Phần 1

CHƯƠNG 01: CÂU CHUYỆN CỦA MỘT DOANH NHÂN TRIỆU PHÚ

Bạn ấp ủ khát khao cháy bỏng trở thành chủ doanh nghiệp; bạn mong muốn tuyển chọn và gây dựng một đội ngũ hùng mạnh để biến những ý tưởng của mình thành hiện thực.
Vâng, nếu quả thật bạn nuôi những ước mơ đẹp đẽ như vậy thì tôi có đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm thực tế để giúp bạn có thể tự tin bắt tay ngay vào việc xây dựng một doanh nghiệp trị giá hàng triệu đô bắt đầu từ... con số 0.
Có thể bạn vẫn đang là một nhân viên văn phòng bình thường, một người quản lý bậc trung hoặc cao cấp, thậm chí một sinh viên chân ướt chân ráo mới ra trường, hoặc bạn đã là chủ một doanh nghiệp nhỏ đang tìm kiếm cách thức và cơ hội để nâng công ty mình lên một tầm cao mới. Cho dù bạn đang ở đâu, bạn không cần phải băn khoăn về điểm xuất phát của mình trên cuộc hành trình chinh phục ước mơ này.
Điểm hay nhất của những phương pháp mà tôi giới thiệu trong sách là bạn không nhất thiết phải sở hữu một món tiền khổng lồ để thành lập công ty, cũng không cần phải có bằng cử nhân từ một trường đại học danh tiếng. Bạn không buộc phải tích lũy kinh nghiệm nhiều năm trong một ngành kinh doanh hoặc thương mại. Tất nhiên, tiền bạc, kiến thức và kinh nghiệm có thể giúp bạn rất nhiều trong việc thực hiện ước mơ làm chủ nhưng tuyệt đối không phải là những điều kiện cần.
Tất cả những gì bạn cần là một tư duy mở để tiếp nhận những điều mới lạ, một ước vọng bao la vươn tới thành công và một tinh thần sẵn sàng làm tất cả không nề hà khó khăn. Nếu bạn sẵn lòng đưa ra ba lời cam kết này, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng, chỉ trong vòng vài năm, bạn sẽ nhìn thấy ước mơ của mình thành hiện thực.

THÔNG MINH, CHĂM CHỈ, TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN CAO VÀ DÀY DẠN KINH NGHIỆM VẪN CHƯA ĐỦ...

Tại sao tôi viết quyển sách này? Trong mười năm qua, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu người hăm hở thành lập doanh nghiệp với bao hy vọng và mơ ước tươi đẹp, để rồi chịu cảnh đổ vỡ, thất bại; họ không những mất tiền bạc, công sức, thời gian mà còn mất cả niềm tin vào chính bản thân mình. Điều trớ trêu là hầu như tất cả những người này đều thông minh, chăm chỉ, tràn đầy nhiệt huyết; nhiều người trong số họ còn nắm giữ những bằng cấp đáng nể nữa.

Tại sao những ứng cử viên sáng giá đến thế lại thất bại? Đơn giản là vì trí thông minh, niềm đam mê, sự chăm chỉ và kinh nghiệm... ngần ấy yếu tố vẫn chưa đủ để xây dựng một doanh nghiệp thành công. Sau một thời gian tập trung nghiên cứu về vấn đề này, tôi phát hiện ra rằng, để trở thành một doanh nhân thành đạt, bạn cần được trang bị các phương pháp tư duy và kỹ năng cần thiết. Trong chương hai, tôi sẽ chia sẻ với bạn những phương pháp và kỹ năng đó thực chất là gì và làm thế nào để bạn có thể trang bị cho mình những thứ đó.
Nhiều khi ngẫm nghĩ tôi thấy thật kỳ lạ, cứ như thể nhà trường và xã hội chuẩn bị sẵn cho chúng ta tiền đề để... thất bại trong kinh doanh. Sở dĩ tôi dám nói như vậy là bởi vì những gì chúng ta học được hoặc bị ép buộc phải tin là đúng trong trường học và nơi công sở trái ngược hẳn với những phương pháp tư duy và kỹ năng mà một người cần có để thành công trong kinh doanh.
Thứ nhất, trong nhà trường hay nơi làm việc, mỗi khi có việc gì không ổn xảy ra, hầu như mọi người ai nấy đều "được lập trình sẵn" để viện cớ hoặc đổ lỗi cho "ngoại cảnh", tức là một cái gì đó hay một ai đó với hy vọng bản thân mình không phải gánh chịu hậu quả, không bị đổ lỗi, bị mất mặt hay bị trách phạt. Trong khi đó, một cách nghĩ như vậy chắc chắn sẽ dựng lên một bức tường mà bạn không thể nào trèo qua để vươn tới thành công. Bởi vì, để trở thành hoặc là một doanh nhân, bạn phải có tinh thần dám chịu trách nhiệm. Thật vậy, nếu không có tinh thần làm chủ và chịu trách nhiệm 100% về bất cứ chuyện gì xảy ra với mình, bạn sẽ không thể xây dựng một doanh nghiệp với mức độ thành công đáng kể.
Thứ hai, từ lúc đi học cho đến khi đi làm và về hưu, chúng ta được dạy rằng thất bại và lỗi lầm là những việc không thể chấp nhận được, nó như một bệnh dịch càng tránh xa càng tốt. Vì vậy, chúng ta thường bị la rầy trách cứ thậm chí bị trừng phạt nếu chúng ta thất bại hoặc phạm lỗi; và đến lượt mình chúng ta cũng thích thú với vai trò trách mắng, trừng phạt những kẻ thất bại, mắc lỗi. Trong khi ấy, dám mắc lỗi và dám thất bại lại chính là những tính cách không thể thiếu để trở thành một doanh nhân thực thụ. Các triệu phú tin rằng không có cái gọi là thất bại, đó chỉ là những bài học kinh nghiệm mà nếu ai không học thì khó có thể thành công. Họ tin rằng trừ khi họ dám hành động, dám mắc lỗi và dám thất bại, họ sẽ không bao giờ nếm được trái ngọt của thành công. Những người sợ mắc lỗi và sợ thất bại thường không tồn tại quá ba tháng sau khi khởi sự kinh doanh!
Thứ ba, chúng ta được trọng thưởng khi tuân thủ các quy định và những giá trị có sẵn. Trong giảng đường, chúng ta được dạy rằng chỉ có duy nhất một câu trả lời đúng và nó có thể được tìm thấy trong sách giáo khoa. Khi đi làm, người ta yêu cầu chúng ta "làm theo chỉ đạo của cấp trên, trong chức trách và phận sự của mình", "không thắc mắc", "không lội ngược dòng", "đừng tỏ ra tài lanh", "đừng chơi nổi", v.v...
Thế mà cách duy nhất để bạn về nhất trong các cuộc tranh tài hoặc thành công trong kinh doanh là bạn phải có một cách nghĩ khác với số đông, phải dám thách thức các giới hạn, dám "nổi loạn" (tất nhiên là trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức), tức là dám... không làm theo cách mà ai cũng làm và thậm chí tạo ra những quy luật mới trong kinh doanh.
Trong kinh doanh mà cứ răm rắp làm theo những gì thiên hạ đã làm chán rồi và chạy theo đám đông có khác gì cảnh trâu chậm uống nước đục. Sáng tạo ra một phương thức mới, hiệu quả hơn cách mà người khác vẫn làm chính là ẩn số và yếu tố quan trọng nhất quyết định chỗ đứng và thành công của một doanh nghiệp trong thương trường.
Đó cũng là lý do tại sao vô số những người học rộng tài cao với đủ các loại văn bằng hiển hách về kinh tế vẫn thất bại trong việc kinh doanh; trong khi ấy những người bỏ học giữa chừng như Bill Gates (sáng lập ra tập đoàn Microsoft), Larry Ellison (Tổng giám đốc (CEO) của Oracle), Steve Jobs (CEO của Apple), Richard Branson (CEO của Virgin), Anthony Robbins (Nhà đào tạo số một thế giới) và Michael Dell (CEO của Dell Computers) lại là những doanh nhân thật sự đã tạo dựng lên những đế chế trị giá hàng tỷ đô Mỹ.
Tôi không có ý phản đối chuyện học hành, cũng không cho rằng bằng cấp là vô bổ hoặc bắt đầu vào đời bằng việc đi làm thuê là hạ sách. Tôi thật sự tin rằng môi trường đại học trang bị cho chúng ta những kiến thức nền tảng cần thiết, giúp chúng ta sống và tư duy tốt hơn. Tôi cũng cho rằng khoảng thời gian đi làm thuê cho người khác cho phép chúng ta học hỏi được rất nhiều từ kinh nghiệm của người khác và đẩy nhanh mức độ tiếp thu kiến thức của chúng ta. Đây cũng là lý do vì sao tôi quyết định hoàn thành chương trình cử nhân kinh doanh của mình tại trường Đại Học Quốc Gia Singapore (NUS) và luôn cố gắng nằm trong nhóm sinh viên dẫn đầu.
Tuy nhiên, điều mà tôi muốn nói là bạn không nên để cho trí tuệ của mình bị giới hạn và nằm trong vòng kiểm soát của những cách nghĩ cũ mòn mà một nền giáo dục chính thống có thể mang lại cho bạn. Khi làm việc cho ai đó với tư cách là một người làm công, bạn hãy tránh cách nghĩ, cách phản ứng cũng như cách hành xử của một người đi làm thuê. Thay vì thế, hãy học cách tư duy và hành động như một doanh nhân... như thể bạn là ông chủ thật sự. Suy cho cùng đó chẳng phải là khoảng thời gian tập sự quý báu để chuẩn bị cho việc làm chủ nếu mơ ước của bạn là mở doanh nghiệp riêng hay sao?
Trong bảng dưới đây, tôi liệt kê ra sự khác biệt rõ rệt giữa lối suy nghĩ và hành động của người làm thuê với tư duy và hành động của một doanh nhân thật sự.

Tư duy của người làm thuê
1/ Tìm lý do hoặc viện cớ để rũ bỏ trách nhiệm hoặc đổ lỗi cho người khác khi gặp vấn đề.
2/ Chỉ hoàn thành đúng bổn phận của mình. "Tôi không được trả lương để làm những việc khác".
3/ Sợ mắc sai lầm và thất bại.
4/ Chạy theo đám đông. Cứ làm theo những gì người khác làm đảm bảo tôi sẽ không mắc sai lầm và không phải trả giá đắt.
5/ Chờ cho mọi thứ xảy ra và chỉ phản ứng lại một cách thụ động. "Tôi đâu dám cầm đèn chạy trước ôtô!"
6/ Tìm kiếm sự thoải mái vì thế luôn làm theo lề thói cũ, ghét sự thay đổi.

Tư duy của doanh nhân
1/ Chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra với mình, dám thay đổi cho mọi thứ tốt hơn.
2/ Bất cứ điều gì ảnh hưởng đến doanh nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng đến tôi. Vì vậy, chúng là mối quan tâm của tôi.
3/ Dám lao vào thử thách và chấp nhận thất bại cũng như sai lầm, vì đó chính là cách để tôi học hỏi để thành công.
4/ Thách thức những lề thói cũ, không đi theo lối mòn. Suy nghĩ và hành động khác với tiền lệ. Thà thất bại (và rồi rút kinh nghiệm) trong nỗ lực còn hơn thỏa mãn với sự tầm thường.
5/ Dấn thân làm cho mọi thứ diễn ra. Tính toán trước và là người đứng ra khởi sự. Coi khó khăn chính là thử thách giúp mình lớn mạnh lên.
6/ Hào hứng với sự thay đổi tích cực và thách thức cái cũ để làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn. Khi cần thiết có thể làm một cuộc "cách mạng" lật ngược tình thế.

Để quyển sách bạn đang cầm trên tay có thể là một cuốn cẩm nang hữu ích trong việc giúp bạn trở thành doanh nhân triệu phú, bạn hãy tạm quên đi những niềm tin, cách nghĩ và thái độ mà mình đã học được hoặc vô tình nhiễm phải trong trường học hoặc từ kinh nghiệm đi làm thuê cho người khác (trừ trường hợp ông chủ của bạn là một người năng động và thành đạt). Hãy để đầu óc và tâm hồn tinh khôi, tươi mới và rộng mở như trang giấy trắng cho việc học hỏi những điều mới lạ; có như thế bạn mới hình thành và phát triển được tư duy của doanh nhân triệu phú một cách nhanh nhất.

CUỘC HÀNH TRÌNH TRỞ THÀNH DOANH NHÂN TRIỆU PHÚ CỦA TÔI

Tôi muốn bắt đầu bằng câu chuyện về chính cuộc đời mình, tôi đã làm gì để có được vị thế như ngày hôm nay: kiếm được một triệu đô đầu tiên ở tuổi 26, vĩnh viễn giải phóng khỏi mối âu lo tiền bạc ở tuổi 30, xây dựng nên một cơ nghiệp thịnh vượng ngày một phát đạt với bảy công ty kinh doanh có mặt trên nhiều quốc gia với doanh thu trên 30 triệu đô một năm. Tôi hy vọng những câu chuyện có thật trên con đường sự nghiệp của tôi có thể truyền cảm hứng và niềm tin cho bạn trong bước đầu khởi nghiệp.
Khi báo chí nói về những thành công của tôi như một hiện tượng ở Singapore, thiên hạ thường đặt ra cho tôi những câu hỏi như sau: "Làm sao anh có thể khởi nghiệp mà không có vốn?", "Làm thế nào anh có thể phát triển tư duy và kỹ năng làm giàu?", "Nhờ đâu mà anh có được động lực và những ý tưởng "hái ra tiền" như vậy?" và "Anh bắt đầu như thế nào?".

Tôi chắc bạn cũng có những thắc mắc kiểu như vậy trong đầu. Để trả lời cho những câu hỏi đó, trong những chương sách tiếp theo, tôi sẽ lần lượt chia sẻ với các bạn cách thức tôi bắt đầu và phát triển các doanh nghiệp của mình. Tôi sẽ tập trung vào những bài học kinh nghiệm rút ra trong suốt quá trình đó và quan trọng hơn là làm thế nào để bạn có thể áp dụng thành công những phương pháp và bí quyết này vào việc gây dựng doanh nghiệp cho mình.
"Con nhà giàu" hay "con nhà nghèo" có phải là một sự khác biệt lớn?

Thường ai cũng mong muốn được sinh ra trong một gia đình giàu có và coi đó là một lợi thế lớn cho việc vào đời. Nếu bạn cũng nghĩ như thế thì bạn cần biết rằng hoàn cảnh kinh tế gia đình không có ảnh hưởng đáng kể đến thành công của chúng ta. Phát hiện này được công bố trong quyển sách "Làm hàng xóm với triệu phú" (The Millionaire Next Door) của Tiến sĩ Thomas J. Stanley (sách bán chạy nhất theo bảng xếp hạng của New York Times). Ông đã tiến hành nghiên cứu và phỏng vấn trên 500 triệu phú ở Mỹ và rút ra nhiều kết luận đáng kinh ngạc, trong đó có kết luận trên.

Thật vậy, trong số hơn 500 triệu phú kể trên chỉ có chưa đến 50 người khởi nghiệp với số tiền được thừa kế hay không phải do mình làm ra. Hơn 90% còn lại xuất thân từ tầng lớp trung lưu, thậm chí là "con nhà nghèo".

Nghèo khó cũng có mặt lợi ích của nó

Tôi tin rằng dù bạn xuất thân từ gia đình giàu hay nghèo thì bạn cũng đều có thể hưởng lợi ích từ việc đó. Sự giàu có hiển nhiên mang đến nhiều điều cho chúng ta, cả cái nghèo cũng vậy. Sự nghèo túng thường là tiền đề tạo cho bạn khát vọng làm giàu, một tinh thần dấn thân và một động lực làm tất cả cho cuộc sống của bản thân và những người trong gia đình trở nên tốt hơn; đó là những điều mà sự giàu sang, dư thừa lại hiếm khi làm được. Những người có gia cảnh nghèo khó túng thiếu thường có sẵn tinh thần "không có gì để mất"; vả chăng "cái khó ló cái khôn", nhiều người nghèo tỏ ra rất tháo vát, chịu thương chịu khó trong những kế mưu sinh. Đây chính là những đặc điểm hết sức cần thiết cho một doanh nhân thật sự. Điều này giải thích tại sao phần lớn những người giàu nhất thế giới như Richard Branson, Steve Jobs, Warren Buffett và Sam Walton (cha đẻ của Wal-Mart) đều sinh ra trong những gia đình nghèo hoặc bình thường.

Trong khi ấy, nếu bạn may mắn được sinh ra trong nhung lụa, lại được cha mẹ cưng chiều muốn gì có nấy, bạn có thể sẽ không có đủ yếu tố để thắp sáng lên khát khao làm giàu và nguồn động lực cần thiết để vượt qua những khó khăn, thách thức mà bản thân việc xây dựng doanh nghiệp mang đến.
Có phải "đã giàu lại có nhiều hơn, kiếp nghèo bươn chải tráo trưng vẫn nghèo"?
Tất nhiên, việc được sinh ra trong một gia đình giàu có là mơ ước của nhiều người vì đồng tiền mang lại cho con người ta rất nhiều lợi thế. Tuy nhiên, ở góc độ khởi nghiệp, số tiền mà bạn nhận được từ cha mẹ lại không phải là yếu tố quyết định tạo ra sự khác biệt lớn. Điểm khác biệt nằm ở tư tưởng và niềm tin tích cực mà bạn có thể sẽ có được khi sống trong sự dồi dào của cải, vật chất.
Nếu bạn sống trong một khu biệt thự sang trọng bậc nhất, cha bạn kiếm vài triệu đô một năm, cả nhà đi du lịch trên những du thuyền sang trọng thì bạn có xu hướng tin rằng những chuyện như thế là bình thường, và rằng kiếm vài triệu đô là "điều có thể". Những chuẩn mực trong lối sống của gia đình và những người mà gia đình bạn thường giao du sẽ có ảnh hưởng lớn đến những tiêu chuẩn sống cao hơn dần dần hình thành trong bạn. Và như thế, bạn sẽ bắt đầu cố gắng để đạt được những điều đó khi trưởng thành bởi vì bạn tin những điều đó là hoàn toàn có thể.
Trong khi ấy, cuộc sống nghèo khó, hiển nhiên, có nhiều điểm bất lợi. Nếu bạn sinh ra trong một khu nhà ổ chuột, nơi đa số hàng xóm láng giềng chưa học hết phổ thông, phần lớn lao động chân tay, chưa bao giờ có một chiếc xe tử tế hoặc sống trong một căn hộ đàng hoàng, bạn có khuynh hướng tin rằng, "Xung quanh mình toàn những người không thoát nổi cái nghèo thì làm sao mình có thể khác đi được?", rằng "Xe hơi và nhà lầu ư? Đó là những thứ dành cho người khác, chứ không phải cho mình".
Nhiều trẻ con nhà nghèo có xu hướng nhiễm phải những thói quen xấu từ cha mẹ hoặc môi trường xung quanh chúng như sống hôm nay không biết ngày mai, chỉ tiêu xài mà không tiết kiệm, bài bạc, bỏ học giữa chừng, lãng phí thời gian... Đây chính là những thói quen làm cho họ, con cái và cháu chắt của họ không thể đổi đời được mà cứ phải sống mãi trong cảnh chạy ăn từng bữa!
Vậy thì làm cách nào mà những người như Warren Buffett, Steve Jobs hoặc Sim Wong Hoo (Giám đốc điều hành của Creative Technologies) là những người được sinh ra trong nghèo khó lại có cách nghĩ tích cực, họ biết mượn cái nghèo làm bệ phóng và động lực cho những ước mơ lớn? Vấn đề là ở chỗ, cái nghèo không giam hãm tâm hồn và ý chí của họ mà trái lại tạo động lực cho họ kiến tạo một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ là những người biết phóng tầm mắt ra khỏi gia đình của mình, học hỏi và noi gương những thần tượng là những tỷ phú xuất thân từ hai bàn tay trắng; đó là những tấm gương sống tiếp thêm cho họ niềm tin rằng việc trở thành tỷ phú không phải là điều không tưởng!
Vì vậy, nếu gia đình bạn luôn sống trong cảnh "giật gấu vá vai", bản thân bạn mang tâm trạng bức bách, thất vọng với cảnh thiếu thốn thì bạn hãy biến nỗi bức xúc này thành động lực cho việc tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và những người mà bạn thương yêu. Đồng thời, đừng để những chuẩn mực trong lối sống gia đình ấn định tiêu chuẩn sống cho chính bạn. Nếu những người xung quanh bạn không kiếm được hàng triệu đô mỗi năm thì điều đó không có nghĩa là bạn không làm được. Hãy tìm cho mình những thần tượng là những người thành công nhờ vào trí lực của họ và đặt chuẩn mực cho mình dựa vào chuẩn mực của những thần tượng này.
Điều tốt đẹp nhất của hai thái cực giàu và nghèo: Cha giàu nhưng nghiêm khắc
Còn câu chuyện về tôi thì sao? Có thể nói tôi là người được hưởng điều tốt đẹp nhất giữa hai thái cực giàu và nghèo. Tôi sinh trưởng trong một dòng họ giàu có ở Singapore. Cha tôi cùng các cô chú tôi nếu không phải là những doanh nhân thành đạt thì cũng là những chuyên viên cao cấp. Họ sống trong những ngôi biệt thự sang trọng, sinh hoạt ở những câu lạc bộ cao cấp, và phần lớn đều có từ hai chiếc xe hơi trở lên. Một vài người còn sở hữu những chiếc xe thể thao sang trọng bậc nhất, là những thứ khơi gợi khao khát riêng của tôi từ khi tôi còn bé về một cuộc sống giàu có, viên mãn.
Trong môi trường đó, tôi rất dễ nhiễm suy nghĩ rằng "kiếm tiền dễ như bỡn" và rằng việc trở thành triệu phú, sống trong những tòa biệt thự cao cấp, sang trọng là chuyện "dĩ nhiên".
Vậy điều gì đã ngăn tôi không trở thành một kẻ lông bông, lười biếng, cho rằng cả thế giới này phải cung phụng mình? Tất cả là nhờ người cha thân yêu của tôi. Từ những điều mắt thấy tai nghe trong giới giàu sang và quyền lực, ông "ngộ" ra một điều rằng cho con cái tất cả những gì chúng muốn là bóp chết nỗi khao khát lành mạnh được làm giàu bằng chính sức lực của mình và động lực vươn tới thành công của chúng. Nhiều đứa con của bạn bè ông đã ở vào tuổi tứ tuần mà vẫn phải sống dựa dẫm vào cha mẹ sau những thất bại liên tiếp trong kinh doanh.
Từ những gì chiêm nghiệm được, cha tôi đi đến quyết định không thể để một kết cục như vậy xảy ra với tôi! Từ khi tôi biết tiêu tiền, ông chỉ cho tôi tiền tiêu vặt đủ để ăn sáng và uống nước, ít hơn nhiều so với số tiền mà anh chị em họ hay bạn bè của tôi được cha mẹ họ cho. Ông chủ trương ngay từ đầu rằng, nếu tôi muốn mua thêm bất cứ thứ gì khác thì tôi phải tự kiếm tiền mà mua.
Thật lòng mà nói, lúc đầu tôi rất bất mãn và thầm oán cha mình keo kiệt với tôi – đứa con trai duy nhất của ông. Nhìn quanh thấy mấy anh chị em họ và bạn bè tôi được cha mẹ mua cho không thiếu thứ gì: từ quần áo hàng hiệu đến đủ món đồ chơi xịn, trong khi tôi chẳng được cha mua cho bất cứ thứ gì mà trẻ con vẫn thích! Tệ hơn, tôi biết rằng cha tôi rất giàu và tôi đã không hiểu tại sao ông lại keo kiệt và cay nghiệt với tôi như vậy.
Cha thường xuyên nói với tôi, "Nếu con muốn món đó thì tự kiếm tiền mà mua lấy", "Con nghĩ bố là cái máy in tiền chắc?". Ông còn làm mọi cách để tôi hiểu rằng, tôi không nên trông mong ông sẽ cho tôi một đồng nào trong tương lai; rằng nếu tôi muốn tiếp tục cuộc sống sung túc từ bé, thì tôi buộc phải làm việc cật lực như ông vậy. "Nếu con làm hỏng đời mình thì đừng mong cha sẽ nhảy vào cứu! Không ai nợ con cuộc sống của chính con". Với cha tôi, bao giờ ông cũng tuân thủ nguyên tắc lời nói đi đôi với việc làm.
Học kỹ năng quan trọng nhất đối với một doanh nhân
Tất nhiên, lúc trẻ người non dạ tôi không hiểu được và mang lòng oán ghét cách cha tôi răn dạy và đối xử với con cái, nhưng bây giờ nhìn lại, tôi biết chính cha tôi đã gieo những hạt giống tốt đẹp, giúp tôi trở thành một trong những triệu phú tự lập trẻ nhất ở Singapore.
Quả thật, dù sinh trưởng trong một môi trường giàu sang, nhưng cha tôi đã không nuông chiều tôi theo kiểu các cậu ấm cô chiêu. Ông tạo cho tôi tâm lý bức bách không thỏa mãn, tôi không bao giờ có được cái tôi muốn mà không phải bằng sức của mình (ông bắt tôi phải đi xe buýt đến trường trong khi chiếc Mercedes Benz SLK của ông thì bỏ nằm không trong ga-ra) và truyền cho tôi nỗi khát khao: một ngày nào đó tôi có thể giàu có như ông, bằng chính khối óc và đôi tay của mình.
Ở tuổi học trò, tôi mê nhất là bộ phim "Chiến tranh giữa các vì sao" (Star Wars) và ao ước đến phát điên có được tất cả những mô hình tàu vũ trụ và các nhân vật trong bộ phim này. Nhưng dù vòi vĩnh thế nào, cha tôi cũng nhất quyết không cho, thế là tôi đi đến quyết định tự kiếm tiền để mua những món đồ chơi đó.
Chính vì không đủ tiền để có được những gì mình mong muốn nhất mà tôi có động cơ đi tìm việc làm thêm vào những kỳ nghỉ. Năm 14 tuổi, tôi kiếm được việc làm thêm đầu tiên. Cha của một cậu bạn tôi làm chủ một cửa hàng văn phòng phẩm lớn ở khu trung tâm. Thế là vào những ngày nghỉ cuối tuần hay nghỉ lễ, tôi tìm đến từng công sở để chào bán dụng cụ văn phòng và gọi điện thoại chào hàng đi khắp nơi. Một ngày mới thật là dài khi tôi phải khổ công đi hết nơi này đến nơi khác để chào hàng. Tôi không ăn lương cố định mà hưởng hoa hồng, dựa trên doanh số mà tôi bán được.
Thật là một công việc nhọc nhằn và ngán ngẩm cho một sự khởi đầu. Cứ 10 nhân viên tiếp tân thì có đến 8 người tìm cách đuổi tôi đi (nhiều người trong số đó còn thể hiện thái độ cáu kỉnh rất khó chịu), họ thậm chí không cho tôi tiếp xúc với người phụ trách mua văn phòng phẩm. Kể cả khi có cơ hội nói chuyện với người quản lý, tôi cũng chỉ có thể bán hàng cho một trong số năm người mà tôi chào bán. Thỉnh thoảng, tôi chỉ bán được vài món sau hai ngày dằng dặc đi rã cả chân.
Nói ngắn gọn, tôi là một người bán hàng không lấy gì làm tự tin và có sức thuyết phục. Vấn đề là ở chỗ tôi không thật sự thoải mái với việc bán hàng, tôi cảm thấy gượng gạo, ngượng ngùng khi phải hỏi tiền người khác, nhất là với những người đáng tuổi cha tôi.
Quyết tâm đạt được mục tiêu kiếm một ngàn đô vào cuối kỳ nghỉ, tôi buộc mình phải làm chủ nghệ thuật bán hàng. Thế là tôi bắt đầu đọc các loại sách về bán hàng của các tác giả nổi tiếng như Zig Ziglar và Brian Tracy. Tôi đã học được những kỹ năng như "tìm kiếm khách hàng tiềm năng", "tạo ấn tượng tốt ngay từ đầu", "kỹ năng thuyết phục dựa vào Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy (NLP)", "kết thúc một thương vụ" và "đối phó với sự từ chối".
Tuy vậy, khoảng thời gian đi gõ cửa chào hàng không phải là vô dụng, tôi học được hai bài học vô giá đã góp phần thay đổi số phận của tôi và những gì tôi nhận được trong đời.
Bài học đầu tiên mà tôi học được đó là nhận ra rằng sự từ chối là một phần của cuộc chơi. Để bán được hàng, bạn sẽ gặp phải một số lần bị từ chối. Ví dụ, nếu sau 10 "CÁI LẮC ĐẦU" tôi mới bán được cho một người và kiếm được 100 đô tiền hoa hồng thì điều đó có nghĩa là mỗi "CÁI LẮC ĐẦU" đáng giá 10 đô. Một khi tôi đã vượt qua được nỗi sợ bị từ chối, tôi bắt đầu một chiến dịch lớn, mạnh dạn gõ cửa bất cứ văn phòng nào mà tôi tìm được.
Bài học thứ hai tôi học được từ những quyển sách, đó là nếu bạn không thích công việc bán hàng, bạn sẽ không thể làm giàu được. Để đạt được BẤT CỨ THỨ GÌ trong cuộc sống, bạn đều phải "bán" một cái gì đó!
Bạn muốn có một công việc lý tưởng với thu nhập cao ư? Bạn phải có khả năng "bán" bản thân mình trong các cuộc phỏng vấn. Nếu muốn được thăng tiến, bạn phải biết cách "bán" ý tưởng và kỹ năng của mình cho sếp. Đâu phải lúc nào những người thông minh nhất và chăm chỉ nhất cũng được ngồi vào đúng vị trí. Chỉ có những người có khả năng thể hiện mình trước ông chủ của anh ta mới làm được điều đó. Lý do cản trở nhiều người, dù có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ, không trở nên giàu có và thành đạt, là bởi vì họ không biết cách "bán".
Một sự thật bừng sáng trước mắt tôi: các chính trị gia và các giám đốc điều hành lỗi lạc nhất chính là những người bán hàng vĩ đại nhất! Những người trở thành tổng thống Mỹ (hay bất kỳ nước nào khác) không phải là những con người tài giỏi nhất (thử nhìn Bush mà xem) mà là những người giỏi giang nhất trong việc "bán" chính họ và ý tưởng của họ cho những người xung quanh.
Để trở thành một doanh nhân thành đạt, bạn phải học cách "bán" tầm nhìn của mình cho những người làm thuê cho bạn, "bán" mô hình kinh doanh của mình cho các nhà đầu tư và "bán" thương hiệu và sản phẩm cho khách hàng.
Vậy làm thế nào tôi có thể vượt qua cái nhọc nhằn, gian khổ trong việc bán hàng và làm thế nào để bạn cũng làm được điều tương tự? Câu trả lời chỉ có một: thay đổi cách nhìn của mình trong việc bán hàng. Lúc đầu, tôi đã có một nhận thức sai lầm rằng khi bán một thứ gì đó tức là tôi chiếm hữu một số tiền của khách.
Sau đó, tôi đã điều chỉnh nhận thức của mình rằng, khi bạn bán một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó có tác dụng gia tăng giá trị trong cuộc sống con người, thì đó là một cuộc trao đổi đôi bên cùng có lợi. Bạn đang giúp người mua giải quyết một vấn đề, đáp ứng một nhu cầu hoặc giúp họ đạt được một mục tiêu nào đó. Đồng thời, bạn cũng xứng đáng được hưởng tương xứng với những gì bạn mang đến cho người mua.
Tôi biết nhiều nhân viên bảo hiểm trở thành những người bạn lâu năm với khách hàng, bởi vì họ nhận được sự tin tưởng từ phía khách hàng, thông qua việc bán những sản phẩm có giá trị thật sự và cung cấp những dịch vụ tốt lâu dài.
Khi tôi thay đổi cách nhìn nhận của mình về việc bán hàng và áp dụng tất cả những chiến thuật bán hàng mà tôi học được, tôi đã gia tăng tỉ lệ bán hàng thành công của mình lên 25% và kiếm được 2.500 đô tiền hoa hồng. Không tệ chút nào đối với một đứa bé 14 tuổi! Với số tiền này, tôi đã mua rất nhiều trò chơi trong bộ phim "Chiến tranh giữa các vì sao" trong tháng đó (bao gồm cả Millennium Falcon và At-At). Đó là toàn bộ kinh nghiệm đã khiến tôi trở thành một người bán hàng tài giỏi, yếu tố cốt lõi để trở thành một doanh nhân triệu phú.

Bài học làm giàu thứ nhất:

Học cách bán hàng và vượt qua nỗi sợ bị từ chối
Kiếm tiền bằng cách biến khó khăn thành cơ hội
Kinh nghiệm và bài học thứ hai trong kinh doanh đến với tôi vào năm tiếp theo, khi tôi 15 tuổi. Vào thời điểm đó, những đứa trẻ tuổi teen rất khoái đi nhảy trong các vũ trường sôi động vào ban ngày (Tea Dances).
Sở dĩ có chuyện này là vì trẻ em dưới 21 tuổi bị cấm không được lai vãng đến những vũ trường vào ban đêm, nơi có bán thức uống có cồn. Thế là để phục vụ thượng đế nhỏ tuổi, những nơi này bèn tổ chức những buổi "Tea Dances" vào buổi chiều và không phục vụ nước uống có cồn. Nhưng vấn đề ở chỗ là để thỏa mãn nhu cầu nhảy nhót, nhiều đứa trẻ chúng tôi phải trốn học, đó là chưa kể giá vé vào cửa cao – 12 đô.
Khi phát hiện ra vấn đề này tôi liền bụng bảo dạ: nếu tổ chức sàn nhảy dành cho tuổi choai choai vào buổi tối, với giá vé thấp hơn, chắn chắn sẽ không sợ vắng khách. Rồi một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi như tia chớp, "Tại sao mình không đứng ra mở sàn nhảy nhỉ? Vừa được vui chơi thỏa thích, vừa "lấy le" với bạn bè, lại kiếm thêm được tiền!".
Sau khi đi đến quyết định đó, tôi lập tức đi khắp nơi thăm dò về các công ty cho thuê sàn nhảy, hệ thống âm thanh ánh sáng và cung cấp dịch vụ chỉnh nhạc (DJ). Tôi gọi điện đến vài công ty và biết được giá thuê những dụng cụ thiết bị cần thiết là khoảng 300 đô cho một buổi tối. Một trong những đứa bạn "đối tác" của tôi đặt được một phòng trong một khu căn hộ gần trường để tổ chức sự kiện. Thế là hội đủ những yếu tố cần thiết để chúng tôi cho ra đời sàn nhảy tuổi teen.
Sau khi lo xong khâu địa điểm và thuê dụng cụ, tôi dùng máy tính của mình để in tờ rơi và áp phích quảng cáo cho sự kiện này. Sau đó tôi in vé và tổ chức một đội bán vé đi một vòng qua các trường học trong vùng bán vé cho học sinh. Mỗi nhân viên bán hàng sẽ nhận được 2 đô cho mỗi vé bán được và tôi đã sử dụng tất cả vốn liếng trong nghệ thuật bán hàng dạy lại cho họ, nhằm đạt chỉ tiêu về doanh số.
Trong buổi đầu tiên, chúng tôi thu hút được hơn 300 bạn tuổi teen với giá vé 8 đô/người. Tôi thu được hơn 2.400 đô. Sau khi trừ chi phí thuê nhạc cụ, chia lợi nhuận với đứa bạn cho mượn địa điểm tổ chức và trả tiền hoa hồng cho đội quân bán vé, tôi bỏ túi 700 đô!
Từ kinh nghiệm ấy, tôi rút ra một bài học rằng: bạn có thể xây dựng một mô hình kinh doanh mà không cần vốn ban đầu. Thật vậy, tôi chỉ trả tiền thuê nhạc cụ, thiết bị và thù lao cho đội quân bán vé từ số tiền bán vé.
Tôi cũng học được rằng, cơ hội kiếm tiền từ công việc kinh doanh luôn ở xung quanh ta. Luôn có cơ hội kiếm tiền hàng ngày! Việc tìm kiếm cơ hội bao gồm việc phát hiện ra một vấn đề hoặc một nhu cầu chưa được đáp ứng và đứng ra tìm cách giải quyết nó. Trong trường hợp này, vấn đề đặt ra là có nhiều bạn trẻ muốn đi nhảy vào buổi tối, trong khi họ không được phép vào nhảy ở những sàn nhảy có sẵn.

Bài học làm giàu thứ hai:

Cơ hội kiếm tiền luôn ở quanh ta, bao gồm việc phát hiện ra một vấn đề hoặc một nhu cầu và tìm cách giải quyết nó.
Với thành công ngoài sự mong đợi của buổi đầu tiên, tôi thừa thắng xông lên tổ chức ba buổi nhảy một tuần trong suốt kỳ nghỉ. Thậm chí tôi còn xoay vòng tổ chức ở nhiều nơi để phục vụ cho những học sinh ở các trường khác nhau. Vai trò chính của tôi là mở rộng mạng lưới và thu thập thông tin liên lạc của học sinh ở các trường khác nhau, những người muốn làm công việc tiếp thị và bán hàng cho tôi, đồng thời tìm người có mặt bằng để hợp tác tổ chức. Chỉ trong một kỳ nghỉ hè kéo dài 5 tuần, tôi kiếm được hơn 9.000 đô!

Thành lập dịch vụ sàn nhảy di động

Sau khi tổ chức hơn 18 tiệc nhảy disco, tôi bắt đầu quan sát và học hỏi cách các công ty kinh doanh sàn nhảy di động hoạt động. Việc tôi lân la trò chuyện với nhiều DJ cũng giúp tôi hiểu rõ hơn về công việc này đồng thời nắm bắt được cách thức họ khởi nghiệp.
Ý tưởng thứ hai của tôi nảy sinh: đó là thành lập công ty kinh doanh sàn nhảy di động. Tất cả những gì tôi phải làm là trích ra một phần lợi nhuận để mua lại một dàn âm thanh cũ nhưng hoàn chỉnh, các loại đèn chiếu, máy tạo khói và rất nhiều băng đĩa nhạc. Thế là với 5.000 đô vốn đầu tư cùng với ba đối tác, tôi đã nhảy vào lĩnh vực kinh doanh giải trí và công ty Creatsoul Entertainment của chúng tôi ra đời vào năm tôi 15 tuổi.
Vào những ngày cuối tuần và các kỳ nghỉ, chúng tôi phục vụ âm nhạc cho đủ các sự kiện lớn nhỏ trong các trường đại học, các bữa tiệc sinh nhật, các buổi liên hoan văn nghệ, những bữa tiệc karaoke cá nhân,...
Mỗi buổi phục vụ như vậy chúng tôi thu được từ 300 – 500 đô và hàng tháng tôi kiếm được 2000 – 3000 đô lợi nhuận. Khách hàng đến với chúng tôi chủ yếu nhờ vào kênh quảng cáo truyền miệng, tức là từ lời giới thiệu tốt đẹp của những khách hàng hài lòng với dịch vụ của chúng tôi.
Khi khách hàng yêu cầu có thêm những thiết bị âm thanh ánh sáng mà tôi không có, tôi sẽ thuê lại từ công ty Razes Entertainment (một trong những công ty lớn về tổ chức sự kiện và cho thuê thiết bị âm nhạc vào thời đó). Ít lâu sau, ông chủ công ty này đã trở thành đối tác quen thuộc của tôi. Nhìn lại, tôi cho rằng việc tôi học ở một trường "làng" (trường Ping Yi) chứ không phải một trường danh giá đã giúp tôi ít nhiều, vì tôi có thể nói chuyện với khách hàng bằng ngôn ngữ "bình dân" rất có sức thuyết phục đối với khách hàng tiềm năng.

Cú đột phá 13.000 đô một đêm

Sau khi điều hành sàn nhảy di động được một năm, tôi trải qua một bước đột phá và điều này đã mang lại cho tôi thêm hai bài học kinh doanh giá trị khác.
Tiếng lành đồn xa, ông bác của một trong những bạn học của tôi nghe nói về sàn nhảy di động của tôi đã ngỏ ý muốn tôi đứng ra tổ chức một bữa tiệc hàng năm của công ty ông, có kèm theo sàn nhảy để làm nóng bầu không khí. Thế là tan học, tôi đến công ty ông để gặp những người được giao trách nhiệm tổ chức sự kiện này.
Đầu tiên, họ tỏ vẻ hơi sốc khi thấy một cậu bé 16 tuổi (trông tôi còn trẻ hơn cả tuổi thật nữa) đến gặp họ đề nghị đứng ra "thầu" buổi tiệc hàng năm của công ty họ. Thấy thế, tôi cố trấn tĩnh, mỉm cười và lấy hết vốn can đảm, tự tin để nói, "Rất vui khi gặp anh chị. Tôi là giám đốc công ty Creatsoul Entertainment". Tôi không thể trách khách hàng khi nhận ra vẻ băn khoăn, lo lắng đầy nghi hoặc của họ.
Như thường lệ, tôi bắt đầu cuộc trao đổi bằng những câu hỏi chuẩn mực, "Anh chị có những yêu cầu cụ thể nào về sự kiện này? Kinh phí dự tính sẽ là bao nhiêu?". Người ta trả lời tôi rằng sự kiện này được tổ chức cho khoảng 400 nhân viên, rằng họ muốn có hoạt náo viên và người dẫn chương trình (MC) giỏi để dẫn dắt các trò chơi trên sân khấu, cùng một dàn nhạc, đèn sân khấu, dụng cụ bắn bông giấy... nói tóm lại là đầy đủ lễ bộ cho một bữa tiệc hoành tráng. Họ còn muốn trang trí sân khấu, phông màn theo kiểu hoài cổ về những năm 1960.
Đến phiên mình, khó khăn lắm tôi mới giấu được "cú sốc" khi những người lớn kia tuyên bố rằng họ dự tính chi cho bữa tiệc này 9.000 đô!
Từ trước đến giờ, sự kiện lớn nhất mà chúng tôi tổ chức cũng chỉ tốn khoảng 500 đô là cùng! Tôi biết xoay sở ra sao với một bữa tiệc hoành tráng đến vậy; rõ ràng là tôi không có đủ kinh nghiệm cũng như nhân lực để nhận gói thầu này. Thậm chí, trong hồ sơ giới thiệu công ty, tôi cũng chẳng có tấm ảnh nào chứng minh rằng chúng tôi từng tổ chức những sự kiện tầm cỡ như thế trong quá khứ. Đó cũng là những điều mà họ yêu cầu.
Vào lúc ấy, dường như tôi chỉ còn cách thú nhận rằng công ty nhỏ bé của tôi không thể kham nổi việc tổ chức sự kiện lớn như vậy và lịch sự xin lỗi họ. Nhưng một ý nghĩ tích cực lóe lên mách bảo tôi hãy gật đầu trước, rồi tìm cách thực hiện sau. Tôi khoác lên một dáng vẻ tự tin và nói giọng quả quyết, "Vâng, đây là một dự án thú vị! Chúng tôi sẽ hoàn thành xuất sắc dự án này!". Sau đó, tôi ghi lại tất cả những yêu cầu của họ và đề nghị một cuộc gặp khác để tôi trình bày những việc chúng tôi sẽ tiến hành, đồng thời thông báo giá cả.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top