khiến cho ông và Loan có cơ may gặp gỡ để lứa tuổi về chiều của ông còn có được niềm hạnh phúc muộn màng này? Xế trưa hôm ấy trời bất thình lình đổ mưa, cơn mưa thật lớn, nước đổ ầm ầm trên mái nhà, như có bao nhiêu nước trên trời đều bị ông trời đem trút hết xuống trần gian. Ông Tân đóng kín các cánh cửa sổ rồi ngồi bó gối ngó mông lung ra sân qua làn cửa kính mờ mờ. Cây cối nghiêng ngã tơi bời, sấm sét đì đoàng, những tia chớp thì cứ lóe lên như muốn rạch nát bầu trời. Trước đây, mỗi lúc trời mưa như thế này là ông Tân rầu rĩ lắm. Hết rầu cảnh nhà dột cột xiêu lại rầu tới cảnh cô đơn vò võ, thế nhưng hôm nay, trời cũng mưa gió tơi bời mà trong lòng ông Tân thật ấm áp. Ông không còn cảm thấy cô đơn nữa. Hình như có một điều gì đó vừa len nhẹ vào trái tim ông mà ông còn đang tự dối mình, chưa dám phân tích để nhìn nhận. Ngồi một lúc, ông Tân ngã người xuống bộ ván và lơ mơ ngủ. Tiếng mưa vẫn gõ nhịp đều đều như ai đó đang cố tình ru dỗ đưa ông vào giấc ngủ êm đềm... Đang mơ màng, ông Tân thoáng cảm nhận có ai đó vừa đi lướt ngang qua chỗ mình nằm. Mở choàng mắt ra nhìn dáo dác khắp nơi vẫn không thấy gì, ông Tân vừa mới định khép mắt lại ngủ tiếp thì nghe rõ ràng có tiếng cười khúc khích. - Ai đó? Ai cười đó? Ông Tân ngồi bật dậy lên tiếng hỏi. Một bóng người mặc toàn đồ trắng thoáng lướt qua ông. Trong cái cảnh âm u tranh tối tranh sáng này, ông Tân không làm sao nhìn rõ được gương mặt người đó, nhưng ông biết chắc đó là một người phụ nữ. - Cô… cô là ai? Ông Tân hỏi. - Tôi là chủ nhân trước đây của ngôi nhà này! Một giọng nữ ấm áp cất lên. Ông Tân lắp bắp: - Bà... chẳng phải bà đã qua đời từ lâu rồi sao? Một giọng cười trong trẻo vang lên, nhưng rõ ràng không phải là tiếng cười ghê rợn như lâu nay ông Tân thường nghe người ta kể về ma như vậy. - Đúng là tôi đã chết rồi, chết cả hai vợ chồng! Nhưng vì chúng tơi chết oan, chúng tôi chưa tới số, nên bao nhiêu năm nay chúng tôi không sao siêu thoát được, cứ phải làm những vong hồn vất vưởng sống bám vào trần gian... Nay chúng tôi thấy ông là người tốt, biết suy nghĩ trước sau nên chúng tôi quyết định nhờ cậy ông giúp cho một việc, hy vọng vợ chồng tôi sớm được lai sinh. Giọng nói của người phụ nữ rất rành mạch, khúc chiết khiến ông Tân không còn cảm thấy sợ hãi gì nữa. Ông mạnh dạn: - Có điều gì xin ông bà cứ nói, nếu sức tôi có thể làm được tôi nhất định sẽ làm cho ông bà. Tiếng người phụ nữ nũng nịu: - Anh thấy chưa, em đã bảo với anh, ông đây là người tốt! Có tiếng trầm ấm của người đàn ông: - Thì anh có chống đối em đâu... Rồi tiếng hai người cười khúc khích với nhau. Ông Tân cảm nhận đây là một cặp vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc, không biết vì lẽ gì mà họ chết, lại là chết oan ức đến nỗi hồn phách không siêu thoát được? Tiếng người đàn ông: - Được ông nhận lời giúp đỡ, vợ chồng tôi vô cùng đội ơn! Việc cũng không có gì quá sức ông đâu, nhưng cụ thể là việc gì thì vợ chồng tôi sẽ nói sau. Trước tiên, chúng tôi muốn nói về chuyện của ông trước đã. - Chuyện của tôi? Ông Tân ngạc nhiên hỏi lại. - Đúng, chuyện của ông! Có phải ông luôn thắc mắc tại sao lại có sự trùng hợp giữa người vợ sắp cưới năm xưa của ông và cô Loan hiện nay, đúng không? Ông Tân vừa ngỡ ngàng vừa mừng rỡ. Ông thấy có lẽ mọi sự sắp được sáng tỏ rồi. - Ông... ông bà cũng biết cả việc đó nữa sao? Ông Tân hỏi. Tiếng người đàn bà cười giòn giã: - Biết chứ? Chúng tôi biết mọi thứ từ ngày đầu tiên ông mới dọn về đây. Tôi vẫn thường nói với chồng tôi rằng, chúng mình sắp được chứng kiến một mối tình thật cảm động... - Ông bà biết ba người chúng tôi có liên hệ gì với nhau thật sao? Ông Tân nóng ruột. Người phụ nữ không cười nữa, bà ta nói nghiêm túc: - Người vợ hứa hôn năm xưa của ông chết, nhưng vì nợ duyên với ông chưa hết được nên ngay lúc đó hồn của cô ấy đã nhập vào xác đứa bé đã chết khi vừa mới sinh ra. Như vậy, cô Loan hiện nay chính là vợ hứa hôn ngày trước của ông sống lại trong thân xác đó. Những nhân duyên, nợ nần tiền kiếp nếu muốn ông hiểu rõ thì tôi phải giải thích dài dòng lắm. Ông chỉ cần biết như thế là đủ. - Nhưng... tại sao cô ấy luôn mơ thấy tôi khi ngủ? Ông Tân vẫn chưa hết thắc mắc .Người phụ nữ bật cười: - Đó là do các thế lực siêu nhiên muốn nhắc nhở cô ấy rằng cô ấy đã là người có chủ. Chính vì mơ gặp ông hằng đêm như thế mà cô ấy đã từ chối biết bao nhiêu lời tỏ tình cũng như lời cầu hôn của những gia đình khá giả. Đó là mệnh số của hai người, phải trải qua những thăng trầm như vậy cuối cùng mới được sống với nhau. Ông Tân cảm thấy mừng vui không xiết, nhưng nỗi lo vẫn canh cánh bên lòng, ông buột miệng hỏi: - Nhưng tôi phải làm sao bây giờ? Tôi phải nói sao với Loan để Loan không nghĩ tôi là kẻ đặt điều bậy bạ nhằm buông lời chọc ghẹo cô ấy? Người đàn ông lên tiếng: - Ông không có gì phải lo! Mọi việc đã được sắp xếp hết cả rồi! Cái gì đến sẽ tự nhiên mà đến thôi ông ạ! Tuy không hiểu rõ lắm những lời người đàn ông nói, nhưng ông Tân cũng tạm hài lòng với những gì mình đã biết. - Cái gì đến sẽ tự nó đến! Ông lầm rầm nhắc lại như để trấn an mình. Ông Tân ngước lên nhìn vào khoảng không trước mặt: - Tôi rất cảm ơn ông bà đã cho tôi biết những chuyện ấy. Giờ thì xin ông bà hãy nói cho tôi biết tôi phải làm gì để giúp ông bà đây? Giọng người đàn ông trầm hẳn xuống: - “Trước khi nhờ ông giúp đỡ, tôi xin kể sơ qua về vợ chồng tôi cho ông được biết. Số là vợ chồng tôi không thể có con, điều này ai ai trong gia đình cũng biết. Chúng tôi được thừa hưởng toàn bộ gia sản của hai bên gia đình nên rất giàu có. Vì biết mình không có con nên chúng tôi luôn quan tâm giúp đỡ đứa cháu họ xa, và còn dự định sau này sẽ viết di chúc để lại toàn bộ gia sản cho nó. Ai ngờ đâu nó là một đứa tham lam ích kỷ. Nó không chắc chúng tôi có để lại gia sản hay không, nên một mặt đối với chúng tôi rất mực thân tình lễ độ, một mặt lại ngấm ngầm tìm cách hại chúng tôi. Vì nơi đây hoang vắng, chúng tôi lại sống biệt lập không giao tiếp với ai. Mà vợ chồng tôi lại có cái thú ra biển thuê thuyền nhỏ chèo đi chơi loanh quanh, điều này cũng nhiều người biết. Nó đã vin vào những cái đó mà dựng lên cái chết của vợ chồng tôi: Chèo thuyền ra xa bất ngờ gặp giông bão nên đắm thuyền chết mất xác. Thật sự chính nó đã giết chết vợ chồng tôi và giấu xác vào một nơi thật kín đáo. Sau sự việc đó, nhà chức trách cũng có ý nghi ngờ nên mở một cuộc điều tra. Tất cả đều trùng khớp với lời khai của nó, vì tất cả đã được nó dàn dựng một cách vô cùng tinh vi, khéo léo. Cảnh sát cũng không tìm thấy gì, một thời gian sau cũng không nghe có hai thi thể vô thừa nhận nào nên vụ án coi như kết thúc, nó nghiễm nhiên trở thành người thừa hưởng toàn bộ gia tài. Nó kêu bán ngôi nhà này từ rất lâu rồi, nhưng chính vì vợ chồng tôi cản ngăn mà nhiều người tới xem mặc dù rất hài lòng nhưng vẫn có những lý do này khác để cuối cùng không mua được. Tới lượt ông đến xem nhà, chúng tôi đã nhận thấy được những điều đặc biệt nơi ông, nên thúc giục cho mọi việc diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng. Chúng tôi biết, ông sẽ là người giúp được chúng tôi. Vì ông hiền lành chất phác, lại không quá sợ ma như những người khác. Vả lại cuộc đời ông cũng gắn liền với một vài sự kiện huyễn hoặc, nó thích hợp ở đây hơn...” Người đàn ông im lặng một giây rồi nói tiếp: - Thằng cháu mất nhân tính ấy sau khi giết chết vợ chồng tôi đã giấu xác vào đâu ông biết không? Chính là cái vách ngăn giữa nhà trên và nhà bếp đấy! Ông Tân há hốc mồm: - Thật à? Giấu xác ông bà trong vách ngăn? Có tiếng người phụ nữ khóc thút thít, người đàn ông dỗ dành: - Thôi mà em, chuyện qua lâu rồi, đừng đau lòng nữa! Người đàn ông tiếp tục câu chuyện: - Nó xây bức tường đó sau khi giết vợ chồng tôi và nhét xác của hai chúng tôi vào đó, nên dù cảnh sát có cố công tìm kiếm đến đâu vẫn không phát hiện ra được! - Trời ơi! Thật không ngờ! Ông Tân kêu lên. Hèn gì ngôi nhà to lớn thế này mà người đó lại kêu bán rẻ như thế, mà lại như muốn bán đổ bán tháo cho xong, không muốn kỳ kèo dây dưa thêm nữa. - Bây giờ tôi phải làm gì để giúp ông bà? - Ông Tân hỏi với vẻ nhiệt tình. Người đàn ông chậm rãi nói: - Trước tiên, ông hãy đi báo với nhà chức trách rồi phá bỏ bức tường đó, xác của chúng tôi sẽ được phơi bày. Thằng cháu bất nhân đó sẽ bị đền tội, nhưng đó là chuyện của các cơ quan chức trách, tôi không dám phiền đến ông. Tôi chỉ xin ông, sau khi xác chúng tôi được khám nghiệm xong xuôi, ông hãy đem đi hỏa thiêu và mang gởi lên chùa, đồng thời ông giúp chúng tôi lập một đàn cầu siêu, có như vậy hồn chúng tôi mới có thể siêu thoát được. Ông có vui lòng giúp đỡ chúng tôi không? Ông Tân mạnh mẽ gật đầu: - Ông bà cứ yên tâm đi, tôi sẽ làm việc đó ngay ngày mai! - Cảm ơn ông! Vợ chồng tôi xin đội ơn ông! Ông Tân xua tay rối rít: - Không... không việc gì mà ông bà phải cảm ơn tôi, đó là việc mà ai cũng sẽ làm thôi ông bà ạ! Ông bà hãy an lòng, tôi hy vọng ông bà sớm được siêu thoát và ở kiếp sau hai người lại được sống đời vợ chồng đầm ấm bên nhau. Bóng trắng thoáng qua rồi một giọng nói mơ hồ xa vắng cất lên, ông Tân không xác định được đó là tiếng nói người vợ hay người chồng hay cả hai người đang cùng nói với ông: - Hạnh phúc sẽ đến với ông! Ông cứ tin đi, hạnh phúc đã đến rất gần rồi... Ông Tân ngồi trơ một mình trên bộ ván, ngơ ngác ngó xung quanh, nhưng ông biết vợ chồng họ đã đi rồi! Ngoài trời, mưa cũng đã thôi rơi, nắng bắt đầu le lói, những tia nắng cuối ngày vẫn cố sức thắp lên ánh sáng rực rỡ cho bầu trời và mặt đất. Ông Tân bỗng thấy lòng nôn nao khó tả. Ông nghĩ tới Loan, nghĩ tới những việc ông sẽ phải làm ngay trong buổi sáng ngày mai... Ông Tân thức dậy thật sớm, một mình ngồi uống hết mấy chung trà rồi đi loanh quanh mấy vòng trong khu vườn phía trước. Hôm nay ông không phải tưới cây vì mới mưa chiều hôm qua. Ông Tân căng lồng ngực ra để hít thở cái không khí trong lành buổi sớm mai man mác mùi thơm cây cỏ. Và khi mặt trời vừa ló dạng, ông đã ăn mặc chỉnh tề. Ông đạp xe vô hẻm tìm gặp Loan. Loan rất bất ngờ khi thấy ông Tân đứng ngay cửa nhà mình, cô chưa kịp phản ứng thì ông Tân đã mở lời trước: - Tôi có một việc rất quan trọng muốn cô góp ý giúp. Xin cô vui lòng đi với tôi một chút, được không cô? Loan hơi ngần ngừ, nhưng thấy vẻ mặt ông Tân như có điều gì nghiêm trọng lắm, cô không dám từ chối, vội vàng khép cửa đi ra. - Cô lên ngồi, tôi chở! Ông Tân nói ngắn gọn và Loan cũng riu ríu nghe theo. Cả hai không ai nói lời nào mãi tới khi về tới nhà ông Tân. Rót một ly nước đưa cho Loan, ông Tân chậm rãi nói: - Có chuyện này đáng lẽ tôi không nên nói cho cô biết, vì có thể cô sẽ sợ, nhưng... vì là việc quan trọng, tôi không thể giấu cô mà cũng cần cô góp ý cho nữa, nên tôi mạo muội tới nhà cô vào sáng sớm tinh mơ thế này, xin cô hiểu mà đừng phiền giận gì tôi. Loan nhỏ nhẹ: - Dạ không có gì đâu! Ông cứ nói ra đi, nếu tôi biết gì thì tôi sẽ góp ý thật lòng, ông đừng ngại! Ông Tân nhìn thẳng vào Lơan: - Hôm qua ở trong nhà tôi xảy ra một việc lạ. Nhưng trước khi kể, tôi muốn hỏi cô rằng cô có sợ ma không? Cô tin có ma không? Loan cúi đầu vẻ suy nghĩ một lúc rồi nói: - Tôi tin có ma, nhưng sợ hay không thì tôi không dám khẳng định, bởi có lúc tôi nghĩ tôi sợ nhưng có lúc tôi lại nghĩ không có gì phải sợ! Ông à... chẳng lẽ ông muốn kể với tôi rằng ông đã gặp ma sao? Ông Tân gật đầu: - Đúng, tôi đã gặp ma, gặp tại đây! Loan giật mình rồi bật cười: - Ý ông nói tôi là ma đó à? Ông Tân lắc đầu: - Không, tôi biết cô là người! Và tôi còn biết cặn kẽ hơn nữa kìa, tôi nói ra có thể cô nghĩ tôi đặt điều nhằm vào mục đích xấu, nhưng thật sự đây là điều tôi biết, tôi sẽ kể với cô, và tôi tin rằng sẽ có lúc cô tin những gì tôi nói. Loan lo lắng: - Hôm nay có chuyện gì mà ông có vẻ nghiêm trọng thế? Làm tôi sợ... Ông Tân dịu giọng: - Không, không có gì phải sợ cô ạ! Để tôi kể cô nghe, hôm qua, tại đây tôi đã gặp ma. Hai bóng ma đó chính là ông bà chủ nhà này trước kia. Họ đã bị ám hại, họ nhờ tôi giúp họ một vài chuyện. Mà cái chuyện đầu tiên tôi phải làm hôm nay là đi báo với nhà chức trách. - Ông đi báo à? Báo chuyện gì? Loan ngạc nhiên hỏi. - Theo lời vợ chồng họ, người cháu đã giết chết họ rồi giấu xác trong bức tường dưới kia. Ông Tân vừa nói vừa đưa tay chỉ xuống bức tường ngăn giữa nhà trên và nhà bếp. Loan còn đang ngơ ngẩn, ông Tân nói tiếp: - Tôi phải đi báo nhà chức trách để họ phá tấm tường đó ra, nhưng hiện tại ngoài lời nói của hồn ma tôi không có một căn cứ gì để đi báo án. Cô nghĩ tôi có nên đập phá bức tường trước rồi hãy đi báo nếu thực sự có xác chết bên trong? Giờ đây Loan đã hiểu ra sự việc. Cô nhìn thẳng vào ông Tân và hỏi: - Ông có thật sự tin vào những lời của hồn ma nói không? Ông Tân gật đầu quả quyết: - Tin! Tôi rất tin! - Vậy thì ông hãy đi báo đi, không cần phải đập phá bức tường, đó cũng chính là sự thể hiện ông tôn trọng và tin tưởng họ! Loan nói dứt khoát. Ông Tân gật đầu: - Cảm ơn cô, cô đã cho tôi lời khuyên thật phù hợp với ý nghĩ của tôi, như vậy tôi sẽ càng tự tin hơn nữa. Vậy, bây giờ cô có vui lòng ở lại đây chờ tôi hay cùng đi báo án với tôi? Loan ngập ngừng: - Không... ông đừng đi vội! Tôi muốn... tôi muốn biết ngoài việc đó ra, hồn ma còn nói gì với ông nữa không? Ông Tân ngạc nhiên: - Cô biết hồn ma còn nói chuyện khác với tôi sao? - Ông đừng hỏi lại tôi, xin ông cứ trả lời cho tôi biết trước đã... Loan năn nỉ. Ông Tân nhìn Loan bằng ánh mắt thật nồng nàn: - Hồn ma nói cho tôi biết cô là ai! Loan không ngạc nhiên cũng không tò mò trước câu nói của ông Tân, cô chỉ lặng lẽ cúi đầu nói thật nhỏ: - Vậy là đúng rồi! Tối hôm qua tôi lại có một giấc mơ... Từ hôm gặp ông lần đầu tiên, tôi đã không còn mơ gì nữa, nhưng tối vừa rồi tôi lại có một giấc mơ kỳ quặc. Một đôi vợ chồng đã đến kể cho tôi nghe về tiền kiếp của mình... Ông Tân run giọng hỏi: - Cô… cô có tin những lời họ kể? Loan ngước mắt lên nhìn ông Tân, hai mắt cô đã đỏ hoe: - Tôi... tôi tin... nhưng... Ông Tân vui mừng siết chặt hai bàn tay Loan: - Tôi biết... tôi biết cô cũng còn nhiều nghi ngại. Và chính bản thân tôi cũng không tránh khỏi điều đó! Bây giờ tôi sẽ đi báo án, nếu mọi việc hoàn toàn đúng như vậy thì chúng ta không còn gì để nghi ngờ nữa nhé? Cô đồng ý với tôi không? Loan mỉm cười mà nước mắt rưng rưng, cô không rút tay mình ra khỏi tay ông Tân mà chỉ mỉm cười gật đầu. Ban đầu những người ở sở cảnh sát không ai tin vào những lời huyễn hoặc mà ông Tân nói, nhưng trươc vẻ quyết liệt cam kết của ông, và khi rà soát lại nhân thân ông, người ta mới tạm tin mà phân bổ mấy người theo ông về nhà để phanh phui sự việc. Khi bức tường được phá bỏ, tất cả mọi người đều không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến rõ ràng bên trong là hai xác người vẫn còn nguyên vẹn! Ngay sau đó, người cháu lập tức bị bắt giải về đồn để lấy lời khai. Hai xác chết được đưa đi khám nghiệm. Một tuần sau, ông Tân đã hoàn thành tâm nguyện của người chết. Ông đã đưa hai xác chết đi hỏa thiêu và đem gởi vào một ngôi chùa gần đó đúng như ước nguyện của họ. Ông vời các bậc cao tăng hòa thượng cũng ở chùa đó để lập một đàn giải oan cầu siêu cho cặp vợ chồng bất hạnh. Một tháng sau, hai đứa con ông Tân thật sự vui mừng khi nhận được thư nhà, cha chúng báo tin đã tìm được cho mình một nửa!
Xem thêm: Biệt thự ma | Diễn đàn Cổng Truyện
Copyright ©Diễn đàn Cổng Truyện
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top