Chương 01: Linh vật Âm Ca
----------------------
Mỗi dịp Tết Trung Nguyên hằng năm, khoảng thời gian này rơi vào rằm tháng bảy, Âm phủ lại mở đại lễ xá tội vong hồn.
Tuy thế, ngay từ những ngày đầu tháng bảy, theo lịch dân gian đây là tháng cô hồn, khắp Âm phủ đã tấp nập chuẩn bị.
Nến thơm, hương và đuốc được thắp sáng nhiều hơn. Thay vì những lá bùa ma quỷ ghê rợn, trước hiên, mỗi ngôi nhà tự tay treo một dãy các đèn lồng đỏ thắm. Đa phần là những chuỗi đèn nho nhỏ thêu hàng chữ ‘Thượng lộ bình an’, hay ‘Vu Lan báo hiếu’, được ưu ái thắp sáng cho đến khi âm hồn thăm dương thế trở về. Từ trên cao nhìn xuống, chỉ thấy khung cảnh Âm phủ lớp lớp mái ngói hồng san sát, với khói nâu tầng tầng, những dãy đèn xuôi một dải như những giọt máu đỏ kết thành hạt châu.
Những quán xá ven đường lần lượt trưng biển hiệu nghỉ Tết, nếu có cũng chỉ bày ra một vài chiếc chõng tre đơn giản, để cho âm hồn nào đi qua mỏi chân có thể tiện ngồi nghỉ. Người âm thì tranh thủ sắm sửa tư trang, hành lý quay về, người thường mua gương lược, người giàu mua ngựa sắt, ngựa giấy, hay những đôi hài gió có thể đi ngàn dặm. Ai nấy đều mong ngóng tới ngày cổng Địa ngục mở ra.
Đâu đó có ánh sáng ấm áp, mơ mộng, hắt ra từ những con hẻm nhỏ, in bóng lung linh xuống mặt đường, phút chốc ngỡ như một giấc mộng xa vời.
Quả nhiên, chỉ đến Tết cô hồn, người Âm phủ mới có một cảm giác đặc biệt đến như vậy: hơn cả, sau khi chết, họ được may mắn quay về cuộc sống ở dương thế trước kia.
Trong suốt khoảng thời gian đại lễ, Diêm Vương phát lệnh toàn Âm phủ, truyền cho tất cả quỷ sai dưới cõi âm phải luôn tay làm việc. Quỷ trang hoàng phong cảnh, quỷ quét dọn trang viên, quỷ phân phát lương thực, quỷ kiểm kê ngân quĩ,… đâu đâu cũng thấy quỷ tràn ngập đường đi. Dân số quỷ còn đông hơn người trần.
Tương truyền, Tết Trung Nguyên năm ấy, hơn hai nghìn quỷ sai, cùng ba vạn quỷ hồn phải bán mình lao lực.
Đêm khuya, trên đường vẳng đến tiếng chiêng điểm xa xăm, báo hiệu trời đã vào canh tư.
Tiếng chiêng không to lắm, nhịp vang còn ngắt quãng thong thả, nhưng ở trong không gian tĩnh mịch lại càng thêm vang vọng, bay qua cầu Nại Hà, bay qua bờ Vong Xuyên. Phía xa xa, trên thảm hoa Bỉ Ngạn, vẫn còn lác đác vài đốm sáng le lói, nhìn qua không rõ là đom đóm hay là những mảnh tàn hồn lang bạc.
Chúng cùng bay lơ lửng, lơ lửng, rồi cứ thế tan vào trong màn đêm vô tận.
Bóng tối hung ác bao trùm bên ngoài Quỷ Môn Quan, từng ngọn gió trống trải lùa qua vách đá, mang theo trong gió chút hương vị tanh tưởi. Vị tanh nồng của máu, của dòng nước dưới sông Vong Xuyên đục ngầu đang ngày đêm sôi sục.
Ẩn sau làn sương phai nhàn nhạt, hàng chữ ‘Quỷ Môn Quan’ thoạt nhìn khá rùng rợn, trên tấm biển còn gắn thêm hàm răng nanh đỏ lòm.
Trước quỷ môn (cổng mặt quỷ), có hai con quỷ canh đang làu bàu tâm sự.
“Hiếm khi thấy Âm phủ lại tĩnh lặng thế này. Ngươi xem, ngày thường, đám oan hồn dưới ngục thất cứ kêu gào thảm hại, ta không sao ngủ được! Quỷ tha ma bắt, chờ mãi mới đến tháng cô hồn, lúc yên ả thì ta phải thức đêm”.
Vì đứng lâu đã có phần tê mỏi, tên quỷ canh dậm chân mấy vòng.
Quỷ canh còn lại xoay mũi giáo lên trời, chất giọng ồm ồm, đáp: “Lẽ nào ngươi không biết, cuộc sống này ấy à, bao giờ chẳng bất công? Ta và ngươi chỉ là phận tay sai, tốt nhất đừng nhăn mặt kêu nữa. Tranh thủ lo hưởng đi! Nếu không phải đang vào dịp xá tội, ta e rằng đi canh gác cũng bị đau đầu chết!”.
Quỷ canh kia bày ra vẻ rầu rĩ, dung mạo đã xấu lại càng thêm kinh dị.
“Nếu như… haizz, ta không phải một quỷ canh thấp kém, ta nhất định sẽ đưa con gái rời khỏi Âm phủ này”.
“Sao vậy? Ngươi ghét Âm phủ như vậy sao?”.
Quỷ canh thứ hai ngạc nhiên, rồi lại khẽ thở dài.
“Ngươi ghét cũng không có ích gì được đâu. Trên khắp thế gian này, có nơi nào cho quỷ dung thân ngoài Âm phủ đâu chứ?”.
Y nghe nhiều người thân kể lại, quỷ trên trần gian phải sống chui sống lủi, bơ vơ nơi đầu đường xó chợ, ngoài việc trốn chạy khi bị đạo sĩ giỏi truy sát, mỗi buổi trưa giờ Ngọ, còn phải lo ẩn nấp, nếu lơ mơ gặp ngay quan phủ cõi âm đang đi tuần thì coi như tàn đời.
Đám quỷ đó sẽ bị quan binh gông cổ, đưa về Âm phủ chờ chịu tội. Đa phần, đưa về Âm phủ đã định là tội chết.
“Ta chỉ thương con gái mình mà thôi. Âm phủ không phải là một nơi yên ả dành cho nó. Tiểu huynh đệ, tin không? Đã lâu rồi, ta không về thăm nó. Không biết, nó có còn chứng mất ngủ hay không…”.
Quỷ canh đầu tiên quay mặt sang nhìn bạn. Lại trông những vách núi trơ trọi bên ngoài Quỷ Môn Quan, cách bờ một dải sông, nơi có những vong quỷ mang tội bị đày ra khỏi ngục, vất vưởng không lối về.
Gió vẫn thổi heo hút, chỉ đứng từ xa cảm nhận thôi cũng đã lạnh thấu xương.
Âm phủ có một nơi đầy ghê rợn như thế, ám ảnh mà thê lương, khiến các vong quỷ bị đày đi chỉ còn cách tự sinh rồi tự diệt. Đặt tên là cốc Quỷ, địa danh người Âm phủ nghe qua đều sợ xanh mặt mày.
“Đi khỏi Âm phủ này? Như những vong quỷ kia? Chúng ta… chúng ta, thì có thể đi đâu?”.
“Ta chỉ cần đường ra, dù đi đâu đều được. Ta không muốn con bé chết dần chết mòn ở nơi tử địa này”.
Âm phủ vốn là vùng đất chết, trước giờ không phải sao?
“Ông bạn ơi, ít ra ngươi còn có vợ con đề huề! Ngươi thử là ta xem, đen đủi! Ngay cả nữ quỷ xấu xí nhất cũng không thèm nhìn ta”.
Quỷ canh đầu tiên vội vàng ngắt lời bạn: “Nữ quỷ xấu xí nhất, không phải Dạ Xoa dữ như cọp đấy chứ? Tiểu huynh đệ, ngươi vẫn còn tương tư nàng ta thật à?”.
Nữ quỷ xấu xí nhất, cái danh xưng này ắt hẳn nhiều nguyên do.
“Còn ai ngoài lão bà ấy nữa…”.
Tên quỷ quay đầu lại, ánh mắt hướng về bức tường lửa giăng bên ngoài quỷ môn. Lửa vẫn cháy bập bùng, tách tách, quỷ canh mơ hồ trông thấy được, từ lối vào trên cao, khung cảnh Âm phủ trăm dặm như nằm trong miệng chảo.
Phía sau Quỷ Môn Quan là một khung cảnh hoàn toàn khác…
“Chậm chạp quá! Tại sao ta gõ mấy tiếng rồi các người mới chịu lên vậy hả!”. Quỷ Dạ Xoa phàn nàn, lại mạnh tay gõ chiếc chuông kêu ‘boong’ một tiếng rõ dài: “Này, đến lượt kẻ tiếp theo! Tên Đầu Trâu chết bầm! Ngươi làm gì còn chưa gọi tên thế”.
Đám quạ đang nhởn nhơ, bị tiếng quát tháo inh ỏi doạ cho tán loạn cả.
Bên còn lại, những âm hồn đang xếp hàng cũng run sợ không kém, chỉ biết đường im lặng, kiên nhẫn chờ đợi tới lượt mình xuất môn.
Cũng bởi khắp chốn Âm phủ này, danh tiếng như cồn của Dạ Xoa không ai là không biết. Nữ quỷ hung tợn nhất, nữ quỷ kinh dị nhất, nữ quỷ có gương mặt ghê nhất,… không danh hiệu nào có thể thoát khỏi bàn tay của Dạ Xoa. Đám âm hồn mới vào khiếp sợ nhân vật này ra mặt, coi ả ác mộng còn hơn cả La Sát, đám âm hồn lâu năm thì lắc đầu, lảng tránh.
Trăm năm, ngàn năm sống ở nơi Âm phủ, họ cũng phải tập quen dần với việc mỗi ngày giáp mặt quỷ Dạ Xoa, sợ nhất chính là mất lòng ả.
Mà đám Đầu Trâu Mặt Ngựa cũng không khỏi ngoại lệ, nhắc đến Dạ Xoa là tất cả đều lắc đầu, lè lưỡi.
Quỷ Đầu Trâu uể oải, cúi xuống thẻ tre, đọc: “Thứ nữ Trần Lệ Thư, mười ba tuổi, người Tây Chân, sinh giờ Mùi, ngày mùng một tháng hai năm Thiệu Long thứ tám”.
Quỷ Đầu Trâu nhắc lại thêm lần nữa.
“Thứ nữ Trần Lệ Thư, mười ba tuổi, người Tây Chân…”.
Quỷ Đầu Trâu ngáp ngủ, lại hô thêm lần nữa: “Thứ nữ Trần Lệ Thư…”.
Thấy chẳng ai động đậy, Quỷ Dạ Xoa tức giận đến lồi mắt: “Giờ sinh tử thế nào?”.
“Không nhớ nữa. À đây rồi… ngộp nước, tử giờ Hợi hai khắc, ngày mùng sáu tháng chạp”. Nói xong, mới có một âm hồn nhỏ xíu, bàng bạc, bay sà sà đi lên, rất lâu mới tới được chỗ của cả hai người ngồi: “Dạ, thế chắc là thảo dân”.
Quỷ Dạ Xoa hận không thể ném ghế: “Nít ranh, không biết đang gọi tên mình à?”.
Đầu Trâu hỏi: “Có đúng người hay không?”.
Âm hồn kia gật gật: “Tử giờ Hợi hai khắc, thế chắc là đúng ạ”.
Đầu Trâu đốt chiếc thẻ ghi danh, một túi vàng mã lớn hiện ra: “Đã lơ ngơ, còn thêm bệnh điếc nữa. Hừ, mau lại đây nhận lấy. Gia đình ngươi ở Thiên Trường thương nữ nhi còn nhỏ mà kiếp người đã tận, nhân dịp Tết cô hồn, tất cả đốt cho ngươi tám trăm tờ tiền xanh, sáu trăm tờ tiền đỏ. Sáng nay, họ mới chuyển đến Âm phủ thêm bộ y phục nữa”.
Đó là một bộ váy vàng nhạt, áo choàng bên ngoài thêu hoa văn chép gấm, vải loang, tựa như màu ráng chiều huyền ảo, cảm giác dịu mát rất nhã nhặn.
Mắt Dạ Xoa hoa lên, quả nhiên là con nhà lắm tiền.
Đầu Trâu bèn nói tiếp: “Hạn Thái Tuế năm mười ba tuổi rất nặng, ngươi không vượt qua được, nên sớm phải tận số. Bây giờ mau mau về thăm nhà ngươi đi. Nhớ kĩ, mỗi cô hồn chỉ được tự do đến đêm rằm tháng bảy, qua đêm, cửa Địa ngục sẽ đóng”. Quỷ Dạ Xoa còn cao giọng chen vào: “Từng nghe kể rồi chứ? Hứ, sau nửa đêm, Diêm Vương sẽ sai phán quan đi bắt các cô hồn kháng chỉ, hình phạt rất kinh dị. Có chơi ở đâu thì nhớ mau chạy về”.
Âm hồn vui vẻ nhận, trông qua cũng dễ đoán, gia cảnh thân nhân khi tại thế ắt no đủ hơn người. Dưới Thiên Trường, có thể xưng phú hào một phương.
Xong xuôi, âm hồn chào từ biệt, bước chân vào con đường đưa thẳng tới nhân gian. Cả Dạ Xoa lẫn Đầu Trâu tỉnh ngủ: “Đứng lại! Tiểu âm hồn đáng chết! Ngươi cứ thế mà đi hẳn luôn sao?”.
Âm hồn kia còn nhỏ, nên nghĩ mãi không sao mà hiểu chuyện.
Đầu Trâu nở nụ cười mờ ám: “Bản gia phải lao tâm khổ tứ, suốt mấy ngày hôm nay, không ăn không ngủ chỉ để đưa các ngươi về nhà”.
“Này, đừng quên bản gia nhé! Ta phải gõ cái chuông đến sã cả tay đây”.
Tiểu âm hồn vẫn đứng nhìn không hiểu, làm Dạ Xoa bày ra một bộ dạng thổ huyết: “Đồ ngốc! Ngươi ở Âm phủ này được bao lâu rồi hả, dễ thế mà không biết!”, phất tay một cái, túi tiền của âm hồn đã bay lại bên mình. Ả rút ra một nửa: “Đây này, càng giàu có thì càng khó đường ra. Ta bày cho một cách, ngươi cầm theo chừng này, đám quỷ canh cửa Tử sẽ không hạnh hoẹ ngươi”.
Dạ Xoa còn tặng cho mảnh giấy, nói là chữ ký của Dạ Xoa đại nhân, sẽ hữu ích khi đi qua cửa Tử.
Đầu Trâu gật đầu, bảo: “Chỗ tiền còn lại, thế thì để nộp thuế”.
Tiểu âm hồn chớp mắt, cuối cùng vẫn ngoan ngoãn nghe lời, chỉ cầm nửa số tiền rời đi…
Quỷ Môn Quan là lối vào Âm phủ, cửa Tử lại là lối trở ra.
Qua cửa Tử, kiếp người chia đôi ngả, biết bao âm hồn đang xếp hàng trở về, bỗng nhiên từ phía tây truyền đến một tiếng nổ cực lớn. Khắp Âm phủ rung chuyển dữ dội, tình thế náo loạn như vậy chưa bao giờ xảy ra.
Ngay cả Diêm Vương cũng một phen hoảng loạn, vội phi ra ngoài nhìn, chứng kiến nước sông Vong Xuyên đã dâng cao cuồn cuộn, từng đợt sóng triều dồn lên như mãng xà giận dữ, quỷ hồn la liệt bò lên cầu Nại Hà. Cùng lúc ấy, trên bầu trời Âm giới, có hơn trăm vàn đốm lửa đỏ ở đâu đang đồng loạt rơi xuống, biến đất trời như hoá thành quỷ dị, tiếng khóc gào khắp nơi.
“Mưa lửa! Điềm báo! Điềm báo! Âm phủ đại hung rồi”.
“Quỷ Tu La tái thế! Hắn sắp về, bắt tất cả chúng ta trở thành nô lệ đấy”.
Lão Diêm Vương sợ bay cả hồn vía, chỉ biết há hốc miệng, khiếp đảm nhìn lên bầu trời đã nhuốm màu đỏ rực, đặc quánh như vạc dầu.
Lẽ nào điềm báo thật, kiếp nạn kinh hoàng năm ấy lại quay về thật sao?
Một đám mây khổng lồ trôi tới, như ẩn như hiện phía sau màn mưa lửa, muốn há miệng nuốt chửng những nơi vừa đi qua. Phút chốc, đám mây đã nhấn chìm Âm phủ trong màn đêm hỗn loạn. Kinh hoàng hơn cả, hình dạng của nó khiến Diêm Vương hoảng hồn.
Đầu… đầu lâu hình mặt quỷ!
Diêm Vương gân cổ hét, kêu gọi người dập lửa, chốn Âm phủ này sắp chết cháy cả rồi! Lại nghe Quỷ Sai về bẩm báo: “Đại vương, không có gì nguy hại, chỉ là lửa bình thường giống dưới này thôi ạ”.
Chưa nói xong, một quả cầu lửa sa vào ngay bụi cây trước mặt, nhanh chóng thiêu rụi hết đám cỏ thành tro. Lão Diêm Vương sợ quá, vừa ôm cây cột đình, vừa cuống cuồng đọc to kinh Địa Tạng, còn đọc sai bừa bãi.
Thế nhưng, vẫn có một vầng sáng lạ vây quanh người ông ta.
Một hồi sau, những tiếng động, tiếng rung chuyển tự nhiên tắt dần. Đám mây trên bầu trời cũng bắt đầu sáng tỏ, rẽ ra nơi chân trời một quầng sáng nhàn nhạt.
Muôn vạn sinh linh không còn than khóc nữa, mà tất cả cùng hứng khởi hò reo.
“Thứ này… phải chăng ta hiểu lầm, có khi nào những hiện tượng như vầy do giáo chủ hiển linh?”. Lòng Diêm Vương chợt hiểu, lão vui mừng khôn xiết, quỳ sụp xuống vái lạy: “Kinh Địa Tạng linh nghiệm, Địa Tạng Vương về rồi! Mau, mau chiếu cáo thiên hạ! Còn chưa phải tận thế, Hiền tôn của chúng ta, ngài vừa quay về rồi”.
Phía tây trải dài hơn trăm dặm, tại nơi tận cùng của Âm giới, tử khí càng nặng nề.
Dưới đáy vực, xung quanh tuyệt nhiên không một tia ánh sáng, bóng đêm tựa như miệng hố đen thăm thẳm, đưa tất cả nơi này trở về thời nguyên thuỷ hỗn độn.
Bất ngờ, xa xa, giữa màn đêm đen đặc vô tận ấy, có một vầng sáng nhỏ le lói đang chầm chậm di chuyển.
Vầng sáng nọ di chuyển mỗi lúc một gần hơn.
Hào quang rọi tới đâu, cảnh vật liền vươn mình sáng rõ, thay dần cho màn đêm sâu thẳm, còn những nơi bị bỏ xa lại chìm vào hoang tận.
Dưới đáy Âm vực tĩnh lặng đến im lìm.
“A di đà Phật, hai nghìn năm thật rồi. Thiên mệnh bắt buộc bần tăng phải ngủ say một giấc, khi tỉnh lại, không ngờ cũng là thời khắc Âm vực này mở ra”.
Người mang theo ánh hào quang chói ngời, khoác áo cà sa đỏ rộng lớn, trên đầu đội chiếc mũ thất Phật, hoá ra là vị Hiền tôn đáng kính của cõi U Minh này. Hồng danh Địa Tạng Vương Bồ Tát, bảo hộ cho Âm phủ, cứu độ chúng sinh khắp luân hồi lục đạo.
Người nhân gian tôn sùng, kính cẩn tôn ngài là giáo chủ U Minh.
Địa Tạng Vương Bồ Tát nắm chặt cây Tích trượng trong tay, tay trái mở ra ngọc Như Ý, một ngọn lửa màu trắng liền bùng lên, lơ lửng. Soi rõ từng thảm hoa dưới gót chân của ngài.
“A di đà Phật. Bỉ Ngạn hoa khai, khai bỉ ngạn”.
Dưới đáy Âm vực, không ngờ còn có một biển hoa Bỉ Ngạn. Hoa nở to rực rỡ, hơn tất thảy nơi nào trên thế gian.
Ngài vẫn còn nhớ rõ, bản thân mình ở nơi này thiền định hơn một trăm ngày trời, sau đó nhanh chóng rơi vào giấc ngủ tới hơn hai nghìn năm. Khi ấy, đáy Âm vực vẫn chỉ là dải đất trống hoang tàn, hoa cỏ bao năm không sao mà mọc nổi. Cớ sao giờ có biển hoa này?
Tuy nhiên, đối với một Bồ Tát sắp đắc đạo thành Phật, tâm tình đã sớm muộn dứt bỏ những ý vị dễ gây ra tạp niệm. Vậy nên vị Hiền tôn lại thong thả bước đi, tìm đường lên mặt đất.
Tâm Phật quả nhiên chẳng dễ cầu…
Đi được một đoạn dài, bước chân Địa Tạng Vương khựng lại. Từ đây, có thể quan sát được luồng sáng lạ nào đó, màu đỏ tươi chói loà, ở phạm vi trước mặt tới hơn ba dặm trường. Rõ ràng khoảng cách còn xa vời như thế, vậy mà ánh sáng rực rỡ đã khiến người ta phải kinh ngạc không thôi!
Bồ Tát hơi trầm tư, Âm vực trước nay là cấm địa không người, hơn nữa phong ấn khe vực chỉ vừa mới được mở, hiển nhiên ngài là người duy nhất có mặt ở chốn hoang vu này. Vậy ra, còn thứ gì sáng hơn cả lửa U Minh của ngài?
Địa Tạng Vương thi triển Phật cước, chẳng mấy chốc đã tới khu vực phát ra luồng sáng kia.
Ngài mở to tròng mắt.
Có lẽ, rất rất nhiều năm sau, quang cảnh ấn tượng ấy chưa từng rời xa vị Bồ Tát thánh hiền…
Giữa biển hoa Bỉ Ngạn trùng điệp, hàng vạn bông hoa đang cùng nhau khoe sắc, nổi bật lên hẳn một bông hoa duy nhất, chỉ một, lấn át tất cả những bông hoa còn lại. Sắc hoa đỏ hơn máu, chói lọi, toàn thân ánh ra đám lửa đang cháy sáng hừng hực, hừng hực. Hoa và lửa như dung hoà mạnh mẽ, đan vào nhau tạo nên một bức hoạ tàn khốc.
Hoả chiếu chi lộ, đẹp đến mê hồn người…
Ngọn lửa ấy rất mãnh liệt, bừng sáng, nhưng từng ánh lửa chôn chặt trong mắt ngài lại mang vẻ bi ai.
Tâm tình của Hiền tôn chấn động, nơi này, nơi này… nếu không phải vì chất chứa nhiều oán niệm quá nặng, không thể đi siêu thoát, thì cũng là một nơi từng chứa đựng nhiều bi kịch tang thương. Bầu không khí lan toả ngột ngạt đến bức thở, từng làn hơi ngùn ngụt, nóng bức, như muốn đem sự phẫn nộ của chính mình thiêu đốt cả nhân gian.
Rốt cuộc, xưa kia ở đây đã xảy ra chuyện gì?
Địa Tạng Vương trầm mặc.
“A di đà Phật…”.
Tháng bảy, cõi đất trời âm thịnh dương suy, khí âm dương giao hoà…
Hơn bốn nghìn năm sau…
Âm giới mọi ngày thâm u, ảm đạm, sau mấy nghìn năm cũng có chuyện hay đáng lưu tâm.
Ai nấy đều biết, nơi đây vốn cực kì tẻ nhạt, chút sắc màu duy nhất có lẽ là màu đỏ của hoa Bỉ Ngạn và lửa Âm Ti, chuyên dùng để thắp sáng các tầng ngục phán xét. Chẳng ai rõ thứ lửa đáng sợ ấy từ đâu, có người nói nó tồn tại từ thời còn khai hoang lập địa, cũng có người đoán khi Phụ Thần tại thế, ngài đã tạo ra ngọn lửa Âm Ti tượng trưng cho Địa phủ, trang trọng như bảo vật trấn hưng.
Cổ nhân truyền tai nhau: ‘Trong biển có Định Hải Thần Châu, dưới Âm có Âm Ti hoả ngục’ là vậy.
Nói về lửa Âm Ti, mười vị Diêm Vương cai quản Thập Điện Diêm La thì chắc nịch khẳng định, nó sẽ cháy vô tận.
Chẳng ai ngờ rằng, một ngày kia, lửa Âm Ti dưới nơi này tắt ngấm.
Khác với đám linh vật và quỷ sai lo sợ đến quýnh quáng, Âm Ca vẫn dửng dưng như không. Chàng là một tinh linh hoa Bỉ Ngạn mọc bên đường Hoàng Tuyền, nơi mà ngày ngày các linh hồn từ nhân giới sẽ chầm chậm đi qua. Có kẻ hạnh phúc, có kẻ bi thương, kẻ thơ thẩn nuối tiếc. Lại có kẻ điên cuồng, dứt không nổi duyên trần mà vạn kiếp bất phục.
Có kẻ lành lặn không tra nổi vết xước, lại có kẻ chân đứt tay lìa, luôn canh cánh ôm trong lòng nỗi nhớ về quê hương. Tất cả bọn họ chỉ cần uống bát canh của Mạnh Bà, đứng nhỏ một giọt lệ, thế là mọi yêu hận kiếp này đều không còn gì cả.
Chỉ còn hồi ức trôi dạt trên thảm hoa Bỉ Ngạn, trôi dạt qua đời đời kiếp kiếp…
Năm năm tháng tháng, hoa nở hoa tàn, nhiệm vụ chính của Âm Ca là dệt đoạn ký ức cho những người đã khuất khi đi qua Hoàng Tuyền. Hoa Bỉ Ngạn có ma lực gợi nhớ, là loài hoa duy nhất tồn tại dưới Âm phủ lạnh lẽo, Âm Ca cũng có ma lực này. Nhưng không giống như những đồng loại khác, chân thân của chàng là một đoá hoa kết bằng lửa, cháy sáng hừng hực.
Bốn nghìn năm về trước, Địa Tạng Vương Bồ Tát đã độ lượng điểm hoá cho chàng.
“Linh vật dưới Âm phủ đều được đặt tên theo chân thân của mình. Nhưng riêng con, ta mở lòng từ bi, ưu ái con một chút. Tên loài hoa Bỉ Ngạn đã nói lên nỗi niềm chia ly, chỉ sợ mai này sẽ vận vào số kiếp của con. Con lại có giọng nói rất hay, tiếng ca động lòng người, từ giờ trở đi, ta ban cho con tên Âm Ca(*), con thấy thế nào?”.
Cuộc sống dưới Âm giới của chàng cũng bắt đầu từ đó.
Âm phủ có tứ linh, chính là bốn linh vật tiêu biểu tượng trưng cho Âm phủ. Năm xưa, khi đích thân Diêm Vương chọn ra bảng vàng, ai nấy đều ước định, ba vị trí đầu tiên chắc chắn đã thuộc về Vong Xuyên, Tam Sinh và Nại Hà.
Cho nên ngôi vị cuối cùng được tranh giành ác liệt, tựa như một ván cờ thiên hạ. Tất thảy linh vật ganh đua nhau, bảo nhau phô bày hết tài năng để Diêm Vương chú ý. Trong số ấy, chỉ có mình Âm Ca vẫn tối ngày dạo chơi, chán chơi thì về lều tranh ngủ.
Sau một tháng tranh tài quyết liệt, Diêm Vương chốt bảng vàng, trang trọng treo kết quả ở trên đài U Minh. Bỏ qua ba cái tên chủ lực, đến ngôi vị thứ tư, các linh vật xem xong đều nổ đom đóm mắt.
Âm Ca, tinh linh hoa Bỉ Ngạn.
Tức chết là có thật!
Khi ấy, tứ linh đã được ban thưởng bốn cỗ kiệu hoa lệ, hãnh diện đưa người rước vòng quanh Âm phủ. Riêng Âm Ca, Diêm Vương sắc phong thêm danh hiệu chủ nhân đường Hoàng Tuyền, chàng còn được xây thêm một túp lều hoa để che mưa, che gió. Chỉ nghe quỷ khênh kiệu kể lại, vì đi kiệu hơi xóc, nên người ở trong kiệu thứ tư liền lăn ra ngủ khì.
Lăn, lăn ra ngủ khì khi diễu hành Âm phủ?
Linh vật thứ tư thật vô sỉ, khiếm nhã!
Chuyện này lan truyền nhanh đến mức, kẻ nọ rỉ vào tai kẻ kia, nói Âm Ca là một tên tuỳ hứng, lại ham ăn ham ngủ, không xứng đáng giữ vị trí như vậy. Diêm Vương phải ra mặt giải thích, kêu rằng con người Âm Ca chỉ ham ngủ chứ không hề ham ăn.
Nguyên do Âm Ca được chấm cũng mang màu li kì.
Chẳng là, một ngày Diêm Vương đang đau đầu về vấn đề tứ linh, ngài luôn luôn ngờ ngợ, cảm nhận thấy cả ba người đầu tiên dường như thiếu thứ gì. Cho đến khi tình cờ thưởng thức giọng hát của Âm Ca ngoài đồng, tinh thần của ngài phấn chấn hẳn trông thấy. Ngài nhận ra ngay rằng, chẳng ai trong mấy người bọn họ xướng ca hay bằng chàng.
Tứ linh cần một người giỏi hát, Âm phủ hiện nay quá thiếu những trò thi vị rồi.
Đặt bút viết tên chàng, Diêm Vương có vẻ tâm đắc lắm.
Hiển nhiên, tứ linh vật được chọn đâu cần so khí chất, càng đâu cần tiên thuật, chỉ cần ngươi đẹp trai, lại hát hay là đủ.
Lão Diêm Vương lộ ra vẻ mơ màng, e thẹn khi nhắc về Âm Ca, làm chẳng ai đả động thêm chi nữa.
Cứ thế hàng tứ linh trong Âm phủ được định, lưu danh vào sách sử muôn đời.
Một ngày lại như bao mọi ngày, Bạch Vô Thường toàn thân trắng toát, lởn vởn đến tìm Âm Ca, thấy chàng vẫn hệt như mọi khi, đang nằm thư giãn giữa thảm hoa Bỉ Ngạn. Kể từ khi trở thành tứ linh vật, trừ bản thân nàng ra, chẳng ai thèm bận tâm quản chàng.
Nàng lúng túng nhìn nam tử một chân vắt ngang, một tay kê làm gối, động tác của chàng hơi tự do nghiêng người, làm vạt áo trước ngực lộ ra một khoảng rộng.
Dưới ánh đèn đom đóm, cơ ngực của Âm Ca trắng nhợt đến trong suốt. Chiếc vòng tràng hạt bằng gỗ tử đàn đỏ, ánh lên trên cơ ngực của chàng những vệt dài lấp loáng. Vài lọn tóc đen dài rủ xuống, vẽ theo đường bả vai, làm vết bớt hoa Bỉ Ngạn bên trái cổ Âm Ca càng thêm vẻ mê mị.
Bậy nào! Âm Ca là con người thoải mái, đôi khi vô tư quá mà thôi, huynh ấy sẽ không bày ra những trò cố tình câu dụ người như thế.
Bạch Vô Thường hít mạnh liền một hơi, giả vờ cao giọng, quát: “Âm Ca! Huynh còn nằm đó dưỡng thần được hay sao? Thập Điện Diêm Vương đang tổ chức hội thẩm, Hắc Vô Thường và các linh vật đều đã đến cả rồi! Dậy mau, Diêm Vương sai muội đi mời huynh đến đấy!”.
Bạch Vô Thường thừa biết, nam tử trước mắt mình là một kẻ vô tâm vô phế, vô pháp đến vô thiên, nói chuyện với Âm Ca, không thể dùng những lý lẽ thông thường của người Âm phủ được. Huynh ấy lại rất lười, cả ngày dài có mười hai canh giờ chỉ dành để nằm ngủ, Âm Ca coi ngủ là sở thích chân chính nhất cuộc đời, như thể Âm phủ này có sập, cũng chẳng ảnh hưởng gì đến giấc ngủ của mình vậy. Chỉ có lôi người đồng nghiệp Hắc Vô Thường mặt lạnh của nàng ra dọa, Âm Ca mới chịu tỉnh mà thôi.
“Âm Ca, nếu huynh không chịu tỉnh, muội sẽ đi mách Hắc Vô Thường mặt lạnh”.
Quả nhiên, Âm Ca cười hì hì rồi phủi áo quần đứng dậy, theo chân Bạch Vô Thường. Cái tên này vẫn lơ đễnh như thế, Bạch Vô Thường thầm trách, quay sang nhìn nam tử áo đỏ bên mình.
Không biết vì sao lại nhớ về ngày đầu tiên gặp mặt.
“Nghe nói, ngươi là linh vật mới của Âm giới phải không? Có phải chân thân là một đoá Bỉ Ngạn?”.
Hắc Vô Thường hừ mũi, lạnh lùng hỏi Âm Ca.
“Dạ”.
Không ngờ ma mới này lại biết điều như thế, còn vô cùng lễ độ, sao dễ dàng bắt lỗi được cho nổi. Hắc Vô Thường hậm hực: “Hừ, tên của ngươi chắc là Bỉ Ngạn hả? Khỏi cần dông dài nữa, chắc chắn là vậy rồi”.
“Dạ. À không, tên tôi là…”.
Âm Ca rụt rè nói, nhất thời bị vẻ mặt lạnh như tiền của Hắc Vô Thường doạ cho đến hoảng sợ.
Thấy chàng ta run sợ suýt hồn bay phách lạc, Bạch Vô Thường không nhịn nổi bật cười, mới vội vàng lên tiếng: “Đừng sợ! Tên của huynh là gì? Khoan bận tâm đến Hắc Vô Thường, huynh ấy tính tình hay nghiêm nghị, thường xuyên hỏi cung đám lệ quỷ thế đấy”.
“Dạ”. Tuy đã trấn an thế, chàng trai đó vẫn cúi đầu, lắp bắp: “Tôi tên là… Âm Ca”.
Chỉ vậy thôi mà Bạch Vô Thường ấn tượng với nam tử trước mặt.
Âm Ca dưới Âm giới nổi tiếng có giọng hát rất hay, nhưng tính tình lại thơ thẩn, lơ đãng. Chàng ngốc đến mức, có tiểu nữ xinh đẹp của Mạnh Bà theo đuổi nhất kiến chung tình, nhưng Âm Ca vẫn không nhận ra nổi tình ý. Hữu duyên lại vô phận, cô nương kia phải nín nhịn trong lòng, cam chịu thành thân với công tử Vong Xuyên.
Trong hàng ngũ tứ linh, Vong Xuyên và Âm Ca cũng xem là chỗ qua lại thân thiết. Y thường luôn miệng bảo, gặp cô nương chưa chồng, không nhất thiết phải chào, chỉ cần ngươi cười tươi thật tươi là đủ. Ngược lại, gặp cô nương có chồng, càng phải luôn rạng rỡ, chào hỏi thêm vài lần, bởi các nàng sau khi xuất giá sẽ hoá thành hùm beo.
Kể từ đó, mỗi lần gặp nàng ta, Âm Ca đều vui vẻ chào hỏi. Nhưng vẫn thấy nàng khóc tức tưởi chạy đi, lâu dần thì không gặp lại nữa.
Rút kinh nghiệm chuyện nữ nhi Mạnh Bà, chàng cho rằng mỉm cười thôi chưa đủ, vì vậy mỗi khi phải ra đường, diện kiến các nữ nhân lạ mặt, đều tặng thêm cho các nàng một tia nháy mắt. Các nàng thấy một nam tử trẻ tuổi, lại phong tình phơi phới, đang nháy mắt đưa tình với mình, thì tim gan mềm nhũn hết cả ra, tình nguyện đi theo chàng về nhà. Thế là một thời gian, có giai thoại mà đường Hoàng Tuyền của Âm Ca biết bao nhiêu nữ quỷ chí chóe, uýnh lộn đến sưng đầu mẻ trán, om sòm hết cả lên. Người kia lại thản nhiên ngủ như gấu trúc ngủ đông, không quan tâm gì cả. Bạch Vô Thường tức lắm, phải vất vả dọn dẹp hậu quả cho Âm Ca, đường Hoàng Tuyền mới tạm thời được yên tĩnh trở lại.
Lần ấy, Bạch Vô Thường còn trách: “Huynh đúng là ngốc nghếch, không thấu hiểu chút gì tâm tình của nữ nhân”.
Đúng là sau vụ việc hôm ấy, Âm Ca đã biết nghe lời nàng, biết tiết chế hơn nhiều. Có điều, bệnh vô tâm và chậm hiểu tâm lý của Âm Ca thì đúng là hết thuốc, Bạch Vô Thường bất lực.
Sau này, khi gặp lại nữ nhi của Mạnh Bà, Bạch Vô Thường mới biết, Âm Ca thường xuyên gọi nàng ấy bằng danh hiệu ‘Vong Xuyên phu nhân’.
Đi được một đoạn dài, Bạch Vô Thường vẫn chìm trong hồi tưởng. Nàng liếc nhìn xuống đất, bất chợt ngẩn người ra: “Âm Ca! Giày của huynh đâu rồi?”.
“Ném chết lũ quỷ rồi”, Âm Ca buồn ngủ, ngáp: “Lúc sáng huynh qua cầu Nại Hà, bị lũ quỷ rút chân”.
“…”.
------------------------
(*) Âm Ca: Bài ca của cõi âm
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top