biet nguoi 2

Suy ngẫm, Làm Người

Biết Người

Dịch giả: Phạm Cao Tùng

Phần II - Chương 1

TÂM LÝ ĐỘNG

GUỒNG MÁY CỦA TÂM NÃO

Trong những chương vừa qua, chúng tôi đã định nghĩa cá tính con người, đã vạch rõ cái cơ cấu và những thành phần của nó. Có thể xem những bẩm chất căn bản của tâm tính và tâm trí là những cơ quan tinh thần của tâm não cũng như tim, gan, phổi, là những cơ quan của thân thể. Đó là chúng ta mới xét về phần tâm lý tĩnh.

Bây giờ chúng ta hãy thử nghiên cứu về cách vận dụng của những cơ quan ấy, tức là nghiên cứu về những cách phát lộ của cá tính, về cái "động" của nó, tức là phần tâm lý động.

Nói tóm lại, chúng ta xét xem bằng cách nào và do then máy nào khiến chúng ta hành động.

Cái chu kỳ tâm lý:

Nói một cách khác, bằng cách nào những tư tưởng chúng ta đặng thành lập và biến thành những tác động?

Sự diễn tiến của những tư tưởng từ lúc chúng mới phát sinh cái chung cuộc thông thường của chúng là một tác động, người ta gọi là chu kỳ tâm lý.

Chu kỳ này khởi đầu bằng một tri giác hoặc một hồi tưởng rút trong trí nhớ. Ký ức và hồi tưởng khác nhau: ký ức là hình ảnh đặng ghi kỹ vào trí nhớ, hồi tưởng là ký ức phát hiện trở lại trong trí óc. Ký ức là phim ảnh, hồi tưởng là việc chiếu lại phim ảnh ấy trên màn hình.

Nhưng dù khởi đầu bằng tri giác hay một hồi tưởng điều ấy cũng không quan hệ đến sự diễn tiến của chu kỳ, vì thực ra hồi tưởng chỉ là sự hồi xuân của một tri giác cũ.

Cái ấn tượng, cái hình ảnh do tri giác hoặc do hồi tưởng ấy gợi ra sẽ gây một phản động làm vận dụng một trong những bẩm chất của cá tính chúng ta; cảm xúc tính. Sự phản động thuộc cảm xúc này có hai phương diện: một thuộc về cảm tính tức là thuộc về cái cảm xúc ấy, và một thuộc về thể chất dưới hình thức của những phản ứng sinh lý.

Lúc bấy giờ, trí tưởng tựơng mới ra tuồng, chụp lấy cái cảm xúc phản ứng ấy, góp nhặt những hình ảnh rút trong cảm xúc và trong trí nhớ rồi dựng nên một truy tưởng.

Tiếp theo sự truy tưởng là một phát hiện thuộc cảm tính và hoạt động tính: tình cảm, do sự vận dụng của những bẩm chất khác: tham muốn, óc hợp đoàn, lòng nhân. Đồng thời và song song, trên địa hạt thể chất người ta nhận thấy sự phát hiện một khí sắc tức là một trạng thái đặc biệt của sức căng của gân thịt mà ở sau đây chúng tôi sẽ có dịp nói đến.

Tình trạng ấy sẽ tồn tại trong một thời gian dài hay ngắn cho đến lúc óc phán đoán xen vào để ước lượng. Nó sẽ đối chiếu biến cố hiện tại với những ký ức và với toàn diện của cá tính tập thành để tạo ra một ý kiến về biến cố này và sau rốt, sẽ quyết định để đi đến một tác động.

Bảng lược đồ dưới đây tóm luận một chu kỳ tâm lý đầy đủ:

Như chúng ta thấy, một chu kỳ tâm lý đầy đủ vận dụng toàn diện cá tính chúng ta từ thể chất đến tinh thần. Vì thế người ta thường nói "thể chất ảnh hưởng đến tinh thần và ngược lại".

Cái chu kỳ tâm lý là sự hòa trộn những biểu thị, những biểu hiện và những biểu lộ.

Tất cả những bẩm chất căn bản mà chúng tôi đã nói đều có dự phần vào và có ảnh hưởng ít nhiều.

Một vài thí dụ:

Một vài thí dụ diễn ra sau đây sẽ giúp quý bạn hiểu rõ sự diễn tiến của những chu kỳ tâm lý.

Chúng ta đang đi ngoài đường, một tiếng vang "ầm" làm chúng ta ngoái cổ lại nhìn. Hai chiếc ô tô vừa đụng nhau. Sự nhận thức tiếng kêu "ầm" ấy gợi ra cho chúng ta một cảm xúc trên địa hạt tình cảm và đồng thời gây ra những phản ứng trên địa hạt thể chất (tự nhiên chúng ta đâm ra tái mặt, nói không ra lời).

Trí tưởng tượng liền xen vào, chúng ta truy tưởng rút trong ký ức để nhớ lại những vụ tai nạn tương tự mà chúng ta đã đặng chứng kiến, hoặc chúng ta thấy kể trên báo. Chúng ta nhớ đến những thân thể bị đè bẹp, những cánh tay gãy, những mảnh óc văng ra, những máu me đầm đìa. Việc truy tưởng này gợi ra một tình cảm sợ sệt và một khí sắc lo âu, sợ hãi.

Lúc bấy giờ óc phán đoán lại xen vào để ước lượng biến cố vừa xảy ra. Có lẽ tiếng xe đụng nghe rùng rợn thật, nhưng sự thiệt hại không bao nhiêu. Sau hết chúng ta bước sang hành động, thí dụ chạy đến cấp cứu những nạn nhân hoặc đi gọi cảnh sát.

Và đây là một thí dụ khác có thật, về một chu kỳ tâm lý đầy đủ. Lần nọ nhân đi dạo theo ven bể, tôi thấy có đám đông người đang tụ tập và giữa đám đông ấy có người kêu khóc ầm ĩ. Tiến lại gần, tôi mới rõ đó là một chàng thanh niên vừa bị chết đuối và những người đang kể lể khóc than đó là cha mẹ của người bạc phúc ấy. Những tiếng khóc than thảm thiết đó làm cho tôi phải xúc động (cảm xúc) và mặt bỗng tái nhợt (phản ứng).

Trí tưởng tượng xen vào. Tôi tưởng tượng đến những mối đau khổ mà thân nhân chàng thanh niên ấy trải qua, một gia đình đang xum họp bỗng chốc lại vắng bóng một người, một cuộc đời tan vỡ và sụ truy tưởng ấy dấn dắt đến một tình cảm sợ sệt, tôi nghĩ dại, nếu một tai nạn như thế xảy ra đến cho con tôi, và tôi đâm ra lo âu.

Óc phán đoán liền dự vào, tôi ước lượng về biến cố ấy nhưng khác với thí dụ trước, sự ước lượng này không kết thúc bằng một tác động. Nó lại dẫn dắt đến một chu kỳ tâm lý khác: tôi liên tưởng đến thằng con tôi, tuy nó biết lội khá nhưng tính hay liều lĩnh...

Như chúng ta thấy, thường khi một chu kỳ tâm lý này dẫn dắt đến một chu kỳ tâm lý khác.

Những chu kỳ tâm lý theo lối này đặng gọi là chu kỳ hoàn bị đầy đủ. Nhưng hiếm lắm. Thường khi một chu kỳ này nối tiếp, hoặc dẫm lên một chu kỳ khác. Lắm chu kỳ lại không trải qua hết các giai đoạn mà ngưng lại ở một nửa. Song luôn luôn nó diễn ra một cách hết sức nhanh. Điều nữa là sự quan trọng của những sợi dây xích nôi tiếp này thường không đồng đều, nó còn tùy thuộc vào sự dự phần của cảm tính hoặc trí tính.

Ngoài những chu kỳ đầy đủ này còn những chu kỳ đơn giản hơn mà sau đây chúng ta sẽ nghiên cứ đến.

Những chu kỳ sinh lý:

Có những chu kỳ chỉ thuộc phạm vi sinh lý. Ở trường hợp này, nền tảng của nó là một cảm giác. Người ta thường thấy những chu kỳ thuộc loại này trong đời sống của loài vật và ở những trẻ con.

Một cảm giác sơ đẳng có thể đồng thời gây ra một cảm xúc ở địa hạt tinh thần và một phản ứng ở địa hạt thể chất, để rồi đi đến một tri giác.

Cảm giác => Cảm xúc => Phản ứng sơ đẳng => Tri giác.

Thí dụ chúng ta lỡ uống lầm một thứ nước đắng, chúng ta bị một cảm xúc khó chịu và liền sau đó, một phản ứng làm chúng ta mau mau nhả chất nước ấy ra. Chúng ta đã nhận thức rằng mình vừa làm một việc không hay.

Người ta mời anh ngồi xuống một chiếc ghế phô tơi êm ả. Cái cảm giác mà anh nhận thấy khi ngã mình trên chiếc ghế ấy gây cho anh một cảm xúc dễ chịu, êm ái và đồng thời một phản ứng làm cho anh biết duỗi thẳng tay để giãn xả các gân thịt cho nó nghỉ ngơi. Và anh nhận thức rõ rệt tác động ấy.

Những chu kỳ tinh thần:

Những chu kỳ tinh thần chỉ huy các công việc thuộc về trí thức, cảm tính không dự phần vào những chu kỳ này. Nó khởi đầu bằng một tri giác hoặc một hồi tưởng rồi bước sang một truy tưởng để rồi kết thúc ở một ước lượng.

Tri giác/Hồi tưởng => Truy tưởng => Ước lượng.

Cũng nên nói rõ: cái chu kỳ tinh thần thuần túy rất hiếm. Vì thực ra ngay trong những công việc làm bằng trí thức luôn luôn cũng có ít nhiều bẩm chất thuộc cảm tính xen vào. Một tiểu thuyết gia chẳng hạn khó mà che đậy cá tính của mình sau những nhân vật trong tiểu thuyết mà họ đã tạo ra. Vả chẳng thường khi chúng ta làm những công việc trí thức bởi ham thích (bẩm chất ham muốn) bởi yêu thích (bẩm chất lòng nhân), hoặc bởi những thị hiếu hoặc thói quen của chúng ta.

Một thí dụ về chu kỳ tinh thần: một nhà văn định diễn tả một cảnh vật mà ông đã từng trông thấy. Với óc tưởng tượng ông đã xếp đặt, tô điểm để gợi ra một cảnh trí mới. Trong khi ấy ông cũng dùng đến óc phán đoán để ghi rõ một vài nét có thể làm nổi bật cảnh trí ấy, hoặc dùng óc phán đoán để thích ứng, để lồng khuôn cảnh trí ấy vào cốt truyện.

Hành động là cụ thể hóa những ước lượng đang nằm trên mặt giấy.

Khi một chu kỳ không tiến đến giai đoạn ước lượng nghĩa là khi óc phán đoán không dự phần vào thì nó biến thành sự mơ mộng.

Mơ mông là một sự đánh đu, một lối chuyền bóng giữa ký ức và trí tưởng tượng. Những hồi tưởng gợi ra những truy tưởng, để rồi những truy tưởng này sẽ làm giàu trở lại cho ký ức. Cái chu kỳ này bị gián đoạn. Nó chỉ nương mình để tồn tại và nó có thể tồn tại khá lâu, nhưng hình ảnh có thể trở đi trở lại dưới những màu sắc khác.

Trong sự mơ mộng, cá tính hình như không đáng kể. Óc phán đoán không dự phần vào, có nhiều truy tưởng rất kỳ lạ nhưng chúng ta lại xem việc ấy rất tự nhiên và chúng ta càng thích thú đắm mình trong mơ mộng.

Những chu kỳ tự động:

Guồng máy những chu kỳ tự động đơn giản hơn cả. Từ trí giác bước thẳng sang tác động. Những chu kỳ tự động là kết quả của tập quán, của giáo dục. Khi một tác động, kết cục của một chu kỳ tâm lý đầy đủ hay không đầy đủ, đặng lập đi lập lại nhiều lượt thì những then xích, những giai đoạn của chu kỳ ấy bị lu mờ dần để rồi tiêu hẳn đi.

Đó là then máy của thói quan, của tự động tính nó chiếm một phần lớn trong đời sống chúng ta. Nếu không có thói quen và tự động tính chúng ta không thể sống. Nếu trước mọi tác động chúng ta đều phải suy nghĩ thì trí thức chúng ta dễ bị mỏi mệt, lụn bại. Những chu kỳ tự động giúp chúng ta tránh sự vất vả ấy. Đây là một vài thí dụ:

Một người đang lái xe sắp lên dốc, khi họ thấy xe chạy chậm lại không cần phải suy nghĩ họ biết trả số ngay. Khi họ biết sắp đến gặp phải một chướng ngại vật, tự nhiên họ liền hãm xe lại không cần suy nghĩ. Những tác động của người tài xế trong việc lái xe đều đặng thực hiện một cách tự động.

Khi mắt vừa liếc thấy một nét chữ hoặc tai vừa nghe đọc thoáng qua một chữ, người đánh máy liền tự động đặt ngón tay đúng vào nút chữ đó. Người chơi dương cầm hoặc vĩ cầm cũng đã dùng đến những chu kỳ tự động. Người đàn ông tự nhiên biết dở nón trước khi bước vào nhà ai hoặc khi đứng trước một người đàn bà đã có một tác động tự động, kết quả của sự giáo dục.

Tất cả những thói quen, những tập quán chúng ta đều đặt trên cơ sở những chu kỳ tự động. Những thói quen này rất hệ trọng trong thuật bán hàng. Những lối làm quảng cáo, những lời lẽ chuốt ngót của người bán hàng, những lối khai thác mối hàng đều nhằm mục đích tạo cho những khách hàng trong tương lai những chu kỳ tự động. Sự lập đi lập lại mãi tên một thứ rượu khai vị chẳng hạn sẽ khiến cho người tiêu thụ khi vào quán rượu biết gọi tự động một cốc rượu hiệu ấy. Những tiêu ngữ dùng trong việc quảng cáo, những câu để "đập vào óc" thường đặng nhắc đi nhắc lại mãi cũng có mục đích gợi ra một cách tự động trong trí nhớ người tiêu thụ hình ảnh của món hàng.

Những chu kỳ tinh thần và những chu kỳ tự động là những phương tiện hay nhất để chúng ta thích ứng, bởi trong đó không có những yếu tố thuộc cảm tính, đầu dây mối nhợ của sự hỗn độn, sự thác loạn, sự rối rấm trong những hành vi của chúng ta.

Những chu kỳ toàn thân cảm giác:

Chúng tôi đã có dịp bàn qua về sự sinh hoạt của "toàn thân cảm giác" nó là một trạng thái chung của các cơ quan tạng phủ trong người chúng ta.

Cái "toàn thân cảm giác" này có thể là nguồn gốc của một vài chu kỳ. Nó gây ra những cảm giác vô thức ở bên trong để rồi phát hiện ra bằng một cảm xúc trên địa hạt cảm tính và một trạng thái khí sắc thuộc thể chất, sau cùng sẽ đi đến một tri giác.

Cảm giác nội tại (toàn thân cảm giác) => Tình cảm => Trạng thái khi sắc => Tri giác.

Khi bệnh cảm sốt mới bắt đầu, chúng ta có một cảm giác vô thức ở bên trong nó diễn lộ bằng một tình cảm buồn bã và một khi sắc bức rức. Cái "tình cảm khí sắc" này đưa đến việc tri giác một trạng thái "khó chịu", "bần thần" khắp thân người mà chúng ta không định rõ nguyên nhân.

Cái "toàn thân cảm giác" thường là nguyên nhân của những trạng thái "vui đáo để", "buồn rũ rượi" mà đôi khi chúng ta cảm thấy nhưng không giải thích nổi nguyên nhân. Có hôm, sáng thức dậy tự nhiên chúng ta thấy "bần thần" hoặc "dã dượi", chúng ta "buồn buồn" hoặc "thấy đời đen tối". Thường khi, nguyên nhân những trạng thái ấy đều do một tình trạng bất điều hòa trong cơ thể (bộ máy tiêu hóa có chỗ nào bị lệch lạc) mà chúng ta không tìm rõ nguyên nhân.

Những nỗi vui không duyên cớ là do một "toàn thân cảm giác" tốt. Vì thế, những người khỏe mạnh ít khi buồn.

Những chu kỳ đam mê:

Chu kỳ đam mê ngưng lại ở giai đoạn "tình cảm - khí sắc", không tiến đến giai đoạn ước lượng, nó phát sinh do một tri giác sơ đẳng rất mạnh mẽ, cường độ của tri giác ấy càng gia tăng bởi những truy tưởng. Do đó cái "tình cảm - khí sắc" trở nên quá mạnh lấn át cả sự phán đoán, óc phán đoán đâm ra bất lực ít ra trong một thời gian nào đó.

Cái chu kỳ đam mê diễn tiến như sau đây:

Tri giác hoặc hoài tưởng => Cảm xúc => Phản ứng => Truy tưởng => Trạng thái đam mê => Xung động.

Một thí dụ: chúng ta vừa bị một người thân yêu phản bội. Sự tri giác này gây cho chúng ta một cảm xúc kèm theo những phản ứng. Sau đó trí tưởng tượng chúng ta xen vào, chúng ta hồi tưởng lại còn người phản bội, những lời thề thốt đã trao đổi, cái dĩ vãng, những ân sủng chúng ta đã thí ra cho họ. Việc truy tưởng này càng làm cho tri giác ấy thêm tỏ rõ và chúng ta càng thêm tức tối, sức giận dữ tiến đến mực đam mê nó làm tê liệt óc phán đoán và trên phương diện thể chất có thể gây ra những xung động thiếu suy nghĩ: dậm chân, dậm cẳng, đập phá đồ đạc, quơ tay quơ chân, cũng có thể gây ra ý định giết người.

Trạng thái đam mê này có thể tồn tại một thời gia khá dài và có thể tiến đến mực cực đoan nguy hại.

Những cặp tình nhân thường sống trong trạng thái này. Thường những chu kỳ của họ chỉ gồn có những tri giác liên tục, vui sướng hoặc đau buồn nhưng không bước đến giai đoạn ước lượng. Họ không cần suy nghĩ, lý luận. Vì thế họ bước sang một cách dễ dàng từ trạng thái vui cười hớn hở đến nỗi buồn rũ rượi. Họ có thể có những hành vi rất anh hùng cũng nhưng họ có thể làm những điều rồ dại. Người ta thường nói: ái tình có chiếc khăn bịt mắt, rất đúng vậy. Chiếc khăn ấy cũng bao phủ luôn óc phán đoán.

Tính cách thường xuyên của những chu kỳ:

Trong đời sống hàng ngày, những chu kỳ tâm lý liên tiếp diễn ra một cách hết sức nhanh chóng và không bao giờ ngừng. Nó nối tiếp nhau, chằng chịt lẫn nhau vì thế khó mà phân tách. Mỗi ngày trong tâm não chúng ta có bao nhiêu chu kỳ diễn ra? Điều này không ai có thể biết, tuy nhiên người ta có thể đoán biết tính cách thường xuyên của chúng.

Những chu kỳ đam mê rất hiếm (âu cũng là điều may). Những chu kỳ toàn thân cảm giác và những chu kỳ tâm lý đầy đủ cũng hiếm. Những chu kỳ tinh thần và những chu kỳ sinh lý diễn ra thường hơn. Những chu kỳ tự động diễn ra rất thường.

Bảng kê sau đây tóm luận các loại chu kỳ tâm lý:

--------------------------------------------------------------------------------

Nguồn: Vnthuquan - Thư viện Online

Người đăng: Ct.Ly

Thời gian: 25/10/2008 11:58:22 SA

Phần I - Chương 8 Phần II - Chương 2

Suy ngẫm, Làm Người

Biết Người

Dịch giả: Phạm Cao Tùng

Phần II - Chương 2

TÂM LÝ ĐỘNG

I. TƯ TƯỞNG VÀ CHÚ Ý

Sự diễn tiến của một chu kỳ tâm lý gồm có ba tác động tinh thần: tri giác, truy tưởng và ước lượng.

Việc tri giác, dù là do đột nhiên mà có hoặc dù nhờ moi móc trong ký ức mà ra, luôn luôn đưa đến kết quả này: một cảm tưởng hoặc một ảnh tượng.

Truy tưởng là dùng trí tưởng tượng để kết hợp những ảnh tượng, những cảm tưởng ấy; là moi móc trong mớ kỷ niệm để rút lấy những ký ức nào đó có vẻ thích hợp với biến cố rồi hòa trộn tất cả lại để tạo thành một bức tranh mới, nhất định, rõ rệt.

Ước lượng là tác động tinh thần hệ trọng hơn cả, bởi nó vận dụng một bẩm chất cốt yếu: óc phán đoán. Ước lượng là việc đối chiếu các biến cố đã đặng truy tưởng với cá tính tập thành của mình, với sự giáo dục, học vấn, với những tư tưởng, với những thị hiếu của mình. Cá tính thiên nhiên đã có ra tuồng trong những tác động trước.

Cái chu kỳ sẽ đi đến một kết quả: hoặc là một ý tưởng trên địa hạt tri thức, hoặc là một quyết định trên địa hạt cảm tính.

Những ý tưởng, những quyết định chúng ta đều chịu ảnh hưởng này. Vì lẽ đó, dùng phép nội quan để xét mình chỉ đem lại những kết quả không hay cho lắm.

Trong khi tri giác, truy tưởng hoặc ước lượng chúng ta đã dùng đến ba bẩm chất thuộc về tri thức: trí nhớ, trí tưởng tượng và óc phán đoán tuy nhiên trong thực tế, những công việc ấy không phải nhất thiết dành riêng cho một trong ba bẩm chất đó. Thí dụ trong việc trí tưởng tượng chọn lựa những ký ức thì óc phán đoán cũng có xen vào ít nhiều. Trong việc hồi tưởng cũng thế.

Guồng máy của chú ý:

Đến đây chúng ta đã có thể hiểu qua guồng máy của một hiện tượng mà người ta gọi là chú ý.

Chú ý không đặng kể là một yếu tố cấu thành cá tính, nó chỉ là một trong những cách biểu lộ của cá tính. Trong ngôn ngữ thường, người ta diễn đạt rất đúng, không ai nói "người ấy có sự chú ý" mà người ta nói "người ấy biết hoặc không biết chú ý". Chú ý là một lối biểu lộ có tính cách "động" nó không phải là một đức tính "tĩnh", nó bị chỉ định bởi những yếu tố của cá tính.

Có thể định nghĩa chú ý như thế này: đó là sự áp dụng của óc phán đoán, sự hiện hữu hóa của óc phán đoán. Mà khi áp dụng óc phán đoán tất người ta phải vận dụng đến cái hiện tượng tương quan là chú ý.

Người ta không thể chú ý thật kỹ đến hai việc cùng trong một lúc. Đôi khi người ta ngờ rằng có thể chú ý hai hoặc nhiều việc trong một lúc nhưng thực ra chỉ là sự đánh đu rất nhanh của sức chú ý từ việc này sang việc khác.

Trong khi nói chuyện với một người, chúng ta chú ý đến lời lẽ người ấy thốt ra. Tuy nhiên trong lúc ấy chúng ta có thể nghe lóm câu chuyện của một người khác nói, ở trường hợp này sức chú ý chúng ta đu đưa thật nhanh từ người này sang người khác. Hiện tượng này có thể sánh với việc người ta đánh nhiều điện tín cùng trong một lúc trên một luồng điện. Thực ra những phát điện của những điện tín ấy không bị chồng lên nhau, nó chỉ nối tiếp nhau, mỗi người đánh điện tín sử dụng luồng điện trong một khoảnh khắc thật ngắn.

Cũng vì thế, chúng ta có thể vừa làm một công việc nào đó lại vừa tiếp chuyện, nhưng ở trường hợp này chúng ta chỉ chú ý đến lời nói, còn về công việc làm thì chúng ta làm một cách tự động, chúng ta đặng điều khiển bởi những loạt chu kỳ tự động.

Tri thức càng này nở người ta càng dễ chú ý đến nhiều việc trong một lúc vì ở những đầu óc thật thông minh các chu kỳ tâm lý diễn ra nhanh chóng. Người ta thường nhắc lại việc hoàng đế Nã Phá Luân có thể cùng trong một lúc đọc hai não thư cho hai viên thư ký viết.

Sức chú ý đến nhiều việc trong một lúc cũng có thể nảy nở ở những người chỉ sử dụng óc phán đoán trong một vài chu kỳ tâm lý nào đó. Viên thủ quân một đội banh lúc nào cũng ghé mắt đến sự đi lại của tất cả những cầu thủ trong đội banh mình. Sức chú ý và đu đưa một cách hết sức nhanh từ cầu thủ này sang cầu thủ khác. Những tay nhào lộn, đi dây, làm trò ảo thuật do nghề nghiệp rèn tập cũng quen chú ý một cách rất linh hoạt.

Những điều kiện để chú ý:

Những người biết chú ý giỏi thường là những người biết phán đoán một cách giản dị, nhanh chóng, vì phạm vi của chú ý là ở sự ước lượng. Một người có thể nhìn thấy và phán đoán nhiều việc trong một lúc tất phải có nhiều khả năng trí thức tốt. Người có trí nhớ dai thường chú ý rất giỏi. Trường hợp một vài tay danh kỳ có thể cùng trong một lúc đánh nhiều ván cờ với nhiều đối thủ.

Có thể rèn tập sức chú ý, vì một phần lớn nó tùy thuộc cá tính tập thành, nhưng một vài bẩm chất thiên nhiên phát triển thái quá có thể làm trở ngại sự rèn tập sức chú ý. Một đầu óc thông minh có thể đãng trí nếu họ bị kích thích mạnh hoặc quá xúc động. Người tinh thần suy nhược, thiếu bẩm chất tham muốn không biết ham thích gì cả cũng có thể đãng trí. Như chúng ta thấy, những bẩm chất thuộc tinh thần rất quan trọng trong guồng máy tinh thần chúng ta.

Chú ý và cá tính thiên nhiên:

Chú ý có nhiều cấp bậc mà ngôn ngữ thông thường đã biết phân biệt: thấy và nhìn thấy; nghe và lắng nghe. Chúng ta thấy toàn diện của sân khấu nhưng chúng ta nhìn thấy những diễn viên. Đó là hai cấp bậc khác nhau của sức chú ý.

Chú ý không cần thiết trong những công việc làm do sự tự động tính, điều đó không lạ, vì như chúng ta đã biết, trong những chu kỳ tự động óc phán đoán không cần tham dự. Một nhạc sĩ chơi dương cầm chỉ cần quan tâm đến điệu nhạc mà không phải chú ý đến những ngón tay của họ. người lái ô tô chỉ chú ý đến những khúc khuỷu của con đường mà không cần chú ý đến tay lái.

Cá tính tập thành ảnh hưởng rất lớn đến sức chú ý vì lẽ, chúng ta tự nhiên biết chú ý ngay đến những biến cố nó phù hợp với thói quen và thị hiếu, với xu hướng chúng ta.

Một người thích sưu tầm tem rảo bước theo một dãy cửa hàng có thể không chú ý đến cửa hàng nào cả, nhưng khi đi ngang một hiệu tem, sức chú ý của họ tự nhiên khiến họ dừng chân lại trước cửa hàng ấy.

Nhà bác học trong phòng thí nghiệm cũng như ở ngoài đời có thể lơ đãng với tất cả những gì không dính dáng đến công việc khảo cứu, tìm tòi của họ.

Bọn đàn ông chúng ta thường ít quan tâm đến áo quần, đến cách phục sức của các bà, song các bà thì chú ý đến từng cái đinh khuy, cái vạt áo của chị em bạn.

Một người chơi sách bước vào nhà ai tự nhiên hướng mắt đến cái tủ sách trước nhất v.v...

Một người yêu súc vật đang rảo bước ngoài đàng cách lơ đãng nhưng gặp con chó hay con mèo đi ngang tự nhiên họ bước lại để xoa đầu vuốt ve con chó.

Trong việc văn hóa, chúng ta thường thấy rõ sự lợi ích của chú ý. Có biết chú ý, chúng ta mới đặng cái tính tò mò, ham hiểu, muốn hiểu biết mọi vấn đề. Xem thế chúng ta thấy rằng có thể rèn tập sức chú ý, nhưng rất hiếm người chịu khó gia công rèn tập để phát triển sức chú ý, ngoài trừ những điều gì họ ham thích.

Người ta đã thí nghiệm và nhận thấy chỉ có một số rất ít người cùng ở một đường, có thể kể nằm lòng tất cả những cửa hiệu trên con đường ấy.

Đức tính quý nhất của các nhà trinh thám là sức chú ý rất linh động của họ. Vì nghề nghiệp họ phải tập chú ý đến mọi việc, mọi chi tiết nhỏ nhặt mà người thường không lưu ý đến nên họ có thể gỡ ra manh mối nhiều vụ án ly kỳ.

Sau hết, một đam mê có thể làm cho chúng ta chú ý một cách rất tỉ mỉ đến những gì có dính dáng hoặc xa hoặc gần cái đối tượng mà chúng ta mê say, nhất là tính ghen tuông. Một người đàn bà ghen, hoặc giả chỉ "yêu" thôi, cũng thường để ý, quan tâm đến tất cả những việc nhỏ nhặt có dính dáng đến "người yêu", những việc mà thời thường họ chẳng bao giờ lưu ý đến.

II. Ý THỨC VÀ VÔ THỨC

Tự điển Littré định nghĩa ý thức: là một sự nhận thức về chính mình là một thể cách của cảm giác tính tổng quát nó giúp chúng ta biết nhận xét, phán đoán về những kinh nghiệm của chính mình.

Bằng cách nào chúng ta tạo cho mình những tri thức tổng quát? Bằng cách áp dụng óc phán đoán vào một việc, bằng cách chú ý đến nó rồi ghi tạc nó vào trí nhớ.

Một sự trạng đặng xem là có ý thức khi:

1. Nó được chúng ta chú ý đến.

2. Nó được lưu lại trong ký ức chúng ta.

Tất cả những sự trạng có ý thức này hợp thành cái ý thức hiểu theo nghĩa rộng.

Cái lương tâm mà thường những sách luân lý hay đề cập đến là một trường hợp riêng của cái ý thức tổng quát nói trên. Cái lương tâm, tức là cái "ý thức đặc biệt" này hạn định trong phạm vi những sự trạng có dính dáng đến những huấn lệnh của giáo dục, của luân lý hoặc tôn giáo. Cái "tiếng nói của lương tâm" không phải như người ta tưởng, là một bẩm chất riêng biệt của cá tính chúng ta, là một vị quan tòa độc lập có nhiệm vụ khiển trách những hành động không hay của chúng ta và khen lao những việc thiện của chúng ta. Nếu thế thì trên đời này làm gì lại có bao nhiêu người suốt đời không biết hối hận gì? Vị quan tòa độc lập này phải có trong tất cả mọi người. Không, cái mà người ta cho rằng là "tiếng nói của lương tâm" thực ra chỉ là sự truy tưởng những huấn điều mà luân lý, tôn giáo, giáo dục đã uốn nắn chúng ta và nó đã ăn sâu vào cá tính tập thành chúng ta để trở thành một phần trong toàn bộ cá tính. Nhận xét này rất đúng, vì ở những người thiếu giáo dục, những người sơ khai và ở những trẻ con làm gì có "tiếng nói của lương tâm" ấy?

Chú ý giúp chúng ta nhận thức những sự trạng và trí nhớ ghi lại những sự trạng đã được ý thức ấy.

Như vậy, chúng ta có thể phân biệt hai loại sự trạng có ý thức: những sự trạng mà chúng ta tri giác và những sự trạng từ trong trí nhớ chúng ta phát hiện trở lại. Một sự trạng bị xóa nhòa trong ký ức không còn là một sự trạng ý thức nữa. Hiện tôi đang uống cốc nước, đó là một sự trạng ý thức. Tôi nhớ rằng hôm qua tôi có uống nước, đó là sự trạng ý thức từ trong trí nhớ tôi phát hiện trở lại.

Tóm lại, trí nhớ là tổng hợp những gì chúng ta đã tri thức, đã thu thập nhờ biết chú ý và những tri thức ấy đã thâm nhập vào cá tính tập thành chúng ta dưới hình thức ký ức.

Ý thức không đặng tự trị:

Như chúng ta thấy, ý thức không phải là một giác quan đặc biệt thuộc bên trong chúng ta, cũng không phải là một quan năng riêng biệt giúp chúng ta nhận biết những sự trạng tâm lý cũng như thị quan giúp chúng ta nhận biết hình dáng của sự vật hoặc thính quan giúp chúng ta nghe được những âm thanh. Nhiều triết gia, nhất là các triết gia thuộc phái "E-cốt" (Ecossais) và sau đó những triết gia thuộc phái "Chiết trung" (Eclectiques) chủ trương rằng ý thức ở ngoài vòng các sự trạng tâm lý. Phần nhiều các triết gia thuộc phái duy tâm cho rằng ý thức là linh hồn và xem nó như một thực thể riêng biệt.

Sở dĩ có sự lầm lẫn như thế vì mọi phát hiện của trí thức dù là phát hiện đơn giản nhất cũng đòi hỏi sức chú ý tức là có dùng đến óc phán đoán. Trong tất cả những sinh hoạt của tư tưởng, óc phán đoán đều có dự phần không ít thì nhiều.

Trí nhớ ghi lại những điều tôi đã tư tưởng mà cũng không ghi lại bằng cách nào và do quá trình nào tôi đã tư tưởng. Xem thế, cái ý thức tư tưởng không phải là một cái gì vượt trên đời sống tinh thần chúng ta, nó liên thuộc một cách chặt chẽ với sinh hoạt tâm lý chúng ta.

Vì vậy, ý thức tức là biết rõ tất cả những gì hợp thành cá tính tập thành chúng ta và tức là cũng biết rõ điều mình tri thức.

Sở dĩ những triết gia trên mắc phải ảo tưởng ấy là do khi chúng ta tư tưởng việc tư tưởng và việc chúng ta ý thức về tư tưởng ấy đồng diễn ra cùng trong một lúc. Vì thế người ta rất dễ ngỡ rằng đó là hai hiện tượng do quan năng khác nhau.

Sự thật, hai hiện tượng ấy đã không cùng diễn ra trong một lúc, nó chỉ nối tiếp nhau, nhưng nó diễn ra một cách quá nhanh cho nên chúng ta không nhận thấy sự tiếp diễn ấy. Việc phân biệt hai hiện tượng tinh thần có lẽ cũng bị lệ thuộc bởi những định luật tương tự với những định luật chỉ huy việc tiếp diễn những hình ảnh rọi sáng. Trong một khoảng thời gian nào đó, những hình ảnh ấy chồng lên nhau, ghép làm một.

Những cấp bậc của ý thức:

Cũng như sức chú ý, ý thức chúng ta có nhiều cấp bậc. Điều ấy cũng không lạ vì ý thức đặng có là do sức chú ý chúng ta đặt để vào những sự trạng.

Lẽ đương nhiên, chúng ta sẽ ý thức rõ rệt nhất và những sự trạng đặng chúng ta chú ý nhiều nhất. Những sự trạng ấy sẽ tồn tại lâu dài trong ý thức chúng ta. Những sự trạng mà chúng ta chỉ chú ý một cách qua loa sẽ chóng bị phai mờ.

Sự lãng quên tức là những ký ức bị phai mờ có thể can thiệp vào để thay đổi ý thức. Những ký ức in vào trí nhớ chúng ta song cũng như việc in ảnh, những chiếc ảnh nào mà thợ chụp ảnh đã in với chất thuốc pha không đúng sức sẽ chóng phai màu để rồi lu mờ hẳn đi.

Người ta nhận thấy hiện tượng này: một ông lão có thể nhớ rõ những ký ức thời thơ ấu nhưng lại không nhớ rõ những việc mới xảy ra. Những sự trạng đã đặng in vào trí nhớ ông ta trong tuổi thơ ấu đặng khắc sâu vì nó có tính cách mới lạ và do đó ông ta chú ý đến nó nhiều.

Cũng nên để ý điểm này: một ý ức càng đặng gợi ra thường, nó càng dễ phục hồi. Việc hồi tưởng có ảnh hưởng đến ký ức như thứ thuốc làm cho kính ảnh thêm rõ.

Do sự vận dụng của lãng quên và sự chú ý nên toàn khối của ý thức luôn luôn tiến hóa, mỗi ngày mỗi khác.

Vô thức:

Vô thức là một danh từ người ta thường lạm dụng. Lắm triết gia hoặc triết gia giả hiệu cho rằng vô thức là một thế giới diệu kỳ, chất chứa nhiều nguồn lực lạ lùng nó điều khiển chúng ta mà chúng ta không dè.

Điều mà không ai chối cãi là vô thức chiếm một phần quan trọng trong đời sống chúng ta, nhưng vô thức là gì? Lẽ dĩ nhiên nó là tất cả những gì mà chúng ta không ý thức đến, nhưng tuy thế nó vẫn có ảnh hưởng đến chúng ta.

Sau khi biết rõ những gì hợp thành cá tính con người, như chúng ta đã phân tách, chúng ta sẽ hiểu dễ dàng chỉ có thể ba loại vô thức:

1) Toàn thân cảm giác: Chúng tôi đã giải thích toàn thân cảm giác là gì và cũng đã chứng tỏ những cảm giác bên trong con người do toàn thân cảm giác gây ra dù có ảnh hưởng đến guồng máy tâm lý nhưng vẫn ở ngoài vòng ý thức thuộc địa hạt vô thức.

Người dạ dày yếu, sau mỗi buổi ăn khí sắc thường buồn bã. Họ có biết gì đâu họ buồn bã? Không, và nếu có ai bảo họ đó là do dạ dày yếu, việc tiêu hóa không tốt nên họ không đặng vui, có lẽ họ sẽ giận là khác.

Một chứng bệnh nội thương tuy không gây ra những cơn đau rõ rệt bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng đến khí sắc của một người. Bệnh dư ruột giả chứng không lên cơn hành, bệnh ung thư lúc mới phát, bệnh gan suy kém, rất tiêu biểu về điểm này.

Phụ nữ cho chúng ta một thí dụ rõ rệt về ảnh hưởng của toàn thân cảm giác đến guồng máy tâm lý. Lắm đàn bà tính tình bình thường rất dễ thương nhưng trong vài ngày trước khi có kinh họ lại đâm ra cau có. Và người ta cũng nhận thấy rõ là họ không biết gì về trạng thái của họ lúc bấy giờ.

Những người mà tính dục bị "dồn ép" cũng cho chúng ta thấy một thí dụ hay về ảnh hưởng của những cảm giác bên trong đối với thái độ và lối xử sự con người.

2) Cá tính thiên nhiên: Chúng ta đã biết cá tính thiên nhiên không thay đổi và nó tồn tại suốt đời chúng ta. Chúng ta không biết rõ về nó cho lắm, và đó là một thành phần khác của vô thức chúng ta.

Cá tính tập thành vạch cho chúng ta những mục tiêu phải đạt, chỉ cho chúng ta những lý do để hành động, những lý do mà chúng ta tưởng rằng chúng ta có, song thực ra những xung động ấy bắt nguồn từ nơi cá tính thiên nhiên mà chúng ta không có ý thức gì cả.

Một anh khờ không bao giờ nhận thấy anh ta thiếu óc phán đoán. Một người mơ mộng cho rằng mơ tưởng là một việc rất tự nhiên. Người hà tiện không thể hiểu nổi tại sao người ta lại không biết tiện tặn. Người hoạt động không hiểu nổi lý do những hoạt động của họ. Người suy nhược thì thương hại những người hay hoạt động...

Phải nhiều cố gắng, nhiều luyện tập và nhất là phải có óc phán đoán thật sáng suốt mới có thể nhận định đôi chút về cá tính thiên nhiên của mình.

3) Những thị hiếu, những thói quen, những khuynh hướng: Những yếu tố ấy hợp lại thành một phần khác của vô thức. Đó là những gì chúng ta đặng có mà không phải chú ý đến, vì thế nó đã lọt vào tự động tính.

Phần vô thức này đặng kết thành bởi vô số sự trạng mà chúng ta đã từng ý thức, nhưng sau đó vì thói quen chúng ta không còn ý thức nữa.

Thường khi chúng ta thâu trữ những ký ức để rồi chúng sẽ bị lu mờ dần và tản mác trong vô thức. Một ngày nọ, chúng sẽ phát hiện trở lại, nhưng chỉ có ký ức ấy trở lại thôi, còn về điểm: bằng cách nào, ở trường hợp nào chúng đã thâu thập ký ức ấy thì vẫn bị chôn sâu trong cõi vô thức. Có hiểu điểm này mới có thể giải thích tại sao đôi khi đứng trước một cảnh trí hoặc bức tranh chúng ta chợt nhớ lại hoặc nhớ mang máng rằng chúng ta đã từng thấy cảnh trí ấy đâu đây. Cũng có thể giải thích một vài vụ "đánh cắp văn" một cách vô tình. Chúng ta đọc một đoạn văn, đoạn văn ấy in vào trong trí nhớ, nhưng ký ức ấy phai mờ đi, để rồi một ngày kia nó hiện trở lại, song cái ký ức về quyển sách mà chúng ta đã đọc vẫn còn chôn sâu trong cõi vô thức chúng ta mà chúng ta tình thực lại ngờ rằng đoạn văn ấy là do trí óc mình đẻ ra.

Tóm lại, một phần lớn của phần tâm lý tịnh chúng ta thuộc về vô thức, còn phần tâm lý động tức là thái độ và cách xử sự của chúng ta thì thuộc về ý thức.

Chúng ta chỉ có ý thức về những tác động của mình nhưng về cái căn đề của bản chất chúng ta thì chúng ta vẫn mù tịt.

--------------------------------------------------------------------------------

Nguồn: Vnthuquan - Thư viện Online

Người đăng: Ct.Ly

Thời gian: 25/10/2008 12:09:06 CH

Phần II - Chương 1 Phần II - Chương 3

Việt Nam Thư Quán - Thư Viện Online

Cho điểm 5 sao 4 sao 3 sao 2 sao 1 sao 9 Phiếu

Đã xem 51377 lần.

Suy ngẫm, Làm Người

Biết Người

Dịch giả: Phạm Cao Tùng

Phần II - Chương 3

TÂM LÝ ĐỘNG

I. NHỮNG CẢM XÚC VÀ PHẢN ỨNG

Xem qua những chương trước, chúng ta đã biết trong sự diễn tiến của chu kỳ tâm lý, trước hết là việc tri giác sau đó là sự biểu hiện một cảm xúc đi đôi với một phản ứng sinh lý.

Suốt đời sống chúng ta, luôn luôn chúng ta có những cảm xúc hoặc mạnh hoặc yếu, thường khi là những cảm xúc rất nhẹ. Vì thế xưa nay các nhà tâm lý học thường để tâm nghiên cứu về những cảm xúc.

Vả lại cách đây không mấy lâu, danh từ cảm xúc vẫn chưa đặng định nghĩa rõ rệt. Cách phân chia các loại cảm xúc cũng chưa nhất định. Người ta thường lầm lộn cảm xúc với khuynh hướng đam mê, tình cảm, trạng thái khí sắc. Chúng ta đã biết, những khuynh hướng, những đam mê là thuộc về cá tính tập thành tức là thuộc cái phần tĩnh trong chúng ta. Còn những tình cảm mà chúng tôi sẽ định nghĩa rõ ở sau đây, và những trạng thái khí sắc là một hình thức của xảm xúc đã đặng cố định.

Chính ông Ernest Dupré, một nhà tâm lý học có tiếng đã định nghĩa những cảm xúc một cách minh bạch trong những công trình khảo cứu của ông về những bệnh thái các cảm xúc.

Trước hết, cần phân biệt cảm xúc với ngạc nhiên. Sự ngạc nhiên cũng là một tri giác song những yếu tố của tri giác ấy đều hoàn toàn mới lạ. Trước một sự kiện bất ngờ, chưa bao giờ xảy ra, cá tính chúng ta hình như "lơ lửng". Không có sự biểu lộ nào trên địa hạt cảm tính cũng không có một phản ứng nào cả, cho đến khi biến cố ấy đặng giải thích một cách mà chúng ta có thể thừa nhận.

Cá tính tập thành là toàn thể những sự trạng mà chúng ta đã đặng chứng kiến, vì thế lẽ đương nhiên một người mà cá tính tập thành ít phát triển rất dễ bị ngạc nhiên. Cũng vì lẽ đó những trẻ nhỏ, những người bán khai và những người học kém cũng thường dễ bị ngạc nhiên.

Bốn loại cảm xúc căn bản:

Có bốn loại cảm xúc. Hai loại thuộc hạng kích thích: vui và giận. Hai loại thuộc hạng suy nhược: khổ và sợ.

Cũng nên để ý: hai loại cảm xúc vui và khổ là kết quả của một tình trạng. Nó chỉ biểu lộ khi biến cố ấy đã xảy ra rồi. Trái lại hai cảm xúc sợ và giận là môi giới giữa hai tình trạng. Nó xảy ra trước khi sự trạng phát sinh ra nó đã kết thúc.

Mỗi cảm xúc nói trên đều có nhiều cấp độ mà ngôn ngữ thường đã biết phân biệt.

Thỏa thích, thú vị, mỹ cảm, xúc động đều là những sắc thái của vui sướng.

Rầu buồn, đau khổ tinh thần, khó chịu, bất mãn, lo âu và trong ngôn ngữ bình dân, những tiếng "khốn chửa", "nguy quá" đều là những cấp độ khác nhau của đau khổ.

Cáu tiết, bực dọc, thịnh nộ đều là những cấp độ của giận dữ. Còn sợ hãi, kinh khủng, kinh khiếp là những biểu hiện của khiếp sợ.

Bảng kê dưới đây tóm luận cách phân chia các loại cảm xúc.

Những phản ứng:

Chúng ta đã biết, khi một cảm xúc biểu hiện thì luôn luôn có kèm theo đó một phản ứng tức là có một ảnh hưởng hoặc ít hoặc nhiều trên địa hạt sinh lý. Ở trường hợp đó, y học cho rằng có một sự biến đổi của "sức căng của các bắp thịt".

Bình thường dù đang lúc chúng ta không cử động những bắp thịt, chúng ta cũng không đặng hoàn toàn nghỉ xả. Chúng thường co rút hoặc căng thẳng ít nhiều. Sự co rút ấy, y học gọi là sức căng.

Cảm xúc làm thay đổi sức căng ấy hoặc bằng cách tăng gia hoặc giảm bớt.

Trong thân thể chúng ta có ba thứ bắp thịt:

Những bắp thịt có rạch: nó điều khiển tiếp ngoại sinh hoạt chúng ta. Thí dụ những bắp thịt ở cánh tay, ở chân, ở cổ v.v... Đó là những bắp thịt giúp chúng ta đi đứng, cử động, làm việc v.v...

Những bắp thịt trơn: nó điều khiển sự sinh dưỡng sinh hoạt chúng ta. Thí dụ những bắp thịt điều khiện sự vận động của bộ máy hô hấp.

Những bắp thịt động quản: nó điều khiển sự tuần hoàn của máu huyết trong các quản huyết.

Những cảm xúc khuếch tán khắp các bắp thịt ấy và cũng khuếch tán đến những tuyến trạng trong thân thể và nó có thể ảnh hưởng đến sự bài tiết.

Những phản ứng - kết quả của sự khuếch tán của cảm xúc trên địa hạt sinh lý - rất biến thiên. Mỗi cảm xúc không phải chỉ có những phản ứng riêng thuộc của nó. Người ta có thể thét lên vì quá vui hoặc quá đau đớn, người ta có thể run rẩy vì giận dữ cũng như vì khiếp sợ, người ta có thể cuống chân vì quá vui hoặc quá buồn, người ta có thể đỏ mặt vì giận dữ cũng như quá vui v.v...

Có thể xếp những phản ứng thành loại như sau đây:

Những phản ứng của các bắp thịt thuộc tiếp ngoại sinh vật: Tất cả những gì có vận dụng đến những bắp thịt vận động, tiếng la hét, tiếng than thở, tiếng nấc, tiếng nói lắp, sự run rẩy, sự rùng mình, những cử chỉ không đâu, sự đi đứng hối hả, sự vung tay, dậm chân đều thuộc loại này.

Những phản ứng thuộc dinh dưỡng sinh hoạt: Đó là những phản ứng kích thích các cơ quan ở bên trong cơ thể. Những chứng giật của dạ dày (nôn, mửa), của cuống họng (sợ nói qua không ra tiếng), mất thở, hoặc thở hổn hển, những chứng giật của bộ ruột (đau thắt ruột vì buồn rầu, sợ hãi) của bàng quan, tim bị đập mạnh v.v...

Những phản ứng thuộc về sự bài tiết: Nhiều tuyến trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng của phản ứng như: tuyến lệ (buồn hoặc vui thì sa nước mắt), những tuyến nước bọt (khi lo âu, áy náy thì miệng khô), những tuyến thuộc về da nó bài tiết mồ hôi (khiếp sợ thì trong người rỉ mồ hôi lạnh).

Những phản ứng thuộc về động quản: Khi bị một cảm xúc người ta nhận thấy máu tựu lại ở lớp mặt ngoài của da (mặt mày ửng đỏ), hoặc máu me ngưng lưu chuyển (mặt mày tái nhợt).

Có một độ người ta bàn cãi nhau khá lâu để biết chính những mối cảm xúc gây ra những phản ứng hay ngược lại chính những phản ứng này đã gây ra mối cảm xúc.(Vấn đề này những triết gia Herbard, de Lange, William James có những lý thuyết ngược nhau). Nhưng tranh biện như thế tưởng không ích lợi gì. Cảm xúc và phản ứng cũng đều là ảnh hưởng của một hiện tượng: việc trí thức một hoài tưởng, như chúng tôi đã giải thích ở chương trước.

Thuyết minh vừa qua giúp chúng ta hiểu về những hiện tượng "bất lực về tình dục" mà một số đàn ông đa cảm xúc (và một số đàn bà cũng thế) thường mắc phải.

Có những đàn ông đa tình mà thời thường họ vẫn làm tròn vai tuồng của người đàn ông nhưng đôi khi họ lại đâm ra "bất lực" trước một người đàn bà mà họ say mê, vì lẽ họ vốn đa cảm xúc nên khi đối diện với người yêu, họ cảm xúc quá mạnh do đó cái phản ứng sinh lý lại ảnh hưởng đến những bắp thịt thuộc quả quyết.

Có những đàn bà đâm ra "lanh lợi" vì lúc "gần gũi" lần đầu tiên với người đàn ông họ gặp phải một người không khéo léo, đối đãi với họ bạo tợn nên họ đâm ra sợ sệt, chán ghét sự giao hợp.

Một thí dụ khác về ảnh hưởng của phản ứng sinh lý: anh chàng nọ đau răng, răng hành nhức nhối chịu không thấu nên mò đến nhà một nha sĩ để chữa, nhưng khi hắn bước qua ngưỡng cửa phòng bệnh, tự nhiên hắn bỗng thấy hết nhức răng bởi chàng ta cảm xúc quá mạnh.

II. TÌNH CẢM VÀ KHÍ SẮC

Theo dõi sự diễn tiến của một chu kỳ tâm lý chúng ta nhận thấy: sau cái cảm xúc - phản ứng, nó chỉ diễn ra trong khoảnh khắc, thì tiếp theo sau đó là sự truy tưởng, con đẻ của trí tưởng tượng. Sự truy tưởng biểu hiện trên hai phương diện, trên phương diện cảm tính nó phát sinh một tình cảm, trên phương diện thể chất nó phát sinh một khí sắc.

Danh từ tình cảm là một danh từ mà trong môn tâm lý học người ta thường dùng một cách mù mờ không định nghĩa rõ. Thường khi người ta dùng danh từ tình cảm để chỉ về tình thương, tình bạn, lòng nhiệt huyết, lòng ái quốc v.v... Nhưng chúng tôi đã có dịp định nghĩa những trạng huống ấy và cho rằng đó là những khuynh hướng. Đó là những trạng huống vững chãi, lâu bền.

Ở đây chúng tôi dùng danh từ tình cảm để chỉ về những rạng thái tạm bợ, ngắn ngủi như: ham thích, sợ sệt, thỏa thích v.v...

Tình cảm là một biểu hiện của cảm tính trong một thời gian tương đối ngắn nếu so sánh với cá tính chúng ta.

Tựu trung, đó là sự tiến triển hoặc sự cố định tạm bợ của cảm xúc, bị sự truy tưởng thay đổi ít nhiều. Cảm xúc xâm chiếm chúng ta một cách đột ngột nhưng không tồn tại lâu dài, tình cảm trái lại len lỏi vào chúng ta và tồn tại lâu bền hơn.

Vì thế chúng ta sẽ không ngạc nhiên nhận thấy có bốn thứ tình cảm tiêu chuẩn, tương xứng với bốn loại cảm xúc:

- Sự vui sướng gợi ra tình cảm thỏa thích.

- Sự giận dữ gợi ra tình cảm ham thích.

- Sự đau khổ gợi ra tình cảm chán nản.

- Sự khiếp sợ gợi ra tình cảm sợ sệt.

Bốn trạng thái của khí sắc:

Ở phần sau chúng ta sẽ nghiên cứu thêm về những tình cảm, nhưng ngay ở đây chúng ta hãy xét qua về trạng thái khí sắc.

Như chúng ta đã biết, việc truy tưởng có gây ra trên địa hạt thể chất một trạng thái khí sắc nào đó. Vì thế chúng ta nhận thấy có bốn trạng thái khí chất tương xứng với bộn loại cảm xúc và tình cảm.

Sự vui vẻ đi đôi với thỏa thích, sự bực dọc đi kèm với tình cảm ham thích, buồn bã đi đôi với chán nản, lo âu đi đôi với sợ sệt.

Bảng kê sau đây tóm luận cách xếp loại những tình cảm và những trạng thái khí sắc.

Như thế, chúng ta rất dễ nhận thấy rằng các trạng thái khí sắc thực ra chỉ là những hình thức của những phản ứng - cảm xúc đã đặng cố định ít ra trong một thời gian nào đó.

Cái sức căng của gân thịt bị cảm xúc làm xáo trộn nên chưa kịp quay về trạng thái bình thường. Nó vẫn biến đổi, thay đổi một cách trường tồn cho đến khi trạng thái khí sắc tiêu tan.

Thí dụ: sự vui sướng gây ra những phản ứng như tiếng la hét, nhảy nhót, hoặc quơ tay, múa chân, sức căng của bắp thịt bị "cảm xúc vui sướng" kích thích mạnh. Theo sau "cảm xúc vui sướng" là cái "khí sắc vui vẻ", sức căng của gân thịt vẫn còn bị kích thích nhưng không còn mạnh như trước. Người ta cảm thấy đặng khỏe thêm, thấy cần tiêu dùng bớt nghị lực, cần làm nhẹ người đi. Người ta biểu lộ rất dễ dàng: nói nói, cười cười v.v..

Những phản ứng của giận dữ thường mãnh liệt. Chúng cũng kích thích sức căng rất mạnh. Khí sắc bực dọc là một sự cố định của những phản ứng ấy; sự kích thích quá độ ấy có thể gây ra một cảm giác đau đớn (nhăn mặt, nhíu mày, quơ tay, quập chân) hoặc giả nó có thể khiến chúng ta có những hành vi thiếu suy nghĩ (đánh người, đập phá đồ vật), để rồi sau đó sức căng của gân thịt liền trở lại trạng thái bình thường.

Trong khí sắc buồn bã thì trái lại, những bắp thịt dãn ra, thân thể như xui xị, con người như suy nhược, thiếu nghị lực, đi đứng một cách uể oải, cử động một cách chậm chạp, nặng nề. Sự sút kém của sức căng này có thể truyền sang những bắp thịt trơn (ăn mất ngon, yếu tim) và ảnh hưởng đến những tuyến (rơi lệ). Trong những hình thức cấp phát, khí sắc buồn bã có thể đi đến sự liệt nhược toàn thân. Khi bị thất vọng người ta đâm ra bải hoải, biếng ăn, biếng nói.

Trong khi sắc lo âu nhất là ở những hình thức cấp phát của nó như sự ưu tư, sức căng của gân thịt biến đổi nhiều cách. Khi thì nó kích thích người ưu tư (đi đứng không ngớt, tay chân cử động luôn), khi thì nó khiến cho họ đâm ra bải hoải. Cũng có khi hai hiện tượng cùng diễn ra trong một lúc (phập phòng, trống ngực đánh và chân bước đi không nổi).

Chúng ta đã phân biệt điểm khác nhau giữa một phản ứng và một trạng thái khí sắc. Phản ứng là một sự gián đoạn bất thình lình của sức căng gân thịt, trạng thái khí sắc là một trạng thái mới mẻ.

Những trạng thái khí sắc thường có nguyên do ở bên trong, hoặc do toàn thân cảm giác tốt hay xấu, như chúng tôi đã giải thích ở một phần trước. Thực ra không có một nỗi vui hoặc mối buồn nào mà không có lý do. Nếu đó không phải vì một nguyên do tâm lý thì cũng có một nguyên do sinh lý. Những nguyên do sinh lý không mấy rõ rệt này dẫn dắt chúng ta đến một sự truy tưởng buồn bã để rồi phát sịnh một trạng thái khí sắc.

Vì thế, sự vận động như tập thể dục, chơi thể thao hoặc một công việc làm đầy hứng thú có thể cải thiện những trạng thái khí sắc vì nó làm cho toàn thân cảm giác chúng ta thêm tốt.

Trong đời sống thường ngày, những trạng thái khí sắc này tiếp diễn nhau nhanh hoặc chậm và nhất là nó thường nối tiếp nhau hoặc có chập chồng lên nhau. Mới vừa khóc đó, người ta lại có thể cười nất nẻ. Người ta có thể vừa vui vẻ lại vừa bực dọc nếu đột người người ta gặp phải một biến cố may mắn mà từ lâu người ta mong đợi.

Cái khí sắc vui vẻ chồng lên cái khí sắc bực dọc nó chỉ tồn tại ít lâu. Cũng vì lẽ đó người ta có thể vừ bị bực dọc lại vừa bị lo âu v.v...

Những xung động:

Những xung động do những trạng thái khí sắc mà ra. Đừng lầm lộn xung động với phản ứng. Những phản ứng có tính cách tự phát, ngẫu nhiên, vô tình, khó lòng mà ta kềm chế chúng. Chúng bắt nguồn ở cá tính thiên nhiên. Những cảm xúc bị ảnh hưởng của di truyền, chúng ta không làm chủ đặng chúng.

Những xung động trái lại, là do sự trầm trọng hóa của một trạng thái khí sắc. Nó tùy thuộc ý chí chúng ta phần nào, chúng ta co thể kềm chế nó ít nhiều nhờ cá tính tập thành. Thường khi, cái hoàn cảnh xung quanh có ảnh hưởng đến trạng thái khí sắc chúng ta và có thể gây ra những xung động.

Bị một cảm xúc đau khổ, nước mắt chúng ta tự nhiên trào ra. Nhưng khi chúng ta bị một khí sắc buồn bã xâm chiếm, chúng ta có thể cố gắng cầm nước mắt lại. Chúng ta thấy rõ những ảnh hưởng của hoàn cảnh xung quanh đối với xung động, ở trường hợp này: khi một người đang buồn bã nếu chúng ta tỏ vẻ thảm não như muốn chia sớt nỗi buồn của họ, tự nhiên nước mắt họ ràn rụa... Hình như cái vẻ mặt buồn thảm của chúng ta gia tăng cường độ cái khí sắc buồn bã của họ. Trái lại, nếu chúng ta tỏ vẻ vui tươi lên thì họ sẽ bớt buồn một phần nào, nói theo ngôn ngữ thông thường đó là chúng ta làm cho tinh thần người ấy lên.

Bị khiếp sợ tự nhiên chúng ta hét lên, đó là một phản ứng không thể ức chế, nhưng bị ai làm cho mình tức dội mà mình dằn lòng không thốt lên một tiếng "chửi thề" đó là mình đã kềm chế đặng một xung động nhờ sự giáo dục, tức là cá tính tập thành.

Những tình cảm phức tạp:

Bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu trở lại về những tình cảm nó đi kèm với trạng thái khí sắc. Chúng ta đã biết có bốn loại tình cảm tiêu biểu: thỏa thích, ham thích, chán nản, sợ sệt: nhưng bốn loại tình cảm đặc trưng ấy lại có thể pha trộn với nhau để nảy sinh nhiều thứ tình cảm phức tạp khác.

Chúng ta có nhiều cách để xếp thành loại những thứ tình cảm phức tạp ấy.

1) Xếp theo cái tình cảm nào đã đóng vai trò chính trong tình cảm phức tạp ấy.

2) Xếp theo số lượng và bản chất của những tình cảm tiêu biểu nào đã hợp thành tình cảm phức tạp ấy.

3) Xếp theo bản chất của cái tình cảm nào vừa mới diễn ra trước cái tình cảm mới ấy.

Loại thứ nhất:

a) Tình cảm thỏa thích sanh ra nhiều thứ tình cảm khác trong đó nó là mấu chốt: khâm phục, tin tưởng, cảm ơn, thiện cảm, triều mến, tình yêu đều là những biến thể của tình cảm thỏa thích.

Cái cảm xúc tiên khởi trong những mối tình cảm này là sự vui sướng và cái trạng thái khí sắc tương xứng là khí sắc vui vẻ. Cấp độ của tình cảm khí sắc đó là có thể biến đổi và hình thức của nó tùy thuộc mối tương quan của bẩm chất lòng nhân và đối tượng của nó.

b) Tình cảm ham thích đẻ ra những tình cảm phức tạp như: ác cảm, căm hờn, phẫn uất, uất ức, khinh rẻ, ngờ vực.

Cảm xúc tiên khởi của các mối cảm ấy là sự giận dữ, cái trạng thái khí sắc tương xứng là sự bực dọc và cái bẩm chất đặng vận dụng là bẩm chất tham muốn.

c) Tình cảm chán nản biến sanh những tình cảm như: tiếc hận, hổ thẹn, thương hại, hối hận.

Cảm xúc tiên khởi là đau khổ, trạng thái khí sắc tương xứng là buồn bã và trong những mối cảm này bẩm chất lòng nhân đã đặng vận dụng.

c) Sau hết là cái tình cảm sợ sệt sanh ra một tình cảm mới: tính dè dặt.

Cảm xúc tiên khởi là sự khiếp sợ, trạng thái khí sắc tương xứng là sự lo âu và bẩm chất lòng nhân là đầu dây mối nhợ của những mối cảm này.

Như chúng ta thấy, bẩm chất lòng nhân thường dự phần nhiều mối cảm. Những danh từ tình cảm, cảm tình, hiểu theo nghĩa thông thường đã diễn tả ý đó, khi người ta nói đến tình cảm, cảm tình, mặc nhiên ai cũng hiểu trong đó có nghĩa "thương yêu".

Loại thứ hai:

Có thể kể một vài tình cảm phức tạp:

Lo ngại do tình cảm sợ sệt và chán nản hợp thành. Chúng ta lo sợ về một điều gì đó và chúng ta đâm ra chán nản trước.

Bất mãn là sự hòa trộn cảu hai tình cảm ham thích và chán nản. Khi chúng ta bất mãn về một việc gì hoặc về một người nào thì chúng ta chán nản và đồng thời chúng ta lại muốn cho việc ấy xảy ra théo ý chúng ta hoặc người ấy đối với chúng ta một cách khác hơn.

Hy vọng là một tình cảm mới, do hai tình cảm ham thích và thỏa thích hợp thành. Chúng ta mong mỏi, ước muốn một điều gì đó và bởi chúng ta tin rằng điều đó sẽ đặng thực hiện nên chúng ta thỏa thích trước. Đó cũng là một hình thức khác của tình cảm ham thích trong khí sắc vui vẻ nó tùy thuộc toàn thân cảm giác (tức là tùy thuộc sức khỏe) rất nhiều. Vì thế những người khỏe mạnh thường vui vẻ, yêu đời và những người suy nhược thường buồn bực, bi quan. Sự tổng hợp ba tình cảm ham thích, thỏa thích và sợ sệt này sanh ra một tình cảm phức tạp mới mà chúng ta chưa tìm ra một danh từ nào để chỉ về nó. Đó là một thứ tình cảm khiến chúng ta quyến luyến về một vật hay một người nào đó mà chúng ta rất thèm muốn nhưng đồng thời lại cũng vừa e sợ, cái tình cảm nó khiến một số đàn bà vừa sợ bị ngã mà cũng vừa thích ngã vào tay một gã Sở Khanh.

Loại thứ ba:

Tức là các thứ tình cảm phức tạp đặng xếp theo bản chất của cái tình nào vừa diễn ra liền trước đó.

Sự an ủi là tình cảm thỏa thích nối tiếp theo sự chán nản.

Tình cảm thỏa thích nối tiếp tình cảm sợ sệt nảy sinh ra khuây khỏa.

Chán nản nối tiếp một ham thích sẽ gây ra một thất vọng.

Chán nản nối tiếp theo một hy vọng (chúng ta đã biết hy vọng là do hai tình cảm thỏa thích và ham thích hợp thành để tạo nên sự mất mộng).

Chúng ta thất vọng vì người ham thích những dục vọng chúng ta không đạt thành. Chúng ta mất mộng vì những hy vọng chúng ta đã thành ra mây khói.

Sự chán nản kế tiếp theo sự sệt để sanh ra một tình cảm mới mà cũng chưa biết phải dùng danh từ gì để chỉ về nó. Đó là một thứ tình cảm nó làm cho một người đắc ý một cách trầm uất mà nhận thấy rằng họ tiên đoán đúng, song những tiên đoán của họ thường thuộc về những tại họa, những hoạn nạn, những điều không may. Những người mà chúng ta cho rằng "miệng ăn mắm ăn muối" thường có thứ tình cảm này. Trước một biến cố không may, họ xoa tay nói "đấy, tôi nói trước mà", "tôi đã biết trước mà", "việc gì phải đến đã đến" v.v...

Những trạng thái đam mê:

Khi những tình cảm khí sắc tiến đến mức cấp phát nó sẽ biến thành những trạng thái đam mê.

Cái dịp nghiên cứu qua về những đam mê chúng ta đã biết: đó là những thị hiếu, những khuynh hướng đã nảy nở đến một cấp độ thái quá.

Một tình cảm khí sắc có thể biến thành một đam mê khi nó trở nên mãnh liệt hoặc giải khi nó trùng hợp với một đam mê khác kích thích nó.

Hai thí dụ sau đây sẽ vạch rõ then máy của hai lối biến đổi ấy:

Một anh nọ cập tay một người bạn gái đi dạo phố. Cô bạn ấy bị người ta sỉ nhục. Tức khắc sau khi biết đặng điều ấy (tri giác anh ta nổi xung thiên lên - cảm xúc giận dữ) và đồng thời mặt anh tái nhợt, tay chân run rẩy, nói không nên lời hoặc cà lấp là lưởng (phản ứng). Cũng trong nháy mắt sau đó, bao nhiêu cảnh tưởng diễn ra trong trí óc anh: việc không hay này rồi sẽ gây ra bao nhiêu tai tiếng, báo chí sẽ nói đến thói vũ phu của người đã gây ra việc không hay ấy, sự sỉ nhcụ mà cô bạn gái anh phải hứng lấy; cô bạn gái mà do được giáo dục anh cho rằng phải đáng kính nể (truy tưởng). Sự truy tưởng này lại gây ra một tình cảm khi sắc: bất bình, sanh bất bình và sự bất bình này có thể tiến đến một cấp độ mãnh liệt làm cho anh ta sôi tiết lên, anh có thể đánh đá, hoặc chửi mắng kể thất phu kia.

Trường hợp này chúng ta thấy rằng cái tình cảm khí sắc bất bình biến thành một tình trạng đam mê là do tính cách mãnh liệt của nó chứ không phải do một đam mê khác, chúng ta hẳn thí dụ rằng cô gái đó đối với anh ta chỉ là một người bạn chứ không phải là một người tình, tức là anh ấy không phải vì một đam mê mà đâm ra có trạng thái đam mê.

Đây là một thí dụ khác: một người có tinh thần quốc gia rất mạnh khi người một người ngoại quốc nói xấu về xứ sở của mình, tự nhiên cũng giận dữ nổi xung thiên lên (tình cảm khí sắc) như anh chàng đã chứng kiến việc người bạn gái bị sỉ nhục. Song ở trường hợp này sự nộ khí của nhà ái quốc chân chính ia bắt nguồn ngay ở một sự đam mê mà họ sẵn có: lòng ái quốc cuồng nhiệt.

Tất cả những tình cảm khí sắc đều có thể biến hành những trạng thái đam mê.

Thí dụ, tình cảm thỏa thích, vui vẻ có thể gây ra trạng thái yêu say đắm.

Nhưng trong đời sống thường ngày, chính những hình thức của tình cảm khí sắc ham thích bực dọc mà cảm xúc giận dữ là cơ sở, thường gây ra nhiều trạng thái đam mê quan trọng và mãnh liệt nhất.

Có thể nào chúng ta ức chế một trạng thái đam mê hoặc kềm hãm nó chăng? Rất có thể, nhưng chỉ trong một phạm vi nào đó thôi. Nguồn gốc cảu đam mê là ở một cảm xúc. Mà cảm xúc có mạnh liệt hay chăng la do cấp độc của bẩm chất cảm xúc tính chúng ta. Ở một đoạn trước chúng tôi có nói: bằng sự giáo dục chúng ta tuy không thể làm giảm bớt cấp độ của bẩm chất cảm xúc nhưng chúng ta rất có thể tiết chế cách biểu lộ của nó, tiết chế những phát hiện của nó ra ngoài. Lẽ dĩ nhiên, ở người có nhiều óc phán đoán sự giáo dục dễ có hiệu nghiệm hơn. Người thiếu suy nghĩ dễ nói gian dối hơn người biết phán đoán. Trước khi sa vào một trạng thái đam mê, người có óc phán đoán biết ước lượng là biết đánh giá, biến nhận định một biến cố đúng giá, đúng mức của nó. Người kém phán đoán trái lại có thể "nổi xung thiên" trước một việc cỏn con không đâu. Như chúng ta thấy và điều này chúng tôi đã có nhận mạnh: biết phán đoán đúng đắn có ảnh hưởng rất lớn trong lề lối hành động của chúng ta.

--------------------------------------------------------------------------------

Nguồn: Vnthuquan - Thư viện Online

Người đăng: Ct.Ly

Thời gian: 25/10/2008 12:29:31 CH

Phần II - Chương 2 Phần II - Chương 4

Viet Nam Thu Quan thu vien Online - Design by Pham Huy Hung

Việt Nam Thư Quán - Thư Viện Online

Cho điểm 5 sao 4 sao 3 sao 2 sao 1 sao 9 Phiếu

Đã xem 51379 lần.

Suy ngẫm, Làm Người

Biết Người

Dịch giả: Phạm Cao Tùng

Phần II - Chương 4

TÂM LÝ ĐỘNG

Ý CHÍ

Có người sẽ lấy làm lạ từ đầu đến giờ chúng tôi chưa bao giờ đề cập đến vấn đề ý chí.

Mặc dù những sách tâm lý học xưa nay thường cho rằng ý chí là một bẩm chất cốt yếu, một đức tính. Và người ta cũng thường nói đến vấn đề luyện chí, rèn chí.

Nhưng thật ra ý chí không phải là một bẩm chất độc lập, riêng biệt như lòng nhân, hoạt động tính v.v... Nó chỉ là kết quả những ảnh hưởng nhiều bẩm chất như chúng ta sẽ thấy sau đây.

Ý chí vốn "động":

Sống tức là hoạt động và như thế có nghĩa là đi đến những tác động.

Điều này rất quan trọng, cho nên ngôn ngữ có một danh từ riêng: ý chí, để chỉ về cái việc mà tư tưởng có thể bước sang tác động một cách khó hay dễ. Và dường như người ta muốn dùng danh từ ý chí này để chứng tỏ rằng đó là một quan năng đặc biệt của trí tuệ, nó giúp cho tư tưởng có thể đi đến tác động. Những xét kỹ ra, chúng ta thấy rằng ý chí vốn "động", đó là sự vượt qua, sự chuyển sang có dễ dàng hay chăng của tư tưởng đến tác động, đó là sự quyết định để hành động.

Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng quyết định còn quan trọng hơn tác động. (Lẽ dĩ nhiên đây là nó về phương diện tâm lý. Về phương diện pháp lý chỉ có tác động là đáng kể). Vì tác động chỉ là một hiện tượng thể chất, một sự hợp thành, còn quyết định mới là tối thượng. Nếu sự quyết định không đặng trọn vẹn, hành động có thể bất thành. Điều đáng chú ý khác là sự bất động cũng đòi hỏi nhiều ý chí hơn,vì một tác động có thể giải tán một trạng thái căng thẳng của thần kinh. (Chúng ta thường thấy, một người đang cơn giận dữ sau khi có dịp đập phá một vài món đồ thì con giận dữ cũng đã dịu bớt). Biết ức chế trước một biến cố đôi khi còn khó hơn hành động. Rốt cuộc lại, chúng ta thấy ý chí là khả năng để quyết định theo một hướng này hoặc hướng khác. Đó chỉ là hình thức của tâm tính như tính lười biếng, tính can đảm v.v... mà chúng ta đã có dịp xét qua, đó không phải là một khả năng biệt lập.

Những bẩm chất căn bản tạo nên ý chí:

Bây giờ chúng ta thử tìm xem những bẩm chất căn bản nào có thể chi phối tạo nên ý chí.

Trước hết, chúng ta đã thấy rõ là cần nhiều hoạt động tính, vì nó là bẩm chất hướng chúng ta hoạt động. Một người suy nhược không thích hoạt động và do đó cũng không thích quyết định một việc gì. Nhưng hoạt động tính ấy cũng không nên đi đến mức náo động, khích động một cách rời rạc.

Điều kiện khác là lòng tham muốn vừa phải, vì tham muốn và hoạt động tính là hai bẩm chất làm cho những tác động chúng ta có ý nghĩa, có mục đích.

Không nên có nhiều cảm xúc tính. Người đa cảm xúc hay rụt rè, sợ hãi, hoặc hành động thiếu suy nghĩ.

Óc phán đoán phải thật tốt để ý chí có thể hành động đúng đường lối.

Có thể gom những điều kiện ấy trong phương trình sau đây:

M vừa phải + H nhiều + C kém + P thật tốt.

Những người kém ý chí thường là những người suy nhược, những người hoàn toàn bất vụ lợi, những người đa cảm. Đó là những người mềm yếu, không biết hoặc không dám quyết định, người ta gọi họ là những người thiếu tính khí. Lòng nhân quá nhiều cũng ảnh hưởng đến ý chí: đôi khi người ta không dám quyết định để hành động vì sợ phật ý, làm buồn người khác.

Rèn luyện ý chí:

Có thể nào chúng ta rèn luyện ý chí đặng chăng? Đã biết rõ nó tùy thuộc cá tính thiên nhiên thì khó nghĩ đến việc huấn luyện nó. Làm sao có thể sửa đổi những bẩm chất cốt yếu mà theo định nghĩa nó vốn là bất di bất dịch?

Tuy thế, đôi khi người ta cũng có thể thành công trong việc rèn luyện ý chí. Điều đó kể ra cũng có thể hiểu đặng, công việc rèn ý chí chỉ có ảnh hưởng tốt đối với những người mà do bẩm sinh họ đã sẵn có những bẩm chất để trở nên người có ý chí, nhưng họ không biết cách dùng những bẩm chất ấy. Có thể sánh họ với những người thợ sẵn có trong tay những dụng cụ tốt, nhưng lại tạo ra những môn đồ vụng về, xấu xí. Với hạng người đó, người ta có thể chỉ dạy họ cách sử dụng những dụng cụ ấy khéo léo hơn và cũng có thể rèn tập họ cách làm việc.

Nhưng đối với những người khác, những người suy nhược (thiếu hoạt động tính), những người bất vụ lợi (thiếu tham muốn) khó mà rèn tập cho họ có ý chí. Chúng ta cũng nhận thấy điều này: những người đã kiên tâm, trì chí theo học những lớp huấn luyện ý chí là những người tỏ ra họ đã có ý chí một phần nào. Những người bẩm chất vốn suy nhược, không đủ sức cố gắng để đeo đuổi đến cùng chương trình huấn luyện, thường bỏ dở nửa chừng.

Những lớp dạy rèn chí thường rêu rao những kết quả mỹ mãn mà một số môn đẹ tập theo phương pháp họ chỉ dạy đã thâu thập đặng. Song những môn đệ đó thường là những người thuộc hạng tâm thần bất định mà ở trước chúng tôi đã có nói qua. Họ bắt đầu theo những lớp rèn chí ấy vào lúc tinh thần họ đang xuống dốc. Sau thời kỳ suy vi này tất nhiên lại đến một thời kỳ khích động và những học trò đó rất dễ ngờ rằng họ đã tìm lại đặng ý chí đã mất. Họ tưởng rằng họ đã đoạt đặng kết quả, đã đạt đến đích, họ rất sung sướng "làm lễ tạ thầy" nhưng sau đó, thời kỳ trầm trệ, suy vi lại đến và họ phải khởi tập lại...

Trong một bài khảo luận đăng trong tạp chí "Mer de France" Marcel Boll đã bài xích một cách cay độc những phương pháp rèn luyện ý chí như phương pháp Pelman, Coué và Christian Science.

Nhà tâm lý học chỉ có thể giúp ích những người muốn luyện ý chí bằng cách chỉ định cái phương trình cá tính của họ và giúp họ đề phòng những phản ứng nó bắt nguồn ở những bẩm chất đã phát triển một cách quá mức hoặc đã bị suy kém. Nhà tâm lý học là một y sĩ có thể đoán trúng căn bệnh nhưng than ôi, ít khi chữa đặng bệnh. Người ta chưa tìm ra thứ thuốc nào để ngừa bệnh hà tiện, bệnh ghen tuông, bệnh ích kỳ, bệnh nói dối.

Người ta chỉ có thể ảnh hưởng phần nào đến ý chí bằng cách tập thể dục, bằng cách tạo nên cái "toàn thân cảm giác", nói tóm lại bằng cách tạo nên một sinh lực dồi dào. Chúng tôi đã nói, năng xuất của bẩm chất hoạt động tính có thể cải thiện khi sức khỏe đặng gia tăng nhờ biết giữ vệ sinh, biết tập thể dục một cách hợp lý.

Hoạt động tính là một thành phần của ý chí, một khi nó đặng cải thiện tự nhiên ý chí cũng đặng ảnh hưởng tốt.

Và đó là thêm một lý lẽ để chúng ta trao dồi sức khỏe.

--------------------------------------------------------------------------------

Nguồn: Vnthuquan - Thư viện Online

Người đăng: Ct.Ly

Thời gian: 25/10/2008 12:30:25 CH

Phần II - Chương 3 Phần III - Chương 1

Viet Nam Thu Quan thu vien Online - Design by Pham Huy Hung

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: