2.
Đồng hồ kêu lên tám tiếng đinh đong hệt như tiếng chuông nhà thờ. Tôi dắt chiếc xe đạp cổ màu hồng mua hồi năm học lớp năm ra từ trong nhà để xe. Lâu lắm rồi tôi mới được chở bà ngoại như thế. Bon bon trên con đường đất, băng qua cây cầu dài dài nối hai bờ con sông, sau mười phút, bà và tôi đã đến cửa hàng nội thất. Chọn đầy đủ nguyên vật liệu, hai bà cháu tôi cót két đạp xe về nhà.
-Ngoại ơi, còn lại giao cho con đi.
-Ừ. Nhớ sơn nhiều nhiều lớp nghe.
-Con nhớ rồi. Ngoại về nghỉ ngơi đi.
Thế là tôi bắt tay vào nâng cấp nhà kho, sau này sẽ trở thành nhà của tôi. Tôi lật đật đi tìm xô đựng, khuấy cái này, trộn cái kia, cân đo đong đếm sao cho ra màu đẹp nhất. Tôi cố làm thật tỉ mỉ để cho thật vừa ý mình. Quần quật suốt năm tiếng đồng hồ, đi lòng vòng khu vực năm mét vuông, cuối cùng tôi cũng đã xong nhiệm vụ "mặc áo mới" cho "ngôi nhà". Tôi còn phải đợi cho khô rồi mới có thể mang đồ đạc sang được.
Trong lúc chờ đợi, tôi ra ngoài đồng hóng gió. Một giờ chiều mùa thu. Trời hôm nay không có nắng. Rất dễ chịu. Đứng bên này đê, tôi thấy một dáng hình trông khá lạ lẫm đang ngồi xổm nhổ cà rốt. Tôi thấy hay hay, liền chạy sang xem thử. Càng đến gần, tôi càng chắc chắn người này trạc tuổi mình hoặc có thể lớn hơn vài ba tuổi. Để cho lịch sự, tôi hỏi:
-Anh ơi, cà rốt này có bán không, hay chỉ để dành ăn trong nhà thôi?
Người con trai ngước mặt lên nhìn tôi. Đôi mày anh nhíu lại, trông có vẻ bực dọc lắm. Rồi anh cắp thúng cà rốt, xăm xăm đi mất. Trong lòng tôi đầy nổi xốn xang. Rốt cục tôi đã nói gì sai sao? Chúng tôi cũng chỉ mới gặp lần đầu tiên...
Ngoại tôi bảo phải hai ngày nữa sơn mới hoàn toàn khô. Thế nên bây giờ tôi vẫn ngồi trong căn phòng nhà ngoại để xử lí hết đống bài tập còn tồn hai ngày nay và chuẩn bị cho ngày mai đi học tại trường mới. Tôi chỉ thật sự vui vẻ cho đến khi bài tập đã hoàn thành hết. Và đó là chuyện của bốn tiếng sau.
-Ngân Dương! Xuống ăn cơm tắm rửa đi con. Năm giờ rưỡi Nhuận Dương ghé qua đấy!
Tôi thu dọn hết sách vở trên bàn, vội chạy xuống phụ mẹ dọn mâm cơm.
-Cô chủ nhiệm vừa mới gọi. Con học lớp 11A1. Lớp chọn.
-Còn mẹ thì sao? Mai mẹ có bắt đầu đi dạy luôn chứ?
-Đúng rồi.
Rồi ông bà tôi vừa ăn cơm, vừa căn dặn hai mẹ con tôi đủ điều. Trước kia, chỗ làm của mẹ không ổn cho lắm. Mẹ tôi dường như bị đồng nghiệp gạt sang một bên. Cô độc và lầm lũi. Mỗi lần về đến nhà, gương mặt mẹ bao giờ cũng thoáng một nét buồn. Chưa bao giờ tôi thấy mình vô dụng như lúc đó. Tôi không thể làm gì để mẹ không phải chịu đựng sự ức hiếp bởi ai cũng cho rằng tôi còn là một học sinh. Tôi là một học sinh sao? Phải rồi...
Tôi hy vọng ngày mai, một cuộc sống mới tốt đẹp hơn sẽ chào đón mẹ. Và cả tôi nữa.
Hoàn thành xong công việc rửa bát, tôi nhanh chóng đi gột rửa bụi bẩn sau một ngày trở về năng suất. Tôi bật một bản nhạc jazz, vừa ngâm nga vừa cảm nhận làn nước mát dần dần làm sạch những vết bẩn, nói đúng hơn là những mỏi mệt từ công việc. Vừa bước ra từ cửa nhà tắm, tôi đã nghe thấy tiếng chuông xe đạp kính coong liên tục vọng vào từ ngoài sân. Mở cửa ra, tôi thấy một gương mặt lạ mà quen. Anh trai nhổ cà rốt vừa nãy đây mà? Ngoại và mẹ tôi cầm rổ rau từ ngoài vườn bước vào. Ngoại tôi xoa đầu anh trai, nói:
-Nhuận Dương qua rồi đó hả? Đi, dẫn bạn đi xem trường đi. Ngày mai nó học ở đó đấy.
Mẹ tôi vịn vai "anh trai", nhẹ nhàng bảo:
-Nhuận Dương ra dáng quá. Cao ráo, đẹp trai hơn hồi đó nhiều. Hôm nào rảnh sang nhà dì Hai ăn bữa cơm nhé.
Tôi ngơ ngác nhìn ngoại, nhìn mẹ, rồi nhìn "anh trai" trước mặt. Hoá ra đây không phải anh trai! Đây là đứa bạn hay nhõng nhẽo của tôi ngày trước. Nhuận Dương bây giờ khác quá. Chẳng trách tôi không thể nhận ra. Vậy cậu ấy có nhận ra tôi không? Chắc là không. Vì lúc tôi chào hỏi cậu ấy, cậu ấy đã phũ phàng như vậy mà. Nghĩ đến đây, mi tôi thoáng cụp xuống. Nhưng rồi tôi cũng nhớ lại nhiệm vụ chính: đi thăm trường.
-Cậu đợi một chút, tôi đi lấy xe.
Hai chiếc xe đạp một trắng một hồng, một sau một trước đi trên con đường đất. Chỉ cách một con sông nhưng tôi cảm giác hai bên bờ như hai mảng màu rõ rệt của một bức tranh. Thật tuyệt khi vùng đất nơi tôi sống vừa thích ứng với sự thay đổi chóng mặt của thế giới, vừa giữ nguyên nét mộc mạc nguyên thuần của làng quê ngày xưa. Sự bình dị đó không mang cảm giác lạc hậu. Các ông, các bà, các cô, các chú đều không phải những người xưa cổ hủ với những định kiến lỗi thời. Suốt dọc đường, tôi rất bất ngờ với hình ảnh người trong làng xóm cầm trong tay chiếc điện thoại thông minh quay lại những hoạt động sinh hoạt đời thường. Rồi một nhóm các ông bà cụ xếp hàng tập thể dục trên nền nhạc "See tình" của ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh! Những tiếng cười giòn giã theo gió, hoà cùng với tiếng rì rào của "ban nhạc" lá tre, lá trúc. Gió nổi lên rồi. Thấy gió, những ngọn cỏ, những bông hoa dại mọc ven đường không ngừng lay lắt chào đón. Gió như một đứa trẻ tóc quả đào trong câu chuyện cổ tích "Vương quốc vắng nụ cười". Tôi cũng yêu gió. Gió khẽ lướt qua làn da, mang lại một xúc cảm dễ chịu. Gió cũng nghịch ngợm lắm, thổi tung chiếc nón rộng vành trên đầu tôi... đến chỗ Nhuận Dương. Nhuận Dương lập tức dừng xe lại. Cậu ấy nhặt lấy chiếc nón từ dưới đất, phủi phủi. Nhuận Dương dùng hai tay đưa nón cho tôi, nhưng giữa chừng thì buông lỏng tay kia xuống.
-Nón.
Sau câu nói cụt ngủng đó của Nhuận Dương, chúng tôi không ai nói với ai câu nào nữa cho đến khi đến trước cổng trường.
-Để xe ở đây. Nhuận Dương mặt lạnh tanh bảo tôi.
Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào trường trong im lặng. Không ngờ sau hơn mười năm trở về, mối quan hệ của chúng tôi lại trở nên mờ nhạt như vậy. Cũng đúng thôi, gặp nhau lúc còn quá nhỏ dại, xa nhau lúc chưa biết nhớ nhung và trở về lúc cả hai đã chẳng còn ấn tượng gì về nhau nữa. Nhưng tôi vẫn muốn níu kéo tình bạn này, tình bạn mà đã có duyên nảy nở từ rất sớm và lại một lần nữa gặp nhau.
Đây là số phận, là duyên nợ, tôi muốn tránh điều đã được sắp đặt này, mặc dù tôi có thể nắm trong tay vận mệnh của mình và của cả Nhuận Dương...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top