Người đàn ông không mặt (1)

- Cảm ơn cậu! - người đàn ông nói, kèm theo một cái gật đầu khi đón lấy hộp cơm mà anh đã mua cho ông, cùng với vài trăm ngàn anh nhét vào trong đó.

Anh đứng trầm ngâm nhìn ông, người đàn ông vô gia cư đã lảng vảng gần nơi anh sống mấy ngày nay. Chỗ trú ẩn hiện giờ của ông là dưới gầm cầu, con sông không được thơ mộng lắm đầy rác thải của những nhà gần đó vứt xuống.

Giống như những người vô gia cư khác, ông khoác lên mình một bộ quần áo rách rưới, người dính đầy cáu bẩn, khuôn mặt khắc khổ, nước da đen sạm vì dạn dày sương gió. Dưới mái đầu bù xù lâu ngày không cắt tỉa là một đôi mắt dài dại, vừa như đang cố nói rất nhiều điều lại vừa như chẳng có gì để nói.

Người đàn ông mở hộp cơm ra, cắn một góc nhỏ của bịch nước mắm và đổ vào hộp cơm. Ông bắt đầu ăn một cách từ tốn và chậm rãi, chẳng để tâm tới sự có mặt của anh.

Cạnh chỗ ông ngồi là một cái balo rách nát, bên trong dường như chẳng chứa bao nhiêu đồ đạc, trên balo có một tấm ảnh ép nhựa được bấm vào cái dây kéo, tấm ảnh màu chụp một gia đình có ba người.

Người mẹ ngồi xe lăn đội một cái nón len che đi cái đầu không còn tóc đang mỉm cười yếu ớt, cô con gái đứng phía sau mẹ cười tươi và người đàn ông khuôn mặt nghiêm nghị ngồi kế vợ nhìn thẳng vào khung hình.

Anh biết rõ cái gia đình trong hình, chính anh là người đã chụp tấm ảnh ấy.

- Bác có nhận ra con không? - Anh lên tiếng hỏi sau một lúc lâu. 

Người đàn ông ngước nhìn lên, nhìn anh chừng vài giây rồi cúi xuống với hộp cơm.

- Không. - Ông khe khẽ lắc đầu, giọng thều thào.

Anh đứng đó thêm vài phút nữa, cảm thấy ngực mình nhói lên.

- Thôi con đi nha bác. - Anh lên tiếng, người đàn ông ừ hử tỏ vẻ không quan tâm.

Anh quay đi.

Người đàn ông ấy là cha của Phương.

Nhưng Phương đã chết và giờ đây gần mười năm sau anh gặp cha của cô lang thang gần nhà mình.

***

Mùa hè tới theo những bước chân lặng ngắt của tháng năm. Những cơn mưa đổ xuống dai dẳng vào mỗi buổi trưa, phủ trùm lấy ngôi nhà trong một tấm màn mờ mịt khiến cho tôi cảm thấy như chỉ còn lại một mình mình trong cái thế giới rộng lớn này.

Mùa hè ở đô thị luôn có cái gì đó không đúng với bản chất của nó, ta cảm nhận được vị rất rõ ràng của hè khi nó tràn đến. Một cơn lũ mùi vị pha lẫn cảm xúc, nhưng tận sâu bên trong cái hương vị mạnh mẽ ấy, vẫn có cái gì đó sai lệch với cái mùa hè mà người ta vẫn hay mường tượng.

Tiếng ve, những cánh diều, hương của trái cây chín thoảng trong những cơn gió, đó là những đặc trưng của mùa hè trong sách vở, phim ảnh. 

Nhưng khi sống trong một đô thị hay nơi tiếp giáp của đô thị và ngoại ô này thì mọi thứ lại khác hẳn, nơi những ngôi nhà thay thế cho rừng cây và quảng trường thay thế cho những cánh đồng trống, ta chẳng tìm đâu ra những con ve hay mùi vị của trái cây trong gió. Và khi nhìn lên bầu trời ngoài màu xanh những hôm trời nắng và xám xịt vào lúc trời mưa, ta chẳng thấy được cánh diều nào đang bay, có chăng chỉ là vài cánh lẻ loi của con chim lạc bầy. Mùa hè đô thị đánh mất chính mình trong những con đường và những tòa nhà, thứ còn sót lại chỉ là một chút dư ảnh rực rỡ của nó và một chuỗi ngày dài nghỉ học.

Tôi đã đi qua năm đầu tiên của cấp ba mà chẳng có gì khó khăn, những bài kiểm tra và những kì thi cũng chẳng quá khó như tôi tưởng. Xét cho cùng, giáo dục đã được tạo ra để dành cho mọi người nên chẳng cần phải quá thông minh hay chăm chỉ ta vẫn có thể lên lớp được đều đặn.

Sau một thời gian nghỉ làm thêm, tôi cũng tìm được một chỗ làm khác, chạy bàn cho một quán cà phê ở gần khu trung tâm thành phố. Công việc chẳng có gì thú vị, không cực nhọc là mấy, lương lậu cũng chả bao nhiêu; tôi làm chỉ vì không muốn có quá nhiều thời gian rảnh rỗi. Khi rảnh những kí ức ấy không mấy tốt đẹp cứ hiện lên trong đầu của tôi như lũ ruồi nhặng bâu vào một cái xác thối rữa.

Tôi làm việc ba ngày một tuần, từ sáu giờ tới mười một giờ, thỉnh thoảng khi được yêu cầu làm thêm buổi tối từ năm giờ chiều tới mười giờ tối, vì chỗ làm khá xa nhà nên tôi phải đi xe buýt.

Chung ca với tôi là hai người khác, một nam, một nữ cả hai đều đang học đại học. Chúng tôi chẳng nói gì nhiều với nhau ngoài những câu chuyện vô bổ. Thỉnh thoảng tôi lại thấy họ nhìn mình một cách khó hiểu, có lẽ tôi quá khác biệt so với những đứa 17 tuổi mà họ biết.

Nhưng đó đâu phải là lỗi tại tôi, chẳng ai có lỗi trong những chuyện như thế này cả. Vài người giống mọi người, vài người lại khác và xã hội này cần cả hai loại đó.

Đôi khi tôi tự hỏi mình là kẻ bình thường sống trong một thế giới khác thường hay là kẻ khác thường sống trong một thế giới bình thường?

Sau đó tôi nhận ra, đặt câu hỏi như vậy chẳng có ý nghĩ gì cả, khác thường hay bình thường, ta không biết đâu là vật cần phải cân và đâu là quả cân để đem ra so sánh.

Việc quan trọng nhất là đặt ra đúng câu hỏi.

Việc tôi vẫn còn chưa làm được.

Có lẽ tôi sẽ quay trở lại với câu hỏi của Xanh đã đặt ra cho tôi.

Vì sao tôi chưa từng vui vẻ?

Buổi chiều hôm ấy, tôi ngồi một mình trong phòng khách, cha tôi đang ở dưới bếp, mùi thức ăn dậy lên, vừa nấu ăn ông vừa ngâm nga một giai điệu nào đó nghe rất đỗi thân quen. Khi nghe cái giai điệu đó lòng tôi bỗng dấy lên một nỗi buồn vô cớ, âm nhạc tác động tới tâm hồn con người một cách thật lạ lùng. Tôi nghe mãi mà chẳng nhận ra được đó là bài gì, hoặc có thể nó chẳng có ý nghĩa gì chỉ là cha tôi ngẫu hứng phát ra một giai điệu mà ông đang nghĩ trong đầu.

Dù sao thì nó cũng khá hay.

Vừa nghe tôi đọc vài quyển sách mượn được từ thư viện, những tuyển tập truyện ngắn của các tác giả nổi tiếng lẫn không nổi tiếng ở trong nước và nước ngoài.

Vài truyện rất hay, vài truyện khác thì chỉ hay thôi, số còn lại thì nằm giữa trung bình và chẳng có gì đặc biệt.

Cũng giống như ở ngoài kia, cuộc đời cũng từa tựa như vậy.

Điểm khác biệt lớn nhất là chẳng có truyện nào thật sự tệ hại cả, dù sao khi đã đưa vào một tuyển tập thì dĩ nhiên người ta đã gạn lọc hết những thứ tệ hại đi rồi. Đọc truyện ngắn trong một buổi chiều mùa hè yên tĩnh làm tôi có cảm giác ,như cuộc đời mình đã bị cắt vụn ra và chính bản thân tôi cũng đã trở thành một phần trong câu chuyện của ai đó.

Gần đây cứ mỗi lần đọc sách là tôi lại nghĩ tới cuốn tiểu thuyết mà Sương đã cho tôi, tôi không đụng tới nó kể từ khi cô cho tôi. Tôi cất quyển sách vào góc cao nhất trong tủ sách của mình và cố lãng quên nó đi như một kí ức chẳng có gì là tốt đẹp. Nhưng càng cố lãng quên tôi lại càng thấy tò mò về nội dung của nó, hẳn nhiên tôi đã lên mạng tìm hiểu về cuốn tiểu thuyết, nhưng tuyệt nhiên chẳng có thông tin gì. Có một cuốn tiểu thuyết của Tess Gerritsen cũng có tên tương tự nhưng nhìn bìa thì không giống. Ngoài ra cuốn tiểu thuyết của cô đưa tôi tác giả là người trong nước. Tôi đã thấy tên tác giả trên bìa sách.

"Sương mù."

Một bút danh thật lạ lùng, tôi cảm thấy nó có vẻ hay hay, hai chữ ngắn gọn ấy dường như ẩn trong mình biết bao nhiêu là gợi ý. Chắc hẳn nếu tôi làm nhà văn tôi cũng sẽ chọn cho mình một bút danh tương tự như vậy.

Tôi chẳng tìm hiểu được gì về cuốn tiểu thuyết đó và sự tò mò trong tôi lại càng lớn hơn giống như nước tích trong những con đập vào mùa mưa. Có lẽ chẳng mấy chốc tôi sẽ lấy nó xuống và đọc mất.

Xét cho cùng đó cũng không hẳn là điều gì quá tồi tệ, Sương đã giao cho tôi quyển sách và một quyển sách sẽ trở thành vật vô dụng nếu như không được đọc. Tôi chỉ làm chuyện phải làm thôi.

Tôi gấp sách lại, đứng lên đi ra ngoài cửa. Trời không còn nắng, những áng mây xam xám trải đều ra và che lấp hết mọi thứ ở trên đó. Sắp mưa, tôi nghe thoảng mùi hơi nước trong không khì, lạnh và đầy những dự cảm chẳng lành.

Tôi chợt nghĩ tới Sương, chẳng biết cô đang ở đâu ngoài kia, thiên đường, địa ngục hay một nơi nào đó khác hay chẳng ở đâu cả. Tôi không biết, chẳng cách nào biết được cho tới khi cái chết túm được tôi, điều khủng khiếp nhất của cái chết là sự im lặng của nó.

Tối đó, tôi ấy quyển tiểu thuyết ra khỏi tủ sách, ngồi xuống ngay ngắn trên cái bàn học của mình, đèn bàn mở, cái đồng hồ trên tường chỉ đúng mười giờ, ngoài kia, một cơn mưa đang trút xuống những mái nhà và những con đường vắng vẻ, vài tiếng sét xa xôi. Tôi mở cửa sổ, không có gió, những hạt mưa rơi thẳng xuống đất, tôi nhìn mưa, quyển sách vẫn đạt ngay ngắn trên bàn.

Bất chợt tôi nghĩ tới Xanh, tôi vẫn chưa nhận được cuộc gọi nào của nó, cũng không có tin nhắn, chẳng có gì cả, tôi có thể chủ động liên lạc trước với Xanh, nhưng dường như điều đó lại không đúng. Xanh nói nó cần phải suy nghĩ về mối quan hệ của chúng tôi và tôi không nên tác động tới suy nghĩ của nó.

Xanh biết tôi vẫn yêu nó, từ trước tới giờ vẫn là như vậy.

Rồi tôi nghĩ tới cái lời nguyền mà Xanh đang mang, lời nguyền được khắc ghi trong chuỗi gen của nó từ lúc mới sinh ra, định mệnh của nó, cái mà chẳng bao giờ thay đổi được, không cách nào giải thoát. Xét cho cùng thì những căn bệnh bẩm sinh vô phương chữa trị cũng đích thực là một dạng lời nguyền, nó gắn lên cuộc đời của mỗi con người như một gánh nặng và người ta phải tập sống chung với nó.

Không cách nào rũ bỏ được, đôi khi nó có lý do, một số đột biến trong gen là do tác động của cha mẹ hoặc moi trường, một số khác dường như chẳng có nguyên nhân gì. Chỉ là khoảng bao nhiêu người thì sẽ có một người như vậy, giống như một trò chơi may rủi đầy nghiệt ngã của cuộc đời.

Có những người có thể sống chung với lời nguyền của mình, vài người khác lại không; một cỗ bài xấu cũng chưa hẳn là sẽ thua còn tùy vào người chơi bài.

Tôi luôn nghĩ Xanh là một người chơi giỏi, nhưng đó chỉ là cái tôi cảm nhận được, tôi đâu thể nào biết được có gì trong cái tinh cầu nhỏ bé của nó tôi chỉ có thể đoán. Bởi vì Xanh lúc nào cũng vui vẻ nên tôi hy vọng nó cảm thấy thật sự như vậy trong lòng.

Tôi đâu thể nào biết được sự bất thường về cơ thể sẽ làm cho Xanh có sự bất thường nào về tâm lý.

Rồi tôi nghĩ về cái lời nguyền mà mình đang mang, lời nguyền do Sương gieo vào lòng tôi, có lẽ cô làm vậy chỉ vì sợ người ta sẽ lãng quên mình, tôi không chắc, chẳng còn cách nào để có thể hỏi cô được nữa rồi.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top