1.
Tôi rời đi vào mùa thu và trở về cũng vào mùa thu, nhưng là mùa thu của mười một năm sau. Mùa thu năm nay lạnh lẽo hơn đôi chút. Có lẽ bởi cảm giác trước kia mơ hồ quá khiến tôi nghĩ rằng thời tiết trước đó ấm áp hơn. Lúc đó tôi còn nhỏ tuổi mà. Người ta khó lòng giữ trọn vẹn kí ức năm năm tuổi, đúng không?
Bên kia sông không còn là cánh đồng trải dài tít tắp nữa, mà là một khu dân cư sầm uất. Lúc mới bắt đầu khởi công, ông bà ngoại đã ngay lập tức quay số gọi khoe với mẹ. Trong điện thoại, tôi còn nghe tiếng của những người hàng xóm nhôn nhao: người chê tiếng máy móc ồn ào khó chịu, người khen tỉnh mình thoát nghèo thật rồi. Trên đường về, đi ngang qua, tôi tưởng mình dường như vẫn chưa rời Sài thành bởi cái vẻ hào nhoáng của các toà nhà, hàng quán khang trang, sáng sủa. Gần như khu vực này không thiếu những gì mà Sài thành có. Mặc dù vậy, tôi vẫn nhận thức rõ ràng mình đang ở quê nhà. Sài thành vốn dĩ không nhiều cây như thế, không khí không trong lành như thế và xe cộ cũng không tấp nập như ở Sài thành. Nhưng mùi rơm rạ mới gặt sau vụ Thu Đông ở đối diện mới đặc biệt khẳng định tôi đã về đến nhà rồi.
Thu, thu đến thật rồi. Cho đến nay, tôi mới cảm nhận rõ dáng vẻ mùa thu mà tôi đã từng đọc trong thơ, trong sách. Khởi hành từ xế chiều, gần sáng đến nơi, nhìn từ cửa sổ xe ô tô thấy đâu đâu cũng là sương. Sương mù mịt. Tôi còn thấy cả bước đi của sương, sương tràn từ bờ đê bên này sang bờ đê bên khác. Sương tà tà dưới đất, khiến tôi sinh ra ảo giác rằng những cây cột điện đang lơ lửng trên không. Mùa thu quê tôi không có lá vàng rụng. Nhìn kìa, cây hoàng yến trồng ven đường vẫn xanh tươi mơn mởn, giao hoà với những đoá hoa màu vàng. Tôi nghe bảo nước thu trong và tĩnh lặng, và quả thế thật. Người dân quê tôi dường như yêu dòng sông này lắm, bởi sao bao nhiêu năm đổi mới nước vẫn xanh xanh màu nền trời cao rộng. Sự yên ả của làn nước tạo thành một chiếc gương, thỉnh thoảng còn in lấy bóng mấy chú chim chao lượn trên từng không cùng những gợn mây trăng trắng, xam xám. Tôi sinh ra vào mùa xuân, nhưng sao tôi yêu mùa thu quá.
Vừa về đến nhà, tôi liền nhìn thấy hai bóng dáng quen thuộc. Bà ngoại tôi với đôi vai nghiêng nghiêng (không phải bẩm sinh mà chính là kết cục của một câu chuyện mà bà tôi kể), ông ngoại tôi với dáng vẻ khoan thai chắp hai tay ra sau lưng. Ông bà ra đón mẹ con tôi về đó. Xe vừa dừng, tôi ngay lập tức mở cửa ra, ôm lấy cổ ông bà ngoại. Hạnh phúc quá! Tôi đang ôm tuổi thơ của mình vào lòng, ôm trọn những kỉ niệm về lời hát ru và tiếng kèn con tu hú bằng đất.
-Con về rồi!
Tôi vừa tựa vào vai bà, vừa nói.
Đôi bàn tay thô ráp của ông, của bà vuốt ve tấm lưng tôi thay cho câu trả lời. Chừng vài giây sau, ông ngoại tôi bảo:
-Phụ mẹ xách đồ đạc vào nhà đi. Bà ngoại nấu xong đồ ăn sáng rồi đó. Mau vào ăn đi cho nóng.
Tôi chạy về phía cốp xe, kiểm tra xem vali nào nặng thì cố tranh về phía mình. Mẹ tôi chỉ đành bất lực ôm trong ngực cái ba lô đi học của tôi. Tôi khệ nệ mang đống đồ vào đến nhà chính rồi chất đó thành một đống. Có vậy thì mới trống tay mở cửa phòng ngủ được! Mẹ tôi cũng phụ giúp chuyển dần dần mấy cái vali và ba lô vào bên trong rồi để yên đấy. Việc quan trọng nhất bây giờ là vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng với ông bà.
Bữa sáng hôm nay có thịnh soạn hơn rất nhiều vì có mẹ con tôi về.
-Từ hôm qua là đã mua một đống đồ về rồi. Sáng nay ngoại con thức lúc ba rưỡi sáng nấu súp đấy. Hai con ăn đi.
-Sao mẹ không chờ con về phụ mẹ? Mẹ lớn tuổi rồi, nên nghỉ ngơi nhiều một chút.
-Thì mẹ già rồi, tới gần sáng là thức, không ngủ lại được.
-Con có mua tim sen sấy cho mẹ.
-Mua chi cho tốn kém. Mẹ ra ngoài ao hái ăn tươi, vừa đắng vừa ngọt.
Dừng một lút, chạm nhẹ cánh tay tôi, hỏi:
-Con làm xong thủ tục chuyển trường rồi đúng không? Chiều chiều kêu Nhuận Dương dẫn đi xem trường đi. Giờ này chắc nó đi học rồi.
Nghe đến tên Nhuận Dương, mắt tôi mở to hơn một chút. Nhuận Dương...
-Dạ, chắc năm giờ con sang tìm Nhuận Dương.
Nhuận Dương sao? Nhắc đến tên người con trai này là lòng tôi lại thấy ngập tràn gió xuân. Cậu trai sinh sau tôi hai tháng, là đứa bạn đồng trang lứa duy nhất trong xóm, còn lại là các anh chị lớn tuổi hơn, trưởng thành hơn. Hai chúng tôi như hai chị em ruột trong nhà vậy. Bát đũa, đồ dùng học tập, đồ chơi hai mẹ mua giống nhau, ngay cả trang phục cũng rất nhiều bộ trùng màu. Đến tuổi đi học, tôi với cậu ấy phải học khác lớp. Vào đến cổng trường, hai đứa nắm tay nhau rơm rớm nước mắt:
-Cậu học ở bên lớp đó phải ngoan nhé, không được khóc nhè, không được nhõng nhẽo, Ngân Dương không có ở bên cạnh dỗ cậu đâu. Tôi nói với giọng điệu của một người chị.
-Mình không khóc. Nhuận Dương không có khóc đâu. Ngân Dương mới khóc nhè đó!
Chắc bởi hai mẹ không chịu được cảnh tượng sướt mướt kéo dài ba bốn ngày như thế nên sau đó chúng tôi đã được chuyển vào chung một lớp.
-Ngân Dương nhớ mình nên mới chuyển qua học chung với mình đúng không? -Nhuận Dương hất hất mặt lên, môi chu ra nói với tôi.
-Mẹ mình xin đổi cho mình đó. Không phải mình đâu.
-Cậu nói dối!
Miệng tôi vừa nhai nhai bún, vừa cười tủm tim.
Xong bữa sáng. Ông ngoại tôi ra đồng. Bà ngoại, mẹ và tôi vào phòng sắp xếp đồ đạc.
-Ngoại ơi, sát nhà mình có nhà kho bỏ trống phải không ngoại? Ngoại sửa lại cho con ở đó được không ngoại?
Lúc nãy đi rửa rau, tôi thấy trong mảnh vườn nhà tôi có một căn nhà nho nhỏ. Trong kí ức tuổi thơ của thơ của tôi không tồn tại nó. Tôi tò mò bước vào. Không có gì cả! Bên trong cũng không tồn tại khí tức kì lạ nào, rất thích hợp để làm phòng ngủ.
Mẹ tôi có vẻ hơi hụt hẫng. Trước đây, ở căn nhà trên Sài thành, đêm nào tôi với mẹ cũng ngủ chung, cũng nằm tâm sự với nhau. Có lẽ mẹ đã quen có hơi tôi bên cạnh. Đó chẳng phải là một dấu hiệu của tình mẫu tử thiêng liêng sao? Giữa nơi đất khách quê nhà, chúng tôi không biết dựa vào ai cả. Chúng tôi cũng không dám đặt niềm tin vào bất kì ai. Mọi mối quan hệ dừng lại ở mức xã giao. Có lẽ vì thế mà viên pha lê mẫu tử của mẹ và tôi càng trong trẻo, lung linh và chói chang. Hơi ấm từ viên pha lê đó đủ để sưởi ấm trái tim một người phụ nữ ly hôn và một đứa con gái chỉ có mẹ đồng hành trong quá trình trưởng thành; ánh sáng từ nguồn năng lượng vĩnh cửu ấy đủ để bao bọc khắp gian nhà, khiến cho khoảng không gian ấy không hề trống trải. Vậy nên, nghe đề xuất này, mẹ tôi không khỏi có chút mủi lòng. Tôi cũng để ý đến điều đó, liền an ủi mẹ:
-Mẹ! Chủ nhật mỗi tuần con sang ngủ với mẹ nhé! Con lớn rồi. Con cũng muốn thử cuộc sống tự lập. Nhà kho cách có mấy bước thôi. Giờ nào ăn cơm là con chạy sang liền. Mẹ nhé?
-Ừ ừ. Mau mau đem đống sách này của con lên bàn đi. Nhà kho sửa xong rồi cho đi.
Tôi vui mừng hớn hở, ôm mẹ một cái rồi nhấc đống sách đặt mạnh lên bàn.
-Mới xây tức thời để chất mấy bao gạo mà nó đã chiếm luôn rồi. Thôi, để mai ngoại nhờ người ta đem sơn qua sơn cho con.
-Ngoại để con tự đi. Con làm được. Mà hôm nay đi mua sơn luôn nhé ngoại. Mai con đi học rồi.
-Ừ, lát ngoại dẫn đi mua. Đi theo lựa màu cho nó đúng ý.
-Cảm ơn ngoại!
Mẹ tôi tay vừa xếp quần áo, vừa nhìn tôi âu yếm.
Buổi sáng ngày thu trở về chính là hạnh phúc như thế.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top