Chương 44: Minh tranh ám đấu
Cung thành nam Tấn nằm ở khu bắc đông thành thuộc Kiến Khang, còn gọi là Đài Thành, có câu "Thiên tử cư xứ cấm giả vi đài", nghĩa là nơi thiên tử cư ngụ không được dựng đài, từ đấy có tên Đài Thành.
Đài Thành lưng tựa vào núi Phục Chu, Kê Lung, phía trước nhìn ra Ngưu Thủ sơn, có hai lớp tường thành, vòng tường nội cung dài năm dặm, ngoại cung dài tám dặm, cung Kiến Khang nằm bên trong.
Vòng quanh thành có hào, rộng năm trượng, sâu bảy thước. Đại môn ở chính giữa tường ngoài gọi là Đại tư mã môn, những người có việc tâu lên, đều phải quỳ tại đây chờ, vì vậy cũng gọi là Chương môn.
Đại tư mã môn đối xứng với nam đại môn của đô thành tên gọi là Tuyên Dương môn, nối liền bằng ngự đạo, hai bên đường ngự đạo đào hai dòng kênh, gọi là ngự câu, trên bờ trồng hòe liễu.
Từ Tuyên Dương môn về phía nam, một đường ngự đạo khác dài năm dặm nối với Chu Tước kiều. Bảy dặm đường ngự đạo nối thông trục đường chính của đô thành, ngoài ra đường ngang ngõ tắt cứ dựa vào đó mà phát triển.
Đô thành nam Tấn bất luận cung thành hay những chốn thấp kém khác, cho đến cả thành bảo vệ như Thạch Đầu Thành, đều lợi dụng đồi núi thiên nhiên hay thủy đạo, phát huy cao nhất khả năng phòng ngự, điều này cũng phản ánh hoàn cảnh nam Tấn đang đối kháng với bắc phương Hồ tộc, lại thêm đấu tranh nội bộ kịch liệt cùng tình hình hỗn loạn trong xã hội.
Tư Mã Diệu cư trú trong cung thành này, xa xa là khu cung điện, càng có thể phát huy lực lượng phòng thủ đến mức tối đa trong chiến tranh.
Sự an nguy của Đài Thành quan hệ đến toàn bộ sự tồn vong của chính quyền.
Đối với Hoàn Huyền mà nói, nếu có thể xâm nhập vào Đài Thành, coi như đã khống chế thiên hạ của nam Tấn, phối hợp với lực lượng hai châu Kinh, Dương, Bắc Phủ binh của Tạ Huyền khi đó muốn làm gì cũng chẳng đủ sức.
Nếu ở địa vị Tạ Huyền, tất nhiên cần phải tận lực ngăn không để Kiến Khang rơi vào tay Hoàn Huyền.
Trong tình hình như vậy, Tạ Huyền ngược dòng công đả Kinh Tương thì rất khó khăn, Hoàn Huyền thuận dòng tiến công Kiến Khang thì thuận lợi, cho nên từ thời nam Tấn trở lại đây, nhìn chung quyền chủ động nằm trong tay quân phiệt tại Kinh Châu, Kiến Khang nằm ở hạ du lại bị hãm vào thế kém, bị động.
Tạ An cùng với xe ngựa và đám tùy tùng mặc toàn y phục đen, ruổi ngựa chạy thẳng vào Đại tư mã môn, địa vị của ông tôn kính, không cần chờ ở Đại tư mã môn, tự khắc có người phi báo cho Tư Mã Diệu.
Mắt tuy nhìn cảnh lầu các trùng điệp trong cung thành, nhưng lại hình dung cảnh tương lai lưỡng Huyền tranh đấu, trong lòng dậy lên vô số cảm xúc.
Xa đội hướng về phía chính điện Thái Cấp điện phi thẳng tới, điện này là kiến trúc to lớn hoành tráng nhất trong cung thành Kiến Khang, mở ra mười hai gian, tượng trưng cho một năm mười hai tháng, hai bên có đông, tây nhị đường.
Điện cao tám trượng, dài hai mươi mốt trượng, rộng mười trượng, sân phía trước rộng sáu chục mẫu, toàn bộ lấy Thái Cấp điện làm chủ theo kiến trúc đình viên, là nơi Tư Mã Diệu triệu kiến đại thần, cử hành yến hội và xử lý chính vụ ngày thường.
Tư Mã Diệu đã ba ngày liên tục bỏ buổi chầu sớm, từ khi nạp được Trương quý nhân, mượn tiếng sau chiến dịch Phì Thủy cần nghỉ ngơi dưỡng sức, để cho triều chính hoang phế.
Lại lấy lý do Tạ An, Vương Thản Chi công lao khó nhọc, giảm bớt rất nhiều công việc hành chính sự vụ, chuyển sang bên thượng thư phủ nằm trong tay Tư Mã Đạo Tử, vì vậy một công việc trọng đại như hưng kiến Di Lặc tự cũng vượt mặt Tạ An, khiến ông vô phương cản trở.
Bất quá lần này Tạ An đã hạ quyết tâm, quyết không để Tư Mã Diệu vượt quá giới hạn, buộc Tư Mã Diệu phải chọn lựa giữa đoàn kết hay phân liệt với trọng thần.
Nếu muốn dạo chơi Kiến Khang, tốt nhất là ngồi thuyền đi theo đường thủy đạo chằng chịt khắp nơi trong thành nội.
Kiến Khang thành nằm trong khu vực Trường Giang, Tần Hoài hà, Huyền Vũ hồ tạo nên một màng lưới giao thông đường thủy, bốn mặt sông nước, thành trấn phát triển dựa vào Tần Hoài hà, ngày càng phồn thịnh, khu công thương nghiệp và khu dân cư từ Trường Can Lý, phố lớn hướng về hai bờ Tần Hoài hà phía đông và Thanh Khê phát triển, các khu buôn bán chen chúc sầm uất, hết sức náo nhiệt.
Quy mô Kiến Khang thành hiện thời đã trở thành to lớn nhất ở Trung Nguyên, nhà lớn lầu cao, mái hiên san sát nhấp nhô.
Nơi chốn đặc sắc nhất chính là những ngã ba sông, tàu thuyền qua lại nối nhau vào bến, ngựa phi trên đường, người đi xe đỗ, không khi nào ngừng.
Trong thành có bốn khu buôn bán, hai bờ Tần Hoài hà những chốn mua bán có tới hơn trăm, một thứ đặc sắc nữa là chợ nhỏ có ở khắp xung quanh các chùa chiền.
Nhờ có việc thờ Phật hưng thịnh, xung quanh nhà chùa người qua lại không ngớt, cho nên mới trở thành nơi buôn bán giao dịch thuận lợi, trong đó nổi danh nhất là khu chợ phía bắc hai ngôi chùa lớn Kiến Sơ tự và Quy Thiện tự.
Ngoài những thị trường nhóm họp liên tục, lại còn rất nhiều chợ cóc không cố định, rõ ràng số người mưu sinh bằng việc buôn bán ngày càng nhiều hơn, biến Kiến Khang thành nơi giàu có và phồn hoa nhất thiên hạ.
Ngoài ngự đạo và những đường phố chính, là những phố phường đường ngang ngõ tắt tựa như lưới nhện vươn dài vào thành nội. Dân cư xây dựng nhà cửa men theo bờ sông, cơ ngơi sâu rộng, tường hoa mái ngói, đường đi lát đá, cầu đá vòng cung, cầu phao, bờ sông đá kè; dưới sông thì thuyền bè qua lại, nước soi cánh buồm, tạo nên một phong cách riêng biệt của non nước Giang Nam, lại thêm sau trận tuyết lớn, khắp chốn tuyết bay sương rũ, cảnh đẹp như mộng.
So với cách đây năm năm Yến Phi viếng thăm nơi này, hiện tại quang cảnh đã phồn thịnh hơn hẳn.
Đối với hương sắc đặc biệt của Giang Nam, Yến Phi có một tình cảm đặc biệt. Với chàng, cảnh đẹp sông nước Giang Nam tựa như một bức tranh bố cục thưa dày hợp cách, tràn đầy ý thơ, trong không gian hữu hạn biểu lộ vô hạn tình ý.
Yến Phi ra khỏi hẻm Ô Y, bước chân lên đường ngự đạo, tả hữu bồi bạn có Cao Ngạn, Lương Định Đô, phía sau còn có bốn tên phủ vệ của Tạ gia đi cùng, đều là hảo thủ được tuyển chọn, Yến Phi chối chẳng được đành để Lương Định Đô an bài như vậy.
Cao Ngạn và Lương Định Đô giống như một đôi oan gia, không thèm nhìn nhau, không nói thì thôi, hễ có một lời nói ra là không ai chịu ai, bắt bẻ chế nhạo lẫn nhau, khiến Yến Phi không khỏi phiền lòng.
Chàng đành lặng thinh, quên đi mọi ưu phiền, chen vào đám đông người qua kẻ lại trên đường lớn, tham gia cái thú sinh hoạt của người Kiến Khang.
Hai bên ngự đạo các loại cửa tiệm san sát, tửu điếm chào mời, không thiếu quán ăn, tửu lâu, trà quán, nhà hàng bán rượu, lại còn có những người bày bán các thứ tạp hóa ngổn ngang trên mặt đất.
Chỉ riêng trên đường ngự đạo ở phụ cận hẻm Ô Y, đã có hai gian Phật tự và một đạo quán, bất luận là ở cổng chùa hay ngoài đạo quán, đều người đông như nêm, đa số là tín nữ có mặt trên đường. Tựa hồ như không khí hoan lạc do chiến thắng Phì Thủy mang lại vẫn chưa hề suy giảm.
Khiến cho Yến Phi cảm thấy hứng thú dào dạt lại là nông dân, ngư dân từ bốn phương ngoại thành dùng thuyền vận chuyển cá tươi rau cỏ, hoa quả mới hái theo các đường thủy đạo, cá tươi bắt từ dưới sông lên thì bày bán ở chân đê dưới cầu, hoặc men theo bờ sông rao bán.
Bọn Yến Phi lần theo bờ sông uốn lượn phía bắc Tần Hoài hà từ từ mà đi, rời khỏi con đường ngự đạo thẳng tắp, lại có một cảm nhận khác hẳn.
Bất luận là địa phương vô pháp vô thiên như Biên Hoang Tập, hay là kinh đô Kiến Khang thành của nam Tấn, người ta đều phải sống, tình hình căn bản là giống nhau, nhưng Biên Hoang Tập không sánh được với Kiến Khang về mức độ du nhàn.
Cao Ngạn nói vào tai Yến Phi: "Phía trước là Cao Bằng lâu, món xuất sắc nhất chính là thịt dê nướng, tự xưng là 'thượng phong xuy chi, ngũ lý văn hương'1, không thể bỏ qua".
Lương Định Đô vận khởi thính lực, nghe nói thế nổi xung: "Yến công tử trăm ngày không ăn cơm uống nước, lúc này nên ăn nhẹ chứ không nên ăn nặng, đi thêm trăm bộ là tới quán chay nổi tiếng Tịnh Tâm trai, chắc chắn sẽ thích hợp với Yến công tử".
Cao Ngạn tức khí nói: "Ngươi làm sao biết được Hoang nhân bọn ta có thói quen ăn không có thịt là không sướng, trăm ngày không ăn uống gì, tỉnh lại lại phải xơi thứ đồ ăn chay nhạt nhẽo như thế, thử hỏi đấy là thứ đạo lý gì chứ? Hừ! Hiện tại là ai mời khách?".
Lương Định Đô đang muốn mở mồm phản bác, chợt phía trước nhốn nháo, người người xô nhau trốn chạy.
Lương Định Đô phụ trách việc bảo đảm an toàn cho Yến Phi, nhảy vọt tới, kéo Yến Phi tránh qua một bên, đám phủ vệ phía sau lập tức xông lại lập thành một bức tường người, bảo vệ Yến Phi.
Yến Phi nhìn sang, chỉ thấy một người lao ra khỏi trì đạo, mạo hiểm lướt qua phía trước một cỗ xe ngựa, hốt hoảng như chó nhà có tang chạy về phía con đường đối diện, khiến cho con ngựa nhảy dựng lên, người ngồi xe tức thì há miệng thóa mạ.
Tuy nhiên khi thấy đuổi theo sau người nọ có tới năm sáu thanh y tráng hán vũ trang, lập tức câm như hến, không dám mắng tiếp nữa.
Người bị truy đuổi cùng những kẻ đuổi theo mau chóng biến mất vào một ngõ tắt, tình huống trên đường nhanh chóng trở lại bình thường, giống như không có chuyện gì xảy ra.
Lương Định Đô ủ rũ nói: "Lại là người của Bửu cô gia".
Cao Ngạn ngạc nhiên: "Bửu cô gia?".
Lương Định Đô trợn mắt nhìn hắn, bực bội không nói gì.
Yến Phi sợ Cao Ngạn khó hạ đài, hỏi to: "Ai là Bửu cô gia?".
Đối với Yến Phi Lương Định Đô đương nhiên không dám sơ suất, cung kính đáp: "Bửu cô gia là nữ tế của An công, là nhi tử của trung thư giám đại nhân, tên là Vương Quốc Bảo, hiện tại là có người quyền thế và tài lực nhất ở Kiến Khang, chuyên cho vay lãi cao, lại rất giỏi đầu cơ tích trữ, không ngừng kiêm tính nhà cửa ruộng vườn, dinh thự cửa hàng của người khác, thu được tài phú kinh nhân, An gia rất không thích hắn".
Yến Phi nghe chuyện trong lòng rất ngán ngẩm, hoàn cảnh thực của Tạ An còn xa mới được như bề ngoài tiêu dao tự tại của ông.
Cao Ngạn đương nhiên không hứng thú gì với chuyện có kẻ cho vay nặng lãi bóc lột người khác, nói: "Hiện tại chung quy là đi đến đâu đây?".
Yến Phi đưa mắt cho Lương Định Đô, nói: "Ai mời khách thì người ấy quyết, đương nhiên là đi ăn thịt dê nướng".
Cao Ngạn lại cao hứng, vẻ mặt đắc thắng dẫn đầu đi trước.
Tư Mã Diệu hoặc giả là loại người tính cách song trùng, y có thể trong một chuyện gì đó hết sức cố chấp, thoắt cái đã trở nên chẳng có chủ ý gì hết, rất dễ để người khác giật dây; y có thể làm ra những chuyện hết sức điên rồ, thậm chí cả những chuyện giết chóc rất tàn khốc, nhưng cũng có mặt cẩn trọng, lương thiện.
Trong bối cảnh chính trị hiện thời của nam Tấn, trước nay y luôn thận trọng kế thừa tổ nghiệp, không dám bỏ bê chính vụ, tuy trong chuyện riêng tư y luôn luôn phóng túng đến mức bản thân mê muội, nhưng vẫn còn biết tự nhắc nhở bản thân, khiến y căn bản vẫn có thể tận sức vì trách nhiệm quân chủ.
Nhưng chiến dịch Phì Thủy đại thắng, bao nhiêu uy hiếp không còn nữa, mang đến cho y một niềm vui sướng tưng bừng, những cố gắng tự kềm chế xưa nay đã tan rã, để lộ mặt bên kia tính cách phóng túng buông thả của mình.
Tư Mã Diệu năm nay ba mươi chín tuổi, vóc người tầm thước, sắc mặt hơi nhợt nhạt không mấy khỏe mạnh, dáng vẻ phong lưu, nói năng chậm rãi mạch lạc, cử chỉ phong nhã, ngôn từ nghiêm cẩn, phong thái danh sĩ, thực chất lại là người cá tính hướng nội, rất thích ỷ lại vào người khác giải quyết sự việc cho mình, lại hơi e ngại phải đối diện với quần thần, đối diện với hiện thực.
Trước đây bắc phương uy hiếp nghiêm trọng, y ỷ lại vào Tạ An, hiện tại để hưởng lạc, y lại ỷ vào Tư Mã Đạo Tử.
Chuyện quan trọng nhất trước mắt, không phải là thống nhất thiên hạ, mà là làm sao củng cố vương quyền nhà Tư Mã, để hưởng thụ cuộc sống hoan lạc trong hoàng thất, cứ thế tiếp tục đến mãi mãi.
Biết tin Tạ An nhập cung, y đang cùng Tư Mã Đạo Tử hai huynh đệ ăn bữa sáng, mới vừa rời khỏi long sàng, vẫn còn mắt nhắm mắt mở, trong đầu vẫn còn đầy những động thái quyến rũ mê người của Trương quý nhân đêm hôm trước, miên man không dứt.
Y có đôi chút mơ hồ quay sang Tư Mã Đạo Tử ở bên phải, nhíu mày nói: "Tạ An đến làm gì? Có chuyện gì có thể chờ đến buổi chầu tới nói không được sao?".
Bọn họ lúc này đang ở Thanh Long điện nằm ở phía đông Thái Cấp điện, một đám cung nga thái giám đang ân cần thị hầu, Tư Mã Đạo Tử không nói là tới chơi, mà nói thác muốn tới báo cáo chính vụ, sự thực là muốn có được ngọc ấn cho bản tấu chương và thánh dụ.
Nói cho cùng hắn vẫn là kiếm thủ nhất lưu, hiểu rõ cái họa tửu sắc hại thân, tuy là bồi tiếp Tư Mã Diệu yến ẩm, nhưng vẫn biết dừng đúng lúc.
Nghe nói song mục lập tức lóe sát cơ, cố ý chậm rãi nói: "Về phương diện quân chính, chúng ta cần phải nắm chặt, nếu ông ta muốn nói về việc bắc phạt, hoàng huynh một tấc cũng không nhường, sau đại chiến, đại Tấn ta cần có một đoạn nghỉ ngơi dưỡng sức, không nên vọng động can qua. Còn lại cứ để xem Trung thư lệnh đại nhân có chuyện gì muốn nói".
Hắn rất biết tâm sự của Tư Mã Diệu, chỉ cần nhắc đến hai chữ 'Bắc phạt' là đủ để ông này như con nhím xù lông nhọn tự vệ, lại xảo diệu là Tư Mã Diệu vốn đã đường hoàng phản đối chuyện bắc phạt, khiến Tư Mã Diệu lần này thung dung đối phó Tạ An.
Tư Mã Diệu quả nhiên thần sắc khẩn trương, rầu rĩ nói: "Đại tư mã đang dụng binh Ba Thục, chúng ta đương nhiên nên động không nên tĩnh...".
"Trung thư lệnh đại nhân đến!".
Tư Mã Diệu lập tức im tiếng, đưa mắt nhìn Tư Mã Đạo Tử, quay đầu nhìn ra cửa lớn.
Đám thị vệ coi cửa lớn đầy vẻ kính cẩn, Tạ An nhẹ nhàng hân hoan xuất hiện trước mặt hai người, bước chân thoăn thoắt thẳng đến chỗ Tư Mã Diệu, khóe mắt nheo nheo hơi cười, tựa như chỉ tới để nói câu chuyện vãn, không chút khẩn trương làm lễ tham bái, Tư Mã Diệu cho phép ngồi.
Nếu nói thiên hạ này có người khiến y kính sợ, chắc chắn đó là Tạ An.
Tạ An ung dung ngồi xuống chiếc chiếu bên trái, quay sang nhìn Tư Mã Đạo Tử, nhẹ nhàng nói: "Lang Nha vương an khang, Tạ An lần này gặp Hoàng thượng, là có quan hệ đến đại sự tồn vong hưng phế của đại Tấn, cần được cùng Hoàng thượng nói chuyện riêng, thỉnh Lang Nha vương chớ lấy làm lạ".
Tư Mã Đạo Tử bỗng nhiên hết sức giận dữ, Tạ An nói câu này muốn đẩy hắn ra ngoài, rất không nể mặt hắn, càng không để lại cho hắn đường lui, bèn hừ lạnh một tiếng, đưa mắt nhìn Tư Mã Diệu chờ phản ứng.
Tư Mã Diệu ngơ ngác một lúc, quay nhìn Tạ An, ông này vẫn thần thái ung dung tiêu sái, nhưng y cảm giác rõ ràng Tạ An đang hạ thông điệp tối hậu với y, nếu y vẫn để Tư Mã Đạo Tử lưu lại, coi như sẽ cùng Tạ An công nhiên quyết liệt.
Cho đến thời khắc này, Tạ An vẫn nắm quân chính đại quyền nam Tấn, mà danh vọng ở Giang Tả này không ai dám mơ. Quan trọng nhất là Bắc Phủ binh quyền vẫn hoàn toàn do ông một tay khống chế, lập tức e ngại đến mức cơn say bay sạch, nói: "An công muốn nói là...".
Chỉ nghe y địa vị hoàng đế chí tôn, vẫn phải xưng hô 'An công' với ông, có thể thấy rõ địa vị của Tạ An tại triều đình.
Tạ An nhìn thẳng vào mắt y, điềm đạm nói: "Lão thần muốn bẩm báo sự việc quan hệ đến chuyện xây dựng lại Di Lặc tự".
Tư Mã Đạo Tử lại hừ lạnh một tiếng, đang muốn nói gì, nhưng Tư Mã Diệu đưa tay ngăn lại, trầm giọng nói: "Nguyên là như vậy, để trẫm cùng An công giải quyết, khỏi khiến An công nghi ngờ". Nói đoạn hướng về Tư Mã Đạo Tử gật đầu ra hiệu.
Tư Mã Đạo Tử không còn cách nào, chỉ đành thi lễ cáo lui, nhưng không thèm liếc nhìn Tạ An đến nửa cái, để biểu lộ phẫn nộ trong lòng.
Chờ đến lúc Tư Mã Đạo Tử lui ra ngoài điện, Tư Mã Diệu xua hết cung nga thái giám hầu hạ ra, trong điện chỉ còn vua tôi hai người, cùng lính thị vệ coi cửa lớn phía xa xa, Tạ An thở dài một tiếng.
Tư Mã Diệu nhíu mày hỏi: "An công vì sao phải thở dài, Di Lặc giáo là chi phái Phật môn phương bắc, giáo nghĩa mới mẻ sâu sắc, chúng ta đối với các giáo phái luôn luôn có thái độ thoáng đạt bao dung, lần này xây dựng lại Di Lặc tự, kinh phí toàn là do thiện nam tín nữ quyên góp, không ảnh hưởng gì đến quốc khố, An công có thể yên tâm".
Tạ An trở lại bình tĩnh, điềm đạm nói: "Kinh phí phải chăng do súc sinh Quốc Bảo mang lại?".
Tư Mã Diệu hết sức ngạc nhiên, từ khi y biết Tạ An đến nay, chưa bao giờ nghe ông thóa mạ người khác, lần này lại kêu chính nữ tế của mình là súc sinh, có thể thấy trong lòng Tạ An chứa đầy lửa giận.
Mà con người xưa nay không dễ động nộ lại trước mặt mình là hoàng đế nổi xung như thế, càng khiến y hiểu rõ tình hình trầm trọng. Kỳ lạ là trong lòng y không hề giận dữ, chỉ có kinh sợ bất an.
Tư Mã Diệu phấn khởi tinh thần, lắc đầu nói: "Chuyện này do Lang Nha vương xử lý, trẫm không biết chi tiết".
Tạ An lạnh lùng ngắm nhìn vị thiên tử nam Tấn, khiến y phát run trong lòng, từ từ nói: "Thiên hạ loạn lạc, lòng người hướng về đạo, từ cổ đã thế, trong lúc tuyệt vọng vì hiện thực, lại có thể chuyển sang truy tìm giải thoát tinh thần, để thoát khỏi hoàn cảnh, đó là chuyện thường của con người". Nguồn tại http://TruyệnFULL.vn
"Thời Hán mạt loạn lạc, đạo giáo dị đoan bắt nguồn từ dân gian, cùng loạn dân kết hợp, mới sinh ra cái loạn Thái Bình đạo và Ngũ Đấu Mễ đạo, di họa đến nay vẫn chưa dứt, ảnh hưởng sâu rộng".
"Xây thêm một ngôi chùa, xây bớt một ngôi chùa, vốn chẳng phải chuyện ghê gớm gì, bất quá nếu có quan hệ với Trúc Pháp Khánh, thì chuyện này vạn lần không được, xin Hoàng thượng thu hồi thánh mệnh".
Tư Mã Diệu không vui nói: "Đại hoạt Di Lặc phật pháp cao thâm, sao có thể kể như cùng hạng với Tôn Ân mà bàn?".
Tạ An mềm mỏng nói: "Hoàng thượng về việc trùng kiến Di Lặc tự có từng hỏi qua ý kiến một vị Phật môn đức cao vọng trọng như Chi Độn không?".
Tư Mã Diệu không nghĩ Tạ An dám dồn ép mình đến mức này, phẫn nộ đáp: "Ai thị ai phi, trẫm tự biết phân biệt, nếu chuyện gì cũng hỏi người ngoài, còn làm sao trị vì quốc gia được?".
Lời này nghiêm trọng phi thường, nếu Tạ An nhường lời nhỏ giọng, tức thời biến thành Tạ An hoài nghi năng lực của đương kim hoàng đế.
Tạ An khẽ mỉm cười nói: "Hoàng thượng anh minh, đương nhiên không ai dám nghi ngờ, chúng thần nhờ hồng phúc của Hoàng thượng, may mắn thu được thắng lợi ở Phì Thủy, nhưng không đủ sức thừa thắng thu phục bắc phương, càng phải thận trọng việc triều chính, không thể để kết quả thắng lợi biến thành hão huyền".
"Trúc Pháp Khánh người này chẳng những là phản đồ Phật môn, mà dã tâm cực lớn, đối phó với đồng đạo Phật môn tàn bạo phi thường, nếu để hắn có chỗ đứng chân ở Kiến Khang, trước tiên sẽ xuất hiện tranh đấu kịch liệt trong nội bộ Phật môn, loạn từ trong ra, rất khó đề phòng, Hoàn Xung chết đi, Hoàn Huyền mang tâm mờ ám, phương nam còn có Tôn Ân thường xuyên nhòm ngó, thành ra cái họa từ trong gan ruột. Theo ý thần, một động không bằng một tĩnh, thỉnh Hoàng thượng suy xét".
Tuy ông phản đối quan điểm của Tư Mã Diệu, nhưng nói năng hết sức uyển chuyển, đem mọi điều trong phạm vi này thống thiết phân tích lợi hại cho Tư Mã Diệu, nói lên toàn sự thực không thể chối cãi, cùng những tình huống tất nhiên phải xuất hiện.
Sự thực nhận thức của Tư Mã Diệu về Trúc Pháp Khánh, có một số là thông qua lời nói của Tư Mã Đạo Tử và Vương Quốc Bảo, ngoài ra cũng đã nghe người khác nói, cho nên đối với tác phong "Bất Thủ Thanh Quy", cũng có điều không ưng ý, lúc này không cầm được trở nên do dự, nói: "Chuyện này để trẫm suy nghĩ đã".
Tạ An khi nào chịu để y lại bàn bạc với Tư Mã Đạo Tử, lắc đầu nói: "Chuyện này đã truyền bá rộng rãi, khiến cho lòng dân hoang mang, nếu không lão thần đã không biết chuyện. Hoàng thượng nếu cho rằng lão thần còn đương nổi cái chức Trung thư lệnh này, xin Hoàng thượng lập tức quyết định, để lão thần lập tức công bố thiên hạ, ngừng việc xây dựng Di Lặc tự, buộc Trúc Bất Quy trở về bắc phương, như thế có thể dẹp yên sóng gió, nếu không đại Tấn nguy mất".
Tư Mã Diệu chấn động nhìn Tạ An, ông này không một chút nhượng bộ nhìn trả.
-----
1 Nấu nướng nơi đầu gió, năm dặm còn nghe mùi thơm.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top