Biển chết vh mỹ latin
Biển Chết
Jorge Amado
Chia sẻ ebook: https://downloadsach.com
Follow us on Facebook: https://facebook.com/caphebuoitoi
Table of Contents
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ
GIỚI THIỆU NỘI DUNG
BÃO TỐ
NHỮNG BÀI CA MIỀN BIỂN
MIỀN ĐẤT VÔ CÙNG
LỜI RU CỦA ROSA PALMEIRAO
LUẬT BIỂN
IEMANJA, NỮ THẦN MANG NĂM TÊN GỌI
TÀU NEO BẾN ĐẬU
MARTA, MARGARIDA VÀ RAQUE>
TỬ TƯỚC, BÁ TƯỚC, HẦU TƯỚC VÀ BỌ CẠP
LỜI CỦA GIÓ
VỤ CƯỚP DÂU
ĐÁM CƯỚI
CON THUYỀN "KHOẢNH KHẮC" HẢI TRÌNH MAR GRANDE (BIỂN LỚN)
ESMERALDA
NGÀY XƯA CÓ NĂM ĐỨA TRẺ...
VÙNG NƯỚC LẶNG
CON THUYỀN "QUẢ CẢM"
ĐỨA CON TRAI
TOUFICK, NGƯỜI Ả RẬP
NHỮNG KẺ BUÔN LẬU
MIỀN ĐẤT AIOCA
BIỂN CHẾT, BIỂN LÀ BẠN HIỀN
ĐÊM CỦA TÌNH YÊU
ĐÊM LẶNG
VÌ SAO SỚM
[1]
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ
Jorge Amado de Faria Leal (10/8/1912 - 06/8/2001)
Trong lịch sử văn học Brazil, không có nhà văn nào nổi tiếng, có uy tín và nhiều độc giả như Jorge Amado. Bằng những tác phẩm văn học và hoạt động chính trị không mệt mỏi, nhà văn cộng sản này đã được sự ngưỡng mộ của tầng lớp người nghèo khổ, người da đen bị áp bức.
Hầu hết những tiểu thuyết của Jorge Amado đều được thai nghén tại thành phố Salvador, thủ phủ bang Bahia thuộc vùng Đông Bắc vốn là thủ đô của Brazil c đến năm 1763.
Ra đời năm 1912 trong ngôi làng Ferradas, con một nông dân trồng ca cao, J. Amado trải qua thời thơ ấu trong một khu phố nghèo của Salvador mà mọi đường phố, ngôi nhà giờ đây vẫn gợi nhớ về quá khứ thuộc địa của Bồ Đào Nha từ thế kỷ 17.
Là nhà văn hiến mình cho sự nghiệp giải phóng người nghèo khổ, Jorge Amado bắt đầu cuộc chiến đấu từ nghề làm báo năm 14 tuổi. 5 năm sau, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên O País do Carnaval (1931) trong khi đang học luật tại Rio. Tuy nhiên, Amado không hề hành nghề luật sư mà tự nguyện đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Brazil, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng người nghèo. Cho đến những năm 1950 của thế kỷ trước, hàng loạt tác phẩm của Amado viết về người nghèo đã ra đời như: Cacau (Cacao, 1933), Suor (1934), Jubiabá (1935), Mar Morto (Sea of Death, 1936)...
Đến cuối những năm 50, các tác phẩm của Amado có một bước ngoặt sang hướng trào lộng và phê phán mà ông tự nhận là theo chủ nghĩa hiện thực XHCN. Các cuốn tiểu thuyết Gabriela, Cravo e Canela (Gabriela, Clove and Cinnamon, 1958) hoặc Dona Flor e Seus Dois Maridos (Dona Flor and Her Two Husbands, 1966) nói lên sức sống mãnh liệt của nhân dân Brazil. Đây là 2 cuốn tiểu thuyết được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới, kể cả ở Việt Nam (cuốn Dona Flor và hai người chồng do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 1987) và được dựng thành phim năm 1977 và 1984 do các nghệ sĩ tên tuổi Marcello Mastroianni và Sonia Braga thể hiện. Đây là phim thành công nhất trong lịch sử điện ảnh Brazil, đã được các đề cử cho giải Quả cầu vàng và Giải BAFTA.
Đã nhiều lần được đề cử giải Nobel, nhưng do bị thành kiến, Amado chưa lần nào đoạt giải. Năm 1998, đất nước Brazil của Amado là khách mời danh dự tham gia Hội chợ Triển lãm sách Paris trong đó tên tuổi Amado được tôn vinh xứng đáng. Những thành công của Amado có phần đóng góp không nhỏ của bà Zélia Gattai, người bạn đời cũng là một nhà văn và nhà trí thức có tên tuổi ở Brazil.
Các tác phẩm của J. Amado đã được dịch ra 50 thứ tiếng ở 55 nước trên thế giới và được chuyển thành phim, kịch. Ở VN nhiều tiểu thuyết của J. Amado đã được dịch: Đất dữ, Miền đất quả vàng, Ca cao, Têrêza, Dona Flor và hai người chồng, Gabriela nhành quế và hoa đinh hương...
Các tác phẩm:
- O País do Carnaval (1931)
- Cacau (Cacao, 1933)
- Suor (1934)
- Jubiabá (1935)
- Mar Morto (Sea of Death, 1936)
- Capitães da Areia (Captains of the Sand, 1937)
- Vida de Luis Carlos Prestes (The Life of Luis Carlos Prestes,1942) also published as "The Knight of Hope"
- Terras do Sem Fim (The Violent Land, 1943)
- São Jorge dos Ilhéus (1944)
- Seara Vermelha (1946)
- Os Subterrâneos da Liberdade (1954)
- Gabriela, Cravo e Canela (Gabriela, Clove and Cinnamon, 1958)
- A Morte e a Morte de Quincas Berro Dágua (The Two Deaths of Quincas Wateryell, 1959)
- Os Velhos Marinheiros ou o Capitão de Longo Curso (Home Is the Sailor, 1961)
- Os Pastores da Noite (Shepherds of the Night, 1964)
- Dona Flor e Seus Dois Maridos (Dona Flor and Her Two Husbands, 196
- Tenda dos Milagres (Tent of Miracles, 1969)
- Teresa Batista Cansada da Guerra (Tereza Batista: Home from the Wars, 1972)
- Tieta do Agreste (Tieta, the Goat Girl, 1977)
- Farda Fardão Camisola de Dormir (Pen, Sword and Camisole, 1979)
- Tocaia Grande (Showdown, 1984)
- O Sumiço da Santa (The War of the Saints, 1988)
- A Descoberta da América pelos Turcos (How the Turks Discovered America, 1994)
- Navegação de Cabotagem (1992)
- O Compadre de Ogum>(Companion of the God Ogum, 1995)
GIỚI THIỆU NỘI DUNG
Tôi muốn kể cho bạn nghe những truyền thuyết về biển ở vùng Bahia. Những ngư phủ già không còn đi biển, các hoa tiêu, đám da đen xăm mình, các giang hồ bạt tử đều biết về những câu chuyện này, những bài ca được nhắc đến ở đây. Hẳn tôi đã được nghe chúng trong những đêm trăng trên các cầu tàu, trong những buổi chợ phiên, tại nhiều cảng nhỏ quanh vịnh, bên những con tàu Thủy Điển khổng lồ thả neo ở Ilhéus. Những thần dân của Iemanja có biết bao điều để kể.
Hãy đến nghe các truyền thuyết và những bài hát ấy. Hãy đến nghe câu chuyện về Guma và Livia, câu chuyện về cuộc sống và tình yêu của biển. Và nếu bạn không cảm nhận được vẻ đẹp của chúng thì lỗi không thuộc về những con người chất phác kể lại mà bởi bạn đã nghe từ miệng những người của đất liền, và thật khó cho người con của đất liền hiểu được trái tim con người nơi biển cả. Dẫu rất yêu các truyền thuyết, những bài ca ấy, luôn tôn sùng những nghi lễ của Dona Janaina, anh ta vẫn không thể biết hết mọi bí mật nơi biển cả. Bởi biển quá mênh mông huyền bí, ngay những người đi biển lão làng cũng có ai hiểu được tận tường.
IEMANJA, NỮ THẦN CỦA BIỂN CẢ VÀ NHỮNG CON THUYỀN
BÃO TỐ
Màn đêm ập xuống nhanh hơn thường lệ. Mọi người bất ngờ khi nó bủa xuống thành phố cùng những đám mây đen trĩu nặng màu chì. Đèn trên các cầu cảng còn chưa bật sáng, ở quán "Sao hải đăng" ánh sáng chập chờn từ mấy ngọn đèn dầu vẫn rọi lên các ly rượu, ngoài khơi xa vô số thuyền nhỏ vẫn lướt trên mặt sóng khi gió bỗng lùa đêm tới cùng những áng mây chì.
Mọi người đưa mắt nhìn nhau như dò hỏi. Họ dõi mắt nhìn màu xanh sẫm của đại dương, thầm hỏi màn đêm sớm này đã từ đâu ập đến? Đâu đã tới giờ? Nhưng dầu sao nó cũng đã tràn tới cùng những đám mây đen tiếp sau những cơn gió chiều lạnh giá nuốt lấy mặt, như một phép mầu khủng khiếp.
Đêm tới lần này không có nhạc mừng. Những tiếng chuông cuối chiều không ngân nga trên thành phố. Chưa một chàng da đen nào đến bên bờ cát cạnh cảng cùng chiếc ghi ta của mình. Chưa một nốt nhạc mừng vang lên từ những con thuyền đang lắc lư trên sóng. Tiếng gõ trống bản candomblés và macumbas trầm trục, đơn điệu, cũng chưa lan xuống từ các sườn đồi. Vậy tại sao đêm tới sớm không chờ nhạc đón, không đợi chuông ngân, không có tiếng đàn, tiếng trống cùng những âm thanh huyền bí của nhạc cụ hành lễ tại giáo đường? Tại sao nó đến sớm vậy, trước thời gian, ngoài thông lệ?
Đây là một đêm khác thường, một đêm sầu thảm. Vâng, quả là sầu thảm bởi mọi điều lộ vẻ âu lo, thờ thẫn, tay chủ thuyền đang uống rượu một mình ở quán "Sao hải đăng" bỗng vụt chạy về thuyền như muốn cứu nó khỏi một tai họa kinh hoàng không thể tránh. Người phụ nữ da ngăm trên cầu cảng bên chợ đang ngóng trông con thuyền nhỏ ra khơi cùng với tình yêu của mình bỗng run lên, không phải bởi gió quất, mưa giăng mà bởi cơn buốt giá đang lan nhanh trong trái tim cháy bỏng của nàng, cũng đột ngột như điềm báo gở là màn đêm vừa bủa xuống.
Cả hai, tay chủ thuyền và người phụ nữ da ngăm, đều quá quen với biển và hiểu rõ rằng đêm đến sớm nghĩa là nhiều người sẽ bỏ thân ngoài biển, nhiều con thuyền sẽ không thể cập bờ, nhiều góa phụ sẽ khóc than vô vọng trên những mái đầu trẻ thơ ghì sát ngực. Bởi họ hiểu đó không phải là một đêm đúng nghĩa, với vầng trăng cùng những ánh sao, đêm của tình yêu và âm nhạc. Đêm như vậy chỉ đến vào những thời điểm riêng, khi chuông ngân và chàng da đen cùng cây ghi ta hát trên kè đá những bài ca bất tận của mình. Còn đêm nay - với những đám mây chì do gió đưa về - không phải là đêm mà là bão tố, là cơn bão lật thuyền, cướp đi nhiều mạng sống. Đây là trận cuồng phong sinh ra từ bóng tối.
Mưa giận dữ đổ xuống rửa sạch cầu cảng, nhào trộn đất cảng, khuấy động tàu bè neo tại bến, đảo lộn mọi thứ, xua đuổi những con người đang chờ đợi chuyến tàu khách viễn dương sắp cập bến. Một thợ bốc vác nói với bạn rằng trời sắp bão. Như con quái vật thần thoại, chiếc cần cẩu đang thả hàng qua lớp màn mưa. Mưa tàn nhẫn quất lên tấm lưng đen của đám thợ khuân vác. Gió điên cuồng gào rít, thổi bạt mọi thứ trên đường, làm kinh hoàng đám phụ nữ. Mưa che mờ vạn vật, khiến đàn ông cũng phải nhắm mắt. Chỉ có các cần cẩu đen ngòm vẫn tiếp tục những chuyển động đều đặn của mình. Một chiếc thuyền bị lật ngoài khơi, hai người đàn ông rơi xuống nước. Một người còn trẻ và khỏe. Có thể anh đã thốt gọi tên ai đó trong phút giây vĩnh biệt. Cđó không phải là lời nguyền rủa bởi giọng anh ta vang qua bão tố đậm vẻ u hoài.
Gió xé rách cánh buồm từ chiếc thuyền đang chìm vào và quăng vào bờ như tờ thông điệp của tử thần. Những ngọn sóng dựng bờm dội vào các khối đá ven bờ. Thuyền bè gần đập chắn sóng nhồi lắc lư dữ dội, các chủ thuyền quyết định không trở về mấy thị trấn quanh vịnh vào đêm ấy. Cánh buồm từ con thuyền chìm rơi giữa những ngọn sóng, ngay lúc đó ánh đèn trên các thuyền khác cũng vụt tắt, đám phụ nữ nguyện cầu cho những linh hồn chết và ánh mắt của cánh đàn ông cứ dõi hoài về chốn mù khơi.
Bên ly rượu chàng da đen Rufino không cười nữa. Trong cơn bão tố này, Esmeralda hẳn chưa thể trở về.
***
Những ngọn đèn rồi cũng sáng. Nhưng hôm nay chúng tờ mờ, run rẩy. Những người chờ đợi con tàu viễn dương cũng chẳng còn nhìn thấy được gì. Họ trú mưa tại các kho cảng, nơi chỉ thấy lờ mờ những cần trục và xe tải đang oằn mình chuyển động cắt màn mưa. Họ đã không nhìn thấy con tàu hằng mong đợi đang vào bến, mang theo những người bạn, người cha, người anh và có thể, cả những người yêu. Họ không nhìn thấy người đàn ông đang khóc ở khoang hạng ba. Mưa quyện nước mắt chảy dài trên mặt gã, kẻ đã theo tàu trên những hải trình qua hàng chục cảng, nước mưa nhòa trong nước mắt, hồi ức về những ngọn đèn quê thân thương hòa trong những ánh đèn mờ của thành phố xa lạ đang chìm trong mưa bão.
Đêm ấy Manuel, chàng thủy thủ dạn dày quá rành biển cả đã quyết định không đưa thuyền ra biển. Vào những đêm giông bão chuyện ái ân luôn ngọt ngào hơn, và da thịt Maria cũng đượm hương vị biển.
Ánh đèn trên pháo đài cổ đã tắt. Những ngọn đèn trên các thuyền khác cũng vậy. Thành phố mất điện. Các cần cẩu ngừng lại, đám xe tải chạy vào nhà kho. Từ con thuyền "Quả cảm" của mình Guma thoáng hoảng sợ khi những ánh đèn chợt tắt. Anh nắm chặt tay lái nơi con thuyền đơn độc đang rạp mình trên sóng. Mọi người từ tàu viễn dương đã lên xe đến những nơi nhộn nhịp hơn. Chỉ còn một người ở lại đang bắt tay một người khác vừa xuống tàu:
- Mọi chuyện ổn cả chứ?
- Vâng, - Người kia mỉm cười
Người đi đón gọi một chiếc xe, cả hai lặng lẽ rời đi. Hẳn bạn bè họ đang nóng lòng chờ đợi.
Người đàn ông đến trên khoang hạng ba đứng nhìn thành phố cảng với những tập tục và ngôn ngữ xa lạ. Ghì lên ngực chiếc túi da gần như trống rỗng, nắm chặt quai va li, gã quả quất dấn bước lên con phố dốc đầu tiên vừa thấy. Cảng trở nên vắng vẻ.
Chỉ còn lại mình Livia đứng đó, dáng mảnh mai với những sợi tóc bết mưa trên mặt, cạnh những con thuyền neo, mắt đắm về phía biển. Nàng nghe thấy tiếng rên rỉ cuồng hoan của Maria Clara từ con thuyền của Manuel. Tuy nhiên mọi ý nghĩ lẫn ánh mắt nàng đều hướng cả về nơi biển lớn. Gió lay nàng như thân sậy, mưa quất nàng lên mặt, lên chân. Nhưng nàng vẫn đứng đó bất động, thân rướn tới, ánh mắt xuyên đêm, ngóng trông ánh đèn từ thuyền "Quả cảm" đang xuyên bão tố, rọi thấu màn đêm vắng ánh sao báo tin Guma đang về bến.
NHỮNG BÀI CA MIỀN BIỂN
Đột ngột như khi ập đến, bão bỗng chuyển sang vùng biển khác, đi ánh đắm những con thuyền khác. Giờ Livia có thể nghe rõ tiếng rên rỉ của Maria Clara. Những tiếng kêu nhói trong nỗi đau hoan lạc của một con thú bị thương vọng qua giông bão đầy thách thức. Giờ mới là lúc màn đêm đúng nghĩa loang trên thành phố, trải dọc bến tàu, tràn ra biển, đêm của vầng trăng và những ánh sao, đêm dành cho tình yêu và âm nhạc. Cơn ân ái trên con thuyền của Manuel giờ trở nên êm ả, ngọt ngào, tiếng rên rỉ của Maria Clara đượm vẻ ngất ngây, thì thầm như một bài ca êm ái. Livia thoáng rời mắt khỏi mặt biển lặng và lắng nghe tiếng rên rỉ ấy. Guma hẳn sắp trở về, thuyền "Quả cảm" sắp vượt qua cửa vịnh, nằm sắp được ôm anh trong đôi cánh tay rám nắng của mình và họ cũng sẽ rên rỉ trong bài ca hoan lạc. Biển đã lặng êm, nàng không lo sợ nữa. Nàng sắp trông thấy ánh đèn đỏ giữa màn đêm trên biển. Những con sóng nhẹ xô bờ đá, các con thuyền trên bến khẽ chòng chành. Những ánh đèn phản chiếu từ vỉa hè đẫm nước. Từng tốp người không còn vội vã lo lắng hướng về phía các bậc đá dẫn lên cao. Livia lại quay nhìn ra biển. Nàng đã không gặp Guma suốt một tuần qua. Nàng vẫn ở lại trong căn nhà nhỏ cũ kỹ gần bến cảng. Nàng đã không đi cùng anh lần này vào những cuộc phiêu lưu luôn mới lạ băng vịnh ngược đến vùng sông yên tĩnh. Giá có mặt cùng anh trên thuyền khi bão đến! Hẳn anh sẽ phải lo sợ cho tính mạng người bạn đồng hành bé nhỏ, nhưng ngược lại Livia sẽ chẳng hoảng sợ chút nào bởi được ở bên anh, bởi anh thông thạo mọi lạchồng trên biển, có ánh mắt dẫn đường sáng hơn mọi ngọn đèn và bàn tay rắn chắc trên tay lái. Chắc anh sắp về đến, ướt đầm sau cơn bão, cơ bắp cuồn cuộn với tên của Livia và hình một mũi tên xăm trên cánh tay, sẽ vui vẻ ồn ào kể lại nhiều chuyện. Nàng thoáng mỉm cười, xoay hẳn tấm lưng dài mảnh mai rám nắng của mình về hướng tiếng rên của Maria Clara. Cảng tối đen, rải rác vài ánh đèn trên các con thuyền song nàng có thể phân biệt rõ thuyền của Manuel trong số đó, nơi xuất phát những âm thanh ấy. Nó ở kia, neo cạnh cầu cảng, đang dập dềnh trên sóng. Ở đó có một người đàn ông và một người đàn bà đang ân ái và tiếng rên rỉ hoan lạc của họ vọng đến tai nàng. Lát nữa thôi, chắc không lâu lắm, chính nàng, Livia, trên chiếc "Quả cảm" đã buông neo, cũng sẽ ghì xiết vào mình tấm thân rắn chắc của Guma, hôn mái tóc đen của anh, cảm nhận vị biển trên da thịt anh lẫn nỗi kinh hoàng trong ánh mắt vừa vượt qua cơn bão chết người. Và tiếng rên rỉ yêu đương của nàng hẳn sẽ dịu dàng hơn Maria Clara bởi được dồn nén từ những ngày dài trông đợi cùng với cơn sợ hãi mới tràn qua. Maria Clara hẳn sẽ ngừng ân ái để nghe tiếng nức nở khóc cười từ môi nàng khi được Guma ghì xiết trong đôi cánh tay còn vương bọt biển của mình.
Có ai đó đi ngang cất tiếng chào Livia. Phía sau xa vài người đang xem xét mảnh buồm từ con thuyền xấu số. Nó nằm đó, trắng toát, tả tơi, ngay cạnh mép nước. Vài kẻ đang dong thuyền đi tìm xác những người đã mất. Riêng Livia vẫn thả hồn về việc Guma sắp cập bến và một đêm cháy bỏng yêu thương đang đợi chờ nàng. Nàng sẽ hạnh phúc hơn Maria Clara, kẻ không phải khắc khoải đợi chờ và bồn chồn lo sợ.
- Livia, cô có biết ai chết không?
Nàng giật mình. Không, đó không phải là cánh buồm từ chiếc "Quả cảm". Buồm của anh ấy lớn hơn nhiều và không thể tả tơi như vậy. Livia quay lại và hỏi Rufino:
- Ai vậy?
- Raimundo và con ông ấy. Thuyền lật ngay gần bến... Bão lớn quá..
Đêm nay - Livia nghĩ - chuyện ái ân sẽ không còn với Judith đáng thương, trong túp lều nhỏ lẫn trên con thuyền của chồng cô ấy. Jacques, con trai Raimundo, đã chết. Nàng phải ghé đó, nhưng để sau khí Guma đã trở về, sau khi cả hai đã làm dịu đi nỗi đau chờ đợi, khi những phút giây ân ái đã qua đi. Rufino nhìn vầng trăng đang mọc:
- Mọi người đang đi
- Judith biết tin chưa?
- Tôi tính đến báo cho cô ấy...
Livia nhìn chàng da đen. Một chàng khổng lồ còn vương mùi rượu, chắc vừa uống ở quán "Sao hải đăng". Tại sao lại như vậy chứ, nàng tự hỏi trong khi anh ta nhìn vầng trăng tròn nhô lên giữa biển soi rõ vạn vật bằng dòng ánh sáng bạc của mình. Maria Clara vẫn đang rên rỉ trong cơn hoan lạc. Đêm nay Judith sẽ chẳng có tình yêu, Livia sẽ ân ái cùng Guma khi anh về, ướt đầm qua giông bão, và đẫm vị đại dương. Biển đẹp biết bao khi ánh trăng dát vàng vạn vật! Rufino vẫn đứng đó. Tiếng nhạc vọng đến từ pháo đài cổ. Ai đó đang chơi dàn gió và hát.
Đêm ngọt ngào, đêm của tình yêu[1]
Giọng hát mạnh mẽ như vẫn thường gặp ở những người da đen. Rufino vẫn nhìn trăng. Có thể anh ta cũng nghĩ Judith không còn có tình yêu, đêm nay, đêm mai và mãi mãi... Người đàn ông của chị ta đã chết nơi biển cả.
Hãy đến cùng em, ta yêu nhau trong nước biếc
Đang long lanh dưới ánh trăng vàng.
Livia hỏi Rufino:
- Judith đang sống với mẹ chị ấy phải không?
- Không, bà ấy đã theo thuyền về Cachoeira rồi.
Anh trả lời như vô cảm, mắt vẫn dõi nhìn vầng trăng. Giọng ca tuyệt vời từ chàng da đen vẫn vọng về từ pháo đài cổ, nhưng bài ca liệu có an ủi được gì cho Judith đáng thương?
Rufino chìa tay cho Livia:
- Thôi, tôi phải đi đây...
- Vâng, em cũng sẽ ghé đó sau..
Rufino đi mấy bước rồi chợt dừng lại:
- Tội nghiệp... Mà biết nói sao với Judith chứ... Nói cậu ta đã chết...
Anh gãi đầu, vẻ trầm ngâm. Livia cảm thấy thật buồn. Judith sẽ không bao giờ còn được biết đến niềm vui ái ân trên biển cùng người thương vào những đêm trăng. Với chị ấy đêm không còn dành cho tình yêu mà cho những giọt nước mắt. Rufino chìa tay cho nàng:
- Đi với tôi đi Livia, cô biết cách phải nói sao..
Nhưng chính Livia cũng đang chờ đợi tình yêu của mình. Guma sắp trở về, ánh đèn đỏ từ con thuyền "Quả cảm" chắc sắp hiện ra ngoài xa kia - lát nữa thôi - và thời khắc thân thể họ được ghì xiết vào nhau hẳn không còn xa nữa. Chỉ lát nữa, thuyền của anh sẽ trở về trên con đường sáng lát ánh trăng trải dài qua biển. Livia đang chờ đợi tình yêu của mình, nàng chưa thể đi. Đặc biệt hôm nay, sau nỗi kinh hoàng ấy, khi trước mắt hiển hiện hình ảnh Guma chìm trong biển sóng, Livia càng khao khát cơn hoan lạc đam mê cùng những tiếng rên rỉ của người đang sở hữu. Nàng chưa muốn đi khóc cùng Judith, người phụ nữ bất hạnh không bao giờ còn được yêu đương.
- Em phải đợi Guma về, Rufino.
Liệu anh ta có nghĩ mình thật vô tình... Nhưng Guma sắp về đến..Livia nói khẽ:
- Em sẽ ghé đó sau...
Rufino giơ tay chào:
- Vậy tôi đi nhé...
- Chào anh...
Rufino thẫn thờ đi tiếp, vẫn nhìn trăng và nghe tiếng hát từ xa:
Hãy để sóng ru tình ta tha thiết
Và xem trăng soi tỏ, huy hoàng...
Anh ta chợt quay lại:
- Livia...
- Sao?
- Cô có biết cô ấy sắp có con?
- Chị Judith?
- Ừ...
Anh bước đi, vẫn ngước nhìn trăng. Lời ca từ pháo đài cổ vẫn đang vọng đến:
Đêm ngọt ngào, đêm của tình yêu...
Maria Clara đang khóc cười trong vòng tay ôm xiết của chồng. Livia vụt chạy theo bóng Rufino đang thấp thoáng đằng xa:
- Em đi với anh...
Họ bước đi. Nàng vẫn không rời mắt khỏi biển. Biết đâu ngọn đèn đỏ ngoài xa kia là con thuyền của " Quả cảm" đang về.
***
Judith là một phụ nữ lai đen mang chiếc bụng bầu đã nhô cao sau lần áo vải. Mọi người yên lặng. Chàng da đen Rufino sợ hãi nhìn quanh, đôi tay ngọ nguậy không biết đặt vào đâu. Livia nhẹ nhàng nâng mái đầu Judith, lòng đầy thương cảm. Nhiều người đã tụ tập đến. Sau khi ấp úng những lời chia buồn, họ đứng đó chờ đợi người ta đưa xác những người đã mất đang được tìm kiếm ngoài khơi. Từ chỗ Judith vọng ra tiếng nức nở đứt đoạn, và bàn tay Livia đưa lên xuống nhẹ nhàng trong cử chỉ vỗ về an ủi. Sau đó Manuel đến, đi theo sau anh là Maria Clara với ánh mắt vẫn còn ngái ngủ
Không còn gì gợi nhớ về cơn bão vừa qua. Tiếng rên rỉ yêu đương của Maria Clara cũng không còn nữa.Vậy sao Judith lại khóc, sao chị trở thành góa phụ? Sao chị lại tụ tập ở đây chờ hai cái xác sắp được đưa về. Rufino những mong rời khỏi đây, mong được ẩn trong vòng tay háo hức giang rộng của Esmeralda. Trước cảnh buồn thảm trong nhà, trước nỗi đau của Judith, anh thấy tay chân thừa thải, cảm giác nặng nề, và biết sẽ còn khổ tâm hơn khi xác Jacques về đến, khi tất cả phải chứng kiến cuộc chia tay cuối cùng của Judith với chồng, người đã để lại trong bụng chị đứa con, người từng sở hữu thân xác chị.
Livia tỏ ra rất vững vàng, và như vậy trông nàng càng xinh đẹp. Ai mà không sẵn lòng lấy Livia để được nàng khóc thương nếu chẳng may bỏ thân ngoài biển cả? Lúc này nàng đang an ủi Judith như một người chị lớn...
Tất nhiên nàng cũng mong được chạy khỏi đây, ra bờ biển ngóng đợi Guma, chờ đêm tình yêu dưới trời sao của mình sắp đến. Ai cũng xót cho nỗi đau của Judith, Maria Clara chợt nghĩ một ngày nào đó Manuel cũng nằm lại ngoài khơi trong cùng một đêm giông bão và Livia cũng sẽ dứt khỏi nơi đang đợi Guma để đến báo tin với cô. Bất giác cô xiết chặt khuỷu tay Manuel khiến anh ngạc nhiên:
- Em làm sao thế?
Nhưng cô đang khóc và Manuel đứng lặng. Một bình rượu được mang ra, Livia dìu Judith vào trong. Maria Clara đi theo chỗ Livia cùng khóc với người góa phụ, khóc cho cả bản thân mình.
Livia quay trở lại chỗ mọi người. Đám đàn ông đang thấp giọng chuyện trò bàn tán về cơn bão mới qua, về cha con người đánh cá vừa bị chết. Một chàng da đen nói:
- Ông ấy khỏe khiếp... Mà gan cũng ít ai bằng...
Một người khác nhắc lại câu chuyện xảy ra đã lâu:
- Mấy ông còn nhớ cơn gió giật hồi tháng sáu không? Phải, hôm đó Raimundo...
Có ai đó mở nút bình rượu. Livia đi ngang qua đám đàn ông ra phía cửa...Nàng nghe tiếng vọng của biển lặng, đơn điệu mỗi ngày, rì rầm vô tận. Guma chắc sắp về và thế nào cũng đến nhà Judith để tìm nàng. Qua bóng đêm trùm trên cảng nàng nhìn rõ những cánh buồm của các con thuyền đang về bến. Một linh cảm kinh hoàng hệt như của Maria Clara chợt khiến tim nàng lạnh buốt! Điều gì xảy ra nếu một đêm nào đó như đêm nay người ta báo tin cho nàng Guma đã bỏ thây ngoài biển? và con thuyền "Quả cảm" trôi dạt lang thang trên mặt sóng, không lái, không chèo? Chỉ lúc này nàng mới thật sự ngấm nỗi đau của Judith, cảm thông sâu sắc với người chị gái của mình, cũng là chị của Maria Clara, là chị em của tất cả những phụ nữ miền biển khác được an bài một số phận như nhau: chờ tin dữ trong một đêm giông tố báo cái chết của người đàn ông yêu quí nhất của mình.
Tiếng nức nở của Judith vọng ra từ phòng trong. Chỉ còn lại mình chị với đứa con trong bụng, ngay dưới tim mình. Có thể một ngày nào đó rồi chị lại phải gạt nước mắt lần nữa khóc cho cái chết của đứa con ấy ngoài biển lớn. Chàng da đen vẫn đang tiếp tục câu chuyện của mình với cánh đàn ông:
- Năm người được cứu thoát...Đúng là đêm tận thế... Đêm mà nhiều người đã nhìn thấy nữ thần biển cả, bằng chính mắt mình... Còn Raimundo..
Judith nức nở phía cuối phòng. Số phận của mọi người phụ nữ ở đây là vậy. Đàn ông vùng biển chỉ có một con đường trong cuộc sống - đường ra biển. Họ theo đường đó, bởi đây là phần số của mình. Biển ngự trị tất cả bọn họ. Biển mang tới cho họ mọi niềm vui, mọi bất hạnh, bởi biển quá huyền bí khiến không ai có thể hiểu được tận tường, kể cả các ngư phủ già giờ chỉ còn ngồi trên bờ vá lưới kể những chuyện ngày xưa. Ai đoán giải được bí mật của biển khơi? Biển mang theo âm nhạc, tình yêu và cái chết. Trăng trên biển chẳng phải là vầng trăng đẹp nhất sao? Nhưng biển dễ đổi thay, và tương tự, cuộc sống của những con người dưới cánh buồm cũng bất ổn. Ai trong số họ đến cuối đời còn được cưng nựng đám cháu nội, cháu ngoại hoặc dùng bữa trưa, bữa tối quần tụ cả gia đình như dân vùng đất liền? Không ai trong số họ có thể làm theo những bước tự tin như vậy của những người sống ở đất liền. Mỗi người trong số họ đều để lại nơi đáy biển chút gì đó của mình: một đứa con, một người em, một cánh tay bị cá mập cắn lìa, một chiếc thuyền bị sóng lật, một cánh buồm bị gió xé bay đi. Nhưng mặt khác ai trong số họ không biết hát say sưa những bài tình ca trên bến cảng? Ai trong số họ không biết cách ái ân vừa mãnh liệt vừa ngọt ngào? Bởi mỗi lần họ hát, họ yêu đều có thể trở thành lần cuối. Khi rời vợ ra đi họ không hôn phớt như dân đất liền vội vã với công việc. Họ chia tay rất lâu, và vẫy tay, vẫy mãi như muốn gọi theo mình.
Livia nhìn người đang kéo lên theo con phố dốc ven đồi. Họ đến thành hai nhóm. Những ngọn đèn đem lại vẻ liêu trai cho cuộc diễu hành tang tóc. Như linh cảm được đám người đang đến, tiếng nức nở của Judith chợt vang to phòng trong. Chỉ nhìn mái đầu trần của đám đàn ông cũng hiểu họ đang mang xác đến. Xác hai cha con đã chết trong cơn bão. Rõ ràng họ đã gắng cứu nhau và cả hai đều bỏ mạng. Thẳm xa từ đâu đó, từ pháo đài cô, từ bến cảng, từ những con thuyền, từ một nơi vô định xa vời không ai biết vọng về bài ca tiễn đưa thi thể những người đã mất. Lời ca nói:
Thật ngọt ngào được chết giữa biển khơi...
Livia bật khóc. Áp mái đầu Judith vào ngực mình, nàng khóc nức nở bởi biết rằng một ngày như vậy của nàng, của Maria Clara, của mọi phụ nữ rồi sẽ đến. Bài ca băng qua bến cảng đến với họ, với những người phụ nữ ấy:
Thật ngọt ngào được chết giữa biển khơi..
Ngay sự có mặt của Guma - đến cùng đám rước và là người đầu tiên tìm thấy hai xác kia - cũng không an ủi được Livia giữa giây phút ấy.
***
Chỉ còn bài ca - về sự ngọt ngào khi được chết ngoài biển - vọng đến không rõ từ đâu (chắc từ pháo đài cổ) nhắc Livia vì cái chết của chồng Judith. Hai thi thể đã được vào nhà, Judith nức nở quỳ bên xác chồng, những người đàn ông đứng quanh, Maria Clara lo sợ nghĩ đến một ngày nào đó Manuel của mình cũng sẽ trở về như vậy. Nhưng còn nàng, Livia, sao nàng lại phải nghĩ về cái chết, về những nỗi khổ đau kia khi tình yêu đang chờ đợi sát bên? Bởi giờ đây nàng đã ở trên thuyền "Quả cảm", cùng với Guma. Livia duỗi người trên tấm ván dưới bóng cánh buồm đã hạ nhìn người đàn ông của mình đang lặng lẽ hút thuốc. Sao lại phải nghĩ về cái chết, về những gã đang chóng chèo cùng sóng biển khi người đàn ông của nàng đang ở ngay đây, an toàn mạnh khỏe, và đốm lửa nhỏ từ tẩu thuốc của anh trên biển tối hẳn là vì sao rực rỡ nhất? Livia suy nghĩ. Nàng hơi buồn vì anh vẫn chưa đến ôm nàng trong đôi cánh tay mạnh mẽ của mình với những hình xăm nàng thuộc từng chi tiết. Nàng chờ đợi, đầu gối trên tay, khuôn ngực thiếu nữ hơi lộ ra sau tà áo mỏng được ngọn gió đêm - giờ đã hiền hòa - đang lay nhẹ. Biển cũng nhẹ lay con thuyền dập dềnh trên mặt nước.
Liv. Nàng thật xinh đẹp trong sự chờ đợi ấy. Nàng đẹp nhất trong số phụ nữ trên cảng, cũng như trên mọi con thuyền, không một chàng trai biển nào ở đây có được người phụ nữ như vậy. Tất cả bọn họ đều nói ra miệng điều đó và đều niềm nở với nàng. Ai cũng sẵn lòng đưa nàng đi biển, ước ao được ôm nàng trong đôi tay cuồn cuộn cơ bắp bởi bao chuyến khơi xa của mình. Song nàng chỉ thuộc về Guma, người duy nhất nàng đã kết hôn ở nhà thờ Monte Serrat, nơi các ngư dân, các chủ tàu, chủ thuyền thường làm đám cưới. Ngay những thủy thủ các con tàu viễn dương khổng lồ cũng làm đám cưới ở nhà thờ Monte Serrat, tòa thánh đường nằm trên đồi cao ngự trị cả một vùng biển. Đó là thánh đường của họ, của biển. Livia và Guma thành hôn ở đó, và từ ấy họ đã cùng nhau ân ái trên bờ biển đêm, trên thuyền "Quả cảm", trong các phòng ở "Sao đêm", trên bãi cát ven bờ, hòa quyện thân xác thành một trên biển, dưới trăng.
Và hôm nay, sau khoảng thời gian dằng dặc lo âu chờ đợi, nỗi khao khát của nàng càng cao bởi cơn sợ hãi của nàng quá lớn. Vậy mà anh vẫn lặng lẽ hút thuốc... Cũng vì vậy nàng lại nghĩ đến Judith, kẻ sẽ không bao giờ còn biết đến ái ân, tương lai chỉ là những đêm dài đầy nước mắt. Nàng nhớ lại: chị ấy đã đổ sụp xuống bên xác chồng, nhìn vào mặt anh, khuôn mặt bất động không còn biết đến nụ cười, khuôn mặt đã chìm trong sóng nước, đôi mắt đã nhìn thấy Iemanja, nữ thần biển cả.
Livia tức giận nghĩ đến vị nữ thần, mẹ của biển cả, chúa tể các đại dương, vì vậy các người đàn ông sống trên sóng nước đều yêu thương và đều sợ hãi. Người trừng phạt họ vì nỗi sợ và vì tình yêu ấy. Người không bao giờ hiển hiện trước mắt ai trừ khi họ chết nơi biển cả. Người yêu thích những kẻ chết trong bão tố. Những kẻ chết do cứu người được nữ thần đưa theo đến mọi nơi, như những con tàu cập vào mọi cảng, qua khắp các đại dương. Thi thể họ không bao giờ được tìm thấy bởi họ đã ra đi cùng với nữ thần. Để được thấy nữ thần nhiều người đã gieo mình xuống nước với nụ cười trên môi và không bao giờ trở lại. Phải chăng bà ta đã ngủ với tất cả những người đàn ông chết trong sóng nước? Livia giận dữ nghĩ đến nữ thần. Lúc này đây chắc bà ta đang ở bên hai cha con vừa chết trong bão tố, và có thể vì bà ta mà họ đang ẩu đả, hai con người vốn thân thiết biết bao khi còn sống. Họ chết như bạn bè, vậy mà giờ đây, ai biết được, có thể vì Iemanja - nữ thần biển chỉ những kẻ chết mới trông thấy - mà họ đánh nhau. Raimundo có thể đã rút con dao thường thấy nơi thắt lưng nhưng không còn khi vớt xác. Có thể họ đã quyết đấu dưới tầng nước sâu xem ai sẽ được theo nữ thần đến những miền xa xôi trên thế giới. Judith, kẻ đang khóc thương, Judith, kẻ đang mang đứa con trong bụng, Judith, kẻ kiệt sức vì bao công việc nặng nhọc, Judith, kẻ không còn biết đến niềm vui ân ái có lẽ đã bị lãng quên bởi tuyệt vời mà y phục duy nhất là mái tóc vàng óng thật dài đi lại khỏa thân trong làn nước biếc, mái tóc vàng được thấy trong những đêm trăng sáng biển xa.
Người của đất liền (mà họ biết gì chứ?) nói đó là dòng ánh trăng trên biển. Cánh thủy thủ, các chủ thuyền, dân đánh cá cười nhạo người trên cảng chẳng biết gì. Họ tin chuyện về mái tóc của nữ thần biển cả Iemanja đang ngắm trăng trên biển. Họ biết có Người ở đó. Những tay da đen chơi ghi ta, kéo đàn đánh trống và ca hát. Những người khác đốt tẩu thuốc để Iemanja nhìn được rõ hơn. Tất cả đều yêu quý Người, thậm chí quên cả vợ mình mỗi khi mái tóc của nữ thần trải dài trên biển lớn.
Đó cũng là tâm trạng của Guma lúc này khi anh mãi ngắm nhìn dải ánh bạc lấp lánh trên mặt biển sâu và lắng nghe tiếng hát của chàng da đen mời gọi đi vào cõi chết. Bài ca nói về sự ngọt ngào được chết trong biển cả, nơi có nữ thần sóng nước, người phụ nữ đẹp nhất trần gian, đang chờ bạn đến. Guma đắm nhìn mái tóc của Người, quên cả Livia ở sát bên với bộ ngực trẻ vun đầy thoáng lộ sau nếp áo đang duỗi mình chờ đợi... Mà Livia đã phải chờ đợi biết bao lâu nhng phút giây ân ái ấy, Livia, kẻ đã nhìn thấy bão tố tàn phá vạn vật, lật sấp những con thuyền, cướp đi bao mạng sống... Livia, kẻ đã khắc khoải âu lo cho mạng sống của anh. Nàng những muốn ôm ghì anh trong vòng tay mình, hôn lên môi anh để nghe từ anh nỗi lo sợ khi đèn cảng vụt tắt, áp chặt vào người anh để cảm nhận từ anh những vết đau do sóng gió dập vùi. Nhưng lúc này anh đã quên Livia, tâm trí chỉ nghĩ về nữ thần biển cả, nữ chúa của đại dương. Thậm chí có thể anh còn ganh tị với hai cha con người đã mất đang phiêu diêu ở những miền xa, nơi chỉ thủy thủ của các tàu viễn dương từng được thấy. Nỗi uất hận trào dâng trong lòng Livia, nàng những muốn khóc, muốn chạy xa khỏi biển, đến tận nơi cuối đất cùng trời.
Một chiếc thuyền đi ngang. Livia chống người trên khuỷu tay để nhìn rõ hơn. Có tiếng ai đó gọi sang:
- Chào Guma...
Guma vẫy tay chào tiễn:
- Chúc thuận buồm xuôi gió...
Livia nhìn anh. Giờ đây khi một đám mây che khuất vầng trăng và Iemanja biến mất, anh dập tẩu, mỉm cười. Nàng sung sướng cuộn tròn, cảm nhận hơi ấm từ bàn tay anh sắp chạm đến. Guma nói
- Tay da đen ấy hát ở đâu vậy?
- Làm sao em biết... Chắc chỗ pháo đài cổ...
- Bài hát hay quá..
- Ôi, tội nghiệp cho Judith...
Guma nhìn ra biển:
- Ừ... Chị ấy sẽ cực lắm... Lại còn đứa con trong bụng nữa...
Vẻ mặt anh sa sầm khi nhìn Livia. Nàng thật đẹp và đầy quyến rũ. Đôi tay nàng quá mảnh mai, không thích hợp với những công việc nặng. Nếu anh bỏ mạng ngoài khơi hẳn nàng phải tìm một ai đó khác mới sống nổi. Nàng không có đôi tay cho công việc nặng. Ý nghĩ ấy khiến anh giận dữ. Gò ngực nàng thoáng hiện sau tà áo mỏng. Mọi đàn ông trên cảng đều ao ước có được nàng, bởi nàng là người đẹp nhất. Và chuyện gì sẽ đến khi anh cũng đi xa theo nữa thần biển cả? Cơn giận dữ khiến anh những muốn giết chết Livia ngay tại chỗ để nàng không bao giờ còn thuộc về ai.
- Chuyện gì sẽ xảy đến nếu một mai anh cũng bị lật thuyền và làm mồi cho cá? - Anh bật cười khô khốc.
Giọng của chàng da đen lại vẳng đến qua màn đêm:
Thật ngọt ngào được chết giữa biển khơi...
- Em cũng sẽ làm việc nặng nhọc hay lấy một ai đó khác?
Nàng bật khóc. Phải, nàng lo sợ biết bao cái ngày mà người đàn ông của nàng bỏ thân ngoài biển, ngày anh không còn trở lại, ngày anh ra đi cùng nữ thần biển cả, Iemanja đến những vùng đất lạ, xa xôi. Nàng vươn mình quàng tay ôm cổ Guma:
- Hôm nay em sợ lắm. Em đợi anh ngoài cảng, cứ thấy như anh sẽ chẳng bao giờ v
Anh ôm nàng. Phải, anh biết Livia đã phải chờ đợi quá lâu trong nỗi lo âu khắc khoải nhường nào. Anh đã đến với nàng, với tình yêu của nàng, với vòng tay của nàng đang ghì xiết. Giọng chàng da đen vẫn vọng đến từ xa:
Thật ngọt ngào được chết giữa biển khơi...
Và giờ đây dưới ánh trăng mái tóc của Iemanja, nữ thần biển cả, không còn lấp lánh nữa. Giọng ca chàng da đen đã chìm trong tiếng rên rỉ yêu đương của Livia, người phụ nữ được bao kẻ khát khao, đang yêu mãnh liệt, đam mê người đàn ông của mình trên con thuyền "Quả cảm" bởi đã lo sợ quá nhiều, nỗi sợ ấy vẫn đang còn day dứt.
Những ngọn gió của bão tố đã đi xa. Mưa từ những đám mây của những đêm không đúng nghĩa cũng đã đi đâu đó tới những bờ bến khác. Iemanja đưa thân xác những người đã mất về các miền đất lạ. Biển trở nên êm ả, dịu dàng, thành bằng hữu của những người sống trên ngọn sóng. Biển chẳng là nhà, là đường, là hẽm của tất cả bọn họ sao? Ngay trên biển, trong các khoang thuyền, họ đã yêu đương, và tạo ra bao mầm sống mới, không phải vậy sao?
Vâng, Guma yêu biển và Livia cũng vậy. Biển thật đẹp trong những đêm như thế, xanh thẳm như mặt gương soi phản chiếu ánh sao trời, lấp lánh ánh đèn từ các con thuyền cùng những đốm lửa trên đầu ngọn tẩu và những âm thanh âu yếm của tình yêu.
Biển là bạn, người bạn thân thương của tất cả những ai sống cùng sóng biển. Và Livia cảm nhận hương vị biển từ da thịt Guma. Chiếc "Quả cảm" chòng chành như đưa võng.
MIỀN ĐẤT VÔ CÙNG
Giọng hát sâu thẳm ngân xa vượt trên mọi âm thanh của đêm tối, lan qua biển, trùm lên thành phố. Bài hát xưa nghe tha thiết u hoài khiến những lời nói chợt lặng đi, những câu chuyện trò ngưng lắng lại. Nhưng lời bài ca xưa mới chua xót làm sao, nghe nhói trong lòng. Bài hát nói: "Thương thay cho người phụ nữ có chồng đi biển. Nàng chẳng có niềm vui, bất hạnh đã an bài. Bao nhiêu lệ tuôn rơi, đôi mắt sớm mờ đi bởi ngày đêm dõi trông về phía mù khơi, lòng hoài vọng thấy một cánh buồm còn le lói". Giọng ca chàng da đen bao phủ màn đêm
Lão Francisco hiểu rõ ý bài ca lẫn khoảng trống mênh mông của cả trời sao lung linh trên mặt biển. Bằng không thì bốn mươi năm chèo lái của lão còn có ý nghĩa gì nữa? Và lão không chỉ rành những ánh sao đêm. Lão biết rõ cả từng dải cát ngầm, từng khúc quanh, từng dòng chảy ở vịnh và sông Paraguacu, từng bến cảng trong vùng, từng bài ca cất lên từ đó. Cư dân khắp dải đất ven sông cạnh cảng đều là bạn bè lão, thậm chí có người nói vào cái đêm một mình cứu mạng cho tất cả ngư dân trên một thuyền đánh cá lão đã được tận mắt thấy Iemanja, người đã tự hiển linh như một tặng vật dành riêng cho lão. Mỗi khi nói về chuyện đó (cánh đánh cá trẻ ai chẳng hỏi Francisco có đúng vậy không), lão chỉ mỉm cười:
- Thiếu gì chuyện thiên hạ nói trên đời, anh bạn...
Vậy là chẳng ai biết việc đó hư thực thế nào. Mà cũng rất có thể chuyện đó có thực. Với những ý nghĩ bất chợt của Iemanja, nếu có ai xứng đáng được gặp và yêu nàng thì đó hẳn phải là Francisco, kẻ đã sống chết nơi đầu sóng ngọn gió biết bao năm, từ cái thuở xa xưa chẳng ai còn nhớ. Tuy nhiên so với các bãi ngầm, lạch cạn, lão còn biết rạch rẽ hơn về bao truyền thuyết của vùng đất, vùng biển nơi này, nhớ rõ mọi lễ hội mừng Iemanja, còn gọi là Janaina, mọi vụ đắm tàu, mọi cơn bão lớn. Có chuyện nào mà Francisco không biết chứ?
Khi đêm đến lão thường rời căn nhà nhỏ của mình đi ra bờ biển. Vượt qua con đường tráng xi măng hoen bùn đất, lão lội xuống nước và nhẹ nhàng nhảy lên khoang một chiếc thuyền nào đó. Rồi mọi người đòi lão kể về các huyền thoại, về bao chuyện đã xảy ra. Chẳng có ai kể hay hơn lão Francisco ấy.
Giờ lão sống bằng nghề chữa buồm. Và bằng cả những gì mà thằng cháu là Guma mang đến nữa. Một thời lão từng có đến ba chiếc thuyền, nhưng bão tố trùng khơi đã cuốn đi tất cả. Thứ duy nhất chúng không cuốn đi được chính là lão, Francisco. Lão luôn trở về bến, mang theo tên ba con thuyền xăm trên cánh tay phải cùng tên người em trai đã bỏ mình trong giông bão ngoài khơi. Có thể ngày nào đó lão sẽ phải ghi thêm lên đó tên của Guma nếu nữ thần Iemanja chợt muốn có tình yêu của nó. Trong thâm tâm lão mỉm cười khinh khi trước mọi chuyện, bỏ xác chốn biển khơi, đó là số phận của họ. Nếu lão sống sót chẳng qua chỉ vì Iemanja không muốn thế. Người muốn lão gặp được mình mà vẫn sống, vẫn trở về dạy cánh trai làng vá lưới, sửa thuyền, và kể về Người. Nhưng sống như vậy mà làm gì, nếu chỉ để vá lưới, sửa buồm, trông chờ thằng cháu làm những việc đã trở nên vô nghĩa bởi chẳng bao giờ còn được ra khơi tay đã yếu, mắt đã mờ, chẳng còn thể nhìn xuyên qua đêm tối? Giá nằm lại ngoài khơi cùng chiếc "Sao mai" - con thuyền nhanh nhất của lão bị cuốn đi trong đêm Thánh Saint John - hẳn còn hơn. Giờ lão chỉ nhìn những người khác ra khơi mà không đi cùng họ. Lão đứng nhìn Livia, như mọi phụ nữ ở đây, run rẩy lo âu vào những hôm giông bão, giúp lo tang cho những kẻ bỏ mình. Quá lâu rồi cái thời lão băng trên đầu sóng, tay ghì lái, mắt rẽ màn đêm, nghe gió ào trên mặt, đưa con thuyền đến với tiếng ca mời gọi của những miền xa.
Chàng da đen hôm nay cũng hát. Gã hát về số phận u buồn của vợ những người đi biển. Francisco mỉm cười. Chính lão đã đưa ma cho vợ. Bác sĩ nói do tim. Bà chết đột ngột vào cái đêm lão trở về sau một cơn bão lớn. Bà đã ào vào vòng tay lão và lão thấy tiếng đập rộn ràng nơi tim bà chợt tắt. Hẳn bà đã chết bởi niềm vui được thấy lão về, bác sĩ nói do tim. Kẻ bỏ mạng ngoài khơi đêm đó là Friderico, cha của Guma. Không ai tìm thấy xác bởi ông đã bỏ mình để cứu Francisco, và vì vậy đã được cùng theo Iemanja tới những vùng đất lạ. Mất cả vợ và em trong cùng một tối, lão đã đưa Guma về nuôi dạy trên thuyền mình, giữa ngàn khơi, để chàng trai sẽ chẳng bao giờ sợ biển. Mẹ Guma, một phụ nữ không ai từng biết đến, bỗng xuất hiện một ngày kia và hỏi về thằng bé:
- Xin lỗi, ông là Francisco?
- Đúng thế, thưa cô. Nếu cô cần gì...
- Ông không biết tôi...?
- Thực tình tôi cũng không nhớ...- Lão gãi đầu, gắng nhớ lại những người mình từng gặp. - Vâng, tôi không nhớ. Xin lỗi...
- Frederico biết tôi rất rõ...
- Chắc thế, nó từng lái trên các tàu lớn của hãng Baiana mà. Mà cô gặp nó ở đâu?
- Dạ gần Araicaju. Một hôm anh ấy đến đó, tàu bị vỡ một lỗ lớn bên sườn, thoát được là chuyện lạ...
- À, tôi nhớ rồi, ở Marau...Một chuyến đi khủng khiếp, Frederico có kể tôi nghe. Vậy là cô gặp nó ở đó?
- Chiếc tàu nằm lại một thá>Anh ấy may sắm đủ thứ cho tôi...
- Một tay săn gái, đúng thế, hệt như con khỉ đực...
Lão mỉm cười, phô ra mấy chiếc răng vỡ:
- Nó huyên thuyên với tôi đủ chuyện, nào sẽ mang tôi theo, sẽ xây nhà, nào nuôi ăn, nuôi mặc...Cô cũng biết tính nó thế nào rồi đấy.
Lão Francisco khoát tay. Họ đang đứng trên bãi biển, gần chỗ chợ trái cây. Họ ngồi lên mấy chiếc thùng gỗ. Người phụ nữ nói tiếp:
- Thật khốn khổ vì anh ấy nói sẽ không trở lại tàu, vậy mà khi chỗ vỡ vừa sửa xong anh ấy chẳng buồn nghe lấy một tiếng, cứ thế lên boong vẫy tay chào từ biệt...
- Cài thằng thật tệ. Dù là máu mủ với nhau nhưng...
Người phụ nữ ngắt ngang:
- Tôi không nói anh ấy là người xấu. Biết làm sao, chắc số tôi nó vậy. Tôi sẵn lòng theo anh ấy đi bất kỳ đâu, dù biết có thể bị bỏ rơi. Quả tình tôi đã phát rồ vì anh ấy.
Người phụ nữ nhìn Francisco. Còn ông thì nghĩ: cô ta đến đây làm gì nhỉ, sau chừng ấy năm? Xin tiền ư, nghèo mạt như lão bây giờ tiền bói đâu ra? Frederico vẫn luôn là thằng sát gái...
- Anh ấy bảo sẽ cho người đến tìm tôi, rồi cũng chẳng thấy...- Chị ta mỉm cười. - Khi cái bầu đã rõ và tôi bắt đầu nôn ọe thì mẹ tôi phát điên lên. Cha tôi là người khe khắt, vừa biết chuyện ông ấy liền mang dao đến gặng xem thằng nào để tính sổ. Đến giờ tôi vẫn còn vết sẹo dưới đầu gối đây, từ con dao đó.
Sao cô ta lại kéo váy phơi cặp đùi ra nhỉ? Francisco không bao giờ động đến người phụ nữ đã từng chăn gối với em mình, một tội lỗi đáng bị Chúa Trời trừng phạt.
- Vậy là tôi bỏ nhà đi, tứ cố vô thân. Một gia đình quen cha đỡ đầu của tôi đã nhận cho tôi làm thuê. Rồi một bữa đang dọn bn tôi chợt thấy đau...
Lão Francisco chợt hiểu:
- Thằng Guma?
- Vâng, Gumercindo, đúng thế. Chính cha đỡ đầu của tôi đã đặt tên cho cháu. Đó cũng là tên ông ấy. Tôi đã gom được ít tiền để mang cháu đến đây gặp Frederico. Nhưng anh ấy đã có người khác. Anh ấy giữ cháu lại nhưng nói chẳng muốn nghe gì về tôi nữa.
Lại một khoảng lặng im. Francisco nhìn trộm người phụ nữ, gắng đoán xem cô ta đang đưa câu chuyện về đâu. Lão không có tiền, từ dạo ấy, và ít nhất là lúc này. Còn ngủ với người đàn bà từng thuộc về em mình là điều lão không nghĩ tới.
- Rồi tôi ở lại đây, xấu hổ với chuyện quay về. Người nghèo cũng biết xấu hổ chứ, đúng không? Tôi không muốn làm gái đứng đường ngay tại thành phố quê hương, nơi mọi người quen biết...Cha tôi là người nền nếp, thậm chí đã cho một trong các em trai tôi đi học để làm bác sĩ...Rồi tôi cứ lang thang phiêu bạt khắp nơi. Vâng, chuyện ấy quá lâu rồi...
Người phụ nữ phẩy tay và đưa mắt nhìn các con tàu. Từ chợ vọng lại tiếng chuyện trò, tiếng mặc cả, tiếng cười nói ồn ào.
- Tôi vừa từ Recife đến đây được ba hôm. Chỉ để gặp thằng bé. Một người quen cho tôi biết Frederico đã chết từ hai năm trước. giờ tôi phải về tìm con...Tôi sẽ nuôi dạy cháu...
Francisco không còn nghe thấy tiếng ồn ào ngoài chợ nữa. Lọt vào tai lão chỉ còn những lời của người phụ nữ xưng là mẹ Guma đã đến đây tính đón nó đi. Lão không ưa đôi co với phụ nữ. Lý sự với họ thì biết bao giờ cho hết lẽ, nhưng chắc chắn lão phải chiến đấu vì không muốn mất Guma. Thằng nhỏ đã học lái thuyền thành thạo và nâng vác dễ dàng những bao bột to tướng bằng đôi tay thơ trẻ của mình. Chuyện đụng độ Francisco không lạ, nhưng là với cánh thủy thủ dữ dằn trên cảng hay đám chủ thuyền lực lưỡng bằng các ngôn từ chẳng mấy nhẹ nhàng bởi họ thừa khả năng tự vệ. Còn với phụ nữ, lại là mẹ Guma - mặc áo lụa, bôi nước hoa, tay cầm ô, miệng điểm răng vàng - lão thực tình không biết phải tranh cãi làm sao. Nếu vọt miệng văng đôi lời thô tục, cô ta có thể sụt sùi, mà lão không muốn thấy đàn bà khóc lóc. Hơn nữa, em trai lão đã cư xử không phải với cô tà dân đi biển đâu thể cứ nghĩ hoài về người phụ nữ họ để lại trên bờ? Cưới rồi để họ thành góa phụ hoặc chết do vỡ tim khi thấy chồng về bình an sau bão tố không tệ hơn sao? Thế còn khốn nạn hơn nhiều. Guma sẽ ở vậy, chẳng lấy ai. Nó sẽ luôn là kẻ tự do trên con thuyền của mình. Và sẽ đi theo Iemanja khi nào Người muốn. Sẽ chẳng có chiếc neo nào ràng buộc nó với đất liền. Sống trên biển phải là người tự do. Nhưng nếu người phụ nữ này mang Guma đi, nó sẽ thành người ra sao nhỉ? Thợ mộc, thợ đá, bác sĩ hay một linh mục mặc váy, ai biết được! Và lão, Francisco, sẽ phải ôm nỗi nhục suốt đời vì đã đẩy thằng cháu vào con đường kia để rồi chẳng thể làm gì hơn là tự mình đi gặp Iemanja vào một đêm nào đấy. Không, lão không thể để người phụ nữ này mang Guma đi, bằng bất cứ giá nào.
Người phụ nữ đã bắt đầu ngạc nhiên vì sự im lặng của Francisco. Những giọng nói từ chợ vẫn vọng tới:
- Khiếp, gì mà đắt thế? Bà tính dọa tôi sao?
Rồi một mẩu đối thoại nghe từ xa:
- Nó bắn hai phát và bỏ chạy. Một tay thứ dữ. Tôi cũng liều mạng nổ luôn...
Lão Francisco chợt bật cười:
- Này, cô biết không, cô sẽ chẳng mang thằng bé đi đâu được. Rồi cô biết làm gì với nó chứ?
Lão nhìn người phụ nữ, đợi câu trả lời. Tuy nhiên, vẻ mặt lão hiện rõ một điều: chẳng sức mạnh nào trên đời này cướp đi được Guma của lão. Người phụ nữ đưa tay phân vân và đáp:
- Thực tình tôi cũng chưa biết nữa... Chỉ muốn đưa nó đi vì nó là con tôi và cha nó không còn nữa... Rày đây mai đó...Nhưng nếu ở lại đây thì một lúc nào đó nó cũng chết như cha nó thôi...
- Còn nếu theo cô thì nó sẽ thế nào?
- Tôi sẽ cho nó vào trường tư, nó sẽ học đọc, biết đâu nó sẽ thành bác sĩ như chú nó, thằng em tôi... Nó sẽ không chết chìm ngoài biển...
- Ôi cô ơi, số phận do trời định. Phần số nó nếu phải về với Iemanja thì chạy trời cũng chẳng thoát. Nếu ở lại đây nó sẽ trở thành một trang nam nhi thực sự. Đi với cô rồi nó cũng chỉ thành một đứa yếu đuối, quặt quẹo như bao đứa vô công rỗi nghề ngoài kia...
- Ông nói thế chứ...
- Cô lấy tiền đâu cho nó ăn học nào? Mấy cô đứng đường tôi đâu có lạ: tiền nay có, mai không...sống rày đây mai đó, như cô vừa nói đấy...Con của một cô gái đứng đường còn khổ nhục hơn kiếp chó, cô biết quá mà...
Người phụ nữ cuối đầu bởi đó là sự thực. Đem con theo cũng có nghĩa là gắn cho nó một nỗi nhục triền miên: ở đâu, với bất kỳ ai nó cũng chỉ là con một ả điếm. Bất kỳ nơi nào nó đến, ngoài đường phố hay trong lớp học, ở đâu nó cũng chẳng nói được gì bởi ai cũng có thể văng vào mặt nó những lời khinh khi, hạ nhục nặng nề nhất đời. Từ chợ vọng lại tiếng người đàn ông đang thuật lại một câu chuyện:
-...Chỉ nhìn thấy con dao lóe lên, đã nghĩ mình đổ ruột đến nơi. Tôi vung tay thúc gối...Quang cảnh thật kinh khủng...
- Phải, sẽ tốt hơn nếu để Guma ở lại đây học lái thuyền, học đi biển, đến với những bờ bến lạ, có con với những người phụ nữ vô danh, đoạt dao từ cánh đàn ông, uống rượu trong các quán trọ, xăm lên tay hình những trái tim, đi qua giông bão, về với Iemanja khi đến lượt mình. Ở những nơi này không ai hỏi mẹ nó là ai...
- Nhưng thỉnh thoảng tôi gặp nó được chứ?
- Bất cứ khi nào lòng cô mong muốn...- Giờ Francisco lại cảm thấy tội nghiệp cho người phụ nữ. Chẳng có người mẹ nào, dẫu tồi tệ đến đâu, lại không yêu thương đứa con mình đứt ruột đẻ ra. Ngay cá voi, một loài vật không biết suy nghĩ, cũng quyết liệt chống trả các ngư phủ bảo vệ con, đôi khi bằng cả mạng sống!
- Cô có thể gặp nó ngay hôm nay. Tối nó sẽ về trên một chiếc thuyền từ Itaparica. Chúng ta sẽ đến chỗ nó...
Vẻ sợ hãi hiện trên mặt người phụ nữ:
- Nó đã một mình sao?
- Chỉ đến Itaparica rồi trở về thôi, đang học mà. Thực tình giờ nó cũng đâu thua gì người lớn.
Gương mặt người phụ nữ rạng vẻ tự hào. Con cô, một đứa trẻ mười một tuổi, đã biết lái thuyền vượt sóng nước chẳng kém cánh đàn ông. Cô hỏi tiếp, bằng một giọng trẻ thơ phát ra từ sâu thẳm tim mình:
- Nó trông có giống tôi không?
Lão Francisco nhìn người phụ nữ. Dẫu có mấy chiếc răng úa mẻ, cô ta trông thật xinh xắn. Chiếc răng vàng thậm chí còn điểm thêm cho vẻ đẹp kia. Mùi nước hoa thoảng nhẹ nghe hơi lạ ở đây, nơi vốn đậm mùi cá biển. Nét son trên miệng cô tươi màu máu, như vừa bị dập môi. Đôi tay cô rắn rỏi tròn trịa buông dọc thân mình. Dẫu bị cuộc sống vùi dập, cô ta trông vẫn thật trẻ trung, thậm chí khó tin được rằng cô là mẹ của Guma. Nhưng cô ta phải đứng đường suốt mười một năm qua, gặp gỡ đám đàn ông, ngủ với họ, bị đánh đập bởi không ít người trong số họ. Bất chấp những chuyện trên, cô ta vẫn trông vô cùng hấp dẫn. Giá cô ấy chưa từng ngủ với Frederico...
- Ừ, nó trông giống cô. Mắt nó giống cô, cả cái mũi cũng hao hao vậy...
Người phụ nữ mỉm cười. Đó hẳn là những giây phút vô cùng hạnh phúc. Một ngày nào đó khi dáng vẻ tàn phai, bị đàn ông ghẻ lạnh, hẳn cô sẽ còn có một nơi nương tựa cho tuổi già khi đến với con trai, nấu cho nó ăn và chờ đợi nó trở về từ giông bão. Chắc cũng chẳng cần nói ra lời xin lỗi. Những đứa con luôn biết tha thứ cho các bà mẹ già tàn tạ đột ngột quay về. Người phụ nữ lắng mình trong niềm hạnh phúc ấy, cô mỉm cười qua ánh mắt, làn môi, qua những cử chỉ đầy vui sướng, thậm chí mùi nước hoa nhắc nhở về thân phận đứng đường như cũng tiêu tan, chỉ còn lại mùi cá mặn và mùi nước thủy triều đang xuống.
***
Gần chín giờ, Guma trở về trên con thuyền " Quả cảm". Ghé vào một cầu cảng nhỏ, cậu loa tay trên miệng gọi to:
- Bác ơi...í...i! Bác ơi...í...i!
- Ta ra ngay
Guma nghe những giọng nói đến gần. Có ai đó đi cùng với ông bác, một người lạ bởi cậu không nhận ra giọng nói ấy từ xa. Tiếng Manuel từ thuyền mình gọi sang:
- Cậu có khách đấy, anh bạn!
Ai đi cùng với bác ấy nhỉ? Nghe giọng nói thì đó là một phụ nữ. Hay bác ấy đã đưa về đây người phụ nữ để cậu, Guma, ngủ cùng? Gần đây thỉnh thoảng Francisco và mấy tay đánh cá thường bóng gió chọc cậu về chuyện đàn bà, đàn ông, ông bác đã dọa sẽ đưa về một cô và để mặc hai người xoay sở với nhau trên thuyền, giữa biển:
- Để xem nó làm được gì, thằng quỉ nhỏ...
Cánh đàn ông cười nghiêng ngả và nháy mắt với nhau:
- Guma của ông đã là trang nam nhi trưởng thành rồi đấy. - Antoni co, chủ thuyền "Thành tín" nói như đinh đóng cột.
- Nó còn phải chứng minh chứ. - Raimundo vỗ tay cười ngặt nghẽo. - Chàng Jaques nhà quê của tôi sẽ nếm trái đầu mùa...
Guma hiểu họ nói gì: cần phải ngủ với phụ nữ, để thoát khỏi những cơn mộng mị nặng nề khiến cơ thề đau dần khi tỉnh dậy. Đã nhiều lần, tại những thành phố cảng nhỏ, nơi họ cập bến, cậu đã đi qua các phố có nhiều cô gái đứng đường nhưng chưa từng đủ gan bước vào bất kỳ ngôi nhà nào ở đó. Không ai nghĩ cậu chưa tới mười lăm tuổi tuy thực tình cậu mới mười một tuổi. Về mặt đó chẳng có gì phải ngại. Nhưng một cảm giác e sợ ngăn chân cậu. Cậu tin mình hẳn sẽ chết vì ngượng khi người phụ nữ đoán ra đây là lần đầu tiên của cậu, sẽ không chấp nhận và coi cậu như một đứa trẻ, một thằng bé không cha lang bạt ngoài đường. Cô ta hẳn không thể tin rằng cậu đã lái được thuyền đi biển, đã khuân được những bao bột khổng lồ. Có thể cô ta sẽ cười nhạo cậu. Và cậu đã không bao giờ bước chân vào nơi ấy...giờ thì bác cậu đã đưa về người phụ nữ mà ông từng hứa. Cậu cảm thấy bối rối.
Francisco chắc đã cho cô ta hay là cậu chưa hề biết đến phụ nữ, rằng cậu khờ khạo, nhút nhát dầu cũng đeo dao bên hông như mọi gã đàn ông. Rồi phải nói gì đây với người phụ nữ ấy, phải cư xử thế nào với cô ta? Và nếu bác cậuỏ đi mà bỗng muốn coi xem cậu hành xử ra sao, dẫu chỉ để sau này cười nhạo thằng cháu khốn khổ? Không, nếu vậy cậu sẽ bỏ đi, rời xa bến cảng vì xấu hổ, sẽ không bao giờ lái thuyền nữa trên vùng biển nơi này. Với những suy nghĩ âu lo ấy Guma nghe thấy những giọng nói đang tiến dần đến. Cậu run rẩy và cũng thầm mong họ đến mau hơn với nỗi khao khát sớm trở thành người đàn ông để có thể một mình cùng chiếc "Quả cảm" vẫy vùng trên mọi miền sông rạch, đi đến các bến bờ xa khuất ở tương lai.
Những tiếng nói đến gần hơn. Đúng có giọng phụ nữ. Bác cậu ta đã đến đây để làm tròn lời đã hứa. Hẳn ông vẫn đang xấu hổ vì đến giờ cháu mình vẫn chưa thành đàn ông, vẫn chưa biết thế nào là phụ nữ. Và bởi Guma không đủ can đảm bước vào nhà họ, ông đã mang về đây một người, như người ta mang thức ăn cho kẻ mù lòa, đưa nước uống cho người tàn tật. Chắc sẽ xấu hổ lắm, nhưng lúc này cậu không muốn nghĩ về chuyện đó. Cậu nghĩ chỉ một lát nữa thôi cậu sẽ có bên mình thân thể của một người phụ nữ, một cơ thể biết rành mọi bí ẩn trên đời Cậu sẽ bảo ông bác đi ra, để mình cậu với nàng, và sẽ đong thuyền ra giữa vịnh. Những giai điệu du dương vẫn vọng về từ pháo đài cổ, từ những con thuyền khác. Cậu sẽ làm tình, sẽ cảm nhận những điều bí ẩn không cùng. Rồi cậu có thể một mình đưa con thuyền đến mọi vùng đất ven vịnh, và một ngày nào đó hiên ngang nhìn thẳng mặt nữ thần Iemanja, và cũng có thể cùng Người ân ái bởi đã biết rõ những bí ẩn mà cánh đàn ông luôn nói đến. Guma thậm chí thấy lạnh tuy đêm hơi oi và làn gió ấm thổi hiền hòa, chỉ ru nhẹ các con thuyền trên mặt nước. Nói cho đúng Guma không cảm thấy lạnh mà thấy sợ. Tiếng nói nghe đã rõ hơn:
- Nó còn trẻ con, nhưng cô cứ nhìn mặt xem, một trang nam nhi thực sự...
Giọng của bác cậu, Hẳn người phụ nữ đã hỏi cậu trông thế nào. Phải thôi, cô ta cũng muốn biết phải cư xử với cậu ra sao chứ. Và cậu sẽ chứng minh mình đã trưởng thành, mình mạnh khỏe, sẽ ghì xiết khiến cô ta phát khóc, sẽ không buông nếu cô ta còn chưa công nhận cậu thậm chí còn khỏe hơn tất cả đám đàn ông cô từng gặp trước giờ. Có tiếng nói của người phụ nữ:
- Tôi mong đó là một trang nam nhi, đẹp trai, dũng cảm...
Guma cảm thấy tim mình ngập tràn hạnh phúc. Cậu đã yêu người phụ nữ kia dầu chưa biết mặt, người mà bác cậu đưa về, và cậu tính chuyện sẽ đưa cô ta đến các cảng bên vịnh, cùng cô đưa thuyền ngược những dòng sông. Cậu sẽ không để cô ta quay về với cuộc sống cũ. C sẽ hoàn toàn thuộc về cậu. Cô ấy hẳn xinh đẹp, vì bác cậu vốn rành phụ nữ, dân cảng đều nói vậy. Những phụ nữ ông thường đưa về thuyền cho những đêm yêu đương luôn là những người đẹp. Vào các đêm ấy Guma nghe thấy những âm thanh của thân thể, những tiếng rên, những nụ hôn và những tiếng cười. Khi không chạy đi, cậu ở lại, đôi tai bất động với ước vọng kỳ quái muốn thăm dò và nỗi sợ hãi vô hình ngăn cậu lại. Một đêm cậu nghe tiếng thét vang đau đớn. Cậu chạy bổ vào, tin rằng Francisco đã đánh người phụ nữ. Nhưng họ đuổi cậu ra. Mãi về sau cậu mới hiểu ý nghĩa của những giọt máu còn vương lại trên ván thuyền sau bữa đó. Cô gái lai bé nhỏ ấy còn trở lại nhiều lần, và cậu chẳng bao giờ nghe tiếng kêu nhói từ miệng cô ta nữa. Chỉ còn những tiếng rên rỉ như mọi người.
Người phụ nữ đang đến kia chắc sẽ không kêu như vậy. Đây hẳn không phải là lần đầu đối với cô ta. Tuy nhiên, một ngày nào đó, cậu cũng sẽ khiến một cô gái bật lên tiếng kêu giống như thế trên thuyền, như bác cậu đã làm với cô gái lai bé nhỏ. Cậu nghe tiếng Francisco gọi:
- Guma!
- Cháu đây...
Chiếc thuyền đã ghé sát cầu tàu. Dưới lớp bùn là chiếc mỏ neo móc giữ con thuyền. Bác cậu và người phụ nữ đã đến sát bên bờ nước. Francisco nhảy gọn lên thuyền và chìa tay đón người phụ nữ đang nhảy theo, đôi chân trần lỗ ra, đầy đặn. Guma nhìn và nỗi khao khát mãnh liệt thoáng bùng lên như lửa, chế ngự cậu hoàn toàn. Cô ta thật đẹp, đúng thế. Giờ thì bác cậu cứ tùy thích bỏ đi, khỏi quấy phiền, mặc cậu ở lại một mình cùng với cô ấy và Guma sẽ cho thấy cậu có thể làm gì. Người phụ nữ nhìn Guma và thực sự tỏ ra thích cậu. Phải, cậu chàng trông ra dáng đàn ông tuy mới mười một tuổi. Guma mỉm cười, để lộ hàm răng sáng trắng. Francisco bối rối đưa tay chưa biết nói sao. Người phụ nữ mỉm cười. Guma nhìn hai người và không hiểu sao bỗng bật cười vui sướng. Người phụ nữ hỏi:
- Cậu có biết tôi là ai không?
Vâng, cậu biết cô là ai chứ. Cậu đã chờ cô biết bao lâu. Cậu đã đi tìm cô trên những con phố của những cô gái khốn cùng, trên bãi biển, qua ánh mắt của tất cả người phụ nữ nhìn mình. Giờ cậu đã tìm ra. Cô là người đàn bà của cậu. Cậu biết cô đã rất lâu, từ khi nỗi khát khao len vào tâm trí, quấy rối bao giấc mơ trong những đêm d
Francisco nói:
- Guma, đây là mẹ cháu.
Nhưng nỗi khát khao ấy chẳng hiểu sao không biến mất. Cô ấy không thể là mẹ cậu, người mẹ cậu chẳng bao giờ nghĩ đến. Một trò láu lỉnh của ông bác, chắc thế. Người phụ nữ trước mặt cậu lúc này là một cô gái đứng đường đã đến đây để ngủ với cậu. Francisco lẽ ra không nên so cô ta với mẹ cậu, một phụ nữ hẳn phải dịu dàng, phúc hậu biết bao, vượt xa những gì cậu nghĩ...Mà có điểm gì chung giữa mẹ cậu và tất cả những gì cậu vừa nghĩ đến? Nhưng người phụ nữ đã đến sát bên và hôn cậu, nụ hôn của tình mẹ. Gái đứng đường không hôn như vậy. Giọng người phụ nữ trong và ấm:
- Mẹ bỏ con lâu quá...Mẹ sẽ không bao giờ để mất con lần nữa...
Guma bỗng bật khóc, bản thân cũng không hiểu vì sao, vì đã gặp được mẹ hay vì mất đi người phụ nữ đang tìm.
***
Cậu không hiểu câu ấy có ý nghĩa gì. Vì sao bà trở về? Và trở về từ đâu? Vì sao bà ấy ôm ghì mình như thế? Với cậu bà ta là người lạ. Cậu chưa bao giờ nhớ đến mẹ mình. Suốt mười một năm qua chưa ai nói với cậu về người mẹ ấy. Và khi trở về bà đã làm xáo trộn mọi nỗi ước ao, mang theo sự duyên dáng hấp dẫn của một người phụ nữ khác cùng những điều gì đó nữa mà cậu hằng chờ đợi khát khao. Là mẹ cậu nhưng dường như bà còn giống hơn với người phụ nữ mà cậu chờ mong, bởi hương nước hoa từ bà là mùi hương của những người phụ nữ ấy, và dầu có cố gắng đến mấy từ môi bà vẫn lộ ra những lời lẽ cậu không muốn nghe, những cử chỉ cậu không biết đến ở những người đàn bà miền biển. Bà là mẹ cậu, nhưng Francisco như dán mắt vào bà, vào cái cổ trắng ngần và khoảng da thịt thoáng lộ nơi phần trên bầu vú vun đầy, vào cặp chân dài đầy đặn dưới tà váy được gió nâng lên. Guma chỉ muốn khóc. Khóc là chuyện đàn ông không làm, ai cũng biết thế. Chính vì vậy Guma chỉ cắn môi im lặng, đợi cho người phụ nữ ấy ra đi và cơn mê này kết thúc. Francisco cảm thấy bồn chồn. Lão biết cô ta đã ngủ với em mình, cô là mẹ của Guma, nhưng hình ảnh da thịt cô lão vừa thấy cứ dai dẳng trong tâm trí. Và lão bắt đầu hối cô cùng đi, viện cớ đêm đã muộn:
- Cô còn phải đi qua cả bến cảng đấy. Khuya rồi...
Người phụ nữ tạm biết Guma:
- Mẹ sẽ về thăm con, con trai của mẹ...
Francisco đi cùng với cô ta. Guma ở lại trên thuyền đứng nhìn theo. Không một giây phút nào cậu cảm nhận cô ta như người mẹ ruột. Và giờ đây người sẽ đi ngủ cùng cô ta là Francisco. Một thân một mình trên thuyền, Guma vụt khóc. Lần đâu tiên cậu nghe giai điệu của bài hát mà lời ca nói rằng: "thật ngọt ngào được chết giữa biển khơi"... và cũng lần đầu tiên cậu nghĩ đến chuyện đi gặp Iemanja, tức Janaina, vị nữ thần đồng thời là mẹ, là vợ của những người sống trên biển cả.
***
Lão Francisco trở về đây giận dữ, môi mím chặt, cặp chân mày nhăn nhíu. Lão nhảy lên khoang thuyền, chẳng nói chẳng rằng kéo ván nằm hút tẩu và ngó biển. Guma mỉm cười: đêm nay ông bác cũng nằm khan. Người đàn bà của Friderico không muốn đi cùng anh trai người đàn ông của họ. Họ cũng có luật danh dự của mình. Chỉ lúc này Guma mới có chút cảm tình với người phụ nữ ấy.
Nhưng trăng đã lên, mái tóc của Iemanja lại trải dài trên mặt biển. Và giai điệu ấy lại vọng lên từ các con thuyền, từ pháo đài cổ, từ những con tàu, từ bến cảng, bài hát ngợi ca nữ thần biển, nữ chúa của ngàn khơi, người mà ai cũng khát khao và sợ hãi. Người là mẹ và là vợ. Chỉ riêng Người biết được nỗi thèm muốn khát khao kia và có thể làm khuây khỏa vỗ về cho tất cả. Cánh phụ nữ đang cầu nguyện Người. Mỗi người cầu mong một điều gì đó. Guma cầu mong có được một người phụ nữ xinh đẹp, thảo hiền, không có mùi nước hoa như mẹ cậu, cầu Iemanja ban cho mình một cô gái trẻ trung, trinh trắng như cậu và xinh đẹp như bản thân Người. Nếu được vậy hẳn cậu có thể quên đi người mẹ mình đã đánh mất, kẻ đã nhòa tan trong đám phụ nữ đứng đường, đã bán thân cho mọi gã đàn ông, đã quyến rũ bác cậu, làm ngất ngây cả Guma, đứa con trai ruột của mình.
Nữ thần Iemanja hay Janaina như cánh lái thuyền thường gọi, thương những người đi biển và luôn hạ cố đến những giấc mơ, những khao khát cháy lòng của họ.
***
Mẹ của Guma đã không trở lại, dù chỉ một lần.Hẳn người đã trôi dạt đến những miền đất khác.Vì cũng như dân đi biển, cánh phụ nữ đứng đường không ghé lâu ở một bến cảng nào. Họ cứ đi, đi mãi, đến bất cứ đâu có thể kiếm sống, kiếm tiền.Tuy nhiên hình ảnh ấy, mùi hương lạ ấy một thời gian dài vẫn ám ảnh hoài trong giấc ngủ Guma. Cậu những mong người trở lại, không phải như người mẹ với những lời âu yếm dịu dàng mà như một cô gái đứng đường với đôi môi hé mở đợi chờ những nụ hôn ân ái. Lòng cậu không bao giờ còn thanh thản. Trong con tim non trẻ của cậu hoà trộn hình ảnh thuần khiết tối thiêng của người mẹ và bóng dáng của người phụ nữ bán thân kiếm sống, kẻ phải sử dụng tình yêu như một món hàng. Cậu chưa từng có mẹ. Cậu đánh mất người ngay khi vừa tìm được, khát khao người mà chẳng có chút tình yêu, thậm chí còn căm giận. Duy nhất trên đời chỉ có một người có thể đồng thời làm mẹ và làm vợ, đó là Iemanja, và đấy cũng là lí do tại sao nữ thần được dân đi biển khát khao đến thế. Để được yêu Iemanja, người mẹ và người vợ, ngươi phải chết. Nhiều lần Guma đã tính nhảy xuống biển trong giông bão. Để được đi cùng Janaina để được yêu người mẹ và cũng là người vợ ấy.
Rồi một đêm nọ lão Francisco đưa về thuyền một cô gái lai den và bỏ đi. Khi Guma trở về, quần xắn cao, chân đầy bùn đất cô ta uể oải xoãi người nằm trên ván thuyền đầy quyến rũ, ánh mắt nhìn đượm vẻ gì đó lạ lùng. Cậu hiểu. Hai năm đã qua từ ngày mẹ cậu xuất hiện. Cô gái hôm nay lẽ ra đã phải đến từ buổi ấy, thay vì mẹ cậu. Như thế này có lẽ lại hơn.
Và khi những đám mây lớn che phủ vắng trăng, cậu đưa thuyền ra giữa vịnh với những ngọn gió đuổi phía sau mang theo lời ca từ bến cảng. Những tiếng kêu tự hào vang lên từ lồng ngực Guma. Chắc trên bờ lão Francisco và mọi người đang cợt đùa chuyện cậu. Mặc giờ cậu cũng là một người đàn ông biết cư xử ra sao với một người phụ nữ. Giờ cậu có thể một mình dong buồm ra đi cùng con thuyền "Quả cảm", như một tay lái thuyền thực thụ, đến mọi bến bờ. Đêm ấy cậu cập bến sau một cơn giông bão ra bất chợt. Cô gái lại sợ hãi nép đầu vào ngực cậu ngay từ khi nghe tiếng sấm đầu tiên. Cậu mỉm cười thầm nghĩ hẳn ghen tuông nên Iemanja đã làm dậy lên cơn mưa bão chống lại mình.
Một ngày nọ (nhiều tháng năm qua, nhiều phụ nữ cũng từng qua). Lão Francisco suýt nữa đã lao thuyền vào đá: đá ngầm trên sông. Nếu Guma không kịp lao tới bẻ quặt tay lái hẳn hai người đã phải vĩnh biệt con thuyền. Ông lão đã cúi đầu lầm lì không nói cười suốt chuyến đi. Tối thấy lão không kể chuyện, chẳng đùa cợt với bạn bè ở quán như mọi khđường về lão trao tay lái cho Guma và oải người nằm ngủ trên ván, mặc cho nắng muộn buổi mai đánh thức tấm thân già. Lão nói Guma:
- Ta đã cầm lái ở đây trên ba chục năm rồi....
Guma đưa mắt nhìn ông bác. Ông già thổi tàn khói tẩu thuốc Francisco không thuộc loại hài lòng với chuyện suốt đời xuôi ngược một dòng sông. Ông ấy mong làm thuỷ thủ trên những con tàu lớn, biết những bến bờ xa...Ai chẳng có con đường đi của họ....
Nắng chói chang trên mặt nước bình yên. Những tảng đá ngầm lấp loá. Guma an ủi ông già:
- Bắc đã từng cầm lái những bốn con thuyền....
- Frederico đã đem cháy về sau một chuyến đi biển. Đã mười lăm năm rồi... Ông ấy từng dọc ngang theo những con tàu. Đầu tiên là những con đò đọc tuyến Baiana, rồi những con tàu lớn, đi khắp nơi kiếm tìm hạnh phúc cuộc đời. Cháu đã ở lại với ta, cho đến khi ông ấy trở về...
- Cháu còn nhớ. Lúc ấy đang giữa đêm, đột nhiên...
- Ông ấy không nói vì sao đã trở về. Ta nghĩ chắc lại chuyện gái gủng gì đấy. Người ta nói ông ấy đã đâm đổ ruột ai đó. Một đứa ngang tàng, chẳng bao giờ chịu nhục....
Guma mỉm cười nhớ lại hình ảnh cha mình trong chiếc áo mưa đen nước còn nhỏ giọt. Nhớ cảnh ông đã vui mừng ôm lấy Francisco:
- Anh, em đã về đây...
Thoạt tiên Guma sợ hãi, thậm chí còn chạy tránh những cái hôn, tránh bộ ria rậm rạp của ông. Nhưng giờ đây trong anh dậy lên một niềm vui khó tả khi hồi tưởng lại giây phút ấy, khi người cha đột ngột trở về và bước đến với anh..Sau khi đã đâm thẳng bụng một gã nào đó, vì một cô gái lai đen. Người cha đã từng thấy bao miền đất xa xôi kì lạ, kể đã đi trên bao con tàu lớn vượt đại dương...
Lão Francisco nói tiếp:
- Rồi ông ấy ở lại cùng đi biển trên mấy chiếc thuyền của bác. Chiếc " Sao mai". Cháu có nh
- Cháu nhớ... Người mới sôi động làm sao...
- Cho đến cái đêm tháng năm ấy. Một đêm giông bão. Ta nhớ ông ấy vẫn đang cười ngay cả lúc hồn đang lìa khỏi xác. Một con sói biển can trường, sôi động, đúng như cháu nói. Bà nhà ta cũng ra đi vào đêm ấy bị đứng tim. Thậm chí ta đã kêu bác sĩ nhưng chẳng ích gì. Tim mà, cháu biết đấy...
Guma tự hỏi vì sao tự nhiên lão Francisco lại nhắc về những chuyện ấy. Ông ấy thiếu gì chuyện để kể, sao lại kể chuyện mình? Không hiểu vì sao anh chợt cảm thấy buồn.
- Lẽ ra ta đã nên ngừng đi biển từ bữa ấy. Chẳng còn gì phải làm... Nhưng ta còn có cháu và cần phải dạy cháu cách điều khiển con thuyền... Giờ cháu đã thạo rồi.
Ông già mỉm cười. Guma cũng cười thạo. Anh đã biết phải làm sao để lèo lái một con thuyền. Người không còn biết gì hơn nữa chính là ông lão Francisco, kẻ đã truyền hết kiến thức của mình cho đứa cháu.
- Ta đã già rồi... Với ta mọi chuyện đã xong... Thân ta giờ đến cá cũng chê chỉ rặt xương...
Lão im lặng một thoáng như gắng vận hết sức mình
- Cháu thấy chưa?? Lúc xuôi theo dòng nước chút xíu nữa ta lao chiếc "Quả cảm" nảy vào mỏm đá...
- Đâu có, bác mình vòng qua nó rồi mà!
- Vì cháu đã vặn tay lái kịp. Mắt ta giờ tối rồi. Nắng biển gặm nhắm mắt con người...
Lão nhìn chăm chăm Guma như tính nói một điều gì đó quan trọng. Mặt trời thiêu đốt trên da nhưng lão như con nít già sương nắng. Lão đưa tay lên:
- Ta già rồi, đã trải qua mọi chuyện. Nhưng ta không muốn bị đám da đen trên cảng cười nhạo. Sao nhỉ, sau ba mươi năm chèo lái lão Francisco đã đâm thuyền vào đá. Đến cá giờ cũng chê thân xác của ta...
Giọng lão đầy đau khổ, Một nỗi đau không lời như linh cảm giây phút cáo chung đã đến. Guma ngồi im, chẳng biết nói sao. Francisco tiếp:
-Cháu đừng kể cho ai... Chẳng một ai muốn thấy ta phải xấu hổ...
Chặng đường về còn lại trôi đi trong im lặng và đó cũng là chuyến đi biển cuối cùng của ông lão Francisco.
Giờ thì anh là người duy nhất chèo lái con thuyền "Quả cảm" trên những vùng nước xanh thẳm này. Lão Francisco giờ chỉ sửa thuyền, uống rượu và kể chuyện.Với lão mọi việc đã xong, chiếc "Quả cảm" chỉ là quá khứ va biển không muốn cướp lão đi nữa. Lão đã được tận mắt thấy Iemanja mỉm cười với mình, số lão chẳng phải chết mới gặp được nữ thần biển cả.
Guma ở lại với những con thuyền nhỏ, với bến cảng, nhưng con đường của cha luôn quyến rũ anh, anh yêu thích những con tàu khổng lồ neo tại cảng, mê mẩn lắng nghe những ngôn ngữ lạ kỳ của các thủy thủ tóc vàng,những câu chuyện của cánh thợ máy da đen cùng những lời họ bảo anh rằng một ngày nào đó nhất định anh cũng sẽ ra đi trên những con tàu ấy, sẽ nhìn thấy những miền đất khác, vầng trăng khác, những ánh sao khác, sẽ hát lên bài ca hải cảng quê mình trên bến lạ, nơi mọi người dù không hiểu lời ca nhưng vẫn im lặng lắng nghe chỉ vì giai điệu của nó, chỉ vì đó là bài ca của người đi biển, nghĩa là dẫu bằng ngôn ngữ nào nó cũng nói về biển cả, bất hạnh và tình yêu. Ngày nào đó anh sẽ đi trên một trong những con tàu nọ, nhìn lại những chiếc thuyền bé xíu này, sẽ đổi những vùng nước yên bình nơi vịnh và sông Paraguacu lấy những vùng biển vô tận đầy sóng gió ngàn khơi, theo những con đường triền miên dẫn đến những vùng đất xa xôi cùng cực. Ôi, được ra khơi trên những con tàu đen to lớn, được sống trong những huyền thoại từng nghe, đó mới là niềm ao ước của anh. Đã có vài tay đánh cá bỏ thuyền đi như vậy. Đôi khi họ trở về ít bữa, kể những chuyện kỳ lạ kinh người, tả những vụ đắm tàu trong bão tố, những trận chiến với đám da vàng nơi tận cùng thế giới và nói bằng thứ tiếng pha trộn mọi thổ ngữ trên đời. Nhưng cũng có những người không thấy trở về. Chico Tristeza ("Francisco buồn bã, ai mà không nhớ anh ta") được thuê lên một chiếc tàu chở hàng của Đức từ khi còn là một cậu bé. Một tay da đen to lớn chẳng bao giờ thấy mỉm cười. Anh ta ngó sóng, nhìn tàu và toàn nói chuyện ra đi. Tưởng như quê anh ấy là một miền đất khác, đâu đó bên kia biển. Một ngày nọ chiếc tàu từng đưa Chico Tristeza đi đã quay trở lại. Ngày bà mẹ già của anh ta bán bnh dừa tận trung tâm thành phố cũng chạy ra, không hiểu sao bà biết. Nhưng mọi người nhanh chóng tản đi bởi Chico Tristeza không trở về theo con tàu ấy. Anh ta đã chuyển sang con tàu khác làm thợ đốt lò. Từ tàu ấy, mấy người Đức nói, anh ta đã sang chiếc thứ ba và không ai còn biết anh ta đang ở nơi nào trên thế giới. Cũng có kẻ nói anh ta đã chết nhưng chẳng một ai tin. Người thủy thủ luôn trở về để chết tại bến cảng của mình, bên những con thuyền, những vùng nước quê hương. Tất nhiên trừ khi phần số buộc anh ta chết chìm ngoài biển. Và cả khi đó anh ta cũng theo nữ thần biển cả về ngắm trăng trên bến cảng quê nhà, nghe bài ca của những người có cùng nơi chôn rau cắt rốn. Chico Tristeza không chết, không thể chết ở một nơi xa xôi nào đó.
Guma không biết nhiều về Chico Tristeza bởi còn bé khi anh ấy ra đi. Nhưng anh thích các hồi ức về anh ta, và ao ước trở thành người như vậy. Những con tàu đen to lớn luôn quyến rũ anh. Sự huyền bí ẩn mình nơi đó, trong tiếng còi tàu, trong các mỏ neo nặng trĩu, cột buồm vươn cao. Ngày nào đó Guma sẽ ra đi tới những vùng đất vô bờ bến ấy. Chỉ còn mỗi ông lão Francisco giữ chân anh lại giải đất này, như một chiếc neo. Anh phải nuôi bác mình, người đã dạy anh tất cả những gì anh biết. Và khi ông già mệt mỏi với cuộc sống trên bờ và bỏ ra đi cùng Mẹ Biển anh cũng sẽ rời nơi này đến những vùng biển vô bờ, đường anh đi sẽ chẳng còn gì ngăn cản, cánh buồm con sẽ được thay bằng con tàu đen to lớn, và người trên bờ sẽ kể bao huyền thoại về anh.
***
Anh trở thành người chủ duy nhất của chiếc "Quả cảm" và hiểu rằng tuổi thơ của mình đã hết. Tuổi thơ của anh đã kết thúc từ lâu, thậm chí trước cuộc ái ân cùng cô gái lai mà Francisco để lại trên thuyền trong tư thế nằm uể oải chờ anh. Chính vào ngày mẹ anh về, rất lâu trước khi gặp cô gái ấy, nhiều năm trước đó, ngày anh đã một mình đưa thuyền đến tận Itaparica và lần đầu tiên cảm thấy nỗi khao khát của người đàn ông trong cơ thể. Ngày hôm ấy anh đã cất tiếng cười thô lỗ của người đàn ông, chính hôm ấy những ý nghĩ tội lỗi đã nhập vào tim anh và ước muốn ra đi đã nảy mầm và sống mãi trong anh. Anh đã thành đàn ông từ buổi ấy.
Anh không nhớ được gì nhiều về tuổi thơ ngắn ngủi của mình bởi số phận một đứa trẻ vùng biển như anh đã được chọn lựa bởi phần số của người cha, người bác, của bạn bè và tất cả những ai đang sống quanh anh trên bờ biển ấy: số phận anh thuộc về biển và đó là một số phận anh hùng. Có thể anh không biết điều đó, thậm chí không hề nghĩ đến, cũng như những người đàn ông trên thuyền vẫn nói năng thô tục ban ngày và hát những bản tình ca êm đềm vào buổi tối, không biết rằng mình là những ùng từng giây phút liều mình trên sóng nước, trong mưa giông chớp giật hay dưới vầng mặt trời rực lửa đang cháy sáng trên Bahia, Thành phố Thánh thần. Anh không bao giờ nghĩ mình có số phận anh hùng và cuộc đời đẹp đẽ. Tuổi thơ anh cũng chẳng vô tư bởi có quá nhiều điều phải lo đến, phải lên thuyền từ khi còn quá nhỏ, phải chong mắt nhìn những mỏm đá ngầm nguy hiểm ẩn dưới mặt nước phẳng, tay trở nên chai sần do cầm lái, kéo chài.
Thời gian đến trường của anh cũng chẳng được là bao. Anh cùng đám trẻ con các chủ thuyền, con những người đánh cá chỉ có thể dành khoảng thời gian tối thiểu để đoán giải từng từ và nguệch ngoạc đôi dòng, dùng hết sức tô điểm cho cái đuôi của con chữ cuối cùng trong nhật ký. Có quá nhiều việc phải làm đang đợi chúng ta ở nhà và ở biển, chúng không thể nán lại trường lâu. Và khi gặp lại, cô giáo của chúng (tên là Dulce, nghĩa là hiền dịu) không còn nhận ra các trò năm trước của mình qua những người đàn ông trẻ con lớn xác, ngực trần, mặt cháy nắng ấy. Chúng đi qua bên cô, rụt rè cúi đầu, vẫn yêu cô như những đứa trẻ bởi cô thật dịu hiền và mệt mỏi biết bao sau tất cả những gì đã thấy trên dải đất này. Cô đã thấy nơi đây nhiều chuyện đáng buồn, một cô bé tốt nghiệp trường sư phạm nhận về dạy ở đây để nuôi người mẹ nghèo trước kia từng giàu có, nuôi người anh say xỉn từng là niềm hy vọng của cả nhà: cô, mẹ và cả cha nữa, một người đàn ông vui tính râu rậm, giọng trầm đã qua đời trước khi mọi chuyện trong nhà trở nên tồi tệ. Cô về thay một bà giáo già độc thân nanh ác thường khẻ tay lũ trẻ, gắng biến lớp học của mình thành mái ấm tình thương cho đám trẻ trong vùng. Nhưng cô đã thấy bao chuyện buồn đau bên những con tàu, trong những ngôi nhà tồi tàn của dân chài lưới, trên các khoang thuyền, cô đã thấy cận kề những mảnh đời khốn khó,đã mất đi sự tươi tắn lẫn niềm vui và không còn mộng mơ như những ngày đầu về chàng hoàng tử sẽ đến với mình từ xứ sở xa xăm trên một con tàu lớn, ý tứ cho những vần thơ tình cũng úa héo dần đi. Và vì theo đạo - Cô cầu nguyện Chúa trời - vốn độ lượng - hãy kết thúc cảnh khốn khó tột cùng kia nếu không muốn sớm đến ngày tận thế. Từ cửa sổ ngôi trường cô giáo gầy gò nhìn đám trẻ dơ dáy, rách rưới, không sách, không giày rời lớp học để đến với bao công việc nặng nề, để lang thang qua những quán bar trên cảng, để thù tạc rượu chè mà cô không hiểu. Mọi người đều khen cô nhân ái, chính cô cũng biết thế. Tuy vậy chỉ những ngày đầu đến đây cô cảm thấy mình xứng với lời khen ngợi ấy khi nói lời an ủi với những con người vô vọng ở đây, khêu lên nơi họ niềm hy vọng. Nhưng niềm hy vọng ấy đã tắt từ lâu,ngay trong bản thân cô, lời cô nói giờ trở nên trống rỗng, không gì còn có thể sưởi ấm những trái tim vốn đã tổn thương sâu sắc bởi bao thất vọng phũ phàng... Chính cô cũng đã mòn mỏi qua chờ đợi. Không thể tìm lại những lời an ủi ấm áp ngày xưa. Cô chẳng thể làm gì hơn cho họ, những người gửi con cái mình đến nhờ cô dạy dỗ nửa năm trời.Không, cô không xứng đáng được khen là nhân ái,không còn đâu những lời sáng suốt để nói, chẳng giúp được gì cho những người này. Nếu không xảy ra điều gì đó diệu kỳ,một sự thay đổi lớn lao, hùng vĩ, bất ngờ như bão tố, hẳn cô sẽ chết ở đây bởi bao nỗi u buồn, trăn trở do thấy mình không giúp được gì cho những người con, những con người của biển.
Guma đã học đọc, học cách viết tên mình dưới mái trường cô. Cô gắng dạy cho cậu biết thật nhiều. Nhưng lão Francisco gọi cậu lên thuyền, số cậu là ở đó. Chưa có luật sư, bác sĩ nào xuất xứ từ nơi đây, nhưng thợ máy thì nhiều, thậm chí có người đã tiến xa, trở thành điện tín viên trên một tàu khách lớn.
Guma rời trường, lòng không vui, cũng chẳng buồn. Cậu thích cô giáo, việc học với cậu cũng chẳng mấy khó khăn, cậu thích Rufino, thằng bạn nhỏ da đen biết trổ những hình xăm bằng đầu ngòi viết song chẳng bao giờ thấy thuộc bài. Nhưng cậu cũng thích ra biển trên một chiếc thuyền buồm, đi đón đầu số phận. Hôm xa trường cậu được cô Dulce trao cho một chiếc mề đay nhỏ quàng trên cổ.
Từ cửa sổ cô nhìn theo bóng Guma đang dần xa. Mới mười một tuổi đầu và cậu đang đi những bước đầu tiên vào cuộc sống tự lập, như một luật sư, bác sĩ nào đó vừa tốt nghiệp ra trường và sắt bắt đầu cuộc sống riêng của mình ở tuổi hai lăm. Guma cũng vừa tốt nghiệp và sắp bắt đầu cuộc sống tự lập của mình, nhưng không có tiệc tùng, cũng chẳng có một lời chúc tụng, chỉ có cảm giác nhẹ nhõm hơn vì bớt phải giặt đồ để luôn sạch sẽ chỉnh tề khi đến lớp theo nội qui. Cậu học trò ấy ra trường lòng cũng không hoài bão. Không ước mơ về những cuộc chinh phục lớn lao, những phát minh vĩ đại, những sáng chế phi thường, những áng thơ êm đềm hay bi tráng. Cô biết Guma rất thông minh, trong số bạn học ở trường Sư phạm, thậm chí đám bạn bè Hàn lâm của cô ở Viện văn học cũng ít người thông minh như vậy. Tuy thế họ luôn hy vọng lập nên những kỳ tích trên đời, mơ ước về một số phận lớn lao đang chờ phía trước. Những hoài bão ấy chẳng bao giờ đến với các học trò nhỏ ra đi từ mái trường cô. Số phận đã an bài với chúng. Mũi xuồng, mái chèo. Quá lắm là phòng máy một con tàu lớn như một giấc mơ xa ít người nghĩ đến. Biển vẫn nằm đó trước mắt cô giáo như lần đầu tiên cô thấy. Biền đã nuốt đi nhiều học trò cô, nuốt đi ở cô cả giấc mơ thời con gái: Biển tuyệt vời nhưng khắc nghiệt. Người ta nói biển là tự do, và tự do là phần số những người sống trên biển cả. Nhưng cô giáo Dulce hiểu rõ sự thực không phải vậy, tất cả đàn ông,đàn bà, bọn trẻ ở đây nào có tự do, họ là những nô lệ của biển, bị cột chặt với biển bằng những xiềng xích nặng nề không ai thấy.
Ngoài kia Gubước đi, cậu bé học được rất nhanh ấy. Nếu được vào trường Bách khoa hẳn cậu có thể thành một ký sư giỏi, có thể sáng chế ra những chiếc máy làm nhẹ bớt công việc của người đi biển, giảm bớt rủi ro cho họ trên những vùng biển bao la đầy bất trắc. Nhưng trẻ miền biển không vào trường Đại học. Chúng đi theo những con thuyền. Ban đêm chúng sẽ hát những bài ca về biển, trong đó có những giọng ca tuyệt vời. Có điều các bài hát lại u buồn, như cuộc đời của chúng. Thực không thể hiểu... Cô Dulce không thể hiểu vì sao...
***
Mỗi khi gặp cô Dulce hay khi gió lay lật chiếc mề đay treo trước ngực, Guma thường nhớ về trường và về tuổi thơ của mình đã nhanh chóng trôi qua.
Vào một ngày đã rất xa, khi biển động,mưa trên thành phố và thuyền bè không thể ra khơi, lão Francisco đang kể cho vợ và Guma nghe chuyện đắm tàu, cửa bỗng mở và một người đàn ông bận áo mưa sũng nước bước vào. Hầu như anh chỉ còn nhớ nơi người đó bộ ria rậm nhưng không thể quên giọng nói với lão Francisco:
- Anh, em đã về đây...
Guma cảm thấy sợ nhưng ông ta đã đến bên, vui mừng vồn vập hôn anh, vừa ngắm nhìn tận mặt. Rồi ông ngồi rỉ rả với Francisco, kể cho lão về vụ ẩu đả, về một tay nào đó đã "đi ngủ với con giun". Cha anh đã trở về như thế sau khi bôn ba bốn biển năm châu. Ông trở về sau cái chết của ai đó dưới lưỡi dao của mình và không thể rời khỏi vùng biển quê để tiếp tục những cuộc phiêu lưu mới. Nhưng có thể cũng vì quá tôn thờ những chuyến viễn du, cha anh không nấn ná lâu trong vùng nước quê nhà mà đã đi cùng chiếc "Sao mai" về nơi đáy biển sau khi cứu mạng anh mình. Chỉ như vậy ông mới có thể tiếp tục cuộc viễn du dang dở và được đi cùng Mẹ Biển vốn yêu thương những kẻ can trường.
Guma không nhớ rõ lắm về cha, nhưng nhớ rõ cái đêm giông bão ấy, khi ông đột ngột bước vào trong chiếc áo mưa đen, giũ nước mưa trên người, bên hông còn mang con dao đã lấy đi sinh mạng ai đó. "Chắc có chuyện gái gủng gì đây" - lão Francisco khẳng định khi câu chuyện ngẫu nhiên quay về vụ ấy - "Frederico đúng là tay sát gái...".
Vào đêm cha mất, cả cô Rita, vợ bác Francisco, cũng đã ra đi. Khi bão lặng bà đã chạy ra bờ đá, mang theo Guma trùm trong chiếc khăn choàng che mưa chắn gió. Họ chờ đợi rất lâu trong vô vọng. Rồi họ về nhà, đã sắp tới giờ ăn tối. Bà làm cá nấu cho hai người đàn ông, tuy trong lòng hẳn không tránh khỏi ý nghĩ biết đâu cả hai đã làm mồi cho cá. Bà chờ đợi, đi ra đi vào, cầu nguyện Đức bà Monte Serrat, hứa hẹn với Iemanja. Bà cầu nguyện sẽ dâng hoa cho ngày hội của Iemanja, sẽ cúng hai cây nến lên điện thờ Đức bà Monte Serrat. Nửa đêm Francisco trở về. Bà lao vào vòng tay ông, và để lại sinh mạng mình nơi đó. Sức bà không chịu nổi niềm hạnh phúc lớn lao đến thế. Trái tim bà vỡ tan và Guma còn lại một mình, cùng lão Francisco.
Anh đã tham gia các lễ hội mừng Dona Janaina, đã đến chỗ Anselmo, vị thầy tế của quận Dam nhiều quyền năng trước nữ thần biển cả, đã gặp Chico Tristeza, người luôn nuôi mộng đi xa theo các con tàu. Anh còn nhỏ khi chàng da đen ấy bỏ nhà ra đi nhưng đã gặp anh ta rất nhiều lần trên cảng đang dõi mắt nhìn về phía chân trời xanh biếc, nơi tận cùng của vạn vật. Thế giới của Chico hẳn rất xa xôi, là miền đất của những con đường vô tận mà anh hằng mong được đến. Anh ấy đã dõi tìm về phương ấy mãi đến giờ và hẳn sẽ trở về một ngày nào đó bởi vốn là đứa con của vùng biển nơi này và sẽ về chết trên bến cảng quê hương. Anh ấy sẽ còn gặp lại Dona Dulce, người đã dạy anh biết đọc và thường nhắc về anh. Khi trở về hẳn anh ấy sẽ kẻ nhiều chuyện, cánh đàn ông trên cảng - cả những người già nhất - sẽ vòng trong vòng ngoài nghe chuyện của anh. Chắc chắn anh ấy sẽ trở về. Mọi con tàu đều mang tên mình trên thân tàu, trên bánh lái. Hệt như vậy, người thủy thủ cũng mang theo tên vùng đất cảng quê hương trong trái tim mình. Vài người còn xăm cái tên ấy trên ngực, sát cạnh tên những người tình họ đã yêu thương. Giống như con tàu có thể chìm ở xa nơi bến đậu, người thủy thủ cũng có thể chết xa vùng biển quê nhà. Nhưng rồi họ cũng sẽ quay về cùng với Iemanja vốn biết rõ ai từ đâu đến, để gặp lại người thân và nhìn lại vầng trăng quê hương khi ra đi vào thế giới vô cùng. Chico Tristeza sẽ trở lại. Hẳn Guma sẽ học được nhiều điều từ anh ấy, và anh cũng sẽ ra đi bởi những con đường thênh thang của biển luôn quyến rũ hồn anh.
Từ mọi ký ức tuổi thơ anh nhớ nhất việc Chico Tristeza đã đột ngột rời bỏ quê nhà ra đi theo một con tàu lớn. Ngày nào đó anh cũng sẽ đi theo con đường ấy.
Rất nhiều đêm tuổi thơ Guma ngủ trên con thuyền "Quả cảm" neo tại cảng. Một bên là thành phố lấp lánh trong vạn ánh đèn đường. Thành phố trải ngược lên sườn dốc với những nhà thờ vọng tiếng chuông ngân, tiếng cười nói và âm thanh xe cộ. Ánh sáng từ các thang máy lên xuống như trong một cây đèn phù thủy khổng lồ. Còn bên kia là biển, trăng, là những vì sao, và tất cả cũng đều lấp lánh. Nhưng tiếng nhạc ở đây nghe buồn bã, thấm sâu hơn vào mọi tâm hồn. Tàu, thuyền lặng lẽ cập b lượn lờ trong nước lặng. Tuy nhiên thành phố ồn ào huyên náo ấy còn yên bình hơn thế giới tĩnh lặng của biển cả bên này. Thành phố có nhiều phụ nữ xinh đẹp, nhiều chuyện ngông cuồng, những rạp phim, rạp hát, quán bar và rất nhiều người. Biển chẳng có gì giống thế. Tiếng nhạc của biển u buồn hát về cái chết và tình yêu đã mất. Nơi thành phố mọi thứ đều sáng rõ dưới ánh đèn đường, chẳng có gì huyền bí. Người biển khơi mọi thứ lại ảo huyền như những ánh sao đêm. Đường thành phố rất nhiều và vững chắc. Ngoài khơi chỉ có một con đường đầy bất trắc nhấp nhô biến động khôn lường. Đường thành phố đã bị chế ngự từ lâu. Đường trên biển phải chinh phục từng ngày, là cuộc phiêu lưu với mỗi ai, với mỗi lần đặt chân lên đó. Nơi đất liền không có Iemanja cùng lễ hội Janaina, không có bài ca buồn da diết ấy. Tiếng nhạc và cuộc sống của đất liền chưa bao giờ quyến rũ nổi trái tim Guma. Trên cảng chưa từng nghe chuyện một người con chốn vạn chài bị quyến rũ bởi cuộc sống bình yên nơi phố thị. Nếu kể chuyện do cho cánh thợ buồm già hẳn họ sẽ bật cười, không tin nổi. Người ta có thể bị quyến rũ đến xem những miền đất lạ, đúng. Nhưng từ bỏ con thuyền để sống suốt cuộc đời trên đất cạn, điều đó chỉ có thể nghe bên bàn rượu, giữa những tiếng cười khinh.
Guma chưa từng bị đất liền quyến rũ. Nơi ấy làm gì có những cuộc phiêu lưu. Đường trên biển mênh mông biến động, lôi cuốn hồn anh, đúng thế. Nó có thể đưa anh đến nơi tìm được cho mình hạnh phúc, tình yêu. Và có thể, cả cái chết, ai mà biết được? Biển mới là bến đỗ cuối của đời anh.
Cũng vào một đêm như vậy mẹ anh đã trở về. Chưa ai từng nói với anh về mẹ và bà đã đến từ đất liền, là người của đất liền, bà không có gì giống với những người đàn bà của biển, chẳng có gì giống anh, và anh nghĩ đó là cô điếm anh đang chờ đợi. Bà chỉ đến để khiến anh thấy khốn khổ hơn. Và bà đã không bao giờ trở lại. Nhiều phụ nữ khác từ đất liền đã đến thuyền anh, những ả điếm đầu tiên đến vì tiền, rồi những cô gái đen, gái lai từ các ngôi nhà cạnh cảng đến vì thấy anh cường tráng và coi việc ân ái cùng anh là một lạc thú ngọt ngào. Những người đầu tiên khiến nhớ đến mẹ. Họ dùng thứ nước hoa như bà, nói năng cũng vậy, có điều không biết cười như cách những phụ nữ biển mỉm cười với con, và như vậy nửa phần mẹ, nửa phần điếm, điều này càng khiến anh khổ sở muôn phần.
Bà đã không trở lại. Có thể bà đã lang bạt qua những vùng cảng xa với những đàn ông khác. Ai biết được, có thể hàng đêm, đơn độc một mình khi người đàn ông cuối đã rời đi, bà khắc khoải nhớ đứa con sống trên thuyền chẳng biết làm sao nhắn đôi lời gởi mẹ. Ai biết được, có thể bà đã mòn mỏi, u sầu bởi lòng thương nhớ để mất. Nhưng khi khúc nhạc tình yêu vang lên từ phía biển, vọng qua pháo đài lan tỏa lên các con thuyền, Guma quên đi mọi chuyện và thả hồn theo giai điệu dịu dàng của những bản tình ca da diết tuyệt vời.
***
Tuổi thơ của anh qua nhanh. Guma hầu như chẳng biết đến các món đồ chơi trẻ con nhưng lại sớm cảm nhận được sức mạnh của bản thân và tìm nơi thể hiện. Vết sẹo lớn trên tay là dầu tích của một trận ẩu đả năm anh mười bốn tuổi. Đối phương là Jacques, Rodolfo, Mắt lác và Maneca tay vẹo. Bên này chỉ có anh và Rufino, trận đấu nổ ra vì một trò nghịch tai quái khi Maneca tay vẹo tốc váy em gái Rufino, một cô bé da đen vừa qua mười tuổi. Anh đang chuyện trò vớ vẩn với thằng bạn da đen của mình thì Maricota khóc lóc chạy đến:
- Nó lật nhìn váy em...
Rufino đi tìm Maneca tay vẹo. Guma không bỏ bạn trong những tình huống ấy, luật cảng là như vậy. Họ đi với nhau và thấy bốn đứa kia vẫn còn đang ngả ngớn nói cười. Rufino ra tay trước, cậu không ưa lý sự lôi thôi. Trận chiến nổ ra quyết liệt trên bãi cát nóng thiêu dưới nắng, hai kẻ thù lăn lộn trên đất, giáng cho nhau những đòn chí tử. Maneca tay vẹo - hắn cũng đầy đủ hai tay những một tay yếu vì tật - bị Rufino cho một đấm nằm thẳng cẳng. Tuy vậy trận đấu vẫn không cân sức - ba chọi hai, - và giữa hồi quyết chiến Rodolfo (phải nói rất tiểu nhân) đã rút dao đâm tới. Rufino đến giờ vẫn còn vết sẹo dưới cằm, lúc đó Guma chỉ kịp nhảy đến đánh bạt sang bên lưỡi dao đang đâm thẳng vào mặt bạn mình. Bọn kia phải bỏ chạy dầu đã chơi dao, dầu ba chọi hai. Rufino quệt máu trên mặt và hứa:
- Thằng Rodolfo phải trả giá vụ này. Bữa nào đó nó sẽ biết tay tớ...
Guma chẳng nói gì. Cậu ưa cái luật của đất cảng không cho phép chơi dao trừ khi kẻ địch đông hơn. Bất kỳ ai vi phạm luật ấy chỉ là đồ rác rưởi trong suy nghĩ của cậu.
Một tuần sau người ta tìm thấy Rodolfo nằm ngoài bãi cát, mặt mày bầm dập, không dao, không quần. Rufino đã thực hiện lời mình hứa.
Anh thích Rufino từ khi còn đi học. Mồ côi cha, lớn lên nhờ mẹ, Rufino không đi học được lâu. Cậu cũng chẳng học được gì nhiều ngoài chuyện xăm hình mỏ neo, hình những trái tim bằng ngòi viết và mực xanh. Bị Dona Dulce r la cậu chỉ toét miệng cười phơi hàm răng trắng cùng ánh mắt hiền lành vô tội khiến cô Dulce cũng phải cười theo. Cậu thôi học để đỡ đần cho mẹ và em gái, mang sức khỏe của đôi tay đi làm thuê cho mọi chủ thuyền. Cậu là một tay chèo cực khỏe bởi khắp vùng cảng này chẳng ai có được lòng tin như cậu vào Iemanja. Chắc chắn một ngày nào đó cậu sẽ có được chiếc thuyền của chính mình, điều cậu luôn nguyện cầu vào dịp lễ Thánh Mẫu, và cậu đã dâng bao nước hoa lên Đức mẹ Aioca (người da đen gọi Iemanja như vậy) để giữ cho mái tóc của Người. Hẳn Người sẽ cho cậu một chiếc thuyền vì trong các lễ hội mừng Người, cậu luôn là tay cuồng nhiệt nhất. Ngày nào đó cậu sẽ trở thành oga, thầy phụ lễ trong những nghi thức camdomblé của Người. Chàng da đen Rufino cười rất nhiều, uống cũng lắm nhưng giọng hát trầm lắng của cậu lại khiến người ta phải khóc.
Rodolfo trông chẳng giống gì với người dân xứ. Một ngày nọ cha gã đến đây mở tiệm tạp hóa, song chẳng thành công. Nhưng ông ta không bỏ đi mà dựng một sạp trong chợ để bán các món hàng cho chợ phiên ở Agua dos Meninos. Rodolfo ra đời và lớn lên thành một gã da trắng đẹp mã với mái tóc suôn tém dầu bóng mượt. Lớn lên gã đã sớm từ bỏ con thuyền do cha tậu cho, quay lưng lại với biển và sống không biết tận những đâu, thoắt ẩn thoắt hiện. Đôi khi gã trở về với những món tiền to, đãi rượu khắp và gây gổ ẩu đả ở quán "Sao hải đăng". Lần khác gã lại hiện ra rách rưới tiều tụy như ăn mày, xin xỏ từng xu và uống nhờ kẻ khác. Dân cảng nhìn gã ngờ vực và nói đó là một tay "trí trá".
Jacques cũng lớn lên trên những con thuyền như Guma. Hắn lấy vợ và chết cũng lượt với cha trong một đêm mưa bão, để lại vợ và đưa con còn nằm trong bụng mẹ. Maneca tay vẹo vẫn sống trên các con thuyền, với cánh tay vẹo gã cũng thạo lèo lái không kém gì ai. Ngay Manual, một lão làng trên cảng nhưng luôn trai trẻ trong đời cũng tỏ ra nể phục gã.
Đó là đám bạn bè thời trẻ con của anh. Trên cảng có vô vàn những đứa trẻ, giờ là những thợ thuyền kiểu ấy. Họ không chờ mong gì nhiều từ cuộc sống: đưa thuyền vượt sóng, có một chiếc thuyền riêng, thù tạc rượu chè ở "Sao hải đăng", sinh một thằng con nối nghiệp và sẽ theo Iemanja một ngày nào đó. Dẫu sao vào những đêm đẹp trời từ cảng vẫn ngân lên bài ca du dương buồn bã ấy:
Thật ngọt ngào được chết giữa biển khơi...
Cô Dulce giờ đã già phải mang kính nghe lời ca và biết rằng họ chết mà không hề sợ hãi. Tuy vậy cô vẫn cảm thấy chia xót trong lòng. Cô lo sợ và tội nghiệp cho họão Francisco, kẻ không còn đi biển, chỉ ở trên bờ chờ cái chết bình yên không bão dồn sóng dập, cũng biết họ sẽ chết mà lòng không sợ hãi. Nhưng trái với Dona Dulce, lão Francisco ao ước được như họ. Bởi họ nói chuyến viễn du dưới biển cùng Iemanja của những kẻ đắm thuyền về miền vô tận còn nhanh hơn những con tàu mạnh nhất, xứng đáng hơn nhiều so với cuộc đời vô vị trên bờ.
***
LỜI RU CỦA ROSA PALMEIRAO
Rosa Palmeirao... cái tên ấy nghe thật ngọt ngào với những người dân đất cảng. Có biết bao huyền thoại được kể về người phụ nữ lai đen ấy. Lão Francisco thuộc vô số chuyện trong đó, văn xuôi lẫn văn vần, bởi về Rosa Palmeirao có cả bộ sưu tập ABC những bài ca, trong đó mỗi bài thơ bắt đầu từ một chữ cái. Ngay những người mù trên mọi nẻo đường dẫn sâu về các miền xa trong đất liền cũng hát về cá tính mãnh liệt cùng những hành động phi thường của nàng. Đàn ông đất cảng đều biết và yêu thích nàng, luôn vồn vã bắt tay thật chặt và sẵn sàng châm thuốc cho nàng. Trước mặt nàng không một ai dám huyên hoang về lòng can đảm.
Đêm đến, khi ít thuyền ra khơi, lão Francisco thường kể đủ chuyện. Ai cũng biết lão ưa đặt chuyện, đôi khi bịa ra cả những giai thoại thật dài. Nhưng dẫu khéo bịa đến mấy lão cũng chẳng bao giờ kể được hết sự thật về Rosa Palmeirao. Không người kể chuyện nào trên đời (mà giỏi nhất chính là dân vùng duyên hải Bahia này) có thể kể hết mọi kỳ tích của Rosa Palmeirao. Những kỳ tích ấy nhiều đến nỗi đã đi vào bài ca mà lão Francisco thường hát cho đám người tụ tập xung quanh:
Mảnh dao lam sau tà váy
Lưỡi dao găm trong ngực áo, sát làn da
Palmeirao, Rosa
Tấm thân tuyệt vời
khuyên tai
Đâu sợ gì cá dữ của khơi xa
Ôi, hẳn đã chẳng có chuyện gì xảy ra nếu thân thể nàng không tuyệt vời, hấp dẫn đến thế... Tiếng tăm đã bay xa khắp mọi nơi, dân miền biển ai mà chẳng biết. Họ đều sợ lưỡi lam dưới váy nàng, con dao trên ngực nàng, nắm đấm của nàng, nhưng sợ nhất vẫn là tấm thân hoàn hảo ấy. Vẻ ngoài của nàng luôn đánh lừa. Nàng đi qua, hông đong đưa, cặp chân dài uyển chuyển như mời gọi. Chàng thủy thủ bám theo, cắt thật mềm dưới chân và trăng rạng ngời trên biển. Lời ca từ cảng nói rằng ấy là đêm của tình yêu. Nàng bước đi, vẫn duyên dáng đong đưa, như chẳng phải nàng mà là một nữ ngư dân vùng biển. Chàng thủy thủ không nhận ra nàng và mải miết theo sau. Cát mềm lụi dưới chân chờ đợi thành tấm nệm lông êm ái. Tội nghiệp cho chàng thủy thủ nếu nàng không thích gã hoặc không muốn làm tình vào đêm ấy. Rosa Palmeirao với mảnh lam dưới váy và lưỡi dao găm trên ngực. Nàng từng đập sáu tay cớm, nằm khám không dưới hai chục lần và hạ gục khối gã đàn ông ngổ ngáo. Lão Francisco hát:
Nàng đánh ngã sáu tay cớm lớn
Chuyện xảy ra hôm lễ hội Thánh John
"Về khám ư? Chuyện ấy còn quá sớm!"
Cả đội quân hùng hổ vây quanh
Lười dao sáng vung lên từ ngực áo
"Muốn mất mạng đêm nay, hãy cứ xông vào!".
Nàng có thể giết người, có thể đuổi cả dội quân tháo chạy. Nàng thật xinh đẹp và dũng cảm. Lão Francisco hát về những chiến tích của Rosa Palmeirao, và mọi người vỗ tay hòa theo nhịp bài ca:
Lệnh ban xuống hãy điệu ngay về khám
Palmeirao, dầu sống đứng hoặc chết nằm
Lười lam mỏng trên tay nàng lại vung lên lấp loáng
Cả đám người phút chốc biệt tăm.
Mọi người nghe và vỗ tay theo. Guma vỗ tay nhiệt tình hơn tất cả. Anh không nhớ mặt Rosa Palmeirao. Đã nhiều năm nàng không xuất hiện ở đây. Mọi người nói nàng đã đi khắp các bến cảng, sau trở về Nam, sống một dạo với viên đại tá nào đó rồi bỗng cho hắn một trận thừa sống thiếu chết và biến mất giữa vùng đất vô tận ấy. Có lần nàng ghé cảng Bahia chỉ vài giờ, không ai thấy, chuyển từ một tàu sang tàu khác, và lại ra đi. Người ta nói nàng chẳng hề già đi, trông vẫn thế. Nhành hoa cỏ (rosa palmeirao) nàng mang theo trên ngực áo vẫn còn đó như ngày nào. Nhưng nàng đã ra đi, tất cả những gì để lại cho những đêm ấy chỉ là huyền thoại, những bài ca ABC mà cánh đàn ông kể nhau nghe đâu đó trong đêm tối gần khu Chợ lớn... Nàng có thân hình tuyệt đẹp và chưa mất đi một thứ gì. Khi yêu đàn ông nàng cũng là phụ nữ như bao người khác. Và nhành hoa trên ngực áo như càng đẹp hơn, hương tóc nàng như lan tỏa ngạt ngào hơn. Khi nàng gắn bó với một người đàn ông, mọi kẻ khác đều là vô nghĩa: Rosa Palmeirao không sẻ chia tình cảm. Lão Francisco hát:
Buổi ban ngày nàng cực kỳ dũng cảm
Hơn bất kỳ ai từng gặp nơi này
Trong đêm tối của tình yêu nàng là kẻ khác
Âu yếm, dịu dàng, cuồng nhiệt, đắm say...
Hình ảnh Rosa Palmeirao hiện lên trong tâm trí cánh thợ thuyền đang ngồi quanh đó. Vài người trong số họ, như Brigido Ronda chẳng hạn, từng đã yêu nàng. Hầu như ai cũng từng chứng kiến các trận chiến của Rosa Palmeirao và vì vậy đều thích nghe những bài ca ABC cùng bao huyền thoại về các kỳ tích ấy. Rosa Palmeirao giờ đang phiêu bạt ở đâu? Nàng sinh ra trên đất biển nơi này và bỏ đi muôn nơi vì chẳng muốn mãi chôn chân một chỗ. Không ai biết nàng đang phiêu bạt tận đâu. Noi nàng đến sẽ là nơi nổi sóng, bởi nàng mang lưỡi lam dưới váy và dao găm trên ngực và bởi nàng mới đẹp làm sao...
***
Đêm ấy nàng lên bờ sau khi rời khoang hạng ba một tàu khách đến từ Rio. Người chuyển đồ đưa miễn phí hành lý nàng lên một phòng ở "Sao hải đăng". Năm phút sau khắp cảng đều biết Rosa Palmeirao đã trở về, trông vẫn như xưa, chẳng chút nào già đi. Thân hình nàng vẫn tuyệt vời như vậy, những bài ca về nàng hẳn sẽ lan xa. Đêm ấy không một thuyền nào ra biển. Các thuyền vải vóc, cam, dưa, hồng xiêm phải đợi dỡ hàng vào sáng hôm sau. Rosa Palmeirao đã trở về sau nhiều năm vắng bóng. Cánh thủy thủ tàu chạy tuyến Baiana cũng đổ về "Sao hải đăng". Cả các chủ thuyền. Lão Francisco cũng đưa Guma đến.
Tiếng ly tách râm ran bên quầy rượu. Một ngọn đèn đỏ rọi lên bức màn lớn vẽ ngọn hải đăng trên nền sáng đục mở. Khi họ vào Rosa Palmeirao đang ngồi trước quầy rượu tươi cười, tay trái duỗi trên lưng ghế, tay phải nâng ly rượu. Vừa thấy lão Francisco nàng đã vụt đứng lên choàng tay quanh cổ lão:
- Xem ông bạn già của tôi này... Ôi Francisco...Người ta nói thế mà đúng, ly rượu tồi chẳng bao giờ vỡ...
- Vì thế cả hai ta mới còn sống đến bây giờ....
Nàng bật cười, vừa lay người lão Francisco:
- Ông vẫn không nằm lại dưới biển sao, đồ quỉ quái? Ai mà nghĩ được rằng...
Nàng chợt nhận thấy Guma:
- Chàng thủy thủ tập sự này là ai vậy? Trông có nét của ông...
- Gumercindo, cháu tôi đấy. Mọi người gọi nói là Guma. Cô đã gặp nó khi nó còn là...
Nàng suy nghĩ, rồi mỉm cười:
- Con của Frederico, đúng không? Nhưng mũi cao hơn, xương lớn hơn... Cha anh đúng là một trang nam nhi đấy
- Frederico là em trai tôi. - Francisco bật cười.
- Hai anh em mà trông chẳng giống nhau chút nào. Khuôn mặt ông ấy đâu có như con cá chết vậy.
Họ cười vang, vì thực tình Rosa Palmeirao rất vui nhộn, nàng vung tay, chuyện trò như đàn ông và uống rượu không mấy ai bì nổi. Lão Francisco vỗ tay mấy tiếng và nói:
- Này các bạn, ta hãy uống mừng cái túi da già cỗi này trở về... Tôi sẽ bao hết lượt...
- Tôi sẽ bao thêm lượt nữa... - Chủ thuyền Manuel, dạo ấy còn chưa sống với Maria Clara, la lớn.
Họ cùng ngồi xuống và nâng ly. Ông Babau, chủ quán "Sao hải đăng", đi từ bàn này sang bàn khác với bình rượu trên tay, vừa nhẩm tính những ly đã uống. Rosa Palmeirao đến ngồi cạnh Guma bên một bàn nhỏ ở góc. Anh ngắm nhìn nàng. Thân hình nàng quả là đẹp tuyệt. Bộ mông tròn trịa nở nang của nàng đong đưa như đuôi xuồng. Nàng uống ly rượu mía và nhăn mặt:
- Tuy biết cha anh nhưng tôi chưa già đến nỗi...
Guma cười to, nhìn thẳng vào mắt nàng. Sao những bài ca ABC ấy chẳng nói gì về cặp mắt màu lam trông như viên cuội dưới đáy biển này nhỉ? Còn hơn cả mảng lam, lưỡi dao găm lẫn thân hình tuyệt hảo với phần sau căng tròn sống động đong đưa duyên dáng như đuôi thuyền kia, đôi mắt ấy có thể khiến người ta sợ hãi với màu xanh thẳm sâu như vực biển. Ai dám nói chúng không thay đổi như sắc màu của biển, lam, lục và cả màu chì vào những đêm yên tĩnh nặng nề chờ bão tố?
- Chính tôi cũng biết Frederico từ rất lâu rồi, mà tôi cũng mới hai mươi tuổi..
- Tất nhiên tôi chẳng còn thơ trẻ đến thế... Tôi cũng từng uống khối rượu với cha anh. Nhìn anh... cứ như ông ấy ngồi đây vậy...
Giờ đến vòng rượu đãi của Manuel. Anh ta cao giọng gọi Rosa Palmeirao:
- Này, đồ quỉ c tôi trả tiền tua này đấy, cô biết không?
Nàng quay đầu lại:
- Tôi không đáng được đãi sao?
- Cô sắp trở thành cái túi da rồi, Rosa. - Lão Francisco cười vang.
- Câm miệng đi, đồ xuồng đắm. Ông không rành ba vụ này đâu...
- Đúng thế, Rosa. Cô vẫn còn có thể khiến khối tay điên đảo đấy. - Severiano lên tiếng bênh nàng.
Rosa Palmeirao nói với Guma:
- Tôi thành cái túi da già cóc đế như bác anh nói ư? Anh nghĩ sao? - Nàng cưới lớn, như nhìn sâu vào mắt anh.
- Ôi, không. Ai mà cưỡng nổi được cô...
Ánh mắt Rosa Palmeirao mỉm cười. Vậy sao lại ngồi nán ở đây, bên quầy rượu này khi ngoài kia cát trên bãi biển thật êm đềm, gió từ biển thật trong lành, ấm áp? Ánh mắt Rosa Palmeirao đang biếc xanh màu biển...
Nhưng ngay lúc này nàng không thuộc về một ai duy nhất. Nàng thuộc về tất cả những người đàn ông đất cảng này đang muốn biết nàng đã làm những gì trong ngần ấy năm trời xa xứ. Nàng đã đi đâu, gây chuyện với ai và ngồi tù tận những nơi nào. Các câu hỏi vang lên từ mọi phía.
- Tôi chỉ muốn nói với các bạn một điều thôi... Tôi đã qua biết bao nơi trên thế gian này, nhờ ơn Chúa. Quá nhiều nơi, chẳng sao nhớ hết. Từng thấy những đô thị lớn có thể chứa cả chục thành phố như Bahia này...
- Cô đã đến Rio de Janeiro chưa?
- Ba lần rồi... Mà tôi cũng vừa từ đó về đây.
- đấy chắc là đẹp lắm?
- Đẹp... Đèn rực rỡ, người đông đúc.. Nhìn muốn mỏi mắt...
- Có nhiều tàu lớn không?
- Toàn những tàu cực lớn, cảng đây không chứa nổi. Có mấy cái từ đầu đến đuôi dài bằng từ cảng này ra tới đập chắn sóng kia...
- Chẳng lẽ to đến thế?
- Anh đã thấy chưa nào? Còn tôi, tôi đã nhìn tận mắt. Cứ thử hỏi một anh thủy thủ thực thụ nào đó xem. Hay anh nghĩ lãi xuồng cũng là thủy thủ?
Manuel chen ngang:
- Tôi có nghe... Người ta nói thế, nhưng tôi chưa tin khi chưa tận mắt nhìn.
- Cô có phải lòng ai đó không, Rosa? - Lão Francisco hỏi.
- Đám ở đó không đáng mặt đàn ông. Thậm chí không đáng dây vào. Có dạo tôi sống trong favelas trên khu đồi ở đó và được kính trọng hết mức. Đừng hỏi tại sao. Có lần một gã vớ vẩn định làm gì đó dưới chân tôi, trong phòng nhảy. Tôi thả neo ngay trên cổ gã, khiến gã chạy vòng quanh. Thằng cha tội nghiệp sau đó lặn mất tăm. Thật tức cười...
Đám đàn ông cảm thấy khoái chí. Ở xa đây, tận Rio, ở mọi nơi khác nàng luôn thể hiện mình là kẻ thế nào. Rosa Palmeirao nhìn Guma và nói:
- Họ nói phụ nữ Bahia đã vậy, đàn ông xứ ấy không biết còn tới đâu?
- Hẳn cô rất nổi tiếng ở đó, phải không, Rosa?
- Tôi có một tay hàng xóm, chẳng biết sao có lần tự nhiên nảy ra ý định gạ gẫm tôi. Tôi đâu có ngán. Dạo ấy tôi đang chết mệt với một anh chàng lai đen sáng tác được bài hát và mấy bản samba nghe cũng được. Một tối gã hàng xóm nọ đến phòng tôi chơi, nói chuyện. Miệng nói mà mắt cứ dán lên giường. Rồi hắn nhảy lên giường và nằm đó. Tôi bảo: "Này ông bạn, nhấc đít lên và biến khỏi đây ngay". Còn hắn cứ thả neo nằm lỳ ở đó, như ở cảng nhà, mắt thô lố nhìn tôi. Tôi cảnh cáo hằn là bạn trai tôi sắp về bất cứ lúc nào... Hắn nói hắn không sợ bất cứ thằng nào. Tôi hỏi hắn còn đàn bà hắn có sợ không? Hắn nói chẳng sợ gì ngoài sắc đẹp quyến rũ của các nữ phù thủy. Vừa nói vừa nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi bảo tốt nhất hắn nên xéo đi, nhưng hắn không chịu, nhất định không. Thậm chí hắn còn tính cởi quần ra khiến tôi tức điên lên, các vị biết đấy?
Đám đàn ông bật cười, đoán được kết cục sẽ tới.
- Rồi cô làm gì?
- Tôi tóm cổ hắn quẳng ra cửa. Hắn lê lết trên sàn, mặt mày như ngỗng đực.
- Khá lắm, cô bé...
- Các vị chắc chưa nghe đoạn cuối. Tôi đã tưởng mọi chuyện thế là xong, nhưng chưa. Rồi chàng lai đen của tôi về, tôi rất mừng. Tôi đã làm cho thằng cha kia phát rồ lên và khoảng nửa đêm hắn kéo theo nhà cả năm, bảy mạng. Anh chàng của tôi là người tốt và ai cũng nghĩ chắc chắn sẽ có chuyện lôi thôi ầm ĩ...Tội nghiệp cho đám kia cứ tưởng chỉ còn mỗi việc đập cho Juca một trận rồi vồ lấy tôi quẳng đến nhà giam. Khi mọi chuyện xong thì một gã trong đám nọ đã mang bộ mặt bị xẻ còn lưỡi lam chiến đấu vẫn đang nằm trong tay tôi. Mọi thứ rối tung, máu me hỗn loạn cứ như vừa xong một chuyến săn cá biển bằng lao. Khi không ai ngờ nhất thì quái thật, cảnh sát đã ở ngay trước cửa. Tất cả bị triệu về đồn.
- Rồi cô phải bóc lịch ở Rio?
- Tôi chẳng phải nằm khám ngày nào hết. Tôi đến đó, kể lại mọi chuyện cho viên thanh tra, nói Rosa Palmeirao không cho phép ai cư xử với mình như vậy. Thanh tra là một luật sư người Bahia. Ông ấy mỉm cười nói đã nghe nhiều về tôi và thả tôi ra. Tôi xin tha luôn Juca và ông ấy chấp nhận. Đám kia bị giữ lại, một gã rời cuộc ẩu đả vào bệnh viện, sau đó cũng phải đến trình đồn với bộ mặt đầy vết xăm dị dạng.
- Cô có vẻ may mắn với các sếp!
- Nhưng khi tôi ra tìm Juca, anh ta đã biến mất. Tôi chẳng bao giờ gặp lại anh ấy nữa. Chắc anh ấy sợ tôi rồi...
Đám thủy thủ bật cười, mọi người cùng cạn ly. Manuel chi tiền bao tất. Ai dám nói Rosa Palmeirao giờ trông như cái túi da? Guma không thể rời mắt khỏi nàng. Nàng có những bài ABC ca ngợi, và nàng biết phải chiến đấu ra sao. Nhưng thân thể nàng thật tuyệt vời và ánh mắt nàng xanh thẳm. Rosa Palmeirao bảo anh:
- Tôi chẳng bao giờ đánh nhau với người đàn ông mình thích... Cứ hỏi mọi người xem..
Ánh mắt Guma hoàn toàn không có nét gì sợ hãi.
Họ rời quán khá muộn. Lão Francisco về từ lâu, cả Manuel cũng không chờ đợi nổi. Chủ quán hỏi Rosa Palmeirao:
- Hôm nay cô không tính đi ngủ sao?
- Tôi định dạo quanh một lát, quá lâu chưa trở về đây...
Đã lâu lắm nàng mới lại làm tình với một người đàn ông trên mặt cát. Nhiều người nghĩ nàng chỉ biết đánh nhau, rằng cuộc sống với nàng chỉ là những cuộc ẩu đả, là ánh sáng của lưỡi lam hay của ngọn dao găm. Nếu những kẻ dũng cảm chết đi sẽ biến thành sao lấp lánh trên cao như dân gian thường nói, nàng rồi cũng sẽ lên chỗ ấy một ngày kia. Nhưng ai cũng nhầm khi nghĩ cuộc đời với Rosa Palmeirao chỉ là những trận đánh nhau. Không, điều nàng ưa thích nhất, hơn cả đánh nhau hay uống rượu, chuyện trò là làm một người phụ nữ ngoan ngoãn, rất đàn bà, như lúc này đây, trong vòng tay êm ái của Guma, xoãi người trên cát, uể oải mơn man mái tóc dày của người đàn ông yêu thích... Mắt nàng sâu như biển, và cũng như biển, chúng biến đổi không ngừng. Chúng xanh thẳm màu lá non trong những đêm ái ân trên bờ cát ấm. Chúng biếc màu xanh dương những hôm biển lặng và ánh màu chì khi trời đất lặng yên chờ bão tố. Mắt nàng lấp lánh. Đôi bàn tay thạo chơi dao của nàng lúc này mềm mại, dịu dàng nâng mái đầu Guma đang thoải mái ngả lên. Đôi môi nàng thường thốt những lời rắn rỏi đang nở ra trong một nụ cười. Chưa một ai yêu nàng theo cách nàng mong muốn. Ai cũng sợ nàng, sợ mảnh lam, lưỡi dao và cả tấm thân quá ư hoàn hảo ấy. Họ nghĩ đến ngày nàng nổi giận, mảnh lam, lưỡi dao găm xuất hiện và thân xác nàng cũng vụt biến đi. Chưa ai từng yêu nàng mà không vẩn vương niềm lo sợ. Nàng chưa thấy mắt ai trong sáng, rạng ngời như ánh mắt Guma. Anh ngưỡng mộ nàng và không hề sợ hãi... Ngay những ai đủ cam đảm ngắm tấm thân tuyệt hảo của nàng, bất chấp những lưỡi dao, cũng chưa từng nhìn thẳng vào mắt nàng để nhận thấy nét dịu dàng ánh lên từ đôi mắt màu biển đầy khao khát yêu đương, đôi mắt phụ nữ dịu êm như màn nhung ấy. Guma nhìn vào đôi mắt đó, và anh hiểu. Bởi bàn tay Rosa Palmeirao đang ve vuốt tóc anh, môi nàng mỉm cười và thân thể nàng rung động...
Ba hôm sau chiếc "Quả cảm" nhẹ trôi theo dòng nước trên sông Paraguacu. Mùi hoa quả thoảng lên từ khoang chứa. Gió đưa thuyền đi khỏi cần tay lái vì dòng nước trên sông đang rất đỗi bình yên. Sao lấp lánh trên trời, trên biển, Iemanja đang ngắm trăng và xõa mái tóc dài trên mặt nước bình yên.
Rosa Palmeirao (mảnh lam dưới váy, lưỡi dao trên ngực) đang thì thầm vào tai Guma:
- Chắc anh sắp cười nhạo và nói em thật ngốc...Anh biết em ao ước được gì không?
- Em ước gì vậy?
Nàng nhìn ra mặt sóng phẳng lặng, gắng mỉm cười, bẽn lẽn:
- Em mong có một đứa con, một thằng bé để nâng niu chăm sóc, vỗ về... Anh đừng cười, em chẳng đùa đâu...
Và nàng không xấu hổ để mặc cho những giọt nước mắt rơi, thấm ướt lưỡi dao găm trên ngực, và cả lưỡi lam sau tà váy.
LUẬT BIỂN
Các thuyền đánh cá đã quay về bến. Một số còn chưa quăng lưới, thậm chí chưa kiếm được gì cho bữa tối của cả nhà. Rufino quay xuồng về từ phía vịnh. Vài chiếc thuyền đã giương buồm tính nhổ neo lại hạ buồm thả neo trở lại. Tuy trời vẫn xanh và biển vẫn yên. Mặt trời rọi sáng tất cả, chói rạng khác thường. Và cũng chính vì vậy mà các thuyền câu đã quay về bến. Rufino đưa thuyền cập cảng Xóm củi, các thuyền khác đều đã hạ buồm. Mặt nước đổi màu, chuyền từ xanh dương sang màu chì. Severiano, một ngư dân gan dạ, đi lại chỗ mấy con thuyền. Thấy thuyền không ra khơi, vài người đã rời chay lên phố. Song phần đông vẫn ở lại bởi thấy thời tiết quá đẹp với trời xanh, biển lặng, nắng ngời. Theo mắt họ chẳng có chuyện gì đáng ngại.
Severiano đi đến chỗ Rufino với Guma và nói:
- Ngày hôm nay chắc mệt đây...
- Họa có điên mới đi biển trời này..
Họ nhồi thuốc vào tẩu. Nhiều người đến chợ rồi lại quay về. Nắng lấp lánh trên những viên đá lát đường. Một phụ nữ đang phơi chiếc khăn trải bàn bên cửa sổ. Các thủy thủ cọ sàn trên một con tàu lớn. Gió bắt đầu nổi lên cuốn theo bụi cát trên bờ. Severiano hỏi:
- Có nhiều thuyền còn ở ngoài kia không?
Munuel nhìn quanh. Nhiều thuyền đang nhấp nhô cạnh bến.
- Theo tớ chắc không đâu... Ai đi rồi chắc sẽ ở lại Itaparica hoặc Ma Grand thôi...
- Trời này tớ chẳng mong ở ngoài đó chút nào...
Lão Francisco cũng nhập vào đám người đang đông dần:
- Joao Pequeno và John nhỏ cũng lâm nạn vào một ngày như thế này đây...
Phải, Joao Pequeno là tay đi biển lành nghề nổi tiếng khắp các vùng xuôi ngược ở đất cảng này. Tiếng tăm ông vang tận những miền xa. Người ta bán tán về ông tận Penedo, Caravelas, Aracaju.Thuyền ông chạy xa hơn tất cả, chẳng sợ gì bão tố, đá ngầm. Ông thạo đường vào cảng đến mức được mời làm hoa tiêu. Ông dẫn tàu vào trong những đêm bão tố. Ông thường vượt sóng đưa thuyền ra đón họ tận ngoài khơi, đưa họ vào, khéo léo tránh qua những mối hiểm nguy lớn bội phần vào những hôm giông bão.
Phải, ông đã ra khơi, dấn thân vào cuộc phiêu lưu của mình trong một đêm như thế, khi biển cũng lặng yên nhưng nước chuyển màu chì. Con tàu nọ không biết đường vào cảng bởi mới lần đầu tiên đến Bahia. Joao Pequeno đã không trở về sau cuộc phiêu lưu ấy. Chính phủ cho vợ ông một khoản trợ cấp nhưng sau đó lại cắt đi vì kinh tế khó khăn. Nay Joao Pequeno chẳng còn để lại gì trên đời ngoài tiếng tăm lừng lẫy ấy.
Từng biết ông ta, lão Francisco đã kể lại chuyện Joao Pequeno hàng trăm bận. Mọi người luôn lắng nghe với lòng khâm phục. Người ta nói Joao Pequeno thường xuất hiện trong nhưng đêm giông bão. Nhiều người nói đã nhìn thấy ông đưa thuyền vượt sóng đi tìm con tàu mất dạng giữa mù sương. Đến tận giờ Joao Pequeno vẫn đang đi tìm con tàu nọ. Và ông sẽ không nghỉ ngơi khi chưa đưa được nó vào bờ. Chỉ khi đó ông mới có thể yên lòng nhập cùng Iemanja vào chuyến hải hành vô tận hằng ao ước đến miền đất vô cùng.
Đây là đêm để ông xuất hiện. Khi gió gào rít lay chuyển các ngôi nhà, khi đêm bất ngờ bủa trên bến cảng, ông lại hiện ra, đưa lối dẫn đường cho con tàu đã mất. Ông sẽ lái thuyền vượt sóng, làm kinh sợ những ai đang còn trên biển chưa về...
Một chiếc thuyền về gần cầu cảng, thân dạt sang bên trong cơn gió điên cuồng. Buồm trên thuyền căng hết cỡ. Mọi người nhìn ra:
- Xavier về đấy...
- Đúng rồi, chiếc "Cú vọ"...
Chiếc thuyền đến gần hơn với cái tên "Cú vọ" sơn đen nhìn đã rõ.
- Chưa thấy ai đặt tên thuyền xấu vậy, - Manuel nhận xét.
- Chắc hắn cũng có cái lý của mình,- Francisco đáp. - Ai biết hết tâm sự người đời.
- Tôi đâu định ám chỉ gì, có điều...
Gió càng lúc càng mạnh, mặt nước không êm lặng nữa. Tận ngoài xa những cơn gió dữ thốc vào. Cảng nhanh chóng quạnh hẳn. Xavier buộc thuyền và tới bên đám nọ:
- Trời chuyển ghê quá...
- Còn có ai ngoài đó không?
- Tôi chỉ gặp mỗi Otoniel, nhưng anh ấy gần tới Maragogipe rồi...
Biển chuyển động, sóng dâng cao, những con thuyền sụt trồi trên mặt nước. Manuel quay sang hỏi Xavier:
- Anh bạn bỏ qua cho câu này nhé, sao anh đặt tên thuyền ghê thế?
Vẻ mặt Xavier sầm lại. Gã trông to lực lưỡng với mái tóc lai được sấy và giữ suôn thẳng, không xoăn.
- Còn chuyện gì mà người ta không làm chứ... Đủ chuyện ngu xuẩn, anh không biết sao?
Bão đã tràn lên thành phố và trên biển. Ngoài chợ chẳng thấy ai ngoài họ, một nhóm người bận áo vải dầu xối xả nước mưa tuôn. Gió át tiếng khiến mọi người cao giọng. Manuel hét lớn:
- Mà chuyện thế nào chứ?
- Anh muốn biết hả? Chuyện một cô nàng... Lâu lắm rồi, tại một cảng khác ở miền Nam. Chuyện vớ vẩn, biết không, chẳng đáng để nghĩ. Ai mà đoán được phụ nữ họ có ý gì. Chẳng biết sao cô ấy gọi tôi là Cú vọ. Chỉ mình cô ta biết và có thể trả lời câu ấy, mà cô ta nhất định không chịu nói, chỉ cười vang, cười mãi... Đủ để phát điên lên, thế đấy...
Gió cuốn bạt đi câu nói. Mọi người ngoảnh đầu nghe cho rõ hơn. Giọng Xavier trầm xuống:
- Cô ấy gọi tôi là Cú vọ... Tôi chẳng biết tại sao. Cô ấy chỉ cười mỗi khi tôi hỏi... Và thế là cái thuyền cũng mang luôn tên ấy...
Chuyện chẳng có gì đặc biệt để khiến người ta kinh ngạc. Xavier chợt bừng mặt giận dữ và cao giọng:
- Các vị chưa từng yêu phụ nữ sao? Nếu vậy thì cũng đâu biết thế nào là khốn khổ... Chẳng thà gặp cơn bão vạn lần thế này, lạy Chúa... - anh ta lấy tay bịt miệng, - còn hơn có một người đàn bà cứ cười hoài, chẳng biết nghĩ gì... Cô ấy gọi là là Cú vọ, có trời biết tại sao. Mà cô ấy lại bỏ tôi? Tôi chẳng làm điều gì tệ bạc. Một hôm tôi về, thấy cô ta biến mất tăm, không mang theo thứ gì trong mớ đồ dùng của mình... Thậm chí tôi đã ra biển tìm, sợ cô ấy chết đuối... Ta đi uống chút gì chứ?
Họ kéo nhau đến quán "Sao hải đăng". Có tiếng Rosa Palmeirao đang hát vẳng ra từ đó. Gió thổi bay đất cát. Xavier nói tiếp:
- Chuyện cũng qua...Nhưng không sao quên được... Và tôi đặt cho thuyền cái tên "Cú vọ". Thậm chí không lâu trước đó cô ấy vừa bảo sắp có con với tôi... Cô ấy đã bỏ đi, mang theo trong mình một đứa trẻ...
- Chắc cô ấy sẽ quay về thôi, một ngày nào đó. - Guma an ủi.
- Ối cậu bé, cậu thuộc lứa tuổi khác rồi.. Nếu cô ấy về tôi sẽ dần cho một trận để đời...
- Nhưng cái tên thuyền.... Tôi tưởng...
- Người khác như tôi hẳn đã bỏ đi biệt xứ, vì xấu hổ...
Anh ta nói câu gì đó nữa nhưng bị gió cuốn đi. Cả giọng ca của Rosa Palmeirao cũng không nghe rõ. Tiếng người nói chỉ rõ hơn khi học đã vào hẳn bên trong.
Người đàn ông bận áo mưa đang to tiếng với ông Babau:
- Tôi tưởng ở đây cũng có tay đang mặt đàn ông chứ.... Hóa ra toàn thỏ đế...
Quán vắng tanh. Chỉ có Rosa Palmeirao đang lắng nghe chăm chú. Ông Babau giang tay, vẻ băn khoan, chẳng biết trả lời sao:
- Nhưng mưa bão thế này đâu phải chuyện đùa, ông Godofredo...
- Một lũ chết nhát. Còn đâu cái thời của những tay can trường như Joao Pequenco trên đất cảng này?
Đám mới vào đến bên người đang nói là lão Godofredo làm cho hãng Baiana dang sùng sục như bị quỉ á
- Có chuyện gì vậy, ông Godofredo? - Manuel hỏi.
- Chuyện gì hả? Các anh không biết sao? Tàu Canavieirais bị kẹt ngoài kia, không vào nổi...
- Tay thuyền trưởng có thạo đường vào cảng không?
- Mặt hắn còn chưa thuộc nữa là...Hắn người Anh, cũng vừa tới đây, còn chưa biết ngô khoai gì hết. Tôi đang tìm ai đó làm hoa tiêu...
Lão đập bàn giận dữ:
- Đám đi biển gan dạ vùng này chắc chết hết rồi...
Xavier bước tới. Nghĩ anh ta muốn tình nguyện đi, lão Francisco kéo áo níu lại:
- Ông vừa nhắc đến Joao Pequeno? Rồi ông ấy được cái gì cho lòng cam đảm ấy? Một chỗ ngơi thân ở địa ngục cũng không. Chỉ lang thang trên biển nhát người. Được cái gì nào? Tiền trợ cấp cho bà vợ được đưa cho lấy có.. Rồi cắt luôn... Được cái tiếng dũng cảm nhưng chết mất tăm...
- Nhưng có nhiều gia đình đang kẹt trên con tàu kia...
- Bộ bọn tôi không có gia đình sao... Rồi sẽ được cái gì kia chứ?
Lão Godofredo đổi giọng:
- Hãng sẽ trả hai trăm milreis cho ai dám đi...
- Mạng người quá rẻ, đúng không? - Xavier ngồi xuống kêu một ly rượu.
Rosa Palmeirao cười to:
- Godo, bà xã ông cũng đi trên tàu đó hả, hay có ả mèo nào?
- Im đi, đồ quỉ cái, cô không biết trên tàu đầy chật người sao?
Dân cảng không ưa lão Godofredo. Thoạt đầu lão làm hoa tiêu cho một con tàu lớn của hãng Baiana và leo lên đến chức thuyền trưởng dù chẳng thạo việc gì đến đầu đến đũa. Không ai hiểu tại sao, có điều ai cũng biết lão đối xử tàn tệ với cánh thủy thủ. Sau lần lão suýt đánh đắm chiếc Marau ở cửa vịnh gần Ilhéus, hãng chuyển lão về một vị trí béo bở tại văn phòng. Và lão vẫn cư xử tồi tệ hết mức với các ngư dân, đám thợ thuyền, những người khuân vác.
- Tàu chở đầy người. Đàn ông đất cảng này đâu cả rồi? Xưa nay có tàu nào bị chìm kiểu thế này...
- Ông có bà con trên tàu Canavieiras hả?
Lão nhìn Francisco:
- Tôi biết các vị đều chẳng ưa gì tôi... - Lão mỉm cười. - Các vị nghĩ tôi đang nhờ cứu mạng ai đó là người thân của tôi? Nhưng tôi không yêu cầu chuyện đó, không. Điều tôi đang làm là trả tiền. Hai trăm milreis cho ai dám đi...
Những người khác kéo đế. Godofredo nhắc lại lời đề nghị. Mọi người nhìn lão hoài nghi. Xavier ngồi ở bàn uống rượu nói:
- Đâu có ai muốn chết, ông Godofredo. Mặc cho tay người. Anh ấy tự xoay xở lấy.
Guma hỏi:
- Sao các ông không cho tàu kéo ra?
Lão Godofredo giật mình:
- Lẽ ra phải làm thế, tất nhiên... Nhưng hãng nói như vậy quá tốn kém...Tôi cần một người can đảm... Hãng sẵn sàng trả hai trăm milreis...
Gió đập mạnh vào cửa quán "Sao hải đăng". Lần đầu tiên mọi người nghe rõ tiếng còi tàu vang lên cầu cứu. Lão Godofredo đưa tay (trông loắt choắt trong chiếc áo quá cỡ) và hạ giọng gần như năn nỉ:
- Tôi thêm một trăm milreis bằng tiền riêng... Và tôi hứa sẽ lo lắng chu toàn cho người nào đi...
Mọi người giật mình nhưng không ai nhúc nhích. Godofredo quay sang Rosa Palmeirao:
- Rosa, cô là phụ nữ nhưng cam đảm hơn nhiều đàn ông... Nghe này, Rosa, hai đứa con tôi đang ở trên tàu. Chúng tính đi nghỉ hè ở Ilhéus... Cô đã từng có con chứ, Rosa?
Francisco nói thầm vào tai Guma:
- Ta đã nói hắn có ai đó trên tàu mà...
Godofredo đưa tay về phía Rosa. Bộ dạng lão lúc này trông thật tức cười - lọt thỏm trong chiếc áo choàng sang trọng, vẻ mặt thảm hại, giọng run run.
- Nói dùm cho họ đi đi, Rosa... Tôi sẽ đưa hai trăm milreis cho bất kỳ ai chịu đi... Tôi sẽ lo cho gia đình họ suốt đời...Tôi biết họ không ưa gì tôi... Nhưng còn các con tôi...
- Các con ông ư? Mắt Rosa Palmeirao dõi ra cửa sổ, về phía màn đêm.
Godofredo đến bên bàn, ôm đầu trong hai bàn tay với các móng chăm chút, hai vai nhấp nhô như thuyền trên sóng...
- Lão khóc kìa. - Manuel nói.
Rosa Palmeirao lặng lẽ đứng lên, nhưng Guma đã ở cạnh Godofredo:
- Thôi được, tôi sẽ đi...
Lão Francisco mỉm cười đưa mắt nhìn cánh tay mình xăm tên đứa em trai cùng với con thuyền đã mất. Vẫn còn chỗ cho tên của Guma. Xavier đặt ly xuống:
- Cậu điên rồi... Mà chắc đâu đã giúp được gì...
Guma bước vào bóng đêm. Ánh mắt Rosa Palmeirao rạng rỡ tình yêu. Godofredo đưa tay theo hướng Guma:
- Gắng mang mấy đứa nhỏ về...
Bóng Guma chìm trong màn đêm đang tràn xuống. Anh dong buồm đưa thuyền ngược gió, mắt vẫn nhận ra hình dạng những người vừa đưa anh ra tận cầu tàu. Rosa Palmeirao và lão Francisco đang vẫy tay. Tiếng Xavier gọi lớn:
- Cho gởi lời thăm Đức Mẹ Janaina...
Manuel bức tức quay sang:
- Đừng bao giờ nói với ai rằng anh ta đang đi vào cõi chết...
Anh đưa mắt dõi theo bóng con thuyền đang nhòe đi trên mặt biển màu chì:
- Tội nghiệp, nó vẫn còn là một đứa trẻ...
***
Những vì sao đã biến mất. Trăng không mọc đêm nay và vì vậy trên biển cũng không có những lời ca tình ái cũng những tiếng rên rỉ yêu đương. Những con sóng dồn lên lưng nhau. Mà đó là trong vịnh, xa trong đập chắn sóng. Còn ở ngoài kia, nơi thênh thang trời nước, không biết biển còn dữ dội tới đâu?
Chiếc "Quả cảm" chật vật rời khỏi cầu cảng. Guma căng mắt nhìn ra trước nhưng xung quanh chỉ mù mịt một màn đen. Khó nhất là lúc khởi hành đi ngược gió. Sau đó là cuộc đua điên dại với gió lộng từ sau đẩy ra biển rộng, nơi không dành cho những chiếc thuyền con mà là vùng nước của những con tàu lớn.
Guma vẫn nhận ra lờ mờ hình dáng những người thân đứng đó, trên bờ. Trong những cánh tay vẫn theo anh có tay của Rosa Palmeirao, người phụ nữ dũng cảm nhất, dịu dàng nhất mà anh từng biết. Guma mới hai mươi tuổi nhưng đã biết đến tình yêu của không chỉ một người phụ nữ. Và chưa ai năm trong vòng tay anh âu yếm, dịu dàng, đầy nhục cảm yêu đương như Rosa Palmeirao. Biển hôm nay cũng tương tự như Rosa Palmeirao khi nàng nổi giận. Biển xám màu chì. Một con cá vọt trên mặt nước. Nó không sợ bão tố, ngược lại còn vui mừng vì bão ngăn những con thuyền đánh cá ra khơi... Chiếc "Quả cảm" nhanh chóng vượt qua vùng nước cạnh cảng. Đập chắn sóng đã gần hơn. Gió lồng lộn trên pháo đài cổ, lùa qua các ô răng cưa lạnh ngắt, đập lên những khẩu pháo cổ xưa đã từ lâu không dùng đến. Guma không còn nhận ra những bóng người trên cảng. Có thể Rosa Palmeirao đang khóc. Tuy không thuộc số những người dễ khóc nhưng nàng đang ước ao một đứa con trai và quên rằng với nàng mọi việc giờ đã muộn. Với nàng, Guma vừa là người tình vừa là đứa con trai hằng khao khát ấy. Không hiểu tại sao trong giờ phút kề cận tử thần này anh chợt nhớ đến người mẹ đã mãi mãi đi xa? Guma không muốn nghĩ về bà. Trong tình yêu của Rosa Palmeirao phảng phất cả tình yêu người mẹ. Nàng cũng không trẻ hơn mẹ anh và thường âu yếm anh như với đứa con trai, quên đi những nụ hôn mê đắm và thay bằng làn môi hôn của tình mẹ dịu dàng... Chiếc "Quả cảm" vẫn nhấp nhô trên mặt sóng, tiến lên một cách khó khăn. Con đập chắn sóng dường như vẫn chẳng gần thêm chút nào. Rất gần mà cũng rất xa. Guma cởi phăng chiếc áo sơ mi đẫm nước. Sóng đập vào mạn thuyền từ mọi hướng. Phía ngoài vịnh không biết còn tệ đến đâu? Rosa Palmeirao đang khao khát một đứa con. Nàng đã mệt mỏi với đám cảnh sát, với nhà giam, với mảnh lam dưới váy và lưỡi dao găm trên ngực mình rồi. Nàng mong có một đứa con để âu yếm vỗ về, để hát cho nghe những lời ru nơi người mẹ. Có lần Guma mơ màng trong vòng tay nàng và đã nghe Rosa hát:
Ngủ đi, con nhỏ của ta
Để ông ba bị tránh xa, không vào...
Nàng đã quên anh là người tình của mình và ru anh như trong vòng tay người mẹ. Có lẽ chính điều này đã làm dậy lên cơn thịnh nộ của Iemanja. Bởi chỉ mình Dona Janaina có thể đồng thời là mẹ, là vợ. Và Người là vậy đối với mọi đàn ông vùng biển, là đấng bảo trợ cho tất cả đàn bà. Giờ Rosa Palmeirao đang cầu nguyện Người cho Guma sống sót trở về. Thậm chí có thể nàng đã nguyện dâng cho Người (còn việc gì mà tình yêu không làm được chứ?) cả mảnh lam dưới váy và lưỡi lam găm trên ngực của mình. Một con sóng khác dội xuống thuyền. Guma nghĩ thực tình rất khó toàn mạng trở về. Hôm nay sẽ là ngày của anh. Anh suy nghĩ, lòng không hề sợ hãi. Chuyện đó có thể đến sớm hơn anh nghĩ, nhưng đằng nào cũng đến, không sao tránh nổi. Anh chỉ tiếc vẫn chưa từng yêu một người phụ nữ đúng như mình từng cầu xin Dona Janaina một đêm nào đó. Một người phụ nữ sẽ cho anh đứa con trai để sở hữu chiếc thuyền này, để nghe những câu chuyện mà ông lão Francisco sẽ kể. Anh cũng còn chưa đến được bao cảng lạ hằng ao ước, chưa đến những vùng đất vô cùng như Chico Tristeza. Giờ hẳn anh sẽ đi trong lòng nước cùng với Iemanja, Dona Janaina của những người đánh cá, Đức Mẹ Aioca của người da đen. Có thể Người sẽ đưa anh đến vùng đất Aioca, cũng là quê hương anh, quê hương của tất cả những người đàn ông biển, nơi Dona Janaina ngự trị như một nữ hoàng.Vùng đất của Aioca xa xôi khuất tận chân trời, điểm xuất phát của Iemanja vào nhưng đêm trăng sáng.
Đập chắn sóng đâu mà mãi chiếc "Quả cảm" vẫn chưa tới chứ? Guma ghì chặt tay lái, dù vậy chiếc thuyền vẫn đương đầu với gió một cách khó khăn. Thuyền chợt rơi vào bóng tối đổ xuống từ pháo đài cổ. Ngoài kia, xa tít phía cửa vịnh là con tàu bất hạnh đang kéo còi. Gió mang theo tiếng khóc của con tàu đầy khách. Chẳng phải vì tiền mà Guma ra đi trên chiếc thuyền "Quả cảm" để đưa tàu vào biển. Anh cũng không rõ lắm vì sao mình dám đối đầu với trận bão tố nhường kia. Chẳng phải vì tiền, đó là điều chắc chắn. Anh sẽ làm gì với hai trăm milreis, thậm chí nhiều hơn nếu lão Godofredo cho thêm phần đã hứa? Anh sẽ mua quà cho Rosa Palmeirao, sắm quần áo cho lão Francisco, có thể mua cánh buồm cho chiếc "Quả cảm". Nhưng những chuyện ấy đều có thể làm mà chẳng cần liều mạng, và không người đàn ông nào thí mạng để đổi lấy hai trăm milreis. Cũng chẳng phải vì lão Godofredo có hai đứa con trên tàu Canavieiras đang sụt sùi như trẻ lạc. Không, chẳng phải vì vậy. Đơn giản chỉ bởi vì những hồi còi buồn thảm là tiếng kêu cứu tuyệt vọng vẳng tới từ con tàu, và luật biển đòi hỏi mỗi người phải cứu giúp những ai gặp hiểm nguy trên biển. Iemanja hẳn sẽ hài lòng với anh, nếu anh sống qua được để trở về hẳn Người sẽ ban cho anh người phụ nữ anh hằng cầu ước. Guma chưa hể đáp lại tiếng còi tàu. Con tàu chắc đang ở đâu đó bên ngọn hải đăng, gắng chống chọi để chờ người tiếp cứu, các thủy thủ chắc đang trấn an cho đám phụ nữ, trẻ con. Một con tàu mất hướng đang vật vờ ngay bên cánh cửa đưa vào cảng...Đó là lý do vì sao anh dấn thân vào cõi chết để cứu một con tàu. Bởi mỗi con tàu, mỗi con thuyền, một chiếc xuồng, thậm chí mỗi tấm ván trôi dạt trên biển đều có thể là quê hương, là đất sống cho mọi người dân biển, nhưng thần dân của Mẹ Biển Iemanja. Bản thân họ cũng không biết rằng mỗi mảnh vỡ từ các con tàu đắm, mỗi cánh buồm tơ tả trên các con thuyền cũng mang hồn Đất Mẹ Aioca, nơi nữ thần Janaina ngự trị.
Anh băng ngang đập chắn sóng. Trên pháo đài cổ có ánh đèn nháp nháy, nhập nhòa di động như bóng ma. Guma gọi lớn:
- Jeremias! Ơi Jeremias!
Jeremias lần ra, mang theo một ngọn đèn. Ánh đèn rọi trên mặt biển chao đảo, nhảy múa, sụt trồi theo con sóng, Jeremias hỏi:
- Ai đó?
- Guma đâ
- Cậu điên rồi hả, Guma?
- Tôi ra tìm tàu Canavierias, nó không vào vịnh nổi...
- Để mai không được sao?
- Nó đang nổi còi kêu cứu...
Chiếc "Quả cảm" vượt qua ngoài đập chắn sóng. Jeremias gọi với theo, tay giơ cao ngọn đèn:
- Gắng lên! Chúc cậu bình an!
Guma vật lộn với tay lái, Jeremias hẳn cũng không nghĩ sẽ còn gặp lại anh, còn được thấy con thuyền "Quả cảm" băng ngang đập chắn sóng một ngày nào đó. Những bài hát của anh ta hẳn sẽ không bao giờ còn đến được với Guma. Chính anh là người đêm đêm vẫn hát lên bài ca về sự ngọt ngào được chết trên biển cả... Chiếc "Quả cảm" lao đi trên sóng. Giờ là cuộc chạy đua như điên dại, cuốn theo chiều gió. Thuyền suýt lật ngang khi Guma định đổi hướng. Gió muốn cuốn bay Guma, bủa sóng lên khoang thuyền, dán mớ tóc ướt bết vào mặt anh, gào rít trong tai anh. Gió tung hoành trên thuyền, thổi tắt các ngọn đèn. Ánh sáng từ thành phố - càng lúc càng xa - thoáng vụt qua nhanh chóng. Giờ là cuộc chạy đua vô tận, vô cùng, khi người lẫn thuyền đều nghiêng hẳn sang bên, đôi tay biến thành một phần của tay lái. Gió đang đưa anh tới đâu đây? Mưa dầm ướt thân anh, quất như roi vào mặt. Anh chẳng nhìn thấy gì trong màn đêm đen kịt, chỉ có tiếng còi tàu Canavieiras định hướng dẫn đường. Anh có thể trôi xa khỏi nó, có thể dạt vào tận Itaparica hay va vào một mỏm đá ngầm giữa biển. Không ai đủ cam đảm ra đi. Ngay cả Jeremias cũng kinh hoàng khi thấy anh băng qua đó. Mà Jeremias là một cựu chiến binh. Anh ta sống một mình ẩn thân như con chuột trên pháo đài hoang kể từ khi không thể phục vụ trong quân ngũ do quá tuổi. Anh ở lại đây để sống giữa biển khơi, trong một pháo đài hoang phế để không phải chia tay với những khẩu thần công, với tất cả những gì nhắc nhở về doanh trại và cuộc đời quân ngũ. Và Guma cũng đi con đường của mình, con đường của chiếc "Quả cảm", thậm chí không đi, mà đang chạy điên cuồng trên mặt biển dựng muôn ngàn lớp sóng. Cũng có thể anh sẽ không bao giờ đến được cái đích mình muốn tới, và sáng mai mọi người sẽ phải giăng ra tìm vớt xác anh. Ông lão Francisco sẽ xăm tên anh lên cánh tay mình, sẽ kể về những kỳ tích điên rồ của anh cho nhưng người đánh cá ngồi quanh trên bến cảng. Rosa Palmeirao chắc rồi sẽ quên anh, sẽ yêu người khác, sẽ vẫn hoài mong một đứa con trai. Nhưng dẫu sao luật vẫn phải được tuân hành và chuyện về anh sẽ là tấm gương cho nhiều con người hôm nay và những thế hệ khác.
Anh không nghe thấy tiếng còi tàu. Ánh đèn thành phố trông cũng không rõ nữa. Bất chấp những cố gắng của anh, chiếc thuyền đã dạt ra khỏi lộ trình cần thiết. Nó đã dạt xa hơn ra phía biển, gần đến bờ Itaparica. Anh bẻ mạnh đuôi lái và chạy tiếp, gắng tự định hướng cho mình, chẳng biết còn bao lâu, mất bao nhiêu giờ nữa? Lẽ ra phải đến nơi rồi. Sao Iemanja không xuất hiện khi anh còn chưa tìm thấy con tàu Canavieiras?
Anh còn quá trẻ để phải chết. Anh vẫn hằng ao ướt một người con gái ngây thơ trinh trắng (như cô Dulce lúc anh còn đi học) chỉ thuộc riêng mình. Anh chẳng có đứa con trai nào để lại, thuyền của anh rồi sẽ tan tành. Anh không sợ chết, nhưng cảm thấy chết còn quá sớm. Anh những mong chỉ chết đi sau khi đã để lại một câu chuyện khiến mọi người nhớ mãi khắp vùng biển nơi này. Còn quá sớm để đi vào cõi chết. Cũng quá sớm để đi theo nữ thần biển cả, Dona Janaina. Anh còn chưa kịp trở thành oga, thầy phụ lễ trong những nghi thức candomblé của Người, chưa hát những bài ca về Người, chưa mang trên cổ những viên sỏi màu lá do Người ban tặng.
Vật anh đang mang trên cổ lúc này là chiếc mề đay cô Dulce trao tặng. Hẳn cô Dulce sẽ rất buồn khi được tin anh chết. Cô không thể hiểu được cuộc đời của họ, một kiếp sống nặng nề luôn cận kề cái chết mỗi ngày, và chờ đợi điều kỳ diệu phi thường sẽ tới. Ai biết được, có thể ngày ấy rồi cũng tới. Đó cũng là lý do khiến Guma không muốn chết. Bởi vào cái ngày xảy ra điều kỳ diệu ấy cuộc đời sẽ đẹp hơn, sẽ bớt đi những mảnh đời bất hạnh, ngươi ta còn đem mạng sống của mình để đổi lấy hai trăm milreis.
Dường như thuyền đã quay lại đúng lộ trình dự định. Anh đã nghe thấy những hồi còi vang lên kêu cứu. Một cơn sóng dữ dội cuốn anh bật khỏi thuyền. Anh gắng sức bơi về phía chiếc thuyền mất lai đang xoay tròn trong gió. Có thể mọi chuyện đã kết thúc và anh vẫn chưa có một cái tên thiêng liêng để gọi lên trong phút giây sinh tử ấy. Nhưng phút giã biệt của anh hẳn còn chưa tới bởi người phụ nữ của anh còn chưa đến được với anh. Anh bơi trong vô vọng, gắng với được mạn thuyền, bám chặt vào tay lái và xoay thuyền hướng về phía con tàu đã nhìn thấy đằng xa. Anh chiến đấu chống chọi với gió đập, sóng dồn, với cả cơ thể đang run lên vì lạnh giá.
Cuộc đua tranh lại tiếp tục. Anh nghiến răng, lòng không chút hãi hùng. Anh những muốn kết thúc mọi chuyện, thật dứt khoát, chỉ một lần. Đãần, rất gần rồi, ánh sáng trên tàu thấp thoáng. Mưa xối xả, gió xé muốn rách buồm nhưng anh đã gọi vang lên thân con tàu Canavieiras cao lớn:
- Thả thang dây đi!
Đám thủy thủ trên tàu hối hả. Họ ném xuống một sợi dây để buộc chặt con thuyền. Tiếp đó là cuộc phiêu lưu từ con thuyền lên boong tàu theo chiếc thang dây lắc lư như đưa võng. Hai lần anh suýt rơi, và nếu vậy thì không ai cửu nổi bởi anh sẽ bị nghiền nát giữa chiếc thuyền và con tàu đang nhồi lắc theo từng ngọn sóng.
Anh mỉm cười, người ướt sũng nhưng cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Trên cảng chắc mọi người nghĩ giờ phút này hẳn anh đã chết; thân xác đang phiêu diêu trong vòng tay của nữ thần biển cả Iemanja.
Guma leo lên buồng lái, nơi viên thuyền trưởng người Anh trao cho anh số phận con tàu. Thợ máy khởi động các động cơ, thợ đốt lò thổi bừng thêm ngọn lửa, các thủy thủ trở về vị trí của mình. Guma điều khiển con tàu. Anh ra lệnh và xử lý các tình huống. Có lẽ chỉ như vậy mà một người như anh mới có thể trở thành thuyền trưởng một con tàu lớn. Chỉ bằng sự giúp đỡ của Iemanja, nguồn sức mạnh kỳ ảo ấy. Ngay ngày mai tay người Anh bệ vệ này, và cả lão Godofredo thậm chí sẽ không nhận ra anh trên con thuyền "Quả cảm" chạy sát bên. Không ai gọi là người hùng, anh biết thế. Và anh cũng biết xưa nay luôn là vậy, ngoại trừ khi điều kỳ diệu cô Dulce hằng mơ ước xảy ra sẽ thay đổi đến tận cùng qui luật ấy.
Hai giờ sau tàu Canavierias vào bến, bão vẫn hoành hành trên thành phố và trên mặt biển. Cánh buồm ở thuyền "Quả cảm" rách bươm, thân thể rạn nứt do va đập với con tàu, tay lái thuyền gãy tan từng mảnh.
Trên cảng người ta nói bóng ma của Joao Pequenco không bao giờ còn xuất hiện bởi con tàu lạc đã được tìm ra và đưa về bến. Từ hôm ấy tên của Guma được nhắc đến thường xuyên trên vùng biển Bahia.
***
IEMANJA, NỮ THẦN MANG NĂM TÊN GỌI
Không ai trên cảng chỉ có một cái tên. Ai cũng còn có biệt danh hay tên tắt, tên kéo dài hoặc được gắn thêm từ gì đó nhắc về một giai thoại, một trận đánh nhau hay một người phụ nữ.
Iemanja, nữ thần của bến cảng, của những con tàu, của cuộc đời mọi người dân biển cũng có đến năm cái tên, năm cái tên ngọt ngào ai cũng biết. Người được gọi là Iemanja, luôn được gọi như vậy và đó là tên thực của Người, của nữ hoàng sóng nước, nữ chúa đại dương. Cánh lái thuyền thích gọi Người là Dona Janaina và đám da đen, lũ con cưng của người, những kẻ nhảy múa cuồng nhiệt nhất trong các lễ hội mừng Người, gọi Người là Inaê với tất cả lòng sùng kính chân thành trước nữ vương Aioca, nữ hoàng của xứ sở đầy bí ẩn phía bên kia dải nước xanh ngăn cách họ với miền đất ấy. Tuy nhiên phụ nữ vùng biển, những con người bình dị, kiên cường, Rosa Palmeirao, những cô gái ăn sương, những người phụ nữ có chồng, các trinh nữ đã hứa hôn đều gọi Người là Dona Maria bởi Maria là cái tên đẹp nhất, thiêng liêng nhất, và họ dâng nó lên Iemanja như một món quà với cung cách như cúng những bánh xà phòng lên điện thờ của Người trên Đập nước. Người là tiên cá, là nữ thần sóng nước, nữ thần của biển khơi, là Iemanja, Dona Janaina, Dona Maria, Inaê, Nữ vương Aioca. Người chế ngự các đại dương, ngưỡng một ánh trăng rằm những đêm mây quạnh, yêu thích các giai điệu du dương của đám da đen. Hàng năm lễ hội Iemanja được tổ chức tưng bừng trên Đập nước và ở Thánh đường Monte Serrat. Vào dịp đó họ gọi Người bằng cả năm tên, bằng mọi danh hiệu, dâng lên Người các lễ vật và những bài ca.
Đại dương mênh mông, biển khơi là con đường vô tận, nước tạo nên quá nửa, là ba phần tư của thế giới, và tất cả đều thuộc về Iemanja. Nơi nữ thần ngự trị có thể là điện thờ trên Đập nước ở vùng duyên hải Bahia, cũng có thể là các hang động ở Monte Serrat. Người có thể sống ở các thành phố ven Địa Trung Hải, biển Trung Hoa, California, Aegean hay vịnh Mexico. Thuở xa xưa Người sống ở miền duyên hải châu Phi, cạnh vùng đất Aioca như người ta nói. Nhưng Người đã đến Bahia để ngắm nhìn dòng nước sông Paraguacu và đã ở lại sống tại vùng duyên hải này, nơi điện thờ gần Đập nước. Tại đây Người chải mái tóc dài của mình (các nữ tỳ xinh đẹp cầm lược ngà, lược bạc đi theo), lắng nghe những lời nguyện cầu của phụ nữ làng chài, thả ra những cơn dông bão, chọn những người đàn ông mình sẽ mang theo trong cuộc viễn du đến những tầng sâu vô cùng của biển. Đó cũng là nơi diễn ra những lễ hội mừng Người, đẹp hơn nhiều so với bao lễ hội khác ở Bahia, đẹp hơn cả macumbas, bởi nó thuộc về thánh orixác hùng mạnh, thuộc về những kẻ tiền bối, đấng khởi nguyên cho mọi lớp người sau. Nếu không quá ngại tội bất kính hẳn người ta đã nói nó đẹp hơn cả lễ hội mừng Oxolufa, Đức thánh chí linh cổ hùng mạnh nhất. Bởi đêm lễ hội Iemanja là đêm đẹp tuyệt vời. Đó là những đêm biển long lanh giữa hai màu lam và lục, vầng trăng ngự trị bầu trờ
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top